Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:29:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khối mây hình lưỡi búa  (Đọc 42898 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2007, 10:44:05 pm »

Hồng chộn rộn, nàng hết sức xúc động. Thật là hiếm để có người  thông cảm cho anh và nàng. Thủ đô rộng bao la, vậy mà không có một chỗ nào dành riêng cho Ngôn và nàng. Đối với Ngôn, nàng đã cho anh tất cả, cuộc đời này có gì đẹp bằng đứng ở tuyến đầu đánh Mỹ, anh ấy đã không tiếc bản thân mình, nàng đâu có gì phải phân vân. Anh và nàng hẹn nhau đến khi nàng ra trường sẽ tiến tới hôn nhân, nàng tin anh và anh đã gởi trọn niềm hy vọng ở nàng. Hồng đứng dậy:

- Chị Nga, anh Tư, em và anh Ngôn xin cám ơn anh chị. Có lẽ từ nay nhà anh chị là tổ ấm của tụi em. Em và anh Ngôn xin anh chị cho tụi em làm em của anh chị.

Hồng ngấn lệ, nước mắt trào ra. Nga đến bên Hồng, ôm vai nàng nhỏ nhẹ:

- Đừng khách sáo, em. Ở đời đâu có ai dám nói mình chỉ có thịnh mà không có suy. Suy và thịnh nói, cho cùng, đổi chỗ chẳng mấy hồi. Biết sống chân thật, hết mình với đời, cuộc đời sẽ cho ta những ân sủng mà ta không ngờ tới. Ông bà mình dạy “Sông có lúc, người có khúc”đủ biết một con sông dù to lớn đến đâu cũng bị bẻ vụn thành những khúc và ở các khúc đó bên doi, bên vịnh, bên lở, bên bồi. Chẳng có gì, chẳng có ai bảo rằng cuộc đời là bất biến. Em coi có đúng không?

***

Trung đoàn tiến hành tập bay đánh chặn, lúc đầu tập phương án đánh theo lối cổ điển. Sĩ quan dẫn đường Anh Quang ở sở chỉ huy binh chủng không quân đề nghị cấu tạo đường bay của quân xanh theo chương trình được đào tạo, từ Nội Bài cất cánh bay đến Hữu Lũng thuộc tỉnh Bắc Giang qua Yên Bái về Nội Bài, quân xanh cất cánh trước hai phút, quân đỏ cất cánh cắt bán kính vào phía trong, xạ kích ở cạnh số 2. Sở chỉ huy binh chủng sẽ dẫn quân xanh. Sở chỉ huy trung đoàn dẫn quân đỏ. Nguời bay quân xanh là phi công Phạm Ngọc, quân đỏ là Lâm Văn và Lưu Huy. Diễn tập kết thúc mà không đi đến kết quả. Văn và Huy được thông báo “địch” đến từng cây số, biên đội vào đến cách mục tiêu chỉ có sáu cây số, nhưng quân đỏ không thấy mục tiêu, ba lần dẫn thoát ra, tiếp cận trở lại ba lần, đều không có kết quả… Đào Đình Luyện đứng ở góc đài chỉ huy, tiếng loa vọng đến tai ông rành rọt, khẩu lệnh của sĩ quan dẫn đường và tiếng trả lời của phi công. Cấu trúc của đường bay đơn giản. Đó là ba cạnh của một tam giác, chỉ có độ cao của quân xanh, sở chỉ huy quân đỏ không biết, chiếc radar đặt ở một vị trí rất thuận lợi, ở bên kia đường băng, máy bay cất cánh và hạ cánh đều có thể biết được, vậy mà, phi công không nhìn thấy… Ông lo lắng, mắt ông nhìn lên trời, nhiều đám mây như những khối bông lờ đờ trôi qua sân bay phủ xuống đường băng một khoảng xám di động vút qua. Ánh nắng tràn tới, ông nhìn mặt đường băng, bên kia, xa xa con chim sẻ đồng đang nhảy trên gò mối, có lẽ nó tìm mồi. Con chim nhỏ lúc trên cao, lúc dưới thấp, che mắt ông không nhìn thấy. Nó bay lên ngang tầm mắt, ông lại nhìn thấy. Quân xanh, chắc là thay độ cao, sở chỉ huy quân đỏ lại dẫn theo mặt phẳng ngang, không thấy là điều dễ hiểu. Đào Đình Luyện lên xe trở về sở chỉ huy. Cuộc diễn tập kết thúc, quân xanh, quân đỏ, tất cả phi công và sĩ quan dẫn đường râm ran trong phòng họp. Trung đoàn trưởng mở đầu:

- Cuộc diễn tập đầu tiên thất bại, theo các đồng chí, nguyên nhân do đâu?

Phạm Ngọc đứng lên, “khịt” bên trong đốc giọng theo thói quen, nhe răng cười lóa ánh sáng một mảnh kim loại ở bên trong:

- Tôi ở bên dưới, tôi thấy các đồng chí lướt qua ở trên lưng vòng ra rồi tiến vào, tôi biết Văn và Huy không nhìn thấy tôi. Binh chủng ra lệnh tôi xuống độ cao 3.000 mét, quân đỏ vồ trượt, theo tôi do dẫn đường không chú ý độ cao.

Phan giơ tay:

- Chúng ta tập bay nhưng cũng như chiến đấu. Như vậy sĩ quan dẫn đường hôm nay không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải kiểm điểm, bất kỳ lý do nào. Nếu hôm nay quân xanh là bọn Mỹ thì anh Văn và anh Huy đã bị,… Còn người chỉ huy quân xanh, tại sao lại tự tiện thay đổi độ cao? Một chuyến bay không thành công, trên 5.000 lít dầu lãng phí, không tập được gì là có tội với nhân dân.

Phạm Minh Nhân mỉm cười nửa miệng theo thói quen, nói ngập ngừng nhưng hành động lại rất khẩn trương. Bên cạnh Nhân, ngồi ở một góc khuất là Việt Thành người dẫn đường cho quân đỏ hôm nay. Thành đã ngoài 30 tuổi, nghe nói có vợ ở lại miền Nam, cấp bậc thượng sĩ. Anh ta là một dẫn đường giỏi, bình tĩnh, xử lý tình huống nhanh, có điều… đã trở thành cố tật : đôi quân hàm thượng sĩ đeo ở cổ áo chẳng khi nào ngay ngắn, miếng nỉ xanh xệ xuống khỏi ve áo bên này thì ở bên kia nó lại bị kéo lên. Lẽ ra, quân hàm thượng sĩ, ngoài cái vạch bằng chỉ vàng ở giữa, ba ngôi sao đặt đúng vị trí thành một tam giác đều, có con chim ở phía trên. Nhưng, Thành ít khi đeo quân hàm, không phải anh ta thẹn vì cỡ tuổi đó mà còn cấp thượng sĩ, cái chính là tính cách ngang tàng, thích tự do, muốn mặc áo sơ mi trắng đục, thường phục, hơn là chiếc áo quân phục hạ sĩ quan dày cộp, chỉ có hai túi trên, ở dưới không có hai túi như của sĩ quan để đựng bao thuốc lá lúc nào cũng có trong người… Hôm nay Thành mặc quân phục, đeo quân hàm thượng sĩ nhưng không có chim. Thành đứng lên:

- Thưa Trung đoàn trưởng, hôm nay tôi dẫn không thành công, xin đề nghị trên kỷ luật cho tôi được thoải mái.

Chính ủy Đỗ Phụng giơ tay, đứng lên, trong khi Thành chưa ngồi xuống:

- Nếu bay không thành công, kỷ luật, ai dám làm? Hôm nay chúng ta rút kinh nghiệm để mai bay tốt hơn.

Thành nói tiếp:

- Đúng như anh Ngọc nói, chúng tôi chưa phối hợp tốt giữa sở chỉ huy tức là ở bàn tiêu đồ với mặt hiện sóng. Ngay ở mặt hiện sóng, việc phối hợp giữa radar đo cao với sĩ quan dẫn đường ngồi tại bàn hiện sóng cũng chưa tốt. Hôm nay, buổi tập đầu tiên tuy không thành công nhưng nhiều bài học được chúng tôi rút ra ngay khi anh Ngọc hạ cánh. Anh Thiết dẫn đường ở radar và tôi cùng rút kinh nghiệm với anh Quang ở sở chỉ huy binh chủng bằng điện thoại. Chúng tôi cũng bàn về phối hợp giữa hai sở chỉ huy.

Thành liếc nhìn đoàn trưởng, ông gật đầu, hài lòng. Bất giác Thành liếc ngang, Phan ngồi dãy trên cùng, không dằn lòng được Thành nói :

- Binh chủng dẫn quân xanh cũng như địch bay vào nước ta, bọn Mỹ sẽ cơ động độ cao, diễn tập sát với thực tế rất có lợi. Tôi đề nghị, những anh chẳng biết gì về chuyên môn thì đừng có xía vô, vừa dở hơi, vừa lố bịch.

Phan vội vã đứng lên. Đào Đình Luyện không cho nói, anh ta buộc phải ngồi xuống. Nhân mỉm cười, anh giơ tay:

- Thưa các đồng chí. Buổi bay tập, theo tôi, là thành công. Chỉ có một vấn đề chưa trọn vẹn, đó là anh Văn và anh Huy chưa tập được xạ kích. Nhưng, rõ ràng, địch vô, radar phát hiện được. Chưa chắc dẫn đường có thể đưa phi công nhìn thấy địch sớm. Vấn đề đó, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Còn phi công, tôi thấy, các đồng chí bay lờ đờ lắm. Cách địch sáu cây số, phải xa hơn, mười cây số, dẫn đường thông báo, các đồng chí không phát hiện được, chúng ta phải cơ động, sục sạo ngang, sục sạo phía dưới cả phía trên. Tôi nghĩ, phát hiện địch sớm, phát hiện trước sẽ nắm chắc phần thắng. Tôi đề nghị các đồng chí phi công nên luyện mắt, phản xạ nhanh, phân phối tinh lực, vừa che được đuôi, vừa thấy địch sớm, nên bàn nhau kỹ vấn đề quan sát trên không.

Huy bẽn lẽn, đứng lên, thừa nhận:

- Quả thật, tôi bay sau số 1, hầu hết tinh lực là giữ biên đội, đúng là tôi không quan sát được gì, tôi thấy anh Văn quan sát theo hướng của dẫn đường thông báo, tức là chúng tôi chỉ quan sát trên mặt phẳng ngang, không để ý đến mặt phẳng đứng. Tôi đề nghị sĩ quan dẫn đường nên nhắc nhở chúng tôi quan sát, kể cả những động tác thuộc về nghề nghiệp của chúng tôi như: thả thùng dầu phụ, lên đạn, chuyển trạng thái bay hoặc bay về, nên nhắc chúng tôi thả càng, v.v…

Phi công Trần Thông, đại đội trưởng, dáng cao, thư sinh, hay cười lớn, tiếng nói vang, đứng lên:

- Tôi, cho là chúng ta nên tập trung vấn đề chiến thuật, những động tác cơ bản phi công phải tự nhớ, không ai được quên. Chiến đấu sẽ rất ác liệt, chúng ta luyện tập phải sát với thực tế chiến đấu. Hôm nay như thế là tốt, thất bại là mẹ đẻ của thành công.

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2007, 10:47:27 pm »

Trung đoàn huấn luyện liên tục, khẩn trương, các khoa mục bay cơ bản, bay nâng cao, bay ứng dụng chiến đấu đều được bố trí tập luyện đúng theo tiến độ. Đặc biệt chương trình bay xuyên mây góc kép, xuyên mây bất kỳ, từ mọi hướng, đều được học rất kỹ và luyện tập rất công phu, để có thể ứng phó mọi tình huống không chiến, khi bay trở về sân bay, kể cả trường hợp bị địch khống chế sân bay. Những ngày này trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện luôn cùng bay tập với phi công, ông luôn ở cùng với phi công lúc luyện tập thể thao, khi giải trí. Ông luôn lắng nghe bất kỳ ý kiến đóng góp nào cho không chiến. Ông là phi công, ông biết rõ cuộc chiến đấu ở trên không với kẻ thù hùng mạnh nhất hành tinh không hề đơn giản, không thể dùng kèn đồng, những khẩu hiệu và hô hào xung trận là có thể làm cho sức mạnh của chúng ta tự nhiên được nâng lên. Ông biết rất rõ, để có thể chiến thắng kẻ thù to lớn, đầy kỹ năng và trí tuệ, chúng ta, trước hết phải chiến thắng với chính mình, phải là một phi công chân chính, có ý chí và bản lãnh chiến đấu cao. Phải có kỹ thuật bay giỏi, phải tiếp cận nhanh, ngắm chính xác, xạ kích hiệu quả khi có điều kiện… Ông ngồi trầm mình trước hiên nhà, điếu thuốc trên tay, đã cháy đến gần hết, ông nhớ rất rõ buổi họp quân sự dân chủ lần thứ ba, có các cơ quan của binh chủng xuống dự. Ông đã nói lời mở đầu:

- Chúng ta đã hai lần bàn về cách đánh và xử lý những tình huống phức tạp vẫn chưa xong. Điều đáng quan tâm, chúng ta đã động não, đã tìm ra những vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử của các trận không chiến trên thế giới, tôi muốn nói đến so sánh lực lượng, ta thì quá yếu, người Mỹ, đối thủ của chúng ta thì quá mạnh. Còn ở nước ta, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta có không quân. Vì thế, chúng ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu trên không, chưa có ai đi trước để chỉ dạy chúng ta... Tôi muốn, hôm nay chúng ta bàn một vấn đề mấu chốt của chiến thuật không chiến. Chúng ta đều biết, ai thấy trước, ai chủ động, người đó sẽ thắng.

Đào Đình Luyện nhìn rất lâu đội ngũ phi công. Ông nhìn lướt qua những người dự họp, đôi mắt dừng lại ở khối sĩ quan dẫn đường, ông nói:

- Muốn thấy trước, muốn có thế chiến thuật có lợi, phi công không thể làm được. Người tạo thế ban đầu cho phi công là sĩ quan dẫn đường. Các đồng chí đó sẽ tạo tốc độ, sẽ giấu biên đội, làm cho địch không thấy,v.v… Tôi đề nghị các sĩ quan dẫn đường trình bày, theo các đồng chí làm thế nào để có yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện có lợi cho biên đội tiếp cận?

Ông thấy các sĩ quan dẫn đường nhìn nhau. Phạm Minh Nhân đứng lên:

- Chúng tôi đã thành thói quen trong tác nghiệp luyện tập trên bản đồ. Trước khi cho biên đội cất cánh, chúng tôi nhìn đồng hồ để xác định hướng và góc cao của mặt trời tại thời điểm xuất kích. Kết hợp với độ cao của địa hình nhằm chống radar Mỹ trên máy bay. Như vậy chúng tôi phải dẫn cho biên đội nhìn xuôi theo hướng mặt trời, bọn địch sẽ khó thấy chúng ta, khi phải nhìn ngược mặt trời ...
Việt Thành nhấp nhỏm, giơ tay, Minh Nhân nhường lời cho Thành:   

- Thưa các đồng chí…

Thành đứng lên nhiều ánh mắt xéo xắt nhìn anh. Trong những cái nhìn nảy lửa đó, có ánh mắt dè bỉu. Người ta quen nhìn người qua những ngôi sao và gạch trên cầu vai, càng nhiều vạch, càng nhiều sao, tự nhiên người đó sẽ có trình độ cao. Còn cấp thượng sĩ, chuẩn úy thậm chí thiếu úy là những con gà giò, chưa biết gì. Tại cuộc họp này, ở đây, tất cả đều là sĩ quan, cấp thấp nhất cũng mang quân hàm thiếu úy. Đào Đình Luyện nhận biết những ánh mắt lạ đó, ông khuyến khích:

- Anh Thành, nói đi!

Một số cán bộ nhìn Đào Đình Luyện khó chịu, họ cho là trung đoàn trưởng không tôn trọng họ. Minh Nhân giục:

- Thành, nói đi!

Thành mạnh mẽ, tự tin:

- Thưa, trong chiến thuật không chiến, có ba yếu tố cấu thành lợi thế. Đó là độ cao, tốc độ và hướng tiếp cận. Theo tôi để có tốc độ không chiến, phải tích lũy. Mig-17 của chúng ta không có bộ phận tăng lực, tốc độ tối đa chỉ 1.000 km/giờ. Chúng ta sẽ dẫn cho biên đội cách địch 30- 40km, phải có tốc độ xấp xỉ 800 km/giờ. Phi công phải tự mình tăng tốc độ sau khi có lệnh “vứt thùng dầu phụ”. Nhiều ý kiến xì xào rồ lên. Đôi quân hàm ba sao có vạch vàng ở giữa, hôm nay Thành tìm đâu được con chim gắn lên, nhưng con chim bằng nhôm ở trên ve áo của anh không chịu đứng thẳng, nó xoay ngang tự lúc nào. Thành không để ý lắm đến quân hàm. Anh cho là… cấp thượng sĩ quân hàm càng cũ, càng xộc xệch, chứng tỏ đã có thâm niên, cấp trên dễ để ý và như vậy càng mau lên chuẩn úy. Đến như cấp chuẩn úy cũng chỉ là một vạch bằng nhôm và con chim thì để đâu chẳng được… Đang nghe Thành nói, Đào Đình Luyện thấy nhiều tiếng ồn nên nhắc:

- Đây là hội nghị quân sự dân chủ. Ai cũng được phát biểu. Chúng ta hãy nghe anh Thành. Nào, Thành tiếp tục đi.

Thái độ tôn trọng ý kiến mọi người của trung đoàn trưởng, làm cho cuộc họp trở nên sôi động, mọi người bắt đầu có biểu hiện tập trung. Thành nói tiếp:

- Còn, thế chiến thuật, chúng tôi đã bàn, dẫn vào bán cầu sau ở hướng thuận mặt trời làm chói mắt địch, điều đó không khó. Vấn đề đang còn tranh cãi, chính là độ cao. Người ta dạy chúng tôi phải có ưu thế về độ cao. Độ cao, cao hơn, Mig của chúng ta sẽ có tốc độ lớn, người Trung Quốc có câu “độ cao sẽ biến thành tốc độ”. Tập thể dẫn đường yêu cầu, khi tập, phải dẫn quân ta cao hơn địch, tôi cũng tập như vậy. Nhưng,…  đây là ý kiến cá nhân của tôi… Thưa các đồng chí, trong chiến đấu, người Mỹ nhiều máy bay hơn ta, tốc độ máy bay của chúng lớn hơn ta, máy bay của ta làm sao để bay cao hơn địch được? Địch lên 7.000 mét, ta phải lên 7.500 hoặc 8.000 mét, Mig-17 càng lên cao, càng bất lợi vì khi điều khiển ở độ cao dưới 3.000 mét, tính năng cơ động của Mig-17 tốt. Tôi đề nghị lôi địch xuống dưới thấp để đánh.

Phòng họp sôi nổi hẳn, không khí chộn rộn, mọi người trao đổi với nhau. Đào Đình Luyện rất mừng vì phát hiện một hiện tượng lạ. Đó là biểu hiện của tư duy. Thời còn làm chủ nhiệm chính trị sư đoàn, ông đã phát hiện một không khí kỳ la, mà thời đó ông chưa hiểu. Dường như mọi người có cùng một suy nghĩ nhưng đường đi đến để đạt được mục đích rất khác nhau. Về sau khi tổng hợp những ý kiến khác nhau đó, ông phát hiện chúng có quy luật của tư duy thuận. Bây giờ, sau ý kiến của Việt Thành, không khí sôi động, ông biết sẽ có ý kiến phản biện, thậm chí chống lại do chiếc quân hàm thượng sĩ trên ve áo của Thành. Quả nhiên, hai cánh tay giơ lên, trung đoàn trưởng nhận ra Đỗ Đình, một sĩ quan tác chiến, cấp đại úy, đầu hói, mắt một mí, mặc chiếc áo đại cán rất chỉn chu. Ông cho phép, Đình đứng lên, liếm mép trên, liếm mép dưới xong, phát biểu :

- Chúng ta đang bàn cách đánh. Nói như anh Thành, anh có lên trời mà lôi thằng Mỹ xuống thấp để chúng ta đánh được không?

Phan vụt đứng dậy, hùng hồn:

- Cuộc họp hết sức nghiêm túc để bàn một vấn đề hết sức nghiêm chỉnh. Anh Thành là thượng sĩ, phát biểu vô ý thức, làm như chuyện đùa… Theo tôi để các đồng chí phi công phát biểu truớc.

Lê Liên rỉ tai Long, anh nhìn đại úy Phan, đại úy Đỗ Đình, nhìn Trung đoàn trưởng. Long lưỡng lự, thật ra bài bản để tạo ra bất ngờ anh học được khá nhiều, nhưng, dường như ở môi trường của ta, khi mà địch rất mạnh, Long đâm lúng túng, có vấn đề gần như anh không hiểu, không đủ kiến thức để phát biểu. Còn những vấn đề Thành nói ra, Long thấy rõ, rất hợp lý, anh thích lối diễn đạt đó. Long giơ tay:

- Thưa các đồng chí. Lôi địch xuống thấp để không chiến, đó là việc của phi công. Tôi nghĩ rằng, trong không chiến, nếu chúng ta có ý đồ chiến thuật rõ ràng thì lôi địch xuống để đánh không phải là việc khó. Buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, đó chính là tư tưởng quân sự của ông cha ta hàng ngàn năm nay.

Phan lại đứng lên:

- Thưa Trung đoàn trưởng, tôi thấy các đồng chí sĩ quan dẫn đường cần phải học tập lại nghị quyết Đảng ủy quân chủng. Tác chiến hiện đại, những trận không chiến sắp đến không thể lấy tư tưởng quân sự lạc hậu, hoài cổ để mơ một chiến thắng vô vọng. Chúng ta cần phải…

Lê Liên đứng lên:

- Xin lỗi anh Phan, Bác Hồ của chúng ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở chúng ta phải học tập tư tưởng quân sự của tổ tiên. Chiến đấu ở mặt đất, bộ đội miền Nam đã bắt bọn Mỹ phải theo cách đánh của ta, đó là nghệ thuật quân sự của quân đội ta, nhất định chúng ta cũng sẽ làm được. Tôi nghĩ các đồng chí lái máy bay nên có tiếng nói của mình và suy nghĩ cách đánh ở trên không trong điều kiện địch mạnh và đông hơn ta.

Hội nghị chưa có lối ra. Trung đoàn trưởng nhìn mọi người, thấy Lâm Văn nhấp nhỏm, ông gợi ý :

- Lâm Văn muốn phát biểu?Chúng ta hoàn toàn giải phóng về mặt tư tưởng. Ai có sáng kiến cho không chiến đều có quyền phát biểu, có quyền tranh luận, thậm chí phản bác. Đó là dân chủ trong quân sự. Chỉ có vấn đề, chúng ta không nên suy diễn, chụp mũ, có thể gây xốc không cần thiết. Mời anh Lâm Văn.

Lâm Văn đang là chủ nhiệm bay của trung đoàn, tính tình hiền lành, ăn nói chậm rãi. Từ lâu, đặc biệt là trong cuộc họp này Văn vẫn giữ thái độ thận trọng, anh im lặng và lắng nghe. Văn bay giỏi, ai cũng biết, chỉ có điều mọi người thắc mắc là anh rất ít nói. Lẽ ra, người như anh, phải là người nói nhiều, chức chủ nhiệm bay không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá trình rèn luyện và tài năng… Vậy mà, anh vẫn bị tai nạn nghề nghiệp, bởi chính nghề bay của anh. Chuyện đó như sau: Cách đây chừng vài tháng. Văn bay khoa mục đường dài, độ cao 6.000 mét, ban ngày, trời hơi bị mù, tầm nhìn ngang rất tốt nhưng nhìn xuống đất có một lớp mù, chỉ bay có sáu cây số, độ cao nhìn xuống đất chỉ thấy những cánh đồng, con sông, những quả đồi như được phủ một lớp bột mỏng… Đường bay tập, cạnh số 1, Nội Bài-Tuyên Quang. Cạnh số 2, Tuyên Quang-Đồng Mỏ. Cạnh số 3, Đồng Mỏ-Nội Bài. Văn cất cánh chuẩn xác, bay hết cạnh số 1 đúng quy định. Văn báo cáo “Qua điểm 1”, anh làm động tác lượn vòng bên phải, sau khi “cải bằng”, mũi máy bay theo hướng Đồng Mỏ, máy bay của anh bỗng như có ai đó kéo xuống, độ cao giảm rất nhanh. Sĩ quan dẫn đường mặt hiện sóng Ngọc Đào nhìn trên chiếc radar đo cao Mig-17 do Văn lái bất ngờ lao xuống đến độ cao 2.000 mét. Ngọc Đào hét: “04 chú ý, độ cao giảm rất nhanh”, Văn trả lời: “Không, tôi đang bay lên”. Biết Văn đã bị “cảm giác sai”, Ngọc Đào bóp micro ra lệnh “04 kéo cần lái vào trong bụng, chấp hành lệnh ngay…”. Văn trả lời: “Nghe rõ, tôi kéo cần lái vào trong bụng, máy bay đang bay xuống”. Ngọc Đào ra lệnh tiếp: “Tốt, tiếp tục kéo cần lái vào bụng, để góc lên 15 độ”. Bấy giờ, Lâm Văn đã tỉnh, anh nhận ra mình bị “cảm giác sai”. Lúc đó, độ cao của anh chỉ còn chưa tới 1.000 mét. May mà máy bay không lao xuống đất. Anh buộc phải hạ cánh ở một sân bay khác. Có lẽ “cảm giác sai” đã ám ảnh Lâm Văn, làm cho anh không dám mở miệng bình giảng cho đồng đội về bay, cho dù anh đang là chủ nhiệm bay. Lâm Văn đứng lên, mạnh mẽ :

- Anh Thành phát biểu, theo tôi, rất có lý. Tôi đề nghị Trung đoàn trưởng cho bay thử ứng dụng chiến đấu ở các độ cao để xác định chính xác tính năng của Mig-17. Xin phép cho tôi và anh Trà cùng bay biên đội cắt bán kính, lượn vòng, vọt lên lấy độ cao. Sĩ quan dẫn đường sẽ ghi chép từng động tác ở từng độ cao, chúng ta sẽ có một bảng so sánh. Từ đó, chúng ta có thể kết luận, nên đánh ở độ cao nào là thế mạnh của chúng ta.

Đào Đình Luyện rất hài lòng. Ngoài những cuộc họp, ông có hàng chục cuộc gặp gỡ riêng, ở đâu ông cũng gặp những gương mặt nhiệt tình, những động cơ chiến đấu trong sáng, ai cũng muốn đóng góp, mọi người đều muốn lập công. Đến với bộ phận dẫn đường ông đề cập đến chiến thuật không chiến, đến sự phối hợp giữa phi công và dẫn đường, đến sự phối hợp giữa sở chỉ huy và kíp dẫn đường ở radar. Ông tập trung cho huấn luyện bay địa hình, ông lo lắng về công tác tổ chức chỉ huy và hiệp đồng với cao xạ bảo vệ sân bay… Trong những ngày này, Đào Đình Luyện phải đối mặt với một thực tế. Máy bay của chúng ta vừa ít, vừa kém về tính năng chiến đấu so với máy bay của Mỹ, chúng ta phải đánh như thế nào để vừa có thể bảo tồn lực lượng, vừa rèn luyện bản lĩnh, vừa phát triển được lực lượng, để chiến đấu lâu dài. Điều đó đã làm cho ông mất ăn, mất ngủ.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2007, 10:50:21 pm »

Chiếc xe “đít tròn” chở thượng tá Nguyễn Văn Tiên đậu trước nhà trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện. Ông bước như dồn người về phía trước. Đào Đình Luyện bước ra chào ông ở cửa:

- Thưa Tư lệnh,…

Nguyễn Văn Tiên vỗ vai Trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ, nhỏ nhẹ:

- Anh Luyện, giữa tôi và anh, chúng ta tuổi xấp xỉ nhau, nói về cấp bậc thì…, mà thôi. Tôi muốn chúng ta bỏ chuyện xưng hô kèm theo chức vụ để chúng ta tâm sự dễ hơn. Chỉ trừ, trước đội ngũ, được không?

- Cảm ơn anh, vậy thì…

- Từ nay, anh gọi tên tôi là được, tôi cũng sẽ gọi anh như vậy, được không?

- Vâng, anh Tiên, tôi muốn báo cáo. Về chuẩn bị chiến đấu, chúng tôi đã làm xong, so sánh lực lượng quá lớn. Anh em phi công và cán bộ chỉ huy vẫn có cách suy nghĩ rất lãng mạn. Tôi rất lo, nếu mang tư tưởng đó lên trời từ thắng trở thành thua không mấy lúc. Tôi sợ, khi đó, tư tưởng hoang mang sợ địch rồi dao động thì thật là nguy.

Nguyễn Văn Tiên biết rõ tình cảm đó, nó giống như ông thuở đánh giặc ở Nam bộ thời kỳ đầu kháng chiến. Ông nói:

- Tôi rất hiểu tình cảm của anh em. Anh Luyện, ta có nên nói thẳng cho anh em biết để thật bình tĩnh trước và sau chiến đấu?

- Thưa anh, thật ra, nếu chỉ có tính năng chiến đấu máy bay Mỹ vượt trội chúng ta, điều đó không có gì phải nói. Anh em phi công biết rõ ta kém Mỹ về máy bay và giờ bay tích luỹ. Mà giờ bay của phi công nó quan trọng lắm.Vấn đề đặt ra là tinh thần chiến đấu, bọn Mỹ có hơn chúng ta?

- Tôi và anh, chẳng có điều gì chúng ta phải giấu. Theo anh, bọn Mỹ có tinh thần chiến đấu bằng chúng ta không?

Đào Đình Luyện không cần phải suy nghĩ, ông nhớ đến Long, một sĩ quan trẻ, dẫn đường ở sở chỉ huy binh chủng. Đã có lần Long tâm sự thật lòng: “Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng người Mỹ không có tinh thần chiến đấu và chúng ta thắng vì có tinh thần chiến đấu thì thật là ngây thơ...”. Ông nói:

- Tôi phải nói điều này. Nhưng anh không nên la rầy cậu ấy…

Nguyễn Văn Tiên cười lớn:

- Ông Luyện ơi, tôi mà ông, tôi nghĩ ông hiểu tôi hơn ai hết. Tôi biết, ông đã từng là cán bộ chính trị trước khi trở thành cán bộ quân sự. Tôi cũng vậy. Chỉ có điều tôi bình an hơn ông.

Đào Đình Luyện lảng tránh chuyện về bản thân ông, ông không thừa nhận cũng không phủ nhận. Cuộc đời đầy bi kịch của riêng ông, ông không muốn thổ lộ với bất kỳ ai. Ai hiểu thế nào tùy họ. Ông không muốn nhắc đến, Đào Đình Luyện hỏi:

- Anh chắc biết rõ cậu Long, sĩ quan dẫn đường của binh chủng?

- Có, tôi có biết. Cậu ấy là một con người trung thực và thẳng thắn.

- Anh ta nói với tôi về những người Mỹ rằng: “Người Mỹ, sĩ quan Mỹ rất hãnh diện là công dân một nước hùng mạnh nhất thế giới. Và, chúng ta nghĩ rằng tinh thần chiến đấu của phi công Mỹ kém là một điều sai lầm. Người Mỹ có kỹ thuật, có kỷ luật và có tinh thần chiến đấu. Muốn thắng Mỹ ngoài ý chí chiến đấu của chúng ta hơn Mỹ, trí tuệ của chúng ta cũng phải hơn”.

Nguyễn Văn Tiên vỗ đùi nói lớn:

- Đúng, đánh thắng thằng hèn có vinh quang gì. Đánh thắng một thằng kiêu hãnh mới đáng mặt. Có điều, về trang bị kỹ thuật chúng ta còn quá yếu. Nhưng chúng ta không sợ.

Nét mặt Đào Đình Luyện rạng rỡ, ông có người chia sẻ những tâm sự giấu kín trong lòng từ lâu lắm rồi không có ai để giãi bày. Ông nói chậm rãi:

- Anh Tiên, Bác Hồ của chúng ta, suốt cuộc đời của Người không sợ bọn thực dân, kể cả lúc đất nướcViệt Nam của chúng ta còn bị đô hộ. Mới đây,…

Đào Đình Luyện dừng lại, ông vừa như tâm sự, vừa như nói với chính mình:

- Anh còn nhớ, trong biên đội bay chuyển trường về nước của tôi, phi công bay ở vị trí số 3 ?Ông ta là một chuyên gia giỏi, có kỹ thuật bay tuyệt vời, giờ bay đã hơn 2.000, có thể nói động tác bay, kỹ thuật lái vào loại siêu đẳng. Ở Trung Quốc anh ta là phi công cấp 1.                       

Thượng tá gật đầu:

- Có, tôi có biết, anh ta tên là…                   

- Tào Minh.                                                         

- Dáng cao, da trắng, mắt hai mí, lông mày rậm, miệng nhỏ, mắt nhỏ…                             

Đào Đình Luyện nhớ lại:

- Mới hôm qua, anh ta đến phòng làm việc của tôi. Trong câu chuyện cởi mở, anh ta nói: "Tôi đã từng không chiến với người Mỹ. Hồi đó, trên vùng trời Triều Tiên, ta có Mig-17, Mig-15. Còn người Mỹ có F-84 và F-86, đó là loại máy bay tiêm kích có tính năng ngang với Mig-17. Nhưng, chúng tôi đã không thắng. Bây giờ, họ có loại F-105, F-4, tính năng hơn hẳn Mig-17, tốc độ hơn hai lần tốc độ âm thanh, vũ khí là những tên lửa rất tinh vi, bắn xa trên 4 ki-lô-mét, rất hiện đại…". Anh ta nói với tôi bằng tất cả sự sợ hãi và "thần tượng" người Mỹ rất lạ. Dường như, để nhấn mạnh sức nặng lời của anh ta, Tào nói với tôi về một việc thuộc kỹ thuật, rằng: " Ở trên trời, ý chí chiến đấu rất cần. Nhưng, cần hơn là máy bay hiện đại và vũ khí hiện đại…".

Tư lệnh không quân tập trung nghe trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ, ông có cảm giác người nói chuyện với ông có tâm sự và đang cân nhắc để có một quyết định sáng suốt. Đào Đình Luyện là người đứng đầu một đơn vị, người chỉ huy một trung đoàn không quân tiêm kích, cả nước chỉ có một trung đoàn, trách nhiệm đè nặng. Điều mà Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên biết rõ người phi công- chỉ huy này, đó là một cán bộ đã từng vào sống ra chết, đã từng vượt lên sự dằn vặt của cá nhân để đứng vững và chiến thắng. Đào Đình Luyện, một con người biết trọng danh dự và có nhân cách cao, tư lệnh rất kính trọng, ông nói:

- Ông Tào nói cũng có điều đúng. Nếu nói một cách sòng phẳng về học thuật quân sự thì ai mạnh về số lượng và chất lượng, người đó sẽ thắng. Với một phép tính so sánh đơn giản, chúng ta khó mà thắng nổi bọn Mỹ.                             

Đào Đình Luyện nhìn Tư lệnh, nói:

- Ông Tào nhiều lần khuyên tôi nên xin loại máy bay khác. Ông ta không tin Mig-17 có thể đánh nhau được với không quân Mỹ. Ông ta đã nói thẳng với tôi: "Anh chỉ có một trung đoàn, hơn 30 chiếc Mig-17 với gần 30 phi công đánh được bao lâu?". Ông ta nói: "Trung đoàn của anh lúc đầu tuyển hơn 60 cán bộ. Sang Trung Quốc mới học xong lý thuyết và bay sơ cấp chỉ còn lại 43 người. Chuyển qua học Mig-15 chỉ còn 31 đến nay… Đào tạo một phi công lâu lắm. Những người còn lại rất quý. Nhưng đánh với không quân Mỹ, chỉ vài tháng là hết sạch. Mig-17 làm sao mà đánh Mỹ được".                       

Nguyễn Văn Tiên không phải là một phi công. Nhưng ông hiểu đào tạo được một người lái máy bay để có thể chiến đấu được rất tốn kém. Người Mỹ đã tính toán, số tiền để đào tạo được một phi công chiến đấu có thể mua vàng đúc lại bằng trọng lượng cơ thể của con người đó. Ông nói:

- Ở trên trời, tốc độ máy bay, tính năng cơ động và vũ khí có sức tiêu diệt lớn là yếu tố rất quan trọng, có thể nói, gần như quyết định kết quả không chiến.                             

Đào Đình Luyện gật đầu, ông không phản đối tính năng kỹ thuật quyết định sức mạnh của không quân trong chiến đấu ở trên không. Nhưng, yếu tố con người ? Đào Đình Luyện hết sức tỉnh táo để nhận ra con người Việt Nam. Những chiến sĩ của ông có điều gì đó khác thường và ông tin họ. Ông biết rất rõ những phi công, những người thợ máy, những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của ông. Đặc biệt là những phi công chiến đấu và lớp sĩ quan dẫn đường, họ biết cách để hóa giải những khó khăn, những điểm yếu của chúng ta để chiến đấu thắng lợi. Ông nói :

- Anh Tiên, tôi biết, anh em sẽ hóa giải những điểm yếu của chúng ta. Nhưng, những ngày vừa qua, áp lực từ những người bạn và các mối quan hệ đã thực sự trở thành những trận không chiến dữ dội trong lòng tôi dù những trận không chiến trên bầu trời chưa diễn ra.                   

Tư lệnh bật cười, ông không tin những điều Đào Đình Luyện vừa nói lại trở nên nghiêm trọng làm cho một cán bộ cấp sư đoàn như Đào Đình Luyện phải lo nghĩ, ông hỏi:

- Thế, thật sự, anh ta muốn gì?                               

- Có lẽ…                               

-  Anh trả lời ông ta thế nào?                         

- Tôi nói, tất cả những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam sẽ do người Việt Nam chúng tôi đảm nhiệm. Người Việt Nam chúng tôi bắt đầu đánh Pháp bằng gậy tầm vông vạt nhọn, bằng súng kíp, bằng mã tấu. Người Mỹ có máy bay và vũ khí hiện đại, rồi… chúng tôi sẽ đánh Mỹ bằng vũ khí mà chúng tôi có. Chúng tôi sẽ bắn rơi máy bay Mỹ bằng Mig-17.                                                                           

Nguyễn Văn Tiên chìa tay, Đào Đình Luyện nắm lấy bàn tay to lớn của Tư lệnh.

Nguyễn Văn Tiên cười lớn :

- Đúng, rất đúng! Chúng ta sẽ đứng vững bằng chính trên đôi bàn chân của chúng ta. Hoan hô anh Luyện, anh quả là một cán bộ quân sự đang làm công tác chính trị.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:30:33 am »

Đô đốc Sharp, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, chủ trì một cuộc họp rất quan trọng ở một khu nhà thuộc phi trường Tân Sơn Nhất, giới quân sự Mỹ đặt cho nó cái tên gợi nhớ đến cơ quan của bộ quốc phòng Mỹ, đó là "Lầu Năm Góc ở phương Đông". Khu nhà nằm bên đường ra nhà ga hành khách của phi trường. Gian phòng rộng, bên trong treo bản đồ nổi khu vực biển Đông và Việt Nam. Đô đốc Black ngồi bên phải Sharp, Mc Bundy, phái viên của Tổng thống Mỹ ngồi bên trái trên chiếc bàn hình vành khăn rộng. Tất cả sĩ quan từ cấp thiếu tướng trở lên đều có mặt. J. Paul nhìn rất lâu người chỉ huy của mình, ông ta liếc sang tấm bản đồ nổi được gắn ở phía sau lưng Đô đốc Sharp, đèn chiếu ánh sáng vàng ở xung quanh tấm bản đồ làm cho nó nổi lên như đang bay trên địa hình.

Những đèn đỏ nhỏ bằng đầu đũa được gắn vào những vị trí quan trọng ở Bắc Việt Nam. Phi trường Nội Bài được bố trí loại đèn rất nhỏ liên tục thành hai vạch, kèm theo một chiếc Mig-17 màu đỏ. Trên bản đồ đã có những vạch màu đỏ đánh dấu giới hạn của chiến dịch đánh Bắc Việt Nam và các khu vực trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Việt Nam với những màu sắc khác nhau. Đô đốc Sharp nhìn thấy Thiếu tướng không quân Ronal Fegan phụ trách quân báo không quân ở Thái Bình Dương và Nayer, Tư lệnh không quân Mỹ ở Nam Việt Nam bước vào phòng họp. Sharp nhắc:

- Hai vị vừa bước vào, trễ 5 phút. Như vậy nếu tốc độ trung bình của Phantom là 900 km/giờ, nó đã bay được 75 km. Tôi lưu ý, phải có kỷ luật trong giờ giấc của không quân. Đối với chúng ta thời gian là máu. Các vị nên nhớ.

Hai viên tướng sợ hãi, vội vã ngồi vào vị trí, hai tay để lên trên quyển vở ghi chép, mắt nhìn lên…

Đô đốc Sharp nói tiếp:

- Tôi sẽ phổ biến ngay sau đây lệnh của tướng Earle. G. Wheeler, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân vừa được tổng thống mới đắc cử Lindon Johnson bổ nhiệm thay cho Đại tướng Maxwell Taylor. Tôi nhấn mạnh, chúng ta đã bước sang giai đoạn chiến tranh với Bắc Việt Nam. Và, như lần trước, tôi đã ủy nhiệm cho Đô đốc Black phổ biến đến các vị giai đoạn chuẩn bị chiến đấu. Đến lúc này, tôi tuyên bố, theo lệnh của tướng Wheeler thừa ủy nhiệm của Tổng thống, chúng ta sẽ đánh Bắc Việt Nam với ba lý do rất rõ ràng: Một là, ngày 7 tháng 2 vừa qua Việt Cộng đã dùng mìn, pháo binh tấn công vào một sở chỉ huy của quân đội Nam Việt Nam và căn cứ không quân Mỹ gần Pleiku, cách Sài Gòn 240 dặm về phía Bắc, 8 quân nhân Mỹ bị chết và hơn 100 người bị thương, ngay khi ngài Mc Bundy, đang ngồi ở đây, có mặt tại Sài Gòn. Tổng thống ra lệnh trả đũa bằng không quân vào Bắc Việt Nam. Hai là, chúng ta tấn công Bắc Việt Nam để nói cho Bắc Việt Nam biết rằng họ phải chấm dứt ủng hộ Việt Cộng. Ba là, nếu chúng ta không ngăn chặn làn sóng cộng sản Bắc Việt Nam, sẽ là thảm họa cho Mỹ và thế giới tự do, nếu để cho Đông Nam Á bị cộng sản thôn tính. Sau đây ông Mc Bundy sẽ phát biểu về kế hoạch, hay nói đúng hơn là một chính sách ném bom Bắc Việt Nam.

Mc Bundy, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, người tầm thước, trán rộng, đeo kính râm, đôi mắt sáng, dáng sang trọng, áo veston màu kem, tóc chải ngược ra phía sau. Bundy đứng lên, khiêm nhường:

- Thưa quý vị, các tướng lĩnh thân mến, tôi thấy cần phải nói rõ tình hình, và vì sao đưa đến quyết định của Tổng thống tấn công Bắc Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, Việt Cộng tấn công phi trường Biên Hòa, gây nên thảm hoạ lớn nhất cho quân Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai. Nhưng chúng ta kiềm chế, chúng đang bận bầu cử tổng thống, do đó chúng ta đã đưa ra lời cảnh cáo. Vậy mà Việt Cộng không coi đó là lời nói nghiêm túc của chúng ta, họ phớt lờ và gây ra trận ngày 7 tháng 2 năm nay. Tôi xin thay mặt cho tất cả các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia khẳng định: “Tình hình ở Việt Nam đang xấu đi. Nếu Mỹ không có hành động mới thì… sẽ dẫn đến thất bại. Nguy cơ thất bại của Mỹ là cực kỳ cao. Uy tín quốc tế của Mỹ và phần lớn ảnh hưởng của chúng ta đang đứng trước nguy cơ trực tiếp ở Việt Nam”. Dân chúng ở Nam Việt Nam không đứng đằng sau chúng ta. Không thể có chuyện trút gánh nặng lên cho chính người Việt Nam vì họ không thể làm được. Cũng không có chuyện thương lượng để đưa chúng ta ra khỏi Việt Nam vì… hiện không có bất kỳ khả năng hứa hẹn nào. Một sự rút quân bằng thương lượng hôm nay sẽ có nghĩa là đầu hàng từng bước… Tổng thống đã quyết định ném bom Bắc Việt Nam cho dù Thủ tướng Nga Alexei Kossygin ngày mai sẽ có mặt ở Hà Nội. Tổng thống quyết định một chính sách ném bom từng bước và kéo dài ở Bắc Việt Nam. Mục tiêu của chúng ta, về lâu dài sẽ đánh bại ý chí của Bắc Việt Nam, khiến họ giảm sự ủng hộ đối với Việt Cộng hoặc phải thương lượng. Trước mắt, tôi tin rằng ngay lập tức tinh thần lạc quan của miền Nam sẽ tăng mạnh.

Bundy dừng lại, nhìn khắp gian phòng họp, đó là thói quen của ông ta nhằm kiểm tra, thăm dò những người dự họp. Ông ta dùng ngón giữa đẩy gọng chiếc kính cận một cách điệu nghệ. Đôi mắt to, diềm nâu ở khóe làm cho bộ mặt vốn hiển hiện sức lôi cuốn của ông đã trở nên có thần sắc của sự thông minh, uyên bác. Bundy đứng ở vị trí những người quan trọng nhất trong cuộc họp. Gian phòng tràn ngập ánh sáng, những bức phù hiệu không quân và hải quân treo ở khắp các cây cột. Trên trần nhà, giữa phòng họp là quốc huy nước Mỹ. Nghĩa là ở đây không có bất kỳ người Việt Nam nào được vào, toàn bộ khu vực từ người gác cổng cho đến người làm vệ sinh, phục vụ đều là người Philippines. Các quan chức Việt Nam, kể cả Tổng thống Sài Gòn muốn vào đây đều phải được phép của người chỉ huy ở đây và được đón tiếp tại phòng tiếp khách. Phòng họp này không có bất kỳ hệ thống thông tin có dây nào được phép đặt, bên trong và bên ngoài qua một bức tường cách âm loại đặc biệt, có hệ thống cảnh giới bằng caméra. Bundy nhìn xuống, trong phòng họp hơn hai mươi người trên ve áo có ít nhất là hai sao. Tầm quan trọng của cuộc họp đã rõ. Điều nghiêm trọng chính là phong cách của Sharp và Bundy. Bundy đứng hồi lâu, chậm rãi:

- Tôi đã có một bản kiến nghị gởi Tổng thống sau khi sang Việt Nam hồi đầu tháng, để có cái nhìn toàn diện và đánh gíá triển vọng về một chính phủ của Việt Nam. Tôi trở về Mỹ, hôm nay tôi lại có mặt ở đây để nói rõ cho quý vị quyết định của Tổng thống. Bắt đầu từ 17 tháng 2 chúng ta bỏ cái khái niệm đánh trả đũa bằng một khái niệm khác, đó là “chiến dịch gây sức ép”, nghĩa là chúng ta áp dụng một chính sách ném bom từng bước và kéo dài. Chúng tôi đã thống nhất hành động đó và xin mời Đô đốc Sharp.

Sharp mặc quân phục, trên ve áo bốn ngôi sao và phù hiệu hải quân trên ngực. Sharp là một trong ít số sĩ quan có bằng tiến sĩ hàng không. Một sĩ quan nghiêm khắc và có kỷ luật. Sharp có cách ăn nói thận trọng, phù hợp với nghề nghiệp chỉ huy cấp cao, xứng đáng được tín nhiệm, đứng đầu một trong ba vùng chiến lược ở nước ngoài của Mỹ. Sharp đứng lên:

- Bắt đầu từ ngày mai, bản đồ Bắc Việt Nam, được chia thành bảy vùng: Vùng 1 từ giới tuyến cho đến đèo Ngang. Vùng 2 từ đèo Ngang đến núi Hồng Lĩnh. Vùng 3 toàn bộ tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Vùng 4 bao gồm phía Nam sông Hồng đến đường số 6 nối từ Hà Nội và Hòa Bình. Vùng 5 toàn bộ phía tây sông Hồng đến đường số 6. Vùng 6A toàn bộ phía Đông sông Hồng – Bắc Hà Nội đến đường số 1, Hà Nội – Lạng Sơn. Vùng 6B, khu vực ven biển, Hải Phòng đến đường số 1. Tôi đã giao cho không quân ở Thái Lan và Nam Việt Nam phụ trách vùng 1, vùng 5 và vùng 6A. Không quân của hải quân phụ trách vùng 2, 3, 4 và 6B. Còn những nấc thang đến đâu sẽ có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Taylor đã vạch sẵn, tướng Wheeler không có bổ sung gì thêm, cho phép thực hiện những bước đi cụ thể để thực hiện lệnh của Tổng thống mà ngài Bundy vừa nói chúng ta sẽ gây sức ép từ từ nhằm làm cho Hà Nội đầu hàng. Những bước đó như trên bản đồ.

Các tướng lĩnh chồm lên, dán mắt nhìn vào tấm bản đồ nổi trên tường, ở phía sau lưng Sharp và Bundy. Đó là những đường ngang và dọc, thậm chí là những đường chéo, bên cạnh ghi rõ tháng và năm thực hiện. Bundy nhìn các tướng lĩnh, có người kéo chiếc kính trắng xuống để nhìn cho rõ, có người trợn mắt… dường như họ chưa nắm chắc. Bundy nói nhỏ với Đô đốc Sharp, Sharp gật đầu. Bundy đứng lên, cầm que chỉ màu trắng, trên đầu có gắn một cục tròn màu đỏ, nói:

- Đây là những đường tưởng tượng, nhưng hết sức cụ thể, các ngài không được vượt qua, nếu không có lệnh của Tổng thống. Chúng ta cần phải hiểu, không lực của chúng ta đánh Bắc Việt Nam là để phục vụ cho ý đồ chiến lược của Tổng thống và của nước Mỹ, nếu làm sai, kế hoạch bị phá vỡ, có khi hậu quả không lường trước được. Ví dụ như vùng cấm 30 dặm cách biên giới với Trung Quốc, không được đánh vào đó. Khu vực bán kính 10 dặm ở Hà Nội và 5 dặm ở Hải Phòng, Tổng thống chưa cho đụng chạm từ nay cho đến tháng 7 năm 1966. Tạm thời chia các bước "gây sức ép"từ xa đến gần như sau: Bắt đầu từ ngày mai cho đến tháng 3 năm 1965 được phép đánh đến ngang núi Hồng Lĩnh, phía Nam thành phố Vinh. Tháng 4 năm 1965 đến vĩ tuyến 21 tức là phía bắc cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Tháng 6 năm 1965, đến tuyến cửa Bà Lạt tỉnh Ninh Bình, tỉnh lỵ Hòa Bình -Sơn La và Điên Biên Phủ. Tháng 8 năm 1965 tuyến cửa sông Thái Bình, Hòa Bình, Yên Sơn, Yên Bái. Tháng 10 năm 1965 tuyến cửa sông Thái Bình, Hòa Bình, Tuyên Quang. Từ tháng 7 năm 1966 trở đi sẽ đánh không có giới hạn, lúc đó sẽ có lệnh cụ thể. Có vị nào còn chưa rõ, cứ hỏi.                       

Sharp nói thêm:

- Chiến dịch gây sức ép được Tổng thống trực tiếp đặt tên là "Sấm rền". Như vậy tiếng sấm sẽ báo một cơn mưa dữ dội lên đầu Bắc Việt Nam. Chúng ta là những tướng lĩnh, chỉ huy các lực lượng tinh nhuệ, cơ động và sức mạnh dữ dội nhất trên hành tinh này. Chúng ta cũng tự biết, chiến tranh bao giờ cũng tạo đà để bước tiếp theo, người chỉ huy giỏi lúc nào cũng phải hướng nó theo một quy luật. Nhưng hậu quả của chiến tranh chẳng ai lường hết được. Vì vậy chúng ta cần phải chấp hành kỷ luật thật nghiêm chỉnh, không được để sai sót dẫn tới những tình huống không dự báo trước. Tôi có thể khẳng định những phi công chiến đấu của chúng ta có một động cơ mong muốn sâu sắc và cao thượng được phục vụ đất nước của chúng ta và họ sẵn sàng hy sinh khi cần để đạt mục tiêu đó.                         

Cuối cùng tại cuộc họp Sharp và Black muốn nghe ý kiến của tư lệnh hàng không mẫu hạm. Đô đốc J.Paul được mời phát biểu:

- Tôi hiểu, từ nay đến tháng 3 năm 1965, chúng tôi sẽ đánh khu vực 2, còn không quân sẽ đánh khu vực 1. Tôi nghĩ rằng, mục tiêu ở khu vực 2, hầu hết là những con đường, vài chiếc cầu, các kho hàng tập kết của Bắc Việt Nam để vận chuyển vào miền Nam hầu hết ở khu vực rừng núi. Tôi xin hỏi, tôi sẽ đánh cả ở phía Việt Nam và Lào phải không? Bởi vì, nếu không đánh bên đất Lào, Bắc Việt Nam sẽ vẫn chi viện. Nếu đúng như không ảnh ghi lại thì bên đất Lào mới là con đường mòn Hồ Chí Minh thật sự… Còn, tôi xin có ý kiến cá nhân về một vấn đề khác… Tôi cho là, trước hết phải đánh cái gốc. Không quân Bắc Việt Nam mới hình thành, đang còn bộc lộ. Nếu chúng ta bí mật tập kích, chỉ riêng hạm của tôi, có thể biến những chiếc Mig-17 ít ỏi của Bắc Việt Nam thành sắt vụn. Israel đã đánh rất có kết quả ở Ai Cập, làm cho cục diện chiến tranh thay đổi và sau đó toàn bộ vùng trời do phi công Israel làm chủ. Tôi biết, lệnh của Tổng thống, chừa các khu vực trong các vòng tròn. Nhưng, cần phải có mạo hiểm, sẽ loại được một công cụ, biết đâu điều đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn?                   

Sharp, một đô đốc, một vị chỉ huy chiến trường, ông ta từng chiến đấu với quân Nhật ở Trân Châu Cảng, khi nghe đến chuyện tập kích căn cứ của địch, tự nhiên ông ta nổi máu "yên hùng", muốn chọc trời, khuấy nước, muốn làm những chuyện vang lừng. Bundy thấy Sharp tuy chưa phát biểu, nhưng máu cộng hưởng đã được đun nóng, bèn rỉ tai :

- Thưa Đô đốc, điều ngài J.Paul vừa nói trái với mệnh lệnh của Tổng thống trong chiến lược "gây sức ép", ngài nên chấn chỉnh để không có vi phạm kỷ luật chiến trường.                             

Sharp đứng lên, tháo chiếc kính trắng vẫn đeo ở mắt xuống, rút chiếc khăn tay  ở túi quần, lau xong đeo lên, nói:

- Tôi nhắc lại mệnh lệnh: không được tự động đánh những mục tiêu không được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Riêng vùng 2, được phép đánh các mục tiêu trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở cả phía Đông và phía Tây dãy núi Trường Sơn.                     

Black bước ra khỏi ghế ngồi sau cùng, Bundy đi trước, Sharp đi sau, chiếc xe Mercedes màu đen mở cửa sẵn. Black co chân đặt lên thùng xe, bàn chân bên phải vừa co vào, người lái xe đóng mạnh cửa. Black được đưa về khách sạn Caravell, nơi dành cho sĩ quan cao cấp Mỹ.

***

Ngày 2 tháng 3 năm 1965 vào lúc 7 giờ 30 phút tối giờ Washington, Tổng thống Johnson ra lệnh tấn công Bắc Việt Nam. Ngay sau đó, trừ chiếc hàng không mẫu hạm USS Constellation đã có sẵn trên vịnh Bắc bộ, lúc đó nó đang đậu phía Đông đèo Ngang 80km, ba chiếc hàng không mẫu hạm khác như Teconderoga đang ở phía Đông thành phố Huế, đã nhổ neo di chuyển lên phía bắc, còn hai chiếc Ranger và Midway đang trên đường hành quân từ Philippines và Nhật Bản sang.

***
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:33:51 am »

9 giờ sáng tàu sân bay Constellation nhộn nhịp khác thường. Những chiếc A-4 cường kích và F-8 tiêm kích được đưa từ tầng hầm bằng thang máy lên mặt boong. Chúng được gấp rút cố định cánh và lắp bom, lắp tên lửa, toàn bộ phi công tập trung ngồi chật cứng phòng giao nhiệm vụ. Mặc dù đã được phổ biến và chuẩn bị từ hơn sáu tháng qua, tất cả phi công đều tỏ ra khẩn trương và có cái gì đó rất nghiêm trọng. Họ xì xào bàn tán, cho đến khi Phó Đô đốc R.Cash xuất hiện. Cash nói:

- Theo lệnh tổng thống, chúng ta bắt đầu tấn công Bắc Việt Nam ở khu vực từ đèo Ngang cho đến phía Nam thành phố Vinh. Mục tiêu cụ thể: Khu vực ven biển bao gồm căn cứ hải quân, các kho vũ khí ở T1, T2 và T3. Như vậy T1, chúng ta sẽ xuất kích 30 chiếc, T2 24 chiếc, T3 chúng ta xuất kích 55 chiếc.                         

Cash chiếu hình ảnh, mục tiêu phải đánh phá ở vùng 2 cho phi công xem. Bảng hình chiếu theo máy quay chiếu ngang rất chậm, chiếu đi, chiếu lại rất nhiều lần, cho đến khi đã thật quá rõ. Cash hỏi:

- Có ai còn chưa rõ? Có một mục tiêu, cho dù có phổ biến cũng không có gì quan trọng, tôi nhắc khu vực ném bom tự do khi các mục tiêu không nhìn thấy hoặc do thời tiết phi công bị che mắt. Đó là khu vực T4 ở Tây đèo Ngang. Nó là điểm có khoanh một vòng tròn, một khu vực khác có tên T4B. Đó là vùng ngã ba, chiều rộng và chiều ngang trên 3 km, ở đó là tuyến đường của một ngã ba có tên là Đồng Lộc… Thực ra đây một ngã ba rất quan trọng trong kế hoạch phân phối giao thông của Bắc Việt Nam. Tại ngã ba này, chúng ta định kỳ ném bom cắt đứt giao thông cùng với những phi vụ ném bom tự do. Ở đây sẽ biến thành sa mạc.

10 giờ hai chiếc F-8E cất cánh. Chiếc hàng không mẫu hạm USS Constellation đột ngột xoay chuyển theo hướng Đông. Tại phòng giao nhiệm vụ, chiếc màn hình 150 inchs phản ảnh toàn bộ hoạt động trên boong, hướng di chuyển đã khác với trục la bàn làm cho Phó Đô đốc Cash nheo mắt. Tất cả phi công đều đổ dồn vào màn hình. Lẽ ra, vào mùa này, gió Đông Bắc thổi cố định, chiếc hàng không mẫu hạm không phải điều chỉnh cự ly tập hợp đội hình, theo phương án đã tính toán sẵn.
Cash đã quen sự chuyển hướng của hàng không mẫu hạm chạy ngược gió để nhờ gió cộng thêm vào tốc độ cất cánh của phi cơ. Nếu không cộng thêm tốc độ gió, chỉ với tốc độ băng chuyển động, máy bay sẽ không đủ tốc độ cất cánh. Nhưng hôm nay việc xoay chuyển rất bất lợi cho phi công. Cash ấn nút gọi sĩ quan điều phối:

- Tàu đang chuyển tạo thành một góc 50 độ so với phương án. Thiếu tá đưa dự liệu gió, góc dạt vào máy tính để điều chỉnh phương án tập họp. Làm ngay đi.

Nói rồi Cash quay lại:

- Tôi phổ biến xong, chú ý góc bổ nhào, không xuống quá thấp, tầm bắn của đại liên 12 ly 7 là 800 mét. Không được xuống thấp hơn 1.000 mét. Riêng mục tiêu tỉnh lỵ Hà Tĩnh, chúng ta đặt tên là T6, hôm nay chưa đánh. Tất cả rõ rồi thì về khu vực sẵn sàng cất cánh.

Những chiếc F-8E, A-4 liên tục đưa lên mặt boong. Bây giờ, gần cột đài radar, trên 20 chiếc đã nằm gọn theo thứ tự cất cánh. Chiếc hàng không mẫu hạm đã nằm xuôi không độ so với hướng gió. Những chiếc phi cơ chiến đấu lần lượt cất cánh và tập hợp. 10 giờ 20 phút những chiếc A-4 có F-8E yểm hộ, đã tiến vào vùng trời Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh “gây sức ép” của Mỹ đối với Việt Nam.

***

Cùng lúc với cuộc tấn công bằng không quân của hải quân Mỹ vào vùng 2, tại Đà Nẵng và Phù Cát, Nguyễn Cao Kỳ tự mình dẫn đầu một phi đoàn gồm 30 chiếc AD-6, cất cánh, vượt qua Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, bay qua vùng trời Vĩnh Linh lao về Đồng Hới. Radar trên hạm khu trục chỉ huy của Mỹ phát hiện. Người Mỹ đã sử dụng tín hiệu khẩn cấp báo động toàn cầu để báo cho Kỳ biết không được tiến ra khu vực người Mỹ đang hoạt động. Kỳ nhận được tín hiệu cảnh cáo khi hắn đang ở phía Đông tỉnh lỵ Đồng Hới. Nhìn thấy những chiếc F-8 lập thành hành lang bảo vệ bên ngoài cột khói và những chiếc A-4 của người Mỹ đang bổ nhào, Kỳ biết, nếu lao vào khu vực khói bom để đánh hôi, hắn sẽ bị bắn rơi. Kỳ hậm hực gọi:

- Vòng lại, theo tôi. Trở lại khu vực Vĩnh Linh.

Những chiếc AD-6 chậm chạp, tốc độ nhỏ, bom đạn nặng nề vòng ra biển quốc tế, trở lại. Từ độ cao 3.000 mét, vượt qua đảo Cồn Cỏ, máy bay của Kỳ nhìn thấy khu vực Vĩnh Linh. Nhà cửa nhỏ xíu như những chiếc mô hình, từ trên cao, Kỳ ra lệnh:

- Ném bom vào khu dân cư… Bổ nhào… Trừ khu nhà ở đầu cầu và chiếc cầu sắt không được đánh. Còn lại đánh tất cả.

Chiếc AD-6 của Nguyễn Cao Kỳ nghiêng cánh, chuẩn bị bổ nhào vào một khu nhà có hình dạng một trường học, Kỳ nghe trên đối không một phi công lạc giọng:

- Tôi bị bắn, máy bay khó điều khiển… nó bốc cháy.

Kỳ hét lên :

- Thằng nào? Cố lái ra biển, nhảy dù xuống biển, có tàu cứu nạn…

Kỳ nhìn xuống mục tiêu. Lá cờ đỏ nhỏ xíu đập vào mắt hắn. Kỳ cho chiếc AD-6 bổ nhào vào nơi có lá cờ đỏ, mắt hắn trợn lên, hét:

- Tao nhào xuống cắt bom vào trường học, vào lá cờ đỏ, ha… ha…

Tiếng cười lạc giọng, bộ ria tép đung đưa. Thấy lửa đầu nòng súng dưới mặt đất chớp chớp liên tục, Kỳ vội vã cắt bom, lượn vòng… Nhưng, máy bay vừa thăng bằng, Kỳ nghe tiếng động rất mạnh vào máy bay, một viên đạn trúng vào thân bên cạnh ghế ngồi của Kỳ, đầu đạn xuyên vỏ thép, đụng nóc buồng lái, va chạm mạnh vào miếng mê- ca trắng ở trước mặt, miếng mê ca bị nứt, viên đạn không xuyên ra được bên ngoài, rơi xuống ngay dưới chân Kỳ. Một viên, hai viên nữa trúng thân và cánh, hắn tái mặt lắc mạnh cần lái, may mà hệ thống điều khiển còn tốt và viên đạn không trúng thùng xăng… Kỳ nhìn ra bên ngoài, máy bay đã ra ngoài biển, hắn hoàn hồn. Máu quậy nổi lên, Kỳ thò tay nhặt viên đạn đồng còn nóng cho vào túi chiếc áo bay với ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Đây là món quà, dành cho nàng Tuyết Mai”…

***

Ngôn được nghỉ hai ngày, anh rời đơn vị vào 7 giờ sáng ngày chủ nhật, sau khi ăn sáng xong. Sáu đưa Ngôn ra bến xe Phù Lỗ bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng Sáu được phân phối, sau khi bốc thăm. Chiếc xe màu cỏ úa, gióng ngang, đạp nhẹ. Sáu chở Ngôn qua cổng gác. Ngày chủ nhật, chiến sĩ bảo vệ cũng dễ dàng hơn, nhưng ông Tám cản đường. Sáu dừng xe hỏi:

- Có chuyện gì vậy, ông Tám?

Ngôn xuống xe, Sáu hai tay giữ chiếc xe. Ông Tám nói:

- Xuống xe đi anh Sáu, tôi có câu chuyện muốn nói.

Sáu sốt ruột, giọng khó chịu:

- Ông Tám ơi, thằng này nó cần đi gặp con Hồng, từ ngày về nước đến nay bao nhiêu tháng rồi, ông có nhớ không?

- Nhớ, hơn bảy tháng. Nhưng vài phút đáng là bao. Thôi, tôi nói vắn tắt.

Ngôn bước lại gần ông Tám, giục:

- Anh Tám, nói đi, tôi nghe.

- Tôi biết hôm nay anh Ngôn về Hà Nội, nhờ anh lại nhà tôi ở đầu cầu, cho tôi gởi ít đường và xà phòng cho mẹ nó. Anh nói giúp, đơn vị đang sẵn sàng chiến đấu, vài hôm nữa tôi về.

Ông Tám cầm gói nhu yếu phẩm trao cho Ngôn, ông nói thêm:

- Chắc là cô Hồng mừng lắm, may mà…

Sáu nói ngay:

- Không đâu ông , tối qua chúng tôi đã được phổ biến. Bọn Mỹ đã đánh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đài nước Anh đưa tin Nguyễn Cao Kỳ tư lệnh không quân ngụy vác AD-6 ra đánh Vĩnh Linh.

- Thôi, anh Ngôn đi đi, tôi chỉ nhờ chừng đó. Coi bộ thằng Kỳ theo đóm ăn tàn, hung hăng dữ. Có lẽ, chúng ta phải cho nó một bài học.

Ngôn đến bên cạnh ông Tám, nắm tay ông:

- Đánh giặc không đơn giản, chúng ta không thể dùng đại ngôn được. Có lẽ phải bằng trí thông minh của người lính, ông à.

Ông Tám ngẩng mặt rạng rỡ:

- Đúng lắm, tôi chỉ lo các anh phổi bò thì … thật là tai hại.

Sáu cười tít mắt, cánh tay rất dài chụp vai ông Tám:

- Chúng tôi đang xem lại mình dữ lắm. Ông cố gắng, mọi người cùng cố gắng, thế nào ta cũng đánh được.

Sáu lên xe. Ngôn ngồi sau xe. Họ vẫy chào ông Tám, người chiến sĩ già, ngày ngày lái xe đưa họ ra tuyến trực ban để bay. Ông biết các phi công đang ráo riết chuẩn bị cho lần “đọ cánh” đầu tiên với Mỹ. Ngày ngày, ở đơn vị, không lúc nào không bàn về không chiến, về tránh tên lửa.

Ngôn đi rồi, Sáu trở về, ông Tám vẫn ngồi bên vườn hoa cột cờ. Sáu sà lại chống xe, hỏi:

- Ông Tám ơi, ông trồng hoa, điều ông nghĩ trước tiên là gì?

- Tôi không dám nghĩ điều gì lớn lao. Tôi chỉ cầu mong các anh bình an, đánh thắng.

Sáu cảm động. Nhìn ông Tám hồi lâu, rút trong túi áo bay bao thuốc Điện Biên, mời ông Tám, Sáu châm lửa:

- Ông à, đánh nhau sao tránh khỏi hy sinh. Vấn đề là đừng để hy sinh một cách ấu trĩ mà thôi.

Ông Tám vỗ đùi:

- Chà, tuyệt lắm, bọn Mỹ mạnh, giáp mặt đừng để yếu bóng vía, đừng để vì sợ mà chết, dù cho hy sinh cũng phải ngẩng mặt. Này, anh Sáu, Ngôn có vẻ hiền quá…

- Đúng là Ngôn rất hiền. Nó ít nói nhưng bay rất giỏi. Nó sẽ là một phi công cự phách. Chúng tôi thương nó. Cha liệt sĩ, mẹ và anh ở lại miền Nam, ở ngoài này chỉ có một mình, nó không có ai ngoài con Hồng.       

- Cầu mong cho anh ấy hạnh phúc. 
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:36:02 am »

Ngôn về tới Hà Nội, đến ngay nhà anh Tư. Nga thấy Ngôn bước vào đã reo lên:

- Ngôn, chờ chút, đừng đi đâu, con Hồng đi chợ sắp về.

- Cám ơn chị Nga. Anh Tư đâu rồi?

- Ảnh đi gởi thơ về Nam. Hồi còn kỳ hạn hai năm, ảnh có nhận được một bưu thiếp, ảnh mừng lắm. Bây giờ, nhờ con đường ở Campuchia, có người quen, gởi qua đó, rồi ở đó cho vô phong bì khác gởi về quê.

Tư về, Ngôn đứng dậy, Nga rót nước. Vừa lúc ấy, Hồng bước vào nhà, thấy Ngôn, Hồng chững lại, hai tay cầm thực phẩm sắp buông. Nga vội chạy lại đỡ tay Hồng. Trong lúc đó Ngôn đứng bất động nhìn Hồng không chớp mắt. Tình cảm bất chợt xộc đến làm cho Ngôn và Hồng xúc động. Ngôn không còn thấy gì ngoài Hồng đang đứng. Còn Hồng, hết sức sung sướng, tim rộn ràng đập mạnh, mặt nóng, môi nóng. Hồng thấy trời đất quay cuồng, nỗi nhớ Ngôn tràn ngập. Bây giờ trong mắt của Hồng ngôi nhà bỗng biến mất, bàn ghế biến mất, anh Tư, chị Nga biến mất, trước mắt nàng chỉ có Ngôn, một mình Ngôn… Tư nháy Nga, cả hai lặng lẽ rời khỏi phòng. Ngôn nói như lạc giọng:

- Em, em… 

Hồng trả lời, nửa tỉnh, nửa mê:

- Anh, anh…                   

Ngôn thấy Hồng lảo đảo, anh bước tới, đầu Hồng ngả trên tay Ngôn. Ngôn ôm Hồng, đỡ xuống chiếc ghế băng dài bằng gỗ. Đầu Hồng tựa vào vai Ngôn. Ngôn nói:

- Anh nhớ em quá!

Bất giác, Ngôn nhìn xung quanh. Anh Tư và Nga đã không có ở trong nhà. Hồng giật mình ngồi thẳng dậy, nhìn Ngôn, hỏi:

- Chi Nga, anh Tư đâu rồi anh?           

- Chắc là…       

- Anh đi tìm anh, chị về đi. Ăn cơm rồi chúng ta…, phải có anh, chị mới được. 

Ngôn đi vào bếp, thức ăn Hồng mua Nga treo trên cột bếp. Như vậy… Ngôn đi ra đường. Đến một quán chè xanh ở góc phố, Ngôn thấy Tư và Nga đang ngồi uống nước. Ngôn đến:

- Anh Tư, chị Nga, sao lại… 

Nga xởi lởi:

- Anh Ngôn, con Hồng nó nhớ anh dữ lắm. Về với nó đi. Nó yếu đuối, anh phải an ủi nó…

- Không được, chị Nga ơi. Hồng kêu tôi đi tìm anh, chị. Thôi, việc còn lâu dài. Anh chị về đi, cả nhà cho vui.

Tư nhấc chiếc ghế đẩu thấp bằng gỗ, kéo Ngôn ngồi xuống:

- Uống nước chè đi, rồi về. Anh chị muốn để hai em tự nhiên. Có gì đâu mà ngại.

Ngôn mấp máy miệng, đỏ rần hai má, nói:

- Nhưng, tội nghiệp Hồng.

Nga ngồi sát vào Tư hơn, nghiêng đầu qua phía trước mặt Tư, hỏi Ngôn:

- Anh Ngôn, được nghỉ mấy ngày?

- Tôi chỉ được một ngày, trưa mai phải có mặt ở đơn vị. Dạo này bọn Mỹ đã bắt đầu đánh liên tục ở Nam khu Bốn. Có thể nay mai chúng tôi cất cánh, hiện đơn vị luyện tập liên tục. Nhưng cấp chỉ huy thương, cho tôi đi gặp Hồng vì từ hôm về nước đến nay, chỉ còn tôi chưa được nghỉ ngày nào.

Nga chớp chớp mắt, nói với Tư:

- Anh, Hồng chỉ ở chơi với Ngôn từ bây giờ đến chiều, tối nó phải về trường, mai nó học. Hay là,…

Ngôn ngồi không yên, anh muốn quay về nhà để gặp Hồng. Nhưng, Tư và Nga đang có kế hoạch gì đó... Tư hỏi Nga:

- Ý em thế nào?

- Bây giờ về nhà nấu cơm đãi hai đứa, rồi…

Ngôn ngăn lại:

- Thôi, chị Nga, chuyện lâu dài, tụi tôi…

Nga nói:

- Chính vì tính lâu dài cho anh và Hồng nên tôi muốn bàn thế này. Về nấu cơm, ăn xong, anh Tư chở tôi đi chợ, chiều về nấu cơm cho con Hồng ăn rồi mới về trường. Tối nay anh Ngôn ngủ một mình, được không?

- Được, tôi vẫn ngủ một mình.

Nói rồi Ngôn đứng dậy, Tư và Nga cũng dắt nhau về nhà. Hồng reo lên:

- Anh chị đi đâu vậy?

- Tụi tao khát nước, đi uống nước rồi về, Nga trả lời, vừa gọi:

- Ê, Hồng, xuống bếp, hai chị em nấu cơm, lẹ lên.

***

Trong nhà bây giờ chỉ còn Ngôn và Hồng. Trên gác xép, cũng chỉ có Ngôn và Hồng. Hồng gối đầu lên cánh tay rắn chắc của Ngôn. Xoay người úp mặt vào vùng ngực to lớn của Ngôn, Hồng hỏi:

- Em gởi thơ, anh có nhận được không?

- Được. Nhận được thơ em, anh mới về đây. Em giỏi quá.

Nâng mặt Hồng lên, Ngôn cúi xuống từ từ đặt môi anh sát vào chiếc môi đang nóng bỏng của Hồng. Họ ôm nhau thật chặt. Hồng nói:

- Anh Tư và chị Nga tốt quá, anh chị hết sức thông cảm hoàn cảnh của anh và em…

- Anh biết rồi. Nhưng, anh ngại. 

- Không sao. Lần trước anh chị có nói chuyện với em. Anh chị muốn em và anh
coi anh chị như anh chị ruột. Anh Tư đã mắc sẵn cây quạt tai voi. Anh coi kìa.

- Bây giờ đang lạnh, anh ấy mắc quạt làm gì?

- Anh chị nói, dành cho anh và em trên này, mùa đông có mền, mùa hè có quạt.
Anh coi, có đúng không?

- Đúng. Anh thật là bất ngờ. Em?

- Dạ.

Ngôn ngồi bật dậy, lưng tựa vào vách nhà. Hồng ngồi theo bên cạnh Ngôn. Anh nói:

- Nếu như, anh nói nếu như thôi, cuộc chiến đấu nào mà không có hy sinh. Nếu như người hy sinh là anh, thì em nghĩ sao?

Hồng lấy tay che miệng Ngôn, nói:

- Anh, em yêu anh, anh không được nói như vậy. Nếu anh không còn nữa thì cuộc đời này đâu còn ý nghĩa gì cho em? Anh phải sống, phải khỏe. Em học chỉ bốn năm, có thể chỉ ba năm. Em học xong, chúng ta sẽ cưới nhau. Anh và em sẽ vĩnh viễn ở bên nhau.

Ngôn nâng mặt Hồng lên, hôn. Ngôn nói nhỏ, tha thiết:

- Em xinh đẹp quá, đối với anh, trên đời này, chỉ một mình em là người phụ nữ xinh đẹp nhất, anh yêu em vô cùng. Em…

Ngôn ôm Hồng, đầu Hồng ngả hẳn vào lồng ngực Ngôn. Anh nâng mặt Hồng lên. Hồng nhắm mắt chờ đợi. Mặt Hồng nóng rực, tất cả những gì còn ngủ đều bừng tỉnh, tất cả các giác quan đều thức dậy. Hồng trả lời trong vô thức:

- Anh, em yêu anh!
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:39:16 am »

Ngôn trở về đơn vị lúc tất cả trung đoàn đang bước vào giai đoạn chuẩn bị chiến đấu trực tiếp. Ngôn bước ngay vào phòng họp. Anh nghe tiếng ông Phước đang nói trước gần năm chục cán bộ và phi công:

- Tôi được quân chủng cử sang Trung Quốc, xuống tận sư đoàn 7 Không quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nơi đã có rất nhiều phi công chiến đấu với không quân Mỹ và không quân Tưởng Giới Thạch để học về động tác chống tên lửa. Về động tác, khi phát hiện địch phóng tên lửa tức là thấy “xẹt” xanh ở cánh máy bay địch, lập tức úp máy bay, đẩy mạnh cần lái về phía trước tạo thành một góc 90 độ trở lên theo mặt phẳng đứng, tên lửa không tự lái được, buộc phải đi thẳng, ta tránh được dễ dàng. Đó là động tác rất khoa học, tuyệt đối đúng. Có thể còn những động tác khác nữa. Nhưng nó là biến ngẫu của động tác này mà ra. Tôi đề nghị, chúng ta quán triệt để thực hành trong chiến đấu.

Ngôn nhìn hàng ghế trên cùng, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện, chủ nhiệm chính trị và chính ủy trung đoàn, hết sức chăm chú lắng nghe. Nhiều phi công nhấp nhỏm, muốn có ý kiến. Phạm Minh Nhân và Thành đang vẽ và tính toán. Đào Đình Luyện đứng dậy. Quay nhìn số phi công đang sôi động, ông nói :

- Chúng ta đang bàn một vấn đề hết sức cụ thể để bảo tồn đánh lâu dài và phát triển lực lượng về sau. Các đồng chí hãy phát biểu và tranh luận, anh Phước chủ trì buổi thảo luận.

Trần Chung giơ tay rụt rè. Anh là một trong số phi công có kỹ thuật tốt. Dáng mập, đen, lông mày rậm, miệng rộng, mắt một mí, chiếc mũi khá to, thoạt nhìn anh có vẻ một nông dân hơn là một phi công. Chung đứng lên:

- Tôi chưa có kinh nghiệm, chưa có thực tế. Chúng ta hãy thử đặt một giả thiết và tính toán xem kỹ thuật tránh tên lửa anh Phước vừa phổ biến có thực hiện được không? Đúng như Trung đoàn trưởng nói, vấn đề tránh tên lửa là một vấn đề hết sức bức xúc, hết sức cụ thể của phi công chiến đấu. Tôi nghĩ, cần phải có tính toán cụ thể, không thể áp đặt ý muốn chủ quan được. Tôi chưa kịp suy nghĩ chín chắn. Nhưng, tôi có cảm giác, có điều gì đó tôi thấy chưa ổn…

Phạm Ngọc đứng lên, “khịt” trong đốc giọng, cầm quyển sổ chi chít số liệu, nói hùng hồn :

- Thưa anh Luyện. Tôi không phản đối phương pháp thực hành tránh tên lửa do anh Phước phổ biến. Đúng là, một động tác, một cách đánh đều phải dựa trên một cơ sở. Tôi rất cám ơn anh Phước, bởi vì có một gợi ý về động tác cụ thể chúng ta mới có một ý niệm và đẻ ra một con tính. Tôi xin thử tính toán. Tốc độ của tên lửa bằng tốc độ của máy bay địch cộng với tốc độ trung bình của tên lửa. Giả sử tốc độ máy bay 900 km/giờ, tốc độ của tên lửa cũng cỡ đó, tức là vận tốc là 1,5 MACH, 400 mét một giây. Cự ly bắn của tên lửa “Rắn đuôi kêu” theo như chúng ta đã học, khoảng chừng 2.000 mét. Thời gian bay của tên lửa mất năm giây. Về phía chúng ta, cho là chúng ta nhìn thấy địch bắn tên lửa rất xa, bắt đầu từ khi mắt thấy, thần kinh phản xạ một giây. Tay điều khiển cần lái và chân mất một giây để làm động tác. Chiếc Mig sẽ chịu sức ì của quán tính cho đến khi hành động mất hai giây máy bay mới lật úp. Sau đó máy bay mới chuyển động xuống mất một giây nữa. Như vậy là tên lửa đã đến nơi, đó là con số lý thuyết. Còn… mắt ta có thể thấy được tên lửa “xẹt” hay không lại là… Mà dù cho có thấy “xẹt”, tức là lúc địch phóng tên lửa, cũng không tránh kịp… Tôi chỉ cung cấp những số liệu để chúng ta bàn. Tôi hết ý kiến.

Sáu nhìn thấy Ngôn. Ra hiệu cho Ngôn đến ngồi cạnh anh, Sáu hỏi nhỏ:

- Gặp không?

- Có gặp.

- Sao?

Ngôn thúc cùi chỏ vào hông Sáu, nói:

- Tập trung chống tên lửa.

Sáu đứng lên sau khi trao đổi nhỏ với Ngôn:

- Thưa Trung đoàn trưởng, các đồng chí, tránh tên lửa cũng như tránh địch xạ kích bằng súng, có chăng, tên lửa thì phóng xa hơn, lại khó thấy. Theo tôi chắc chắn là không thấy được lúc nó mới phóng. Có thấy thì nó đã đến nơi. Nhưng, máy bay địch, hai cây số chớ năm cây số cũng có thể thấy. Nếu là tôi, trước tiên khi thấy địch phía sau phải cơ động ngay. Tất nhiên, cũng tùy từng trường hợp, tùy theo trạng thái địch và ta. Tên lửa nhiệt chỉ có hiệu quả khi đầu tên lửa thu được nhiệt của động cơ máy bay ta, không có nhiệt tên lửa sẽ không có hiệu quả. Còn tên lửa có điều khiển, nó bắn ở tất cả mọi hướng, chúng ta chỉ thấy “xẹt” khi tên lửa rời bệ phóng, bay đường trường không hề có bất kỳ triệu chứng dễ nhìn nào. Vậy, phải làm sao?

Đào Đình Luyện thấy Phước lúng túng, rõ ràng kiến thức của anh ta không đủ để giải đáp cho phi công. Ông đứng lên, quay về phía những người sẽ phải giáp mặt với vũ khí hiện đại của Mỹ, ông nói:

- Chúng ta chưa bước vào chiến đấu, kinh nghiệm của bạn chỉ để chúng ta tham khảo, quỵết định là ở mỗi phi công chúng ta. Tôi thấy ta nên bàn cho kỹ. Ý kiến của Phạm Ngọc, của Sáu đáng được chú ý nghiên cứu. Các đồng chí bàn thêm…

Thành và Minh Nhân vẽ rất nhiều tình huống, những con số dày đặc trong quyển vở. Thành trao đổi, Minh Nhân gật đầu, anh giơ tay:

- Về phía dẫn đường, chúng tôi có trách nhiệm dẫn để các đồng chí phát hiện địch sớm. Chúng tôi đã có cuộc tập huấn về các thế chiến thuật và chiến thuật dẫn không chiến ở binh chủng. Các sĩ quan dẫn đường có rất nhiều ý kiến về tránh tên lửa và kỹ thuật tránh tên lửa. Tôi xin phát biểu ý kiến cá nhân của tôi về cuộc không chiến với đối thủ mạnh hơn ta, vũ khí hiện đại hơn ta. Ai cũng biết, cuộc chiến đấu này sẽ rất khó khăn và ác liệt, chúng ta cần phải sáng suốt. Theo tôi, không có cách tránh tên lửa nào gọi là tuyệt đối đúng. Ở trên đời, ngoài yếu tố tinh thần, chúng ta còn phải có bản lĩnh. Tránh tên lửa cũng phải có bản lĩnh và bình tĩnh. Tôi nhất trí với cách tính của anh Phạm Ngọc. Chẳng ai làm động tác dại dột như vậy. Các đồng chí phi công hãy phân tích xem. Theo tôi, tránh như ông bạn chúng ta bày thật là quá nhiều động tác nhưng nằm trên một đường thẳng rất lâu, tôi cho là không đúng rồi. Cần phải nhanh chóng chuyển hướng khi phát hiện máy bay địch ở phía sau. Không thể thấy tên lửa được. Tôi nghĩ, một là người truyền kinh nghiệm cho anh Phước là người không có thực tế, tưởng tượng ra hoặc là ông bạn của chúng ta muốn cho chúng ta đổ máu, mất máy bay… Máy bay của chúng ta rất ít, chỉ vài trận lật như thế này sẽ hết sạch...

Phan Thành không chờ Thành ngồi xuống, đã vội vã chen ngang:

- Chúng ta thảo luận kỹ thuật tránh tên lửa, bởi vì chúng ta muốn tránh thương vong vô ích. Tôi nghĩ rằng không thể chủ quan, chúng ta đã có ai có kinh nghiệm đâu. Ông bạn của chúng ta có cả một bề dày trên chiến trường Triều Tiên và những trận không chiến ở ven biển tỉnh Triết Giang, tỉnh Phúc Kiến. Tôi đề nghị không ai được xúc phạm những người anh em. Không được coi thường chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả của Trung Quốc, đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Nhiều phi công và sĩ quan liếc mắt nhíu mày nhìn Phan Thành, tỏ vẻ vừa khó chịu, vừa sợ. Đôi chỗ chỉ trỏ, xì xào, lắc đầu. Ngôn ngồi cạnh Sáu và ở phía sau Phan Thành. Dường như Ngôn không quan tâm lắm tới lời nói của Phan Thành. Bất ngờ Phan Thành quay lại phía sau, nhìn vào cuốn vở của Ngôn đang vẽ chiếc Mig ở các tư thế khác nhau, ở xung quanh có địch đang lao tới ở các hướng và những con số. Bên cạnh ghi ta nên tránh như thế nào. Ngôn chăm chú vào quyển vở, vẽ, xóa rồi lại vẽ. Phan Thành soi mói nhìn vào cuốn vở của Ngôn rồi quay đi. Ở phía sau, những cánh tay giơ lên, những phi công và các sĩ quan tham mưu cố tìm những phương pháp mới, lạ. Nhưng, Trung đoàn trưởng bỗng đứng dậy, ông nói:

- Anh Phước, cho tôi phát biểu một số vấn đề về tư tưởng chiến thuật.

Bộ quân phục chỉnh tề, ủi phẳng lì, cầm quyển sổ giở ra, ông chớp mắt nói:

- Các đồng chí. Từ ngày 2 tháng 3 đến nay, bọn Mỹ và tay sai đã đánh miền Bắc. Theo tin chúng ta nhận được, lấy cớ quân ta tấn công diệt một số lính Mỹ ở Pleiku, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố đánh liên tục miền Bắc theo hình thức leo thang. Như vậy, đến hôm nay bọn Mỹ đã đánh đến Hà Tĩnh, chắc là đầu tháng tư sẽ đánh Thanh Hóa và Vinh. Chúng ta sắp bước vào trận đánh lịch sử của không quân, trận đánh mở màn mặt trận trên không. Tôi, theo tôi, việc tránh tên lửa là do thói quen hành động của mỗi người, làm sao chuyển hướng càng nhanh càng tốt, có thể cơ động gấp trên mặt phẳng ngang hoặc cơ động thẳng đứng tùy từng trường hợp. Có điều, chúng ta phải nhanh chóng cơ động với độ góc lớn, làm cho tên lửa tìm nhiệt mất mục tiêu, không bắt được nhiệt. Còn tên lửa có điều khiển cũng vậy, cơ động lớn sẽ làm cho việc điều khiển gặp khó khăn. Tôi muốn nhấn mạnh, các đồng chí dẫn đường phải dẫn cho biên đội phát hiện địch trước. Phi công phải quả cảm, kiên quyết tấn công, bắn chính xác, động tác nhanh chóng tiếp cận và xạ kích là yếu tố quyết định thắng lợi. Thôi, chúng ta nghỉ.

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:42:11 am »

Ngay lúc đó, quân bưu mang thư của Sáu, của Nhật đến. Sáu chộp lấy rất nhanh, về phòng ngủ, anh mở ra:

Anh thân yêu!
Vậy là chúng ta xa nhau đến nay đã được ba tháng, em đã bước vào học kỳ 2 được ba tháng, em học vất vả lắm, những con số rối tinh, rối mù. Em cố gắng học tốt để không phụ lòng mong muốn của anh. Đến hè này, chúng mình có gặp nhau được không? Em mong lắm. Anh, ở lớp học của em, phong trào ba đảm đang mạnh lắm. Em đăng ký ba đảm đang và ba sẵn sàng nữa, anh có đồng ý không? Em nghe đài nói Mỹ đánh mình rồi phải không anh?Tụi nó ngang tàng quá. Em mong đến ngày nào đó, anh vít cổ bọn Mỹ xuống đất, em tin lắm, em tin anh sẽ lập chiến công.
Em,
Nguyệt

Sáu gối đầu lên hai tay, hình ảnh Nguyệt hiện lên lung linh… Năm đó, kỳ nghỉ hè, Sáu và những phi công của trung đoàn được về nước, nghỉ mát ở biển Đồ Sơn. Anh như đắm mình trong cái nắng, gió và sóng biển của quê hương, nhìn ở đâu anh cũng thấy đẹp, người nào cũng dễ thương. Một buổi sáng chủ nhật, Sáu thả mình trên chiếc phao là ruột bánh xe hơi, tận hưởng những giây phút thần tiên chao lượn trên ngọn sóng. Vừa dập dềnh, ngắm trời nước bao la, những đám mây trắng, mặt trời và đôi con chim yến lượn lờ…, Sáu nhìn vào bờ, một toán các thiếu nữ chạy ào xuống biển, họ lặn, hụp, té nước, nhảy sóng. Chẳng biết ngọn sóng nào xô Nguyệt dạt đến gần Sáu. Anh bước xuống, chân đụng cát. Nguyệt lân la:

- Anh ơi, cho em mượn phao, được không?

- Được, em lấy đi.

Nguyệt đem phao về chơi với bạn, Sáu thấy Nguyệt và ba cô gái nữa bám phao lao ra ngoài xa, họ vui lắm. Bỗng một ngọn sóng lớn chụp xuống chiếc phao, sau đó thấy mất một cô, anh lao đến, lặn xuống dưới sóng, tay và chân dò tìm. Sáu xác định vị trí rồi đi ra xa hơn… Bất ngờ đụng phải cô gái, Sáu vội vã ôm chặt ngang người cô lao vào bờ. Xốc người cô gái, nước từ trong bụng trào ra miệng. Anh đặt cô gái lên cát, Sáu mạnh mẽ đặt hai tay lên ngực trái cô gái, nhồi, ấn liên tục, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của sự sống của cô gái. Các cô gái cùng đi vây quanh, lo lắng, kể cả cô giáo phụ trách lớn tuổi, Sáu vẫn kiên trì nhồi, ấn lên ngực trái cô gái bị nạn ngày càng mạnh hơn… Sáu dừng tay, áp miệng mình vào miệng cô gái, anh dồn sức thổi mạnh nhiều lần. Thời gian cấp bách, anh đề nghị một cô gái có thân hình khỏe mạnh kết hợp với anh cứu cô gái bị nạn. Sáu áp miệng mình vào môi cô gái, tay trái bóp hai bên má để miệng cô mở ra. Sáu dồn sức, trong khi cô gái kia nhồi, ấn mạnh lên vùng tim. Không biết bao lâu, từ trong miệng cô gái một làn hơi nhẹ tràn qua miệng của Sáu, anh tiếp tục áp miệng mình, dồn sức thổi mạnh vào bên trong, cô gái hắt hơi và tỉnh dần… Sáu quỳ xuống bên cạnh cô gái, anh nâng đầu cô, cô gái mở mắt nhìn các bạn. Cô giáo phụ trách ngồi xuống, kế bên, nói :

- Nguyệt, cám ơn ân nhân đi em.

Nguyệt mở mắt nhìn Sáu gật đầu. Sáu cười thân mật. Cô giáo hỏi:

- Xin lỗi, anh tên gì?

- Tôi tên là Sáu.

- Anh Sáu, anh đang ở đâu?

Sáu chỉ vào ngôi nhà ngói ở cuối rặng phi lao:

- Tôi đang nghỉ an dưỡng ở đó. Tôi ở nhà số 1, phòng số 3. Chúng tôi còn ở đó vài ngày nữa. Còn các cô ?

Cô giáo vui vẻ:

- Đây là các cháu học sinh, ở trường học sinh miền Nam số 4 Hải Phòng, chiều các cháu về lại Hải Phòng. Thôi, xin phép anh…

Họ lại lao xuống biển, chỉ còn một mình Nguyệt trên bờ. Sáu ngồi bên Nguyệt. Anh hỏi:

- Nguyệt, quê em ở đâu?

- Dạ, ở Sa Đéc.

Sáu mừng rỡ :

- Vậy là tụi mình cùng quê.

Nguyệt rụt rè :

- Anh quê ở đâu?

- Ở huyện Lấp Vò.

- Em ở Lai Vung.

Nguyệt bước đến sát mép nước, đôi chân trắng, cơ thể đầy đặn, nở nang thu hút Sáu. Anh nhìn Nguyệt từ xa. Nàng không thuộc loại kiêu sa. Nhưng cơ thể thiếu nữ toát lên vẻ quyến rũ, giọng nói ngọt, đặc biệt vùng nem nổi tiếng Lai Vung, hấp dẫn anh. Nét dịu dàng pha lẫn chút đồng nội tự nhiên như có ai đó xô Sáu đến với nàng. Anh nhận ra, nàng không thuộc loại sắc sảo, lanh lợi … bù lại, từ nét chân chất của một cô gái quê mùa, lại làm cho sắc hương của ruộng đồng thêm sức sống giữa vùng biển đất trời mênh mông này. Nàng ngồi sát mép nước, sóng biển chạy từ ngoài xa vuốt ve đôi chân trần, tràn lên xa hơn. Sáu bước nhè nhẹ đến bên Nguyệt. Đôi môi nàng đã hồng lên. Mắt nàng long lanh nhìn Sáu:

- Anh Sáu, anh làm nghề gì ?

- Tôi hả ?

- Dạ…

- Tôi làm phi công.

Nguyệt thẫn thờ. Nàng nghe nói phi công là người trời, là loại người đặc biệt không thể nào với tới. Nguyệt e dè :

- Anh Sáu ơi, nghe nói phi công là một người phi thường?

- Thì… em xem anh nè, coi có gì khác không ?

Sáu đứng lên. Nguyệt ngước nhìn lên. Tự nhiên nàng thở mạnh, má ửng hồng, nhìn tránh đi chỗ khác. Quả thật, anh ấy cao, to, đôi tay dài và… Nguyệt vội vã chạy xuống nước. Sáu chạy theo, hỏi dồn:

- Nguyệt, em họ gì ? Học lớp mấy ?

- Em họ Nguyễn, học lớp 9E.

Sáu nhíu mày, anh tập trung nhớ: lớp 9E, còn Nguyễn, cùng họ với anh, trường học sinh miền Nam số 4. Nguyệt chạy ra đến khi nước ngập quá đầu gối, tự nhiên nàng sợ nước, chạy vội lên bờ. Bộ quần áo tắm biển là chiếc quần đùi và chiếc áo may ô trắng có tay, bây giờ Nguyệt cảm thấy nó quá ngắn, đôi lúc nàng thấy Sáu như nhìn xuyên qua da thịt nàng… Chỉ nghĩ tới đó, đôi má của Nguyệt lại ửng đỏ. Nàng hiểu rằng người đàn ông kia đang nhìn nàng và đôi lúc, ánh mắt của anh ta không hề bỏ sót tất cả những gì nàng có một cách thánh thiện. Dù sao, đó là một cử chỉ chân thật của người đàn ông lần đầu nàng tiếp xúc. Anh ta không hề giả tạo khi đứng trước một cơ thể đẹp như nàng. Còn Nguyệt, dù vẫn giữ nét duyên dáng và nết na, truyền thống… nhưng, trong lòng nàng sự cởi mở và tự do đã xuất hiện. Nàng ao ước và khát khao.

***
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:46:46 am »

Ngày 1 tháng 4 năm 1965, Tổng thống Mỹ Johnson có hai quyết định cực kỳ quan trọng cùng một lúc. Đó là, đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam Việt Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, ra ngoài vĩ tuyến 20.

***

Ngày 1 tháng 4 năm 1965, toàn bộ trung đoàn Sao Đỏ chuyển trạng thái chiến đấu cao nhất. Bộ Tổng tham mưu thông báo cho sở chỉ huy quân chủng: “Mỹ sẽ đánh cầu Hàm Rồng” và lệnh: “Đồng ý cho không quân xuất kích”. Ngày 2 tháng 4 năm 1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân chủng phòng không- không quân kiểm tra lần cuối cùng công tác chuẩn bị chiến đấu của trung đoàn, thông
qua việc sử dụng lực lượng cho trận đầu và trận tiếp theo. Biên đội 1, Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Biên đội 2, Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm và quyết định cho trung đoàn xuất kích đánh trận đầu. Lúc đó là 14 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1965.

***

Hai chiếc hàng không mẫu hạm Ranger và Constellation được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cao. Đô đốc Sharp bước vào sở chỉ huy Thái Bình Dương ở Honolulu. Ông ngôi vào vị trí chỉ huy của ông. Đó là một chiếc bàn lớn. Trên mặt bàn là bản đồ khu vực Thái Bình Dương. Rải rác xung quanh bàn hàng chục chiếc đồng hồ giờ ở tại các nước, bên cạnh là giờ Washington. Trung tâm mặt bàn chiếc la bàn định vị có bốn nhánh Đông, Tây, Nam, Bắc và các vị trí của hàng trăm chiếc tàu, mỗi tàu có một ký hiệu riêng. Sharp bao quát lực lượng của ông rải rác khắp vùng biển các căn cứ trên bộ và trên mặt biển. Quả thật, chưa có quốc gia nào có đủ sức mạnh như các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông chỉ ở Thái Bình Dương thôi, nói gì đến toàn bộ nước Mỹ. Các ký hiệu nhấp nháy đó là những chiếc chiến hạm đang di động. Ông thấy hai chiếc hàng không mẫu hạm Hancock và Corenxy đang di chuyển, nó đã đến phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Ông cầm điện thoại, liên lạc với đô đốc Black:

- Tôi thông báo để ngài biết, Bộ trưởng Quốc phòng cho phép chúng ta đánh đến khu vực ba.

Sharp gọi sĩ quan hành quân, lập tức truyền lệnh đến tất cả các hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, các hạm ngầm và các tàu khu trục chỉ huy của hạm đội với mệnh lệnh: “Ngày 3 tháng 4 năm 1965 đánh cầu Hàm Rồng”. Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 2 tháng 4 năm 1965 … Theo kế hoạch hành quân đã được ký bên góc trái, người ký “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert S. Mc Namara”, quy định : “Hàng không mẫu hạm tấn công đội hình hai chiếc. Một chiếc ở phía Đông Hòn Mê 80 km, chiếc thứ hai ở phía Đông Cửa Lò 120 km. Như vậy, hai chiếc hàng không mẫu hạm đang hành quân từ Nhật và Philippines sang vùng biển Đông sẽ thế chân và hoạt động ở phía Đông Quảng Bình và phía Đông thành phố Huế”.

***

15 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1965 tại hầm K18, sở chỉ huy phòng không-không quân, được lệnh sẵn sàng chiến đấu, riêng sở chỉ huy không quân phát lệnh báo động cấp 1. Tại hầm, sở chỉ huy không quân được bố trí ở phía trong, nửa hầm lớn hơn là sở chỉ huy phòng không và tổng trạm radar. (Hồi đó, đề phòng Mỹ ném bom sẽ gián đoạn chỉ huy, quân chủng phòng không-không quân quyết định làm một hầm ngầm chỉ huy, hầm thuộc dạng tối mật được đặt tên là K18, sâu 5 mét, có hai đường lên và xuống, vách hầm đổ một mét bê tông cốt thép, nắp hầm là khối bê tông khổng lồ có độ dày tới hơn hai mét. Hầm K18, dùng làm sở chỉ huy quân chủng phòng không- không quân, chỉ huy lực lượng phòng không toàn miền Bắc chiến đấu cho đến giữa năm 1967, bị bom, hầm nứt, không thể tiếp tục chỉ huy chiến đấu được nữa. Tháng 8  năm 1967 sở chỉ huy quân chủng chuyển vào hang núi Trầm, đặt tên là K12, ở đó, cho đến kết thúc chiến tranh).

17 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1965, cấp trên cho biết địch sẽ đánh cầu Hàm Rồng, toàn bộ sĩ quan không được rời khỏi doanh trại, không được về gia đình, dù có nhà ở Hà Nội. Lần đầu tiên toàn bộ các sinh hoạt của Không quân nhân dân Việt Nam được đặt trong tình trạng chiến tranh trực tiếp.

***

3 giờ 30 phút ngày 3 tháng 4 năm 1965, biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương từ khu nhà ở, trên chiếc xe tải do ông Tám lái, có Đại úy Hà Chấp Tham mưu trưởng đoàn Sao Đỏ, sĩ quan dẫn đường tuyến hạ cánh Bùi Quang Liên, cùng đi với bốn phi công có mặt ở sân đỗ. Một dãy dài những chiếc Mig-17 trực chiến, dầu đã nạp đầy trong cánh và hai chiếc thùng dầu phụ. Đạn đầy đủ cơ số. Hà Chấp cùng với tiểu đoàn trưởng thợ máy Võ Di Cư trực tiếp kiểm tra hệ thống điều khiển vũ khí. Ông trở về nhà trực của phi công.

***

4 giờ 45 phút sáng 3 tháng 4 năm 1965, sân bay còn chìm trong đêm, những con chim đi ăn đêm trên đường trở về tổ, bay qua sân bay, kêu vang “quác… quác…”có vẻ nó thỏa mãn vì được ăn no và sắp được nghỉ ngơi. Trong khi đó, bốn phi công đang chăm chú đi một vòng xung quanh những chiếc Mig-17. Phạm Ngọc Lan lắc cánh liệng, cánh tà. Anh đi vòng ra phía sau đuôi lắc cánh đuôi ngang, đuôi đứng. Kiểm tra lượng dầu xong, Lan bước tới trước mũi máy bay nơi có ba khẩu súng. Bàn tay chạm nhẹ khẩu 37 ly run run, anh cúi xuống nhìn vào bên trong nòng súng. Trời còn tối, nòng súng đen ngòm. Chiếc đèn pin trắng trên tay, Lan soi vào bên trong nòng, ánh thép ngời lên, phản chiếu ánh đèn, anh nhìn sâu vào bên trong… Lan nhìn ra sân bay bóng đen nhạt nhòa, thời khắc cuối đêm nhưng chưa là ngày lạ lắm, dường như cây cỏ thu hết vào trong lòng nó những giọt li ti sương đêm, nó nhả ra cho bầu khí quyển mùi đặc trưng của nó, mùi thơm cỏ cây hoang dã và tinh khiết. Lan hít đầy hơi lạ vào trong lồng ngực to lớn của anh. Lan nhìn về hướng Đông, chưa có vầng sáng nào, chỉ có vài vệt sáng nhỏ xíu trên nền một đám mây ở đâu đó xa lắm. Rồi… dần dà, những áng mây hồng xuất hiện, bóng tối bị đẩy về phía Tây. Bây giờ, ở phía Đông, những đám mây xám chẳng biết từ đâu ùn ùn kéo đến, tự nhiên ở sát mặt đất, xung quanh sân bay xuất hiện những mảng như tơ, sương mù bao bọc, tầm nhìn bị thu lại rất nhanh. Ở dãy Tam Đảo mây che núi không còn thấy đỉnh… Từ trong khu nhà ở, một chiếc xe con với hai ngọn đèn sáng rực lao ra hướng sân bay. Phạm Ngọc Lan lấy bút máy ở ngực áo, ký vào cuốn sổ bàn giao máy bay của tổ thợ máy xong, anh nhìn ra… Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện xuất hiện cùng với hai phi công Đại úy Trần Hanh và Thiếu úy Phạm Giấy theo phương án sẽ thực hiện bay nghi binh, thu hút tiêm kích địch để cho biên đội bốn chiếc Mig-17 của Phạm Ngọc Lan tấn công.
Đào Đình Luyện cùng với sáu phi công ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, bên cạnh là Đại úy Hà Chấp, ở phía sau có hai bác sĩ và các sĩ quan. Ông nhìn khắp lượt những chiến sĩ sẽ mang ý chí của trung đoàn lên trời. Ánh mắt của ông dừng lại khá lâu Trung úy Phạm Ngọc Lan, một phi công quyết đoán, thông minh, kỹ thuật bay xạ kích và nhớ địa hình rất giỏi, đang là chủ nhiệm dẫn đường của trung đoàn. Ông nói:

- Chúng ta biết chắc chắn hôm nay địch sẽ đánh cầu Hàm Rồng, chiếc cầu bắc qua sông Mã, trên Quốc lộ số 1. Chúng ta đã bay để làm quen địa hình nhiều lần. Bọn Mỹ đánh cầu là nằm trong ý đồ chiến lược chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Đào Đình Luyện dừng đột ngột. Ông nhìn quanh. Ánh mắt của ông mừng rỡ thấy hai sĩ quan ngồi phía sau, ông hỏi:

- Bác sĩ Chính, bác sĩ Hạnh, tình hình sức khỏe của sáu phi công thế nào?                                       

Bác sĩ Chính đứng dậy;

- Thưa, bốn phi công đều tốt, huyết áp bình thường. Chỉ có,… anh Hanh, anh Giấy chúng tôi chưa kiểm tra.                             

Trung đoàn trưởng gật đầu, hài lòng, ông nói:

- Trong biên đội, lúc chiến đấu, Túc chú ý động tác bám biên đội và động tác nhẹ nhàng khi hạ cánh khẩn cấp. Quỳ bay ổn định, tính tình hồn nhiên, nhưng khi gặp địch phải quyết đoán. Còn Phương, lưu ý giúp biên đội quan sát, phát hiện địch sớm. Phương cần chú ý phối hợp tay và chân nhất là những lúc khẩn trương. Biên đội chú ý yểm hộ lẫn nhau…                 

Đào Đình Luyện biết rõ điểm mạnh và yếu của từng phi công. Thái độ cởi mở và thân tình của ông làm cho phi công nào cũng ấm lòng. Ông thuộc tính cách, nết ăn, nết ngủ của từng người, thói quen, ăn nói và cả những động tác lúc bình thường và lúc khẩn trương của từng phi công. Thân mật, không phân biệt đối xử, hòa đồng là tính cách của ông. Có thể nói, nhiều khi, thái độ và nhân cách của người chỉ huy có tác dụng làm cho cả đơn vị xông lên, bất chấp hiểm nguy, bởi vì người lính cho rằng mình hành động đúng. Đối với một dân tộc, hàng triệu người sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu cao cả là Tổ quốc. Nhưng, từ trong sâu thẳm, cả một đất nước coi cái chết nhẹ như lông hồng, bởi vì trong sự hy sinh đó, người ta còn gởi gắm cả cuộc đời họ, cả gia đình họ cho một người rất cụ thể.

Đào Đình Luyện gọi sĩ quan dẫn đường Bùi Quang Liên phổ biến những yếu tố xuyên mây bất kỳ, những điều cần nhớ khi bay về và trình tự sử dụng đối không khi có nhiễu. Liên đứng lên:

- Đề nghị các đồng chí chú ý khi xuyên mây bay về. Trường hợp liên lạc được với sở chỉ huy, phải chấp hành lượng bay xuống, hướng bay về và hướng xuyên mây. Ở bên trong mây, không được đổi hướng nếu sở chỉ huy không ra lệnh. Nếu không liên lạc được với sở chỉ huy, bay về đài và thực hiện xuyên mây góc kẹp tại đài, hướng theo hướng đường băng, mỗi cạnh hai phút, cho đến khi ra khỏi mây.                                     
Bùi Quang Liên là một sĩ quan rất thận trọng, những số liệu tính toán của anh chính xác đến không ngờ. Người cao, tay dài, ăn nói rõ ràng và có trách nhiệm…

Đào Đình Luyện nhìn mọi người, anh nói giọng trầm, ấm, rõ ràng:

- Bộ tư lệnh quân chủng đã ra lệnh, mục tiêu địch đánh đã rõ. Bây giờ, tôi giao nhiệm vụ cho phi đội, mang ý chí của trung đoàn đánh thắng trận đầu của không quân. Ngày hôm nay, các đồng chí thay mặt cho cả nước mở mặt trận trên không. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên chúng ta đã làm nên những trận thủy chiến vang dội ở Bạch Đằng, ở Rạch Gầm –Xoài Mút. Những trận tiêu diệt lớn quân xâm lược ở Ngọc Hồi, Chi Lăng, Điện Biên Phủ làm nên tuyền thống vẻ vang của bộ binh và thủy binh thiện chiến của dân tộc ta. Hôm nay,...

Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện xúc động, dừng lại, nghẹn ngào. Ở đầu bàn, biên đội Phạm Ngọc Lan dựa vào nhau, chăm chú nhìn người chỉ huy của mình, xúc động. Trần Minh Phương là một chiến sĩ lái máy bay hiếm hoi chưa được kết nạp vào Đảng. Anh đã từng luyện cặp mắt của mình trong đêm tối để tìm một vật nhỏ, ban ngày Phương luyện nhìn những con chim đi động từ rất xa, những con chim sẻ đồng trên mặt đường băng và cả những con kiến rất nhỏ từ xa vài, ba mét. Phương nhìn người anh cả của trung đoàn, trong lòng bừng lên niềm kiêu hãnh vì được chọn trong biên đội đầu tiên đọ cánh với bọn Mỹ. Anh rút từ trên ngực chiếc áo bay màu cỏ úa còn mới của mình một tờ giấy viết cẩn trọng, trao cho Đào Đình Luyện, không nói lời nào.

Trung đoàn trưởng mở tờ giấy gấp tư ra, hàng chữ đập vào mắt ông rất mạnh : “ĐƠN XIN VÀO ĐẢNG”, ông xúc động, đứng dậy, nói rất nghiêm túc:

- Tôi và tất cả cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn, tất cả đảng viên của Đảng bộ mong tin đồng chí lập công, trở về. Tôi hy vọng trong buổi lễ kết nạp đồng chí vào Đảng sẽ diễn ra dưới cánh máy bay của đồng chí.

Đào Đình Luyện bắt tay Trần Minh Phương rất chặt. Ông lần lượt bắt tay tất cả những phi công có mặt, căn dặn, như một mệnh lệnh:

- Quyết tâm chiến đấu của trung đoàn như sau: Biên đội nghi binh cất cánh trước thu hút sự chú ý của tiêm kích địch. Trần Hanh và Phạm Giấy bay ở độ cao, khá cao, cần phải quan sát kỹ, đề phòng địch đánh trộm. Biên đội Lan, Túc, Quỳ và Phương, đội hình bốn chiếc, bay thấp, sẽ công kích vào đội hình đánh cầu Hàm Rồng của địch. Biên đội chú ý bám nhau, giữ chắc biên đội hai chiếc, có công kích, có yểm hộ, cố gắng bắn rơi máy bay địch ngay lần công kích đầu tiên, bắn trúng máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu.

Ông thân thiết, dường như muốn trút tất cả tâm sự với những phi công sẽ mang sứ mạng của Tổ quốc lên bầu trời. Chợt, có chuông điện thoại, người sĩ quan tác chiến mời ông đến nói chuyện:

- Vâng, tôi Luyện đây… Chào Phó Tư lệnh, tôi đang ở tuyến K5 (K5- mật danh tuyến cất, hạ cánh trực ở sân bay) với anh em phi công. Chúng tôi đang bàn phối hợp chiến đấu ở trên không…

Tất cả những phi công, sĩ quan tác chiến, cán bộ tham mưu và thợ máy dồn mắt về nơi Đào Đình Luyện đang nói chuyện. Vẻ mặt hết sức nghiêm chỉnh, Đào Đình Luyện tập trung lắng nghe và trả lời:

- Rõ, tôi sẽ phổ biến cho anh em. Vâng, mọi người đều có quyết tâm chiến đấu rất cao, Chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ. Tôi nghĩ, với ý chí, bản lãnh chiến đấu của hai biên đội, tôi rất tin anh em sẽ đánh thắng trận đầu…Vâng, cám ơn Phó Tư lệnh.

Đào Đình Luyện đặt máy xuống bàn, sĩ quan tác chiến đặt chiếc ống nghe lên bên trên chiếc máy điện thoại quay tay. Trung đoàn trưởng trở về chỗ ngồi của mình, ông nói:

- Phó Tư lệnh phòng không không quân Nguyễn Văn Tiên thông báo cho tôi. Hôm nay bọn Mỹ sẽ đánh cầu Hàm Rồng. Lực lượng sử dụng trên 100 lần chiếc, tiêm kích 40 phần trăm, chủ yếu là bọn F-8E. Về hợp đồng với pháo cao xạ tại Hàm Rồng, chúng ta sẽ đánh đợt 2, anh em pháo cao xạ bắn trực tiếp, không xử dụng khí tài, tất cả khẩu đội trưởng đều biết có không quân ta tham gia chiến đấu. Anh em rất phấn khởi, bảo đảm không bắn nhầm, anh em đã nhận dạng Mig-17 rất khá. Phó Tư lệnh chúc trung đoàn chúng ta đánh thắng trận đầu. Bây giờ, các đồng chí bàn phối hợp biên đội…

Đào Đình Luyện đứng lên, gọi Hà Chấp đi theo. Ông bước đến phía trước những chiếc Mig-17 xếp thành hàng. Buổi sáng, trời se lạnh, gió thổi từ hướng Bắc khá mạnh, sân bay màu xám, cỏ xanh. Ông dừng ngay nơi đầu chiếc Mig đầu tiên, đưa bàn tay chai sần sờ vào ba khẩu súng nằm ở bên dưới, lú ra như những lưỡi kiếm thép. Ông quay lại hỏi:

- Hà Chấp, công tác chuẩn bị tốt chứ?

Hà Chấp nhanh nhảu:

- Dạ, tốt. Tôi và Võ Di Cư trực tiếp kiểm tra lượng dầu, cơ số đạn từng chiếc, mọi việc đã sẵn sàng.

Đào Đình Luyện đặt tay lên vai Hà Chấp, tâm sự:

- Trận đầu, yếu tố bất ngờ rất lớn. Chúng ta nhất định bắn rơi được địch. Chỉ có điều tôi lo…

- Anh lo điều gì?

- Tôi lo khu vực chiến đấu hơi xa, sợ radar phát hiện không hết, nhất là những tốp địch bay thấp, phục kích mà ta không biết.

Hà Chấp là một sĩ quan tham mưu có nhiều kinh nghiệm, có tri thức, có trách nhiệm, là một sĩ quan có quân hàm cao khi còn rất trẻ. Hà Chấp biết những điều lo lắng của Trung đoàn trưởng, anh nói:

- Thưa anh, tôi đã có buổi làm việc với đại đội radar dẫn đường. Tôi đã trực tiếp quan sát cánh sóng của chiếc radar đo cao 843. Ăng-ten gật sâu lắm, từ sân bay ta có thể phát hiện được địch bay ở độ cao 1.000 mét từ phía Bắc dãy Tam Điệp. Nghĩa là những chiếc đánh trộm quân ta, trước khi biên đội vào khu vực chiến đấu, ít có khả năng xảy ra.

Đào Đình Luyện rất hài lòng, dường như nỗi lo lớn nhất đã được giải tỏa. Người chỉ huy không quân nào cũng lo lắng điều mà ý đồ chiến thuật, ý định không chiến bị phá vỡ không phải bởi tại khu vực chiến đấu khi hai đối thủ giáp mặt nhau mà là bị phục kích, bị tấn công trên đường hành quân. Ông nói với Hà Chấp :

- Tốt lắm. Anh tập trung công tác tổ chức chỉ huy giúp tôi. Đừng để sơ hở, chuẩn bị sẵn sân bay dự bị để phi công ta về hạ cánh, trong trường hợp sân bay chính bị địch phong tỏa. Còn cao xạ pháo?
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2007, 09:49:02 am »

Hà Chấp bất ngờ bởi câu hỏi của trung đoàn trưởng. Rõ ràng, Đào Đình Luyện có tư duy sâu trong hiệp đồng quân binh chủng. Trước đây, ông vốn là một cán bộ chính trị, có thời gian khá dài làm tham mưu trưởng sư đoàn. Tuy ở bộ binh hiệp đồng binh chủng được đặt ra đơn giản. Nhưng hình thái chiến thuật, ý thức hiệp đồng binh chủng trong chiến đấu ông là người luôn tiến tới sự hoàn thiện và đã đi vào trong máu của ông. Hà Chấp đến sát trung đoàn trưởng, nói :

- Thưa anh, tôi đã tiến hành hiệp đồng với trung đoàn pháo cao xạ và trực tiếp làm việc với các đại đội pháo 37 ly. Tôi đã đem ảnh Mig-17 để anh em nhận dạng. Việc bắn nhầm không lo, vì gần tám tháng qua pháo cao xạ đã nhìn thấy và họ đã cùng tập với chúng ta…

Đào Đình Luyện gật đầu. Vậy là mọi chuẩn bị cho một trận không chiến đã xong. Ông nhìn khắp khu vực sân đỗ nặng, những chiếc Mig-17 màu trắng xếp thành hàng như những con chim én, cách đó không xa, những chiếc xe xăng, dầu, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chở đạn, các bộ phận phục vụ cho hạ cánh và cất cánh của những chiếc Mig đã ở vị trí sẵn sàng. Các bộ phận khí tượng, sân đường, công binh, thông tin, bác sĩ hàng không đều túc trực. Ông biết rất rõ, để chỉ một chiếc máy bay lên trời, một trận không chiến, cần phải có hàng trăm người ở mặt đất. Ông nhìn khắp sân bay, những hạt sương mai còn đang giăng, nó như những tấm lụa trời cho, bao phủ những hàng cây, ruộng lúa xa xa, lùm khói, hương thơm mùi cỏ tràn vào lồng ngực ông, ông hít sâu sảng khoái…

***

6 giờ sáng ngày 3 tháng 4 toàn bộ phi công trên chiếc hàng không mẫu hạm USS Constellation tập trung ở phòng phân công nhiệm vụ. Đó là một gian phòng rộng ở tầng 12, trên tường gắn một bảng viết bằng bút chì dầu, bên cạnh một máy chiếu và một màn ảnh, góc bên trái một màn hình 100 inch và một chiếc caméra. J. Paul, Tư lệnh hàng không mẫu hạm USS Constellation cho chiếu trên máy chiếu hình ảnh chiếc cầu bắc qua hai mỏm núi do chiếc máy bay trinh sát U-2 gởi về. J.Paul nói:

- Toàn bộ 6.000 sĩ quan và binh sĩ của hàng không mẫu hạm Constellation đã nhận được lệnh báo động. Tất cả 85 máy bay đều ở vị trí sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tôi đã ra lệnh đưa máy bay từ tầng thứ hai lên boong, cố định cánh, lắp bom và tên lửa.

Ở bên ngoài, không khí chuẩn bị của những sĩ quan và thợ máy nhộn nhịp, chiếc thang máy có công suất rất lớn, mỗi lần một chiếc máy bay trên 20 ngàn ký được một chiếc xe nhỏ kéo đặt vào thang đúng theo các lằn vạch màu vàng. Thời gian chưa đến một phút, cánh gấp lên trên, được đưa từ tầng dưới lên và ngay lập tức chiếc xe kéo nhỏ đã kéo đi xếp xung quanh đài radar, cánh được cố định ngay trên một đường băng phụ có chiều dài gần 150 mét, chiếc lên trước sẽ cất cánh sau. Từ phòng phân công nhiệm vụ, J. Paul đã quan sát toàn bộ hoạt động của hạm tàu, đến cả việc sửa chữa máy bay ở tầng ba cũng được ông quan sát. Paul cầm chiếc que, chỉ lên chiếc cầu bây giờ chiếu nhỏ lại, toàn cảnh khu vực ném bom hiện ra rất rõ, dòng sông, hai mỏm núi, chiếc cầu sắt bắc qua. J.Paul chỉ những vị trí có vòng tròn nhỏ và những mũi tên, nói:

- Đây là những vị trí pháo cao xạ 37 mm, có thể có loại lớn hơn. Nhưng, nếu chúng ta bổ nhào ở góc lớn thì có thể loại trừ pháo cao xạ bắn thẳng. Chiếc cầu dài chừng 400 mét, bề ngang rộng tám mét, ở giữa là đường xe ô tô và xe lửa, hai bên dành cho người đi bộ và xe đạp. Chỉ cần một quả bom trúng bất kỳ ở đâu cầu cũng sẽ đổ sập. Đây là mục tiêu lớn về kích thước và quan trọng về mặt chiến lược. Nếu cầu sập, Bắc Việt Nam không có con đường nào để chi viện cho Việt Cộng. Nhiệm vụ của hạm chúng ta là đánh sập chiếc cầu, tất nhiên nếu vị trí pháo cao xạ nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ của chúng ta, các anh phải tiêu diệt… Còn không quân Bắc Việt Nam, tôi muốn các anh xem…

J.Paul chiếu trên màn ảnh toàn cảnh sân bay Nội Bài. Những chiếc Mig-17 nhỏ xíu đậu thành hàng, một số chiếc đậu ở trong ụ đất, xung quanh là ruộng lúa. Ông ta nói:

- Những chiếc Mig-17 cũ kỹ, chúng ta đã từng bắn hạ hàng trăm chiếc trên chiến trường Triều Tiên. So với những chiếc máy bay của chúng ta hiện nay thì đó là những con cào cào không đáng quan tâm. Nó không được gọi là đối thủ của không lực chúng ta. Toàn bộ chỉ có một nhóm nhỏ ấy, Hàm Rồng lại ở rất xa, khó có khả năng bay tới. Nếu bọn chúng xuất hiện, tôi nghĩ chúng ta lấy đó (những chiếc Mig-17) để làm trò chơi, anh em có thể vờn như mèo vờn chuột, tôi nghĩ sẽ rất thú vị, có thể mua vui được đấy.

J.Paul cười thoải mái, những chiếc răng sâu vừa được trạm y tế ở tầng thứ năm của hạm nhổ hôm kia, do một bác sĩ nha khoa danh tiếng thực hành. Nó như một cái hang sâu ở trong vòm họng. Chỉ việc đó, chỉ nhìn hàm răng của Paul, các phi công bỗng cười ran trong phòng giao nhiệm vụ, cùng với lối dí dỏm của Đô đốc về những chiếc Mig-17 cổ lỗ thật vui. J. Paul đột ngột ngưng cười, vành môi mím lại, ông ta hỏi:

- Còn ai thắc mắc gì ? Sĩ quan hành quân đã chuẩn bị, đường bay vào, từ hạm đội, điểm kiểm tra cuối cùng là Hòn Mê. Đến Hòn Mê dọc theo đường số 1 đi theo hướng Bắc, nhìn bên trái sẽ thấy một con sông và chiếc cầu. Không ai có ý kiến. Chúng ta sẽ đi ăn sáng và chờ lệnh.

***

Thiếu tá Crommell nhìn vào tấm bản đồ bay được tráng một lớp nhựa cả hai mặt để chống ẩm ướt, anh ta đối chiếu tọa độ vị trí hàng không mẫu hạm được vệ tinh quân sự vừa chụp ảnh và truyền xuống cho sĩ quan quân báo. Như vậy tàu của anh ta đang chạy xung quanh vị trí ở giữa đèo Ngang và cửa Nhượng. Crommell đặt thước đo “Hàng không mẫu hạm USS Con stellation cách mục tiêu 160 kilômét”. Nhiệm vụ của Crommell là lái chiếc Crusader F-8 Voughet, hộ tống cho những chiếc A-4 ném bom cầu Hàm Rồng. Một chiếc cầu dài bắc qua hai quả núi rất rõ, mục tiêu đó không có gì phải hỏi. Đối với những phi công A-4 thì, mục tiêu như vậy chỉ nhiều lắm hai lần bổ nhào là chắc chắn chiếc cầu đó phải bay mất. Phòng họp giao ban nằm ở tầng thứ 12 tính từ trên xuống, có đầy đủ mô hình, hình ảnh cho một trận tập kích bom. Các trận địa pháo cao xạ, không ảnh chụp rất tinh vi, rõ ràng, mỗi phi công tự mình đánh dấu các vị trí của pháo cao xạ cẩn thận… Sau đó, Crommell và các phi công ăn sáng ở căng-tin. Món ăn ngày 3 tháng 4 năm 1965 mỗi người một chiếc sandwich, một ly sữa và một tách cà phê. Crommell ngồi với Robert ở một góc nhà hàng, tại đây, có thể nhìn thấy mặt biển nhấp nhô sóng lớn, sóng bạc đầu, thi thoảng thấy được những con cá voi nhảy lên khỏi mặt nước cả một khối dài đồ sộ và chiếc đuôi như chiếc quạt to lớn, những vòi nước phun lên cao đến vài mét. Robert cấp bậc đại úy, tuổi còn trẻ nhưng đầu đã hói, nước da ửng đỏ ở cổ và ở mặt, đôi lông mày rậm màu bạch kim, mắt to, mặt vuông, dợm hỏi:

- Thưa Thiếu tá, toàn bộ mục tiêu và cách đánh chúng ta đã bàn. Tôi không có gì phân vân. Tôi muốn giáp mặt với phi công Bắc Việt Nam, tôi muốn đùa giỡn với Mig-17. Hôm nay tôi sẽ cố đi tìm…

Crommell bình tĩnh hơn :

- Đại úy, tôi không dám dạy ngài. Nhưng, không chiến, dù với máy bay nào cũng đều nguy hiểm. Tôi quan niệm, người ngồi trên chiếc Mig đó là điều tôi quan tâm. Dù cho Mig-17 của Bắc Việt Nam rất lạc hậu. Nhưng nó có  tới ba khẩu đại bác. Ba khẩu đại bác đó gần trăm viên đạn, trong đó có những viên đạn cỡ 37 mm. Tôi nghĩ, những chiếc máy bay, bất kỳ là hiện đại đến đâu chỉ cần trúng một viên là,…

Robert cười mỉm:

- Thưa Thiếu tá, tôi thấy, hình như ngài… sợ?

- Tôi hả ? Không. Danh dự một sĩ quan không lực Mỹ, danh dự là công dân Hoa Kỳ, trách nhiệm đối với quốc gia hùng mạnh bậc nhất hành tinh… tôi không có thói quen sợ hãi. Nhưng, tôi cũng không phải là một con vẹt chỉ biết nhắc lại những lời nói của người khác.

Robert biết Crommell nói xỏ xiên. Nhưng anh ta thấy chẳng có gì bực mình. Robert vốn nổi tiếng là một phi công ngổ ngáo. Mới cách đây gần một năm, trong một chuyến bay đêm về hạ cánh trên hàng không mẫu hạm, chuẩn bị hạ cánh lần thứ nhất, từ xa, anh ta xác định tầm bằng chiếc gương hạ cánh đặt ở gần đài radar, tốc độ xuống 320 km/giờ, càng, cánh tà bung ra hết cỡ, anh ta giữ tốc độ 250 km/giờ, tay ga giữ mức để có tốc độ ổn định, chiếc phi cơ thả móc ở phía đuôi để móc vào bốn sợi dây cáp giăng ngang đường hạ cánh…

Chẳng hiểu sao, hai cái móc đều không móc được vào sợi cáp hãm tốc độ. Robert rồ ga, tăng tốc độ, vọt lên không trung. Lần thứ hai hạ cánh cũng không thành công, anh ta bắt đầu nổi nóng. Nghe giọng nói, biết Robert không còn bình tĩnh, người chỉ huy hạ cánh đã ra lệnh nâng lưới chắn ở cuối đường hạ cánh lên, đề phòng. Quả nhiên, lần thứ ba chiếc móc trên chiếc F-8E của anh ta cũng không móc được vào sợi dây hãm tốc độ hạ cánh, anh ta vừa đẩy tay ga, toàn bộ chiếc máy bay đã bị lưới hãm trùm chặt không nhúc nhích được. Robert được kéo ra khỏi lưới, anh ta vội vã chạy ra phía đuôi, chiếc móc bằng thép to gần bằng cái dĩa inox, vẫn đựng miếng thịt bò bữa ăn tối, đã không thấy, cả đoạn thép to bằng cổ tay hơn một mét tự động thò ra cùng với chiếc móc chẳng còn. Robert bực mình co chân đá mạnh vào chân một người lính thợ, làm cho anh này phải đưa đến trạm xá trên hạm chữa trị gần một tuần mới đi lại được. Dù biết Crommell xỉa xói, nhưng Crommell là một tay đấm có hạng, đã từng thượng đài, nên Robert cười trừ, nói :

- Thiếu tá, chúng ta sẽ chứng minh lời nói của mình ở trên không.

- Vâng, tôi rất muốn chúng ta sẽ nói và làm như nhau. Ở trên trời mọi lời khuyên đều vô nghĩa, chỉ có bản lãnh của người đàn ông mới đáng nói.

Lúc đó, đồng hồ của Crommell chỉ 7 giờ 30. Tiếng còi báo động lan tỏa chói lói, những phi công đều nhanh chóng rời khỏi căng-tin. Có người còn vội vã uống hết ly sữa. Crommell kịp nhìn Robert bình tĩnh ngửa cổ đổ hết tách cà phê vào miệng rồi mới bước đi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM