Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:20:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106696 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2009, 01:33:40 pm »


Hạ được thành Tô Lịch, Trần Bá Tiên thúc quân tiến lên truy kích quân ta rồi bao vây và tiến công thành Gia Ninh, đồng thời cử người báo tin thắng trận cho chủ tướng Dương Phiêu. Đã qua đi cái do dự buổi đầu, Dương Phiêu liền đem hậu quân từ tuyến sau theo đường thủy, ngược sông Hồng lên tiếp ứng.

Gia Ninh là một chiến thành lớn, Lý Bí tập trung lực lượng quyết tâm bảo vệ. Dựa vào thành Gia Ninh, quân ta cố thủ cầm cự với giặc trong suốt mùa khô năm 545. Sau ba tháng tiến công liên tục, Trần Bá Tiên không chiếm được thành, quân sĩ bị chết rất nhiều, nhưng y vẫn không từ bỏ kế hoạch đánh chiếm Gia Ninh.
 
Sang tháng 2-546, quân vũ dũng của Trần Bá Tiên, có đại quân của Dương Phiêu phối hợp, bao vây, công phá và cuối cùng đã hạ được thành Gia Ninh của Lý Nam Đế vào ngày 25-2-546.
 
Theo Lương thư, năm Trung Đại Đồng thứ nhất, mùa xuân tháng giêng ngày ất sửu, phá thành Gia Ninh. Lương thư và Tư trị thông giám đều chép việc phá thành Gia Ninh là do thứ sử Giao châu Dương Phiêu chỉ huy.

Từ khi Trần Bá Tiên tới Giao châu (7-545) đến khi thành Gia Ninh bị hạ (2-546) là tám tháng. Đó là cả quá trình chiến đấu cầm cự của quân ta với quân Lương tại đây. Lực lượng quân sự do Trần Bá Tiên chỉ huy không đủ sức tiêu diệt quân Lý Nam Đế tại Gia Ninh, mà chỉ bao vây trong một thời gian dài, khiến cho quân Lương lúc đó như Bá Tiên nói: “tướng sĩ mệt mỏi” (1).

Và đến tháng 2-546, đợi đến khi đại quân của Dương Phiêu đến, quân Lương mới có đủ lực lượng để công phá và hạ được thành Gia Ninh.  Thành Gia Ninh bị vỡ, Lý Nam Đế cùng một số binh tướng tổ chức phá vây kéo quân lên miền động Khuất Lão ở Tân Xương (miền đồi núi Phú Thọ trên lưu vực sông Lô).  Quân Lương đóng lại ở cửa sông Gia Ninh.

Lý Nam Đế vào núi rừng Tây Bắc, ngoài số binh tướng còn lại sau trận thất thủ Gia Ninh, ông đã mộ thêm được nhiều nghĩa quân, những người tình nguyện đánh giặc cứu nước.  Nghĩa quân dựng lán trại trong rừng, hạ nhiều cây, xẻ ván đóng thuyền bè, chuẩn bị một hình thức kháng chiến mới.
 
Sau một thời gian chỉnh đốn lại lực lượng, tháng 10-546, Lý Nam Đế kéo quân từ trong núi rừng “Di Lão” ra hạ thủy trại ở vùng hồ Điển Triệt. Lực lượng quân đội lúc đó lên tới  ba, bốn vạn, sĩ khí rất hăng. Sách Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục chép: “Lý Bôn lại đem quân từ trong xứ người Lão ra, đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương sợ cứ đóng ở cửa hồ, không dám tiến” (2).

Hồ Điển Triệt (tên Nôm là Đầm Miệng) thuộc xã Tứ Yên huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ, nằm bên bờ sông Lô, cách Bạch Hạc khoảng 15 km về phía bắc (3). Hiện nay hồ còn rộng khoảng 50 mẫu, dài 1 km, khúc rộng nhất khoảng 400 m, có bảy ngách lớn và nhiều ngách nhỏ, mùa khô nước vẫn còn sâu 3 - 4m. Hồ cách sông Lô 300m, xưa có một con ngòi thông ra sông này. Ba phía đông, nam, bắc là một dải cao gồm mấy chục quả gò, cộng hơn 300 mẫu; phía tây có một gân đồi thấp, chỉ cao hơn mặt nước chừng 2-3m, bị đứt đoạn bởi một khoảng rộng chừng 180m, làm thành cửa hồ, thông với vùng chiêm trũng, chằm lầy rộng hàng ngàn mẫu.

Theo truyền thuyết dân gian, nghĩa quân Lý Nam Đế đã đóng trại trên dải đồi này, thuyền bè thả đầy mặt hồ. Có một quả đồi, gọi là Thành Dền hay Thành Lĩnh, tương truyền là bản doanh của triều đình Vạn Xuân. Một quả đồi cao nhất ở sát bờ hồ, mang tên Đồi Vua Ngự, từ đấy có thể nhìn rõ Bạch Hạc, Việt Trì.

Tương truyền, Lý Nam Đế hằng ngày thường lên đó quan sát địch tình ở cửa sông Lô, phía Bạch Hạc và đôn đốc quân sĩ đóng thuyền độc mộc. Quanh hồ, có nhiều bến, như bến Chảy, nhân dân lưu truyền là bến vua tắm, nước rất trong; bến Bêu, nơi đậu các thuyền phiến. . . Chỉ có một đường độc đạo từ sông Lô đi vào phía bắc hồ.

Hiện nay bốn thôn thuộc xã Tứ Yên đều ở trên dải đồi đó cả bốn thôn đều có đền thờ Lý Nam Đế, Lý Thiên Bảo (anh ruột Lý Nam Đế) và Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đê) cùng các tướng sĩ khác và hằng năm có tục bơi chải. Dân vùng này trước kiêng chữ “Phần” (chữ Bí cũng đọc là Phần) và chữ “Bảo”.

Quân Lương từ Gia Ninh bạch Hạc) ngược dòng sông Lô tiến lên Điển Triệt, định đánh phá doanh trại của Lý Nam Đế. Nhưng căn cứ Điển Triệt rất hiểm yếu, khó đánh, khí thế nghĩa quân lại đang hồi phục, dũng cảm chặn địch cả dưới nước lẫn trên bộ.


(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.180.
(2). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, t,1, tr.171.
(3). Tham khảo Vũ Kim Biên: Về hồ Điển Triệt, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 172, 1’2-1977.
 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2009, 01:42:58 pm »

Quân Lương thấy tình thế khó khăn, chỉ dừng lại ở ngoài cửa hồ, không dám tiến sâu thêm. Chính sử triều Lê chép : “Mùa thu, tháng tám vua lại đem hai vạn quân từ trong đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền, chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào” (1). Quốc sử quán triều Nguyễn, trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng phản ánh tương tự như vậy
.
Trước tình hình đó, Trần Bá Tiên đã họp các tướng bàn đánh. Bá Tiên nói: “Quân ta ở đây đã lâu, tướng sĩ mỏi mệt, vả lại thế cô không có tiếp viện. Tiến sâu vào trong lòng nước người, nếu một đánh mà không thắng, thì đừng có mong sống sót. Nay nhân lúc bọn họ vừa thua luôn, lòng người chưa vững, mà người Di Lão ô hợp, dễ bề đánh giết, chính nên cũng ra tay liều chết, cố sức đánh lấy, không có cớ gì mà dừng lại, thì lỡ mất thời cơ”. Tuy vậy, các tướng vẫn im lặng, không ai dám hưởng ứng (2).

Rất tiếc, Lý Nam Đế đã bỏ mất thời cơ này. Đáng lẽ nhân lúc quân địch đương rất lúng túng, hoang mang và chưa có kế sách đối phó, quân ta tổ chức tiến công hoặc đánh úp chúng, để giành thế chủ động, thì hẳn cục diện sẽ có lợi, bởi vì lúc đó khí thế trong quân đã khá hơn. Sau những trận thất bại lớn ở Tô Lịch, ở Gia Ninh, phải chăng Lý Nam Đế đã có phần trù trừ, e ngại, thiếu quyết đoán, khiến cho Trần Bá Tiên có thời gian dò biết được tình hình bên ta để nhân sơ hở của quân ta mà tiến công trước?

Chủ trương trên của Trần Bá Tiên không được các tướng ủng hộ. Ban ngày cả hai bên đều án binh. Nhưng đêm hôm ấy, những trận mưa lũ cuối mùa khiến cho nước sông đột nhiên lên to, tràn vào chằm ao, ruộng trũng, chảy róc vào hồ, thuyền lớn của địch có thể dễ dàng cơ động, còn khu căn cứ của quân Lý Nam Đế trở nên như một cô đảo giữa vùng sông nước mênh mông. . .

Lợi dụng nước lớn mưa nhiều, Trần Bá Tiên ra lệnh dốc toàn lực tiến công; các thuyền chiến lớn của địch nối nhau xung trận, trống đánh quân reo, ào ào tiến vào hồ Điển Triệt. Lý Nam Đế và nghĩa quân bị tập kích bất ngờ, không kịp phòng bị, hàng quân tan vỡ, không thể chống đỡ nổi. Sử chép: “Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao bảy thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ theo dòng nước tiến trước vào. Quân Lương đánh trống reo hò mà tiến. Vua vốn không phòng bị, vì thế quân tan vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lão” (3).

Sử của ta cũng như sử Trung Quốc (Trần thư) đều chép về cuộc tiến công của quân Lương trong đêm mưa lũ đó. Đây là một trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Truyền thuyết dân gian vùng Tứ Yên cũng kể rằng, do một đêm có trận lũ to, nước tràn vào đồng, quân địch vượt thuyền vào đánh. Quân ta thua. Đê Thác là tràn ruộng chiêm - mùa, so với các tràn ruộng khác thì nó không lầy thụt bằng. Đấy là con đường duy nhất có thể rút về phía Tam Đảo. Trần Bá Tiên đã cố tình đánh chặn ba mặt rút lui vào đất liền, dồn quân ta xuống dòng sông Lô. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhằm mở đường thoát lên đất liền, chỗ Đê Thác, nhưng đều bị quân giặc chặn lại. Lý Nam Đế phải xuống thuyền sang hữu ngạn sông Lô, bí mật chạy trốn vào động Khuất Lão.  Sách Thiên Nam ngữ lục cho rằng, Tinh Thiều đã hy sinh trong trận hồ Điển Triệt.

Động Khuất Lão là tên một khu đồi hiện nằm giữa hai xã Văn Lang và Cổ Tiết thuộc huyện Tam nông (Phú Thọ), gồm ba quả đồi ở bờ phải sông Hồng, hiện cách sông khoảng 1 km.  Dân gian còn gọi là khu “Cổ Bồng”, “Tam Khơ’ hay “Khu Lãng”, vì tương truyền đây chính là khu mộ vua Lý Nam Đế; xưa có đền thờ Lý Nam Đế và Lý Thiên Bảo, sau dời ra làng Danh Hựu. Quanh khu đồi là đầm lầy bao bọc. Xưa kia là khu đất cấm, chỉ có ngày tế lễ, dân mới vào, đi bằng thuyền.  Cũng như Danh Hựu, làng Tự Cường ở gần đó cũng có đền thờ Lý Nam Đế và Lý Thiên Bảo.

Theo sử cũ của ta, sau thất bại này, Lý Nam Đế giao quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục là con thái phó Triệu Túc điều khiển việc binh. Hai năm sau Lý Nam Đế mất (548) (4).

Về Lý Nam Đế, sử thần Lê Văn Hưu bàn rằng: “Sách bình pháp có nói: “ba vạn quân đều sức, thiên hạ không ai địch nổi”. Nay Lý Bí có năm vạn quân mà không giữ được nước, thế thì Bí kém tài làm tướng chăng? Hay là quân lính mới họp không thể đánh được chăng? Lý Bí cũng là bậc tướng trung tài, ra trận chế ngự quân địch giành phần thắng không phải là không làm được, nhưng bị hai lần thua rồi chết, bởi không may gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh vậy” (5). 

Đó cũng là một cách giải thích. Thực ra, Lý Nam Đế đã không có cách đánh thích hợp trong điều kiện phải lấy nhỏ đánh lớn, yếu khổng mạnh.


(1). Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 180.
(2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.180; Trần thư, q.1, t.2a, Tư trị thông giám , q. 159, t. 11b .
(3). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.180. .
(4). Từ khi Lý Bí tiến quân ra đóng ở hồ Điển Triệt rồi bị thua, chạy vào động Khuất Lão cho đến khi mất là gần hai năm. Chắc là sau khi Lý Bí chạy vào động Khuất Lão, quân Lương không đuổi theo nữa. Lương thư coi như “Giao châu đã bình”. Trong thời gian đó, Trần Bá Tiên đi chinh phục các châu quận phía nam, như Ái châu, Đức châu...    
(5).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.182.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Giêng, 2009, 12:16:59 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #62 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 01:03:27 am »

Tuy nhiên, sự nghiệp của Lý Nam Đế thật là vĩ đại. Sự nghiệp đó được sử sách Việt Nam và Trung Quốc ghi lại. Sau khi ông mất, nhân dân thương nhớ, lập nhiều đền thờ. ở các tỉnh Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình... đã thống kê được 20 làng thờ Lý Bí làm thành hoàng.
 
Lực lượng kháng chiến chống quân Lương của nước Vạn Xuân từ đây chia làm hai cánh:

Một cánh dưới sự chỉ huy của Lý Thiên Bảo, anh ruột Lý Bí, trong đó có Lý Thiệu Long (Lý Phật Tử?) rút vào miền Trung.

Theo sử Trung Quốc, Trần thư, Lý Thiên Bảo và Lý Thiệu Long đã tổ chức được lực lượng hai vạn quân, tiến đánh Đức châu (Hà Tĩnh), giết chết thứ sử Trần Văn Giới.  Hai ông lại tiến quân ra vây châu Ái nhưng bị quân của Trần Bá Tiên đánh bại. Vì thế, Lý Thiên Bảo phải lùi lên vùng thượng du châu Ái (vùng rừng núi Thanh Hóa), ở động Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương.

Một cánh quân khác, với số lượng hơn một vạn, do Triệu Quang Phục, vị tướng trẻ tài năng của Lý Bí cầm đầu, lui về xây dựng căn cứ mới ở Dạ Trạch.
 
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Lý Nam Đế sau khi rút vào động Khuất Lão đã “ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên” và “Đinh Mão, Thiên Đức năm thứ tư (547)... Triệu Quang Phục cầm cự với Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi, bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch” (1).
 
Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép: “Quang Phục cầm cự với Bá Tiên, chưa phân được thua. Quân Bá Tiên nhiều và mạnh lắm. Quang Phục liệu mình không chống nổi, bèn lui giữ Dạ Trạch” (2).  sử Sách Trung Quốc không thấy chép về Triệu Quang Phục.
 
Sách xưa nhất của nước ta chép về Triệu Quang Phục là Việt điện u linh (1329) dẫn lại Sử ký của Đỗ Thiện (đã thất lạc) nói rằng: “Triệu Quang Phục, người huyện Chu Diên, giúp vua Lý Bí, làm tả tướng quân. ở Chu Diên có một cái đầm to, rộng và sâu không ước lượng được. Khi vua Lý Bí mất, Quang Phục thu các binh sĩ được vài vạn người, ông đứng lên chỉ huy vào ẩn trong đầm, đêm ra đánh phá trại địch, ngày lại rút về mai phục. Trần Bá Tiên kéo đến vây chặt Dạ Trạch, cố sức đánh nhưng không thể được, buộc phải đóng quân chung quanh chặn mọi đường tiếp tế của nhân dân cho nghĩa quân. Tướng sĩ Tôn Quang Phục làm Dạ Trạch Vương (3).
   
Dạ Trạch ở huyện Chu Diên (tức bãi Màn Trò, Khoái châu, Hưng Yên) là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm. ở giữa là một bãi phù sa rộng, có thể làm ăn sinh sống được. Đường đi vào rất kín đáo khó khăn, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống bằng sào lướt đi trên cỏ mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì không biết đường vào, lỡ sa xuống nước thì bị rắn cắn chết.

Theo sử cũ, Triệu Quang Phục đóng quân ở trên bãi đất nổi ấy. Ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc binh lương. Ban ngày thì tuyệt không để lộ khói lửa dấu người, ban đêm thì dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh úp trại giặc, giết và bắt được rất nhiều, lấy được lương thực khí giới của địch để làm kế lâu dài. Người trong nước gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương. Nghe tin Lý Nam Đế mất, ông xưng là Triệu Việt Vương.

Ở vùng đồng bằng Chu Diên tuy không có thế đất hiểm như ở miền đồi núi, nhưng ở đây có nhiều sông rạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội, cây cối lau sậy um tùm, có lợi cho việc giấu quân, không có lợi cho việt hành binh của những đạo quân lớn.
 
Địa thế như vậy buộc quân lương phải phân tán, chia quân đánh nhỏ, làm mất sở trường đánh tập trung của chúng; ngược lại tạo điều kiện cho quân ta đánh du kích, tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ, tiêu hao địch về chiến lược. Đồng bằng còn là nơi đông dân cơ, nơi có nhiều sức của, sức người, có thể cung cấp cho cuộc chiến đấu lâu dài của quân ta.  Mặt khác, Chu Diên là đất bản bộ của họ Triệu, mà như sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Họ Triệu. . . người huyện Chu Diên uy hùng sức mạnh” (4), do đó hoạt động chiến đấu ở vùng quê hương hẳn có nhiều thuận lợi cho Triệu Quang Phục.
 
Đến giai đoạn dưới sự lãnh đạo của Triệu Việt Vương, cuộc kháng chiến của quân dân ta đã thay đổi về phương thức tác chiến. Triệu Quang Phục dựa vào nông thôn đồng bằng, dựa vào đầm Dạ Trạch để “làm kế trì cửu chiến” với quân giặc, nghĩa là đến đây đã đổi thay cơ bản về mặt chỉ đạo chiến lược so với giai đoạn Lý Nam Đế.


(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 181 . 
(2). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1, tr.172.
(3). Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Sđd.
(4). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.182.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 01:08:21 am »

Triệu Việt Vương đã từ bỏ lối tác chiến cố thủ, phòng ngự bị động trước đây, vận dụng cách đánh du kích, tiêu hao địch, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến. Sử chép: “Vua giữ đất hiểm, dùng kỳ binh để đánh giặc lớn” (1) tức là muốn nói đến cách đánh mới của Triệu Việt Vương.

Nhờ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến mà cục diện chiến tranh cũng thay đổi ngày càng có lợi cho quân ta. Quân ta phát huy được sở đoản của mình, hạn chế sở trường của giặc, nên quân địch gặp nhiều bất lợi và bị tiêu hao sinh lực.
 
Sử chép: “Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được” (2), nghĩa là quân Lương đã mất thế chủ động, không tổ chức được một trận đánh nào khả dĩ có thể tiêu diệt bớt lực lượng kháng chiến của Triệu Quang Phục. Chúng cố sức đánh vào vùng Dạ Trạch, nhằm phá vỡ đầu não kháng chiến và chủ lực quân của ta, nhưng âm mưu đó không thực hiện được. Trái lại, quân ta giữ vững căn cứ Dạ Trạch, ngày ẩn đêm hiện, với lối đánh du kích liên tục tập kích, quấy phá doanh trại giặc.
 
Qua gần bốn năm chiến tranh (từ 547 đến 550), ta càng đánh càng mạnh, quân Lương càng đánh càng gặp nhiều khó khăn, ngày càng suy yếu. Chiến lược “tốc quyết” (đánh nhanh thắng nhanh) của Trần Bá Tiên bị đập tan.

Trong khi phong trào kháng chiến của nhân dân ta đang phát triển theo chiều thuận lợi, thì trái lại, phía kẻ thù gặp khó khăn không chỉ ở trên chiến trường mà ngay cả ở chính quốc Trung Quốc đang lâm vào thời kỳ chiến tranh đẫm máu giữa các hoàng tộc và các viên trấn tướng địa phương nhằm thanh toán lẫn nhau.
 
Từ năm 547, viên tướng chủ chốt của địch là Trần Bá Tiên đã trở về Quảng châu làm thái thú Cao Yên lo việc nội bộ; việc binh ở Giao châu giao lại cho tì tướng Dương Sàn.
 
Năm 548, bên triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh (548-552). Viên hàng tướng này đã cướp kinh sư, rất nhiều quý tộc nhà Lương bị giết, bọn hào trưởng địa phương nhân đó nổi dậy khắp nơi chống lại chính quyền.

Phía bắc, triều Tây Ngụy, từ lưu vực sông Vị, tổ chức nhiều cuộc tiến công nhằm vào đế chế nhà Lương, năm 553, chiếm Tứ Xuyên, cắt đứt quan hệ của chính quyền Nam Kinh với vùng Trung á; chiếm Tương Dương (Hồ Bắc), xâm nhập tới Giang Lăng, vùng trung lưu Trường Giang, lập nên triều Hậu Lương bù nhìn.
 
Quan tướng các châu, trong đó có cả Trần Bá Tiên, đã kéo đổ về kinh sư của Lương với danh nghĩa “cứu viện kinh sư”, dẹp loạn Hầu Cảnh. Nội chiến vì thế đã xảy ra liên miên. Thực lực quân sự của Trần Bá Tiên trội hẳn.
 
Bá Tiên tiến quân về kinh đô và năm 550, ngay trên đường từ Giang Tây về Nam Kinh, Bá Tiên được vua Lương phong làm Uy minh tướng quân Giao châu thứ sử.  Tuy nhiên, Trần Bá Tiên đã không sang cai trị Giao châu mà đã ở lại kinh sư làm thừa tướng, rồi đến tháng 11-557 đã phế bỏ Lương Kính Đế Tiêu Phương Trí (lúc đó 16 tuổi), tự xưng hoàng đế, cướp ngôi là Lương, lập triều Trần (557-589).
 
Tình trạng lộn xộn trong nội bộ nhà nước phong kiến phương Bắc trong năm năm liền (547-552), cộng thêm cuộc đảo chính của Hầu Cảnh, khiến nhà Lương hoàn toàn bất lực không nắm được Giao châu.
 
Khi Trần Bá Tiên được vua Lương triệu về để dẹp loạn Hầu Cảnh, phó tướng là Dương Sàn chỉ huy quân đội đánh nhau với quân ta. Bấy giờ, thế giặc suy yếu, thế ta đã mạnh. Quân xâm lược trên đất nước ta bị tiêu hao lớn, tư tưởng hoang mang, lo sợ bao trùm.
 
Chớp thời cơ đó, Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch, đã tung quân thực hiện cuộc phản công chiến lược, tức là mở một loạt cuộc tiến công vào các căn cứ đóng quân của giặc rồi đánh vào trị sở Long Biên.

Cuộc phản công của quân dân ta thời đó diễn ra thuận lợi, quân ta chiếm lại thành Long Biên, đuổi sạch quân xâm lược, giành lại quyền tự chủ trên toàn bộ đất nước Vạn Xuân.

Về sự kiện này, sử xưa của ta ghi chép một cách vắn tắt rằng: “Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi (Bá Tiên) về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh, Sàn chống cự, bị thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở” (3) .

Như vậy, trải qua sáu năm kháng chiến (545-550), quân và dân nước Vạn Xuân dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương đã anh dũng, kiên cường chiến đấu chống ngoại xâm và đã giành được thắng lợi. Nước Vạn Xuân non trẻ lại được độc lập trong một thời gian.


(1). (2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 181.
(3). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.183.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 01:13:33 am »

VI- NƯỚC VẠN XUÂN SAU CHIẾN THẮNG QUÂN LƯƠNG
VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG QUÂN TÙY  LƯỢC

1. Nước Vạn Xuân thời Triệu Việt Vương và Hậu Lý Nam Đế.

Theo sử sách Trung Quốc, năm 557, Trần Bá Tiên đã  giành được ngôi vua, lập ra nhà Trần, kinh đô ở Kiến Khang (Nam Kinh). Tuy nhiên, toàn bộ miền Lĩnh Nam vẫn rối loạn, triều đình Nam Kinh không kiểm soát được các châu Lĩnh Nam. Trần Bá Tiên đã phái Âu Dương Nguy đi chinh phục vùng này (558).
 
Sách Tư trị thông giám chép: “Các quận ở Lĩnh Nam đều hàng, Nguy lấy được Quảng châu.  Lĩnh Nam đã bình định hết” (1). Có lẽ lúc đó Giao châu đúng hơn là một phần Giao châu đã bị chiếm lại. Âu Dương Nguy làm thứ sử Quảng châu, sai em là Âu Xương Thịnh làm thứ sử Giao châu, em thứ ba là Âu Dương Thúy làm thứ sử Hành châu. Vì thế, theo Trần thư: “Cả nhà họ Âu Dương hiển quý, danh tiếng chấn động cả cõi Nam” (2).
 
Đối với nước ta, nhà Trần chủ trương nâng quận Tân Xương trước thuộc Giao châu lên hàng châu, gọi là Hưng châu (tức huyện Mê Linh đời Hán).
 
Năm 563, Âu Dương Ngột thay cha làm thứ sử Quảng châu, kiêm coi 19 quận phía nam trong đó có một phần đất nước ta, tuy nhiên miền Giao Chỉ vẫn không yên ổn. Sau khi Âu Dương Ngột làm phản, nổi dậy chống lại nhà Trần nhưng bị thất bại và bị giết (569), cả họ Âu Dương bị mất chức, sự kiểm soát của bọn quan lại Trung Hoa đối với miền đất nước ta càng lỏng lẻo hơn.

Như vậy, đến đời Trần (Trần Bá Tiên) sự kiểm soát, cai trị của phong kiến Trung Hoa đối với miền Giao châu chủ yếu chỉ trên danh nghĩa. Nhà Trần tuy vẫn coi đất nước ta là các châu quận lệ thuộc, trên thực tế quyền hành ở đây đã thuộc về những đại biểu của tầng lớp hào trưởng bản địa.
 
Điều này cũng phù hợp với thực tế của xã hội Trung Hoa thuở ấy. Bạo loạn quân sự và nội chiến ở Nam Kinh đã đưa Trần Bá Tiên lên ngôi hoàng đế tại Giang Nam, song lúc đó nhà Trần không có cơ sở xã hội vững chắc, chỉ dựa vào quân lính, tầng lớp sĩ tộc - quý tộc đã mất quyền hành. Nhà Trần vì thế rất hèn yếu, không thể kiểm soát được các châu phía tây và phía bắc. Tùy thư chép rằng: “Đến đời Trần, đất đai càng thu hẹp, tây mất Thục Hán, bắc mất Hoài Phì, uy lực không vươn ra khỏi miền Kinh, Dương...” (3).

Ngay trên đất Quảng châu, về thực tế cũng nằm trong sự quản lý của các quan lại địa phương cát cứ. Giao châu lại là nơi hiểm viễn, từ sau khởi nghĩa Lý Bí, chính quyền thống trị ngoại tộc không kiểm soát được miền này, nó đã tách khỏi phạm vi thống trị trực tiếp của chính quyền trung ương, trở thành một địa phương tự trị; thực chất đó là nền độc lập của nhà nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế tổ chức.

Nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ VI còn rất non trẻ, chưa vững chắc. Ở đây kế thừa những tàn dư của chế độ thủ lĩnh bộ lạc cũng trải qua năm sáu trăm năm bị đế chế Trung Quốc “ràng buộc”, đã hình thành những thế lực cát cứ trong các vùng, có khuynh hướng xung đột, lấn chiếm nhau.  Ý thức độc lập tuy đã mạnh, nhưng thực lực để củng cố nền độc lập khối liên kết, đoàn kết trong nội bộ dân tộc - chưa đủ vững.

Triệu Quang Phục sau khi thực hành cuộc phản công thắng lợi đã tiến vào thành Long Biên, tổ chức triều chính, lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước. Tuy vậy, trong điều kiện lúc đó, Triệu Quang Phục đã không kiểm soát được toàn bộ đất nước.
 
Ông đã xưng vương, đóng đô ở Long Biên và có uy tín lớn, song ông chưa có đủ lực lượng lớn đặng kiểm soát được các châu quận phía nam đất nước. Bấy giờ, ở vùng Ái châu đang tồn tại lực lượng của Lý Thiên Bảo Và Lý Phật Tử.

Trước đây, khi Lý Nam Đế ở động Khuất Lão, Lý Thiên Bảo cùng với tướng Lý Phật Tử dẫn ba vạn quân rút vào Cửu Chân (4). Quân Lương cũng đuổi theo và cuộc chiến giữa Trần Bá Tiên với Lý Thiên Bảo diễn ra ở Ái châu. Lý Thiên Bảo bị thua lui quân lên vùng thượng du, đóng quân ở động Dã Năng (miền tây Thanh Hóa), đắp lũy thành để bảo vệ và xưng là Đào Lang Vương.


(1). Tư trị thông giám, q.167, t.5a.
(2). Trần thư, q.9, t.4a. Âu Dương Nguy truyện.
(3). Tùy thư, q.29,  t.12a.   
(4). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.183.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 01:17:48 am »


Khi ở phía bắc nước ta, quân xâm lược Lương bị Triệu Việt Vương đánh bại, thì lực lượng của Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử ở phía nam cũng hồi phục và phát triển. Năm 555, Lý Thiên Bảo (tức Đào Lang Vương) mất, Lý Phật Tử thay thế thống lĩnh toàn quân.

Năm 554, Lý Phật Tử từ Ái châu tiến quân ra vùng đông bắc, đánh Triệu Việt Vương ở vùng quê cũ Thái Bình. Sau năm lần giáp trận, hai bên không phân thắng phụ; thế quân của Lý Phật Tử hơi núng, nên đã xin giảng hòa với Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương nghĩ rằng, Lý Phật Tử là tướng cũ và cùng họ với Lý Nam Đế nên đã chấp thuận, lấy địa giới là bãi Quân Thần vùng Thượng Cát, Hạ Cát (thuộc Từ Liêm, Hà Nội). Thực chất đấy là sự phân chia địa giới vùng ảnh hưởng của hai thế lực giữa Thái Bình - họ Lý và Chu Diên - họ Triệu, với sự nhượng bộ của Triệu Quang Phục.

Lý Phật Tử đóng ở Ô Diên, Triệu Việt Vương ở Long Biên, cùng nhau kết mối thông gia: con trai Lý (Nhã Lang) lấy con gái Triệu (Cảo Nương). Cuộc tình duyên trở nên trắc trở bởi mưu mô quân sự - chính trị của Lý Phật Tử và được dân gian thần thoại hóa giống như chuyện Mỹ châu - Trọng Thủy ngày trước, từ “nỏ thần Kim Quy” của An Dương Vương đến “mũ đầu mâu móng rồng” của họ Triệu: những bí mật quân sự bị lấy cắp.
 
Năm 571, Lý Phật Tử đánh úp Triệu Việt Vương, đoạt toàn bộ quyền hành và đất đai. Triệu Việt Vương bị bất ngờ, không chống nổi và chạy về sông Đại Nha (Hà Nam) rồi tự vẫn ở đấy. Triệu Việt Vương mất đi là một tổn thất lớn của phong trào dân tộc. Nhân dân thương tiếc ông, lập đền thờ ở nhiều nơi.
 
Theo Nam Việt thần kỳ hội lục, Triệu Quang Phục được thờ trong 25 làng, Lý Bí được thờ trong 20 làng, Lý Phục Man được thờ trong 20 làng, Trương Hống và Trương Hát được thờ trong nhiều làng ở dọc sông Cầu (1).

Lý Phật Tử cũng tự xưng là Nam Đế, sử cũ gọi là Hậu Lý Nam Đế, vua nước Nam bề ngoài có sự thần phục ít nhiều đối với chính quyền nhà Trần ở Nam Kinh.

2. Nhà Tùy và những ảnh hưởng ở Giao châu.
 
Trung Quốc thời kỳ Nam Bắc triều (420-581) thật rối ren.  Bốn triều đại Tống, Tề, Lương và Trần đều đóng đô ở Kiến Khang (Nam Kinh và chỉ thống trị được vùng phía nam Trường Giang, lịch sử Trung Quốc thường gọi các triều đại này là Nam triều, kéo dài 169 năm (420-581).
 
Ở phía bắc Trung Quốc dưới sự thống trị của Bắc Ngụy từ năm 439; nhưng đến năm 535, Bắc Ngụy chia thành Đông Ngụy và Tây Ngụy. Năm 550, Cao Dương cướp ngôi vua Đông Ngụy, đổi tên nước là Tề (Bắc Tề). Năm 557, Vũ Văn Giác cướp ngôi vua Tây Ngụy, đổi tên nước là Chu (Bắc Chu). Cuộc chiến lâu dài giữa hai nước này đã dẫn đến kết cục, năm 577, Bắc Chu tiêu diệt Bắc Tề.
 
Vua Bắc Chu nhu nhược thối nát, mọi quyền bính rơi vào tay bố vợ là Dương Kiên. Năm 581, Dương Kiên giành ngôi vua của Bắc Chu, đổi tên nước là Tùy, dời đô về Trường An. Như vậy, ở Trung Quốc một triều đại mới xuất hiện : triều Tùy ( 581 - 618).

Năm 589, sau khi cướp ngôi nhà Chu, Tùy Văn Đế (Dương Kiên) phái đại quân chia làm hai hướng, vượt Trường Giang tiêu diệt nhà Trần và thống nhất cả nước. Sau bốn thế kỷ Trung Quốc lâm vào cục diện chia cắt, nội chiến liên miên và bị Ngũ Hồ xâu xé, đến đây đã được thống nhất.
 
Ở Lĩnh Nam, sau khi nhà Trần mất, một số thứ sử đầu hàng nhà Tùy, một số thứ sử và thái thú khác nổi lên chống lại nhà Tùy.

Ở Giao châu, năm 590, Lý Xuân (Lý Phật Tử?) cũng đã không chịu thần phục vua Tùy. Tùy thư chép rằng: Tháng 11 năm Khai Phong thứ 10 (590) “người Vụ châu là Uổng Văn Tiến, người Cối Kê là Cao Trí Tuệ, người Tô châu là Thẩm Huyền Khoái đều cử binh làm phản, tự xưng Thiên tử, đặt trăm quan. Bọn Sái Đạo Nhân ở Lạc An, Lý Lang ở Trường Sơn, Ngô Đại ở Nhiêu châu, Thẩm Hiếu Triệt ở Vĩnh Gia, Vương Quốc Kháng ở Tuyền châu, Dương Bảo Anh ở Dư Hằng, Lý Xuân ở Giao Chỉ đều tự xưng là đại đô đốc đánh phá các châu, huyện. Hoàng đế xuống chiếu cho chức thượng trụ quốc, nội sử lệnh, Việt quốc công Dương Tố đi đánh dẹp được” (2). Trên thực tế, Dương Tố chỉ tiến quân đến Triết Giang và Phúc Kiến, chưa hề tiến xuống Giao châu. 

Bấy giờ Quảng châu cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa của Vương Trọng Tuyên và các thủ lĩnh ở Lĩnh Nam phần lớn đều hưởng ứng. Tùy Văn Đế sai Bùi Củ đi “vỗ yên” đất Lĩnh Nam.


(1). Theo Nguyễn Văn Huyên: Contribution à du de d’ungénie tutélaire ananmite: Lý Phục Man, BEFEO. XXXVIII, 1938, tr.30.
(2). Tùy thư, q.2, 4a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 01:22:18 am »


Chính sách của nhà Tùy đối với Lĩnh Nam bấy giờ là dung dưỡng, ràng buộc. Bùi Củ đi “vỗ về” hơn 20 châu nhưng cũng chỉ là “thừa thế bổ bọn cừ súy làm thứ sử và huyện lệnh” (1) rồi về.

Do mức độ tập trung của chính quyền Tùy còn yếu và thế lực phong kiến cát cứ còn mạnh nên nhà Tùy chưa nắm hẳn được miền Lĩnh Nam, buộc phải trao chính quyền ở đây cho các hào trưởng địa phương, tuy rằng về danh nghĩa, họ vẫn nhận chức tước ở triều đình trung ương.

Trong con mắt của nhà Tùy, Lý Xuân cũng là một “cừ súy” ở Giao châu từ năm 590. Vua Tùy nhận thấy đất Giao châu “tuy có nội thuộc nhưng chỉ là đất kimi (ràng buộc lỏng lẻo)” (2). Nhưng qua thời gian, nhà Tùy càng ổn định và phát triển thì họ càng lấn tới. Tùy đặt phủ tổng quản ở Quế châu để kiểm soát các châu quận ở Lĩnh Nam.
 
Năm 597, Linh Hồ Hy làm tổng quản Quế châu, có quyền cử quan lại từ thứ sử trở xuống. Tùy thư chép: “Trước đây các châu huyện ‘cường ngạnh, bọn trưởng lại phần nhiều không đi làm quan được, phải nương nhờ vào phủ tổng quản, Linh Hồ Hy đến khiến bọn trưởng lại đi đến chỗ làm quan” (3). Đến đây, nhà Tùy đã kiểm soát Lĩnh Nam chặt chẽ thêm một bước. Lý Phật Tử, ở trong nước vẫn tự xưng là Nam Đế, nhưng bề ngoài cũng phải tỏ sự thần phục phủ tổng quản Quế châu. Linh Hồ Hy đã thay đổi tên gọi một số châu huyện thuộc đất nước ta. 
 
Theo Tùy thư: “Hy thấy có nhiều huyện trùng tên nhau nên tâu xin đổi An châu thành Khâm châu, Hoàng châu làm Phong châu, Lợi châu thành Trí châu, Đức châu thành Hoan Châu” (4).

Dần dần nhà Tùy bắt các thủ lĩnh địa phương ở Lĩnh Nam phải “vào chầu Thiên tử”. Lý súy An châu (Khâm châu) là Nịnh Mãnh Lực “từ đời Trần đã cát cứ ở Nam Hải”, đến đời Tùy được cử làm An châu thứ sử “nhưng vẫn kiêu ngạo, dựa hiểm trở chưa từng yết kiến Hy” (5). Nhưng đến đời con là Nịnh Trường châu, tuy vẫn tập chức cha làm thứ sử nhưng đã phải vào chầu hoàng đế Trung Hoa.
 
Đầu năm 602, đến lượt “Lý súy” ở Giao châu là Lý Phật Tử bị gọi vào triều. Vào chầu Thiên tử có nghĩa là thần phục, nội thuộc hoặc là một hành động đầu hàng. Vì thế, Lý Phật Tử đã hiên ngang chống lại lệnh của vua Tuỳ.
 
Tùy thư chép rằng: “Linh Hồ Hy phụng chiếu sai cừ súy Giao châu là Lý Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến tháng trọng đông (tức tháng 11-TG) sẽ lên đường. Bản ý của Linh Hồ Hy cũng chỉ muốn ràng buộc Phật Tử nên y lời xin của Phật Tử. Có người đến cửa khuyết kiện Hy ăn hối lộ của Phật Tử. . . Vua nói có ý ngờ. Đến khi Phật Tử làm phản, hỏi đến nơi, vua giận lắm, tin ngay việc trên sai sứ giả trói Hy đem về triều. . . Đến khi hành quân tổng quản Lưu Phương bắt được Phật Tử về kinh sư, nói rằng ở nhà Hy không có tang vật gì, vua mới tỉnh ngộ. . .” (6).

Nếu điều ghi chép trên của Tùy thư là sự thực thì Lý Phật Tử quả đã có uy thế lớn ở Giao châu. Nhà Tùy thường bổ “cừ súy” làm thứ sử, Lý Phật Tử cũng là một “cừ súy”, vậy tất Lý Phật Tử cũng đã được công nhận làm thứ sử Giao châu.
 
Chính vì vậy, vua Tùy đã cho vời vào chầu như những thứ sử khác. Tuy nhiên, Lý Phật Tử đã tự xưng là Nam Đế, đã giữ quyền tự trị ở Giao châu trong một thời gian, nay bị bắt buộc phải vào chầu vua Tùy. Lý Phật Tử đã chống lại mệnh lệnh của vua Tùy, kiên trì giữ đất Giao châu trong phạm vi tự trị của mình. Chính vì thế, nhà Tùy đã quyết định tổ chức một cuộc xâm lược lớn để chiếm lại Giao châu. 


(1). Tùy thư, q.67, t.5b.
(2). Tùy thư, q.56, t.2b.
(3). Tùy thư, q.56, t.3a.
(4). (5). Tùy thư, q.56, t.3a.
(6). Tùy thư, Linh Hồ Hy truyện, q.56, t.3a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 10:55:36 pm »


3. Cuộc xâm lược của nhà Tùy. Thất bại của Lý Phật Tử.

Nhà Tùy âm mưu đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Biết rằng, Lý Phật Tử chỉ thần phục trên danh nghĩa, nên hoàng đế Tùy đã hạ chiếu triệu Lý Phật Tử về chầu ở kinh đô, thực chất là bức Lý Phật Tử quy hàng, để cho nhà Tùy thiết lập chính quyền đô hộ ở Giao châu.

Lý Phật Tử chống mệnh, một mặt kiên quyết bác bỏ yêu sách đó, mặt khác tích cực triển khai quân đội để chống lại quân xâm lược sắp kéo sang. Quân sĩ Vạn Xuân được chia ra đóng giữ ở ba tòa thành lớn, hình thành ba cụm phòng ngự ở đồng bằng châu thổ sông Hồng:
 
- Lý Đại Quyền - cháu Lý Phật Tử, đem quân trấn giữ thành Long Biên (Bắc Ninh).

- Biệt tướng Lý Phổ Đỉnh chỉ huy quân giữ thành Ô Diên (Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Tây).

- Lý Phật Tử thân thống suất đại quân tổ chức phòng ngự tại “thành cũ của Việt Vương”, tức thành Cổ Loa.
 
Ngoài ra, Lý Phật Tử còn phái những đội quân nhỏ chốt giữ ở những nơi hiểm yếu, dựa vào thành lũy và địa hình thiên nhiên để chặn đánh địch ngay từ biên ải hoặc dọc theo trục đường mà quân địch có thể tiến qua.

Tháng giêng năm 603, vua Tùy phong Lưu Phương làm Giao châu đạo hành quân tổng quản, Kính Đức Lượng làm trưởng sử, thống suất 27 quân doanh (khoảng 10 vạn quân), mở cuộc tiến công xâm lược Vạn Xuân, dưới danh nghĩa là đi đánh dẹp việc “làm phản” của Lý Phật Tử.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Lưu Phương người Tràng An, có tài lược làm tướng”; “quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém” (1). Lưu Phương dẫn quân từ đường Vân Nam tiến vào nước ta; tới Doãn châu (huyện Quảng Thông, Vân Nam) thì Kính Đức Lượng ngã bệnh không đi được nữa.
 
Đến núi Đô Long (2), quân xâm lược gặp trận địa mai phục của quân ta. Tại đây Lý Phật Tử đã cho hơn 2.000 quân trấn giữ. Khi quân giặc đến quân ta xông ra chặn đường, đánh rất quyết liệt. Nhưng vì quân ta ít, quân địch đông, tiến nhanh, đánh gấp, nên quân ta nhanh chóng bị đánh tan. 

Thắng thế, quân Tùy tiến sâu vào nội địa nước ta. Tuy bị những đạo quân nhỏ lẻ ở nhiều nơi đánh chặn, nhưng quân của Lưu Phương đều vượt qua được và nhanh chóng tiến vào trung tâm nước Vạn Xuân. Chúng tập trung vây đánh hai căn cứ phòng ngự lớn của Lý Phật Tử ở Ô Diên và Long Biên.
 
Các tướng Lý Đại Quyền và Lý Phổ Đỉnh chỉ huy quân đội tổ chức chiến đấu bảo vệ thành rất quyết liệt, quân Tùy tuy có tổn thất, song chúng tập trung toàn lực tiến công, thế rất mạnh, nên quân ta không thể cản phá được, buộc phải bỏ thành rút về Cổ Loa.

Cổ Loa lúc đó là một căn cứ phòng ngự mạnh. Hàng vạn quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Phật Tử, dựa vào thành lũy kiên cố, chiến đấu chống lại quân xâm lược. Quân Tùy bao vây và tiến đánh từ nhiều mặt. Chúng kết hợp vừa dùng binh uy hiếp vừa dùng thủ đoạn chính trị đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc.
 
Lý Phật Tử vì thế càng sa vào thế bị động, bất lợi.  Dựa vào ưu thế lực lượng áp đảo, Lưu Phương mở cuộc tiến công lớn vào Cổ Loa. Thành Cổ Loa thất thủ. Nhiều tướng của Lý Phật Tử đã cùng quân, dân ta chiến đấu rất dũng cảm, nhưng vì thế yếu nên đã bị quân giặc tàn sát. Lý Phật Tử bị bắt và sau đó bị dẫn về kinh đô Trường An.
 
Chiếm được Vạn Xuân, nhà Tùy mở rộng chiến tranh xâm lược xuống phía nam. Năm 605, Lưu Phương cùng thứ sử Hoan châu chỉ huy quân đội mở rộng chiến tranh đánh chiếm vương quốc Lâm ấp (tức Chiêm Thành). Quân xâm lược cướp vàng bạc, châu báu, chiếm đất đai Lâm ấp thành lập ba châu mới ở phía nam Hoành Sơn.


(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tập 1, chua rằng: Theo Thanh nhất thông chí, núi Đồ Long còn gọi là vùng núi ở Phủ Khánh Viên thuộc nước ta, xưa thuộc Hà Giang, thực dân Pháp cắt nhượng cho Mãn Thanh, nay là đất Khai Hoá, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
(2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.186.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #68 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 10:58:50 pm »


Theo sử cũ của Trung Quốc, vua Lâm ấp là Phàn Chí đã lãnh đạo dân chúng chống lại. Phàn Chí cho quân đóng giữ nơi hiểm yếu, lập nhiều đồn sách để cự giặc. Khi quân Tùy đến, Phàn Chí đã nhiều lần tung quân ra đánh trả. Nhưng Lưu Phương đã dùng kế phục binh, bẫy voi chiến và đánh tan các đội tượng binh của Lâm ấp. Vì thế, quân Lâm ấp đã tan vỡ. Vua Phàn Chí chạy ra biển. Lưu Phương thu được miếu chủ, người vàng, cướp phá cung thất của Lâm ấp, bắt người cướp đất lập ba châu: Đảng châu, Nông châu và Xung châu (Tùy thư).
 
Cuộc kháng chiến chống quân Tùy xâm lược đầu thế kỷ thứ VII bị thất bại. Sau 60 năm độc lập, đến cuối năm 603 nước ta lại rơi vào ách thống trị của phong kiến phương Bắc Nước Vạn Xuân vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Lương lại diễn ra cuộc nội chiến kéo dài giữa các thế lực trong nước. Tình trạng đó làm cho thế nước suy yếu. Lý Phật Tử lãnh đạo kháng chiến chưa có đủ uy tín để tập hợp lực lượng, không phát huy được sức mạnh của cả dân tộc để kháng xâm lược.

Từ cuối thế kỷ VI, đế chế Tùy đã thống nhất được Trung Quốc, đã xây dựng được chính quyền trung ương vững mạnh trong cuộc chiến tranh này, nhà Tùy đã huy động một lực lượng quân sự rất lớn. Lưu Phương là một viên tướng có nhiều mưu lược, quỷ quyệt. Quân Tùy thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, dùng lực lượng quân sự lớn, tiến ồ ạt đánh thẳng vào quốc đô Cổ Loa của nước Vạn Xuân. Lý Phật Tử áp dụng chiến lược phòng ngự, tập trung quân chống giữ ở ba tòa thành lớn. Quân của Lý Phật Tử mới xây dựng, số lượng chưa nhiều, sự cố kết dân tộc chưa cao. Bởi thế, kẻ thù có điều kiện nhanh chóng tiến vào trung tâm nước ta và tập trung lực lượng lớn đánh mạnh vào những căn cứ cố thủ của Iý Phật Tử.
 
Khi những vị trí phòng ngự lớn bị thất thủ, nhất là khi kinh thành Cổ Loa lọt vào tay giặc thì những lực lượng kháng chiến của địa phương cũng nhanh chóng bị quân xâm lược Tùy đàn áp. Đó là lý do thất bại của Nam Đế Lý Phật Tủ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược nhà Tùy năm 603.


CHƯƠNG III

NỀN THỐNG TRỊ CỦA ĐẾ CHẾ TÙY – ĐƯỜNG Và PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA CHỐNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ NHÀ ĐƯỜNG (TỪ ĐẦU THẾ KỶ VII ĐẾN CUỐI THẾ KỶ IX)

I. TRUNG QUỐC THỜI TUỲ - ĐƯỜNG

1. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội

Những cuộc hôn nhân Hán - Hồ và đường lối chính trị Hán hoá có hệ thống của triều Bắc Ngụy đã tạo ra một tầng lớp quý tộc hỗn huyết ở Trung Quốc. Những gia đình lớn nắm vận mệnh Trung Quốc thời Tuỳ - Đường trong khoảng từ năm 600 đến đầu thế kỷ thứ VIII có dòng họ gốc Tuyết hay Tiên Ti như Vũ Văn, Mộ Dung, Linh Hồ, Độc Cô, Uất Trì, v.v.. Dù mang một tên họ hoàn toàn Hán đi nữa, như họ “Dương” dưới triều Tuỳ và họ “Lý” dưới triều Đường thì tầng lớp thống trị Tuỳ - Đường vẫn có dòng máu nửa Tuyết (Đột Quyết).
 
Nhà Tuỳ và nửa đầu nhà Đường vẫn là những đế chế quý tộc cả về con người lẫn các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá thời Nam Bắc triều của Trung Quốc, một xã hội dựa trên sự đối lập giữa một bên là quý tộc thống trị, một bên là tầng lớp bị trị: “Khách”, “bộ khúc”, “Nô tì”...

Tuy nhiên, đối với lịch sử Trung Quốc, thời Tuỳ - Đường (581 - 907) là một giai đoạn nhà nước phong kiến thống nhất và phát triển. Triều Tuỳ tồn tại 37 năm (581 - 617), với hai triều vua là Tuỳ Văn Đế (581 - 604) và Tuỳ Dượng Đế (605 - 617).

Sau khi giành ngôi vua của Bắc Chu, Tuỳ Văn Đế đã thi hành nhiều chính sách nhằm xây dựng chính quyền thống nhất, thực thi chế độ quân điền, giảm nhẹ gánh vác cho nông dân, lập kho “nghĩa xương” chẩn cấp lúa cho dân nghèo, thống nhất tiền lệ, mở khoa thi để chọn nhân tài trong tầng lớp địa chủ bình dân.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #69 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:00:21 pm »


Để tăng cường tập quyền trung ương, Tuỳ Văn Đế đã cải cách chế độ phủ binh, chấn chỉnh lại hương binh. Cấm binh và phủ binh thay nhau bảo vệ kinh đô, trấn giữ những vị trí xung yếu, tạo điều kiện để nhà nước khống chế quân đội và duy trì sự thống nhất.

Nhờ những cải cách tiến bộ, đất nước Trung Quốc sau bao năm suy thoái đã được ổn định, kinh tế phát triển.  Đầu thế kỷ VII, dân số Trung Quốc có khoảng chín triệu hộ (50 triệu người). Nhà nước tích trữ được nhiều của cải.  Các kho lớn của nhà vua đầy ắp, có đến hàng chục triệu thạnh lương và mấy chục triệu súc vải lụa. Trong nước chia thành 11 vùng, dưới vùng là quận, xã . . . Vùng Lĩnh Nam (phía nam dãy Ngũ Lĩnh) trong đó có đất Giao Chỉ gồm 16 quận ở đất liền và ba quận ở đảo Hải Nam.

Dưới đời Tuỳ Văn Đế, kinh đô Trường An trở thành nơi đô hội, thương nghiệp phát đạt. Tuy nhiên, Trường An phát triển thì Nam Kinh mất địa vị; vì thế, giới quý tộc, đại địa chủ và quan lại cũ ở Nam Kinh vốn đã rất bất bình với những chính sách của Văn Đế, nay đứng hẳn về phe thứ sử Dương Quảng, chống lại Tuỳ Văn Đế và thái tử.
 
Năm 604, họ đã thực hiện âm mưu giết vua và thái tử, lập Dương Quảng lên ngôi, hiệu là Tuỳ Dượng Đế (có sách gọi là Tuỳ Dạng Đế).  Tuỳ Dượng Đế rất xa xỉ, hoang dâm và bạo ngược. Ngay từ khi mới lên ngôi, năm 605, Dượng Đế đã dựa vào thế nhiều người lắm của để xây cất các công trình công cộng phục vụ cho cuộc sống xa hoa của mình. Hàng triệu dân được huy động đi xây dựng đông đô Lạc Dương, xây vườn Tây Uyển và hàng chục li cung, đắp một hệ thống đường sá dài mấy ngàn dặm và một mạng lưới sông đào dài 4.000 dặm, lấy Lạc Dương làm trung tâm, phía bắc đến Trúc Quân, phía nam đến Giang Tô và thông đến Dư Hàng ở nam Trường Giang, nối liền ba con sông lớn Hoàng Hà, sông Hoài và Trường Giang.

Tuỳ Dượng Đế đã huy động rất nhiều nhân lực, vật lực, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Bọn quan lại tàn ác bắt làm việc kiệt sức, dân phu chết đến bốn, năm phần mười.  Sau khi gấp rút hoàn thành hệ thống đường sá và kênh đào Tuỳ Dượng Đế năm nào cũng tổ chức những kỳ du ngoạn. Đoàn du thuyền của nhà vua về miền Trường Giang đông tới 50 vạn người gồm cả hoàng hậu, cung phi, quý tộc, quan lại, binh lính... với hơn 5.000 chiếc thuyền lớn nhỏ.  Riêng thuyền rồng của hoàng đế cao 45 thước, dài 200 thước và số dân phu dùng để kéo đoàn thuyền đông đến tám vạn người. Những vùng đoàn thuyền đi qua, nhân dân địa phương trong vòng 500 dặm phải dâng của ngon vật lạ để vua và đoàn tuỳ tùng ăn uống.

Vì xa hoa lãng phí như thế, vua Tuỳ Dượng Đế đã tiêu sạch ngân khố quốc gia, để có tiền hắn đã bắt nhân dân phải nộp thuế trước 10 năm. Nhân dân Trung Quốc thời đó sống cơ cực, tâm lý bất bình lan tràn khắp nơi.
Đại khởi nghĩa nông dân đã nổ ra liên tiếp ở Hà Bắc, ở Sơn Đông và nhiều nơi khác.

Phong trào đấu tranh của nhân dân càng ngày càng phát triển và lan rộng ra toàn quốc, tính ra có đến hàng trăm cuộc khởi nghĩa. Dần dần các cuộc khởi nghĩa có quy mô rộng lớn, trong đó mạnh nhất là quân Ngoã Cương ở vùng Hà Nam do Lý Mật lãnh đạo, nghĩa quân Hà Bắc do Đậu Kiến Đức cầm đầu và nghĩa quân Đỗ Phục Uy hoạt động ở nam sông Hoài.

Triều đình nhà Tuỳ đã điều hàng chục vạn quân đến đánh dẹp quân Ngoã Cương ở Lạc Dương, nhưng liên tiếp bị thất bại. Hoảng sợ trước phong trào nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân, năm 616, Tuỳ Dượng Đế bỏ Trường An chạy xuống Giang Tô.

Trong khi quân Ngoã Cương và quân Tuỳ đang tập trung đánh nhau ở Lạc Dương, thì bọn quan lại, địa chủ ở nhiều nơi cũng tổ chức quân đội chống lại triều đình; trong số đó mạnh nhất là lực lượng của Lý Uyên.

Lý Uyên là một quan lại cao cấp của triều Tuỳ được phong Đường quốc công, làm thái thú Thái Nguyên, một trọng trấn gần biên giới phía bắc, thuộc Sơn Tây ngày nay. Lý Thế Dân, con Lý Uyên là người kiệt thiệt trẻ tuổi, có tài cầm quân, giỏi cả văn lẫn võ, bắn tên bách phát bách trúng. Thế Dân cùng cha đem 10 vạn quân vượt Hoàng Hà, đánh chiếm Trường An, rồi Tôn một người cháu của Dượng Đế mới 13 tuổi làm hoàng đế.

Năm 618, sau khi vua Tuỳ Dượng Đế bị bộ hạ giết tại Giang Tô, Lý Uyên lên làm vua, đặt tên nước là Đường, đặt hiệu là Đường Cao Tổ, phong con trưởng là Kiến Thành làm thái tử, cho Lý Thế Dân làm Tần vương và em của Thế Dân là Nguyên Cát là Tề vương.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM