Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:29:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày 17/02/1979  (Đọc 227588 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #90 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 10:12:51 am »

Ngày 17/02/1979

Ngày 17/02/1979, bạn đang làm gì, ở đâu và bạn nhớ gì hoặc được nghe kể gì về ngày đó và những ngày tiếp theo ?
Để nhớ về một sự kiện lịch sử cách đây tròn 30 năm, xin các bác cùng có đôi dòng hồi tưởng về ngày đó.


(tiếp dòng hồi ức)

Đã sang ngày thứ ba của cuộc chiến.
Thông tin chính thống về cuộc chiến bắt đầu  rõ ràng hơn. Không phải chỉ vì đó là ngày thứ hai-ngày làm việc đầu tuần. Mà cái chính là đã qua 3 ngày, ta đã có thể định hướng rõ nét hơn về việc: cái gì đang xảy ra, thực chất nó là vấn đề gì, đó là xung đột biên giới giữa 2 nước anh em hay là cuộc chiến sống mái giữa 2 kẻ tử thù.
(Đây chỉ là ký ức của 1 người lính ở tuyến 2, với nhận thức của 1 sỹ quan cấp phân đội, hồi tưởng lại trung thực những gì nhìn thấy bằng mắt và cảm nhận thực lúc đó, không bị nắn chỉnh bởi cách nhìn bây giờ, khi sự việc đã lùi xa 30 năm.
Xin lỗi các bác, đáng lẽ phải nói điều này ngay từ đầu)

Bắt đầu từ hôm nay, ngày thứ 3 của cuộc chiến, thông tin đã được định hướng theo cách: đây là cuộc chiến của 2 kẻ tử thù.
Bắt đầu có những hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến trên báo giấy (ND, QĐND) và trên vô tuyến lúc 18h30. Còn trên radio, tin chiến thắng của ta ở Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên luôn tràn ngập. Chưa thấy tuyên truyền cụ thể về 1 gương sáng tập thể hay cá nhân nào. Nhưng đấy là thông tin chính thống.
Lớp lính baoleo vẫn chưa có lệnh ra trận.
Trên giải thích là phải chờ lệnh của trên, rồi lại trờ lệnh của cấp trên hơn nữa. Vài ngày sau lại có lệnh là để giành bọn tớ cho những nhiệm vụ quan trọng hơn, cho những trận chiến khốc liệt hơn sau này (híc!!). Vì thế nhiệm vụ trước mắt là cứ tiếp tục làm tốt nghiệp đã, nhưng sẵn  sàng cơ động vì các nhiệm vụ đột xuất Huh.
Nhưng thực lòng mà nói, chẳng thằng nào còn có có thể chúi mũi vào sách vở được nữa.
Thông tin chính thống thì cứ để nó là thông tin chính thống. Còn lớp lính baoleo lúc đó chẳng còn bụng dạ nào mà ngồi yên. Bởi vì từ các nguồn thông tin không chính thống cũng như thông tin từ tham mưu con, đều tràn ngập những điều lo âu.
Xung quanh baoleo có rất nhiều lính COCC, tụi nó dò hỏi được thông tin tham mưu con từ các ông già. Hơn thế nữa, Vĩnh Yên lúc đó như 1 cái ngã ba đường. Lên mạn Hà Tuyên hay Hoàng Liên, đều phải đi qua đấy. Nơi đây là nơi dừng- nghỉ chân lý tưởng của mọi sự di chuyển về xuôi hay lên ngược.
Ngày thứ ba của cuộc chiến, bắt đầu có chuyến tầu đầu tiên từ Hoàng Liên chạy về.
Mấy thằng bọn tớ đâm bổ ra ga để nắm tình hình.
Thông tin không chính thống, những hình ảnh đập vào mắt và thông tin từ tham mưu con, chẳng khác nhau là mấy.
Ngày thứ 3 của cuộc chiến, tình hình tại các mặt trận vẫn còn rất lộn xộn. Vẫn chỉ là lính biên phòng, lính địa phương, dân quân các bản làng trần lưng chống đỡ biển người của quân thù. Các lực lượng địa phương đó vẫn đang tác chiến theo kiểu của họ, theo phương án của riêng từng đơn vị.
Trên đoàn tầu từ Hoàng Liên đổ về, không chỉ có các gương mặt đầy vẻ lo âu của cụ già hay trẻ thơ, mà còn rất nhiều dân quân, họ vẫn còn mang nguyên vũ khí trên người. Đủ các loại tiểu liên, súng trường kim-cổ, thậm trí khá nhiều lựu đạn.
Baoleo bắt chuyện 1 tay chạc 35 tuổi, quần píc kê, áo bông xanh rách rưới, nhưng lại có khẩu tiểu liên lạ mắt với bao xe còn nguyên 5 băng đạn. Đặc biệt là cha này còn có 3 quả lựu đạn chầy Trung Quốc mới cáu cạnh. Tớ nhớ chi tiết như vậy chính là vì 3 quả lựu đạn này. Chuôi gỗ còn trắng bóng, chưa 1 vết vân tay và nổi bật chói lọi là mầu đỏ rực rỡ của ngôi sao Bát Nhất trên từng chuôi lựu đạn.
Khi thấy tớ băn khoăn về việc mang đầy đủ vũ khí mạnh như vậy, nhưng về HN để làm gì, thì cha ấy cho biết: chỉ về tìm vợ con lạc thôi, sau đó sẽ lại quay lại để chiến tiếp. Câu trả lời ấm lòng. Tuy còn hồ nghi, nhưng baoleo không còn nhìn tay ấy bằng cặp mắt thiếu thiện cảm nữa.
Qua các thông tin như vậy, baoleo biết rằng ngày thứ 3, quyết tâm của các lực lượng địa phương là cố chặn địch, không cho vượt qua ở Phố Lu (Hoàng Liên), Sài Hồ (Lạng Sơn). Như vậy là chiến sự đang diến ra khá sâu vào đất mình rồi.

Nhưng ngày thứ ba của cuộc chiến, tin tức bị lấn chiếm đất không làm baoleo quan tâm, mà baoleo để tâm tới 1 tin nóng khác. Mất đất thì còn có thể lấy lại được. Nhưng còn có thứ mà khi mất mát thì không còn có thể nào lấy lại được nữa.
Qua thông tin tham mưu con, baoleo biết rằng, hôm nay đã là 3 ngày rồi, rất đông anh em mình còn đang kẹt lại trong pháo đài Đồng Đăng. Chiến sự thì đã diễn ra phía sau thị xã Lạng Sơn rồi. Anh em đang nằm trong vây trùng điệp của biển người.
Tin chiến thắng vẫn vang lên trong radio, nhưng trong lòng baoleo và đồng đội lại vang lên lời kêu gọi khác: hãy cho chúng tôi lên đánh giải vây cho anh em trên Đồng Đăng. Đã 3 ngày rồi, còn đạn không, đồng đội ơi. Cấp trên hãy cho chúng tôi đi đánh giải vây cho anh em ở Đồng Đăng.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2009, 01:21:27 pm gửi bởi baoleo » Logged
dongminhkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 685



« Trả lời #91 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 10:13:58 am »

    Bác dongminhkh học trong Nam, hệ phổ thông 12 năm các cháu ạ. Bác Đồng lại cứ... nên các cháu nó théc méc là phải rùi.

Ở hé! Em quên cái vụ ấy!  Grin
Hồi đó ở chổ em thanh niên đi viết khẩu hiệu chống bành trướng mệt nghỉ. Học trò tụi em thì được đi gác đêm tại trường! Hehe...không hiểu Ban Giám hiệu nghỉ ra cái vụ này để làm gì? Chỉ tổ để cho cái thứ nghịch thứ 3 này phá hại, không hơn không kém! Cứ sáng ra là bác cai trường đứng chửi om sòm mấy thằng học sinh về cái tội bẻ chân ghế nấu chè, luộc khoai ăn... Grin
Logged
pain
Thành viên
*
Bài viết: 421



« Trả lời #92 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 10:20:17 am »



Nhưng ngày thứ ba của cuộc chiến, tin tức bị lấn chiếm đất không làm baoleo quan tâm, mà baoleo để tâm tới 1 tin nóng khác. Mất đất thì còn có thể lấy lại được. Nhưng còn có thứ mà khi mất mát thì không còn có thể nào lấy lại được nữa.
Qua thông tin tham mưu con, baoleo biết rằng, hôm nay đã là 3 ngày rồi, rất đông anh em mình còn đang kẹt lại trong pháo đài Đồng Đăng. Chiến sự thì đã diễn ra phía sau thị xã Lạng Sơn rồi. Anh em đang nằm trong vây trùng điệp của biển người.
Tin chiến thắng vẫn vang lên trong radio, nhưng trong lòng baoleo và đồng đội lại vang lên lời kêu gọi khác: hãy cho chúng tôi lên đánh giải vây cho anh em trên Đồng Đăng. Đã 3 ngày rồi, còn đạn không, đồng đội ơi. Cấp trên hãy cho chúng tôi đi đánh giải vây cho anh em ở Đồng Đăng.

(còn tiếp)


Sát thực quá bác baoleo ơi. Bác khiến mọi người cảm nhận và sống đúng trong thời điểm và không khí ngày đầu cuộc chiến. Cám ơn bác.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2009, 01:21:54 pm gửi bởi baoleo » Logged

Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc. Đó là không...ham muốn gì nữa!!!
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #93 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 10:30:30 am »

Bạn baoleo ơi bạn viết hay quá ,rất thật đấy mình đọc cảm động lắm ,đúng những gì thời đó đấy ,tiêp tục bạn nhé. Lính cựu ta bây giờ phải nói hết lòng cho nhau chứ ai còn nắn mình nữa.Chỉ có điều đừng nói gì sai thôi phải không bạn.Cám ơn bạn chờ xem tiếp.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #94 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 01:29:11 pm »

Trích từ hồi ký của thiếu tướng Trần CHí Cường, nguyên Phó CHủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, thời điểm tháng 2/1979 là Phó giám đốc học viện Hậu cần, đưa đoàn học viên thực tập tại tuyến biên giới phía Bắc, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
--------------
........Hồi chiều (ngày 16/2/1979 - chú thích của RX) cấp trên có lệnh xuống cấp báo động, vì cuộc đàm phán giữa ta và lực lượng cách mạng Campuchia vừa kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
..............Nhận được tin báo gấp có rất đông người từ phía bên kia biên giới đang tràn sang phía đất ta. Tôi hỏi đồng chí Khánh huỵên đội phó, đồng chí Xanh chính trị viên có vấn đề gì? Các đồng chí ấy cho biết vì xuống cấp báo động nên lực lượng cơ động của bộ đội biên phòng đang di chuyển. Tuy nhiên, với linh cảm và sự nhạy bén vốn có từ những năm tháng ở chiến trường, tôi cho anh em trong đoàn thu xếp gọn gàng mọi thứ. Sẵn sàng đợi lệnh. ................Cuộc chiến đấu tự vệ diễn ra có phần bất ngờ và bị động. Các lực lượng tại chỗ đánh trả thưa thớt . Không phải tốn nhiều thời gian , đối phương đã chiếm được tuyến các xã cũng như các cụm chiến đấu của lâm trường và nông trường của ta.

Như vậy là ít nhất có 1 vị sỹ quan cấp tá, vào thời điểm 17/02/79 đó, cũng như baoleo, chẳng biết 1 tý gì về sự việc sẽ xẩy ra hôm đó.
Logged
KingGattuso
Thành viên
*
Bài viết: 35


« Trả lời #95 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 02:51:57 pm »

Năm 78, em được ông bố đưa lên Thái Nguyên học vỡ lòng (học sớm 1 năm), ngôi trường nhỏ bé nằm gần khu Gang thép Thái Nguyên vẫn còn dấu ấn của tình hữu nghị Việt- Trung với những tháp nước còn gắn chữ Tầu đỏ chói.
Trường nằm giữa những quả đồi vắng vẻ, sáng sáng cô giáo cho học sinh các lớp hát quốc ca và chào cờ ở sân trường, sáng nào cũng hát các bác ạ chứ không như ở dưới Hà Nội chỉ hát và chào cờ vào thứ 2 đầu tuần.
Tự nhiên 1 ngày không thấy cô yêu cầu hát và chào cờ nữa, cô giáo về bảo các em phải cùng cô tập chui vào hầm.
Trẻ con chả biết tại sao phải chui vào hầm nhưng cứ biết thế đã. Mấy hôm sau, có rất nhiều các cô chú sinh viên ở các trường ĐH vào giúp trường đào những chiếc hầm, mọi ngày sau giờ học mấy đứa cùng lớp rủ lên đồi chơi, đứng trên ngọn đồi phóng tầm mắt thấy xanh mướt, nay đã thấy thêm rất nhiều các hầm trú ẩn xuất hiện dưới chân những ngọn đồi, đất đồi đỏ khè được hất lên xung quanh, tự dưng thấy khó hiểu và hơi buồn.
Rồi ông bố em( giáo viên Đại học) được trường cho đi xem phim tư liệu ở phòng thư viện, toàn phim về Trung quốc thời CMVH với những hình ảnh người bị xử bắn có đeo cái gì như cái lông gà to tướng sau lưng, tay bị buộc đằng sau, bắn bòm 1 phát là ngã lăn xuống hố. Hỏi cụ tại sao lại được xem phim này, cụ bảo Trung Quốc sắp đánh Việt Nam con ạ.
Rồi bà mẹ lên thăm hai bố con, hai bố con đèo nhau ra ga đón mẹ, cảnh đầu tiên thấy ở ga Lưu Xá là hàng đoàn tàu đầy ắp bộ đội với xe, pháo đỗ ở ga.
Rồi một hôm bố dẫn em vào gặp cô giáo xin nghỉ học để về Hà Nội, nơi mẹ em công tác, vẫn nhớ ánh mắt của cô buồn buồn.
Đi tìm mấy bạn vẫn hay chơi đùa với nhau và bảo" tao về Hà Nội đây", mấy đứa bạn tự dưng đứng im, chả nói gì.
Bố lặng lẽ từ ngôi trường nhỏ, đi chậm qua cái sân đất và dắt tay em về khu tập thể giáo viên, ngoái lại vẫn thấy mấy đứa bạn vẫn còn đứng đó.
Cảm giác được về lại Hà Nội với trẻ con lúc đó thật khó tả, nghĩ rằng lại được về với mấy đứa bạn cùng khu tập thể, cùng đi chơi với chúng nó làm mình thấy hoan hỉ, chả biết chiến tranh đã sắp đến.
Đoàn tầu đông nghẹt người với nồi xoong, thùng xiểng, tiếng gọi í ới.
Em được bố cho lên toa cuối, nơi dành cho trẻ con và bà già, phụ nữ có mang...
Tàu chạy về HN lúc nào chả biết, trên đường từ ga về nhà rất dễ nhận thấy có nhiều hầm cá nhân được đào mới với những ống xi-măng to tròn nằm bên vỉa hè.
Vài ngày sau đó, tối nào em cũng được mẹ đánh thức dậy xem xe tăng và xe thiết giáp cùng bộ đội hành quân dọc theo hướng Đại La - đi về hướng dốc Minh Khai, nơi có đường ra phà Khuyến Lương hay phà Đen gì đó.
Hình ảnh còn đọng lại là xe tăng nổ máy ầm ầm, xe thiết giáp thì toàn kiểu PT-76 như bây giờ, bộ đội thì cành lá treo đầy người đi theo hàng lối rất khẩn trương.
Logged
Quan tinh nguyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 48


« Trả lời #96 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 11:32:39 pm »

Chỉ còn vài ngày nữa là đến 17/2/2009.Một ngày mà các bác CCB BGPB đã ghi tên mình trong trang sử chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, không biết trên VTV có bộ phim nào được chiếu nói về cuộc chiến hào hùng của các Bác? Mong là sẽ có, nhưng....? Còn ngày đấy chúng tôi đang trong cuộc chiến khá ác liệt ở CPC, nếu các Bác đọc qua LSQD4 thì giai đoạn này là giai đoạn khá khó khăn cho chúng tôi đấy, khi qua đài radio biết tin chiến tranh BGPB nổ ra, bọn tôi mới nghiệm ra rằng chắc chắn tại thời điểm 2/79 có sự liên hệ giữa PP và TQ trong hai cuộc chiến này (không biết có đúng như vây không?), vì lúc ấy đơn vị tôi e8/f339 thay e9/f339 đang ở Núi đất (sau này mới biết đó là Molup) là một quả đồi nhỏ bên cạnh một cái chùa, nằm cách QL2 khoảng 7km, chỉ được phổ biến đánh bắt tay với QD2 và F341(QD4) từ QL 4 đánh sang, nhưng cuộc chiến thì ác liệt vô cùng đã được mang tên 21 ngày đêm mà sau này nếu là lính f339 ai cũng không quên được, địch dùng cả pháo binh,xe tăng, còn BB thì có lẽ là phải đến cấp F vì địch tập trung khá nhiều các đơn vị tan rã sau ngày 7/1 lại, tại đây chúng tôi đã giành giật với địch có thể nói là từng phum đấy, và có cả bật chốt buổi sáng, buổi chiều giành lại. Cuộc chiến có thể nói là diễn ra suốt ngày đêm. Chúng tôi bị bao vây mà Ebộ cũng nằm trong tầm đạn nhọn của địch, đến nỗi thương binh tại đây lúc đầu còn tải thương về TaKeo được, còn giai đoạn sau thương binh nhiều quá mà không thể di chuyển được nên đều nằm tại đội phẫu kiêm bệnh xá E, và tại đây có phương pháp mà trong QSVN có Bác nhắc rồi đấy, là thương binh được truyền huyết thanh bằng nước dừa 100% đấy (cứ treo quả dừa, cắm kim vào mà truyền), đạn dược các đơn vị cạn dần vì là lính (lính Dbộ) nên được cán bộ D  phổ biến là đơn vị bạn đang đánh địch cách ta chỉ khoảng 5km nên lính chúng tôi cũng yên tâm 1 chút nhưng 1 tuần rồi 10 ngày mà chả thấy bắt tay được, có lần ban đêm gặp TS quân khu hay QD 4 đi trinh sát về bảo đi bắt tay với QD4 nhưng không được. Sau 21 ngày đêm chắc các Bác QD2,QD4 đánh mạnh quá (cảm ơn QD2, QD4 nhiều)nên địch có vẻ giảm cường độ hướng này, nghĩa là không còn bao vây được quân ta nữa, 1 giờ đêm đơn vị rút quân ra QL2 về Núi Tượng lăng ở hướng Ta keo, đơn vị Dbộ đi sau cùng với 1 Cbb mà địch còn đuổi công khai ra sát Ql2, bắt buộc đơn vị Cbb phải nằm lại cản đấy. cuộc chiến tại Núi Tượng cũng ác liệt không kém những gì ở Molup, chỉ khi TQ bị các Bác BGPB phản công, phải chấp nhận rút quân khỏi VN, bên này phản công thì PP mới chạy vào rừng vì đầu phía Bắc TQ đã chạy rồi, các Bác BGPB đã chia lửa với anh em chúng tôi ở BGTN như thế đấy.
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #97 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2009, 10:00:48 am »

Ngày 17/02/1979

Ngày 17/02/1979, bạn đang làm gì, ở đâu và bạn nhớ gì hoặc được nghe kể gì về ngày đó và những ngày tiếp theo ?
Để nhớ về một sự kiện lịch sử cách đây tròn 30 năm, xin các bác cùng có đôi dòng hồi tưởng về ngày đó.


(tiếp dòng hồi ức)

Hết tuần đầu tiên của chiến tranh. Tình hình chiến sự vẫn không có gì đột biến. Đánh chặn biển người vẫn chỉ là bộ đội địa phương, dân quân thôn xóm. Bộ đội biên phòng trên toàn tuyến mặt trận, trong thực tế đã hoà nhập vào các đơn vị khác, trở thành lính bộ binh đơn thuần.
Trong đơn vị lính nhiều chữ của baoleo, anh em phát hiện ra 1 điều vui trong các bản tin chiến sự: các địa danh có chiến công, đã không còn thay đổi, lùi sâu vào trong nội địa từng ngày nữa. Các địa danh đã không thay đổi, kể từ ngày thứ 6 của cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là: quân địch đã bị chặn lại.
Và lính chúng mình lại bắt đầu mong có sự thay đổi địa danh trong các bản tin chiến công, theo xu hướng nhích lên biên giới Nếu có, nghĩa là quân ta đang phản công.
Nhưng tuần đầu tiên kết thúc, mà không có sự thay đổi đó.
Trong tuần đầu tiên, bằng nhận thức của baoleo lúc đó, tình hình tại các mặt trận là khá lộn xộn và tại các mặt trận đều là cuộc chiến bộc phát.
Bất ngờ bị tấn công và phản công 1 cách thụ động, tùy vào thực lực của từng đơn vị và tài nghệ của người chỉ huy ở đó.
Sự phối hợp trong toàn tuyến mặt trận và sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Tổng, theo đánh giá của cá nhân baoleo, là khá yếu trong tuần đầu cuộc chiến. Có thể hình dung như thế này: đang ngủ, bỗng dưng bị cơn thác lũ ập vào nhà. Thế là bố, mẹ, vợ, con ai nấy lao đi cứu chữa trong phạm vi của mình. Ông nào đang ngủ dưới bếp thì vội bê cái thùng gạo lên cao, ông nằm gần cửa thì vội lấy chăn bông làm đê, ông khác thì lo bê cái vô tuyến lên bàn. Chưa đủ thời gian để phối hợp hành động và có kế hoạch logic.

Nhưng có một điều mà bây giờ, các bạn 8x, 9x hãy lấy làm tự hào.
Đó là hầu như không 1 ai bỏ chạy khi bị tấn công.
Tớ hay nói từ lộn xộn tại các mặt trận, điều đó cũng có hàm ý ngợi ca. Tức là gần như đơn vị nào gập địch cũng đều tự lực đánh lại bằng vũ khí tự có lúc ấy. Bất cứ ai có vũ khí hay tình nguyện sát nhập vào đơn vị tác chiến là được nhận ngay, chẳng phân biệt đó là lính biên phòng, lính về phép, dân quân hay cựu binh chống Mỹ.
Tớ xin kể 2 chuyện.
-Thằng Thắng chỗ tớ (bây giờ là vụ phó vụ trang bị, bộ Y tế), về nhà ở thị xã Lào Cai trước ngày 17/02. Chiến sự nổ ra, nó lao đến đội tự vệ khối phố. Đánh nhau được hơn 1 ngày, nó tìm thấy một đơn vị của 316, được nhận ngay vào đơn vị đó. Khi chiến sự tại thị xã Lào Cai đã an bài, nó mới đi bộ dọc đường tầu từ Lào Cai về Phố Lu, rồi về lại đơn vị tớ. Qua lời nó kể, bọn tớ được biết là tại thị xã Lào Cai, dê cu dê ca đánh nhau với địch còn dữ hơn quân 316. Điều này mãi sau khi tàn cuộc chiến đã lâu, đài báo mình mới ca ngợi.
-Năm 80, lúc đó tớ là quân của binh đoàn 12 trên Sông Đà. Trong dịp lên tham dự lễ khởi công, nhà văn Triệu Bôn ở cùng tớ có kể chuyện.
Dịp 17/02/79, Triệu Bôn lúc bấy giờ đã chuyển ngành với quân hàm đại úy. Đang học viết văn tại trường Nguyễn Du. Chắc là cùng khóa với ông cụ thân sinh của bác dongadoan trong này. Chiến sự 17/02 nổ ra, khác với cụ thân sinh của bác dongadoan là vẫn còn tại ngũ nên phải chấp hành kỷ luật, chính vì thế cụ nhà bác dongadoan chỉ theo đoàn lên biên giới khi cuộc chiến đã an bài. Còn Triệu Bôn ngay ngày 19/02 đã mò lên Cao Bằng, tìm vào tỉnh đội. Lúc này, Triệu Bôn lại khoác bộ quân phục cũ và đeo lại quân hàm đại úy cũ. Xưng danh và cấp hàm, Triệu Bôn được tỉnh đội kết nạp làm quân sư ngay tắp lự. Suốt cuộc chiến lúc đó, Triệu Bôn kể rằng: tớ phán cũng kinh lắm, bởi vì các bố ấy cũng nể cái mác đại úy chống Mỹ của mình.


Một băn khoăn của của cánh lính chúng tớ lúc đó, mà bây giờ sau 30 năm, câu trả lời quá dễ, là: quân chủ lực của Bộ đang ở đâu. Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, các bạn đang ở đâu rồi. Bọn tớ biết thân, biết phận là không dám mơ tới quân đoàn 1, quân đoàn cúng cụ của triều đình. Mà chỉ mong quân đoàn 4, quân đoàn 2. Những quân đoàn mà quần áo không bao giờ thẳng ly, nhưng đầu ruồi luôn thơm mùi khói súng.

Trong tuần đầu tiên của chiến tranh, thực sự là baoleo không nhìn thấy một đơn vị bộ binh nào hành quân lên biên giới. Các xe trở đạn thì có. Nhưng ngược lại,  đang có đợt vận chuyển khí tài, trang bị cấp tốc ngược trở về hậu phương từ biên thuỳ. Lính chúng mình, nhiều khoá được điều đi tham gia vận chuyển ngược như thế. Tên lửa và phụ tùng từ Cao Bằng về Suối Hai. Đạn dược thì về Thanh-Nghệ.
Tại nhà ga, bọn mình đã quen với việc nhìn thấy tự vệ mang đủ loại vũ khí trang bị ngược về xuôi. Nhưng những ngày cuối cùng của tuần đầu tiên, bắt đầu nhìn thấy lính mình mang vũ khí ngược về HN. Họ không đi thành từng tốp, mà rải rác từng người. Có tin đồn là: tất cả lính lạc đơn vị trong chiến đấu, được về trạm thu dung. Trạm thu dung cuối cùng là ở HN.
Không có lực lượng KSQS nào chặn những người lính, những người dân quân mang vũ khí ấy, về xuôi cả. Tất cả, kể cả baoleo, lúc đó đều tin rằng: không có sinh vật nào được gọi là người, mà lúc ấy lại đang tâm mang vũ khí đi chuồn.
Lớp lính baoleo lúc đó, chẳng cần một ông chính uỷ nào, đều hiểu rằng: sau lưng là tổ quốc, không có chỗ để lùi.
Cuối tuần chiến tranh đầu tiên nhiều âu lo. Trong tâm trạng sẵn sàng lên làm chốt chặn nơi biên giới, baoleo tìm đến nơi người bạn gái đang dạy thực tập ở 1 trường phổ thông gần nơi đóng quân, người mà baoleo đón hụt hôm 17/02 ở ga Hàng Cỏ.
Cuộc gập gỡ cũng chỉ được chừng 1 giờ đồng hồ. Nhưng baoleo cũng đã nói được điều quan trọng: nếu chiến tranh ngày càng khốc liệt, không còn liên lạc được với nhau, thì sau này đất nước yên bình, hãy tìm nhau theo địa chỉ gia đình.
Bởi lúc đó baoleo tin rằng, gia đình sẽ là địa chỉ cuối cùng- của thông báo cuối cùng- của quân đội, về thân phận của 1 người lính. Có thông báo cuối cùng rồi, cô bạn ấy sẽ yên tâm với hạnh phúc mới.

(còn tiếp)
Logged
vovanha
Thành viên
*
Bài viết: 1575

Một thời để nhớ !


« Trả lời #98 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2009, 10:20:46 am »

Ngày 17/02/1979




(tiếp dòng hồi ức)





Cuối tuần chiến tranh đầu tiên nhiều âu lo. Trong tâm trạng sẵn sàng lên làm chốt chặn nơi biên giới, baoleo tìm đến nơi người bạn gái đang dạy thực tập ở 1 trường phổ thông gần nơi đóng quân, người mà baoleo đón hụt hôm 17/02 ở ga Hàng Cỏ.
Cuộc gập gỡ cũng chỉ được chừng 1 giờ đồng hồ. Nhưng baoleo cũng đã nói được điều quan trọng: nếu chiến tranh ngày càng khốc liệt, không còn liên lạc được với nhau, thì sau này đất nước yên bình, hãy tìm nhau theo địa chỉ gia đình.
Bởi lúc đó baoleo tin rằng, gia đình sẽ là địa chỉ cuối cùng- của thông báo cuối cùng- của quân đội, về thân phận của 1 người lính. Có thông báo cuối cùng rồi, cô bạn ấy sẽ yên tâm với hạnh phúc mới.

(còn tiếp)
Lãng mạn quá..với những lời gần như trăn.. trối. Cry
Anh dũng quá .. chấp nhận tin cuối cùng chứ không bỏ cuộc ..
Cao thượng quá người anh em trên địa đầu chiến tuyến... với lời chúc hạnh phúc mang hơi thở của chiến tranh..
Và ngày nay Cô ấy đâu rồi hở bác Baoleo ? Roll Eyes Shocked
Logged

Quy Nhơn ! Thành phố nhỏ hơn những gì nó có.Thơ bốn câu không quá hai mươi chữ. Rung chân trời một cánh yến mảnh mai. Con đường nghiêng em hát bên tôi. Gió và tóc...nắng và nước mía .
Cao Sơn
Moderator
*
Bài viết: 539



« Trả lời #99 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2009, 10:22:48 am »

Cảm ơn bác Baleo. Em đọc thấy rưng rưng.
Logged

BỐ ĐI CHIẾN ĐẤU, CÁC CON Ở NHÀ GIÚP MẸ LƯỚT SÓNG
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM