Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (34/39) > >>

UyenNhi05:
- Truyền thuyết về việc xây dựng đền Sóc Thiên Vương ở Vệ Linh (Sóc Sơn) và Hồ Tây (1).

Những thông tin còn mang ít nhiều yếu tố hoang đường, thần thoại từ tư liệu dân gian chắc chắn chưa thể nào thể hiện được đầy đủ những dấu ấn của thời kỳ Tiền Lê ở Hà Nội. Tuy nhiên, với các tư liệu hiện có cũng cho chúng ta những hiểu biết bước đầu về khu vực Đại La trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân Đại Cồ Việt vào nửa cuối thế kỷ X.

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các dấu tích của thời Tiền Lê ở Hà Nội đều có liên quan (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp) đến Lê Hoàn và cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (8/10 di tích). Riêng số di tích thờ Lê Hoàn ở Hà Nội thời kỳ này đã chiếm 3 trên tổng số 35 di tích trong cả nước (2). Điều đó thể hiện tương đối rõ nét dấu ấn về Lê Hoàn và cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất ở đây.
 
Nếu quan sát các di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống Tống năm 980-981 ở Hà Nội trên bản đồ thì chúng ta có thể nhận ra các di tích này nằm dọc theo hai bên bờ sông Nhuệ (Tả Thanh Oai, Hữu Thanh Oai, Hữu Từ, Hữu Trung, Phú Diễn) và sông Tô Lịch (Tứ Liên, Trung Nha). 

Thông tin từ các thần tích và các dấu tích của Lê Hoàn tại khu vực Hà Nội cho biết các tuyến sông kể trên có thể là một phần trên con đường hành quân của Lê Hoàn từ Hoa Lư lên Đại La và khu vực phía Bắc vào mùa đông năm 980. Đây cũng chính là tuyến đường mà Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào năm 1010 .

Bản ngọc phả của đình Hoa Xá (Tả Thanh Oai) do Hàn lâm Lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm đầu niên hiệu Hồng Phúc (1572) đời vua Lê Anh Tông ghi:

“bấy giờ vua Lê Đại Hành thường theo đường sông Nhuệ tiến lên phía Bắc. Dân các ấp dọc hai bờ sông đều theo giúp nhà vua”. Cuốn Phú Diễn Lê đế ngọc phả hiện được lưu giữ trong đình Phú Diễn cũng ghi chép tỉ mỉ sự kiện vua Lê Đại Hành trên đường hành quân lên phía Bắc đánh giặc Tống đã dừng chân lại ở khu vực của làng.

Theo lời kể của nhân dân địa phương ở Hữu Thanh Oai (Hữu Châu) cho biết trên đường từ kinh đô Hoa Lư đi đánh giặc phương Bắc năm đó, khi qua đất Hữu Châu vua cho quân dừng lại trên một gò đất hình con quy ở xứ Đồng Gạch tục gọi là Rừng Mơ để nghỉ ngơi. Được tin, nhân dân địa phương đã ra chúc tụng dâng tiệc chay để vua dùng, xin duệ hiệu và cắn hướng đình để sau này thờ cúng.

Hiện nay, tại khu vực các làng Tả Thanh Oai, Hữu Thanh Oai, Hữu Từ, Phú Diễn còn lưu lại nhiều dấu tích gắn liền với dấu ấn của Lê Hoàn. Cánh đồng kiệu là nơi vua hạ kiệu, có gò dui trống là nơi quân lính của nhà vua luyện tập; hoặc ở Hữu Từ có các địa điểm như võng đòn cong, gò hình nhân bái tướng, gò voi phục, gò long mã, thuyền rồng, ân Tiền, ấn Hậu . . .


____________________________
(1) Lĩnh Nam chích quái thuật lại chuyện thời Lê Đại Hành, Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu thường xuyên liên lạc với làng Bình Lỗ (còn gọi là Vệ Linh Sơn). Đêm nằm mơ thấy thần nhân. thái sư bèn thân vào núi lấy gỗ tạc tượng để thờ cúng. Năm Thiên Phúc thứ 1, quân Tống vào ăn cướp, quân ta sai quân tới đền cầu khẩn Khi ấy quân Tống đóng ở thôn Tây Kết, hai bên chưa giao chiến. quân Tống trông thấy đã kinh hãi lụt về giữ Đại Giang, gặp lúc sóng nổi cuồn cuộn. giao long nổi lên mặt nước, quân giặc tan vỡ. Vua cảm thấy sự anh linh của thần bèn xây thêm miếu võ, phong làm Sóc Thiên Vương để trấn phương Bắc... Tới triều Lý. để tiện thờ cúng, mới xây đền vũ ở phía đông Tây Hồ để trấn phương Bắc, lại tôn làm phúc thần: nay là phường Nhật Tân Tây Hồ Tây.
(2) Theo thống kê trong Thư mục thần tích thần sắc của Viện Thông tin KHXH: Xem thêm tham luận của Ngô Vũ Hải Hằng “Hệ thống di tích thờ Lê Hoàn ở Việt Nam”.

UyenNhi05:
Hàng loạt các địa danh với mức độ xuất hiện tập trung khá cao ở đây phần nào phản ánh hoại động của Lê Đại Hành trên đất Tống Bình - Đại La năm xưa.

Truyền thuyết của nhân dân làng Tứ Liên (Tây Hồ) kể lại rằng “Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành) trước khi tiến đánh quân Tống xâm lược, có đi thuyền đi qua Xuyên Bảo trang và qua mộ bà Chén bỗng nằm mộng thấy một người con gái đến xin âm phù để cứu nước”. (1)

Vào cuối thế kỷ X, khu vực Đại La đã trở thành một vị trí quan trọng trên con đường hành quân của Lê Hoàn; nơi án ngữ con đường giao thông huyết mạch nối liền đại bản doanh của Lê Hoàn trong kháng chiến chống Tống ở An Lạc (Chí Linh, Hải Dương) và Thường Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) với Hoa Lư qua hệ thống các sông: sông Đáy- sông Nhuệ - sông Thiên Phù - sông Sống ra vùng Lục Đầu Giang và lưu vực sông Bạch Đằng. Truyền thuyết dân gian cũng như các ghi chép trong các thần phả cho chúng ta biết xưa kia nơi đây đã từng tồn tại một hệ thống đồn luỹ mà làng Trung Nha (Nghĩa Đô) đóng vai trò là trung tâm.

Nghĩa Đô ở vào điểm yết hầu của các mạch sông thời cổ xuyên qua thành Đại La. Đó là sông Tô Lịch chưa bị lấp Giang Khẩu, là sông Già La (sau gọi là sông Thiên Phù) nối sông Tô Lịch ở Nghĩa Đô rồi chảy theo hướng tây Bắc ra gặp sông Hồng, ỉa sông Nhuệ Giang chưa bị cụt đầu ở đầm Tây Tựu mà còn cửa sông thông với sông Hồng ở cửa Hàm Rồng thuộc làng Hạ Mộc, Đan Phượng, Hà Tây. Trong hệ thống sông đó, sông Thiên Phù là quan trọng nhất, nó là đầu mối thông ra sông Hồng, sang sông Đống, sông Lục Đầu, tiếp sông Kinh Thầy tới sông Bạch Đằng.

Ngọc phả thành hoàng làng Trung Nha cho biết: chỉ huy đồn Nghĩa Đô là tướng Trần Công Tích quê ở trang Đồng Lục, Khoái Châu. Vua sai ông đem 500 cấm quân của triều đình từ Hoa Lư và tuyển thêm trai tráng các nơi. Tương truyền sở chỉ huy của tướng Trần Công Tích ở khu vực đền thờ thành hoàng làng hiện nay.

Cùng với trại Phù Lan ở khu vực sông Lục Đầu, Nghĩa Đô đã trở thành chốt chặn cuối cùng cho toàn bộ khu vực Đại La. Theo ước lượng của Trần Bá Chí qua các thần tích thì chỉ riêng số quân trấn giữ khu vực Loa Thành - Đại La là khoảng 1 vạn người. Con số này có thể chưa chính xác song nó cũng phản ánh phần nào vị thế đặc biệt của khu vực Đại La trong thế trận được xây dựng để đối phó với quân thù. 

Tháng 2 năm 981, sau khi phát hiện quân ta đắp thành Bình Lỗ ở khu vực hạ lưu sông Hồng, ngăn chặn con đường tiến vào Hoa Lư; lại vừa có lợi thế sau mấy chiến thắng ở Bạch Đằng và Hoa Bộ, Bộ chỉ huy quân Tống đã quyết định thay đổi ý đồ chiến lược. Thay vì phối hợp hai lực lượng thuỷ bộ dọc theo sông Kinh Thầy, Hầu Nhân Bảo quyết định mở một cuộc tiến công vào vùng Lục Đầu, theo sông Đống mở đường đánh chiếm Đại La, rồi từ đó làm bàn đạp tấn công Hoa Lư nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Đại La trở thành mục tiêu chính của cả ta và địch vào năm 981 bởi với ta đây cũng là địa bàn có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, trận đánh này có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ cuộc kháng chiến.

Các nguồn tư liệu dân gian như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam ngữ lục đều mô tả trận chiến diễn ra hết sức quyết liệt Quân Tống đã tấn công nhiều lần, nhằm mở đường vượt sông Đống, đột nhập vào Đại La nhưng đều bị quân ta đánh chặn kịch liệt, buộc chúng phải rút lui ra khu vực sông Bạch Đằng. Chiến thắng tại khu vực sông Đống và Đại La đã tạo ra bước ngoặt đầu tiên của cuộc chiến tranh, là động lực góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Đại Cồ Việt đến thắng lợi hoàn toàn.

Không chỉ được biết tới như là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, các truyền thuyết dân gian ở khu vực Hà Nội cũng phản ánh việc Đại La trở thành một vùng hậu cứ, đóng vai trò cung cấp lương thực cho quân đội. Có thể nơi đây xưa kia chính là hậu phương trực tiếp cho các chiến trường (đặc biệt là các trận chiến đấu ở khu vực Lục Đầu, Bạch Đằng, Hoa Bộ) trong điều kiện kinh đô Hoa Lư nằm cách khá xa khu vực diễn ra chiến sự.


_______________________
(1) Bùi văn Nguyên. Vũ Tuấn Sán, Chu Hà. Truyền thuyết ven Hồ Tây. Hội văn nghệ Hà Nội xuất bản, 1975. tr.83

UyenNhi05:
Thần tích thành hoàng làng Tả Thanh Oai tại đình Hoa Xá còn ghi: “Vua Lê Đại Hành thường kéo quân theo dòng sông Nhuệ. Dân các ấp dọc hai bờ sông đều theo giúp nhà vua. Một hôm vua Lê qua ấp Hoa Xá ở Tả Thanh Oai, lạm dừng quân để lấy binh lương. . . trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám dân công”. Ở Hữu Thanh Oai còn lưu lại tập tục dâng cơm nắm muối vừng là món ăn dân làng dâng lên nhà vua và thết đãi quân lính khi qua đây.

Đặc biệt, đình thôn Hữu Từ (xã Hữu Hoà, Thanh Trì) - nơi thờ Bà Chúa Hến xưa kia được dân gian quen gọi là đình Cối xay vì tương truyền nơi đây là khu vực xay thóc lúa để cung cấp lương thực cho quân đội triều đình khi đi đánh giặc. Nghề đóng cối xay và nghề hàng xáo là nguồn sống chủ yếu của dân làng từ nhiều đời nay cho đến những năm 50 của thế kỷ XX.  Hàng năm, dân làng Hữu Từ thường chỉ cúng thành hoàng bánh chưng, bánh dày là những sản vật của địa phương. 

Ở Nghĩa Đô, nhân dân làng Trung Nha hiện nay vẫn tổ chức trò chơi thi nấu cơm vào mỗi dịp lễ hội hàng năm. Hoạt động đó là để tưởng nhớ hai người con gái của làng (Lê Hồng Nương- Lê Quý Nương) đã nấu cơn cho quân đội của vua Lê Đại Hành dưới sự chỉ huy của tướng Trần Công Tích ăn no, thắng giặc.

Bên cạnh việc cung cấp lương thực cho quân đội, nhân dân khu vực Đại La còn tự nguyện hăng hái tòng quân lên đường giết giặc lập công. Thần tích thành hoàng làng Phú Diễn ghi: “Đường dài hành quân, tới nơi đây, Thập đạo tướng quân cho lính dừng chân để tuyển mộ thêm binh sĩ. Trong số trai tráng của làng có người tên là Trần Thông cũng hăng hái tòng quân giết giặc”.

Ở Tả Thanh Oai có một ngôi miếu thờ Dũng Mãnh tướng quân (không rõ tên tuổi) là người địa phương, theo Lê Hoàn đi đánh giặc và đã có công trong nhiều trận đánh ác liệt. Truyền thuyết về Bà Chén ở Tam Bảo Châu (Tứ Liên) và Sóc Thiên Vương ở Vệ Linh (Sóc Sơn) đã hiển linh giúp đỡ vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống cũng là biểu hiện cho những đóng góp của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Hầu hết các truyền thuyết dân gian khu vực Thanh Oai, nghĩa Đô trong cuộc kháng chiến chống Tống của nhân dân Đại Cồ Việt thời Lê đều gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ địa phương (như Đô Hồ phu nhân, Lê Hồng Nương, Lê Quý Nương, bà Chén. . . ).

Những nhân vật ấy nhiều khi được huyền thoại hoá song xét ở một góc độ nào đó, phải chăng đó là hình ảnh tượng trưng của khu vực Đại La trong cuộc chiến tranh vệ quốc vào nửa cuối thế kỷ X?

Có thể nói, những thông tin ít ỏi trong câu chuyện dân gian đã chứng minh một thực tế là: cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981) dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Lê Hoàn là một phần trong những kỳ tích chống ngoại xâm của Đại La - Thăng Long - Hà Nội qua nhiều thời đại. 

Thắng lợi ấy là một trong những sự kiện nổi bật của lịch sử Việt Nam thế kỷ X, là kết quả của khát vọng độc lập dân tộc, của sức mạnh toàn dân. Đó là thời “ dùng được người tài giỏi, đất phương Nam thì mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống”. (1)

Không dừng lại ở việc phản ánh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thế kỷ X, các di tích và truyền thuyết dân gian thời Tiền Lê ở Hà Nội cùng với các nguồn tư liệu khác còn cho chúng ta nhận diện rõ hơn về khu vực Đại La trong giai đoạn này.

_________________________
(1) Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 2 Nxb KHXH, Hà Nội. 1993. tr.79

UyenNhi05:
Trải qua hàng thế kỷ là trung tâm hành chính của chính quyền cai trị phương Bắc, ở khu vực Thăng Long - Hà Nội hiện nay đã diễn ra quá trình đô thị hoá tương đối sớm. Cho đến cuối thế kỷ IX, thành Tống Bình - Đại La dưới thời thuộc Đường đã là một trung tâm dân cư đông đúc. Các tác giả Hà Nội nghìn xưa căn cứ vào sử nhà Đường cho biết dân cư nội  ngoại thành lúc này đã có 15 vạn người.  (1).

Sách Việt sử lược còn chép vào năm 865 khi Cao Biền xây dựng Đại La thành thì trên mảnh đất này đã có tới 5000 gian nhà (2). Sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cho biết thêm vào thời thuộc Đường, huyện Tống Bình là lỵ sở của quận Giao Chỉ lúc đó đã có 11 hương (3).

Vào đầu thế kỷ XI, Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô có đoạn viết: huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.  Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không không thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.

Tại khu vực Hà Nội, chúng ta đã phát hiện được nhiều dấu tích của thời Đinh - Lê như gạch “Đại Việt quôc quân thành chuyên”, các loại gốm men ngọc có trang trí hoa văn theo mô típ hoa sen, giếng nước cổ . . . tại các khu Quần Ngựa và Ba Đình. Đặc biệt, một lớp thời Đinh-Lê rất rõ ràng nằm chồng xếp cùng với các tầng văn hoá từ thời kỳ Tống Bình (TK VII) đến giai đoạn hiện nay được tìm thấy tại khu vực khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là minh chứng cho sự phát triển liên tục của khu vực này trong suốt tiến trình lịch sử.

Ngoài ra, hàng loạt các lò gốm có niên đại vào các thế kỷ IX-X được khai quật ở các khu vực lân cận như Đại Lai, Dương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng (Vĩnh Phúc) có các đặc điểm tương tự với Các đồ gốm ở Đại La và Hoa Lư, phản ánh những mối liên hệ buôn bán, trao đổi giữa Đại La với kinh đô Hoa Lư và các khu vực khác trong cả nước.

Hơn thế nữa, ở Đại La giai đoạn này cũng đã tồn tại các khu nông nghiệp trù phú nằm xung quanh hệ thống thành luỹ.  Nước từ các hệ thống sông như sông Nhuệ, sông Tô Lịch đã bồi đắp và hình thành nên những cánh đồng màu mỡ ở các khu vực Thanh Trì, Từ Liêm, Dịch Vọng ngày nay.

Tương truyền, Cúc Phương công chúa là con gái của vua Lê Đại Hành - thành hoàng của làng Kim Văn (Kim Lũ, Thanh Trì) được cấp 22 làng ở khu vực này làm ấp thang mộc để thờ cúng. Ngay từ sớm các sứ quân như Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu đã chọn Đông Phù Liệt (Thanh Trì) và Đỗ Động (Thanh Oai) làm nơi đóng quân và xây dựng đại bản doanh của mình. 

Đó cũng là lý do tại sao trên đường hành quân từ Hoa Lư lên phía Bắc đánh giặc, Lê Hoàn lại chọn khu vực này làm nơi tuyển quân và tích trữ lương thực cho cuộc kháng chiến. Các chính sách khuyến nông dưới thời vua Lê Đại Hành như cày ruộng tịch điền chắc chắn có những tác động nhất định đối với sự phát triển của nông nghiệp Đại La trong giai đoạn này. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp ở đây còn lưu lại trong nhiều câu ca được lưu truyền tới nhiều giai đoạn sau như “cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì” hay “Lắm lúa kẻ Giàn, lắm quan kẻ Mọc” . . . Dù trải qua gần nửa thế kỷ không còn đóng vai trò là trung tâm hành chính của đất nước song thành Đại La vẫn thực sự là nơi tụ họp của bốn phương và là một trung tâm kinh tế, thương mại khá sầm uất.


______________________
(1) Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán. Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội. 1 975 tr. 121
(2) Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại chép là 40 vạn gian nhà. Theo chúng tôi con số do Việt sử lược ghi là phù hợp vì vào thế kỷ IX. thành Đại La chưa thể có số lượng dân cư lớn đến như vậy được
(3) Đặng Xuân Bảng. Sử học bị khảo. Nxb Văn hoá thông tin. Hà Nội. 1997, tr. 341 . Phép nhà Tần cứ 500 hộ trở lên đặt thành hương. 

UyenNhi05:
Năm 991 , vua Lê Đại Hành “phong cho hoàng tử thứ tư là Đinh làm Ngự Man vương đóng ở Phong Châu, hoàng tử thứ sáu là Căn làm Ngự Bắc vương đóng ở “Trại Phù Lan” (1).

Năm 992, vua lại “ phong hoàng tử thứ năm là Đĩnh làm Khai Minh vương đóng ở Đằng Châu. Một năm sau, hoàng tử thứ bảy là Tung được phong làm Định Phiên vương đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang; hoàng tử thứ tám làm Phó vương, đóng ở Đỗ Động Giang; hoàng tử thứ chín là Kính làm Trung Quốc vương đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên; hoàng tử thứ mười là Mang làm Nam Quốc vương đóng ở châu Vũ Lung” (2). 

Đến năm 995, Lê Đại Hành đưa hoàng tử thứ mười một là Đề làm Hành Quân vương đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm; đưa con nuôi làm Phù Đái vương, đóng ở hương Phù Đái” (3). 

Những sự kiện ấy một mặt thể hiện đường lối chính trị - quân sự của Lê Hoàn, mặt khác nó phản ánh trong giai đoạn này nguy cơ ngoại xâm vẫn là nguy cơ thường trực đối với dân tộc Tuy nhiên, nếu đặt các vị trí này trên bản đồ, chúng la có thể nhận ra khu vực Đại La trở thành trung tâm trong hệ thống bố phòng của triều đình. Phải chăng, ngay từ cuối thế kỷ X, Đại La đã trở thành một vùng đất có ý nghĩa quan trọng của nước Đại Cồ Việt, là một phần trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Lê Đại Hành? (4)

Di tích tuy không liên quan trực tiếp đến thế kỷ X song có một vị trí hết sức đặc biệt ở Thăng Long qua nhiều thời kỳ lịch sử đó là đền Hồng Thánh gắn liền với sự tích của tướng quân Phạm Cự Lạng.

Vũ Quỳnh, Kiều Phú trong Lĩnh Nam chích quái có ghi: “năm Thông Thuỵ đời Lý Thái Tông vua thấy trong đô hộ phủ có nhiều nghi án, án quan không giải quyết nổi. Có ý muốn lập thần tự chuyên xử xét các án kiện, tỏ rõ sự linh hiển để thấy hết mọi kẻ gian trá, bèn tắm rửa, thắp hương cầu khẩn thượng đế Đêm đó mộng thấy có vị sứ giả mặc áo đỏ, vâng mệnh thượng đế tới phong Cự Lượng làm minh chủ các án quan ở đô hộ phủ. Vua hỏi sứ giả rằng “Người ấy là ai, giữ chức gì của ta. Đáp chính là chức thái uý của Lê Đại Hành”. Vua tỉnh mộng bèn hỏi lại quần thần. Khi biết rõ chuyện, bèn phong Lượng làm Hoằng Thánh đại vương, sai quân lập đền ở phía tây cửa Nam thành để phụng thờ lại đổi làm Hồng Thánh, đời đời tôn làm ngục thần”. (5)

Việc Phạm Cự Lạng được thờ ở kinh đô thời Lý phải chăng bắt nguồn từ những mối liên hệ lịch sử cụ thể? Những nguồn tư liệu hiện có chưa đủ để chúng ta khẳng định điều đó. Song rõ ràng sự xuất hiện một ngôi đền thiêng gắn liền với tên tuổi một vị tướng thời Tiền Lê được xây dựng ở giữa kinh thành đã phản ánh vị trí nhất định của triều đại này trong suốt tiến trình phát triển của Thăng Long- Hà Nội.

Từ những phân tích qua các nguồn tư liệu, các kết quả điều tra khảo sát các di tích ở Hà Nội có thể cho chúng ta đi tới những nhận thức sau:


_________________________
(1) Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Đại  Việt sử  toàn thư, Tập 1 , Sđd, tr.227.
(2) Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê: Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1 . Sđd. tr.227
(3) Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê. Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr.228
(4) Tham khảo báo cáo của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế: Lê Hoàn  người tổ chức, phát huy và khơi mở nhiều truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.
(5) Vũ Quỳnh, Kiều Phú: Lĩnn Nam chích quái. Nxb Văn hóa. Hà Nội 1961. tr 110-111.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page