Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (14/39) > >>

UyenNhi05:


UyenNhi05:


UyenNhi05:


UyenNhi05:


UyenNhi05:
3. Những nhận xét ban đầu:

Lê Hoàn bắt đầu được ghi tên vào chính sử từ sự kiện năm 971, Đinh Tiên Hoàng quy định cấp bậc văn võ, lấy Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân (1). Sử sách không chép nhiều về ông trong giai đoạn đầu tiên này, mà chỉ vắn tắt rằng từ khi còn là một viên tướng trong quân đội nhà Đinh, Lê Hoàn đã lập nhiều công lao khi Đinh Tiên Hoàng tiến hành công cuộc bình định 12 sứ quân.

Chính nhờ những công lao này mà ông đã được thăng đến chức Thập đạo tướng quân, người đứng đầu, điều hành quân đội của cả nước. Mặc dù sử sách không ghi chép cụ thể song chắc chắn trong giai đoạn này, Lê Hoàn dần từng bước tập trung quyền lực và trở thành một trong những vị quan đầu triều của nhà Đinh.

Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết chết. Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua.  Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó vương... (2). Việc Lê Hoàn làm nhiếp chính cũng được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, bản thân Lê Hoàn đã tự chứng tỏ, khẳng định mình là người có năng lực.

Trong thời kỳ là Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn cũng đã dần từng bước thâu tóm quyền lực vào trong tay. Khi đất nước rơi vào tình trạng “không vua” và sau đó là “vua nhỏ”, vai trò của ông nổi lên đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, theo ghi chép trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì việc Lê Hoàn nhiếp chính không hoàn toàn do vai trò vị thế của Lê Hoàn đối với quốc gia Đại Cồ Việt mà còn do mối quan hệ riêng tư với Thái hậu Dương Vân Nga. Theo đó thì, nhà vua nối ngôi, mới lên sáu buổi. Bọn Nguyễn Bặc đều là đại thần phụ chính, còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền, tự do ra vào nơi cung cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn quyền tạm làm công việc thay vua như Chu Công khi trước. Lê Hoàn cậy có Thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ chi cả (3).

Lợi dụng tình hình quốc gia Đại Cồ Việt có nhiều biến đổi, chưa ổn định, vua Tống đưa quân sang xâm lược nước ta.  Trước tình thế đó, quân tướng nhất loạt tôn xưng Lê Hoàn lên làm hoàng đế. Nhìn nhận về sự kiện này cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Về mặt tâm linh, từ năm 974 (trước khi Lê Hoàn lên ngôi 6 năm), trong dân gian đã có câu sấm rằng: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, Đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiến, kế đô nhị thập thiên” (4).

Tuy nhiên, cắt nghĩa câu sấm chú, người ta nhận thấy đây là một “câu sấm” do người đời sau sáng tác ra để minh giải cho việc lên ngôi của Lê Hoàn cũng như của Lý Công Uẩn trong giai đoạn sau. Bên cạnh đó, nhiều sử gia phong kiến cho rằng việc lên ngôi của Lê Hoàn hoàn toàn do yêu cầu cấp bách của tình thế lúc bấy giờ (nhằm thu hút toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Tống) và việc làm của Dương Thái hậu là hoàn toàn thuận với lẽ trời.

Tuy nhiên, không ít sử gia phong kiến lên án mạnh mẽ việc Thái hậu “nhường” quyền cho Lê Hoàn và cho rằng đó hoàn toàn là do “tư tình” của hai người.  Đặc biệt sau đó, Lê Hoàn công khai lập Dương Thái hậu làm Đại Thắng Minh hoàng hậu càng như một minh chứng “kết án” cho mối quan hệ riêng tư của hai nhân vật này. Ngoài ra, trong sách An Nam chí lược lại chép rằng: Lê Hoàn chuyên quyền, hiếp dời Truyền (tức là Vệ vương Đinh Toàn - TG) ở một gian riêng, bắt giam cả họ và thay thế quản lãnh binh quyền (5).

Như vậy, ở đây, Lê Hoàn lên ngôi chẳng phải do được thần linh phù trợ, cũng chẳng vì uy tín của ông trong triều đình, lại cũng không thấy nhắc gì đến Dương Thái hậu . . . mà hoàn toàn là “âm mưu, kế hoạch” riêng của ông. Dù vậy, sử sách vẫn ghi nhận vào năm 980 Lê Hoàn lên ngôi, lập ra thời kỳ nhà Tiền Lê trong lịch sử.


_____________________________
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, T1 . tr. 212.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, T1 . tr. 214.215
(3) Khâm định Việt sử thông giám cương mục: T1: tr. 244.  
(4) Đại Việt sử ký toàn thư T1. tr. 214.  
(5) An Nam chí lược. tr. 228.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page