Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:36:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những viên tướng ngã ngựa  (Đọc 55545 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #30 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:31:59 am »

Trong khi địch đang lúng túng, ta quyết định mở chiến dịch biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế bao vây của địch mở rộng và củng cố căn cứ địa.
Đường số 4 chạy dài theo biên giới Việt Trung. Bị ta đánh nhiều lần nên chúng phải thiết lập hàng trăm đồn bốt để bảo vệ hành lang tiếp tế, vận chuyển và tạo thế đứng vững chắc. Từ năm 1949 trước sự uy hiếp ngày càng tăng của ta, địch phải rút bỏ những đồn bốt lẻ, co cụm lại tại các trung tâm lớn hình thành các cụm cứ điểm gồm Cao Bằng- Đông Khê - Thất Khê - Đồng Đăng - Lạng Sơn xuôi xuống là Bình Liêu, Đầm Hà, Hà Cối điểm chót là Móng Cái.
Ta chủ trương đánh điểm, diệt viện tức là kéo địch ra ngoài công sự để đánh, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Lúc đầu ta định lấy Cao Bằng làm điểm của chiến dịch nhưng sau khi điều tra nghiên cứu kỹ thấy: Cao Bằng ở vào địa thố phòng ngự khá hiểm, hai con sông lượn vòng án ngữ, địch có tới 2.400 quân (3 tiểu đoàn của 3e REI, 1 tiểu đoàn ngụy và 3e Tabor) bố phòng vững chắc, ta có thể thương vong lớn và trận đánh có thể kéo dài. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Đông Khê cụm cứ điểm nằm giữa Cao Bằng và Thất Khê. Đánh Đông khê địch sợ bị cô lập sẽ phải rút Cao Bằng hoặc phải từ Thất Khê lên ứng cứu tạo điều kiện để ta đánh địch ngoài công sự.
Ngày 16/9/1950 đúng lúc Carpentier phát lệnh chuẩn bị rút Cao Bằng, ta bắt đầu nổ súng đánh Đông Khê. Đến 10 giờ ngày 18/9, trung đoàn 209 và 174 đã tiêu diệt xong toàn bộ cụm cứ điểm do hai đại đội lê dương chiếm đóng, bắt sống tên Allioux chỉ huy trưởng Đông Khê.
Mất Đông Khê, Carpentier quyết định rút Cao Bàng sớm hơn dự định. Biết là Charton, chỉ huy trưởng 3e REI đồng thời là chỉ huy trưởng Cao Bằng luôn phản đối việc rút bỏ Cao Bằng nên Carpentier đã cử một sĩ quan cưỡi máy bay lên đưa mệnh lệnh buộc Charton phải tổ chức lực lượng gọn nhẹ, bỏ lại tất cả những trang bị nặng, nhanh chóng theo đường số 4 hợp với quân Lepage lên đón, đồng thời ra lệnh cho 5 tiểu đoàn tiến lên đánh chiếm Thái Nguyên thu hút lực lượng ta ở mặt trận chính trở về.
Trong khi tiếng súng đang nổ ở Đông Khê một binh đoàn gần 4 tiểu đoàn. 1er, 3e, 11e Tabor và 1 tiểu đoàn của 8 RTM đã được tập hợp tại Lạng Sơn tiến lên Thất Khê.
Ra chỉ thị cần thiết cho Marchand (quyền Tư lệnh miền Bắc trong khi Alessandri về Pháp) và Constant (Tư lệnh quân khu biên giới), ngày 20/10 Carpentier về Hà Nội. Alessandri cũng vừa từ Paris sang. Pignon đã tổ chức cuộc họp chung. Một cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa Carpentier và Alessandri khá kịch liệt về chủ trương rút Cao Bằng. Ngày hôm sau Carpentier vào Sài Gòn, Alessandri lĩnh trách nhiệm điều hành chiến dịch nằm ngoài ý muốn của mình1 (Alessandri luôn chủ trương chiếm đóng đồng bằng Bắc Bộ, chối rừng núi, chống lệnh rút Cao Bằng. Năm 1950 bị kết tội chống lệnh cao trên, bị triệu hồi về nước không được giao nhiệm vụ chỉ huy).
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #31 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:32:44 am »

Ngày 19/9 binh đoàn Lepage mang tên binh đoàn Bayard vẫn chưa tới được Thất Khê vì vừa đi vừa phải sục sạo. Ngày 23/9 đến Pò Mã, 1er BEP đi đầu bị chặn lại. Đội quân lê dương đã phản ứng bằng một trận nổ súng chưa từng thấy ở Bắc Kỳ. Ngày 30/9, trung tá Lepage nhận mệnh lệnh số 2 của đại tá Constant thực hiện chiến dịch "Tiznit" lên Đông Khê vào sáng 22/10 và sẽ có lệnh tiếp vào gần trưa 2/11.
Sau nửa tháng chờ đợi không thấy địch lên, ta chuyển hướng nghiên cứu đánh Thất Khê. Đêm 30/9 Lepage dẫn quân lặng lẽ tiến lên Chọc Ngà. Chạm ta, Lepage đốc tiểu đoàn dù thứ nhất và tiểu đoàn Tabor số 11 chiếm lĩnh dãy Khâu Luông - Nà Pá phía nam Đông Khê và lệnh cho 1er Tabor tiến lên phía tây Đông Khê chiếm sân bay, 1er BEP bịt ở phía nam Đông Khê, hôm đó là ngày 2/10.
14 giờ 30, một mệnh lệnh được ném từ máy bay xuống thúc binh đoàn Bayard phải tới Nậm Nàng cách Đông Khê 15km về phía bắc vào 3/10 đón đoàn quân của Charton theo đường số 4 rút về mang tên chiến dịch “Therese".
Khâu Luông là một đồi cỏ gianh đỉnh cao 703m có 4 mỏm tương đối bằng phẳng khống chế một đoạn đường số 4 khá dài chạy theo dưới chân đồi, nơi đây quân của trung đoàn 36 đã triển khai trận địa chống quân nhảy dù khi đơn vị bạn đánh Đông Khê nên quá quen thuộc địa hình địa vật.
22 giờ đêm 2/10 quân ta tiếp cận địch bắt đầu nổ súng. Địch cố giữ Khâu Luông để bám lấy đường số 4, con đường rút chủ yếu, nên cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Một phần quân số đi lấy gạo không về kịp nhưng các tiểu đoàn 80- 84 đã tham chiến cùng các đơn vị bạn đạt hiệu suất cao. Hai chú bé liên lạc của đơn vị tuổi mới 13-14 khi hành quân đi chiến dịch còn khóc nhè vì đau chân, giờ như những con sóc chạy từ trung đội này đến trung đội khác truyền đạt mệnh lệnh. Bị tiến công suốt ba ngày đêm, hai đại đội lính dù và Tabor bị tiêu diệt. Thấy rõ khả năng không giữ nổi, Lepage lệnh cho binh lính vứt bỏ trang bị nặng, lừa ngựa, cả 4 khẩu pháo 105, tụt từ đỉnh đồi cao xuống đường, tạt sang phía đông vào Cốc Xá một vùng núi đá hiểm trở hy vọng có thể từ đó men theo đường mòn ra Nậm Nàng đón Charton. Đây chính là tử địa của quân Lepage. Chiến thắng oanh liệt của trung đoàn 36 làm đảo lộn kế hoạch hành binh của cả 2 binh đoàn Lepage Charton, sĩ khí quân ta tăng lên gấp bội quên cả ngủ cả ăn. Người người quyết tâm bắt sống Lepage, Charton và quân Tabor về cho đi tải gạo.
Dựa vào máy bay chi viện và thế núi hiểm trở quân Lepage liều chết chống cự nhưng chiến sĩ ta đã gan góc trèo lên vách đá cheo leo ném lựu đạn vào các hang núi kết hợp cái mũi xung kích tiến công lên từ chính diện, lại bị cái đói cái khát hành hạ, đến 8 giờ sáng 7/10 Lepage và toàn bộ Bộ tham mưu binh đoàn Bayard bị bắt. Quân lính chạy trốn tản mát trong rừng, khe suối lũ lượt kéo nhau ra hàng xin được ăn và tha mạng.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #32 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:33:19 am »

Đoàn quân của Charton không tới được Nậm Nàng như trong mệnh lệnh, tới cây số 22 thì phải bỏ lại toàn bộ xe, pháo theo đường mòn về Quang Liệt để bắt liên lạc với cánh quân Lepage. Bị vây đánh ở điểm cao 477, quân Charton tan rã. Chiều ngày 7/10 toàn bộ binh đoàn bị tiêu diệt và bị bắt sống trong đó có Charton cùng bộ tham mưu và tên Hai Tu tỉnh trưởng Cao Bằng.
Từ Thất Khê, một lực lượng trên một tiểu đoàn do De Labaume chỉ huy lên ứng cứu. Tới nam Lũng Phầy gặp quân ta chặn đánh phải chạy thục mạng về Thất Khê. Như một phản ứng dây chuyền bọn ở Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng lần lượt bỏ đồn cuốn gói.
Constant Tư lệnh quân khu biên giới thấy thế của quân ta như chẻ tre hoảng hốt xin cho rút Lạng Sơn. Cấp trên chưa trả lời, ngày 17/10 Constant đã bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kho tàng, hô quân chạy về phía Đình Lập. Quân ta thu được ở đây một cơ sở vật chất kỹ thuật đủ trang bị cho năm trung đoàn.
Phòng tuyến được mệnh danh "vành đai khép chặt biên giới" mà quân Pháp ra sức xây dựng hoàn toàn bị đập tan. Thừa thắng quân ta đuổi địch đến Bình Liêu và tiêu diệt nốt căn cứ này khiến hành lang từ Đông Bắc đến Tây Bắc của Tổ quốc được giải phóng.
Chiến dịch kéo dài 1 tháng 2 ngày, nhưng chỉ ngót 1 tuần địch mất gọn 8 tiểu đoàn gồm 6.000 quân bị tiêu diệt và bắt sống, theo Lucien Bodard trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1963, thì thất bại trên đường số 4, tình cảnh khốn quẫn bi thảm của binh đoàn Lepage, Charton ở Cao Bằng khiến các quan chức Pháp hoảng loạn. Trong lúc hoang mang đã sơ tán vội gia quyến của họ khỏi Hà Nội. Người Pháp không còn tự dối mình về khả năng giành một chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Tâm lý hoảng hốt không chỉ lan truyền trong số người Pháp. Donan Heth mới tới Sài Gòn với tư cách công sứ Mỹ tại Việt Nam đã cảnh báo rằng tình hình Bắc Bộ đang nguy hiểm cần phải loại bỏ toàn bộ khu vực phía bắc trừ hành lang Hà Nội - Hải Phòng, ngay cả khi không có sự can thiệp của Trung Quốc.
Bà con ở Hà Nội cho rằng Việt Minh sẽ về ăn tết ở Hà Nội.
Nước Pháp lâm vào một cuộc khủng hoảng Tổng tư lệnh quân viễn chinh ở Đông Dương. Pleven đòi thay ngay Carpentier. Ông ta bị triệu hồi, chuyển sang làm Tư lệnh lục quân khối Nato những năm 1953 - 1956. Nội các Pháp định đưa Boyer de Latour người có sáng kiến hình thành "tháp canh De Latour" ở Nam bộ bủa vây nhân dân đồng bằng sông Cửu Long làm Tổng tư lệnh, nhưng ông ta không nhận vì thấy khó cả trong lẫn ngoài. Định đưa tướng Juin vào vị trí này, Juin cũng từ chối. Auriol bàn đưa De Lattre de Tassigny sang Đông Dương. Ngày 25/11, Letourneau, cao ủy Đông Dương, đến thuyết phục De Lattre. Sau nhiều ngày suy nghĩ ông ta đồng ý. Ngày 6/12 Nội các Pháp ra quyết định cử ông ta làm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đây là vị Tổng tư lệnh thứ 5 sau Le Clerc, Valluy, Blaizot, Carpentier.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #33 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:42:46 am »

DE LATTRE DE TASSIGNY



- Một vĩ nhân trong chiến tranh giải phóng nhưng chỉ là một tên tướng cướp trong chiến tranh xâm lược.
- Phát huy mọi khả năng cơ động, pháo và Napan kết hợp tuyến phòng thủ boong-ke lên cố không ngăn được đối phương, không dành được chủ động trên chiên trường.
- Cả hai bố con bị loại khỏi "cuộc chiến tranh bẩn thỉu”
Đám ma ông to lắm?
Văn võ bá quan, lon vàng kiếm bạc, những quý tộc, những ông chủ nhà băng, những nhà công thương đứng ngập hai bên đại lộ. Các quân binh chủng đủ màu cờ, sắc áo xếp hàng thành từng khối, từng khối nối dài như bất tận.
Bà De Lattre trong bộ đồ đen, đi một mình, kiêu hãnh ngẩng cao đầu bước từng bước theo sau chiếc xe tang phủ vải đen viền trắng do ngựa kéo chầm chậm tiến về phía Khải hoàn môn.
Không khí của ngày quốc tang bao trùm. Những tiếng trao đổi thì thầm. Ai cũng cố tạo cho mình một bộ mặt đưa đám. Năm mươi năm sau ngày ông qua đời (11/1/1952 - 11/1/2002), lễ tưởng niệm ông lại được tổ chức trọng thêm tại Hôtel national des Invalides Paris và tại Mouilleron en Pareds quê hương và là nơi chôn cất thi hài bố con ông với sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh và đông đảo cựu chiến binh các thời kì 1914 - 1918, 1939 - 1940, 1944 - 1945. Người ta đặt hoa tại Porte Dauphine, đốt lửa vĩnh cửu ở Arc de Triomphe, diễu binh, rước cờ và gậy Thống chế. Tràn ngập những cờ, có đến 750 lá.
Xúc động quá! Long trọng quá!
Nhật lệnh số 1 ngày 11/1/1952 của Bộ trưởng quốc phòng Pháp Georges Bidault tuyên dương ông là anh hùng, là vĩ nhân (grand homme), là người chiến thắng. Sỹ quan, binh sỹ dưới quyền ông gọi ông là grand chen (sếp lớn) là cha. Trước nhà ông ở Mouilleron en Pareds người ta gắn tấm biển lớn ghi các chức tước của ông với dòng chữ "II sau ve le Tonkin" (tạm dịch là cứu tinh xứ Bắc Kỳ). Tên ông từng được đặt cho một đường phố ở Hà Nội.
Vinh quang gấp mấy mươi lần vinh quang!
Jean De Lattre De Tassigny sinh ngày 2 tháng 2 năm 1889 tại Mouilleron en Pareds (Vendee') trong một gia đình địa chủ quý tộc. Tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr với quân hàm Trung úy. Trong chiến tranh 1914 - 1918, De Lattre 5 lần bị thương, 8 lần được tuyên dương, sau đó tham gia chiến tranh Maroc lại bị thương 2 lần.
Năm 1939 thăng quân hàm thiếu tướng, năm 1940 làm Tư lệnh sư đoàn bộ binh thứ 14. Năm 1941 làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Tunisie. Năm 1942 làm Tư lệnh sư đoàn bộ binh thứ 16 ở Montpelher. Do từ chối hợp tác với phát xít Đức, tập hợp lực lượng chống Hitle, De Lattre bị chính phủ Vichy bắt cầm tù ở Toulouse rồi Lyon với án 10 năm. Năm 1943 De Lattre trốn khỏi Riom cùng vợ con, liên lạc với tướng De Gaulle ở Luân Đôn, sau đó sang Anger tổ chức một đơn vị lớn lấy tên "Quân đoàn B" Sau này là Quân đoàn Pháp quốc thứ nhất (lere Armee Francaise) để chống phát xít.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:45:43 am gửi bởi TimeBreak » Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #34 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:43:25 am »

Ngày 17/6/1944 De Lattre cùng đồng đội đổ bộ lên đảo Elbe sau đó lên Provence hợp nhất quân đoàn B với tập đoàn Hải ngoại Pháp-Ý (Corps Expeditionnaire Francais d'italie - CEFF) của tướng Juin đánh chiếm Toulon Marseille, giải phóng 25 quận dọc sông Rhône và Saône, dùng thuyền buồm đổ bộ lên Normandie đánh đòn quyết định đắt giá giải phóng Vosges - Alsace.
Ngày 30/3/1945 đội quân của De Lattre vượt sông Rhin đến Áo.
Ngày 8/5/1945 nhân danh nước Pháp, ông ta cùng đại diện các nước Đồng minh tiếp nhận việc ký kết văn bản đầu hàng của phát xít Đức tại Beclin.
Năm 1949, ông ta làm tổng chỉ huy các lực lượng lục quân của Tây Âu trong khối Bắc Đại tây dương (NATO). Năm 1950, ta mở chiến dịch Biên giới tiêu diệt 8.000 quân địch, xóa sổ hai binh đoàn Charton, Lepage, giải phóng 4000 km2 đất đai, 35 vạn dân; khai thông toàn tuyến biên giới, phá thế bao vây của giặc, thu một khối lượng binh khí kỹ thuật đủ trang bị cho 5 trung đoàn, Pháp lâm vào thế bị động vội vàng điều Bauffre lên giữ Tiên Yên, Erolin giữ tuyết Việt Trì, Phúc Yên, Bắc Ninh ngăn chặn quân ta tràn về trung du, uy hiếp Hà Nội. Được cử sang Đông Dương khảo sát tình hình vào tháng 10 năm ấy, De Lattre gợi ý phải tổ chức ngay những binh đoàn cơ động theo kiểu Mỹ để đối phó với đối phương một cách linh hoạt. Binh đoàn cơ động Bắc Phi (GMNA) do đại tá Edon chỉ huy và binh đoàn cơ động số 3 do trung tá Vanuxem chỉ huy được hình thành ngay sau đó theo chủ ý của De Lattre.
Coi De Lattre như “con át chủ bài", tháng 11 năm 1950, chính phủ Pháp bổ nhiệm ông ta làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Được hơn một năm, ngày 11/1/1952 ông ta bị bạo bệnh chết. Bốn ngày sau, De Lattre được phong hàm Thống chế nước Pháp.
Trong lúc Lavan, Pétain - Thống chế nước Pháp, quỳ gối đầu hàng phát xít Đức, De Lattre đã có nhãn quan chính trị sáng suốt đứng về phía nhân dân và quân đội đồng minh, tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, đánh đuổi bọn xâm lược ra khỏi đất nước là một hành động đúng đắn, dũng cảm đáng được tôn vinh. Tên ông đáng được ghi vào sử sách, và lá cờ của nước Pháp. Nhưng từ khi đảm nhận chức Cao ủy viên Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, ông không còn là ông nữa. De Lattre De Tassigny đã biến dạng thành một tên trùm xâm lược, nói nôm na là một tên kẻ cướp.
Clausewitz, nhà lý luận và sử học quân sự của Đức (1780 - 1831) qua nghiên cứu 130 cuộc chiến tranh từ 1566 đến 1815, trong tác phẩm nổi tiếng "Bàn về chiến tranh" đã nêu lên một kết luận rất có giá trị: "Chiến tranh là công cụ của chính trị. Nó nhất định phải mang tính chất chính trị." Cuộc chiến tranh mà De Lattre De Tassigny tiếp tục lao vào khác về bản chất cuộc chiến tranh giải phóng nước Pháp 6 năm trước đó ông ta đã tham gia. Dù biện minh thế nào nó vẫn là cuộc chiến tranh phi nghĩa phục vụ cho mục đích chính trị xâm lược, thống trị một đất nước, một dân tộc. Những trang sử hào hùng về cuộc đời De Lattre trở nên hoen ố. Vầng hào quang trên đầu ông ta không còn tỏa sáng.
Ông ta là cứu tinh xứ Bắc Kỳ ư? Ông ta cứu ai và ai cần ông ta cứu? Ông ta đã cứu Bắc Kỳ thế nào? Ông ta luôn nhắc thuộc hạ là phải coi Bắc Kỳ là chiếc "chìa thoá" của mọi vấn đề ở Đông Dương và trong quan hệ quốc tế. Đại bản doanh của ông ta hầu như được đưa từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ nhưng không ngoài ý đồ bình định Bắc Kỳ, nơi có căn cứ địa Việt Bắc thần thánh, đầu não của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam bằng mọi giá, hòng cứu vãn sự sụp đổ của chủ chủ nghĩa thất dân kiểu cũ đã lỗi thời.
Giống như Giáo hoàng Thiên chúa giáo Urba XI tập hợp những người đứng đầu nhà thờ Clermont Pháp mùa thu 1095 tiến hành một cuộc thập tự chinh1 (Thập tự chinh: gốc chữ la tinh “crux” - chữ thập biểu tượng được mang trên quần áo người tham gia. Một tư liệu khác viết Pierre l’Errmite (1050-1115)-một tu sĩ-người hô hào và tham gia cuộc thập tự chinh lần thứ nhất (1096-1099)) về vùng Đất Thánh (Israel ngày nay để có sự giầu có, quyền lực và vị trí chính trị, De Lattre cũng là người đầu tiên đề xướng "Thập tự chinh” nhằm lôi cuốn Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam trong khi Mỹ đang không từ một âm rnưu thâm độc nào chống Liên bang Xô viết.
Cuộc thập tự chinh do De Lattre đề xướng cuối cùng đã thất bại như mọi cuộc thập tự chinh mà người ta xúi giục trẻ em Pháp-Đức và cuộc thập tự chinh của ba vua Frederik (Đức), Richards (Anh), Phillip (Pháp) năm 1189 - 1192. Có chăng nó thu hút được nguồn viện trợ Mỹ ngày càng tăng (năm 1950: 52 tỷ Franc, năm 1951: 62 tỷ Franc). Dựa vào đô la  Mỹ, uy thế của De Lattre cũng không ngừng tăng. Người ta nói chỉ có ông ta là dám nổi giận thúc ép các bộ phận trung gian (các bộ, ban, ngành của chính phủ Pháp), buộc họ thỏa mãn nguyện vọng của ông ta, nếu không ông ta hét to vang động đến cả nước Mỹ. Bom đạn Mỹ viện trợ cho Pháp đã gây ra cho nhân dân Việt Nam bao nhiêu là chết chóc đau thương. Cuộc bán máu người Pháp lấy đô la Mỹ đã dẫn tới hệ quả bi đát: Mỹ hất cẳng pháp khỏi Đông Dương. May mà De Lattre đã nhắm mắt vĩnh viễn không nhìn thấy những nỗi đau của chính phủ Pháp.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:44:17 am »

Ông ta o bế nhiệt tình chính quyền bù nhìn tay sai do Bảo Đại làm quốc trưởng và Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng. Dựa vào công cụ thuần phục này để kìm kẹp, đôn quân bắt lính, tăng cường lực lượng từ 23 vạn 9000 năm 1950 lên 33 vạn 8000 năm 1951, trong đó ngụy binh từ 12 vạn 2000 năm 1950 tăng lên 21 vạn năm 1951; ông ta đã đưa Nguyễn Văn Hinh con trai Nguyễn Văn Tâm từ trung tá lên làm Tổng tham mưu trưởng cái gọi là "quân đội quốc gia" đẩy nó ra phía trước làm bia đỡ đạn để giảm số quân tăng viện từ chính quốc sang trong lúc phong trào phản chiến trên đất Pháp ngày càng cao và cũng để giảm bớt sự chết chóc của quân đội chính quốc trên chiến trường.
Tư tưởng chiến tranh của ông ta là sự tàn bạo, coi đó như thứ quyền không hạn chế của kẻ mạnh đối với các dân tộc khác. Ông ta không ngần ngại sử dụng những phương tiện giết người dã man. Ném bom napan và bắn pháo vô tội vạ được bắt đầu cùng lúc ông ta xuất hiện trên chiến trường việt Nanh. Trong quân của ông hình thành một châm ngôn "Napalm ét l'artillerie ont vaincu” (napan + pháo = chiến thắng). Trận Núi Đanh - Cẩm trạch ở Vĩnh Yên ông ta lệnh cho không quân ném napan như rải thảm, ở Tu Vũ, quân ông ta đã bắn 5000 phát đại bác trong 5 tiếng đồng hồ liền và cuộc rút lui từ Hòa Bình về Xuân Mai - theo những nhà sử học Pháp - quân đội Pháp đã bắn đến 3 vạn phát pháo các cỡ.
Khoác cho ông ta danh hiệu "Cứu tinh xứ Bắc Kỳ" là sự xúc phạm cả một dân tộc và là sự bào chữa cho những tội ác xâm lược của De Lattre de Tassigny.
Nghe đồn ông ta nắm và vận dụng rất giỏi nguyên tắc cơ bản về tác chiến, chiến cục và chiến tranh, biết sử dụng hết mức mọi lực lượng, tập trung tối đa binh lực ở hướng đột kích chủ yếu giáng cho đối phương những đòn bất ngờ, từ những thắng lợi giành được, nhanh chóng chuyển hướng tấn công liên tục chớp nhoáng vào đối phương để giành chi động trên chiến trường. Rất có thể là "danh bất hư truyền" vì ông ta được đào tạo bài bản lại có kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường Tây Âu với cả một đội quân phát xít. Song do lún quá sâu vào thế bị động trước một đối phương dũng cảm mưu trí "khó nhằn", hoặc do cuộc đời binh nghiệp của ông trên chiến trường Việt Nam quá ngắn, người ta ít thấy ông ta thi thố sở trường, chỉ thấy ông ta dồn sức, dồn tiền xây dựng một tuyến lô cốt cố thủ bằng bê tông cốt thép gọi là "tuyến phòng thủ De Lattre" phân ranh giới vùng tự do và vùng tạm chiếm của Pháp với một khu trắng rộng từ 6 đến 7 km để cố thủ kỹ và dễ bề khống chế kiểm soát1 (Tassigny đã huy động một lực lượng công binh rất lớn và hàng vạn phu phen đổ 51 vạn mét khối bê tông xây 2.200 lô cốt để kiểm soát 21.000 km2 đồng bằng và trung du Bắc Bộ).
Người ta mô tả De Lattre khác Navarre. Nếu như lâm vào tình thế khó khăn như Navarre ở Điện Biên, ông ta sẽ không ngần ngại rút 12 tiểu đoàn được coi là món tiền đặt cọc của một canh bạc, tung chúng vào hậu phương Việt Minh quanh Hà Nội rồi bắc loa tuyên truyền "đã chơi bọn Việt một cú đích đáng". Như vậy ông ta chẳng những là nhà chỉ huy quyết đoán mà còn là nhà chiến tranh tâm lý hạng siêu.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:44:41 am »

Nhưng tài năng tính cách "dám làm" của ông ta tích lũy suốt cuộc đời binh nghiệp đã không giúp ông ta làm thay đổi cục chện các cuộc chiến đấu trên các chiến trường mà ở đó ông ta đóng vai trò trực tiếp điều binh, khiển tướng như một Tư lệnh chiếu trường. Ông ta càng không thay đổi được tương quan lực lượng và xu thế tất yếu của cuộc chiến tranh ở Việt Nam trên cương vị một Cao uỷ nước Pháp và Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh.
Hãy nói về loạt trận trên địa bàn tỉnh Vĩnh trên (cũ) mà hai lần De Lattre xuất hiện. Đây là chiến dịch ta mở ở trung du mang tên Trần Hưng Đạo từ 25 tháng chạp 1950 cho đến 18/1/1951 đánh vào phòng tuyến Pháp từ đông Việt Trì - Vĩnh Yên - Phúc Yên đến tây sông Cầu trên đất Bắc Ninh. Bên ta là sư đoàn 308, sư đoàn 312 cùng 4 liên đội pháo của trung đoàn 675 và 4 tiểu đoàn địa phương cùng dân quân du kích. Bên địch gồm 8 tiểu đoàn: 8 đại đội chiếm đóng cộng với 7 tiểu đoàn và 3 đại đội cơ động cùng 4 đại đội pháo. Mở đầu chiến dịch, ta chặt đánh cuộc hành quân Becatxin ở khu tập kết của ta ở Xuân Trạch, Liễn Sơn. Đêm 26-27 ta đánh tiếp cứ điểm: Hữu Bằng, Tú Tạo, ấp Cà Phê, Thằn Lằn, Yên Phụ. Địch tăng cường phòng thủ Vĩnh Yên.
Đợt II từ 30/12/1950 ta chủ trương tiếp tục đánh điện buộc viện binh địch ra ứng cứu để ta có điều kiện diệt thật nhiều sinh lực địch. Đêm 10/1/1951 tiểu đoàn 89 nhổ đồn Tam Lộng, trung đoàn 141 thuộc đại đoàn 312 tấn công cứ điểm Ba Huyên (Bảo Chúc) cách thị xã Vĩnh Yên 12 km, đại đoàn 308 được tăng cường thêm trung đoàn 209 bố trí diệt viện trên đường từ Vĩnh Yên lên Ba Huyên.
Đêm 13 tháng 1, trung đoàn 141 cơ bản giải quyết xong đồn Ba Huyên. Sáng 14/1, binh đoàn cơ động số 3 gồm 4 tiểu đoàn do Vanuxem chỉ huy lên ứng cứu đã rơi vào trận địa được bố trí sẵn của ta. Tiền vệ của Vanuxem bị đánh tơi tả ở Long Trì - Cẩm trạch. Địch điều tiếp lực lượng lên đón tàn quân lại bị ta quây đánh trên cánh đồng Thanh Vân - Đạo Tú, đuổi sát về đến thị xã Vĩnh Yên. Binh đoàn Vanuxem bị diệt gọn một tiểu đoàn Senegal, và một bộ phận lớn trung đoàn số 8 Algerie gồm 700 tên. Ba xe tăng và xe bọc thép bị bắn cháy.
Vừa nhậm chức, sợ Vĩnh Yên thất thủ thì mất mặt. Tassigny vội vã từ Sài Gòn cưỡi chiếc máy bay Moran ra thẳng Vĩnh Yên ngay trong ngày 14 tháng giêng để trực tiếp đối phó. Ông ta tung bốn đại đội dù xuống thị xã và điều binh đoàn cơ động số 1 do Edon chỉ huy tiến lên Quảng Canh đánh giải vây cho thị xã Vĩnh Yên. Một trận tao ngộ chiến giữa các tiểu đoàn 79-18 thuộc trung đoàn 102 với binh đoàn cơ động số 1 diễn ra quyết liệt ở Ngoại Trạch. Địch bị diệt trên 100 tên, ba xe tăng và xe vận tải. Trầy trật chúng mới chiếm được các ngọn đồi 47, 157, 110 và 210. Sáng 15/1 các đơn vị của trung đoàn 209 vượt qua hỏa lực ngăn chặn của không quân và pháo binh đánh chiếm đỉnh 210. 14 g30 bị địch đánh bật khỏi. Chiều và đêm ta tổ chức tiếp hai lần phản kích. Các trận tranh sơn hết đợt này đến đợt khác bằng tiểu liên, lựu đạn dưới sự yểm trợ của pháo binh cả hai phía dường như không dứt trong đêm 16/1. Địch bị diệt 250 tên, bên ta cũng thương vong lớn. Trong khi đó binh đoàn cơ động số 1 của địch chịu sự tổn thất nặng nề mới nối được mỏm 47 với mỏm 101.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:45:11 am »

Thấy quân ta xuất hiện ở sân bay, ngày 17/1 De Lattre lại một lần nứa tới Vĩnh Yên. Ông ta ra lệnh tập trung mọi khả năng của không quân kể cả máy bay vận tải mở chiến dịch ném bom chưa từng có ở Đông Dương chủ yếu là loại bom napan (loại bom chứa ét xăng crêp tạo một vừng lửa, nhiệt độ cao và một đụn khói đen đậm đặc thiêu cháy mọi vật và làm ngạt thở) được ném xuống không hạn chế. Bằng súng bộ binh ta có thể bắn rơi máy bay địch nhưng sợ lộ bí mật trận địa, chỉ phòng thủ thụ động, lần đầu tiên quân ta gặp bom cháy trùm khắp có phần lúng túng đối phó. Có đơn vị bị tổn thất nặng nhưng không vì thế mà ngừng các cuộc tiến công. De Lattre phải đưa lực lượng dự trữ đang hoạt động ở Ba Vì gồm hai tabor và một tiểu đoàn dù tổ chức thành GMII sang tây bắc Vĩnh Yên phối hợp với bọn Vanuxem giữ điểm cao 210, khống chế mũi tiến công của ta vào thị xã.
Tassigny còn lệnh cho Salan lập ngay cầu hàng không điều 4 tiểu đoàn từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc nhưng quân ta đã vượt qua Tam Đảo về căn cứ địa.
Thật ra từ khi mở chiến dịch ta không có ý đồ đánh chiếm thị xã, giải phóng đất đai. Đến lúc ta kết thúc chiến dịch, chuyển hướng hoạt động sang chiến trường khác, được dịp, địch huênh hoang tuyên bố Tassigny đã diệt 6000 quân Việt, tương đương một sư đoàn, bắt 500 làm thất bại âm mưu chiếm đóng Vĩnh Yên của quân Việt!
Jean Arrighi - thư ký hội nhà văn quân đội Pháp gọi "chiến thắng Vĩnh Yên của De Lattre" là bản anh hùng ca, là chiến thắng dở dang ngụ ý còn nhiều chiến thắng tiếp theo. Uy tín và ảnh hưởng của De Lattre trong quân đội và chính giới Pháp tăng lên như diều.
Qua một cái Tết đầm ấm tình quân dân ở hậu phương với đủ các thứ chiến lợi phẩm lỉnh kỉnh được các chàng trai chưng diện có phần kiêu hãnh về những chiến thắng Biên Giới, Trung Du, các đơn vị của ta đã bị Tassigny "tiêu diệt" trong chiến dịch trung du gồm sư đoàn 308, sư đoàn 312 cùng trung đoàn 74, một liên đội sơn pháo 75, một trung đoàn công binh cùng lực lượng vũ trang địa phương lại xuất hiện ở Vùng mỏ - kho nhiên liệu chủ yếu của Pháp, cách thành phố Cảng Hải Phòng, nơi chúng coi là yết hầu khoảng 20 km mặc cho máy bay của địch ném bom ngăn chặn ngay khi vượt Nam Mẫu, Đèo Thùng, đánh vào phòng tuyến trên đường 18 từ Phả Lại đến Uông Bí.
Đêm 23 tháng 3/1951, các đồn Lán Than, Sóng Trâu, lọc Nước bị san bằng mở màn cho chiến dịch Hoàng Hoa Thám và cũng để nhằm nhử địch nống ra cho ta đánh. Rút kinh nghiệm những trận đòn ở Vểnh Yên, De Lattre không đưa quân ra chiếm lại những vị trí đã mất. Ta tiêu diệt tiếp Tràng Bạch, Bí Chợ chuẩn bị tiến công Uông Bí. Bọn Uông Bí rút chạy về Quảng Yên, ta không kịp chặn. Quân ta kiên trì chờ đợi dưới những trận mưa tầm tã, trong những công sự nhão nhoẹt bùn trên dãy Bình Hương, Ba Vành, Tassigny vẫn "án binh bất động".
Đến khi Mạo Khê mỏ bị các đơn vị của sư đoàn 312 tấn công, bọn sống sót kêu cứu thảm thiết, không thể "án binh bất động" mãi, địch liều đưa tiểu đoàn đù thuộc địa số 6 dưới sự yểm trợ của B26 và Helcat tới thu nhặt bọn tàn quân và bọn gia binh chạy vội về thị trấn Mạo Khê cách đó trên 3 km. Đêm 29/3, trung đoàn 36 không nắm được việc địch tăng quân ở Mạo Khê rời vị trí phục kích, tiến đánh Mạo Khê đồn và Mạo Khê phố. Pháo ở Đông Triều và trên các pháo hạm LSSL (Lartgding Ship Support Large) LCM (Langding Craft Mechanized) thuộc chiến đoàn DNA (Divisions navales d'assaut) do Brossard chỉ huy đậu trên sông Đá Bạc đã nã đạn suốt đêm chi viện cho đồng bọn. Ở Mạo Khê đồn, bộc phá của ta sau những ngày mưa, hầu hết bị ẩm không mở được hết hàng rào trước khi trời sáng chỉ nã được pháo và cối vào đồn. Ở phố Mạo Khê ta bắn sập lô cốt ở hai đầu, bắn cháy xe tăng, diệt địch ở từng căn nhà. Hai đại đội trưởng Nguyễn Ích Tỷ và Nguyễn Huy Chưởng chỉ huy hai mũi, gặp nhau ở giữa phố đều rất ngạc nhiên không hiểu tại sao mình diệt đã nhiều mà địch vẫn còn đông? Gần sáng, địch hoảng sợ chạy tuốt về nhà thờ cụm lại chống trả. Chúng công bố ở Mạo Khê phố chúng chết 40 tên, bị thương 150 tên. Tất nhiên con số này còn xa sự thật. Do vận dụng phương châm kém linh hoạt, chuẩn bị thiếu chu đáo, còn bỏ lỡ cơ hội nên mục tiêu chiếu dịch đạt thấp . Ta chỉ loại khỏi vòng chiến 1.300 tên.
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:46:38 am »

Trong chiến dịch Hà Nam Ninh cả phòng tuyến sông Đáy từ Yên Mô, Ninh Bình đến nam Phủ Lý của địch bị uy hiếp. Ngày 28, 29 tháng 5 ta tấn công các vị trí bảo vệ thị xã Ninh Bình. Gần 500 tên bị diệt ở Gối Hạc, Non Nước trong đó có tên trung uý Bernard, con trai độc nhất của De Lattre. Địch bố trí phòng tuyến này 4 tiểu đoàn và 27 đại đội chiếm đóng ngoài ra có 4 tiểu đoàn và 5 đại đội cơ động. Song chúng đã phải kêu cứu chiến đoàn thủy của DNA số 3 ngược sông Đáy lên chi viện. Bị hoả lực Bazoka, SKZ của đại đội trưởng Đoàn Ngọc Ánh bên núi Cánh Diều cản lại, không phải nằm bẹp bên hữu ngạn. Nguyễn Quang Vinh đưa một thuyền bộc phá bí mật áp sát mạn tàu phá huỷ một chiếc. Địch phải điều 3 GM cơ động, 4 đơn vị pháo binh, một chiến đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn dù lên phản kích răn sự uy hiếp của ta chiếm lại Ninh Bình. Chiến sự diễn ra ngắn ngủi trong đêm mùng 4 tháng 6. Ngày 5 tháng 6 địch xuất hiện ở thị xã Ninh Bình, tiểu đoàn 80 xuất kích, địch tạo một lưới lửa của pháo cản lại và rút chạy tránh đụng độ với ta. Có lẽ mục tiêu chính của các cuộc hành quân chỉ nhằm tìm xác quy tử của Tổng tư lệnh De Lattre de Tassigny.
Mãi đến ngày 17 tháng 6 địch mới đưa một tiểu đoàn có 10 xe lội nước (ta vẫn hay gọi là xe cóc) lên càn quét tả ngạn sông Vân, khu trục lực lượng ta. Khi địch lọt vào giữa Cam Giá, Kỳ Vỹ, quân ta nhất tề nổ súng. Đại đội trưởng Kim Thảo dẫn đầu đơn vị ào xuống đồng chiêm trũng quần nhau với địch. Bị hai gọng kìm của quân ta khép chặt, phi pháo địch mất hiệu lực, chúng hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại cả 10 xe lội nước và hàng trăm xác chết. Tiếp theo ta đánh một số không cứ điểm Chùa Cao, Kỳ Cầu, Hưng Công, cầu Bút nhưng không diệt gọn. Toàn bộ chiến dịch chỉ loại được 4.000 tên địch.
Đặt chân đến Đông Dương, De Lattre đã chỉ thị cho đám công chức đông đảo không được để vợ con làm vướng chân. Nhưng trong lúc xác quân lính dưới quyền nằm ngổn ngang khắp chiến trường, ông ta chỉ lưu tâm tìm kiếm xác con mình. De Lattre đã chỉ thị cho các cấp thuộc quyền bằng mọi giá thực hiện bằng được yêu cầu của ông ta. Edon, tư lệnh binh đoàn số 1 từ Nam Định đã định dốc toàn lực đánh sang Ninh Bình để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng hai đơn vị kỵ binh thuộc quyền đại tá Sal đã bị tiêu diệt, đội biệt kích của Vandenberghe vừa bị nhấn chìm ông ta sợ càng đưa nhiều lực lượng sang sông càng chịu tổn thất lớn. Ông ta đã giao cho Marengo, trung uý đưa một đại đội vượt sông trên hai chiến thuyền với sự yểm trợ tối đa của pháo binh thuộc 64 e R.A, chiến xa của Auffret và đại bác của 3 tầu chiến khác liều chết tiến về phía đồn mà trước đây Becnard chiếm đóng. Sau những cuộc giao tranh họ đã tìm thấy xác Becnard và hàng chục xác chết khác chồng chất trong một hang đá.
Mặc cho chiến trường nóng bỏng, De Lattre đưa Becnard về chôn ở chính quốc vì nó là con ông. Ông ta phải làm cho toàn nước Pháp thấy bố con ông ta đã hy sinh chiến đấu cho nước Pháp như thế nào. Người ta tính Pháp mất mỗi năm một khoá sĩ quan được đào tạo từ trường võ bị Saint Cyr, số tướng tá bị bỏ mạng trên chiến trường cũng không ít- 20 con của các ông tướng đã chết trong chiến tranh Việt Nam như con tướng Leclerc, Gambiez nhưng không mấy người được đưa về chôn ở nước mẹ và cũng không có đám ma nào của sĩ quan được tổ chức trọng thể như đám ma con ông ta. Cái chết của De Lattre con trong cuộc "chiến tranh bẩn thỉu” đã làm De Lattre bố thêm rạng danh "người yêu nước nồng nàn", người đã "Hiến dâng tất cả cho tổ quốc (Loi - ngày 15/1/1952).
Logged
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #39 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2009, 01:47:41 am »

Để giành lại thế chủ động, từ ngày 9 đến 14 tháng 11/1951 Tassigny tập trung 20 tiểu đoàn đánh chiếm thị xã Hoà Bình với ý đồ cắt đứt đường giao thông tiếp tế từ Khu 4, Khu 3 lên Việt Bắc, thu hút và tiêu diệt chủ lực ta. Mờ sáng ngày 14 tháng 11, 3 tiểu đoàn dù được tung xuống thị xã nơi nhân dân đã triệt để tản cư đề phòng cuộc tấn công mùa đông của địch, 15 tiểu đoàn bộ binh, 2 liên đoàn xe bọc thép, 7 liên đội pháo cùng các đơn vị công binh tập kết ở Xuân Mai theo đường số 6 lên Phương Lâm. Hai chiến đoàn1 (Chiến đoàn (Dinassaut) thuộc các D.N.A (Divisions navales d'assaut chiến đoàn xung kích thủy) thường có 1 2-20 tàu LSSL bọc thép, 2 LCM bọc thép, 6 LCM khác được trang bị các ụ pháo, cối 81 hoặc chở được 1 đại đội lính thủy hoặc biệt kích) thủy ngược sông Đà lên Hoà Bình. Để khuếch trương chiến quả, De Lattre đã đưa cả quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại lên thăm "xứ Mường tự trị" chưa kịp ra đời.
Trước ta phải nhử địch ra để đánh, giờ địch tự ra cho ta đánh. Nắm thời cơ, ngày 10/12/1951 ta nổ súng đánh Hòa Bình. Trung đoàn 209 tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn địch ở Ninh Mít (Ba Vì). Đêm đó, trung đoàn 88 được tăng cường tiểu đoàn 80 đánh Tu vũ thuộc phân khu sông Đà, do một tiểu đoàn Âu Phi chiếm đóng. Địch phản ứng điên cuồng, kết hợp với pháo bắn cấp tập xe tăng địch lồng lộn chà xát các hướng tiến công của ta. Cuối cùng tên chỉ huy 1er BPC đã phải ra lệnh cho quân mạnh ai nấy chạy nhưng không một tên nào chạy thoát.
Nhằm cô lập thị xã Hoà Bình ta chủ trương cắt đứt đường tiếp tế trên sông và trên bộ của địch. Thực hiện khẩu hiệu “Biến đường số 6 thành đường số 4 năm xưa", "Biến sông Đà thành sông Lô lịch sử", quân ta chặt đường số ảo thành từng khúc, tiêu diệt từng đoàn xe của địch. Đoàn vận tải hàng tiếp tế chc Hòa Bình do Gille tổ chức và cầm đầu phải mất bảy ngày, từ 11 đến 18 tháng giêng mới vượt được chặng đường 40 km từ Xuân Mai lên Hòa Bình. Mỗi một cây số chúng đều phải đổi bằng máu.
Phía sông Đà, Trung đoàn 36 có tiểu đoàn súng phòng không và một đại đội pháo 75mm phối thuộc đã liên tiếp phục kích, bắn phá các đoàn tầu xuôi, ngược của địch. Ngày 22/12, chúng mạo hiểm chc một đoàn 4 Vedette và một LSSL bọc thép, trang bị pháo do một đại đội hộ tống từ Hòa Bình về Trung Hà đã bị bắn cháy, bắn chìm toàn bộ Lạc Song. Một máy bay khu trục bị hạ.
Ta chuyển sang siết chặt vòng vây thị xã Hòa Bình. Đêm 7/1 ta đánh vị trí Pheo do tiểu đoàn 11 bán lữ đoàn Lê dương số 13 chốt giữ. Sau 4 giờ giao tranh, theo tư liệu địch toàn bộ sĩ quan trong đồn bị loại khỏi vòng chiến đấu, chỉ còn mấy tên lê dương nấp trong công sự bắn ra. Cũng trong đêm, trung đoàn 36 diệt 5 cứ điểm ngoại vi cỡ trung đội, mở đường cho một đơn vị biệt kích được trang bị gọn nhẹ do Chu Tấn và Lê Quang Tý chỉ huy lọt vào trung tâm thị xã phá huỷ một trận địa gồm 4 pháo 105 hạn chế hỏa lực chi viện của địch, góp phần giảm bớt thương vong cho đơn vị bạn tiến hành công kích Pheo.
Hơn một tháng tiếp đó, các đơn vị thuộc trung đoàn 36 đã 225 lần đánh địch bằng mọi hình thức. Pháo, cối của ta nã vào các mục tiêu hoặc tập kích bằng những lực lượng nhỏ, bắn tỉa những tên địch xuất hiện, diệt gần 400 tên, phá hủy 3 máy bay.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM