Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:58:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn  (Đọc 99617 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 05:25:23 pm »

Đồng ý với Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (1) cũng cho rằng Lê Hoàn người ở Ái Châu.

Một số nhà nghiên cứu về sau, có lẽ dựa vào các sách trên cũng đồng tình với nhận định quê Lê Hoàn ở Ái Châu, chẳng hạn như các tác giả của sách Các triều đại Việt Nam nhưng đưa ra một chi tiết: mẹ Lê Hoàn là Đặng Thị Sen chứ không gọi là Đặng Thị và nêu địa danh cụ thể: Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá (2).

1.3. Lê Hoàn quê ở Hà Nam

Thuyết này khoảng 15 năm trở lại đây mới gây được sự chú ý, nhờ việc so sánh đối chiếu các thư tịch cũ và đặc biệt là việc công bố những tư liệu khảo sát, điền dã, sưu tầm ở địa phương. Đã có một số nhà sử học ở Viện sử học Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) nêu nghi ngờ những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, đồng thời mạnh dạn đưa ra nhận định: Lê Hoàn quê ở Hà Nam.

Nhưng ngay các sử gia dưới thời phong kiến như Ngô Thì Sỹ - tác giả Đại Việt sử ký tiền biên in năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1.800) cũng đã đính chính: “xét thấy Lê Đại Hành là người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, chứ không phải người Ái Châu. Sử cũ chép nhầm” (3).

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần ghi về lăng mộ ở huyện Thanh Liêm chép: “Mộ tổ Lê Đại Hành ở bên miếu xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm. Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ chép Lê Đại Hành người xã Báo Thái, huyện Thanh Liêm (Bảo Thái tức Ninh Thái)” (4).

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim - một cuốn sử sinh thời được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng (5) cũng khẳng định:

“Lê Hoàn là người làng Bảo Thái huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bây giờ, làm quan Thập đạo tướng nhà Đinh” (6).  Bảo Thái là tên xã từ thời Tây Sơn trở về trước, đời Nguyễn đổi gọi là Ninh Thái, nay là thôn Bảo Thái, còn gọi là thôn Cõi thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.  Đặc biệt Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, sau khi điểm lại một số nhận định của các cuốn sử cũ đã nêu quan điểm:

“Khâm đình Việt sử (tức Khâm định Việt sử thông giám cương mục (của Quốc sử quán triều Nguyễn - M.KH) chép Lê Hoàn là người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, Hà Nam (Khâm định Việt sử, làm vào năm 1.856 đến 1.884). Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Q. 1 , tờ 21 a) theo Đại Việt sử ký toàn thư chép là người Ái Châu (Việt sử tổng vịnh làm vào năm 1.874 đến 1.877), thế thì nên theo quyển nào là phải? Thanh Liêm là nguyên quán của cha mẹ. Ái Châu là chỗ ở của cha nuôi, mỗi quyển chép theo một nghĩa” (7).


(1) Phan Huy Chú : Lịch triều hiến chương loại chí, T.1 Nxb Khoa học xã hội, N.1992, trg.191
(2) Quỳnh Cư. Đỗ Đức Hùng: Các triều đại việt Nam. Nxb Thanh  niên, H.1999. trg.72.
(3) Ngô Thì Sỹ: Đại việt sử ký nền biên, Nxb Khoa học xã hội, N.1997.  trg. 166.
(4)  Đại Nam nhât thống chí. T.2. Nxb Thuận Hoá. Huế. 1992. trg. 207.
(5)  Lê Thị Kim Dung: Bác Hồ đọc sách sử. T/c Xưa & Nam số 62, IV- 1.999 .
(6) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, N. 1928. trg. 72.
(7) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử (sử ta so lưới sử Tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. N. 1997. trg. 235. 
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2009, 05:26:54 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 05:40:01 pm »

Ông còn giải thích: “Chỗ này sử Khâm định chép: “Lê quan sát Ái Châu". Toàn thư chép là “Bản châu" có Lê quan sát. Ta không nên vin chữ “bản châu” ấy mà cho Lê Hoàn cũng là người Ái Châu. “Bản châu’ nghĩa là châu mình tức là làng Bảo Thái của Lê Hoàn.  ông Lê quan sát là người đồng sự với Lê Hoàn mà làm quan sát Châu Ái” (1).

Sử cũ cũng nhắc tới Trần Bình Trọng quê ở xã Liêm Cần ngày nay là hậu duệ của Lê Hoàn. Vị danh tướng thời Trần này được ban quốc tính vì có nhiều công trạng, đặc biệt là hy sinh trên dòng sông Thiên Mạc để bảo vệ vua quan nhà Trần rút về Thiên Trường trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai ( 1.285 ).

1.4. Thuyết trung dung

Có lẽ để dung hoà giữa hai loại ý kiến Lê Hoàn quê ở Thanh Hoá và Lê Hoàn quê ở Hà Nam hoặc vì một lý do nào đó mà có một số nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến nhận định Lê Hoàn có liên quan đến cả hai địa phương. Các tác giả Lịch sử Hà Nam Ninh (tập I) đã nhận định: “Lê Hoàn quê nội ở Thanh Liêm (Hà Nam Ninh), quê ngoại ở Kẻ Sập (Thanh Hoá), Tuy sinh ở đất Ái Châu nhưng ông chỉ sống ở đấy hơn 10 năm, sau trở về Thanh Liêm”. Trong chú thích, dựa theo truyền thuyết, các lác giả cho biết ông nội Lê Hoàn là Lê Lộc, cha là Lê Hiền kết duyên với một cô gái nghèo ở Kẻ Sập (Thanh Hoá) tên là Đặng Thị (2).

Một nhà sử học khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng Lê Hoàn “là đứa trẻ mồ côi ở làng Kẻ Sập - quê ngoại, chàng trai nghèo ở miền Bảo Thái quê nội” (3).

Lại có một cách nói nước đôi, chẳng hạn: “...Vua sáng lập nhà Tiền Lê. Chính quê có thuyết nói là ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), có tài liệu lại khẳng định ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá” (4). 

Điểm lại những ý kiến nêu trên từ xưa tới nay chắc rằng chưa đầy đủ, chúng tôi cho rằng vấn đề quê hương Lê Hoàn còn cần phải tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên tầm vóc và đóng góp cho lịch sử dân tộc đâu có phụ thuộc vào việc ông sinh ra ở đâu Vả chăng một con người chỉ có một quê hương hay hai, ba quê hương cũng là chuyện thường tình. Chỉ khi viết tiểu sử một nhân vật lịch sử thì vấn đề quê quán và nhất là sự tác động, ảnh hưởng của gia đình, môi trường, quê hương mới đặt ra một cách đúng mức. Chính vì vậy, chúng tôi để ngỏ quê quán của Lệ Hoàn để mong đợi các bậc học giả cho ý kiến.

2. Tư liệu khảo sát và sưu tầm tại địa phương

Với ý muốn đóng góp thêm nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu về Lê Hoàn chúng tôi đã tổ chức khảo sát điền dã, sưu tầm tư liệu, nhất là truyền thuyết, địa danh, trọng tâm là ở xã Liêm Cần và vùng phụ cận (huyện Thanh Liêm).

(1) Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử ( sử ta so với sử Tàu), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, N. 1997. trg. 236.
(2) Lịch sử Hà Nam Ninh, t.1. Phòng thông sử UBND tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản. NĐ. 1988, trg. 85.
(3) Lê Văn Lan: Có một giai đoạn văn hoá Hoa Lư, in trong: Thế kỷ X-những vấn đề lịch sử (Nxb Khoa học xã hội. N. 1984. trg. 287.  
(4) Từ điển văn hoá Việt Nam (phần Nhân vật chí), Nxb Văn hoá-Thông tin. N. 1993: trg 208. 
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2009, 05:43:38 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 05:44:37 pm »


2.1. Di tích và văn học dân gian

Từ lâu trong nhân dân xã Liêm Cần và vùng phụ cận đã lưu truyền một bài vè dài nói về Đinh bộ Lĩnh, trong đó có câu:

Về sau lại gặp Lê Hoàn
Quê vùng Bảo Thái, ngoài ngàn Thanh Liêm

Bảo Thái là tên cũ của xã Liêm Cần ngày nay, thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Địa danh Bảo Thái có từ rất xưa. Truyền thuyết dân gian và tư liệu khảo sát đã cho thấy nơi đây vào thế kỷ X còn là vùng rừng núi và đầm lầy rậm rạp, lắm hổ, lắm trăn, lắm muông thú, nay còn lưu lại địa danh Động Xá, Vân Lâm, Vực Thôn.

Chứng tích qua địa danh và thực địa liên quan đến Lê  Hoàn trên đất xã Liêm Cần và các xã lân cận còn lại khá đậm đặc. Ở xã Liêm Cần còn khu đền Lăng ở phía tây núi Lăng - di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Trước kia có ba ngôi đền: đền Thượng thờ Đinh Tiên Hoàng, tương truyền đền xây dựng từ khi Đinh Tiên Hoàng còn tại vị nên gọi là sinh từ, do vua cho lập khi về thăm quê Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.  Đền Trung thờ Lê Hoàn và hai con ông là Long Việt và Long Đĩnh. Hai ngôi đền trên đã bị phá huỷ trong chiến tranh.  Đền Hạ thờ công đồng tứ vị hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều) và tam vị đại vương nguyễn Minh, Thiên Cương và Nhữ Hoàng Đê) đều là người địa phương theo Lê Hoàn phò nghiệp lớn.

Khu đền Lăng gần chân núi Bảo Cái còn gọi là núi Cõi, một trong những ngọn núi đất, cùng với núi Lăng, núi Vực, núi Đò, núi Bông.  Núi Bảo Cái cao khoảng 63m, dài gần 500m xung quanh có các núi thấp án ngữ. Núi Đò bên bờ sông Hương Kiều, nơi Lê Hoàn xem duyệt thuỷ quân và bộ binh. Núi Tăng, núi Bông án ngữ mất trước giàn thề (sẽ nói ở dưới), núi Vực chắn mặt sau.  Giữa núi Lăng có khu đất bằng phẳng, tương truyền là nền nhà cũ của ông Lê Lộc cũng là nơi Lê Hoàn khi đã khôn lớn trở về quê nhà dựng trường dạy học.

Cách núi Bảo Cái không xa còn khoảnh đất có tên là Mả Dấu, còn gọi là Hòn Ngọc hay Hàm Rồng - nơi đặt mộ cụ Lê Lộc ông nội Lê Hoàn, dân gian truyền do hổ táng, mối đùn mà thành. Nay địa phương đã xây thành lăng mộ cụ Lê Lộc.

Dưới chân núi Bảo Cái còn khu đất dân vẫn gọi là giàn thề, xưa kia là một vầng đất đá rộng. Các cụ già cao tuổi cho biết: đây là nơi xưa kia Lê Hoàn cùng các tướng sĩ như ông Nguyễn Minh, ông Thiên Cương, bà Nhữ Hoàng Đế cho đắp lên làm đàn tế trời đất, thề một lòng một dạ sống chết có nhau để giúp nước.

Phương ngôn ở các xã Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Sơn (Thanh Liêm) cũng nói về việc này: “Giàn thề Bảo Cái vạn đại đế vương”. Quanh khu vực đền Lăng còn có các thửa đất mang tên Đồng Đò - nơi Lê Hoàn đóng đại bản doanh khi dấy nghĩa để theo Đinh Bộ Lĩnh, trại Nhuế gần đấy là nơi đại quân của Lê Hoàn đóng giữ. Đất Lẫm Đông và Lẫm Đoài là hai kho binh lương của Lê Hoàn. Cánh đồng Mã Trực là trại ngựa và thả ngựa. Cánh đồng Cửa Hồ nơi Lê Hoàn và tướng sĩ thường rửa gươm, mài gươm trước và sau mỗi trận đánh.

Đất Vườn Già trong thôn Cõi là nơi nuôi dưỡng những binh sĩ già yếu của Lê Hoàn. Nơi đây có đường Xứ Vương, Lê Hoàn thường đi dạo. Thềm Lều, tương truyền ông Lê Lộc tổ phụ Lê Hoàn dựng lều trông đó. Còn khoảnh đất rộng ba mẫu, có tên “Kỳ Tự” là đất vua Đinh cấp cho làng làm hương hỏa cho mình.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 06:51:35 pm »


Hai xã Thanh Bình, Thanh Lưu lân cận với xã Liêm Cần cũng lưu nhiều dấu tích liên quan đến khởi nghiệp của Lê Hoàn.

Phần lớn xã Thanh Bình xưa kia thuộc địa phận xã Bảo Thái Các ông như Thủ Cồng, giữ cồng trận cho Lê Hoàn, ông Cà Nô người dân tộc thiểu số vào sinh ra tử với Lê Hoàn được dân Thanh Bình thờ làm Thành hoàng.

Tại xã Thanh Lưu có ngôi đình ở thôn Cẩm Du thời Lê Hoàn và hai ông Quang Minh, Huyền Minh đã theo Lê Hoàn giúp Đinh Bộ Lĩnh. Ở đây còn dấu tích căn cứ luyện quân của Lê Hoàn và hai ông ở Thung Bằng trong núi Con Voi (Tượng Sơn).

Truyền thuyết và địa danh còn phản ánh sự quan tâm của Lê Hoàn và triều đình Tiền Lê đối với dân xã Bảo Thái (Liêm Cần nay). Ngoài việc cho lập sinh từ vua Lê Đại Hành trên nền nhà cũ xưa kia Lê Hoàn dạy học, triều đình còn cấp cho dân vàng bạc để tậu ruộng lấy hoa lợi làm hương hoả và dựng đền thờ. Triều đình cũng trả ơn cho dân sở tại bằng việc cấp cho mỗi đinh 1 mẫu 2 sào ruộng để cày cấy (tới 700 mẫu). Ruộng hương hoả của khu đền Lăng có 12 mẫu, ngoài ra có 6 sào dành cho việc sắm ba cây đình liêu vào dịp hội đám long trọng và đất gọi là vườn tịch để chi phí cho tế lễ.

Sau nhiều năm sưu tầm bền bỉ, ông Bùi Văn Cường - hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã phát hiện được một tác phẩm văn học dân gian cổ bằng chữ Nôm dài gần 10.000 câu lục bát nói về thời Đinh - Tiền Lê, trên địa bàn văn hoá Liễu Đôi gồm nhiều xã của huyện Thanh Liêm (Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Thuận, Liêm Sơn, Thanh Lưu, Thanh Bình. . . ). 

Tác phẩm kể về nguồn gốc, lai lịch của Lê Hoàn. con đường đi đến sự nghiệp rạng rỡ, oanh liệt của ông và các nhân vật liên quan, nổi bật là Dương Vân Nga. Đáng lưu ý là tác phẩm này còn bổ sung thêm các địa danh trong thời gian Lê Hoàn lập căn cứ luyện quân trong vùng và ở Bảo Thái, chẳng hạn như Hàm Rồng, Sông Cùng, Đồng Chấu... đặc biệt là nói đến cánh đồng Mả Rút.  “Rút” có nghĩa là rút lui, rút quân. Qua tác phẩm chúng ta biết thêm nhiều điều khá tỉ mỉ về sự kiện này (1).

2.2. Ngọc phả và thư của các nhà khoa bảng

Ngọc phả

Tư liệu Hán văn tại đền Lăng gồm nhiều loại: văn tế, câu đối đại tự chữ khắc trên thượng lương, bài vị, văn chương, ở đây chúng tôi giới thiệu bản ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê được lưu giữ tại đền. Tuy nhiên vì khuôn khổ bài viết nên chúng tôi chỉ trích dẫn đoạn đáng lưu ý (2).

“ở nước ta trên mảnh đất xã Trường Yên Thượng (3).  vùng Hoa Lư, thời xưa có ông Lê Lộc, lấy vợ người cùng xã tên là Cao Thị Chương, ông bà sinh được một người con trai tên là Hiền. Khi ấy cảnh nhà nghèo thiếu, hàng ngày ăn uống chẳng đủ, từng đã trải qua vài năm mất mùa mọi người đói khát, cả phủ Trường Yên trộm cướp nổi lên như ong vỡ tổ. ông than vãn: “Đã nghèo hèn thế này lại còn gặp cảnh loạn ly thì sao có thể sống được, thôi đành dời đi nơi khác kiếm chốn đất lành cơ trú vậy”.

Thế rồi vợ chồng gồng gánh gia tài, một buồm trăng gió, non nước bốn bề, bình bồng lặn lội ra đi. Một ngày kia đi tới xã Bảo Thái, tổng Hoà Ngãi, huyện Thanh Liêm (4), phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam bây giờ là nơi ở của bà  ngoại thì dừng lại. Tại đây có ngôi chùa cổ, lâu ngày đầy vẻ hoang lương, trong vùng đất sơn thuỷ hữu tình, dân cơ no đủ, chưa có sơ trụ trì, vợ chồng ông nói với phụ lão sở tại xin ở lại lo tu sửa tượng phật, cầu Phật chứng ban cho phúc lộc.


(1) Tác phẩm khuyết danh. căn cứ vào nội dung người sưu tầm đặt tên là Hoàn vương ca tích.
(2) Bản dịch ngọc phả của Dương Văn Vượng.
(3) Nay là thôn Yên Thượng xã Trường Yên. huyện Hoa Lư. tỉnh Ninh Bình.
(4) Huyện Thanh Liêm tên huyện có từ đời Trần. lúc đầu chữ Thanh có nghĩa là xanh. sau đổi Thanh là trong.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 06:53:41 pm »

Thế rồi vợ chồng ông dựng một ngôi nhà cỏ dưới chân núi để ở.  Từ lúc an cư, ông Lê Lộc trở thành vị ngư phủ, từ xã Ứng Liêm (1) về đến nơi ở hết thảy các phép bắt cá trong vùng ngòi lạch đều quy tụ về nơi ông cả.

Bỗng nhiên từ đâu có con hổ trắng đến bên nhà rồi thường qua lại như có ý xin ăn, ông lấy cơm cá cho án, dần dần hổ coi ông có tình như người nuôi chó, không hề có ý hại người phá của. Ông liền coi hổ như con nuôi và đặt tên cho hổ là Sơn Trưởng”.

Tiếp theo bản ngọc phả nói đến một hôm mưa gió ông đi đổ đó hổ nhầm nên tát chết ông. Hổ hối hận vác xác ông đến phía bắc núi Bảo Thái mai táng rồi bỏ đi nơi khác.

Ngọc phả chép tiếp: “Con ông là Hiền đau xót không dứt, ba năm tang chế xong, Lê Hiền về quê cũ lấy người xã Trường Yên Hạ (2)tên là Đặng Thị Khiết làm vợ, chuyên tâm làm việc phúc thiện được mọi người tôn kính. Làm ăn là thế, nhưng đến năm ông ngoài 60 tuổi, Đặng Thị gần 40 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Một chiều lúc hoàng hôn vừa xuống, Đặng Thị mơ thấy cưỡi rồng lên trời ôm được vầng thái dương mang về, rồi Đặng Thị có mang, tới ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu (941) sinh ra một trai mặt mũi khôi ngô, tinh thần sáng suốt, cha mẹ mừng quýnh nghĩ là ông trời ban cho ơn huệ, đất phúc đến tuần hưng thịnh bèn đặt tên là Hoàn.

Ngày qua tháng lại, khi lên bảy tuổi chẳng may vận nhà gặp cơn nguy biến không lường trước được, ông tự nhiên không bệnh mà qua đời, bà cũng tiếp theo từ giã cõi trần. Từ đó gia kế cùng quẫn, Lê Hoàn phải tìm đến nương nhờ ông quan sát sứ họ Lê ở Bản châu.

Năm 11 tuổi Lê Hoàn tìm thầy đến học rồi trở thành văn chương võ nghệ tinh thục, bạn bè bằng vai ai cũng sợ phục . Năm  6 tuổi Lê Hoàn trở về Bảo Thái thăm lại mộ ông nội rồi ở lại luôn dạy dỗ trẻ em trong xã học hành.  Tám năm trôi qua, Lê Hoàn nghe Đinh công đại khởi nghĩa quân ở động Hoa Lư, bèn tìm đến đi theo, từ đó chúa tôi cùng đồng lòng hợp sức, đánh đông dẹp bắc, không mấy mà dẹp xong 12 sứ quân.

Thiên hạ thái bình, Đinh công lên ngôi ở thành Hoa Lư, xưng hiệu là Đại thắng minh hoàng đế, phong thưởng uý lạo cho các công thần, ông Hoàn được phong là Thập đạo tướng quân. Ông vâng mệnh lạy tạ dưới bệ xin về thăm viếng phần mộ tiên tổ. Được vua chuẩn y, ông bèn về tế lễ gia tiên tại hai xã Thượng Hạ Trường Yên, rồi về Bảo Thái thăm mộ ông Lê Lộc, cho dân dựng một ngôi sinh từ tại nơi nam trước ngồi dạy học và cho dân vàng bạc khuyên mua ao ruộng để phục vụ việc nhang khói sau này”.

Phần cuối của bản ngọc phả kể sự việc Lê Hoàn trở về triều đình, rồi chín năm sau Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, Đinh Toàn lên ngôi, Dương hậu trông coi chính sự. Lúc giặc Tống tới xâm lấn Thái hậu đem long bào khoác vào người Lê Hoàn khuyên ông đem quân đánh giặc . Thắng trận ông lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đại Hành, ở ngôi được 24 năm thì Lê Hoàn băng, con trai thứ ba là Long Việt nối ngôi? ban 50 đạo sắc cho phép các nơi dựng đền thờ vua. Dân Bảo Thái cũng tới kinh rước sắc về thờ.

Trung Tông ở ngôi ba ngày thì bị con thứ năm của vua là Long Đĩnh con cùng mẹ giết chết đoạt ngôi. Long Đĩnh tàn ác đặt ra nhiều thứ thuế phiền nhiễu nhân dân, lại ham mê tửu sắc. Ở ngôi được 4 năm thì Long Đĩnh mất, Lý Công Uẩn người Cổ Pháp kế vị và dời đô ra Thăng Long, rồi chiếu cho xã Bảo Thái phụng sự ba vị hoàng đế triều Lê là Thượng đẳng thần. Ngọc phả cũng quy định lệ kiêng huý Lê Hoàn, Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh đặt ra lễ nghi long các ngày sinh ngày hoá của ba vua.

Cuối cùng của ngọc phả là dòng lạc khoản: “Ngày tết tháng mùa đông niên hiệu Hồng Phúc năm đầu ( 1.572 )”. Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn.

Ngày 18 tháng 11 niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1.736) Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền chép lại.


(1) Nay là thôn ứng Liêm, xã Thanh Hà. huyện Thanh Liêm. tỉnh Hà Nam.
(2) Nay là thôn Yên Hạ. xã Trường Yên. huyện Hoa Lư. tỉnh Ninh Bình.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2009, 06:58:02 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 06:57:38 pm »

Các bài thơ

Bản ngọc phả trên là bản gốc, cùng với các tư liệu Hán văn được lưu giữ ở đền Lăng, chúng tôi còn sưu tầm được 5 bài thơ của các nhà khoa bảng đề vịnh khi đến thăm di tích (1). 

Chúng tôi xin giới thiệu hai bài (bản dịch thơ):

Bài thứ nhất của Lê Tung:

Ngôi mộ hổ táng họ Lê
Sông hồ ngàn dặm tới nơi đây
Thấp thoáng tường rêu dưới bóng cây
Khe nước núi Bông đi đổ đó
Táng trên non bắc hổ mang thây
Điềm lành sinh cháu ra làm tướng
ngôi đế nhiều mưu việc khó thay
Sách nói ba đời (còn rõ rệt
Thì ra bốn mặt thiếu cao dầy.


Bài thứ hai của Bạch Đông Ôn:

Qua miếu thờ vua Lê đề thơ
Đất ẩm trời thanh cây cỏ tối
Đầu xuân dến Thái tới thăm chơi
Nền xưa dạy học nay còn thấy
Nhà cũ ông bà trước mắt coi
Sự nghiệp cứu dân bia còn chữ
Anh hùng giữ nước tiếng trên đời
Văn công võ lược thiên triều kính
Khói lạnh tường xiên nắng xế soi.



2.3. Lê Hoàn cày tịch điền ở Đọi Sơn

Nhà vua mở nghiệp nhà Tiền Lê cũng là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép sự việc trên như sau: Đinh Hợi năm thứ 8 (987) mùa xuân vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng kim ngân” (2). Đại Nam nhân thống chí cũng ghi: “ở xã Đọi Sơn, đông nam huyện Duy Tiên, Lê Đại Hành cày ruộng tịch điền, ở đây bắt được một lọ vàng cốm nên gọi là kim điền”.


(1) Thơ của các nhà khoa bảng :
- Lê Tung người xã An Cừ nay thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. đỗ Hoàng giáp năm 1484.
- Bạch Đông Ôn, người xã Lam Hạ, nay thuộc phường Quang Trung.  thị xã Phủ Lý. tỉnh Hà Nam, đỗ Hoàng giáp năm 1835.
- Phạm Đình Kính. người xã Vĩnh Lại. huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. - đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1.710.
- Vũ Huy Trác, người xã Lộc Điền. huyện Nghĩa Hưng. tỉnh Nam Định.  đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1.772.
- Khiếu Năng Tĩnh, người xã Chân Mỹ. huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1880.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, T.1. Sđd. Nxb Khoa học xã hội. N. 1997 - trg.137. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 06:59:16 pm »


Núi Đọi thì đã rõ, còn núi Bàn Hải chưa xác minh được, chúng tôi ngờ rằng cũng trên đất Hà Nam. Thời gian đã xa nhưng truyền thuyết và địa danh còn ghi nhớ sự kiện này. Theo nhân dân địa phương nhà vua cày ruộng ở cánh đồng nằm sát chân núi phía tây. Ngay trên cánh đồng này có dấu vết một nền nhà vuông vắn rộng 6 sào, cao hơn các ruộng xung quanh 0,3m gọi là nhà Hiến, là nơi dâng của ngon vật lạ khi vua về cày ruộng.

Cách nhà Hiến 200m về phía đông nam còn dấu vết một nền nhà vuông nữa rộng khoảng 3 mẫu, cao hơn xung quanh 4,4m dân địa phương vẫn gọi là Dinh ngoài. Cách Dinh ngoài 50m về phía đông gọi là Dinh trong, nằm sát chân núi.  Chỗ này cũng rộng khoảng 3 mẫu, dấu vết một nền nhà vẫn còn, khi nhân dân đào giếng đã bắt gặp nhiều mảnh gốm cổ, ở giữa Dinh trong và Dinh ngoài có một nơi được gọi là Tàu ngựa, là chỗ nhốt ngựa của nhà vua.

3. Kết luận

Nguồn sử liệu cả vật thể và phi vật thể về Lê Hoàn trên đất Hà Nam, đặc biệt ở xã Liêm Cần và các xã lân cận của huyện Thanh Liêm thật phong phú, dồi dào. Chúng tôi chưa được biết nơi nào có trữ lượng như thế. Điều này không phải là ngẫu nhiên, nó chứng tỏ Lê Hoàn có mối liên quan mật thiết với vùng đất này, đã in đậm dấu ấn trong tâm thức dân gian.  Đặc biệt là truyền thuyết khá đậm đặc, tất nhiên là truyền thuyết có giới hạn của nó, không hoàn toàn là sử liệu sát thực.  Song vẫn chứa đựng phản ánh một phần lịch sử nhất định. 

Sử cũ cũng như các nhà sử học ngày nay cũng đã dành cho việc xác định quê hương Lê Hoàn một sự quan tâm với bốn thuyết chúng tôi đã dẫn ra ở trên. Song chúng tôi muốn lưu ý đến sự ghi chép trong bản ngọc phả, ở đây cho thấy quê gốc của Lê Hoàn là ở Trường Yên tức Trường Châu có phạm vi rộng hơn (theo Việt sử lược).

Còn Bảo Thái, Thanh Liêm, Hà Nam là nơi ông nội Lê Hoàn đến sinh cơ lập nghiệp và mất ở đó. Cha Lê Hoàn là Lê Hiền, mẹ là Đặng Thị Khiết, không phải là Mịch hay Đặng Thị như ghi chép của một số sách sử cũ. Một chi tiết đáng chú ý là Lê Hoàn làm con nuôi vị quan sát sứ họ Lê khi ông Lê Hiền và bà Đặng Thị Khiết mất ở quê gốc, tức Trường Yên Thượng.

Ngọc phả không nhắc gì đến việc Lê Hiền lấy vợ ở Ái Châu hoặc Lê Hoàn di cư cùng mẹ đến Ái Châu. Vậy theo ngọc phả thì vị cha nuôi của Lê Hoàn làm quan ở Trường Châu. Nêu lên sự lưu ý này không có nghĩa chúng tôi hoàn toàn tin ở ngọc phả, mà chỉ muốn đề xuất ý kiến để tham khảo.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:26:06 pm »

VÙNG ĐẤT LIÊM CẦN
TRONG SỰ NGHIỆP QUÂN SỰ CỦA LÊ HOÀN
TS. Phan Phương Thảo (*)
Tống Văn Lợi (**)


Lê Hoàn, theo chính sử, ông sinh ngày 15 tháng 7, mùa thu , năm Tân Sửu (941 ), mất vào mùa xuân, tháng 3 năm 1.005. Cuộc đời Lê Hoàn cho đến nay vẫn còn bao phủ lớp sương huyền thoại về quê quán, gia đình.

Sử biên niên cho biết, Lê Hoàn là một võ tướng lừng vào sinh ra tử, góp nhiều công sức cho sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh. Đến năm 30 tuổi (năm 971 ) do có nhiều quân công, ông được Đinh Tiên Hoàng phong làm Thập đạo tướng quân, thống lĩnh toàn bộ lực lượng quân sự trong cả nước. Bên cạnh đó, Lê Hoàn đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, phá Tống bình Chiêm. ổn định đất nước trong thế kỷ X-thế kỷ bản lề của quốc gia Đại Việt.

Đánh giá về sự nghiệp quân sự của Lê Hoàn, Đại Việt sử ký toàn thư có ba lời bình:

“Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, bắc nam vô sự”.

Lời bình thứ hai của sử gia Lê Văn Hưu:

“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn”.

Và lời bình thứ ba của sử thần Ngô Sĩ Liên:

“Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn” (1).

Những lời bình sử của các sử gia phong kiến là những lời đánh giá sự nghiệp quân sự hiển hách của Lê Hoàn. Bài viết này muốn góp thêm một ý kiến về bước khởi đầu sự nghiệp quân sự của Lê Hoàn qua khảo sát vùng đất Liêm Cần (Thanh Liêm - Hà Nam).

1. Vài nét về vùng đất Liêm Cần

Cách thị xã Phủ Lý 15km về phía nam, theo đường 21 về Nam Định. đến ngã tư phố Động rẽ phải sẽ đến xã Liêm Cần, thuộc huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Xã Liêm Cần hiện có 9 thôn là thôn Nhất, thôn Nhị, thôn Tam, thôn Tứ. thôn Ngũ, thôn Vực, thôn Cõi, thôn Nhuế và thôn Đò. Đầu thế kỷ XX, phạm vi hành chính của xã Liêm Cần thuộc hai xã là Động Xá và Ninh Thái. Xã Động Xá thuộc tổng Động Xá, gồm 6 thôn là Nhất Giáp, Nhị Giáp, Tam Giáp, Tứ Giáp, Ngũ Giáp và Yên Tử. Xã Ninh Thái thuộc tổng Hoà Ngải có bốn thôn là Cõi Thôn, Vực Thôn, Bến Thôn và Nhuế Thôn (2). Đầu thế kỷ XIX, xã Động Xá thuộc tổng Động Xá, Ninh Thái thuộc tổng Hương Ngải. Cả Động Xá và Ninh Thái đều thuộc huyện Thanh Liêm phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng (3).



(*) Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV. Đại học Quốc gia Hà Nội.
(**) Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Đại học Quốc gia Hà Nội.

(1).Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, N. 1.993. T.1 . tr.220.
(2) Vũ Thị  Linh Hương. Nguyễn Văn Nguyên. Philippe Papin: Địa danh là tài liệu lưu trưc về làng xã Bắc Kỳ. N. 1999, tr.312-313. Về địa danh Bến Thôn. tại địa phương hiện nay không có đìa danh này và trước kia cũng vậy Chúng tôi cho rằng có lẽ Bến Thôn ghi trong văn bản chính là Đò Thôn trên thực địa ngày nay.
(3) Các tổng trấn xã danh bị lãm (Tên làng xã Việt Nam dầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nxb Khoa học xã hội, N. 1.981 . tr.55.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2009, 08:28:10 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:33:34 pm »

Về địa danh Bảo Thái, do có lệnh kiêng huý Từ nghi Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm, mẹ Trịnh Tùng nên “Bảo Thái” được đổi thành “Ninh Thái”. Liêm Cần là vùng đất cổ của Thanh Liêm. Tại chùa thôn Tứ còn có một bệ đá thờ niên đại 1.364 - điều này phản ánh tại Liêm Cần sớm có cộng đồng cư dân sinh sống với một đời sống mang đậm ánh hưởng Phật giáo.

Về quê hương Lê Hoàn, các nguồn tài liệu đều chép không thống nhất nhau:

Đại Việt sử lược chép: “Huý là Hoàn, người Trường châu, cha là Mịch, mẹ họ Đặng” (1). An nam chí lược của Lê Tắc thời Trần, mục Lê nhị thế gia chép: “Lê Hoàn, người Ái Châu, có chí lược, được lòng quân sĩ” (Ái Châu nhân, hữu chí lược, đắc sĩ tâm) (2). 

Cùng chia sẻ quan niệm Lê Hoàn người Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), Đai Việt sử ký toàn thư chép: “họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu” (3).

Nhưng nhiều nguồn tài liệu có chép khác. Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án chép Lê Hoàn là người xã Bảo Thái huyện Thanh Liêm. Đại nam nhất thống chí , mục tinht Hà Nội có chép “mộ tổ Lê Đại Hình ở bên miếu xã Ninh Thái huyện Thanh Liêm”.

Đại Việt sử ký tiền biên trong phần chính văn chép: “vua họ Lê, tên huý là Hoàn, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi”.  Nhưng cũng chính tài liệu trên, trong phần cước chú ghi là “Xét thấy Lê Đại Hành là người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm chứ không phải người Ái Châu. Sử cũ chép lầm” (4).
 
Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào những năm cuối thế kỷ XIX, trong phần cước chú cũng ghi là Lê Hoàn người Bảo Thái.  Thậm chí, sang đến đầu thế kỷ XX, Ngô Vi Liễn khi soạn bộ Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ cũng có nhắc đến lăng vua Lê Đại Hành “ở trên đồi Bảo Cái, cây cối um tùm, phong cảnh trông rất đẹp” (5).

Sự không thống nhất trong các nguồn thông tin thật khó có thể giải đáp: Vậy, Bảo Thái - Ninh Thái xưa, Liêm Cần nay có quan hệ như thế nào với Lê Hoàn? Trong đợt khảo sát điền dã tại xã Liêm Cần nay - Bảo Thái xưa, bước đầu chúng tôi có một số ý kiến như sau:

2. Những dấu tích của Lê Hoàn trên vùng đất Liêm Cần

Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê lưu tại đền Lăng (hay là miếu Ninh Thái trong ghi chép của Đại Nam nhất thống chí hiện do ông Hà Văn Lang lưu giữ cho biết ông nội Lê Hoàn tên là Lê Lộc vốn là người Trường Yên Thượng, lấy vợ là người cùng xã tên là Cao Thị Hương. Gặp cảnh loạn ly, hai người bèn rời bỏ quê hương đến làng Bảo Thái sinh sống.  Tại đây, ông Lê Lộc lấy nghề đánh bắt cá làm kế mưu sinh.  Ông Lê Lộc có nuôi một con hổ trắng đặt tên là Sơn Trưởng và giao cho nó trông coi các bẫy cá mà ông đặt dọc theo các con nước. Một buổi tối ông ra thăm đó, Sơn Trưởng tưởng là người trộm cá bèn lao tới cắn chết. Khi nhận ra chủ nuôi, hổ liền cõng xác ông đến phía bắc núi Bảo Cái rồi bỏ đi nơi khác. Nơi hổ để xác ông Lê Lộc được gọi là Mả Dấu hay Mả Hổ Táng.


(1). Đại Việt sử lược. Nxb Văn Sử Địa. N. 1 960 tr.53
(2). Lê Tắc: An Nam chí lược. Viện đại học Huế 1961, tr.193[/]
(3). Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd T.1 , tr.220
(4). Đại  Việt sử ký tiền biên. Nxb Khoa học xã hội. N. 1997, tr. 166.
(5). Ngô Vi Liễn: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ. Nxb Văn hoá thông tin. N.1999. tr.599.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2009, 08:35:16 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:40:51 pm »


Sử thần Lê Tung thế kỷ XV có bài thơ vịnh rằng:

Lê gia hổ táng mộ
(Ngôi mộ hổ táng họ Lê)

Sông hồ ngàn dặm tới nơi đây
Thấp thoáng tường rêu dưới bóng cây
Khe nước núi Bông đi đổ đó
Táng trên non bắc hổ mang thây
Điềm lành sinh cháu ra làm tướng
ngôi đế nhiều mưu việc khó thay
Sách nói ba đời (còn rõ rệt
Thì ra bốn mặt thiếu cao dầy.
                                                                    (Khắc trên bia mộ Lê Lộc ở núi Bảo Cái)

Mả Dấu hay Mả Hổ Táng hiện nay là một gò đất cao.  Nhân dân trong vùng gọi là hòn Ngọc. Mộ Lê Lộc hướng vé phía nam bên trái là núi Lăng, bên phải là núi Bông, đằng sau là núi Bảo Cái. Ngôi mộ đó được coi là “đắc địa”, vì nó ở thế “tiền án Long Cung, hậu thuỳ Bảo Cái” (đường Long Cung làm án che, núi Bảo Cái làm gối).

Con Lê Lộc là Lê Hiền (Đại Việt sử học, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là Mịch) sau ba năm để tang cha liền trở về quê cũ lấy người Trường Yên Hạ là Đặng Thị Khiết làm vợ.  Các nguồn tài liệu chính sử đều cho biết mẹ Lê Hoàn là Đặng Thị. Hai người lấy nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Khi ông Lê Hiền đã 60 tuổi, Đặng Thị 40 tuổi thì một buổi chiều Đặng Thị nằm mơ thấy cưỡi rồng lên trời ôm được vầng thái dương mang về, rồi từ đấy bà có thai. (Đại Việt sử học, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là mẹ vua khi có thai thì nằm mộng thấy trong bụng sinh hoa sen, bỗng chốc kết thành hạt, bà hái lấy chia cho mọi người cùng ăn).

Về ngày sinh của Lê Hoàn, ngọc phả cho biết vua sinh ngày 19 tháng Giêng năm Tân Sửu  (941) . Nhưng hai bộ sử quan trọng là Đại Việt sử học, Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là vua sinh ngày 15 tháng 7. Tuy nhiên Đại Việt sử lược chép Lê Hoàn sinh năm đầu niên hiệu Thiên Phúc (936), là năm Bính Thân. Đại Việt sử ký toàn thư chép vua sinh năm 941.

Đến năm Lê Hoàn 7 tuổi thì bố mẹ nối nhau qua đời.  Lê Hoàn được ông quan sát họ Lê nhận làm con nuôi vì “cùng họ nên nhận là con nuôi” (1).

Trong thời gian làm con nuôi, Lê Hoàn được viên quan họ Lê “sớm chiều chăm sóc dậy dỗ  không khác gì con đẻ” (2). Lê Hoàn theo thầy học văn chương võ nghệ tinh thông bè bạn bằng vai ai cũng nể phục” (3).  Ngọc phả cho biết đến năm 16 tuổi,  Hoàn trở lại Bảo Thái thăm quê rồi ở lại luôn đó, dạy dỗ trẻ con trong xã học hành. 

Tại Bảo Thái, Lê Hoàn cùng với Nguyễn Minh là người cùng xã kết bạn với nhau, tụ tập trai tráng cùng học văn luyện võ. Tương truyền hai ông mở lớp học chữ tại lưng chừng núi Lăng là nền nhà cũ trước đây của ông Lê Lộc, học võ tại một bãi đất rộng (ngày nay ở cạnh trường tiểu học Liêm Cần) có tên gọi là Dàn Thề. Trên núi Lăng hiện có ba di tích: trên đỉnh núi là sinh từ của Đinh Tiên Hoàng, giữa núi là sinh từ của Lê Hoàn, và ở dưới chân núi là đền Lăng.

Về nhân vật Nguyễn Minh, ngọc phả Nguyễn Minh và nàng Nhữ Hoàng Đê (4) cho biết bố mẹ Nguyễn Minh là Nguyễn Hạnh và Trần Thị Mỹ, người vùng Phật Tích - Bắc Ninh. ông Nguyễn Hạnh và bà Trần Thị Mỹ đi đến Bảo Thái sinh sống, hai người xin với dân sở tại cho ở chùa Dương Quang (còn gọi là chùa Vực).

Thần phả cho biết Nguyễn Minh là tiên đồng đầu thai xuống, dân gian thì giải thích ông là con thầy chùa. Chùa Dương Quang là nơi ông ra đời, và hiện nay đó cũng là nơi thờ ông. Lớn lên, Nguyễn Minh theo thầy văn ôn võ luyện. Đến năm 16 tuổi bố mẹ nối nhau qua đời, để mưu sinh ông phải vào rừng kiếm củi. Đến năm 20 tuổi, Nguyễn Minh chiêu mộ quân lính, chuẩn bị lương thảo, bảo vệ nhân dân và xóm làng, ngầm nuôi chí lớn.

Sự gặp gỡ giữa Lê Hoàn và Nguyễn Minh là sự gặp gỡ giữa những thanh niên cùng chí hướng trong buổi loạn lạc. Kể từ đó, Lê Hoàn và Nguyễn Minh cùng nhau tập hợp trai tráng, tập luyện võ nghệ bảo vệ làng xóm, chờ thời cơ nổi dậy.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư .Sđd T. 1  tr. 220.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. T.1. tr.220.
(3) Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê. Tài liệu do ông Hà Văn Lang cung cấp cấp.
(4) Tư liệu do ông Hà Văn Lang cung cấp.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM