Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:28:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106543 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #70 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:03:09 pm »


Sau khi lên ngôi, Đường Cao Tổ và tiếp sau là Đường Thái Tông (tức Lý Thế Dân) đã dần dần đánh bại hoặc thu phục được hầu hết các cánh quân khởi nghĩa, tiêu diệt được các thế lực cát cứ và đến năm 628, Trung Quốc lại hoàn toàn thống nhất.

Nhưng, ngay từ đầu thành lập đế chế, trong triều chính nhà Đường đã xảy ra cuộc tranh chấp nội bộ sâu sắc. Lý Thế Dân, con thứ Lý Uyên đã lập nhiều công tích trong việc tiêu diệt nhà Tuỳ và đàn áp các phong trào chống đối, đã có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình. Vì thế, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát có ý muốn trừ khử Thế Dân, đã tổ chức đầu độc Thế Dân, nhưng không thành.

Năm 626, Lý Thế Dân cùng một số tướng lĩnh thân cận đã đem quân phục ở cửa Hoàng Thành, giết Kiến Thành và Nguyên Cát. Sau sự kiện đó, Lý Uyên thoái vị, Lý Thế Dân lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đường Thái Tông.

Những cuộc khởi nghĩa nông dân trước đây đã làm cho nhà Tuỳ giàu có đã mất ngôi rất nhanh. Sự thực đó đã đem lại bài học sâu sắc cho nhà Đường. Từ bài học của nhà Tuỳ, Đường Thái Tông cho rằng: “Thuyền ví như vua, nước ví như dân, nước có thể nâng thuyền lên, cũng có thể lật thuyền” (1).  Do đó, Đường Thái Tông đã thực hiện nhiều chính sách nhằm xoa dịu mâu thuẫn xã hội, nhất là chính sách đối với nông dân. Sử sách Trung Quốc gọi đó là “chính sách nhượng bộ nông dân của nhà Đường trong buổi đầu”.

Nội dung chủ yếu của chính sách này là chế độ ruộng đất và thuế má sao cho vừa, tranh thủ lôi kéo được nông dân mà vẫn bảo tồn được quyền lợi của giai cấp địa chủ. Vì thế, vua Đường đã thực hiện một chế độ ruộng đất và thuế khoá mới.  Nhà Đường ban hành chế độ quân điền, lấy những vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang trong thời chiến tranh để chia cho dân cày. Quy định những “làng rộng” (ruộng nhiều người ít) mỗi đinh từ 18 tuổi trở lên được chia 100 mẫu, trong đó có 20 mẫu “vĩnh viễn” thuộc quyền sở hữu của nông dân và 80 mẫu ruộng “khẩu phần”, khi chết phải trả lại. Những “làng hẹp” (ruộng ít người nhiều), mỗi đinh trên 18 tuổi chỉ được chia 40 mẫu ruộng “khẩu phần”. Chế độ quân điền không xâm phạm đến ruộng đất của giai cấp địa chủ. Bọn quý tộc, quan lại vẫn theo đẳng cấp mà được nhiều ruộng vĩnh viễn của vua ban, đồng thời dựa vào thế lực mà chiếm thêm nhiều ruộng đất khác.

Về thuế má, quy định mỗi thanh niên hằng năm phải nộp thóc một thạch (20 đấu), lụa hai trượng và đi phu 20 ngày. Người nào không đi phu được có thể nộp lúa thay thế, mỗi người ba thước. Nếu gặp nạn lụt và hạn hán, nhà nước có thể tuỳ thiệt hại nặng, nhẹ mà giảm hoặc miễn thuế. Việc bắt phu được tạm thời ngừng trong ngày mùa.  Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp được khôi phục và phát đạt.

Nhiều thành thị lớn xuất hiện. Trong các thành phố đã có nhiều hiệu buôn, phường thủ công và hàng hội. Hiệu buôn chuyên mua hàng để bán. Phường thủ công tự bán các sản phẩm của mình làm ra. Ở thành phố Trường An có hai khu chợ đông và tây, mỗi khu có 220 hàng hội. Thành phố Lạc Dương có 120 hàng hội. Nhiều vùng nổi tiếng về sản xuất hàng mỹ nghệ, dệt gấm hoa (Tứ Xuyên), làm gương đồng (Dương châu), làm đồ vàng bạc (Thành Đô), làm đồ sơn (Tương Dương) . . .

Trường An là đô thành và là trung tâm giao thông của cả nước, có đường lớn thông đến Sơn Đông, Hà Bắc, Cam Túc, Tứ Xuyên, Hồ Bắc. Lạc Dương là đông đô và là trung tâm đường thuỷ của sông Đào. Dương châu nằm sát ngã ba sông, chỗ sông Đào nối vào Trường Giang, là nơi tập trung và phân phối hàng bán ở Giang Nam.

Các thành phố lớn ven biên giới và ven biển còn là đầu mối buôn bán với nước ngoài. Thành Đô là nơi buôn bán phồn thịnh với các nước Nam Chiếu và Thổ phồn. Các thành phố phía tây bắc buôn bán với Tây Vực và Trung á. Những đội lái buôn vượt sa mạc đem hàng ngọc và chăn bông đến bán. Quảng châu là hải cảng lớn nhất hồi đó. Việc quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước Ba Tư, Trập, Ấn Độ, Java (Inđônêxia), Cao Ly (Triều Tiên)...  khá phồn thịnh. Các nước đến bán hương liệu, Trung Quốc bán ra hàng tơ lụa, gương đồng, đồ sắt, sứ, chè ...

Người ấn Độ và Việt Nam truyền vào Trung Quốc cách ép mía làm đường. Cùng với sự phồn thịnh về kinh tế, văn hoá thời Đường rất thịnh đạt, phát triển, nên luật thư Đường truyền đến ngày nay. Thời đó xuất hiện các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ và cuối đời Đường có Bạch Cư Dị. Kỹ thuật ấn loát bản gỗ ra đời càng tạo điều kiện truyền bá rộng rãi văn chương đời Đường.


(1).  Tư trị thông giám, Sđd q 128.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #71 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:04:42 pm »



Năm 629, nhà sư Huyền Trang (Tam Tạng) sang ấn Độ, sau 10 năm đã đưa về Trường An được 650 bộ kinh Phật rồi dịch ra chữ Hán. Tiếp đến năm 671, nhà sư Tăng Nghĩa Tịnh lại đến ấn Độ đưa về 400 bộ kinh Phật. Do vậy, dưới triều Đường, Phật giáo phát triển mạnh và tồn tại song song với Nho giáo.

Trong một thời kỳ dài, chính trị, kinh tế, xã hội ở Trung Quốc phát triển ổn định. Lịch sử Trung Quốc gọi thời kỳ trị vì của Đường Thái Tông là “nền thịnh trị Trinh Quán” (niên hiệu vua Đường Thái Tông) và coi đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của chế độ phong kiến Trung Quốc. Đường Thái Tông tỏ ra là một hoàng đế sáng suốt, eo tài về chính trì, quân sự và biết thương dân. ông đã có nhiều chính sách tiến bộ và những biện pháp mị dân, nên đã khích lệ quần chúng và được nhân dân ủng hộ.

Thanh thế của đế chế Đường rất lẫy lừng, thịnh hơn cả thời Lưỡng Hán. Sự cường thịnh còn bao hàm cả trên lĩnh vực tổ chức hành chính và quân sự. Quân đội nhà Đường có tổ chức chặt chẽ, rất đông và linh hoạt, có tổ chức hậu cần hợp lý.

Nhưng từ năm 649, từ khi Đường Thái Tông chết, tình hình chính trị ở Trung Quốc có nhiều biến đổi. Đường Cao Tông nối ngôi, nhưng là một người nhu nhược, ốm yếu, nên dần dần mọi công viện triều chính đều do hoàng hậu Võ Tắc Thiên quyết định.
 
Nhờ có sắc đẹp và mưu mô khôn ngoan, xảo quyệt Võ Tắc Thiên từ một nữ quan của Đường Thái Tông, được Cao Tông yêu cho làm cung phi rồi trở thành hoàng hậu (655). Từ đó, trên thực tế, Võ hậu nắm mọi quyền bính trong triều đình.
 
Năm 683, Cao Tông chết, Trung Tông rồi Duệ Tông lần lượt được đưa lên làm vua bù nhìn, mọi quyền hành vẫn nằm trong tay Thái hậu họ Võ. Tuy vậy, bà vẫn chưa thoả mãn, cho nên đến năm 690, Võ Tắc Thiên xưng làm hoàng đế đổi tên nước thành Chu.
 
Trong suốt mấy chục năm chấp chính, nhất là sau khi lên làm hoàng đế, Võ Tắc Thiên tập trung mọi cố gắng nhằm xây dựng nền độc tài cá nhân để giữ vững quyền lực của mình. Để đạt mục đích, Võ Tắc Thiên thẳng tay khủng bố những quý tộc, quan lại chống đối. Rất nhiều Tôn thất, công thần, quý tộc đã bị giết hại. Dưới sự thống trị của Võ Tắc Thiên, nhân dân Trung Quốc ngày càng cực khổ vì nghĩa vụ lao dịch, binh dịch, thuế khoá nặng nề, cùng với nạn quan lại tham ô và tàn bạo.

Năm 705, Võ Tắc Thiên ốm nặng, trong cung đình nổ ra chính biến và Võ hậu buộc phải thoái vị. Nhà Đường được khôi phục, nhưng tình trạng trong triều vẫn rối ren, chỉ trong bảy năm xảy ra nhiều vụ chính biến, ba vua được lập lên rồi bị phế truất.

Năm 712, Đường Huyền Tông lên ngôi. Thời gian đầu Huyền Tông tỏ ra là một ông vua có tài năng, đã thi hành nhiều chính sách nhằm ổn định tình hình trong nước. Về chính trị, Huyền Tông chỉnh đốn lại bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, phái các vương đi làm thứ sử ở các châu để tránh hoạ chính biến ở kinh đô.

Về kinh tế, ông rất chú ý phát triển sản xuất và tiết kiệm trong tiêu dùng: ra lệnh ngừng một số công trình xây dựng, phái quan lại về địa phương đốc thúc sản xuất, chủ trương không tìm kiếm và tiêu xài châu ngọc, gấm vóc... Nhờ vậy, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, chính quyền nhà Đường vững vàng và Trung Quốc bước vào một thời kỳ phồn vinh mà lịch sử gọi là “nền thịnh trị thời Khai Nguyên, Thiên Bảo” (hai niên hiệu của Đường Huyền Tông) .

Nhưng đến cuối đời, vua Đường Huyền Tông sa vào rượu chè và sắc đẹp, nhất là say đắm Dương Quý Phi, do đó mọi công việc triều chính đều giao cho Dương Quốc Trung (anh Dương Quý Phi) và tập đoàn “ngoại thích” họ Dương. Gia đình họ Dương chiếm nhiều chức vụ quan trọng. Triều chính nhà Đường không ổn định. Ở các địa phương, giai cấp địa chủ tăng cường chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, chế độ quân điền tan rã, thế lực của các tiết độ sứ ở vùng biên cương phát triển, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn giữa trung ương với địa phương trở nên sâu sắc.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #72 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:06:43 pm »


Trong bối cảnh đó, năm 755, ở miền bắc, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nổi dậy chống lại nhà Đường, sử sách gọi tắt là “loạn An - Sử”. An Lộc Sơn vốn là người Hồ, làm tiết độ sứ ba trấn ở biên giới đông bắc, nắm quyền bính cả vùng Hà Bắc, do đó có lực lượng vũ trang rất mạnh. An Lộc Sơn từ Hà Bắc đánh chiếm Lạc Dương rồi tiến về Trường An.

Năm 756, không chống cự nổi, vua Huyền Tông cùng triều đình, vương thất phải bỏ chạy sang Tứ Xuyên. Giữa dường, do sức ép của các tướng sĩ, Đường Huyền Tông buộc phải cho giết Dương Quý Phi và Dương Quốc Trung.

Nhờ sự giúp đỡ của viện binh Hồi Hột, nhà Đường thoát khỏi hoạ An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, chiếm lại Trường An và thu hồi Lạc Dương. Vụ “loạn An - Sử” kéo dài tám năm đến đây chấm dứt. Tuy vậy, nó để lại hậu quả lớn lao trong lịch sử Trung Quốc thời Đường và thực tế “loạn An Lộc Sơn” cũng là mốc đánh dấu nhà Đường từ chỗ thịnh trị bước vào thời kỳ suy yếu.

Vua Đường chỉ làm bù nhìn, mọi quyền hành do hoạn quan lũng đoạn. Bọn hoạn quan có thể tự ý phế lập các vua, khống chế các quan kể từ tể tướng trở xuống. Ở địa phương, thế lực các tiết độ sứ ngày càng lớn mạnh, làm chủ chính quyền và tổ chức những đội quân lớn, trở thành những lực lượng cát cứ độc lập, không chịu sự khống chế của triều đình. Trong khi đó nhà Đường bị nước Thổ Phồn (ở Tây Tạng) và Nam Chiếu (ở Vân Nam) tiến công và xâm chiếm mất nhiều đất đai.

Cuối triều Đường, chính sách dùng tiết độ sứ làm cho chính quyền phong kiến Trung Hoa xảy ra hiện tượng “ngoài mạnh hơn trong, cán nặng hơn gáo” và quyền lực trung ương vì thế ngày một suy giảm. Phiên trấn cát cứ phát triển mạnh, buộc đế chế Đường phải thừa nhận quyền tự trị của họ. Tiết độ sứ mạnh lên có quyền chỉ định người nối chức, dần dần thành tập quyền. Miền biên cương của đế chế Đường nằm trong tay các tiết độ sứ. Lúc đầu, tiết độ sứ chỉ nắm quân quyền, về sau quyền lực mở rộng dần, tiết độ sứ kiêm cả dân chính và tài chính, “đã có đất lại có dân, có giáp binh, có của cải”.

Ở phiên trấn, tướng nhiều quyền có khuynh hướng tự trị, lại có quân đội nhà nghề trong tay, tất nhiên chính quyền trung ương phải suy yếu. Điều này thể hiện rất rõ nét trong cái chính thể bộ máy đô hộ ở Giao Chỉ.  Cùng với hiện tượng cát cứ đó, phong trào khởi nghĩa nông dân đã phát triển, tiến công mạnh vào chính quyền phong kiến.

Vào cuối đời Đường, các phong trào khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, ở nhiều nơi, trong đó lớn mạnh nhất là các cuộc khởi nghĩa ở Hồ Bắc và Sơn Đông do Vương Tiên Chi và Hoàng Sào lãnh đạo (năm 874, 875). Nghĩa quân của Hoàng Sào tiến đánh nhiều nơi, giành được chính quyền ở nhiều vùng từ bắc xuống nam, từ nam qua Giang Tây, An Huy, Triết Giang, rồi xuống tận Phúc Kiến, Quảng Đông.
 
Năm 879, từ Quảng Đông, Hoàng Sào lại kéo quân lên phía bắc, tiến đánh Trường An. Triều đình nhà Đường bỏ Trường An chạy sang Tứ Xuyên. Hoàng Sào vào Trường An, xưng hoàng đế, đặt tên nước là Đại Tề (881).

Trước tình hình đó, giai cấp phong kiến đã tạm dẹp mâu thuẫn nội bộ, liên kết với nhau phản công lại và đem quân bao vây Trường An. Trong tình hình gay go, nội bộ nghĩa quân chia rẽ. Chu Ôn, một đại tướng của Hoàng Sào đã phản bội, đầu hàng nhà Đường. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất lớn và đến năm 883, Hoàng Sào rút về Hà Nam, Sơn Đông, tiếp tục chiến đấu và năm sau bị quân Đường đánh bại. Hoàng Sào tự tử ở hang Hổ Cốt phía đông nam núi Thái Sơn) (1).

Phong trào chiến tranh nông dân thời cuối Đường phát triển mạnh mẽ, đã giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô lập chính quyền riêng, nhưng cuối cùng đã bị thất bại. Tuy không trực tiếp lật đổ được nền thống trì phong kiến, nhưng phong trào này đã làm cho đế chế nhà Đường lung lay nghiêng ngả, sự tồn tại của triều Đường chỉ còn trên danh nghĩa.

Năm 907, Chu Ôn, kẻ phản bội phong trào nông dân và được triều đình trọng dụng, đã phế bỏ vua Đường, lên ngôi vua, đổi tên nước là Lương, lịch sử gọi là nhà Hậu Lương, đóng đô ở Khai Phong. Nhà Đường tồn tại ngót 289 năm (618 - 907), đến đây chấm dứt.


(1). Theo Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Sào bị rợ Sa Đà bắt, giết (Sử Trung Quốc, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1996, t.1, tr.316).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #73 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:08:08 pm »

2. Binh chế Trung Quốc thời Tuỳ - Đường

Giai đoạn Tuỳ - Đường là giai đoạn mà nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế thống nhất của Trung Quốc được tái lập, các dân tộc Trung Hoa thêm một bước dung hợp, kinh tế phát triển, thế nước hưng thịnh. Đây cũng là thời kỳ chế độ phủ binh được hoàn bị một bước rồi chuyển sang sa sút, chế độ quân sự Trung Quốc có nhiều thay đổi quan trọng.

Dưới thời Tuỳ - Đường, hệ thống tổ chức quân sự khá hoàn bị. Hạt nhân của quân đội vẫn là quân đội quý tộc.  Tầng lớp thống trị bấy giờ chưa phải là quý tộc văn nhân mà  vẫn là quý tộc có truyền thống thượng võ, mê chiến tranh, có ảnh hưởng hoặc có dòng dõi du mục Hoa Bắc.

Trước đây, những định chế quân sự thiết lập từ Tây Ngụy (535 - 557) - chế độ phủ binh là nhân tố trọng yếu của việc thống nhất Trung Quốc. Do đó, triều Tuỳ tiếp tục phát triển “phủ binh chế” của Tây Nguỵ và Bắc Chu. Hoàng đế thống soái quân đội, thiết lập 12 vệ phủ; mỗi vệ phủ thống lĩnh một “quân”, có một đại tướng quân và hai tướng quân chỉ huy, phía dưới là các phiêu kỵ tướng quân, xa kỵ tướng đại đô đốc và đô đốc. Quân phủ được bố trí tại kinh thành và các địa bàn xung yếu, theo phương châm “trung ngoại phương duy, trọng đầu khinh túc” (trong ngoài liền nhau, nặng đầu nhẹ chân). Bấy giờ, cấm binh và phủ binh thay nhau, kiềm chế nhau, tạo điều kiện để hoàng đế khống chế quân đội và duy trì sự thống nhất cả nước.

Để tăng cường tập quyền trung ương, Tuỳ Văn Đế đã cải cách phủ binh, chấn chỉnh lại hương binh và đặt hương binh dưới sự quản lý của nhà nước. Binh lính được nhận ruộng theo chế độ quân điền, được miễn Tô dung điệu; ngày thường sản xuất; hằng năm thay phiên canh gác trong một thời gian nhất định; thời chiến thì xuất chinh; đồ tư trang tự sắm lấy.  Bấy giờ thực hiện “binh nông hợp nhất”, “tại gia vi nông tại quan vi binh”. Đó cũng là chế độ “ngụ binh ư nông” thời Tuỳ - Đường. Quân đội thường trực nhà Tuỳ có khoảng 60 - 70 vạn, thời chiến có thể huy động đến hàng trăm vạn, như năm 612 trong cuộc xâm lược Cao Ly, Tuỳ Dượng Đế đã huy động tới 130 vạn quân.

Cũng như quân đội Tuỳ, hạt nhân của quân đội Đường vẫn là quân đội quý tộc. Dưới triều Đường phủ binh chế được hoàn thiện hơn triều Tuỳ. Quân thường trực nhà Đường lấy phủ binh làm nòng cốt. Bình thường thuộc 12 vệ của hoàng đế và sáu soái của Đông cung của hoàng thái tử. Mỗi vệ đặt một đại tướng quân, hai tướng quân; mỗi soái đặt một chủ soái và hai phó soái chỉ huy. Khi trong nước có chiến tranh, hoàng đế ra lệnh triệu tập chủ tướng. Việc quân cơ do tể tướng thay mặt hoàng đế giải quyết. Bộ binh có quan thượng thư đứng đầu, chủ yếu giải quyết các việc sự vụ trong quân như sát hạch, tuyển bổ võ quan, tổ chức biên chế, quản lý quân trang, vật dụng.

Đường Thái Tông chỉnh đốn chế độ phủ binh. Mỗi vệ (trong số 12 vệ) thống lĩnh từ 40 - 60 phủ. Thượng phủ có 1.200 người, trung phủ 1.000 người và hạ phủ 800 người. Lúc đông nhất, trong nước có 634 phủ, gồm khoảng 60 vạn quân; chủ yếu phân bố tại các trung tâm lớn với phương châm “cơ trọng ngự khinh” (nặng nơi ở, nhẹ nơi chống) và “cử quân đông chi chúng dĩ tâm tứ phương” (lấy sức mạnh tập trung ở quân đông để hướng về bốn phương) .

Bấy giờ, “triết xung phủ’ là đơn vị tổ chức cơ bản của phủ binh. Mỗi phủ cai quản 4 - 6 đoàn, đặt các chức triết xung đô uý tả quả nghị đô uý, hữu quả nghị đô uý, trưởng lại, binh tào, biệt tướng chỉ huy. Mỗi đoàn có 200 người dưới sự cai quản của một hiệu uý; đoàn chia thành hai lữ do các lữ soái chỉ huy; mỗi lữ soái quản hai đội do các đội trưởng chỉ huy; mỗi đội chia thành năm hoả, mỗi hoả 10 người, đứng đầu là hoả trưởng. Vào mùa đông hằng năm các triết xung đô uý phải chỉ huy binh mã phủ binh mình luyện tập quân sự.  Quyền điều động, chỉ huy phủ binh thuộc về triều đình, đứng đầu là hoàng đế. Phủ binh phải thay nhau đóng ở kinh sơ gọi là “thượng phiên”, mỗi kỳ một tháng, mỗi năm ba lần.  Phủ binh còn được điều đi đóng giữ ở các khu vực xung yếu, mỗi năm một kỳ.

Chế độ phủ binh dưới thời Bắc Chu mới áp dụng cho các gia đình chuyên nghề binh, đến đời Đường mở rộng ra cả nông dân, tổ chức thành từng đội, đóng ở quanh kinh đô, ở Thái Nguyên và trên biên giới phía bắc. Phủ binh thường tuyển từ nông dân tự canh và địa chủ; về sau do thiếu nên tuyển cả dân nghèo. Quy định của nhà Đường, cứ ba năm tuyển lính một lần. Đàn ông từ 20 tuổi trở lên, có sức khoẻ đều là đối tượng tuyển lính. Tiêu chuẩn tuyển là tài sản, sức khoẻ và số dinh: “của bằng nhau thì chọn người khoẻ hơn, sức bằng nhau thì chọn người giàu hơn”. Thường là 21 tuổi vào lính, 61 tuổi xuất ngũ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #74 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:09:53 pm »

Càng về sau chinh chiến càng nhiều, quyền lợi của người lính không có mấy, địa vị xã hội giảm, nên địa chủ không thích đi lính nữa. Đặc biệt kỳ hạn binh dịch không thực hiện nghiêm chỉnh, ruộng đất bị thôn tính, chế độ quân điền bị phá hoại, không còn nguồn cung cấp lương cho lính, nên phủ binh bỏ trốn hàng loạt. Vua Đường Huyền Tông cho giảm phục dịch xuống 15 năm (từ 25 tuổi đến 50 tuổi), không phải ba năm mà sáu năm một lần tuyển lính. Tuy thế, chế độ phủ binh vẫn không thực hiện tốt, dẫn đến tình trạng triết xung phủ không có quân lính.  Đến năm 749, buộc phải bỏ chế độ “thượng phiên”, do vậy, triết xung phủ chỉ còn hữu danh vô thực.

Vì chế độ phủ binh theo lối nghĩa vụ suy sụp, nhà Đường vận dụng chế độ binh lính tuyển mộ, từ chỗ lính nghĩa vụ chuyển sang lính đánh thuê, việc binh lương do quan chủ cung cấp. Với chế độ mộ binh, quân đội được chấn chỉnh, tính tự trị và quyền hành của bọn tướng lĩnh được tăng lên. Các tàu ngựa nhà vua lại đầy ngựa chiến. Tuy nhiên, chế độ chiêu mộ quy định trước sau không nhất quán, nên không duy trì lâu được.

Đầu đời Đường, quân đội đóng ở kinh thành, ở trong cung gọi là cấm binh hay Thiên tử cấm quân. Phủ binh có 12 vệ luân phiên được điều tới bảo vệ kinh đô, gọi là nam nha cấm binh. Những cấm binh chuyên đóng ở phía bắc kinh thành gọi là bắc nha cấm binh. Lúc đầu số này có ba vạn người tuyển chọn trong quân khởi sự của Lý Uyên (Đường Cao Tổ và thực hiện cha truyền con nối bảo vệ cấm thành. Đến khi Thái Tông lên ngôi, triều đình loại bỏ quân ấy, chọn lấy 100 kỵ sĩ thiện xạ dũng mãnh để bảo vệ hoàng đế gọi là bách kỵ.  Đường Thái Tông còn cho lập bảy doanh bắc nha cấm quân, chọn những trai tráng khoẻ mạnh đóng ở tả, hữu vũ môn, gọi là phủ kỵ. Thời Đường Cao Tông đặt tả, hữu vũ lâm quân. Võ Tắc Thiên đổi “bách kỵ” làm “thiên ky”, tăng cường lực lượng hộ vệ. Thời Đường Trung Tông lại đổi “thiên kỵ” thành “vạn kỵ”, phân làm tả, hữu doanh. Thời Huyền Tông thêm tả, hữu long vũ quân... Cuối đời Đường các vua vẫn phải dựa vào cấm binh để duy trì nền thống trị vốn đã mục nát, suy yếu.
 
Nhà Đường chú trọng phát triển kỵ binh (cưỡi ngựa, vũ trang bằng cung). Giữa thế kỷ VII, nhà Đường có. khoảng 500.000 ngựa, chăn nuôi ở miền Thiểm Tây, Cam Túc. Ngoài ra còn chăn nuôi ngựa riêng. Phủ binh đi lính phải mang theo ngựa của mình. Quân đội tập trung chủ yếu ở kinh đô và trên biên thuỳ phía bắc và tây bắc.

Lực lượng quân đội bảo vệ biên cương buổi đầu Đường gọi là trấn và thú. Trấn và thú đều phân chia thành thượng, trung, hạ. Thượng trấn 500 người, trung trấn 300 người và hạ trấn 100 người, trung thú 30 người và hạ thú dưới 30 người. Mỗi thú có chức thú chủ và thú phó cai quản. Lính canh giữ biên cương chủ yếu là quân địa phương làm nghĩa vụ, thời hạn phục dịch ba năm, tự túc lương thực. Ngoài ra còn có lính mộ thêm, gọi là phòng định. Số lính mộ về sau phục vụ lâu dài, lương thực vật dụng do nhà nước cung cấp.  Cuối thời Đường, quân phiên trấn chủ yếu là loại lính nhà nghề đó.

Dưới thời Võ Tắc Thiên, các châu ở phía bắc còn lập các đội vũ trang dân chúng, gọi là đoàn kết binh, ở một số địa phương thành lập thổ trấn, thổ đoàn, đoàn luyện quân. Số lính đó được quan phủ cấp lương ăn, miễn sai dịch. Nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với quân đội để bảo vệ biên cương. Chỉ huy lực lượng quân sự đó là các tiết độ sứ.

Triều Đường đã có pháp luật quân sự, những quy định tương đối hoàn chỉnh về nghĩa vụ trách nhiệm và thưởng phạt đối với quân nhân, ví như Cấm vệ luật, Thiện hưng luật Bổ vong luật, Cung vệ luật, Quân phòng lệnh, Binh bộ thức, Binh bộ cách, v.v. .

Để chống kẻ ngoài xâm lấn và sửa soạn bành trướng, nhà Đường xây dựng các phiên trấn (hay phương trấn) ở dọc biên giới, đứng đầu là các tướng lĩnh, gọi là tiết độ sứ (Lúc đầu có 10 tiết độ sứ) kiêm quản mấy châu, cả về binh chính, dân chính và tài chính. Sự hình thành những đội quân lớn lính nhà nghề ở các địa phương xa thực sự đã đe doạ chế độ trung ương tập quyền. Tuy vậy, Đường Huyền Tông vẫn phải o bế các tướng lĩnh, đặc biệt là tin yêu An Lộc Sơn, cho kiêm giữ tiết độ sứ ba trấn Bình Lừ, Phạm Dương và Hà Đông (vùng Kinh Bắc trong tay có tới 20 vạn quân, thế lực rất mạnh.
 
Tình trạng dựa cậy vào các tướng bên ngoài trong đó có cả bọn tướng gốc ngoại lai cũng như việc tăng cường quyền lực và quân đội của các tiết độ sứ ở phiên trấn, chứng tỏ triều đình và quân đội trung ương đang rạn nứt, suy yếu.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #75 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:11:44 pm »


Trước nguy cơ thất thủ Trường An vào giữa thế kỷ VIII, các tướng sĩ trong triều phải thúc ép Đường Huyền Tông giết Dương Quý Phi và Dương Quốc Trung để cứu vãn tình thế.

Cuối đời Đường, các tiết độ sứ khống chế chính quyền địa phương; dựa vào nhân lực, vật lực trong vùng để tổ chức và nuôi dưỡng những đội quân lớn, đối .lập với triều đình, khiến cho tình trạng “trong nặng ngoài nhẹ” trước đây trở thành, “ngoài nặng hơn trong” sau này. Một khi triều chính đã suy yếu thì quân đội cũng không thể mạnh và tình trạng cát cứ tất yếu sẽ phát triển, chia sẻ đế quyền. Đó là biểu hiện dẫn đến sự sụp đổ của triều đại phong kiến nhà Đường.
 
3. Chiến tranh chinh phục thời Tuỳ - Đường

Như phần trên đã nói, Tuỳ Dượng Đế đã kế thừa một đường lối chính trị bành trướng phản động. Dượng Đế rất ham dùng binh và không ngớt phát động chiến tranh về phía nam. Ngay sau khi cướp ngôi cha, năm 605, Tuỳ Dượng Đế đã sai Lưu Phương tiến đánh Lâm ấp. Vua Phàn Trí phải bỏ thành chạy trốn. Đất Lâm ấp bị chia thành ba quận: Lâm ấp, Tỷ Cảnh và Hải âm. Các quận này đến đời Đường đổi thành ba châu: Lâm châu, Cảnh châu và Sơn châu.  Ngoài việc đánh Lâm ấp, nhà Tuỳ còn phát binh đánh người Đột Quyết và nước Thổ Cốc Hồn (nay thuộc tỉnh Thanh Hải) và bắt nhân dân các nước đó thần phục. Quân đội Tuỳ cũng đã tiến công chinh phục Đài Loan, quần đảo Lưu Cầu, chinh phục Tây Đồ quốc trên vùng Palembang và đảo Xumatưra.

Đặc biệt, Tuỳ Dượng Đế đã tiến công xâm lược theo cả đường bộ và đường thuỷ vào vương quốc Cao Ly. Năm 611, Dượng Đế gấp rút chuẩn bị lực lượng tiến công Cao Ly, bằng cánh xây dựng một hạm đội thuyền chiến lớn mạnh, tăng cường quân số, xe ngựa, đặt thêm nhiều quân phủ ở khắp nơi. Dưới triều Tuỳ, chiến tranh xâm lược Cao Ly có quy mô lớn nhất. Dượng Đế đã bắt tất cả các phú gia trong nước bỏ tiền ra mua ngựa cho đủ 100.000 con và sắm binh khí tốt. Ông cho huy động hàng triệu dân công đem cả lừa, ngựa và thuyền bè của mình để vận chuyển quân lương, khí giới ra biên giới. Thợ thủ công làm việc suốt ngày đêm để đóng đủ 300 chiến hạm, năm vạn cỗ binh xa. Thợ thuyền ốm chết vì cực khổ, nông thôn thiếu người và trâu bò cày cấy, ruộng đất phải bỏ hoang.

Năm 612, Tuỳ Dượng Đế đích thân thống lĩnh 130 vạn quân theo đường bộ từ quận Trác (Hà Bắc) tiến đánh Cao Ly. Số dân phu huy động vận tải cho chiến tranh đến trên hai  triệu người. Một cánh quân khác theo đường biển xuất phát  từ quận Đông Lai (Sơn Đông) cùng tiến sang Cao Ly.
   
Bấy giờ, nhân dân Cao Ly chiến đấu rất anh dũng,  đánh chặn địch ở vùng ngoài kinh đô (Bình Nhưỡng), khiến quân xâm lược bị tổn thất nặng nề. Một cánh quân Tuỳ hơn 30 vạn khi qua sông Liêu chỉ còn lại 2.700 người.  Quân lương, khí giới, người, ngựa thiệt hại vô kể. Cuộc tiến công xâm lược Cao Ly của Tuỳ Dượng Đế bị thất bại.  Năm 613 và 614, quân Tuỳ lại hai lần xâm lược Cao Ly, nhưng đều bị đánh tan.

Bạo chính ở bên trong và bành trướng ra bên ngoài dưới thời Tuỳ Dượng Đế đã làm cùng kiệt sức lực của dân, trong ngoài đều oán giận, nhiều thế lực đã nổi lên chống đối nhà vua. Đó là nguyên nhân khiến nhà Tuỳ nhanh chóng mất ngôi hoàng đế.

Nhà Đường sau khi ổn định được tình hình trong nước đã nghĩ đến việc mở rộng đất đai. Dưới thời Đường, chủ nghĩa bành trướng phát triển rất mạnh. Có thể nói thế kỷ thứ VII là thế kỷ đại bành trướng của Trung Quốc (dưới triều Đường Thái Tông và Đường Cao Tông). Đường Thái Tông đã từng ngạo nghễ nói về võ công chinh phục và đế chế rộng lớn của mình rằng: “Chinh phục Man Di ngày trước, chỉ có Tần Thuỷ Hoàng và Hán Vũ Đế. Ta nay với thanh gươm ba thước, đã khuất phục hai mươi vương quốc, dẹp yên bốn biển, bọn Man Di ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục” (Đường thư).
 
Người mở đầu việc xâm lấn các nước xung quanh là Đường Thái Tông. Sử Trung Quốc viết: “Sự nghiệp của Đường Thái Tông cũng to lớn như Hán Cao Tổ”, là muốn nói về thành tích mở rộng đất đai của vua Đường Thái Tông.

Trong lịch sử, người Trung Quốc thường phải cảnh giác với các tộc du mục ở phía bắc và phía tây, coi đó là mối hoạ lớn phải đề phòng. Chính vì vậy, nhà Đường tuy đã làm chủ hết Hoa Bắc vẫn phải đối phó với các bộ tộc du mục mà trước tiên là người Đột Quyết (Thổ Nhĩ Kỳ). Người Đột Quyết vốn sống ở dãy núi Antai bằng nghề chăn nuôi. Giữa thế kỷ VI, người Đột Quyết đánh bại người Nhu Nhiên và các nước phía tây, làm chủ cả một vùng rộng lớn, phía đông đến dãy núi Hưng An (đông Mông Cô), phía tây đến biển Lý Hải, phía bắc đến vùng Antai (hồ Bai can). Đến đời Tuỳ, Đột Quyết chia làm Đông Đột Quyết từ sa mạc Qua Bích tới cuối biên giới phía đông Trung Quốc và Tây Đột Quyết ở Trung á, phía bắc Thiên Sơn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #76 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:13:36 pm »

Đường Thái Tông ra sức chuẩn bị đánh Đột Quyết, tích cực đôn đốc việc huấn luyện quân đội và còn tự mình dạy tướng sĩ bắn cung, đồng thời luôn luôn tìm hiểu tình hình Đột Quyết, chờ thời cơ tiến công xâm lược.
 
Năm 630, nhân lúc nội bộ người Đột Quyết bị chia rẽ, vua Đường sử dụng ky binh tinh nhuệ, vượt Trường Thành tập kích bất ngờ vào bản doanh Đông Đột Quyết. Vua Đột Quyết bị bắt sống. Quân Đường chiếm cả vùng Nội Mông, phía nam sa mạc lớn và lôi kéo các bộ lạc đã bị Đông Đột Quyết thống trị.

Tiếp đó, nhà Đường chuyển sang tiến công Tây Đột Quyết. Được quân Hồi Hột giúp sức, Đường Thái Tông và con là Đường Cao Tông liên tục tổ chức các cuộc tiến công và giành được nhiều thắng lợi, khống chế cả một vùng rộng lớn từ Tây Vực đến biển Aral. Chinh phục được Đột Quyết là võ công lớn nhất trong chiến tranh của Đường Thái Tông.

Trước sau Đường Thái Tông và Đường Cao Tông đã phát quân đánh Thổ Cốc Hồn ở Thanh Hải, Tăng Gút ở biên giới Tứ Xuyên, các cư dân du mục và Bách Tế ở bán đảo Cao Ly (660); giao thông với Nhật Bản, chinh phục các vùng ở Trung á như Ham, Tuyếcphân, Kanasa, Kusa (640 - 658); đem quân xâm nhập miền Bắc Ấn, can thiệp vào Ba Tư Sátxanít trên sông Tigơrơ, v.v. . Bấy giờ, các bộ lạc ở phía bắc, ở khu vực Ngoại Mông, một số tiểu quốc vùng Ba Tư, Ấn Độ, cùng nhiều bộ tộc xa xôi ở Tây á sợ uy danh của nhà Đường đều cử sứ giả tới xin thần phục.

Nhà Đường lập tới sáu đô hộ phủ hoặc đô đốc phủ, một loại hình đô hộ và bảo hộ bằng quân sự:

- An Nam (Việt Nam).

- Bắc Đình (Berhbalik, miền Urumchi ngày nay).

- An Tây (tây Cam Túc).

- An Đông (Liêu Ninh, nam Mãn châu).

- An Bắc (tây bắc miền Hà Sáo).

- Thiền Vu (đông bắc miền Hà Sáo, trên đất Mông Cổ).

Sức mạnh và thanh thế đế chế Đường lừng lẫy, thịnh hơn cả thời Lưỡng Hán. Đất đai Trung Hoa bành trướng cực rộng, từ Triều Tiên tới IRan, từ lưu vực sông Ili (Trung á) đến miền Trung Việt Nam ngày nay. Đế chế Trung Hoa thời Đường còn rộng lớn hơn cả thời Hán.

II. ĐẤT NƯỚC TA DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA TUỲ - ĐƯỜNG

1. Tổ chức hành chính, bộ máy cai trị của nhà Tuỳ và nhà Đường

Năm 589, sau khi tiêu diệt nhà Trần, nhà Tùy lo vươn tới đất Giao châu bằng sự ràng buộc, dụ dỗ, mua chuộc. Khi dụ dỗ không thành công nhà Tuỳ chuyển sang chính sách đàn áp khủng bố. Năm 602, Lưu Phương được cử làm tướng sang đánh Lý Phật Tử. Bình xong Lý Phật Tử, nhà Tuỳ tổ chức cai trị Giao châu.

Năm 607, Tuỳ Dượng Đế bỏ các tên châu, đổi thành quận, thực hiện phân phong cho Tôn thất công thần, chuyên dùng quan liêu, đặt khoa cử để củng cố nền thống trị của chính quyền trung ương. Bấy giờ Giao châu gồm bảy quận như sau:

- Giao Chỉ gồm 9 huyện, 30.056 hộ (Bắc Bộ).

- Cửu Chân gồm 7 huyện, 16.135 hộ (Thanh Hoá).

- Nhật Nam gồm 8 huyện, 9.915 hộ (Nghệ Tĩnh) .

- Tỷ Cảnh gồm 4 huyện, 1.815 hộ (Bình Trị Thiên).

- Hải âm gồm 4 huyện, 1.100 hộ (Bình Trị Thiên).

- Lâm ấp gồm 4 huyện, 1.220 hộ *Bình Trị Thiên).

- Ninh Việt (gồm Ngọc châu và Khâm châu).
 
Trị sở quận Giao Chỉ được dời từ Long Biên (Bắc Ninh) về Tống Bình (Hà Nội).
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Giêng, 2009, 11:15:53 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #77 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:08:24 am »



Về danh nghĩa, các quận trực tiếp phụ thuộc chính quyền phong kiến trung ương Trường An. Nhưng trên thực tế, như  lời thú nhận của vua Tuỳ, các quận thuộc Giao châu chỉ là  “đất ràng buộc lỏng lẻo”.
 
Vào những năm triều Tuỳ có biến loạn, đất nước ta hoàn toàn cánh tuyệt với phương Bắc. Lúc bấy giờ, Lâm Sĩ Hoẵng khởi nghĩa ở Giang Tây tự xưng là Sở đế chiếm cứ một vùng từ Cửu Giang (Giang Tây) đến Phiên Nhung. Bọn quan liêu, địa chủ cũng nổi dậy cát cứ. Tiêu Tiễn (Tôn thất nhà Lương) chiếm Ba Lăng (Hồ Nam), sau chiếm đất của Lâm Sĩ Hoẵng.
 
Cựu Đường thư chép: “Ninh Trường Chân đem đất Uất Lâm đi theo Tiêu Tiễn, Phùng áng đem đất châu Nhai và Phiên Ngang đi theo Lâm Sĩ Hoẵng” (1). Tuỳ Dưỡng Đế chết (617) mà thái thú Giao Chỉ là Khâu Hoà vẫn không biết. Khâu Hoà bóc lột thậm tệ nhân dân ta và các vùng phương Nam khác, nên có nhiều minh châu, sừng tê, vàng bạc “giàu ngang vương giả” và cùng về hùa với bọn quan lại, địa chủ cát cứ.

Tiêu Tiễn hám lợi, sai Ninh Trường Chân đem quân đánh Khâu Hoà, Khâu Hoà sai trưởng sử Cao Sĩ Liêm đem quân đánh thắng; nhưng thế lực Tiêu Tiễn rất mạnh, nên về sau Khâu Hoà cũng đi theo Tiêu Tiễn. Như vậy, từ ‘cuối đời Đại Nghiệp (605 - 617) nhiều lần oán hận nổi lên” (2), cho đến khi nhà Tuỳ mất, vùng đất nước ta chỉ là nơi cát cứ của bọn quan lại Trung Quốc, nơi xảy ra những cuộc đánh cướp lẫn nhau giữa bọn chúng.


(1). Cựu Đường thư, q.59, Khâu Hoà truyện, t.4b; Tân Đường thư, q.90, t.7a và b.
(2). Tuỳ thư q31
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #78 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:10:44 am »


Từ khi thiết lập nhà Đường (618), tình trạng cát cứ ở phía nam tạm ổn. Khâu Hoà ở Giao Chỉ, họ Ninh ở Khâm châu đều đầu hàng nhà Đường. Khâu Hoà được vua Đường phong tước đàm quận công, làm đại tổng quản Giao châu.  Tuy vậy, thái thú Cửu Chân là Lê Ngọc - có vợ là người Việt - cùng các con trai, con gái chia binh đắp thành chống lại triều Đường, mãi sau mới bị quân Đường đánh bại. Thái thú Lý Giao, cát cứ ở Nhật Nam, tới giữa năm 622 mới hàng nhà Đường.

Những điều trên chứng tỏ, sức ly tâm chính trị của miền đất nước ta đối với triều đình phương Bắc luôn tiềm ẩn hoặc bột phát dưới nhiều dạng thức phức tạp. Từ khoảng năm 618 - 622, nền đô hộ của nhà Đường dần dần được xác lập và củng cố. Nền đô hộ đó ngày càng nặng nề và quỷ quyệt, thâm độc hơn.

Nhà Đường bãi bỏ các quận do nhà Tuỳ lập, khôi phục lại  hệ thống các châu nhỏ thời Nam Bắc triều. Trùm lên các  châu thuộc miền đất nước ta, năm 622 nhà Đường lập Giao châu đô hộ phủ, tới năm 679 đổi thành An Nam đô hộ phủ.  Địa danh “An Nam” có từ đó.
 
Đô hộ phủ là cơ quan cai trị  bằng bạo lực quân sự các thuộc quốc “vệ tinh” của đế chế Đường, tức khu vực “ngoại địa”. Từ sau khởi nghĩa Lý Bí, về hình thức, bọn đô hộ không thể duy trì những phương thức và thủ đoạn cai trị tàn bạo, trắng trợn và lộ liễu theo dấu vết của triều Hán.

Việc lập An Nam đô hộ phủ đánh dấu sự thất bại sau 700 năm thống trị của bọn đô hộ nước ngoài trong âm mưu đồng hoá nhân dân ta và biến đất nước ta thành “nội địa” Trung Hoa. Mặt khác, có thể đó là một sự “khôn khéo” với những thủ đoạn chiến lược mới nhằm mục đích dập tắt hoặc làm mai một ý chí giành độc lập của dân tộc ta. Chính sách đặt các đô hộ phủ để khống chế các thuộc quốc cũng được nhà Đường vận dụng ở các vùng khác như đặt An Tây đô hộ phủ để khống chế các tộc Thổ Phồn (miền Tân Cương, Thanh Hải và Khang Tạng ngày nay) và An Đông đô hộ phủ để khống chế Cao Ly (668) . . .

Cơ cấu chính quyền mới được thiết lập với mục đích để khống chế toàn bộ miền đất nước ta, song bấy giờ nhà Đường mới xây dựng, chưa củng cố được quyền lực bên trong, nên đối với các miền biên viễn triều đình vẫn trao quyền hành cho những thủ linh cát cứ đã đầu hàng, dần dần chính quyền phong kiến nhà Đường phát triển và thống nhất, một mặt nền thống trị bên trong được củng cố, mặt khác uy lực đối ngoại cũng tăng lên. Nhà Đường tiến hành các cuộc hành quân chinh phục và biến đế chế Đường thành một đế quốc rộng lớn hơn cả đế chế Hán thời cực thịnh.

Nhà Đường đã chia đất An Nam ra làm 12 châu, 59 huyện (bao gồm miền đất nước ta hiện nay từ Bắc Bộ đến đèo Ngang và một phần phía nam các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây); đó là các châu:

1 - Giao châu. 2- Phong châu . 3- Trường châu : Bắc Bộ

4-  Ái châu. 5- Phúc Lộc châu.  6- Diễn châu. 7- Hoan châu: Bắc Trung Bộ
 
8- Lục châu: Thuộc Quảng Tây (Trung Quốc) và Quảng Ninh (Việt Nam)

9- Thanh châu. 10- Vũ Nga châu  11- Vũ An châu.  12-  Chi châu: Thuộc Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc)

Bấy giờ, vùng Bình Trị Thiên ngày nay còn là vùng đất của người Chăm pa.

Từ giữa thế kỷ thứ IX, quân Nam Chiếu hoành hành trên vùng đất nước ta, chính quyền đô hộ suy yếu không giữ được phủ thành Tống Bình. Năm 863, vua Đường bãi bỏ phủ đô hộ, rút quân về đóng ở Hải Môn (thuộc Uất Lâm, Trung Quốc) gọi là hành Giao châu. Mãi đến năm 866, sau khi Cao Biền đánh lui được quân Nam Chiếu, chiếm lại phủ thành, phủ đô hộ ở Tống Bình mới được đặt lại.

Trong hệ thống chính quyền lúc đó, dưới phủ có các cấp: châu, huyện, hương, xã. Đại tổng quản Giao châu Khâu Hoà là người đầu tiên đặt ra hương, xã.
 
Theo An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng thì hương gồm đại hương (hương lớn) và tiểu hương (hương nhỏ); xã gồm đại xã (xã lớn) và tiểu xã (xã nhỏ). Hương lớn từ 160 - 540 hộ, hương nhỏ từ 70 - 150 hộ; xã lớn từ 40 - 60 hộ, xã nhỏ từ 10 - 30 hộ.
 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #79 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2009, 02:12:55 am »


Từ cuối thế kỷ VIII, Triệu Xương được cử sang làm An Nam đô hộ đã bỏ sự phân chia thành hương lớn, hương nhỏ, gọi chung là hương. Trong đời Hàm Thông (860 - 874), Cao Biền chia đặt tất cả 159 hương có lẽ chỉ tính riêng vùng đồng bằng, không kể các châu kimi.

Như vậy, đến đời Đường, cả nước ta thành một đơn vị hành chính thống nhất. Nhà Đường đã với tay đến tận các hương, xã. Đó là điều khác hẳn so với các thời trước.  Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền đô hộ mới chỉ nắm được các cấp châu, huyện và phần nào cấp hương, chưa thể với tới cấp xã vốn dựa trên cơ sở công xã nông thôn mang tính tự trị cao độ.

Đứng đầu phủ có chức quan đô hộ. An Nam là một phủ lớn, thuộc loại thượng phủ, nên đô hộ cũng có quyền lực rất lớn. Chức đô hộ này, lúc đầu được gọi là đại tổng quản, rồi gọi là đô đốc. Từ năm 679 thì chức đô đốc gọi là đô hộ. Những lúc việc chiến tranh bề bộn, nhà Đường đại đổi đô hộ làm kinh lược sứ (ví như kinh lược sứ Trương Bá Nghi, kinh lược sứ Vũ Hồn, kinh lược sứ Thái Tập) nhằm nhấn mạnh tính chất quân sự của chức vụ đó.

Đến thời Cao Biền, nhà Đường đổi chức đô hộ thành tiết độ sứ với ý tăng thêm quyền lực cho chức vụ này. Như vậy, An Nam đô hộ phủ là một tổ chức chính quyền thực dân có nhiều quyền hạn, lúc đầu phụ thuộc vào chính quyền trung ương nhưng sau phụ thuộc vào tiết độ sứ Lĩnh Nam (ở Quảng châu) . Tiết độ sứ là chức vụ thay mặt cho uy quyền hoàng đế, đặt ở các miền biên cương bắt đầu từ đời Vĩnh Huy (650 - 655). Đến đời Huyền Tông, biên cảnh Trung Quốc có 10 tiết độ sứ, trong đó có tiết độ sứ Lĩnh Nam, đặt vào năm Chí Đức thứ hai (757).

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM