Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:20:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106555 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #110 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 10:59:55 am »

Tháng 10-938, Ngô Quyền tiến quân ra bao vây thành Đại La (1). Khí thế quân đội của Ngô Quyền quá rầm rộ khiến Kiều Công Tiễn hết sức khiếp sợ và không thể chống đỡ nổi.
 
Trước khi quân Nam Hán tiến vào, Kiều Công Tiễn đã bị bêu đầu ở ngoài cửa thành. Mối họa nội phản đã được trừ khử. Thành công này đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vừa làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của địch, vừa tạo ra thế chủ động cho công cuộc chuẩn bị kháng chiến.

3.  Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (938). Sự nghiệp giành lại quyền tự chủ toàn thắng.

Bấy giờ, Hoàng Thạo đã được lệnh chỉ huy đạo thủy quân  tiến vào sông Bạch Đằng. Trước tình hình đó, tại thành Đại La, Ngô Quyền họp các tướng, bàn rằng: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vát nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không cho chết nào ra thoát” (2).

Nhận định của Ngô Quyền chứng tỏ ông là một người tướng giỏi, biết mình biết người. Nhờ nhiều nguồn tin và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của bản thân, Ngô Quyền đã nắm vững và phán đoán đúng tình hình địch. ông biết rất rõ nhược điểm của Hoàng Thạo là tuổi trẻ tuy hung hăng nhưng còn có những hạn chế về kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu.

Dưới mắt ông, “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại” mà thôi.  Quân đích từ xa đến, còn mệt mỏi, lại mất kẻ nội ứng, tinh thần yếu kém; trong khi đó khí thế quân ta đương mạnh, lại làm chủ địa hình và biết đánh. Đó chính là những điều kiện dẫn tới sự tất thắng của quân ta, sự bại vong không thể tránh khỏi của địch.
 
Tuy vậy, ở đây Ngô Quyền cũng chỉ rõ lợi thế của địch là việc chúng có thuyền chiến mạnh, nếu ta không phòng bị chu đáo thì kết cục thắng hay bại của cuộc kháng chiến chưa thể lường trước được. Chính vì vậy, mọi người ai cũng khâm phục kế sách của Ngô Quyền. 

Nam Hán không phải là một triều đại lớn ở Trung Quốc. Quân đội Nam Hán tuy đã từng trải trong chiến tranh, nhưng cũng từng nếm mùi thất bại trong lần xâm lược năm 93 1, nay chúng lại tổ chức một cuộc tiến công trong điều kiện tự nhiên đầy khó khăn. Chúng phải vượt qua một chặng “đường biển hiểm trở xa xôi” để tiến vào sông Bạch Đằng và trong điều kiện thời tiết mùa đông giá rét “mưa dầm đã suốt mấy tuần”. Chính vì vậy, như Ngô Quyền khẳng định t’quân lính tất mỏi mệt”. Trong khi đó Ngô Quyền còn cho người bắn tin để Lưu Cung và Hoàng Thạo biết là Kiều Công Tiễn đã bị giết không còn hy vọng ở nguồn nội ứng, để chúng càng thêm hoang mang.

Tất nhiên, rút kinh nghiệm lần trước và để giành thắng lợi trong lần này, quân Nam Hán đã phát huy thế mạnh, sử dụng những thuyền chiến vừa to vừa chắc, có trang bị đầy đủ và có khả năng chiến đấu trên sông biển.

Từ hàng ngàn năm nay, Quảng châu là một trung tâm mậu dịch đối ngoại lớn, có nhiều thuyền buôn trên biển. Nhà Nam Hán có thủy quân mạnh và quân đội của họ đã có kinh nghiệm trận mạc. Lực lượng chiến đấu của thủy quân hầu hết là những người đã từng làm nghề đánh cá, làm muối, những thủy thủ và bọn cướp biển - những người lính đã được huấn luyện chu đáo vì mục đích chinh phục và ăn cướp.

Vũ khí trang bị ngoài câu liêm, móc treo, gươm giáo và áo giáp, còn có nhiều cung nỏ.  Nỏ có nhiều loại, trong đó với nỏ nặng có hiệu suất chiến đấu cao. Quân Nam Hán rất giỏi sử dụng nỏ. Năm 928, một đội quân cung nỏ do Tô Chương chỉ huy đã tiêu diệt đoàn thủy quân Sở ở Hạ Giang. Chính vì thế, sử Trung Quốc đã gọi họ là đội quân “thần nỏ”. Những điều đó, Ngô Quyền đều biết và ông đã đánh giá cao những lợi thế về thuyền, về khả năng thủy chiến của giặc, cho đó là vấn đề phải phòng bị trước.


(1). Về sự kiện này các sách chép thời gian không thống nhất.  Việt sử lược chép “mùa đông tháng chạp”; Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “mùa đông tháng 12”; Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “tháng 9 mùa thu". Sử xưa thường chỉ ghi lái thời gian xảy ra và thời gian kết thúc sự kiện. Chúng Tôi cho rằng sự kiện này xảy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, những tháng đầu mùa đông năm 938; còn tháng chạp là lúc Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng. Việt sử lược chỉ nhắc đến sự kiện này trong bối cảnh chung của trận Bạch Đằng nên chép “mùa đông tháng chạp” là nơi thời gian diễn ra trận Bạch Đằng chứ không phải lúc Ngô Quyền từ Ái châu ra Đại La tiêu diệt Kiều Công Tiễn.
(2). Đại Việt sử ký toàn thu, Sđd, t.1, tr203. Về việc “bịt sắt’ Tân Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) chép: thực thiết quyết = đóng cọc sắt (hiểu là đóng cọc gỗ bịt sắt). Việt sử lược (q.1, t.14b) viết: thực thiết đầu đại dực = đóng cọc lớn đầu bịt sắt. 
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2009, 12:19:34 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #111 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 12:27:32 pm »


Sử sách cũ không cho biết rõ lực lượng của địch, của ta trong cuộc chiến tranh là bao nhiêu. Tuy nhiên, qua lời bình của nhà sử học Lê Văn Hưu về cuộc kháng chiến chống Nam Hán mà sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại rằng: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân Lưu Hoằng Tháo” (1), chúng ta có thể biết được tương quan lực lượng giữa địch và ta rất chênh lệch.

Về quân đội của Ngô Quyền, chúng ta chỉ biết rằng số đó bao gồm quân riêng của Ngô Quyền trấn giữ Ái châu trước đây, những đơn vị trung thành với Dương Đình Nghệ, cùng với quân của các tướng, các hào kiệt địa phương đến tụ hội và các đội dân binh do các làng xã tổ chức. Đó là đội quân ra đời và phát triển trong chiến tranh yêu nước, có thể có số lượng đông đến vài vạn người có tinh thần hăng hái, giàu lòng yêu nước, nhưng phần lớn mới được tổ chức và về mặt vũ khí, chiến thuyền còn hạn chế so với quân Nam Hán.

Trước họa xâm lăng của quân Nam Hán, bên cạnh lực lượng quân đội, khắp nơi đều có những đội dân binh các làng xã theo tiếng gọi cứu nước đã tự tổ chức thành đội ngũ sẵn sàng tham gia và ủng hộ quân đội giết giặc.

Trong quá trình gấp rút chuẩn bị kháng chiến, Ngô Quyền đã đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng thủy quân, cho sửa chữa, đóng mới và huy động nhiều thuyền phục vụ quân đội.
 
Hẳn lúc đó, quân đội của Ngô Quyền đã dùng nhiều loại thuyền, trong đó có thuyền ,’mông đồng” mà sử sách thường nhắc tới. Thuyền “mông đồng mỗi thuyền có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió” (2) là thứ thuyền hẹp và dài, có hai đáy, lớn nhỏ khác nhau, rất tiện sử dụng trong chiến đấu. 

Không có tài liệu nào ghi chép về vũ khí của quân đội Ngô Quyền, nhưng qua lời Tống Cảo tâu lên vua Tống về tình hình vũ khí của quân ta thời Lê Hoàn (nửa thế kỷ sau) và qua nghiên cứu khảo cổ học, chúng ta có thể đoán quân đội của Ngô Quyền được trang bị các loại cung, nỏ, mộc (khiên), lao, gậy tre, kiếm, dao găm, giáo, kích... Ngoài ra, khi chiến đấu trên thuyền, quân sĩ còn sử dụng cả câu liêm, móc treo, lưới cá, v.v…

Xét trên góc độ tiềm lực vật chất, trang bị quân sự thì có thể quân ta còn thua kém quân giặc. Song sức mạnh chiến đấu, sức mạnh của quân đội mỗi bên tham chiến ngoài nhân tố tiềm lực vật chất - kỹ thuật còn được tạo nên bởi các nhân tố khác như chế độ chính trị của đất nước, tinh thần chiến đấu của quân đội, tài thao lược của tướng lĩnh, những điều kiện thiên nhiên thuận lợi, v.v. hoặc theo cách nói của tổ tiên ta thời xưa, đó là các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nếu đem so sánh tương quan sức mạnh giữa địch và ta về các mặt thì quân ta mạnh hơn hẳn quân Nam Hán xâm lược. Chính vì thế, Ngô Quyền đã khẳng định quân địch sẽ bị “dễ bề chế ngự” và “tất phá được”.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch, thấy mặt mạnh của địch và mặt hạn chế của ta, đồng thời lại thấy rõ mặt yếu chí mạng  của địch và mặt mạnh cơ bản của ta mà ở đây, trong cuộc chiến đấu sắp tới, những nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tài thao lược của tướng lĩnh lại là những nhân tố hợp thành nguyên nhân quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi bên tham chiến, Ngô Quyền đi đến xác định mưu lược đánh thắng cuộc tiến công xâm lược của địch bằng kế tổ chức một trận đánh lớn tiêu diệt đạo binh thuyền giặc ngay tại vùng cửa sông Bạch Đằng, nơi chúng tất phải đi qua dể có thể tiến vào nội địa nước ta.

Trong lời bàn với các tướng, Ngô Quyền đã đề xuất kế sánh đánh thủy quân giặc là sai người đem cọc lớn vạt nhọn  đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển và lợi dụng quy luật lên xuống của nước triều để chế ngự thuyền giặc, không cho chúng chạy thoát.

Đó chính là mưu lược phản công với quyết tâm đánh thắng địch ngay khi chúng vừa xâm phạm đến bờ cõi nước ta, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến bằng một trận phản công, kết hợp giữa phục kích và vận động chiến nhằm tiêu diệt gọn đạo quân xâm lược ngay từ cửa ngõ Tổ quốc.


(1) Đại Việt sử ký toàn thu, Sđd, t.1,tr 204.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr 192.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #112 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 12:33:51 pm »

Qua mưu lược chống giặc mà Ngô Quyền đã bàn với các tướng có thể thấy mục đích của trận đánh là nhằm tiêu diệt toàn bộ đạo binh thuyền lớn do Hoàng Thạo chỉ huy khi chúng vượt biển tiến tới vùng cửa sông Bạch Đằng. Đạo binh thuyền lớn của Hoàng Thạo là đạo quân xâm lược đi đầu, đạo quân chủ lực của địch. Còn đạo quân do Lưu Cung trực tiếp chỉ huy đóng ở trấn Hải Môn là đạo tiếp sau, thê đội hai, lực lượng dự bị của địch.

Nếu Hoàng Thạo tiến sang thuận lợi chỉ bị quân ta chặn đánh tiêu hao, vẫn tiếp tục tiến sâu được vào nội địa nước ta, thì đạo quân dự bị của Lưu Cung ắt sẽ tràn sang tăng cường để đè bẹp lực lượng kháng chiến.  Nhưng nếu đạo quân Hoàng Thạo bị ta chặn đánh tiêu diệt gọn một cách nhanh chóng thì đạo quân Lưu Cung sẽ không kịp sang tăng viện, mà chỉ còn cách duy nhất là hạ cờ rút lui để bảo toàn tính mạng.

Bởi vậy, một khi thực hiện được mục đích trận đánh là nhanh chóng tiêu diệt gọn đạo binh thuyền Hoàng Thạo khi chúng vừa tiến vào cửa sông Bạch Đằng làm cho Lưu Cung khiếp sợ, buộc phải rút quân về, thì cũng tức là đạt được mục đích chiến lược của cuộc kháng chiến: tiêu diệt lực lượng quân địch, làm tan rã ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Qua lời Ngô Quyền định kế chống giặc trên có thể thấy rõ một số điểm thuộc cách đánh trong trận quyết chiến này như sau:

Về đối tượng tác chiến: Toàn bộ đoàn binh thuyền lớn của địch do Hoàng Thạo chỉ huy, gồm hàng vạn quân với hàng trăm thuyền chiến cỡ lớn.

Về địa bàn tác chiến: Ngô quyền nhọn một cửa sông mà khả năng quân địch sẽ tiến vào để bố trí trận địa mai phục, đó là cửa sông Bạch Đằng, nơi có địa thế hiểm trở eo thể bố trí một trận thủy chiến.

Về cách đánh: Ngô Quyền chủ trương bố trí trận địa mai phục với những cọc gỗ bịt sắt nhọn đóng ngầm dưới nước để cản phá thuyền giặc, kết hợp giữa vận động tiến công và mai phục, đợi khí nước triều lên sẽ khiêu chiến nhử địch vào trận địa cọc ngầm rối tiến công tiêu diệt phòng khi nước triều xuống.

Về sử dụng lực lượng: Lực lượng chiến đấu sẽ có hai bộ phận: một lực lượng với những chiến thuyền nhỏ và nhẹ, cơ động nhanh, có nhiệm vụ khiêu chiến, nhử địch; bộ phận chủ lực gồm phần lớn quân thủy, bộ bố trí mai phục để tiến công tiêu diệt khi không đã lọt vào trận địa cọc ngầm.  Quân đội chủ lực của Ngô quyền sửa soạn chiến đấu trong sự phối hợp với các đội dân binh của các làng xã và sự tham gia phục vụ chiến đấu của toàn dân.

Theo thần tích, truyền thuyết dân gian và gia phả họ Dương ở làng Ràng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ngoài Ngô Quyền là vị chỉ huy tối cao, tham gia trận quyết chiến này còn có các tướng Ngô Xương Ngập (con em Ngô Quyền), Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ, em vợ Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (hào trưởng Đỗ Động).
 
Sau khi đánh tan bọn phản bội Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền và Bộ tham mưu tiến quân về vùng biển Đông Bắc cùng với nhân dân địa phương chuẩn bị thế trận đón đánh quân Nam Hán.

Vùng sông Bạch Đằng, nơi được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến là một vùng địa lý quan trọng, là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng Đông Bắc Bắc Bộ đổ ra vịnh Hạ Long. Từ cửa biển ngược lên gần 20 km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động sông lạch và thung lũng hiểm trở.
 
Trước cửa sông Bạch Đằng, về phía bắc, là những đảo nhỏ từ vịnh Hạ Long kéo tới. Thuyền từ biển vào sông, len qua vùng quần đảo này khi gặp sóng to gió mạnh vẫn bảo đảm an toàn.  Hai bên bờ sông, nay là đồng ruộng và xóm làng nhưng xưa kia còn nhiều cánh rừng rậm. Dấu ấn của rừng xưa còn như in trên tên sông, tên đất: sông Rừng, bến đò Rừng, xóm Rừng, giếng Rừng... Sông Bạch Đằng (hay sông Rừng) rộng lớn, có sóng bạc đầu; tuy không dài lắm, chỉ khoảng vài chục kilômét, nhưng cảnh sắc thiên nhiên ở đây rất hùng vĩ, nơi có thế “thiên hiểm” như Trương Hán Siêu đã mô tả:

Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu,
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
(Bạch Đằng Giang phú)


Giữa vùng thiên nhiên sông biển đó, trên cơ sở sức mạnh đoàn kết và ý chí độc lập của cả dân tộc, Ngô Quyền khẩn trương xây dựng một thế trận mai phục lợi hại để chủ động phá giặc.

Ngô Quyền huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vạt nhọn, bịt sắt rồi cho đóng xuống lòng sông thành hàng dài, tạo nên một bãi cọc, một bãi chướng ngại dày đặc ở hai bên cửa sông. Khi nước triều lên mênh mông thì cả bãi cọc ngập chìm, khi triều xuống thì hàng cọc nhô lên cản trở thuyền qua lại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thép: “Định kế rồi, (Ngô Quyền) bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển” (1). 

 
(1).    Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr 203.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #113 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 12:43:39 pm »

Trận địa cọc ngầm là một nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên. Khi chuẩn bị trận địa, Ngô Quyền không những lợi dụng địa hình thiên nhiên, mà còn lợi dụng cả chế độ thủy triều.

Đây cũng là một trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, mở đầu cho truyền thống lợi dụng thủy triều trong nhiều trận thủy chiến sau này.

Trận địa cọc có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ thế trận của Ngô Quyền. Nó sẽ giúp quân ta “dễ bề chế ngự” đoàn thuyền địch - như Ngô Quyền đã khẳng định với các tướng sĩ.

Song, trận địa đó sẽ mất hết tác dụng nếu đoàn thuyền giặc không bị đánh bại ở phía trong hàng cọc. Vì vậy, đồng thời với việc xây dựng trận địa cọc ngầm, Ngô Quyền đã tập trung công sức bố trí một thế trận mai phục quy mô lớn phía trong hàng cọc vùng hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng.
 
Các bộ sử cũ không ghi chép cụ thể về vấn đề này, nhưng qua kết quả khảo sát thực địa, nghiên cứu dấu tích thành lũy, di tích và phong tục thời Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, các truyền thuyết dân gian có liên quan và nhất là qua một số thần tích, ngọc phả sưu tầm được ở vùng cửa sông Bạch Đằng, có thể hình dung được phần nào sự bố trí lực lượng của Ngô Quyền.

Dương Tam Kha chỉ huy một cánh quân chủ yếu là thủy binh bố trí bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phục sẵn ở các kênh rạch bên sông, lợi dụng thuận dòng nước triều xuống, bất ngờ chặn đầu, tiến công thẳng vào đoàn thuyền địch, hãm chúng sa vào trận địa cọc ngầm.

Tham gia lực lượng này còn có đội thuyền do Đào Nhuận, người làng Gia Viễn chỉ huy. Một cánh quân khác do Đỗ Cảnh Thạc và Ngô Xương Ngập chỉ huy bố trí và đánh địch từ phía hữu ngạn sông Bạch Đằng. Cánh quân này chiến đấu có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân binh địa phương, những đội dân binh của anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên) và của chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động (Thủy Nguyên).

Lực lượng do Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy gồm cả thủy binh và bộ binh, cả quân chủ lực và dân binh. Họ mai phục trong rừng cây ven sông, rạch, phối hợp với cánh quân bên tả ngạn của Dương Tam Kha, từ hai phía tiến công vào đoàn thuyền chiến của quân Nam Hán. Có thể lúc đó có một đạo thủy quân mạnh phục sẵn làm nhiệm vụ chẹn đầu, chờ khi nước xuống sẽ xuôi dòng đánh vỗ mặt đội hình tiến công của quân giặc.

Theo thần tích Ngô Quyền ở Gia Viên, trước khi quân Nam Hán đến xâm lược, Ngô Quyền đã lập đồn bên sông Gia Viên (tức sông Cấm) để chặn giặc. Đồn Gia Viên là trung tâm, tập trung một lực lượng lớn thủy binh và bộ binh do Ngô Quyền trực tiếp chi huy ở đồn Lương Xâm (An Hải) nay vẫn còn một số câu đối phản ánh điều đó, như:

“Sư xuất vạn toàn, Hán tướng Bắc lai vô phản bái,
Danh lưu thiên cổ, Cấm giang đông hạ cựu hành doanh”.

 
(Quân trảy vẹn toàn, tướng Hán từ phương Bắc kéo sang không còn ngọn cờ quay lại, Tiếng lưu muôn thuở, sông Cấm về phía đông chảy xuống, nối tiếp hành doanh).

Quân thủy bộ, dưới sự thống lĩnh của Ngô Quyền đã bố trí mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, có lẽ trong khoảng hạ lưu và trung lưu sông Bạnh Đằng; giấu quân trong các nhánh sông dưới rừng cây hai bên bờ sông.
 
Trong thế trận của Ngô Quyền, lực lượng mai phục trên sẽ giữ vai trò quyết định” trận địa cọc ngầm ở cửa sông nhằm cản phá, chặn đường tháo chạy của giặc. Sự bố trí kết hợp giữa hệ thống bãi cọc ngầm và quân mai phục chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền nhằm tiêu diệt hoàn toàn đạo quân xâm lược bằng một trận đánh quyết định.
 
Như vậy, chiến trận Bạch Đằng diễn ra trong một cuộc đọ sức quyết định giữa ta và địch. Quân địch quyết tâm xâm chiếm nước ta. Quân ta quyết tâm đánh một trận tiêu diệt triệt để, giành lại quyền độc lập tự chủ.

Về diễn biến và hình thái cuộc chiến tranh, toàn bộ cuộc kháng chiến được thực hiện bằng một trận quyết chiến chiến lược lớn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #114 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 12:56:39 pm »

Cuối tháng 12-938, đoàn binh thuyền Nam Hán do Hoàng Thạo chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển xâm phạm vào lãnh thổ nước ta. Đoàn chiến thuyền thuận chiều gió đông bắc theo đường Đông Kênh qua châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàng (đảo Kế Bào ngày nay) thuộc Ngọc Sơn, len qua các đảo nhỏ tiến vào vịnh Hạ Long. Dọc đường chúng không gặp một sự kháng cự nào. Hoàng Thạo là viên tướng trẻ tuổi hung hăng, rất chủ quan khinh địch, vội vàng thúc quân tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng.

Khi những chiếc thuyền chiến đầu tiên của quân Nam Hán vừa đến vùng cửa biển Bạch Đằng thì đội quân khiêu chiến của ta trên những chiếc thuyền nhẹ bỗng nhiên xuất hiện. Dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Văn Tố, quân ta chiến đấu rất dũng cảm, quyết liệt, vừa cố kìm chân giặc chờ cho nước triều lên cao, vừa để chúng không hoài nghi, giữ bí mật tuyệt đối cho trận địa mai phục. Quân Nam Hán vừa tiến vừa đánh; lợi dụng quân đông khí thế đương hăng và lúc nước triều dâng cao, chúng tăng tốc tiến sâu vào vùng cửa sông Bạch Đằng.

Lúc nước triều đã dâng cao ngập cọc thì đội thuyền chiến của Nguyễn Văn Tố “dường như không còn sức”, họ vừa đánh vừa rút, để nhử địch vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ, theo kế hoạch của Ngô Quyền.

Thấy quân ta ít lại đang tìm cách tháo chạy, Hoàng Thạo ra lệnh đuổi theo tiêu diệt. Càng đuổi, quân Nam Hán càng tiến sâu vào cửa sông và lọt vào trận địa mai phục của quân ta. Sánh Đại Việt sử ký toàn thư chép: “khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào” (1).

Khi đoàn chiến thuyền của Hoàng Thạo vượt qua vùng cửa sông Bạch Đằng thì nước triều bắt đầu xuống; đó cũng là lúc toàn bộ đội hình quân giặc lọt vào trận địa mai phục của ta. Đúng lúc đó, đội quân khiêu chiến của Nguyễn Văn Tố được lệnh đánh quật trở lại và Ngô Quyền đích thân chỉ huy đại quân đổ ra từ ba phía, tiến đánh dữ dội.
 
Trận tiến công bất ngờ, mãnh liệt của thủy quân ta từ thượng lưu đánh xuống chặn đầu, kết hợp với quân thủy bộ mai phục ở hai bên bờ sông đánh tạt ngang vào đội hình quân giặc. Thuyền chiến của ta nhỏ nhẹ, cơ động “nhanh như gió”, lại xuôi theo dòng nước lao thẳng vào đội hình thuyền chiến của giặc khiến cho chúng không kịp chống đỡ, bị rối loạn, lúng túng.

Các cánh quân của Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Nguyễn Văn Tố cùng các lực lượng dân binh nhất tề tiến công quân giặc. Toàn bộ đội binh thuyền của Hoàng Thạo nằm gọn trong vòng vây của quân ta. Chúng bị đánh chặn quyết liệt phía trước, bị liên tiếp tiến công từ hai bên cạnh sườn. Tất cả các lực lượng thủy bộ phối hợp chặt chẽ cùng tiến công tiêu diệt các thuyền chiến của địch.

Quân Nam Hán cố tìm cách chống đỡ, nhưng chúng dường như bất lực trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta. “Hoằng Tháo không kịp chỉnh đốn binh thuyền”, tổ chức chống đỡ yếu ớt và định tìm đường rút chạy ra biển, nhưng không kịp, chúng đã sa vào bãi cọc ngầm của quân ta.

Sử cũ của ta chép rằng: “Hoằng Tháo phải chống cự luôn tay, mà nước triều xuống rất nhanh, thuyền bè đều bị vướng vào trong cọc. Quyền đánh hăng, đại phá được Hoằng Tháo” (2); và khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, “Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa” (3).  Bị cọc chặn, bị quân ta đánh, thuyền địch không sao thoát ra biển được. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh chìm, hầu hết quân giặc bị tiêu diệt. Đạo quân thủy xâm lược của Nam Hán đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Chủ soái của giặc là Lưu Hoàng Thạo bị giết tại trận”.

Chính sử của Trung Quốc thời Tống cũng thừa nhận: “Thuyền chiến mắc phải cọc bịt sắt không trở về được: Quân Hán bị thua to, Hoàng Thạo bị chết đuối” (4). sách Ngũ đã; Sử ký Chép Về Sự k;ện này như sau: ‘thuyền của Hồng Thạo (tức Hoàng Thạo) bị mắc cạn nên mắc vào cọc bịt sắt, vỡ đắm gần hết. Hồng Thạo tử trận” (5).


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr203.
(2). Việt sử lược bản dịch, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr.41.
(3). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.I, tr. 203-204.
(4). Theo cương mục của Chu Hy, dẫn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.II, tr.166.
(5). Ngũ đại sử ký, q.65, thế gia.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #115 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 01:28:50 pm »

Cuộc chiến đấu diễn ra và kết thúc chỉ trong vòng một con nước triều, nghĩa là chỉ trong vòng một ngày; thời gian chiến đấu ác liệt nhất là lúc nước triều xuống mạnh cho đến lúc nước rặc, nghĩa là chỉ nửa ngày.

Toàn bộ đạo quân xâm lược hung hăng ngạo mạn với đoàn thuyền chiến lớn đã bị tiêu diệt ở ngay tại vùng cửa biển Bạch Đằng, nghĩa là tại địa đầu sông nước của đất nước, khi chúng chưa kịp đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ta, chưa kịp gây tội ác đối với nhân dân ta.

Cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ hai này kết thúc thắng lợi nhanh, gọn. Đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược tiêu biểu nhất cho lối đánh thần tốc có hiệu quả cao của dân tộc ta.

Khi Hoàng Thạo đang bị bao vây và bị đánh tan tành ở hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng thì Lưu Cung cùng đạo quân ở Trấn Môn vẫn hoàn toàn không hay biết gì.

Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh chóng, triệt để đến mức vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới mà không sao tiếp ứng kịp cho con. Nghe tin thất bại quá bất ngờ và kinh hoàng, chúa Nam Hán đành thương khóc, hết sức thất vọng, thu nhặt tàn quân quay về nước.
 
Sử chép: “Nghiễm thương khóc thu nhặt tàn quân bỏ về nước” (1), hoặc: “Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về” (2).

Chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy đã phá tan kế hoạch xâm lược của Nam Hán. Từ đó, triều Nam Hán phải vĩnh viễn từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, không dám đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ của ta nữa. Sử Trung Quốc cũng thừa nhận: “Trong thời Lưu Nghiễm (tức Lưu Cung), Quyền giữ Giao châu, Nghiễm sai Hồng Thạo sang đánh, Hồng Thạo tử trận, rồi bỏ không đánh nữa” (3).

Chiến thắng Bạch Đằng chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức dân tộc Việt Nam, sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và khả năng đánh thắng quân thù không chỉ bằng du kích mà cả bằng chính quy, không chỉ ở trên bộ mà cả bằng thủy chiến. Đó là một thí dụ điển hình về mưu trí sáng tạo, về sự tính toán chính xác trong nghệ thuật quân sự của dân tộc ta.

Sức mạnh giữ nước trong trận Bạch Đằng là sức mạnh trỗi dậy của cả dân tộc, của chiến tranh nhân dân yêu nước chống xâm lược trong giờ phút quyết định của cuộc chiến đấu Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, vận mạng của đất nước, của dân tộc trải qua những thử thách cực kỳ hiểm nguy.
 
Trong cuộc đấu tranh trường kỳ vì nền tự chủ đó, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sức mạnh chống ngoại xâm của nhân dân ta ngày càng được củng cố và phát triển.

Trải qua Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan và Khúc Thừa Dụ, ý thức dân tộc Việt Nam từng bước trưởng thành; và chiến công năm 938 phản ánh sức mạnh trỗi dậy của nền văn hoá dân tộc nhằm kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh cho nền độc lập.

Trong trận Bạch Đằng năm 938, bên cạnh chính quyền độc lập và một quân đội còn non trẻ là cả một dân tộc đang đứng lên quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu quyết định để hoàn tất sự nghiệp giải phóng đất nước.

Trong Bộ chỉ huy của Ngô Quyền có nhiều vị tướng tài giỏi thuộc lớp “cự tộc”, “hào trưởng”, những người thuộc tầng lớp trên nhưng yêu nước căm thù giặc, tự nguyện đứng trong hàng ngũ dân tộc chống ngoại xâm.
Bên cạnh quân đội của Ngô Quyền là các đội dân binh địa phương được động viên với tinh thần đấu tranh vì nước vì nhà, mà chính lực lượng vũ trang đông đảo này thực sự đã giữ vai trò rất quan trọng trong chiến tranh.

(1). Ngô Thì Sĩ: Việt sử tiêu án, Văn hoá á châu xuất bản, 1960, tr.79.
(2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr. 204.
(3). Ngũ đại sử ký, q.65.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #116 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 01:31:19 pm »

Chiến thắng Bạch Đằng 938 là kết tinh của sức mạnh yêu nước và đoàn kết của một dân tộc có một kỷ nguyên văn minh và độc lập của buổi đầu dựng nước, trải qua thử thách trong đêm trường mất nước đau thương và tủi hờn, đang vùng lên quyết giành và giữ non sông đất nước và cuộc sống độc lập tự do.

Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVII) cho rằng:

“Thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy danh lẫm liệt để lại ấy.Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến ngàn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi” (1).

Nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy” (2). 

Chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 được ghi vào lịch sử như một võ công chói lọi, đời đời bất diệt, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, có ý nghĩa to lớn, hoàn toàn chấm dứt thời kỳ đô hộ nơn một ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc, mở ra thời kỳ độc lập dân tộc lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước.

Sau vua Tổ dựng nước (Vua Hùng), Ngô Quyền được Lê Quý Đôn và giới sử học mới suy Tôn là Tổ phục hưng dân tộc. 
 
Đầu thế kỷ X, trong một hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi, khi ở Trung Quốc triều đình nhà Đường đang hấp hối và ở nước ta chính quyền đô hộ cũng đã bị lung lay dữ dội; nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Khúc Thừa Dụ đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh gọn, hầu như không đổ máu.

Bấy giờ, mặc dù chỉ xưng là tiết độ sứ - nghĩa là về danh nghĩa vẫn coi mình như một đại diện của chính quyền nhà Đường, nhưng trong thực chất, họ Khúc đã xây dựng một chính quyền tự chủ. Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đến đây đã giành được thắng lợi cơ bản.
 
Khúc Thừa Dụ vừa là người có công thúc đẩy sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng dân tộc, vừa là người đặt nền móng vững chắc cho cuộc đấu tranh tiến tới độc lập hoàn toàn. Từ đây, những tiền đề của một quốc gia độc lập dần dần được xây dựng. Lãnh thổ thống nhất lại. Một nền kinh tế có tính chất tự chủ và hoàn chỉnh dần dần hình thành. Nền văn hóa dân tộc được phục hồi.

Khúc Hạo kế tục ý chí của cha, lên nắm quyền tiết độ sứ trong hoàn cảnh mới và đã quyết tâm đi sâu vào việc cải cách xã hội, xây dựng một nước độc lập thực sự. Những việc làm của Khúc Hạo thể hiện rõ tinh thần tự chủ của nhân dân ta, càng biểu lộ quyết tâm thoát khỏi áeh thống trị của chính quyền ngoại tộc.

Sự xuất hiện nhà Hậu Lương ở Trung Quốc, đặc biệt là sự xuất hiện vương triều Nam Hán ở Quảng châu và những âm mưu của chúng trở lại nắm chính quyền ở nước ta chứng tỏ bọn phong kiến Trung Hoa vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, tham vọng mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.
 
Chiến công của Dương Đình Nghệ (931) và đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (938) đã đưa đất nước ta, nhân dân ta thời đó vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại và phát triển của mình, chứng tỏ sức sống phi thường, kỳ diệu của dân tộc ta.  Chiến thắng đó như một cột mốc lịch sử, thời kỳ đau thương của đất nước đã chấm dứt, một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng rực rỡ của dân tộc Việt Nam.


(1) Ngô Thì Sĩ: Việt Sử tiêu án, Sđd, tr. 80.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr. 204-205.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Giêng, 2009, 12:51:13 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #117 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2009, 10:33:38 pm »


CHƯƠNG V

SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA VĂN HÓA – VĂN MINH
DÂN TỘC. TRUYỀN THỐNG QUÂN SỰ TRONG
THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP TỰ CHỦ.

Kể từ khi kháng chiến chống Triệu bị thất bại cuối đời An Dương Vương (năm 179 TCN) đến chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền lãnh đạo (năm 938), thời Bắc thuộc kéo dài 1.117 năm.
 
Một dân tộc bị đô hộ trên mười một thế kỷ, quả là một thảm hoạ khủng khiếp. Tuy nhiên, đối với lịch sử Việt Nam, trong đêm trường bị đô hộ đó không chỉ có Bắc thuộc mà còn có chống Bắc thuộc, không chỉ có Hán hoá mà còn có chống Hán hoá.

Trong hơn mười một thế kỷ, biết bao cuộc khởi nghĩa dân tộc, chiến tranh giải phóng và chiến tranh tự vệ đã bùng nổ, được tổ chức, lúc thành công lúc thất bại, có khi giành được độc lập và giữ được chính quyền tự chủ trong một thời gian, nhiều khi bị đàn áp, nhấn chìm trong biển máu... Nhưng nhìn chung phong trào dân tộc ngày càng phát triển, từng bước nâng cao ý thức độc lập tự chủ, xây đắp nên những truyền thống đấu tranh, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc ta trong cuộc trường chinh vì độc lập tự do. 

I - SỨC SỐNG CỦA NỀN VĂN HÓA - VĂN MINH DÂN TỘC. ĐỒNG HÓA VÀ CHỐNG ĐỒNG HÓA.
   
Đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, giai đoạn Văn Lang - Âu Lạc là một giai đoạn hết sức trọng yếu, có ý nghĩa lớn lao trên nhiều lĩnh vực; ở đó đã nảy nở văn minh sông Hồng - một nền văn minh lúa nước bản địa với bản sắc riêng. Chính trong thời kỳ đó, nhiều giá trị tinh thần, nhiều yếu tố văn hoá truyền thống mang tính cách dân tộc được tạo lập, đồng thời cũng đã diễn ra quá trình hình thành bản lĩnh văn hoá dân tộc, xây dựng nền tảng văn hoá Việt Nam và truyền thống tinh thần Việt Nam.

Từ khi Âu Lạc bị Triệu Đà và sau đó bị nhà Hán chinh phục, đất nước ta đã dần dần bị lôi cuốn vào quỹ đạo của đế chế Trung Hoa và trở thành một miền “ngoại địa”, ở ngoại vi của đế chế đó, trở thành những châu, những quận cực nam thuộc rniền nhiệt đới ẩm của một đế chế rộng lớn, cường thịnh ở miền Đông á.

Tổ tiên ta đã trải qua một thời kỳ dài “mất nước”. Lúc đó không còn một nước Việt cổ đại, và nếu nói theo Ăng ghen thì bấy giờ dân Việt cổ không còn có “một hành động độc lập trong lịch sử” (1) nữa .

Từ đầu công nguyên trở đi, nền văn minh Đông Sơn - mà sợi dây liên kết là nhà nước Âu Lạc với thiết chế xã hội là thể chế Lạc tướng - đã bị giải thể cấu trúc. Đó là sự đứt gãy của truyền thông - truyền thống Đông Sơn, truyền thống Việt cổ, một sự đứt đoạn trong quá trình phát triển liên tục của lịch sử Việt Nam trước sự tiến công mạnh mẽ của các thế lực bành trướng và đồng hoá.

Lịch sử dân tộc đắm chìm với bao bi kịch, đắng cay của thời kỳ Bắc thuộc. Một cuộc chiến đấu trường kỳ vì sự mất còn của dân tộc đang diễn ra.  Đối tượng đấu tranh trực tiếp của nhân dân ta trong giai đoạn Bắc thuộc là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ở Trung Quốc mà kẻ đại diện là những thế lực bành trướng lớn mạnh nhất phương Đông, tiêu biểu là các đế chế Hán, Đường.
 
Trung Quốc là quốc gia của người Hoa - Hán phát triển sớm, có lịch sử lâu đời và một nền văn minh rực rỡ. Nằm trên ngã tư đường của các luồng thương mại lớn đông - tây, nam - bắc trong đại lục á châu và miền bình nguyên Âu - á, văn minh Trung Quốc ảnh hưởng sâu sắc văn hoá du mục ở phía bắc và tây bắc. Một nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế sớm được xác lập ở Trung Quốc tuy về cơ bản là văn minh nông nghiệp trồng khô: kê - mạch - cao lương nhưng khá nổi bật, trong đó mối quan hệ khắt khe bạo ngược đối lập giữa nhà nước và thần dân. Đó là một nhà nước luôn đề cao tư tưởng Tôn giáo thiên mệnh, một quân vương hoàng đế, tự xưng là “Thiên tử” chịu mệnh trời, “Thế Thiên hành đạo” (thay Trời trị dân).


(1) Ph.ăng ghen: Lút vích Phơbách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1957, tr.79. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #118 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2009, 10:35:43 pm »


Từ cơ sở đó, giai cấp thống trị người Hoa hoặc tầng lớp quý tộc ngoại tộc bị Hoa hoá đã nảy sinh cái tư tưởng tự tôn, dần dần phát triển thành một thứ tư tưởng thâm căn cố đế về sự “ưu tú của Hoa Hạ” rằng cái Nôi của Hoa Hạ là “trung tâm vũ trụ”, kỳ thị Man - Di - Nhung - Địch, tiến tới tự phong cho mình cái “sứ mệnh cao cả” Trời trao cho là “Thiên tử,,, “giáo hoá Di Địch”, “dụng Hạ biến Di” và do đó, những bậc “chính nhân”, “đại nhân”, “quân tử”, ngoài trách nhiệm “tu thân, tề gia, trị quốc” phải có sứ mệnh gánh vác trách nhiệm “bình thiên hạ”. Dựa vào sức mạnh của một nước đất rộng, dân đông, có một nền văn minh cao một quân đội đông, trong bành trướng xâm lược, họ lấy đông hiếp ít, lấy mạnh hiếp yếu, lấy thịt đè người làm nguyên lý chiến tranh, lấy sự kết hợp dùng binh uy gây áp lực, dùng của cải mua chuộc, dùng mánh lới chính trị chia rẽ - “dĩ Di công Di” - làm thủ đoạn chiến lược chinh phục và vừa chinh phục vừa đồng hoá, chinh phục đến đâu đồng hoá đến đó.

Bằng chinh phục để thôn tính các nước, mở rộng đế chế.  Bằng đồng hoá để vĩnh viễn xoá bỏ sự tồn tại của các quốc gia - dân tộc bị chinh phục, thủ tiêu khả năng quật khởi và phục hưng của các nước đó, sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trên cơ sở chinh phục và đồng hoá như vậy, đế chế mở rộng đến đâu thì quá trình Hán hoá được thực hiện và đất nước Trung Quốc cũng lan rộng đến đấy, dẫn đến sự đồng nhất giữa đế chế và quốc gia. Có thể coi đây là một phương thức bành trướng đặc trưng của chủ nghĩa Đại Hán, được thực hiện như một quốc sách từ các đế chế Tần, Hán.
 
Chủ nghĩa bành trướng với thuyết “bình thiên hạ”, với việc phân biệt chủng tộc giữa Hoa - Hạ với Man - Di - Nhung - Địch, và một hệ thống chiến lược, phương thức thủ đoạn bành trướng như trên, đã bước đầu xây dựng trong thời Tây Chu - Xuân thu - Chiến quốc và phát triển dữ dội với các đế chế Tần, Hán, Tuỳ, Đường. Trong nền văn hoá Trung Quốc cần phân biệt rõ hai luồng văn hoá hoàn toàn đối lập nhau: luồng văn hoá chân chính, đẹp đẽ của nhân dân Trung Quốc tiêu biểu cho những thành tựu sáng tạo của nhân dân lao động và những nhà văn hoá tiến bộ ở Trung Quốc; và luồng văn hoá đê chế hiểm độc của giai cấp thông trị, công cụ Nô dịch nhân dân trong nước và xâm lược, đồng hoá các dân tộc bên ngoài. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán là một bộ phận tạo thành, một sản phẩm tổng hợp của văn minh đế chế. Bạo lực bành trướng được kết hợp với những thủ đoạn xảo quyệt về chính trị, tư tưởng, văn hoá… trở thành những phương thức được các đế chế Hán, Đường vận dụng để bành trướng mạnh mẽ ra bốn phương.

Từ miền châu thổ Hoàng Hà, các đạo quân hùng tướng mạnh của các đế chế Tần - Hán - Tuỳ - Đường rầm rập tiến về bốn hướng, đặc biệt về phía nam và đông nam, tiêu diệt nhiều quốc gia và thâu hoá các nền văn hiến phương Nam.
 
Mỗi khi thống nhất được Trung Quốc, ổn định xong tình hình nội bộ là lập tức Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ Đế, Tuỳ Dưỡng Đế, Đường Thái Tông đều thực hiện bành trướng, xâm lược và chinh phục, tạo nên tấn bi kịch cho các dân tộc Đông á. 

Giang Nam từ Tần - Hán đến Tuỳ - Đường, vốn xưa là xứ sở của những cư dân phi Hán tộc, tổ tiên của các dân tộc Tày - Thái, Tạng - Miến, Môn - Khơme, Anhđônêdiêng. . . , gọi những là Man Di, Bách Việt..., đã lần lượt trở thành quận, huyện của đế chế Trung Hoa, nơi “di dân khẩn thực” của quan lại, địa chủ Hán tộc cùng bộ thuộc của chúng.

Các quốc gia cổ vùng này như Ba Thục, Kinh Sở, Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Dạ Lang, Điền (rồi Nam Chiếu, Đại Lý về sau) lần lượt bị thôn tính, bị xoá bỏ, bị Hán hoá. Tuy vẫn còn duy trì phần nào bản sắc địa phương, nhưng rất nhiều dân tộc Việt trong Bách Việt đã bị nô dịch, đồng hoá. Cả một vùng rộng lớn từ Trường Giang đến Tây Giang, sau mấy thế kỷ bị chinh phục và đồng hoá, đã trở thành đất Hán phương Nam! (1). 
 
Chinh phục được vùng lãnh thổ rộng lớn nói trên, các đế chế Trung Hoa có thêm kho người, kho của và tiếp thu thêm những yếu tố văn minh mới để từ đó, lấy làm chỗ dựa tiếp tục tràn mãi xuống phương Nam.
 
Đất nước Văn Lang - Âu Lạc của các vua Hùng, vua Thục, của người Âu Việt, Lạc Việt, lâm vào thảm hoạ diệt vong, đứng trước thử thách của sự mất còn! Các triều đại Trung Quốc từ Hán (206 TCN-220) đến Tuỳ (581 - 618) , Đường (618- 907) đã áp dụng nhiều thủ đoạn đàn áp nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của người Việt và thực hiện nhiều chính sách đồng hoá nhằm sáp nhập đất nước Âu Lạc vào lãnh thổ Trung Quốc.


(1) Xin tham khảo Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lương Ninh: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, t.1, tr. 483-484.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #119 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2009, 10:37:03 pm »


Năm 111 TCN, triều Hán thôn tính cả Chăm pa, mở rộng đế chế đến vùng nam Trung Bộ. Cuộc đấu tranh của các dân tộc trên lãnh thổ nước ta thật lâu dài và gian khổ khôn lường.  Sự tiến triển kinh tế ở Trung Quốc thời Hán, từ Cao Hậu đến Vũ Đế, đã thúc đẩy công cuộc bành trướng của nhà Hán ra khắp bốn phương. Bấy giờ thương mại - chiến tranh - ngoại giao xoắn xuýt vào nhau và tác động lẫn nhau trong quá trình chinh phục của đế chế Hán . Ngoài việc sử dụng quân viễn chinh, nhà Hán còn sử dụng phương thức biếu xén của cải để mua chuộc, chia rẽ các thủ lĩnh địa phương, trong đó có các thủ lĩnh Việt tộc. Người ta ước lượng tổng thu nhập thường niên của đế chế Hán từ giữa thế kỷ I TCN đến năm 150 là khoảng 10 tỉ đồng, trong đó có tới 4 tỉ dành làm quà biếu xén đối ngoại, chủ yếu là vàng và lụa, mỗi năm khoảng từ 10.000 đến 30.000 tấm lụa. Công cuộc bành trướng, chinh phục của nhà Hán sở dĩ thực hiện được, một phần là do sự chia rẽ trong nội bộ Việt tộc. “Âu Lạc tương công, Nam Việt động giao” (Âu Lạc đánh lẫn nhau, Nam Việt rung động) là lời bình của thái sử công Tư Mã Thiên thời Hán.
 
Có ngoại kích của quân chinh phục và bọn bành trướng, có nội công giữa các thủ lĩnh Việt tộc, nhiều vùng lãnh thổ của Bách Việt bị chinh phục và tập nhiễm văn hoá Hoa Hạ.  Rồi dần dần cơ dân bản địa gốc Việt hợp với di dân Hoa Hạ trở thành “Hán nhân”, hoặc ảnh hưởng lối sống Hán tộc.  Tuy nhiên, người Lạc Việt và Âu Việt đã chống trả quyết liệt và lãnh thổ của họ là mảnh đất cuối cùng của “sơn hà Bách Việt” duy trì sức sống mãnh liệt, bảo vệ bản sắc riêng của mình.

Người Việt đã dũng cảm kháng cự, liên tiếp nổi dậy chống lại ách áp bức bóc lột và đồng hoá, kế tiếp đứng lên tiến công quân Hán, giết quan lại Hán. Song trước sức bành trướng khủng khiếp, trước những lực lượng quân sự áp đảo và những thủ đoạn chiến lược tinh vi về chính trị, kinh tế, ngoại giao khi trắng trợn công khai, khi giấu mặt, khi thắt buộc chặt chẽ, khi rộng rãi, buông lỏng. . . thì những cuộc khởi nghĩa đơn lẻ, địa phương manh động, thiếu tổ chức phối hợp, cuối cùng đều bị thất bại.

Một trong những nguyên nhân không thành công đó là do kết cấu xã hội từ xóm làng đến vùng miền của người Việt còn mang tính chất tự trị, làm chậm sự phát triển của kết cấu quốc gia - dân tộc. Nước Văn Lang - Âu Lạc, cũng như một số nước Việt khác bấy giờ chưa thoát khỏi mô hình “liên minh các vùng - bộ lạc” để hình thành vững chắc mô hình “dân tộc”, chế độ chính trị - xã hội chưa hoàn toàn vượt thoát mô hình “chế độ quân chủ bộ lạc” để hình thành vững mạnh mô hình “chế độ quân chủ trung ương tập quyền” với một hệ thống vua quan, tương ứng với một hệ thống các đơn vị hành chính từ cao xuống thấp, có tính chất thống nhất, có uy tín tập hợp lực lượng chống ngoại xâm . . .

Mức độ bóc lột đồng hoá dân ta của bè lũ quan lại Hán ngày càng trở nên khốc liệt. Nhân dân, quý tộc Âu Lạc đều oán hận chính quyền đô hộ và điều tất yếu là dẫn đến một cuộc khởi nghĩa lớn: khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ và thành công. Cuộc khởi nghĩa này là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh, khi âm thầm, Iúc công khai của người Việt cổ. Đấy là một sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt, sự phản ánh ý thức về lồi sống riêng đã khá rõ nét của các Lạc tướng và Lạc dân Âu Lạc. Dẫu rằng sau đó Hai Bà Trưng cùng quân dân Âu Lạc đã không đứng vững được trước sức tiến công mãnh liệt của quân xâm lược Đông Hán (năm 42 - 44), nhưng cuộc chiến đấu do Hai Bà lãnh đạo đã chứng tỏ ý chí quật cường của dân tộc ta, khai mào cho xu thế phát triển của lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân ta.
 
Mã Viện và quân Đông Hán đàn áp rất dã man, hàng vạn nhân dân Âu Lạc bị giết hại, nhiều dòng họ quý tộc Lạc Việt và Âu Việt bị trấn áp triệt để. Mã Viện đã bắt đày sang Linh Lăng (Hồ Nam) hơn 300 thủ lĩnh Việt tộc. Việc bắt đày và giết hại quý tộc người Việt là một hành động thâm độc của người Hán, chúng muốn tiêu diệt hết những người có uy tín và khả năng đoàn kết nhân dân chúng ách áp bức của ngoại bang.
 
Mã Viện thu gom đồng để đúc các cột đồng lớn, chôn làm mốc khẳng định địa giới của nhà Hán và doạ rằng nếu để cột đồng gãy thì sẽ diệt cả Giao Chỉ. Mã Viện còn cướp đi một số lớn trống đồng của người Lạc Việt đúc thành một con ngựa lớn để làm quà biếu, dâng công trạng lên vua Hán. 

Trống đồng là một bảo vật thời kỳ các vua Hùng, một vật thiêng liêng tượng trưng cho uy quyền của các tù trưởng; là biểu trưng của tinh thần cộng đồng được sử dụng trong các lễ hội dân gian của người Việt; là sản phẩm có giá trị cao cả về vật chất và tinh thần, cả về kỹ thuật và nghệ thuật của tổ tiên ta. Phá hoại vật báu đó, quân xâm lược nhằm thủ tiêu uy quyền của tầng lớp quý tộc Việt, đồng thời xoá bỏ những gì là tiêu biểu cho nền văn hoá lâu đời, tinh hoa biểu trưng của cộng đồng Việt tộc.

Việc giết hại các thủ lĩnh và đày hàng trăm quý tộc Việt sang tận Hồ Nam cùng với việc tiêu huỷ trống đồng và thạp đồng là một hành vi hết sức thâm hiểm của quân thù, nằm trong âm mưu đồng hoá của người Hán.  Chế độ Lạc tướng đã tồn tại từ lâu đời ở Âu Lạc đến đây cũng bị lụi tàn. Nền thống trị của nhà Hán từ sau cuộc chinh phục của Mã Viện được tăng cường về mọi mặt và các chính sách bóc lột, nô dịch và các thủ đoạn đồng hoá cũng được thực hiện ráo riết hơn trước. Chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt ở cấp huyện bị bãi bỏ. Chế độ quận huyện của người Hán được tăng cường. Trong tình hình đó, phong trào đấu tranh của nhân dân ta có lắng xuống một thời gian.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM