Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:23:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng Việt Nam - Tập 1  (Đọc 67689 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 11:19:46 pm »


21- TRẦN KHÁT CHÂN (1370 - 1399)


Trần Khát Chân là người thuộc dòng dõi của Trần Bình Trọng quê ở Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh. Đất quê ông nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm Canh Tuất (1370) (tư liệu này là của các tác giả Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam1. Nếu các tác giả Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam đúng thì năm 1389, tức là năm ông mới 19 tuổi, đã được triều đình phong làm tướng cầm đầu đội quân Long Tiệp và được Nhà vua đích thân trao phó trọng trách, làm Tổng chỉ huy quân đội nhà Trần đi đánh quân Chiêm Thành đang tràn ra cướp phá nước ta.

Thời Trần Khát Chân là thời suy vi của triều Trần. Những cuộc chiến tranh triền miên và khốc liệt đối với các lân bang đặc biệt là đối với Chiêm Thành, đã làm cho tiềm lực quốc gia ngày một kiệt quệ. Các vua cuối đời Trần phần lớn là bất tài và bị quyền thần lấn át, thậm chí là bị bức tử2.

Bấy giờ, Chiêm Thành đang lúc hưng thịnh. Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều phen đem quân ra cướp phá nước ta, có lúc, chúng đã thiêu trụi cả kinh thành Thăng Long, buộc vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy tán loạn. Nhà Trần đã sai hầu hết các tướng dốc hết lực lượng ra để chống trả, nhưng không sao đánh bại được quân Chiêm Thành. Bấy giờ, hễ tướng nào bị sai ra trận cũng kể như hết hi vọng sống sót trở về. Tình thế rất thê thảm. Năm Kỉ Tị (1389), quân Chiêm do đích thân Chế bồng Nga cầm đầu lại tiến ra. Thượng Hoàng nhà Trần là Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân cầm quân đi đánh trả. Sử cũ chép rằng:

“Tháng 11 năm Kỉ Tị (1389 - NKT), Thượng Hoàng sai Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp đi đánh giặc. (Trần) Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt, lạy tạ rồi ra đi Thượng Hoàng cũng khóc, lau nước mắt tiễn đưa. Quân ta xuất phát từ sông Lô (tức sông Hồng - NKT), mới đến Hoàng Giang đã gặp giặc. (Trần) Khát Chân quan sát, thấy (địa hình) nơi đó khó lòng tổ chức đánh trả, bèn lui về giữ sông Hải Triều (tức sông Luộc - NKT). Em trai của Linh Đức (tức Trần Phế Đế: 1377- 1388) là (Trần) Nguyên Diệu muốn báo thù cho Linh Đức (vì Linh Đức bị Hồ Quý Ly xúi giục Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông bức tử - NKT), liền đem quân đi đầu hàng giặc”3.

“Bấy giờ, (Chế) Bồng Nga cùng với (Trần) Nguyên Diệu dẫn hơn một trăm chiến thuyền đến dò xét cách bài binh bố trận của quân ta. Chiến thuyền giặc chưa kịp ổn định hàng ngũ, thì có tên bề tôi nhỏ của (Chế) Bồng Nga là Ba Lậu Kê, vì bị (Chế) Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, đã chạy sang trại quân của ta, chỉ vào chiếc chiến thuyền sơn màu xanh, nói rằng đó là thuyền của vua nước hắn. (Trần) Khát Chân hạ lệnh cho quân sĩ, nhất tề nhả đạn. Thuyền của (Chế) Bồng Nga bị lủng ván và (Chế) Bồng Nga trúng đạn mà chết. Người trong thuyền hắn kêu khóc ầm ĩ cả lên. (Trần) Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu của (Chế) Bồng Nga chạy về với quan quân (để mong được tha tội - NKT), nhưng, tướng giữ chức Đại Đội Phó Thượng Đô ở quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và viên Đầu Ngũ là Dương Ngang liền giết luôn cả (Trần) Nguyên Diệu, chiếm lấy đầu của (Chế) Bồng Nga. Quân giặc liền tan vỡ.

(Trần) Khát Chân liền sai viên Giám Quân là Lê Khắc Khiêm, bỏ đầu giặc vào hòm, chạy thuyền gấp về hành tại (của Thượng Hoàng) ở Bình Than để báo tin thắng trận. Bấy giờ, đồng hồ đã điểm canh ba (tức vào khoảng từ 23 giờ khuya đến 01 giờ sáng - NKT), Thượng Hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh giấc, cứ ngỡ là quân giặc đã đánh vào đến tận ngự doanh (chỉ nơi ở của Thượng Hoàng hoặc là vua ở ngoài kinh đô - NKT). Đến khi nghe tin thắng trận, lại lấy được cả đầu của (Chế) Bồng Nga, thì rất là vui mừng. (Thượng Hoàng) liền cho gọi các quan đến để xem cho kĩ. Các quan mặc triều phục, đến và hô “vạn tuế !”. Thượng Hoàng nói:

Ta với (Chế) Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu nhưng mà nay mới thấy mặt nhau. Việc này nào có khác gì chuyện Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Võ. Thiên hạ yên rồi”4.

Chiến thắng của Trần Khát Chân đã khiến cho quân Chiêm Thành phải ngưng các cuộc tấn công vào Đại Việt, nhưng, thiên hạ chưa phải là đã được yên như lời của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông. Sau khi lập được công lớn này, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần Nội Vệ Thượng Tướng Quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu. Rất tiếc là ông đủ tài năng và dũng khí để giết Chế Bồng Nga nhưng lại không sao có thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của triều Trần diễn ra sau đó chẳng bao lâu. Bấy giờ, Hồ Quý Ly ngày một chuyên quyền, mưu cướp ngôi của họ Trần đã thể hiện ngày một rõ. Trần Khát Chân cùng một loạt tướng lĩnh và quan lại lập mưu để giết Hồ Quý Ly khi Hồ Quý Ly vào dự hội thề tại Đốn Sơn (Thanh Hóa). Nhưng vì chính sự chần chừ của Trần Khát Chân mà Hồ Quý Ly biết được mưu kế của bá quan văn võ. Và, Hồ Quý Ly đã không ngần ngại chủ động ra tay. Trần Khát Chân cùng với 370 người bị Hồ Quý Ly giết hại. Sự kiện này xẩy ra vào năm Kỉ Mão (1399). Như trên đã nói, nếu các tác giả Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam đã xác định đúng năm sinh của Trần Khát Chân, thì khi mất, ông mới 29 tuổi.
___________________________________
1. Sách đã dẫn. Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1990, trang 19.
2. Vua bị chết trận: Trần Duệ Tông (1372-1377); vua bị bức tử: Trần Phế Đế (1377-1388) và Trần Thuận Tông (1388-1398). Vua bị cướp ngôi: Trần Thiếu Đế (1398 – 1400). Quyền thần khét tiếng nhất: Hồ Quý Ly. Chính Hồ Quý Ly đã cướp ngôi của nhà Trần vào năm 1400.
3. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 8, tờ 16-a).
4. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ. quyển 8, tờ 17a-b và tờ 18-a).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 11:26:51 pm »


22 – NHỮNG TẤM GƯƠNG TIẾT THÁO TIÊU BIỂU DƯỚI THỜI TRẦN

                                                        Trong ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra dưới thời Trần, sử sách
                                                        đã trân trọng ghi chép tên tuổi lừng lẫy của nhiều vị danh tướng.
                                                        Nhưng, cũng trong ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, bên cạnh
                                                        các vị danh tướng và gắn bó chặt chẽ với các vị danh tướng còn có
                                                        hàng loạt những tấm gương anh hùng tiết tháo. Họ chưa bao giờ là
                                                        tướng, nhưng chính họ cũng lập được không ít kì công, làm rạng rỡ
                                                        truyền thống ngoan cường và bất khuất của cả dân tộc. Tên tuổi của
                                                        họ sống mãi trong kí ức bất diệt của nhân dân. Dưới đây là một số tấm
                                                        gương tiết tháo tiêu biểu nhất



1, YẾT KIÊU VÀ DÃ TƯỢNG

Nguyên nghĩa, Yết Kiêu là chó ngắn mõm, Dã Tượng là voi rừng. Nhưng, đây lại là tên người. Cả hai đều là gia nô và với thân phận đó, việc họ phải mang những cái tên như đã kể trên cũng là điều dễ hiểu. Khi vận nước lâm nguy, từ dưới đáy của xã hội, họ đã hiên ngang ra trận với dũng khí bừng bừng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 5, tờ 45-a) đã viết về Yết Kiêu và Dã Tượng như sau:

“Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) có người gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng, từng được đối đãi rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (tên một địa điểm ở sông Lục Nam - NKT ), còn Dã Tượng thì đi theo hầu (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đến lúc quan quân thua trận, thủy quân tan cả1. (Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) định theo đường núi để rút lui. Dã Tượng liền nói:

- Yết Kiêu mà chưa thấy Đại Vương thì nhất định không chịu dời thuyền.

(Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) liền trở lại Bãi Tân thì chỉ thấy còn mỗi mình Yết Kiêu cắm thuyền chờ ở đó. (Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) vui mừng mà nói rằng:

- Ôi! Chim Hồng, chim Hộc sở dĩ có thể bay cao, bay xa là nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu như không có sáu trụ xương cánh ấy thì chim Hồng, chim Hộc cũng chỉ như chim thường thôi.

Nói xong, bèn hạ lệnh cho chèo thuyền đi, kị binh giặc đuổi theo mà không kịp”.

Yết Kiêu và Dã Tượng đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng trung thành đối với chủ, về dũng khí của người lính và về ý thức kỉ luật chiến đấu rất cao. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đánh giá rất đúng về vai trò của họ. Những danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sở dĩ có thể ví được với chim Hồng, chim Hộc, bởi vì chính những người như Yết Kiêu, như Dã Tượng, thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “sáu trụ xương cánh” của chim Hồng, chim Hộc đó thôi!


2, NGUYỄN ĐỊA LÔ

Tuy cũng đều là gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng khác với Yết Kiêu và Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô có tên họ đầy đủ hơn. Năm 1285, khi đạo quân của Toa-Đô vừa từ Chiếm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện2 đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng. Sự kiện này đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn.

Toa-Đô lập tức sai người dẫn Trần Kiện về Yên Kinh (Trung Quốc ). Nhưng, khi bọn Trần Kiện vừa đến biên giới phía Bắc, các đội dân binh ở đây, dưới sự chỉ huy của một số thủ lĩnh kiệt xuất như Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh đã đón đánh cho tơi bời. Gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Nguyễn Địa Lô cũng có mặt trong cuộc tập kích này. Và, chính Nguyễn Địa Lô đã bắn chết Trần Kiện.


3, HÀ BỔNG, HÀ ĐẶC VÀ HÀ CHƯƠNG

Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương đều là thủ lĩnh của các đội dân binh ở vùng Việt Bắc ngày nay. Hà Bổng nguyên là chu trại Quy Hóa (mạn phía Bắc của Vĩnh Phú ngày nay). Năm 1258, U-ri-ang-kha-đai đem quân sang cướp nước ta. Giặc bị ta đánh cho tơi bời ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay) nên đã tháo chạy tán loạn. Khi chúng chạy qua vùng Quy Hóa, lập tức bị Hà Bổng đem đội dân binh của mình ra đánh quyết liệt. Giặc đã hốt hoảng lại càng thêm hốt hoảng, chúng chạy thục mạng, không dám cướp lương ăn, vì thế, bị nhân dân đương thời mỉa mai gọi là “giặc Phật”. Sau chiến thắng, Hà Bổng được phong tới tước Hầu.

Hà Đặc và Hà Chương là hai anh em. Năm 1285, khi quân Nguyên thua trận phải tháo chạy, hai ông đã đem đội dân binh của mình ở huyện Phù Ninh ra đánh quyết liệt. Hà Đặc chẳng may bị trúng tên mà mất, em ông là Hà Chương không chút nản chí, vẫn tiếp tục chỉ huy dân binh đánh giặc đến cùng. Ông bị giặc bắt, nhưng nhân lúc giặc canh gác sơ hở, ông đã trốn thoát được, đã thế, còn lấy được không ít quân trang của chúng, ông dùng quân trang đó cho quân sĩ của mình, khiến giặc bị bất ngờ nên đã bị đánh rất đau.


4, CÔNG CHÚA AN TƯ

Công chúa An Tư là con út của Trần Thái Tông, em út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Năm 1285, quân Nguyên tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vận nước bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Giặc có quân số áp đảo, lại đã tạo được thế tấn công từ hai phía Nam và Bắc, nên rất hung hăng. Khi Trần Kiện bỏ đi đầu hàng, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn nữa. Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã có hai quyết định rất đặc biệt. Một là cử sứ giả đến doanh trại của Ô-Mã-Nhi để dò xét thực lực cụ thể của giặc và hai là tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát-Hoan. Việc đi dò xét thực lực cụ thể của Ô-Mã-Nhi được trao phó cho Đỗ Khắc Chung, còn việc tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát-Hoan thì được trao phó cho Công Chúa An Tư.

Tháng 2 năm 1285, Công Chúa An Tư được vua Trần sai người mang đến cho Thoát-Hoan. Công Chúa An Tư ra đi với nhiệm vụ kết hợp giữa do thám tình hình với việc làm sao cho Thoát-Hoan say đắm, để rồi sao lãng bớt việc đánh phá ta. Sử cũ chép rằng:

“Sai người đem Công Chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông đến cho Thoát-Hoan là muốn làm thư giãn nạn nước vậy”3.

Thoát-Hoan là một tên cáo già, không có gì có thể làm cho hắn mê muội được, nhưng, việc Công Chúa An Tư dám vì nước mà ra đi, qủa là đáng cho đời đời trân trọng. Trong chiến tranh, có những người đánh giặc bằng đại dũng, có những người đánh giặc bằng đại trí, có những người đánh giặc bằng đại nghĩa, nhưng cũng có những người đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của mình. Công Chúa An Tư quả là đã đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của chính mình vậy

Sau, tung tích của Công Chúa An Tư không rõ ra sao
__________________________________
1. Đây chỉ những trận đánh đầy khó khăn của quân đội nhà Trần trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285).
2. Con của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang, tức là anh em con chú con bác với vua Trần Nhân Tông.
3. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 5, tờ 47-a).



Het
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM