Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:39:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106553 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #150 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2009, 11:19:33 pm »

Ngày nay, làng xóm đã đổi thay. Đền Đồng Nhân bây giờ là ở vào phố 317, quận Hai Bà Trưng. Trước đền là hồ bán nguyệt. Một hàng cột hoa biểu đồ sộ vốn có khắc nhiều câu đối nhưng nay bị vỡ nhiều. Tiếp đó là một cái sân rộng. Trên sân ở phía bên phải đền là một tấm bia khá lớn dựng trên rùa đá. Đó là bia Trưng Vương sự tích bi ký do Vũ Tông Phan, tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) soạn vào năm 1840.
 
Nội dung văn bia là biểu dương sự nghiệp hai bà và kể lại việc dân làng Đồng Nhân dời đền từ bờ sông vào nơi hiện nay.  Trong đền, ở nhà tiền tế có hai thớt voi sơn đen, voi gỗ nhưng ngà thật. Theo ông Hoa Bằng trong bài Đền hai bà ở Đồng Nhân in trên Tạp chí Tri tân, số 39 thì “tương truyền hai cặp ngà voi đó là tặng phẩm do triều Lý ban cho dân làng Đồng Nhân để chế voi thờ, nên trong bản Thần tích làng Đồng Nhân hãy còn chép cả hai vế biền văn trích trong tờ biểu dân làng tạ ơn vua Lý về việc ban tặng ấy”.

Cũng ở nhà tiền tế giáp tường phía bên trái còn có một tấm bia do Hà Nội đốc học là cử nhân Dương Duy Thanh soạn năm 1818 cũng có tên là Trưng Vương sự tích bi ký. Nội dung bia này cũng không khác gì mấy so với nội dung tấm bia do Vũ Tông Phan soạn.

Đến hậu cung sẽ thấy tượng hai bà đặt trên bệ cao. Nhưng không phải là tượng đá mà bằng đất luyện. Hai tay tượng không trỏ lên trời, mà đưa ngang ra phía trước. Đầu không đội mũ trụ. Vậy, đây không phải là tượng từ đời Lý mà là mới đắp sau này (tất nhiên không loại trừ khả năng bên  trong tượng hiện nay có một cái cốt đá, kiểu như “đá Mỵ châu’ bên Cổ Loa).

Ở nhà tiền tế cũng như hậu cung có nhiều câu đối hay như:

Đồng Nhân miếu, Tôn tượng lúc thanh cao, hào khí như sinh, Bắc cố mục trung vô Hán quốc.
Hát thủy môn, nộ đào thời chấn đãng, anh phong bất tử, Nam âm sở thượng hữu Bà Vương.
                                                                                                    (Khuyết danh)

Nghĩa là:

Miếu Đồng Nhân, tượng báu trang nghiêm hào khí như còn, ngoảnh ngó Bắc phương không nước Hán.
Cửa sông Hát, sóng hờn sôi sục anh phong không dứt, tiếng vang Nam sử có Vua Bà.

Hoặc:

Khả liên Hán đế xưng Quang Vũ
Bất để thoa quần khởi nghĩa binh.

                                                                                       (Khuyết danh)

Nghĩa là:

Khá thương vua Hán phô oai mẽ
Khôn đọ quần thoa dấy nghĩa binh.

Trước đây, hằng năm làng Đồng Nhân mở hội từ ngày mùng bốn Tết đến mùng tám tháng hai, chính hội là vào mùng năm. Tương truyền đó là ngày dân bãi Đồng Nhân xưa đón tượng hai bà từ sông lên.

Trong ngày hội mùng năm tháng hai ấy, dân Đồng Nhân rước kiệu hai bà ra bờ sông Hồng, chỗ làng Đồng Nhân gốc, rồi dừng kiệu lại, đem đôi choé xuống thuyền đã túc trực sẵn, bơi ra giữa dòng lấy nước. Nước này sẽ dùng để tắm tượng và dâng cúng quanh năm.
 
Đặc biệt đám rước ấy có đôi voi gỗ đi dẹp đường, quản tượng là đàn ông. Còn các đô tùy khiêng kiệu thì toàn là nữ, tức cũng giống như nghi vệ ở đám rước hằng Hạ Lôi. Nhưng các nữ đô tùy này chỉ có một số ít là người địa phương, còn thì là những cô gái các làng có giao hiếu với Đồng Nhân như Phụng Công (ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là nơi tương truyền có người đã cùng dân Đồng Nhân rước tượng hai bà ở sông lên từ đời nhà Lý, như Hạ Lôi bấy lâu coi như quê của hai bà . . .

Có năm, vùng Thường Tín (Hà Tây) cũng cử người lên giúp hội.  Sau khi đám rước trở về bắt đầu làm lễ tế. Có năm tổ chức tế nữ quan, tức là mọi thủ tục tế lễ do phụ nữ hoàn toàn đảm nhiệm, từ chủ tế, bồi tế đến các thấp sự (những người phục dịch) .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #151 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2009, 11:36:00 pm »


Cạnh đền hai bà, phía bên phải là ngôi đình của dân làng Đồng Nhân và bên trái là chùa của làng này. Chùa có tên là viên Minh tự” (chùa Viên Minh). Cả đình lẫn chùa cũng chỉ có thể có từ sau năm 1819. Nhưng cái tên Viên Minh thì bắt nguồn từ một sắc phong vào năm 1533. Vào năm đó - năm Nguyên Hoà thứ nhất đời vua Lê Trang Tông - có sắc phong cho hai bà là Quảng Giáo Viên Minh linh Thạch Trưng Vương Phật. Chữ Viên Minh lấy từ pháp hiệu này.
 
Phụ chú: Qua sự tích đền Đồng Nhân, có thể hiểu rằng từ đời Lý, từ là hai vị anh hùng cứu nước, Hai Bà Trưng được vương triều này Tôn lên là hai nữ thần bảo hộ nông nghiệp.  Tới đời Lê Trung hưng, hai bà lại được Tôn lên làm Phật.  Ngoài ra, nhìn dưới góc độ dân tộc học thì ở ngày hội của các làng trên có những lễ tiết đã trộn lẫn tín ngưỡng nguyên thủy vào chủ đề lịch sử tưởng niệm hai bà. Như ở Đồng Nhân, việc rước nước sông Hồng có thể là hình thức hội nước (thờ nước, cầu mưa); một lễ tiết tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy. Hoặc lễ bánh trôi ở Hát Môn có thể là sự tôn xưng biểu dương thành quả của lao động nông nghiệp trồng lúa nước.

4. Quán Ao Sen

Tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây cũng có đền thờ Hai Bà Trưng. Theo ý kiến của ông Đinh Văn Nhật thì Hạ Bằng - tức Hạ Lôi và Bằng Trù - là một khu thuộc trang Cổ Lôi ngày xưa, quê hương của Hai Bà Trưng. Nhưng hai bà lại không phải là thành hoàng làng (thành hoàng là ba anh em Cao Hưng, Tuấn Tĩnh, Trung Liệt, các con của Lạc Long Quân) nên không thờ ở đình mà thờ riêng ở quán.

Vùng xứ Đoài cũ có tập quán gọi nơi thờ các thần thánh là quán tức cũng như các làng vùng khác gọi là nghề hoặc đền.  Quán thờ hai bà nguyên ở trên một cái gò cạnh một ao sen nên có tên là quán Ao Sen. Tương truyền đó là nơi Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân.
 
Sau, quán lại được chuyển sang một cái gò đối diện (nay là địa điểm nhà trạm y tế xã).  Theo một người cao tuổi ở đây - ông cụ Đặc ở xóm Cốc - thì quán này thời xưa các cố lão còn gọi là quán Dạ. Phải chăng chữ Dạ ở đây cũng giống như chữ Dạ trong Mả Dạ ở Nam An, quê hương bà Man Thiện?

Như vậy, có thể hiểu “quán Dạ” là ‘quán đức Bà”. Và cái tên gọi này chính cũng là tia ảnh xạ của một thời mà tiếng Lạc Việt chưa chia ra làm hai (tiếng Kinh và tiếng Mường) tức thời kỳ Hai Bà Trưng vậy.

5. Thành Dền

Làng Cơ An nay thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh. Trước đây làng này có tên là Cự Triền. Tại đó có một dấu tích thành cổ mà dân làng gọi là thành Dền. Có lẽ Dền là tên Nôm cổ của Cự Triền, vì những địa danh có tên bằng chữ Hán là Triền thì đều là phiên âm chữ Dền của tên gọi Nôm (ví dụ chỗ cuối phố Huế, đầu phố Bạch Mai ngày trước có một cửa ô tên Nôm là cửa Ô Cầu Dền thì các sách chữ Hán đều chép là Triền kiều ô môn).

Cái tên Cư An chỉ mới có từ thế kỷ XIX, vì ở sách Kiên văn tiểu lục soạn vào những năm cuối thế kỷ XVIII, tác giả là Lê Quý Đôn còn dùng chữ Cự Triền: “ở xã Cự Chiền (Cự Triền) có nền thành cũ, tương truyền phục ba tướng quân cùng Trưng Nữ Vương đánh nhau ở đây” (bản dịch, trang 506, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962).
Nhưng đến sách Đại Nam nhất thông chí (soạn vào thời gian nửa cuối thế kỷ XIX) thì đã có tên Cư An: “Lũy cổ Trưng Vương: ở xã Cơ An, huyện Yên Lãng, có hai lũy, cách nhau không xa, nền cũ nay vẫn còn, tương truyền đấy là lũy cũ của Trưng Vương” (bản dịch, tập IV, trang 213, sách đã dẫn).
 
Như vậy, thành Dền nằm ở địa phận làng Cư An. Làng này nay thuộc xã Tam Đồng. Nhưng theo sự phân chia lại địa giới gần đây thì thành Dền lại thuộc về địa phận xã Tự Lập, vẫn là huyện Yên Lãng, nay là huyện Mê Linh.
 
Thành cách đền Hạ Lôi chừng 6 km về phía tây bắc, tương truyền là nơi Bà Trưng Nhị đóng quân. Cứ như cách gọi ở địa phương, ngoài tên thành Dền, thành này còn được gọi là thành Trại, thành Cờ, thành Tam Kha.
 
Theo sự mô tả của ông Nguyễn Lộc trong bài Những vết tích khảo cổ về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phú (Những vấn đề lịch sử Vĩnh Phú, trang 119) thì thành Dền có hình dáng khá đặc biệt: không đắp theo hình vuông, hoặc chữ nhật, hoặc đa giác đều như các thành thường gặp trên đất nước ta mà là hình bầu dục. Chỗ dài nhất là 200 m, chỗ hẹp nhất là 170 m . Tường thành cũng còn cao tới 1,5 m so với mặt hào chạy xung quanh thành. Hai đầu thành ở phía bắc và nam hiện còn hai khu đất được đắp vòng rộng ra ngoài ước khoảng gần 1 sào Bắc Bộ. Có thể đó là hai cái mang cá?  Trong thành về phía nam có một gò cao. Ở đỉnh gò còn dấu vết nền móng ngôi miếu cổ tương truyền là nơi thờ Bà Trưng Nhị và vốn là cột cờ xưa.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #152 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2009, 11:41:12 pm »

Ở mặt phía đông của vòng thành có một quãng bị cắt ngang vì ở đó có một hố nước. Một bên thành được đắp vòng ra ngoài hố nước ấy, còn một bên thì nhập vào một gò đất cao khá cao. Nơi đó có thể là cổng thành.

Trong nội thành, đối diện với cổng còn có một nền đất phẳng hình chữ nhật giống như nền nhà. Tại góc bắc thành có một hồ nước rộng khoảng 1 sào Bắc Bộ và hiện còn sâu tới 0,8 mét. Có thể đó là giếng nước dùng chung cho cả nội thành.  Còn dãy hào chạy xung quanh thành thì nay bị san lấp nhiều; tuy vậy, có chỗ còn rộng tới 10m, sâu chừng 0,6 mét, so với mặt ruộng xung quanh.

Theo thần tích của làng Cư An thì sau khi đánh đuổi Tô Định, Bà Trưng Nhị được cử về nơi đây xây dựng thành lũy để làm kinh đô. Liên quan đến toà thành Dền này còn có một toà thành khác, cách 2 km về phía đông. Đó là thành Vượn ở địa phận làng Nam Cường, giáp giới Cơ An (Nam Cường nay hợp với Cư An và Văn Lôi thành xã Tham Đồng). Theo lời kể ở địa phương thì Mã Viện đã kéo quân tới đánh thành Dền trong nhiều ngày nhưng không hạ nổi. Hắn đành phải cho xây một toà thành ở đây để làm nơi trú quân lâu dài. Đó là thành Vượn.

Thành Vượn có hình gần tròn, rộng khoảng 2 héc ta. Đường kính khoảng 150 mét đến 170 mét. Chỗ thành cao nhất là 1,5 mét so với mặt hào. Mặt thành có đoạn rộng trên 8m. Phía bắc thành có một gò đất cao, cũng gọi là gò cột cờ.

Kể ra, bảo rằng đây là thành do Mã Viện cho đắp thì cũng có thể tin được. Vì các sử Trung Quốc đều có chép rằng Mã Viện đã xây Kiền thành ở huyện Phong Khê. Vậy mà huyện Yên Lãng, nay gọi là huyện Mê Linh, chính là huyện Phong Khê ngày xưa. Vả lại Kiền thành có nghĩa là “thành Cái kén”. Ở đây, thành Vượn có hình gần tròn rất giống một cái kén tằm. Do đó, có thể Kiền thành ghi chép trong sử sách chính là thành Vượn.

Như vậy, thành Vượn có thể coi là hiện vật để gián tiếp chứng minh sự có mặt của thành Dền vào thời kỳ Hai Bà Trưng. Thực tế Cự Triền đúng là một làng cổ. Các nhà khảo cổ đã cho biết rằng những di vật đào được ở lòng đất trong thành Dền (gồm gốm và đồng) có niên đại trước công nguyên, thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên và Đồng Đậu (1). Và kiểu dáng của thành cũng đã được coi là loại thành cổ.
 
Lê Văn Lan có nhận xét: “Đặc điểm đáng chú ý nữa là kiểu dáng của những toà thành này (Cự Triền và Miếu Môn) nếu một mặt tỏ ra khác biệt với những thành quách của bọn thống trị đương thời và của đất nước ở những thời kỳ sau - thường có hình tứ giác - thì mặt khác, lại đồng dạng với thành Cổ Loa và cùng với Cổ Loa làm nên một phong cách xây thành riêng: tạo một bình diện hình gần tròn hoặc những đường con tự do khép kín của tường thành”.

Tất nhiên trải qua hai mươi thế kỷ, nhiều đội quân đã đóng ở Cự Triền, như quân Nguyễn Khoan (thế kỷ X) hoặc nghĩa quân của các phong trào nông dân mà cụ thể nhất là phong trào Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương. Bấy nhiêu đội quân tất có tham gia nhiều hoặc ít vào việc làm thay đổi diện mạo thành Dền.

6. “Miếu Bà Trắc” ở Hồ Nam (Trung Quốc).

Trên đất Trung Quốc mà lại có đền Bà Trưng. Kỳ lạ nhưng có thật? Vì nguồn thông tin này nằm trong thư của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803). Nguyên là trong Hoàng hoa đồ phả, một tập thư và hoạ do Ngô Thì Nhậm sáng tác trong thời gian đi sứ nhà Thanh (năm 1793) có một bài nhan đề Phân Mao lĩnh (núi Phân Mao):

Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ thập Phân Mao
Thiên thư bất tận Hành Sơn
(2) lĩnh
Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao
(3)
Trưng Trắc kiêm mang khai động phủ.
Úy Đà quê đô lạc sơn sào
Phong lai giải uấn tây nam lợi
Vi hứa Hùng Bi vạn nhận cao.



(1) Xem thêm bài Phát hiện một sô/ di tích khảo cổ ở Vĩnh Phú của Hà Văn Hiện trong Những phát hiện mới khảo cổ học 1972, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
(2)  Hành Sơn: Tên chỉ chung dãy núi trùng điệp trên địa phận huyện Hành Dương.
(3) Nhạn Trạch: chim nhạn bay về Nam nhưng tới Hành Dương gặp ngọn núi Hồi Nhạn cao quá phải quay về. Nhưng lông nhạn rụng xuống lại theo sông Ly trôi về Nam. Khúc sông đó gọi là Nhạn Trạch.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2009, 11:43:51 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #153 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2009, 11:54:29 pm »


Nghĩa là:

Một dải núi xanh ở giữa nơi giáp giới Sở và Việt
Trên đường đến trạm Hoàng Mao nhậ n ra đó là núi Phân Mao.
(Ranh giới của Trung Hoa do) Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn,
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch (về phía nam).
Lưỡi kiếm của Bà Trưng mở ra động phủ.
Sâu quê của Triệu Đà còn đầy trong hang-núi
(1)
Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải (2)
 
Ngô Thì Nhậm có lời chú thích rằng: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, có cỏ mao rẽ hai ngả nam bắc, trên đường đi có biển để Phân Mao lĩnh” (3). 

Như vậy, núi này là chỗ ranh giới hai nước Sở, Việt. Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam và Việt là khu vực hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Gọi là Hồ Nam vì ở phía nam hồ Động Đình. Và vậy là theo bài thư này tại Hồ Nam có đền thờ Bà Trưng Trắc.

Trong một tập thư khác của Ngô Thì Nhậm - tập Yên Đài thu định cũng gồm những bài thư do ông viết trong chuyến đi sứ năm 1793 - có một lời ghi chú khác: “Phía nam hồ Động Đình có miếu thờ Bà Trưng.
 
Bà đã chống với Mã Viện ở Hồ Nam và giữ được vài tháng. Sau đó bà chiến đấu ở Khẩu Phong và thất bại ở Tương Âm rồi mất. Nay ở đó còn có miếu thờ Hai Bà Trưng, tục gọi là miếu Bà Trắc, rất linh ứng”.
 
Rõ ràng đây chỉ là truyền thuyết. Vì chính sử Trung Quốc không ghi sự việc này. Nhưng cơ sở để hình thành truyền thuyết trên thì có thể giải thích được: Chính sử có ghi là sau khi Mã Viện hoàn thành công việc xâm lăng, hắn đã bắt trên 300 cừ súy người Việt đưa về Trung Quốc, an trí tại Linh Lăng. Linh Lăng chính là phần đất phía nam tỉnh Hồ Nam. Số ba trăm cừ súy đó tất phải là các thủ lĩnh nghĩa quân, tướng lĩnh của hai bà và các Lạc hầu Lạc tướng đã kiên cường chống lại giặc Hán.

Những người dân Việt yêu nước này, tuy bị đày ải xa quê hương, nhưng họ vẫn hướng về đất tổ, vẫn nuôi mối hờn căm đối với quân thù; họ đã lập “miếu Bà Trắc” để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình đồng thời cũng là thể hiện ý chí bất khuất của người dân nước Việt.

Những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa và cuộc kháng chiến ngày đó tất cũng được lưu truyền trong cộng đồng ấy, nhưng rồi do trải qua bao đời, bao thế hệ, cùng với quá trình địa phương hoá (tức là bị Trung Hoa hoá) những câu chuyện đó bị “khúc xạ” đã trở thành ra truyền thuyết Bà Trưng đánh Mã Viện trên đất Hồ Nam.

“Miếu Bà Trắc” ở bên bờ hồ Động Đình đúng là một biểu tượng hiên ngang của tinh thần ngoan cường bất khuất của người dân Việt thời Hai Bà Trưng dù bị tách khỏi quê hương vẫn dám phủ định uy quyền của kẻ thù đang ở thế thắng. 

                                                Theo Nguyễn Vinh Phúc: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội,               
                                                                             Nxb. Hà Nội, 1983.


(1)  Triệu Đà không muốn cống quế cho nhà Hán, bịa ra chuyện cây quế bị sâu phá hoại và bắt sâu này đem nộp, thực ra đó là con cà cuống.
(2)  Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, huyện cực nam tỉnh Hồ Nam.
(3) Xin cảm ơn anh Ngô Linh Ngọc và anh Trần Lê Văn đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu về thư Ngô Thì Nhậm.     
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #154 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 12:20:57 am »


PHỤ LỤC 2

GIAO THÔNG VẬN TẢI NƯỚC TA THỜI BẮC THUỘC

Khi xã hội Việt Nam bước sang thời kỳ Bắc thuộc thì bên cạnh nhu cầu về kinh tế, những nhu cầu về hành chính, quân sự của nhà nước phong kiến ngoại tộc đã khiến cho hệ thống giao thông cần được phát triển hơn trước.
 
Trước hết ta xét đến tình hình giao thông giữa miền đất nước ta và miền nội địa Trung Quốc ở giai đoạn đầu của thời kỳ Bắc thuộc. Theo tài liệu hiện nay chúng ta biết, việc thông thương với miền nội địa Trung Quốc đương thời có thể có bốn con đường.
 
Con đường thứ nhất từ Trường Sa (Hồ Nam) qua Ngũ Lĩnh xuống Nam Việt rồi vào Bắc Bộ ở phía đông bắc. Đó là con đường hành quân của Đồ Thư đời Tần và của Lộ Bác Đức đời Tây Hán (1).

Đường thứ hai là con đường sông Tây Giang nối Ba Thục với Phiên Nhung, thủ đô Nam Việt và dọc theo các nhánh tả, hữu giang của sông đó mà vào miền Đông Bắc Bắc Bộ.

Đường thứ ba là đường biển từ miền bờ biển Giang Nam qua vịnh Bắc Bộ mà tới miền đất nước ta.
 
Đường thứ tư là con đường sông Hồng nối liền miền đất nước ta với miền “tây nam Di” của Trung Quốc,’ qua đó tới miền Ba Thục. Mã Viện cho rằng đó là con đường thủy hành binh vận chuyển rất tiện lợi (2).

Đường giao thông giữa Việt Nam với các nước miền Nam Hải thì từ trước và bước đầu thời Bắc thuộc người ta đã thấy có dấu vết của sự lưu thông giữa miền Việt Nam và miền Inđônêxia. Đó là con đường biển chảy dọc theo biển Đông và phương tiện lưu thông là những thuyền đi biển khá lớn mà những hình thuyền khắc trên trống đồng là một minh chứng (3).
   
Đó là những đường giao thông với các miền các nước bên ngoài. Về những đường giao thông trong nội địa ở giai đoạn này, ta chưa thấy có tài liệu nào nói đến một cách cụ thể. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình sông ngòi ở Giao Chỉ cùng phương tiện giao thông bằng thuyền bè còn ghi lại dấu vết trên đồ đồng thì cũng có thể thấy được việc đi lại trên các lưu vực sông lớn ở Giao Chỉ đã được tiến hành khá phổ biến.

Song trừ phương tiện giao thông thủy thuận tiện nói trên, việc đi lại ở các miền xa lưu vực các sông lớn thuộc Giao Chỉ Bắc Bộ và giữa hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân có lẽ chưa được thuận tiện. Mãi sau này Mã Viện từ Phiên Nhung vào đánh Giao Chỉ vẫn phải phát núi mở đường hành quân và khi từ Giao Chỉ tiến vào Cửu Chân, Mã Viện còn phải đào sông ở miền Tạc Khẩu (Ninh Bình) (4).

Nhìn chung lại, đường giao thông trong và ngoài nội địa tuy đã có song chưa phát triển. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho bọn thống trị nhà Triệu và Tây Hán khi đặt nền đô hộ trên đất nước ta chưa thể nắm được thật chặt hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân.

Sang giai đoạn thứ hai từ Đông Hán đến Lục triều, các đường giao thông thủy bộ phát triển hơn trước. Muốn nắm chắc được Giao châu, chính quyền đô hộ buộc phải thắt chặt sợi dây liên hệ giữa chính quốc với phiên thuộc. Đường trạm dịch được tổ chức chu đáo hơn để đảm bảo việc chuyên chở sắc thư, chiếu sớ của chính quyền trung ương sang Giao châu và để đem đồ cống tiến, của cải bóc lột vơ vét được ở Giao châu về Trung Quốc.

Trong việc giao thông với miền nội địa Trung Quốc lúc này, đường biển đóng vai trò chủ yếu. Đồng thời đường biển cũng còn là đường giao thông chính giữa các quận của Giao châu với các nước miền nam. Đó là con đường giao thông hàng hải quốc tế, và cũng là con đường mà những sĩ phu Trung Quốc vượt biển lưu vong sang Giao Chỉ.


(1). Hoài Nam tử, Nhân gian huấn. Sử ký, q.V, q.CXII, q.CXIII, Tiền Hán thư, q.XCV
(2). Thuỷ kinh chú, q.37.
(3). Xem Hoàng Lương và Trần Hà: Thử bàn về quan hệ trao đổi trong xã hội nguyên thủy Việt Nam, Tập san Nghiên cứu lịch sử, số 31 - 82, tháng 10-1961.
(4). Hậu Hán thư, q.LIV, Mã Viện truyện - Nam Việt chí.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 12:23:19 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #155 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 07:59:32 am »


Trong việc giao thông với miền nội địa Trung Quốc lúc này, đường biển đóng vai trò chủ yếu. Đồng thời đường biển cũng còn là đường giao thông chính giữa các quận của Giao châu với các nước miền nam. Đó là con đường giao thông hàng hải quốc tế, và cũng là con đường mà những sĩ phu Trung Quốc vượt biển lưu vong sang Giao Chỉ.

Bên cạnh đường biển, đường bộ từ Giao Chỉ sang miền nội địa Trung Quốc cũng được mở mang thêm. “Trước kia bảy quận Giao Chỉ đem đồ cống tiến, chuyển vận đều đi theo đường Đông Đã (Phúc Kiến) vượt biển mà đi, sóng gió rất là gian nan, nạn chìm đắm xảy ra luôn luôn. Trịnh Hoằng tâu xin mở đường núi ở quận Linh Lăng, quận Quế Dương (Hồ Nam). Từ bấy giờ đường đi được bình thản, đến nay đời Lưu Tống – (TG) đã thành con đường thường đi” (1).

Trạm dịch đường bộ được tổ chức cứ 10 dặm có một trạm, 5 dặm có một quán đón (2). Đó là con đường bộ mới được khai phá dọc thung lũng sông Thương, qua Bằng Tường, Quảng Tây, Hồ Nam, nhằm mục đích làm cho việc chuyển cống phẩm bóc lột ở Giao Chỉ về Trung Quốc được dễ dàng. Đó cũng là con đường trạm dùng ngựa để chuyển đạt thư từ, chiếu lệnh từ triều đình trung ương đến Giao châu. Đồng thời nó cũng còn có tác dụng trong việc thông thương hàng hoá từ Trung Quốc sang Giao Chỉ.

Ở phía thung lũng sông Hồng, đoạn sông từ Mê Linh lên Bôn Cổ (tức là huyện Kiến Thuỵ tỉnh Vân Nam nay -TG) vẫn được coi là con đường thủy đi lại thuận tiện. Đó là con đường “binh xa vận tải”; Mã Viện đã định hành binh theo đường ấy lên ích châu vì “nhờ thủy lợi mà có thể được nhanh chóng như thần” (3). Con đường này nối liền Giao Chỉ với Vân Nam, Tứ Xuyên. Sĩ  Nhiếp làm thái thú Giao Chỉ vẫn thường liên hệ với hào trưởng Ung Khải ở ích châu. Hứa Tĩnh từ Trung Nguyên sang tị nạn ở Giao Chỉ, sau lại từ Giao Chỉ sang ích châu làm quan với nhà Thục (4).

Trong sớ của Đào Hoàng tâu với vua Tấn có đoạn nói rằng : “Miền Hưng Cổ thuộc Ninh châu (Vân Nam - TG) ở mạn thượng lưu Giao Chỉ 1.600 dặm, đường thủy đường bộ đều thông, bảo vệ lẫn nhau” (5). Như vậy là con đường từ thung lũng sông Hồng sang Vân Nam lên Tứ Xuyên là con đường quan trọng có ý nghĩa kinh tế chính trị và quân sự to lớn.

Không những phương tiện giao thông với nước ngoài được mở rộng hơn trước mà ở trong nội địa, hệ thống giao thông cũng được mở mang phát triển thêm lên. Từ miền đồng bằng quận Giao Chỉ đi lên miền bắc có đường bộ dọc thung lũng sông Thương tới biên giới phía bắc và đường thủy dọc sông Hồng lên miền núi phía tây bắc.
 
Đi xuống miền nam có đường sông Hồng xuôi ra biển về phía đông nam và đường sông Đáy ra cửa biển mạn Thần Phù. Việc thông thương giữa Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, ngoài đường biển, lúc này đường sông và đường bộ cũng đã được mở mang.

Khi Mã Viện đem quân tiến vào Cửu Chân, theo Nam Việt chí, Viện đã “đào (một con sông) thông qua dải núi Cửu Chân, lại chất đá đắp thành đê để ngăn sông biển” (6) làm đường hành quân. Chỗ núi Mã Viện đào gọi là Tạc Sơn, cửa biển mà Mã Viện ngăn sông gọi là Tạc Khẩu. Tạc Khẩu chính là cửa biển Thần Phù.


(1) Hậu Hán thư, q.33, t.20b, 21a.
(2).  Hậu Hán thư, q.4.
(3).  Thuỷ kinh chú q.37.
(4).  Ngụy chí, q.4, t.3b.
(5) Tấn thư, q.LVII, t.6a.
(6). Nam Việt chí dẫn ở Sơ học ký, q.8 - 40b.(6). Ca dao của ta có câu:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #156 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 10:56:41 pm »


Đi từ sông Đáy đến cửa Thần Phù (Yên Mô - Ninh Bình) hay gặp sóng to gió lớn. viện muốn tránh gió bão, bèn sai đào sông thông qua dải núi đá vôi Ninh Bình - Nga Sơn (Thanh Hoá) để từ đó đi sâu vào miền Cửu Chân (1). Con đường này trở thành mạch máu giao thông chính nối liền Giao Chỉ với Cửu Chân và Nhật Nam.
 
Đối với bọn thống trị Trung Hoa, nó là phương tiện để siết chặt ách áp bức bóc lột nhân dân ta. Còn đối với nhân dân ta nó sẽ góp phần trong việc phát triển kinh tế.
 
Về phương tiện vận tải bộ ở giai đoạn này người ta thuần phục nhiều voi để tải đồ, để cưỡi và để dùng trong chiến trận.  Đương thời người ta cũng nuôi nhiều ngựa. Ngựa dùng để cưỡi và để chạy trạm, có thể cũng còn để thồ hàng. Phương tiện đi lại bằng xe cũng đã xuất hiện, tất nhiên là chỉ hạn chế trong phạm vi tầng lớp thống trị ngoại tộc hay tầng lớp quy tộc bản xứ.

Từ thời kỳ tồn tại của nước Nam Việt, ta đã thấy Triệu Đà “ngự xe mui vàng bên trái có cắm cờ” (Sử ký, y Đà liệt truyện). Đời Hán, Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân “đi xe một mình vào trong đám giặc” (Hậu Hán thư, Nam man truyện).

Sang thời Tam quốc, ta thấy thư tịch xưa chép: Sĩ Nhiếp khi đi đâu thì “Xe ngựa đầy đường thê thiếp ngồi xe căng màn, con em cưỡi ngựa...” (Tam quốc chí, Sĩ  Nhiếp truyện). Tướng tá của nhà Ngô như Đào Hoàng thứ sử Giao châu) có loại xe thiều (Tấn thư, Đào Hoàng truyện).
 
Như vậy xe và ngựa là hai phương tiện đi lại chủ yếu của tầng lớp thống trị, còn đại da số nhân dân thì phương tiện chủ yếu hẳn vẫn là đôi chân Xe cũng còn được dùng trong việc vận chuyển sản vật, hàng hoá..., như khi Mã Viện đi đàn áp Giao Chỉ trở về đã chở theo một xe ý dĩ (Hậu Hán thư, Mã Viện truyện).

Về mặt vận tải thủy, ta thấy bấy giờ kỹ thuật hàng hải ở miền biển Nam Hải và Ấn Độ Dương đã rất tiến bộ. Đại để bấy giờ có các thuyền buôn của Trung Quốc, ấn Độ, Ba Tư, Phù Nam, Lâm ấp và các nước Nam Hải khác. Sách Nam châu di vật chí của Vạn Chấn (thế kỷ III) chép về các thuyền đó như sau:

Người ngoại vực gói “”thuyền” là “bạc” thuyền lớn dài hơn 20 trượng, cao hơn mặt nước 2, 3 trượng, trông như nhà gác, chở được 6, 7 trăm người, hàng vạn hộc sản vật” (2), “người ở ngoài cõi tuỳ theo thuyền to nhỏ mà làm buồm, căng ở phía trước, phía sau. Có thứ cây lô đầu lá to như cửa sổ, dài hơn một trượng, đem dệt làm buồm. Bốn buồm không phải đều, căng thẳng hàng về phía trước cả mà đặt xiên nghiêng tụ hợp với nhau để cho gió thổi vào; khi gió thổi vào phía sau hất mạnh vào buồm, thì các buồm đều được sức gió; nếu thuyền cần chạy gấp đôi thì tùy tiện mà tăng giảm số buồm, kéo lệch đi để lấy sức gió không sợ nguy hiểm. Vì vậy khi đi không phải tránh lúc gió to sóng cả, do đó có thể đi nhanh được” (3). 

Ngoài thuyền buồm khi đi biển, người ta còn dùng loại thuyền độc mộc. Ngô thời ngoại quốc truyện chép: “nước Phù Nam chặt cây làm thuyền, dài chừng 12 tầm, rộng 6 thước đầu đuôi giống như hình con cá, lấy sắt đóng nẹp vào thuyền. Thuyền lớn có thể chở 100 người, mỗi người chèo thuyền có mái chèo dài, mái chèo ngắn và sào. Từ đầu thuyền đến cuối thuyền có chừng 50 người hoặc hơn 40 người tùy theo thuyền to nhỏ, khi đứng thì dùng chèo dài, khi ngồi thì dùng chèo ngắn, nước nông thì dùng sào. Người ta chèo rất đều nhau, tiếng những mái chèo khua nước hoà thành một tiếng (4).


(1). Từ dải núi đá vôi Ninh Bình - Nga Sơn, Mã Viện vào Cửu Chân, qua huyện Vô Công trước hết. Thủy kinh chú chép rằng con sông phía bắc đối với huyện Chu Diên “chảy về đông qua huyện Phố Đương (sửa là Tư Phố - TG), qua phía bắc huyện Vô Công”. Con sông ấy là sông Đáy, mà Chu Diên là miền Hà Nam, Hưng Yên ngày nay.  Vậy Vô Công phải ở hạ lưu sông Đáy, tức là miền Ninh Bình bây giờ (đất Ninh Bình cho đến đời Nguyễn vẫn là đất Thanh Hoá ngoại, tức là đất Cửu Chân xưa) lấy được Vô Công (Ninh Bình ngày nay) , Mã Viện đào sông thông qua núi, tức là đào con sông Chính Đại nối với sông Tống Sơn (Nga Sơn) mà vào Dư Phát (Nga Sơn ngày nay). Đánh được Dư Phát, Mã Viện tất qua sông Mã, dọc tới ngã ba Đầu (làng Ràng Thiệu Dương, ngày nay) mà đến huyện Cư Phong đời Hán. Đó là nơi tụ cơ đông đúc nhất của đất Cửu Chân. Từ đó Mã Viện điều binh vào huyện Vô Biên (miền Tĩnh Gia, Thanh Hoá).
(2). Dẫn ở Thái Bình ngự lãm, q.DCCLXIX.
(3). Dẫn ở Thái Bình ngự lãm, q.DCCLXXI.
(4). Dẫn ở Thái Bình ngự lãm, q.DCCLXIX.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #157 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:02:52 pm »


Nam Tề thư cũng viết: Phù Nam có “thuyền dài 8,8 trượng, rộng 6, 7 thước, đầu đuôi như cá” (1). Loại thuyền này về mặt cấu tạo, trang sức, đại thể cũng tương tự như loại thuyền hiện tại người Khơme vẫn dùng đi lại trên sông Cửu Long.  Lâm ấp cũng có những thuyền đi biển lớn, gọi là lâu thuyền. Năm 431 Phạm Dương Mai “sai đem hơn 100 lâu thuyền đến cướp Cửu Đức, vào cửa Tứ Hội” (2).

Miền Giao châu bấy giờ cũng có nhiều thuyền biển. Khi đi đánh Lâm ấp hay các nước miền nam, bọn quan lại Trung Quốc ở Giao châu đều dùng thuyền chở quân theo đường biển (3). 
 
Như trên ta thấy, ở hai giai đoạn một và hai của thời bắc thuộc, đường giao thông thủy bộ đảm bảo việc giao lưu giữa miền đất nước ta và miền nội địa Trung Quốc đã tương đối phát triển.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh và đặc biệt trải qua nhiều cuộc nổi dậy của “người Di Lão” ở miền núi Giao chỉ, hệ thống giao thông giữa các địa phương ở miền đất nước ta cũng như giữa An Nam và miền nội địa Trung Quốc bị gián đoạn.

Đến giai đoạn thuộc Đường, các đường giao thông thủy bộ chính giữa An Nam và miền nội địa Trung Quốc được khai thác trở lại, khiến cho việc đi lại thêm dễ dàng.  Đường biển nối liền Quảng châu với Giao châu và các nước miền Nam Hải trước đó vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, đến năm 867 Cao Biền lại đào ghềnh Bắc Thúc phá đá ngầm để thuyền bè đi lại thuận tiện hơn.

Đường dọc theo lưu vực sông Hồng sang Vân Nam lên Tứ Xuyên từ trước đã là đường giao thông quan trọng có ý nghĩa kinh tế, chính trị và quân sự to lớn. Đến đời Đường con đường đó lại được khai thác trở lại.
Năm 638, đô đốc Giao châu là Lý Đạo Ngạn đàn áp người Lão ở phía bắc Quý châu (4) cốt là để duy trì con đường giao thông giữa An Nam - Quảng Tây - Vân Nam với kinh đô Trường An và duy trì sự lưu thông giữa miền tây nam Trung Hoa với Miến Điện và Ấn Độ (5).
Đời Tuỳ, Lưu Phương đã từng hành quân theo đường này sang đánh Lý Phật Tử. Đến giữa thế kỷ IX quân Nam Chiếu cũng lại theo đường này xuống đánh cướp miền đất nước ta.

Về phía đông bắc Bắc Bộ, con đường dọc theo thung cũng sông Thương trước kia do Trịnh Hoằng tâu xin khai phá để nối liền Giao châu với Linh Lăng (Hồ Nam) đến đây càng được tăng cường khai thác, sử dụng. Đó là đường giao thông với miền bắc. Còn đường giao thông với miền nam, lúc này ngoài đường biển là giao thông thuận tiện nhanh chóng nhất, sử sách còn nói đến đường giao thông trên đất liền từ Hoan châu (châu trị là Cửu Đức - Đức Thọ - Hà Tĩnh) qua Lục Chân Lạp (bấy giờ giáp giới với Hoan châu) sang tới Mã Lai (La Việt - Johore).

(1). Nam Tề thư, q. LVIII Phù Nam truyện.
(2). (3). Tống thư, q.XCVII, t. 1a; Tân Thư q.XCVII.
(4).  Văn hiên thông khảo, q.CCCXXVIII - Lão.  
(5).  Con đường ấy được Giả Đam mô tả như sau : “Từ An Nam (phủ thành Tống Bình - Hà NộD đi qua Giao Chỉ (Từ Liêm - Hà Nội) Thái Bình (Vĩnh Phúc) hơn 100 dặm thì đến Phong châu (Bạch Hạc - Việt Trì). Lại đi qua Nam Đền 130 dặm đến huyện Âu Lâu rồi đi đường thủy 40 dặm đến châu Trung Thành. Lại đi 200 dặm đến châu Đa Lợi.  Lại đi 300 dặm đến châu Chu Quý. Lại đi 400 dặm đến châu Đan Thường. Đó đều là đất đai Sinh Lão (Lão không thần phục) lại đi 450 dặm đến bến Cổ Dũng (Man Hảo), đường thủy cách An Nam 1.550 dặm. Lại đi 180 dặm qua núi Phù Đông, núi Thiên Tỉnh. Trên núi đường hẹp, đều là đất sụt lở, khó bước chân được. Đi 30 dặm sau hai ngày đến châu Thang Truyền (gần Mông Tự), lại đi O dặm đến châu Lộc Sách, lại đi 15 dặm đến châu Long Vũ (Lâm An). Đó đều là đất đai dân Nam Thoán trong cõi An Nam. Lại đi 83 dặm đến Thảng Trì đồn, lại qua thành Bát Bình 80 dặm thì đến sông Đông Thạo. Lại qua Nam Đình 160 dặm thì đến đất Khúc Giang của Kiếm Nam (đạo Kiếm Nam bao gồm Tứ Xuyên, phần bắc và đông Vân Nam). Lại đi qua trấn Thông Hải (Thông Hải nay thuộc Vân Nam) 160 dặm, qua Hải Hà, Lợi Thuỷ, đến huyện Giang, lại đi 800 dặm đến trạm Tấn Ninh (gần Tấn Ninh ngày nay) sau 800 dặm đến thành An Ninh (tây nam Côn Minh)” (Trinh nguyên thập đạo lục dẫn ở Tân Đường thư q.XLIII, hạ, 17b. - Cũng xem Pelliot. Deuxitnéraires de chine en In de à la fin du VIII đường đó sẽ đến miền sông Iaraoát I (Irrawa ddI) của đất Miến Điện rồi đến miền sông Hằng của Ấn Độ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #158 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:07:48 pm »

Tân Đường thư chép: “Từ Hoan châu đi về phía tây ba ngày vượt qua núi Vụ Ôn (Hương Sơn - Hà Tĩnh) lại đi hai ngày đến Nhật Lạc thuộc Đường châu; qua sông La Luận và núi Thạch Mật của Cổ Lãng động, đi ba ngày đến huyện Văn Dương, châu Đường, lại qua lạch Li Li, đi bốn ngày đến huyện Toán Đái nước Văn Đan, lại đi một ngày đến nội thành, còn gọi là Lục Chân Lạp” (1). Dọc theo bờ biển có đường bộ từ Hoan châu đi đến nước Hoàn Vương (Chiêm Thành) (2). Những con đường giao thông chính kể trên, một mặt nhằm siết chặt hơn nữa nền đô hộ nhà Đường trên đất đai An Nam, một mặt đã nối liền Trung Quốc với các nước Nam Hải và ấn Độ, phục vụ sự phát triển của nền thương mại quốc tế của đế chế Đường.
 
Song song với sự phát triển giao thông với nước ngoài ở giai đoạn này, người ta đã thấy trên khắp các châu huyện thuộc miền đất nước ta, đường chính cũng như phụ, thủy cũng như bộ đã được khai thác triệt để, khiến đã hình thành nên một mạng lưới giao thông giữa trung tâm hành chính và kinh tế An Nam (trị sở An Nam đô hộ phủ là Tống Bình tức miền Hà Nội ngày nay) với các châu trực trị cũng như các châu kimi, giữa trị sở của châu này với châu khác, và giữa trị sở của châu xuống các huyện trực thuộc.

Tất nhiên quá trình hình thành cả một hệ thống đường giao thông không thể diễn ra một sớm một chiều, và cũng không phải hoàn toàn đến đây mới bắt đầu có. Chính ra là nó đã được xây dựng dần dần từ đời này qua đời khác, từ ít đến nhiều, liên tục trong các giai đoạn lịch sử trước kia và đến lúc này nó đã tương đối được hoàn chỉnh.

Để có một ý niệm cụ thể về mạng lưới giao thông trong nước, chúng Tôi xin hệ thống lại trong những bảng kê khái quát dưới đây, về tình hình giao thông ở An Nam theo sách Nguyên hoà quận huyện chí do Lý Cát Phủ đời Đường biên soạn  (3).
 
Bảng kê dưới đây phản ánh khái quát tình hình đường giao thông từ trung tâm của An Nam đô hộ phủ đến các châu và giữa các châu với nhau. Các bảng kê tiếp sau phản ánh khái quát về tình hình đường giao thông ở một số châu chính.

Bảng 6: Đường giao thông từ các châu đến An Nam đô hộ phủ


 Đứng về phương diện địa lý lịch sử mà xét thì sách Nguyên hoà quận huyện chí có một số sai lầm trong việc định phương hướng các huyện. Nhưng việc xác định vị trí các huyện đời Đường không phải là trọng tâm nghiên cứu ở đây, nên tạm thời chúng tôi không xét đến.

Bảng 7: Đường giao thông ở miền Bắc Bộ ngày nay



(1). (2).  Tân Đường thư, q.XLIII, hạ.
(3).  Sách Thái Bình hoàn vũ ký cũng có ghi chép kỹ về tình hình các đường giao thông ở An Nam như sách Nguyên hoà quận huyện chí. Chúng Tôi có đối chiếu hai sách đó thì thấy trong cái đại đồng vẫn có cái tiểu dị, và xét thấy sách Nguyên hoà quận huyện chí ít có những sai sót bất hợp lý như sách Thái Bình hoàn vũ ký nên chúng tôi căn cứ vào sách Nguyên hoà quận huyện chí với mục đích để bạn đọc có một ý niệm chung về mạng lưới giao thông thời bấy giờ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #159 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2009, 11:13:05 pm »

Bảng 8: Đường giao thông ở Ái châu (Thanh Hoá ngày nay)


« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2009, 11:15:35 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM