Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:50:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bản án chế độ thực dân Pháp  (Đọc 36486 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:34:33 pm »

"Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no".
Trong số người có cổ phần trong công ty độc quyền rượu, có các nhân vật cao quý nhất ở Đông Dương và tất cả các ngành cai trị đều có đại diện tai to mặt lớn trong ấy. Phần đông các quan lớn này đều rất có ích cho công ty, không ai chối cãi được:
Ngành tư pháp, có ích để giải quyết những vụ lôi thôi với những kẻ mà người ta muốn cưỡng bức, có:
2 chưởng lý;
1 biện lý;
1 lục sự - chưởng khế.
Ngành quân đội, có ích để đàn áp một cuộc nổi loạn mà người ta tính là có thể xảy ra do chỉ riêng cái việc thi hành chế độ độc quyền béo bở, có:
1 thiếu tướng;
1 trung tá;
2 quân y sĩ cao cấp;
1 thiếu tá;
2 đại uý.
Ngành hành chính mà sự ân cần vô tư là điều đảm bảo nhất cho việc kinh doanh thành công, thì có:
1 công sứ;
1 giám đốc tài chính;
1 tổng giám đốc ngân khố;
1 thanh tra bưu chính;
1 giám đốc trước bạ;
1 quan cai trị;
2 giáo sư, v.v..
Và cuối cùng là: ngài Clêmăngten đáng kính, nghị viên hạt Puyđơ - Đôm.
*
* *
Trong hội chợ triển lãm thuộc địa ở Mácxây, ông Xarô lớn tiếng ba hoa: "Nước Pháp hãy nhìn vào đây và lấy đó làm tự hào!". Mà quả thế thật. Những anh lạc đà Tuynidi thản nhiên đứng ngáp bên cạnh mấy chú cá sấu oai vệ của Tây Phi và những anh chàng cá sấu[1] đáng yêu của Mađagátxca chuyện trò thân mật với các ả bò cái mỹ miều của Đông Dương. Chưa bao giờ lại có một sự hoà hợp tuyệt diệu đến thế, và trước sự xâm nhập hoà bình của các loài thú thuộc địa, chị cá trích trong huyền thoại của Hải cảng cũ nở nụ cười duyên dáng của một bà chủ nhà mến khách.
Người đi xem nhìn một cách rất thích thú chiếc trường kỷ lịch sử của một vị toàn quyền nọ, thanh gươm của viên công sứ Đáclơ từng dùng để đâm vào đùi tù nhân Bắc Kỳ và cây đuốc mà viên quan cai trị Bruye đã dùng để thui sống hơn 200 thổ dân Huátxa[2]
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:35:31 pm »

Gian hàng Camơrun được đặc biệt chú ý. Ở đấy có tấm bảng đề mấy dòng chữ yêu nước sau đây:
"Trước kia người Đức nhập vào xứ Camơrun rất nhiều rượu.
"Ngày nay người Pháp lại cấm rượu".
Nhưng, một bàn tay ranh mãnh nào đó đã dán ngay vào dưới tấm bảng bức thư của ngài Xarô chỉ thị cho người thuộc quyền ngài tăng số đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện ở các làng An Nam, kèm theo lời phê:
"Thế mà người An Nam lại đã có: những 10 trường học, những 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện cho 1.000 làng kia đấy!".
Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa của một viên chức đứng đầu tỉnh Sơn Tây, một tỉnh ở Bắc Kỳ.
Số dân tỉnh này ước tính chỉ độ 200.000 người. Nhưng để nâng số lượng rượu phải tiêu thụ lên, số dân ấy bỗng nhiên tăng vọt nhanh như chớp tới 230.000 người. Nhưng vì 230.000 dân này uống quá ít, viên công sứ Sơn Tây đã ra công một năm đẩy số lượng rượu tiêu thụ lên 560.000 lít.
Ngay lập tức, viên công sứ được thăng cấp và được khen.
Ông đờ C... khẳng định rằng một viên công sứ khác đã đưa ông xem một bức thư của cấp trên, trong đó có đoạn viết: "Số rượu tiêu thụ trong phủ X, đã tụt xuống dưới con số Z, cho mỗi dân đinh. Vậy ông có nghĩ rằng cần phải có biện pháp làm gương không?". Viên công sứ bị cảnh cáo gián tiếp như thế bèn đòi tổng lý trong phủ ấy đến hiểu thị rằng sở dĩ họ tiêu thụ ít rượu đến như thế là vì họ nấu rượu lậu. Để được yên chuyện, các làng liền mua ngay số rượu quy định chiểu theo dân số mà sự tính toán của các phòng giấy bắt họ phải chịu.
Rõ ràng là người ta đã ấn định trên thực tế - nếu không phải bằng cách hợp pháp - mức rượu mà mỗi người bản xứ buộc phải uống hằng năm. Và khi nói mỗi người bản xứ thì cũng đừng tưởng đó chỉ là người đứng tuổi mà là toàn bộ dân số, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em, cả đến đứa còn bú mẹ. Như thế là buộc thân nhân của họ phải uống thay, không phải chỉ một lít mà hai, ba lít.
Dân một làng Bắc Kỳ, buộc phải uống rượu, thấy trước nguy cơ đe doạ ấy, đã kêu với viên quan người Pháp "của họ" rằng:
"Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả". Quan đáp: "Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi để có thể mua rượu của nhà nước".
Trước đây, người bản xứ quen mua rượu từng ít một; họ mang chai lọ thế nào cho vừa thì thôi. Nay thì người ta đóng rượu vào chai sẵn. Rượu chỉ bán trong chai nửa lít hay một lít. Người An Nam quen dùng rượu từ 20 đến 22 độ; ngày nay người ta bắt họ dùng rượu từ 40 đến 45 độ. Họ quen dùng loại rượu có mùi vị thơm dịu do chất lượng của những nguyên liệu mà họ vẫn dùng; trong số nguyên liệu này có thứ gạo thuộc vào loại ngon nhất. Còn thứ rượu mà nay người ta buộc họ phải uống lại cất bằng thứ gạo rẻ tiền, pha thêm chất hoá học, có mùi vị nồng nặc khó chịu.
Bọn chủ độc quyền còn ra thông tư bắt nhân viên của chúng pha thêm nước lã vào rượu đem bán; cứ mỗi héctôlít rượu pha thêm 8 lít nước lã.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:35:47 pm »

Như thế, tính trên toàn cõi Đông Dương mỗi ngày cứ bán 500 héctôlít rượu thì có 4.000 lít nước lã pha thêm vào; 4.000 lít, mỗi lít giá ba hào, thành 1.200 đồng một ngày, 36.000 đồng một tháng. Như thế chỉ cần mở vòi nước lã không thôi, mỗi năm công ty cũng thu được một món lãi nho nhỏ 432.000 đồng, hay 4 triệu phrăng.
Xem thế, đủ biết thứ rượu mà bọn độc quyền cất và đem bán ở Đông Dương là không hợp với khẩu vị của người bản xứ về độ cũng như về mùi vị, cho nên người ta phải cưỡng bức họ mua.
Vì bắt buộc phải trả những khoản chi tiêu thường xuyên, phải trang trải những món kinh phí ngày càng tăng của phủ toàn quyền, của những trái khoản lớn, của những công trình kiến thiết quân sự và phải đặt ra - nếu không phải là những chức vụ thực sự- thì ít ra cũng là những khoản lương cho một đám đông công chức từ Pari gán sang, cho nên Chính phủ đã tìm mọi cách thúc đẩy các viên chức, từ công sứ đến nhân viên hạng bét, phải làm tăng mức tiêu thụ rượu lên.

Chú thích
1) Tác giả dùng chữ crocodile, caiman, chúng tôi tạm dịch là cá sấu cả.
2) Houassas. Tên một bộ tộc ở châu Phi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:36:14 pm »

CHƯƠNG IV : CÁC QUAN CAI TRỊ
[/b][/b]

I- ÔNG XANH(1)
Như các bạn đều biết, các thuộc địa vẫn được gọi là những nước Pháp hải ngoại, và người Pháp của những nước Pháp ấy là người An Nam, người Mađagátxca hoặc người...v.v.. Bởi thế, cái gì ở bên này là phải thì ở bên kia là trái, và cái gì ở bên kia được phép thì ở bên này bị cấm. Thí dụ: Ở bên ấy, tất cả người Pháp đều được phép làm cho dân bản xứ ngu muội đi bằng thuốc phiện, họ càng bán được nhiều thuốc phiện, thì càng được quý trọng; nhưng ở bên này, nếu anh đem bán thứ thuốc độc ấy thì, anh sẽ bị tóm cổ ngay lập tức. Nếu ở bên Pháp, một viên chức cao cấp được phép vận quần áo lót để đi ra đường, thì ngược lại một ông hoàng bản xứ không có quyền mặc áo bản xứ, ngay cả khi ở nhà và đang ốm.
Vì đang ốm, nên cố quốc vương Tuynidi đã cứ mặc nguyên áo ngủ mà tiếp quan khâm sứ. Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là cháu nội và cháu họ nhà vua lại quên chào quan khâm sứ nói trên. Thế là sau hai ngày, đúng vừa đủ thời gian để suy nghĩ, quan lớn khâm sứ bèn mặc nhung phục, kéo binh mã đến bắt nhà vua phải xin lỗi. Thế mới đúng chứ. Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy.
Ở Đông Dương cũng như ở các thuộc địa khác, đối với những người bản xứ không kịp lạy chào các "quan bảo hộ" thì nhiều quan cũng chỉ khiêm tốn "giã cho một trận" thôi, chứ chưa bao giờ lại huy động quân đội để bắt trẻ con phải lạy chào. Dĩ nhiên trong bọn họ không phải ai cũng đều là khâm sứ cả!
Mặc dầu: "sự việc nghiêm trọng" ấy đã bị vạch ra trên diễn đàn nghị viện và theo lời ông Poăngcarê, nó có thể làm tổn thương đến ảnh hưởng của nước Pháp, chúng ta sẽ là những người vong ân đối với quan khâm sứ Xanh, nếu chúng ta buộc cho ông cái tội "thất bại chủ nghĩa"; bởi vì, nhờ có cuộc biểu diễn lực lượng thân thiện, trẻ con và hoà bình ấy mà từ đó người bản xứ biết cách nên lạy chào một "người anh em da trắng" như thế nào. Ai cũng còn nhớ khi ông Milơrăng sang thăm châu Phi, người bản xứ đã đón chào ông, và để tỏ lòng trung thành vô hạn và lòng tôn kính sâu sắc với vị quốc trưởng nước bảo hộ, họ đã kéo áo sơmi ra ngoài quần đấy.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 08:38:24 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:37:38 pm »

II- ÔNG ĐÁCLƠ
Tập Cahier des droits de l Homme vừa mới đăng một bức thư của ông Phécđinăng Buytxông, chủ tịch Hội nhân quyền, gửi ông Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nói về cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên (Đông Dương) năm 1917 và việc đàn áp cuộc khởi nghĩa đó.
Bức thư vạch rõ trách nhiệm của viên công sứ tỉnh Thái Nguyên là ông Đáclơ: chính vì sự lạm quyền của ông Đáclơ mà cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Toà án Sài Gòn cũng đã xác định tội của ông ta ngay từ năm 1917.
Thế nhưng, có ai ngờ rằng ông Đáclơ không hề bị một sự trừng phạt nào về mặt hành chính cả. Trái lại, ông ta lại được cử làm uỷ viên hội đồng thành phố Sài Gòn. Còn sự trừng phạt về mặt tư pháp thì thật là đáng buồn cười: nộp vẻn vẹn có 200 phrăng tiền phạt!
Cái ông Đáclơ ấy quả là một nhà cai trị có tài. Khoa cai trị của ông ta, ông ta đã học được ở khu phố latinh khi ông còn là một anh hàng cháo.
Lúc ấy, ông Đáclơ không có một xu dính túi và mắc nợ như chúa chổm. Nhưng nhờ một chính khách có thế lực, ông ta được bổ nhiệm làm quan cai trị ở Đông Dương.
Chễm chệ đứng đầu một tỉnh có hàng vạn dân, và được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là tỉnh trưởng, vừa là thị trưởng, vừa là quan toà, vừa là mõ toà, vừa là người đốc thuế; tóm lại, ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Toà án, thuế khoá, điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ, quyền lợi của viên chức, việc bầu cử lý trưởng và chánh tổng, tức là vận mạng của cả một tỉnh được đặt vào tay cái anh hàng cháo ngày xưa ấy.
Ở Paris, không làm giàu nổi bằng cách bóc lột khách hàng, sang Bắc Kỳ ông ta gỡ gạc lại bằng cách bắt bớ, giam cầm, xử tội người An Nam một cách độc đoán, để bòn rút họ.
Đây là một vài việc làm rạng rỡ thời thống trị độc tài của vị quan cai trị dễ thương ấy mà nước mẹ cộng hoà đã có nhã ý gửi sang để khai hoá cho chúng tôi.
Một số lính tình nguyện (!) bản xứ, bị điệu về để sung vào lính khố đỏ và vì thế họ phải đi khám sức khoẻ. Đó là những người mù chữ, nhút nhát, khi hỏi thì trả lời chậm chạp, nên quan công sứ đã chửi bới, đấm đá và lấy gậy phang họ túi bụi.
Ba người lính khố xanh để xổng một người tù, đã bị ông Đáclơ đánh đập một cách rất tàn nhẫn, nắm tóc họ kéo lê dưới đất và đập đầu họ vào tường toà sứ.
Khi hỏi cung tù nhân, quan công sứ thường lấy thanh gươm đâm vào đùi họ. Có người khi về đến nhà lao thì lăn ra bất tỉnh.
Một đoàn tù khốn khổ, gầy đói, quần áo tả tơi, bị lôi dậy từ tờ mờ sáng, cổ mang gông, chân buộc xiềng, người nọ bị xích vào người kia, cùng kéo một chiếc xe lu to tướng trên những lớp sỏi dày. Hoàn toàn kiệt sức, họ ỳ ạch kéo chiếc xe lu nặng nề dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Bỗng quan công sứ đến. Như lệ thường, quan cầm theo một cái gậy to tướng, rồi bỗng dưng vô cớ, quan xông vào đám người khốn khổ ấy, như con thú dữ, đánh túi bụi, tàn nhẫn không tưởng tượng được, vừa đánh vừa chửi họ là đồ lười.
Một hôm nhà khai hoá của chúng ta vừa quở trách một nhân viên người Âu xong, không biết trút cơn giận lên đầu ai được, vớ cái thước sắt trên bàn giấy đập nát hai ngón tay của một viên thư ký người An Nam chẳng liên can gì đến việc kia cả.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:38:48 pm »

Một hôm khác, ông ta vụt roi gân bò vào mặt một viên đội người bản xứ trước những người lính dưới quyền anh ta.
Lại một lần khác, có mấy người lính khố xanh làm trái ý ông ta, ông ta bèn cho đem chôn họ đến tận cổ, mãi đến khi họ ngắc ngoải mới cho moi lên.
Cứ mỗi khi ông ta đi xem xét các con đường có dân phu làm việc thì số chân người bị đánh què bằng lưỡi xẻng, cán cuốc, phải tính bằng đơn vị nửa tá. Những người dân phu làm đường ấy đều là những người bị ông ta bắt ép đi làm với tiền công mỗi ngày một, hai xu, sau khi họ đã phải nộp tiền chuộc phần tạp dịch của họ với giá mười lăm xu mỗi ngày.
Một lần, ở một công trường, ông ta đã giật súng của một người lính coi tù để đánh một người tù. Người tù tránh được, quan công sứ quay lại đánh người lính, cũng bằng cây súng ấy. Bà công sứ, người vợ xứng đáng của quan lớn, cũng tham gia, bà đánh tù một cách tự nhiên và phạt lính lúc nào cũng được.
Người ta đã trông thấy quan công sứ dùng gậy đánh một viên đội lòi mắt. Quan còn làm nhiều việc cao cả khác nữa mà ở đây chúng tôi không thể nào kể xiết được.
Tất cả những việc kể trên, mọi người đều tai nghe, mắt thấy, kể cả cấp trên của ông ta là các quan toàn quyền, quan khâm sứ. Để khen thưởng tinh thần "cương quyết" và "đức độ rất cộng hoà" của ông ta, những vị này đã thẳng tay thăng quan tiến chức cho ông ta.
III- QUÝ NGÀI BUĐINÔ, BÔĐOANH VÀ NHỮNG NGÀI KHÁC
Mặc các cuộc triển lãm ồn ào, những bài diễn văn rùm beng, những cuộc kinh lý đế vương và những bài báo hoa mỹ, tình hình ở Đông Dương vẫn chẳng ổn chút nào.
Chiếc ghế bị cáo mà quan cai trị liêm chính Lanô vừa rời khỏi chưa kịp nguội thì người ta lại báo cho chúng tôi biết về những vụ xấu xa khác nữa.
Trước hết là vụ Buđinô. Ông Buđinô là một nhà khai hoá điển hình, một vị quan cai trị chuyên ăn hối lộ. Trong số vụ ông ta bị tố cáo, chúng tôi xin kể vụ sau đây:
"Làng Tân An, nơi lỵ sở của tổng, đã lấy quỹ làng và vay tiền để xây dựng một nhà máy điện. Việc kinh doanh rất có lợi, vì thu vượt chi rất nhiều. Ngoài ra, các công sở và đường sá của làng còn được thắp đèn điện không mất tiền.
"Nhưng bỗng một quan cai trị khá xảo quyệt (ông Buđinô), đã khéo xoay sở thế nào mà làng Tân An phải chịu nhường không nhà máy điện cho một anh chàng thầu khoán, để được hưởng cái thú phải trả tiền đèn đường và đèn công sở. Ngày nay làng nhận thấy chuộc lại nhà máy nhượng không ấy là có lợi, và chuộc lại thì phải xuất ra hàng chục nghìn đồng. Câu chuyện này là cả một thiên tiểu thuyết trong đó tài năng hư cấu của một tên cựu tỉnh trưởng đã được tự do phát huy với một sự đểu cáng không thể tưởng tượng nổi".
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:39:02 pm »

Vụ xấu xa thứ hai trước mắt là vụ Têa. Một bạn đồng nghiệp ở Đông Dương đã viết về vụ đó như sau:
"Chúng ta đang sống trong một bầu không khí thật là... không bình thường chút nào: chưa xong vụ Buđinô, vụ Lanô, lại đến vụ Têa.
"Ông Têa là một kỹ sư xuất sắc, giám đốc một hãng lớn của người Pháp ở Hải Phòng. Ông đã đến tìm ông Xcala, giám đốc thương chính, và tặng trước ông này số tiền chè lá một vạn đôla để ký kết một chuyến buôn thuốc phiện với cơ quan nhà nước. Chắc là ông Têa có những lý do rất đặc biệt để nghĩ rằng việc vận động như thế không có gì là bất thường cả. Như vậy có nghĩa là việc hối lộ là việc thông thường trong chính giới ở Đông Dương. Tất cả những kẻ nào có quyền thế như vậy đều lợi dụng để vơ vét cho đầy túi tham của mình và làm hại lớn cho xã hội".
Nếu như ông Đáclơ, công sứ khát máu ở Thái Nguyên mà được cử làm uỷ viên hội đồng thành phố Sài Gòn, và ông Bôđoanh, người đang được quan toà Oaren nóng lòng chờ đợi, mà được cử giữ chức toàn quyền Đông Dương, thì các ông Têa và Buđinô ít ra cũng nên được gắn bội tinh mới phải.
Chú thích
1) Saint. Vừa là tên viên khâm sứ, vừa có nghĩa là thánh. Đây là lối dùng chữ của tác giả để chế giễu viên khâm sứ Saint, dựa theo điển tích Chúa ba ngôi - thánh cha, thánh con, thánh thần (Sainte Trinité: Saint père, Saint fils, Saint esprit).
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:39:29 pm »

CHƯƠNG V : NHỮNG NHÀ KHAI HOÁ
[/b]

Xin hỏi: có phải là ở sở mật thám của phủ toàn quyền Đông Dương có một nhân viên người Pháp là C...không? Có phải chính tên C... ấy trong khi được phái đi "công cán" ở Phú Xuyên, đã bắt người An Nam ở đây gọi hắn bằng "Quan lớn", và đã đánh đập tàn nhẫn những ai không nhanh miệng chào hắn như thế không? Có phải cũng chính tên C... này đã hiếp dâm một người lính lệ không? À té ra cái gì người ta cũng được phép và có thể làm được ở cái thiên đường Đông Dương ấy.
                             *
                            * *
Giữa tháng 12 năm 1922, một viên đội phó cảnh binh Pháp(1) của sở cảnh sát đô thị Sài Gòn, "say mềm", đã vào nhà một người bản xứ và làm bị thương nặng hai người trong nhà, trong đó có một người đàn bà.
Khi ông dự thẩm hỏi cung thì tên cảnh binh ấy khai là hắn không còn nhớ gì cả, và chối phăng là hắn không say.
Trái lại, các nhân chứng, trong đó có một người Âu, đều xác nhận rằng lúc xảy ra vụ thương tâm ấy, người bảo vệ trật tự kia quả là không ở trong trạng thái bình thường.
Người khai hoá ấy say hay là điên, điều đó không quan trọng, chúng tôi chỉ thiết tha mong rằng anh ta sẽ được tặng thưởng huân chương về hành động dũng cảm của anh ta.
                           *
                          * *
Ở thuộc địa, hễ có màu da trắng là quý phái, là thuộc chủng tộc thượng đẳng.
Để giữ thể thống, anh tây đoan hạng bét cũng có ít nhất một người ở, một người "bồi", và người này thường thường lại bị dùng làm "người hầu gái vạn năng".
Đày tớ người bản xứ đã dễ bảo lại rẻ tiền, nên nhiều viên chức thuộc địa về nghỉ hoặc về hưu mang theo cả người ở về nước.
Chẳng hạn như ông Giăng Lơ M...rinhy ở phố Cácnô, thành phố Sécbua. Ông ấy ở Đông Dương về, mang theo một người bồi lương tháng 35 quan. Chẳng cần phải nói bạn cũng biết rằng, người bồi ấy phải làm quần quật từ mờ sáng đến đêm khuya. Trong nhà ấy, không có chủ nhật cũng chẳng có ngày lễ. Hơn nữa, người ta cho anh ăn uống hết sức kham khổ, và chỗ ở rất tồi tệ.
Một hôm ông Giăng Lơ M...rinhy muốn sai người "được bảo hộ" của mình về làm lụng ở thôn quê. Vì đã từng được nếm cuộc sống sung sướng ở thôn quê mà ông chủ quý hoá dành cho, nên người con của xứ An Nam không chịu đi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:39:53 pm »

Thế là nhà cựu khai hoá kia nổi cơn thịnh nộ nện cho anh ta một trận nên thân, rồi đuổi ra khỏi nhà(2), nhưng lại giữ tất cả tài sản của anh ta: tiền bạc, hòm xiểng, quần áo, v.v., mà nhất định không chịu trả lại, mặc dù anh ta đã nhiều lần van nài. Bị đuổi đột ngột, trơ hai bàn tay trắng, không biết tiếng Pháp, không bạn bè thân thích, bơ vơ lạc lõng, con người bất hạnh đó đang lâm vào cảnh cùng khốn ghê gớm.
                                *
                               * *
Viên chức thuộc địa là nguyên nhân chính gây ra nạn đời sống đắt đỏ ở thuộc địa. Muốn biết nhân tố ăn bám ấy đè nặng lên ngân sách đến mức nào, nghĩa là đè nặng lên lưng nhân dân lao động như thế nào, hãy so sánh những con số sau đây:
Ở Ấn Độ thuộc Anh, dân số 325 triệu người, có 4.898 viên chức người Âu.
Ở Đông Dương thuộc Pháp, dân số 15 triệu người, có 4.300 viên chức người Âu.
Như thế nghĩa là ở thuộc địa Anh, cứ 66.150 người dân thì có một viên chức người Âu, còn ở thuộc địa Pháp, thì cứ 3.490 người dân đã có một viên chức người Âu.
Ở Ấn Độ, ngành thương chính có 240 viên chức người Âu. Ở Đông Dương, ngành thương chính có 1.100 viên chức người Âu.
Ở Ấn Độ, có 26.000 nhà dây thép với 268 viên chức người Âu.
Ở Đông Dương có 330 nhà dây thép với 340 viên chức người Âu.
Tại sao ở Đông Dương, cái loài ăn hại ngân sách ấy lại nhiều đến thế? Bởi vì thuộc địa là một thiên đường ở trần gian; ở đó, trừ một vài trường hợp rất hiếm hoi, còn thì tất cả những cặn bã trong các ngành chính trị, tài chính, báo chí, v.v., mà chính quốc thải ra, đều tìm được môi trường rất thích hợp để phát triển... Hãy bắt đầu từ nhân vật quan trọng nhất là viên toàn quyền. Về vấn đề này, một người thực dân không thiên vị đã viết: "Sang Bắc Kỳ, các ông toàn quyền chỉ nhằm một mục đích là: tìm chỗ bổ dụng bạn bè con cháu thân thuộc và bọn vận động bầu cử của những bậc quyền thế có thể làm chỗ dựa cho mình; thường thường bọn này là những người mắc nợ như chúa chổm, bị chủ nợ săn lùng, phải có tiền cho chúng mới được ...".
Đối với nhà văn thanh cao nào muốn viết lịch sử huy hoàng của công cuộc khai hoá thuộc địa, thì cuộc chiến tranh gọi là vì công lý và chính nghĩa sẽ là nguồn tài liệu vô tận. Với một cử chỉ say sưa và hùng biện, ông Anbe Xarô nói: "Chính công cuộc chinh phục thuộc địa đã đào tạo nên phần lớn những vị tướng lĩnh vĩ đại đã đưa chúng ta đến chiến thắng và đã từng được dư luận nước Pháp ca tụng chiến công và thanh danh khi họ đưa ngọn cờ của chúng ta đi khắp đất Á, trời Phi".
Cũng với ý nghĩ thẳng thắn như thế, nhưng bằng lời lẽ kém bay bướm hơn, tờ Le Journal de Genève (à, lại có quỷ sứ ở Giơnevơ chăng?) đã nói toạc ra rằng: "Chính phủ cộng hoà đã đi tìm thuộc địa để gỡ gạc lại trận thất bại năm 1870. Dân tộc Pháp coi việc chinh phục thuộc địa như là một sự đền bù lại những thất vọng cay đắng của mình ở châu Âu, và bọn quân nhân thì vớ được dịp để trổ tài trong những trận thắng dễ dàng".
Nghe những lời chứng có thẩm quyền như thế, mà các bạn vẫn cứ khăng khăng không tin rằng việc khai thác thuộc địa là một sứ mệnh khai hoá và nhân đạo không hơn không kém, thì thật là hết chỗ nói!
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 08:40:16 pm »

1. Ông Ghinôđô bị mất trộm số tiền 5.000 phrăng. Muốn bắt những người bản xứ làm việc ở nhà ông phải thú nhận, ông chủ tốt bụng và nhà khai hoá vĩ đại đó đã đem họ ra tra điện. Nhưng sau, người ta tìm ra kẻ cắp thì lại không phải là một người bản xứ, mà chính là một nhà khai hoá khác: ấy là cậu ấm con ngài Ghinôđô! Thế mà ông Ghinôđô vẫn được vô tội, còn tám người bản xứ giúp việc ông thì hiện vẫn còn nằm nhà thương.
2. Ông Vônla, nhà khai hoá kiêm nhà buôn, không trả lương đều đặn cho những nhân viên bản xứ làm cho ông. Một trong những nhân viên đó nhờ viên đốc công hỏi hộ cho anh số lương chủ còn thiếu. Ông Vônla bèn đưa cho viên đốc công một mảnh giấy ghi mấy chữ sau đây: "Bảo cái con lợn ấy lấy C... mà ăn, chỉ có món ấy là hợp với nó thôi".
Việc này xảy ra ở Tuynidi, năm 1923, ngay giữa lúc ông tổng thống Milơrăng đi kinh lý ở đó.
                             *
                            * *
Khi người ta có màu da trắng thì nghiễm nhiên người ta là một nhà khai hoá. Mà khi người ta đã là một nhà khai hoá thì người ta có thể làm những việc dã man mà vẫn cứ là người văn minh nhất.
Cho nên, một viên đốc công lục lộ ở Nam Kỳ đã bắt những người An Nam gặp hắn trên đường phải lạy chào hắn theo đúng nghi thức của chủng tộc chiến bại đối với chủng tộc chiến thắng.
Một hôm, một viên thư ký người bản xứ ở sở ra, vừa đi vừa đọc một quyển tiểu thuyết. Đến một đoạn hài hước, anh bật lên cười. Vừa lúc ấy viên đốc công lục lộ đi tới. Ông ta nổi cơn giận lên, thứ nhất là vì người bản xứ ấy mải đọc truyện đến nỗi không nhìn thấy ông mà chào; thứ hai là vì một người bản xứ mà lại dám cười khi đi qua trước mặt một người da trắng. Thế là nhà khai hoá nắm viên thư ký lại, buộc anh phải khai tên và hỏi anh có muốn ăn một cái tát không. Tất nhiên là người thư ký từ chối món quà quá hào hiệp đó, và tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao lại có chuyện thoá mạ như thế được. Thế là chẳng nói chẳng rằng, người viên chức Pháp túm áo người bản xứ ấy lôi đến trước quan chủ tỉnh.
Cũng vẫn cái lão đốc công lục lộ ấy, lấy cớ là phải sắp xếp nhà cửa, vườn tược lại cho ngay ngắn, đã ra lệnh cho nhân dân ở hai bên đường hàng tỉnh phải dọn nhà đi, chặt cây và phá vườn trong một thời hạn do hắn quy định, nếu không thì sẽ bị phạt tiền.
Như thế đấy mà người ta vẫn cứ ngạc nhiên vì sao người bản xứ ở các thuộc địa lại cứ bất bình!
Chẳng những bọn thống đốc, công sứ muốn làm gì thì làm, mà cả các nhân viên nhà đoan, cảnh binh và tất cả những ai có tý chút quyền hành trong tay cũng đều sử dụng và lạm dụng quyền hành để thả cửa làm bậy vì họ biết chắc rằng sẽ không bị tội vạ gì hết.
Một viên cẩm ở Tuyên Quang (Bắc Kỳ) đã đánh một người bản xứ gãy cả hai cánh tay. Một viên cẩm khác ở Đà Lạt (Trung Kỳ)(3) vừa mới sáng tạo ra một lối mua bán cực kỳ lý thú, chúng tôi xin thuật ra đây để hiến quý ngài Điô và Xarô. Một hôm ông cẩm cần gỗ ván, ông sai lính ra phố mua. Mua là một cách nói thôi, chứ ông ta có đưa tiền cho lính của ông ta đâu. Tuy vậy, lính của ông ta cũng cứ ra phố, vào hàng chọn gỗ và định mang đi, cố nhiên là không trả tiền. Người bán gỗ không cho. Lính trở về báo cáo với quan Tây yêu sách quái gở của nhà buôn ấy.
Điên tiết lên, ông cẩm phái ba người lính mang súng đến bắt người bán gỗ to gan đó. Người này đang bị cảm không chịu đi. Lính về báo lại với ông cẩm. Tức giận đến cực độ, ông liền phái thêm ba người lính nữa nhập với tốp trước, và hạ lệnh cho họ phải bắt bằng được tên cứng đầu cứng cổ kia đem về dù sống hay chết.
Toán lính vũ trang đến bao vây cửa hiệu bán gỗ và sắp sửa thi hành mệnh lệnh.
Lúc ấy, một nhà buôn người Âu can thiệp bênh người bán gỗ bản xứ và viết thư cho ông cẩm. Nhưng người cộng sự đầy nghị lực của ông Môrixơ Lông, vẫn không chịu thu hồi "trát đòi" người bán gỗ và cho biết rằng nếu anh ta không chịu đến thì sẽ gặp nhiều chuyện rắc rối.
Nhà buôn người bản xứ ấy đành phải bỏ công việc làm ăn, bỏ cả quê hương để lẩn tránh cơn tức giận "khai hoá" của vị quan da trắng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM