Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:51:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường về  (Đọc 37089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2009, 09:14:18 am »

                                                 
ĐƯỜNG VỀ
                                                         
                                                                                  Nhật ký của sĩ quan đặc công Phạm Thiết Kế
                                                                                  Sưu tầm và giới thiệu: Trần Bình Tám
                                                                                  Nhà xuất bản: Thanh Niên
                                                                                   Năm xuất bản: 2007


LỜI NÓI ĐẦU

        Mỗi bước chân của người lính, mỗi vùng đất còn in đậm dấu ấn chiến tranh, mỗi tượng đài tưởng nhớ và cả những nấm mồ chưa được đặt tên.. Tất cả là sự hy sinh thầm lặng và cao cả của một thế hệ anh hùng. Những người chiến sĩ giải phóng quân đã gửi lại sau lưng bao gương mặt thân quen, xẻ dọc Trường Sơn, đi theo lý thưởng, đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác kính yêu, giành độc lập tự do thống nhất tổ quốc…Họ còn lại gì cho riêng mình ? Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và  những đứa con mồ côi…Còn chăng là những dòng nhật ký chiến trường đã nhoà mực vì mồ hôi và có khi cả máu, mà ở đó ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy rõ nét hơn nhịp đập trái tim nhiệt huyết  của người chiến sĩ.
        Liệt sỹ đặc công Phạm Thiết Kế là một trong rất nhiều những tấm gương chiến sĩ cách mạng đã cống hiến cả cuộc sống của mình cho thắng lợi chung của dân tộc. Anh sinh ngày 02/10/1937 tại Quý Hoà, Hoà Vang, Quảng Nam. Anh vào bộ đội năm 1953, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Bảy năm sau, anh học Trường Sỹ quan Lục quân và được phong quân hàm thiếu uý ngày 18/03/1963. Anh xây dựng gia đình tại Hà Nội, và đến ngày 29/08/1967, anh tạm biệt  vợ yêu quý và hai con (  một còn đang trong bụng mẹ mà suốt đời anh không bao giờ biết mặt ) vào Nam chiến đấu. Những tháng ngày hành quân gian khổ, những cuộc xuất kích khốc liệt và cả những niềm vui, nỗi mất mát trong chiến tranh được anh ghi lại một cách chân thực, sống động trong cuốn nhật ký lấy tên “ Đường về “.
         “ Đường về “ với Phạm Thiết Kế không chỉ là một con đường của người con xứ Quảng tìm về với quê hương, không chỉ là con đường huy hoàng của cả một thế hệ tìm về với tổ quốc thân yêu trong thanh bình, “ Đường về “ còn là một con đường mà ngày hôm nay, những linh hồn liệt sĩ bất tử và gia đình họ mong mỏi được sum vầy.
         “ Đường về “ là sự tưởng nhớ của đất nước với những người anh hùng đã hy sinh anh dũng, là sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với lớp cha anh đã đổi tính mạng mình cho nền độc lập  tự do của Tổ quốc.
         Để cuốn sách quý này đến được tay bạn đọc khắp mọi miền đất nước, chúng tôi chân thành cảm ơn gia đình liệt sỹ Phạm Thiết Kế đã cung cấp tư liệu và đồng ý cho xuất bản cuốn nhật ký. Cảm ơn ông Trần Bình Tám – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Báo chí và Tuyên truyền Quốc tế đã có công phát hiện, góp nhiều công sức cho việc xuất bản cuốn sách cũng như nhân rộng ảnh hưởng của nó trong cộng đồng.
        Bạn đang có trên tay cuốn nhật ký “ Đường về “ của liệt sỹ Phạm Thiết Kế. Hãy đọc và cảm nhận để những ai đã từng đi qua chiến tranh được sống lại những năm tháng hào hùng oanh liệt, để những ai may mắn được sinh ra trong thời bình biết quý trọng hơn cuộc sống hôm nay, cuộc sống được giành giật từ trong máu lửa…
                                                                                                          Nhà xuất bản Thanh Niên


« Sửa lần cuối: 21 Tháng Giêng, 2009, 09:21:06 am gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2009, 09:16:36 am »

CÂY LIM GIỮA RỪNG TRƯỜNG SƠN

        “Ta sẽ đi mãi, đi mãi, cho đến ngày chủ nghĩa cộng sản thành công trên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp” - đó là lời thề son sắt của người chiến sĩ đặc công Phạm Thiết Kế đã khắc sâu trong tim trên suốt chặng đường chiến đấu của mình. Và trước khi ngã xuống trong một trận đánh ác liệt trên chiến trường Tây Nguyên, anh chỉ để lại một nguyện ước giản dị cho những người thân của mình: hãy vui trong niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc và hãy chọn những bông hoa sen đẹp nhất đặt lên bàn thờ anh. Tình yêu quê hương, tình yêu đất nước đối với Phạm Thiết Kế đã trở thành đức hy sinh cao cả và lý tưởng độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

        Gần 200 trang viết trong “Đường về“ là sự tái hiện sinh động 843 ngày đêm hành quân chiến đấu của sỹ quan  Phạm Thiết Kế và đơn vị đặc công của anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đọc nhật ký “ Đường về “, chúng ta được cùng Phạm Thiết Kế sống và cảm nhận tư tưởng, tình cảm và những hành động anh hùng của một đơn vị đặc công quân đội trên suốt chặng đường hành quân chiến đấu từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vượt qua dải Trường Sơn đến chiến trường Tây Nguyên.  Nếu như Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc là hình tượng sinh động của thế hệ thanh niên Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, một lớp trẻ trí thức tràn đầy lòng tự tin, tự trọng, đức hy sinh cao thượng và phong cách sống lãng mạn, hào hoa, thì Phạm Thiết Kế là hình ảnh của một lớp cán bộ sỹ quan quân đội mang trái tim nóng bỏng tình yêu tổ quốc, quê hương, gia đình. Ngồn ngộn trong những trang viết của anh là ý thức trách nhiệm lớn lao của người cán bộ chính trị đối với sự sống còn của đồng đội và vận mệnh của  tổ quốc. Trách nhiệm ấy được thể hiện sinh động trong ý thức và hành động trước mọi tình huống của cuộc chiến đấu.

         Nhưng không vì thế mà người sỹ quan Phạm Thiết Kế mất đi chất dí dỏm, hài hước của một người lính. Có lẽ chưa ở đâu, vắt rừng, sốt rét rừng lại được ví như một “anh bạn cũ" đã từng quen biết trên dọc đường Trường Sơn, thậm chí, có đoạn tác giả còn gọi là “cái bà sốt rét“ ưa gây gổ, hay một “chú vắt“ tinh nghịch thích trêu đùa... Từ đó, tác giả cuốn nhật  ký đã làm nổi bật  ý chí của người cách mạng ngạo nghễ và kiêu hùng, tự ví mình như một “cây lim giữa rừng Trường Sơn “thách thức với gió bão và bom đạn của kẻ thù. Đi sâu vào những thử thách của người lính từ việc phải đối mặt với vắt rừng, sốt rét rừng đến việc thiếu lương thực, thuốc men…, cuốn nhật ký đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn chân thực, toàn diện về sự khắc nghiệt của chiến tranh. Cùng với “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20“, “ Đường về” tái hiện về một góc nhìn hiện thực về những chiến trường đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như những mốc son chói lọi: Trường Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...

         Cuốn nhật ký chiến tranh rất đặc sắc này được ra mắt bạn đọc vào thời điểm cả nước ta trọng thể kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, cũng là một nén hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đọc cuốn sách quý này, chúng ta được soi mình trước một tấm gương đạo đức trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Những phẩm chất đạo đức cao quý của Phạm Thiết Kế sẽ là động lực tinh thần mạnh mẽ thôi thúc chúng ta tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi lý tưởng, khát vọng của thế hệ cha anh.
                                                                                             PGS.TS Đào Duy Quát
                                                                                   Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
                                                                           Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:38:59 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2009, 03:02:22 pm »

MẤY LỜI CẢM TÁC

      Hễ nói đến đặc công thường là người ta nghĩ ngay đến những trận đánh ly kỳ, biến ảo, xuất quỷ nhập thần, đến những kỹ thuật  và kỹ xảo binh chủng pha màu huyền thoại, đến những đêm bò rào ma quái, những ngày hiên ngang đánh  thẳng vào hang ổ kẻ thù giữa ánh sáng trời đô thị đã khiến cho đối phương nhiều phen phải kinh hồn bạt vía, khiến cho hình ảnh ma trơi của người chiến sỹ đặc công đã trở thành niềm tự hào rất đỗi tin yêu của nhân dân.

     Nhưng không, ở đây, trong cuốn nhật ký của liệt sỹ đặc công Phạm Thiết Kế tại chiến trường Đông Nam Bộ này lại vô cùng bình dị. Bình dị đến nỗi tưởng như chẳng có gì đáng nói, tưởng như ai cũng trải qua, tưởng như nó sẽ bị tan loãng, nhẹ tênh đi trong dòng chảy dữ dội muôn hình vạn nẻo của nhật ký chiến tranh, vậy mà từng chữ, từng dòng đã bất ngờ truyền lan sang ta những lay động sâu thẳm về một thế giới tâm hồn con người, về những  góc khuất ẩn chìm trong nỗi tâm tư rối nhằng và tinh khiết đến lạ lùng của người lính.

     Phải chăng chính cái chất bình dị đó tự thân nó đã mang tính kết tủa, thăng hoa của khí lực, phẩm chất người ra trận. Bình dị như đất đai cây cỏ, như cuống rạ trời chiều. Bình dị như cái chết. Trong suốt chiều dài gần hai trăm trang, cuốn nhật ký hầu như không trang nào không có cái chết. Cái chết muôn hình vạn trạng như chính bản chất và quy luật của cuộc chiến dặc dài và khốc liệt. Chiến tranh là bi kịch chứ không bao giờ chiến tranh lại là một ngày hội hoá thân. Nhưng cái  cách cảm nhận, ứng xử với điều bi kịch ấy qua tâm hồn người lính Phạm Thiết Kế mới trầm tĩnh làm sao. Ngày nào cũng chôn nhau để rồi sẽ đến lượt chôn mình, cái triết lý tất nhiên đau đến xé lòng ấy không làm người lính gục ngã trong sự rùng mình, uỷ mị, mà càng làm họ nắm chắc tay súng hơn, ngẩng cao đầu hơn trước mọi thử thách tưởng như không vượt qua được.

      Biến căm thù thành sức mạnh, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng của Đảng. Điều tâm huyết được chiết ra từ trái tim rớm máu như một lời nguyền tối thượng đó một thời vang lên kiêu hãnh trong cánh rừng  bom đạn không bao giờ là câu khẩu hiệu sáo rỗng. Nó rất thật. Thật như tình yêu, nỗi nhớ da diết hướng về người vợ và hai đứa con. Căm thù và tình yêu đan xen trong từng khoảng khắc gian lao mà trong đó tình yêu gia đình luôn luôn là một giá đỡ, một điểm tựa tinh thần bất di bất dịch giúp người lính tồn tại và bay lên trong cảm hứng và khát vọng anh hùng ca kỳ lạ, mà hôm nay khi cuộc chiến đã lìa xa được trên 30 năm rồi, thế hệ hiện đương sẽ rất bỡ ngỡ nếu không nói là có phần cho là lập trình, sơ cứng, lên gân với tố chất tâm hồn của những con người thờ ấy. Bởi, trong bom đạn mù mịt, trong gian khổ triền miên, nếu không có cái tố chất mang giàu tính lãng mạng cách mạng đó thì làm sao con người có đủ sức mạnh tinh thần để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng kẻ thù mà trước hết là chiến thắng chính mình.

      Thật trong những ngày hành quân sốt rét đến mê mụ hoàn toàn có thể nằm lại trạm xá để rồi lại gắng gượng bước tiếp như có sự thôi thúc của ngọn gió lịch sử chống ngoại xâm hào sảng thổi phía sau lưng.

      Thật trong các mối quan hệ phức tạp trước trận đánh, trong trận đánh và sau trận đánh. Thì ra ngay trong cuộc tử sinh mù mịt, cái thấp hèn, cái cao thượng, điều trung thực, điều giả dối, cái vị tha và cái vị kỷ của con người cũng nảy sinh như hai gam màu đối nghịch gay gắt đến nỗi nhiều khi ta phải gắt lên: Kẻ thù đã làm ta cơ khổ quá rồi, chả lẽ ta lại còn làm ta cơ khổ hơn nữa sao. Chỉ có điều, tất cả những cái đó đều đi qua rất nhanh, nó không  có đất sinh sôi mọc mầm bởi phía trước người lính còn có một đối tượng hút hết toàn bộ tâm trí, đó là thắng hay bại, sống hay chết. Và vì thế mà con người trong cuốn nhật ký, trong  chiến trận dường như cao đẹp hơn biết bao con người đang vật lộn trong cõi sống sinh  nhai thời hậu chiến.

     Thật ngay cả những thoáng ngã lòng của người lính trước biết bao hy sinh tức tưởi của đồng đội. Và trước hết là thật trong nỗi nhớ nhiều khi đến mềm lòng, vò xé, khắc khoải nhưng vẫn nhuốm màu tráng sĩ Kinh Kha về quê hương, về gia đình. Nỗi nhớ tha thiết này chính là động lực mãnh liệt để người lính đi hết cuộc trường chinh gian khổ và đẫm máu trên tinh thần cũng nhuốm màu hào kiệt: chết để cho non sông sống, chết để cho vợ và  con có thể tự hào về một người chồng đã biết sống và chiến đấu như thế nào.

      Khác với một số cuốn chiến tranh đang tạo sức hút gần đây, “Đường về“ được viết ra bởi một tay súng đích thực, một tay súng đặc công chứ không phải được viết ra ở hậu cứ hay những căn hầm cố thủ phía sau. Cho nên nó trần trụi, nó sặc mùi bom đạn, nó là tập hợp những chi tiết sống động và cảm động dẫn dắt người đọc đi hết từ ấn tượng này đến ấn tượng khác để rồi khi gấp sách lại, trong lòng bỗng rung lên một cảm giác đến nghẹn lòng  về những con người và những năm  tháng cao đẹp đã qua. Và cũng chính vì lẽ đó mà tác giả nhật ký không đủ thời gian để vân vi những tình cảm yêu đương trắc trở, những suy tư phức tạp còn xa rời hiên trạng mất mát. Do đó nó thật hơn, phản ánh chính xác hơn khí phách cũng như tâm hồn của một thế hệ đã ra đi, hiến dâng trọn vẹn đời mình cho khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc. Như ngửi thấy được, sờ thấy được những ngọn cỏ, thước đất, vệt máu và cả nước mắt các anh đã bò qua, để lại.

      Không vu quát, không cố tình đao to búa lớn, không triết lý rổn rảng, từng trang từng trang, người lính đặc công ấy cứ rì rầm kể lại cho chính mình nghe được những bước chân trận mạc khe khẽ đầy chiến tích và cũng tràn ứ đau thương của mình và đồng đội mình. Cuốn nhật ký dừng lại ở đầu những năm 70, dừng lại vĩnh viễn vì người chính trị viên phó tiểu đoàn quê Quảng Nam lấy vợ Hà Nội không còn nữa.

      Xúc động và thức tỉnh đến những gì sâu xa nhất trong đáy tim con người khiến cho con người đang có chiều quên lãng đi những năm tháng đã qua cũng buộc phải giật mình nhìn lại. Cái giá phải trả là rất đắt cho cuộc sống thái hoà ngày hôm nay mà chúng ta không có quyền quên, không được phép quên… Đó là những gì cuốn sách để lại.

      Cám ơn anh! Một lần nữa xin cám ơn anh, liệt sỹ Phạm Thiết Kế, một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim đa tình và một lý tưởng mãnh liệt, bằng máu và bằng tiếng động chân thật của lòng mình đã để lại cho đời những ý nghĩa sâu thẳm, tươi thắm về cuộc đời, về  sự sống và cái chết và về mọi lẽ nhân tình thế thái dưới ánh mặt trời này. Xin cám ơn!

                                                                                                            Nhà văn Chu Lai
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:40:55 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2009, 03:04:04 pm »

NHỮNG CHUYỆN QUANH CUỐN NHẬT KÝ


    Chuyện từ người bán vé số

       Chiều Hà Nội cuối thu, nắng vàng mỏng mảnh vương trên những ngọn sấu già đang thì rụng lá. Thỉnh thoảng, một cơn gió lạnh vô tình gom những chiếc lá rụng gọn vào mép đường nơi cuối phố…

       Vẫn như mọi ngày, tôi thả bộ từ công sở về nhà, tắt qua đường Tràng Thi để sang Điện Biên Phủ, ở đó có một hàng bán vé số từ rất lâu mà tôi thường mua vài chiếc mỗi ngày. Lâu thành quen, quen thành thân, thân  thành biết tên, biết nhà, biết hoàn cảnh của cả gia đình người bán vé số ấy. Chiều nay khác hẳn mọi chiều, chị Sâm ngồi bán vé số như có ý thấp thỏm chờ tôi qua hàng để nói một câu chuyện rất quan trọng, sự khấp khởi đó của chị đã làm cho tôi sốt ruột vì cách trình bày khá lòng vòng và khó hiểu. Rất may là câu chuyện đã bắt đầu vỡ lẽ. Chẳng là chồng chị mang về nhà  một cuốn Nhật ký thời chiến tranh, cả nhà đọc, thấy hay và xúc động quá, chị thầm nghĩ chỉ có đưa cho tôi thì may ra mới viết được một cái gì đó thật có ý nghĩa. Tôi nhận lời đến nhà gặp chồng chị để xem cuốn Nhật ký ấy. Và thật bất ngờ khi nhìn những dòng chữ ghi trên bìa “Sổ tay cán bộ công binh năm 1966” , đó là cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Thiết Kế, nguyên là sỹ quan đặc công đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở mặt trận phía nam năm 1970. Ban đầu khi ngỏ lời mượn cuốn Nhật ký anh nhất mực không nghe vì người con trai của liệt sỹ là Phạm Hồng Sơn dặn không được đưa lại cho ai nếu như không được sự đồng ý của anh, vì đây là kỷ vật cuối cùng mà cha anh để lại. Vì thế chúng tôi cùng nhau ra hàng photocopy để copy toàn bộ nội dung cuốn nhật ký này.

      Tôi mang cuốn nhật ký về với bao ưu tư và suy nghĩ, ngay tối hôm đó tôi và vợ con đã cùng đọc, mặc dù thời gian  đã làm mờ đi những trang viết nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đọc mà không bỏ sót bất kỳ từ nào trong cuốn  Nhật ký của người sỹ quan đặc công năm xưa. Cuốn nhật ký của liệt sỹ Phạm Thiết Kế hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối, Phạm Thiết Kế là một thanh niên sinh ra từ mảnh đất Hoà Vang- Quảng Nam tập kết ra Bắc. Anh vào bộ đội rồi trở thành sỹ quan đặc công, sỹ quan đặc công có vợ và hai con giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Quay vào miền Nam chiến đấu, trong lòng Phạm Thiết Kế ngổn ngang bao nhiêu niềm vui, nỗi nhớ xen lẫn tự hào và trách nhiệm của người lính. Đặc biệt với cách viết chân  thực, giàu tính văn học, cuốn Nhật ký làm sống dậy một thời oanh liệt của cuộc chiến tranh  giữ nước vĩ đại. Ở đó, Phạm Thiết Kế đã cho chúng ta thấy tình yêu của người lính với Đảng, với Tổ quốc và gia đình, cho chúng ta gặp những con người bằng xương, bằng thịt vật lộn đạn bom và thời tiết khắc nghiệt. Nhưng sâu sắc hơn cả là chúng ta được chứng kiến những cuộc đấu tranh tư tưởng của người lính giữa cái sống và cái chết, giữa Tổ quốc, gia đình và tình yêu cũng như trách nhiệm. Tất cả đều chân thật, thật đến trần tục, nhưng chính sự thật ấy đã cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến đã lùi xa hơn ba thập kỷ.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:42:07 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 03:11:11 pm »

    Đi tìm nhà liệt sĩ

     Cầm cuốn Nhật ký trên tay với dòng chữ : “ Hãy chuyển cho con tôi Hồng Sơn. 15 ngõ 2 Kim Mã – Hà Nội “, cả buổi sáng ngày hôm sau tôi đi tìm ngôi nhà theo dòng địa chỉ ấy nhưng vẫn chưa thấy.  Phần vì Hà Nội sau 40 năm đã khác xưa khá nhiều, phần do  nhà  cửa được chuyển nhượng liên tục nên hàng phố cũng ít biết đến nhau. Tìm được ngõ 2 rồi mà vẫn chưa có nhà ai tên Dung ở vào độ tuổi 60. Tôi đang đứng ngơ ngác nhìn từng số nhà ở cái ngõ nhỏ ấy thì có một cụ  bà đứng trong nhà như có ý hỏi tôi muốn tìm nhà ai. Tôi chào cụ và tháo giày xin phép vào hẳn trong nhà để kể lại câu chuyện đi tìm nhà  của mình. Như có người xui khiến, bà cụ thốt lên một câu: ”Đúng rồ ! Nhà bà Giáp đấy, vợ ông Kế đấy!“. Nói đoạn, cụ đứng dậy đưa tôi ra cửa và chỉ ngôi nhà phía ngoài cách nhà cụ có 5 căn. Tôi mừng đến run người rồi nắm tay cụ nghẹn ngào cảm ơn.
      Ra đón tôi là một cô gái chạc 30 tuổi, tươi tắn và nhanh nhẹn. Chị mời tôi vào trong nhà và gọi với vào trong nhà: “Mẹ ơi, nhà mình có khách ạ“.  Một người phụ nữ đứng tuổi bước ra. Bà chậm chạp, xanh xao, mắt đục và nói rất chậm. Cô gái nhanh nhẹn giới thiệu đây là mẹ cháu, còn cháu là vợ anh Sơn. Không khí trong nhà chùng xuống, tôi không hề luống cuống nhưng sự vui mừng xen lẫn xúc động thì vẫn dâng trào khiến tôi không tài nào bắt đầu câu chuyện được. Bà Dung cứ nhìn tôi chằm chằm - cái nhìn ấy mệt mỏi nhưng có ý đợi chờ …
    “ Dạ thưa, chị có phải là Dung không ạ ? “. Bà gật đầu. Tôi ngồi xích lại bên bà và kể lại câu chuyện tình cờ về cuốn Nhật ký do người chồng thân yêu của bà để lại. Tất cả mọi câu hỏi mà tôi đặt ra  chỉ được bà đáp lại bằng cái gật đầu hoặc một câu nói khó khăn “ tôi không nhớ gì nữa đâu …”. Bà Dung không khóc, có lẽ bà không còn đủ sức để khóc nữa. Chỉ có cô con dâu và tôi ngồi nhìn nhau âm thầm để nước mắt lăn dài trên má. Tôi nói với cháu Dung: “ Chú đã cùng gia đình đọc cuốn Nhật ký của bố cháu suốt đêm qua,  cuốn Nhật ký làm thức dậy trong chú tình yêu người lính của hơn 20 năm về trước. Chú muốn giới thiệu cuốn nhật ký viết những cảm xúc của mình về bố cháu và gia đình, muốn thế trước hết phải tìm hiểu thêm cháu ạ “.
     Bàn thờ liệt sỹ Phạm Thiết Kế ở tầng 3. Tấm ảnh của anh lâu ngày đã không còn rõ nét như xưa. Đèn vẫn sáng, hoa vẫn tươi. Nén hương đã tàn một nửa, niềm xúc động trong lòng tôi cũng trở lại  cân bằng.  Cháu Dung thủ thỉ kể: “ Cháu lấy anh Sơn là do một người chú giới thiệu, anh ấy hiền và chăm chỉ là công nhân  sửa chữa ôtô chú ạ. Chúng cháu đã có 2 con gái, một đứa lên 8 một đứa mới 4 tuổi. Mẹ cháu thì đau yếu suốt vì thế cháu phải ở nhà chăm con và chăm mẹ cháu.” Thực tại là đây, ngôi nhà, vợ con và cháu nội của anh vẫn luôn ở bên anh. Ngày qua ngày mọi người vẫn đặt trước tấm hình  anh  những bông hoa tươi đẹp nhất, lặng lẽ ngắm hình anh.
      Bà Dung vẫn ngồi đợi tôi trong phòng khách, ngôi nhà tuềnh toàng đã nói lên sự thiếu vắng một cái gì đó trong sâu thẳm trái tim người đàn bà đã chịu rất nhiều đau khổ gần 40 năm qua. Vẫn là cái nhìn mệt mỏi, nụ cười mệt mỏi và giọng nói hụt hơi: “ Liệu bây giờ có ai còn muốn đọc nữa không ? “. Tôi choáng váng trước câu hỏi của bà, nhưng sao lại không! . “ Sẽ có nhiều người đọc chị ạ, tấm gương của anh ấy đáng để mọi người noi theo. “ Bà Dung không nói gì nữa, chỉ có cô con dâu nhanh nhẩu tiếp lời: “ Chú cứ làm đi chú ạ.  Biết đâu qua những trang nhật ký này, gia đình cháu lại tìm được hài cốt cha cháu “.
      Kim đồng hồ treo tường đã chỉ vào con số 12, tôi đứng dậy xin phép bà Dung và cô con dâu để ra về. Tôi sẽ còn quay lại nhà bà Dung nhiều lần nữa., tôi sẽ viết về tất cả những năm tháng chiến đấu ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà anh Kế và các chiến sỹ đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam đã dũng cảm vượt qua.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười, 2009, 08:46:51 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 03:33:55 pm »

    Câu chuyện về một người đồng đội đã hy sinh

     Từ bài thơ “Vĩnh biệt“, một lần nữa chúng ta thấy tình cảm của người lính đối với đồng đội của mình trước lúc đi xa thật là sâu sắc và cảm động. Rất tiếc những thông tin mà anh Kế ghi lại về người chiến sỹ liên lạc thân yêu của mình chỉ gói gọn trong một câu  thơ:

                          “Xa quê Phú Thọ - Thanh Ba chè nhiều“

     Vậy là đồng chí Thắng quê ở Thanh Ba - Phú Thọ nhưng họ gì và ở thôn xã nào thì không được biết. Đang ngồi nghĩ ngợi mông lung thì có tiếng gõ cửa, đạo diễn trẻ Nguyễn Xuân Đại bước vào chào tôi và hỏi: “Thủ trưởng viết gì mà bây giờ vẫn chưa nghỉ?“ Tôi trả lời bâng quơ: “Viết gì đâu, chuyện ngày xưa ấy mà“.

     “Ngày xưa mới hay chứ?“ - Đại tiếp lời tôi. “Ừ thì cũng hay hay…" Thế là câu chuyện về cuốn Nhật ký có thêm sự quan tâm của người đạo diễn trẻ.

      Và cũng giống như khi đi tìm gia đình Liệt sỹ Kế, lần này lại như có người xui khiến khi tôi đang có ý định đi tìm gia đình liệt sỹ Thắng.

     “Ừ đúng rồi, mày cũng quê ở Thanh Ba nhỉ?“

     “Vâng! Sao thủ trưởng quan liêu thế ? Em vẫn ở Thanh Ba từ lúc sinh ra đến giờ đấy chứ ạ!“.

     Tôi cười trừ, “thì thế, dù sao tao vẫn nhớ quê mày ở Thanh Ba còn gì nữa. Đùa một tí cho vui thôi, có việc nhờ cậu đây.”

     Sau khi nghe câu chuyện về liệt sỹ Thắng, Đại và tôi đã khoanh vùng rất nhanh, Phú Thọ và Thanh Ba thì đúng rồi, việc duy nhất bây giờ là tên họ và xã quê của người liệt sỹ tên là Thắng ấy. Tất nhiên là không phải ngay một lúc mà tìm  được, vì vậy, Đại ghi lại những thông tin ít ỏi mà chúng tôi có được trong những dòng Nhật ký của anh Kế rồi lập tức lên đường về quê, kết hợp thăm vợ con  luôn trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

     Tôi tiếp tục ghi chép và biên tập cuốn nhật ký “Đường về“ và thấp thỏm chờ tin từ Thanh Ba gửi về.

     Đúng hẹn, Đại từ Thanh Ba về  Hà Nội, anh mang theo một tập phôtô họ và tên những liệt sỹ có tên là Thắng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ quê ở Thanh Ba. Chúng tôi mừng đến rơi nước mắt nhưng sau một hồi lâu tra cứu thì không có ai tên là Thắng hy sinh ngày 19/5/1968. Tuy nhiên để có được bản danh sách này mang về Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Xuân Đại đã cùng các đồng chí ở văn phòng và phòng thương binh  xã hội huyện Thanh Ba lặn lội suốt mấy ngày trời. Dù hơi thất vọng nhưng với niềm tin vào ý nghĩa việc làm của mình, càng không thể để phí công sức mà anh em đã giúp đỡ chúng tôi ngồi phân tích và xem lại các thông tin mà chúng tôi có được. Kết qủa đúng như mong đợi, chúng tôi tin rằng đồng chí Hà Văn Thắng người xã Đông Lĩnh chính là người liên lạc đã hy sinh trong đêm 19/5/1968.

     Sở dĩ chúng tôi tin như vậy vì khi đêm so sánh ngày hy sinh trong cuốn Nhật ký mà anh Kế ghi với ngày hy sinh trong bản danh sách chúng tôi có được chênh lệch nhau 2 ngày. Anh Thắng hy sinh ngày 19/5 nhưng đến ngày 21/5/1968 anh Kế mới báo cáo lên trên kết quả trận đánh. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì trong chiến đấu nhất là chiến đấu trong lòng địch thì chuyện sai lệch như vậy là hoàn toàn bình thường.

     Có được những thông tin quý báu đó, chúng tôi hết sức phấn khởi và khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi về thăm quê hương “Phú Thọ - Thanh Ba chè nhiều“.

Trước hết, chúng tôi phải cảm ơn đạo diễn trẻ Nguyễn Xuân Đại, cảm ơn anh Tình - Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Ba, cảm ơn tất cả các anh chị trong phòng Lao động- thương binh Xã hội và UBND xã Đông Lĩnh,  những người đã rất nhiệt tình tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi tìm được gia đình thân nhân liệt sỹ Hà Văn Thắng.

    Giữa hè, nắng như đổ lửa, con đường dẫn chúng tôi về Thanh Ba không xa nhưng cũng đủ thời gian để tôi hồi tưởng và ngẫm nghĩ về một thời oanh liệt mà bao thế hệ của dân tộc ta  đã đi qua. Nếu tính từ khi anh Thắng hy sinh đến lúc này là vừa tròn 39 năm 1 tháng.  Cho dù chiến tranh đã lùi xa, vết tích đau thương của chiến tranh cũng dần bị xoá nhoà nhưng nỗi đau chiến tranh - nỗi đau câm lặng của những thân nhân liệt sỹ thì vẫn còn đó - nguyên vẹn…

     Lòng tôi quặn đau, chân tôi như không còn đứng vững trước niềm xúc động khi tìm được gia đình anh Thắng và càng xúc động khi người ra đón tôi là người mẹ kính yêu của anh, mẹ đã ngót 100 tuổi, mẹ ra đón chúng tôi bằng nỗi niềm vui buồn xen lẫn ….Không khóc được, không nói được, dường như  mọi nỗi đau đã hằn sâu trong từng nếp nhăn khuôn mặt mẹ…

     “Thưa mẹ, lần này chúng con về thăm mẹ cũng chỉ mang được một chút thông tin ít ỏi về người con thân yêu của mẹ, mẹ có quyền tự hào về người con yêu quý ấy, người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Anh Thắng của chúng con đã ra đi ở tuổi 20, tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Và mẹ có biết không, người cán bộ chỉ huy trực tiếp của anh Thắng, người đã trực tiếp chôn cất anh và viết những trang Nhật ký chiến trường này - anh Phạm Thiết Kế - cũng đã hy sinh. Chúng con cũng chỉ là những người có vinh hạnh được đọc lại những trang Nhật ký quý báu của anh Kế thôi ạ!“

      Sau khi kể hết lý do của chuyến đi thăm gia đình liệt sỹ Hà Văn Thắng, chúng tôi được sống những giờ phút vô cùng hạnh phúc trong đại gia đình anh cũng như bà con lối xóm nơi quê hương “rừng cọ đồi chè”.

      Anh Hà Văn Lợi - em trai liệt sỹ Hà Văn Thắng siết chặt tay tôi. Anh tỏ ý muốn đi tìm hài cốt của anh trai mình sau lần gặp gỡ với chúng tôi hôm nay. Nhưng một phần do cuộc chiến trang đã lùi xa, dấu vết chẳng còn gì và người trực tiếp chôn cất anh Thắng cũng đã đi xa, những thông tin chính xác có thể biết được về nơi chôn cất anh Thắng chỉ là khu vực mặt trận Trảng Lớn - Tây Ninh. Hy vọng từ những thông tin này, có một người đồng đội nào đó của anh tham gia trận đánh ấy và còn sống đến ngày hôm nay sẽ cho chúng tôi biết … và khi đó chắc việc tìm kiếm hài cốt của liệt sỹ Hà Văn Thắng sẽ dễ dàng hơn.

      Chúng tôi ra về trong sự lưu luyến của gia đình và bà con lối xóm nơi quê hương anh Thắng. Chúng tôi tin chắc rằng cuộc gặp gỡ và những việc làm của chúng tôi sẽ là một niềm vui, niềm an ủi đối với mẹ Bùi Thị Chuộng và gia đình anh. Và càng có ý nghĩa hơn khi giờ đây, trong cuộc sống hàng ngày, nơi quê hương Đông Lĩnh - Thanh Ba - Phú Thọ này lại có thêm một câu chuyện về người anh hùng trẻ tuổi.

      Ngay sau lần chúng tôi về thăm quê Đông Lĩnh - Thanh Ba chè nhiều, người cháu gọi liệt sỹ Thắng bằng cậu hiện đang làm việc ở một công ty du lịch đã kết hợp chuyến công tác của mình để vào Tây Ninh tìm kiếm mộ của cậu. Chuyến đi ấy vẫn chưa có kết quả nhưng những thông tin quan trọng liên quan đến địa điểm trận đánh và nơi anh Thắng hy sinh đã được xác định khoanh vùng. Anh Tuấn - người cháu của liệt sỹ Thắng cho biết đã tìm được nghĩa trang liệt sỹ ở khu vực Trảng Lớn, mặc dù không có tên liệt sỹ Thắng nhưng còn một số ngôi mộ được khẳng định là của các chiến sỹ đặc công không có tên hiện đã được mai táng  ở đây. Có lẽ, sau vài lần gặp gỡ với chúng tôi, anh Tuấn sẽ quay lại Tây Ninh một lần nữa để tiếp tục  tìm kiếm kỹ lưỡng hơn dựa trên những thông tin mà chúng tôi đã phân tích qua lời miêu tả trong cuốn Nhật ký  “Đường về“ của liệt sỹ Phạm Thiết Kế.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:53:02 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 03:42:16 pm »

      “ Đường về “ của những người lính

     Từ những thông tin có được từ cuốn Nhật ký  “ Đường về “, chúng tôi đã liên lạc và làm việc với Bộ tư lệnh Đặc công và nhờ các đồng chí giúp đỡ. Từ cuộc điện thoại đầu tiên gặp Đại uý Nguyễn Quốc Duẩn cho đến khi chúng tôi xuốnglàm việc trực tiếp tại Binh chủng, các anh đều rất nhiệt tình giúp đỡ nhưng vì những hạn chế khách quan nên Binh chủng cũng không thể cho chúng tôi biết anh Kế  đã hy sinh chính xác tại đâu và trong hoàn cảnh nào. Mặt khác, một lần nữa các anh đã khẳng định những thông tin, manh mối mà chúng tôi có được là hoàn toàn chính xác, và quả thực đó là  nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục.
      Mừng quá, chúng tôi mang  những thông tin đã được khẳng định này đến chia sẻ với người thân của anh Kế, bao nhiêu tâm trạng vui buồn lẫn lộn chúng tôi thấy công việc mình đang làm thực sự có ích, đem lại niềm vui và ý nghĩa thiết thực cho gia đình. Tôi gửi cho gia đình bản thảo cuốn Nhật ký và hỏi cháu Dung xem còn tư liệu hay hình ảnh nào của anh Kế nữa không. Cháu nói với tôi là chỉ còn vài bức ảnh, vài trang lý lịch và các bằng, giấy khen của anh nữa thôi. Thì đành vậy, tôi nghĩ càng nhiều càng tốt, chắc chắn trước sau cũng sẽ có ích nên đã mượn gia đình số tư liệu quý báu ấy. Sau những lần phân tích, thật không ngờ, những thông tin ấy đã đưa chúng tôi đến gần hơn cái đích mà chúng tôi hướng đến. Từ những  tư liệu có được chúng tôi biết được về anh Mai Văn Phúc – tức Năm Phúc, người chỉ huy trực tiếp của anh Kế. Biết tên anh như vậy nhưng để biết được anh còn hay đã hy sinh, nếu còn thì đang ở đâu quả thực lại là một quá trình.  Bằng tất cả sự cố gắng của mình, công việc tìm kiếm của chúng tôi đã có những kết quả mang lại nhiều hy vọng.
     Tôi quay lại ngôi nhà số 15 ngõ 2 Kim Mã - Hà Nội đúng vào dịp cả nước đang thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sỹ. Bà Dung đang ngồi trước ti vi xem chương trình kỳ họp Quốc hội lần  thứ nhất khoá XII.  Vẫn là sự nhanh nhẹn của cô con dâu và nụ cười có phần vui hơn những lần gặp trước.
     “ Cháu đọc xong rồi chú ạ ! Chỉ thấy hay nên chẳng biết góp ý cái gì cả . Vẫn là những trang viết của ba cháu nhưng lần này đọc lại vợ chồng cháu đã khóc rất nhiều. Chú ơi! Dù chưa tìm được mộ của ba cháu thì chú cứ nhận của vợ chồng cháu một lạy chú nhé …”
     Tôi đỡ cháu Dung dậy trước sự ngạc nhiên của hai đứa cháu nội anh Kế. Bà Dung cứ ngồi im nhìn chúng tôi và thỉnh thoảng lại lắc lắc cái đầu.
     “ Lần này có thêm nhiều tin vui cháu ạ! Thứ nhất, chú đã tìm được người phó chính uỷ của đoàn Đặc công 429 ngày ấy - người đã gần gũi và chỉ huy bố cháu trong nhiều trận đánh, người đã ký giấy chứng nhận dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe cơ giới và nhiều giấy khen, bằng khen cho bố cháu đấy. Người ấy chính là Năm Phúc, Mai Văn Phúc - một người rất dễ nhớ, vì trong cuốn Nhật ký “ Đường về “ bố cháu đã nói rất nhiều về người chỉ huy mến yêu ấy. Cũng may nhờ anh em đồng nghiệp biết được về Cục chính sách Bộ quốc phòng nên bên chú mới tìm thấy những thông tin về bác Phúc, họ còn cho chú cả địa chỉ liên lạc, bác Phúc đang ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chú chưa liên lạc được. Có lẽ chú phải vào trong đó một chuyến, nhân thể vào Quân khu 5 xem thêm manh mối nào về bố cháu không “.
     Tôi còn thông báo thêm cho bà Giáp và cô con dâu biết chúng tôi đã liên lạc được với đoàn Đặc công 429, gặp được chính uỷ Hồ Gia Hiền, và rất nhanh chóng người chỉ huy này đã trực tiếp chỉ thị cho bộ phận làm chính sách đi “ điều nghiên “  xem người sỹ quan năm xưa có tên Phạm Thiết Kế đã hy sinh ở đâu và hiện hài cốt đang nằm ở nơi nào. Cuối giờ chiều ngày 19/7, tôi nhận được cú điện thoại gọi từ miền Nam ra, anh tự giới thiệu là Nguyễn Viết Khá - trợ lý chính sách của đoàn 429 - người được chính uỷ Hiền giao nhiệm vụ tìm thông tin có liên quan đến anh Kế. Chúng tôi đã trao đổi những thông tin cần thiết, đặc biệt là những số liệu ít ỏi về Liệt sỹ Phạm Thiết Kế và những đồng  chí đồng đội thân thiết của anh.
     Tất cả mọi hướng “ điều nghiên ”  của chúng tôi hiện nay đang nhằm tìm ra “ tung  tích “ người sỹ  quan đặc công đã nằm lại trên chiến trường Tây Nguyên cách đây 37 năm. Khá cho biết là ở Quân khu 7 không có tên Liệt sỹ Phạm Thiết Kế, vì vậy anh sẽ xin ý kiến thủ trưởng đơn vị để đi về Quân khu 5 tìm kiếm. Vậy là chúng tôi tiếp tục đợi chờ …
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 04:00:52 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 03:51:03 pm »

     Em và hai con thương yêu !

     Phạm Thiết Kế đã dừng những dòng tâm sự của mình sau 843 ngày đêm hành quân và chiến đấu đầy cam go, thử thách. Chẳng ai ngờ những dòng tâm sự trong ngày 22/12/1969 lại là những trang viết cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của anh. Và cũng chẳng ai ngờ 168 ngày sau đó, trong một trận chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, anh đã anh dũng hy sinh.
     Những trang viết của anh đã có tác dụng nhắn gửi cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm về trang sử hào hùng của dân tộc. Họ có quyền tự hào về Tổ quốc, về con người, về nền văn hoá đã thấm đẫm biết bao công sức, sự sáng tạo và với cả mồ hôi, xương máu. Đó chính là tinh hoa của dân tộc Việt Nam.
     Chúng tôi ngồi lặng hàng giờ trước những trang viết cuối cùng của liệt sỹ Phạm Thiết Kế. Anh chia tay chúng ta bằng sự lạc quan, tin tưởng, bằng lời hẹn ước tự tin vào thắng lợi ngày mai. Tất cả đều đúng! Chúng ta đã chiến thắng, Nam Bắc đã sum họp một nhà, nụ cười đã nở trên môi những người con đất Việt… chỉ còn thiếu anh và rất rất nhiều đồng đội của anh không được về trong ngày vui đoàn tụ.

    “ Dung em và 2 con thương yêu. Ngày mà Tổ quốc ta thống nhất không còn xa nữa, ngày mà dân tộc  ta ca khúc khải hoàn sắp đến rồi.  Giờ  đây, trước khi bước vào cuộc chiến đấu thực sự, cuộc chiến đấu quyết tử với kẻ thù, anh muốn tâm sự cùng em nỗi lòng của anh, của người chiến sỹ giải phóng quân. Em! Con người sinh ra ai không muốn được sống tự do hạnh phúc, ai không muốn cảnh gia đình đoàn tụ ấm êm. Nhưng đế quốc Mỹ - kẻ thù của chúng ta đã ngang ngược chà đạp lên những quyền thiêng liêng đó. Vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải đứng lên cầm súng. Anh tạm biệt em và hai con ra đi theo tiếng gọi non sông. Anh biết em thương nhớ lo lắng nhiều đến anh nhưng chắc rằng em cũng rất tự hào về anh.
     …
    Em và hai con thương yêu !
    Ngày mai anh sẽ bước vào cuộc chiến đấu ác liệt đầy hy sinh gian khổ. Dẫu rằng anh có mãi mãi xa em và hai con, thì anh mong em và hai con hãy đừng buồn. Em, trong cuộc sống chúng ta tuy không gần nhau nhiều nhưng cũng đã để lại  cho nhau những kỷ niệm đẹp biết chừng nào, mà hai con là niềm hạnh phúc, niềm vui của chúng ta. Anh hoàn toàn tự hào và phấn khởi bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt lần này. Anh thấy sung sướng được góp sức mình trong giai đoạn cuối cùng này của kách mạng, anh sẽ làm trọn nghĩa vụ của mình, người Đảng viên cộng sản.
    …
    Em và hai con thương yêu !
   Ngày mai đây Tổ quốc ta sẽ hoàn toàn độc lập. Trong ngày vui mừng của cả dân tộc, non sông ta nở rộ hoa tự do, ngày đó nếu vắng anh thì em và hai con hãy vui trong niềm vui chung của dân tộc em nhé. Hãy chọn những bông hoa hồng, hoa sen đẹp nhất đặt bên hình anh. Anh mong rằng em và hai con hãy chiến đấu suốt đời cho lý tưởng thiêng liêng của Đảng - “ Chủ nghiã Cộng sản “ -  mà anh đã đi.
   Tạm biệt em và hai con ! “


     Vậy đấy! Cách nghĩ và hành động của người chiến sỹ hiền lành như củ khoai hạt lúa. Họ bình thản trước những khó khăn và bình thản ngay cả khi đứng trước cái chết.
     Đã 40 năm kể từ khi Phạm Thiết Kế đặt bút ghi nhật ký “ Đường về “ và cũng đã 37 năm kể từ lúc anh hy sinh, cuốn Nhật ký  của anh  đã qua nhiều tay các đồng chí đồng đội, vượt qua nhiều trận đánh, vượt qua nhiều cung đường để về được với vợ con anh. Nó chính là niềm an ủi lớn nhất cho vợ con anh  và người thân vượt qua nỗi đau mất mát để sống và làm việc đến ngày hôm nay.

                                                                             Hà Nội, tháng 7 năm 2007
                                                                                         Nhà báo Trần Bình Tám
                                                             Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông Quốc tế
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 04:19:30 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 04:04:28 pm »

HÀNH QUÂN


   29-8-67 Xuất phát
   17h30 hôm nay đoàn mình bắt đầu xuất phát từ đất Bắc XHCN. Trời nắng chói chang nhưng lòng mọi người rất phấn khởi tin tưởng. Theo yêu cầu của tổ chức nên mình đã đưa Dung và Hồng Sơn về từ lúc 15h00. Trời nắng quá, thương Dung và Hồng Sơn vô cùng. Cậu Soi thì vợ lên khi cậu ta chuẩn bị lên xe, tội nghiệp chỉ gặp nhau được ít phút, nhưng quyết tâm vẫn vững. Nói chung những người lính cụ Hồ ra đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác là như vậy. Lòng họ mang nặng thù nhà nợ nước, họ ra đi với lý tưởng cao cả của mình - Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Khi ôtô đến phà Kim Lan dừng lại chờ qua cầu, mình tranh thủ lên tận cầu để xem Dung có ở đây không. Nhưng Dung và Hồng Sơn đã về rồi. Mình vừa thương vừa nhớ lẫn lộn day dứt. Mình đưa mắt nhìn Hà Nội, nhìn trái tim thân yêu của cả nước, nhìn những con người anh hùng bình tĩnh gan góc, mình chào Hà Nội ra đi.
   3h00 30-8 mình ngủ ở Hoà Bình


    30-8-67 Đêm thứ 2 hành quân
    Đoàn chiến sĩ cán bộ Đặc công chúng mình vẫn tiếp tục tiến gần hơn về miền Nam ruột thịt với tất cả lòng tự hào tha thiết. Đoàn mình nghỉ lại ở đất Thanh, quê hương kết nghĩa của mình đây. Hôm nay đi qua nhiều phà quá nên thời gian chậm. Đến nơi đã 5h00.
    Đồng chí công an phà Cổ Tế thật lạ, đoàn mình có 12 chiếc mới đi được 4 chiếc thì cắt lại, thế là một cuộc cãi lý giữa cậu ta và đồng chí phụ trách đoàn xe xảy ra, mà cuối cùng vẫn chưa phân phải trái.


   31-8-67 Đêm thứ 3 hành quân đây
    Đoàn mình lại vui vẻ ra đi. Chúng mình đi sâu vào miền Tây đất Nghệ An, quê hương của Bác, lòng mình thầm nhắc nhở: - Thiết Kế ơi! Mày là cán bộ cụ Hồ đấy nhé. Ôi! 4 tiếng “cán bộ cụ Hồ“ nghe sao thiêng liêng thế. Đừng bao giờ bôi nhọ cái danh hiệu vẻ vang đó.
    Đường hành quân đem nay khá vất vả, lắm dốc, nhiều ổ gà, xe xóc như xe ngựa, cái lưng tụi mình ê ẩm hết. Tối nay ngủ lại mảnh đất Tây Nghệ An.


   1-9-67   Đêm thứ 4 hành quân cơ giới
    Rời  mảnh đất Nghĩa Đàn tụi mình ra đi  về phương Nam, đến nơi tập kết lúc 1h30 sáng 2-9. Tụi mình ngủ lại một làng của đất Đô Lương. Đất Nghệ An đã có những tiếng nói giống quê mình “ mô, tê, răng, rứa “, nghe cũng vui vui.
    Cậu Thanh và cậu Lạn tranh thủ về thăm nhà, nhà tụi nó cách đây có 4, 5 cây số thôi. Tụi nó về tăng năng suất mà. Thấy chúng nó về mà nhớ đến Dung và Hồng Sơn lạ. Chẳng biết giờ này  Dung và Hồng Sơn đang làm gì.
    Tinh thần mình và đơn vị vẫn phấn chấn ra đi.


    2-9-67 Đêm thứ 4 hành quân cơ giới
    Đêm nay đi gần thôi nên chúng mình đến khá sớm, mới 21 giờ. Đây cũng là đợt cuối cùng của chặng hành quân cơ giới. Sức khoẻ của mình cũng như của đơn vị đều tốt. Mình vẫn ăn khá và ngủ tạm đủ. Quyết tâm tư tưởng vẫn tốt. Trước khi bước vào cuộc hành quân bộ nhìn chung còn sung sức. Ngày mai đây một cuộc thử thách thực sự bắt đầu. Ai chứ Thiết Kế nhất định không lùi. Đêm nay chúng mình ngủ ở đất Nam Đàn, cách quê Bác có 7km thôi.
    Mình lại ngắm ảnh Dung và Hồng Sơn con thân yêu. Tạm biệt em và con nhé.


    3-9-67 Đêm thứ 6 hành quân bộ 22km
    Mình lại có dịp thử đôi chân mình sau một thời gian để cho nó an hưởng thái bình. Hôm nay chúng mình chính thức bước vào cuộc thử thách thật sự, một cuộc đọ sức thi tài mà một bên là gian khổ, vất vả, nguy hiểm và một bên là ý chí quyết thắng giặc Mỹ, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần của người Cộng sản, mà một điều chắc chắn là phần thắng sẽ thuộc về Thiết Kế và đơn vị anh ta.
    Chúng mình đến đích an toàn và đúng kế hoạch.
    Một cái tệ xảy ra, lúc nghỉ 10 phút, Bằng rút dao găm ra cắt chanh, lúc đi lại bỏ quên mất, cũng may là mới đi chừng vài cây số thì cậu ta nhớ ra và tìm lại được.


   4-9-67 Đêm thứ 7 hành quân bộ 20km
    Bước chân chúng mình vẫn chắc, ý chí vẫn vững vàng, tinh thần vẫn phấn chấn.
Mặc tiếng máy  bay gầm, mặc pháo sáng địch, vai nặng chân phồng nhưng bước chân mình vẫn thoăn thoắt “ Chỉ tiến không lùi “, mình luôn nhắc nhủ lòng như vậy. Hôm nay mình đi cảm thấy khoẻ hơn. Cậu Hải bỏ quên đồng hồ chỗ nghỉ 10 phút, may mà tìm thấy.
   Đêm nay nghỉ ở Đức Thọ.


   6-9-67Đêm thứ 8 hành quân bộ 24km
   Trời ơi là khổ ! Trời mưa tầm tã, đường trơn đêm tối đen như mực, thật tối ngửa bàn tay không thấy. Cứ mỗi lần đứng lại thì đằng sau lại húc vào đằng trước như tàu hoả dừng lại vậy. Hai cái đò chết tiệt nó ăn tươi của tụi mình mất gần 5 tiếng. Nhưng cũng phải nói rằng hôm nay đoàn A đi đầu xử trí rất dở, ai đời còn cách có 1km mà trời hãy còn sáng lại cho đoàn nghỉ để đoàn khác vượt qua đò mất, đến lúc lên đèo lại đi quá xa làm anh em bở hơi tai. Đến nơi 6 giờ sáng.


    7-9-67 Đêm thứ 8 hành quân bộ 20km
    Hôm nay hai cái vai kêu ca tệ, mặc xác mày, nhiệm vụ của mày là phải mang. Hưởng hoà bình quen rồi, bây giờ phải chịu khó rèn luyện chứ. Tối nay tới Hương Khê ở mảnh đất Hà Tĩnh, ở đây nhà nào cũng có cau, trông giống nhà mình ghê. Lòng dân ở đây khá tốt.


   8-9-67 Đêm thứ 11 hành quân bộ 30km
   Hôm nay đi khá mệt, đường xa mà lắm chỗ lại khó đi nữa. Đoàn mình đi sau càng vất vả tệ.


    10-9-67 Đêm thứ 12 hành quân bộ 23km
    Chắc đây chưa phải là đoạn khó đi nhất nhưng lại đi đêm nên thật khổ hết chỗ nói. Bảo đi 1km 1 giờ cũng chẳng ngoa, hễ cứ hở nhau một bước là lạc ngay, mà đường nó có ra đường đâu, len lỏi trong rừng theo đường mòn mà đi, tệ hơn nữa là trời tối nên có thấy đường sa chi mô, vì thế mà lắm cậu vồ ếch. Vai nặng trĩu, cái vai trái mình đau ê ẩm thế mà có lúc phải đi liền 2 giờ, đặc điểm đi đường ban đêm: lúc thì đuổi theo bở hơi tai nhưng lúc lại đứng chồn chân dịch từng bước một.
     Tụi mình đến trạm 14 Quảng Bình lúc 5 giờ sáng. Nói chung quyết tâm vẫn vững như dãy Trường Sơn.


    11-9-67 Hành quân bộ 14km
    Hôm nay đi ban ngày nên có đỡ vất vả hơn nhưng cũng có cái khổ là nắng và đường dốc, eo ơi leo len dốc thì mồm mũi thi nhau mà thở. Cái lưng mình lại mất mấy miếng da rát rạt. Nhưng được cái ý chí và quyết tâm vẫn vững vàng. Đoàn A nghe đâu phải gửi lại 3 người rồi, đoàn mình khá là chưa có ai rớt  cả; nhưng cũng chớ chủ quan.
    Tối nay nằm trên võng nhớ Dung và Hồng Sơn quá, mình hình dung lại tất cả những ngày sống bên nhau êm đềm hạnh phúc, cái buổi ban đầu mới biết nhau bỡ ngỡ kín đáo. Biết ngày nào anh gặp lại em hở Dung.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:55:04 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2009, 04:16:53 pm »

   12-9-67
   Nghỉ lại đây một ngày để mai tiếp tục cuộc hành trình về quê chiến đấu. Nghe đâu mai toàn leo dốc thôi.


    13-9-67 Hành quân bộ 24km
    Hôm nay toàn leo dốc. Dốc lên dốc xuống, dốc thấp, dốc cao, dốc dài dốc đứng, thôi thì đủ thứ dốc. Nhưng có thể nói rằng đây chỉ là bước đầu chưa có gì đáng kể. Thế mà lên dốc thì đầu cúi xuống đất lưng cong để đỡ ba lô, mồm mũi tranh nhau thở, mồ hôi nhỏ liên hồi, hai đầu gối mỏi nhừ, còn xuống dốc thì gối run, ba lô kéo ngửa ra đằng sau, chả thế mà khối cậu đo đất rồi đấy.
    Ôi, suối sao mà đẹp thế hở trời ! Nước trong veo, lòng suối đá cuội chất chồng, hai bên bờ cây rủ mát. Suối này mà hai vợ chồng ra ngồi trên tảng đá tắm thì còn gì bằng.
    Đêm qua ngủ lại rừng. Cảnh bộ đội nằm võng ngủ rừng cũng tình ghê. Chung quanh thì tiếng chim hót líu lo, bên dưới anh bộ đội đung đưa chiếc võng, mái nhà là một tấm ni lông, rất ung dung, trời mưa gió gì mặc, cứ việc duỗi chân đánh một giấc say sưa. Chỉ tội lắm muỗi và vắt, hôm nay một chú vắt đã xơi mình rồi, và một chú đu trên màn định lén xơi mình thì bị mình phát hiện và bắt quả tang khi cậu ta chưa kịp hành động. Không biết đến  bao giờ Dung và Hồng Sơn thân yêu mới thấy vắt nhỉ. Chỉ điều đó cũng là niềm tự hào của người bộ đội rồi còn gì.


    14-9-67 Hành quân bộ 15km
    Hôm nay đi tương đối gần và trời mát nên đơn vị mình đến tương đối sớm. Lại một vấn đề phức tạp nữa xảy ra là trạm không cấp gạo cho tụi mình ăn bù lại cái ngày nghỉ ở giữa rừng hôm nọ. Đành bớt xén san sẻ vậy thôi. Hôm nay gửi được lá thư cho câu Huỳnh nhờ đưa về gia đình sướng quá, vì đơn vị cậu ta về hoạt động ở khu vực Quảng Nam mình mà.


    15-9-67
    Hôm nay nghỉ lấy sức để ngày mai lại tiếp tục ra đi. Hai hôm nay mình ăn thấy ngon và khoẻ ghê. Cũng mừng, ăn được ngủ được là tiên mà.


    16-9-67 Hành quân bộ 20km
    Suốt ngày hôm nay trời mưa như cầm chĩnh đổ, nước từ trên các ngọn núi cao đổ xuống ào ào, những cái khe hôm qua hãy còn khô khốc trơ đá thì hôm nay nước xuống gầm thét giận dữ. Mưa, mưa của núi rừng Trường Sơn đã ảnh hưởng lớn đến bước chân người chiến sĩ.  Dừng nghỉ 10 phút không biết đặt ba lô ở đâu vì chỗ nào cũng ướt, ngồi ăn cơm nước lẫn với muối lạc, lội qua một con suối đơn vị phải mất nửa giờ đồng hồ, áo quần ướt. Hôm nay phải lội qua 4 lần suối như vậy. Đã thế các chú vắt lại cứ tranh thủ đeo theo.
    Giôn-xơn hiểu sao nổi được  sức mạnh nào đã đưa người chiến sĩ vượt qua con đường vạn dặm  đầy chông gai này chứ. Chúng hiểu sao được cái mục tiêu chiến đấu cao cả vì lý tưởng cộng sản như ánh mặt trời rực rõ thu hút chúng ta.


    17-9-67 Nghỉ lại chờ nước rút
    Thế là hôm nay tụi mình nghỉ lại ngoài kế hoạch, ông trời đã cho Thuỷ tinh bao vây tụi mình, bây giờ tiến thoái lưỡng nan, đằng nào cũng bị nước ngăn cách. Tụi mình chỉ còn lại một cách độc nhất là nằm lại ăn rau cháo chờ  ngày.  Tiêu chuẩn gạo ăn còn 3 ngày, bây giờ phải san sẻ thành 5, 7 ngày. Thế  là các loại rau được tích cực sử dụng; rau dền, rau rệu, rau má, rau thài lài, rau khoai…, cũng chưa biết nằm lại mấy ngày.


    18-9-67 Tiếp tục hành quân bộ 30km
    Trời vẫn mưa tầm  tã, đoàn quân Nam tiến tụi mình vẫn một lòng ra đi. Lương thực cũng đã cạn rồi, thế mà chiều ra tụi mình lại chén một bữa no nê tươm tất mới chết chứ. Bây giờ cũng chưa đến trạm được, còn đâu 13km nữa, mà đến trạm này cũng đã được lĩnh gạo đâu, phải trạm trong nữa cơ. Thế là trời lại bắt tụi mình dừng lại. Chiều nay đành nhịn thôi. Chưa biết lúc nào mới đi được.


    19-9-67
    Nằm lại đây  chờ nước. Trời vẫn mưa, nước ngày càng to. Chờ đến bao giờ được, lương tựhc đã cạn rồi, hôm qua đã phải ăn cháo, mà khả năng ăn cháo cũng chỉ đựoc 2 đến 3 ngày nữa thôi, mà đi đến chỗ có gạo cũng đã ất hai ngày. Trước tình hình đó tụi mình quyết định bắc cầu qua suối để đi. Mình, cậu Thanh, Oánh và 10 anh em nữa mang rừu rựa ra đi. Đứng nhìn dòng nước réo ầm ầm cũng ớn. Nhưng mình quyết tâm làm bằng được. Ở đây địa thế và cây cối khá thuận lợi, sau gần 6 tiếng vật lộn với dòng nước chúng mình đã thắng. Một chiếc cầu vững chắc đã được bắc qua. Thật đúng như lời Bác dạy: “ Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên “.


    20-9-67 Tụi mình tiếp tục lên đường về trạm 19.
    Nghe nói có 13km thế mà tụi mình đi từ 6 giờ sáng cho đến 13h30 mới đến. Nào đường có ra đường, vừa đi vừa dọn đường mà đi. Hôm nay mình và anh em đói quá. Từ sáng đến giờ trong bụng chỉ  có 1 củ sắn luộc và nửa vắt cơm bằng quả ổi của cậu Bút đưa chứ gì. Chiều nay ăn bữa cơm ngon thật.


    21-9-67 Nghỉ lại ở trạm 19


     22-9-67 Tiếp tục hành quân bộ 34km
     Trời hôm nay nắng oi ả, về chiều lác đác có mưa. Nhưng dù thế nào thì mình cũng đến cho được trạm 20, vì có đến đó thì mới có lương thực để mà ăn. Tụi mình mang lương thực có 4 ngày mà phải ăn 8 ngày rồi còn chi. Nghe đài báo gió mùa đông bắc lại về nữa. Đúng là có thực mới vực được đạo.

    23-9-67
    Nghỉ lại trạm 20  chưa biết đến bao giờ mới đi được đây. Đơn vị mình đến thì đã có 4 đoàn nằm lại đây rồi mà nghe đâu có đoàn đã nằm đến 8 ngày. Được cái nằm đây thì không sợ đói.


    25-9-67 Ăn lá sắn
     Đời bộ đội kể cũng hay. Cái gì có thể ăn được là ăn tất. Hôm nay anh em nó cho mình ăn bữa canh lá sắn. Lá sắn đem luộc rồi nấu canh bỏ tí mì chính vào, ăn cũng ngon.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2009, 06:57:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM