Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn
UyenNhi05:
Trong 25 năm làm vua, Lê Hoàn tập trung vào việc xây dựng và củng cố đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Thống kê các sự kiện trong cuộc đời của ông thì có đến 40% các sự kiện liên quan đến vấn đề quân sự. Bản thân Lê Hoàn trước khi lên ngôi cũng đã là một người chỉ huy trong quân đội, đã lừng lập nhiều chiến công hiển hách.
Trong các hoạt động về quân sự của mình, bên cạnh việc xây dựng và củng cố quốc phòng (như tuyển lính, định luật lệnh. . . ) thì Lê Hoàn cũng phải dẹp trừ những cuộc nổi dậy từ bên trong và những cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Trong đó, ngay từ ban đầu, ông đã phải dẹp cuộc dấy binh của các đại thần là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp.
Ngay sau khi lên ngôi, Lê Đại Hành đã lãnh đạo toàn dân đánh thắng cuộc xâm lược của quan quân nhà Tống ở sông Bạch Đằng và sông Chi Lăng, giữ yên bờ cõi của quốc gia Đại Cồ Việt. Sau việc hai sứ thần người Việt bị bắt giữ, ông đã thân chinh xông pha trận mạc, đánh thắng quân của Chiêm Thành, một lần nữa nâng cao vị thế của quốc gia với các nước lân bang. ông cũng thân chinh đi dẹp yên các cuộc nổi dậy của các châu quận như Đỗ Động Giang, Hà Động. . . giữ được thế yên bình, ổn định trong đất nước.
Trong lĩnh vực ngoại giao, nhà Tiền Lê rất quan tâm đến hoạt động bang giao với nhà Tống. Thái độ của ông trong quan hệ ngoại giao với nhà Tống thường là khôn khéo, mềm dẻo. Sau khi đẩy lui được cuộc xâm lăng của quân Tống, vua Lê Hoàn đã chủ động sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống Các lễ vật dâng cống là những đồ báu, như khí mãnh bằng vàng, bằng bạc, sừng tê, ngà voi (1) để tỏ rõ thái độ hiếu hoà của quốc gia Đại Cồ Việt.
Các số liệu cũng cho thấy mối quan hệ bang giao khá mật thiết giữa nhà Tiền Lê với nhà Tống (khoảng 2 năm lại thăm viếng, phong danh hiệu một lần). Nếu như các triều đại trước (Ngô, Đinh), hoạt động bang giao với đế chế phương Bắc chỉ mang tính chất đặt cơ sở, nền tảng thì đến giai đoạn này, mối quan hệ ấy đã phát triển hơn lên một bậc.
Một phần không nhỏ trong các hoạt động, chính sách của Lê Hoàn dành cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống Nhà nước (như lập hoàng hậu, phong tước cho hoàng thái tử, hoàng tử, đổi mười đạo trong nước ra làm lộ, phủ, châu. . . ), quan târn phát triển kinh tế (đào mới và vét kênh, đúc tiền. . . ).
Tuy những thay đổi về diện mạo vật chất cũng như văn hoá, xã hội chưa thực nổi bật, vĩ đại song những đóng góp của Lê Hoàn thực là không nhỏ. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Lê Hoàn vẫn xứng đáng là một vị vua sáng, người đã giữ vững được nền độc lập tự chủ của quốc gia cũng như đã ổn định và phát triển đất nước trong hơn hai thập kỷ.
Nhìn nhận về Lê Hoàn nói riêng cũng như về nhà Tiền Lê nói chung đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy vậy, nếu gạt bỏ những chi tiết về các mối quan hệ mang tính chất riêng tư, hướng một cái nhìn công tâm vào lịch sử thì những đóng góp của vị vua khai nghiệp nhà Tiền Lê trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, xã hội cũng như vị thế của nhà Tiền Lê trong lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận.
_________________________
(1) An Nam chí lược, tr. 228.
UyenNhi05:
Phần hai
SỰ NGHIỆP CHỐNG NGOẠI XÂM, BẢO VỆ NỀN ĐỘC LẬP DÂN TỘC
BÀN THÊM VỀ SỰ NGHIỆP CỨU NƯỚC VÀ HẬU DUỆ CỦA LÊ HOÀN
PGS. TS. Trần Bá Chí
PGS.TS Sử học. Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV. Đại học quốc gia Hà Nội
1. Về sự nghiệp cứu nước của Lê Hoàn
Theo Ngọc phả ba Vị thành hoàng triều Tiền Lê thì Lê Hoàn, nguồn gốc ở xã Trường Yên thuộc động Hoa Lư nước Đại Cồ Việt Đời. Ông nội Lê Hoàn là cụ Lê Lộc cưới vợ người cùng xã là bà Cao Thị Thương, sinh được một con trai, đặt tên là Lê Hiền. Rồi cả nhà gặp vào những năm túng thiếu, thường xuyên mất mùa, sống rất kham khổ, nạn trộm cướp xảy ra luôn. Ông Lê Lộc tự than phiền: “Nghèo đến thế này, lại gặp buổi loạn ly, biết lấy gì tồn tại được nơi đây? Chẳng bằng đi tìm đất khác lương thiện yên ổn mà giữ lấy thân còn hơn”.
Thế rồi ông đem vợ con, gom góp gia tài, tìm đến xã Bảo Thái huyện Thanh Liêm (phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam). Đến đây thấy địa thế là nơi sơn thuỷ hữu tình, cuộc sống dân làng cũng tạm no đủ, sinh hoạt thuần phác, có thể an cư được. Thế rồi ông tìm vào làng, có lời thưa với các cụ phụ lão xin được cư trú, được các già làng vui vẻ cho ở. Ông bèn dựng một ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi. Làm nơi đánh cá để kiếm sống (1).
Một hôm mưa to gió lớn, ông Lộc đang đặt đó ở nơi dòng nước xiết, bị một con hổ “sơn trưởng” cắn chết. Con ông Lộc là Lê Hiền vô cùng thương xót bố, sụt sùi than khóc, tìm cách tống táng bố cho trọn đạo hiếu. Sau ba năm mãn tang, Lê Hiền xin trở về quê cũ là xã Trường Yên, rồi lấy vợ người trong làng là bà Đặng Thị Khiết.
Vợ chồng chăm lo làm ăn, gắn bó với cảnh làng quê, một nắng hai sương, chịu đựng vất vả. Nhân dân trong làng ai cũng mến mộ, đã có lời ca ngợi rằng: “Nhà này ăn ở có nhân có đức, ắt sẽ gặp được phúc lành”. Đến ngày Đinh Tỵ, tháng 7 năm Tân Sửu ( 10/8/941 ) bà Đặng Thị sinh được một trai, đặt tên là Lê Hoàn.
Khi Lê Hoàn lên 7 tuổi thì gia đình gặp phiên bất hạnh: ông Lê Hiền mất, rồi bà Đặng Thị cũng mất. Nhờ anh em xóm giềng giúp đỡ, Lê Hoàn mới lo lắng xong việc tang ma, gia đường hương hoả. Nhưng cũng từ đó gia đình khánh kiệt, Hoàn phải làm con nuôi cho ông quan sát người cùng họ Lê, ông làm quan ở tận huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Đến năm Lê Hoàn 10 tuổi, được quan sát họ Lê mời thầy dạy văn dạy võ, Lê Hoàn thông minh sáng dạ, học môn gì cũng giỏi, được bạn bè khâm phục kính nhường. Một đêm đông trời rét, Hoàn tập võ đến khuya, chân tay mỏi mệt, rồi nằm xuống ngủ say. Cha nuôi hé cửa nhìn, thấy Hoàn đang ngủ, mà ánh sáng như con rồng vàng nằm phủ trên lưng, mừng thầm có được đứa con sức khoẻ phi thường, ông càng yêu quý. Rồi ông mua cho con đủ thứ dụng cụ đánh võ như côn, quyền, khiên, mộc, dao, roi... (2)
Năm Hoàn 1 6 tuổi (957), Hoàn xin cha nuôi (quan sát họ Lê) cho phép về thăm mộ ông nội ở xã Bảo Thái huyện Thanh Liêm. Đến đây lại được dân xã yêu nết trọng tài, mời Hoàn ở lại dạy võ cho lớp trai trẻ. Đến đây được nghe tin Đinh Bộ Lĩnh đem quân dẹp loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn về Hoa Lư xin theo. Lê Hoàn liền được nhập quân ngũ nhà Đinh.
_______________________
(1) Tạp chí Hán Nôm, số 5/2004, trg. 74-76.
(2) Ngô Sĩ Liên các sử thần triều Lê : Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, T.1, trg. 220.
UyenNhi05:
Từ ngày tham gia nghĩa quân họ Đinh, Lê Hoàn góp phần huấn luyện, giảng dạy binh pháp, tổ chức sĩ tốt, xây dựng lực lượng hùng hậu để dẹp loạn. Đến ngày ra quân, Đinh Bộ Lĩnh giao Lê Hoàn chỉ huy 2.000 quân thiện chiến, cùng Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó... Đến năm 967 thì cục diện cát cứ của các sứ quân đều bị tiêu tan.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tổ chức triều đình, Lê Hoàn được phong đến Thập đạo tướng quân, chức cao nhất ngành võ thời bấy giờ. Ngót 10 năm củng cố hoà bình, Lê Hoàn đã tổ chức xây dựng cho quốc gia độc lập Đại Cồ Việt một đội quân hùng mạnh để về sau đủ sức phá Tống bảo vệ Tổ quốc.
Triều đại nhà Đinh đến những năm cuối (979-980) suy yếu rõ rệt. Các triều thần sinh tệ bè phái, nội bộ hoàng gia lục đục mâu thuẫn, Nam Việt vương Đinh Liễn nhẫn tâm giết chết em, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn lại bị tên Đỗ Thích làm phản đầu độc... Bên ngoài thì quân Tống lăm le xâm phạm, vận mệnh đất nước lúc này chẳng khác “ngàn cân treo sợi tóc”...
Trong cơn chao đảo nguy nan của đất nước, mọi người thấy rõ chỉ có Lê Hoàn là người kiệt hiệt yêu nước, là người đủ tài năng để xoay chuyển tình thế. Nên khoảng tháng 7 năm Canh Thìn (8/980), Đại tướng Phạm Cự Lượng cùng ba quân suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, Thái hậu Dương Vân Nga thấy văn võ ba quân đã thuận tình, liền dâng áo hoàng bào khuyến khích Lê Hoàn đảm đương đại sự, thay thế cho con mình còn nhỏ dại.
Lê Hoàn lên ngôi, ngoài cử sứ đoàn sang Tống hoãn binh; mặt trong huy động quân dân khẩn cấp bố phòng, lập đồn luỹ, chứa lương thảo, rèn vũ khí, tuyển thêm quân, quyết tâm kháng chiến giữ nước.
Toàn thư chép: Tân Tỵ, Thiên Phúc năm thứ hai (981 ): mùa xuân tháng 3, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng (1).
Khi chiến sự nổ ra, Lê Hoàn là hoàng đế thân chinh, tự làm tướng chỉ huy xông pha trận mạc. Với tài thao lược hơn 20 năm cầm quân, Lê Hoàn đã đánh thắng quân Tống ở các trận lớn: trận Đồ Lỗ (sông Lục Đầu) vào cuối năm Canh Thìn (7/2/981 ), trận Lục Giang giữa mùa xuân Tân Tỵ, trận quyết chiến chiến lược giết chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo giữa sông Bạch Đằng ngày 28/4/981 để kết thúc chiến tranh.
Trong kế hoạch ngăn chặn quân Tống tiến công vào Hoa Lư thì công trình đắp thành Bình Lỗ đã có hiệu quả lớn, về sau được nhà quân sự Trần Quốc Tuấn ngợi khen. đánh giá cao (2).
______________________
(1) Đại Việt sử ký Toàn thư. Sđd, trg. 220
Sách Toàn thư đoạn này chép sai lầm nhiều. Có lẽ đến thời này sách cũ đã nát hỏng quá: nên đoạn chép về Lê Hoàn chống Tống không đúng về tình hình địa lý?. Căn cứ các sách địa lý Trung Hoa đời Hán. Đường. Tống thì chỉ từ năm 1020 về sau. người Trung Hoa mới qua lại nước Đại Việt bằng con đường Quảng Châu qua ải Nam Quan. qua ải núi Kháo tỉnh Lạng Sơn. rồi qua ải Chi Lăng, qua Ái Cần Trạm để đến Gia Quất vào làng Thăng Long. Đường sứ bộ này do Lý Công Uẩn mới mở vào năm Canh Thân 1020 để thông sứ với Trung Hoa gần hơn, dễ đi hơn so với đường cũ. Đường sứ bộ cũ trước năm 1020 phải đi qua các huyện Đông Triều, Tiên Yên. vượt Quỷ tôn Quan thuộc huyện Bặc Lưu nước Trung Hoa. Đường này đã xa hơn lài nhiều nguy hiểm. Các sứ đoàn Trung Hoa đã kêu lên với triều đình họ: “quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, cửu bất hoàn”. Mã Viện thời Hán, Lưu Phương đời Tuỳ và Đinh, Lê nước Đại Cồ Việt đều phải thông sứ bằng tuyến đường vất vả nguy hiểm này”
Xem Hán thư. Địa lý chí, Đường thư, Địa lý chí: Tống thư. Địa lý chí.
Xem Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến nông Tống lần thứ nhât. trg. 108.109. 117. 118.
Văn Tân: Tạp chí NCLS. số 93 (12/1996)
(2) Đại việt sử ký toàn thư. sđd. T.2. trg. 79-85.
UyenNhi05:
Lê Văn Hưu (1230- 1322) viết: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên. So với công lao đánh dẹp đó, người thời Hán thời Đường cũng không hơn được. . .”
Sở dĩ cuộc kháng chiến năm 980-981 thắng lợi trọn vẹn vì Lê Hoàn đã tận dụng được lợi thế địa hình hiểm trở của nước ta, bố phòng hợp lý khiến cho quân Tống không dùng được kế đánh nhanh thắng nhanh như tiếng sấm. Lê Hoàn lại thực thi có hiệu quả thuật công tâm và kế trá hàng, mà các tướng Tống không lường trước được.
Sau chiến thắng quân Tống thắng lợi, sử thần Ngô Sĩ Liên ca ngợi rằng: “Vua đánh đâu được đấy... đánh lui quân Tống để đập tan mưu đồ xâm lược của họ, có thể gọi là anh hùng nhất thời ấy vậy”.
Sau bao năm trị vì, Lê Đai Hành mất ngày Giáp Dần, tức ngày mồng 8 tháng 3 năm Ấyt Tỵ ( 17/4/905 ) hưởng thọ 63 tuổi an táng tại sơn lăng Trường Yên. Kế vị vua là các con Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, cùng anh em chia trì đất nước.
2. Về hậu duệ Lê Hoàn
Lê Hoàn sinh được 11 người con trai: 1 . Lê Thâu, 2. Lê Ngân Tích, 3. Lê Việt, 4. Lê Đinh, 5. Lê Ngận, 6. Lê Đĩnh, 7. Lê Tung, 8. Lê Tương, 9. Lê Kính, 10. Lê Mang, 11 . Lê Đề.
Mỗi người con đều được vua cha phong đất trấn trị. Đến thời cuối Lý đầu Trần, ta mới bắt gặp nhân vật Lê Khâm. Còn suốt chặng đường từ Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) đến Lý Chiêu Hoàng chưa rõ cảnh sinh hoạt của các con của Lê Đại Hành sinh sống như thế nào?.
Theo Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký thì Khâm là ông nội Trần Bình Trọng. Lê Khâm đã có công giúp Trần Thừa và Trần Thủ Độ đánh dẹp Nguyễn Nộn đem lại ngôi báu cho họ Trần, được Trần Thái Tông phong tước Khuông quốc thượng tướng quân, thượng vị hầu. Sau đó ông ông cáo quan về già. Hai tài liệu trên không nói rõ Lê Khâm là cháu mấy đời của Lê Đại Hành.
Con trai Lê Khâm là Lê Tần (tên tự là Lê Kính). Lê Tần có tài thao lược, có công giúp vua Trần chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Mùa đông năm Đinh Tỵ (1257) Lê Tần cùng Trần Thái Tông đến đất Bình Lệ đánh giặc Nguyên. Giặc tràn vào nhiều, uy hiếp mạnh; quân sĩ ta nao núng, bị đẩy lùi dần, chỉ một tay Lê Tần không ngừng xông pha tên đạn, sắc mặt luôn tỏ ra can đảm. Lê Tần đã phát hiện ra âm mưu bao vây của địch, đề ra chủ trương rút lui để bảo toàn lực lượng.
Sau trận Bình Lệ, vua Trần kéo đại quân về mạn sông Lô, giặc đuổi bám theo bắn tới tấp. Lê Tần có công bảo vệ được vua và đốc suất quân về đóng ở sông Thiên Mạc. Vua Trần thường cùng Lê Tần bàn những điều cơ mật để chống giặc. Đến ngày giặc Nguyên thua, Lê Tần cùng Hà Bổng được vua thưởng công. Lê Tần được vua phong tước hầu, cho quốc tính họ Trần và gả công cho công chúa Chiêu Thánh họ Lý, lại tăng chức cho Lê Tần từ Ngự sử trung tướng tam ty viện sự lên chức Ngự sử đại phu.
Sách An Nam chí lược, quyển XV, phần Nhân vật lại ghi rõ thêm: “Lê Tần người Ái Châu, được phong tước Bảo Văn hầu, giữ chức Nhập nội phán thử’ (1).
________________________
(1) Lê Tắc: An Nam chí lược. bản chữ Hán.
UyenNhi05:
Đến triều Trần Thánh Tông, Lê Tần nhận chức Thuỷ quân đại tướng quân. Đến lúc tuổi già, vua Trần mời Lê Tần vào cung giữ chức “Sư cung giáo thụ” dạy cho hoàng tử. Sau khi Lê Tần mất, được truy phong chức Thiếu sư (1).
Người xưa tôn xưng Lê Tần cái tên Lê Phụ Trần nhằm biểu dương ông có công lớn giúp vua Trần trong những trận nguy khốn chống giặc Nguyên Mông.
Ca ngợi chiến công quả cảm này của ông, sách Cuộc kháng chiến chống qnân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm đã viết như sau: “...Vua Trần đến bến Lãnh Mỹ thì xuống thuyền. Quân Mông Cổ đuổi đến nơi, đứng trên bờ bắn loạn xạ. Lê Tần đã lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thuyền quân ta xuôi về Phù Lỗ. Như vậy là âm mưu cướp thuyền, bắt sống vua tôi nhà Trần của Uryangkhađai đã hoàn toàn thất bại” (2).
Sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lê Phụ Trần đã lớn lao hiển hách, xứng đáng là hậu duệ của Đại Hành hoàng đế. Về Chiêu Thánh họ Lý, tức Lý Chiêu Hoàng thì đã mất vào tháng 3 năm Mậu Dần ( 1278 ) đời Trần Thái Tông, thọ 61 tuổi. Toàn thư chép: “Chiêu Thánh Lý thị lấy Lê Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là Thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thuỵ công chúa Khuê” (3).
Rất có thể Tông cũng là Trần Bình Trọng vì Cổ Mai bi ký và ngọc phả chép: “Trần Bình Trọng là con Lê Kính, tức Lê Tần”, không ghi thêm con trai nào khác. Nếu quả vậy, thì Trần Bình Trọng là kết tinh tình cảm của gái họ Lý trai họ Lê hun đúc nên. Cuộc tình duyên giữa Lý Chiêu Hoàng và Lê Phụ Trần có ý nghĩa sum họp, vì đã bù đắp cho những ngày có sự chia lìa giữa hai họ.
Toàn thư, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế chép: “Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông, nên đã được cho quốc tính là họ Trần”.
Suy đoán theo tài liệu hiện có, thì Trần Bình Trọng là con Lê Tần, tức Lê Phụ Trần, Bình Trọng ra đời năm Kỷ Mùi (1259), năm mà Lý Chiêu Hoàng đã 42 tuổi, mới được vua gả lại cho Lê Phụ Trần được một năm. Sở dĩ nêu lại vấn đề này, là vì đã có người nhầm lẫn sử liệu, tưởng Lê Phụ Trần là Trần Bình Trọng, hoặc nhầm Chiêu Thánh công chúa và Thuỵ Bảo công chúa là một. (Xem Thiên Nam ngữ lục và Tạp chí Tri tân số 107 và 108).
Về Chiêu Thánh công chúa tức Lý Chiêu Hoàng thì mọi tài liệu đã chép rõ. Còn Thuỵ Bảo là ai thì nên xem lại các đoạn sử đã chép về Chiêu Văn vương Trần Nhật Quật, vì Nhật Quật là anh ruột công chúa Thuỵ Bảo.
Toàn thư chép: “Vua cho Lê Phụ Trần chức Ngự sử đại phu, đem công chúa Chiêu Thánh gả cho và vua nói rằng:
Trẫm không có khanh thì làm gì có được ngày nay...”. Đó là việc xảy ra năm Nhâm Ngọ (1258).
Nếu Lê Phụ Trần chỉ lấy Lý Chiêu Thánh thôi như sử chép và chỉ có một con trai thôi, thì Trần Bình Trọng là con Lý Chiêu Hoàng (sau đổi Chiêu Thánh). Chiêu Hoàng lấy Phụ Trần một năm thì sinh Trần Bình Trọng, Bình Trọng có mấy con trai không rõ. Cổ Mai bi ký, Lê Trần miêu duệ chỉ chép: Trần Bình Trọng sinh Trần Bình Nguyên”.
_______________________________
(1) Đại Việt sử ký toàn như. sđd. T. 1 trg. 28-29
(2) Hà Văn Tấn. Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Nxb. KHXH, H.1970. trg. 261-262
(3) Đại việt sử ký toàn thư. sđd, T.2. trg. 29. 54.
Navigation
[0] Message Index
[#] Next page
[*] Previous page