Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:40:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106548 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #40 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:03:25 pm »


Trong tình hình rối ren đó, bọn quý tộc sĩ đại phu kéo sang Giao châu rất đông.  Thực ra, tình hình Giao châu lúc đó cũng chẳng yên ổn gì.  Bọn quan lại ở đây vẫn hoành hành đục khoét nhân dân, nên ai cũng hờn giận bọn chúng.

Nhà Hán cho phép bọn thứ sử, thái thú được trưng tập danh sĩ làm thuộc viên và những phần tử được thu hút vào giai cấp thống trị theo lối đó quả là phức tạp. Bọn quý tộc quan liêu lớn cũng có thể tuyển con em trong họ hàng ra làm quan. Chẳng hạn thứ sử Giao châu cuối đời Đông Hán là Chu Phù người Cối Kê, phần nhiều dùng người đồng hương như bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn làm trưởng lại. Bọn này bắt dân đóng thuế nặng nề, một con cá vàng cũng thu một hộc thóc. Trăm họ oán ghét làm phản, kéo đi đánh châu quận, Chu Phù phải chạy ra biển (1).

Cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, miền đất nước ta nằm dưới quyền thống trị kiểu cát cứ của cha con, anh em Sĩ Nhiếp.  Lợi dụng tình thế rối ren, thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp dâng biểu xin cho em là Sĩ Nhất làm thái thú Hợp Phố, em thứ hai là Sĩ Vĩ làm thái thú Cửu Chân và em Vĩ là Sĩ Vũ làm thái thú Nam Hải. Quyền hành của anh em Sĩ Nhiếp ở Giao châu rất lớn, họ sống xa xỉ như đế vương.

Bấy giờ, Lưu Biểu cử Ngô Cự sang làm thái thú Thương Ngô; Tôn Quyền cát cứ ở Giang Đông. Lưu Biểu muốn thu hút Giao châu vào phạm vi thống trị của mình ở Kinh châu. Vì thế, Giao châu trở thành miếng mồi tranh chấp giữa nhà Hán - Lưu Biểu và nhà Ngô - Tôn Quyền. Lúc đầu Sĩ Nhiếp một lòng theo Hán, nhưng từ khi Ngô Cự đầu hàng Tôn Quyền và nhất là từ khi Tôn Quyền cử Bộ Chất sang làm thứ sử Giao châu thì Sĩ Nhiếp lại thần phục triều Ngô.

Hằng năm Sĩ Nhiếp phải đem sản vật địa phương cống cho Ngô Tôn Quyền, trong số cống phẩm đó có nhiều lương thực, hàng ngàn tấm vải cát bá loại mịn, ngọc minh châu, đại bồi xà cừ, lưu li, lông chim trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi và các thứ hoa quả lạ như chuối tiêu, dừa, nhãn và vải lấy ở Giao Chỉ.
 
Sĩ Nhiếp vốn người gốc Hán nhưng có phần bản địa hóa. Nhân Trung Hoa có vài trăm người sang nương tựa, Sĩ Nhiếp đã khuếch trương việc truyền bá Nho giáo ở Giao châu. Việc nhà Nho ở nước ta đời sau đề cao Sĩ Nhiếp, Tôn là Sĩ vương hoặc gọi ông là “Nam giao học tổ” cũng chính vì vậy.
 
Sau khi Sĩ Nhiếp chết, con là Sĩ Huy chống lại Ngô, không chịu nhận mệnh, nổi binh giữ quận Giao Chỉ. Nhà Ngô sai thứ sử Lữ Đại đem đại binh vượt biển sang đàn áp Sĩ Huy. Gia đình Sĩ Huy, tất cả sáu người cùng nhiều tướng lĩnh tay chân bị giết; hàng vạn nhân dân Cửu Chân nhân đó khởi nghĩa cũng bị tàn sát. Tôn Quyền sáp nhập Quảng châu với Giao châu và cho Lữ Đại làm thứ sử, tước Phiên Ngung hầu. Nhà Ngô tánh khu vực Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) ra khỏi Giao châu.

Cuộc tàn sát đẫm máu của Lữ Đại không làm nhụt ý chí bất khuất của nhân dân ta. Người Việt vẫn không ngừng nổi dậy. Sách Ngô chí viết: “Miền biên giới bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, châu Quan vẫn chưa yên” (2). Lữ Đại ra đi (năm 231), thái thú Giao Chỉ Tiết Tổng dâng sớ cho Tôn Quyền nói: “Giao châu đất rộng người đông, hiểm trở độc hại, dân xứ ấy rất dễ làm loạn, rất khó cai trị” (3). Trong phong trào chống Ngô thời đó, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu có thanh thế vang động hơn cả.


(1). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.1 , tr.167 .
(2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.1 , tr.167 .
(3). Ngô chí, q.16.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:08:39 pm »


II. KHỞI NGHĨA BÀ TRIỆU (Năm 248)

Dưới ách thống trị của nhà Ngô, nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân bị áp bức, bóc lột rất nặng nề. Chính quyền đô hộ cai trị bằng biện pháp “lấy binh uy mà ức hiếp”. Sách Ngụy chí cho biết: “Giặc Ngô chính hình bạo ngược, phú liễm không biết thế nào là cùng” (1). Quân xâm lược vẫn một lối vơ vét của cải vô hạn định gọi là nộp cống và bắt hàng ngàn, hàng vạn trai tráng đất Việt, xích trói họ đem sang Ngô đi lính, làm bia thịt trong cuộc hỗn chiến phong kiến Tam quốc: Ngụy - Thục - Ngô. Sách Tán thư viết: “Tôn Tư là người tham bạo, làm cho bách tính khổ sở” (2).

Thái thú Tôn Tư đã bắt hơn 1.000 thợ thủ công Giao Chỉ về nộp vua Ngô. Trước sau, với dân ta, nhà Ngô thực thi một kiểu cách “đều lấy binh uy mà ức hiếp” (3), kiểu cách của một chính quyền quân sự độc tài dựa vào địa chủ thực dân Hán ở Giang Nam mà lập triều đình cát cứ.

Năm 231, nhà Ngô dời đô từ Vũ Xương (Hàn Khẩu) về Kiến Nghiệp (Nam Kinh) là do sức kéo của bọn “hào hữu Giang Nam” này. Đất Ngô, dân giỏi khai mỏ đồng, đúc tiền, giỏi nghề nấu muối ven biển, nhưng thiếu thợ xây dựng. Vì thế, hàng ngàn thợ thủ công giỏi ở Giao Chỉ đã bị cưỡng bức sang Ngô xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp.
Lời sớ của Tiết Tổng, thái thú Giao Chỉ đời Ngô nêu lên rằng bọn quan lại sang cai trị Giao châu đều tàn ác: “Hoàng Cái ở Nam Hải làm thái thú Nhật Nam khi đến nơi thấy đồ cung đơn, trần thiết không đủ, đánh chết người chủ bạ, nhưng rồi cũng bị đánh đuổi. Thái thú Cửu Chân là Đam Manh vì bố vợ là Chu Kinh mà bày tiệc mời các quan to. Khi rượu say cho cử nhạc, công tào Phan Hâm đứng dậy múa, rồi mời Kinh. Kinh không chịu đứng lên. Hâm cứ thúc ép mãi.  Manh nổi giận giết Hâm. Em của Hâm là Miên đem quân đến đánh Manh. Thái thú Giao Chỉ trước là Sĩ Nhiếp sai quân đến đánh dẹp không được” (4). Điều đó nói lên tình trạng loạn lạc và thái độ hống hách của bọn quan lại nhà ngô. Đối với nhân dân, chúng còn bóc lột, đối xử thậm tệ hơn nhiều.

Chính vì vậy, người Giao Chỉ, Cửu Chân đã không ngừng nổi dậy; bọn thứ sử, thái thú nhà Ngô không sao đàn áp được.  Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tân Hợi (231 - Ngô Hoàng Vũ năm thứ ba) Ngô vương cho là đất miền Nam đã dẹp yên, gọi thứ sử Lữ Đại về. Thái thú Hợp Phố là Tiết Tổng dâng thư nói:... “(Giao châu) đất rộng người đông, núi rừng hiểm trở, dễ làm loạn... Nay Giao châu tuy tạm yên..., nhưng nếu Đại không trở lại phương Nam nữa thì thứ sử mới nên chọn người nào cẩn thận, chu đáo, có phương lược mưu kế để vỗ về mới có thể yên được” (5).

Năm 248, nhân dân Giao Chỉ và Cửu Chân lại nổi dậy khởi nghĩa, đánh chiếm thành ấp, toàn thể Giao châu đều chấn động. Tiêu biểu hơn hết là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu ở Cửu Chân (Thanh Hóa) .

Sử cũ của ta chép rằng: Năm Mậu Thìn (248) “người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô vương cho Hành Dương đốc quân đô úy Lục Dận làm thứ sử kiêm hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ân đức tín nghĩa hiểu dụ, dân ra hàng phục đến hơn ba vạn nhà, trong châu lại yên. Sau, người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu ẩu tập họp dân chúng đánh chiếm các quận huyện (ẩu vú dài ba thước, vắt ra sau lưng, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặt)” (6).

Sách Giao Chỉ chí chép: “Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần” (7).

Triệu ẩu, Triệu Thị Trinh hay Triệu Trinh Nương đều là tên gọi dân gian và bác học của Bà Triệu.

Các sách Nam Việt chí và Quảng châu ký (viết vào thế kỷ IV-V) là những sách đầu tiên ghi chép về Bà Triệu.  Những ghi chép từ đầu thế kỷ XX về trước nhìn chung đều thống nhất khi nói về quê hương của bà. Sách Thái Bình hoàn vũ ký (viết ở thế kỷ X) đã phác họa hình ảnh oai phong của Bà Triệu và chua dưới mục Quân Ninh (tức huyện Quân Yên cũ) là quê hương của bà.


(1). Nguỵ chí, q.15, t.6a.
(2). Tấn thư, q.57, t.5a.
(3). Ngụy chí, q.4, t.27a.
(4). Ngô chí, q.8, t.7b.   
(5). (6). (7). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. 1, tr. 166-167, 168, 169.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:11:16 pm »


Các tài liệu địa lý học lịch sử đã cho chúng ta biết cụ thể, huyện Quân Ninh có tên từ đời Tùy và đến đời Đường được đổi thành huyện Quân An rồi Quân Ninh.  Sách Đại Nam nhất thông chí chép rõ hơn, rằng: “Triệu ẩu người huyện Quân Yên, Cửu Chân, tập hợp đồ đảng trong núi Bồ Điền. Nay xét huyện Quân Yên xưa tức huyện Yên Định bây giờ và Bồ Điền xưa tức xã Phú Điền bây giờ, đền thờ bà ở chân núi xã ấy” (1).

Quân Yên là ruột trái núi lớn thuộc địa phận xã Định Công, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tên gọi ấy vẫn tồn tại đến nay. Quanh núi Quân Yên luôn luôn gắn bó với những sự kiện lịch sử sôi động, đó là một vùng văn hóa đậm nét dân tộc. Dưới chân núi, khảo cổ học đã tìm thấy - trên cánh đồng Nếp Bắt - một làng cổ thời Đông Sơn muộn, một khu mộ táng cổ Đông Hán - Lục triều ở Cồn Bang, Cồn Chùa, với rất nhiều trống đồng loại I muộn.  Khu làng, khu mộ ấy chính là đất quê hương Bà Triệu, cũng là quê hương tiến sĩ Thưởng Công Phụ thế kỷ VIII.
 
Về mặt địa lý, vùng Quân Yên xưa đã tụ hội được những yêu cầu cần thiết của một trung tâm huyện lỵ. Sông Mã, một đầu mối giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất đã xuôi ngang qua Định Công với ngã ba Sét phía trên, ngã ba Bông phía dưới. Sông Cầu Chày như một vòng đai lớn ôm trọn những làng xóm Định Công cổ truyền. Chính vì vậy, từ thế kỷ III, vùng này đã là nơi đô hội, hẳn là chỗ trấn trị của huyện Quân Ninh ngày ấy.
Kho tàng văn hóa dân gian quanh Định Công hiện còn lưu giữ những tài liệu vô cùng quý giá.

Tại thôn Cẩm Trướng, cáe thế hệ ở đây thường truyền nhau câu chuyện về con voi trắng. Truyền thuyết kể rằng, quanh vùng núi Quân Yên, bỗng xuất hiện một con voi trắng một ngà hết sức hung dữ, thường hay phá hoại mùa màng. Bà Triệu quyết vây bắt bằng được. Bà cùng bạn bè lùa voi xuống đầm lầy rồi nhảy lên đầu cưỡi buộc voi phải khuất phục. Từ đó voi trắng đã trở thành người bạn hết sức trung thành và theo bà trận mạc.

Cũng ở đây, rất phổ biến câu chuyện Đá biết nói. Chuyện rằng: Nghĩa quân Bà Triệu những ngày đầu mới nhóm họp,các mưu sĩ đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao:
 
“Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót Bà Vương”.

Nhờ đó, cả vùng đã loan truyền rằng: núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là “Thiên tướng giáng trần” giúp dân, cứu nước. Trai tráng khắp nơi nô nức kéo về Quân Yên tụ nghĩa, vì vậy, hàng ngũ và thanh thế nghĩa quân ngày một lớn mạnh.

Truyền thuyết và thần tích cho chúng ta biết: Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ, tức là năm 226. Bà là em gái Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng. Cha mẹ mất sớm, bà ở với anh, năm 20 tuổi, chưa lấy chồng, bà đã chiêu nạp trai tráng trong vùng, luyện tập võ nghệ. Sau hợp binh với anh nổi dậy khởi nghĩa.

 
(1). Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, T. 2, tr.285.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:13:46 pm »


Khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa quân Tôn làm chủ soái.  Sách Việt Nam sử lược chép: “Năm Mậu Thìn (248), vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở. Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu Chân. Bà ấy (tức Bà Triệu -TG) đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy bà ấy làm tướng có can đảm bèn Tôn lên làm chủ...” (1).

Sách Lịch sử Việt Nam chép: “Bà Triệu - tên là Triệu Thị Trinh, có anh là Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực ở huyện Quân An, quận Cửu Chân (miền núi Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Bà là người có sức khỏe, có chí lớn và giàu mưu trí. Năm 19 tuổi, người con gái đầy khí phách ấy đã cùng anh tập hợp những nghĩa sĩ trên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ, chuẩn bị khởi nghĩa. Nhân dân khắp vùng nô nức hưởng ứng công cuộc cứu nước của Bà Triệu” (2).
 
Theo Giao Chỉ chí, bà là em gái họ Triệu, một thủ lĩnh lớn trong vùng. Hình ảnh Bà Triệu trong sử sách và tâm trí dân gian đã được huyền thoại hóa, nhưng sách Nam Việt chí còn phác họa cho ta một hình ảnh cổ kính khá chân thực về Bà Triệu: “Mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trận” .

Sau một thời gian chuẩn bị, Bà Triệu cùng nghĩa quân đã vượt sông Chu đến vùng núi Nưa, cách quê hương mình hơn 30 km để lập căn cứ, chuẩn bị tiến xuống đồng bằng.  Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Nưa - núi Tùng.

Núi Nưa là dãy núi cuối cùng về phía đông của một mạch núi kéo dài từ Tây Hiếu (Nghệ An) qua Như Xuân (Thanh Hóa) đổ về. Với độ cao gần 500m, đây là một trong những núi cao nhất rải rác quanh châu thổ Thanh Hóa. Nó đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong Dư đia chí: “Núi Na (tức núi NƯA-TG), núi Tùng và sông Mã ở về Thanh Hóa” (3).
 
Đây chính là bức tường thành đông nam của một thung lũng rộng lớn chạy suốt từ xã Hợp Thành, Hợp Lý đến Thọ Tiến, Thọ Tân của huyện Triệu Sơn. Thung lũng này được khép lại ở mạn đông bắc bằng những dãy đồi đất đỏ, thấp và tròn như những quả trứng. Có thể vì vậy hệ thống đồi thấp này được người xưa đặt cho cái tên là “Cửu Noãn sơn” (núi chín quả trứng).  Vòng dưới chân núi Nưa phía đông là một dòng sông nhỏ bắt nguồn từ xã Thọ Tiến, len lỏi giữa các đồi hình bát úp rồi đổ về phía đông nam. Lòng sông tuy hẹp nhưng sâu thẳm, bờ sông dốc đứng, nước chảy lững lờ, chậm chạp. Nhân dân quanh núi Nưa gọi nó là Lãn Giang (sông Lười) là vì vậy.
 
Thung lũng núi Nưa nằm trên vành đai bao quanh đồng bằng châu thổ phía bắc, qua tây đến cực nam Thanh Hóa.  Phía đông núi Nưa là châu thổ, đất đai màu mỡ, từ sớm đã là những tụ điểm dân cơ đông đúc. Ngược về phía nam núi là một vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở.

Ở vào nơi có vị trí địa lý - quân sự quan trọng của quận Cửu Chân, núi Nưa đã được Bà Triệu chọn làm một căn cứ, bàn đạp của cuộc khởi nghĩa.

Từ xa xưa, dân gian quanh vùng núi Nưa đã huyền thoại hóa hình ảnh Bà Triệu trong tâm thức của mình. các thế hệ nơi đây thường truyền nhau truyền thuyết về Bà chúa Thượng Ngàn: Trên đỉnh núi Nưa có một nàng tiên xinh đẹp.  Nàng sống trong một chiếc am quanh năm mây vờn bao phủ.  Sáng chiều, nàng thường ẩn hiện sau những rặng cây xanh, luôn luôn có hai nàng tiên nữ đeo kiếm theo hầu. Nàng đẹp tuyệt trần và có quân gia hàng vạn. Nàng tiên ấy chính là Bà Triệu và am Tiên chính là chỗ ở của bà để mưu việc đánh đuổi giặc Ngô. . .


(1). Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Sài Gòn, 1954, tr.53. 
(2). Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, i.I, tr. 109.
(3) Nguyễn Trái: Dư địa chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, tr.39. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:16:00 pm »


Cảm phục chí khí hiên ngang cứu nước của người con gái trẻ, dân chúng Cửu Chân một lòng ủng hộ, theo phục Bà Triệu. Đã bao đời nay, trẻ em quanh vùng núi Nưa đã phổ biến trò chơi và một bài đồng dao quen thuộc miêu tả về cuộc khởi nghĩa của bà:

“Này cò này cấu
Này đấu này thưng
Lưng sào cánh ná
Này lá, này lao
Nghe cồng bà rao
Nghe lệnh ông Gióng
Chong chóng chạy về. . .”

Cùng với truyền thuyết và đồng dao, quanh vùng núi Nưa đâu đâu cũng ghi dấu tích về Bà Triệu và những hoạt động của nghĩa quân. Đó là Bãi Bò, nơi nghĩa quân nuôi bò lấy thịt; Đồng Bể, nơi nghĩa quân trồng lúa lấy lương ăn; Eo én, nơi nghĩa quân dùng én để tập bắn cung tên; khe Đá Bàn, nơi Bộ chỉ huy nghĩa quân thường họp nhau để bàn kế hoạch; đồi Chiêng Trống, nơi Bà Triệu gióng trống phất cờ khởi nghĩa, v.v. .

Nhân dân quanh vùng còn có truyền thuyết về chiếc Cồng Bà Triệu . Đó là chiếc cồng bị kẹp chặt trong lòng một cây đa cổ thụ trải nhiều đời. Truyền thuyết không phải là lịch sử. Nhưng nó được lưu truyền mãi vì Bà Triệu đã được nhân dân tôn thờ, ngưỡng mộ như một nhân vật huyền thoại.

Nhân dân khắp nơi ở Thanh Hóa và cả nước luôn luôn truyền nhau câu nói nổi tiếng đầy khí phách tương truyền là của Bà Triệu phát ra trên núi: “Tôi muôn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” .

Một bài ca dao đã đi vào lòng biết bao thế hệ trẻ, trở thành thân thuộc, phản ánh khí thế đầu quân và lòng dân Cửu Chân theo Bà Triệu nổi dậy cứu nước:

“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rủa bành cho voi,
Muôn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân”.

Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu. Đây một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để cổ vũ dân chúng đánh giặc; kia một bà cụ hàng nước giúp cả chõng chuối chín với chum nước chè xanh cho nghĩa quân đang trẩy quân qua giải khát.  Dọc sông Mã vùng Cẩm Thạch có truyền thuyết và di tích về một nữ tướng cưỡi voi đánh giặc Ngô. Vùng Khang Nghệ có truyền thuyết nói rằng: Thời xưa sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường; đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành một dũng tướng của nghĩa quân. . .

Đầu năm 248, từ núi rừng Ngàn Nưa, nghĩa quân Bà Triệu đã ào ào tiến công thành Tư Phố. Sử sách không cho biết diễn biến cụ thể của cuộn tiến công này, chỉ nói “Bà Triệu đã nhóm họp đảng phái đánh thành Tư Phố”.
 
Tư Phố thuở đó là đầu não của chính quyền đô hộ ở Cửu Chân.  Cuộc tiến công thành Tư Phố đã mau chóng giành được thắng lợi. Bà Triệu cùng nghĩa quân vượt sông Mã xuống căn cứ Phú Điền (Bồ Điền).

Phú Điền là một thung lũng nhỏ giữa hai dãy núi đá vôi.  Phía bắc (Chân Lộc) là dãy cuối cùng của mạch núi đá vôi từ Hòa Bình vào, ngăn cách giữa Thanh Hóa và Ninh Bình; phía nam là đoạn chót của mạch núi khác từ phía tây bắc đổ xuôi về nam sông Mã. Thung lũng này ăn thông với miền đồng bằng ven biển thuộc Hoàng Hóa, Hậu Lộc. . . và bị chặn ngang phía tây bởi dòng sông Lèn.
 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:17:30 pm »


Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ châu thổ miền Bắc vào xứ Thanh, nên Phú Điền trở thành một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cho cả công lẫn thủ. Từ đây có thể ngược sông Lèn, sông Âu ra sông Mã, rút lên mạn Định Công (quê hương Bà Triệu), hoặc tới căn cứ núi Nưa lúc cần thiết, cũng có thể chủ động tiến công ra phía bắc theo lối Thần Phù, để khống chế quân địch.  Ở đây còn có núi Chung Chinh, Bà Triệu cùng ba anh em họ Lý đã cho xây dựng liên tiếp bảy đồn lũy và một trại quân doanh. Tại Bồ Điền đã diễn ra 30 trận đánh lớn nhỏ giữa quân ta với giặc Ngô. Dưới chân núi còn lưu giữ một loạt các địa danh có liên quan với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, như cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc. . .

Dựa vào căn cứ Bồ Điền và được đông đảo dân chúng Cửu Chân hưởng ứng, nghĩa quân phát triển lực lượng và tiến công đánh phá các thành ấp của giặc. Nhiều huyện thành được giải phóng, quan lại nhà Ngô từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết, kẻ bị bắt, kẻ chạy trốn trong cơn hoảng loạn.

Từ Cửu Chân. cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra Giao Chỉ và vào tận Cửu Đức, Nhật Nam. Thứ sử Giao châu mất tích. Bọn quan lại đô hộ ở Giao châu và triều đình nhà Ngô hết sức hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của lực lượng nghĩa quân.

Đứng trước nguy cơ bị tan rã của chính quyền đô hộ, nhà Ngô cử danh tướng Lục Dận (cháu viên danh tướng Lục Tốn) làm thứ sử Giao châu, với chức danh An Nam hiệu úy, đem thêm 8.000 quân sang nước ta đàn áp nhân dân khởi nghĩa. Lục Dận vừa dùng binh lực uy hiếp vừa theo mưu mô xảo quyệt dùng của cải mua chuộc, dụ dỗ, lung lạc một số thủ  lĩnh địa phương nhằm tập trung binh lực tiến vào Cửu Chân; vì thế bọn Hoàng Ngô và một số thủ lĩnh khác cùng với ba ngàn hộ ở Cao Lương (Hợp Phô) đã theo hàng.

Lục Dận đã thận trọng tiến binh vào Giao Chỉ và Cửu Chân, khi phát quân đàn áp, khi dừng quân dùng của cải, tiền bạc mua chuộc các thủ lĩnh địa phương. Rút cục, rất nhiều thủ lĩnh đã theo hàng quân Ngô.  Ổn định được Giao Chỉ, Lục Dận đưa toàn bộ lực lượng tiến vào Cửu Chân. Chắc hẳn viên danh tướng này đã hành quân theo con đường quen thuộc mà bọn xâm lược phương Bắc thường sử dụng, do Mã Viện mở khi tiến quân truy quét “dư đảng” của Hai Bà Trưng năm 43-44.

Bằng một lực lượng quân sự nhà nghề thiện chiến, chủ yếu là quân thủy, Lục Dận đã tiến theo hai đường: một từ Tạc Khẩu qua hành lang Hoàng Cương - Chính Đại - Bạch Ác, ngược sông Lèn tiến đánh mặt bắc; một mũi theo đường biển vòng vào sông Sung và sông Vích (cửa Lạch Trường) vu hồi phía nam. Quanh vùng Yên Mô (Ninh Bình) hiện còn truyền thuyết về một trận quyết chiến giữa nghĩa quân Bà Triệu với quân Ngô; có thể đó là trận đánh của đạo nghĩa quân do Bà Triệu điều từ Thanh Hóa ra đánh chặn quân địch ở mặt bắc.

Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà Triệu đã chiến đấu chống giặc Ngô trên 30 trận thắng lợi. Giặc gọi tên bà là Nhụy Kiều tướng quân (Vị tướng nữ yêu kiều), là “Lệ Hải Bà Vương” (vua bà vùng biển mỹ lệ). Quân Ngô sợ bà thường nói: “Đương hổ dị, đối thị nan” (chống với hổ thì dễ, nhưng chống lại Bà Triệu thật khó), hoặc còn có câu:

“Hoành qua đương hổ dị
Đối diện thị Vương nan!”.
(Múa ngang ngọn giáo chông hùm dễ
Đối mặt Vua Bà thực khó ghê)

Cũng theo truyền thuyết dân gian, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng bà là nữ tướng “ái khiết úy ô” (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh bà. Bà hổ thẹn, giao binh cho bà tướng họ Lý, lên núi tự vẫn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:24:49 pm »


Đó chỉ là truyền thuyết. Trên thực tế, sau hơn 30 trận thất bại, quân Ngô bị tổn thất lớn, chúng đã tăng cường binh lực, cử thêm tướng tài quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân. Trong một trận ác chiến ở khu căn cứ Bồ Điền, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh. Đó là ngày 22 tháng hai năm Mậu Thìn (248). Nhân dân thương tiếc, kính phục bà; từ bao đời nay ngày đó đã trở thành ngày lễ hội tại đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Tùng.
 
Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh của người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ ‘ vẫn muôn thuở không mờ phai trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.

“Tùng sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh”.

                                                             
                                                                              (Thơ ca dân gian)
Cuộc khởi nghĩa đã để lại một dấu son sáng chói trong lịch sử quân sự nước ta. Đây là cuộc nổi dậy tiêu biểu, mạnh mẽ nhất, rộng lớn nhất và “là đỉnh cao của phong trào nhân dân thế kỷ II-III, nổ ra ngay trong thời kỳ mà bọn đô hộ có lực lượng hùng mạnh, đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hóa của chúng” (1).Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là sự kết tinh của một chặng đường dài đấu tranh không mệt mỏi của nhân dân ta. Khởi nghĩa Bà Triệu đã để lại những bài học lịch sử về việc tổ chức lực lượng, về xây dựng căn cứ địa, về phương thức đấu tranh chống xâm lược. . .

Hình ảnh và ý chí Bà Triệu sống mãi trong tâm thức dân gian. Vai trò và vị trí người phụ nữ được đề cao, đó là một truyền thống nhân văn của dân tộc ta. Câu nói: “Na sơn nhất phiến nhất hô thiên hạ biến” (một tiếng hô ở núi Nưa đã chuyển biến cả thiên hạ) muốn đề cao sự nghiệp của vị nữ anh hùng ấy.
 
Bà Triệu mất. Giặc Ngô tăng cường ách áp bức và bóc lột.  Nhưng chúng vẫn không thể dập tắt được tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân ta.


(1). Lịch sử Việt Nam, Sđd, T.1, tr.l09. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:28:23 pm »


III- TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC SAU KHỞI NGHĨA BÀ TRIỆU:
XU HƯỚNG LY TÂM CHÍNH TRỊ Ở GIAO CHÂU (TỪ THẾ KỶ III ĐẾN THẾ KỶ VI)

1. Giao châu sau khởi nghĩa Bà Triệu

Năm 248, người Lâm ấp đã tiến đến sông Thọ Linh (Sông Gianh), lấy đó làm cương giới. Sau khi để tuột khỏi tay phần đất phía nam, đặc biệt sau cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân Cửu Chân, chính quyền đô hộ ở nước ta càng lo lắng và tìm mọi cách trấn áp phong trào chống đối. Quân xâm lược tăng cường bóc lột nhân dân.
Năm 262, nhà Ngô sai quan sát chiến tên là Đặng Tuân sang Giao Chỉ bắt dân phải nộp chim công, lợn lớn đem về Ngô. Bấy giờ, người Giao Chỉ phải nộp 3.000 chim công và phải đi lao dịch nơi đất xa cực khổ. Nhân sự bất bình của nhân dân, một quan lại ở Giao Chỉ là Lữ Hưng đã tập hợp hào kiệt trong châu cùng binh dân nổi dậy, giết chết thái thú Giao Chỉ và quan sát chiến Đặng Tuân. Nhưng sau đó Hưng và bọn quan lại nhà Ngô ở Giao châu lại thần phục nhà Ngụy, dâng đất nước ta cho Ngụy, rồi Tấn. Quan lại ở Giao châu, kẻ hàng Ngụy - Tấn, kẻ trung thành với Ngô đã đánh nhau. Một số thủ lĩnh địa phương nhân tình thế rối ren đó mà củng cố quyền tự trị.
 
Bấy giờ, ở Trung Hoa, quân Ngụy đang tiến vào đất Ba Thục để tiêu diệt Thục. Lữ Hưng sai sứ là bọn đô úy Đường Phổ sang Ngụy xin thái thú và binh lính. Nhà Ngụy cấp cho một vạn dân đồn điền làm binh. Như vậy, Lữ Hưng đã hoàn toàn phản bội - dựa vào phong trào nhân dân và binh lính để giết thái thú, đuổi trưởng lại, nhưng sau lại đầu hàng bọn phong kiến Trung Hoa.
 
Tất nhiên, do dân chống đối mạnh mẽ nên Lữ Hưng phải xin viện binh từ nước Ngụy và Lữ Hưng cũng đã được trao quan tước thống trị ở Giao Chỉ. Nhà Ngô tìm mọi cách giành lại đất Giao châu từ tay Ngụy.  Tháng 7-264, nhà Ngô tách Giao châu, đặt Quảng châu.  Quảng châu lúc này chỉ gồm ba quận: Nam Hải, Uất Lâm và Thương Ngô. Đất Hợp Phố và ba quận phía nam Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam thuộc Giao châu.

Giao châu trong nhiều năm trở thành bãi chiến trường giữa hai thế lực theo Ngô và theo Tấn (Ngụy), đặc biệt là cuộc chiến giữa Đào Hoàng và Đổng Nguyên. Cuối cùng Đổng Nguyên chết, nhà Ngô dùng Đào Hoàng làm thứ sử Giao châu. Thái thú Giao Chỉ theo Tấn là Dương Tắc cùng tướng quân Mao Cảnh sau đó đều phải hàng Ngô. Tuy Đào Hoàng ra sức bình định Giao châu, nhưng lúc đó có nhiều vùng ở Giao châu không chịu đầu hàng chính quyền thực dân; dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng, họ vẫn bảo toàn được đất đai thuộc phạm vi bộ lạc mình mà quân Ngô vẫn không thể đánh chiếm nổi.

Đào Hoàng dùng quỷ kế, ra lệnh không bán sắt và muối cho người Giao Chỉ, để buộc nhân dân phải hủy bỏ khí giới làm đồ điền khí. Tuy nhiên, các cuộc chống đối vẫn diễn ra; nổi tiếng nhất trong phong trào chống Ngô lúc đó là cuộc chiến đấu của người Phù Nghiêm.
 
Thủy kinh chú dẫn Giao châu ngoại vực ký nói rằng : “Miền cương giới quận Giao Chỉ có khe Phù Nghiêm ở về phía bắc quận, cách một con sông mà phía bắc sông ấy đối ngay với huyện Chu Diên” (1). Cư dân ở đó gọi là người Phù Nghiêm Di, tức người Lão (2). Đây là đất huyện Phong Khê đời Hán, bao gồm phần đất nằm giữa sông Cà Lồ, sông Đống, núi Tiên Du và sông Hồng. Trải qua biến loạn cuối đời Hán và đầu đời Ngô, người Phù Nghiêm đã thoát khỏi sự thống trị của chính quyền đô hộ . Theo Tấn thư, đó là miền “đất hiểm trở, Di Lão hùng mạnh, trải nhiều đời không theo phục” (3).

Năm 271 , giành lại được Giao châu từ tay quan lại nhà Tấn, tướng Ngô kiêm thứ sử Giao châu Đào Hoàng đã bình định được Phù Nghiêm Di, đặt thành quận Vũ Bình.
 
Cũng thời gian này, Đào Hoàng tiến quân vào đàn áp các phong trào ở Cửu Chân, “mở thêm 30 huyện thuộc quốc” (Tấn thư), lập thêm quận Cửu Đức (nay là Đức Thọ, Hà Tĩnh) .
 
Nhà Tấn không từ bỏ ý định lấy lại Giao châu từ tay Ngô. Năm 272, tướng Ngô ở Tây Lăng là Bộ Siển (cháu Bộ Chất, thứ sử Giao châu trước đây) hàng Tấn, được phong làm “đô đốc Tây Lăng chư quân sự, vệ tướng quân, nghi đồng tam ti”, gia phong “Giả tiết lĩnh Giao châu thứ sử” (4).


(1).  Thủy kinh chú, q.37.
(2). Theo Tống thư, q.38, t.22a.
(3). Tấn thư, q.57, t.5b.
(4). Ngô Chí, q. 7, t. 17a. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:31:22 pm »


Năm 280, Ngô bị Tấn diệt. Đào Hoàng buộc phải hàng Tấn, sai sứ đem ấn về kinh đô Lạc Dương. Tấn Vũ Đế vẫn cho Đào Hoàng làm Giao châu mục, phong làm Uyển Lăng hầu, sau đổi làm quán quân tướng quân. Bấy giờ, nhà Tấn chủ trương giảm binh bị toàn quốc, nhưng Đào Hoàng dâng sớ xin Tấn Vũ Đế đừng giảm binh lính ở Giao châu và được vua Tấn chấp thuận. Trong lời sớ đó, Đào Hoàng có đề cập đến ba nội dung phản ánh tình hình Giao châu như sau:

1 . Tình trạng mất an ninh thường xuyên của phương Nam “gần như không khi nào được yên ổn luôn trong ba ngày”.
 
2. Tính hạn chế của quyền lực đô hộ của phong kiến Ngô - Tấn, gần như đơn thuần dựa vào binh lực và những cuộc hành quân đàn áp mà vẫn phải chịu áp lực thường xuyên của phong trào bất phục tùng và phản kháng của dân chúng Giao châu.

3. Những người Việt tuyệt vời quật cường bất khuất; vì trong con mắt kẻ địch, họ là những kẻ “chán yên vui, thích làm loạn”, “bè đảng dựa vào nhau, cậy ở nơi hiểm yếu, không chịu thần phục”, “thường hay cướp bóc làm giặc, đánh phá quận huyện, giết hại trưởng lại...” (1).

Những điều trên chứng tỏ, sau cuộc khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, phong trào chống Ngô, thống đô hộ của nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân vẫn liên tiếp diễn ra dưới nhiều hình thức, khi lặng lẽ, lúc công khai, kiên nhẫn và bền bỉ lan tràn khắp các địa phương, khiến cho bọn quan lại xâm lược luôn luôn lo lắng, không yên và tìm mọi cách để đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân ta.

2. Giao châu dưới thời thuộc Tấn (280 - 420).

 Như trên đã nói, năm 280, Tây Tấn diệt Ngô kết thúc cục diện phân liệt thời Tam quốc. Nhưng sự thống nhất ở Trung Quốc chỉ được hơn 10 năm thì xảy ra “loạn bát vương” trong 15 năm, rồi tiếp đến giai đoạn “Ngũ Hồ loạn Hoa”. Năm 316, nhà Tấn phải dời kinh đô từ Lạc Dương về Kiến Nghiệp, khống chế khu vực Trường Giang và phương nam; sử gọi là Đông Tấn (317 - 420) .

Từ khi Đào Hoàng đầu hàng Tấn Vũ Đế, Giao châu bị đặt dưới ách thống trị của Tây Tấn và sau đó là Đông Tấn.  Đông Tấn phải đối phó với các triều đại do các tộc tây bắc lập nên, chính quyền cục bộ của Đông Tấn xây dựng trên nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng, như mâu thuẫn giữa các sĩ tộc phương bắc dời về phương nam, giữa sĩ tộc nam và bắc, giữa sĩ tộc và nhân dân, nhất là giữa địa chủ và nông dân. Vì thế, Đông Tấn không thể kiểm soát chặt chẽ được Giao châu.
 
Trên thực tế, quyền hành ở Giao châu nằm trong tay bọn quan lại đô hộ, giống như một chính quyền cát cứ, chỉ phụ thuộc một cách lỏng lẻo, chỉ trên danh nghĩa đối với chính quyền trung ương triều Tấn. Cha con, anh em bọn thái thú, thứ sử Giao châu kế tiếp nhau thống trị. Giao châu ngày càng tách rời khỏi Trung Quốc.

Vì chính quyền Giao châu mang tính chất cát cứ như vậy, nên bọn quan lại ở đây thường mâu thuẫn, đánh giết nhau, tranh giành quyền bính; vả lại vua Lâm Ấp cũng thường cho quân đánh Nhật Nam và Cửu Chân.

Trong tình hình hỗn chiến ấy, sức sản xuất ở nước ta bị đình trệ, đời sống nhân dân cực khổ. Bọn quan lại Giao châu mặc sức hoành hành, bọn địa chủ quan liêu chiếm đoạt ruộng đất không hạn chế, nhân dân bị bóc lột, sưu cao thuế nặng, lao dịch khổ sở. mâu thuẫn giữa nhân dân ta và bọn quan lại đô hộ càng thêm sâu sắc. Khởi nghĩa nông dân đã thường xuyên no ra.

Đào Hoàng cai trị Giao châu 30 năm, nhưng “Phải luôn năm đánh dẹp”. Y phải tâu xin vua Tấn thường xuyên duy trì lực lượng quân sự lớn để trấn áp nhân dân.

Khi Đào Hoàng chết, nhà Tấn cử viên ngoại lang tán kỵ thường thị Ngô Ngạn sang làm nam trung đô đốc, Giao châu thứ sử. Bấy giờ, quân sĩ ở Cửu Chân do Triệu Chỉ cầm đầu đã nổi lên khởi nghĩa, bao vây quận thành, đánh đuổi thái thú Cửu Chân. Nhưng đã bị Ngô Ngạn dẫn quân vào đàn áp.
 
Dưới đời Tấn và Nam Bắc triều, ngoài chức thứ sử cai trị ở các châu, còn đặt chức đô đốc chư quân sự coi việc quân nhiều châu gộp lại; năm 309, Sơn Giản được cử làm Chinh nam tướng quân, đô đốc quân sự ở bốn châu: Kinh, Tương, Giao và Quảng; hoặc năm 411, Chử Thúc Độ làm “đô đốc Giao Quảng nhị châu chư quân sự, kiến uy tướng quân, lĩnh Bình Việt trung lang tướng. . .” .


(1). Tấn Thư, q.57 Đào Hoàng truyện có chép nguyên văn tờ sớ của Đào Hoàng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 10:34:28 pm »


Sau Ngô Ngạn, nhiều quan lại Hán thay nhau cai trị Giao châu. Trong một thời gian dài, chính quyền ở Giao châu do anh em con cháu họ Cố (Cố Bí, Cố Thọ) và họ Đào (Đào Hoàng, Đào Cơ, Đào Tuy) kế tiếp nhau nắm giữ, thứ sử Giao châu không phải do triều đình trung ương phái đến.
 
Trên thực tế, chính quyền ở Giao châu từ đây như một chính quyền cát cứ, hoặc do bọn chỉ huy quân sự địa phương thao túng, hoặc ở trong tay bọn thứ sử, thái thú “lập nghiệp” trên đất Giao châu lâu đời biến thành “cự tộc” bản địa.

Do triều đình Đông Tấn suy yếu nên Giao châu trở thành nơi tranh giành đánh cướp lẫn nhau giữa bọn quan lại thực dân, như bọn Vương Cơ, Lương Thạc, Vương Lượng, Đào Khản, Đỗ Viện... Quan lại cự tộc đánh giết nhau lung tung để tự lập, kẻ nào mạnh, cướp được quyền hành thì mang danh nghĩa thay mặt eho triều đình. Từ thời Tấn xu hướng ly tâm chính trị là chủ đạo.

Bọn quan lại đô hộ ra sức bóc lột vơ vét của nhân dân.  Sách Tấn thư nói rằng: “Thứ sử Giao châu và thái thú Nhật Nam phần nhiều tham lợi, lấn hiếp”, cướp bóc của cải của các thương gia và nhân dân (1). Trên cơ sở đó, bọn quan lại và bọn địa chủ Hán tộc xây dựng thực lực kinh tế và chính trị, nảy sinh xu hướng cát cứ. Năm 380, cha con Lý Tốn chiếm cứ Giao châu. Tông thư chép: “Cha con Lý Tốn là người khỏe mạnh, có quyền thế, uy lực khống chế cả đất Giao châu” (2).

Tình hình ấy, khiến cho Lâm ấp có cơ hội luôn năm vào cướp phá Giao châu. Nhân dân Cửu Chân và Nhật Nam ngoài ách áp bức bóc lột của quan lại đô hộ còn chịu bao nhiêu tai vạ do chiến tranh. Có khi Lâm ấp còn đánh ra bắc, bao vây châu thành Long Biên. Đỗ Viện đánh đuổi được Lâm ấp và làm thứ sử Giao châu ba đời liền.

Triều chính cuối thời Đông Tấn suy yếu, các thủ lĩnh quân sự địa phương như Vương Cung, Âu Trọng Khanh, Hoàn Huyền, Dương Truyền Kỳ, v.v. khởi loạn, không thụ mệnh.
 
Lúc đó, ở Trung Quốc có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra; trong đó có khởi nghĩa của Lư Tuần ở Quảng châu, sau ảnh hưởng đến Giao châu (411) và đã phối hợp với nhân dân Giao châu chống chính quyền thống trị.

Ở Giao châu bấy giờ có Lý Tử Tốn, Lý Dịch, Lý Thoát tập hợp nhân dân khởi nghĩa, dẫn 5.000 - 6.000 người liên minh với Lư Tuần, cùng tiến công thành Long Biên (6- 411) . Đỗ Tuệ Độ (con Đỗ Viện) lúc đó là “Sứ trì tiết đốc Giao châu chư quân sự, quảng vũ tướng quân, Giao châu thứ sử” cùng em là thái thú Giao Chỉ Đỗ Tuệ Kỳ và thái thú Cửu Chân Đỗ thường Dân đốc hết thảy quân thủy bộ hợp sức đánh bại Lư Tuần và quân khởi nghĩa.

Nghĩa quân thất bại, các thủ lĩnh bị giết.  Đỗ Tuệ nhờ đó được phong làm Long Biên hầu, ăn thực ấp 1.000 hộ (3). Năm 412, dư đảng của nghĩa quân Trung Quốc do Lư Khánh Đạo chỉ huy lại chạy sang Giao châu. Những dân nghèo người Việt đã liên kết với họ nổi dậy khởi nghĩa, đánh phá quận Cửu Chân, giết chết viên thái thú quận này. Đây là hình thức liên kết đầu tiên giữa nhân dân Giao châu với nông dân miền nam Trung Quốc cùng chống bọn quan lại thống trị.


(1). Tấn thư, q.49, t.5b và q.97.
(2). Tống thư, q.92, t.2b.
(3). Tấn thư, q.100, t.16b, Đỗ Tuệ truyện; Thuỷ kinh chú, q.37, t.6a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM