Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:58:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106563 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2009, 12:15:29 am »

Nếu tính từ khi quân Đông Hán tiến vào Giao Chỉ (mùa hạ, tháng tư năm 42) đến khi Mã Viện hành quân trở về Trung Quốc (mùa thu năm 44) là hơn hai năm. Đó là cả thời gian chiến tranh chinh phục của Mã Viện và cũng là thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của quân ta dưới sự lãnh đạo của Trưng Vương và các tướng.

Trong quá trình đó, với sức mạnh quân sự áp đảo, Mã Viện đã thực hiện chiến lược chiến tranh để tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Không chỉ quân xâm lược đã đánh chiếm Mê Linh, Cấm Khê, tiêu diệt lực lượng của Hai Bà Trưng, tiến vào tận Cửu Chân, tiêu diệt đạo quân của Đô Dương và Chu Bá, mà còn tiến hành đàn áp hết sức dã man nhân dân ta và cướp phá những di sản văn hoá của người Việt.

Trải qua cuộc đàn áp của Mã Viện, hàng vạn nhân dân Lạc Việt bị giết, nhiều dòng họ quý tộc Lạc Việt bị trấn áp triệt để. Ngoài số thủ lĩnh bị giết, hơn 300 thủ lĩnh Việt tộc đã bị bắt đày sang Linh Lăng (Hồ Nam). Mã Viện đã cướp đi một số lớn trống đồng của người Lạc Việt để “đúc thành một con ngựa lớn, cao 3 thước 5 tấc (khoảng 1m4) , vòng thân rộng 4 thước 4 tấc (khoảng 1m8) để dâng công lên vua Hán.
 
Trống đồng là một vật quý thời kỳ Hùng Vương, một vật tượng trưng cho uy quyền của các tù trưởng, mà sử sách đã ghi lại là giá trị tương đương hàng ngàn con trâu, bò thời bấy giờ Sách Trung Quốc ghi rằng, người nào có được hai hay ba trống đồng là có thể “tiếm hiệu xưng vương” (Minh sử, q 212). Phá hoại các vật báu đó là nhằm thủ tiêu uy quyền của tầng lớp quý tộc người Việt đồng thời xoá bỏ những gì là tiêu biểu cho nền văn hoá lâu đời, đã đạt trình độ cao của nhân dân ta thuở ấy.

Việc giết hại quý tộc Việt và đày một số lớn quý tộc sang tận Hồ Nam, Trung Quốc cùng với việc triệt phá trống đồng là một âm mưu rất thâm độc của kẻ xâm lược. Chế độ Lạc tướng đã tồn tại từ lâu ở Âu Lạc đến đây cơ bản là tuyệt tích và nền văn hoá Đông Sơn cũng bị lụi tàn.  vua Hán sai Mã Viện lập thành quách, xếp đặt quan lại, đắp thành Kiến Giang ở Phong Khê (Yên Lãng, Vĩnh Phúc).  Thành hình tròn như cái tổ kén nên gọi là Kiến thành.

Nhà Hán cử quan lại sang cai trị tới cấp huyện ở Giao châu. Mùa thu năm 44, Mã Viện mang quân về Bắc. Viện mang theo con ngựa đồng để dâng vua Hán và chuyên chở hàng xe sản vật của Giao Chỉ về nước. Quân đi 10 phần, quân về chỉ còn 4 - 5 phần (1). Đó là cái giá bằng máu mà quân xâm lược phải trả cho cuộc viễn chinh này.

Nước Âu Lạc từ sau thất bại của An Dương Vương đến cuộc kháng chiến chống xâm lược Đông Hán thời Hai Bà Trưng là cả một thời gian dài hơn hai thế kỷ (từ 179 TCN đến năm 44). Đây là giai đoạn “Tiền Bắc thuộc” hoặc “Sơ kỳ Bắc thuộc” trong lịch sử nước ta.
 
Giai đoạn này đất nước trải qua ách thống trị của Nam Việt và nhà Hán (gồm cả Tây Hán và phần đầu Đông Hán). Tất nhiên, do điều kiện xã hội thuở đó, mức độ bóc lột và đồng hoá của kẻ đô hộ chưa thật khốc liệt như các giai đoạn sau, nhưng chính sách thống trị và vơ vét của chúng đã làm cho quý tộc và dân chúng Âu Lạc oán giận. mâu thuẫn dân tộc ngày càng tích tụ và phát triển, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40). 

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu  tiên dưới thời thuộc Hán, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Dưới sự lãnh đạo của hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân ta trên toàn cõi đất nước nhất tề đứng dậy khởi nghĩa. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một cuộc khởi nghĩa toàn dân với khí thế tiến công mãnh liệt và có mục tiêu chiến đấu rõ rệt. Nghĩa quân và dân chúng nổi dậy đã nhanh chóng chiếm được 65 huyện thành, lật đổ nền thống trị của nhà Đông Hán đang lúc cường thịnh, giải phóng toàn bộ đất nước. Chính quyền tự chủ được khôi phục và giữ vững trong ba năm.

Bản anh hùng ca ngắn ngủi. Sau đó ba năm, đất nước và nhân dân ta lại bị bọn phong kiến phương Bắc đô hộ. Sau các trận quyết chiến ở Lãng Bạc, Mê Linh, Cấm Khê và Cửu Chân, cuộc kháng chiến giữ nước do Hai Bà Trưng lãnh đạo bị thất bại. Tuy vậy, tiếng vang của khởi nghĩa và cuộc chiến tranh thời Hai Bà Trưng đời đời bất diệt.

Sự nghiệp của Hai Bà Trưng chứng minh hùng hồn, tập trung một bước phát triển của tinh thần dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó là sản phẩm của một quá trình lịch sử lâu dài, kết tinh của nền văn minh sông Hồng trong thời đại dựng nước và trước thảm hoạ mất nước, nó bùng lên thành sức mạnh quật khởi của nhân dân.

Sự nghiệp đó là tia lửa nhen lên tinh thần yêu nước Việt Nam vô địch, coi độc lập là cái quý nhất, với ý chí không gì và không bao giờ lay chuyển được là giành lại và giữ gìn đất nước của tổ tiên.Nó gieo hạt giống tốt của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, không sợ địch, dù chúng mạnh đến đâu, bởi vì địch là kẻ xâm lược, phi nghĩa.


(1) Theo Hậu Hán thư, q.54; Hậu Hán kỷ, q.7. ở nước ta, dân gian còn truyền tụng rằng khi đi và khi về Mã Viện phải qua Quỷ Môn Quan, nên có thơ rằng:

                                                               Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan
                                                                              Thập nhân khứ, kỷ nhân hoàn
                                                                              (Cửa ải Quỷ! Cửa ải Quỷ
                                                                              Mười người qua, mấy ai về)

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Giêng, 2009, 12:20:28 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:16:40 pm »


Nó tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc, khai mào cho xu hướng phát triển của lịch sử Việt Nam, mở đường cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong cả ngàn năm Bắc thuộc.

Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa mùa xuân 40 là một trong những sự kiện chói lọi gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn con người và lịch sử dân tộc ta. Bà Trưng làm vua được ba năm, nhưng lấy cái tài trí của người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng đủ để lại tiếng thơm cho muôn đời.
 
Cũng chính vì thế hình ảnh Hai Bà Trưng sống mãi trong lòng người Việt ai cũng coi đó là một niềm tự hào, lòng ngưỡng mộ đó như một trong những biểu tượng hào hùng của ý chí quật cường, tinh thần quật khởi và khí phách anh hùng của dân tộc.  Nhân dân khắp nơi lập đền thờ hai bà để ghi tạc cái danh tiếng của hai nữ anh hùng tiêu biểu nhất trong những năm đầu công nguyên.

Văn bia Trưng Vương sụ tích bi ký, ghi sự tích Trưng Vương tại đền Đồng Nhân (Hà Nội) nói rằng:

“Trong nữ giới mà trượng phu, chính là Hai Bà Trưng, hai bà là con Lạc tướng, cháu Lạc vương vốn không phải người thường. Nhưng từ khi nước Văn Lang bị mất, thế nước thuộc về nhà Thục (?),  nhà Triệu rồi đến nhà Hán, lệ thuộc nước ngoài hơn hai trăm năm. Việc ấy không cần bàn luận. Thêm vào đó, bọn thái thú nhà Hán hoành hành bạo ngược, những bậc hào kiệt chưa ai nổi dậy. Buổi ấy, trong nước có việc kỳ lạ lắm thay. Đó là việc Bà Trưng chị vì chồng, Bà Trưng em vì chị xắn cánh tay, hô một tiếng, bọn thái thú bạo ngược bỏ chạy.  Trong khoảng vài ngày, bình định được hơn năm mươi thành, oai vũ lừng khắp cõi Lĩnh Nam, thanh danh làm rung động đất Hoa Hạ. Mặc dầu trí dũng như phục ba mà hai bà vẫn ba lần đánh thắng, thanh thế làm cho người Hán bao phen ngày đêm vất vả. Đến lúc việc chẳng chiều lòng, cùng nhau xắn tay, nhảy xuống sông Hát. Trí tuệ như thế ai mà sánh kịp, tài lược như thế ai mà sánh kịp, nghĩa khí như thế ai mà sánh kịp. Chị em một nhà, anh hùng muôn thuở, hai bà quả là bậc người hiếm có trong nữ giới và việc làm của hai bà cũng khó mà có được trong nữ lưu. Các đấng trượng phu làm việc vốn không cần bàn luận thành bại, mà việc làm của hai bà lại càng không nên lấy thành bại mà luận bàn.  Ngàn đời sau, đọc trang sử cũ, khiến mọi người đều tăng thêm chính khí. Đến bản triều hai bà vẫn được ghi vào nền tự điển (1). Ngoài ra, miếu thờ hai bà đâu đâu cũng có, ấy là do uy thiêng của hai bà lưu truyền lại”.


(1). Tự điển: sự tích các thần thánh và phép tắc thêm lệ thờ cúng ở các đền miếu của các triều vua xưa. Hễ một vị thần được ghi vào tự điển tức là được triều đình xếp hạng.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:18:53 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:22:42 pm »


 Tấm gương đó được các thế hệ người Việt Nam, nhất là phụ nữ noi theo, kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, tạo nên truyền thống bất khuất, anh hùng.  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” (1) và “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang là dũng cảm kháng chiến... Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà” (2).



(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.148.[/b](2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.431.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:27:34 pm »



CHƯƠNG II

PHONG TRÀO CHỐNG NGOẠI XÂM TỪ SAU TRƯNG VƯƠNG ĐẾN CUỘC CHIẾN CHỐNG QUÂN TÙY XÂM LƯỢC
(TỪ NĂM 44 ĐếN NĂM 602)

I- SỰ THỐNG TRỊ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC CỦA NGƯỜI VIỆT

1. Trung Quốc từ thế kỷ I đến thế kỷ VI.

Trung Quốc từ đầu công nguyên đến thế kỷ VI, trải qua các triều đại Đông Hán (25-220), Tam quốc (Ngụy, Thục, Ngô, từ 220-280), nhà Tấn (280-316), Nam Bắc triều (Lục triều , từ 316 - 580) (1) và nhà Tùy (581 - 618).
 
Nhà Đông Hán phát binh sang chinh phục Âu Lạc trong lúc trong nước tình hình kinh tế - xã hội tương đối ổn định.  Nhờ khởi nghĩa nông dân mà nhà Đông Hán được thành lập, cho nên trong thời kỳ đầu, triều đình Đông Hán cũng thi hành nhiều chính sách mua chuộc lòng dân, như giải phóng nô lệ, giảm thuế, giảm bớt quan lại và quân lính, xây dựng  các công trình thủy lợi.

Văn minh Trung Hoa thời Hán tiếp tục hưng thịnh trong khoảng ba đời vua đầu Đông Hán (25-88) với sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kỹ thuật luyện sắt, tư lụa, làm giấy và nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác.

Sau đời vua Hán Minh Đế, đặc biệt là sau đời Hán Thương Đế, Đông Hán bước vào giai đoạn suy thoái. Trong triều đình thường diễn ra các cuộc tranh giành quyền bính, làm cho tình hình chính trị càng trở nên rối ren, dân tình thống khổ. Các vua đều lên ngôi từ khi còn nhỏ tuổi, có vua lại sớm ham mê tửu sắc và bạc nhược, nên mọi quyền hành đều nằm trong tay thái hậu và bọn ngoại thích. Bọn này vơ vét của cải, chiếm đoạt ruộng đất, nhà cửa và bóc lột nhân dân thậm tệ. Chẳng hạn, viên ngoại thích Lương Ký đã bắt mấy ngàn dân nghèo làm nô lệ mà hắn gọi là “những người tự bán mình”, chiếm một vùng ruộng đất có chu vi đến ngàn dặm ở phía tây Hà Nam để nuôi cầm thú làm nơi săn bắn tiêu khiển. Tài sản của hắn trị giá bằng nửa số tiền thuế mà nhân dân toàn quốc nộp trong một năm. Một số đại thần trong triều đình sống cực kỳ xa hoa, trụy lạc.
 
Những kẻ sĩ trung thành với họ Lưu đã sử dụng bọn hoạn quan làm tay trong để diệt trừ hiểm họa ngoại thích. Nhưng khi dẹp được ngoại thích thì bọn hoạn quan lại hống hách, lộng hành, trở lại hãm hại các sĩ phu. Sử gọi đó là sự kiện “đảng cô” vào cuối đời Hoàn Đế (năm 167).

Hơn nửa thế kỷ triều đình hỗn loạn vì luôn luôn các phe phái, các bè đảng chống đối và tàn sát lẫn nhau để tranh giành địa vị. Vì thế, chính trị, kinh tế suy thoái, nhân dân khổ cực. Sau vụ “đảng cố”, từ đời Linh Đế, nhà Hán còn suy hơn nữa. “Trong triều, hoạn quan và ngoại thích tranh nhau thay giữ chính quyền, thuế khóa nặng nề, trăm họ khốn đốn.  Ngoài xã hội thì bọn vương hầu, quý tộc, phú hào, người nào nhà cửa cũng hàng trăm, ruộng tốt đầy nơi, Tôi tớ từng bầy, kẻ xu phụ có tới vạn mà đều ăn không ngồi rồi”. Nông dân bị bóc lột quá đỗi, số người đói rét nhan nhản đầy đường, do đó ở nhiều nơi nông dân đã nổi dậy khởi nghĩa.

Cuối thế kỷ II, nông dân được tổ chức thành một lực lượng thống nhất, lớn mạnh do Trương Giác lãnh đạo. Quân khởi nghĩa đầu chít khăn vàng để làm dấu hiệu nên gọi là quân Hoàng Cân (khăn vàng) (2). Thanh thế của Hoàng Cân rất mạnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, khởi nghĩa Hoàng Cân đã lan ra khắp nơi trong khu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường Giang. Hoàng Cân đi đến đâu cũng tiến công vào thành thị, đốt phá các dinh thự của bọn quan lại. Quân chủ lực của Trương Giác đóng ở bờ bắc sông Hoàng Hà. Nghĩa quân tiến công vào kinh đô Lạc Dương.



(1). Cũng có nhiều sách sử dùng khái niệm “Đông Hán - Lục triều”.  Lục triều là: Nguỵ - Tấn - Nam triều (Tống - Tề - Lương - Trần).
(2).  Ý thức hệ - tín ngưỡng của đội quân Hoàng Cân là cái mà sau này ta gọi là Đạo giáo (Taoism).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:29:53 pm »


Triều đình Đông Hán kinh hoàng, phải huy động toàn bộ lực lượng để đàn áp phong trào nông dân. Vua Linh Đế cử Tào Tháo thống lĩnh một lực lượng quân đội lớn đi đánh dẹp. Quân Hoàng Cân đã chiến đấu rất anh dũng, nhưng vì một lúc phải đương đầu với cả quân triều đình lẫn lực lượng vũ trang của các thế lực địa chủ, quân phiệt địa phương nên lực lượng bị tổn thất nặng. Tháng 11-184, khởi nghĩa Hoàng Cân bị đánh bại.
 
Trương Giác ốm chết, nhiều thủ lĩnh tử trận, năm vạn nghĩa quân trung thành đã nhảy xuống sông tự tử. Phong trào nông dân vì thế yếu ớt dần, rồi bị dập tắt.

Đế quyền khi ấy chỉ còn là hư danh. Trong quá trình đàn   áp nông dân, quan lại địa phương xây dựng lực lượng quân sự lớn, mỗi tên chiếm cứ một phương, tạo thành cục diện cát cứ và hỗn chiến ở cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III: Đổng Trác, Viên Thiệu, Tôn Sách - Tôn Quyền... Kinh đô Lạc Dương chìm trong khói lửa. Kinh tế suy sụp.
 
Năm 189, vua Linh Đế chết, kẻ nắm binh quyền lúc này là đại tướng quân Hà Tiến (là anh của Hà hoàng hậu) ngầm liên kết với Viên Thiệu và Đổng Trác để tiêu diệt bọn hoạn quan, nhưng việc không thành bị hoạn quan giết chết. Viên Thiệu sử dụng binh lực của mình giết hơn 2.000 hoạn quan, nhưng thế lực Đổng Trác mạnh hơn nên đã nắm mọi quyền hành trong triều.  Năm 192, Đổng Trác bị tướng dưới quyền là Lã Bố giết chết. Từ đó, cuộc nội chiến giữa các thế lực quân phiệt càng lan rộng và quyết liệt, còn vua Hán Hiến Đế thì bị các tập đoàn quân phiệt thay nhau khống chế.

Năm 196, Tào Tháo rước Hiến Đế đến Hứa Xương, từ đó khống chế được triều đình nhà Đông Hán. Năm 200, Tào Tháo thắng Viên Thiệu, thâu tóm cả miền bắc Trung Quốc. Trong số cát “quần hùng cát cứ” lúc đó thì Tào Tháo là tay kiệt phiệt nhất, nắm được vua lâu nhất, tự Tôn là Ngụy vương (216).
 
Tào Tháo tuy là thừa tướng của Hán Hiến Đế, nhưng lại tự xưng là Ngụy vương, tức có ý chiếm ngôi. Bấy giờ có hai thế lực cát cứ lớn mạnh khoe là Tôn Quyền ở phía đông nam và Lưu Bị ở phía tây cùng với lực lượng Tào Tháo ở phía bắc chống nhau, tạo thành thế chân vạc, chia Trung Quốc thành ba khu vực.
 
Năm 213, Tào Tháo muốn diệt Tôn Quyền, đem quân tấn công, nhưng Tôn Quyền và Lưu Bị liên hợp với nhau kháng cự, trong trận Xích Bính nổi tiếng, 30 vạn quân của Tào Tháo đã thua năm vạn liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị .

Năm 220, Tào Tháo chết, con là Tào Phi bắt vua Hiến Đế phải nhường ngôi. Nhà Đông Hán đến đây chấm dứt, tồn tại được 196 năm. Tào Phi lên ngôi, đóng đô ở Lạc Dương, đặt tên nước là Nguỵ.

Sau khi Tào Phi lên ngôi lập nước Ngụy ở phía bắc thì năm 221, Lưu Bị cũng xưng hoàng đế, đóng đô ở Thành Đô, lấy quốc hiệu là Hán, lịch sử thường gọi là Thục. Năm 222, Tôn Quyền cũng xưng vương rồi xưng đế, đóng đô ở Vũ Xương (Hán Khẩu), đặt tên nước là Ngô.

Lịch sử Trung Quốc bước vào thời kỳ mới - thời kỳ Tam quốc 220-280): Ngụy ở phía bắc, kinh đô là Lạc Dương; Ngô ở đông nam, kinh đô là Vũ Xương và sau là Kiến Nghiệp (Nam Kinh); Thục ở phía tây, kinh đô ở Thành Đô (Tứ Xuyên). Trong ba nước, Ngụy mạnh nhất. Hai nước Ngô và Thục tuy có chiến tranh với nhau nhưng từ năm 223 về sau đã liên kết chống lại Ngụy. Vì thế, chiến tranh thời Tam quốc chủ yếu diễn ra giữa một bên là Ngụy và một bên là Ngô và Thục liên kết với nhau. Cục diện giằng co, không phân thắng bại này đã kéo dài mấy chục năm trời.

Đến năm 263, nước Thục suy yếu và bị nước Ngụy thôn tính. Cuối đời Ngụy, Tư Mã ý nắm binh quyền. Năm 265, cháu Tư Mã ý là Tư Mã Viêm bắt vua Ngụy nhường ngôi, lập triều đại mới gọi là triều Tấn, lịch sử thường gọi là Tây Tấn (hay Tiền Tấn).

Năm 280, Ngô bị Tấn tiêu diệt, kết thúc 60 năm nội chiến và chia cắt của thời Tam quốc. Tư Mã Viêm (Tấn Võ Đế) kiến lập nhà Tấn, thống nhất Trung Quốc, nhưng chỉ được 37 năm ổn định. Khi nhà Tấn bị rợ Hồ chiếm hết phương bắc thì một người trong Tôn thất là Tư Mã Huệ trốn xuống phương nam, lập đô ở Kiến Khang (Nam Kinh), sử gọi đây là triều Đông Tấn (Hậu Tấn, 317-420).
 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:31:30 pm »


Trung Quốc thời Tấn đã diễn ra nhiều cuộc nội chiến triền miên giữa các phe phái và sắc tộc. Cuộc đấu tranh bè phái này dược gọi là “loạn bát vương” kéo dài 16 năm làm cho Tây Tấn suy yếu. Nhân đó các tộc Hung Nô, Yết, Tiên Ti, Đê và Phương, gọi chung là Ngũ Hồ đã nổi dậy thống Tây Tấn, sử còn gọi là “Ngũ Hồ Loạn Hoa”.

Năm 304, một quý tộc Hung Nô là Lưu Uyên tự xưng là Hán Vương; tiếp đó đánh chiếm Lạc Dương và Trường An, tiêu diệt Tây Tấn (312). Vua Hung Nô đổi quốc hiệu từ Hán thành Triệu. Trung Hoa từ đây đã chia hai: Nam và Bắc, tức là giai đoạn Nam Bắc triều, kéo dài trên 250 năm.

Thời Nam Bắc triều là thời loạn nhất trong lịch sử Trung Quốc, dài bằng thời Chiến quốc, nhưng lại rối ren hơn nhiều.  Cả miền bắc bị rợ Ngũ Hồ chiếm đóng. Sau “Ngũ Hồ loạn Hoa”, đất đai phương bắc lại bị chia nhỏ thành 16 nước tức là “Ngũ Hồ thập lục quốc” mà tầng lớp thống trị là người phi Hán tộc. Những người dân du mục phương bắc muốn chiếm đất đai của người Hán biến thành đồng cỏ chăn nuôi. Người Hán oán giận chống lại. Hỗn chiến kéo dài, người chết trông nhau. Trải qua một thời gian dài chia cắt, chính quyền Bắc Ngụy thuộc bộ tộc Tiên Ti thành lập và thống nhất miền bắc.  Các vua Bắc Ngụy có ý thức học tập kinh nghiệm trị nước của phong kiến Hán tộc, lại có ưu thế binh lực của dân du mục, nên đã hùng mạnh và làm chủ cả một vùng rộng lớn từ Trường Giang trở lên.
 
Vì thế, văn hóa Hán cũng đã xâm nhập vào cuộc sống người Hồ. Dân du mục cũng dần dần định cư làm ruộng như người Hán. Ky binh Hán học được của người Hồ cách dùng yên ngựa (bàn đạp) ; người Hồ học của Hán cánh thành lập bộ binh, v.v. .  Ở phía nam các vua Đông Tấn bất tài, binh quyền rời vào tay ngoại thích và một số đại thần. Cuối cùng, một tướng giỏi tên là Lưu Di tập hợp lực lượng, chiếm ngôi của Đông Tấn, xưng đế và lập ra nhà Tống tức Tiền Tống (420-479).
 
Sáu mươi năm sau, tướng Tiêu Đạo Thành thâu tóm quyền hành, tự phong là tướng quốc, tước Tề Vương, rồi phế vua Tống, lập nhà Nam Tề (479-502). Nam Tề tồn tại ngắn ngủi (21 năm).
 
Đến năm 502, Tiêu Diễn khởi binh lật đổ Tề đổi tên nước là Lương (502-557). Năm 557, Trần Bá Tiên bắt vua Lương phải nhường ngôi và lập nên triều Trần (557-589), triều đại cuối cùng của Nam triều.

Bốn triều đại Tống, Tề, Lương và Trần đều đóng đô ở Kiến Khang, thống trị vùng phía nam Trường Giang. Lịch sử Trung Quốc gọi các triều đại này là Nam triều. Ở giai đoạn này, nhà Lương đã tiến hành cuộc chiến tranh chinh phục Giao châu (545), trong đó Trần Bá Tiên giữ chức kinh lược sứ, phụ trách tác chiến dưới quyền của thứ sử Giao châu là Dương Phiêu.

Bấy giờ, một thế lực qúy tộc - sĩ tộc mạnh mẽ hình thành ở Giang Nam (bọn Vương, Tạ . . . , thời đại của Vương Khải, Thạch Sùng), áp đặt ý chí của họ trên đế quyền trung ương.  Phật giáo cực kỳ hưng thịnh và lấn át Nho giáo; một nền văn chương, nghệ thuật phát triển rực rỡ, nền kinh tế thương mại được phục hồi ở phía nam.

Trong suốt năm thế kỷ đầu công nguyên, đất nước Trung Hoa liên tục lâm vào tình trạng chia cắt vì nội chiến và luôn bị Ngũ Hồ xâu xé. Sự phát triển của kinh tế - xã hội bị hạn chế nghiêm trọng. Chiến tranh kéo dài đã làm tăng thêm gánh nặng đảm phụ của nông dân, an ninh xã hội bị phá vỡ.
 
Đến năm 581, ở phía bắc, Dương Kiên giành được ngôi vua, lập nên triều Tùy, đóng đô ở Trường An. Năm 589, Dương Kiên cử 50 vạn quân vượt Trường Giang tiêu diệt triều Trần, tình trạng chia cắt Nam Bắc triều chấm dứt, Trung Quốc được thống nhất. Nhà Tùy trở nên cường thịnh, đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chinh phục, mở rộng lãnh thổ và quyền uy, trong đó có cuộc chiến tranh xâm lược nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế vào năm 602-603.
 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:34:43 pm »


2. Đất nước ta từ đầu công nguyên đến thế kỷ III - Cuộc đấu tranh của người Chăm và người Việt thống xâm lược, chống Hán hóa.
 
Sau cuộc đàn áp tàn bạo của Mã Viện, phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân các dân tộc ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân bị chìm lắng trong một thời gian. Chính sách nô dịch và đồng hóa của người Hán được đẩy mạnh hơn trước. Để duy trì nền thống trị và áp bức, bóc lột, nhà Hán áp dụng luật pháp hà khắc, tàn bạo đối với người Việt. Dưới sự thống trị của chính quyền đô hộ Đông Hán, chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt ở cấp huyện bị bãi bỏ. Chế độ cai trị cấp huyện của đế chế Hán được tăng cường.

Tuy chế độ quận huyện thắt buộc hơn trước, nhưng bọn thống trị Hán tộc vẫn không với tay được xuống dưới cấp huyện, vẫn không khống chế trực tiếp được tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay Mã Viện, dù đã đàn áp xong phong trào Hai Bà Trưng vẫn vấp phải một thực tế nghiệt ngã: xã hội Việt khác xã hội Hán, không thể bệ nguyên xi pháp độ Hán sang áp dụng ở đất Việt.

Theo Hậu Hán thư, “Viện tâu rằng luật Việt và luật Hán khác nhau tới hơn 10 việc, (nay) xin làm sáng tỏ cựu chế đối với người Việt” (1). “Cựu chế” là việc người Hán, từ thời Vũ Đế, vẫn phải “dùng tục cũ của họ (của người Việt) mà cai trị”. áp lực của hằng số lịch sử phương Nam - những truyền thống mạnh mẽ của cơ cấu xã hội nông nghiệp trồng lúa nước với nền tảng xóm làng của người Việt - trên thực tế đã hạn chế mức độ và phạm vi thống trị của kẻ địch, khiến cho chính sách thống trị của nhà Hán và các triều đại phong kiến Trung Hoa tiếp sau rút cuộc vẫn chỉ có thể là một chính sách ràng buộc lỏng lẻo. Nhiều miền đất ở nước ta còn nằm ngoài phạm vi khống chế của phong kiến Trung Hoa.
 
Theo lời thú nhận của Tiết Tổng, thái thú Giao Chỉ đầu thời Ngô (thế kỷ III) thì dưới thời Hán, tại Giao Chỉ nhiều nơi “trưởng lại tuy đặt, có cũng như không”, “huyện quan ràng buộc để cho sợ uy mà phục” còn thì “phần nhiều buông lỏng” (2).
 
Ở Giao Chỉ và Cửu Chân, nhà Hán tiến hành chia lại cư dân theo khu vực, chia nhỏ các huyện cũ quá to thành nhiều huyện nhỏ. Tây Vu là đất bản địa của Tây Vu Vương, nay bị chia làm ba: Tây Vu (Tiên Du), Phong Khê (vùng Cổ Loa) và Vọng Hải (vùng bắc Cà Lồ). Nhà Hán muốn phá tan cơ sở vật chất của chế độ Lạc tướng thế tập trước đó.  Bọn Mã Viện tìm cách củng cố và mở rộng các cứ điểm thống trị của chính quyền đô hộ.
 
Hậu Hán thư chép: “Viện đi qua nơi nào đều xây thành quách cho các quận huyện” (3). Điều đó có nghĩa là các huyện mới được đặt ra, các huyện trưởng mới là người Hán và các lại viên khác, cùng với quân đồn trú cấp huyện cần có thành lũy phòng vệ. Nó chứng tỏ sự trấn áp của chính quyền đô hộ đối với người Việt khốc liệt hơn. Dưới thời Đông Hán, quận Giao Chỉ có 12 thành tương ứng với 12 huyện; hai quận Cửu Chân và Nhật Nam mỗi quận có năm thành, tương ứng với năm huyện.

Những thay đổi về chế độ cai trị, việc cải tổ pháp chế và những cải cách khác dưới thời Đông Hán đã đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong chính sách thống trị thực dân của phong kiến phương Bắc. Chính sách quận huyện, chính sách đồng hóa, áp bức và bóc lột của kẻ xâm lược có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về vật chất và tinh thần của dân tộc ta. Sự phát triển kinh tế - xã hội bị kìm hãm, nhiều đặc điểm văn hóa dân tộc bị mai một. Chế độ thống trị ngoại tộc được củng cố một bước, và theo đó nhân dân Âu Lạc phải chịu thêm gánh nặng áp bức bóc lột. Chính vì thế mà nhân dân ở các quận huyện phía nam đã liên tiếp nổi dậy chống lại sự cai trị thắt buộc của chính quyền đô hộ ngoại tộc.


(1). Hậu Hán thư, q.54.
(2). Tam quốc chí, Ngô chí, q.8, Tiết Tổng truyện. 
(3).  Hậu Hán thư, q.54, t.8b.     

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:36:47 pm »

Bảng thống kê tóm tắt các cuộc nổi dậy lớn các châu quận phía nam mà sử sách nhà Hán còn ghi lại dưới đây cho ta hình dung được tình hình đấu tranh của nhân dân ta ở thế kỷ II (xem bảng):

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:41:44 pm »


Trong thời gian này, bọn quan lại Đông Hán mặc sức bóc lột nhân dân. Đời Minh Đế (58-75), nếu Hậu Hán thư cố đề cao Lý Thiệu, thái thú Nhật Nam “Lấy sự thương yêu ân huệ làm chính sự, vỗ về dân khác tục cho họ theo mình” thì lại lộ ra một Trương Khôi, thái thú Giao Chỉ cùng thời can tội ăn hối lộ một ngàn lạng vàng, buộc phải triệu về kinh, tịch thu của cải (1) .

Dưới ách đô hộ tàn bạo của bọn đô hộ phương Bắc, người Chăm cũng như người Việt - Âu Lạc đều bị áp bức, bóc lột, nên đã có mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền ngoại tộc.  Nhân dân hai nước lại có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau trong lao động và đấu tranh. Cả hai dân tộc Việt và Chăm đều bị xâm lược, đã cùng hợp sức chiến đấu, sớm tạo ra mối quan hệ mới của một cộng đồng. Người Chăm thuộc quận Nhật Nam, tức miền đất từ Hoành Sơn đến Quảng Nam đã nhiều lần nổi dậy cùng với nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân đấu tranh chống chính quyền đô hộ. Từ mùa xuân năm 40, họ đã từng hưởng ứng mạnh mẽ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, góp phần tạo nên thắng lợi oanh liệt của một cuộc đấu tranh giành quyền độc lập quy mô lớn.

Sau cuộc đàn áp của Mã Viện, phong trào đấu tranh tuy có lắng xuống một thời gian, nhưng rồi lại trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ II mà trung tâm là quận Nhật Nam. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên là của nhân dân huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam vào mùa hè năm 100, với hơn 2.000 người tham gia, đốt phá chùa chiền và nhà cửa của bọn quan lại. Chính quyền đô hộ phải điều quân của quận và các huyện đến đàn áp sát hại thủ lĩnh của nghĩa quân và dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Tháng 11- 116, người ở các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố thuộc Giao châu nổi dậy đánh phá quận Thương Ngô. Nhâm Trác, chỉ huy quân đội đàn áp người Việt Năm 136, nhân dân Tượng Lâm lại nổi dậy và đặc biệt trong năm 137, toàn thể nhân dân Nhật Nam đã đứng lên đánh phá quận phủ.

Hậu Hán thư chép: “Man Di ở ngoài cõi Tượng Lâm, quận Nhật Nam là bọn Khu Liên mấy ngàn người đánh huyện Tượng Lâm, đốt thành, chùa, giết trưởng lại”. (2) Thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn đem hơn một vạn quân  binh của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân vào đàn áp.  Nhưng binh lính Giao Chỉ và Cửu Chân đã chống lại cuộc hành quân, quay lại đánh phá quận trị. Cuộc binh biến này đã kìm chân bọn đô hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Nam phát triển.
 
Quân Hán ở Tượng Lâm không chống đỡ nổi nghĩa quân, buộc nhà Hán phải cử Chúc Lương sang làm thái thú quận Cửu Chân, Trương Kiều làm thứ sử quận Giao Chỉ. Chúc Lương đã dùng thủ đoạn chiêu dụ, mua chuộc, ly gián nên cuộc khởi nghĩa bị thất bại sau hơn một năm hoạt động. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất của người Chăm ở Tượng Lâm, tạo điều kiện tốt và chuẩn bị cho sự xuất hiện quốc gia Chăm pa được thành lập vào cuối thời Đông Hán.

Phong trào chống áp bức ở Nhật Nam phát triển mạnh khiến cho bọn quan lại đô hộ rất lo lắng. Năm 138, vua Hán phải triệu tập bách quan công khanh, duyệt lại và thuộc viên ở bốn phủ để bàn phương lược đàn áp. Nhưng bấy giờ tình hình nội bộ nhà Đông Hán ở Trung Quốc cũng rất rối ren, nhân dân Trung Hoa cũng đang liên tiếp khởi nghĩa, do đó không cho phép nhà Đông Hán rảnh tay đưa đại quân sang Nhật Nam được.
 
Bấy giờ, đại tướng quân Lý Cố hiến kế dời hết quân lính và quan lại Trung Hoa ở hai quận Nhật Nam và Cửu Chân về Giao Chỉ, dùng chính sách “dĩ Di công Di”, dùng của cải, quan tước, ruộng đất để mua chuộc các thủ lĩnh nghĩa quân, khiến nhân dân hai quận tự đánh lẫn nhau mà tan vỡ.

Do bọn quan lại đô hộ đứng đầu là huyện lệnh Cư Phong (Cửu Chân) tham tàn, bóc lột nhân dân thậm tệ, nên mọi người ai cũng căm phẫn. Năm 157, nhân cơ hội đó, Chu Đạt kêu gọi nhân dân đứng lên, cùng quân sĩ đánh giết huyện lệnh. Lực lượng nghĩa quân lên tới 4.000 - 5.000 người. Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức đem quân đàn áp, bị giết tại trận. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ba năm (157-160), lực lượng có lúc phát triển đến hơn hai vạn, gồm cả người Việt và người Chăm. Nhà Hán buộc phải cử Nguỵ Lãng làm đô uý Cửu Chân dùng kế dụ dỗ và sử dụng nhiều quân lính đàn áp mới dẹp được.


(1). Hậu Hán thư, q.6, t.9b.
(2). Hậu Hán thư, q.71,t.9a. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 09:46:17 pm »

Tuy nhiên, nhân dân Nhật Nam và Cửu Chân vẫn không ngừng nổi dậy khởi nghĩa; triều đình nhà Hán phải nhiều lần cử đô úy Cửu Chân đi đàn áp và mãi từ năm 144 đến năm 160 mới tạm dẹp yên được phong trào ở Nhật Nam.
 
Cuộc đấu tranh chống áp bức ở phương Nam có lúc tạm lắng, có lúc lại bùng lên mạnh mẽ bởi ách áp bức, bóc lột và vơ vét của quan lại đô hộ. Sử nhà Hán viết rằng “Xưa đất Giao Chỉ có nhiều sản vật quý: ngọc minh cư, lông chim sẻ, sừng tê, ngà voi, đồi mồi, hương lạ, gỗ đẹp không gì không có.  Các thứ sử trước sau phần lớn không thanh liêm, trên thì bợ đỡ kẻ quyền quý, dưới thì thu vét của cải của dân, đến khi đầy túi, liền xin dời đổi” (1). Chu Thặng, thứ sử Giao châu dâng thư lên vua Hán cũng nói: “Giao châu nơi xa cách, quan lại tập tục tham ô. Họ lớn làm đủ điều gian trá, trưởng sử tha hồ bạo ngược, bóc lột nhân dân” (2). chính vì thế, nhân dân Hợp Phố, Giao Chỉ, Ô Hứ, Cửu Chân, Nhật Nam, khắp nơi nổi dậy đánh chiếm các quận huyện (3).

Lãnh tụ nghĩa quân ở Giao Chỉ bấy giờ nổi tiếng nhất là Chu Đạt và Lương Long, đã tổ chức được những cuộc khởi nghĩa lớn. Lương Long liên kết với cả thái thú Nam Hải là Khổng Chi, cùng nổi dậy chống triều đình, chiếm lĩnh được các quận huyện trong bốn năm (178-181). Nhà Hán cử Chu Tuấn đem binh lính bảy quận đàn áp, Lương Long bị giết, nghĩa quân tan rã. Lúc đó cũng có những viên thái thú đã lợi dụng phong trào của binh lính và nông dân chống chính quyền để cát cứ, như thái thú Hợp Phố là Lai Đạt...  Nhìn chung các cuộc khởi nghĩa chống Đông Hán từ sau phong trào Hai Bà Trưng đến cuối thế kỷ I có sút kém.
 
Sang thế kỷ II, phong trào phát triển hơn mà trung tâm chủ yếu là miền Nhật Nam, đặc biệt ở Tượng Lâm (Quảng Nam), nơi sinh sống của dân tộc Chăm. Từ nửa sau thế kỷ II, nhân dân cả ba quận trên đất nước ta đều nổi dậy, phát triển lực lượng nhanh, đốt phá thành ấp, giết chết bọn quan lại nhà Hán, từ huyện lệnh đến thứ sử. Có những cuộc nổi dậy đã duy trì được ba, bốn năm, đạt tới sự liên kết nhất định, đặc biệt là ở Nhật Nam và Cửu Chân. Binh lính người Việt của chính quyền đô hộ được nhân dân thức tỉnh cũng nhiều lần làm binh biến.
 
Từ những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, phong trào đã mạnh lên, lớn dần và đã đoàn kết được dân chúng các quận.  Tình hình đó chứng tỏ khối cộng đồng người Việt và khối đoàn kết các dân tộc anh em chung sống trên dải đất này ngày càng được củng cố qua các phong trào yêu nước chống ngoại xâm.
 
Chính quyền đô hộ Hán tộc ở châu, quận không có khả năng đàn áp những cuộc khởi nghĩa đó. Chỉ sau khi triều đình Đông Hán tổ chức những cuộc chinh phục quy mô lớn với những thủ đoạn chính trị xảo quyệt chia rẽ dân tộc, các phong trào khởi nghĩa mới bị dập tắt, chính quyền đô hộ mới được khôi phục.

Phong trào đấu tranh của nhân dân ta trước sau đều bị đàn áp dã man, song nó cũng có tác dụng rất lớn trong lịch sử; nó đã hun đúc truyền thống bất khuất, quật cường của người Việt trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.
 
Đặc biệt, nhân sự suy yếu của nhà Đông Hán, cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân Tượng Lâm và toàn quận Nhật Nam cuối cùng đã giành được thắng lợi - một quốc gia độc lập mới đã được thành lập ở cuối thế kỷ II. Đó là nước Chăm pa (tức Lâm Ấp) nằm trên địa bàn huyện Tượng Lâm cũ và sang đầu thế kỷ III, đã đẩy lùi cương giới của đế chế Hán ra phía bắc sông Gianh, sát với dải Hoành Sơn.


(1).  Hậu Hán thư, q.61, t.14a.
(2).  Lê Trắc: An Nam chí lược, q.7.
(3). Hậu Hán thư, q.8, t.6a, q.116, t.8b.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM