Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:26:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khối mây hình lưỡi búa  (Đọc 42899 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2007, 11:27:17 am »

Sáng ngày 20 tháng 6 năm 1965, bộ phận “tìm cứu” báo cáo địa điểm Lê hy sinh. Địa phương đã cho xe đưa Cao và Nhật về bệnh viện. Dù sao chúng ta cũng bắn rơi được hai chiếc F-4 tiêm kích Mỹ, trung đoàn cũng rút ra được những bài học cho trận không chiến lớn thứ ba kể từ ngày Bộ Tổng tham mưu quyết định cho không quân mở mặt trận trên không… Buổi chiều, trời bất ngờ đổ mưa, một trận mưa lớn chưa từng có, bầu trời trở nên xám ngắt kỳ lạ. Khối mây mưa từ hướng Tây tràn sang, Hà Nội mưa, sân bay Nội Bài mưa khá lớn. Những cây xà cừ to gần hai người ôm, cao vút, gió mưa làm cho ngọn cây nghiêng ngả. Long bước ra cửa sở chỉ huy, nheo mắt nhìn trời, gió trên cao thổi vun vút, mây trôi với tốc độ khá lớn có triệu chứng xuống thấp dần, lớp mây ở sát ngọn cây, gió thổi, trôi vụt qua khu nhà của sở chỉ huy quân chủng. Anh đứng rất lâu tại cánh cửa bằng sắt dày và rất nặng ngăn cách khu hầm K-18 với bên ngoài. Trên nắp hầm, cây phi lao đã khá cao, một con ốc sên chẳng biết từ đâu bám vào thân cây, chậm chạp bò lên. Long miên man nghĩ. Kể từ ngày 3 tháng 4, anh đã tham dự ba trận không chiến lớn, đầu tiên, của không quân ta. Cả ba trận đều mất máy bay. Mới đó mà đã hai tháng rưỡi. Trong quyển sổ nhật ký cá nhân, Long đã đánh dấu sáu ngôi sao đỏ, bên cạnh là loại máy bay địch. Như vậy là, đã có ba loại máy bay hiện đại nhất của nước Mỹ đã bị Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi. Và trong quyển sổ ấy, anh đã trang trọng viết tên những liệt sĩ phi công đầu tiên của quân đội ta. Long vòng tay ở trước ngực. Thi thoảng những làn gió mạnh thổi bạt, xé nhỏ những hạt mưa đẩy vào cửa hầm nơi Long đứng. Định lùi bước vào phía bên trong, Long đụng phải một người. Anh quay lại, Trần Lạc, người chỉ huy trực tiếp, đứng sau lưng từ lâu:

- Anh Lạc, chắc là…

Long định nói, chắc là anh muốn rời sở chỉ huy, anh muốn về nhà. Nhưng anh kịp dừng lại. Trần Lạc ôm vai Long. Họ cùng nhìn bầu trời xám ngắt. Long nghe hơi thở của Lạc phả vào cổ mình, cả hơi nóng và lạnh. Trần Lạc sống giản dị, không thích bon chen. Anh có lối suy nghĩ độc lập và sáng tạo, rộng lượng với cấp dưới, chan hòa với đồng đội… Anh là mẫu người tốt bụng, không nhỏ nhen, có thể sống tốt với tất cả mọi người … Trần Lạc vốn là một trí thức. Đang học năm cuối cùng trường Bưởi thì kháng chiến bùng nổ, Lạc rời Hà Nội lên đường chống Pháp. Hòa bình lập lại, anh là một sĩ quan rất trẻ, đợt phong quân hàm đầu tiên Lạc được thăng cấp thượng úy. Thời đó, cấp ấy, mùa Đông được mặc áo gabardine, bốn túi, giày đen, mũ kê-pi. Anh là một trong những sĩ quan được nhiều cô gái Hà Nội để ý, ngưỡng mộ. Giỏi tiếng Pháp, thạo tiếng Nga, Trần Lạc nhanh chóng làm lung lạc nhiều cô gái. Trong đó, một cô gái thật xinh, sắc sảo, sinh viên trường đại học sư phạm đã chinh phục Lạc và họ đã đi đến hôn nhân. Những năm đầu, Trần Lạc rất hạnh phúc, anh thường khoe: “Mình may mắn có được người vợ lý tưởng, một cô gái Hà Nội chính gốc”. Anh tự hào về người phụ nữ đó, không phải là không có lý. Thời đó, khi những anh bộ đội làm nên “chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu” tràn về Hà Nội bằng những bước chân hùng mạnh, trẻ trung, mũ nan, lưới ngụy trang, áo trấn thủ, chân đi đôi giày vải màu cỏ úa của Trung Quốc, khẩu tiểu liên K-50 băng thẳng hoặc tròn đeo trước ngực, oai vệ, như những thiên thần xuất hiện trước mắt những cô gái mộng mơ, lãng mạn. Nhìn bóng dáng anh bộ đội họ xem như là những thần tượng, nên thầm yêu và khao khát. Vài năm sau, hình ảnh đó trở nên bình thường.

Trong những anh bộ đội bước chân trên đường phố, người ta bắt gặp bóng dáng của những sĩ quan trẻ, mặc áo bốn túi, chân đi giày đen. Tiếng giày đế da nện trên đường phố như những tiếng nhạc hùng tráng thúc giục những trái tim xao xuyến, ao ước và đắm say ngoái nhìn mỗi khi chàng bước trên đường. Nên họ đập mạnh vào mắt các cô gái trẻ học sinh cuối cấp ba, những sinh viên các trường đại học. Nàng Bích Liên của Trần Lạc nằm trong số các cô gái Hà Nội thời đó.

Nàng đẹp, giọng nói rặt Hà Nội, đặc biệt chữ “gi” được nhấn cong lưỡi rất điệu. Bích Liên sang trọng từ cách ăn mặc cho tới trang điểm. Thời đó các cô gái Hà Nội mặc áo không có li, cổ hai ve, cổ cánh nhạn, cổ lá sen theo mốt Thái Lan. Áo Bích Liên bao giờ cũng ôm tròn cơ thể nõn nà, những đường cong quyến rũ nổi lên làm mê đắm Trần Lạc. Anh đắm say Bích Liên. Ngoài nhan sắc mặn mà, xinh đẹp, hấp dẫn của một cơ thể tràn đầy sinh lực, cái mà Trần Lạc xao động mạnh nhất bởi nàng là gái Hà Nội, một cô gái thành thị với dáng dấp kiêu sa, đài các. Nhìn nàng cái gì chàng cũng thấy toát lên vẻ sang trọng mà thời đó là một của quý, một báu vật không dễ gì có.

Dần dà, theo thời gian, cái lãng mạn ban đầu nhường chỗ cho sự tính toán thực tế. Cuộc sống không phải chỉ là những lời nói hoa mỹ, những khẩu hiệu hùng hồn mà là nhà ở, tiện nghi, tiền bạc. Cái quan trọng bậc nhất mà người phụ nữ cần là sự chăm sóc của người đàn ông, là tình cảm đôi lứa, gần gũi xác thịt. Điều mà Trần Lạc bộc lộ nhược điểm lớn nhất, chính là ngày càng khô cứng về tình cảm, bởi cuộc sống trong quân ngũ, những lo toan cho những trận không chiến sắp đến, đầu óc không còn rảnh rang, không còn sự lãng mạn như trước. Trần Lạc lại yếu về sức mạnh đàn ông, nhiệm vụ của anh nặng nề, vắng nhà nhiều hơn và do đó anh cũng xa nàng thường xuyên hơn. Ngoài lương bộ đội, không có thu nhập nào khác, anh không đủ đáp ứng những đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là về tình cảm của nàng. Thế là anh, không còn là hình bóng choáng ngợp như thuở xưa. Bây giờ, dưới mắt nàng, anh là một sĩ quan không còn “đi nhớ, ở thương”như trước. Nàng bắt đầu nhìn những người đàn ông khác, luôn ở bên cạnh nàng. Họ chăm chút nàng từ trang phục, mái tóc dài, chiếc cặp da đến chiếc áo sơ-mi trắng. Đặc biệt họ còn tâng  bốc nàng bằng những câu: “Em là một đóa hoa rực rỡ, một phụ nữ trí thức, có tư duy sắc sảo”... Rồi một bữa nọ, sự vô tình va chạm đã làm cho nàng cảm nhận lời nói của một chàng: “Em thật sự tài năng hơn người, em phải được đối xử và chăm sóc tốt hơn” bỗng trở nên lung linh, huyền ảo và nàng đã cho hình bóng của Trần Lạc rời hẳn khỏi bộ nhớ của nàng. Trong đầu nàng, hình ảnh anh bộ đội mờ dần và dáng vẻ trí thức lịch lãm của gã đàn ông ở bên cạnh lúc nào cũng xuất hiện trong mắt của nàng, đến đỗi mỗi ngày không gặp chàng, Bích Liên không sao chịu nổi. Cuối cùng nàng đã nằm gọn trong vòng tay gã đàn ông ấy … Chuyện về Bích Liên sa ngã đến tai Trần Lạc. Anh rạc người, lo lắng và bất an. Lạc đã trở thành một người khác hẳn, không còn nhanh nhẹn, thông minh… mà trở thành một người sống hoài nghi, cáu gắt một cách vô lý. Nhiều đêm, khi tiếng kẻng điểm danh, vang những âm thanh dài, là lúc Lạc xếp gối, kéo chăn để dọc giữa giường, giống như người đang nằm ngủ, đôi dép để dưới giường, mũi quay ra như chủ nhân đang nằm trên giường nghỉ trưa. Tay xách đôi dép khác, lạc rón rén đi chân đất ra khỏi phòng ngủ, rời khỏi doanh trại đi về nhà. Nhón chân, nhìn qua cửa sổ nhà mình, Lạc tìm Bích Liên. Thấy Bích Liên ở nhà, anh trở về đơn vị. Hôm nào không thấy nàng, anh đi tìm. Chiếc xe Juinior màu mận chín của anh đi khắp Hà Nội, vào các công viên, đi đến nhà đối thủ. Anh rình, anh tìm cho ra Bích Liên . Có lần, anh thấy Bích Liên ôm hôn người đàn ông ở một quãng vắng, trong công viên hoặc ở cơ quan của nàng. Dường như Lạc chỉ cần thấy chớ không bắt quả tang. Lạc cũng không nặng lời với nàng mà chỉ âm thầm chịu đựng. Có người nói vì những đứa con. Có người nói anh giữ danh dự cho nàng. Có người lại bảo đó là bản chất của Lạc. Và anh suốt đời chịu đựng nỗi bất hạnh đó một mình, bởi vì Lạc muốn như vậy…

Long nhiều lần định tâm sự với Lạc. Nhưng rồi anh lại không nói điều mà anh biết đó là nhược điểm lớn nhất, là nỗi nhục của người đàn ông. Không nên khơi ra. Long bất ngờ nghe tiếng của Lạc:

- Này, Long.

Long hỏi lại:

- Anh định hỏi gì?

- Hôm nay, theo cậu, địch có vào không?

Long trả lời:

- Tôi nghĩ là không, trời mưa thế này…

Trần Lạc hỏi bâng quơ:

- Mưa, theo cậu lạnh hay nóng.

Long trả lời ngay, bởi vì điều đó anh đã có học thời còn là học viên bay khóa 1 Trường Hàng không Việt Nam ở Hải Phòng vào mùa xuân năm 1959:

- Lạnh.

Long chợt nhớ như mới ngày hôm qua. Vào cuối năm 1958, năm đó, anh còn rất trẻ, dường như chỉ trên dưới 20 tuổi. Một ngày mùa đông, anh đi dự một đám cưới, duyên số đã đưa anh đến với một cô gái mắt tròn, môi hồng, má còn lất phất măng tơ. Ngày hôm đó trời lạnh, mưa phùn, gió bay những sợi tóc tơ của nàng quấn vào cổ anh và cột chặt cuộc đời anh với nàng. Đến bây giờ, dù còn vất vả và thiếu thốn, anh đã có một gia đình đầm ấm, một đứa con gái đã hơn hai tuổi … Long quay lại. Lạc nói trong trạng thái mơ hồ:

- Vậy mà, lúc nào tớ cũng thấy nóng.

Long im lặng, anh biết bây giờ, chỉ cần gợi ý là Lạc nói ra, biết đâu điều đó sẽ gây khó xử cho anh ấy. Long rất hiểu điều đơn giản, mà ai cũng biết, bên trong tính cách của một gã đàn ông. Trong con người của Trần Lạc cái chất đàn ông ấy lại bị nén chặt bởi một hoàn cảnh, một môi trường với những mối ràng buộc gì đó tạo nên bi kịch. Long thấy Lạc rất đau đớn, như đang gồng mình cố giữ một nồi hơi không có van xả, áp suất ngày một tăng lên ghê gớm.  Cái nồi hơi ấy chỉ cần một cơ hội sẽ nổ tung. Long an ủi, ẩn dụ:

- Anh Lạc, anh xem kìa, hình như mây đang trôi ngược trở lại.

Lạc nhìn trời lắc đầu:

- Nó vẫn đi, nó không thể nào trở lại.

Long hiểu thâm ý của Lạc. Anh hết sức lo lắng, như vậy là không thể đoàn tụ, chỉ có Lạc mới biết  Lệ Thúy sẽ đi về đâu, hoặc là đi đến đâu… Trời đột ngột ngưng mưa, gió thổi mạnh hắt vào miệng hầm. Lạc vẫn ôm vai Long không chịu buông ra. Long có cảm giác anh ta cố bấu vào Long để đứng vững. Nếu không, anh ta sẽ đổ ập xuống, và chẳng bao giờ đứng lên được!  Chuông báo động, Long trở vào. Trần Lạc cũng trở vào, anh ta đứng phía sau Long. Đào Ngọc đã chuẩn bị chiến đấu xong. Thượng tá Nguyễn Văn Tiên bước đến bàn chỉ huy, hai tay chống lên bàn, nghiêng mình nhìn tốp địch bay vào từ cửa sông Mã. Trạm radar đã phát hiện địch, tiêu đồ gần đã vẽ những đường bay màu xanh. Tốp địch tốc độ rất chậm. Đào Ngọc thắc mắc, anh gọi điện cho Nguyễn Nhơn, sĩ quan dẫn đường ở mặt hiện sóng:

- Anh xem máy bay địch hay khinh khí cầu?

Nguyễn Nhơn căng mắt. Trên màn hiện sóng của chiếc radar 402 loại dùng để phát hiện mục tiêu trên biển do Trung Quốc chế tạo, Nhơn điều khiển mở rộng thành một tam giác nhằm phóng đại mục tiêu. Nhưng, do nó không phải là loại hiện đại, khả năng phân biệt rất kém, mục tiêu phát hiện chỉ là một phản xạ khá lớn. Nhơn trả lời:

- Tôi tăng độ phóng đại, nhưng không phân biệt rõ. Để tôi cho chiếc đo cao 843
xác định.

Nguyễn Nhơn cùng với đại đội trưởng radar cùng xem trên hiện sóng, mục tiêu di chuyển với tốc độ dưới 400km/giờ, đo cao không thay đổi, nó luôn giữ ở độ cao 1.500 mét, Nguyễn Nhơn gọi điện cho Đào Ngọc:

- Tôi đã quan sát, nếu là khinh khí cầu, độ cao sẽ thay đổi nhanh, nhưng mục tiêu đang tiến vào độ cao không thay đổi. Theo tôi, đó là máy bay địch.

Nguyễn Nhơn thường có cách nhận định quả quyết, không phải lần nào cũng đúng. Nhưng tính cách ấy được cấp trên để ý và tín nhiệm. Anh ta có khuôn mặt tròn, đôi lông mày rậm, đuôi lông mày có xoáy và hướng lên, miệng rộng, mũi cao, khá đẹp trai. Thời kỳ còn đi học chuyên môn, anh ta đã được các cô gái trẻ để ý và ít khi anh ta bỏ cơ hội. Nguyễn Nhơn khôn ngoan và chịu khó, bao giờ cũng chờ ý kiến của vài người rồi mới đưa ý kiến của mình, sau khi cân nhắc kỹ. Cho nên ý kiến của anh ta là sự chọn lọc của nhiều người, cái tài của Nhơn là không trùng với ai. Trong tập luyện, Nhơn dẫn đánh chặn tác nghiệp thường chỉ đạt khá. Nhờ tính nhẩm và ước lượng khá nhanh, anh ta có nhiều thời gian để xử lý các tình huống phức tạp. Chính vì vậy Nhơn bao giờ cũng ở trong tốp đầu của những đợt kiểm tra. Nguyễn Nhơn nói tiếp với Đào Ngọc:

- Theo tôi, cho biên đội hai chiếc Mig-17 đang trực, cất cánh.

Đào Ngọc nói ngay:

- Đồng ý với nhận định của anh.

Ngay sau đó, Đào Ngọc báo cáo, Trung tá Hoàng Ngọc cho đánh và, biên đội hai chiếc Mig-17 do Mai Đức và Văn Lai cất cánh do sở chỉ huy quân chủng chỉ huy. Chỉ vài khẩu lệnh của Đào Ngọc cho hướng và ý đồ tiếp cận, về cơ bản đã hình thành thế chiến thuật. Bây giờ, Nguyễn Nhơn trực tiếp dẫn trên mặt hiện sóng radar. Anh quan sát khá kỹ và chỉ huy biên đội tiếp cận mục tiêu từ hướng Tây. Mặt trời đã chếch bóng gần đỉnh các ngọn núi, việc quan sát của phi công sẽ rất thuận lợi. Ngọc đè nhẹ tờ giấy bóng mờ dán trên bàn, nói với Long:

- Cậu ghi độ cao các ngọn núi khu vực chiến đấu bằng bút chì đỏ.

Long ghi ngay ba vị trí anh đã thuộc. Núi PhuPhaPhang 1.587 mét ở phía Nam Mộc Châu 30km. Ngọn CotCo 1.017 mét ở phía Tây Nam Kim Bôi 15km và ngọn núi Đàn ở Đông Bắc Lang Chánh 10km, có độ cao 935 mét. Đào Ngọc bóp micro:

- Hải Âu chú ý. Khu vực chiến đấu núi cao 1.800 mét. Không được xuống dưới độ cao đó.

Nguyễn Nhơn tiếp tục thông báo địch, anh dẫn tiếp cận vào bán cầu phía sau của tốp địch hai lần, biên đội không phát hiện được mục tiêu. Từ độ cao 2.500 mét, Nguyễn Nhơn cho hạ thấp độ cao xuống 2.000 mét, rồi 1800 mét, đến lần thứ ba Đức phát hiện, sau đó Lai cũng nhìn thấy một tốp ba chiếc AD-6 loại máy bay cánh quạt cường kích của hải quân Mỹ, tốc độ nhỏ, thích hợp với đánh mục tiêu ở khu vực rừng núi. Đức ra lệnh cho Lai thả thùng dầu phụ, vào công kích. Do thói quen phát hiện địch, phi công tăng tốc độ, tốc độ chênh lệch quá lớn, Đức lao vào mục tiêu, Lai ở phía sau, cả hai phi công không kịp làm động tác ngắm và xạ kích phải thoát ly. Biên đội tiếp cận lần thứ tư, Đức nổ súng, anh không kịp ngắm, đạn bay rất xa ở phía trước. Chiếc AD-6 như trêu chọc, nó lượn vòng rất gấp, bán kính lượn vòng nhỏ. Lần xạ kích thứ 5 Đức lại bắn trượt. Lai ở phía sau, thấy rất rõ, muốn bắn trúng, phải xuống thấp hơn nữa, Anh nhắc: “50, tốc độ quá lớn, xuống thấp nữa”. Đức trả lời: “Không được, mệnh lệnh của Đông Đô”. Lai nói: “Không xuống thấp, không thể bắn trúng”.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #31 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:09:27 pm »

Bây giờ, những chiếc AD-6 đã thấy Mig tấn công, dựa vào ưu thế tốc độ nhỏ, lực nâng tốt, bọn Mỹ men theo triền núi, bay dưới các mỏm núi cao, thi thoảng bay rất thấp theo đường lộ chờ cho Mig bổ nhào lao theo, bất ngờ rẽ ngoặc gấp vào các khe núi. Đức tấn công nhiều lần bằng bổ nhào, bằng các góc đón đều không có kết quả. Anh quyết định hạ thấp độ cao, giảm tốc độ, phán đoán hướng bay của địch trên các khe núi và yên ngựa … Anh đã chọn được thời cơ, một chiếc AD-6 đang vòng vừa lật lại, Đức ngắm và nổ súng. Chiếc AD-6 bị một viên đạn 23 ly bắn vỡ mép cánh phải, bèn trượt xuống sát mặt đất, uốn theo các ngọn núi cao trốn thoát. Còn lại hai chiếc AD-6 đang trong tầm kiểm soát của Lai. Anh nhìn rất rõ mục tiêu và địa hình. Những ngọn núi cao và yên ngựa. Lai báo cáo: “51 xin phép công kích”. Đức trả lời “51 công kích đi, tôi yểm hộ”. Đức bay trên cao, anh theo dõi động tác của Lai, vừa quan sát tiêm kích Mỹ … Lai hạ thấp độ cao, giảm tốc độ tiếp cận, chiếc AD-6 số 2 ở phía sau khá xa chiếc số 1. Lai phán đoán chiếc số 2 bay theo chiếc số 1. Anh từ từ hạ thấp độ cao xuống còn chênh lệch độ cao không nhiều, vừa đủ để xạ kích, xong, có thể thoát ly tránh va vào chiếc máy bay Mỹ đang ở trước mặt. Lai lái chiếc Mig xuống thấp hơn, đưa chiếc AD-6 vào vòng ngắm, cự ly rất gần, anh bóp cò, cùng một lúc ba khẩu súng rung lên, chiếc AD-6 bốc cháy. Đức phấn khởi hét vang: “Cháy rồi…”. Ngay lúc đó Đức nói trong hơi thở rất gấp: “Kéo mạnh 51, kéo, kéo...”. Chiếc Mig của Lai đã lao xuống, bắn rơi chiếc AD-6, anh kéo chiếc Mig ngóc lên được nhưng không qua được dãy núi trùng điệp ở trước mặt. Đức bay theo chiếc Mig của Lai, và thấy nó va vào một sườn núi, nổ, không có chiếc dù nào bung ra. Đức bay về, lòng nặng trĩu. Anh hạ cánh rất khó khăn và rời máy bay trong trạng thái đau đớn vô hạn… Tại sở chỉ huy không quân, lại một lần nữa, Long chứng kiến một phi công không trở về!

***

Maria gần như chạy ra đến ngã tư trước cửa nhà. Con đường trong phi trường Takli được trải một lớp nhựa đen bóng, phẳng. Tiếng bánh xe trên máy bay cà xuống đường băng liên tục phát ra những âm thanh như xé vải. Maria bước dài theo hướng có tiếng máy bay. Nàng lại đến một ngã tư, rồi một ngã tư nữa. Bây giờ, dường như Maria bị lạc. Nàng tiếp tục đi và đến một kho khá lớn, bên ngoài có biển “Cấm vào” bằng tiếng Anh. Một người đàn ông Thái Lan đi tới, mỉm cười. Maria ngượng vì đi lạc. Nếu không hỏi, có thể đi đến đâu, nàng cũng không biết, có khi Anderson về đến nhà không thấy nàng lại bổ đi tìm … Maria tự trách mình, nàng gọi người đàn ông Thái, hỏi:

- Ông cho tôi biết, nhà của Đại tá Anderson?

- Thưa bà, tôi không được phép biết.

- Vậy, ông có thể chỉ cho tôi khu phi công.

- Thưa bà, tôi không được phép đến đó.

- Vậy...

- Bà đã đi lạc?

- Vâng, tôi đi lạc.

Ông ta chỉ hướng có hàng cây lớn:

- Thưa bà, ở phía đó là khu vực người Mỹ ở, có hàng rào sắt xung quanh.

Maria “ồ” lên, nàng ngỡ ngàng và tự trách mình lẩm cẩm, hàng rào sắt ở cách đây không xa. Maria trở lại, nàng bước dài. Bỗng chiếc xe Jeep cao, thắng ngay phía sau. Maria giật mình quay lại. Anderson trong bộ quần áo liền nhau của phi công còn ướt mồ hôi từ trên xe nhảy xuống. Anderson nhào tới. Maria bất ngờ nhận ra chồng, lóng ngóng, dang hai tay. Anderson ôm gọn Maria trong vòng tay mạnh mẽ của ông. Anderson hôn Maria, kéo nàng lên xe, trở về căn nhà dành riêng cho mình.

Đêm đến, trước sân, hai chiếc ghế sắt kề nhau. Maria ngồi bên cạnh Anderson. Nàng kể về đứa con gái của họ đang học năm cuối cùng bậc cao trung, luôn nhớ cha. Cuối cùng, Maria hỏi:

- Anh, hiện nay, có phải anh đi ném bom Bắc Việt Nam?

- Phải.

- Vì sao phải đánh họ?

- Bởi vì, họ ủng hộ Việt Cộng.

Maria không hiểu:

- Việt Cộng là ai?

- Là chiến binh cộng sản Bắc Việt Nam xâm lược Việt Nam cộng hòa.

Maria nhìn xa xôi, nàng chợt hỏi:

- Vậy, Việt Nam cộng hòa và Bắc Việt Nam là hai nước phải không?

Anderson chân thật:

- Thật ra họ là một nước, từ năm 1945 cho đến năm 1954 cả nước họ là một. Sau hiệp định Genève người ta chia Việt Nam ra làm hai nước. Việt Nam cộng hòa theo chúng ta, còn Bắc Việt Nam theo cộng sản.

- Ai chia ra thành hai nước Việt Nam?

- Người Pháp và Việt Minh. Nhưng, có Mỹ, Nga, Trung Quốc chứng kiến.

Maria chuyển trọng tâm, điều mà nàng quan tâm:

- Anh, đánh Bắc Việt Nam có nguy hiểm không?

- Có, họ có pháo cao xạ, có không quân. Nhưng, họ còn yếu, chưa làm gì được ta. Đơn vị anh bị không quân họ bắn rơi hai chiếc F-105, đơn vị bạn hai chiếc F-4.

Maria lo lắng, như vậy là có đổ máu. Người Mỹ đã chết trận ở Việt Nam, cả ở Nam Việt Nam, đã vượt qua hai con số 0. Dù sao thì…

Anderson vẫn còn khỏe mạnh. Maria ngả đầu vào vai Anderson. Từ bờ vai ấy mùi của chàng lan tỏa vào mũi nàng, một thứ mùi quen thuộc, lôi cuốn…

***

10 giờ ngày 10 tháng 7 năm 1965 biên đội Mig-17 do Phan Thanh Nhạ và Nguyễn Cương rời đường băng bay trực ban trên vùng trời Việt Trì-Nội Bài, có lúc đường bay hướng đến thị xã Phú Thọ. Nhiệm vụ của biên đội là bay tuần tiễu, độ cao bay 7.000 mét… Từ cách đây trên nửa tháng, sau trận đánh AD-6 của biên đội Đức- Lai, hàng ngày Mig-17 vừa tiến hành bay huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ tuần tiễu. Hầu hết đều bay rất sâu, phía sau Hà Nội, do trung đoàn chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ… theo quy định của quân chủng, dù chỉ một chiếc bay lên trời, radar của sở chỉ huy không quân vẫn phải mở máy để cảnh giới địch, không được lơ là… Nhạ và Cương đã bay đến độ cao quy định.

***

Chiếc E-2A hai động cơ phản lực cánh quạt, mang trên lưng nó một khối tròn, dẹt, đường kính sáu mét, chiều cao gần một mét, bên trong nó là một ăng-ten thu thập tin tức của mọi tần số radio đối không và radar Bắc Việt Nam ở mọi hướng và cự ly… Nó như một radar trên không, chỉ có điều xác định không chính xác vị trí Mig như radar ở mặt đất. Phi hành đoàn tám người, trong đó tới năm sĩ quan tình báo thành thạo bốn ngoại ngữ Việt-Hoa-Triều Tiên và Nga. Viên sĩ quan ngồi ở vị trí số 3 thu được tiếng trả lời của phi công Bắc Việt Nam báo cáo cất cánh, liền báo cáo cho viên đại tá chỉ huy căn cứ Udon. Lập tức bốn chiếc F-4C, đã nạp đầy ba thùng dầu phụ đeo ở bụng và hai bên cánh, được lệnh cất cánh, độ cao bay rất thấp, chỉ được phép bay trên địa hình 1.000 mét, đến biên giới Việt Nam hạ thấp độ cao, bay trên địa hình dưới 500 mét. Thiếu tá T. Murphy chỉ huy biên đội. Đại úy R. Fegan bay số 3 đã vượt qua một quãng đường dài trên 300 km. Bốn chiếc F-4C đang tiến vào cánh đồng cỏ Mộc Châu. Murphy đã nhìn thấy núi Tam Đảo, hắn lắc cánh báo hiệu cho ba chiếc F-4 trong phi đội sẵn sàng chiến đấu.

Trên tai Murphy liên tục nghe thông báo từ chiếc E-2A vị trí và độ cao của hai chiếc Mig. Murphy nhớ rất rõ lời dặn của đại tá G. Davis rằng Bộ Quốc phòng chưa cho phép không lực Mỹ vượt tuyến Hòa Bình - Điện Biên Phủ, cho nên không được để máy bay bị bắn rơi trong khu vực cấm. Murphy lắc cánh hai lần, báo cho phi đội ném thùng dầu phụ mở radar trên máy bay. Fegan vừa hướng mũi chiếc F-4 lên cao, mặt hiện sóng của chiếc radar trên chiếc F-4C số 160 của anh ta có tín hiệu một chiếc Mig ở cự ly 20 km. Fegan báo cáo cho Murphy bằng vô tuyến điện đối không. Murphy hướng mũi máy bay và đã phát hiện Mig. Theo kế hoạch đã được luyện tập, sau khi phát hiện Mig, Murphy sẽ dùng tên lửa có điều khiển phóng từ cự ly rất xa và điều khiển bằng radar bắn rơi Mig. Nếu chiếc số 2 của Murphy cũng phát hiện có thể cả hai cùng bắn vào một chiếc cho chắc chắn. Fegan và số 2 của anh ta cùng bắn vào một chiếc khác. Nếu bốn chiếc Mig thì mỗi chiếc F-4C bắn một chiếc.

***

Hai chiếc Mig của Nhạ và Cương đã bay hai vòng trên khu vực tuần tiễu. Việt Thành rất bình tĩnh, anh dẫn biên đội dõng dạc, khẩu lệnh truyền cho phi công rất rõ ràng. Tại trạm radar, sĩ quan dẫn đường Lê Thiết rất tập trung. Anh thuộc tất cả sóng phản xạ. Trên màn hiện sóng của chiếc radar đo cao gật lên, xuống bảo vệ xung quanh hai chiếc Mig, màn hình không xuất hiện sóng lạ. Tại mặt hiện sóng, chiếc radar của Lê Thiết không có sóng phản xạ lạ ngoài các sóng cố định anh vẫn thấy hàng ngày. Hai chiếc Mig-17 vẫn ung dung bay ở độ cao 7.000 mét, radar dẫn đường vẫn phát hiện Mig, cánh sóng bao trùm hai chiếc Mig không lúc nào lơi lỏng. Biên đội bay rất cao ở sâu trong đất của ta. Hai phi công phân công nhau quan sát, không hề có chút gì khẩn trương và căng thẳng…
T. Murphy bóp công tắc:

- Số 3, tôi chỉ thấy có hai chiếc Mig.

Fegan nôn nóng:

- Chỉ có hai chiếc. Anh tấn công chiếc số 1, tôi đánh chiếc Mig số 2.

Fegan nói xong với Murphy, bóp ống nói nội bộ ra lệnh cho phi công ngồi phía sau:

- Chuẩn bị ngắm và bắn tên lửa có điều khiển vào chiếc Mig số 2, bên phải.

Fegan tăng tốc độ, mắt không rời chiếc Mig-17 đang bay rất cao. Chiếc F-4C sơn màu xanh, hòa lẫn với đồng ruộng và núi rừng rất khó nhìn thấy từ trên xuống. Trong khi đó T. Murphy đã kéo ra một góc để tấn công chiếc Mig số 1 từ dưới lên. Bốn chiếc F-4, đội hình hai chiếc, đã hoàn thành tất cả các động tác công kích.

Hai chiếc Mig đến thời điểm lượn vòng. Nó bắt đầu nghiêng cánh, độ phản xạ của máy bay Mig thu được rất to trên radar chiếc F-4C của Murphy. Viên sĩ quan điều khiển vũ khí đưa chiếc Mig số 1 vào vòng ngắm, hai chiếc F-4 biên đội của Murphy bắt đầu kéo lên. Trong khi đó, hai chiếc Mig sau khi lượn vòng đã trở lại bay bằng. Thời cơ xạ kích rất tốt, Murply, Fegan và hai chiếc F-4 số 2 đã hướng vào hai chiếc Mig ở trên cao, bốn chiếc máy ngắm trên radar đã đưa hai chiếc Mig vào điểm phóng tên lửa, gần như cùng một lúc tám quả tên lửa có điều khiển cùng rời bệ phóng bên dưới cánh máy bay.

***

Sĩ quan dẫn đường Việt Thành kẻ một đường thẳng từ Phú Thọ trở về đầu Tây sân bay Nội Bài. Chiến sĩ tiêu đồ chấm đầu bút chì đỏ vào cự ly 65 km, đường bay nối từ Phú Thọ và ghi xong, thời gian được đánh dấu là 11 giờ 30 phút 26 giây, chiếc Mig-17 số 2 do Nguyễn Cương điều khiển bị trúng hai quả tên lửa. Phi công Phan Thanh Nhạ nghe tiếng động mạnh, chiếc Mig rung động, anh nhìn lại phía sau, máy bay của Cương đã gãy đôi, lao rất nhanh xuống đất. Anh chưa kịp phản ứng, hai quả tên lửa màu xanh lá cây lao tới nổ bùng, chiếc Mig cháy, Nhạ bị ngất sâu trong buồng lái, chiếc Mig số 1 lao nhanh xuống cánh rừng thuộc huyện Phổ Yên tỉnh Bắc Thái…

***

Bốn chiếc F-4C đã lên độ cao 5.000 mét, tám quả tên lửa do phi công điều khiển vũ khí ấn nút phóng lao rất nhanh, nằm gọn trong cánh sóng radar trên máy bay F-4C. Viên phi công chính lái tên lửa theo sự điều khiển của phi công ngồi phía sau. Bốn quả tên lửa bắn rất chính xác vào một chiếc Mig, một chiếc bốc cháy, một chiếc gãy đôi, không cháy, cả hai chiếc rơi cách nhau rất xa. Hai chiếc trong phi đội của Fegan nhìn theo chiếc Mig gãy đôi, cháy bùng rơi xuống một vùng đồi thuộc Vĩnh Yên, phi đội Fegan hạ thấp độ cao tránh xa khu dân cư và đường giao thông bay thẳng đến Mộc Châu. Trong khi Murphy và chiếc số 2 bắn trúng chiếc Mig số 1, Murphy không thấy máy bay cháy nhưng lao xuống rất nhanh. Murphy liên tục phóng hai quả Sidewinder vào chiếc Mig nhưng không trúng. Murphy rút cây bút chì dầu giắt ở nách, đánh số tọa độ hai chiếc Mig-17 do phi đội hắn bắn rơi ở vĩ độ 21 độ17 phút kinh độ 105 độ 18 phút, hai chiếc F-4C của phi đội Murphy bay rất thấp qua vùng đồng cỏ Mộc Châu, tập hợp với phi đội của Fegan vượt qua đất Lào kéo lên độ cao 4.000 mét rồi 6.000 mét bay về Udon.

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:12:34 pm »

Việt Thành tái mặt, anh gọi liên tục nhưng không có tiếng của Nhạ và Cương trả lời. Thiếu tá Lê Oánh, trung đoàn phó, người chỉ huy cuộc bay tuần tiễu thẫn thờ ngồi xuống ghế, mắt nhìn đường chỉ đỏ dừng lại ở phút 30. Ông với tay đè tờ giấy bóng mờ, dường như ông cho là càng đè mạnh thì ông kéo được hai chiếc Mig trở về. Nhưng, ông rút tay lại, cùi tay chống lên mặt bàn, hai bàn tay ôm hai bên má. Lúc đó là 11 giờ 30 phút 29 giây ngày 10 tháng 7 năm 1965. Sở chỉ huy trung đoàn bàng hoàng, nhiều sĩ quan đã không còn tự chủ, bước ra phòng chỉ huy, liếc nhìn đường bay ta và địch. Trong hơn chục người vây quanh bàn chỉ huy, thậm chí có người còn đứng phía sau lưng Trung đoàn phó Lê Oánh chồm qua vai ông để nhìn. Họ chẳng thấy gì. Chỉ có Phan Thành lặng lẽ đứng đối diện với Việt Thành, nhìn Việt Thành với ánh mắt soi mói, qua một khe giữa cổ của hai người đứng chắn phía trước. Phan Thành nhìn rất rõ bộ mặt tái nhợt như mất hồn của Việt Thành. Anh ta ấm ức từ lâu, nhất là những ý kiến của Việt Thành trong hội nghị quân sự dân chủ bàn về cách đánh, Phan Thành luôn có ý nghĩ “Đến bây giờ mà còn để cho một thượng sĩ cầm micro là một sai lầm không thể tha thứ…”. Mọi người bàn tán. Cái gì đã xảy ra, họ đều hết sức ngạc nhiên, địch không có. Trên bản đồ tình huống chung, chỉ có một tốp máy bay ở ngoài biển, bay từ phía Đông đảo Hòn Mê đến cách đảo Bạch Long Vĩ 30km vòng lại, tạo thành một vệt bay dài, đến lúc này vẫn vậy. Mạng lưới tình báo xa của tổng trạm radar không có bất kỳ tốp địch nào ở đất Lào và cả ở phía Nam Hà Nội. Vì sao hai chiếc Mig-17 đột ngột mất tích? Nhiều người phán đoán bị tai nạn, bị mây giông, bị đối lưu, bị thất tốc, v.v… Nhưng, tất cả những nghi vấn đó không đứng vững. Toàn bộ bầu trời không có mây, tốc độ hai chiếc Mig đã đạt 750km/giờ, không có chuyện thất tốc, để máy bay tự rơi, do không có lực nâng... Lê Oánh gọi điện báo cáo lên sở chỉ huy quân chủng. Trung tá Đào Đình Luyện đang họp ở quân chủng lập tức có mặt ở sở chỉ huy không quân. Toàn bộ diễn biến cuộc bay tuần tiễu vẫn còn nguyên trên tờ giấy bóng mờ. Ông gọi điện về trung đoàn để biết rõ hơn. Nhưng, cả ở sở chỉ huy trung đoàn và sở chỉ huy quân chủng không ai biết gì hơn. Không có địch. Vậy, mất hai chiếc Mig-17 một cách bí ẩn, nguyên nhân nào? Thượng tá Nguyễn Văn Tiên bất ngờ xuất hiện bên cạnh Đào Đình Luyện, ông nói nhanh:

- Địch, không thể khác được.

Ông chỉ thị cho phòng tác chiến quân chủng, đi ngay đến khu vực chiến đấu, tìm hiểu kỹ, nhất là lực lượng phòng không và nhân dân ở vùng Phú Thọ, đặc biệt là điểm dừng của đường chì màu đỏ, lúc đó, mũi tên đỏ ở tại huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ .

***

Ở vùng biển Đông xuất hiện liên tục hai cơn bão. Cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Thái Bình và di chuyển nhanh về Hà Nội. Cơn bão số 6 xuất hiện ở phía Tây quần đảo Philippines cũng đang di chuyển về phía Việt Nam. Hai chiếc hàng không mẫu hạm Kitty Hawk và Coral Sea vừa mới sang vịnh Bắc Bộ thay cho Constellation và Ranger là hai hàng không mẫu hạm được phái sang từ sự kiện tàu Maddox cuối tháng 7 năm 1964. Cả hai tàu sân bay, những tàu phục vụ, tàu khu trục và tàu bảo vệ đều lùi sâu vào phía Nam tránh bão… Tại Hà Nội, gió thổi mạnh, mưa to, trên đường phố đã thưa người và xe cộ. Thi thoảng mới thấy một vài người đạp xe đi trong mưa… Trần Lạc là một trong những người đó. Anh rời khỏi cơ quan vào chập tối. Chiếc áo mưa sĩ quan chảy nhựa dính vào lớp vải bên ngoài dày như chiếc mo cau, anh mặc vào để chống lại cơn mưa ngày một lớn. Những giọt mưa rơi rất mạnh trên chiếc mũ cứng, cũng được bọc một lớp áo mưa… Dù quai mũ đã hạ xuống dưới cằm, gió mạnh, chiếc mũ bọc gió chuyển động trên đầu Trần Lạc. Anh đạp qua hồ Bảy Mẫu, qua bến xe Kim Liên, rẽ vào khu nhà của gia đình anh. Trần Lạc định gõ cửa vào nhà, nhưng thôi. Bên trong nhà, gia đình anh đang quây quần quanh một cái bàn nhỏ.

Lệ Thúy ngồi ở đầu bàn, uống từng ngụm chè với dáng ung dung và sang trọng. Lạc đạp trở lại, những giọt mưa quất thẳng vào mặt, đèn đường đỏ quạch, xa xa trên cột điện những giọt mưa xối xả như bức màn thủy tinh lao xuống mặt đường. Lạc thấy từ cuối công viên hồ Bảy Mẫu một bảng vẽ bức tranh cổ động có hình ảnh một chiếc máy bay bị gãy đôi, lửa bùng ra ngay chỗ gãy. Trần Lạc mơ hồ, anh như bay trong mưa, chiếc máy bay gãy đôi, cháy bùng, giống như chiếc Mig-17 của không quân ta trong trận vừa rồi. Đầu óc anh dồn dập hiện ra những tình huống mà mọi người đặt lên bàn làm việc của anh câu hỏi: “Dẫn đường cho Mig-17 đánh trong tình hình địch mạnh hơn ta như thế nào?”. Hàng loạt câu hỏi về trận mất hai chiếc Mig-17 giữa trời quang đã đặt ra cho không quân ta cần phải đánh như thế nào? Về đến đơn vị, Lạc bước vào chiếc giường đơn đã giăng sẵn chiếc màn màu cỏ úa. Rút chân ra khỏi dép, co vào bên trong màn nằm nhẹ nhàng, gần như không có tiếng động nào, Lạc nghĩ chẳng ai biết anh ra đi và đã trở về. Ở bên kia phòng, vách cót mỏng, Long nghe bước chân Lạc trở về, thậm chí còn nghe tiếng thở dài của Lạc. Long biết Trần Lạc đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Ở đơn vị, anh là người chịu gánh nặng bởi những trận không chiến gần đây, trận nào cũng có hy sinh, số phi công hy sinh quá lớn so với thực lực của không quân ta. Sự hy sinh đó chúng ta không thể nào chịu đựng nổi. Trần Lạc còn phải chịu quá nhiều áp lực của gia đình, người phụ nữ của anh không hề thông cảm với anh, nàng sống theo bản năng và đã thay lòng. Lạc đau chính là vì sự bế tắc trong quan niệm về gia đình, cách xử sự và hướng giải quyết. Anh vừa phải tỏ vẻ cho cái hạnh phúc trong tưởng tượng, rằng anh là một người Hà Nội, có vợ là một cô giáo Hà Nội, có hộ khẩu ở Hà Nội, rằng nàng từng là sinh viên ở một trường đại học ở Hà Nội, bây giờ là một trí thức Thủ đô với bao mối quan hệ ngang dọc, trên dưới với những gia đình nổi tiếng. Anh cắn răng chịu đựng để được tiếng là một anh bộ đội hiền lành, thanh lịch trước bạn bè của nàng, trước đồng nghiệp và đồng đội của anh. Long nghe tiếng thở dài ngày càng nhiều của Lạc. Dường như anh không ngủ được, mà không ngủ được tại trên chiếc giường của anh, anh chẳng cần phải ý tứ. Long còn trẻ, tiếng thở dài của Lạc làm cho Long nao lòng. Anh nhớ lại, mới buổi chiều, Phó Tư lệnh quân chủng đã nhắc nhở Trần Lạc trong phương pháp nhận định về địch, trận hai chiếc Mig-17 bị bắn rơi, điều mà Long chưa bao giờ thấy người thủ trưởng của mình ngây ngô đến như vậy. Chuyện như sau:

Sĩ quan tác chiến Nguyễn Đức, trưởng đoàn tìm cứu dẫn đầu một toán sĩ quan đến tận nơi hai phi công hy sinh. Phan Thanh Nhạ và chiếc Mig-17 của anh rơi ở huyện Phổ Yên, còn chiếc Mig của Nguyễn Cương rơi ở Vĩnh Yên, hai chiếc cách nhau trên 80 km. Nguyễn Đức nói:

- Chúng tôi khẩn trương đi tìm và cứu nạn hai phi công của ta. Nhưng các anh đều hy sinh trong buồng lái, không nhảy dù, xác của hai anh đã được nhân dân mai táng và chôn ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. Chúng tôi hỏi người dân địa phương mọi người đều nói thấy máy bay Mỹ. Theo như mô tả thì đó là loại F-4, biên đội hai chiếc, bay rất thấp, từ dưới bắn lên…

Trần Lạc ở phía sau, trong khu vực ngồi của sĩ quan dẫn đường, uể oải đứng lên:

- Ta bay ở độ cao 7.000 mét, bọn F-4 muốn phóng tên lửa phải vọt lên độ cao ít nhất là 4.000 mét. Không có lý do nào lên đến độ cao đó mà radar dẫn đường không phát hiện. Còn…

Trần Lạc ngập ngừng tìm lý lẽ rồi nói tiếp:

- Trên bản đồ không có tốp nào, nếu địch bay xa, làm sao đủ dầu để đến mục tiêu?

Long khều chân Trần Lạc, Lạc đã quên F-4 của bọn Mỹ có tới ba thùng dầu phụ và trở về thiếu dầu đã có máy bay tiếp dầu, thậm chí trên những chiếc F-4 cũng có thể tự tiếp dầu cho nhau. Phó Tư lệnh quân chủng Nguyễn Văn Tiên lớn tiếng:

- Anh Lạc, anh không tập trung rồi. Mới hôm qua anh nói khác. Anh cho rằng bọn Mỹ có thể bay xa hơn tính năng nhờ có tiếp dầu. Anh còn nhớ không?

Phó Tư lệnh quân chủng phụ trách không quân, tất cả mọi người coi anh là tư lệnh không quân. Nguyễn Văn Tiên không có ác ý, anh thẳng thắn vạch những cái sai của thuộc cấp một cách vô tư. Những người dự cuộc họp, đa số tỏ ra thông cảm vì ít nhiều biết tâm trạng của Lạc. Lạc giật mình, trở lại thăng bằng, ngồi xuống bên cạnh Long, mặt đỏ vì thẹn. Long nói nhỏ:

- Anh làm sao vậy?

Tan cuộc họp, Long nắm tay Lạc trở về phòng ngủ của Lạc. Lạc nói:

- Hình như mình nói điều gì đó không phải. Long, tớ nói gì vậy?

Long ngồi xuống bên Lạc:

- Anh có bao giờ nói như vậy đâu. Anh bảo trận Nhạ, Cương không phải do địch bắn. Chính anh mới hôm qua còn nói với anh Tiên rằng, chắc chắn do địch. Biên đội không thể bị tai nạn được. Bữa nay, tất cả những gì anh nói không phải từ chính trong đầu anh, tôi biết anh không tập trung.

Trần Lạc bật khóc. Anh nằm xuống chiếc giường gỗ có thành giường ở hai đầu, cọc màn, khung màn dành cho cấp thiếu tá của anh. Lạc không cởi giày, úp mặt lên gối, vai rung lên. Long ngồi xuống bên cạnh Lạc, nói nhỏ:

- Tôi nghĩ, chắc là có việc gì đó làm cho anh phân tâm, lo lắng dữ lắm?

Rút chiếc khăn mouchoir cũ màu nâu đã phai lau vội những giọt nước mắt và nước mũi, Lạc nói:

- Tớ quá đau khổ. Tớ không xứng đáng. Tớ muốn xin nghỉ. Tớ muốn về nhà, để…

- Anh nên suy nghĩ cho kỹ, có lẽ không nên chịu đựng một mình. Anh Lạc, anh có
muốn tôi giúp anh?

Lạc giật mình, anh biết Long có tính cách mạnh mẽ, đã nói là làm. Lạc sợ đổ vỡ, sợ mọi người biết, sợ ảnh hưởng đến uy tín của vợ anh và anh sợ cho chính anh. Bởi vì, bây giờ, dù sao anh vẫn có một gia đình, dù cái ruột của gia đình đó đã thối, chỉ cần đụng tới, nó vỡ ra không gì có thể ngăn được. Lạc căm thù kẻ đã tàn phá gia đình anh, lung lạc vợ anh, biến người con gái mà anh đặt hết hy vọng, là niềm tự hào của gia đình trở thành một người đàn bà hư hỏng, dối trá, lừa lọc, biết che đậy những hành vi bỉ ổi. Có thể, Lệ Thúy chưa biết Trần Lạc đã biết, nàng vẫn đối xử với Lạc có cái gì đó vừa gượng gạo, vừa như không có chuyện gì xảy ra, vẫn là một Lệ Thúy chu toàn trong mọi việc, các con của Trần Lạc vẫn được chăm sóc chu đáo… Chỉ đến khi đứng trước người đàn ông đó, nàng mới là một con người khác. Đôi lần Lạc bắt gặp nàng ôm thằng đàn ông đó nồng nhiệt, bản năng, khác hẳn với dáng vẻ đạo mạo trước học trò, cũng rất khác với cảnh mà những khi chỉ có anh và nàng. Lạc nhìn Long. Long tâm sự:

- Anh Lạc, làm thằng đàn ông khó lắm, nhất là một thằng đàn ông thời chiến. Chúng ta hoàn toàn phó thác gia đình cho hậu phương. Nếu hậu phương mục nát làm sao chúng ta yên tâm chiến đấu.

Trần Lạc gật đầu, nhìn Long sửng sốt. Anh không ngờ Long có cách lập luận khá  sâu về gia đình, về hậu phương và mối quan hệ máu thịt giữa hậu phương và tiền tuyến. Lạc hoàn toàn không thể biết được Long có một hậu phương vững chắc. Lạc hỏi:

- Tớ thật có lỗi, ngay đến vợ con của cậu tớ cũng chưa biết. Cô ấy thế nào?Gia
đình cậu thế nào?

Long nhìn ra cửa sổ. Buổi chiều, cơn bão số 5 đã tràn qua Hà Nội. Cây cối xào xạc, mưa to. Những giọt nước theo mái nhà chảy xuống khá mạnh. Long nhớ, đám cưới của Long và cô giáo dạy toán vừa tốt nghiệp trường sư phạm chỉ có kẹo, bánh, thuốc lá, nước trà. Long đâu có nhà, vợ của Long ở nhà của cha mẹ, chiếc xe đạp ao ước để đi làm còn chưa có. Mới ra trường, đi làm cô giáo rồi có con, cuộc sống hết sức khó khăn. Nhưng nàng đã tự lo cho bản thân rồi lo cho con. Đã có một thời gian dài Long không có lương, cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào lương của cô ấy. Long tập trung cho nhiệm vụ, cho chiến đấu vì có hậu phương. Long nói:

- Gia đình tôi nghèo lắm, chỉ sống với 45 đồng lương giáo viên của cô ấy. Nhưng tôi yên tâm, tất cả cho chiến đấu chính là vì tôi có hậu phương vững lắm. Chúng tôi không sợ nghèo, chỉ sợ không có tình thương yêu nhau.

Lạc thở ra:

- Cậu thật là may mắn. Tôi chỉ mong…

Lạc kịp dừng lại. Long biết Trần Lạc định nói: "Tôi chỉ mong có một người vợ như của Long". Lạc bối rối, anh chưa có cách để gỡ rối chuyện gia đình, anh lại không muốn nhờ bất kỳ ai. Long lại có ý định lạ. Nhìn Lạc đau đớn, Long thấy rất rõ vai trò của Lạc trong chiến đấu. Anh là người cầm lái của những sĩ quan dẫn đường còn non trẻ trong nghề nghiệp và cả kinh nghiệm chiến đấu. Long chợt nghĩ, nếu…
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:20:37 pm »

Maria ở với chồng chừng mười ngày thì trở về Mỹ trên chuyến máy bay của hãng American Airline cùng với một người bạn. Cô con gái của nàng mừng quýnh, ôm cổ mẹ hỏi ríu rít:

- Ba có khỏe không mẹ?

- Khỏe lắm, con. Ba gởi cho con cái này…

Nàng lục từ trong chiếc túi du lịch khá lớn. Mừng vì gặp lại con, Maria quên có người bạn cùng trên chuyến máy bay trở về. Nàng giật mình, khi nghe tiếng chào:

- Chào Maria, tôi đi. Tôi sẽ gọi điện cho Maria sau.

Maria bỏ chiếc túi, ngẩn ngơ một lúc, chìa tay:

- Chào Smith, anh về, tôi xin lỗi.

Smith mỉm cười, vuốt đầu con của Maria, bắt tay nàng rồi quay đi. Kitty nhìn người đàn ông quay lại hỏi mẹ:

- Ai vậy mẹ?

- Ông ta cùng đi trên chuyến máy bay với mẹ từ Thái Lan. Ông ta nói được trở về Mỹ công tác, ông ấy ở Bộ Ngoại giao, hình như ở Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok.

Maria đưa cho Kitty gói quà của Anderson. Cô bé run run nhận từ tay mẹ, mở ra, một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh nước biển rất đẹp, và một con thú nhồi bông hình con voi, một đặc sản ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Rất thích, Kitty ôm những thứ quà do Anderson gởi, âu yếm và trân trọng. Còn Maria, nàng nhớ rất rõ, mới tối hôm kia, tại câu lạc bộ sĩ quan không quân bên trong sân bay Takli, Anderson cùng với nàng ngồi ở một bàn nhỏ dành cho hai người, chiếc ghế bằng sắt sơn tĩnh điện rất hợp thời. Anderson ôm Maria, Maria tựa đầu vào vai của Anderson. Nàng ngắm nhìn toàn cảnh câu lạc bộ. Ở bên trái, một quày bar khá lớn, gần như tất cả ghế ngồi đều kín chỗ, dàn ly treo đã được kéo xuống gần hết. Những phi công của phi đoàn ăn mặc đủ loại quần áo, có người mặc chiếc áo phông, quần thể thao dài đến mắt cá, người mặc sơ-mi, quần tây màu kem…

Maria hiểu, những phi công Mỹ đến đây, ban ngày, họ bay đến một đất nước xa lạ ném bom, giết, phá theo lệnh của Lầu Năm Góc, tối về, họ chỉ có chỗ này để giải khuây và tiêu tiền. Maria nhìn bên phải, sàn nhảy nhộn nhịp, dù có bức tường kính cách âm, nhưng ánh đèn chớp, giật, những cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp, lả lơi, khêu gợi quay cuồng bên những người đàn ông Mỹ. Họ say sưa trong điệu nhạc và họ dìu nhau đến những chiếc ghế đôi, những cô gái Thái ngồi úp mặt vào lòng những sĩ quan Mỹ, sẵn sàng chiều theo những người có tiền… Maria cố không nhìn, nhưng những ánh đèn ma quái cứ dồn dập đập vào mắt nàng. Tự nhiên Maria khó chịu, nàng thấy lòng mình trở nên trống vắng lạ lùng. Nàng ngước nhìn Anderson trong khi tay Anderson ôm vai nàng, mắt lại nhìn nơi có ánh đèn ma quái. Maria biết rằng, nếu không có nàng ở đây, Anderson sẽ đắm mình ở đó, nơi những cô gái Thái rắn chắc, trẻ, đẹp ở bên kia…

Chiếc xe hơi Kitty lái chạy với tốc độ khá cao, bóng cây hai bên đường như ngã đổ dồn về phía sau. Maria chợt nghĩ đến Smith, một người đàn ông đẹp trai và lịch lãm. Suốt hơn 15 giờ bay từ Bangkok, chiếc Boeing 737, hai động cơ của hãng hàng không Mỹ hiện đại vào bậc nhất thế giới, chở nàng và hơn 300 hành khách hầu hết là người Mỹ hạ cánh xuống sân bay Texas. Nàng được một người đàn ông chăm sóc, tâm sự và giúp đỡ. Điều gây ấn tượng mạnh đối với Maria là người đàn ông cùng bang với nàng nói chuyện có duyên, biết rõ những khát khao của nàng và dường như anh ta không thích chiến tranh. Suốt chặng đường dài ngồi bên nhau, nàng nhận ra Anderson và Smith như hai con người hoàn toàn khác nhau và điều đáng sợ nhất, nàng thấy Anderson có cái gì đó tầm thường, một anh chàng không có trái tim và dường như Anderson được sinh ra để bắn, giết. Còn Smith là một con người của trí tuệ uyên thâm, học cao, hiểu rộng và có lòng...

***

Ngày 16 tháng 7 năm 1965 tại Honolulu Đô đốc Sharp chủ trì cuộc họp giữa các lực lượng không quân và hải quân Mỹ thực hiện bước leo thang thứ 5. Tại phòng xanh, có ánh sáng nhiều đèn màu, chiếu bản đồ Việt Nam thành nhiều làn vạch ngang, dọc trên tường được lồng kính màu đục bên ngoài. Xung quanh chiếc bàn dài hình ê-líp nổi lên các vị trí hạm tàu, đèn bật sáng, các tướng lĩnh không quân Mỹ, các đô đốc, phó đô đốc mặc quân phục, trên ngực trái nhiều dãy cuống huân chương, bên phải đeo hình con chim đang bay, đó là những vị tướng và đô đốc đang là phi công hoặc đã từng là phi công chiến đấu. Một số sĩ quan cấp tướng chuyên môn không có huy hiệu con chim bay. Đô đốc Sharp đứng lên, kéo ghế, bước đến gần tấm bản đồ Việt Nam, ông ta cầm chiếc gậy có nhiều đốt kéo dài, trên đầu có một bóng đèn màu đỏ, Sharp nói:

- Thưa các ngài, chúng ta đã qua bốn nấc thang chiến tranh. Từ đầu năm 1965 đến hết tháng 3 năm 1965, chúng ta đã hoàn thành bước 1, đánh toàn diện tuyến giao thông Bắc Việt Nam từ giới tuyến đến phía Nam sông Lam (Vinh). Hết tháng 4 chúng ta đã bước sang nấc thứ 2, trong đó có việc phải đánh sập cầu Hàm Rồng. Nhưng, chúng ta mất gần mười phi công, cầu không phá hủy được. Chắc là ngài Thomas Moorer có lý do…

Sharp nhìn tướng không quân. Moorer đỏ mặt, nhìn thẳng lên tấm bản đồ Việt Nam. Moorer đã nghe Anderson báo cáo và có cả ảnh chụp từ chiếc U-2 ngày ngày bay trên đỉnh chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ, hai đầu cầu chông chênh, chỉ cần một quả bom là có thể hất tất cả chiếc cầu xuống sông. Vậy mà đến ngày 30 tháng 5, trên 2.000 quả ném xuống, chưa quả bom nào trúng cầu. Điều kỳ lạ này, toàn bộ phi công của liên đoàn Anderson không giải thích nổi. Họ nhìn rất rõ cầu, họ thấy rõ các ụ pháo cao xạ, họ cũng đã nhìn thấy Mig và liên đoàn F-4 cũng đã bắn rơi Mig. Những chiếc Mig-17 cổ lỗ, có ảnh hưởng rất mạnh đến tư tưởng của phi công nên họ không thể tập trung một trăm phần trăm tinh lực ngắm ném bom. Thomas Moorer rất xấu hổ. Sharp đẩy chiếc kính từ sống mũi lên, nói tiếp:

- Bước leo thang thứ 3 được thực hiện từ giữa tháng 5 năm 1965 do hải quân phụ trách. Tôi muốn nhấn mạnh, mặc dù chúng ta chỉ bị pháo cao xạ bắn rơi một chiếc ở Nam Định nhưng lại bị Mig-17 bắn rơi hai chiếc F-4B ở Ninh Bình. Mục tiêu về cơ bản đã hủy diệt. Nhưng Bắc Việt Nam phục hồi rất nhanh. Cho nên về hiệu quả rõ ràng chưa cao. Bước thứ 4, chúng ta đã thực hiện từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Chúng ta mất một chiếc AD-6. Bù lại, một chiếc Mig bị chúng ta lừa đâm vào núi và đáng khen cho các đơn vị thuộc các đơn vị đóng quân ở Thái Lan, đã bắn rơi được hai chiếc Mig-17, ta trở về an toàn. Tôi cho là không quân đã mạnh dạn tấn công đem lại hiệu quả đáng kể.

Thomas Moorer đỏ mặt, mắt chớp chớp, lộ vẻ sung sướng vì có các đơn vị của trung tá Smith đã đóng góp công rất lớn cho không quân. Moorer ưỡn ngực, mắt nhìn không chớp các vị trí trên bản đồ Bắc Việt Nam, lòng kiêu hãnh pha lẫn tự hào về chiến công ngày 10 tháng 7 vừa qua. Một chiến công có thể so sánh với trận cứu Mussolini của đoàn quân Đức quốc xã theo lệnh của Hitler, tập kích và giải thoát cựu độc tài nước Ý bằng tàu lượn trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Moorer ngầm báo cho Đô đốc Sharp biết rằng, ông ta cũng đã có bốn ngôi sao trên ve áo, chẳng kém gì Sharp, chỉ có… chức, Sharp được Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu liên quân trao cho theo nhiệm kỳ mà thôi. Trong lúc Moorer tự phụ, Sharp nói tiếp:

- Bước leo thang thứ 5 trong chiến dịch Sấm Rền, được phép đánh tuyến đường Hà Nội- Lào Cai cho đến Hà Giang.

Sharp bật đèn, làn đèn đỏ từ Hòa Bình lên đến chót vót Việt Nam rực sáng. Sharp vặn nút bên phải, làn đèn mờ dần nhưng vẫn rất rõ. Sharp nói:

- Hiện nay, Bắc Việt Nam nhận viện trợ quân sự từ ba hướng. Hướng theo tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai. Tuyến quan trọng nhất là Hà Nội- Lạng Sơn và tuyến biển qua cảng Hải Phòng. Bước leo thang thứ 5, chúng ta gửi thông điệp cho Hà Nội rằng, nếu không chấm dứt sự ủng hộ cho Việt Cộng thì trên hai tuyến kia, sắp tới chúng ta sẽ đánh. Hiện nay có ba khu vực cấm, vòng tròn 20 km của Hà Nội, mười ki-lô-mét của Hải Phòng và vùng đệm với Trung Cộng. Phi cơ của chúng ta không được vào ba khu vực nói trên. Tôi yêu cầu các ngài ghi nhớ và chấp hành nghiêm chỉnh.

Suốt ngày 10 tháng 6 và một buổi ngày 11 tháng 6, những người chỉ huy cao nhất của không quân và hải quân Mỹ thống nhất cách thức hợp đồng phối hợp giữa hai quân chủng khi đi qua khu vực của nhau. Moorer và Black cùng với sĩ quan hành quân, sĩ quan quân báo không quân và hải quân bàn rất kỹ tín hiệu, tần số khẩn cấp. Những quy định phân biệt địch, ta và quy định cứu nạn của không quân trên biển và hải quân trên vùng rừng núi.

***

Trần Lạc rời khỏi cơ quan, Long lặng lẽ đi theo. Trời mưa bão liên tiếp ba ngày liền, mưa xối xả, không lúc nào ngừng, ngoài đường lấp xấp nước … gió thổi mạnh, những hàng cây trong công viên hồ Bảy Mẫu nghiêng ngả. Lạc mặc chiếc áo mưa đã cũ gò lưng đạp xe không hề hay biết có Long ở phía sau. Gió quất những hạt nước mưa vào mặt. Long mặc chiếc áo mưa của Trung Quốc thời còn đi học, mũ áo liền đầu với thân áo, cúi mặt, anh cố gắng lắm mới đạp xe theo được Lạc … Đến một ngã tư, Lạc rẽ vào một con hẻm, Long bám theo, trời tối đen, con hẻm không có đèn. Bất ngờ Lạc dừng lại, nhìn vào một căn nhà. Nhà đó không phải của Lạc. Long đã từng đến nhà Lạc nhiều lần trong những dịp Lạc mời đến chơi. Lạc dựng xe, nhón chân, bước lên hè, cố nhìn vào bên trong. Long rẽ vào một con hẻm nhỏ gần đó, quan sát. Lạc nhìn vào ngôi nhà ấy lâu lắm mới quay đầu xe, trở về. Long bước ra, anh đến trước căn nhà Lạc vừa nhìn vào: một người đàn ông ngồi cạnh cửa sổ hông nhà, Lệ Thúy, hai tay ôm cổ và gục đầu vào vai gã đàn ông. Long suýt kêu lên: “Trời! Ác quá”, nhưng kịp dừng lại. Anh không ngờ, trong khi trời mưa bão lại có một người đàn bà bỏ nhà, bỏ con, đến với tình nhân. Long gồng tay để giữ mình, mắt nhìn qua cánh cửa sổ: thằng đàn ông đểu cáng đã làm cho Trần Lạc chới với, đang ôm Lệ Thúy bằng cánh tay trần. Có thể Lạc đã nhìn thấy cảnh này và anh đã trở về trong trạng thái nào Long cũng không biết. Có thể lắm, Lạc không tự chủ được mình, Lạc quá thất vọng rồi sinh ra tai nạn. Long nhìn số nhà, căn phòng có cây hoa sữa che một phần cửa sổ, đối diện với hiệu sách nhỏ. Rồi Long vụt đi theo Lạc, mang theo hàng chục thắc mắc: thằng cha đó tên gì? làm gì? nhà đó của ai? vì sao Trần Lạc biết Lệ Thúy đến đây? tại sao Trần Lạc không vào để cho Lệ Thúy một bài học? vì sao? vì sao? Long chợt nảy ra ý nghĩ phải bênh vực, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình Lạc. Nhưng, bảo vệ bằng cách nào? Lạc có đồng ý hay không? Long cắn răng, ý nghĩ hành động đã thúc giục Long. Anh nghĩ rằng Lạc là một quân nhân đang ở tuyến trước, hậu phương của Lạc như vậy, làm sao anh đánh giặc? Phải hành động, dù có thế nào cũng phải hành động!

Phía trước loang loáng ánh đèn xe hơi. Long ép xe sát bờ, nó vượt qua bên cạnh Long. Anh đạp tiếp. Từ xa Long nhìn thấy bóng Trần Lạc đạp xe mệt mỏi. Mỗi lần nhấn bàn đạp, Long cảm thấy Lạc hết sức cố gắng mới đạp nổi. Nhìn Lạc gần như kiệt sức, Long nới chân, đạp chậm để giữ khoảng cách với Lạc. Long càng thấy trách nhiệm phải hành động, nhất định không cho Lạc biết, không cho bất kỳ ai biết.

***

Chiều hôm sau, trời bớt mưa, mây thấp khắp đồng bằng Bắc bộ, sân bay Nội Bài phi cơ không thể cất cánh. Long xin phép ra phố. Đạp xe đến hiệu sách đối diện với căn phòng Lệ Thúy đã đến, Long gặp một người đàn ông luống tuổi ở cạnh căn phòng đó, đang lau chiếc xe đạp Thống Nhất còn mới. Long bước sang chỉ vào nhà số 20 hỏi:

- Thưa bác, ông chủ nhà này có ở nhà?

Người đàn ông ngước nhìn, chậm rãi:

- Ông hỏi ông Thuấn hả?

- Vâng.

- Ông ấy về Nam Định lâu rồi, nhà này gửi lại cho người cháu gọi ông ấy bằng bác.

Long mừng quá, vậy là có thể có hy vọng:

- Thưa bác, có phải ông ấy gửi lại cho anh…

- Ờ, anh Bảo, giáo viên trường cấp 3 đâu trên bờ Hồ. Tối anh ấy mới về ngủ, cũng có hôm không về, gửi nhà cho tôi. Đêm nay chắc là về đấy.

Long nói dối để thu thập thông tin:

- Vậy hả bác. Cháu với ông Thuấn là chỗ quen biết, cách đây gần một năm, ông ấy chỉ cho cháu đến đây. Bác có biết, nhà ông ấy ở Nam Định?

- Không, anh có nhắn gì anh Bảo, tôi nói lại?

- Dạ, không . Cháu không biết anh ấy. Thôi, chào bác, cháu đi.

Vậy là Long đã biết tên kẻ đã phá hoại gia cang Trần Lạc. Anh cần phải biết hắn dạy học ở trường nào để… nếu cần, anh sẽ… nhờ đến những người chân chính ở đó. Long đi sâu vào trong hẻm rồi vòng trở ra. Đi ngang qua hiệu sách, Long thấy người đàn ông luống tuổi đang lau chiếc xe đạp chăm chú và cẩn thận. Bỗng, Lệ Thúy xuất hiện với chiếc áo sơ mi không có li màu trắng, quần đen, đi chiếc xe đạp Favorite. Dừng trước cửa nhà số 20, Lệ Thúy mở khóa, dắt xe vào nhà. Long hết sức ngạc nhiên, dừng xe, đứng ở một góc khuất. Thì ra, đây là căn nhà mà Lệ Thúy có thể tự do ra vào, để diễn ra những cuộc hẹn hò bất chính. Long đạp xe quay ngược trở lại, liếc nhìn vào, cửa đóng. Long quyết định không về đơn vị dù trời đã sắp tối. Anh dừng xe ở một quán cóc, uống tách nước chè xanh và chờ đợi. Long chẳng phải chờ lâu, chỉ nửa giờ, một gã đàn ông mặc áo sơ mi trắng, cho vào bên trong chiếc quần màu kem rất đúng mốt, chiếc kính gọng trắng, tóc dài và có một thân thể khỏe mạnh, mở cửa bằng chiếc chìa khóa riêng. Rõ ràng Lệ Thúy và hắn không cùng đi và khi đến cách nhau khá lâu, điều đó có sự tính toán để không ai có thể nhìn thấy. Gã đàn ông này có một sức hấp dẫn đàn bà bởi hình dáng và có thể cả sức khỏe mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng khao khát. Chưa kể, do mối quan hệ không trong sáng, gã đàn ông này sẽ chiều chuộng, biết dùng những lời tán tỉnh đúng lúc với giọng nói êm ái, thái độ chăm sóc làm cho người đàn bà vốn thiếu thốn tình cảm cảm thấy hắn là thần tượng, sẵn sàng ngã vào lòng gã đàn ông đểu cáng một cách tự nguyện. Lệ Thúy đã ngã lòng. Mới biết, đâu phải cứ xa nhau, núi sông cách trở, mà dù ở gần, những người đàn bà đã thay lòng thì dù có nhốt vào trong chiếc hòm thủy tinh, khóa hai ba chiếc khóa dù cho đem giấu ở dưới biển như con quỷ biển ở chuyện “Nghìn lẻ một đêm” do Antoine Galland dịch thì … không có bất kỳ gã đàn ông nào có thể ngăn giữ tình ý của họ nổi. Và Lệ Thúy đã hành động, bất chấp có Trần Lạc ở nhà hay ở đơn vị. Có điều, Long không thể nào hiểu nổi vì sao Lạc lại trở nên hèn như vậy?

***
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:23:40 pm »

Bước vào tháng 6 năm 1965, người Mỹ ồ ạt đổ quân bộ vào miền Nam. Không quân và hải quân tăng cường đánh phá, mở rộng bước leo thang mới ra ngoài vĩ tuyến 20. Ngày 10 tháng 6 năm 1965 trung đoàn Yên Thế được thành lập và đưa sân bay Kép vào hoạt động, các sân bay Kiến An, Gia Lâm, Hòa Lạc, Yên Bái cũng được mở rộng xong, hình thành một hệ thống các sân bay chiến đấu của không quân. Ngoài số Mig-17A không có bộ phận tăng lực không quân Nhân dân Việt Nam được nước bạn Trung Quốc trang bị 1 trung đoàn Mig-17F có bộ phận tăng lực, tốc độ không chiến được cải thiện đáng kể, làm tăng sức mạnh chiến đấu của không quân ta. Hơn hai tháng kể từ trận ngày 10 tháng 7 năm 1965, chúng ta mất một biên đội hai chiếc Mig-17 và hai phi công. Không quân ta vừa củng cố, tiếp tục bay huấn luyện, điều chỉnh lực lượng, rút kinh nghiệm những ấu trĩ trong chiến thuật và quan niệm không chiến. Trung đoàn Sao Đỏ được tăng cường số phi công mới. Trung đoàn Yên Thế đã ổn định. Ngày 20 tháng 9 năm 1965 bộ tư lệnh quân chủng cho trung đoàn Sao Đỏ tiếp tục chiến đấu. Ngay trong ngày, phối hợp với các lực lượng phòng không, không quân ta đã đánh một trận xuất sắc, bốn chiếc Mig-17 bắn rơi một chiếc F-4, ta về hạ cánh an toàn. Ngày 6 tháng 11 năm 1965, một biên đội Mig-17 đánh bọn trực thăng cứu giặc lái Mỹ bị bắn rơi ở Hòa Bình, lần đầu tiên chúng ta bắn rơi tại chỗ chiếc CH-30 bắt sống bốn tên giặc lái Mỹ.

Cuối năm 1965, lớp phi công Mig-21 được đào tạo ở Liên Xô về nước. Liên Xô tặng cho không quân ta một trung đoàn Mig-21. Những phi công của trung đoàn Sao Đỏ chọn một số bay khá, đã bắn rơi máy bay Mỹ được bay chuyển loại Mig-21. Không quân Nhân dân Việt Nam được trang bị loại máy bay có tốc độ vượt bức tường âm thanh, bán kính hoạt động xa hơn, có tên lửa không đối không, tầm bắn xa hơn, sức mạnh chiến đấu được tăng cường mạnh mẽ. Với tính năng lý thuyết, Mig-21 không hề thua kém F-105, F-4 của Mỹ, có mặt còn ưu việt hơn.

Mặc dù Mỹ mở rộng leo thang ra ngoài vĩ tuyến 20, nhưng chưa có dấu hiệu đánh phá sân bay và Thủ đô Hà Nội. Nắm chắc quy luật leo thang và thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ, không quân ta tranh thủ bay huấn luyện nâng cao trình độ chiến đấu cho Mig-17, bay thử máy bay Mig-21 vừa lắp ráp và tổ chức huấn luyện khẩn cấp số phi công

Mig-21 vừa đào tạo từ Liên Xô về cùng với phi công Mig-17 chuyển loại sang bay Mig-21 với tốc độ rất cao, nâng cao sức mạnh chiến đấu của không quân ta.

***

Tết Nguyên đán năm 1966 (Bính Tý), trời không lạnh, lại không có mưa phùn. Nhưng bầu trời mây nhiều, mấy ngày liền không có nắng. Hà Nội đón Tết đơn giản nhưng rất vui. Nhiều nhà dán câu đối, hoa đào nở rộ vào đúng sáng mùng Một, đẹp thật! Phấn từ trường đại học về nhà Tư và Nga ăn Tết. Lĩnh được tiêu chuẩn nhu yếu phẩm và hàng Tết ở trường đại học phân phối, Phấn đựng trong một cái túi vải nhỏ về đưa cho Tư và Nga. Nga la:

- Con này, bộ mày tưởng anh chị không lo được Tết cho mày hả?

Phấn đãi bôi:

- Thì em có nói gì đâu. Cái này, trường phân phối, ai cũng có. Em có tiêu chuẩn, em mang về nhà, em có mua đâu, chị đừng la em. Em chỉ mong…

Tư đốt thuốc, ngồi trên chiếc ghế nhỏ, vừa nói, vừa cười:

- Anh biết rồi, em đang mong thằng phi công hiền như con gái, phải không?
Anh chắc là nó về đây ăn Tết. Bộ em quên anh và nó cùng quê sao?

- Nhưng, bây giờ, thời chiến mà anh.

Tư nghiêm chỉnh:

- Anh nghe nói ở miền Nam ngưng bắn ba ngày Tết.

Phấn lắc đầu:

- Nhưng, ở miền Bắc, ta và Mỹ có thỏa thuận ngưng bắn gì đâu?

Tư thắc mắc:

- Thì chỉ có 1 nước, trong đó nghỉ 3 ngày thì ở ngoài này cũng vậy thôi?

Phấn nhìn Nga tìm đồng minh, Nga nói:

- Mỹ với mình đâu có quan hệ gì, tự nhiên nó cho máy bay đánh phá, làm sao nó ngưng bắn với mình được. May ra, chỉ có đánh nó thật đau, nó mới chịu.

Phấn nói:

- Đau quá đi chứ. Có nước nào như mình. Anh Tư, em nghe nói bọn lính đánh thuê Cuba đổ bộ vào bãi biển Heron bị quân đội cách mạng Cuba tiêu diệt và bắt sống. Những thằng sống, ông Fidel cho đổi 1 thằng lính đánh thuê lấy 1 chiếc máy cày. Nghe nói sĩ quan ông Fidel đổi được tới 2 chiếc.

Phấn kéo Nga vào bếp, mở túi vải, lôi ra chừng 20 hạt tiêu, vài ký nếp, một ký đường, nửa ký thịt heo cùng hành củ, xu hào và mấy cây dưa cải. Nga ngồi trên chiếc ghế thấp, cười to:

- Trời, Phấn, bộ em lôi hết chợ Đồng Xuân về nhà hả?

Phấn vui lắm:

- Anh Ngôn mê món dưa chua, em làm ngay.

Phấn dừng tay, sợ tay nghề mình không vững, bèn hỏi:

- Chị Nga, chị biết muối dưa không?

Nga cười hền hệt, nói vọng ra:

- Anh Tư ơi, vô coi nè. Con Phấn thấy thằng Ngôn mê ăn dưa chua, nó ghé chợ mua cải về nói “Em làm ngay” rồi bắt em…

Phấn vui, phân bua:

- Em có làm một vài lần, nhưng sợ không chắc tay. Nhờ chị, có thể mai mốt ảnh được nghỉ về chơi, có cái để ảnh ăn.

Tư nói với Nga:

- Nó nói cũng phải, lỡ hư rồi làm sao mà sửa kịp. Thằng Ngôn nhiều lắm chỉ được nghỉ vài ngày. Em trổ tài đi, có thể làm sổi, ăn liền được không?

Phấn nhìn Nga, Nga nhìn Tư nói:

- Chiều nay ăn cũng được, em sẽ làm 3 hũ, 1 hũ ăn chiều nay, 1 hũ ngày mai, và 1 hũ đến đúng mùng Một Tết mới ăn được.

Phấn vỗ tay ngây thơ:

- Hoan hô chị Nga. Làm ngay đi chị…

Phấn rửa rau trải ra chiếc rổ bằng tre đã cũ, có nhiều lỗ thủng. Nga nấu một nồi nước sôi hòa với muối, để nguội. Nàng rửa sạch ba chiếc keo bằng thủy tinh, úp miệng xuống chiếc bàn nhỏ để ở góc bếp. Tư đọc báo, tờ báo Thống Nhất, say sưa mục “Chuyện miền Nam”. Đến đoạn tại Bến Tre tiểu đoàn Heron đã được thành lập, đánh những trận vang dội ở Ba Tri, Bình Đại, triệt hạ đoàn xe của bọn ngụy, diệt 7 tên, Tư phấn khởi la lên:

- Ở quê bây giờ đánh mạnh lắm, xã thằng Ngôn rất khá, chắc là anh thằng Ngôn lập công. Anh ấy giỏi đánh du kích. Tôi dám chắc anh ấy lập công to …

Nga và Phấn giương mắt nhìn Tư. Phấn phát hiện một phụ nữ bước vào nhà, bèn nói:

- Anh Tư, coi ai bước vô nhà kìa?

Tư quay ra mừng rỡ:

- Trời, cô Nguyệt, đi đâu đấy?

Nguyệt bẽn lẽn:

- Ở trường buồn quá, mai đã ba mươi Tết rồi, anh Tư, cho em ăn Tết với.

- Được, vô đi em. Có con Phấn vừa đến.

Nguyệt tay xách mớ rau, một con gà trống, Phấn lao ra:

-Trời đất. Nguyệt, bộ mày không lên với anh Sáu hả?

- Tao đi rồi. Người ta nói ảnh về trực ở Gia Lâm. Tao ghé Gia Lâm, vào cổng Sài Đồng, người ta không cho vô. Buồn quá, tao viết thơ cho ảnh, nói tao đến nhà anh Tư ăn Tết.

Phấn nói ngay:

- Nhận được tin mày, thế nào anh Sáu cũng qua đây.

Nguyệt hỏi:

- Còn Ngôn?

- Tao với ảnh có hẹn, Tết này tao về nhà anh Tư, rảnh là ảnh về đây.

- Còn không rảnh?

- Thì tao chơi với chị Nga, ăn Tết xong tao về trường, chờ dịp khác.

Tư nhìn hai người phụ nữ có người yêu là phi công. Họ nói chuyện với nhau như nói những chuyện cổ tích, anh không hiểu nổi họ hy vọng những cuộc gặp gỡ không có hẹn mà như có hẹn. Quả thật, nhìn Phấn rồi Nguyệt, Tư biết họ yêu những phi công của họ thật hồn nhiên, chân thật và bền vững, phải là một thứ tình yêu sâu đậm lắm, mới có thể đến một nơi không có gì chắc chắn lắm, để chờ, để đợi, để mong được gặp. Nguyệt hồn nhiên, chất phát. Phấn ngây thơ, lãng mạn. Cả hai cô gái còn rất trẻ, họ tin vào những điều kỳ diệu của tư duy, họ nghĩ rằng chẳng ai có thể tách rời họ với người mà họ yêu.

Bên ngoài xôn xao có tiếng người vừa đến. Anh ta lao vào nhà như một cơn lốc. Tư ngồi quay vào bên trong, đang nói chuyện với Nga, Nguyệt và Phấn. Anh ta đến đứng sau lưng Tư:

- Chào anh Tư, cho tôi ăn Tết với.

Tư quay lại, Ngôn đứng sừng sững nhìn vào bên trong. Ở phía trong, Phấn nghe tiếng Ngôn, nàng bỏ cây rau cải xuống chậu, vội vã, bước ra, há hốc miệng:

- Ơi, anh…

Tư nhìn Ngôn, reo lên:

- Ôi! Ngôn, thêm một nhân vật nữa. Chà, năm nay nhà mình ăn Tết vui quá. Ước gì có thằng Sáu nữa là…

Phấn chẳng nghe Tư nói, nàng nhìn Ngôn từ đầu đến chân, cả người Phấn và đôi mắt như có cái gì đó bị Ngôn hớp hồn. Phấn đứng trân hồi lâu nhìn Ngôn. Tư bối rối, anh như người kẹt giữa hai cực nam châm cực kỳ mạnh đang hit vào nhau bỗng dưng chựng lại mà trở ngại chính là anh. Tư nhẹ nhàng lùi ra, Phấn và Ngôn giật mình. Phấn nói:

- Anh, khi nào anh về đơn vị?

Ngôn nói nhanh:

- Chiều mùng Một Tết anh phải có mặt.

- Như vậy, anh được nghỉ 2 ngày.

- Đúng rồi, anh chỉ được nghỉ có 2 ngày. Sáu phải trực, có thể sau Tết anh ấy
cũng được nghỉ 2 ngày. Nhưng, không biết lúc nào. Nếu tình hình căng thì…

Nguyệt ngồi bên trong nghe Ngôn nói, lòng buồn vô cùng. Nàng đã lường trước, nhưng chính từ miệng Ngôn, rõ ràng anh ấy … Dù sao, nếu có Sáu vẫn hơn. Nguyệt ngồi thừ không nói câu nào. Nga nhìn Nguyệt kêu lên:

- Nguyệt, sao vậy?

Nguyệt giật mình:

- Không, không sao. Tao chỉ buồn, mấy ngày Tết...

Nga hiểu, điều đơn giản nhất ai cũng biết, nó trở thành một truyền thống của dân tộc… Những ngày Tết, tục lệ, ăn ngon, mặc đẹp… Nhưng, quan trọng hơn, thiêng liêng hơn tất cả, đó là những ngày sum họp của gia đình. Đối với những đứa con của miền Nam trên đất Bắc, đó là những ngày tụ họp để kể về quê hương, để nhắc nhở nhau cố gắng học tập, để gặp gỡ và để tỏ bày…
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:27:05 pm »

Chiếc hàng không mẫu hạm Ranger được ký hiệu  CVW-9 chở trên 80 máy bay bao gồm F-4B và A-4E do J. Paul, đô đốc bậc 2 chỉ huy được lệnh tiến vào phía Bắc vịnh Bắc bộ. Trong đội hình với Ranger còn có hàng không mẫu hạm Midway ký hiệu CVW-2 và hàng không mẫu hạm Coral Sea được ký hiệu CVW-15. Trong đội hình của mỗi chiếc hàng không mẫu hạm còn có hàng chục chiếc bảo vệ. Ranger được chỉ định hoạt động trong bước leo thang thứ 6, đánh vào tuyến đường 5 sau khi hàng không mẫu hạm USS Constellation đánh không có kết quả 2 cầu Lai Vu và Phú Lương trên tuyến đường số 5 nối từ Hà Nội đi Hải Phòng.

J. Paul ngồi trên chiếc RA-5C, trực tiếp trinh sát 2 chiếc cầu khá lớn bắc qua sông Rang thuộc nhánh sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Đó là cầu Lai Vu và Phú Lương. Đến gần mục tiêu, J.Paul ra lệnh cho viên phi công thả cần lái, bay dọc hai bên đường. Toàn bộ hai chiếc cầu nằm trong tầm ngắm của Paul. Chiếc F-4B yểm hộ ở phía sau, thi thoảng cắt ngang tuyến bay để cảnh giới đề phòng Mig. J. Paul biết rất rõ lực lượng bảo vệ cầu ngoài pháo cao xạ tầm trung, các cỡ súng của du kích rất mạnh. Và chiếc RA-5C của J.Paul bị súng phòng không bắn nhưng đạn không tới được. Phương án đánh cầu chắc chắn phải thay đổi… Chiếc RA-5C hạ cánh, J.Paul đi ngay vào phòng hành quân, chỉ thị cho sĩ quan quân báo:

- Đại tá, theo ông, vì sao Constellation đánh không trúng hai chiếc cầu bắc qua sông trên đường số 5?

Đại tá Diamond đứng nghiêm cầm quyển sổ lật ra, báo cáo:

- Thưa Đô đốc, tháng 9 năm 1965 không quân bắt đầu đánh tuyến đường Hà Nội
– Lạng Sơn, tập trung vào cầu, không phá được chiếc nào vì cầu bắc qua sông nhưng ở địa thế rừng núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1965, Constellation đánh Hàm Rồng 5 đợt cầu cũng không sập. Ngày 19 tháng 9 CVW-14 đánh cầu Đò Lèn 3 lần cũng không trúng. Ngày 5 tháng 11, CVW-14 bắt đầu đánh cầu Lai Vu, ta mất 1 chiếc F-8E. Ngày 17 tháng 11, CVW 14 cho A-4E đánh liền 2 cầu nhưng không phá được. Ngày 1 tháng 12, 12 chiếc A-4E vào đánh lần thứ 3, chúng ta mất 1 chiếc A-4, cầu vẫn còn. Theo tôi, USS Constellation đánh không trúng do có tên lửa Sam-2, nhất là phi công chúng ta thiếu tập trung vì  lo Mig cắn trộm.

J.Paul chau mày, hai ngón tay vuốt mũi, suy nghĩ hồi lâu, nói lập lờ:

- Vậy…?

- Thưa Đô đốc, ngày 23 tháng 12, Constellation tổ chức một đội hình rất mạnh tới 22 chiếc. Mig cất cánh, trời nhiều mây, họ chỉ bay ở phía Đông Hà Nội chừng 10km, các phi công chúng ta vẫn đánh không trúng, lại còn bị pháo cao xạ bắn rơi một chiếc. Thưa, cho tôi nói thật,…

J.Paul cho phép:

- Ông nói đi.

Diamond nói:

- Nếu tổ chức không tập như vừa qua, khó mà đánh sập cầu, ta lại còn bị thiệt hại khá lớn. Bắc Việt Nam khoe chỉ riêng 1965 đã bắn rơi của chúng ta tới 834 máy bay. Theo tôi biết, trong số đó pháo cao xạ hạ 158 chiếc, tên lửa hạ 73 chiếc và Mig bắn rơi 15 chiếc của chúng ta. Con số do Bộ Quốc phòng chính thức xác nhận là chỉ có hơn 300 chiếc bị bắn hạ và hơn số đó bị thương. Vì thế, theo tôi, phải coi lại chiến thuật oanh tạc.

J.Paul vẫn mặc bộ quần áo bay, không đeo quân hàm, hai chiếc túi ngực xếch ngược lên trên, phía bên trái có hàng tên phi công màu trắng. J.Paul đi loanh quanh chiếc bàn màu nâu, dáng suy tư, rồi tiến đến ấn một nút bấm ở đầu chiếc bàn chỉ huy. Ít phút sau, những sĩ quan chỉ huy quân báo, các liên đội phi hành đều có mặt. Paul  chiếu lên màn ảnh, hai chiếc cầu được chụp không ảnh, chiếc ở phía Tây dài hơn chiếc phía Đông. J.Paul nói:

- Chiếc cầu ở phía Tây là Phú Lương, chiếc cầu ở phía Đông là Lai Vu. Hai chiếc cầu này có vị trí rất quan trọng trong chiến lược vận chuyển từ cảng Hải Phòng đi về Hà Nội và vào phía Nam. Cấp trên đã không hài lòng vì bước leo thang thứ năm lẽ ra ta phải đánh sụp xương sống của Bắc Việt. Trái lại chúng ta không thực hiện được nhiệm vụ mà còn bị Bắc Việt Nam bắn rơi một số nhỏ phi cơ như chúng ta đã dự kiến. Vấn đề là mục tiêu không bị phá hủy, mục đích của leo thang không đạt được, coi như ta thất bại. Ở đường số Một, không quân ở Thái Lan được giao đánh cầu Phủ Lạng Thương, chặt đứt tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, nối liền với tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng. Tôi muốn quí vị cho biết đánh như thế nào? Đại tá Diamond, mời Đại tá.

Diamond người Mỹ gốc Haiti, da nâu, tóc quăn, râu quai nón, mắt to, trán cao, đứng lên:

- Thưa Đô đốc, tôi cho nguyên nhân của nó là yếu tố tâm lý. Từ trước đến nay, phi công chúng ta là những tay lái cự phách, chúng ta chưa hề thua bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Tại mặt trận Triều Tiên, đánh nhau với phi công Trung Cộng, chúng ta đã làm cho họ gãy cánh. Chắc quí vị còn nhớ, tại Thượng Cam Lĩnh, lúc đó tôi bay số hai cho Đô đốc của chúng ta. Với lực lượng gần ngang nhau, Đô đốc đã bắn rơi hai chiếc Mig-15, Mig-17 của Trung Cộng trong một trận, tôi bắn rơi một chiếc Mig-17. Theo tôi, Mig-17 không còn gì bí mật với chúng ta. Cũng tại Bắc Triều Tiên, bất chấp sự bảo vệ của pháo cao xạ, của Mig, những phi công kiêu hãnh của chúng ta đã oanh kích vào những chiếc phà đang di chuyển và đã biến chúng thành những tấm ván. Nên nhớ những chiếc phà này rất nhỏ so với những chiếc cầu to lớn kia, lại đang di chuyển chứ không cố định. Nhưng tại Bắc Việt Nam, hàng loạt cầu, kể cả  những chiếc cầu ở rất xa Hà Nội, hầu hết chúng ta đã không đánh trúng. Thậm chí, cầu Hàm Rồng, chúng ta đánh gần ngàn lần nó vẫn còn nguyên. Tôi nghĩ rằng, đó chính là yếu tố tâm lý.

Crommell vừa được thăng trung tá, chỉ huy phi đoàn tiêm kích đứng lên, vuốt tóc theo thói quen, nói:

- Hầu hết các cầu ở Bắc Việt Nam đều có từ thời Pháp, kiểu giống nhau, đều sử dụng song hành, vừa làm cầu cho đường sắt, vừa cho xe hơi, bề ngang chừng 6 mét đủ cho hai làn xe xuôi ngược. Cầu như vậy là lớn, so với những mục tiêu chúng ta đã luyện tập. Ở trên không, cự ly bổ nhào cách cầu thường là 6km, lúc đó chiếc cầu như một sợi chỉ, nhỏ lắm, đến cự ly cách cầu 1.200 mét, theo lý thuyết sẽ cắt bom, máy bay tiếp tục lao xuống đến 600 mét mới ngóc đầu lên được. Như vậy đối với súng bộ binh và trọng liên 12 ly 7, chúng ta đã loại trừ. Pháo cao xạ 37 ly, ở góc độ chiến thuật, bất ngờ, với cách bay lắt léo, chúng ta có thể tránh được. Theo tôi cái chính làm phân tán tinh lực của chúng ta chính là Mig. Dù là Mig-17, nhưng ở trong tay Bắc Việt Nam, họ đã làm cho nó trở nên nguy hiểm hơn. Đó chính là nguyên nhân chúng ta tập kích không trúng các mục tiêu được chỉ định. Chỉ cần sai vài phần trăm của một ly giác, là chệch mục tiêu gần 10 mét. Ngắm và tấn công mục tiêu ở mặt đất đòi hỏi phải có trình độ cao, chính xác tuyệt đối… Trái lại chúng ta bị phân tán bởi Mig. Tôi đề nghị tăng lực lượng tiêm kích. Nếu lực lượng tiêm kích chắc chắn ngăn cản được Mig, tôi tin là những phi công ưu tú của ta sẽ đánh trúng mục tiêu.

J. Paul gật đầu. Quả thật, hai chiếc cầu, ở độ cao 2.000m, Paul đã bay qua 2 lượt thấy nó khá to, nhưng ở độ cao 4.000m, nó như 1 làn chỉ đen mỏng manh, nhỏ xíu. J.Paul hiểu rất rõ, cho dù lực lượng không quân Hoa Kỳ có hùng mạnh tới đâu, đến thời điểm này, việc ném bom chủ yếu vẫn dựa vào máy ngắm trên máy bay. Paul được phổ biến, các nhà chế tạo bom nước Mỹ chừng vài năm nữa sẽ tung ra loại bom thông minh, có thể tự tìm đến mục tiêu. Nhưng, bây giờ, những chiếc máy bay mang bom vẫn phải lao vào mục tiêu, và nhiều phi công báo cáo thấy những ánh chớp đầu nòng của súng phòng không. Chỉ cần chòng chành hướng và tầm máy bay không chuẩn, quả bom sẽ rơi ngoài mục tiêu. J. Paul đã từng nói trước các phi công về danh dự và lòng kiêu hãnh làm sĩ quan không lực Hoa Kỳ, nước hùng mạnh nhất thế giới. Trong những phi công trên hàng không mẫu hạm Ranger, chưa có người nào tỏ ra bạc nhược về tinh thần. Điều thấy được ngay, trong đa số các phi công, vẫn vui, vẫn đùa. Cũng là một phi công nên Paul hiểu, phải tổ chức bay nghi binh, làm cho pháo cao xạ không tập trung. Phải có lực lượng tiêm kích mạnh ngăn Mig có hiệu quả từ xa, thì mới có thể ném bom trúng đích. Paul nói:

- Chúng ta sẽ tổ chức yểm hộ của nhiều chiếc tiêm kích bên trong đội hình của máy bay ném bom, một số chiếc có động vòng ngoài, những nơi có thể có Mig xuất hiện. Tóm lại, tôi quyết định, chúng ta sẽ bay đội hình hàng ngang, phía trước, phía sau, hai bên đều có tiêm kích bảo vệ. Đến mục tiêu ném bom, tốp tiêm kích ở phía bên trong sẽ quấy rối cao xạ; tốp tiêm kích ở phía trước thọc sâu vào bên trong lập thành hàng rào chắn Mig; tốp tiêm kích bên ngoài, phía bên trái hoặc bên phải đội hình và tốp tiêm kích phía sau sẽ bay trên khu vực ném bom, ngăn cản Mig trực tiếp. Các vị rõ chứ?

Dường như không ai có ý kiến, bởi kế hoạch phòng Mig và quấy rối cao xạ đã được nghiên cứu rất kỹ. Chỉ còn lại động tác và phương pháp ném bom. J. Paul không phải lo, tất cả những phi công của hàng không mẫu hạm Ranger đều đã trải qua ném bom giả rồi ném bom thật, hầu hết đều đạt điểm tối ưu. J. Paul rất tin các phi công của mình.

***

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:28:52 pm »

Ngôn trở về đơn vị, nhận ngay lệnh trực ban chiến đấu 2 ngày liền. Trời rét đậm, chiếc áo bay bằng da, hai lớp quần, bên trong cùng, bộ quần áo bằng tơ màu xanh dương, cổ cao, vẫn lạnh. Sân bay phủ một màn trắng, mưa phùn, gió từ hướng đông bắc thổi đến vun vút lướt qua cột ăng- ten trên nóc đài chỉ huy không lưu, như tiếng sáo chìm. Ngôn và biên đội vừa ăn sáng xong, chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia là Long, sĩ quan dẫn đường sở chỉ huy quân chủng rộn ràng:

- Năm mới, chúc Ngôn sức khỏe, lập công.

Ngôn hớn hở, cười:

- Tết qua rồi nhưng tao cũng chúc mày năm mới mạnh khỏe, bà xã khỏe và con bé Tý ăn no, mau lớn.

Long giỡn:

- Hôm nay mùng 2 Tết. Như vậy gặp Hồng được 2 ngày, phải không?

- Sao mày biết?

- Tao có gián điệp. Mà, phải không?

- Phải, còn mày?

Long nhớ rõ lắm, anh cũng được về ăn Tết từ ngày 28, chẳng hiểu sao cấp trên cho đi dài ngày như vậy, tới 3 ngày. Hôm đó, buổi chiều cuối năm, Long được Lê Lạc gọi lên, cho về nhà ăn Tết. Như mở cờ, gom đường, sữa bột, lương khô, đặc biệt Long mang về cho cô giáo nhỏ của mình một chiếc khăn choàng bằng len quấn cổ. Gọn gàng trong chiếc ba lô, Long vội vã khoác lên vai ra ga tàu hỏa. Vất vả lắm anh mới cầm được tấm vé bằng giấy cứng cỡ hai ngón tay trẻ con, trên đó ghi tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, bên dưới ghi giá tiền 2 đồng 5 xu màu đen. Long bước lên tàu khấp khởi, tìm ghế ngồi. Ước chừng 4 tiếng, qua cầu Phú Lương, Lai Vu, Hạ Lý, tàu dừng ga Hải Phòng. Long lao đi như cơn lốc, anh muốn mau chóng về nhà gặp vợ, gặp con. Và anh đã đứng trước cửa ngôi nhà 2 tầng mà bên dưới một gia đình khác ở. Anh gọi khẽ. Tiếng bị át bởi tiếng xe và tiếng loa ở góc phố vọng về, buổi đọc truyện đêm khuya.

- Hà ơi, Hà ơi…

Dường như nỗi chờ đợi, mòn mỏi đã làm cho thính giác của Hà cực kỳ mẫn cảm. Vợ anh vọt ra cửa, đứng trên tầng một vọng xuống, thổn thức:

- Em đây, anh mới về.

- Ừ, anh vừa xuống ga.

- Anh chờ em một chút.

Hà bước xuống chiếc cầu thang bằng gỗ, run run, nàng vừa ôm đứa con gái, vừa dỗ: “Nín con, nín con, ba về, ba về”. Lạ lắm, con gái anh chỉ cần nghe đến ba là nín khóc ngay. Nó mong ba như một điều tự nhiên, thiêng liêng vô kể. Ba nó về như cô tiên ban cho nó phần thưởng lớn lắm. Mới biết, chiến tranh đã làm cho con bé 3 tuổi phải chịu đựng và chẳng bao giờ thích nghi được, nó không muốn cha nó luôn vắng nhà. Mỗi khi ba nó về là cả một thế giới, lung linh huyền ảo. Nó nhoài người vào Long, từ trên tay mẹ nó. Còn cách Long một quãng xa lắm, nó chấp chới hai tay với những ngón tay nho nhỏ, xinh xinh xòe ra, cả người nó chồm tới khiến mẹ nó phải giữ chặt đôi chân. Long vội vã đỡ con từ cánh tay còn lại. Nó ôm cổ Long, gọi trong hơi thở gấp gáp “ ba, ba” . Long vỗ lưng nó:

- Ờ, ba đây, ba đây, con…

Những ngày Tết ngắn ngủi qua đi. Trưa mùng Một Tết Long trở về đơn vị. Như vấn vương, con tàu không muốn rời ga Hải Phòng để ngược về Hà Nội. Hà đứng bên cạnh Long, con gái Long trong vòng tay của anh, cho đến khi người trực ban nhà ga, loan trên loa: “Quý khách chú ý, đoàn tàu đi Hà Nội khởi hành vào lúc 19 giờ, mời quý khách vào ga lên tàu”. Đến lúc đó, Hà đỡ con từ trên tay Long ra về. Nhưng Hà không về nhà ngay mà đứng ở góc đường, nơi con tàu sẽ đi qua để được nhìn thấy Long. Long nhìn thấy Hà và con. Anh dõi mắt, tập trung. Con tàu vùn vụt chạy qua, Hà chỉ nhìn thấy Long trong chớp mắt. Long thổn thức. Anh nghiệm ra, ở đời, tình yêu đích thực và thẳm sâu, nhiều khi chỉ cần nhìn thấy nhau trong chớp mắt người ta sẽ nhớ nhau đến suốt đời, còn âm mưu và vị kỷ, hàng ngày chạm mặt nhau mà lòng thì xa vời vợi, cho đến một lúc nào đó cái gì đến, nó sẽ đến … Long ngồi trên tàu trở về Hà Nội, qua cầu Hạ Lý, cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, mỗi nhịp dội của con tàu trên đường ray như để thẩm định trái tim của anh từng nhịp, từng nhịp dành cho Hà và con. Anh hiểu rõ tấm lòng của Hà và soi rất rõ trong lòng anh … Long trả lời Ngôn:

- Tao được về với Hà 3 ngày, có thể nói chưa bao giờ tao có một cái Tết ấm cúng như Tết vừa rồi.

Ngôn phấn khởi, reo lên trong máy:

- Tao cũng vậy. Có lẽ Tổng thống Mỹ giở trò ngoại giao lừa bịp, ngưng ném bom miền Bắc 37 ngày vừa rồi, chắc là … để tuyên truyền. Dịp may đó, tao được gần Hồng, tao rất hạnh phúc.

Long nói ngay:

- Đúng như vậy, mày giỏi quá, bộ đếm từng ngày hả?

- Ừ, đời lính mà mày. Chẳng thằng nào muốn chiến tranh, nhưng nếu cần đánh thì tao sẵn sàng đánh ra trò… Có điều, ngưng bom đạn 37 ngày đỡ cho bà con mình, vậy thôi

Long hỏi:

- Ngôn, mày vững tay lái chưa?

- Chẳng biết nói với mày thế nào. Làm sao mà vững được, tao bay trên Mig-17 chỉ mới hơn 200giờ. Nhưng tinh thần thì tao rất vững.

Long mát ruột, nói với Ngôn:

- Tao rất tin mày. Có lẽ, ở trong Nam, anh Tư mày nghe tin mày cưỡi mây, chắc là ảnh mừng lắm.

Ngôn hớn hở:

- Tao nói mày nghe. Má tao, em gái tao, con Lan, biết rồi. Vừa rồi, chị Yến, người yêu của anh Ba phi công Trung đoàn 919 có ra, gặp tao, chị ấy mừng lắm, chỉ nói má tao biết tao bay Mig, bả sướng lắm.

- Thì mày tính, từ đời các vua Hùng tới nay, dân mình chỉ nhìn xuống đất, mấy khi ngẩng mặt lên trời, bà già mày sướng là phải. Nói gì xa xôi, ngay tại Hà Nội, người ta nhìn anh bộ đội đeo quân hàm xanh có con chim với ánh mắt ngưỡng mộ. Đủ biết, sự xuất hiện của không quân ta trong cuộc đối mặt lịch sử này, dân mình vừa gởi gắm, vừa trao trọn niềm tin cho tụi mình.

Ngôn xuống giọng:

- Bởi vậy, tao cố gắng luyện kỹ năng không chiến. Nhất định tao sẽ làm đúng lời Bác Hồ hôm lên thăm trung đoàn “phải nắm lấy thắt lưng địch mà đánh như quân giải phóng miền Nam”. Tao nhất định bắn gần, nổ sung là bắn rơi tại chỗ. Tao tự hứa như vậy.

Long hết sức xúc động, giọng run run:

- Ngôn, tao coi nó như là một lời thề được không?

- Long ơi, còn hơn lời thề. Một lời nguyền của tao. Nhất định tao sẽ làm như vậy.

Ngôn nhìn ra bên ngoài. Trời đầy mây. Những con chim sẻ đồng vẫn bay, đôi cánh chấp chới. Anh và Long ngưng cuộc đối thoại đầu năm, vừa như một điều chúc mừng nhau năm mới theo tục lệ, nó vừa như bạn bè nói với nhau những điều tâm huyết. Ngôn đứng dậy, bước ra ngoài, gió từ hướng Đông Bắc thổi tràn tới, lướt qua mặt ,anh xoay người rồi trở vào. Mùa xuân, tất cả mọi vật đều bừng lên sức sống mạnh mẽ và dù cho gió Đông có ào ạt nhưng không thể nào ngăn nổi những mầm non, những nụ hoa vươn mình từ trong thân cây nứt ra, tràn sắc thắm.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2007, 04:32:22 pm »

Mười chín giờ bốn mươi lăm phút, sở chỉ huy không quân chuyển cấp báo động. Phó Tư lệnh quân chủng Nguyễn Văn Tiên chạy xuống tầng hầm. Ông bước thận trọng những bậc thang ngắn, rồi lao đến trước bàn chỉ huy. Đèn bật sáng toàn bộ, tất cả đều có mặt, không khí chuẩn bị khẩn trương và chính xác, Long so giây đồng hồ. Trần Nhơn khom người cắm “giắc” tai nghe và ống nói đối không, thấy Nguyễn Văn Tiên, anh đứng lên:

- Báo cáo anh, ở cửa biển Lạch Trường có nhiều tốp đang bay vào phía chợ Bến (Hòa Bình), tốc độ trên 500km/giờ. Có khả năng sẽ đánh khu vực từ Nho Quan đến chợ Bến. Đề nghị cho đánh.

Thượng tá Nguyễn Văn Tiên tập trung trên bản đồ, mạng tình báo xa báo về khá nhiều tốp, các chiến sĩ tiêu đồ xa vừa nghe tín hiệu điện báo trực tiếp, vừa liếc những ô vuông trên bản đồ, chấm và nối thành đường bay, ông nhíu mày cân nhắc. Thời gian dài vừa qua, nhất là sau trận ngày 10 tháng 7, không quân ta đánh tiếp một số trận để rèn luyện, hết sức thận trọng. Ông rất biết, muốn có bản lĩnh chiến đấu, phải cọ xát nơi chiến trường, càng ác liệt, càng rèn luyện được nhiều, nhưng không quân ta vốn đã ít, lại yếu, nếu liều lĩnh sẽ hết vốn. Ông chịu trách nhiệm trước quân chủng về những tổn thất của không quân ta, cũng như những trận đánh thắng. Ông hết sức quan tâm, ông nóng lòng nhưng lại bị sức ép về giữ gìn lực lượng. Đúng lúc đó, Lê Lạc bước vào đứng phía sau Long. Lê Lạc cũng hết sức tập trung và hỏi nhỏ Long:

- Tư lệnh có ý định gì chưa?

Long quay qua nói với Lạc:

- Chưa, Tư lệnh đang nghiên cứu. Chắc là,…

- Theo cậu, đó là tốp gì?

Lê Lạc hỏi Long, dù Tư lệnh không nghe, nhưng không khí thiếu tập trung, ông nhắc:

- Quân báo đánh giá địch như thế nào?

Trần Thuyết lấy cây thước trắng cắm trên cây cọc chỉ ra biển, ở đó có một tốp 2 chiếc đang tiến vào bờ:

- Thưa, theo tôi, đây mới là tốp cường kích, còn…

Nguyễn Văn Tiên đứng lên, nói:

- Như vậy, những tốp đang vào bờ, theo sĩ quan dẫn đường Trần Nhơn là cường kích. Anh ấy vừa báo cáo với tôi địch sẽ đánh từ Nho Quan đến chợ Bến. Tốp anh Thuyết vừa chỉ, bây giờ mới xuất hiện. Vậy tốp nào là cường kích?

Trần Nhơn động não, mắt đảo quanh, cố tìm cách chứng minh cho lập luận của mình, bác lại nhận định của Trần Thuyết nhằm thuyết phục Tư lệnh Không quân ủng hộ ý kiến của mình, nhưng chưa tìm ra được lý lẽ. Ngay lúc đó, Lê Lạc chen vào giữa Long và Trần Thuyết, nói:

- Thưa Tư lệnh, bọn Mỹ bao giờ cũng bố trí tiêm kích đi trước và che chắn cho bọn cường kích. Tôi đồng ý với nhận định của trưởng phòng quân báo.

Trần Nhơn nhăn mặt. Anh ta muốn bảo vệ ý kiến của mình, quay lại Lê Lạc nói nhỏ:

- Anh không nên có mặt ở đây,  kíp trực của tôi.

Long nhìn Nhơn rồi nhìn Lê Lạc, anh hết sức ngạc nhiên về cách xử sự của Nhơn. Nói gì thì nói, dù Nhơn có giỏi về chuyên môn, đã dẫn thành công một trận đánh không có tổn thất về máy bay và phi công, nhưng Lê Lạc vẫn là cấp trên, là người chịu trách nhiệm về dẫn đường của không quân, anh ta có quyền đến sở Chỉ huy bất cứ lúc nào và bất kỳ trận đánh nào. Nếu so sánh, có thể Trần Nhơn khá hơn Lê Lạc về ước lượng, tính nhẩm và tác nghiệp trên bản đồ. Mới dẫn đánh có một trận, chưa thể gọi là tài năng, là có năng lực. Còn Lê Lạc, anh ta được đào tạo cơ bản về lý thuyết dẫn đường, đã từng thực hành hàng trăm giờ trên máy bay. Có thể nói, Lê Lạc là một sĩ quan có trình độ chuyên môn cao. Chỉ có, gần đây Lê Lạc bị chi phối bởi gia đình, nên thiếu tập trung, đôi khi nói không đúng với sự suy nghĩ của cấp trên và cả của anh ta. Nhưng, Lê Lạc vẫn là một người tốt, một sĩ quan được anh em yêu mến và có năng lực thật sự. Lê Lạc có khả năng bao quát và nhận định sắc sảo, có những đề xuất táo bạo và chín chắn. Long thấy rất rõ, gần đây Trần Nhơn có nhiều biểu hiện bất phục vị chỉ huy của mình bằng những lời dè bỉu về chuyên môn, tuy chưa quá lộ liễu, nhưng ai cũng biết, chỉ có điều chẳng ai muốn nói. Bây giờ, việc chiếm hết thời gian là tìm cách đánh địch. Bọn Mỹ rất tinh khôn, luôn thay đổi thủ đoạn bay, yểm hộ, đặc biệt là thủ đoạn đối phó với không quân ta. Có thể nói, với sự trợ giúp của máy tính điện tử, quả là người Mỹ đã chọn được những cách bay tối ưu để vừa có thể thoát khỏi lưới lửa, tránh ra-đa phát hiện và thấy được Mig sớm nhất.

Dường như Lê Lạc không quan tâm lắm đến vẻ khó chịu của Trần Nhơn. Anh tiếp tục trao đổi với Trần Thuyết:

- Anh Thuyết, tôi thấy đường bay vào hơi lạ. Vì sao bọn tiêm kích vào rất lâu bọn cường kích mới xuất hiện?

Trần Thuyết nói:

- Tôi cũng phân vân, thông thường bọn cường kích bao giờ cũng đi sau bọn tiêm kích vài ba phút, đủ để tiêm kích lập thành bức tường che chắn. Hay là…

Trần Thuyết dừng lại, nhìn người phụ trách chỉ huy không quân e ngại. Lê Lạc biết rõ trưởng phòng quân báo sẽ nói ra những nhận định của mình. Lê Lạc muốn Trần Thuyết bộc lộ bèn hỏi:

- Chắc là, anh định cho rằng do cất cánh ban đêm, trên hàng không mẫu hạm thời gian phải kéo dài hơn?

- Không, đối với bọn Mỹ dù cất cánh ban đêm, băng chuyền vẫn như ban ngày. Ánh sáng trên hàng không mẫu hạm không thiếu. Tôi cho là ban đêm nên bọn Mỹ sử dụng máy bay mang bom có tốc độ nhỏ… thành ra, thằng đi trước thằng đi sau xa là điều dễ hiểu. Với lại, ban đêm, chắc là không thể yểm hộ trong đội hình, chỉ có thể tiêm kích yểm hộ khu vực mà thôi.

Lê Lạc thẳng thắn:

- Nếu vì lý do đó, chắc là không phải. Ban đêm bọn Mỹ vẫn yểm hộ trong đội hình. Bằng chứng là…

Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên đứng lên. Ông nhìn tập trung vào những tốp máy bay Mỹ rải rác trên bàn chỉ huy chiến đấu của không quân. Đúng lúc đó, tại phía Nam thị xã Ninh Bình xuất hiện một tốp đi thẳng lên hướng chợ Bến. Tư lệnh ra lệnh:

- Cho 1 chiếc Mig-17PF vào cấp 1 và cất cánh ngay.

Ông giải thích về quyết định của mình:

- Tôi đồng ý với nhận định của trưởng phòng quân báo. Tốp này chính là tốp ở ngoài biển, trước khi vào đất liền, bọn Mỹ hạ thấp độ cao để tránh ra-đa phát hiện, bây giờ phải bay cao hơn tầm súng bộ binh, cho nên ra-đa dẫn đường đã nhìn thấy … Anh Nhơn, cho Lâm Văn bay phía Tây.

Trần Nhơn ngẩng lên:

- Rõ!

***

Chiếc Mig-17PF, sau khi cất cánh từ đầu Tây sang đầu Đông, nếu không được lệnh mới, Lâm Văn sẽ bay dọc sông Hồng ra Hưng Yên, độ cao 1.000 mét. Long nhìn hướng bay rất thẳng của Lâm Văn, anh biết rõ người phi công hiền lành như con gái ấy có những chiến công nổi bật… Sau trận không chiến ngày 14 tháng 6 năm 1965, anh chỉ huy biên đội bắn rơi 1 chiếc F4H ở Hồi Xuân (Thanh Hóa). Ngày 17 tháng 6 năm 1965, anh đã chỉ huy biên đội, bắn rơi 2 máy bay Mỹ, riêng anh bắn rơi 1 chiếc F-4B. Anh là người duy nhất của trung đoàn chiến đấu 2 trận, cả 2 trận biên đội anh đều bắn rơi máy bay phản lực Mỹ. Anh được phân công chuyển sang bay đêm và chỉ thời gian ngắn anh đã trở thành phi công ban đêm ưu tú.

Lâm Văn bay dọc theo sông Hồng, bên phải lấp lánh nhiều ánh đèn của Thủ đô Hà Nội. Văn bay sâu xuống phía Nam, thi thoảng nhìn thấy những ánh đèn dầu màu vàng lẻ loi ở những nhà dân hai bên bờ sông. Lâm Văn vốn là người Việt gốc Hoa, quê ở Cà Mau, anh học giỏi chuyên môn nhờ vốn tiếng Hoa. Lâm Văn chân thành, sống đơn giản, bay giỏi, ít khi có thói ngông nghênh nên được mọi người yêu mến. Trên tai Lâm Văn bỗng vang lên:

- 24, hướng bay 190 độ, Đông Đô gọi.

Lâm Văn bóp micro:

- 24 nghe Đông Đô rất tốt, hướng bay 190 độ, độ cao 1.000 mét.

Trần Nhơn căng thẳng, cây thước tam giác anh cầm ở 1 góc, chiều dài đặt xuống dọc theo vệt đường bay của Lâm Văn, Nhơn vạch 1 đường chì theo hướng 190 độ. Hướng đó sẽ đưa chiếc Mig ra phía trước tốp địch định đánh. Long nhắc:

- Anh Nhơn, qua trái 10 độ, bay đêm không nên tạo góc lớn.

Trần Nhơn nghe Long nhắc, dù nhỏ, nhưng anh không làm theo. Đường bay của chiếc Mig-17PF, rõ ràng sẽ giao nhau với tốp địch ở phía trước khá xa. Long lại nói gần tai Nhơn:

- Coi chừng xông trước.

Nhơn quay lại, thắc mắc:

- Anh biết gì? Để yên, tôi đang tạo thế.

Lê Lạc thấy rõ, Trần Nhơn rất sĩ diện, anh ta sẽ không nghe bất kỳ ai. Bản thân anh ta nghĩ rằng mình giỏi. Dù sao cự ly đến địch còn xa, việc xử lý không có gì khó khăn. Lê Lạc tập trung theo dõi, Long chồm lên bàn, anh ước lượng, 1 phút nữa phải sửa hướng, nếu không sẽ… Long nhắc tiếp:

- Sửa trái 20 độ ngay. Tiếp địch từ phía sau. Địch tốc độ nhỏ, anh Nhơn chú ý…

Nhơn gắt:

- Tôi biết rồi.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2007, 05:43:26 pm »

Long biết, một người như Trần Nhơn, Long nhắc không dễ gì anh ta nghe anh. Vấn đề là, vì kết quả của không chiến và vì an toàn cho phi công, Long nhắc còn là vì, anh nhận ra, ở mặt trận mới, nếu chỉ vì tự ái cá nhân hoặc bất kỳ vì động cơ gì, cũng đều làm cho trận không chiến trở thành thất bại. Lê Lạc còn biết rõ hơn, Trần Nhơn đang có một ý định gì đó, dù là ý đồ của một sĩ quan cấp thiếu úy chẳng thể nào thay đổi hình thái bố trí và, điều anh ngày càng nhận rõ thái độ của Trần Nhơn không như ý nghĩ ban đầu của anh. Trong lúc đó, tốp máy bay của ta ngày càng tiến gần hơn tốp tiêm kích địch ở phía Tây chợ Bến. Tốp cường kích ở bên trái khá xa. Trần Nhơn chưa có động thái gì, sĩ quan dẫn đường ở mặt hiện sóng đoàn Sao Đỏ Lê Thiết bóp micro:

- Đông Đô, Tam Đảo 2 nhìn rất rõ, xin phép dẫn tiếp cận.

Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên gật đầu:

- Đồng ý, cho Thiết dẫn. Sở chỉ huy theo dõi chặt, can thiệp kịp thời.

Trần Nhơn bóp micro:

- Cho phép Tam Đảo 2, Đông Đô.

Lê Thiết dõng dạc:

- 24 vòng trái hướng 120 độ, độ cao 2500m.

Như vậy là Lê Thiết đã cho vòng để tránh làm cho Lâm Văn đi trước địch. Long rất đồng tình với Lê Thiết, anh tập trung theo dõi. Trong tai Long nghe Lâm Văn phấn chấn:

- 24 nghe rõ, 120 độ, 2.500m.

Lê Thiết thông báo:

- 24 cá sấu bên phải, 45 độ, 20km.

Lê Thiết là một sĩ quan trẻ, người Tầm Vu, giọng nói rõ ràng, chững chạc. Anh là một chiến sĩ bộ binh chuyển sang không quân để làm phi công. Do quá mập, động tác chậm trong cử động, bị loại, nguyện vọng trở thành phi công của mình không được. Nhưng, Lê Thiết rất giỏi phân biệt các mục tiêu cố định và di động trên hiện sóng. Anh có khiếu gần như bẩm sinh để dẫn đường ở mặt hiện sóng. Thiết có cặp mắt sáng, nhận biết các sóng phản xạ chính xác, thuộc lòng các mục tiêu cố định. Anh bình tĩnh, tự tin, luôn dẫn đầu trong phát hiện và dẫn đánh chặn thực binh. Thiết tiếp tục:

- 24, cá sấu bên phải, 65 độ…

Lâm Văn trả lời:

- 24 nghe rất rõ.

- 24 vòng phải, hướng bay 300 độ. Cá sấu bên trái phía trước 15 km. 24 chú ý,
quan sát đèn.

- 24 nghe rất rõ.

Lâm Văn quan sát, bầu trời nhiều sao, những ngôi sao màu trắng, chớp chớp ở xa. Những ngôi sao gần hơn màu vàng đậm, anh chưa thấy đèn. Long chồm hẳn lên bàn, tốp máy bay ta ngày càng đến gần địch. Sở chỉ huy bồn chồn. Tư lệnh không quân đã đứng lên từ lâu, ông hỏi Trần Nhơn:

- Dẫn đường như thế đúng chưa? Vì sao Lâm Văn chưa phát hiện địch. Nè, cự ly còn mấy cây số nữa?

Trần Nhơn lúng túng, Lê Lạc báo cáo:

- Thưa, ban đêm không thể nhìn thấy xa hơn 2km nếu có đèn, còn không có đèn dưới 200 mét, chúng ta đã đánh một trận ban đêm hồi cuối năm 1964. Cự ly bây giờ là 8km, ra-đa chưa thấy được.

Thượng tá gật đầu, ông nhớ chiếc T-28 số hiệu 963 do một trung úy phi công phản chiến Lào bay sang Việt Nam tháng 9 năm 1963, chúng ta sửa lại, huấn luyện phi công, ngày 15 tháng 12 năm 1964 phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước đã từ chiếc T-28 trong đêm có ánh trăng mờ phát hiện được chiếc máy bay biệt kích, bắn rơi nó bằng 3 loạt đạn. Ông chỉ huy trận đánh đó, làm sao mà quên được. Ông nói:

- Trên chiếc Mig-17PF có trang bị ra-đa?

Lê Lạc nói:

- Thưa, đúng là nó được trang bị ra-đa, nhưng để ra-đa phát hiện được, phải dẫn với góc vào gần bằng không và chênh lệch độ cao cũng gần bằng không.

Ngay lúc đó, Lê Thiết dõng dạc:

- 24 sửa trái 10 độ, độ cao 3.000 mét.

- Nghe rõ.

Lê Thiết phát lệnh:

- 24, mở ra-đa.

- 24 nghe rõ, mở ra-đa.

Chiếc máy bay Mỹ lượn vòng, gián cách đã khá xa, hướng tiếp cận không còn gần bằng không nữa. Trên máy ngắm bằng ra-đa của chiếc Mig-17PF không thể phát hiện được mục tiêu. Trần Nhơn liếc rất nhanh Lê Lạc. Bây giờ Lê Lạc đã ở phía sau Trần Thuyết và Thượng tá Nguyễn Văn Tiên, anh đang hết sức chăm chú tương quan vị trí của ta và địch. Trần Nhơn thật sự  ngạc nhiên bởi kiến thức hàng không sâu của Lê Lạc. Nhưng, có lẽ bao trùm đầu óc của Trần Nhơn bây giờ ngoài việc tập trung nghe Lê Thiết dẫn Lâm Văn tiếp cận tốp địch ở phía trước, hầu hết tâm trí của anh ta là sự đố kỵ lẫn thái độ không thể chấp nhận được của Lê Lạc. Lê Lạc ngày càng tỏ rõ trí tuệ sắc sảo trong lĩnh vực dẫn đường, anh ta đưa ra những ý kiến chẳng biết lấy ở đâu. Nhưng, tất cả dường như thuyết phục được Tư lệnh Không quân và Trưởng Phòng Quân báo. Tuy không cầm micro, không cầm thước, chỉ với đôi mắt và tư duy, Lê Lạc làm cho Trần Nhơn trở nên nhỏ bé. Tự nhiên có Lê Lạc, Trần Nhơn chỉ là một sĩ quan dẫn đường có năng lực, thế thôi. Điều mà Tư lệnh cần một sĩ quan ở sở chỉ huy quân chủng là có tầm nhìn, có tư duy sâu, có cách hóa giải những khó khăn thành cách dẫn, cách đánh thì Trần Nhơn còn lâu lắm mới đạt đến. Chính vì điều đó làm cho Trần Nhơn khó chịu. Tiếng của Lê Thiết dồn dập:

- 24, mục tiêu bên trái 90 độ, 6km, địch đang lượn vòng, chú ý quan sát bằng mắt.

Lâm Văn trả lời:

- 24 nghe rất rõ, tôi quan sát bên trái.

Lâm Văn nhìn theo hướng của Lê Thiết. Nhưng bóng tối, những chùm sao, bên dưới những ánh đèn dầu, anh như ở ngoài biển khơi. Lâm Văn chẳng thấy gì ngoài lớp mây thi thoảng vụt qua dưới cánh. Lê Thiết tiếp tục:

- 24, anh cao hơn mục tiêu 1.000 mét, quan sát bên trái 45 độ.

Lâm Văn trả lời:

- 24 nghe rõ, tôi chưa nhìn thấy.

Trần Nhơn bóp micro:

- 24 tình hình khí tượng thế nào? Đông Đô.

- 24 nghe Đông Đô, không có mây, tầm nhìn tốt.


Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên biết rõ, ta và địch cùng lượn vòng thì sử dụng phương tiện phát hiện trên ra-đa là không thể nào thực hiện được. Ông chỉ thị:

- Lệnh cho Lê Thiết ở hiện sóng, đo cao chính xác tốp máy bay địch, cho phép dẫn vào gần hơn, phát hiện bằng mắt.

Mệnh lệnh của Tư lệnh được truyền đến trạm ra-đa. Lê Thiết hết sức chăm chú, anh phát hiện tốp địch dường như đang tìm mục tiêu, nó lượn một vòng tròn rồi một vòng nữa. Có lẽ đang xác định mục tiêu để ném bom. Lê Thiết cho Lâm Văn cắt ngang đường bay của địch:

- 24, hướng bay 80 độ, mục tiêu bên phải 30 độ, 4km.

Lâm Văn nhìn thấy ánh chớp của đèn cánh chiếc máy bay Mỹ ngay bên phải phía dưới, anh reo lên:

- Đông Đô, 24 phát hiện, xin phép công kích.

Trần Nhơn hớn hở:

- 24, công kích.

- 24 nghe rõ.

Lâm Văn điều khiển chiếc Mig bám theo ánh đèn, chiếc máy bay Mỹ không hề biết có chiếc Mig ở bên cạnh, đèn hai bên cánh vẫn chớp đều. Lâm Văn thận trọng bật công tắc bắn súng. Anh vô cùng hồi hộp, thời cơ có một không hai, vòng sáng đã tóm gọn chiếc máy bay Mỹ, Lâm Văn tiến đến gần hơn, chiếc máy bay Mỹ bao trùm toàn bộ máy ngắm, Lâm Văn kéo cò, loạt đạn chính xác đã bắn trúng buồng lái, máy bay bốc cháy rơi ngay bên dưới cánh. Lâm Văn hét lên:

- Cháy rồi, 24 bắn rơi 1 chiếc.

Ngay sau tiếng reo, Lâm Văn bỗng thấy ở phía trước không xa, còn 1 chiếc máy bay vẫn chớp đèn. Dường như loạt đạn chính xác của Lâm Văn diễn ra quá nhanh, tên chỉ huy Mỹ bay ở vị trí số 1 không hề hay biết, đèn vẫn nhấp nháy. Thấy thời cơ còn tốt, Lâm Văn tiếp tục tiếp cận, anh nhanh chóng đưa chiếc số 1 vào vòng ngắm và một loạt đạn dài cắm vào cánh chiếc máy bay Mỹ. Nó bốc cháy dữ dội và lao xuống một cánh rừng, vùng núi phía Tây chợ Bến. Lâm Văn cực kỳ phấn chấn, anh hét vang:

- 24, rơi rồi, cháy rất to.

Sở chỉ huy Không quân giật mình, Trần Nhơn bóp micro:

- 24 nhắc lại.

- Đông Đô, 24 bắn rơi chiếc thứ hai, nó cháy rất to.

Trần Nhơn gằn giọng, lộ vẻ phấn chấn:

- Nghe rõ rồi, 24 bay về hướng 340 độ, độ cao 2.500.

Bất ngờ hai tốp máy bay Mỹ thọc rất nhanh từ bờ biển Nam Định, cắt ngang đường bay trở về của Lâm Văn. Trần Nhơn cho lệnh tiếp theo:

- 24, hướng bay 300 độ, độ cao 1.500 mét.

Lâm Văn bay sát ngọn núi ở phía Tây rồi vòng về Vân Đình (Hà Đông). 4 chiếc F-4B của hải quân đuổi theo, tốc độ rất lớn lao thẳng vào chiếc Mig của Lâm Văn. Nhưng, hỏa lực đã khép, pháo cao xạ nổ súng dữ dội, tạo thành một bức tường lửa. Bọn Mỹ bị hất trở ra. Lâm Văn hạ cánh, người đón anh tại sân bay là Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện. Ngay lúc đó, sĩ quan tác chiến đến trước mặt Đào Đình Luyện giơ tay chào:

- Báo cáo, Chính ủy quân chủng gọi điện.

Đào Đình Luyện cầm máy:

- Thưa, tôi Luyện đây.

Đại tá Chính ủy quân chủng giọng sang sảng, hân hoan:

- Chiến công của trung đoàn hôm nay có ý nghĩa hết sức to lớn, Lâm Văn đã bắn rơi máy bay Mỹ đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Đảng mùng 3 tháng 2. Bác Hồ đã biết. Bộ Tổng tư lệnh có điện khen ngợi đơn vị đồng chí và đồng chí Lâm Văn. Tôi và Tư lệnh quân chủng biểu dương tinh thần quyết chiến quyết thắng của trung đoàn. Chúc các đồng chí tiếp tục lập chiến công.

Đào Đình Luyện nén lòng:

- Xin cám ơn Chính ủy. Chúng tôi xin hứa hết sức cố gắng.

Đào Đình Luyện bước ra khỏi nhà trực ban ở sân bay, gió lạnh về đêm dường như không làm ông lạnh, trái tim nóng rực nhiệt tình cách mạng của ông và tình yêu của ông đối với chiến sĩ làm cho ông trở nên dễ thương trong ánh mắt của những phi công và cán bộ cũng như chiến sĩ toàn trung đoàn.


HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM