Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:11:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106546 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #90 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 10:08:46 am »

2. Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)

Đầu thế kỷ VIII, chính sách quân điền triều Đường bị phá sản. Bọn đại quý tộc các nơi nổi lên cướp ruộng đất của nông dân, lập trang trại riêng. Trong tình hình đó, bọn đô hộ ở các châu phủ xa cũng ra sức hoành hành, hạch sách nhân dân. nông dân phải nai lưng đóng thuế, lặn lội nơi rừng sâu để tìm hương liệu quý, xuống biển sâu để mò ngọc trai nộp quan lại. Cùng với những lao dịch nặng nề đó, hằng năm  nhân dân ta còn phải chuyền nhau gánh vải và nhãn tươi nộp cho nhà Đường.

Sự nhũng nhiễu, ách áp bức bóc lột nặng nề về Tô thuế và lao dịch đã dẫn đến sự bùng nổ các phong trào chống đối mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ở Hoan châu. Hai câu đồi của người đời sau ghi lại ở đền thờ trên núi Hùng:

                                                 Lý Đường vũ trụ kinh thương hải,
                                                         Hoan, Diễn sơn hà tự cổ kim.


(Nghĩa là: Vũ trụ thời Lý - Đường đã trải qua biết bao dâu bể, mà sông núi Hoan, Diễn tự ngày xưa vẫn thế!). 

Mai Thúc Loan - sử sách nhà Đường còn gọi là Mai Huyền Thành - quê ở Mai Phục, một làng chuyên làm muối ở vùng ven biển thuộc xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

Đây trước là một vùng đất cao ven biển, gần cửa Sót (Thạch Kim), tổ tiên dòng họ Mai đến đây lập nghiệp ở trên gò đất cao và san đất thành bãi phơi nước biển làm muối để sinh sống, dần dần hình thành một làng làm muối với tên gọi là Mai Phụ (1) (gò đất họ Mai).
 
Cư dân ở đây phần lớn họ Mai, cuộc sống vất vả, suốt ngày phơi nắng tắm gió biển, khiến cho nhân dân ai nấy đều da đen sạm. Mai Thúc Loan sống với mẹ và cùng mẹ dời nhà lên vùng Ngọc Trừng (huyện Nam Đàn). Ông nhà nghèo, phải làm nghề kiếm củi để sống, sau đi ở cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. ông rất khoẻ và sáng dạ, người đen trũi, khoẻ mạnh, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng.

Sử cũ viết rằng, Mai Thúc Loan lớn lên da  đen như sắt, “thân dài hơn bảy thước”, khí độ hùng vĩ, mọi người đều sợ phục” (2) .

Cũng như mọi người dân đất Việt, Mai Thúc Loan phải đi phu trên giấy tờ quy định, nhân đinh phải chịu lực dịch cho chính quyền (mỗi năm từ 20 - 50 ngày), quanh năm phục dịch vất vả cho bọn quan lại đô hộ nhà Đường.


(1) Ở Mai Phụ năm 1999 đã phát hiện ra giếng Chăm ở vùng này. Đây là vùng giáp ranh Việt - Chăm và rất có khả năng Mai Thúc Loan có dòng giống Chăm - Việt.
(2). Theo truyền thuyết, mẹ Mai Thúc Loan sinh con phải vất vả kiếm sống mới nuôi nổi. Dần dần do chịu không nổi ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn diêm quan, lại là phận gái yếu ớt, bà phải cõng con bỏ làng ra đi, tha phương cầu thực. Trên đường kiếm ăn, bà đã dừng lại ở thôn Ngọc Trừng, làng Xa Lệ (thuộc Nam Đàn, Nghệ An). ở đây ngày ngày bà đi làm thuê, cấy mướn hoặc vào núi Giẻ hái củi về bán lấy tiền mua gạo nuôi con. Mai Thúc Loan lớn lên trong cảnh nghèo khô đó đã phải đi chăn trâu cho nhà giàu ở địa phương. Nhờ sức khoẻ bẩm sinh, Loan lớn lên nhanh như thổi, lại vốn thông minh nhanh nhẹn, nên chỉ học mót qua con nhà chủ mà đọc được sách. Trong các cuộc đấu vật ở đàng, ông tham gia và đều thắng cuộc, được mọi người khâm phục và quý chuộng. Nhờ đó, ông làm quen được nhiều thanh niên trai tráng trong vùng, vừa sớm được họ tôn trọng vừa hiểu được nguyện vọng chung của người dân lao động ở địa phương.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2009, 09:45:22 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #91 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 10:12:24 am »


Nhân dân ta đang khổ cực vì tệ áp bức, bóc lột nặng nề của bọn quan lại. Ngoài Tô ruộng, bọn thống trị còn bắt dân ta phải nộp các sản phẩm thủ công, nộp thuế đinh, đi lao dịch, vào rừng kiếm sừng tê, ngà voi, lông trả, trầm hương..., không ít thanh niên bị bắt đi lính và làm Nô lệ phục dịch cho quan lại đô hộ. Bọn vua quan đô hộ rất thích ăn hoa quả ngon của người Việt. Vải tươi là một trong những thứ mà bọn vua chúa, quý tộc nhà Đường rất ham thích. Hằng năm, cứ đến mùa vải chín, hàng loạt thanh niên trai tráng bị bắt gánh vải và chuyền nhau từ An Nam sang tận kinh đô Tràng An cách xa hàng vạn dặm.

Ở Nam Đàn (Nghệ An) còn truyền lại một bài hát chầu văn kể tội bọn đô hộ nhà Đường, vạch rõ nỗi thống khổ của nhân dân. Quan lại, quân lính nhà Đường về làng đánh đập dân, vơ vét tư lụa, tiền thóc, bắt phu và bắt dân phải cống nộp vải quả:

“Nhớ khi nội thuộc Đường triều,
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê tai
Sâu quả vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon”.

Cảnh lao dịch nói trên đã khiến nhiều người không chịu nổi, phải chết dọc đường; không những thế, việc thu gom vải tươi lại là một dịp cho bọn quan lại đô hộ thả sức hạch sách, hành hạ nhân dân ta.

Sống trong cảnh bị hạch sách, bóc lột như vậy, Mai Thúc Loan cũng như một số bạn bè rất căm giận. Theo Đường thư, Dương Tư Húc truyện, đầu thời Khai Nguyên vào một năm được mùa vải tươi, Mai Thúc Loan bị bắt làm phu gánh vải đi cống cho triều Đường. Truyền thuyết kể lại rằng, do ông có sức khoẻ lại được mọi người mến phục, bọn quan lính nhà Đường đi áp tải đã cho ông phụ giúp việc đốc thúc dân phu. Sau mấy ngày đi đường mệt mỏi, gặp lúc trời nắng nóng, mọi người đều khát nước rát cả họng. Ông thấy đã đến lúc hành sự bèn xin bọn quan lính áp tải cho mọi người được nghỉ để rồi đi nhanh hơn. Lợi dụng lúc bọn chúng lăn ra ngủ vì mệt, ông bèn cùng với mọi người vùng lên giết hết lũ quan lính áp tải và truyền cho mọi người bỏ vải ra ăn hết, xong ai nấy về quê nhà chuẩn bị khởi nghĩa.

Theo thần tích đền Đông Liệt, ông cho người đi các nơi vận động nhân dân tham gia. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông, hàng trăm người của các phường săn quanh vùng và sau đó nhân tài, hào kiệt khắp các châu Hoan, Diễn, Ái (Thanh Nghệ Tĩnh) cũng đến tụ họp dưới lá cờ nghĩa. Thế lực nghĩa quân dần dần thêm mạnh.

Sử nhà Đường chép rằng, Mai Thúc Loan đã liên kết được với các tù trưởng và dân chúng 32 châu chung quanh.
Những người có nghĩa khí các nơi, nghe tin Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa, đã kéo nhau đến tụ hội. Một hào tộc họ Trần ở làng gần đấy đã đem người nhà và trai tráng trong làng đến gia nhập, được Mai Thúc Loan giao quản lãnh đạo quân phía đông (sau này, nhân dân lập đền thờ gọi là quản đông phương chi thần). Một người khác giỏi võ, đã được Mai Thúc Loan cho thống lĩnh quân thuỷ bộ, đóng bản doanh tại Đông Liệt (nhân dân gọi là thống lĩnh thuỷ bộ quân chi thần). Hai anh em họ Phan ở làng Khai Xưng, có tài văn võ, cũng đem hơn 100 con em đến theo nghĩa quân. Mai Thúc Loan đã phong người anh làm tướng chỉ huy quân cánh trái, đóng tại Biếu Sơn; phong người em giữ chức chỉ huy quân tiên phong ở cánh nam, đóng đồn ở Liêu Sơn (được nhân dân phong anh là chưởng tả đông dực dũng lược chi thần, em là chưởng tiền nam dực dũng lược chi thần).

Lợi dụng địa thế vùng Sa Nam, một vùng rừng núi rậm rạp cạnh sông Lam (thuộc Nghi Xuân), Mai Thúc Loan cùng nghĩa quân xây dựng căn cứ chống giặc. ông lấy Vệ Sơn làm trung tâm và đóng đại bản doanh.

 Thời xưa Vệ Sơn và Nam Sơn nối liền nhau, tre gỗ mọc san sát, ken kín nhau nhiều đoạn hình thành những tường luỹ tự nhiên. Dọc bờ sông Lam, nghĩa quân đắp một hệ thống chiến lũy dài hơn ngàn mét. Đấy là thành Vạn An nổi tiếng, có núi Đụn (Hùng Sơn) làm chỗ dựa; phía trong núi là dải thung lũng rộng vài thục mẫu, có nhiều đồn trại đóng ở cạnh sườn gần quanh núi. Bao quanh khu trung tâm (Vệ Sơn), nghĩa quân xây dựng một hệ thống đồn trại nương dựa vào nhau: Biếu Sơn bảo vệ cánh tả, Liêu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn cạnh thành Vạn An, là đồn của chủ tướng, thống Linh cả hai đạo quân thuỷ, bộ.  Hùng Sơn phía sau cách Vệ Sơn 2 km. Mai Thúc Loan chọn làm nơi cố thủ khi căn cứ trung tâm bị địch chiếm. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #92 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 10:14:40 am »


Trong núi Hùng có một thung lũng rộng vài chục mẫu có thể làm nơi vừa sản xuất lương thực, vừa dựng doanh trại, đặt lò rèn đúc vũ khí chiến đấu lâu dài. Sông Lam chạy vòng quanh núi, tạo nên một cái hào tự nhiên lợi hại. Nghĩa quân còn đắp luỹ ở dọc bờ sông Lam nối tiếp Vệ Sơn. Trên lũy cắm cọc gỗ, quanh lũy có rào tre bao bọc toàn khu căn cứ Sa Nam nhằm ngăn chặn thuỷ quân của giặc. Để bảo vệ căn cứ trung tâm Sa Nam, Mai Thúc Loan còn cho xây dựng khu chiến đấu ở phía nam núi Hồng Lĩnh, có núi Can Mai làm sở chỉ huy phía sau, có núi Tháp Cờ cắm cờ hiệu, núi Cụ Hắc (chỉ Mai Hắc Đê) có lầu voi khe ngựa tắm...

Mai Thúc Loan xưng đế và đóng đô ở thành Vạn An. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế (vua đen họ Mai). Đấy cũng là sự bác bỏ hiên ngang quyền thống trị của đế chế Đường trên đất nước ta, vào giữa lúc nhà Đường đang đạt đến độ cực thịnh dưới thời Huyền Tông (Đường Minh Hoàng, 712 - 756). 

Người Việt miền xuôi cũng như tù trưởng và dân chúng miền núi thuộc các châu kim của Hoan châu đô đốc phủ đều nhiệt liệt hưởng ứng cuộc khởi nghĩa . Chính quyền đô hộ địa phương lần lượt bị tiêu diệt. Mai Hắc Đế còn cử người giao thiệp, liên kết với các nước Chăm pa ở phía nam, Chân Lạp ở phía tây và cả nước Kim Lân (Malaixia hiện nay) đặng có thêm lực lượng chống nhà Đường.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư thép: “Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn” (1). Nghĩa quân bao vây và chiếm châu lỵ Hoan châu rồi từ đấy đánh ra Ái châu và Giao châu. Đúng như lời nhân dân ca ngợi:

Tiếng hô hưởng ứng bốn phương,
Uy danh bách chiến khiến Đường phải kinh.
Sông Lam trăng lấp sóng kình,
Núi Hùng sớm đã bặt hình sói lang.

Từ Vạn An, có một số quân từ các nước khác giúp sức, nghĩa quân đã tiến ra Bắc, tiến công phủ thành Tống Bình.  Trước khí thế ngút ngàn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt, bè lũ đô hộ Quang Sở Khách đã bỏ thành chạy tháo thân về nước.

Đất nước ta được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức theo Mai Hắc Đế, lực lượng nghĩa quân phát triển tới hàng chục vạn người (sử nhà Đường chép là 40 vạn). Nhân dân nhiều nơi ở Giao châu cùng nổi dậy. Có nơi phong trào bùng lên khá mạnh như ở vùng Bình Hà (Thanh Hà, Hải Dương). Ở đây, năm anh em họ Nguyễn đã tổ chức nhân dân nổi dậy, đánh chiếm huyện thành. Ở vùng Đường Lâm (Cam Lâm, Ba Vì, Hà Tây) một người họ Phùng kêu gọi nhân dân nổi dậy rồi sau đó theo Mai Hắc Đế. 

Nhưng vào thời điểm này chính quyền nhà Đường còn trong giai đoạn thịnh đạt. Đường Minh Hoàng cử ngay tướng nanh vuốt Dương Tư Húc, thống lĩnh 10 vạn quân tinh nhuệ cùng quan đô hộ An Nam Quang Sở Khách tiến sang đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Năm 722, quân giặc tiến công Tống Bình rồi đánh vào Hoan châu. Trước thế giặc hung bạo và có tổ chức, Mai Thúc Loan buộc phải lui quân về thành Vạn An cố thủ. Các tướng thống lĩnh quân thuỷ, bộ, quân đông phương, chưởng tả đông dực, chưởng tiền nam dực, bạch kha . . . đã phối hợp chiến đấu chống giặc quyết liệt.

Sau nhiều trận đánh khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, Mai Hắc Đế thất trận, nghĩa quân tan vỡ, một bộ phận phải rút vào rừng. Quân xâm lược nhà Đường đàn áp, tàn sát nhân dân rất dã man, chất xác nghĩa quân thành gò cao ở giữa bãi Sa Nam, gọi là Kình Quán, để ghi chiến công chinh phục, đề cao uy thế Thiên triều, và hòng đe doạ nhân dân ta. Tội ác của giặc ngày càng chồng chất cao lên mãi.

(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.190; Tân đường thư, Dương Tư Húc truyện, chép số quân của Mai Thúc Loan là 40 vạn người.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #93 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:05:03 pm »


Theo truyền thuyết dân gian, Mai Hắc Đế bị bệnh, chết ở trong rừng (có tài liệu nói ông bị rắn độc cắn chết ở Hùng Sơn). Nhân dân ta đời đời nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông ở núi Vạn Sơn (núi Vệ) và trong thung lũng Hùng Sơn.  Một bài thư chữ Hán còn ghi trong Tiên chân báo huấn tân kinh để ở đền, ca tụng công đức ông như sau tạm dịch):

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công
Lam thuỷ trăng in, tăm giặc lặn.
Hùng Sơn gió lặng, khói lang không.
Đường đi công vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.


Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa lớn này, bọn quan lại đô hộ cũng có chùn tay và nhượng bộ. Nhà Đường không dám bắt nhân dân ta nộp cống vải quả hằng năm nữa.

3. Cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng (766-779) và nền tự chủ mong manh (780-791)

Từ giữa thế kỷ VIII, Trung Quốc sau một thời kỳ phồn vinh dưới đời vua Huyền Tông trong các niên đại Khởi Nguyên và Thiên Bảo, đã bắt đầu suy yếu. Vua Đường Huyền Tông say đắm Dương Quý Phi, nên bỏ bê việc triều chính, quyền hành lọt vào tay Dương Quốc Trung. Các thế lực địa phương nhân đó nổi lên cát cứ, chiếm đoạt ruộng đất của nông dân; các tiết độ sứ vùng biên cương phát triển mạnh, mâu thuẫn giữa trung ương với địa phương trở nên sâu sắc.

Chiến tranh giữa “phiên trấn” và “triều đình” - mà đỉnh cao là giữa triều đình với thế lực địa phương mạnh nhất ở miền bắc là An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, sử sách gọi tắt là “loạn An - Sử” - càng làm cho nhà Đường lụn bại. Uy quyền tiết độ sứ và đô hộ phủ ngày càng tăng, chúng tự ý trưng thu thuế má, tha hồ vơ vét của cải và bóc lột nhân dân địa phương.

Vụ loạn An Lộc Sơn kéo dài tám năm (755 - 763), là một cái mốc lớn đánh dấu triều Đường bước vào thời kỳ suy yếu Các thế lực địa phương ngày càng lớn mạnh và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổi lên khắp nơi, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Vương Tiêu Chi và Hoàng Sào lãnh đạo.
 
Bấy giờ, trên miền đất nước ta, Cao Chính Bình, hiệu uý châu Vũ Định (vùng Việt Bắc), năm 767 giúp kinh lược sứ An Nam Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Y ra sức bòn rút của cải của nhân dân ta, đánh thuế rất nặng. 

Trương Bá Nghi trong chức vụ kinh lược sứ đã cho tu sửa La Thành ở Tống Bình để đề phòng sự phản kháng của dân chúng. Tuy vậy, các cuộc phản kháng của nhân dân vẫn nổ ra ở nhiều nơi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Đường Lâm do Phùng Hưng lãnh đạo. 

Vào khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 - 779), chưa rõ đích xác vào năm nào nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi loạn, người hào trưởng đất Bình Lâm (nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Tây) là Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ. 

Ông cha họ Phùng đời đời làm quan lang ở châu Đường Lâm, nhà giàu, có uy tín lớn đối với nhân dân quanh vùng.  Hằng năm những lúc nhân dân đói kém, họ Phùng thường đem bán thóc lúa, chẩn cấp, nên rất được nhân dân quý mến.  Trong ký ức lâu đời của nhân dân quê hương, anh em Phùng Hưng, Phùng Hải có sức khỏe vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm . . .

Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải mộ quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi tiến đánh và giải phóng được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo, giữ đất tự chủ, chống lại nhà Đường. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #94 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:08:26 pm »

Theo kế của thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn, một người đồng hương, anh em Phùng Hưng đã dẫn quân tiến xuống Tống Bình, vây chặt phủ thành đô hộ. Cao Chính Bình đem quân ra ngoài đón đánh nghĩa quân, nhưng bị thua luôn. Cao Chính Bình sợ quá thành bệnh mà chết.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng tư, người ở Đường Lâm thuộc Giao châu là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết” (1). Nghĩa quân kéo vào chiếm đóng phủ thành.  Phùng Hưng chia quân bảo vệ phủ, rồi tổ chức lại việc cai trị, mong xây dựng chính quyền tự chủ lâu dài.
 
Theo sách Giao châu ký (dẫn theo Việt điện u linh), Phùng Hưng dựng quyền tự chủ được bảy năm thì mất. Rất tiếc không có sử sách ghi chép cụ thể về những công việc mà chính quyền của ông đã làm trong bảy năm ấy.

Sau khi ông mất, nội bộ những người yêu nước xảy ra tranh chấp về quyền lực. Nhiều người muốn lập Phùng Hải. Nhưng người đầu mục phụ tá là Bồ Phá Cần, rất vũ dũng, nhất định không nghe, lập con Phùng Hưng là Phùng An nối nghiệp và đem quân chống lại Phùng Hải. Phùng Hải né tránh Bồ Phá Cần, bỏ lên ở động Chu Nham (?), về sau không rõ kết cục ra sao. Lực lượng xây dựng nền tự chủ vốn đang còn non trẻ lại càng suy yếu vì sự chia rẽ đó, vì sự tranh chấp huynh đệ tương tàn.

Phùng An lên ngôi, dâng Tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương (2).  và nối nghiệp Phùng Hưng được hai năm. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp nội bộ đã khiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước và chính quyền tự chủ mà Phùng Hưng đã đặt cơ sở không thể tiếp tục phát triển tốt được. Lực lượng nghĩa quân cũng vì thế chia xẻ và suy yếu, không thể sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Chính quyền đô hộ nhà Đường phải chấp nhận sự thất bại trước sức mạnh của cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo, không phải rút chạy khỏi đất nước ta (779), tuy nhiên âm mưu trở lại xâm lược của chúng vẫn còn.

Nhân biến loạn giữa Phùng An và Phùng Hải, nhà Đường gấp rút động binh, phong cho Triệu Xương làm tiết độ sứ trực tiếp chỉ huy đạo quân xâm lược sang đánh Phùng An.

Là một viên tướng đầy quỷ quyệt, một mặt Triệu Xương tổ chức một đội quân lớn, gọi là nhu viễn quân để gây sức ép quân sự; mặt khác Triệu Xương sai sứ giả đem đồ lễ đến Tống Bình để mua chuộc, dụ dỗ Phùng An. 

Năm 791, Triệu Xương đem quân tiến đánh Phùng An. Thế giặc mạnh mà tinh thần và lực lượng của Phùng An lại không vững vàng. Phùng An không chống cự nổi, bị giặc bắt (3).  Người của họ Phùng tan tác đi các nơi. Nền tự chủ mới mong manh xây dựng được trên dưới chín năm lại bị tan vỡ. 

Khởi nghĩa Phùng Hưng thể hiện tinh thần độc lập tự chủ mạnh mẽ của nhân dân ta thuở đó. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi và có tác dụng cổ vũ rất lớn đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta đời Phùng An chống quân xâm lược Đường mang tính chất của một cuộc chiến tranh giữ nước, vì bấy giờ nước ta là một nước có chủ quyền, nhà nước do Phùng Hưng kiến lập là một nhà nước độc lập và nền độc lập ấy đã được xây dựng trong chín năm.

Trước cuộc tiến công xâm lược của quân Đường, những điều kiện chủ quan và khách quan chưa đầy đủ để Phùng An tổ chức được một cuộc kháng chiến thắng lợi. Đất nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Đường (791).

Triệu Xương là một tên đô hộ có nhiều kinh nghiệm. Y cho đắp lại La Thành, đặt quân nhu viễn, ra sức trấn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân An Nam, đồng thời tìm cách mua chuộc lừa phỉnh họ với hy vọng duy trì ách thống trị thực dân vững chắc hơn.


(1).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 191.
(2).  Gần đây, giới nghiên cứu sử học và ngôn n học đã minh giải lại ý nghĩa từ Bố Cái (không phải là Bố Mẹ) mà là Vua ớn. Bố Cái (Nôm) Đại Vương (Hán Việt). 
(3). Có tài liệu nói Phùng An đầu hàng Triệu Xương. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.192, viết: “Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng”.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #95 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:10:54 pm »


4. Khởi nghĩa Dương Thanh (819 - 820)

Sau 10 năm làm đô hộ, Triệu Xương thác cớ đau chân xin về. Nhà Đường cử lang trung bộ binh là Bùi Thái sang thay, làm An Nam đô hộ (801). Bùi Thái đến phủ, thấy nhân dân An Nam “rất hung tợn”, nghĩa là sẵn sàng phản kháng mình, nên đã bắt quân sĩ và nhân dân sửa sang La Thành, xây đắp thêm hai thành ở Hoan châu và Ái châu. Quân sĩ vất vả, nhọc mệt lại được nhân dân ủng hộ bèn theo An Nam tướng Vương Quý Nguyên nổi dậy đánh phá, đuổi Bùi Thái chạy trốn (803).

Triệu Xương được tái cử đô hộ An Nam. Cuộc binh biến do Vương Quý Nguyên đứng đầu bị đàn áp. Tuy vậy, sự bất bình trong hàng ngũ binh lính vẫn rất lớn, ít lâu sau lại bùng nổ một cuộc binh biến lớn hơn, mang tính chất như một cuộc khởi nghĩa, do Dương Thanh cầm đầu.

 Khoảng cuối đời Nguyên Hoà 806 - 820), tên Tôn thất nhà Đường là Lý Tượng Cổ nổi tiếng “khắc nghiệt, hung bạo, làm mất lòng người”, kéo hơn một ngàn gia thuộc sang cai trị đất nước ta, lĩnh chức đô hộ. Nhân dân bị bóc lột, vơ vét của cải, ai cũng hết sức căm thù, mưu nổi dậy.

Dương Thanh là một thủ lĩnh người Việt, dòng dõi hào trưởng lâu đời, có nhiều thế lực, làm thứ sử Hoan châu. Dương Thanh vẫn nuôi lòng căm ghét bọn quan lại đô hộ nước ngoài, tìm thời cơ chống lại chúng. Nhưng để dễ bề khống chế ông, Lý Tượng Cổ đã điều ông về Tống Bình, cho làm “nha môn tướng” của mình. 

Bấy giờ, nhân dân Tày - Nùng - Choang ở miền tả, hữu giang (sử nhà Đường gọi là “Man Hoàng Động”) luôn luôn nổi dậy chững đế chế Đường. Vua Đường hạ chiếu sai Lý Tượng Cổ đem quân đàn áp. Lý Tượng Cổ cử Dương Thanh chỉ huy 3.000 quân sĩ với trang bị vũ khí đầy đủ đi đánh dẹp Hoàng Động. Thấy lòng người ai cũng oán giận chính quyền đô hộ, nhân dịp này Dương Thanh cùng con là Dương Chí Liệt và một người thân tín là Đỗ Sĩ Giao bàn mưu, kêu gọi binh lính dưới quyền không nên đi đánh dân Hoàng Động mà hãy “trở giáo” chĩa mũi nhọn vào Lý Tượng Cổ và bè lũ đô hộ. 

Được binh lính yêu nước nhiệt tình ủng hộ, ngay đêm hôm xuất quân, Dương Thanh đã cùng nghĩa quân quay lại tập kích phủ thành đô hộ, giết chết Lý Tượng Cổ cùng hơn một ngàn bộ hạ của y, chiếm giữ phủ thành. 

Năm 819, vua Đường cử Quế Trọng Vũ làm đô hộ An Nam thay Lý Tượng Cổ và dùng mưu xảo quyệt, hạ chiếu “tha tội” cho Dương Thanh, cử ông làm thứ sử Quỳnh châu (trên đảo Hải Nam) , thực chất là định đày ông đi biệt xứ rồi tìm cách hãm hại ông. Không mắc mưu giặc, Dương Thanh đã chống lại mệnh lệnh của vua Đường, kiên quyết giữ thành Tống Bình. Vua đường sai Quế Trọng Vũ đánh Dương Thanh nhưng không thắng được.

Sử cũ của ta, Đại Việt sử ký toàn thư chép về cuộc khởi  nghĩa Dương Thanh như sau: “Năm Kỷ Hợi (819) mùa đông, tháng 10, đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng. Tướng của Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng niên hiệu Khai Nguyên nhà Đường,  làm thứ sử Hoan châu, Tượng Cổ vẫn kiêng dè, gọi cho làm  nha tướng, đến đây sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, đang đêm trở về đánh úp châu, chiếm được, giết Tượng Cổ. Vua Đường  sai Quế Trọng (Vũ) đánh Dương Thanh mà không thắng” (1). 
 
“ Quế Trọng Vũ đánh mãi không thắng bèn chuyển sang dùng kế ly gián mua chuộc một số người cầm đầu nghĩa quân và binh sĩ dưới quyền Dương Thanh; sau đó cất quân tiến công phủ thành Tống Bình. Một số người đã đầu hàng Trọng Vũ nhưng số còn lại vẫn theo Dương Thanh kiên quyết kháng cự.


(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.192.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #96 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:12:34 pm »

Thấy lâu ngày mà tình hình An Nam vẫn chưa yên, vua Đường bèn biếm chức Trọng Vũ, cử Bùi Hành sang thay. Bùi Hành đến trấn Hải Môn thì bị ốm, chết. Quế Trọng Vũ lại tiếp tục đánh và mua chuộc. Cuối cùng thành bị hạ. Dương Thanh cùng con là Chí Trinh bị giặc giết, gia sản bị tịch thu, cả họ Dương Thanh bị bọn đô hộ tru di. Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao lui quân về giữ Tạc Khẩu ở Trường châu (Yên Mô, Ninh Bình) nhưng ít lâu sau cũng bị thất bại (7-820). 

Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh tuy thất bại, nhưng nó chứng tỏ rằng, sự phản kháng, chống chính quyền đô hộ trên đất nước ta đã lan rộng mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp nhân dân, ngay cả trong hàng ngũ võ quan và binh lính của chính quyền địch. Bấy giờ, thực hiện thủ đoạn “dĩ Di công Di”, triều Đường cũng như triều Hán trước đây, sử dụng một bộ phận quan lại và binh lính người Việt trong chính quyền đô hộ. Do tác động của phong trào yêu nước của đông đảo nhân dân ta, số quan lại, binh sĩ người Việt này càng ngày càng bị phân hóa sâu sắc. Một số quan lại, binh sĩ yêu nước đã nhiều lần gây binh biến, thậm chí đã tổ chức khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ .

Sau khởi nghĩa Dương Thanh, lòng căm thù quân xâm lược của nhân dân đã lên cao, bọn quan lại đô hộ không tài nào ổn định nổi tình hình. Dưới sự lãnh đạo của tầng lớp hào trưởng quan lại yêu nước, nhân dân ta cùng các binh sĩ yêu nước đã nhiều lần tổ chức khởi nghĩa, tiêu biểu trong các năm 828, 841, 858, 860, 880, v.v.. Sau mỗi lần khởi nghĩa, hầu hết bọn đô hộ phải bỏ chạy về nước để xin cứu viện.

                                                               
Phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của nhà Đường có tính chất phổ biến, tương đối liên tục suốt ba thế kỷ và nổ ra ở khắp nơi, miền xuôi cũng như miền núi, từ miền bắc đến Hoành Sơn.

Phong trào mang tính chất quần chúng khá rõ rệt, bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, quân sĩ hào trưởng, quan lại yêu nước và nhân dân các dân tộc trên lãnh thổ nước ta. các tộc thiểu số miền núi cũng liên tục nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, cùng nhân dân miền xuôi chống chính quyền đô hộ.

Những cuộc khởi nghĩa lớn ở địa phương (Mai Thúc Loan, Phùng Hưng. . .) đều đưa đến việc xây dựng căn cứ chống giặc, đánh đổ chính quyền của bọn đô hộ ở địa phương, giành chính quyền ở từng nơi, từng bộ phận. 

Phong trào nhân dân có tính chất tiến công cao; nhiều cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc, phần nhiều đánh vào tận sào huyệt, đại bản doanh của quân thù (Tống Bình) . Lực lượng địch tan rã nhanh chóng trước khí thế tiến công của quần chúng khởi nghĩa.  Bọn kinh lược sứ, đô hộ . . . hoặc bị giết, hoặc bỏ chạy.

Trong những nhân tố trên thì nhân tố quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, với khí thế tiến công ngày càng mạnh là rất quan trọng, khiến quân giặc hoảng sợ nhất.  Sử cũ của Trung Quốc ghi lại rất ít những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta; và nếu nói đến cũng chỉ rất vắn tắt, sơ lược. Tuy vậy, trong các thế kỷ dưới sự thống trị của nhà tưởng, nhân dân ta liên tục đứng dậy chống lại chính quyền đô hộ.

Khác với những giai đoạn trước, sự phân biệt giữa chính quyền đô hộ và nhân dân ta trong thời gian này rất rạch ròi. Những quý tộc hay quan lại nhà Đường sang sinh sống lâu dài bên An Nam, không được tham dự chính quyền và giữ các chức vụ cao cấp như cũ. Do đó, cuộc đấu tranh của nhân dân ta cũng nhằm đúng kẻ thù hơn trước. 

Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm càng về sau càng ảnh hưởng đến hàng ngũ quân sĩ giữ thành. Những người nông dân bị cưởng bức mặc áo lính, đi canh giữ thành và bảo vệ chính quyền cho bọn thống trị đô hộ lại phải chịu lao dịch nặng nề. Họ thông cảm với cảnh sống của nông dân, cùng căm thù kẻ xâm lược ngoại bang, nên dễ giác ngộ và quyết tâm đứng về phía nhân dân chống lại bọn đô hộ, giành lại cuộc sống tự do độc lập.

Khởi nghĩa diễn ra liên tục, nhưng chưa thành công, vì tuy chính quyền đô hộ An Nam luôn luôn bị lật đổ, quan đô hộ nhiều lần phải chạy trốn về nước, nhưng đế chế Đường - kẻ thù của nhân dân ta - ở kề ngay phía bắc đất nước, còn đang mạnh, vẫn còn đủ sức tổ chức những đạo quân viễn chinh lớn sang xâm lược lại và chinh phục lại đất nước ta.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:20:18 pm »


Và bên trong, tuy tinh thần quốc gia tự chủ, ý thức dân tộc đã ngày càng được củng cố và phát triển, song sự tồn tại của chế độ thủ lĩnh ở các địa phương vẫn còn là một cản trở đối với sự cố kết dân tộc. Khi đánh địch, kẻ thù trực tiếp là chính quyền đô hộ mà đầu sỏ là bọn đô hộ, kinh lược sứ, tiết độ sứ. . . thì các thủ lĩnh địa phương có sự liên kết với nhau, nhưng khi giành được thắng lợi tạm thời thường đã xảy ra sự tranh chấp quyền lực tối cao (vương vị, đế vị), khiến phong trào bị chia rẽ, lực lượng bị phân tán.

Và khi những đạo quân viễn chinh lớn của nhà Đường tiến sang thì không khỏi có một số thủ lĩnh hoang mang, dao động, mắc mưu chia rẽ và mua chuộc của kẻ thù, nên đã đầu hàng, câu kết với giặc, làm phương hại lớn đến kết quả của phong trào đấu tranh.

Phải trải qua nhiều “cuộc diễn tập” lớn, vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, ý thức dân tộc mới trưởng thành, phong trào đấu tranh mới vững mạnh và giành được thắng lợi.

Quy mô của các cuộc khởi nghĩa dưới thời thuộc Đường ngày càng lớn. Phong trào đấu tranh ngày càng tập trung mũi nhọn vào chính những kẻ cầm đầu chính quyền đô hộ.  Qua những cuộc đấu tranh anh dũng đó, tinh thần quốc gia tự chủ, ý thức dân tộc được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Chính quyền đô hộ bị đả kích mãnh hệt.

Tuy chính quyền đô hộ đã sử dụng nhiều biện pháp trấn áp quân sự, nhưng kết quả rất hạn chế và sự tan rã của nó cũng đã bắt đầu và không thể nào tránh khỏi. Phong trào đấu tranh chống chính quyền đô hộ nhà Đường đến cuối thế kỷ IX đã báo hiệu sự xuất hiện của bình minh sau một đêm dài tăm tối dưới ách thống trị ngoại tộc.

CHƯƠNG IV

GIÀNH QUYỀN TỰ CHỦ, CỦNG CỐ ĐỘ LẬP VÀ
THỐNG NHẤT QUỐC GIA.
HAI LẦN CHỐNG NAM HÁN. SỰ NGHIỆP GIÀNH LẠI QUYỀN TỰ CHỦ TOÀN THẮNG (905 - 938)

I. KHÚC THỪA DỤ GIÀNH QUYỀN TỰ CHỦ, XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ĐỘC LẬP DÂN TỘC

1. Đế chế Trung Hoa cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X
 
Cuối thế kỷ IX, triều đình nhà Đường đổ nát. Chính quyền trung ương ở Trường An suy yếu, nạn cát cứ của các tập đoàn quân phiệt phong kiến (phiên trấn) ngày càng trầm trọng, chế độ quân điền bị phá sản. Bọn lãnh chúa và địa chủ địa phương ra sức cướp đất lập trang trại và thu nạp dân lưu vong. Các thế lực phong kiến lớn nhân đó xây dựng lực lượng, tách dần khỏi ảnh hưởng của triều đình trung ương.
 
Nhân dân Trung Quốc, nhất là nông dân lâm vào cảnh mất đất, đói kém, dịch bệnh và chết chóc. Những người bỏ làng đi tha phương cầu thực bị bọn lãnh chúa phong kiến kéo buộc vào các trang trại của chúng. Cùng lúc đó, nạn ngoại xâm đe dọa ở biên giới, càng làm cho nhà Đường lúng túng, bất lực.
 
Từ năm 860, phong trào khởi nghĩa nông dân chống áp bức ngày càng phát triển, trước hết là nông dân vùng Triết Giang với ba vạn người nổi lên chiếm giữ thành trong vòng ba tháng và tiếp đến là khởi nghĩa nông dân ở Từ châu (862), ở Quế châu (868) và nhiều nơi khác.

Làn sóng đấu tranh đó kết lại trong cuộc khởi nghĩa lớn do lãnh tụ Hoàng Sào đứng đầu (874-884), đã làm lung lay tận gốc nền thống trị của nhà Đường.
 
Năm 880, nghĩa quân đã kéo lên bao vây thành Lạc Dương - kinh đô của nhà Đường - rồi chiếm lấy thành; Hoàng Sào tự xưng hoàng đế, phong chức cho các tướng và chuẩn bị việc bố phòng.
 
Giai cấp phong kiến Trung Quốc đã cấu kết với quân đội nước ngoài phản công lại, đàn áp được cuộc khởi nghĩa. Tuy vậy, cuộc chiến tranh nông dân vĩ đại này đã làm rung chuyển cả Trung Quốc, phá đổ nhà Đường và ảnh hướng lớn đến tình hình các nước xung quanh, trong đó có An Nam. Tàn dư của nhà Đường còn tồn tại đến năm 907 thì sụp đổ.

Ở Trung Quốc tình trạng cát cứ phát triển mạnh. Các tiết độ sứ xâm lấn nhau lập thành nhiều nước: Tấn ở Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), Kỳ ở Bảo Kê (Thiểm Tây), Định Nam ở Diên An (Thiểm Tây), Triệu ở Thạch Gia Trang (Hà Bắc).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #98 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:34:02 pm »


Tại lưu vực Hoàng Hà, Chu Ôn là tướng của Hoàng Sào, sau khi phản bội, đầu hàng nhà Đường được phong vương và tiếp tục phát triển trở thành thế lực quân phiệt lớn nhất ở vùng này. Năm 907, Chu ôn phế bỏ vua Đường, tự xưng hoàng đế lấy quốc hiệu là Lương (Hậu Lương), kiểm soát khu vực từ sông Hoài và nam sông Hán về phía bắc.

Trong 27 năm trị vì, nhà Hậu Lương chinh phục được các nước nói trên (trừ Định Nam). Tiếp sau Hậu Lương là bốn triều đại khác kế tiếp nhau thống trị miền bắc Trung quốc, đó là Hậu Đường (năm 923), Hậu Tấn (936), Hậu Hán (947 Hậu Chu (951). Nhà Chu mở rộng đến Trường Giang. Năm 96, khu vực Thái Nguyên có Lư Sùng nổi lên, tách ra lập nước Bắc Hán. Sử Trung Quốc gọi thời kỳ năm triều đại này là thời kỳ “năm đời’, còn gọi là đời Ngũ đại hoặc hậu Ngũ đại. Năm đời này cộng lại tồn tại được 53 năm.

Ở miền nam Trung Quốc cũng có nhiều thế lực quân phiệt cát cứ và trước sau đã dựng lên các nước:

• Năm 891, Vương Kiến chiếm cứ vùng Tứ Xuyên, lập ra nước Tiền Thục; đến năm 925 bị Hậu Đường thôn tính.

• Năm 892, Dương Hành Mật chiếm vùng Giang Tây, từ hạ du sông Trường nang đến nam sông Hoài lập nước Ngô.

• Năm 893, Tiền Cù xưng vua ở Triết Giang lập nước Ngô Việt.

• Năm 893, Vương Thẩm Tri chiếm cứ Phúc Kiến, xưng vương lập nước Mân, nước Mân sau bị Nam Đường và Ngô Việt xâm lấn, đến năm 954 chỉ còn lại khu vực từ Đức Hóa - Trường Bình về phía nam gọi là Thanh Nguyễn.

• Năm 896, Mã Ân chiếm vùng Hồ Nam lập thành nước Sở đến năm 951 bị Nam Đường thôn tính.

• Năm 905, Lưu ẩn chiếm cứ vùng đông Lĩnh Nam (tỉnh Quảng Đông ngày nay) lập nước Nam Hán.  Năm 907, Cao Quý Hưng chiếm vùng Giang Lăng (Trường Sa) lập nước Nam Bình.

• Năm 933, mâu Trì Đường đánh Hậu Đường giành lại Tứ Xuyên lập nước Hậu Thục.

• Năm 937, Lý Thăng nổi lên chiếm vùng Giang Tô, đánh đổ nước Ngô lập nước Nam Đường. Nam Đường đã thôn tính nước Mân và nước Sở.

  Sử Trung Quốc gọi chung giai đoạn tồn tại các nước đó với Bắc Hán cát cứ ở Sơn Tây là thời kỳ “mười nước’ và gọi chung cả giai đoạn là cục diện “Ngũ đại thập quốc” (Năm đời mười nước), kéo dài từ năm 907 đến khi Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống (năm 960).
 
Trong thời gian đó, Trung Quốc bị chia cắt làm 10 nước: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở, Mân, Nam Bình và Bắc Hán.  Thế lực của Trung Quốc do đó không được như trước nữa, uy quyền của hoàng đế không ra đến ngoài thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương, giành giật nhau quyền lợi, các tập đoàn phong kiến thống trị cũng không còn thì giờ dòm ngó các vùng đất xa.

Toàn bộ tình hình nói trên có ảnh hưởng đến An Nam và là bối cảnh lịch sử, là điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #99 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 11:38:58 pm »

2. Họ Khúc dựng nền tự chủ, củng cố độc lập

Từ cuối thế kỷ IX, triều đình Trường An cũng như chính quyền đô hộ ở miền đất nước ta suy yếu. Ở miền tây nam Trung Quốc (Vân Nam), nước Nam Chiếu cường thịnh và luôn đem quân đánh phá đất An Nam.

Cuối năm 862 đầu năm 863, năm vạn quân Nam Chiếu xâm lấn An Nam, chiếm phủ thành Tống Bình. Nhà Đường bỏ An Nam đô hộ phủ, chỉ lo phòng giữ Ung châu, tự mình thủ tiêu quyền thống trị trên đất An Nam.

Theo sử nhà Đường, trong những năm đó, các hào trưởng địa phương người Việt đã tự đem quân trấn giữ các hương ấp chống quân Nam Chiếu (1).

Cuối năm 865, Cao Biền đánh bại quân Nam Chiếu và cố gắng khối phục lại chính quyền đô hộ. Từ năm 866, An Nam đô hộ phủ đổi thành  Tĩnh Hải quân tiết trấn, đứng đầu là chức tiết độ sứ. Nhưng những biện pháp trấn áp quân sự kết hợp với thuật phong thủy của Cao Biền cũng không cứu vớt được rnãi nền đô hộ vốn đang lung lay của nhà Đường trên đất nước ta. Sự tan rã của nó đã bắt đầu trong suốt thế kỷ IX và trở thành không thể nào tránh khỏi.

Khi cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào lan rộng xuống phía nam, nhân dân ta cũng rục rịch chuẩn bị chống lại bọn đô hộ.  Năm 880, khi Hoàng Sào vây kinh đô Lạc Dương, quân sĩ An Nam đã nổi dậy đánh phá phủ thành Tống Bình, đuổi tiết độ sứ Tăng Cổn. Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản cũng thường chống đối, tự đào ngũ, bỏ trốn.

Bọn quan lại đô hộ đã lập lại nền thống trị trên đất An Nam nhưng thế lực của chúng cũng không còn như trước nữa. Vấn đề chủ yếu là phong trào đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta từ trước đã thức tỉnh ý thức dân tộc, đoàn kết các thế lực địa phương và làm cho tầng lớp hào trưởng người Việt thấy rõ vai trò và lực lượng của mình.

Phong trào đấu tranh đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hào trưởng lãnh đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân. Và, khi tình hình rối loạn của nhà Đường xảy ra thì chính quyền đô hộ ở An Nam cũng đã tan rã. Quân đội - chỗ dựa duy nhất của chính quyền đô hộ - không còn trung thành với nhà Đường nữa.
 
Trong xu thế cát cứ của xã hội thời cuối Đường, các hào trưởng và thủ lĩnh người Việt dần dần tách biệt với chính quyền đô hộ. Tầng lớp hào trưởng dân tộc đã trưởng thành. Một số hào trưởng có uy tín đã xây dựng được lực lượng riêng và sẵn sàng đứng đầu phong trào yêu nước, giành lại chính quyền từ tay bọn quan lại đô hộ phương Bắc.

Phong trào đấu tranh yêu nước lâu dài và quyết liệt của nhân dân ta chống áeh ngoại xâm đã củng cố ý thức dân tộc của họ. Nhận thức được vai trò và lực lượng của mình, họ quyết tâm lãnh đạo nhân dân đánh đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường.

Đầu thế kỷ X, phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân ta lan rộng và dâng cao. Tiết độ sứ An Nam Chu Toàn Dục không tài nào trấn áp được. Chu Toàn Dục là anh Chu Toàn Trung (Chu Ôn). Chu ôn sau khi phản bội phong trào nông dân, đầu hàng nhà Đường, leo lên chức nguyên soái đã xin vua Đường cho Toàn Dục làm tiết độ sứ An Nam (892).
 
Chu Toàn Dục sau lại được tiến phong tước đồng bình chương sự nghĩa là được toàn quyền sinh sát trên miền đất nước ta.  Đó là một kẻ thô lỗ, vô tài đến nỗi đầu năm 905, Chu Ôn phải xin bãi chức của Toàn Dục, trong danh hiệu “thái sư về trí sĩ”.

 Nhà Đường cho Toàn Dục về hưu và cử thị lang Độc Cô Tổn sang thay (2). Đây là viên tiết độ sứ cuối cùng mà nhà Đường cử sang cai trị ở nước ta. Độc Cô Tổn vốn là tể tướng dưới đời Đường Chiêu Tông, vì bị bãi chức mà phải sang An Nam thay chân Chu Toàn Dục.
 
Sang An Nam vào tháng 4 - 905, chưa đầy hai tháng y đã nổi danh là “Ngục thượng thư’ (thượng thư ác) . Vì không về phe đảng với Chu Toàn Trung, y bị biếm làm thứ sử Lệ châu rồi ti hộ Quỳnh châu trong đảo Hải Nam và bị giết chết trong khoảng tháng 6, tháng 7 - 905. 


(1). Cựu Đường thư, q.10, thượng.
(2). Họ “Độc cô”, tiếng Hoa đọc là Tuyếccô (Tre) cùng nhiều minh chứng khác đã tỏ ra rằng nhà Đường với vua sáng lập Lý Thế Dân (Thái Tông) không phải thuộc dòng dõi Lý Đam - hay Lý Nhĩ (Lão Tử) như sử Đường thường rêu rao, mà chính là có gốc nửa thiểu số Đột Quyết (semi-ture).  
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:22:15 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM