Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:35:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Có một thời như thế (phần 3)  (Đọc 170280 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
pain
Thành viên
*
Bài viết: 421



« Trả lời #100 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 03:18:14 pm »

Đọc ký ức của bác vovanha, trungsy 1, lethaitho hay nhiều bác cựu khác nữa, luôn được thấy tình cảm tiếc thương vô cùng của các bác, đối với các đồng đội đã ngã xuống nơi chiến hào.
Và cũng được đọc rất nhiều sự chia xẻ, cảm phục của các cháu thế hệ 8x, 9x tưởng nhớ tới các chú, các bác đã quyên mình nơi chiến địa xa xôi.
Buồn, nhưng không luỵ.
Hôm nay, ta hãy nhìn sự hy sinh ấy như là sự cháy hết mình của một đấng nam nhi kiêu bạc đi.
Và mỗi sự hy sinh, là như một sự chia xa, là như một chiếc lá rơi.

Và bạn có bao giờ ngước nhìn lên bầu trời không?
Bạn có thấy không, một chiếc lá đang xoay tròn trước gió, chiếc lá cuối cùng.
Ngày hôm qua, trên cây sấu già cao khẳng khiu, rung rẩy trước cơn gió cuối mùa, vẫn thấy còn 1 quả sấu chín mọng và môt chiếc lá đơn côi.
Chiếc lá đã đẫm ánh vàng, tưởng chừng như chỉ cần có 1 làn gió nhẹ, chiếc lá cũng có thể rời cành ra đi.
Nhưng không, dù đã úa tàn, nhưng chiếc lá sấu già vẫn kiên gan ở lại. Chiếc lá cuối cùng, đã ánh lên mầu vàng nâu, cuộng lá không còn gắn chặt vào cành cây khẳng khiu nữa. Nhưng chiếc lá vẫn hiên ngang ưỡn ngực ra trước gió, xoè hết bản lá ra để che cho cô sấu chín căng mọng, khỏi rùng mình trước cơn gió cuối thu.
Bản tính của kẻ kiêu bạc là thế. Sẵn sàng cháy hết mình cho cái đẹp. Cho giù biết có thể phải ra đi sớm hơn, nhưng kẻ kiêu bạc không thể để cho cái đẹp phải ra đi trước mình.
Thế nhưng, đêm hôm qua, cô sấu chín mọng đã ra đi nơi phương trời xa thẳm. Cô đã đến một nơi mà chiếc lá cuối cùng chẳng còn nhìn thấy được.
Và hôm nay, theo cơn gió cuối mùa, chiếc lá quyết định ra đi. Để tìm cô sấu chín, để tiếp tục làm công việc của chàng lá kiêu bạc: cháy hết mình vì lẽ đẹp trên đời.
Và bạn có bao giờ ngước nhìn lên bầu trời không?
Bạn có thấy không, một chiếc lá đang xoay tròn trước gió, chiếc lá cuối cùng.


Giời ạ! Thế này mà các tạp chí văn học không chịu tìm đăng Huh Không còn gì để nói nữa, lại một lần nữa thán phục. Smiley
Logged

Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc. Đó là không...ham muốn gì nữa!!!
vienkhach
Thành viên
*
Bài viết: 15


« Trả lời #101 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2009, 07:19:07 am »

Đọc ký ức của bác vovanha, trungsy 1, lethaitho hay nhiều bác cựu khác nữa, luôn được thấy tình cảm tiếc thương vô cùng của các bác, đối với các đồng đội đã ngã xuống nơi chiến hào.
Và cũng được đọc rất nhiều sự chia xẻ, cảm phục của các cháu thế hệ 8x, 9x tưởng nhớ tới các chú, các bác đã quyên mình nơi chiến địa xa xôi.
Buồn, nhưng không luỵ.
Hôm nay, ta hãy nhìn sự hy sinh ấy như là sự cháy hết mình của một đấng nam nhi kiêu bạc đi.
Và mỗi sự hy sinh, là như một sự chia xa, là như một chiếc lá rơi.

Và bạn có bao giờ ngước nhìn lên bầu trời không?
Bạn có thấy không, một chiếc lá đang xoay tròn trước gió, chiếc lá cuối cùng.
Ngày hôm qua, trên cây sấu già cao khẳng khiu, rung rẩy trước cơn gió cuối mùa, vẫn thấy còn 1 quả sấu chín mọng và môt chiếc lá đơn côi.
Chiếc lá đã đẫm ánh vàng, tưởng chừng như chỉ cần có 1 làn gió nhẹ, chiếc lá cũng có thể rời cành ra đi.
Nhưng không, dù đã úa tàn, nhưng chiếc lá sấu già vẫn kiên gan ở lại. Chiếc lá cuối cùng, đã ánh lên mầu vàng nâu, cuộng lá không còn gắn chặt vào cành cây khẳng khiu nữa. Nhưng chiếc lá vẫn hiên ngang ưỡn ngực ra trước gió, xoè hết bản lá ra để che cho cô sấu chín căng mọng, khỏi rùng mình trước cơn gió cuối thu.
Bản tính của kẻ kiêu bạc là thế. Sẵn sàng cháy hết mình cho cái đẹp. Cho giù biết có thể phải ra đi sớm hơn, nhưng kẻ kiêu bạc không thể để cho cái đẹp phải ra đi trước mình.
Thế nhưng, đêm hôm qua, cô sấu chín mọng đã ra đi nơi phương trời xa thẳm. Cô đã đến một nơi mà chiếc lá cuối cùng chẳng còn nhìn thấy được.
Và hôm nay, theo cơn gió cuối mùa, chiếc lá quyết định ra đi. Để tìm cô sấu chín, để tiếp tục làm công việc của chàng lá kiêu bạc: cháy hết mình vì lẽ đẹp trên đời.
Và bạn có bao giờ ngước nhìn lên bầu trời không?
Bạn có thấy không, một chiếc lá đang xoay tròn trước gió, chiếc lá cuối cùng.



Nhớ Chiếc lá cuối cùng của O. Henry. Chiếc lá đã được vẽ bởi lòng nhân ái để giữ cho hy vọng của người khác đừng vụt tắt. Ai đó từng nói "Nhân bất khả vô khinh ngạo thái, nhiên khả vô khinh ngạo cốt". Cháu thấy hình như các chú đã qua thời binh lửa đều có cái cốt cách đó. Cảm ơn các chú đã làm cho cháu lớn hơn lên.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #102 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2009, 10:02:49 am »

Bạn Baoleo thân,ai dám bảo lính ta khô khan nhỉ,vất vả như baoleo mà vẫn yêu người yêu đời thì quả là đáng khâm phục.
 Mấy hôm mạng mất nhớ các bạn đến buồn cả người.Hôm nay đọc bài của bạn thấy lòng mình nhẹ lại ,khó khăn mà mình gặp phải chẳng là gì cả. Cám ơn bạn,mong nhận được nhiều bàu trời sao của bạn.
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #103 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 06:39:20 am »

TIẾNG XAY LÚA TRONG ĐÊM
Đơn vị tôi được lệnh đi B gấp, không kịp bắn bài 2. Chiều tối xe đến chở chúng tôi một lèo về phía Nam, gần sáng đổ xuống một làng ở huyện Yên Mô tỉnh Ninh Binh. Cả lũ tân binh được chia về các đơn vị trực thuộc của sư đoàn, tôi và  sáu anh em nữa được phân về đại đội 12,7ly nằm cách sư đoàn bộ không xa.
Đến đây mới biết mình được bổ xung cho đơn vị này để làm anh nuôi. Phải thôi, lính mới mà, đơn vị toàn lính cũ đã từng đánh trận, họ đang là học viên trường phòng không thì được lệnh ngưng học, nhận súng đi B. Đơn vị đang ăn dưỡng trước ngày lên đường, vẫn ăn theo bếp đại đội. Những ngày này chúng tôi có nhiệm vụ xuống giúp chị nuôi, những chiến sĩ nữ nuôi quân của trường PK đi theo học viên, đơn vị đi B thì họ quay lại trường và chúng tôi thay thế họ. Hàng ngày nhởn nhơ, mang tiếng là xuống giúp chị em nhưng toàn tán dóc, chọc ghẹo nhau là chính. Rồi lang thang trong làng chơi với đám trẻ con, chán thì về nhà ngủ, đánh cờ với mấy cụ, mới có một tuần đứa nào đứa nấy béo trắng ra.
Ba đứa lính mới chúng tôi cùng anh quản lý đại đội ở trong một nhà dân khá rộng nhưng neo người. Có hai ông bà già và cô con dâu tên Xoan, hình như cũng có thêm chị, anh gì nữa nhưng thoát ly cả, những ngày đóng quân ở đây chưa thấy ai về bao giờ. Hai cụ già rồi, ngày ngày loanh quanh ra vườn, vào sân vận động chân tay tý cho khỏe, chứ không phải làm gì. Mọi việc trong nhà, từ đồng áng, lợn, gà tất tật đã có  Xoan. Ngoài đồng về đến nhà, thả cái cào cỏ cải tiến bên bờ giếng, múc mấy gầu nước rửa qua mặt mũi chân tay Xoan lại lao vào bếp, lo cơm nước cho hai cụ. Lại khói rạ bốc lên từ căn nhà bếp đặt ngang sân nhà. Xếp mâm cơm, Xoan bê vào tận buồng cho hai cụ. Từ ngày chúng tôi đến, cả nhà nhường toàn bộ ba gian giữa nhà cho anh em chúng tôi, người nhà ở hai buồng chái  hai bên, hai cụ một bên, Xoan ở bên đối diện. Ăn uống cũng trong buồng, các cụ ăn xong, Xoan dọn xuống bếp rồi mới ăn một mình ở đó.Tôi để ý, có hôm chả kịp ăn gì, làm xong việc nhà lại tất tả ra đồng.
Xoan còn trẻ lắm, chạc tuổi chúng tôi mười chín hai mươi, thế mà đã làm dâu hơn hai năm. Chồng Xoan là bộ đội, Xoan lấy chồng cũng là do gia đình sắp đặt, ở với nhau được vài hôm anh lại đi vào chiến trường, hai năm nay không một lá thư, chẳng tin tức gì. Hai cụ chắc cũng vì thế mà sức khỏe ngày càng yếu. Mỗi lần ngồi với chúng tôi cả hai cụ chỉ nhắc tới anh, rồi thở dài.
Cũng có hôm rảnh rỗi, Xoan ngồi nơi hiên nhà tóc để xõa ra nằm trên đất. Cầm cái lược gỗ trên tay, mắt dõi theo đôi chim sâu nhỏ dắt nhau nhảy từ cành cây này sang cành cây khác. Xoan mơ màng ngơ ngác như đứa trẻ…Hoa xoan mới nhú, lại sắp một mùa hoa xoan nữa… Mấy lính trẻ Hà Nội chúng tôi ra khỏi nhà mồm mép như tép nhảy, trọc ghẹo chẳng tha cô gái nào trong xóm nhưng về đến nhà thì tuyệt nhiên khác. Những lúc thấy Xoan ngồi một mình chúng tôi chỉ im lặng nhìn từ xa.
Cả lũ chúng tôi đều thừa nhận Xoan rất đẹp, cái đẹp mặn mà khỏe khoắn của người lao động, nhưng lạ là đồng áng thế mà nước da cứ trắng hồng. Mỗi lần có việc ở giếng,  gặp Xoan ngoài đồng về, tôi thường giúp Xoan kéo nước,  dội cho Xoan rửa mặt. Tóc búi gọn, làn da nơi cổ trắng ngần, tóc mai bết nước dính vào má, vào gáy. Áo cánh nâu không cổ bó chặt lấy thân hình thon thả, chắc gọn, mùi hương đàn bà tỏa nồng làm tôi ngây ngất. Tôi cố kéo dài, làm thật chậm dội nhè nhẹ dòng nước mát lạnh lên đôi bàn tay căng hồng của Xoan.Tôi nghịch ngợm hất nhẹ mấy giọt nước lên lưng áo, Xoan cũng mặc, mắt vẫn cười…
Mấy ngày trước lúc lên đường, chúng tôi thổ lộ với nhau những gì về Xoan, nói chung ông nào cũng mê Xoan, tán ra tán vào thì có đứa bảo :” Kém thế, giỏi thì đêm vào phòng nàng mới đáng, ngồi mà tán suông làm đếch gì.” Cáu tiết tôi bảo “thách không ?”. Cả lũ đều thách và nếu tôi làm được cả lũ sẽ chịu tiền một bữa vịt luộc thoải mái cho cả bọn. Nhận lời nhưng tôi thực sự thấy sao sao ấy, tính định tháo lui nhưng lại sĩ. Tôi nói với anh quản lý cứ nghĩ anh can, ai ngờ anh còn bảo :” mày làm được tao mất thêm chai rượu” Hết đường phải liều thôi.
Trưa ấy, Xoan đang băm rau lợn, tôi lân la giúp Xoan soạn sẵn cho gọn những bó rau rồi tiếp cho Xoan băm. Mỗi lần đưa rau cho Xoan tay chúng tôi lại chạm vào nhau. Rồi tôi giữ chặt tay Xoan, Xoan để yên, tôi nói nhanh trong hơi thở :” tối anh vào đấy!” . Xoan im lặng, con dao trên tay loáng loáng, dồn dập, nghiêng ngả…
Cẩn thận hơn tôi còn xin anh quản lý một ít mỡ (để bảo quản súng) đợi lúc không có ai ở nhà, tôi bôi vào cái lỗ bản lề gỗ của cánh cửa để giảm tiếng kêu cót két mỗi lần đóng mở.
Đêm khuya yên ắng, hai ông đồng hương ngủ say tít trong tiếng ngáy đều đều. Từ phòng Xoan hắt ra tia sáng mờ mờ, tôi lay khẽ anh quản lý rồi lẻn khỏi giường. Thực tình lúc ấy tôi quên chuyện thách đố mấy con vịt mà chỉ lo có chuyện gì thì tai tiếng lắm, không dám nhìn hai cụ nữa và kỷ luật như chơi.
Sau tiếng ke..ẹt nhè nhẹ, tôi lẻn vào phòng, tim đập thình thình khó tả. Xoan xoay nghiêng người nhìn tôi im lặng, ánh đèn mờ không dấu nổi ánh mắt long lanh rực sáng chĩa thẳng vào tôi. Tôi mạnh dạn lại giường ngồi xuống nắm lấy bàn tay Xoan, Xoan lặng im, mắt nhắm lại, một lát trấn tĩnh lại tôi nói nhỏ :”ngủ đi, anh ra đây.” Chưa dứt lời, Xoan đã chồm dậy ôm chầm lấy tôi, đôi cánh tay chắc lẳn, mịn màng xiết chặt khiến tôi nghẹn thở. Môi hai đứa dính chặt nhau cho đến khi buộc phải tách ra để thở…Tôi lại thì thào :” anh phải ra thôi.” Vòng tay như xiết chặt hơn, toàn thân Xoan rung lên từng đợt, từng đợt như sóng, mặt úp vào bờ vai tôi, nấc nhẹ. Gỡ cánh tay mềm mại, tôi đứng dậy lùi dần ra cửa, bóng Xoan ngồi bất động…
Tôi nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh anh quản lý, anh hỏi nhưng tôi không trả lời. Anh bảo :” thôi ngủ đi.”.Cả vạt áo trái ướt lạnh, khiến tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi ra hiên ngồi lặng trong đêm, đầu óc lung bung…
Thoáng có tiếng ke.ẹt nhẹ, tôi chẳng dám nhìn về hướng đó, vầng sáng tỏa tròn của ngọn đèn dầu chuyển xuống nhà ngang nơi bếp. Rồi tiếng ù ào, ù ào, bóng Xoan đổ nghiêng hắt ra sân, lay động theo nhịp của cối xay lúa. Người tôi run lên, nước mắt nhòa mặt…
Ù ào, ù ào tiếng xay lúa trong đêm của vợ người lính như tiếng sóng biển gào thét dội về muốn xô đổ tất thảy…
Hôm sau, chúng tôi lên đường vào mặt trận, cả đạị đội tập trung ở sân kho hợp tác, cả xóm già trẻ kéo nhau ra tiễn bộ đội. Tôi nhìn khắp, tìm Xoan  mãi cho đến lúc đoàn quân đi, không thấy Xoan.

Logged
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #104 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 08:01:55 am »

Tình thế "nguy hiểm" nhỉ bác Phong Quảng!
Câu chuyện buồn quá!
Nó đã xảy ra hoặc không xảy ra chuyện ấy thì đều làm người ta phải nghĩ về nó!
Nhớ suốt đời!
Các bác đừng chửi em! Nếu nhỡ em không vượt qua đươc...
Logged
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #105 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 08:40:38 am »

Bác Phongquang cam đảm quá! Ý em muốn nói là đã bước vào mà vẫn can đảm dứt khoát bước ra! Em thì em...chịu!
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #106 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 08:52:01 am »

Bác Phongquang cam đảm quá! Ý em muốn nói là đã bước vào mà vẫn can đảm dứt khoát bước ra! Em thì em...chịu!
Tình thế "nguy hiểm" nhỉ bác Phong Quảng!
Câu chuyện buồn quá!
Nó đã xảy ra hoặc không xảy ra chuyện ấy thì đều làm người ta phải nghĩ về nó!
Nhớ suốt đời!
Các bác đừng chửi em! Nếu nhỡ em không vượt qua đươc...
Còn anh quản lý đang thức nữa cơ mà, không ra không được. Phong Quảng lúc ấy là một trong hai ông đang ngủ (giả vờ ngủ thôi, vẫn thức). Mình viết hộ bạn mình thôi, anh ấy ở phố Thuốc Bắc, trước khi đi lính là học sinh trường xiếc ( đu bay). Sau đêm ấy cả lũ buồn vì đùa dại và thương cô ấy quá.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #107 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 09:55:22 am »

@PhongQuảng:

    Chút kỷ niệm bạn viết rất hay, rất thật và cảm động.
    Dù người lính trong đó là PhongQuảng, hay là người khác thì cũng đã thể hiện đậm chất lính của anh bộ đội cụ Hồ.
    Thật lòng cảm ơn và trân trọng bạn, vì câu chuyện đã xảy ra đúng như thế.
Nó góp phần tô đậm thêm hình ảnh cao đẹp về người lính trong tôi.
    PhongQuảng đã lên chức "ông" rồi, nhưng tôi vẫn xin chúc bạn luôn hạnh phúc, và cảm ơn bạn lần nữa vì nội dung câu chuyện.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #108 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 03:06:29 pm »

Bạn Phong Quảng thân ,tại sao bạn lại có thể có những chuyện hay như thế ?Của ai cũng được cái hay là bạn kể ra được để mọi người hiểu được tình cảm của những người lính thời chiến tranh chống  Pháp chống Mỹ, cả các loại chiến tranh chống xâm lược,cùng với tình cảm  ,nhu cầu của những người phụ nữ mỏi mắt chờ chồng...Trên thế giới có bao nhiêu  nước  hiểu được nỗi lòng của người lính- vừa có nhu cầu do sinh lý,vừa  có lý trí của con người khi nghĩ đến đồng đội của mình ngoài chiến trường,có bao nhiêu dân tộc có thể hiểu được tâm trạng của người vợ của bộ đội cụ Hồ-vừa có nhu cầu tình cảm, vừa có trách nhiệm với bố mẹ chồng,vừa thương nhớ chồng ngoài mặt trận   nhưng sự thèm khát cũng thật là cháy bỏng và rồi cũng tự hổ thẹn với chính mình như chuyện của bạn Phong Quảng.
  Rất cám ơn bạn,mong bạn thật hạnh phúc với gia đình của mình,mong đươc nhận nhiều nữa những chuyện hay như vậy của bạn.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #109 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2009, 10:50:00 pm »

Mình vừa được gặp mặt các cựu binh của cục kỹ thuật thông tin  hôm chủ nhật vừa rồi 22-3.
Gặp chị cả Nguyệt Ánh con gái của cố giáo sư Đặng văn Ngữ,chị là kỹ sư thông tin,nhưng khi đi học phó tiến sỹ( bây giờ là tiến sỹ) ở Nga thì phải, về vào    cuối những năm 60 của thế kỷ trước thì binh chủng thông tin không nhận chị về ,vì không có nhu cầu?? Buồn đến bây giờ vẫn kể lại mỗi lần gặp  nhau.
Gặp chị Thu Sương- cựu binh đo lường.Hai chị em chụp với nhau một bức ảnh:''Binh chủng thông tin đệ nhất BÉO."
 Gặp cô Trực -Phu nhân của cốThiếu tướng Lê Cư nguyên chính ủy binh chủng thông tin những năm đánh Mỹ
 một trong hai cụ bà được mừng thọ 85 tuổi -cao lão.
 Gặp Bạch Mai- phu nhân thiếu tướng Ngô an Hợi nguyên chánh văn phòng BTTM-Mình nhắc lại chuyện làm mối cho hai người,bất hủ nhất là :Mai ơi chị có ông bạn trong cục tác chiến muốn làm mối cho em,phải mỗi tội dân xi-ca-bọ thôi.
   Mai cười trả lời :Em cũng bọ mà chị!!!! Thế là nên duyên vợ chồng.Bao giờ mà quên được Huh??
 Gặp anh Cống-trợ lý quản lý dây ,cáp của binh chủng  từ ngày về hưu lần đầu  đến gặp lại đồng đội sau 22 năm-Vẫn nước da màu cách mạng như xưa và vẫn hồ hởi vui vẻ  chất lính kỹ thuật.
   Gặp các Thủ trưởng nguyên phó tư lệnh binh chủng cũ trung tướng Hậu,đại tá Đàm Rơi, đại tá Nguyễn đỗ Trung, khi các cụ lên nhận quà mừng thọ 70 tuổi,cả ba thủ trưởng đều quay xuống nhắc:Thanh Hà cố sống để nhận mừng thọ 70 nhé-Cảm động vì mọi người đều biết mình đã qua một cơn bạo bệnh.
   Còn nhiều lắm muộn rồi phải cắt dòng nhung nhớ để đi nghỉ đây.
   Nhớ mãi những ngày khó quên ấy của đời lính.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2009, 10:52:25 pm gửi bởi hatuyenha » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM