Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:49:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội đặc nhiệm TK1  (Đọc 145649 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #40 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 08:25:16 pm »

Đứng dưới gốc cây, tôi do dự hồi lâu, nửa muốn đi tìm chỗ trú, nửa định đi quanh vùng đồi cỏ xem có dấu vết của bọn thám báo hay không.

Lúc này đã gần trưa. Nắng bắt đầu đốt nóng lớp đất sỏi làm những lá cỏ vốn đã héo úa nay càng quắt lại. Trước mặt tôi hơn trăm mét về hướng đồi cỏ có một quả đồi chắn ngang tầm nhìn, sườn đồi lác đác những tảng đá đen sạm trông như đàn lợn rừng nằm phơi nắng. Dưới chân đồi là cái khe cạn, lòng khe trơ toàn đá sỏi, nhưng khúc phía dưới hình như vẫn còn nước vì cây hai bên bờ xanh um. Tôi cầm túi phao bơi băng qua bãi trông đi xuống, hy vọng sẽ kiếm được nước ở đó. Sáng nay toàn gặp những điều không may! Đúng là đoạn khe đó có vũng nước nhưng nó vừa cạn, chỉ còn lại lớp bùn sền sệt bên dưới mấy tảng đá.


Tôi chán nản quay lên. Mới đi được mươi bước thì đột ngột, tiếng động cơ phành phạch rộ lên ngay phía sau. Tôi kinh hoàng ngoái lại, thấy một chiếc HU. 1A lừng lững vọt qua đỉnh đồi, bóng nó lướt vùn vụt trên những tảng đá nơi sườn dốc. Không kíp nghĩ ngợi gì nữa, tôi co chân chạy như tên bắn. Chiếc trực thăng vụt qua. Và chừng như phát hiện ra, nó chững lại rồi lượn nửa vòng, đắc thắng bay về phía tôi. Bên hông máy bay, nòng đại liên nhăm nhăm chúc xuống.


Tôi vừa ngoắt người chạy sang phải thì tiếng súng đã nổ toang toác, loạt đạn chụp xuống phía sau. Chỉ cần chậm một tích tắc là đạn găm trúng người. Vừa lao nhanh vùn vụt tôi vừa quay người đảo hướng liên tục. Luồng đạn lúc đuổi theo bén gót, lúc cày tung bụi bên phải, bên trái. "Trúng này... trúng...", tôi căng người đón cảm giác nhói đau khi bị đạn găm, trong lúc chân vẫn guồng nhanh như máy. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh được đến thế. Như một con nai lúc bị con cọp đuổi theo, nỗi kinh hãi đến tột độ đã huy động tất cả sức lực tất cả lý trí tất cả giác quan, giúp tôi phản xạ chính xác lúc luồng đạn đuổi tới. Đích là gốc cây cổ thụ, nơi gần nhất và duy nhất có thể nấp tránh đạn. Tiếng động cơ rú như điên dại ngay trên đầu, cái bóng trực thăng đen ngòm lướt đè qua người tôi. Đại liên vẫn ré dằng dặc, đạn cắm tóe bụi thành đường ngoằn ngoèo trên đất sỏi, nghe có cả tiếng chiu chíu bên tai. Thoáng trước mắt vệt bóng râm của cây. Sắp thoát rồi! Đang chạy, tôi đảo người lao thẳng đến gốc cây. Luồng đạn đuổi theo chém rào rào trên vòm lá. Chiếc trực thăng sạt qua thốc gió cuộn cành lá nghiêng ngả. Tôi nép vào gốc cây há mồm thở dồn dập, chân khuy xuống lẩy bẩy, phần vì mệt, phần vì mừng rỡ.


Con quái vật đã quành lại. Nó vè vè lượn quanh, bắt đầu bắn xuống từng loạt ngắn như muốn thúc con mồi chạy ra. Cái khối xanh xám lừ lừ lướt qua kẽ lá. Nó sẽ không bỏ cuộc. Nó đang tức điên lên vì vuột mất con mồi tưởng đã mười mươi trong tay. Tôi cố gắng điều hòa hơi thở, mắt không rời khỏi vòng lượn của nó, chân tự động men quanh gốc cây tránh đạn. Không như cây thủy tùng, cây này thấp và tán rộng, che kín hơn.
Chiếc trực thăng lảng ra xa: nó sắp phóng rốc két. Cảnh giác buôn buốt rợn lên chạy dọc cột sống, tôi co cứng người nép mình vào gốc cây chờ tiếng đạn rít, y như hôm trước bên gốc thủy tùng.

"Như hôm trước?", người tôi vụt nóng rực, trong đầu ngùn ngụt lửa giận.

"Oang... oang”, hai phát rốc két nổ chát chúa làm bùng lên hai cột khói lửa cùng cát bụi và mảnh đạn. Tôi nghe và nhìn thấy tất cả, nhưng không mảy may bận tâm. Đầu óc bừng bừng mà tôi tỉnh táo hơn bao giờ hết. Những tiếng rào rào vừa dứt, tôi nhỏm dậy khoác chéo súng sau lưng, nhảy ba bước tới bám thân cây khô thoăn thoắt trèo lên. Chiếc trực thăng lướt qua ngọn cây, động cơ rồ đinh tai. Lúc gần chui ra khỏi vòm lá, tôi ngồi lại bình tĩnh hít một hơi dài, tuột súng cầm ở tay. Đưa mắt dõi theo đối thủ, tôi biết nó sẽ lượn tới để xem kết quả loạt rốc két. Nhánh cây khô ngay trên đầu, chỉ một cú nhún là tôi bật người lên đó không mấy khó khăn, nhưng phải tính vòng lượn của nó thật chính xác.


Tiếng phành phạch lại dội tới, cành lá xung quanh vật vã tơi bời. Đã đến lúc! Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ cả! Tôi bật dậy, trong chớp mắt đã đứng vững hai chân trên nhánh cây khô, lưng dựa vào đoạn thân cây tróc vỏ cụt ngọn. Luồng gió cánh quạt thốc tới ép người tôi vào thân cây nên càng vững. Chiếc trực thăng đang nghiêng sườn về phía tôi, gần như đối diện qua vòm lá. Tôi lạnh lùng nâng súng lên, cùng lúc tên phi công ngoảnh sang và nhìn thấy. Mặt nó nghệt ra, vì kinh ngạc chứ không phải hoảng sợ, nó chưa kịp sợ. Không ngờ tới việc đối thủ dám leo lên cao để đối mặt, nó đã quá chủ quan khi sà xuống thấp và bây giờ phải trả giá, không phải cho sự chủ quan mà cho tất cả những gì nó và đồng bọn đã gây ra cho tôi, cho đồng đội tôi. Qua đường ngắm, tôi thấy tên phi công quờ tay định làm động tác gì đó, nhưng muộn rồi! Tôi nhẹ nhàng siết cò, xả hết tất cả những viên đạn còn lại vào nó, vào bóng người phía sau nó, và biết chắc chắn trúng đích. Khi dồn hết tinh lực vào đường đạn, người xạ thủ cảm nhận được viên đạn trúng đích ngay lúc bóp cò.


Mọi việc còn lại diễn ra như trong một đoạn phim hoạt họa: tên phi công ngất đầu trên ghế lái; chiếc trực thăng theo đà bay tới, chòng chành chao đảo, nhưng lần này không phải trổ tài tránh đạn mà là để chúc đầu lao thẳng xuống mé rừng. Nó va vào hết cây này đến cây khác rồi đâm sầm xuống đất, cánh quạt chém lá bay tơi tả, một vạt cây rừng rung chuyển dữ dội, động cơ còn gắng lạch phạch vài tiếng nữa rồi mới câm hẳn.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #41 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 08:27:07 pm »

Tôi nín thở chờ một ánh lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ, nhưng... Không có gì cả! Cây cối trở lại yên tĩnh như không hề biết đến một cuộc đọ súng quyết liệt vừa xây ra, không hề có những tiếng nổ, tiếng gẩm rú phát ra từ những sản phẩm của nền văn minh cơ khí vốn xa lạ với bản chất hoang dã của rừng.

Chợt thấy toàn thân bủn rủn, tôi phải vòng tay ôm cứng lấy thân cây khô mới khỏi ngã. Mệt nhọc và căng thẳng của trận quyết đấu đã vắt kiệt những giọt năng lượng cuối cùng trong người. Chật vật mãi tôi mới xuống được mặt đất.

Nằm vật bên gốc cây, tôi mở nắp bi đông đưa lên liệng uống một ngụm mật ong. Không thể uống nhiều được, lúc này mà say đứ đừ ra đây là chết.

Lát sau thấy người đỡ run, tôi nhỏm dậy tay súng tay ba lô xách chạy vào rừng.

Giờ đến lúc phải kiểm tra lại chiếc máy bay vừa rơi. Tôi rút dao găm cũng là lưỡi lê AK cắm lên đầu súng, đi men mé rừng tới chỗ nó. Con quái vật đã từng săn đuổi tôi một cách hả hê nay nằm chết gục, câm lặng. Trước khi đâm xuống đất, nó còn để lại những vết thương toác ra trên những thân cây, chém gãy một loạt cành lá và đè nát đám dương xỉ. Đầu máy bay móp méo, mặt kính buồng lái nứt rạn, một đoạn cánh quạt văng xa đến hơn chục mét, đuôi đứt rời chỉ còn dính với thân bằng những thứ dây dơ bằng nhằng. Một bên càng của nó cong vênh lên và gãy làm mấy khúc. Nó không bốc cháy là chuyện lạ và cũng là may mắn cho rừng.

Tôi đứng lặng người bởi trạng thái xúc cảm đột ngột chuyển từ đối cực này sang đối cực khác. Sau những choáng ngợp vì căng thẳng, niềm vui chiến thắng bây giờ mới nở bừng. "Các anh ơi, em đã trả được mối thù..." Nước mắt tôi trào ra...

Trong máy bay có ba xác chết. Xác tên phi công còn ngồi trên ghế lái nhờ có dây an toàn giữ lại. Người nó lỗ chỗ vết đạn, máu đọng thành vũng bên dưới ghế lái, chiếc mũ phi công màu cỏ vẫn đội trên đầu. Bên cạnh, một tên khác chết gục xuống ghế, tay ôm khẩu ARI5. Chỉ nhìn qua, tôi biết hắn cũng dính đạn AK. Còn thằng bắn đại liên lưng đeo khẩu M.4 đang nằm vắt nửa người ngoài cửa máy bay, một dòng máu ứa ra bên mép chảy nhỏ giọt xuống cỏ. Trên người tên này không có dấu đạn, hắn chết do bị va đập. Bên cạnh hắn, khẩu đại liên chổng nòng lên trời, thùng đạn bắn dở còn gắn trên súng.

Tôi nâng xác tên bắn đại liên, gỡ khẩu M.4 ra khỏi người nó và gỡ luôn thắt lưng đạn đeo vào người. Kiểm tra lại súng thấy băng đạn còn đầy nguyên, tôi giật khóa nòng vài lần cho quen tay rồi lắp lại băng, khoác súng lên vai thở phào nhẹ nhõm. Giờ khỏi lo thiếu vũ khí. Loại súng này chẳng xa lạ gì với tôi, nó lại gọn nhẹ, rất thích hợp khi sử dụng trong rừng.

Tôi kéo cả ba cái xác xuống đặt ngay ngắn trên cỏ. Khẩu AR15 có kính ngắm làm tôi vô cùng thích thú, thứ kính ngắm này là ước mơ của mọi xạ thủ. Hai khẩu tiểu liên lại bắn cùng loại đạn, rất tiện. Khi mở xem băng đạn thấy đã vơi quá nửa, tôi ngửi nòng súng: có mùi khét. Thì ra nó là kẻ đã tạo ra tiếng "chiu chíu” bên tai khi tôi bị săn đuổi giữa bãi trống.

Dù đang phấn chấn với chiến thắng và nôn nóng muốn biết xem mình còn thu được những chiến lợi phẩm gì, nhưng tôi không quên rằng kẻ thù có thể ập tới bất cứ lúc nào. Bài học bên cây thủy tùng còn nóng hổi. Tôi gỡ bao súng ru lo của tên phi công đeo vào thắt lưng, bỏ mấy băng đạn vào ba lô, rồi ôm khẩu AK và khẩu AR15 đem đi giấu. Mọi việc đều sẵn sàng để nếu có động sẽ chạy luôn vào rừng.

Những thứ tìm thấy sau đó khiến tôi hết sức ngạc nhiên và mừng rỡ: trong khoang máy bay có hai thùng đạn đại liên còn đầy nguyên, và một thùng cỡ nhỏ hơn đựng những hộp đạn AR15 vàng chóe, loại hộp giấy cứng có ghi số lượng năm mươi viên bằng tiếng Anh. Lại một thùng hai mươi quả lựu đạn; hai thùng giấy đựng những gói khẩu phần ăn dã chiến; một thùng gỗ đựng vài chục hộp thịt loại nửa kí. Trong góc sàn máy bay có một bó quần áo rằn ri còn mới, khoảng chục đôi giày lính cao cổ đế cao su màu đen. Tôi còn tìm thấy một cuộn vải nhựa màu ngụy trang loang lổ dùng để căng lều và một bó pôngxô, thứ áo mưa rất tiện lợi của lính ngụy.


Ngẩn người nhìn đống chiến lợi phẩm ngổn ngang, tôi lúng túng chưa biết phải làm gì. Đúng là của trên trời rơi xuống”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có nằm mơ tôi cũng không dám mơ được như thế. Lát sau, tôi quyết định bỏ thêm vào ba lô mấy hộp thịt cùng một số túi khẩu phần ăn, vác thùng lựu đạn và thùng đạn tiểu liên đi giấu nơi khác. Những thứ còn lại... thôi thì cứ tạm để tại chỗ. Chiếc máy bay nằm khuất dưới tán cây, chỉ cần ngụy trang chút ít là ổn. Tôi kéo mấy nhánh cây gãy đem giấu trong bụi rậm. Đám cành lá này lúc héo dễ gây sự chú ý cho bọn trực thăng nếu chúng đi tìm. Cẩn thận hơn, tôi dùng dây rừng níu cành cây xung quanh xuống che trên xác máy bay. Giờ chỉ có đi dưới đất, mà phải tới gần, mới phát hiện ra.

Nắng đã xế. Những công việc trên làm mất khá nhiều thời gian. Chợt nhớ tới chiếc đồng hồ trên cổ tay viên phi công, tôi tới gỡ ra, thấy đã hai giờ. Ngần ngừ một lúc, tôi đeo luôn nó vào tay. Đồng hồ bây giờ rất cần. Chiếc "pônzốt” của tôi bị hỏng lúc ngồi trên xe đi từ Bãi Hà.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #42 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 08:27:45 pm »

Đói đến muốn xỉu. Tôi xách súng và ba lô đi tránh sang nơi khác để khỏi nhìn thấy những xác chết, rồi mở một hộp thịt. Vừa ăn, tôi vừa nghĩ tới việc khó xử nhất: đó là mấy cái xác kia. Chôn hay không chôn? Nhớ lại cảnh hai chiếc trực thăng ngoi lên nhào xuống, những quả rốc két đỏ lừ, hai xác người tung lên, những chùm tiếng nổ... Cổ họng nghẹn lại, tôi bỏ hộp thịt ăn dở xuống đất, chợt lợm giọng như ngửi thấy mùi tanh của máu, mùi khét lẹt của thuốc súng... Đúng! Tôi có quyền không chôn mấy cái xác kia vì những gì chúng đã làm khi anh Đằng và anh Hùng ngã xuống. "Ừ, cứ cho rằng chúng là lính, đánh nhau thì phải có người chết, chiến tranh là thế! Nhưng hành hạ những người đã chết, bắn vào họ hàng chục quả đạn đến tan xương nát thịt, thử hỏi chúng có còn là con người nữa không?..."


Tôi uể oải chống súng đứng dậy, đi ra chỗ máy bay rơi. Ba cái xác nằm trên cỏ. Viên phi công trạc tuổi tôi, ve áo có hai bông mai, vết máu trên chiếc áo pilốt giờ đã đen sẫm lại. Kẻ bên cạnh trông già hơn, đeo hàm thượng sĩ, thằng này đã nhắm bắn tôi bằng khẩu AR15. Tên bắn đại liên là hạ sĩ, mặt còn non choẹt, ruồi nhặng đang bu đầy trên dòng máu rỉ ra bên mép. Lúc này chúng chỉ là ba cái xác không hồn. Không biết khi xả súng vào tôi, vào một con người nhỏ bé đang chạy cuống cuồng trên bãi trống, chúng có nghĩ gì không? Có phải đây là một trong hai chiếc đã tấn công chúng tôi hôm trước? Ở hai thùng rốc két mới có hai lỗ trống, nhưng cái đó không nói lên được điều gì? Trên khúc đuôi máy bay gãy rời có dấu đạn sượt qua. Dấu đạn chứ không phai vết va đập vì nó cày xước lớp vỏ đuyara của máy bay. Sáng nay tôi chỉ bắn vào buồng lái? Lại còn cái cách vòng lượn, săn đuổi của nó? Thế là rõ rồi!


Tôi bước tới lục trong người ba cái xác lấy ra một mớ giấy tờ và xem qua mấy tấm thẻ quân nhân. Viên phi công tên Trà, Nguyễn Tiến Trà, hai mươi lăm tuổi. Viên thượng sĩ tên Lộc, còn tên lính trẻ là Tình. Mỗi tên đều đeo trên cổ tấm lắc bằng inoc có ghi tên tuổi, số lính... Những cái tên cũng bình thường, vẫn gặp đâu đó trên đất nước này.


Nhìn lũ ruồi nhặng đang vo ve quanh mấy cái xác, tôi chợt chạnh lòng. Dù là kẻ thù, nhưng giờ đây khi đã chết, họ lại là những con người, những trai tráng cùng thế hệ với tôi, chỉ hơn kém nhau vài tuổi... Họ cũng có một gia đình ở đâu đó có một mái nhà nơi làng quê hay góc phố, có những người thân đang chờ họ. Chỉ đêm nay thôi, những con thú ăn thịt sẽ mò tới... Tôi sẽ như thế nào nếu sau này qua lại nơi này thấy những đốt xương người vương vãi?


Tôi đào đất bằng một chiếc xẻng tìm thấy trên máy bay. Loại xẻng này thường được trang bị cho lính thám báo, có thể gấp lại đeo ở thắt lưng, lúc dùng vặn ra thành xẻng hoặc cuốc. Đến bốn giờ chiều mới đào xong cái huyệt đủ sâu để sau khi chôn thú rừng không bới lên được. Mất khá nhiều thời gian và sức lực, vì chiếc xẻng tuy tiện nhưng nhỏ quá. Lần lượt đặt từng cái xác lên tấm pôngxô, tôi nắn người họ cho thẳng; cuốn lại cẩn thận rồi dùng sợi dây võng đưa xuống huyệt. Phải xếp nghiêng vì huyệt hơi hẹp, nhưng họ không đến nỗi chất chồng lên nhau.


Vun hết chỗ đất đào lên thành nấm mộ, tôi đặt một hòn đá đánh dấu hướng đầu và cắt mảnh nilon gói kỹ những giấy tờ tìm thấy chôn bên dưới hòn đá. Hy vọng có lúc nào đó họ được người thân đưa về, nhưng điều này hết sức xa vời. Dầu sao tôi cũng không muốn họ nằm mãi ở đây, không phải vì họ mà vì những người thân của họ. (Và tuy không có những suy nghĩ rõ nét, tôi vẫn thầm biết ơn những kẻ đã mang đến cho mình các thứ cần thiết đúng vào lúc gay go nhất, cho dù chúng chẳng hề có ý tốt đó).

Xong mọi việc, tôi vội vã leo lên cây dùng ống nhòm tìm xem nơi nào có thể có nước. Sắp tối rồi, không khéo đêm nay phải nhịn khát.

Sực nhớ tới cái khe cạn lúc sáng, tôi hướng ống nhòm về phía ấy. Nước trong khe phải đổ xuống một dòng chảy khác, một con suối chẳng hạn! Nếu nơi đó còn nước và nó nằm trong tầm ống nhòm, sẽ thấy cây ven bờ có màu xanh tươi hơn các nơi khác, nhất là lúc về chiều. Sau một hồi sục sạo, tôi bắt gặp vệt cây xanh ở phía tây vùng đồi: nơi tiếp giáp với rừng. Kiên nhẫn rà theo dải cây đó, tôi nhìn thấy điều mình cần: một khúc suối ẩn hiện sau rặng cây, mặt nước đang chói nắng chiều lấp loáng. Từ đây xuống đó chừng hai cây số.


Choàng ba lô lên vai, tôi xách súng khấp khởi nhằm hướng con suối đi tới. "Hôm nay quả là một ngày may mắn!", tôi tự nhủ, chợt nhớ ra mình vừa nghĩ ngược với điều suy nghĩ lúc sáng. Hăm hở rẽ nhánh cây lấy lối đi, cả người tôi lâng lâng trong tâm trạng khó tả. Mình đã làm được những điều kỳ diệu biết bao: thoát chết trong một hoàn cảnh mà sự sống chỉ còn ngàn cân treo sợi tóc. Việc bắn hạ chiếc trực thăng làm vợi nỗi đau của những ngày trước đó. Tôi cũng thấy thanh thản hơn khi chôn cất tử tế mấy xác chết. Hơn nữa giờ đây tôi lại có đủ súng đạn, có những vật dụng cần thiết vượt trên mọi mong ước, sau này có kể lại cũng ít ai tin. Nhưng... Choáng váng bởi một ý nghĩ vừa thoáng qua, tôi ngồi thụp xuống chĩa súng ra phía trước, căng mắt soi mói nhìn quanh. "Chẳng lẽ chiếc trực thăng chở từng ấy quân trang quân dụng chỉ để tới đây tìm bắn nhau với mình? Cuộc chạm súng rõ ràng bất ngờ và hoàn toàn tình cờ. Những thứ trên máy bay... Chừng ấy đạn dược, lương ăn, chục bộ quần áo, chục đôi giày... Số đó đủ trang bị bổ sung cho một tiểu đội? Chiếc trực thăng đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho một toán thám báo đang chốt ở một nơi nào đó..." Kết quả suy luận lôgic làm tôi lạnh toát người.


Ở xung quanh, rừng vẫn êm ả trong bóng chiều tà. Đây đó thấp thoáng vài con chim bay tử chòm cây này sang chòm cây khác, chúng đang vội vã kiếm mồi trước khi về tổ. Nắng chiều nhạt dần, khí trời dịu xuống, trong không gian thoảng thơm mùi cỏ héo. Cảnh rừng tĩnh lặng làm dịu đi sự căng thẳng, nhịp tim đập bình thường trở lại. Không loại trừ trường hợp bọn thám báo đang có mặt ở vùng này, nhưng giờ đây tôi có đủ vũ khí, lại chỉ một mình dễ ẩn nấp, dễ lẩn tránh trong rừng. Kinh nghiệm chiến đấu và những thử thách vừa qua giúp tôi có đủ bản lĩnh để đối đầu với chúng. Khi cần thiết tôi sẽ đánh trả bằng sức mạnh của bốn người...
Tôi vững tâm đi về hướng con suối, biết rằng cuốn sách đời mình giờ đã lật sang trang mới.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:31:41 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2007, 08:04:06 pm »

Chương XI


Hình như ở trên cao bình minh ngắn hơn. Trời vừa mới hửng, nắng đã ngập tràn ngoài đồi cỏ. Tuy vậy dưới những vòm cây sương còn chưa tan. Tôi nằm yên trên võng chờ trời sáng hẳn. Tiếng chim xôn xao trong đám lá. Mấy con sóc ló đầu ra khỏi hốc cây giương mắt nhìn quanh rồi vọt lên cành chạy thoăn thoắt. Một lúc sau thấy xung quanh không có dấu hiệu gì đáng lo ngại, tôi mới tháo võng nhét vào ba lô ôm tụt xuống đất.

Trước mặt là con suối mà chiều qua tôi đã tìm tới uống nước, còn sau lưng là rừng rậm. Từ đây xuống suối phải đi qua một bãi cỏ bằng phẳng rộng hơn trăm mét, có những gốc cây mọc thưa thớt như trong vườn nhà. Cái cây cổ thụ tôi vừa mắc võng ngủ tối qua mọc ngay chân dốc đầu rừng. Cây này thì đúng là cây đa rồi, tuy lá có nhỏ hơn loài đa dưới xuôi nhưng cũng là thứ cây có mủ trắng, rễ khí sinh chi chít lòng thòng từ cành cây xuống đất, nhiều cái lâu ngày đã to hơn cột nhà.


Phía bên kia bãi cỏ có một dải rừng thấp cây mọc kín mít, làm thành bức bình phong kéo dài từ bờ suối lên tới rừng cây cổ thụ. Tôi xách súng giẫm lên những ngọn cỏ lòa xòa còn ướt sương đêm đi xuống suối. Con suối này không lớn lắm, nó chảy từ cánh rừng phía tây bắc về đến đây thì tách làm đôi bởi một tảng đá to tướng trông từa tựa như con voi đứng chắn giữa dòng. Phía bên kia tảng đá nước chảy lăn tăn trên những hòn cuội, còn ở bên này dòng nước xói vào bờ lâu ngày tạo thành vũng to như cái ao, nước trong vắt và khá sâu. Qua khỏi tảng đá chừng chục mét, hai nhánh suối lại hòa với nhau cùng trôi xuôi. Phía trên vũng suối một quãng ngắn, dòng nước tụt xuống tử bậc đá cao chừng ba mét tạo thành con thác nhỏ. Mùa này nước chảy nhẹ, con thác trông tựa bức rèm thủy tinh trắng bạc bởi làn nước mỏng chốc chốc lại lóe nắng sáng lóa.


Mặt trời nhô khỏi dải rừng non, màu nắng vàng tươi trải kháp rừng. Nắng làm ấm dần bờ cát nhỏ mịn màng mà chiều qua tôi đã in dấu chân lên vẻ đẹp trinh nguyên tự ngàn xưa của nó. Cảnh vật sống động hẳn lên. Vũng suối trở nên trong xanh, nhìn thấy cả những bóng cá lượn lờ qua khe đá mờ mờ dưới đáy.

Tôi nhìn xuống nước, bắt gặp một gương mặt đen sạm hốc hác, tóc bù xù chờm quá tai. Gương mặt đó kéo tôi trở lại với thực tại. Không thể cứ đứng đây mà ngắm cảnh, còn bao nhiêu việc phải làm. Tôi quay về chỗ gốc cây, chuẩn bị cho chuyến đi khảo sát quanh vùng đồi cỏ.

Chỉ mang theo súng đạn, ống nhòm, tăng, võng và lương thực đủ dùng cho năm ngày, tất cả đồ dùng còn lại tôi bỏ vào chiếc ba lô của anh Đằng rồi đem dấu trong hốc cây đa. Lúc sáng tụt từ trên cây xuống, tôi đã phát hiện ra nó. Cái hốc này khá kín đáo, miệng hẹp nhưng khô ráo, đủ chỗ cho một người nấp.

Dải rừng non cạnh bãi cỏ chỉ rộng độ năm chục mét, toàn một thứ cây bụi mọc san sát bên nhau. Len lỏi qua các lùm cây, tôi bước ra một tràng cát cỡ bằng sân bóng đá. Xung quanh tràng mọc đầy lau lách, còn ở giữa là bãi đất sỏi vụn pha cát. Rõ ràng những cơn lũ hàng năm đã tạo ra tràng cát này cùng với dải rừng non và bãi cỏ phía trong kia.

Tôi đi dọc suối, chăm chú tìm dấu vết con người để lại. Nếu tụi thám báo đổ xuống vùng này, chúng phải ở quanh nguồn nước. Con suối chảy men phía tây vùng đồi cỏ, lúc sát chân đồi, lúc cách nhau qua vạt rùng rộng vài trăm mét. Ở đây gần nước nên cây cối xanh tươi và rậm rạp. Hai bên bờ đá xếp lô nhô chen với cỏ. Mấy đám lau trổ bông trắng muốt phất phơ trong gió.

Gần trưa, tôi nhìn thấy bên kia suối có vạt rừng le bèn trèo lên cây để xem. Loại le này thân chỉ to bằng ngón chân cái nhưng măng của nó khá ngon. Khi mùa mưa tới, những búp măng sẽ trồi lên trong khóm le. Bẻ chúng về, cứ thế thả vào nơi luộc hoặc vùi trong tro nóng, lúc chín bóc vỏ chấm muối ăn rất ngọt. Mùa măng le mọc cũng là mùa lợn rừng, mang và những con cheo kéo tới dũi gốc ăn măng. Nhưng mùa này chưa có măng. Cả rừng le giờ đang héo vàng dưới nắng chói chang, lá le cháy sém khua lao xao trong gió. Cứ biết vậy? Đến mùa mưa có thể tới đây kiếm thức ăn.

Đêm đó tôi ngủ lại trên một cái cây mọc bên bờ suối, hôm sau đợi trời sáng rõ lại tiếp tục đi. Tới mười giờ sáng mới qua hết triền phía tây vùng đồi cỏ. Dòng suối đến đây thì gặp con suồl khác đổ từ núi xuống, nên nó chia tay với vùng đồi, nhập vào con suối kia rồi dắt díu nhau chảy tiếp về hướng đông nam.

Tôi leo lên nấp kín trong một tán lá rậm, dùng ống nhòm quan sát khu vực ngã ba suồl. Quanh đây có những vạt đất trống và mấy bãi đá cuội, những điểm cắm trại khá lý tưởng. Lúc này đã gần trưa, giờ mà con người thường xuống suối lấy nước, cần tránh một cuộc chạm trán bất ngờ. Nhưng suốt buổi trưa tất cả vẫn yên tĩnh. Tôi không nhìn thấy gì ngoài ba con nai xuống uống nước rồi lên nằm lim dim mắt trên đám cỏ. Rừng trưa êm đềm trong tiếng nước chảy. Cũng là cái nắng trưa hè nhưng nơi này không khí dịu mát hơn nhờ có dòng suối chảy qua. Tôi buộc người vào cành cây ngủ thiu thiu được một lúc.

Chiều đến tôi sục kỹ vùng rừng quanh ngã ba suối. Chỉ có dấu thú chứ không có dấu người. Không một lối đi giẫm rạp cỏ, một vết dao chém hay đống lửa tàn, cũng chẳng có sản vật nào do con người làm ra có mặt ở đây. Câu hỏi vẫn còn đó nhưng giờ có thể yên tâm là dọc suối không có thám báo.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:32:40 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2007, 08:05:16 pm »

Sáng hôm sau tôi rời con suối đi vào khu rừng phía nam vùng đồi. ở đây xa nước nên cây lá phờ phạc, những ngọn cây mệt mỏi vật vờ trong gió nóng. Càng về trưa càng nắng gắt. Mây cũng bay đâu hết, trên bầu trời xanh thẳm chỉ có mấy bóng diều hâu uể oải lượn lờ.

Đang đi bỗng ngửi thấy mùi quế thơm ngào ngạt, tôi lần theo hướng gió tìm được mấy cây quế cổ thụ. Rất dễ nhận ra chúng nhờ hương quế từ lá rụng, từ vỏ cây được nắng hun nóng tỏa mùi sực nức. Tôi lấy dao bớc những mảng vỏ quế dày cộm cho vào ba lô. Giờ chưa cần dùng tới, nhưng để đến lúc mưa gió ngậm cho ấm người, lại chống được cảm lạnh.

Đến trưa ngày thứ tư, tôi sục hết cánh rừng phía đông tới ngang gốc thủy tùng. Tôi ra bên mộ đốt một đống lửa nhỏ. Nắng chói chang làm ánh lửa nhạt nhòa, những hòn đá trên mộ nóng như nung.

Tôi chỉ ngồi với các anh dăm phút rồi quay vào rừng, không dám mạo hiểm vì lúc này đã mệt lử. Một mình luồn trong rừng rậm ngày cháy nắng đêm rét buốt, lúc nào cũng ở trong trạng thái rình rập căng thẳng và tập trung cao độ để tìm dấu vết nên tôi đuối sức. Hơn nữa ăn uống thất thường lại chỉ toàn đồ khô khiến người cũng héo rũ đi.

Tôi men theo dải rừng phía bắc vùng đồi quay trở lại chỗ con suối. Cánh rừng này mới sục kỹ mấy hôm trước nên tôi đi nhanh hơn, chừng nửa chiều thì tìm tới được chiếc trực thăng. Mọi vật vẫn có vẻ y nguyên, nhưng khi nhìn vào khoang máy bay thấy một số túi thức ăn bị rách, những thứ trong đó vung vãi trên sàn. Chắc lại mấy con chồn con sóc tinh quái ngửi thấy mùi thức ăn lạ nên tìm tới nếm thử. Hôm trước tôi đã đóng kín cửa nhưng còn một cánh chỉ khép hờ vì nó bị móp méo nhiều chỗ không sập vào được. Tôi thu dọn những thứ vung vãi, lấy mấy hộp thịt và mấy túi khẩu phần ăn bỏ vào ba lô, rồi chặt một nhánh cây để chặn cửa từ bên ngoài.

Ra nơi giấu súng đạn, tôi ôm về cả hai khẩu súng, lấy thêm chục lựu đạn và chục hộp đạn tiểu liên. Ngần ngừ một lúc, tôi buộc luôn cuộn vải nhựa căng lều lên nắp ba lô. Một chuyến è cổ vì cuộn vải nhựa nặng hơn tôi tưởng.

Cũng như hôm trước, tôi về tới gốc cây đa khi chiều sắp tắt nắng. Bỏ ba lô xuống gốc cây, tôi ra thẳng vũng suối uống căng bụng nước rồi nhào xuống tắm. Sau mấy ngày vất vả giờ được ngâm mình dưới làn nước mát thật dễ chịu.

Tối đến tôi nhặt cành khô nhóm lửa nấu một gô cháo gạo sấy với thịt hộp, bữa ăn nóng sốt đầu tiên sau nhiều ngày không dám đốt lửa. Ăn xong, tôi dập tắt đống lửa, lại leo lên cây mắc võng ngủ. Nhờ căng được tấm tăng trên võng nên đêm đó đỡ lạnh hơn mấy hôm trước. Tôi ngủ một giấc dài ngon lành, chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng léc chéc của mấy con khỉ. Thì ra chúng cư ngụ trên cây đa này, giờ đang gọi nhau đi kiếm ăn. "Mình vô ý quá, chẳng chào hỏi gì chủ nhà..."

Mặt trời lên cao, một ngày mới đã bắt đầu từ lâu. Ánh nắng làm rừng sáng hơn và bớt vẻ hoang vắng. Tôi ra suối rửa mặt, ngồi lại đó hồi lâu để suy nghĩ. Qua mấy ngày lùng sục, tôi khẳng định bọn thám báo không có mặt trong dải rừng ven đồi cỏ, và có thể nói, chúng chưa hề đặt chân tới đó. Vậy phải nghĩ sao về những chiếc trực thăng xuất hiện ở vùng này? Lại còn những quân trang quân dụng trong chiếc bị bắn rơi? Chắc chắn là không phải chở tới cho tôi rồi! Năm ngày qua chưa hề nghe tiếng máy bay, trong khi trước đó, tôi vừa ló mặt ra là đã gặp chúng nhào tới. Chẳng lẽ chúng không tổ chức tìm kiếm chiếc bị mất tích? Những câu hỏi chưa trả lời được và nỗi lo âu vẫn cứ nặng trĩu. Dòng suy nghĩ luẩn quẩn rối tung trong đầu, cho tới khi tôi nhận ra rằng mình không có đủ thông tin để giải đáp được những điều thắc mắc.

Tôi quay lại gốc cây đa. Trước hết phải cất giấu số vũ khí chưa cần dùng tới. Hôm nào rảnh phải thử lại khẩu AR15 để kiểm tra độ chính xác của kính ngắm, sợ nó bị xê dịch khi máy bay rơi. Số hộp đạn và lựu đạn tôi cũng gói lại bỏ trong hốc cây đa, lấy lá khô phủ lên. Chỗ này kín đáo và không sợ mưa ướt. Mấy con vật gặm nhấm chắc chẳng tò mò những thứ mà chúng không ăn được. Chỉ sợ lũ khỉ thấy lựu đạn đem ra nghịch thì khốn. May lúc này chúng đi vắng.

Đem chiếc áo rách xé thành những dải vải, tôi dùng kim chỉ khâu chúng lên một bộ áo quần khác. Làm xong mọi việc thì mặt trời lên gần tới đỉnh đầu. Tôi lấy một túi thức ăn của tụi ngụy để ăn trưa. Gọi là khẩu phần ăn dã chiến nhưng chẳng tiện chút nào: một túi gạo sấy, đổ nước vào ngâm một lúc thành cơm, ăn cứ sường sượng trong miệng; một gói ruốc bông, chắc là ruốc cá; rồi những gói nhỏ bột ngọt, tiêu, muối, đường..., mỗi thứ một tí. Không sánh được với lương khô của ta, ngay cả trẻ em cũng thích. Nghe nói khẩu phần của bọn Mỹ sang hơn, có cả gói cà phê bột đủ pha một tách và hai điếu thuốc lá.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:34:06 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2007, 08:06:10 pm »

Đến ba giờ chiều, tôi mặc vào người bộ quần áo có khâu những dải vải, mang theo súng đạn, ống nhòm, đi men tráng cát về phía đồi cỏ. Đường không xa lắm. Qua khỏi tráng cát, leo lên một đoạn dốc ngắn mọc đầy lau là tới chân quả đồi đầu tiên. Tôi nằm lại trong một đám cỏ, rứt những túm cỏ quanh đó buộc vào những dải vải trên áo quần. Ý định của tôi là tìm đến những nơi trực thăng có thể đáp xuống để xem có dấu vết gì giúp phán đoán ý đồ và hành động của kẻ địch. Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng bất ngờ ập tới như hai lần trước. Vì thế phải ngụy trang kỹ và chọn những thời điểm trực thăng ít có khả năng bay đến. Tôi có chục bộ quần áo rằn ri chiến lợi phẩm còn mới nguyên, nhưng những vết loang lổ màu cây lá và màu đất không phù hợp với màu cỏ sém nắng trên vùng đồi này.

Những cuộc tìm kiếm được thực hiện trong mấy ngày liền. Buổi sáng từ lúc trời hửng tới tám giờ và buổi chiều từ bốn giờ tới sẩm tối, tôi đi như chạy từ mỏm đồi này sang mỏm đồi khác, vừa quan sát tìm dấu vết trên đất, vừa cảnh giác nhìn trời. Đến cuối chiều ngày thứ tư thì tôi xem xét hết những nơi đáng chú ý mà trực thăng có thể hạ xuống. Về địa hình không có gì lạ. Vẫn những triền đồi thoai thoải nối nhau, cỏ mọc thưa thớt trên nền sỏi vụn, đôi nơi lác đác đá tảng. Phía tây, chỗ gần con suối, có mấy vạt cỏ tranh khá rậm. Nhưng tôi đã tìm thấy điều mình phỏng đoán: năm điểm có vết trực thăng đổ xuống. Đúng ra chỉ một nơi có dấu càng trực thăng đè gãy mấy nhánh cây nhỏ, còn những nơi khác toàn cỏ khô và đất sỏi, chúng có hạ xuống cũng không hằn vết. Tôi phát hiện ra là nhờ những mẩu thuốc lá, giấy bọc kẹo, rồi vỏ bao thuốc quân tiếp vụ Ruby Quen. Có một nơi còn tìm được hai đầu mẩu thuốc Pallmall và vỏ hộp đựng cà phê pha sẵn, loại sản xuất ở nước ngoài. Mấy thứ này tụi Mỹ hay dùng, lính ngụy ít xài sang như vậy.

Chưa giải đáp được những thắc mắc, nhưng ít ra lúc này đã có thể nhận định: kẻ địch đã dùng trực thăng đến đây nhiều lần, có lẽ để quan sát, tìm kiếm một cái gì đó ở vùng đồi cỏ và những khu rừng xung quanh. Chúng đến rồi đi, chưa đổ quân sục sạo. Còn những điều khác đành tạm gác lại lúc này chưa thể biết gì hơn được.

Giờ đến lúc phải lo chuyện ăn ở. Tôi sẽ ở lại đây, khó có nơi nào vừa đẹp vừa thuận tiện hơn.

Ban đầu tôi định làm một cái chòi như kiểu chòi gác máy bay của dân quân ngoài quê tôi, nhưng sau thấy không ổn vì không thể đốt lửa trên đó được. Vả lại, chỉ riêng việc leo lên leo xuống đã thấy bất tiện rồi. Lúc khỏe còn được, chứ ốm đau thì làm sao? Dựng lều trên mặt đất đơn giản hơn, nhưng chỉ tạm thời trong vài ngày chứ lâu dài dễ sinh bệnh, lại còn thú dữ... Tốt nhất là làm một cái nhà như kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc. Tất nhiên không cần lớn ìắm vì chỉ mình tôi ở đâu hết mấy, nhưng phải đủ cao đủ rộng để có thể đốt trên đó một đống lửa cháy suốt ngày đêm trong mùa mưa lạnh.

Tôi nhẩm tính số gỗ làm nhà: cần bốn cây cột, bốn cây gác đà ngang đà dọc, rồi gỗ lát sàn, làm sườn che mái... Phần lợp đã có tấm vải nhựa chiến lợi phẩm.

Nhưng phải mấy ngày nữa tôi mới bắt tay vào việc đốn gỗ vì có hai việc phải làm trước. Tôi lên chỗ chiếc máy bay tháo khẩu đại liên và gùi cả ba thùng đạn về bố trí một ổ súng. Địa điểm đã nhắm sẵn từ mấy hôm trước: một mỏm đồi nhỏ nằm phía trên tráng cát, ở đó có sẵn cái hố, chỉ cần đào sâu thêm một chút là đứng bắn được. Xung quanh hố toàn là cây bụi, cây dây leo mọc chen giữa đám lau cằn cỗi. Phía sau mỏm đồi có cái khe cạn chạy vào tới mép rừng có thể dùng làm đường rút khi cần thiết. Từ đây, tầm bắn của đại liên khống chế được cả khu vực từ đồi cỏ gần nhất qua tráng cát tới bãi cỏ trước gốc cây đa. Tôi rất chú ý đến tráng cát, nó đủ chỗ cho cả một phi đội trực thăng cùng đáp xuống.

Sau khi dùng xẻng khoét xong chỗ bắn, tôi chặt một đoạn thân cây có nạng chôn xuống đất làm giá súng. Hơi khó xoay trở khi bắn máy bay, nhưng đành tạm chấp nhận như vậy sẽ tìm cách khắc phục sau. Trên ụ súng, tôi lấy cành cây buộc lại làm giàn ngụy trang và gỡ những nhánh dây leo quanh đó gài lên. Cái giàn có thể chống lên hạ xuống được. Việc cuối cùng là lắp sẵn đạn vào súng và cắt một góc tấm tăng trùm lại che mưa. Tất cả chỉ nhằm phòng xa chứ thực lòng tôi không muốn phải sử dụng đến nó. Tôi đến đây đâu phải để bắn nhau! Chiến tranh đã lan đến tận vùng rừng xa xôi này. Chả lẽ trên khắp đất nước không còn nơi nào yên được hay sao?

Việc thứ hai là phải làm một đài quan sát. Tôi chọn cây chò cao mọc trên triền dốc phía sau cây đa, chặt mấy khúc gỗ gác lên nhánh cây cách mặt đất hơn chục mét để làm chỗ đứng. Từ đây, qua ống nhòm có thể nhìn rõ cả khu vực đồi cỏ trong điều kiện thời tiết tốt. Giờ bắt tay vào việc dựng nhà được rồi.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:34:56 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2007, 08:06:48 pm »

Suốt năm ngày liền, tôi vất vả từ sáng tinh mơ đến lúc trời tối mới lấy đủ số gỗ cần dùng, vì phải chặt rải rác mỗi nơi một cây, tránh sự chú ý của kẻ địch khi quan sát từ máy bay. Chôn xong bốn cái cột, tôi mới nhận ra cần phải có dây buộc. Những thứ dây rừng xung quanh đều không dùng được vì không đủ bền. Tôi đành gác mọi việc lại, đi tìm dây mây.

Từ mờ sáng, tôi đã dậy mang súng xách dao men theo dòng suối trước nhà đi ngược lên.

Càng đi cây cỏ càng rậm rạp. Ven bờ suối đôi chỗ mọc đầy những cây chuối rừng cao ngồng. Thấp thoáng mấy búp hoa chuối đỏ sẫm thòng dài tới gần ngọn cỏ. Thì ra phía trên này dòng suối không cạn như tôi tưởng, có nơi phải sâu ngập đầu là ít. Lúc lúc lại gặp lối thú rừng xuống uống nước, trông xa như lối mòn có người đi.

Qua khỏi rừng chuối, tôi leo lên một sườn dốc và tìm thấy khu rừng có cây mây. Mọc bên dưới những tầng cây cao, cây mây vươn dài quấn quanh những thân cây và len lỏi trong các lùm cây bụi, đôi chỗ chằng chịt thành từng đám rậm rì. Có những cây lâu ngày tự bong vỏ còn trơ sợi thây vàng óng, tôi chỉ cần chặt gốc rồi đứng rút, khi nào tới ngọn mây còn gai mới phải dùng dao róc. Loại mây này thân to cỡ chiếc đũa, có thể để nguyên như vậy mà buộc, không cần chẻ.

Đến chiều thì tôi lấy được số mây ước đủ dùng, nhưng nặng quá nên chỉ mang về một nửa. Sáng hôm sau, tôi quay lại vác chuyến khác. Trên đường trở về, tôi gặp mấy con công đang nhởn nhơ trên vạt cỏ ven suối. Những con công rất đẹp nhưng không thấy chúng xòe đuôi múa, chắc chưa đến mùa gọi tình. Tôi bắn một con về ăn thử vì nghe nói “nem công chả phượng” ngon lắm, ngày xưa chỉ vua mới được ăn. Nhưng tôi đã thất vọng khi ăn món thịt công nướng chấm muối, nó không ngon bằng thịt gà rừng. Có lẽ do thiếu gia vị, hoặc tại tôi "chế biến" không đúng cách, chứ vua mà ăn thế này thì cũng xoàng.

Lao động cật lực trong nửa tháng tôi mới dựng xong nhà. Sàn nhà cao cách mặt đất hai mét, làm bằng những cây gỗ to cỡ bắp chân xếp khít nhau. Mái nhà được lợp bằng tấm vải nhựa loang lổ màu lá cây, lại nằm dưới vòm lá rậm của cây đa cổ thụ nên trực thăng có treo ngay bên trên cũng khó phát hiện ra. Vách nhà ken bằng những cây le mà tôi đã mất ba ngày để chặt và vác từ rừng le về. Việc còn lại là làm một chiếc thang nhỏ dùng lên xuống và một cái bếp. Thang làm không khó. Còn bếp, tôi phải chặt bốn khúc gỗ dài một mét đấu lại thành cái khung hình vuông, đổ đất vào nện chặt để có thể đốt lửa trên đó mà không sợ cháy sàn nhà.

Mọi việc xong xuôi, tôi xoa tay hài lòng đứng ngắm căn nhà do chính tay mình dựng lên và cảm thấy trên đời này chẳng có ngôi nhà nào đẹp hơn nó. Lúc này mới ba giờ rưỡi chiều, cần phải kiếm cái gì ăn mừng nhà mới. Đi săn sợ mất nhiều thời gian, nên tôi móc ba lô lấy cuộn dây câu ra suối ngồi câu cá, vừa để nghỉ ngơi luôn thể.

Ra tới suối, tôi bỗng nhớ việc về nhà mới người ta thường xem ngày. Hôm nay là ngày mấy nhỉ? Trên đồng hồ, lịch ngày chỉ con số hai mươi mốt. Thừ người một lúc, tôi mới tính được là hai mươi mốt tháng sáu chứ không phải tháng năm hay tháng bảy. Lâu nay quên bẵng ngày tháng, có nhìn đồng hồ cũng chỉ xem giờ để biết sớm muộn. Thế là kể từ hôm đi từ Bãi Hà đến nay đã sáu mươi lăm ngày. Tôi chưa biết mình còn phải ở lại đây bao lâu nữa, nhưng ít nhất cũng qua mùa mưa này. Tất cả mọi công việc mà tôi đem hết sức lực và ý chí để làm trong một tháng qua, mới là sự chuẩn bị. Cả ngày về lẫn đường về đều xa lắc xa lơ.

Vừa thả câu một lát đã giật được con cá đầu tiên. Tôi mừng rơn khi thấy ở đây cũng có cá lấu, thứ cá mà theo cách nói của anh Hùng là "ăn một miếng nhớ cả đời". Lúc giật được con thứ hai thì tôi không câu nữa, hai con là đủ cho bữa tối. Cá ở đây dễ câu quá, có lẽ từ xưa tới nay chúng chưa bị lừa lần nào.

Tôi bó gối ngồi lặng yên bên suối, tư lự nhìn mặt nước lấp loáng nắng chiều. Phía bờ bên kia, cây rừng mọc thẳng tắp ken dày sừng sững như vách đứng. Cảnh vật đìu hiu làm tôi nhớ lại buổi chiều hôm nào bên dòng suối nơi biên giới, khi đó chúng tôi còn đủ bốn người... Giờ đây cả ba anh đều đã đi về cõi xa xôi, chỉ còn lại mình tôi nơi này... Giữa tiếng chim kêu nước chảy, nghe như có giọng hát buồn buồn từ trong rừng vẳng ra: "Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng, lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn. Núi rừng đó người đâu không có..." Tôi không khóc mà nước mắt cứ lăn dài trên má...
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:40:20 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2007, 10:15:36 pm »

Chương XII


Lúc còn đi học, tôi chỉ biết tới vàng qua trang sách, nghĩa là cái vòng tròn nửa trắng nửa đen trên tấm bản đồ khoáng sản, hay ký hiệu nguyên tố thứ bảy mươi chín trong hệ thống tuần hoàn hóa học. Sau này vào hoạt động ở thị xã Quảng Trị, hiểu biết về vàng của tôi có nâng cao được chút ít nhưng cũng chỉ dừng ngang chỗ nhìn thấy những nhẫn, vòng, dây chuyền vàng các bà các cô thường đeo, hay cái tiệm kim hoàn nhỏ nằm ở đầu phố mà tôi chẳng có việc gì để bước chân vào. Tất cả kiến thức của tôi về việc tìm kiếm một vỉa quặng là những điều anh Sơn đã nói. Những tưởng còn có đủ thời gian để học ở anh nhiều điều, đâu ngờ chỉ được sống với anh chưa đầy tháng... Cái câu "đãi cát tìm vàng” tôi học lúc trước là câu tục ngữ, nó được giảng theo nghĩa trừu tượng chứ không giải thích một công việc cụ thể.

Chính vì vậy mà giờ đây tôi lúng túng không biết nên làm gì. Theo tài liệu anh Hai Nguyên phổ biến, "vỉa quặng” nằm trong dải rừng phía bắc vùng đồi cỏ. Trên tấm bản đồ anh Sơn mang theo, nó được đánh dấu bằng mũi kim châm.Tìm dấu kim trên bản đồ đã khó, thế mà giờ đây tôi phải tìm trong rừng một vỉa quặng trong lúc chẳng hình dung được hình thù của nó như thế nào.

Tôi để một ngày đi men dải rừng phía bắc vùng đồi. Địa hình ở đây đã nói sơ trong lần trước, tất nhiên lúc này nó vẫn thế: rừng rậm nhiều tầng có đá bazan nằm rải rác, đôi chỗ nền đất pha sỏi vụn như ven các khe cạn hoặc vùng đất giáp đồi cỏ Những ngày đi đó không phải là vô ích. Nó giúp tôi nhận thức được rằng, đừng bao giờ mong tìm thấy một tảng đá có những mạch vàng sáng lấp lánh như đã xen trong phim. Mà nếu có tảng đá như vậy, nó cũng bị vùi lấp dưới đất hay lẫn trong cây cỏ rậm rạp, có sục hết từng mét đất của vùng rừng này cũng chắc gì phát hiện được.

Cuối ngày hôm đó, sau khi đi thực địa về, tôi quyết định làm theo cách mà anh Sơn đã bảo là "tuy thô sơ nhưng đơn giản nên dễ áp dụng...", tôi sẽ đãi cát tìm vàng theo nghĩa đen. Cách đãi tôi cũng có biết, về lý thuyết thì phải - vừa xoay vừa lắc cho đều như cách sàng gạo. Nhưng đãi bằng cái gì bây giờ?

Tôi lên chỗ máy bay rơi, lấy cái mũ phi công gỡ hết các thứ bên trong và bịt các lỗ thủng rồi xuống suối bỏ đất vào đãi thử. Mới lắc mấy vòng đã thấy không ổn, lòng mũ sâu và hẹp quá. Phải có cái gì rộng hơn và cạn, chỉ hơi trũng thôi. Hèn gì lúc trước anh Sơn mang cái xoong cạn miệng rộng như vậy.

Quay lại chỗ chiếc trực thăng, tôi dùng dao găm hì hục gần một buổi mới chặt được mảng vỏ máy bay vừa ý. Loại hợp kim này nhẹ và đủ dẻo để tôi gò được một vật từa tựa cái khiên thời trung cổ người ta hay mang theo lúc ra trận. (Sau này khi nhìn thấy dụng cụ của những người làm nghề đãi vàng thủ công, tôi mới biết lúc đó mình đã làm đúng kiểu).

Thế rồi tôi bắt tay vào việc với tâm trạng hăm hở pha lẫn hồi hộp xen với niềm hy vọng tràn trề. Điểm xuất phát là cái khe cạn nằm chính giữa rìa vùng đồi phía bắc, nơi có đám lau khô tiếp giáp với rừng. Không ảo tưởng vào một kết quả nhanh chóng trong ngày một ngày hai, tôi chia dải rừng ra làm nhiều ô, ghi nhớ những hòn đá hay gốc cây nào đó để làm mốc, dự định tìm kiếm hết nơi này mới chuyển qua nơi khác. Phải đãi có vàng đã rồi mới tính tới chuyện lần tìm vỉa quặng.

Công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào. Cả dải rừng này chỉ có con suối chỗ tôi ở và cái khe nhỏ nơi tôi đã mắc võng nghỉ hôm bị sốt. Muốn đãi, phải gùi đất đến chỗ có nước.

Tôi cắt một tấm pôngsô khâu thành mấy cái túi. Mỗi đoạn khe cạn hay chỗ trũng, tôi đào đất ở nhiều điểm bỏ vào những túi khác nhau, và phải đánh dấu để biết túi đất nào lấy ở đâu. Chưa hết, đào xong phải ngụy trang kỹ, đất đãi rồi phải khỏa cho trôi đi. Nếu kẻ địch tới đây, chúng có thể biết tôi có mặt ở vùng này, nhưng không để chúng phán đoán được ý đồ. Ngay cả trong trường hợp bị địch bắt, tôi cũng chỉ là một người lính giải phóng lạc trong rừng. Tình huống này đã được dự tính từ trước.

Hàng ngày, với súng đạn, chiếc ba lô rỗng, cái xẻng nhỏ cùng cái khiên đeo sau lưng, tôi ra đi từ lúc hửng sáng và chỉ trở về nhà lúc sẩm tối. Đào đất đổ vào túi, bỏ túi vào ba lô mang tới suối đãi, đổ đi rồi quay lại đào tiếp... Công việc nặng nhọc và nhàm chán làm sự háo hức ban đầu dần dần nguội đi. Nhưng tôi không nản. Trong đầu tôi là sự quyết tâm đến lì lợm bởi ngoài trách nhiệm cá nhân, tôi còn có nghĩa vụ với người đã khuất. Mà có lẽ còn trên cả nghĩa vụ...

Tôi mới bắt tay vào việc được mươi ngày thì phải tạm ngừng vì mùa mưa tới. Trước đó mấy hôm bầu trời kém trong hơn, tầng mây trắng bạc mờ mờ trên cao thay thế dần khoảng trời xanh. Buổi sáng những áng mây xuất hiện ngày càng nhiều, lúc đầu chúng có màu trắng hoặc phớt hồng, sau đổi sang màu xám chì. Còn đến hoàng hôn ráng chiều nhuộm mây ngàn đỏ sậm. Những tiếng sấm ì ùng xa xa nghe như tiếng đại bác báo hiệu đạo quân mưa đang tiến lại gần. Gió thổi từng làn ngắt quãng làm cây lá xôn xao. Rừng đang bồn chồn.

Rồi một hôm, cơn mưa chờ đợi từ lâu đã tới. Suốt buổi sáng trời đứng gió. Cây cối im phăng phắc trong cái nóng ngột ngạt đến khó thở. Không gian nặng nề như đang chịu một áp lực từ vũ trụ ép xuống bề mặt khí quyển. Quá trưa thì mây kéo về làm bầu trời thấp xuống, màu mây đen kịt và nặng trĩu. Gió cuộn lên ào ào, bụi tung mù mịt trên vùng đồi cỏ cây rừng nghiêng ngả vật vã chịu đựng nỗi đau chuyển mùa. Lát sau, những tia chớp bắt đầu kéo loằng ngoằng trong mây kèm theo tiếng sấm nổ choáng tai. Những hạt mưa đầu tiên rơi lộp độp xuống lá cây, xuống lớp đất khô bụi sau nhiều tháng nắng nóng.

Trận mưa dạo đầu chỉ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Rừng bốc khói như đang ngủn cháy âm ỉ. Hơi nước ngùn ngụt khắp nơi, đến sẩm tối trở thành những đám sương xanh lam quyện trong vòm lá. Ngày hôm ấy tôi ở nhà lấy củi về chất dưới gầm nhà nên tránh được cơn mưa. Đi rừng gặp trận mưa này, ốm là cái chắc!
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:41:27 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2007, 10:16:16 pm »

Đất rừng khô hạn lâu ngày, hơi nóng bốc lên rất độc. Mấy ngày kế đó mưa đổ xuống từng đợt ngắn, nhưng mây vẫn tiếp tục kéo về ùn ùn trên bầu trời. Ngoài đồi, chuồn chuồn kết thành từng đám dày đặc lượn sát ngọn cỏ. Tranh thủ lúc tạnh, tôi xách súng đi ngược con suối lên mé trên, ý định kiếm ít thịt dự trữ. Tới đoạn suối chảy ngang qua vách đá thì gặp con mang ở bờ bên kia. Tôi bắn, nhưng phát đạn không chính xác nên nó còn chạy được. Tôi lội qua suối lần theo dấu máu, phát hiện nó chui vào một cái hang nhỏ nằm chết trong đó. Cái hang này khuất sau mấy tảng đá và những cây dây leo nên rất kín, nếu không có vết máu thì không thể tìm ra. Chật vật mãi tôi mới kéo được con mang ra vì miệng hang hẹp quá. Nhưng khi nhìn kỹ thới thấy trong hang khá rộng, đủ chỗ cho vài người nấp. Chỉ nhìn qua cho biết chứ chẳng có việc gì phải dùng đến nó.


Tôi vác con mang về xẻ thịt, và nhân lúc nước suối còn trong tôi câu được hơn chục con cá. Số cá, thịt đó tôi nướng và sấy khô rồi đem treo trên đống lửa để ăn dần. Lương thực dự trữ còn mấy bao gạo sấy, năm phong lương khô và một thùng khẩu phần ăn dã chiến, nhưng số đó phải để dành và nếu để được cho tới lúc quay về là tốt nhất. Còn ở đây chim thú không thiếu, tôi lại sẵn đạn nên chẳng lo đói.

Những cơn mưa nặng hạt ngày càng kéo dài, thời gian tạnh ngắn lại và hiếm hoi dần. Cho đến lúc mưa tầm tã suốt ngày đêm thì hầu như tôi chỉ bó gối ngồi trong nhà, không đi đâu được Ngoài trời mưa trắng rừng trắng núi, nhìn ra hướng đồi cỏ chỉ thấy mịt mờ màn nước. Nước chảy thành dòng săn tít dọc theo thân cây cổ thụ. Mặt đất trương ra, mềm lún. Muôn dòng chảy len lỏi qua các gốc cây đổ xuống chỗ thấp. Những rãnh nhỏ trở thành khe, khe thành suối và suối thành sông con. Dòng suối trước nhà giờ đây đục ngầu cuồn cuộn như lũ, cuốn băng băng từng đống rác rều kết từ cành khô và là mục. Những đám mây mọng nước suốt ngày sà trên ngọn cây làm bầu trời như sắp sập xuống. Nhà tôi dựng dưới tán lá rậm, chỉ sáng mờ mờ được dăm tiếng đồng hồ vào ban ngày, vì vậy đêm tối càng dài hơn.


Một hôm, tôi đội mưa lên chỗ máy bay kiểm tra lại những thứ trong đó và lấy thêm số đồ cần dùng. Lần này tôi tìm được nắp thùng chứa nhiên liệu nên lấy ra ít dầu để thắp. Số dầu còn lại trong thùng khá nhiều, có thể an tâm về khoản ánh sáng. Ở dưới ghế lái có cái ngăn nhỏ, trong đó có bộ cờ !ê đủ cỡ, tôi đem bỏ cả vào ba lô cùng với mấy bộ quần áo lính. Nhưng thứ khác tôi gói kỹ cho khỏi ướt, để lại trong máy bay. Xong việc, tôi khoác ba lô lên vai, ra tìm đoạn cánh quạt gãy vác về nhà.

Khi căng mấy tấm pôngsô quanh vách để tránh mưa tạt tôi bỗng nhận ra căn nhà tuy tốt nhưng lại giống cái rọ, nó chỉ có một cửa và mấy lỗ thông khói. Nếu có kẻ nào xuất hiện tấn công lúc tôi đang ngồi trong nhà, chúng chỉ cần khống chế trước cửa là chẳng còn thoát đi lối nào được. "Mình vô ý quá, lẽ ra phải làm thêm cái cửa hậu..." Nhưng khi có động, nếu có nhảy được từ độ cao hai mét xuống đất và kịp chạy hai chục mét tới gốc cây đa hay không? Biết là lo xa, nhưng khi đã nghĩ đến rồi thì tôi cứ thấp thỏm không yên. "Giá mình bay được như chim... À, đúng rồi! Đã có cách!"

Lấy mấy cuộn mây hôm trước chưa dùng hết, tôi đem bện thành sợi dây dài, buộc một đầu lên nhánh cây đa quãng giữa nhà và gốc cây, đầu kia buộc thành cái vòng để có thể luồn chân vào. Phải sửa đi sửa lại mấy lần mới vừa ý. Tôi trổ thêm cái cửa nhỏ phía sau nhà và móc sẵn đầu dây ở đó. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần lách qua của níu dây đu nhẹ là tới chỗ cây đa trong nháy mắt. Ở đó có dấu sẵn số vũ khí dự trữ, và nếu cần tôi sẽ lẩn nhanh vào rừng.

Suốt mấy tháng mưa, lúc nào tạnh tôi lại ra rừng. Bây giờ những nơi trũng đều ngập nước, việc đào đãi tiến hành tại chỗ nên thuận tiện hơn nhiều. Chỉ có điều lội trong rừng mùa này rất khó chịu vì ướt át suốt ngày. Những vết cào xước trên người trở nên ngứa ngáy thành ghẻ, đôi chỗ nhiễm trùng mưng mủ sưng tấy lên. Chẳng ai chết vì bệnh ghẻ, nhưng mắc phải nó thì thật khốn đốn. Không có xà phòng, áo quần giặt mấy cũng không sạch, da thịt nhớp nháp làm mụn ghẻ chả mấy chốc đã lan khắp toàn thân. Lại còn nạn vắt nữa? Cái giống đỉa cạn này vào mùa mưa nhiều như trấu. Mặc dù mỗi lần ra rừng tôi đều lấy lá ngải hôi xoa khắp người, nhưng thế nào cũng có dăm bảy con bám vào hút máu đến căng tròn, về đến nhà cởi quần áo ra mới biết.

Nhưng "có khó mới ló khôn", tôi đã nghĩ ra giải pháp tối ưu cho vấn đề vệ sinh, một trong những "phát kiến" quan trọng nhất của tôi trong thời gian sống giữa rừng: đó là việc tìm ra cây bồ kết. Đúng ra tôi đã nhìn thấy nó từ trước, nhưng đến lúc này mới nhớ tới. Nó mọc ở mé đồi cỏ, nơi vạt rừng phía cuối tràng cát. Đây là một cây bồ kết cổ thụ to cỡ mấy người ôm, trên cành lủng lẵng những chùm quả tươi có, khô có. Tôi cũng không phải leo nên chẳng lo đám gai sắc nhọn chi chít trên cây: quả bồ kết rụng đầy dưới gốc, chỉ việc chọn những chùm chưa bị mục đem về bẻ ra ngâm để tắm gội hoặc giặt quần áo. Nhờ nó mà tôi triệt được bệnh ghẻ, và tuy ở rừng nhưng áo quần lúc nào cũng sạch bong. Ở quê tôi, các bà các chị lâu lâu mới đi chợ mua vài hào bồ kết về gội đầu. Còn ở đây, cái cây bồ kết này đủ cho cả làng gội quanh năm.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:41:56 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2007, 10:16:53 pm »

Một buổi trưa, nhân vừa ngớt mưa tôi xách súng vào rừng bắn chim. Ăn mãi thịt thú cũng ngán, còn cá thì nước suối to lại chảy xiết không câu được. Hôm đó tôi đi khá xa mới bắn được một con chim không lớn lắm nhưng cũng đủ ăn bừa tối. Lúc trở về, tôi nhắm hướng đi cắt rừng cho gần hơn. Khi băng qua cánh rừng cách nhà chừng cây số, tôi gặp một cây trầm. Tôi chưa nhìn thấy cây trầm tươi lần nào. Lúc trước anh Hùng có hứa khi nào gặp sẽ chỉ, nhưng không kịp... Nhưng đây là cây trầm đã rụi xuống lâu ngày, phần gỗ đều mục nát và bị đợt mưa vừa rồi xói trôi gần hết, làm lộ ra những khúc trầm đen nhánh đôi chỗ chen thớ gỗ lấm tấm trắng. Nhiều khúc như được một bàn tay tài hoa nào chạm trổ, tạo nên những đường nét hình thù kì dị và rất đẹp. Đoạn gần gốc có những tảng trầm màu nâu đen giống như những tảng nhựa, cầm lên cứ nặng trĩu trên tay. Có lẽ quanh đây có những cây trầm khác còn sống, nhưng tôi không nhận ra. Loài cây này thật kỳ diệu. Nó mọc giữa rừng hoang, hút chất đất và khí trời để tạo nên nhựa sống. Đến khi về già, cây trầm dồn nhựa của mình cô đặc thành tinh chất của hương thơm, và lúc chết nó để lại tất cả cho đời.

Tôi nhặt mấy khúc trầm mang về để mỗi lần đi thăm mộ sẽ đốt thay hương. Về sau, lần nào đi ngang qua gần đó tôi cũng rẽ vào lấy một ít đem chất trong hốc cây đa. Chẳng qua thấy thì ham vậy thôi, chứ chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sau này mang số trầm ấy về.

Mặc dù tôi rất sốt ruột, nhưng việc tìm kiếm vẫn tiến hành chậm chạp. Những đợt mưa thường kéo dài, số ngày trời hửng rất ít. Ngay cả những ngày có chút nắng hiếm hoi thì chừng bốn giờ chiều trong rừng đã tối, ra tới chỗ đãi chưa làm được mấy việc lại phải quay về.

Ai đã từng một lần trải qua mùa mưa Trường Sơn hẳn sẽ nhớ mãi những cơn mưa dầm dề lê thê ngày này qua ngày khác. Cũng có lúc mưa nhẹ hạt, những hạt mưa rơi chầm chậm làm ta tưởng trời sắp tạnh, bỗng lại nghe ào ào như ai trút nước xuống mái nhà: những đám mây lại vỡ òa trên bầu trời. Ngồi trong nhà nhìn ra màn mưa trắng mịt mờ mà buồn đến não lòng, nhiều lúc tôi có cảm giác mình như cũng sắp chảy ra thành nước. Rừng sâu vốn đã hoang vắng, trong mưa lại càng âm u lạnh lẽo khiến tôi thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Giá lúc này mà có một người bên cạnh, một người thôi, dù già hay trẻ, dù xấu hay đẹp, dù tính nết thế nào cũng được. Cố quên đi sự rầu rĩ trong những ngày mưa ấy, tôi dồn hết tâm trí vào một công việc đã ấp ủ từ lâu: làm tấm bia tưởng niệm đặt trên mộ hai anh.

Tôi đập gãy đầu một chiếc cờ lê cỡ mười sáu, mài vào đá để làm chiếc đục. Phải mất gần một tuần, mài vẹt nửa hòn đá mới được chiếc đục vừa ý. Lấy đoạn cánh quạt trực thăng mang về hôm trước, tôi dùng đục trổ lên đó dòng chữ "đời đời bất tử”. Công việc không đơn giản, vì giữa chiếc đục bằng thép tốt và đoạn cánh quạt hợp kim, không cái nào chịu mềm hơn. Nhưng tôi không ngại. Tôi làm việc này với lòng thương nhớ vô hạn hai người anh, hai người đồng đội, hai con người bình dị và giàu lòng nhân ái đã chết cho tôi được sống...

Ngoài những lúc tạnh mưa ra rừng đào đãi, còn hầu như suốt ngày tôi tập trung vào tấm bia. Cả những đêm không ngủ được, tôi cũng thắp đèn ngồi đục. Công việc thử thách lòng kiên nhẫn, và tôi đã chứng minh được quyết tâm của mình cứng hơn thứ hợp kim sản xuất từ nước Mỹ. Gần cuối tháng chín, khi cây đục qua nhiều lần mài chỉ còn một mẩu ngắn thì tôi làm xong tấm bia. Bên dưới dòng chữ “đời đời bất tử” có khắc tên hai anh cùng quê quán và ngày hy sinh. Tôi định khắc thêm mấy chữ TK1, nhưng sau lại thôi. Chỉ cần suy nghĩ một chút, ai cũng đoán ra hai chữ TK nói gì.

Rồi những cơn mưa thưa dần, những ngày nắng nhiều hơn và ngày cũng dài ra. Đôi lúc tầng không xanh ngắt ló ra giữa những đám mây. Cho đến một hôm, khi nhìn thấy trong rừng có những tán lá ngả màu vàng, tôi hiểu mùa thu đã mang sắc màu của nó đến với vùng rừng núi này. Cứ nhìn nắng thì biết! Nắng thu đằm thắm, óng vàng như màu mật của những con ong làm ra từ phấn hoa mùa xuân và quả ngọt mùa hè. Mùa xuân nắng khác hơn, nắng xuân có màu vàng tươi và tràn trề sức sống. Nắng hè rực rỡ mà chói chang. Còn mùa đông thỉnh thoảng cũng có ngày đẹp, lúc đó trời trong veo và nắng có màu hoa cải cuối vụ.

Vào một ngày thu như thế, tôi về bên mộ đốt trầm dựng bia cho hai anh. Tấm bia cao hơn hai mét, màu kim loại ánh lên dưới nắng nổi bật trong cảnh hoang dã. Không nét hoa văn, không lời tưởng niệm, những dòng chữ đơn sơ đục bằng tay trên tấm hợp kim đặc biệt chế tạo theo công nghệ hiện đại là sự thách thức với kẻ thù. Tôi muốn cho chúng biết rằng, sự trả thù quyết liệt sẽ đến với bất cứ kẻ nào tàn bạo và hèn hạ. Tấm bia này cũng là tín hiệu nếu có toán TK nào đến đây.
 
Khói trầm nghi ngút, hương thơm ngào ngạt theo gió lan khắp đồi cỏ. Trong làn khói thơm như thấy hiện lên những khuôn mặt thân thiết... Tôi tiếc là không thể trở lại bờ vực để đốt mấy khúc trầm tưởng nhớ anh Sơn. Mà giờ này chắc anh ấy đã xuống tới sông Thu Bồn...
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2009, 10:43:21 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM