Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:35:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bản án chế độ thực dân Pháp  (Đọc 36478 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:49:16 pm »

Một bà cụ An Nam, cũng là phu gánh muối, vì bị khấu lương nên cãi nhau với mụ cai. Mụ cai thưa với viên đoan. Viên này không cần xét hỏi gì cả, tát luôn bà cụ hai cái tát nên thân, và khi bà cụ cúi xuống nhặt nón, thì nhà khai hoá đó lại đá luôn một cái rất ác vào bụng dưới làm cho máu ộc ra lênh láng.
Bà cụ ngã xuống bất tỉnh. Đáng lẽ phải đỡ bà cụ dậy thì người cộng sự của ông Xarô lại đòi lý trưởng sở tại đến và ra lệnh đem người bị thương đi. Lý trưởng từ chối không làm. Viên đoan liền cho đòi chồng bà già đến, - ông này mù, - ra lệnh đem vợ về.
Các bạn có muốn đánh cuộc rằng cũng như bạn đồng sự của họ là viên quan cai trị nọ ở châu Phi, hai viên chức nhà đoan Nam Kỳ này đã được hoàn toàn vô sự không ? Thậm chí có thể chúng đã được thăng thưởng nữa là khác!
                                        *
                                       * *
Các em bé Angiê đói. Nhiều em mới lên sáu, lên bảy đã phải đi đánh giầy hay xách giỏ thuê ở chợ để kiếm ăn.
Chính phủ thuộc địa và khai hoá cho rằng các em cùng khổ kia kiếm được quá nhiều tiền nên bắt mỗi em phải có một sổ đăng ký và trả môn bài hằng tháng từ 1 phrăng rưỡi đến 2 phrăng.
Các bạn công nhân chính quốc! Các bạn đang phản đối món thuế vô lý đánh vào tiền lương, các bạn nghĩ thế nào về món thuế bỉ ổi đánh vào các em bé kia?
                                           *
                                          * *
Trước chiến tranh, ở Máctiních, giá đường là 280 phrăng một tấn, rượu rom 35 phrăng một trăm lít.
Nay giá đường 3.000 phrăng, rượu rom 400 phrăng.
Như thế bọn chủ được lời 1000%.
Trước chiến tranh, lương công nhân mỗi ngày 3 phrăng, nay từ 3 phrăng 75 đến 4 phrăng.
Như thế tiền lương công nhân tăng chưa đầy 30%.
Giá sinh hoạt thì lại tăng lên ít nhất 300%. Nếu cộng thêm sự giảm sút sức mua của đồng phrăng vào sự chênh lệnh ghê gớm nói trên thì các bạn sẽ thấy đời sống của người công nhân bản xứ cùng cực đến thế nào.
Tháng 2 năm 1923, vì chủ không chịu tăng lương, công nhân đã bãi công.
Cũng như bất cứ ở đâu, mà ở thuộc địa lại còn hơn ở nơi khác, bọn chủ không bao giờ ngần ngại làm cho công nhân đổ máu. Cho nên trong cuộc bãi công ấy, hai công nhân trẻ người Máctiních, một anh 18, một anh 19 tuổi, đã bị giết một cách hèn nhát.
Bọn chủ hung ác không từ trẻ con, không từ phụ nữ. Tờ Le Paria, số ra tháng 5 năm 1923, đã đăng tin dưới đây:
"Nhà chức trách đối xử rất bất công với nhân dân lao động. Những người không nhận làm việc theo mức tiền công do bọn chủ ấn định đều bị tố giác, bị cảnh binh bắt giữ và khám xét. Ở đâu, bọn cảnh binh cũng tỏ ra đầy ác ý đối với dân nghèo khổ.
"Chẳng hạn hôm kia, hai cảnh binh đã đến viện cứu tế Tơrinitê bắt một phụ nữ tên là Luybanh, chị này hai đùi bị trúng nhiều vết đạn trong vụ nổ súng ở Rátxinhắc ngày 9 tháng 2. Người ta đã bỏ tù chị, lấy cớ rằng "chị đã vi phạm quyền tự do lao động bằng bạo hành hoặc bằng lời doạ dẫm".
"Nhưng một điều chắc chắn là người phụ nữ đáng thương đó đi không được, thế mà bọn cảnh binh vẫn cứ muốn giải chị đi bộ 32 kilômét đến chỗ ông dự thẩm.
"Lúc chị bị bắt thì đã năm, sáu ngày chị không được thầy thuốc ở mãi Pho đơ Phrăngxơ(1), cách đấy 32 kilômét, đến khám.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:49:31 pm »

"Thế thì ai đã cấp giấy cho chị ra viện, khi mà người mẹ có ba con nhỏ và bị bắt giam kia vẫn bảo rằng mình chưa lành, mình còn thương tích và không đi lại được?
"Tôi nêu sự việc này trong số bao nhiêu sự việc đáng căm phẫn thường tái diễn hầu như ở khắp nơi trong thuộc địa.
"Trong cuộc bãi công, ở một số doanh nghiệp, những người "được tuyển dụng" bị bắt buộc làm việc dưới sự giám sát của cảnh binh và lính thuỷ, y như dưới thời đại nô lệ".
Chúng tôi đọc trong một tờ báo, thấy như sau:
"Ở Côngxtăngtin(2), từng đoàn phụ nữ lũ lượt kéo đi ăn xin. Một người trong đám người cùng khổ đó đã chết bên cầu En Căngtara, tay còn ẵm đứa con nhỏ.
"Từ Bôgari đến Gienpha(3) vô số ông già, trẻ em và phụ nữ bế con bao vây đoàn xe lửa để xin bố thí.
"Họ chỉ còn là những bộ xương, quần áo tơi tả. Người ta cấm họ lảng vảng đến các ga".
                                            *
                                           * *
Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh - dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý, v.v., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ.
Thói dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng được. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra một vài việc mà những nhân chứng không thiên vị đã trông thấy và kể lại, để các chị em phương Tây hiểu rõ giá trị của cái gọi là "sứ mạng khai hoá" và nỗi đau khổ của chị em mình ở thuộc địa.
Một người ở thuộc địa kể lại rằng: Khi bọn lính kéo đến, tất cả dân chúng đều chạy trốn, chỉ còn lại hai cụ già, một thiếu nữ, một thiếu phụ đang cho đứa con mới đẻ bú và tay dắt một em gái lên tám. Bọn lính đòi tiền, rượu và thuốc phiện. Vì không ai hiểu tiếng Pháp nên chúng nổi giận, lấy báng súng đánh chết một cụ già. Còn cụ già kia thì bị hai tên lính, khi đến đã say mềm, đem thiêu sống trong một đống lửa hàng mấy giờ liền để làm trò vui với nhau. Trong khi đó thì những tên khác thay phiên nhau hiếp cô thiếu nữ, người mẹ và đứa con gái nhỏ của bà. Xong, chúng vật ngửa cô thiếu nữ ra, trói lại, nhét giẻ vào miệng, rồi một tên cầm lưỡi lê đâm vào bụng cô, chặt ngón tay cô để lấy chiếc nhẫn và cắt đầu cô để lột cái vòng cổ.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:49:48 pm »

Trên đám đất bằng phẳng trước kia là ruộng muối, ba cái xác chết nằm đó: một em bé bị lột trần truồng, một thiếu nữ ruột gan lòi ra, cánh tay trái cứng đờ giơ nắm tay lên chĩa vào ông trời vô tình, một xác cụ già ghê rợn khủng khiếp, thân thể trần truồng, mặt mũi cháy không nhận ra được nữa, mỡ chảy lênh láng đã đông lại da bụng phồng lên, láng xầy, vàng óng như da lợn quay.
Buổi tối hôm đánh chiếm Chợ Mới (Bắc Kỳ), một sĩ quan của tiểu đoàn châu Phi còn thấy một người tù khoẻ mạnh, không thương tích. Sáng hôm sau, viên sĩ quan ấy đã thấy anh ta bị thiêu chết, mỡ chảy nhầy nhụa, da bụng phồng lên và vàng ánh. Đó là vì một bọn lính đã suốt đêm thui con người tay không ấy, trong khi bọn khác hành hạ một phụ nữ.
Một tên lính buộc một người phụ nữ An Nam phải hiến thân cho con chó của hắn. Chị không chịu. Hắn liền đâm một nhát lưỡi lê vào bụng chị, chết tươi. Cũng vẫn người ấy kể lại: "Một ngày lễ nọ, một tên lính trong cơn vui, tự nhiên vô cớ nhảy bổ vào một bà già người An Nam, lấy lưỡi lê đâm bà một nhát chết ngay.
Một tên lính làm vườn nhìn thấy một toán người, nam có, nữ có, đi vào vườn hắn lúc mười giờ sáng. Đó là những người trồng rau hiền lành, tò mò muốn xem vườn. Nhưng tên lính đã lấy súng săn bắn xả vào họ, làm chết hai thiếu nữ.
Một nhân viên nhà đoan đòi vào nhà một người bản xứ, chủ nhà không chịu, hắn bèn đốt nhà, và đánh gãy chân chị vợ chủ nhà giữa lúc chị này bị khói xông mờ mắt, dắt con chạy ra để khỏi chết cháy".
Thói dâm bạo vô độ của bọn xâm lược thật không có giới hạn nào cả. Cái tinh vi của một nền văn minh khát máu cho phép chúng tưởng tượng được đến đâu thì chúng cứ thực hiện tính tàn ác lạnh lùng của chúng đến đó.
                                            *
                                           * *
Thuế má nặng nề không phải chỉ đánh vào ruộng đất, vào súc vật và vào nam giới mà thôi, mà cái ơn mưa móc (!) ấy còn tưới rộng ra cho cả nữ giới nữa:
Nhiều phụ nữ bản xứ khốn khổ, phải mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì một tội là không nộp nổi thuế.
Trong tất cả những cố gắng của các nhà khai hoá nhằm làm cho nòi giống An Nam lành mạnh hơn và đưa họ lên con đường tiến bộ (?), phải kể đến việc cưỡng bức mua rượu ty. Không sao kể xiết tất cả sự nhũng lạm chung quanh việc bán rượu, một thứ thuốc độc dùng để pha chế thế nào cho người ta nuốt trôi được cái món "dân chủ".
Trên kia chúng tôi đã nói rõ rằng, để nuôi béo bọn cá mập ở chính quốc, cái chính phủ đầy tội ác ở Đông Dương đã cho phép bọn tôi tớ của nó bắt đàn bà, trẻ con không uống rượu cũng phải mua rượu. Muốn làm vừa ý bọn độc quyền, người ta đặt ra những luật lệ để trừng trị việc nấu và buôn rượu lậu; người ta đặt lên đầu người dân bản xứ cả một lô đủ thứ hình phạt; người ta cấp vũ khí cho nhân viên nhà đoan. Bọn này có quyền xông xáo vào nhà cửa, ruộng vườn của tư nhân.
Chúng ta hơi lấy làm ngạc nhiên - mà kể cũng đáng ngạc nhiên thật - khi thấy cảnh binh giải về Hà Nội hay Hải Phòng từng đoàn ông già, phụ nữ có mang, trẻ con, cứ hai người trói chung một dây, để trả lời về tội vi phạm luật lệ thương chính.
"Nhưng thế cũng chưa thấm gì so với những việc xảy ra ở các tỉnh, nhất là ở Trung Kỳ; ở đấy, viên công sứ kết án và bỏ tù hàng loạt, già, trẻ, đàn ông, đàn bà".
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:50:05 pm »

Tác giả đoạn văn trên tả dám thân quyến của họ ở cổng nhà lao như sau: "ông già, đàn bà, trẻ con, tất cả đám người ấy đều bẩn thỉu, rách rưới, mặt mũi hốc hác, mắt đỏ ngầu lên vì sốt; trẻ con bị lôi theo vì ngắn chân bước không kịp. Tất cả cái đám người đã kiệt sức ấy mang theo đủ mọi thứ: nón, quần áo rách, cơm nắm, đủ thứ thức ăn, để lén trao cho người bị can là cha, là chồng, là trụ cột của gia đình, và hầu như luôn luôn là chủ gia đình". Tất cả những điều mà người ta đã có thể nói ra vẫn còn ở dưới mức sự thật. Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế.
Không phải chỉ có những cuộc khám nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ. Nhân viên nhà đoan vào nhà người bản xứ, bắt đàn bà, con gái cởi hết áo quần trước mặt chúng, và khi họ đã trần truồng như nhộng thì chúng giở trò dâm đãng kỳ quặc đến mức đem cả con dấu nhà đoan đóng lên người họ.
Ôi! Hỡi những người mẹ, những người vợ, những người phụ nữ Pháp, chị em nghĩ gì về tình trạng đó? Và các bạn, những người con, những người chồng, những anh em người Pháp nữa? Có phải đó là phép lịch sự của người Pháp đã bị "thực dân hoá" đi không nhỉ?
Nhiệt tình của người An Nam đối với nền giáo dục hiện đại làm cho chính phủ bảo hộ lo sợ. Bởi thế, chính phủ đóng cửa các trường làng, biến trường học thành chuồng ngựa cho các quan nhà binh, đuổi học trò và bỏ tù thầy giáo. Một cô giáo bản xứ đã bị bắt giải về tỉnh lỵ, cổ đeo gông, đầu phơi trần dưới ánh nắng như thiêu đốt.
Một viên chánh quản pháo binh, đã đốt nhà một phụ nữ An Nam, vì người ấy không chịu tiếp hắn vào lúc nửa đêm.
Một viên quan hai có nhiều vợ đã quật ngã một thiếu phụ An Nam và dùng gậy song đánh chị đến chết chỉ vì chị không chịu làm vợ lẽ hắn.
Một sĩ quan khác hiếp một em bé gái bằng những cách dâm bạo vô cùng ghê tởm. Bị truy tố trước toà đại hình, hắn được trắng án, chỉ vì nạn nhân là người An Nam.
Trong tất cả các bài diễn văn, tất cả các bản báo cáo ở khắp những nơi mà các nhà cầm quyền của chúng ta có dịp mở miệng, và có bọn ngốc ngồi nghe, họ luôn luôn khẳng định rằng, chỉ có nước Đức dã man mới là đế quốc, là quân phiệt, còn nước Pháp, cái nước Pháp yêu hoà bình, nhân đạo, cộng hoà và dân chủ, cái nước Pháp mà họ đại diện thì không phải là đế quốc, cũng không phải là quân phiệt. Ồ! hoàn toàn không phải! Nếu chính các nhà cầm quyền ấy đưa binh lính - là con em công nhân hay chính là công nhân - đi giết hại những công nhân ở các nước khác, thì đó chẳng qua là để dạy cho những người này biết sống cho tốt mà thôi!
 
Chú thích
1)  Fort de France. Thủ phủ Máctiních.
2) Constantine. Tên một quận của Angiêri, đồng thời cũng là tên quận lỵ của quận ấy.
3) Boghari, Djelfa. Tên những địa phương ở Angiêri.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:50:25 pm »

CHƯƠNG XII : NÔ LỆ THỨC TỈNH

I- Ở ĐÔNG DƯƠNG
Tháng 11 năm 1922, 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn (Nam Kỳ) vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công.
Cuộc phản công của bọn chủ liền diễn ra ở khắp nơi, và khắp nơi giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình.
Nếu những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai, dễ bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại - do bản năng tự vệ, nếu có thể nói như thế- và đấu tranh chống những đòi hỏi tàn bạo của chủ, thì đó là vì tình cảnh của họ quá ư khốn khổ, khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không tưởng tượng được. Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại và chúng ta đừng quên rằng bổn phận của chúng ta - những người lao động ở chính quốc - không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức.
II- Ở ĐAHÔMÂY
Lo sợ về giai cấp công nhân ở chính quốc đã thức tỉnh, chủ nghĩa tư bản Pháp tìm cách di chuyển nền thống trị của nó qua các thuộc địa. Tại đó, nó vơ vét nguyên liệu cho các nhà máy và sử dụng những lực lượng phản động và lạc hậu(1) để chống lại cách mạng. Báo chí tư sản ở Pari và các tỉnh thường xuyên dành hàng trang cho mục thuộc địa. Các tướng tá và nghị sĩ tổ chức những cuộc diễn thuyết về thuộc địa. Những cây bút quan liêu và những người nói khoác ấy không tìm đâu ra đủ lời lẽ để ca ngợi công ơn khai hoá "của họ" và lòng trung thành của người bản xứ.
Đôi khi các ngài ấy trơ tráo đến mức đem lòng... nhân từ của họ đối lập với sự cướp bóc của thực dân Anh; họ cho chính sách của người Anh là "phương pháp tàn nhẫn" hoặc "thái độ thô bạo" và quả quyết rằng cách làm của người Pháp là đầy công bằng và từ thiện!
Chỉ cần nhìn qua các thuộc địa Pháp một chút cũng đủ thấy công cuộc khai hoá đó là "đẹp đẽ và nhân từ" biết chừng nào?
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:50:35 pm »

Ở Đahômây, người ta tăng thêm thuế vốn đã quá nặng đối với người bản xứ. Người ta bắt thanh niên phải bỏ nhà cửa, ruộng nương để đi làm "những người bảo vệ văn minh". Người ta cấm người bản xứ mua sắm và sử dụng vũ khí để chống thú dữ thường phá hoại sạch trơn hàng loạt làng xóm. Giáo dục, vệ sinh đều thiếu. Trái lại, người ta không từ một thủ đoạn nào để bắt người Đahômây "được bảo hộ" phải chiụ cái chế độ "dân bản xứ" đáng phỉ nhổ, một chế độ đã hạ con người xuống hàng con vật và làm ô nhục cho cái thế giới gọi là văn minh. Dân bản xứ không cam chịu nhục được mãi, phải vùng lên. Thế là đàn áp đẫm máu. Người ta dùng những biện pháp cứng rắn. Người ta điều quân đội, súng liên thanh, súng cối và tàu chiến đến, người ta ra lệnh giới nghiêm. Người ta bắt bớ và bỏ tù hàng loạt. Đấy! Công cuộc khai hoá nhân từ là như thế đấy!
III- Ở XYRI
Dân Xyri lấy làm hài lòng, rất hài lòng về chính sách cai trị của tướng Gurô, các nhà đương cục đều nói như thế. Nhưng các sự việc sau đây đã chứng minh trái ngược lại:
Tháng 3 năm 1922, ông Muyxtapha Kêman đến Métxin. Để đón tiếp ông, người Hồi giáo Xyri dựng một khải hoàn môn có cắm cờ đen mang các khẩu hiệu: "Thổ và Arập là anh em!", "Xin chớ quên những người anh em Xyri", "Hãy giải phóng cho chúng tôi", v.v..
Việc ông Muyxtapha Kêman đến thăm Ađana đã gây nên những cuộc biểu tình sôi nổi. Trong hai ngày liền, những người trong phong trào phục quốc ở Ăngchiôsơ và Alếchxăngđrét đã giương cờ đen kéo qua các phố và hô lớn những khẩu hiệu chống chế độ uỷ trị Pháp.
Đáp lời kêu gọi của phái đoàn phục quốc Xyri, nghe đâu ông Muyxtapha Kêman đã nói: “Một trung tâm văn minh đã tồn tại(2) từ bao thế kỷ như Xyri không thể nằm trong tay người ngoại quốc được".
Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi cái châm ngôn "chia để trị" của nó. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói, đã bị chia năm sẻ bảy. Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau. Sau khi đẩy họ chống lại nhau, người ta lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại, lập nên một "Liên bang" gọi là Liên bang Đông Dương.
Trong các thuộc địa mới, người ta cũng lại thấy cái sách lược ấy. Sau khi chia cắt đất nước Xyri thành "một số quốc gia", cao uỷ Pháp ở Bâyrút lại lập một "Liên bang" Xyri, gồm các "nước" Alép, Đamát, và Alauit(3). Một lá quốc kỳ đã được bày đặt ra nhằm mục đích đó. Cũng như đối với lá cờ An Nam, người ta không quên vá vào lá cờ liên bang đó một miếng "cờ bảo hộ", ở góc trên gần cán. Ngày 11 tháng 12 năm 1922 là ngày lễ "long trọng", lân đầu tiên lá cờ ấy được kéo lên nóc phủ liên bang ở Alép.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:50:53 pm »

Trong dịp ấy, nhiều nhà cầm quyền đã đọc diễn từ. Ông Xubi Baraca Bây, chủ tịch liên bang, đã nói nào là "nước bảo hộ rộng lượng”, nào là "người hướng đạo chân thành", nào là “những vị tướng lĩnh chiến thắng", và hàng tràng những điều khác nữa. Ông Bôbe đơ Ke, quyền cao uỷ, cũng đọc đítcua rất dài. Ngoài những điều khác ra, vị quan cao cấp ấy đã nhắc lại rằng, "nước Xyri độc lập không phải là dân tộc đầu tiên được nước Pháp săn sóc từ trong nôi", v.v.. Nhưng, tất cả những lời lẽ huênh hoang rỗng tuếch ấy chẳng đánh lừa được ai. Phái đoàn Xyri - Palextin lãnh nhiệm vụ đấu tranh cho độc lập và thống nhất - chân chính - của nước Xyri ở Hội nghị Lôdannơ đã gửi một bức thư phản kháng. Bức thư này đã được đăng trên tờ La Tribune d’Orient, và chúng tôi rất sung sướng được sao lại dưới đây:
 Thưa ngài,
"Giữa lúc người ta đương cố hàn gắn những lỗ hổng mà Hiệp ước Xevơrơ đã khoét ra trong vấn đề Cận Đông và giữa lúc dân tộc Arập đang phải chịu đựng, so với mức hy sinh tự nguyện của mình, những điều tai hại trực tiếp nhất do hiệp ước đó gây ra, thì ở hội nghị của các ngài, hội nghị tổ chức ra với mục đích thiết lập một nền hoà bình vững chắc và lâu dài, tiếng nói của các đại biểu dân tộc Arập ở các khu vực khác nhau vẫn chưa được lắng nghe.
"Thế mà chính lúc này lại là lúc các nhà cầm quyền Pháp chọn để khánh thành một cách long trọng công cuộc thực dân hoá mà họ đã tiến hành từ bốn năm nay bằng cách gắn cái tượng trưng cho chế độ nô lệ vĩnh viễn là những miếng cờ tam tài lên lá cờ mà người ta vừa mới gán cho cái gọi là “Liên bang Xyri". Thế là một lần nữa, người ta lại phủ nhận những lời tuyên bố của Đồng minh, những điều mà nước Anh đã nhân danh Đồng minh cam kết với các dân tộc Arập, và ngay cả những lời của các chính khách Pháp hứa bảo đảm nền độc lập cho xứ Xyri bất hạnh. Nước Xyri hiển nhiên có đủ tư cách để được độc lập nhanh chóng, hoàn toàn, và xứng đáng với nền độc lập ấy không kém bất cứ một nước nào khác ở phương Đông hay ở phương Tây. Thế mà Xyri lại không được phép có một quốc kỳ riêng của mình. Người ta đã buộc Xyri phải đính vào quốc kỳ của mình cái mảnh tam tài làm dấu hiệu cho chế độ uỷ trị, là một sự thôn tính trá hình.
"Thưa ông chủ tịch, từ trước tới nay chúng tôi luôn luôn phản đối chế độ uỷ trị, không bao giờ chúng tôi công nhận chế độ ấy cả, ngày nay chúng tôi lại cực lực phản đối việc gắn cái dấu hiệu tượng trưng của chế độ ấy vào lá cờ của chúng tôi.
"Hầu hết các cường quốc, kể cả những nước lớn mạnh không kém gì nước Pháp, đều không bao giờ dùng phương pháp làm nhục ấy đối với những thuộc địa lạc hậu nhất của họ.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:51:08 pm »

"Hiến chương Hội quốc liên quy định rõ tính chất tạm thời của chế độ uỷ trị (điều 22, đoạn 4). Vậy thì nhà chức trách Pháp dựa trên cơ sở nào để gán ghép màu cờ của họ cho một nước mà họ đòi dìu dắt đến độc lập, một nền độc lập đã được Hiến chương Hội quốc liên công nhận?
"Thưa ngài, chúng tôi trân trọng yêu cầu ngài xét lời phản kháng của chúng tôi về vấn đề ấy, và một lần nữa, chúng tôi nhắc lại nguyện vọng tha thiết nhất của chúng tôi là những yêu sách chính đáng của chúng tôi sẽ được bênh vực tại hội nghị.
"Kính mong, v.v..
"Thay mặt trưởng đoàn đại biểu
Xyri - Palextin
Tổng thư ký
EMIA SEKIP ACXLAN
Ngoài ra, những người ở Hama, phần nhiều là công chức, luật sư, giáo sư, nhà báo, nhà buôn, đã gửi cho thủ tướng Pháp một bức thư mà sau đây là những đoạn chính:
"Thưa ngài Thủ tướng, chúng tôi được hân hạnh trình bày với ngài các yêu sách của chúng tôi, đồng thời chúng tôi phản đối sự phản ứng của cái hội đồng đó, sự phản ứng mà chúng tôi cho là đã đi ngược lại lợi ích của chúng tôi và lợi ích của cả nước Xyri nói chung.
"1. Cái hội đồng liên bang ấy không phải là do quốc dân bầu ra. Vì thế, các uỷ viên của hội đồng đó hoàn toàn không có tư cách là đại biểu của quốc dân, cũng không thể phản ánh ý chí của quốc dân.
"2. Hội đồng ấy không có quyền hành gì cả; nó bị bắt buộc chỉ được thảo luận những vấn đề nào mà người ta muốn đưa ra trước nó, nên ngay cả những vấn đề sống còn của đất nước, nó cũng không thể đề cập đến được. Sau hết, các nghị quyết của hội đồng lại hoàn toàn phụ thuộc vào quyền hành của cao uỷ, cao uỷ có thể tuỳ tiện thi hành hay bác bỏ.
"3. Chính ngay cơ sở của hội đồng ấy cũng không vững, bởi vì mỗi bang chỉ có một đại biểu, mặc dầu dân số các bang không bằng nhau. Lại còn điều kỳ quặc phi lý này nữa là hội đồng không theo nguyên tắc đa số, có một ý kiến bất đồng là cuộc biểu quyết coi như không có giá trị và vấn đề phải đưa lên cao uỷ quyết định.
"4. Người ta giới thiệu hội đồng này như là một bước tiến trên con đường đi đến thống nhất, thật ra nó là sự phủ nhận thống nhất, phủ nhận ngay đến cả tư cách của đất nước nữa, vì đã là một hội đồng chỉ định ra thì nó hoàn toàn không phản ánh được ý chí của quốc dân; thậm chí nó còn có thể đi ngược lại ý chí đó, trong khi trước con mắt của toàn thế giới, nó lại có thể được coi như là cơ quan đề đạt nguyện vọng của nhân dân Xyri, và do đó sẽ cung cấp cho người ta những lý do để khước từ những yêu sách chính đáng của quốc dân chúng tôi.
....
"Còn về nguyện vọng của chúng tôi, thì có thể nêu lên như sau:
"a) Công nhận nền độc lập thật sự và sự thống nhất của Xyri.
"b) Sau khi làm xong cuộc điều tra dân số đang tiến hành thì sẽ tổ chức phổ thông đầu phiếu để bầu ra quốc hội. Quốc hội sẽ ban hành hiến pháp và quyết định chính thể. Quốc hội có thể được triệu tập vào cuối năm 1922, tức là lúc hội đồng liên bang sẽ được triệu tập.
"c) Thành lập một chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, và quốc hội, trong những quyền hạn của nó, phải có toàn quyền lập pháp.
"Đó mới là những nguyện vọng thật sự của nhân dân Hama, mà cũng là nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Xyri".
*
* *
Từ khi tập sách nhỏ này viết xong, thì nhiều biến cố nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều thuộc địa. Đó là quả bom ở Quảng Châu do một người An Nam ném, là những quả bom ở Ăngtiơ, những vụ bãi công đẫm máu ở Guyađơlúp, những cuộc biểu tình không kém đổ máu ở Đamát, những vụ bãi công ở Bidéctơ(4), ở Hammănglíp(5) và tình hình sôi sục ở Tuynidi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #48 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:52:00 pm »

IV- CÁCH MẠNG NGA VỚI CÁC DÂN TỘC THUỘC ĐỊA
 
Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra.
Cách mạng Nga hiểu rất rõ điều đó. Cho nên nó không dừng lại ở việc đọc những bài diễn văn lý tưởng đẹp đẽ và thông qua những kiến nghị nhân đạo để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, mà cách mạng Nga dạy cho họ đấu tranh. Cách mạng Nga giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất như Lênin đã viết trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa. Cách mạng Nga đã triệu tập họ đến Đại hội Bacu: hai mươi mốt dân tộc phương Đông đã phái đại biểu tới dự. Những đại biểu của các đảng công nhân phương Tây cũng tham gia Đại hội. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp vô sản ở các nước xâm lược và giai cấp vô sản ở các nước bị xâm lược đã nắm tay nhau trong tình anh em và cùng nhau tìm cách đấu tranh cho có hiệu quả chống chủ nghĩa tư bản là kẻ thù chung của họ.
Sau cuộc Đại hội lịch sử ấy, mặc dù đang phải đương đầu với những khó khăn dồn dập trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng vẫn không hề một phút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc ấy, những dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng tấm gương cách mạng anh dũng và thắng lợi của nó. Việc làm đầu tiên của nó là thành lập Trường đại học phương Đông.
Hiện nay, Trường đại học phương Đông có l.025 sinh viên mà 151 là nữ sinh. Trong số sinh viên đó, có 895 người là đảng viên cộng sản. Thành phần xã hội của sinh viên như sau: 547 nông dân, 265 công nhân, 210 trí thức. Ngoài ra còn có 75 học sinh thiếu niên từ l0 đến 16 tuổi.
Có 150 giáo sư phụ trách giảng dạy về khoa học xã hội, về toán học, về chủ nghĩa duy vật lịch sử, về lịch sử phong trào công nhân, về khoa học tự nhiên, về lịch sử các cuộc cách mạng, về khoa kinh tế - chính trị, v.v., v.v.. Trong lớp học, thanh niên của sáu mươi hai dân tộc sát cánh nhau như anh em ruột thịt.
Trường có 10 ngôi nhà lớn dành cho sinh viên. Lại có một rạp chiếu bóng, thứ năm và chủ nhật chiếu cho sinh viên xem không lấy tiền, các ngày khác thì cho một người thầu thuê. Có hai thư viện với 47.000 quyển sách giúp cho các nhà cách mạng trẻ tuổi bồi dưỡng tư tưởng và đi sâu vào việc nghiên cứu. Mỗi dân tộc hoặc "nhóm" lại có một tủ sách riêng gồm sách báo bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Phòng đọc sách được sinh viên trang trí rất có mỹ thuật, và có đầy đủ các báo hằng ngày và tạp chí.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #49 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:52:14 pm »

Sinh viên tự mình cũng ra một tờ báo có "một bản duy nhất" dán vào một cái bảng to đặt trước cửa phòng đọc sách. Những người đau ốm được điều trị trong bệnh viện của nhà trường. Một trại điều dưỡng ở Crimê được dành riêng cho những sinh viên mới ốm dậy. Chính phủ Xôviết tặng nhà trường hai trại nghỉ gồm có chín ngôi nhà. Mỗi trại có một nhà chăn nuôi để nghiên cứu việc chăn nuôi. Đồng chí bí thư nông nghiệp của trường không giấu nổi niềm tự hào khi nói với tôi: "Chúng tôi đã có 30 con bò cái và 50 con lợn". Trại còn có 100 hécta đất để cho sinh viên trồng trọt. Trong các kỳ nghỉ, sau giờ làm việc và tập luyện, sinh viên đi giúp đỡ nông dân.
Nhân đây cũng nói thêm rằng, một trong hai trại nghỉ ấy trước kia là tài sản của một đại công tước Nga(6). Thật là ngộ nghĩnh khi trông thấy lá cờ đỏ kiêu hãnh phấp phới trên đỉnh ngọn tháp được trang điểm bằng chiếc mũ miện đại công tước và thấy những người nông dân trẻ tuổi Triều Tiên hay Ácmêni chuyện trò và vui đùa không chút kiêng nể trong phòng lễ của "hoàng tử điện hạ".
Sinh viên ăn, mặc, ở đều không mất tiền. Mỗi tháng, mỗi người còn được lĩnh năm rúp vàng để tiêu vặt.
Để sinh viên có những kiến thức cơ bản về khoa nuôi trẻ, nhà trường nhận đỡ đầu một nhà nuôi trẻ và một nhà gửi trẻ kiểu mẫu gồm 60 em nhỏ xinh xắn.
Mỗi năm Trường đại học phương Đông chi tiêu đến 516.000 rúp vàng.
Các đại biểu của 62 dân tộc trong Trường đại học lập thành một "công xã”. Chủ tịch và các cán sự của công xã đều do đầu phiếu phổ thông bầu ra, ba tháng một lần. Một đại biểu sinh viên tham gia việc quản lý kinh tế và hành chính. Tất cả các sinh viên đều lần lượt thay phiên nhau làm bếp, làm công tác thư viện, câu lạc bộ, v.v.. Tất cả những vụ tranh chấp và "phạm pháp" đều do một toà án được bầu ra xét xử trước mặt toàn thể các đồng chí. Mỗi tuần, công xã họp một lần để thảo luận tình hình chính trị và kinh tế thế giới. Thỉnh thoảng lại tổ chức những cuộc mít tinh và những buổi tối giải trí, trong đó có những nghệ sĩ tài tử đột xuất làm cho anh em được thưởng thức nghệ thuật và văn học muôn màu muôn vẻ của những đất nước xa xôi.
Một điểm đặc biệt làm nổi bật sự "dã man" của những người bônsêvích là không những họ coi những người dân thuộc địa "thấp kém” ấy như anh em, mà còn mời họ tham gia đời sống chính trị của nước Nga nữa. Những sinh viên khi ở quê hương mình chỉ là những "dân thuộc địa", "dân bị bảo hộ", nghĩa là những người không có quyền gì khác ngoài quyền nộp thuế, những người không được góp ý kiến vào công việc của nước mình, không được phép bàn bạc chính trị, thì nay được tham gia tổng tuyển cử của nhân dân để bầu những đại biểu của mình vào các Xôviết. Mong rằng những anh em của tôi ở các thuộc địa đang hoài công tốn của cầu cạnh xin xỏ thay đổi quốc tịch mãi mà không được, hãy thử so sánh nền dân chủ tư sản với nền dân chủ vô sản (7)xem!
Tất cả những sinh viên ấy đều đã từng chịu đau khổ và trông thấy cảnh đau khổ. Tất cả đều đã sống dưới “nền văn minh cao đẳng" và dưới sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản nước ngoài. Cho nên, tất cả đều phấn khởi và thiết tha học hỏi. Họ rất hăng hái và nghiêm túc. Họ hoàn toàn không có vẻ công tử ăn chơi nhàn nhã(Cool như những thanh niên phương Đông du học ở Pari, Ôxpho, hoặc Béclin. Người ta có thể nói không ngoa rằng Trường đại học phương Đông ấp ủ dưới mái của mình tương lai của các dân tộc thuộc địa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM