Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:34:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #80 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:13:57 am »

Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu kimi (ràng buộc lỏng lẻo) do tù trưởng miền núi cai quản. An Nam đô hộ phủ quản 41 châu kimi, chủ yếu gồm vùng Việt Bắc ngày nay. Năm 791, nhà Đường lập Phong châu đô đốc phủ (vùng Sơn Tây, Hưng Hoá cũ) kiêm quản các châu kimi miền thượng lưu sông Hồng (vùng các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày - Thái và Tạng - Miến) và Hoan châu đô đốc phủ (vùng Nghệ Tĩnh) kiêm quản các châu kimi miền bắc Trường Sơn giáp Lào (bấy giờ thuộc đất Chân Lạp) .

Đứng đầu mỗi châu là một quan thứ sử. Nhiều thứ sử là người bản địa (như Dương Thanh làm thứ sử Hoan châu...); nhiều người Việt cũng được giữ chức trưởng lại, chỉ huy quân đội. Điều đó đánh dấu sự mở rộng chính quyền từ tay bọn đô hộ ngoại bang sang tay các đại biểu của tầng lớp hào trưởng bản địa.

Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên đô hộ hoặc kinh lược sứ Thản hoặc đã có người nước ta nắm giữ chức phó đô hộ An Nam. Buổi đầu, An Nam trực thuộc chính quyền Trường An, nhưng từ năm 757 trở đi thì trực thuộc tiết độ sứ Lĩnh Nam và đến nửa cuối thế kỷ thứ IX thì An Nam có chức tiết độ sứ riêng.

Như vậy, quyền lực chính trị trên miền đất nước ta ngày càng có xu hướng tách khỏi sự khống chế của triều đình trung ương Trường An. Nền chính trị tự chủ và quyền độc lập của dân tộc ta được xác lập từ thế kỷ X sẽ là sự phát triển tất yếu của tình hình chính trị của đế chế Đường nói chung và miền đất nước ta nói riêng từ nửa sau thế kỷ VIII và thế kỷ IX mà đỉnh cao là các cuộc khởi nghĩa của nhân dân.

Nhà Đường đã dùng mọi biện pháp để tăng cường khống chế nhân dân An Nam, tuy vậy, các cuộc phản kháng của người Việt vẫn nổ ra liên tiếp. Đất An Nam hầu như không lúc nào yên. Vì thế đến năm 757, nhà Đường đổi tên An Nam thành Trấn Nam, với ý nghĩa An Nam không còn “an” nữa, bọn thống trị thấy cần phải dùng chính sách trấn áp bằng vũ lực, tăng cường đàn áp quân sự để ổn định tình hình.

2. Thành trì và quân đội

Để chống phá phong trào khởi nghĩa của nhân dân địa phương và ngăn chặn các cuộc xâm lấn của các dân tộc láng giềng như người Chà Và, Mã Lai, Lâm ập và Nam Chiếu, bọn quan lại đô hộ nhà Đường ra sức xây đắp thành luỵ, tăng cường quân linh phòng thủ ở các châu thành, đặc biệt là tại phủ thành Tống Bình (Hà Nội) .

Mỗi châu quận đều có trì sở, nơi ở và làm việc của bọn quan lại đô hộ trong các địa phương. Dưới đời Tuỳ, Giao châu gồm 7 quận, 36 huyện sang đời Đường, An Nam quản 12 châu, 59 huyện. Trị sở của chính quyền đô hộ, sau năm 607, chuyển từ Long Biên về Tống Bình. Phần lớn các trung tâm quận, châu và huyện đều có thành luỹ và binh lính bảo vệ; đặc biệt ở các châu, quận lớn những nơi có quan đô hộ, kinh lược sứ, tiết độ sứ hay thứ sử trấn giữ như Tống Bình, Hoan châu, Ái châu, v.v. .

Năm 767, đô hộ Trương Bá Nghi bỏ thành cũ đắp thành mới ở phía bắc, cách sông Tô Lịch 200 thước. Đó là La thành, nhưng bấy giờ thành còn thấp và hẹp. Năm 791, sau khi đánh dẹp được cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, Triệu Xương làm đô hộ An Nam và cho xây đắp thêm La Thành chắt và cao hơn trước .

Năm 801, đô hộ Bùi Thái thay thế Triệu Xương, bắt quân sĩ và dân chúng lấp bỏ hào rãnh ở trong thành, hợp làm một thành và đắp các thành mới ở Hoan châu và Ái châu. Năm 808, đô hộ Trương Chu sửa đắp La Thành một lần nữa. Lúc đó, trong thành có tới 40 gian kho ở lầu Giáp Trượng để chứa khí giới và hơn 400 chiến thuyền “mông đồng”, mỗi thuyền có 25 chiến binh sử dụng cung nỏ và 32 tay chèo. Năm 824, quan đô hộ Lý Nguyên Hỷ lo sợ “nhân dân làm phản” đã dời phủ trị đến bên bờ Tô Lịch, bắt dân đắp thành mới, nhưng sau đó (825) lại chuyển về Tống Bình, vì thành mới đất lún sập không thể đắp được. 

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #81 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:15:43 am »

Năm 867, sau khi đánh lui quân Nam Chiếu, Cao Biền đã bắt dân ta đắp lại La Thành một cách đại quy mô. Chu vi thành dài 1.982 trượng 5 thước (khoảng 6.610m), thân thành cao 2 trượng 6 thước (khoảng 8m6), chân thành rộng 2 trượng 5 thước (8m3) . Phía trên thành đắp một con chạch nhỏ cao 5 thước 5 tấc (1m7), xây 55 lầu canh gác, 6 cửa ống, 3 con cừ. Cao Biền lại cho đắp xung quanh thành một con đê dài 2.12(5 trượng 8 thước (khoảng 7.079m), cao 15 thước (4m9), chân rộng 2 trượng (6m6). Phủ thành được bảo vệ rất cẩn mật.

Trong những lần xây đắp, tu sửa hoặc dời thành, nhân dân ta phải chịu nhiều thứ phục dịch rất cực khổ. Đường thư chép: “... Ruộng bị đại hạn, lại bắt dân đi làm luỹ gỗ, hàng năm phải nộp tiến, đã không ìàm xong kịp thời, còn bị trách phạt gắt gao” (1).

Phủ thành đô hộ (Tống Bình) có 4.200 quân đồn trú và 300 con ngựa. Biên quận An Nam còn có vệ quân đóng giữ như ở miền Lâm Tây, Chân, Đăng (Hưng Hoá cũ) hằng năm có tới 6.000 quân “phòng đông” - phòng thủ mùa khô, chống sự xâm lấn của quân Nam Chiếu.

Sách Đường hội yếu, đoạn chép về An Nam đô hộ phủ cho biết: Lực lượng quân sự của đô hộ Trương Chu ở Tống Bình (đầu thế kỷ IX) có tới 400 chiến thuyền, mỗi thuyền có 25 lính cung nỏ và 32 tay chèo.  Nếu vậy, số quân thuỷ dưới quyền Trương Chu có một vạn lính chiến đấu và 12.800 phu chèo thuyền.

Quân lính đồn trú buổi đầu trưng tập phủ binh và dân binh Trung Hoa, nhưng từ đời Trung Tông (đầu thế kỷ VIII) trở về sau, dân đinh An Nam cũng phải đảm đương việc đồn trú biên giới, họ được điều động cùng với thú binh Trung Hoa bảo vệ biên cương.  Quan đô hộ ở An Nam xem xét nơi nào có bộ lạc lớn, họ to thì bắt phải cung cấp giáp binh, kê tên cùng với hạnh kiểm, tài cán tâu về triều đình để xét bắt lính, sung vào túc vệ.  Binh lính trấn giữ ở các châu, quận buổi đầu đời Đường thường là phủ binh được tuyển từ nội địa Trung Hoa. Các đơn vị quân đội do triều đình điều đi đóng ở các phiên trấn được gọi là “trấn” và “thứ’ luân phiên canh giữ. Nhưng về sau, các quan đô hộ, hoặc tiết độ sứ có quyền lực lớn, đã tự tổ chức lấy lực lượng quân sự, họ đã tuyển nhiều người bản địa làm lính, thậm chí một số chức vụ võ quan nhỏ cũng được giao cho người địa phương.

Vì thế, binh lính đóng giữ ở các châu trị, quận trì ngày càng có nhiều người Việt, đó là những   người nông dân bị cưỡng bức mặc áo lính đi giữ thành và bảo vệ chính quyền đô hộ. Số binh lính người Việt bị lao dịch nặng và bị đối xử bất công. Họ luôn phải đi đánh dẹp, xây đắp phủ thành và phục dịch khổ sở, vậy mà gia đình vợ con họ vẫn bị bóc lột thậm tệ; vì thế đã xảy ra nhiều vụ binh biến chống lại chính quyền đô hộ. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa binh lính do Dương Thanh lãnh đạo (819 - 820), cuộc binh biến của Vương Thăng Triều chống đô hộ Hàn Ước (828), vụ binh sĩ trong phủ nổi dậy đốt thành, cướp kho đuổi kinh lược sứ Vũ Hồn chạy về Quảng châu (843), v.v..

Từ cuối thế kỷ IX, việc “quân, dân An Nam nổi dậy đánh đuổi” đã xuất hiện ngày càng nhiều. Binh biến và khởi nghĩa liên tiếp nổ ra khiến cho cáu tiết độ sứ không tài nào sống yên ổn được. Đó là điều kiện thuận lợi để đến đầu thế kỷ X, Khúc Thừa Dụ giành được chính quyền từ tay bọn quan lại đô hộ.

3. Những biến chuyển về kinh tế

Chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển về mọi mặt của đất nước và dân tộc ta. Tuy vậy Việt Nam thời đó vẫn có những chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội.

Cũng như nhà Tuỳ, nhà Đường tăng cường khai thác kinh tế thuộc quốc, tăng cường bóc lột các dân tộc nhỏ yếu và mở mang buôn bán với bên ngoài. Giao châu thuộc Tuỳ hoặc An Nam thuộc Đường đều được coi là một trọng trấn. 

Chế độ bóc lột kinh tế của chính quyền đô hộ trên đất nước ta rất nặng nề. Dưới thời Tuỳ, bọn thái thú Giao Chỉ thả sức bóc lột, vơ vét Tô thuế và sản vật, vừa để chở về kinh đô, vừa để thoả mãn lòng tham của họ. Có những kẻ như Vương Hoà trước làm thái thú, sau làm đại tổng quản mà “giàu ngang vương giả”.


(1). Cựu Đường thư, q.38, t.36.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #82 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:19:13 am »

Khi nhà Đường thống trị vẫn áp dụng thủ đoạn bóc lột truyền thống của các triều đại phong kiến trước là chế độ Tô thuế và cống nạp. Có rất nhiều thứ thuế và sử sách nhà Đường cũng phải công nhận là bọn quan lại ở An Nam đánh thuế rất nặng. Riêng thuế muối và thuế sắt hằng năm ở Lĩnh Nam đã lên tới 40 vạn quan tiền.

Trong việc tiếp tế muối cho các bộ tộc thượng du, bọn quan lại người Trung Hoa cũng thừa cơ ra sức bóc lột. Kinh lược sứ An Nam là Lý Trác đã đổi cho dân một đấu muối lấy một con trâu.  Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký, cư dân châu lục (vùng ven biển Hạ Long) sống bằng nghề nấu muối và mò ngọc trai, hằng năm mỗi hộ phải nộp thuế 100 hộc gạo. Ngoài ra còn thuế đay, gai, bông và nhiều thứ thuế gọi là “ngoại suất” (tính ngoài thuế chính là Tô dung điệu, lưỡng thuế).

Ở phương Nam, nhà Đường dựa theo tài sản, chia các hộ làm ba loại để thu Tô thuế, “thượng hộ” nộp 1 thạch 2 đấu, “thứ hộ” nộp 8 đấu, “hạ hộ” nộp 6 đấu. Các hộ dân người thiểu số (Lý, Lão) thì nộp một nửa Tô thuế đó. Tuy thế, bọn quan đô hộ thường lợi dụng ép buộc nhân dân nộp cả thuế theo định ngạch. 

Nhà Đường là một triều đại trong đó bọn quý tộc, quan lại sống xa hoa cực độ. Kho đụn ở Trường An đã đầy ắp lúa gạo. Nhà Đường còn muốn vơ vét của phương Nam vật quý và tiền bạc. Hằng năm, các châu huyện thuộc “An Nam” phải nộp cống cho triều đình nhiều lâm thổ sản quý (ngà vòi, sừng tê vàng, bạc...), nhiều sản phẩm thủ công địa phương (tơ lụa, sa, the, đồ mây, bạch tạp...). Cống phẩm mỗi châu trị giá bằng 50 tấm lụa. Chúng quy định: Tô điệu của châu Dương nộp bằng tiền, Giang Nam nộp bằng vải, An Nam nộp bằng tơ lụa.

Ngoài việc bóc lột của triều đình Trường An, lại thêm sự vơ vét bóc lột, bòn rút của bọn đô hộ. Bọn quan lại đô hộ khi đến An Nam thường rất mau chóng trở nên giàu có.

Tân Đường thư chép về Hàn ước - quan đô hộ An Nam là kẻ “do tiền gạo mà tiến thân, hơn nữa đất An Nam là nơi giàu có, tích luỹ tụ tập được của cải, vốn liếng càng nhiều” (1). Lý Thọ, Tôn thất nhà Đường đời Trinh Quan (627 - 649) làm đô hộ Giao châu “vì tham nhũng, phải tội” (2). Vi Công Cán làm thứ sử Ái châu, thấy trong châu có cột đồng muốn chiếm lấy để bán, nhưng bị dân phản đối.

Sử sách nhà Đường thừa nhận, An Nam là nơi giàu có, nhiều người muốn làm quan, phải đút lót nhiều tiền của và khi đã trở thành quan đô hộ thì mặc sức vơ vét, tích luỹ vốn riêng. Cao Chính Bình “phú liễm nặng”, Lý Trác “tham ăn hối lộ, phú thuế bạo ngược” (3), Lý Tượng Cổ “tham túng, bất kể pháp luật” (4) v.v..

Như vậy, An Nam - vùng đất trước kia nhà Đường dùng lưu đày các quan có tội, nơi từng bị chúng coi là “chướng lệ, đi tất không về”, đã trở nên hấp dẫn đối với bọn quan lại đô hộ, nhiều tên đã phải hối lộ bọn hoạn quan mới được bổ xuống miền nam để làm giàu.  Bọn quan lại “do tiền gạo tiến thân” đó càng lo vơ vét vô hạn độ để nhanh chóng bù đắp vào số tiền bỏ ra mua quan chức và sau còn tích luỹ vốn riêng. Đảm phụ của nhân dân, do vậy càng tăng lên gấp bội.

Do chính sách bóc lột tàn nhẫn của bọn đô hộ, do chịu hai tầng áp bức nên dưới thời thuộc Đường đã xảy ra hiện tượng bần cùng hoá nhanh chóng, với quy mô ngày càng lớn của các tầng lớp nhân dân. Từ nửa sau thế kỷ VIII, lụt lội và hạn hán xảy ra hên tiếp. Cộng thêm là tình trạng chiến tranh liên miên khiến sức sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng.
 
Tuy bị áp bức, bóc lột hết sức nặng nề nhưng nhân dân ta rất anh dũng chiến đấu và cần cù lao động, chịu cực, chịu khổ, vượt mọi khó khăn, lại biết khéo léo vận dụng những mặt tích cực mà chế độ nhà Đường vô hình chung đã tạo ra, nên đã làm cho kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải và thương nghiệp... có những bước tiến bộ hơn trước.


(1).  Tân Đường thư, q.179.
(2).  An Nam chí lược, q.9, t.1a.[/i]
(3). Cựu Đường thư, q.182.
(4). Tân Đường thu, q.80.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:21:36 am »


a) Về nông nghiệp

Sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa, nhà Đường thi hành một số chính sách về nông nghiệp nhằm khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính sách quân điền được ban hành và đi đôi với nó là chính sách thuế Tô dung điệu. An Nam tuy nằm ở xa, nhưng cũng chịu ảnh hưởng những chính sách đó. Chính quyền đô hộ cũng phải ra sức ổn định tình hình ruộng đất để đánh thuế. Việc trồng lúa hai mùa, trồng khoai và các loại hoa màu khác được mở rộng, nông dân trồng nhiều loại cây có sợi để dệt vải như đay, gai, bông. Nghề trồng dâu nuôi tằm đặc biệt phát triển, từ Phong châu (bắc Hà Tây, Vĩnh Phúc) đến Ái châu (Thanh Hoá) đều nuôi tằm một năm tám lứa. Nghề làm vườn và trồng cây ăn quả cũng được đẩy mạnh. Về chăn nuôi, ngoài các loại gia súc, gia cầm còn nuôi và săn bắt chim công, chim trả để lấy lông. “Ngựa Thục” cũng đã được du nhập vào nước ta thuở ấy.

Nhà Đường thực hiện ban đất chức phận cho các quan đô hộ cao cấp và thiết lập bộ phận ruộng công cho các phủ, châu, huyện. Hàng vạn mẫu ruộng của nhân dân biến thành ruộng của bọn quan lại hay ruộng của chính quyền thực dân. Hàng loạt nông dân chịu sự bóc lột trực tiếp của các quan lại phong kiến.

Từ nửa sau thế kỷ VII, chính sách quân điền phá sản, hàng loạt ruộng đất bị bọn quý tộc, quan lại cướp biến thành điền trang. Cũng như các thế kỷ trước, do chính sách lập nghiệp của chính quyền đô hộ, ở nước ta đã hình thành một số trang trại của quan lại, địa chủ người Hán. Đô hộ Vũ Hồn khoanh vùng đất Mộ Trạch, lập điền trang của mình. Trên đất nước ta, xuất hiện nhiều nhà hào phú họ Phùng, họ Ngô ở Đường Lâm, họ Khúc ở Hồng châu, họ Dương và họ Lê ở Ái châu.

Nhà Đường cho kê khai sổ hộ khẩu, định thuế các loại Tô dung, điệu và sau đó đổi lại là phép lưỡng thuế, cho phép chính quyền đô hộ cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta làm ruộng công do chính quyền đô hộ quản lý, ban cấp ruộng đất chức phận cho bọn quan lại cao cấp.

Những chính sách đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân hoá xã hội người Việt Tuy đại bộ phận cơ dân là nông dân sống trong các làng xã, hoặc là nông dân lệ thuộc cày ruộng nộp Tô cho bọn quan lại, hào trưởng địa phương hoặc biến thành nông Nô, trong xã hội đã hình thành một tầng lớp địa chủ ít nhiều có thế lực ở địa phương thuộc nhiều nguồn gốc và xu hướng chính trị khác nhau
.
Cuối đời Đường, do chiến tranh liên miên, nền kinh tế nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng, đến nỗi có lúc sáu năm liền chính quyền đô hộ không thu được thuế. Chính sách vơ vét nhũng nhiễu của bọn quan lại cũng hạn chế nhiều đến năng suất của nông dân, khiến cho Cao Biền, tuy tăng cường khai phá đất hoang lập thêm hương ấp, vẫn không giải quyết được nạn đói, gây nên sự bất bình lớn trong xã hội.

b) Về thủ công nghiệp

Bên cạnh nghề nông và nghề nuôi tằm, nghề dệt vẫn là nghề thủ công quan trọng nhất ở nông thôn nước ta. Các mặt hàng dệt, ngoài các loại cổ truyền như vải đay, tơ chuối, vải, bông, sử sách nhà Đường còn ca ngợi các loại lĩnh, sa, the,  gấm vóc của nước ta, đặc biệt là tơ lụa. Vì thế, nhà Đường đã  quy định Tô điệu của An Nam phải nộp bằng tơ lụa và hàng  dệt đã dùng làm cống phẩm cho triều đình.  Nhà nước đô hộ cũng bắt dân ta khai mỏ vàng, đồng, thiếc, làm cho ngành thủ công này phát đạt hơn. Nghề làm  mía nổi tiếng đã được truyền sang Trung Quốc. Nghề đóng thuyền cổ truyền Việt Nam được nhà Đường lợi dụng triệt để.   

Thời Trương Chu làm đô hộ, thợ thủ công ta đã phải đóng  hàng trăm chiến thuyền mông đồng lớn để phục vụ giao  thông và quân sự. Thợ rèn sắt nổi tiếng cũng được trưng  dụng để chế, rèn hàng chục vạn vũ khí hoặc các vật dụng cần thiết cho quân đội chiếm đóng, bảo vệ phủ thành. Ngành xây dựng được phát triển với kỹ nghệ xây thành, xây dinh thự,  lăng mộ cho quan lại đô hộ và các đền chùa thờ Phật.

Đấy là  thủ công nghiệp “quan doanh”; còn thủ công nghiệp nói  chung vẫn phát triển không tách rời nông nghiệp. Ở gần các thị trấn lớn như Tống Bình, dần dần hình  thành các phường thủ công chuyên sản xuất các đồ dùng cần thiết cho thị dân hay các loại đồ trang sức. Như vậy, với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp và sự hình thành các trung tâm kinh tế, các nghề thủ công nghiệp nước ta tiếp tục phát triển lên một mức độ cao hơn trước.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:23:00 am »


c) Về giao thông vận tải và thương nghiệp

Một sự kiện đáng chú ý của thời kỳ này là sự hình thành của các trục giao thông lớn trong nước từ biên giới Việt - Trung xuống châu thành Giao châu, từ Tống Bình đi ra miền biển qua Thái Bình, đi lên Bạch Hạc, đến các khu vực dân tộc Lý - Lão, đi vào Cửu Chân và từ Ái châu qua Hoan châu sang An Viễn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đi vào nam qua sông La (sông Ròn), đến sông Đàn Động (sông Gianh) và đi vào đất nước của Hoàn Vương (Chăm pa) .

Ngoài các đường giao thông trên bộ, các con đường thuỷ trên sông, trên biển cũng mở mang, nơi liền các khu vực hành chính trong nước. Tất nhiên, việc xây đắp hệ thống đường giao thông nói trên của chính quyền đô hộ nhằm mục đích duy nhất là chuyển thuế cống và điều quân đi đàn áp các cuộc nổi dậy của-nhân dân ta. 

Giao thông thuận lợi hơn trước, một vài khu kinh tế mới như Giao châu, Ái châu hình thành càng tạo điều kiện cho việc trao đổi giữa các miền được thịnh đạt hơn. Mối giao lưu giữa miền xuôi và miền núi luôn được duy trì. Buôn bán trong nước ở thời kỳ này có những mặt phát triển. Miền núi Hoan châu có chợ họp đều kỳ, 10 ngày một lần.

Ở biên giới phía bắc, đã xuất hiện nhiều trung tâm buôn bán, đổi chác.  Trên sông biển, thuyền buôn nước ta và các nước Trung Quốc, Côn Lôn (Mã Lai), Chà Và (Giva), ấn Độ, Ba Tư, Trập... qua lại, trao đổi các sản phẩm thủ công, các sản vật quý, lạ như hương liệu, thuốc men, đồ sứ, các vải lụa, tư tằm...  Mặc dầu bị phá hoại và kìm hãm, nền kinh tế dân tộc vẫn tự mở lấy đường đi. Sự phát triển của nền kinh tế ở An Nam vào các thế kỷ VII - IX dần dần biến nước ta thành một khu vực độc lập, tự túc, ngày càng vững chắc.

Sự phát triển về giao thông thuỷ bộ, sự phát triển buôn bán trong và ngoài nước thời kỳ này về khách quan đã tạo cơ sở thuận lợi cho giao lưu liên kết kinh tế, văn hoá giữa các địa phương, củng cố thêm sự thống nhất trong nước và dân tộc ta có điều kiện để hiểu biết và hội nhập những yếu tố tích cực từ bên ngoài.  Trên cơ sở đó, tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia của người Việt đang nảy nở mạnh mẽ eo thêm điều kiện để củng cố dễ dàng. Nó tạo thành một tiền đề kinh tế cần thiết cho sự khôi phục nhà nước độc lập ở nước ta.

4. Bước phát triển mới của văn hoá Việt

Văn hoá Trung Quốc thời Đường đã có những bước phát triển rực rỡ và ảnh hưởng của nó lan tràn khắp vùng Viễn Đông. Vì thế, nhân dân ta, trong ba thế kỷ dưới ách đô hộ của nhà Tuỳ và nhà Đường cũng như những thế kỷ trước đó, bao giờ cũng tiếp thu văn hoá Trung Hoa (và các nền văn hoá ngoại lai khác) trên nền vốn cũ của bản thân cộng đồng người Việt Sự giao tiếp, đan xen văn hoá giữa Việt và Hoa hay Ấn. . . trên đất Việt là tất nhiên và không bao giờ đơn thuần là một hành động vay mượn Nô lệ.

Trong suốt ba thế kỷ thuộc Đường, nhân dân ta cũng tạo điều kiện để phát triển văn hoá lên một bước, chuẩn bị cho sự ra đời một nền văn hoá dân tộc.

Bấy giờ, Nho giáo và chế độ khoa cử phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Cáo quan lại đô hộ phần lớn xuất thân khoa cử và cũng có thư văn sáng tác. Triệu Xương đã từng đi thăm các thắng cảnh, miếu mạo nước ta, viết nên quyển Phủ chí.  Mã Tổng mở trường dạy học nhằm phổ biến đạo Nho. Cao Biền là một nhà thư có tiếng. Tăng Cổn đã soạn sách Giao châu ký lưu hành đến đời sau...

Nhiều người tài giỏi ở nước ta có học hành và tham dự các kỳ thi ở Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là hai anh em Thưởng Công Phụ và Thưởng Công Phục. Thưởng Công Phụ là người Ái châu, đỗ tiến sĩ và làm quan đời Đường Đức Tông (780-805). Công Phụ rất được vua Đường sủng ái, đã có lúc được thăng lên chức gián nghị đại phu đồng trung thư môn hạn bình chương sự. Công Phụ để lại bài phú Bạch Vân chiếu xuân hải nổi tiếng. Em là Thưởng Công Phục cũng từng sang du học Trường An, đỗ tiến sĩ, làm đến lang trung bộ lễ ở triều Đường.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #85 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:23:55 am »

Trong lúc ở Trung Quốc Nho học phát triển và đến cuối đời Đường, Phật giáo suy vi, thì ở nước ta, Nho học chưa thể xem là thịnh, không được dân gian hưởng ứng nhiều, tác động chậm, chủ yếu ở một số thiểu số có học. Có thể ảnh hưởng lớn nhất của Nho giáo với nước ta là sự củng cố vững chắc thêm việc thờ cúng tổ tiên rất đặc trưng của tín ngưỡng dân gian Việt; trái lại Phật giáo lại phát triển mạnh mẽ và còn thịnh đạt trong cả nhiều thế kỷ sau. Hai dòng phái Thiền Tông được truyền bá vào Việt Nam dưới thời thuộc Tuỳ - Đường.

Thiền phái Nam Phương truyền vào nước ta sớm hơn.  Ông tổ là Tiniđalưuchi (Vinitaruci) người nam Ấn Độ, năm 573 sang nhà Đường, làm đồ đệ thiền sơ Tăng Xán. Sau đó, năm 580 xuống Giao châu đến trụ trì tại chùa Pháp Vân (Thuận Thành, Bắc Ninh), dịch bộ kinh Tổng từ. Năm 594, sư chết, học trò là Pháp Hiền họ Đỗ người Chu Diên kế nghiệp Pháp Hiền chuyển về dựng chùa ở núi Từ Sơn. Đệ tử rất đông. Lúc nào trong chùa cũng có hơn 300 tăng ni.

Những năm sau, phái Nam Phương phát triển mạnh, lan rộng khắp nơi. Sư Thanh Biện dựng chùa Kiến Dương, sư Định Khuông dựng chùa Quỳnh Lâm, v.v. . Tuy là Thiền, nhưng Nam Phương có khuynh hướng thiên về Mật giáo, lại kết hợp cả thuyết sấm vĩ, phong thuỷ, hẩu như chịu ảnh hưởng nhiều Phật giáo ân Độ Tây Tạng hơn là ảnh hưởng Trung Hoa, lại có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo, vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ. 

Phái Quan Bích truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ IX.  Tổ sư là Vô Ngôn Thông, người Quảng Châu. Năm 820, sư sang An Nam, tu ở chùa Kiến Sơ (Tiên Du, Bắc Ninh).  Những người kế tục là Cảm Thành, Thiện Hợi phát triển phái Quan Bích ra khắp Giao châu. Quan Bích chịu ảnh hưởng của Tịnh độ giáo và cũng có ảnh hưởng của Mật giáo, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa sâu đậm hơn nhưng lại khác với các thiền phái Trung Hoa.

Cũng như thiền phái phương Nam, phái Quan Bích đã rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống (“nhập thế”) trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình. 

Ở thời này, Đạo giáo cũng khá phát triển, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo giáo Trung Hoa nhưng lại hỗn dung với những tín ngưỡng dân gian của người Việt, với những thần sông, thần núi của đất nước Việt và đặc biệt với việc thờ cúng tổ tiên và các vị anh hùng (anh hùng khai hoá, anh hùng dựng nước và giữ nước) của dân tộc Việt Nam.

Lời tựa sánh Địa lý Cao Biền cảo viết rằng khi Cao Biền sắp sang An Nam, vua Đường Ý Tông triệu vào điện bảo rằng: “Trẫm nghe nói rằng ở An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thâm về địa lý học thì nên hết sức yểm đi và vẽ hình thế đất ấy về cho trẫm xem”. Nhưng Cao Biền vẫn tỏ ra bất lực trước việc “yểm” núi Tản Viên và thần Sơn Tinh, yểm đất Long Đỗ (Hà Nội) và thần Tô Lịch v.v. . Điều đó chứng tỏ không một thứ Tôn giáo, phù phép nào làm mờ được lòng yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc, là cốt lõi ý thức hệ của nền văn hoá Việt Nam.

Phật giáo cũng như Đạo giáo được truyền bá từ Ấn Độ và Trung Hoa vào từ đầu công nguyên và đến thế kỷ VI đã khả sâu rễ bền gốc ở nước ta; chúng cũng được dung hoà và dung hoá với những tín ngưỡng dân gian vốn có, dẫn đến kết quả là thần điện Việt thêm phong phú và bác tạp. Sự hỗn dung văn hoá và Tôn giáo đã sớm nảy nở, phát triển trở thành một nét đặc thù của bản sắc văn hoá Việt.

Hơn ba trăm năm dưới thời thuộc Tuỳ - Đường, nhân dân ta biết tiếp thu và dân tộc hoá vốn liếng vay mượn của nước ngoài - của Trung Hoa, Ấn Độ và các nước khác - cả vật chất và tinh thần, văn hoá và kỹ thuật để phục hưng và phát triển nếp sống văn hoá riêng của dân tộc, từ thế kỷ X. 

Sự thịnh đạt của đế chế Đường, sự huy hoàng của văn hoá Đường, chính sách bành trướng, âm mưu đồng hoá, thủ đoạn cai trị xảo quyệt, hà khắc và ngu dân của bọn đô hộ nhà Đường vẫn không làm cho dân tộc ta bị đồng hoá, không làm cho nhân dân ta bị khuất phục. Trái lại, trong suốt ba thế kỷ bị nhà Đường thống trị, người Việt không ngừng nổi dậy chống lại ách áp bức nặng nề, sự bóc lột tàn bạo và đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #86 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:26:25 am »

5. Xung đột với các vương quốc láng giềng

Nhà Đường từ sau các mến hiệu Khai Nguyên, Thiên Bảo đời Huyền Tông (712 -756) bắt đầu suy đốn. Chính quyền đô hộ ở An Nam cũng không còn đủ sức khống chế được mâu thuẫn sâu sắc giữa nhân dân ta với chế độ thực dân, khởi nghĩa nổ ra hết nơi này đến nơi khác. Lợi dụng sự bất lực của chính quyền đô hộ, các vương quốc láng giềng tiến hành cướp phá miền đất nước ta. Chiến tranh nổ ra luôn giữa quân lính của chính quyền đô hộ với người Chà Và, Lâm ấp, Côn Lôn và Nam Chiếu. Nhân dân ta đã bị bóc lột kinh tế nặng nề lại phải cung đốn cho chiến tranh, nên càng khổ cực.

a. Nạn cướp phá của Chà Và, Lâm ấp

Năm 717, người Chà Và (còn gọi là Tráo Oa hay Java) thuộc miền hải đảo Inđônêxia tràn vào cướp phá, đánh lên tận châu thành phủ đô hộ. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi phải cho người cầu cứu đô uý châu Vũ Định Cao Chính Bình.  Viện quân đến phối hợp với quân phủ đánh lui được quân cướp. Để đề phòng, Trương Bá Nghi đã huy động binh lính và nhân dân đắp lại La Thành.

Vương quốc Lâm ấp đứng đầu là vua Phàn Trí (Phạm Phàn Trí) sau khi bị Lưu Phương đánh bại đã phải chịu xưng thần, triều cống Trung Quốc. Phàn Trí tổ chức khôi phục quốc gia Lâm ấp, đặt quan hệ hoà hiếu với Chân Lạp ở phía nam. Từ khi nhà Tuỳ ở phương Bắc suy yếu, Lâm ấp đoạn tuyệt triều cống. Đến lúc nhà Đường thay nhà Tuỳ ở Trung Quốc, vua Lâm ấp lại cử sứ giả sang triều cống trong các năm 623, 625 và 627. Năm 629, Phàn Trí chết, con là Đầu Lê (Phạm Đầu Lê) lên thay và các năm 630, 631 đã cho sứ sang cống vua Đường nhiều của báu như “Ngọc hoả châu to bằng trứng gà, tròn, trong trắng, ánh sáng chiếu qua đến mấy thước, trong như thuỷ tinh, giữa trưa hướng về mặt trời mà hơ thì sinh ra lửa” (1). Vua Đường rất thích thú, nên khi Đầu Lê chết được tạc tượng đặt trước lăng mộ Đường Thái Tông.
 
Nước Lâm ấp từ thế kỷ VII đã xây dựng nhiều đền đài ở Mỹ Sơn (Trà Kiệu) và nhiều nơi thuộc Quảng Nam ngày nay.  Thời kỳ này, Lâm ấp đã mở rộng thế lực về miền nam. Tuy cử sứ giả triều cống vua Đường nhưng Lâm ấp vẫn cố sức giành lại đất đai vùng Nhật Nam cũ, vì đầu đời Đường, Trung Quốc kiểm soát một cách khá lỏng lẻo miền đất phía nam Hoành Sơn.

Vào khoảng giữa thế kỷ VIII, nhà Đường đổi gọi Lâm ấp là Hoàn Vương. Cả miền nam sông Gianh đều thuộc Hoàn Vương. Năm 803, vua Hoàn Vương là Harivácman I đem quân ra đánh phá hai châu Hoan và Ái. Quân lính của Hoàn Vương rất thiện chiến. Sử nhà Đường mô tả rằng: “họ có thể dùng cả nỏ và lao; lấy mây làm áo giáp, lấy trúc làm cung, cưỡi voi mà chiến đấu” (1).
(1). Cựu Đường thư, q.197, Lâm ấp.

Quân Đường đóng ở đây không chống cự nổi phải bỏ thành mà chạy. Harivácman I chiếm Hoan, Ái, đặt các chức đô thống để cai trị. Mãi đến năm 809, đô hộ Trương Chu củng cố xong các thành trì ở Giao châu, kéo quân vào đánh Hoan, Ái. Hai bên đánh nhau kịch liệt.  Hàng vạn người bị giết. Quân Hoàn Vương phải rút về nước.  Hoan, Ái trở lại thuộc nhà Đường. Năm 819, nhân lúc đô hộ Lý Tượng Cổ tham lam tàn bạo và Dương Thanh - thứ sử Hoan châu nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ, người Hoàng Động đã liên lạc với quân Hoàn Vương vào cướp phá Lục châu. Quân nhà Đường phải đánh mãi mới dẹp yên được hoạ Lâm ấp.

b) Sự xâm lược của quân Nam Chiếu

Từ đời Tuỳ - Đường trở về trước, cả dải đất từ bắc Việt Nam đến Dạ Lang là địa bàn cơ trú của người Lão. Tù trưởng bộ lạc người Lão trong khu vực Dạ Lang cũng được gọi là Việt Vương. Phong kiến Trung Quốc thường gọi là “Sinh Lão” nghĩa là những người Lão không thần phục chính quyền Trung Hoa. Tới nửa sau thế kỷ VII, phong kiến Trung Hoa mới bắt đầu vươn tới vùng này.


(1). Cựu Đường thư, q.197, Lâm ấp, t.1a và b.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #87 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 09:59:31 am »


Nước Lâm ấp từ thế kỷ VII đã xây dựng nhiều đền đài ở Mỹ Sơn (Trà Kiệu) và nhiều nơi thuộc Quảng Nam ngày nay.  Thời kỳ này, Lâm ấp đã mở rộng thế lực về miền nam. Tuy cử sứ giả triều cống vua Đường nhưng Lâm ấp vẫn cố sức giành lại đất đai vùng Nhật Nam cũ, vì đầu đời Đường, Trung Quốc kiểm soát một cách khá lỏng lẻo miền đất phía nam Hoành Sơn.
Vào khoảng giữa thế kỷ VIII, nhà Đường đổi gọi Lâm ấp là Hoàn Vương. Cả miền nam sông Gianh đều thuộc Hoàn Vương. Năm 803, vua Hoàn Vương là Harivácman I đem quân ra đánh phá hai châu Hoan và Ái. Quân lính của Hoàn Vương rất thiện chiến. Sử nhà Đường mô tả rằng: “họ có thể dùng cả nỏ và lao; lấy mây làm áo giáp, lấy trúc làm cung, cưỡi voi mà chiến đấu” (1).

Quân Đường đóng ở đây không chống cự nổi phải bỏ thành mà chạy. Harivácman I chiếm Hoan, Ái, đặt các chức đô thống để cai trị. Mãi đến năm 809, đô hộ Trương Chu củng cố xong các thành trì ở Giao châu, kéo quân vào đánh Hoan, Ái. Hai bên đánh nhau kịch liệt.  Hàng vạn người bị giết. Quân Hoàn Vương phải rút về nước.  Hoan, Ái trở lại thuộc nhà Đường. Năm 819, nhân lúc đô hộ Lý Tượng Cổ tham lam tàn bạo và Dương Thanh - thứ sử Hoan châu nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ, người Hoàng Động đã liên lạc với quân Hoàn Vương vào cướp phá Lục châu. Quân nhà Đường phải đánh mãi mới dẹp yên được hoạ Lâm ấp.

b) Sự xâm lược của quân Nam Chiếu

Từ đời Tuỳ - Đường trở về trước, cả dải đất từ bắc Việt Nam đến Dạ Lang là địa bàn cơ trú của người Lão. Tù trưởng bộ lạc người Lão trong khu vực Dạ Lang cũng được gọi là Việt Vương. Phong kiến Trung Quốc thường gọi là “Sinh Lão” nghĩa là những người Lão không thần phục chính quyền Trung Hoa. Tới nửa sau thế kỷ VII, phong kiến Trung Hoa mới bắt đầu vươn tới vùng này.

Năm 638, thứ sử Giao châu Lý Đạo Ngạn đàn áp thổ nhân ở bắc Quý châu. Năm 751, đô hộ An Nam Hà Lý Quang đem quân đánh Nam Chiếu ở Vân Nam, thu phục thành An Ninh và cho dựng cột đồng làm địa giới. Nam Chiếu là vương quốc của người Di (tức người Lô Lô - ngôn ngữ Tạng Miến) và các bộ lạc ở vùng tây nam Trung Quốc.

Đầu thế kỷ thứ VIII, Nam Chiếu dưới quyền cai trị của Bì La Cáp thần phục nhà Đường. Khi Trung Quốc có loạn An - Sử, con Bì La Cáp chinh phục các bộ lạc xung quanh, hùng cứ vùng tây nam (Vân Nam ngày nay). 

Ở phía tây bắc nước ta lúc bấy giờ là địa bàn của các dân tộc thiểu số mà sử nhà Đường gọi là người Di Lão, nằm dưới sự kiểm soát lỏng lẻo của An Nam đô hộ. Từ năm 791, nhà Đường đặt Phong châu đô hộ phủ kiêm quản 18 châu kimi.  Quan đô hộ Mã Thực đã dùng chính sách mua chuộc các thủ lĩnh người thiểu số để dễ bề cai trị và thu Tô thu thuế. Nhưng đến đời Lý Trác làm kinh lược sứ An Nam thì chính sách áp bức bóc lột đã rất thậm tệ. Tân Đường thư chép rằng: “Lý Trác làm kinh lược sứ An Nam, hà khắc tham lam, đem mỗi đấu muối đổi lấy một con trâu, người An Nam không chịu được” (2) Các dân tộc vùng Tây Bắc đã nổi dậy chống lại.  Vua Nam Chiếu nhân cơ hội đó đem quân đánh An Nam.
 

Năm 832, Nam Chiếu chiếm được châu Kim Long, nhưng bị đánh lui. Năm 846, quân Nam Chiếu lại đến và bị kinh lược sứ Bùi Nguyên Dụ đánh tan. Năm 847, tướng Nam Chiếu là Đoàn Tù Thiện dẫn quân đánh thẳng vào phủ đô hộ. Lý Trác phải vất vả lắm mới đánh lui được Đoàn Tù Thiện. Năm 851 , Nam Chiếu lại kéo sang đánh An Nam. Đô hộ Vương Thức phải tuyên bố giảm thuế ngoại phụ mới động viên được binh lính đánh lui quân Nam Chiếu.


(1). Cựu Đường thư, q.197, Lâm ấp.
(1) Tân Đường thư, q.222, Nam Chiếu truyện.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #88 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 10:01:52 am »


Đô hộ Lý Hộ giết chết tù trưởng người bản tộc (Thái) là Đỗ Thủ Trừng. Nhân dân thiểu số căm giận, liên kết với quân Nam Chiếu kéo xuống đánh chiếm phủ thành. Lý Hộ chạy thoát về Vũ châu cầu cứu Quảng châu. Được quân Ung, Quảng giúp sức, năm 861 Lý Hộ trở về đánh được quân Nam Chiếu, chiếm lại phủ thành. Vương Khoan thay Lý Hộ làm đô hộ An Nam; nhưng khi quân Nam Chiếu kéo sang cướp, Vương Khoan lại cho người về kinh đô cáo cấp. Vua Đường bèn phong Thái Tập làm kinh lược sứ An Nam điều quân các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tượng, Đàm, Nghe, hơn ba vạn sang cứu, quân Nam Chiếu vì thế mới rút lui.  Nhưng hai năm sau (863), trên năm vạn quân Nam Chiếu lại tràn sang đánh phá. Thái Tập cầu cứu vua Đường. 5.000 quân Đường được huy động, nhưng bấy giờ phủ thành đã bị bao vây và bị hạ. Thái Tập bị tên bắn đầy người phải nhảy xuống sông tự tử.

Theo sử cũ “Nam Chiếu hai lần hãm Giao Chỉ giết và cướp bắt 15 vạn người” (1). Vua Nam Chiếu là Mông Thế Long để hai vạn quân ở lại, cử tướng Dương Tử Tấn chỉ huy. Phủ đô hộ rơi vào tay người Nam Chiếu.

Năm 864, vua Nam Chiếu đem sáu vạn quân đánh Ung châu. Quân Đường thua to, về sau phải liều chết mới đánh lui được. Đến đây nhà Đường mới lo điều quân để chống Nam Chiếu và chiếm lại đất An Nam; nhưng người đảm rách việc đó là kinh lược sứ Trương Nhân sợ quân Nam Chiếu, không dám tiến quân.  Vua Đường phải cử viên tướng giỏi là kiêu vệ tướng quân Cao Biền thay thế.

Cao Biền đến Hải Môn tổ chức luyện tập quân sĩ. Năm 865, Cao Biền dẫn 5.000 quân vượt biển tiến vào Nam Định (Gia Bình, Bắc Giang). Cao Biền bất ngờ đánh úp, tướng Nam Chiếu là Trương Thuyên bị chém, quân Nam Chiếu bỏ chạy về cố thủ ở châu thành. Vua Đường cử ngay Vi Trọng Tể dẫn 7.000 quân đến Phong châu tiếp ứng cho Cao Biền.  Cao Biền được vua Đường phong hàm kiểm hiệu công bộ thượng thư và ra lệnh tiếp tục tiến công. Biền thúc quân đánh thành, giết chết Đoàn Tù Thiện và nhiều tướng lĩnh của Nam Chiếu. Quân Nam Chiếu bị thất bại, Cao Biền thu phục phủ đô hộ và đất nước ta trở lại bị nhà Đường thống trị như trước.

Những lần đánh phá của quân Nam Chiếu và những cuộc chiến tranh giữa Nam Chiếu và bọn đô hộ nhà Đường đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân ta: tàn phá nền kinh tế, giết hại dân chúng, huỷ hoại nhà cửa, đền chùa, miếu mạo. . .  Thái độ của chính quyền đô hộ trước những cuộc tiến công của quân Nam Chiếu, sự kháng cự yếu ớt của quân sĩ đô hộ, tinh thần bỏ mặc của bọn quan lại nhà Đường rõ ràng đã có tác động đến tinh thần và ý thức tự chủ của nhân dân ta.
 
Nhân dân ta ngày càng thấy rõ rằng, chính mình phải đứng lên tự bảo vệ quê hương, đất nước và những di sản của tổ tiên mình. Những kẻ đô hộ như Cao Biền, đuổi được quân Nam Chiếu đi rồi, chỉ ra sức khai thác, trấn áp và củng cố nền thống trị của chính quyền đô hộ ngoại tộc. Lối thoát duy nhất cửa nhân dân ta là đoàn kết đứng dậy đấu tranh tự giải phóng, đánh tan mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ của riêng mình.

III- PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA CHỐNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ NHÀ ĐƯỜNG

1. Khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687)

Sau khi thiết lập đế chế ở Trung Quốc, nhà Đường chủ trương bãi bỏ các quận do nhà Tuỳ lập trên đất nước ta và khôi phục lại hệ thống các châu nhỏ như dưới thời Nam Bắc triều.

Năm 622, nhà Đường đặt Giao châu đô hộ phủ để khống chế toàn bộ miền đất phía nam. Một trong những chính sách của nhà Đường để khống chế các “thuộc quốc” ngoại vi là việc đặt các đô hộ phủ, như An Nam đô hộ phủ, An Tây đô hộ phủ, An Đông đô hộ phủ...


(1). Tư trị thông giám, q.250, t.17a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #89 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 10:04:39 am »

Năm 768, nhà Đường đổi Giao châu trở lại thành An Nam đô hộ phủ. Từ đó, nhà Đường cũng tiến hành cải cách cơ cấu hành chính ở nước ta, chia đặt An Nam làm 12 châu, 59 huyện và các châu kimi ở vùng thượng du.

Vì không đủ quyền lực để đặt quan cai trị trực tiếp, nhà Đường phải thông qua một số quan lại người Việt và các thủ lĩnh bộ lạc để bóc lột cống phú. Đối với các tù trưởng, bọn quan lại nhà Đường vừa nhượng bộ, vừa mua chuộc. Một số tù trưởng cũng được cử làm thứ sử hoặc quan lại trong bộ máy chính quyền đô hộ.

Trong buổi đầu thuộc Đường, do một số chính sách tương đối rộng rãi của triều đình mới lên, do ách bóc lột nhũng nhiễu chưa đến nỗi quá đáng, nên tình hình Giao châu cũng được ổn định. Nhưng chẳng được bao lâu bọn quan lại đô hộ quay ra hạch sách, vơ vét của cải của nhân dân để làm giàu, nhất là đối với các dân tộc ít người.  Chế độ bóc lột Tô thuế và cống nạp được vận dụng rất hà khắc. Số Tô thuế, của cải vơ vét của nhân dân vừa để vận chuyển về kinh đô Trường An, vừa lọt vào tay bọn quan lại đô hộ. Lệ thuế nhà Đường đã rất nặng nề là bọn quan lại thực dân lại tự quyền tăng Tô thuế cho nên số thu nhập của nhân dân bị bóc lột gần hết.

Theo chế độ của nhà Đường, nhân dân “Di Lão” còn gọi là người Lý (có lẽ là người Tày, Mường) chỉ phải nộp nửa Tô thuế theo quy định chung nhưng viên đô hộ lúc đó là Lưu Diên Hựu đã bắt dân phải nộp cả số Tô thuế. Vì thế, mặc dù nhà Đường đã dùng mọi biện pháp để tăng cường việc khống chế chặt chẽ nhân dân An Nam, nhưng các cuộc phản kháng của nhân dân vẫn nổ ra. Tiêu biểu, trước hết là cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến năm 687.

Nhân lòng oán giận của nhân dân, Lý Tự Tiên đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chính quyền đô hộ Lưu Diên Hựu. Lưu Diên Hựu đem quân đàn áp, bắt giết Lý Tự Tiên. Các thủ lĩnh khác của nghĩa quân như Đinh Kiến, Tư Thận tiếp tục chỉ huy các cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân được nhân dân ủng hộ, tiến vây phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Bọn quan quân đô hộ ở trong phủ thành không chống đỡ nổi, chỉ đắp luỹ cố thủ, đóng cửa thành cầm cự, chờ cứu viện. Nghĩa quân tiến công phá cửa thành, tràn vào bắt giết quan đô hộ Lưu Diên Hựu.

Trước tình hình đó, nhà Đường đã cử viện binh do tư mã Quý châu là Tào Huyền Tĩnh và đô đốc Quảng châu là Phùng Nguyên Thường chỉ huy, theo hai đường thuỷ bộ tiến vào Tống Bình. Vì lực lượng ít hơn địch, các thủ lĩnh nghĩa quân như Đinh Kiến, Tư Thận tuy đã chiến đấu rất kiên cường, anh dũng, nhưng cuối cùng đều bị địch giết hại. Nghĩa quân tan vỡ. Lúc đó, nhà Đường do Vũ Hậu thống trị, có lực lượng quân đội mạnh; quân khởi nghĩa mới nhóm họp, chưa đủ sức giành thắng lợi trước sự phản công mạnh mẽ của quân thù.

Về cuộn khởi nghĩa này, sử cũ của ta, Đại Việt sử ký toàn thư chép vắn tắt như sau: “Mùa thu, tháng bảy (687), các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm chủ mưu, Diên Hựu giết đi.  Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Diên Hựu. Sau tư mã Quế châu là Tào Trực Tĩnh đánh giết được Kiến” (1).


 (1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.189. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM