Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:02:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106545 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #100 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:24:30 am »

Sau khi Độc Cô Tổn, viên tiết độ sứ ngoại tộc cuối cùng rời khỏi đất nước ta, chớp thời cơ triều đình nhà Đường hấp hối, chính quyền đô hộ ở miền đất nước ta như rắn mất đầu.
 
Nhân dân ta lại một lần nữa kiên quyết đứng dậy tự quyết định lấy vận mệnh đất nước. Một người hào trưởng ở đất Hồng châu (Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ, được nhân dân ủng hộ, đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Tống Bình (Hà Nội), xưng là tiết độ sứ, xóa bỏ thực chất của chính quyền đô hộ nhưng khéo léo lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của bọn đô hộ cũ để chuyển sang giành quyền độc lập dân tộc một cách vững chắc.

Các sách Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đều không chép đến tên tuổi Khúc Thừa Dụ. Sách Tân ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) cũng chỉ chép đến tên Khúc Hào và Khúc Thừa Mỹ. Tên Khúc Thừa Dụ được chép trong sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời Tống. Sách ấy chép rằng:

“Năm Thiên Hựu thứ ba 90 mùa xuân, tháng giêng... ngày ất sửu gia phong cho Tĩnh Hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức đồng bình chương sự” và chua thêm rằng: “Khúc Thừa Dụ thừa lúc loạn lạc, chiếm cứ An Nam”. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn cũng chép Thừa Dụ là Khúc tiên chúa, Khúc Hào và Khúc Thừa Mỹ đều là con cháu.
 
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, q.5) viết: “Họ Khúc là một dòng họ lớn lâu đời ở Hồng châu (1). Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy Tôn. Gặp thời loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy” (2).

Để tiến từ Hồng châu ra chiếm phủ thành Tống Bình, nơi đang còn quân đội và quan lại của nhà Đường chiếm giữa tuyệt nhiên không phải là một việc dễ dàng. Tầng lớp thống trị ngoại tộc không thể dễ dàng chấp nhận chuyển giao quyền bính cho một hào trưởng người Việt mà không hề có một sự phản kháng nào. Cho nên, tuy sử cũ không chép nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng, họ Khúc chiếm được phủ thành, giành quyền chính trị trong xứ tất đã phải trải qua một cuộc đấu tranh về mặt quân sự và ngoại giao, cuộc đấu tranh đó dựa trên cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân ta từ lâu nhằm lật đổ chính quyền đô hộ.

Có lẽ khi nhà Đường cử thị lang Độc Cô Tổn sang thay Chu Toàn Dục, Khúc Thừa Dụ đã có thế lực mạnh và nổi dậy ở Hồng châu chống lại chính quyền đô hộ. Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu một dòng họ lớn ở Hồng châu, một hào trưởng có nhiều uy tín và có chí lớn, biết nhân thời thế mà tổ chức quân sĩ, thu phục lòng người rồi khi thời cơ đến đã đứng dậy chống lại bọn quan đô hộ. Nghĩa quân của ông đã chiến đấu mạnh mẽ và liên tiếp giành thắng lợi.

Tiết độ sứ Độc Cô Tổn đành bó tay trước khí thế của nghĩa quân, khiến nhà Đường tức giận, ra lệnh bắt Độc Cô Tổn phải chịu biếm chức rồi bị giết. Nhà Đường buộc phải chấp thuận sự việc đã rồi, công nhận Khúc Thừa Dụ là Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và phải gia phong cho ông tước đồng bình thường sự.
 
Như vậy, Khúc Thừa Dụ đã mở đầu một tập tục khôn khéo trong thế ứng xử đối ngoại với triều đình phong kiến phương Bắc: “độc lập thật sự, thần phục trên danh nghĩa”.
 
Sau khi đã nắm được quyền lực thực tế trên đất đai “An Nam” cũ, Khúc Thừa Dụ vẫn giữ danh nghĩa xin mệnh lệnh nhà Đường và được nhà Đường công nhận tiết độ sứ, đại diện của triều đình tại An Nam.  Khúc Thừa Dụ phong con là Khúc Hạo chức vụ  nh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ thay cha năm quyền tiết độ sứ.

Tuy còn mang danh hiệu một chức quan của nhà Đường, về thực chất, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ, giành lấy chính quyền từ tay bọn phong kiến nước ngoài, Khúc Thừa Dụ đã kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc.
 
Như vậy, từ năm 905, An Nam thực sự thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của nước ngoài, thực sự trở thành một nước tự chủ, dẫu rằng chính quyền của nó còn tổ chức theo hình thức cũ của nhà Đường. 


(1). Hồng châu là tên đất đời Lý - Trần. Đời Lê là hai phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng, sau là đất Bình Giang, Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Dương. Hiện nay ở đó vẫn còn đình thờ họ Khúc (ở Cúc Bồ, Ninh Giang). Theo Lê Quý Đôn, họ Khúc gốc ở Lỗ Xá (Bình Giang, Hải Dương).
(2). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1, tr.218.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #101 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:27:04 am »


Năm 905 đánh dấu sự thắng lợi oanh liệt của nhân dân ta liên tục trong hơn một ngàn năm chống Bắc thuộc và xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, thoát hẳn ách đô hộ lâu dài của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Thành quả to lớn của nhân dân ta bấy giờ không phải là kết quả chỉ của cuộc đấu tranh riêng của một thế hệ đương thời mà là thành quả của hàng chục thế kỷ đấu tranh kiên cường, liên tục và toàn diện của nhân dân Việt Nam.

Lịch sử ghi nhớ công lao của Khúc Thừa Dụ như là một trong những người đặt cơ sở nền độc lập dân tộc. Ông là một nhà chính trị có tài và nhân đức được nhân dân tin yêu mến phục. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép: Thừa Dụ tức là Khúc tiên chúa. Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ đều là con cháu. Ngày 23-7-907 Khúc Thừa Dụ chết. Mặc nhiên Khúc Hạo nối nghiệp cha, cũng xưng là tiết độ sứ. Lúc này nhà Đường đã mất, triều đại đầu tiên trong Ngũ đại thống trị Trung Nguyên là Hậu Lương (907-923) do Chu Toàn Trung làm hoàng đế cũng buộc phải công nhận Khúc Hạo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ (1 - 9- 907).

Miền Quảng châu bấy giờ nằm dưới quyền cát cứ của cha con họ Lưu: Lưu Ân và Lưu An. Lưu Ân sau một thời gian làm chức tiết độ phó sứ giữ quyền “lưu hậu” ở Quảng châu, đến năm 905 được nhà Đường công nhận tiết độ sứ và năm 907 gia phong cho Lưu An làm kiểm hiệu thái úy kiêm thị trung.

Tuy nhà Hậu Lương đã công nhận chức tiết độ sứ của Khúc Hạo năm 907, nhưng năm sau (908) lại cho Lưu Ân kiêm chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Điều đó chứng tỏ chính quyền Trường An vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm chinh phục lại miền đất nước ta.

Muốn giành được độc lập dân tộc, nhân dân ta, trước đây cũng như sau này, phải tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chống bọn xâm lược và bành trướng phương Bắc. Phát huy ý chí tự lập tự cường của cha ông, Khúc Hạo kiên quyết kháng cự lại mệnh lệnh của nhà Hậu Lương, kiên trì giữ vững đất Giao châu, xây dựng nền móng của một quốc gia độc lập tự chủ.

Nối nghiệp cha và nối chí cha, Khúc Hạo đã đảm đương một cách tài giỏi trọng trách củng cố nền tự chủ còn non trẻ của dân tộc Việt Nam.  Tuy vẫn giữ danh hiệu tiết độ sứ giữ quyền “lưu hậu’ của nhà Đường và đóng trị sở ở Đại La, nhưng trong những năm giữ cương vị ấy, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân và chăm lo xây dựng nền độc lập dân tộc.

Sử cũ chép rằng: “Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ, giữ lấy La Thành, tự xưng là tiết độ sứ, thiết đặt các lộ, phủ, châu và xã ở các xứ; đặt ra chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch; lập sổ hộ khẩu, kê rõ tên quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi.  Chính sự cốt khoan hoà giản dị. Nhân dân đều được yên vui.  Khi đó, nhà Lương dùng tiết độ sứ Quảng châu là Lưu Ân kiêm chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và phong tước Nam bình vương. Lưu Ân giữ thành Phiên Nhung. Khúc Hạo giữ Giao châu. Hai bên chực thôn tính lẫn nhau” (1).

Về mặt hành chính. Khúc Hạo chia cả nước thành các lộ phủ, châu, giáp và xã, mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Một số xã gần nhau trước gọi là hương nay đôi là giáp , mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc thu thuế.
 
Theo An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt 150 giáp, cộng với những giáp có trước cả thảy gồm 314 giáp. Chính quyền tự chủ ngay từ khi mới thành lập đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việt tổ chức bộ máy cơ sở cấp giáp và xã, những đơn vị hành chính cấp cơ sở xây dựng trên cơ sở kinh tế - xã hội vốn có của công xã nông thôn và nhằm quản lý công xã đó.
 
So với con số 159 hương đời Đường, thì con số 314 giáp của chính quyền họ Khúc chứng tỏ một bước mở rộng và củng cố đáng kể của chính quyền độc lập vừa mới giành lại được.
 
Về mặt Tô thuế, Khúc Hạo sửa lại chế độ điền Tô, thuế má và lực dịch. ông chủ trương “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi”.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Khúc Hạo tha bỏ lực dịch, quân bình thuế ruộng.  Điều này vừa có ý nghĩa xác lập quyền sở hữu tối cao của nhà nước đối với đất đai cả nước, vừa có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất và đề cao tính ưu việt của một nhà nước tự chủ. Bấy giờ, toàn bộ ruộng đất đều thuộc sở hữu công xã, chưa có sở hữu tư nhân về ruộng đất.
 
Họ Khúc thực hiện chính sách tha bỏ lực dịch, bình quân thuế ruộng là vừa giám nhẹ mức độ bóc lột đối với nhân dân, vừa xoá bỏ mâu thuẫn phi lý do chính quyền đô hộ gây ra. Bằng cách đó, họ Khúc đã khôi phục lại vai trò và truyền thống công xã, thực hiện một phương thức bóc lột phù hợp với kết cấu kinh tế - xã hội thực sự của nhà nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp thoả đáng giữa nhà nước và công xã, tức giữa Nước và Làng, Làng và Nước.


(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1, tr.218.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #102 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:30:14 am »

Những cải cách của họ Khúc bao gồm những nội dung lớn:

• Bỏ lực dịch tức là xoá bỏ chế độ bóc lột nặng nề của chính quyền đô hộ, nhất là thời thuộc Đường.

• Nguồn thu nhập chủ yếu của nhà nước là thuế ruộng đánh đồng đều theo hộ khẩu chứ không phải căn cứ vào diện tích ruộng đất.

• Ở cấp xã, giáp trưởng là những người quản lý hộ khẩu và cũng là người chịu trách nhiệm thu thuế nộp cho cấp trên.  Đối với nhà nước, thuế ruộng tính theo hộ khẩu nhưng đơn vị thu là xã.

Chính sách cải cách nổi tiếng của Khúc Hạo là cơ sở để nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và công xã thời đó.  Chính sách Tô thuế lúc đó chỉ có thể hiểu và giải thích được khi ta hiểu rõ tổ chức hương - giáp - xã trên nền tảng công xã nông thôn.

Lúc bấy giờ công xã nông thôn còn tồn tại phổ biến và giữ vai trò hạ tầng cơ sở bền vững của xã hội.  Những công xã đó có những đặc điểm riêng của Việt Nam, nhưng cũng mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của hình thái á châu mà đặc điểm quan trọng nhất là trong thời kỳ đầu, toàn bộ ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của công xã, chưa có sở hữu tư nhân về ruộng đất.

Đường lồl chính trị chung của Khúc Hạo thừa kế từ người cha Khúc Thừa Dụ được tóm tắt ngắn gọn song rất rõ ràng rằng “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui” (1). KHOAN - GIẢN - AN - LẠC là chiến lược chính trị của thời tự chủ Việt Nam thuở đó.
 
Khoan dung, tức là không thắt buộc, khắt khe quá quắt đối với dân, chống bọn tham quan ô lại, một tệ nạn lớn của thời Bắc thuộc.

Giản di, là không làm phiền hà, nhiễu dân bởi quá nhiều thủ tục hành chính quan liêu. . .

An lạc (yên vui), “an cư lạc nghiệp” là lý tưởng của nếp sống nông dân nơi làng xóm.

Đường lối đó của Khúc Hạo phản ánh quan hệ dân chủ bên trong công xã và quan hệ còn mang ít nhiều chất dân chủ giữa nhà nước với công xã nông thôn.

Tóm lại, đường lối chính trị của Khúc Hạo là một đường lối chính trị thân dân. Nó chứng tỏ bất cứ một phong trào dân tộc chân chính nào cũng phải có một nội dung dân chủ nào đó. Trong khi phải tập hợp mọi lực lượng yêu nước để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chính sách của họ Khúc đã phát huy được nhiều tác dụng lớn.

Từ một mô hình của chính quyền đô hộ, nhằm khắc phục tính phân tán của quyền lực thủ lĩnh địa phương, Khúc Hạo đã có những cố gắng đầu tiên hết sức lớn lao nhằm xây dựng một chính quyền dân tộc thống nhất từ trung ương cho đến cơ sở làng xã.

Vì nhu cầu chống ngoại xâm các hào trưởng địa phương phải phục tùng chính quyền trung ương nhưng vẫn có xu hướng cát cứ và họ Khúc cũng như nhiều triều đại độc lập tiếp theo, vẫn phải dựa vào họ để củng cố chính quyền ở các cơ sở .Xu hướng của lịch sử Việt Nam, mở đầu từ cuộc cải cách của Khúc Hạo, là độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất quốc gia.

Công cuộc xây dựng nền tự chủ, thống nhất của họ Khúc mở ra một thời kỳ phát triển mới của xã hội Việt Nam mà các triều đại sau đó sẽ hoàn thành. Những việc làm của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo thể hiện rõ tinh thần tự chủ của nhân dân ta, cũng biểu lộ quyết tâm lớn thoát khỏi hẳn ách thống trị của chính quyền ngoại tộc.

Công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đến đây đã giành được thắng lợi căn bản. Đánh giá về công lao của họ Khúc, sử thần Lê Tung đầu thế kỷ XVI nhận xét: “Khúc tiên chúa (Thừa Dụ) mấy đời là hào tộc, mạnh sáng trí lược, nhân nhà Đường mất, lòng người yêu mến, suy Tôn làm chúa, dựng đô La Thành, dân yên nước trị, công đức truyền mãi, nhưng hưởng tuổi không dài. Khúc trung chúa (Thừa Hạo) nối cơ nghiệp trước, khoan hòa có phong thái của ông nội, trù hoạch quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi các nước Bắc triều, là bậc chúa hiền của nước Việt” (2).

Bộ mặt chính trị - xã hội nước ta từ thế kỷ X đã đổi mới.  Những công việc của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo có tầm quan trọng đáng kể đối với nhân dân và đất nước ta đương thời. Nó tăng thêm lòng tin của nhân dân ta vào tương lai độc lập và do đó nâng cao quyết tâm bảo vệ đất nước khi có nạn ngoại xâm.

(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1,tr218.  
(2). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1,tr 121.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:32:20 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #103 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 08:51:14 am »


II. CUỘC CHIẾN CHỐNG NAM HÁN LẦN THỨ NHẤT(930 - 931).
DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ KHÔI PHỤC QUYỀN TỰ CHỦ (931 - 937).

1. Nhà Nam Hán và âm mưu xâm lược nước ta.

 Năm 905, nhà Đường công nhận Lưu An là tiết độ sứ và năm 907 gia phong làm kiểm hiệu thái úy kiêm thị trung.  Sau khi nhà Đường sụp đổ (năm 908) nhà Hậu Lương phong cho Lưu Ân làm tiết độ sứ Quảng châu, kiêm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ, tước Nam bình vương với ý định buộc Giao châu phụ thuộc vào chính quyền của Lưu Ân ở Quảng châu. Lưu Ân cát cứ ở Quảng châu, đóng phủ trị ở Phiên Nhung (cảng thị Quảng châu).

Năm 911, Lưu Ân chết em là Lưu Cung lên thay (1). Tháng 9-917, Lưu Cung cát cứ ở Quảng châu, tự xưng là hoàng đế.  Năm 918, Lưu Cung đổi niên hiệu là Hán, tức Nam Hán, một trong mười nước cát cứ thời Ngũ đại - Thập quốc (2).
 
Như vậy, Nam Hán là một tiểu triều đình Trung Quốc cát cứ ở phía nam (Quảng châu). Lưu Cung vốn là tướng của nhà Hậu Lương đã được phong tước Nam Hải vương, đã từng cầm quân dẹp Lưu Xương Lỗ, cướp lại Cao châu, đánh tan Lưu Quang Trù lấy lại Kiến châu và Thiều châu, bắt sống Lưu Sĩ Chính lấy lại Quế châu, đuổi Bàng Cơ Chiến giành lấy Dụng châu, giết Diệp Quảng Lược bao chiếm Ung châu. . .  quân Lưu Cung tiến đến đâu thắng đến đó.

Với việc lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Hán, Lưu Cung có ý thức coi nước Hán của mình (thế kỷ X) là kế tục đế thống nước Hán của Lưu Bang (TCN) thay thế Đại Tần. Từ tư tưởng Đại Hán đó, Lưu Cung chủ trương tiến quân lên phía tây chiếm đất Thục, tiến về đông bắc, ra tận biển, tiến xuống phía nam, xâm lược lại Giao châu, Chiêm Thành và các nước lân cận.

Theo sử cũ ghi chép thì Lưu Cung thường muốn lôi cuốn quân sĩ vào các cuộc chiến tranh chinh phục, y chủ trương tung nhiều của cải để hậu đãi mua chuộc các danh tướng.  Chẳng hạn, trường hợp Triệu Quang Dận là tướng cũ của nhà Đường thường phàn nàn việc phải sang làm tướng cho Nam Hán là việc nhục, bị hạ thấp danh dự. Biết tâm trạng đó, Lưu Cung sai người đem xe ngựa về tận Lạc Dương đón hai con trai của Dận về Quảng châu, cấp nuôi với một chế độ bổng lộc rất hậu. Quang Dận vì thế cảm động đã thề với Lưu Cung rằng: “Xin đem hết sức lập công ở cõi ngoài, để đền đáp ân huệ”.

Đối với vùng Nam Hải, Lưu Cung từng trấn trị lâu ngày, khi lên ngôi y càng tìm cách vơ vét nhiều hơn ngọc trai, châu báu. Sử chép: “Lưu Nghiễm (tức Lưu Cung) sống quá xa xỉ, châu ngọc lấy từ Nam Hải về chứa chất đầy nhà, trang sức cung điện động lẫy; khách khứa, thương nhân đến hầu cống, Lưu Nghiễm thường mang châu báu ra khoe” (3).
 
Đối với phía tây, Lưu Cung chủ trương chiếm đất Kiềm, đất Thục, mở rộng thêm mấy ngàn dặm trong quá trình bành trướng thế lực để chiếm đất và vơ vét ngọc ngà châu báu; dùng của cải hoặc hôn nhân để tranh thủ thế lực các hào trưởng địa phương. Như Lưu Cung gả công chúa, con gái người anh họ cho Trịnh Mân - chúa vùng Vân Nam. Trịnh Mân đã thần phục Nam Hán và sai sứ tặng Lưu Nghiễm một con ngựa trắng có bờm đỏ.

Đối với phương Bắc, Nam Hán thường đặt quân đội để ngầm do thám thế lực vùng Trung Nguyên. Hà Từ lấy danh nghĩa là thống sứ với Đường Trang Tông thực chất là tâm phúc của Lưu Cung, đã báo về rằng: “thế lực nhà Hậu Đường chẳng có gì đáng sợ”. Vì thế Nam Hán đã quyết tám cất quân đánh Giao châu.


(1). Sử sách nước ta gọi là Lưu Cung hoặc Lưu Nham; sử Trung Quốc còn gọi là Lưu Nghiễm, sau đổi là Lưu Yểm. Trong thời kỳ cầm quyền, vua Nam Hán có sáu lần đổi tên.
(2).  Sử Trung Quốc gọi là Nam Hán để phân biệt với nhà Hậu Hán thành lập năm 947 ở triều đình trung ương và nhà Bắc Hán thành lập ở Sơn Tây, Thái Nguyên.
(3). Tân ngũ đại sử, q.65, chế gia 5.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #104 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 09:04:51 am »


Đối với phương Nam, Lưu Cung thèm khát đã lâu, nhưng y biết không dễ gì bắt Giao châu thần phục ngay được. Một phần do người Giao châu ngoan cường, quả cảm; một phần do tình hình Trung Quốc đầu thế kỷ X rất phức tạp. Khi mới lập quốc Nam Hán còn phải lo đánh chiếm các khu vực chung quanh.

Trước khi lập quốc, họ Lưu đã đánh bại được các trại ở Giang Đông, giết bọn Xương Lỗ, đổi đặt thứ sử mới, đem binh đánh bại họ Lư, chiếm được Triều châu, Thiều châu; về phía tây, họ Lưu chiếm được Ung Quản (Nam Ninh) tranh đất Dùng, Quế với Sở vương Mã Ân. Nhờ khai thác được nhiều ngọc trai và phát triển buôn bán với miền nội địa Trung Quốc, lại giao hảo với Nam Chiếu ở Vân Nam, họ Lưu tích luỹ được nhiều của cải, Nam Hán trở nên cường thịnh và có xu hướng bành trướng.

Năm 928, Nam Hán định đánh Giao châu, nhưng lại bị Sở đưa quân vây chiếm đất Hạ Giang. Mấy trận đầu Nam Hán thua Sở. nhưng sau đó nhờ chiến thuật thủy trận tài tình của đại tướng Tô Chương, Nam Hán mới thắng quân Sở.  Lúc đó, Lưu Cung sai Tô Chương đem 3.000 quân bắn nỏ giỏi lập mưu mai phục ở hai bên bờ sông và dùng dây xích sắt thả lửng giữa sông đánh bại được cuộc tiến công của nước Sở ở Giang Hạ thuộc Phong châu, bảo vệ an toàn vùng biển giới phía bắc.

Khi đã có thế lực mạnh, lại tạm yên được mặt bắc, Lưu Cung bắt đầu thực hiện âm mưu bành trướng xuống phía nam, mà mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là miền đất nước ta. Nhưng lúc đó họ Khúc đang vươn lên mạnh mẽ khẳng định quyền làm chủ đất nước, thế lực ngày một mạnh,  nên đã là một trở lực đối với mưu đồ xâm lược phương Nam của Nam Hán.

 Khúc Thừa Mỹ nối nghiệp cha (Khúc Hạo) làm tiết độ sứ  khoảng năm 917 - 918. Ngay từ khi còn sống, Khúc Hảo đã rất cảnh giác mặt bắc, đã cho Khúc Thừa Mỹ sang Nam Hán để “kết mối hòa hảo” làm “khuyến hiếu sứ” nhưng thực chất “là mượn tiếng hòa hảo để dò xét tình hình hư thực” (1).

Từ khi sang sứ ở Quảng châu về thay cha trị nước, Khúc Thừa Mỹ đã thấy thế lực họ Lưu mạnh mẽ, có thể uy hiếp nước ta.  Khúc Thừa Mỹ chưa đủ tự tin vào sức mạnh dân tộc, đã sai sứ sang nạp cống cho triều đình Hậu Lương, “xin lĩnh tiết việt”, định nhờ cậy uy thế của triều đình Trường An để chế ngự triều đình Nam Hán mà ông vẫn gọi là “ngụy đình”.  Khúc Thừa Mỹ cũng muốn dựa vào nhà Hậu Lương để tăng thêm uy tín đối với thổ hào trong nước, chuẩn bị lực lượng chống quân Nam Hán.

Qua 25 năm khôi phục quyền tự chủ, họ Khúc vẫn chưa có điều kiện đưa nước ta, từ một miền đất “xơ xác” do nạn Bắc thuộc kéo dài trở thành một quốc gia tự chủ mạnh; quyền kiểm soát chính trị và huy động lực lượng quân sự trong cả nước cua Khúc Thừa Mỹ còn nhiều hạn chế do uy tín và tài năng của ông không đủ cao và uy thế của các hào trưởng địa phương còn lớn.

Do đó, âm mưu xâm lược phương Nam của nhà Nam Hán lúc ấy quả là một mối đe dọa lớn đối với nước ta, một đất nước khi mà nền độc lập vừa mới giành lại chưa được củng cố vững chắc. Nguy cơ bị ngoại bang thống trị vẫn treo lơ lửng trên đầu.

2. Cuộc chiến chống xâm lược Nam Hán (930 - 931).

Dương Đình Nghệ khôi phục quyền tự chủ (931 - 937) Năm 930, vua Nam Hán nhân cớ Khúc Thừa Mỹ thần phục nhà Hậu Lương và có ý chống lại Nam Hán, đã sai các tướng Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh Giao châu.

Vốn thiếu tự tin ở sức mạnh dân tộc, lại không lo chuẩn bị cuộc kháng chiến, không đoàn kết được toàn dân để đánh giặc giữ nước, Khúc Thừa Mỹ đã không đứng vững trước cuộc tiến công ồ ạt của quân xâm lược Nam Hán. Nước ta lại bị xâm chiếm. Khúc Thừa Mỹ bị bắt đưa về Quảng châu.

Cuộc kháng chiến bị thất bại nhanh chóng. Theo sách An Nam kỷ yếu trước kia Lưu Cung nghe nói Thừa Mỹ đã nhận “tiết việt” của nhà Lương, giận lắm, sai tướng giỏi là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh, bắt được Thừa Mỹ đưa về (2).

 
(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1,tr42.  
(2). Dẫn theo Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t,1 tr220.    
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #105 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 09:07:47 am »

Quân Nam Hán sau khi chiếm được Giao châu đã ra sức đàn áp, cướp bóc của cải của nhân dân ta. Lương Khắc Trinh còn đem quân tiến vào Hoan châu, Ái châu, vượt qua dãy Hoành Sơn tiến công Chăm pa cướp nhiều báu vật đưa về.
 
Vua Nam Hán cử Lý Tiến làm tiết độ sứ Giao châu cùng Lương Khắc Trinh giữ thành Đại La (1).  Nhưng quân Nam Hán chỉ có thể đánh thắng được thế lực của Khúc Thừa Mỹ chứ không thể đánh thắng được ý chí quật cường của nhân dân ta và càng không thể thiết lập được nền thống trị của chúng.
 
Căm phẫn quân cướp nước tàn bạo, nhân dân khắp nơi nhất tề nổi dậy chống xâm lược. Chính quyền địch trong thực tế chỉ chiếm được phủ thành Đại La và kiểm soát được một số vùng chung quanh, vì thế chúng càng ngày càng bị cô lập.
 
Cái chính quyền đô hộ mà Nam Hán vội vã dựng lại ở Đại La chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Lưu Cung phải thừa nhận: “Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ có thể ràng buộc (kimi) mà thôi” (2). 

Ở các địa phương, các tướng lĩnh cũ của họ Khúc, các hào trưởng vẫn duy trì lực lượng riêng và nắm quyền quản lý từng vùng rộng lớn như họ Ngô ở Đường Lâm ba Vì, Sơn Tây), họ Kiều ở Phong châu (vùng Ba Vì và Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), họ Đinh ở Hoa Lư (Gia Viễn, Ninh Bình), họ Lê ở giáp Bối Lý (Thiệu Yên, Thanh Hóa), họ Lý ở hương Cổ Pháp (Đình Bảng Tiên Sơn, Bắc Ninh)... và đặc biệt là họ Dương ở Dương Xá (Thiệu Hoá, Thanh Hóa).

Tương truyền rằng ông tổ họ Dương là Đô Dương (có nghĩa là đô vật họ Dương) người lão tướng anh hùng của quân đội Trưng Vương, đã cùng Chu Bá kiên cường chiến đấu chống quân xâm lược Mã Viện cho đến những ngày cuối cùng trên đất Cửu Chân. Trải qua nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất trù phú có đường giao thông thủy rất  thuận tiện và là trung tâm kinh tế, chính trị, quán sự của vùng Ái châu, họ Dương trở thành một thế lực hùng mạnh trong vùng, thóc lúa, tiền của đầy kho.

Ở lò võ làng Ràng (Dương Xá, Thiệu Hóa,Thanh Hóa) đã hình thành một trung tâm kháng chiến khá mạnh, đứng đầu là hào trưởng Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc.  Ông công khai nuôi dưỡng 3.000 con nuôi, (nghĩa tử) trong nhà, ngày đêm luyện tập, chuẩn bị tiến ra Giao châu tiêu diệt quân xâm lược.

Dinh cơ của họ Dương trở thành nơi “tụ nghĩa” của hào kiệt khắp nơi trong nước ta. Con Ngô Mân, thứ sử Phong châu là Ngô Quyền từ Phong châu, Đinh Công Trứ từ Trường châu (Ninh Bình) . . . đều đưa gia thuộc vào làng Ràng tụ nghĩa.
 
Dương Đình Nghệ cử Đinh Công Trứ trấn trị Hoan châu, giữ Ngô Quyền làm gia tướng dưới trướng doanh, gả con gái cho, sai chỉ huy đội quân chủ lực.  Dương Đình Nghệ ráo riết chuẩn bị lực lượng, mộ thêm quân, xây thành lũy ở nơi mình đóng.

Sử chép, Đình Nghệ có chí khôi phục Giao châu, có nuôi ba ngàn tráng sĩ làm nha binh.  Lý Tiến được nhiều lần báo tin đó, song sợ, không dám làm gì, chỉ cho người cấp báo với Lưu Cung. Để lấy lòng Dương Đình Nghệ, chúa Nam Hán còn phải “trao tước vị” và cho ông giữ Ái châu.

Nhưng Dương Đình Nghệ và các hào kiệt nước Nam đâu có thèm công nhận cái uy quyền của vua Nam Hán. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng tháng 3-931 - không đầy nửa năm sau cuộc xâm lược của Nam Hán - từ Ái châu, Dương Đình Nghệ đã cử binh tiến ra Giao châu, bao vây và tiến công thành Đại La, dinh lũy chiếm đóng của giặc Nam Hán.

Lý Tiến chống không nổi, cho người về Quảng châu cáo cấp.  Vua Nam Hán vội vàng cử thừa chỉ Trình Bảo (Trần Bảo) đem quân sang cứu viện. Nhưng quân tiếp viện chưa đến nơi thì thành Giao châu đã bị Dương Đình Nghệ chiếm, tướng giặc Lương Khắc Trinh bị giết, thứ sử Lý Tiến cùng tàn quân thoát vây chạy trốn.

Quân cứu viện vừa đến, định tổ chức bao vây lại quân ta, nhưng Dương Đình Nghệ đã nhanh chóng bố trí lực lượng phòng vệ, biến Đại La thành pháo đài kiên cố và chủ động dẫn quân ra ngoài thành để chiến đấu, chặn giặc. Quân Nam Hán bị đánh tan, Trần Bảo bị giết tại trận. Lý Tiến bỏ trốn về Nam Hán, bị Lưu Cung sai bắt giết. 

Đất nước ta lại được giải phóng. Ngọn cờ tự chủ chuyển từ tay họ Khúc qua tay họ Dương. Dương Đình Nghệ xứng danh là một vị anh hùng dân tộc.


(1).  Các sách Trung Quốc như Ngũ đại tân sử, Nam Hán thế gia.
(2).  Ngũ đại sử ký, q.65 (Nam Hán thế gia); An Nam chí nguyên, q . 3 .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #106 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 09:28:44 am »

Về chiến công của Dương Đình Nghệ, sử cũ của ta chép vắn tắt rằng: “theo sách An Nam kỷ yếu chúa Nam Hán sau khi bắt được Thừa Mỹ, sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Khắc Chính đóng giữ Giao châu.  Dương Đình Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo, tập họp quân sĩ đánh bại Khắc Chính. Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán ý muốn chiêu dụ, tạm phong tước vị cho Diên Nghệ. Chúa Nam Hán bảo những kẻ tả hữu mình rằng: Dân Giao châu thích nổi loạn, ta chỉ có thể kimi (ràng buộc) được thôi” (1).

Cuộc kháng chiến của Dương Đình Nghệ hoàn toàn thắng lợi. âm mưu xâm chiếm nước ta, đặt ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa đã bị đập tan. Chiến thắng của Dương Đình Nghệ chứng tỏ ý chí độc lập của nhân dân ta đang trưởng thành, kiên quyết bảo vệ những thành quả đấu tranh bao đời nay, kiên quyết bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình.  Chiến thắng của Dương Đình Nghệ càng củng cố thành quả độc lập dân tộc, mở màn cho hàng loạt cuộc kháng chiến kiên cường, đầy sáng tạo của dân tộc ta trong những thế kỷ tiếp theo.

Sau khi đánh tan giặc Nam Hán, Dương Đình Nghệ vẫn tự xưng là tiết độ sứ để giữ quan hệ hòa hiếu với phong kiến phương Bắc. Ông tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc, lo củng cố chính quyền vừa giành lại được, tổ chức lại công cuộc cai trị đất nước, phát triển lực lượng dân tộc. Dương Đình Nghệ đã dùng một số người thân tín có tiếng tăm như Đinh Công Trứ (bố Đinh Bộ Lĩnh) làm thứ sử Hoan châu, kết tình thông gia và cho Ngô Mân (bố Ngô Quyền) làm thứ sử ái châu. Chính quyền tự chủ non trẻ đã vượt qua một thử thách nguy hiểm.  Nhân dân ta, đất nước ta sau hơn chục thế kỷ bị đè nén kìm kẹp, giờ đây đang có điều kiện vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

Như vậy, cũng như họ Khúc, họ Dương còn giữ chức tiết độ sứ, có nghĩa là chưa công khai tuyên bố nền độc lập, cố giữ thái độ hoà hoãn với đối phương để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng độc lập của đất nước. Quyền tự chủ của nước ta do Dương Đình Nghệ khôi phục tồn tại được bảy năm (931-937), từ khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán đến khi Dương Đình Nghệ bị tên phản bội Kiều Công Tiễn giết chết. 


III- CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG NAM HÁN LẦN THỨ  HAI.
NGÔ QUYỀN VÀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG LỊCH SỬ (938)

1. Sự phản bội của Kiều Công Tiễn và âm mưu mới của nhà Nam Hán.

 Năm 937, hào trưởng Phong châu là Kiều Công Tiễn, vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ, đã giết chết Dương Đình Nghệ để đoạt chức tiết độ sứ.

Những thế lực hào trưởng địa phương chủ nghĩa, đã đóng một vai trò tích cực trong công cuộc giữ đất, giữ dân, đuổi đánh bọn đô hộ, nhưng khi đất nước vừa sạch bóng quân thù thì họ lại lao vào các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, phá hoại công cuộc thống nhất quốc gia, gây nguy hại cho nền độc lập tự chủ vừa mới giành được.

Giặc Nam Hán còn đang ngấp nghé ngoài bờ cõi, chưa chịu từ bỏ dã târn xâm lược bành trướng, nên sự phản bội của Kiều Công Tiễn càng làm tổn hại đến sức mạnh dân tộc.
 
Chủ nghĩa địa phương (Regionalism) là một trở lực lớn trên hành trình giành quyền tự chủ của ta trong suốt thời Bắc thuộc. Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn, giết người chủ tướng có công đánh đuổi quân Nam Hán, đã gây nên sự phẫn nộ trong các tầng lớp quân dân.
 
Từ Ái châu, Ngô Quyền là tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ, sửa soạn tiến quân ra bắc diệt trừ tên phản bội. Kẻ phản chủ nhanh chóng trở thành tên phản quốc. Trước sự căm ghét và phản kháng của nhân dân trong nước, Kiều Công Tiễn tự thấy thế cô lực yếu, đã đê hèn cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Đấy là dịp tốt để Nam Hán thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.

Lợi dụng thời cơ đó, nhà Nam Hán lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, lần này nguy hiểm hơn lần trước vì chúng hy vọng dùng được bọn phản bội Kiều Công Tiễn như một lực lượng nội ứng. Vì đã một lần thất bại, mà tham vọng càng lớn hơn, Nam Hán cố dồn hết sức xâm chiếm nước ta cho kỳ được.
Chúa Nam Hán hội họp triều thần bàn mưu tính kế.  Trước tác tá lang hầu là Dung khuyên Lưu Cung nên thôi binh để cho dân nghỉ ngơi. Sùng văn hầu Tiêu Ích, viên quan cao cấp của nhà Nam Hán, kẻ theo dõi chặt chẽ và rất am hiểu tình hình nước ta lúc đó, đã khuyên vua Nam Hán:


(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1,tr220.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2009, 09:31:31 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #107 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 09:59:16 am »


“Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm. Ngô Quyền lại là người kiệt hiện, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên cẩn trọng, chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến” (1).

Lời bàn của Tiêu ích tỏ ra thận trọng nhưng lại hoàn toàn trái ý Lưu Cung, bởi vì bấy giờ vua Nam Hán đang say sưa ôm mộng chiếm nước ta một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Sử chép: “Lưu Cung không nghe, sai Hoằng Tháo, đem thuyền chiến kéo thẳng sang Giao châu. . . Phong Hoằng Tháo làm Giao vương, xuất quân đến sông Bạch Đằng để đánh Ngô Quyền” (2). 

Vua Nam Hán cho rằng đây là cơ hội đặc biệt thuận lợi mà Nam Hán có được để thực hiện ý đồ xâm lược. Vấn đề mà Lưu Cung cần đưa ra bàn định trong triều là bằng cách nào để có thể chiếm dược Giao châu nhanh gọn nhất. Do đó, bất chấp sự can gián của Tiêu Ích và một số triều thần, Lưu Cung đã tự mình đề ra một kế hoạch nhằm thực hiện nhanh chóng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Rút kinh nghiệm của lần thất bại trước đây, lần này vua Nam Hán quyết định sử dụng một lực lượng binh thuyền lớn, giao cho con là Vạn vương Hoằng Tháo (3). làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ thống lĩnh quân đội đánh chiếm nước ta. Lưu Cung còn đổi Vạn vương thành Giao vương với ý đồ sau khi cướp được Giao châu thì lấy đó làm nơi phong cấp cho Hoàng Thạo. Vua Nam Hán cũng tự mình làm tướng đem hậu quân tiến đến đóng ở trấn Hải Môn (phía tây nam huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây), sát biên giới nước ta, làm kế thanh viện, kịp thời yểm trợ cho con khi cần thiết và chờ dịp kéo vào nước ta.

Cả hai cha con vua Nam Hán lao vào cuộc chiến tranh xâm lược với quyết tâm cướp lại nước ta, đánh bại chính quyền tự chủ họ Khúc, họ Dương vừa mới xây dựng, xoá bỏ thành quả đấu tranh mà nhân dân ta phải trả bằng bao nhiêu xương máu mới giành lại được.

Cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn và mang đầy tham vọng này của nhà Nam Hán được che đậy dưới chiêu bài “cứu giúp” Kiều Công Tiễn (?).
 
Quân đội Nam Hán là quân đội đã dày dạn trong hỗn chiến ở vùng Hoa Nam và trong cuộc chiến tranh đàn áp các phong trào chống đối của các “Man trại” ở vùng Quảng Đông và Quảng Tây.
 
Từ khi lên ngôi hoàng đế, Lưu Cung càng lo củng cố và tăng cường quân đội của mình để chờ dịp bành trướng xuống phía nam. Lực lượng mà Lưu Cung điều động tiến đánh nước ta lần này chủ yếu là thủy quân đã kinh qua chiến trận, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Chỉ huy đoàn quân xâm lược, ngoài Hoàng Thạo vừa là con Lưu Cung, vừa là tướng lĩnh cao cấp, còn có những viên tướng đã từng trải trận mạc và am hiểu tình hình Giao châu.

Thủ đô Quảng châu của nhà Nam Hán là vị trí trọng yếu trên con đường biển qua lại thông thương quan trọng nhất giữa nước ta với Trung Quốc. Hải cảng Quảng châu đã từng là căn cứ xuất phát của những đoàn quân xâm lược từ phương Bắc tiến vào nước ta.

Trải qua hơn 1.000 năm xâm lược và thống trị bọn phong kiến phương Bắc hiểu rõ lợi hại của con đường có ý nghĩa chiến lược này. Chúng biết địa thế nước ta có bờ biển dài, sông ngòi chằng chịt, theo đường thủy có thể đi ngang dọc khắp nơi. Hơn thế, những trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của ta thường nằm sát các con sông lớn.

Vùng Quảng Đông (Trung Quốc) lại là nơi sản xuất các loại thuyền nổi tiếng chắc chắn và có hiệu quả chiến đấu.  Dân vùng Quảng Đông là cơ dân rất thạo nghề sông nước, giỏi chèo thuyền. Chính vì thế, đạo quân xâm lược của Nam Hán có ưu thế lớn về thủy chiến.

Hoàng Thạo vừa được sự tiếp ứng của Lưu Cung ở phía sau, vừa có lực lượng nội ứng của bọn phản bội Kiều Công Tiễn ở ngay trong nước ta. Lúc đó, Kiều Công Tiễn đang cố gắng cố thủ ở thành Đại La để chờ quân cứu viện nhà Nam Hán chống lại quân kháng chiến. Đất nước ta đang đứng trước một thử thách gay go: nền tự chủ vừa mới được khôi phục đã bị đe dọa bởi cả thù trong và giặc ngoài.


(1).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 203.
(2).  Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1, tr .222.
(3).  Về tên Hoằng Tháo, nhiều sách chép không thống nhất: Có sách chép là Hoàng Thạo hoặc Hồng Thạo (Ngũ đại sử ký), hoặc Hoằng Tháo (Việt sử lược). Chúng Tôi tạm dùng tên Hoàng Thạo theo Ngũ đại sử ký.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #108 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 10:06:25 am »


2. Ngô quyền chuẩn bị kháng chiến

Trước yêu cầu của lịch sử, Ngô Quyền, người đại diện chính của dân tộc ta lúc đó, đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, trung tâm quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước.
 
Từ Ái châu, Ngô Quyền đã chủ động giường cao ngọn cờ chính nghĩa, lãnh đạo quân dân ta kiên quyết tiến hành kháng chiến cứu nước. Hành động đê hèn của Kiều Công Tiễn càng làm cho nhân dân cả nước căm giận và kiên quyết ủng hộ Ngô Quyền chuẩn bị cuộc kháng chiến.

Ngô Quyền (898-944) người làng Đường Lâm (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì (Hà Tây), sinh ra và lớn lên trong một gia đình và vùng quê có truyền thống yêu nước chống phong kiến phương Bắc xâm lược. Đường Lâm là quê hương của Phùng Hưng và làng Nam Nguyễn ở gần đó là quê bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng. Tương truyền ông tổ xa đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, người đã làm quan từ thời Lý Nam Đế từng chiêu mộ hàng trăm thủ hạ theo Triệu Quang Phục tiến hành kháng chiến thống Lương. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân là một hào trưởng địa phương từng làm châu mục Đường Lâm: thứ sử Phong châu và được Dương Đình Nghệ cử làm thứ sử Ái châu.

Ngô Quyền sinh năm Mậu Ngọ (898) . Ngay từ nhỏ ông tỏ ra là một người trí dũng, có chí lớn. Sử cũ miêu tả ông: “Khi vua mới sinh, có ánh sáng là đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo rằng sau này có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc” (1).
 
Ở làng Cam Lâm hiện nay vẫn lưu giữ nhiều di tích và truyền thuyết về tuổi trẻ của ông. Từ sớm ông được cha dạy bảo các thuật bắn cung nỏ và sử dụng gươm giáo. Với lòng nồng nàn yêu nước và căm thù quân xâm lược, ông mong muốn có ngày ởtợc đánh giặc lập công.

Lớn lên trong lúc đất nước vừa mới giành được quyền tự chủ, Ngô Quyền tiếp nối ý chí cha ông, đứng ra tập hợp lực lượng, dần dần có thế lực lớn ở vùng Đường Lâm và ngày càng nổi lên như một hào trưởng hùng mạnh ở Giao châu, khiến cho Dương Đình Nghệ ở Ái châu cũng sớm biết tiếng.

Lúc đó, Dương Đình Nghệ đang dốc lòng chuẩn bị lực lượng khôi phục đất nước, cần phải tập hợp những hào trưởng có thế lực. Ngô Quyền đã nhận lời mời về làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ và Dương Đình Nghệ đã gửi gắm nhiều hy vọng ở người hào trưởng trẻ tuổi đất Đường Lâm. Dương Đình Nghệ đã cử Ngô Mân trấn giữ Ái châu và gả con gái yêu cho Ngô Quyền.

Cuối năm 931, Dương Đình Nghệ dùng Ngô Quyền làm tướng tiên phong tiến ra Giao châu đánh đuổi quân Nam Hán. Sau khi đánh tan giặc, Ngô Quyền được kế tục sự nghiệp của Ngô Mân coi giữ Ái châu.
 
Được Dương Đình Nghệ trọng dụng cho quản lãnh cả vùng Ái châu rộng lớn, Ngô Quyền đã tích cực chiêu mộ nhân dân phát triển sản xuất, giữ vững an ninh vùng quê hương họ Dương.
 
Trưởng thành trong những năm đất nước vươn lên mạnh mẽ khẳng định quyền tự chủ, kiên quyết giành và giữ nền độc lập dân tộc, Ngô Quyền sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và trở thành một vị tướng nổi tiếng được nhân dân kính mến, quân sĩ khâm phục. Tài năng, nghị lực bản thân và thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc đấu tranh dân tộc đã rèn luyện Ngô Quyền thành một nhà quân sự dày dạn kinh nghiệm, một thủ lĩnh có uy tín và ảnh hưởng rộng lớn. Tài năng và uy tín của Ngô Quyền không chỉ lẫy lừng trong nước, mà ngay cả triều đình Nam Hán cũng phải thừa nhận là “người kiệt hiệt” không thể coi thường được.

Trước sự phản bội của Kiều Công Tiễn và nguy cơ xâm lược của nhà Nam Hán, Ngô Quyền là niềm hy vọng của toàn dân, trở thành người thủ lĩnh có đủ tài năng và uy tín đảm đương sứ mạng đoàn kết và lãnh đạo các lực lượng yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

Được tin quân Nam Hán chuẩn bị kéo sang xâm lược, Ngô Quyền thấy việc cần kíp trước hết là nhanh chóng phải diệt trừ bọn phản bội trong nước, đập tan lực lượng nội ứng cho giặc. ông đã tổ chức đạo quân từ ái châu tiến ra Giao châu để trị tội tên phản bội. Các tầng lớp nhân dân căm phẫn trước hành động phản phúc của Kiều Công Tiễn đã nhanh chóng theo và ủng hộ Ngô Quyền.


(1).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 204; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.1, tr.221. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #109 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2009, 10:19:22 am »

Sách Thiên Nam ngữ Lục đã diễn tả thực tế đó bằng những hình ảnh cụ thể và xúc động:

“Thôi bèn ra bảo ba quân,
áo thô khăn trắng khóc rân dậy trời.
Bây chừ thiên hạ gái trai,
Thương ngươi Đình Nghệ, khen ngươi Ngô Quyền.

Bảo nhau dắt trẻ, phù già,
Bỏ chưng Công Tiễn về nhà Ngô vương
Dưới cờ cả, bé khóc thương,
Nguyện xin trả nghĩa họ Dương cho tuyền.
Chúng tôi sức bé tài hèn,
Chồng nguyền quẩy vác, vợ nguyền đem cơm.
Giúp công quét sạch giang sơn,
Uyển thành chuyển thủ mới yên lòng hờn.

Nguyện thôi bèn lại ra quân,
Gái trai áo trắng đòi lần theo đi.
Xin thấy đầu Dương nghĩa nhi,
Thấy nào một phút sẽ về cùng con. . .”.


Trên thực tế, lúc bấy giờ lực lượng của Kiều Công Tiễn vẫn là một mối đe dọa lớn đối với vận mệnh đất nước. Ngoài đội quân riêng của một dòng họ đứng đầu Phong châu và các thế lực ủng hộ Kiều Công Tiễn trong mưu đồ tranh quyền đoạt ngôi trước đây, bọn phản bội còn có thêm thành Đại La kiên cố.

Tuy vậy, sau hơn một năm tập hợp, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, Ngô Quyền đã có một đội quân mạnh, khá đông đảo với nhiều tướng lĩnh vốn là những hào kiệt trung thành với Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền.

Lã Minh ở trang Liễu Chứ (nay là thôn Liễu Lâm, xã Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh) tìm đến gặp Ngô Quyền và xin cùng hội quân ở Bình Kiều (xã Hợp Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa). Sau đó, Lã Minh chỉ huy quân sĩ đánh quân của Kiều Công Tiễn ở vùng Siêu Loại (Thuận Thành).
 
Phạm Bạch Hổ (tên tự là Phạm Phòng Át) người xã Ngọc Đường (Kim Thi, Hưng Yên) đã sớm theo Ngô Quyền diệt thù cứu nước. Theo thần tích và truyền thuyết địa phương, ông sinh ngày 10 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (9-2-922). Phạm Bạch Hổ (hay Phạm Phòng Át) ở Ngọc Đương (có đền thờ ở xã Đằng châu, huyện Kim Động, Hưng Yên) là người nổi tiếng thông minh, học giỏi và có tài. Ngô Quyền mời ông đến và phong làm đó chỉ huy sứ tiền đạo tướng quân.

Đỗ Cảnh Thạc, một hào trưởng vùng Đỗ Động (vùng Thanh Oai - Quốc Oai, Hà Tây); Phạm Chiêm, người đứng đầu dòng họ Phạm ở vùng Nam Sánh, Hải Dương; Đinh Công Trứ ở Hoa Lư, thứ sử Hoan châu, Dương Tam Kha, con Dương Đình Nghệ, em vợ Ngô Quyền . . . đều đã đến với Ngô Quyền và tôn ông làm người chỉ huy tối cao.

Thần tích xã Bái Dương, tổng Bái Dương huyện Nam châu (Nam Ninh, Nam Định) cho biết Kiều Công Hãn ở Phong châu, là cháu của Kiều Công Tiễn nhưng phản đối hành động của Công Tiễn và sớm đến với Ngô Quyền, tình nguyện chiến đấu trong lực lượng dân tộc (1).
   
Như vậy, dưới trướng của Ngô Quyền đã có Ngô Xương Ngập., con của Ngô Quyền mới ngoài 20 tuổi; Dương Tam Kha, người đã kinh qua nhiều năm chiến đấu và xây dựng chính quyền tự chủ; Đỗ Cảnh Thạc, hào trưởng Đỗ Động; Phạm Bạch Hổ ở Ngọc Đường, vị tướng trẻ mới 17 tuổi; Lã Minh ở Liễu Chứ thuận Thành, Bắc Ninh); Phạm Chiêm ở Nam Sách; Đinh Công Trứ ở Hoa Lư. . .

Trong số phụ nữ tham gia cuộc kháng chiến có tên tuổi Dương Phương Lan, người bạn đời của Ngô Quyền từ trước khi ông vào Thanh Hoá theo Dương Đình Nghệ và trở thành con rể họ Dương. Sự tích người phụ nữ anh hùng này được phản ánh trong Thiên Nam ngữ lục và trong thần tích đền Yên Nhân (Chương Mỹ, Hà Tây).

Nhiều thanh niên các làng xã hai bên sông Bạch Đằng hăng hái nhập ngũ hoặc tự vũ trang thành các đội dân binh tham gia chiến đấu. Đó là trường hợp ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (Thủy Nguyên, Hải Phòng), chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), chàng trai họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng).

Tương truyền rằng, Nguyễn Tất Tố là người giỏi bơi lội, thông thạo sông nước Bạch Đằng được Ngô Quyền tin cậy giao cho chỉ huy đội thuyền nhẹ làm nhiệm vụ khiêu chiến nhử đoàn thuyền địch vượt qua bài cọc khi nước triều lên cao và dẫn chúng vào trận địa mai phục đã bố trí sẵn.

Chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động là người đã giúp Ngô Quyền tìm hiểu những đặc điểm sông nước và thủy triều cửa sông Bạch Đằng, bố trí trận địa cọc và đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu.
 

(1). Theo các tư liệu sau đây:
- Bia sự tích Lã Minh ở xã Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh.  Thần tích Phạm Bạch Hô ở Đằng châu, Kim Đồng Hưng Yên và Đại Nam nhất thông chí, Hưng Yên địa chí.
- Thần tích và truyền thuyết Đỗ Cảnh Thạc ở Cự Đà, Thanh Oai, Hà Tây và Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Tây.
- Việt điện u linh; Đại Việt sử ký bản kỷ của Nguyễn Nghiễm và Đại Nam nhất thông chí.
- Thần tích xã Bái Đường, Nam Ninh, Nam Định. 

« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2009, 10:54:47 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM