Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:31:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106552 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #10 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 09:58:19 pm »

4. Tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội Âu Lạc dưới chế độ thống trị của nhà Hán.

 Vì tình trạng văn hoá - xã hội của các vùng miền Âu Lạc không giống như các khu vực của người Hán ở Trung Nguyên đã từ lâu chuyển sang chế độ phong kiến, nên nhà Triệu cũng như nhà Hán sau khi chinh phục Âu Lạc, không thể trực tiếp tiến hành lối thống trì kiểu phong kiến tập quyền, mà phải dùng phương pháp thống trị kiểu “ràng buộc” (kimi).

Đối tượng “ràng buộc” của bọn quan lại phong kiến Trung Hoa là các phần tử quý tộc thủ lĩnh đã phân hoá từ trong lòng công xã như các Lạc hầu, Lạc tướng, v.v.. Các quý tộc đó được chính quyền Hán tộc phong cho chức tước (như huyện lệnh), khiến họ kết hợp lợi ích đẳng cấp của họ với lợi ích của bọn thống trị người Hán để cùng bóc lột nhân dân Âu Lạc.
 
Phương thức thống trị kiểu ràng buộc đó chỉ thực hiện được ở những nơi mà trong xã hội đã bắt đầu có sự phân hoá khiến cho tầng lớp quý tộc vung miền (1) trở thành cơ sở xã hội cho bộ máy thống trị của bọn phong kiến nhà Hán. Trong buổi đầu thống trị của nhà Triệu cũng như nhà Tây Hán, nhà cầm quyền phong kiến ngoại tộc không thể với tay xuống tới toàn thể các miền đất Âu Lạc.
 
Lĩnh vực hoạt động chính trị của bọn chúng ban đầu chỉ hạn chế xung quanh những trung tâm cai trị của chúng như Mê Linh, Tây Vu (Cổ Loa), Luy lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) , Tư Phố (Thanh Hoá), nghĩa là ở những nơi sản xuất đã tương đối phát triển và sự phân hoá xã hội đã rõ rệt.

Do chế độ thống trị kiểu ràng buộc như vậy, nên phương thức bóc lột chỉ có thể là cống nạp. Đó là hình thức cưỡng bức siêu kinh tế, là hình thức lệ thuộc sớm nhất của cư dân vào giai cấp thống trị, cũng là hình thức đơn giản nhất của quan hệ phụ thuộc giai cấp. Nó thường dựa vào bạo lực quân sự trực tiếp. Bọn thống trị phong kiến nhà Hán dùng áp bức quân sự và chính trị bắt các Lạc tướng nộp cống phú cho chúng.

Trong thời kỳ đầu, quan lại nhà Hán chưa thể kiểm soát được các bộ lạc (huyện). Lạc tướng vẫn làm chủ trong bộ lạc của mình; họ thu cống phú của nhân dân công xã, một phần hưởng lợi riêng, một phần nộp cho quan lại phong kiến Hán tộc. Đó là mối quan hệ lệ thuộc giữa các Lạc tướng người Việt với chính quyền đô hộ mà các thứ sử, thái thú là kẻ đại diện.

Tất nhiên phong kiến nhà Hán không thể thoả mãn với lối thống tn kiểu “ràng buộc”, chỉ ngồi ở quận mà chờ cống phẩm của các Lạc tướng đưa tới, với phạm vi thống trị loanh quanh ở vài trung tâm cai trị ở các quận trị, huyện trị, đô uý trị. Chúng đồng thời cũng mưu đồ không ngừng khuếch trương thế lực của mình. Cho nên, sau khi chinh phục được Âu Lạc, ngoài việc phong chức tước cho các quý tộc bộ lạc để “trị dân như cũ", chúng đã thiết lập một số trung tâm quận huyện tại những miền có nền kinh tế phát triển, phái quan lại và đem quân binh đến chiếm đóng.

Tiếp theo đó, phong kiến Hán tộc tiến hành di dân hàng loạt đến miền đất mới chinh phục được, khai thác ruộng đất, nhằm củng cố các trung tâm, đặng chuẩn bị mở rộng phạm vi thống trị. Trong số dân di cơ đó có những người Nông dân nghèo phá sản bị địa chủ Hán tộc bóc lột xâm chiếm đất đai, hoặc những biên dân Trung Quốc sang “hoà bình khẩn thực” ở Giao Chỉ . . .
 
Trước kia sau khi chinh phục được miền nam Ngũ Lệnh, nhà Tần đã phát binh đến đóng giữ, lại đem “những quan lại xử án không ngay thẳng đày đi đất Việt” (Sử ký); nghĩa là phong kiến Trung Hoa đã đưa cả tội nhân lưu đày sang đất Việt.  Chính sách đó cũng được vận dụng dưới triều Hán. Sách Hậu Hán thư viết: “Phàm đất Giao Chỉ, tuy đã đặt quận huyện nhưng ngôn ngữ khác nhau, phải nhiều lần dịch mới hiểu...  Sau đó, dời những người tội nhân Trung Quốc đến cho ở lẫn với họ, mới hơi biết ngôn ngữ, dần dần thấy hoá theo lễ” (2).
 
Trong số những người Trung Quốc sang Âu Lạc và vùng biên viễn phía nam, ngoài quan lại, quân sĩ, người di dân, kẻ bị lưu đày, còn có thương nhân, "những người Trung Quốc  sang buôn bán phần nhiều trở nên giàu có” (3) .


(1) Nhân học văn hoá - xã hội hiện đại thường gọi là local chim fdoms, local chieftains. Chúng Tôi tạm dịch là “thủ lĩnh địa phương”, kiểu “12 sứ quân” ở thế kỷ X.
(2). Hậu Hán thư, q.116, T.5b. Có nghĩa là người Việt dần dần thích nghi với lễ giáo, trật tự Hán Hoa.
(3). Tiền Hán thư, q.28, hạ, t.21b.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:05:57 pm »


Tất nhiên trong số đó cũng có cả bọn hào dân - tức địa chủ người Hán. Chẳng hạn như khổng hương hầu Phó Yến, thiếu phủ Đổng Cung “bị bãi chức, bắt đi Hợp Phố” (1) ; hoặc sau khi mở xong đường, nhà Hán liền “mộ hào dân đến làm ruộng ở Nam Di, nộp thóc cho quận quan rồi lấy tiền nạp vào trong nội phủ . . .

Đó là chính sách “di dân khẩn thực’ của nhà Hán thi hành trong các miền mà chúng mới chinh phục được. Và cũng từ đó, xuất hiện sự truyền bá lối sống văn hoá Hán trên đất Việt, truyền bá “ôn hoà”, qua giao lưu kinh tế - văn hoá, qua di dân Trung Quốc sang đất Việt và truyền bá “cưỡng bức”, qua hệ thống đô hộ hành chính - quân sự.

Trước khi nhà Triệu và nhà Tây Hán đặt ách thống trị, trên đất Âu Lạc đã tồn tại nền văn minh Đông Sơn với mô hình kinh tế - văn hoá Nông nghiệp lúa nước cổ truyền thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt.
 
Sự hiện diện đích thực của cơ cấu văn minh Đông Sơn - cái kỳ diệu của nền móng Việt cổ - mấy trăm nam đầu giai đoạn “Bắc thuộc” phản ánh sức sống  mãnh liệt của nền văn minh Việt cổ, tinh thần bền bỉ chống đồng hoá, chống mọi thứ pha tạp xâm nhập có hệ thống, có tổ chức của bè lũ thống trị phương Bắc.
 
Nhưng chủ nhân của nền văn minh Việt cổ - người Âu Lạc - không hề bài ngoại, mà vẫn tiếp thu có ý thức và chọn lọc những yếu tố văn hoá ngoại sinh để biến thành cái vốn của mình, làm phong phú thêm bản sắc riêng của mình.

Những người dân Trung Quốc nói trên một khi đến miền đất mới, cùng ở lẫn lộn với người Âu Lạc, cùng lao động với nhân dân Âu Lạc, đã đem theo công cụ và kỹ thuật canh tác tiên tiến của người phương Bắc truyền bá tới miền Âu Lạc.
 
Do vậy, trên thực tế đã diễn ra sự tiếp xúc và biến đổi, đan xen và giao thoa giữa hai nền văn hoá Việt và Hán. Khảo cổ học đã chứng minh, bấy giờ đã có sự tồn tại song song của hai loại hình cư trú - làng xóm với nhà sàn Đông Sơn và thành quách với mô hình nhà đất bằng, mô hình giếng nước, bếp lò, chuồng trại trong mộ Hán ở Thiệu Dương, Thanh Hoá và nhiều nơi khác (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, Mạo Khê - Uông Bí, Quảng Ninh, Nam Sách, Chí Linh, Hải Dương, Nghi Vệ (Và) Bắc Ninh, v.v.).

Các vật dụng, công cụ, vũ khí tìm thấy chứng tỏ sự tồn tại song song của hai lối sống, hai phương thức sinh hoạt; trong đó tất nhiên phương thức chủ đạo vẫn là phương thức Việt, vì Hán tộc chỉ là một thiểu số thống trị và một ít cư dân Hán sống tập trung ở một số ít thành quách, thị trấn, quận huyện lỵ.

Tuy nhiên, dưới ách thống trị của nhà Triệu và nhất là của nhà Tây Hán, do di dân Hán sang đất Việt ngày càng đông, lại “ở lẫn lộn với người Việt” nên dần dần giữa hai phương thức Việt và Hán có sự dung hoà và chuyển hoá lẫn nhau. Dù sớm hay muộn, đã nảy sinh sự giao tiếp và đan xen văn hoá, một sự giao thoa văn hoá vừa tự nguyện vừa cưỡng bức. Bắt đầu một quá trình năng động, trên cơ tầng Việt đã vận hành một cơ chế Hán, đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hoá Hán - văn hoá thống trị - và, đang biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang một mô thức mới mô thức Việt - Hán đan xen.

Trong giai đoạn này, cơ sở kinh tế - xã hội vẫn là nền tảng Nông nghiệp trồng lúa nước với kết cấu xóm làng khá bền chắc. Trước và sau thời Hán Cao hậu (187-180 TCN), Nam Việt vẫn thường mua của Trung Quốc đồ điền khí bằng sắt kiểu Hán. Từ đầu công nguyên, việc dùng cày lưỡi sắt có trâu bò kéo được mở rộng ở phương Nam (2).
 
Người Hán di dân xuống đất Việt hẳn cũng đã mang theo nhiều đồ điền khí bằng sắt kiểu Hán. ở Giao châu, bên cạnh nghề trồng lúa nước vẫn là chủ đạo, còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, đay, gai để có cái mặc.

Sách Hán thư cũng nói: “Giao Chỉ ở gần biển, có nhiều hoa quả” . Người Trung Quốc đặc biệt chú ý đến long nhãn và vải quả của người Việt, ngoài ra còn có chuối, quýt, mơ... Hoa quả của người Việt biến thành cống phẩm cho nhà Hán. Năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (111 TCN) , sau khi chiếm được Nam Việt, Hán T Đế sai xây Phù Lệ cung (cung vải quả) ở kinh đô Trường An (Thiểm Tây) để trồng những cây cỏ kỳ lạ quý hiếm mới lấy được từ miền đất Việt. Vũ Đế sai đem 100 cây vải, hai cây chuồi tiêu trồng ở Phù Lệ cung nhưng không có cây nào sống.

Quả vải bị sung làm đồ tuế cống, việc phục dịch chuyên chở vải cống trở thành một tai hoạ lớn đối với nhân dân Âu Lạc trong suốt cả một quá trình dài.

Nhà Hán đặt chức “phố tu quan” ở Nam Hải và chức “tu quan” ở huyện Liên lâu quận Giao Chỉ (Thuận Thành, Bắc Ninh) để coi việc tiến cống hoa quả và các thức ăn. Cũng từ đời Hán Vũ Đế, ở Giao Chỉ có đặt chức quất quan (quan coi quýt) ăn lương 200 thạch lúa mỗi năm, chuyên trông việc cống quýt ngự.


(1). Tiền Hán thư, q.12, T. la.
(2). Trước đó, phương thức canh tác ở phương Nam là dùng lửa đốt rẫy làm nương (“hoả canh”), dùng trâu, sức người dẫm đất dẫm nước cho ngầu bùn (“thuỷ nậu”).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:10:32 pm »


Bấy giờ, ở Âu Lạc đã có nghề trồng mía làm mật. Chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà, dê, chó... Theo sử cũ, sứ giả nhà Triệu đã cống nạp cho nhà Hán đường phèn (1) , trâu bò và rượu; đồng thời cũng mua ngựa của Trung Quốc về nuôi.  Nghề thủ công cổ truyền ở Âu Lạc vẫn tiếp tục phát triển và có sự kết hợp với kỹ thuật của người Hán. Bên cạnh đồ đồng Đông Sơn còn có đồ đồng Hán. Hoa văn trống đồng có ảnh hưởng tới hoa văn trên gương đồng từ trung kỳ Tây Hán.
 
Ngoài nghề đúc đồng và nghề rèn sắt, nghề gốm, nghề dệt ở Âu Lạc vẫn phát triển. Các tác giả Sử ký và Tiền Hán thư đều phản ánh rằng, người Việt trồng dâu, đay, gai, nuôi tằm, xe sợi và dệt cửi. Sản phẩm tư tằm, vải cát bá (vải bông) của Âu Lạc rất mịn, sợi nhỏ.
Nghề làm muối phát triển ở vùng ven biển và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Âu Lạc. Bọn thống trị Tây Hán nắm độc quyền mua bán muối-sắt-rượu, và đã nhanh chóng đặt chức “diêm quan” để quản lý việc sản xuất và thu thuế muối ở Giao châu.

Thời Tây Hán thương mại khá phát đạt. Nhiều lái buôn Trung Quốc đến đất Việt buôn bán. Tiền Hán thư chép: “Đất Việt ở gần biển, có nhiều tê, voi, đồi mồi, ngọc châu, ngọc ky, vàng, đồng, hoa quả, vải. Người Trung Quốc đi lại buôn bán, phần nhiều trở nên giàu có” (2). Âu Lạc bị thu hút vào thị trường trong và ngoài nước của Trung Quốc. Do vị trí địa lý thuận lợi, do sự phong phú về sản phẩm nhiệt đới, Giao châu trở thành một trạm quan trọng trên đường giao lưu hàng hoá giữa Trung Quốc và các nước Nam Dương, Nam Á và Tây Á (Trung Cận Đông).

5. Tình hình nhà Đông Hán và Âu Lạc những năm đầu công nguyên.

Trung Quốc quân chủ tập quyền đến cuối thời Tây Hán sa vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xâm chiếm ruộng đất của bọn quý tộc và đại thương gia đối với tiểu Nông. Thuế má nặng nề và chiến tranh liên miên làm tăng gánh nặng của Nông dân.
 
Cuối đời Hán Vũ Đế, cuộc sống của Nông dân, Nông nô, Nô tì rất cực khổ, buộc họ phải nổi dậy bạo động chống chính quyền bóc lột. Đến đời Thành Đế (32-7 TCN) và Ai Đế (6-1 TCN), tình trạng đó càng nghiêm trọng hơn. Năm 1 TCN, Bình Đế lên ngôi mới có chín tuổi, thái hậu lâm triều, giao quyền chính cho Vương Mãng là một quý tộc ngoại thích. Năm 3, Vương Mãng giết Bình Đế, tự xưng là “Giả Hoàng Đế”. Năm 8, Vương Mãng lên ngôi hoàng đế, lấy quốc hiệu là Tân và Âu Lạc bị lệ thuộc vào triều đại này (từ năm 8 đến năm 23).
 
Để củng cố chính quyền của mình và để cứu vãn đời sống xã hội cuối thời Tây Hán, Vương Mãng tiến hành cải cách điền địa, tuyên bố quốc hữu hoá ruộng đất, cấm mua bán nô tì thực hành quản chế công thương nghiệp, bình quân vật giá đổi mới tiền tệ, v.v..
 
Các biện pháp của Vương Mãng những tưởng tiến bộ, vì nó “mới mẻ”, vì ông ta mong có sự “công bằng tài sản” và xoa dịu mâu thuẫn xã hội, nhưng trên thực tế quốc gia chẳng được lợi lộc gì vì bọn tham quan ô lại càng có cơ hội vơ vét của dân, số thuế thu được cho triều đình rất ít, quốc khố vẫn trống rỗng.
 
Kết quả những cải cách của Vương Mãng làm cho khủng hoảng xã hội càng trầm trọng thêm, thuế má nặng nề, lao dịch khổ sở. Cuối cùng, Vương Mãng phải xoá bỏ mọi cải cách và nhà nước không thể kiểm soát, bảo vệ được tầng lớp tiểu nông. Kinh tế, xã hội bị phá hoại nghiêm trọng, nhân dân bị đói rét và hình phạt tàn khốc luôn uy hiếp sự sống còn của họ, vì thế nhiều cuộc bạo động chống đối đã hên tiếp nổi lên, tiêu biểu là khởi nghĩa của quân Lục Lâm (Hồ Bắc), của quân Xích Mi (Sơn Đông), v. v.
 
Quý tộc Hán và tầng lớp đại địa chủ, đại thương nhân cũng thừa cơ nổi lên chống lại Vương Mãng.  Bấy giờ, Lưu Tú ở Nam Dương (cháu sáu đời của Cảnh Đế) đã dựa vào thành quả của phong trào nông dân và các lực lượng chống đối khác để giành chính quyền. Được thế lực địa chủ Hoa Bắc giúp đỡ, Lưu Tú đã tiến vào đánh chiếm Trường An (3), tiêu diệt các thế lực cát cứ. Các cuộc khởi nghĩa Nông dân và các thế lực cát cứ đều bị loại bỏ. Lưu Tú khôi phục nhà Hán, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Quang Vũ, thiên đô sang phía đông tức Lạc Dương, nên nhà Hậu Hán còn được gọi là Đông Hán, tồn tại gần hai thế kỷ (từ 25-220).  [Hán Quang Vũ lập lại được trật tự trong nước sau 20 năm nhiễu loạn, chăm lo chính trị, giảm quan, bớt việt, nhẹ thuế khoá đất nước được thanh bình. Quang Vũ coi trọng Nho học. Tầng lớp kẻ sĩ trở nên có uy tín. Ông phong nhiều công thần làm chư hầu, mà công thần thường là những người đại diện cho tầng lớp đại điền chủ trung thành với nhà Hán.


(1). Đường phèn là một sáng tạo của người Chăm, miền Trung Việt Nam.
(2). Tiền Hán thư, q.28, hạ, T.36 a. 
color=red](3) [/color] Khi quân khởi nghĩa chưa đến nơi, ở Trường An đã xảy ra binh biến, Vương Mãng bị giết chết. Xem Lịch sử thê’giới trung đại, Sđd, tí. 194.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:14:24 pm »


Hán Quang Vũ sử dụng sức mạnh quân sự để gây áp lực và uy thế của mình ở các vùng xa; đồng thời còn sử dụng lối tặng biếu của cải để mua chuộc các thủ lĩnh địa phương, đàn áp các cuộc chống đối, nổi dậy. Đối với Giao Chỉ, Quang Vũ Đế cử Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, sau đó lại cử Tô Định làm thái thú Giao Chỉ. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, Quang Vũ Đế đã sai Mã Viện sang đánh dẹp.
 
Khi xã hội Trung Quốc cuối thời Tây Hán biến loạn, một số khá đông người Hán, trong đó có cả quý tộc, địa chủ, sĩ phu đã di cơ sang Giao Chỉ để ẩn náu. Ví như tổ tiên Lý Bí vốn là người Trung Quốc, vào cuối thời Tây Hán, “khổ vì việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được bảy đời thành người Nam” (1). Tổ của Sĩ Nhiếp vốn là người Vấn Dương, nước Lỗ “đến khi có loạn Vương Mãng, dời sang ở Giao châu, sáu đời đến Sĩ Nhiếp” (2). Hồ Cương, tổ bốn đời của thái phó Hồ Quảng đời Đông Hán, khi Vương Mãng nhiếp chính, “cởi mũ áo treo ở cửa phủ rồi trốn sang ở Giao Chỉ, ẩn tại khu hàng thịt” (3).

Bọn quý tộc, địa chủ, sĩ phu người Hán này tất nhiên đã dựa vào chính quyền thống trị ở Giao Chỉ để phát triển thế lực trong những vùng họ mới đến. Lúc đó, châu mục Giao Chỉ là Đặng Nhượng, thái thú quận Giao Chỉ

là Tích Quang cùng các thái thú khác dưới quyền Đặng Nhượng đều không muốn thần phục chính quyền Vương Mãng. Buổi đầu, Vương Mãng có thi hành một số cải cách hành chính, như đổi tên quận trị Cửu Chân là Tư Phố gọi là Hoàn Thành và dời đến VÔ Biên (Cửu Chân đình), dời quận trị Nhật Nam đến Tây Quyển (Nhật Nam đánh đổi chức thái thú thành đại doãn. . . Nhưng cuối đời Vương Mãng, các thái thú ở Giao châu đã chống lại mệnh lệnh của ông ta.  Sau khi Hán Quang Vũ lên ngôi, thái thú Giao Chỉ là Tích Quang đưa lễ vật, cống tiến, được phong làm liệt hầu.  Tích Quang cũng như Nhâm Diên đều vẫn làm thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân, và thích nghi với chính sách thống trị mới của nhà Đông Hán.

Theo sử sách nhà Hán thì Tích Quang và Nhâm Diên tiến hành chính sách “giáo hoá” ở Âu Lạc. Hậu Hán thư viết:

Đám quý tộc, quan liêu, địa chủ Hán di cơ xuống Giao châu, dựa vào chính quyền đô hộ mà “sinh cơ lập nghiệp”, xâm lấn ruộng đất và tài sản của người Việt. Chính quyền đô hộ có thêm vây cánh, thêm kẻ đồng mưu tính kế, giúp sức bành trướng, tổ chức quận huyện, đồng hoá người Việt, bóc lột nhân dân bản xứ. Tích Quang ở Giao Chỉ, Nhâm Diên ở Cửu Chân trước sau đều dùng lối sống Hoa để cải biến phong hoá người Việt, từ việc hôn nhân đến việc mở trường dạy lễ nghĩa, chế tạo giày mũ, ăn mặc, canh tác v.v. đều nhất mực theo lối Hán, kiểu Hán. Nhưng đã có định hướng Hán hoá ở phía thống trị thì ắt phải có sự chống Hán hoá ở phía cơ dân bản địa.

Dưới thời Đông Hán, đứng đầu Giao châu vẫn là chức châu mục ăn lương 2.000 thạch lúa. Trước đây, đến tháng 8, thứ sử châu mục đi tuần hành các quận quốc, đầu năm sau về kinh đô bẩm báo; sang thời Đông Hán, đặt lệ “kê lại”, thứ sử không tự mình đến kinh đô tâu việc nữa mà chỉ sai một người “kê lại”, thay mặt mình về triều báo cáo. Thứ sử luôn ở tại trị sở, thậm chí có tang cha mẹ cũng không được bỏ chức.  Giúp việc cho châu mục có các lại viên gọi là tòng sự sử. Ở Giao châu có bảy viên tòng sự sử giúp thứ sử coi việc dân và việc tuyển bổ. Coi việc quân sự có các quan binh tào tòng sự, biệt giá tòng sự, cùng hộ tống thứ sử khi đi tuần hành các nơi. Ngoài ra, còn các chức khác như bạc tào tòng sự coi việc sổ sách, tiền nong, thuế má, chức giả tá coi các việc văn thư, môn đình, tế tự v.v..

Đứng đầu mỗi quận là một viên thái thú, cũng ăn lương 2.000 thạch như thứ sử, có viên quận thừa giúp việc. Biên quận đặt một thừa trưởng sử để có thể thay mặt thái thú coi việc trong quận; chức vụ này về sau thay thế chức thái thú.  Thái thú mùa xuân đi tuần hành kiểm tra các huyện mùa thu sai một vài quan lại xét các việc án mục, thuế khoá. Cuối năm, một viên lại tâu báo lên trên.

Trong quân quyền hành của thái thú rất lớn. Ngoài các quan đô uý và các lại sử, tuỳ mỗi quận, còn đặt các chức diêm quan (thu thuế muối), thiết quan (thu thuế sắt), công quan (thuế sản vật, thủ công), thuỷ quan (thuế thuỷ sản, đầm ao). Ở Âu Lạc cũ, huyện lệnh vẫn là các Lạc tướng dưới huyện có một viên thừa và một vài viên uý, ngoài ra còn đặt các tào lại coi văn thư, sổ sách, v.v..
 
Như vậy, dưới thời Đông Hán, việc cai trị các châu quận ở vùng biên viễn, các thuộc quốc có phần thắt buộc chặt chẽ hơn, hà khắc hơn thời Tây Hán. Đi đôi với việc cai trị, việc khai thác kinh tế, Tô thuế thu cống phẩm cũng tăng cường mạnh mẽ hơn. Từ đây, mức độ đồng hoá và lối bóc lột của chúng nặng nề hơn.

Năm 34, Hán Quang Vũ cử Tô Định sang thay Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ. Mức độ bóc lột và đồng hoá dân ta của các quan lại Hán dưới quyền Tô Định càng trở nên khốc liệt hơn. Sử sách phản ánh, Tô Định là kẻ gian tham hơn các thái thú khác, y hễ “thấy tiền thì giương mắt lên”. Thái thú cùng bọn đốc bưu đốc thúc đồ cống, thu các thứ thuế ráo riết hơn, khống chế đè nén các Lạc tướng và con cháu họ ở cấp huyện dưới quyền. Chính vì thế dân chúng, quý tộc Âu Lạc vốn đã căm ghét bọn quan lại Hán tộc nay càng oán hận chính quyền đô hộ. Nhiều phong trào khởi nghĩa đã nổ ra, tiêu biểu hơn hết là cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo.


(1).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.1, tr. 178.
(2). Tam quốc chí, Ngô chí, Sĩ Nhiếp truyện.
(3). Lê Trắc: An Nam chí lược.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:21:08 pm »


II. KHỞI NGHĨA  HAI BÀ TRƯNG
SỰ THÀNH LẬP CHÍNH QUYỀN TỰ CHỦ TRƯNG VƯƠNG (40-42)

1. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40).

Trước sức bành trướng mạnh mẽ của đế chế Hán, với những lực lượng quân sự áp đảo và những thủ đoạn chiến lược chính trị, kinh tế, ngoại giao vừa trắng trợn, tàn bạo, vừa giấu mặt tinh vi, vừa chặt chẽ thắt buộc, vừa rộng rãi buông lỏng... kết hợp tuỳ nơi, tuỳ lúc khá tinh vi của kẻ xâm lược, người Việt đã dũng cảm nổi dậy kháng cự, tấn công quân Hán, chống áp bức, giết quan lại Hán. Phong trào lúc âm ỉ, lúc công khai, song nhìn chung, đó mới chỉ là những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, mang nặng tính chất manh động, địa phương, thiếu tổ chức, thiếu phối hợp chặt chẽ, cuối cùng đều bị thất bại.

Từ những năm đầu công nguyên, chính sách nô dịch và đồng hoá của triều đình phong kiến Đông Hán đã xô đẩy nhân dân Âu Lạc vào một cảnh ngộ lầm than không kể xiết; mâu thuẫn dân tộc càng mạnh mẽ hơn. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là kết quả tất yếu của tinh thần chống ngoại xâm của người Việt. Đó là cuộc nổi dậy chống chính quyền đô hộ Đông Hán của nhân dân Giao Chỉ, cùng với nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố dưới sự lãnh đạo của hai chị em Bà Trưng, giữa mùa xuân năm 40.

Hai Bà Trưng, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị là con gái Lạc tướng Mê Linh, vùng lãnh thổ Âu Lạc từ Ba Vì đến Tam Đảo, đất bản bộ cũ của các vua Hùng. Dưới thời Nam Việt, quận Giao Chỉ và Cửu Chân có hai sứ giả; đến thời Hán có thái thú và ở châu có thứ sử, nhưng ở huyện vẫn là lạc tướng trị dân như cũ. Chức Lạc tướng tương đương với chức huyện lệnh trong quan chế Hán. Sách Thuỷ kinh chú chép:

“Huyện Mê Linh là nơi Hán Vũ Đế đặt đô uý trị vào năm Nguyên Đỉnh” (111 TCN). Sách Giao châu ngoại vực ký chép: “Việt vương sai hai sứ giả làm chủ dân hai quận Giao Chỉ - Cửu Chân. Về sau, khi Hán sai phục ba tướng quân Lộ Bác Đức đánh Việt vương; Lộ tướng quân đánh Hợp Phố, Việt vương ra lệnh hai sứ giả đem 100 trâu bò, 1.000 vò rượu và sổ hộ khẩu dân hai quận ra dâng Lộ tướng quân. Lộ Bác Đức bèn phong hai sứ giả làm thái thú Giao Chỉ, Cửu Chân; các Lạc tướng cai trị dân như cũ’ (1).
 
Lạc tướng Mê Linh được coi là thuộc dòng dõi Hùng - Lạc, chắc chắn là một thủ lĩnh kiệt thiệt của người Việt. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: “Hai Bà Trưng họ Hùng”; sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “(Vua) tên huý là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc”; sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trưng Trắc họ Lạc, lại có biệt tính là Trưng” . Truyền thuyết của ta cũng nói Hai Bà Trưng là dòng dõi vua Hùng xưa. Như vậy, Trưng Trắc thuộc thành phần quý tộc Âu Lạc có danh vọng lúc đó (xin chú ý, thời đó dân ta không có các ký hiệu họ - tên kiểu Hoa như ngày sau vay mượn).

Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng Chu Diên. Chồng Trưng Nhị là Hùng Nguyên cũng ở Chu Diên (2).
 
Hai huyện Mê Linh và Chu Diên nằm sát liền nhau; hai gia đình Lạc tướng vừa là quý tộc lại là thông gia, cùng mưu toan sự nghiệp lớn, khiến thanh thế của họ càng thêm mạnh, uy danh càng thêm lớn. Theo sách Giao châu ngoại vực ký,  “con trai Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách lấy con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người gan dạ, dũng cảm giúp Thi làm giặc, đánh phá châu quận, khiến các Lạc tướng đều theo”.
 
Kết quả nghiên cứu khoa học hiện nay cho biết hai huyện Mê Linh và Chu Diên đã liên kết với nhau rất chặt chẽ về chính trị và quân sự. Huyện Mê Linh là một căn cứ chiến lược, có thế lực và hoàn chỉnh trong lãnh thổ Âu Lạc cũ, nên Mê Linh đã trở thành thủ phủ của bộ Giao Chỉ gồm bảy quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô và Nam Hải, trong đó quận Giao Chỉ là quận quan trọng nhất, vì đất đai rộng lớn nhất, dân cơ đông đúc và kinh tế phát triển nhất. Thi Sách là một tướng giỏi; Hùng Nguyên chồng Bà Trưng Nhị cũng là một tướng quân, một thủ lĩnh quân sự thuộc tầng lớp quý tộc. Do đó, sau này hai bà trở thành những người đứng đầu tầng lớp quý tộc ở cả Mê Linh và Chu Diên.


(1). Dẫn theo Thủy kinh chú sớ bản của Từ Hành Khoa do Trung Quốc khoa học viện đồ thư quán ảnh ấn, q. 37, t.13a.
(2). Huyện Chu Diên là đất châu thổ, có hai sông lớn chảy qua là sông Nhị và sông Đáy, phía đông là Hưng Yên, phía đông giáp sông Luộc (Thái Bình), phía nam đến Kim Bảng, Duy Tiên (Hà Nam), phía bắc đến vùng Đan Phượng (Hà Tây). Trung tâm chính trị, kinh tế của Chu Diên có thể là vùng ngã ba sông Nhuệ, sông Tô Lịch, tức vùng Đại áng, Lạc Thị, Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô, nay là ngoại thành Hà Nội. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách là do chuyên sử chép. Chồng Trưng Nhị là Hùng Nguyên chỉ là huyền tích. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:21:57 pm »

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:26:35 pm »

Thi Sách có mưu lược lớn, liên kết những người thuộc dòng dõi vua Hùng và con em các Lạc tướng, Lạc hầu mưu chống Tô Định, tên thái thú tham lam tàn ác trị nhậm quận Giao Chỉ, nhằm lật đổ nền đô hộ Đông Hán. Việc bị bại lộ, Thi Sách cùng nhiều đồng sự khác bị Tô Định giết (1).

Thần tích Thiều Hoa công chúa ở Hiền Quan, Tam nông ghi rằng: “Non sông mờ mịt nòi giống lầm than với một chính sách tham tàn bạo ngược, như Tô Định đã bắt dân xuống bể mò ngọc trai, lên rừng tìm ngà voi. Nhân dân không chịu những sự tàn ác ấy, cho nên ông Thi Sách đã chống lại, liền bị Tô Định giết”.

Cùng với Thi Sách, nhiều hào kiệt khác cũng nuôi chí lớn, ngậm mối thù tụ nghĩa chờ thời. Trước khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã có nhiều anh hùng chiêu mộ nghĩa binh, tìm gặp hào kiệt, ngày đêm luyện tập chờ ngày vùng dậy đánh đuổi giặc nước.

Sách Hậu Hán thư chép: “Thái thú Tô Định lấy pháp luật ràng buộc, Trắc oán giận cho nên làm phản”. Theo Thuỷ kinh chú thì Trưng Trắc “cùng Thi Sách khởi binh đánh phá châu quận”. Như vậy, chính sách cai trị thắt buộc, tàn bạo của nhà Đông Hán mà đại diện là thái thú Tô Đình đã thôi thúc Trưng Trắc cùng Thi Sách họp mưu tính kế nổi dậy kháng Hán và được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Đặc biệt, Trưng Trắc được bà mẹ (tên truyền thuyết là Man Thiện, hết lòng cổ vũ giúp đỡ trong việc tổ chức lực lượng, giao thiệp với các quan lang, phụ đạo, thủ lĩnh trong các vùng xung quanh, động viên và chiêu mộ nghĩa binh cùng dân chúng tham gia khởi nghĩa (2).
Theo truyền thuyết và sử cũ, hành vi tàn bạo của Tô Định, giết chết Thi Sách đã không làm Trưng Trắc nản chí, mà trái lại càng làm cho bà cùng em gái là Trưng Nhị thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, rửa nợ nước, trả thù nhà, dựng lại cơ nghiệp xưa của các vua Hùng (3).

Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ cửa sông Hát (tức Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây). Theo truyền thuyết dân gian và thần tích đền Hát Môn - đền thờ chính Hai Bà Trưng - nơi đây hai bà đã dựng một điện thờ trước khi nổi dậy. Trước hàng quân cùng đông đảo dân chúng Mê Linh,Trưng Trắc đã long trọng đọc lời thề đánh giặc:

Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bôn xin vẻn vẹn sở công lênh này!
                                                                                               
                                                                                       (Thiên Nam ngữ lục)
Cuộc khởi nghĩa bùng nổ vào mùa xuân năm 40. Sách Hậu Hán thư chép: “Mùa xuân, tháng hai, niên hiệu Kiến Vũ thứ 16” (4). Có lẽ việc chọn thời điểm phát động khởi nghĩa không phải là ngẫu nhiên. Mùa xuân, đặc biệt là tháng hai, là mùa sôi sục từ núi rừng thượng du đến châu thổ hạ du, không khí của những lễ hội nông nghiệp truyền thống hằng năm của người Việt.
 
Đó là mùa sinh hoạt cộng đồng của các làng chạ cổ xưa và trong không khí náo nức, rộn ràng mà nghiêm trang kỳ vĩ của mùa xuân ấy, những người Việt cổ làm nghề nông thường hội họp để bàn bạc, quyết định những việc lớn hệ trọng trên chu kỳ đời sống của mình, trong cả một năm mới. Chọn thời điểm khởi nghĩa vào dịp hội xuân, mùa trai gái giao duyên họp bạn, là chọn lựa một nhân tố bất ngờ về thời gian, kẻ địch bị bất ngờ, không phòng bị trước mà dân gian thì dễ dàng tập hợp lực lượng.
 
Vì thế khởi nghĩa Hát Môn đã có tiếng vang lớn, dễ dàng và nhanh chóng truyền lan khắp các địa phương với không khí hừng hực sôi sục của mùa xuân trong lòng người cũng như ở ngoài đất trời.  Chính nghĩa được nêu ra sáng rõ trong Lời thề sông Hát.  Trưng Trắc tự xem mình là dòng dõi vua Hùng và tự đặt cho mình nhiệm vụ khôi phục sự nghiệp xưa của vua Hùng. Đó là nền tảng tư tưởng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; đó cũng là nền tảng của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt ngàn năm chống Bắc thuộc mở đầu bằng cuộc nổi dậy từ sông Hát.


(1). Trong công trình nghiên cứu của Taylor: Sự ra đời của nhà nước Việt Nam viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã căn cứ vào các tài liệu lịch sử nhà Hán có nói khác rằng, Thi Sách không bị giết; cho rằng tên chồng của Trưng Trắc là Thi và là một tướng tham gia khởi nghĩa (?). Sách Thủv kinh chú cũng có ghi như vậy (?).
(2). Theo truyền thuyết dân gian và thần tích miếu Mèn và đình Nam Nguyễn, mẹ của hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị người làng Nam Nguyễn (huyện Ba Vì, Hà Tây). Ở đó nay còn mộ của bà gọi là Mả Dạ. Bà được coi là cháu chắt bên ngoại vua Hùng, goá chồng sớm, đảm đang nuôi dạy hai con gái trồng dâu nuôi tằm và mời thầy đến dạy võ nghệ.
(3). Hậu Hán thư, q.1, hạ, t. 10a.
(4). Hậu Hán thư, q.1, hạ, t.10a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:32:33 pm »


Nội dung của Lời thề Trưng Trắc nồng đượm tính chất anh hùng, kết hợp giữa nợ nước và thù nhà, cái riêng tư không lấn át cái nghĩa lớn, lý nước tình nhà đều thấm sâu, trọn vẹn (1).

Từ Mê Linh, từ sông Hát, từ núi rừng Ba Vì, lời thề của nghĩa quân, của chủ tướng vang vọng, lan truyền. Nghĩa quân Hai Bà Trưng, được dân chúng khắp vùng hưởng ứng, cả gái cả trai ào ào xuất trận. Quân đi tới đâu như gió lướt tới đấy:

Ngàn Tây nổi áng phong trần
ầm ầm binh mã xuồng gần Long Biên

                                                                                               (Đại Nam quốc sử diễn ca)
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng được nhiều người yêu nước, nhiều đội quân khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa, được sự hưởng ứng của cả Lạc tướng, Lạc dân toàn lưu vực sông Hồng (quận Giao Chỉ).
 
Người Việt xưa có cách ghi nhớ các sự kiện lịch sử theo lối riêng: Họ đã dựng đền thờ các nhân vật  lịch sử để ghi công lao của các anh hùng có công với nước.  Khắp lãnh thổ Âu Lạc xưa, trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Bộ, có hàng trăm đình đền được dựng lên từ xa xưa để thờ phụng, tưởng nhớ các nữ tướng trẻ anh hùng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Riêng ở Phú Thọ và Vĩnh Yên đã có 85 đền thờ, Hà Nội có 24 đền thờ, Hà Tây có 41 đền thờ hai bà và các tướng. . .

Gắn với những di tích đó là một kho tàng truyền thuyết, một loạt tín ngưởng, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá dân gian ca ngợi những anh hùng chống ngoại xâm. Cũng cần nhận rõ rằng, trong xã hội người Việt bấy giờ còn mang nặng cơ cấu cổ truyền, trong một thời gian dài sau đó vai trò và địa vị của phụ nữ trong sản xuất, trong sinh hoạt xã hội còn rất cao. Trong dân gian vẫn có thói quen Tôn trọng phụ nữ, đánh giá cao vai trò của họ trong chiến đấu giữ nước.
 
Vì vậy, không những khi hai bà còn cầm quân xướng nghĩa, nơi nơi đều hưởng ứng mà trong số các tướng quân của hai bà có rất nhiều nữ tướng. Trong Bộ chỉ huy cũng như đội ngũ nghĩa quân đông đảo có đủ mặt các lớp người trong xã hội, trong đó nổi bật lên vai trò quan trọng của phụ nữ với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Dưới trướng của hai bà có rất nhiều nữ tướng.
 
Kết quả điều tra một số địa phương cho thấy số tướng nữ thường chiếm tỷ lệ khoảng từ một phần ba đến một nửa. Trong số 69 tướng của hai bà ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc có 32 tướng nữ. Hà Nội có 7 tướng nữ, trong số 23 . Hà Tây có 9 tướng nữ trong số 40. Họ hầu hết là những cô gái mười sáu đôi mươi, đầy hăng hái, nhiệt tình và yêu nước.

Bên cạnh đó, cũng rất nhiều tướng nam, từ trẻ đến già.  Những vị đó luôn gắn liền với từng địa phương, hoặc là thành hoàng thờ trong đình làng, hoặc là những vị thẩn thờ trong đền miếu . . . , tất cả đều được nêu tên với tấm lòng ngưỡng mộ, kính trọng trong nhân gian đã trải bao đời (2). Đây là những sự kiện văn hoá dân gian, nhưng có lẽ nó vẫn có một cái nền lịch sử, và đã phát sáng rực rỡ từ buổi đầu công nguyên đến hàng ngàn năm sau đó.


(1). Đây là một ngôn từ muộn mằn hơn ngàn năm sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nên chứng Tôi nêu lên một giả thiết như vậy, e rằng nó khó phản ánh thật sự tâm tư người Việt thời đầu công nguyên.
(2). Xin tham khảo thêm:
Lưu Quốc Hùng: Một sô di tích còn lại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Luận văn tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1972.
- Nguyễn Thị Minh Hiển: Tính nhân dân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Luận văn tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1972.
- Nguyễn Ngọc Chương: Bước đầu giới thiệu một số nguồn tư liệu xung quanh di tích lịch sử thuộc cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 146, 10-1972.
- Danh sách các nơi thờ Hai Bà Trưng và tướng của Hai Bà Trưng, tư liệu của Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, lập ngày 6-7’1972. Theo thống kê trong 15 huyện, có 51 xã thờ 62 tướng (trong đó có 32 nữ tướng) và 21 tì tướng (trong đó có 10 tì tướng nữ người Mường).
Vũ Tuấn Sán: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại thủ đô Hà Nội (qua một số di tích lịch sử), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 149, tháng 3 và 4-1973. Trong 24 địa điểm lịch sử ở nội ngoại thành có liên quan đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng có 23 tướng (trong đó có 7 tướng nữ) được thờ phụng.
Hoàng Hữu Lượng: Vấn đề chiến trường Lãng Bạc và cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, Luận văn tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1982. Hai cụm các đền thờ nam tướng.  nữ tướng của Hai Bà Trưng tập trung ở vùng Gia Lương, Bắc Ninh:
1. Vùng sông Lục Đầu ở cửa sông Đống - bờ nam sông Đống, bờ tây sông Lục Đầu (tác giả ghi đây là chiến trường Lãng Bạc?);
2.Vùng núi Thiên Thai, một điểm chốt quan trọng của nghĩa quân.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:33:30 pm »

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2008, 07:35:56 pm »


Tham gia cuộc nổi dậy toàn dân đó có đủ mọi thành phần tộc người và thành phần xã hội trên lãnh thổ nước ta lúc bấy giờ. ‘Người Man Lý” là tất cả các thành phần dân tộc ở miền xuôi và miền ngược, người Lạc Việt cũng như người Âu Việt, là toàn thể cư dân nước Âu Lạc thuở đó. Lạc tướng và Lạc dân, trai cũng như gái, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội đều tụ họp lại trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

Từ Mê Linh, từ Giao Chỉ, phong trào nổi dậy chống chế độ áp bức thống trị hà khắc của bọn quan lại Đông Hán lập tức được sự hưởng ứng của nhân dân các châu quận khác, được các Lạc tướng người Việt ở Nam Việt và cả Âu Lạc tham gia. Hậu Hán thư chép: “Đến năm (Kiến Vũ) thứ 16, người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị làm phản, đánh phá châu quận, Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Niên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng.  Gồm chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ còn giữ được thân mình mà thôi” (1).

 Nhân dân Tày, Nùng ở Việt Bắc, nhân dân Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc) còn giữ nhiều kỷ niệm và truyền thuyết về Hai Bà Trưng. Ở phía nam hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc) còn có “miếu Bà Trắc”, thờ Trưng Trắc.  Theo Hậu Hán thư (quyển 54 và quyển 86), những người Man, người Lý, tức là các tộc Việt ở phương Nam ở bốn quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều nhất tề nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa toàn dân rộng lớn này để lại biết bao tấm gương cảm động. Nhiều gia đình hầu như cả nhà cùng đánh giặc: ba mẹ con bà Man Thiện, năm mẹ con bà Lê Thị Hoa (Thanh Hoá), vợ chồng Phương Dung - Đào Kỳ (Hà Nội), hai chị em Nguyệt Thai - Nguyệt Độ (Nam Định), ba anh em họ Đào (Hà Nội), v.v.. Tình cảm “nước mất nhà tan”, “tình làng nghĩa nước” đã được dấy lên, bắt đầu từ các làng chạ toả lan cả nước. Có tác giả gọi đây là “chủ nghĩa yêu nước xóm làng”.

Tư liệu lịch sử hạn chế không cho phép hiểu biết toàn diện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chúng ta chỉ có thể hình dung diễn biến của phong trào này như sau:

Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Mê Linh (Giao Chỉ). Bắt đầu là đánh phá đô uý trị của giặc ở đây. Tiếp đó, hai bà tiến quân xuống miền đông, vùng Tây Vu (Cổ Loa) . Nghĩa quân đánh chiếm và nghỉ tại Cổ Loa. Từ Cổ Loa, nghĩa quân vượt sông Hoàng, sông Đống, xuôi sông Dâu đánh chiếm Luy Lâu (Liên lâu - Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh) là châu trị và quận trị Giao Chỉ, là thủ phủ của chính quyền đô hộ. Đây là vị trí quan trọng nhất của chính quyền nhà Đông Hán ở phương Nam. Đòn tiến công chiến lược vào cơ quan đầu não ở Luy Lâu khiến quân giặc choáng váng. Cả bộ máy chính quyền đô hộ xây dựng trên 200 năm, qua mấy triều đại phong kiến nước ngoài rung chuyển và sụp đổ từng mảng.

Trước khí thế ngút trời của phong trào quần chúng nổi dậy, bọn đầu sỏ địch hết sức hoảng sợ, không kịp và không dám chống cự, bỏ lại của cải, giấy tờ, ấn tín chạy tháo thân về phương Bắc. Bản thân thái thú Tô Định phải cắt tóc, cạo râu mới thoát chết, sống sót lẻn trốn về Nam Hải (Quảng Đông).  Sách Hậu Hán thư nói rằng, thái thú tháo chạy “chỉ kịp giữ lấy thân mình” mà thôi. Sau này, Mã Viện dâng sớ tâu lên vua Hán tố cáo Tô Định tham lam hèn nhát: “Thấy tiền thì giương mắt lên, thấy địch thì cụp mắt xuống”, vì thế Tô Định đã bị vua Đông Hán hạ ngục trị tội.

Giải phóng toàn bộ Giao Chỉ, uy tín của Hai Bà Trưng lên cao, Lạc tướng và nhân dân ở các quận huyện khác đều đứng lên chống Hán. Nhân dân khắp các vùng ở Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm và Hợp Phố, kẻ trước người sau theo thủ lĩnh địa phương nổi dậy đập tan chính quyền đô hộ Hán ở cấp quận, huyện. Các thủ lĩnh địa phương, các Lạc tướng đều tuyên bố theo phục Hai Bà Trưng. Sử chép, Trưng Trắc “công phá châu quận, hàng phục được các Lạc tướng, họ đều suy Tôn Trắc làm vua” (Thuỷ kinh chú).

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thắng lợi hoàn toàn.  Cả một vùng lãnh thổ rộng lớn của người Việt từ Quảng Đông, Quảng Tây, có thể đến tận Quảng Nam, bao gồm 65 huyện thành đã được giải phóng. Đó là kết quả của sự thức tỉnh dân tộc, là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh, khi âm thầm lúc công khai của người Việt cổ. Đó là thắng lợi của phong trào nổi dậy của toàn dân dưới sự lãnh đạo của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trưng Trắc được Tôn làm vua chứng tỏ uy tín và tài năng của bà. Đấy là nét son của truyền thống phụ nữ Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa nói trên là sự bùng nổ tất yếu của một tinh thần, một ý thức mong muốn một lối sống khác, một nền văn hoá khác Hoa Hạ đã phát triển của nhân dân ta trước một thử thách lớn lao của lịch sử. Nhân dân ta nhất tề vùng dậy chiến đấu một mất một còn với kẻ thù không phải do phản ứng tự phát có tính chất bản năng khi cuộc sững vật chất bị chà đạp, mà với ý thức sâu sắc quyết giữ gìn văn hoá Việt quyết “đem lại nghiệp xưa họ Hùng” như Lời thề sông Hát đã khẳng định. Đó là một bước phát triển sớm của lịch sử văn hoá tộc người, chứng tỏ sự cố kết cộng đồng trên một nền tảng văn hoá thống nhất của cả một thời đại hàng trăm, hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước trước đó đã tạo lập nên.


(1). Hậu Hán thư nói là lấy được 65 thành. Đây không phải là thành luỹ của quân đội và chính quyền thống trị. Đời Đông Hán, mỗi huyện có một thành: Giao Chỉ 12 thành, Cửu Chân 5 thành, Nhật Nam 5 thành, Hợp Phố 5 thành, Nam Hải 7 thành, Thương Ngô 11 thành, Uất Lâm 11 thành. Tổng cộng gồm 56 thành. Song ở thời Trưng Trắc số thành đó còn ít hơn; về sau, khi Mã Viện đàn áp được phong trào Trưng Vương, đi đến đâu y còn xây thành cho các huyện đó: điều ghi chép trên chứng tỏ phong trào Hai Bà Trưng toả rộng và thắng lợi rực rỡ. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM