Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:05:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 2  (Đọc 106557 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:23:48 am »

Tên sách: LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM - TẬP 2:  ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP TỰ CHỦ (từ năm 179 TCN đến năm 938)
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2001
Số hoá: ptlinh, UyenNhi05


Ban chủ nhiệm:

- Đại tá, PGS,TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
- Đại tá, TS. LÊ ĐÌNH SỸ 
- Đại tá TRẦN BÍCH

Tác giả:
 
- GS. TRẦN QUỐC VƯỢNG (Chủ biên)
- Đại tá TS. LÊ ĐÌNH SỸ



                                                                        Các Vua Hùng đã có công dựng nước
                                                                                          Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước

                                                                                                                 

                                                                                                                          HỒ CHÍ MINH

« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2010, 08:45:06 pm gửi bởi ptlinh » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:33:43 am »



LỜI GIỚI THIỆU

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12 -1946 – 19 - 12-2001), 57 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1944 - 22-12-2001), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập 2 của bộ Lịch sử quân sự Việt Nam mang tiêu đề Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ năm 179 TCN đến năm 938) do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chủ trì biên soạn.
 
Đây là giai đoạn lịch sử đau thương, bi tráng nhất của dân tộc kéo dài tới 1.117 năm kể từ sau khi Triệu Đà xâm lược đến lúc Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938; là giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đồng hoá và chống đồng hoá, giao thoa văn hoá liên tục, đấu tranh giành độc lập tự chủ và giữ gìn bản sắc văn hoá để đất nước do các vua Hùng khởi nghiệp mãi mãi là của các thế hệ người Việt Nam.

Có thể xem tập sách này là kết quả của sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới về việc nghiên cứu, trình bày tiến trình lịch sử dân tộc trong đêm trường nô lệ, mà sự kiện sớm nhất diễn ra cách đây đã 2.180 năm và gần nhất cũng đã diễn ra 1.063 năm trong hơn mười một thế kỷ đất nước rơi vào ách thống trị của ngoại bang.  Ở giai đoạn lịch sử đó, các triều đại phong kiến phương Bắc kế tiếp nhau cai trị nước Trung Hoa rộng lớn, lúc thì thống nhất, khi thì phân liệt, các thế lực tranh hùng xâu xé lẫn nhau. Khi đã xác lập được quyền thống trì, xưng vương, xưng đế là các triều đại Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, Nam Hán lập tức mang quân chinh phục, bành trướng các nước láng giềng.
 
Nhiều dân tộc ở phía bắc, tây bắc và phía nam Trung Quốc đã hoặc đang trong quá trình hình thành quốc gia - dân tộc lần lượt bị xoá sổ hoặc bị Hán hoá, đặc biệt là các dân tộc Bách Việt vùng Giang Nam gần sát nước ta.

Từ thất bại của An Dương Vương năm 179 TCN trước quân xâm lược Triệu Đà, nước Âu Lạc của các Lạc tướng và Lạc dân cũng rơi vào tình thế thử thách sống còn, bị biến thành các châu quận trực thuộc các đế chế của Hán tộc Trung Hoa.
 
Trong hơn một ngàn năm đô hộ ấy, kẻ thù đã tiến hành chế độ cai trị cực kỳ tàn khốc, bòn rút, vơ vét dã man về kinh tế để thoả mãn lòng tham của đội quân cai trị và dâng hiến triều đình. Chúng tiến hành những thủ đoạn chính trị hiểm độc lúc công khai, khi giấu mặt, khi nới lỏng vỗ về, lúc thắt buộc hà khắc nhằm chia rẽ dân tộc, làm giảm sức mạnh cố kết của toàn dân ta để dễ bề cai trị và cơỡng bức đồng hoá.
 
Có thể nói trong lịch sử mấy ngàn năm oai hùng khởi nguồn từ nền văn minh sông Hồng rực rỡ, đây là giai đoạn lịch sử đau buồn, một chương bi thảm nhất - đất nước đứng trước thảm hoạ diệt vong.

Nhưng cũng trong hơn một ngàn năm thương đau ấy, ông cha ta chưa bao giờ khuất phục cam chịu làm nô lệ, đã liên tiếp nổi dậy tiến hành các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, từ quy mô vùng miền đến quy mô toàn quốc, nhiều giai đoạn ngắn đã giành được quyền tự chủ, hàng ngàn cuộc nổi dậy và chiến tranh giải phóng đã diễn ra mà cuộc nổi dậy sớm nhất sử sách còn ghi chép được là cuộc khởi nghĩa của Tây Vu Vương năm 111 TCN chống lại nhà Tây Hán và tiếp đó là các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40), Bà Triệu (248), Lý Bí - Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử (542-602), Lý Tự Tiên - Đinh Kiến (687), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-791), Dương Thanh (819-820), Khúc Thừa Dụ (905-930), Dương Đình Nghệ (931-937)... và cuối cùng là cuộc kháng chiến của Ngô Quyền với việc đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, khôi phục đầy đủ quyền độc lập tự chủ của đất nước, mở đầu cho sự phục hưng rực rỡ của Đại Việt sau này.

Ngoài việc trình bày sáng rõ diễn trình lịch sử, khai thác triệt để các nguồn tư liệu lịch sử ít ỏi còn lưu lại trong các bộ sử và những công trình khoa học đã được khẳng định, các tác giả của tập sách đã dành nhiều tâm huyết để luận giải, đúc kết, khái quát truyền thống và nghệ thuật quân sự của cha ông ở giai đoạn lịch sử này với những hình thức chủ yếu là từ khởi nghĩa địa phương tiến lên tiến hành chiến tranh giải phóng, và khi đã giành được tự chủ ở các cấp độ khác nhau phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược để bảo vệ nền tự chủ.

Đối tượng tác chiến của dân tộc ta lúc này là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, thế lực lớn mạnh nhất ở phương Đông có trình độ văn minh cao, quân đội hùng mạnh và dày dạn kinh nghiệm chiến trận trong đấu tranh giành quyền lực nội bộ và chinh phục bên ngoài. Trong điều kiện phải lấy yếu chống mạnh lấy ít địch nhiều, không còn cách nào khác ông cha ta phải dùng kế đánh lâu dài, lấy đánh du kích là phương thức tác chiến chủ yếu, bước đầu hình thành nghệ thuật tổ chức và thực hành khởi nghĩa của toàn dân, chú trọng tổ chức lực lượng và địa bàn khởi nghĩa, lợi dụng địa bàn hiểm yếu để đánh trận quyết chiến chiến lược, mở đầu cho truyền thống thủy chiến Bạch Đằng.

Là những nhà nghiên cứu am tường lịch sử cha ông từ cội nguồn, các tác giả của tập sách đã luận giải một cách tường minh vì sao dân tộc ta mất nước và chịu ách thống trị của ngoại bang lâu dài đến như vậy? Vì sao dưới sự thống trị bạo tàn và âm mưu đồng hoá hiểm độc của kẻ đô hộ mà nền văn hoá dân tộc vẫn tiếp tục trường tồn cùng lịch sử?

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:34:14 am »


Vùng Hoa Hạ, cái nôi của nền văn minh nông nghiệp trồng khô: kê - mạch - cao lương của người Hoa - Hán đã phát triển rực rỡ từ rất sớm, nhà nước tập quyền chuyên chế đã được xác lập Và ngày càng hùng mạnh. Tự cho mình là tộc người ưu tú đứng ở trung tâm thiên hạ, giai cấp thống trị quý tộc người Hoa - Hán’ mặc nhiên xem mình thay trời hành đạo, nảy sinh tư tưởng tự tôn gánh vác trách nhiệm “bình thiên hạ” của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Có thể xem các triều đại của đế chế Trung Hoa là điển hình của việc chính quyền ra đời từ các cuộc chiến tranh khốc liệt.  Quân đội của họ được tổ chức chặt chẽ, lại không ngừng tiếp thu hình thức tác chiến kỵ binh vốn là sản phẩm của các tộc người du mục miền bắc, các đội thuyền chiến lớn của miền sông nước Giang Nam, lại được cổ vũ bởi các học thuyết quân sự lớn, nên rất hùng mạnh, thiện chiến và tàn bạo.
 
Một dân tộc nhỏ bé chưa vượt thoát mô hình chế độ quân chủ bộ lạc, dân số chỉ chừng một triệu người, quân ít và trang bị thô sơ khó có thể đứng vững trước kẻ thù bành trướng hùng mạnh, số dân đến 50 triệu, quân đội lúc cao nhất có tới hàng trăm vạn. Sau khi chiếm được đất nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc tiến hành nhiều hình thức cai trị ngày càng hà khắc, chính quyền của nó lúc đầu chỉ cai quản được ở châu quận, dần dần vươn tới hương, xã.

Đồng thời với việc cai trị và bòn rút của cải, kẻ thống trị tiến hành những thủ đoạn đồng hoá cưỡng bức rất thâm độc và bạo tàn, hy vọng có thể Hán hoá được toàn bộ dân tộc ta, xoá bỏ toàn bộ đất nước ta. Sau mỗi lần cha ông ta nổi dậy giành quyền tự chủ, các thế lực ngoại bang lại huy động những đội quân xâm lược lớn sang đàn áp khốc liệt hơn, thiết lập hệ thống cai trị chặt chẽ hơn. Thất bại của những cuộc khởi nghĩa trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc chính là thất bại bởi hoàn cảnh lịch sử.

Nhưng kỳ diệu thay, cha ông ta mất nước nhưng không mất làng. Chính làng xóm cổ truyền của người Việt là nơi lưu giữ sức mạnh văn hoá Việt Nam, nơi con người cố kết, đùm bọc lẫn nhau tạo ra sức mạnh bền chặt chống lại ách đô hộ, chống lại mưu đồ đồng hoá, qua đấu tranh để rèn luyện bản lĩnh và đặc tính dân tộc.
 
Chính xóm làng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá cổ truyền mà còn mở rộng tiếp thu chọn lọc những yếu tố văn hoá ngoại sinh tiên tiến, kể cả nền văn hoá chân chính, đẹp đẽ của người Trung Hoa, là pháo đài kiên cố chống lại mưu đồ đồng hoá thâm độc của kẻ thù.
 
Nhờ sức mạnh bền chặt của nền văn hoá Việt Nam mà hạt nhân cơ bản là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quật cường, cố kết, tương thân tương ái, vừa dũng cảm, vừa thông minh, sáng tạo đã là nhân tố quyết định làm cho dân tộc ta qua 1.117 năm bị đô hộ nhưng không hề bị đồng hoá và cuối cùng đã giành được độc lập tự chủ.
 
Ôn lại chương sử bi hùng của hơn một ngàn năm mất nước để ghi nhớ, nghĩ suy và rút ra những bài học cần thiết trong hành trình dân tộc tiến tới tương lai theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  Do điều kiện khách quan và trình độ của người biên soạn, cuốn sách khó tránh khỏi còn những thiếu sót. Nhà xuất bản cùng các tác giả rất mong bạn đọc gần xa góp ý kiến để sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh hơn.

                                                                                                                   
                                                                                                                Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
                                                                                                                                      Tháng 12 năm 2001
                             
                                                                                                                         NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 10:40:17 am »


MỞ ĐẦU

Trong tiến trình lịch sử quân sự Việt Nam, sau giai đoạn dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương - An Dương Vương là một thời kỳ dài hơn mười một thế kỷ đấu tranh giành độc lập tự chủ, thời kỳ mà sử sách nước ta gọi là thời Bắc thuộc.  Đây là một đêm trường đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam.  Đất nước bị ngoại bang đô hộ, nhân dân phải sống trong kiếp nô lệ, lầm than với biết bao đau thương tủi nhục.
 
Đất nước Văn Lang - Âu Lạc của các vua Hùng, vua Thục của người Việt lâm vào thảm hoạ diệt vong, đứng trước thử thách của sự mất còn. Nhưng không cam chịu làm nô lệ, không chịu để nước mất nhà tan, nhân dân ta thời kỳ đó đã vùng lên đấu tranh chống Bắc thuộc.
 
Trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, nhân dân ta đã từng bước giành thắng lợi và cuối cùng cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc đã toàn thắng. Bắt đầu là tinh thần quật khởi của nhân dân thời Hai Bà Trưng (năm 40), kết thúc là chiến thắng Bạch Đằng vào năm 938. Chiến công này như một cột mốc lịch sử quan trọng, chấm dứt thời kỳ đau thương của đất nước mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài, phục hưng rực rỡ của dân tộc.

Đã có nhiều nhà khoa học nhà sử học nghiên cứu và viết về giai đoạn lịch sử này. Trong mấy thập kỷ gần đây, giới sử học, khảo cổ học, dân tộc học văn hoá học, v.v. đã công bố những kết quả nghiên cứu của mình trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, về đất nước và con người Việt Nam giai đoạn Bắc thuộc.
 
Nhiều công trình khoa học được xuất bản, trong đó có những bộ Lịch sử Việt Nam, phản ánh khá sâu đậm về lịch sử dân tộc thời kỳ này. Đó là thành quả, là những cố gắng lớn của giới sử học nước nhà.
 
Tuy nhiên, lịch sử giai đoạn này còn nhiều khoảng trống chưa được nghiên cứu, và đặc biệt, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình lịch sử quân sự nào phản ánh đầy đủ các hoạt động quân sự trong diễn trình Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Vì thế, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam (14 tập) đã dành tập 2 viết về thời Bắc thuộc, về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta từ thế kỷ II TCN đến đầu thế kỷ X.

Mong muốn của Ban chỉ đạo và các tác giả của tập sách là kế thừa những thành quả nghiên cứu trước đây, tập hợp tư hếu lịch sử cổ của Việt Nam và Trung Quốc, đề xuất những ý kiến mới, nhằm phản ánh một cách hệ thống, tương đồi đầy đủ, toàn diện về lịch sử quân sự dân tộc ta trong hơn một ngàn năm đấu tranh giành độc lập tự chủ.

Lịch sử quân sự Việt Nam từ thế kỷ II TCN đến đầu thế kỷ X là lịch sử của các hoạt động quân sự của nhân dân ta trong cuộc trường chinh chống ách đô hộ ngoại bang.

Thời bấy giờ, làn sóng xâm lược, bành trướng Đại Hán qua nhiều triều đại như: Tần, Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Trần, Tuỳ, Đường dồn dập tràn xuống phía nam. Nhiều quốc gia, dân tộc đã thành lập hoặc đang trong quá trình hình thành đã bị đồng hoá; bị xẻ chia và sáp nhập.
 
Duy chỉ có tộc Việt sống trên lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc xưa là trụ vững không những không bị đồng hoá mà còn sớm biết bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá cổ truyền đồng thời biết hấp thụ các nhân tố văn hoá tiến bộ khác làm phong phú cho nền văn hoá dân tộc, tăng thêm nội lực cho đất nước.
 
Cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ các di sản văn hoá cổ truyền của nhân dân ta đã thành công. Đến thế kỷ X, nhân dân ta đã giành được quyền tự chủ đất nước.
 
Thực tiễn công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong hơn mười một thế kỷ ấy đã diễn ra như thế nào? Nguyên nhân thành công và thất bại của từng cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược trong giai đoạn này là gì? Nguồn gốc sức mạnh cứu nước của dân tộc ta từ đâu? Tại sao sau hơn một ngàn năm mất nước mà nhân dân ta đã giành lại được nước? Điều kỳ diệu này của lịch sử dân tộc cần được lý giải ra sao? v.v.. Góp phần làm sáng tỏ những vấn đề khoa học này cũng chính là mục đích của Ban chỉ đạo và các tác giả tham gia nghiên cứu và viết lịch sử quân sự giai đoạn này.

Thắng lợi trên lĩnh vực dấu tranh quân sự của dân tộc trong hơn một ngàn năm nói trên có ý nghĩa lớn lao trên nhiều lĩnh vực. Phong trào đấu tranh chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hoá dân tộc, chứng tỏ sức mạnh cứu nước - giữ nước Việt Nam được xây đắp từ buổi đầu dựng nước; đồng thời cũng thể hiện quyết tâm giành độc lập, ý chí tự lực tự cường, tinh thần quật khởi và khí phách anh hùng bất khuất của nhân dân ta trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Ý chí độc lập tự chủ và tinh thần đoàn kết thống nhất luôn luôn là cội nguồn cơ bản tạo nên sức mạnh kỳ diệu của dân  tộc ta.

Những trang sử dưới đây sẽ góp phần phản ánh thực tiễn chân thực và sinh động của cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá của nhân dân ta; góp phần làm sáng tỏ chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ nhưng đã dơng nên và làm chủ đất nước mình và số phận mình, là bất khuất và bất diệt.  Nó có thể tạm thời bị thất bại, nhưng không một sức mạnh nào có thể tiêu diệt được nó. Cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập tụ chủ, cuối cùng sẽ toàn thắng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 11:44:54 am »



NƯỚC ÂU LẠC DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC.
KHỞI NGHĨA VÀ CHIẾN TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC DO HAI BÀ TRƯNG LÃNH ĐẠO
(TỪ NĂM 179 TCN ĐẾN NĂM 44)

I. NƯỚC ÂU LẠC TỪ SAU THẤT BẠI CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG ĐẾN TRƯỚC THỜI TRƯNG VƯƠNG

1. Âu Lạc dưới ách thống trị của Nam Việt (179 -111 TCN)

Trước khi bị người phương Bắc chiếm đóng, Âu Lạc đã trải qua một thời kỳ dài dựng nước và giữ nước. Trên lãnh thổ Âu Lạc vốn đã xuất hiện một nền văn minh rực rỡ. Đó là văn minh sông Hồng mà người ta thường gọi là văn minh Đông Sơn hay văn minh Văn Lang - Âu Lạc, một nền văn minh bản địa có cơ sở từ nền kinh tế Nông nghiệp trồng lúa nước và một kết cấu xã hội kết hợp chặt chẽ giữa nhà - làng, vùng - miền và nước của cộng đồng người Việt cổ.
 
Xã hội Âu Lạc thời An Dương Vương đã phân hoá với những đặc trưng của hình thái Á châu. Tầng lớp dân tự do là thành viên của công xã Nông thôn tuy bị bóc lột nhưng vẫn bảo tồn được quan hệ bình đẳng trong kinh tế - xã hội. Tầng lớp thống trị đã vượt lên trên xã hội, nhưng chưa tách hẳn khối bình dân và mức độ bóc lột chưa gay gắt. Tầng lớp Nô tì bị bóc lột nặng nề hơn nhưng chỉ là thứ yếu trong xã hội.
 
Năm 179 TCN cuộc chiến đấu giữ nước của An Dương Vương thất bại. Từ đây cơ đồ Âu Lạc bị chìm đắm trong thảm hoạ bị người phương Bắc đô hộ, bắt đầu từ Nam Việt - Triệu Đà tiếp sau là các thế lực phong kiến Hán tộc trong nhiều triều đại khác nhau như Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tuỳ và Đường.

Sau khi chinh phục được Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập đất đai Âu Lạc vào lãnh thổ Nam Việt và tổ chức việc cai trị trên vùng đất này. Lãnh thổ Âu Lạc bị chia thành hai quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Thanh Nghệ Tĩnh).

Trước đấy, năm 206 TCN, Triệu Đà chiếm lĩnh địa bàn lưu vực Tây Giang gồm các quận Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc và đông Quảng Tây) và Tượng (tây Quảng Tây và nam Quý Châu), thành lập nước Nam Việt với kinh đô là Phiên Ngung (Quảng Châu).

Bằng cách chia Âu Lạc thành hai quận nói trên, Triệu Đà đã biến Âu Lạc thành những khu vực hành chính của lãnh thổ Nam Việt dưới quyền cai trị của mình. Với hơn nửa thế kỷ sinh sống ở đất Việt, Triệu Đà (gốc người nước Triệu, Hoa Bắc) đã ít nhiều Việt hoá.

Triệu Đà đặt hai viên quan sứ (đại diện của triều đình Phiên Ngung) để trông coi hai quận mới chiếm được. Sách Quảng châu ký (thế kỷ V) viết: “Nam Việt Vương Uý Đà đánh phá An Dương Vương, sai hai quan sứ trông coi hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là Âu Lạc vậy” (1).
 
Như thế, tổ chức chính quyền mới của Nam Việt đã bước đầu hình thành và phân chia dân cơ theo khu vực. Nhưng tất nhiên, tổ chức cũ theo huyết thống và tộc người còn tồn tại dai dẳng khá lâu ở đây không đặt thái thú cũng không có võ uý, chứng tỏ triều đình Nam Việt không trực tiếp cai trị Âu Lạc.
 
Trên thực tế, dưới cấp quận chưa có một hệ thống hành chính mới nào khác, nghĩa là chế độ “Lạc tướng cai trị Lạc dân” cơ bản vẫn như cũ. Trong hàng Lạc tướng, chúng ta vẫn thấy có các chức “vương” (Tây Vu Vương). Tây Vu là đất đai của bộ lạc cũ của họ Thục, vậy Tây Vu Vương có thể là con cháu của Thục Phán và có thể Triệu Đà vẫn để cho con cháu An Dương Vương làm chủ đất Tây Vu (Cổ Loa).
Trong các vùng (bộ hay “bộ lạc” theo Việt sử lược ) các Lạc tướng vẫn đứng đầu, cha truyền con nối, gọi là “phụ đạo” (2).

Lạc tướng vốn là các tù trưởng bộ lạc chuyển hoá mà thành. Họ có các trợ thủ và đội thân binh giúp việc cai quản và bảo vệ.


(1) Dẫn theo Tư Mã Thiên: Sử ký, q.113, T.2b.
(2). Nhà ngôn ngữ học GS,TS. Hoàng Thị châu đã cho rằng “phụ đạo , là một loại hình p’ tao , m’ tao . . . , có nghĩa hiện đại là “thủ lĩnh địa phương”. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 11:48:36 am »


Như vậy, Âu Lạc tuy đã mất chủ quyền nhưng chế độ Lạc tướng vẫn y nhiên tồn tại và tổ chức vùng (bộ hay bộ lạc) của người Việt cổ vẫn chưa hề bị xoá bỏ, cơ sở xã hội Âu Lạc vẫn chưa hề bị xáo trộn.  Cũng có người coi đây là một mánh khoé cai trị của nhà Triệu, tức là “ràng buộc lỏng lẻo”, muốn tranh thủ sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương, muốn làm cho người Việt không dễ dàng nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược và đồng hoá của nhà Triệu. Đây cũng là tuỳ theo cách nhìn nhận và đánh giá.

Cái triều đình Âu Lạc ấy chừng nào còn tồn tại được, ngoài sự giúp rập của một thiểu số quan lại Nam Việt người Hán (Trung Quốc) là nhờ vào sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương người Việt. Các Lạc tướng, Âu quân ở Âu Lạc vẫn cai trị dân như trước dưới quyền kiểm soát của hai viên quan sứ nhà Triệu.
 
Bên cạnh các viên quan sứ Triệu Đà còn đặt một chức võ quan và một số quân đồn trú đóng tại các quận lỵ nhằm vừa giúp việc cho sứ giả vừa để kiềm chế các Lạc tướng.  Các sứ giả của nhà Triệu đã tiến hành lập sổ hộ khẩu ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân để dễ bề thống trị, bóc lột.  Tổng dân số kê khai lúc đó là hơn 40 vạn người.  Tổ chức chính quyền nói trên của họ Triệu ở Âu Lạc là nhằm mục đích thực hiện chính sách dung dưỡng để thống trị, có lợi dụng tổ chức thị tộc bộ lạc cũ của Âu Lạc để áp bức bóc lột nhân dân các công xã Âu Lạc.

Trong tình hình đó, để bắt dân Âu Lạc thần phục, phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Triệu là bắt nộp các cống phẩm cho Nam Việt thông qua hai sứ giả. Sử cũ không chép cụ thể chế độ bóc lột của nhà Triệu ở Âu Lạc, nhưng thông qua các sản phẩm cống nộp thì có thể hiểu phần nào. Năm 120 TCN, Nam Việt cống Hán Vũ Đế voi và chim biết nói. Sách Thuỷ kinh chú chép rằng, năm 111 TCN “... hai sứ giả của Việt Vương đem 100 con bò, 1.000 hũ rượu cùng sổ hộ khẩu của hai quận ấy (tức Giao Chỉ và Cửu Chân) đến nộp cho Lộ tướng quân”. Số bò và rượu ấy tất nhiên họ đã lấy của nhân dân Âu Lạc qua trung gian các Lạc tướng.
 
Theo Tiền Hán thư, số đồ cống của Triệu Đà gửi dâng Hán Vũ Đế gồm có: một đôi ngọc bích trắng 1.000 con chim thuý (chim bói cá lông đẹp), 10 sừng tê 500 viên ngọc bối tía, một lọ quế đố (cà cuống), 40 đôi chim thuý sống, hai đôi chim công. . . Các đồ cống đó có lẽ do nhà Triệu đã vơ vét được ở Âu Lạc. Ngoài ra, có lê dân Âu Lạc còn phải cung đốn lương thực cho bọn quan lại và binh lính nhà Triệu đóng trên lãnh thổ Âu Lạc và tham gia sửa đắp thành luỹ, xây dựng nhà cửa cho bọn quan lại đô hộ ở các trung tâm cai trị.

Xét trong tình hình như vậy, xã hội Âu Lạc không mấy đổi thay. Dưới các viên quan sứ, các Lạc tướng vẫn cai quản vùng (bộ lạc) và các công xã thị tộc dưới quyền mình. Tất nhiên quá trình phân hoá xã hội vẫn diễn hành. Lạc tướng và tầng lớp quý tộc Âu Lạc bên cạnh việt phục vụ cho chính quyền nhà Triệu vẫn tìm cách làm giàu cho chính họ bằng việc bóc lột nhân dân. Mâu thuẫn trong xã hội Âu Lạc bấy giờ chủ yếu là giữa toàn thể nhân dân Âu Lạc dưới quyền lãnh đạo của tầng lớp quý tộc người Việt với ách thống trị của nhà Triệu. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có sử liệu ghi chép cụ thể về những biến động chính trị - quân sự ở Giao Chỉ và Cửu Chân trong thời gian hơn sáu mươi năm dưới sự thống trị của Nam Việt.

2. Nhà Hán chinh phục Nam Việt

Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Hán là một triều đại tồn tại lâu nhất, trên bốn thế kỷ, từ năm 206 TCN đến năm 220 SCN, chỉ gián đoạn trong mười mấy năm, thời Vương Mãng thoán vị (năm 8 đến năm 23).
 
Đây là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất ở Trung Quốc gồm hai giai đoạn: thứ nhất là Tây Hán cũng gọi là Tiền Hán (từ 206 TCN đến năm 23) (1) , có kinh đô ở Tràng An (Tân An); thứ hai là Đông Hán cũng gọi là Hậu Hán (từ năm 25 đến năm 220), kinh đô ở Lạc Dương nay thuộc Hà Nam Trung Quốc).
 
Trong giai đoạn Tây Hán, đến đời Hán Vũ Đế (từ năm 140 đến năm 87 TCN), nhà Hán đã phát triển thành một đế chế rộng lớn và là giai đoạn phát triển cường thịnh nhất.  Hán Vũ Đế độc tài, nóng nảy, cương quyết, nhiều tham vọng nhưng cũng rất mưu lược và tài năng, vừa sùng Nho học vừa ưa Đạo giáo, muốn trường sinh bất tử, như Hán Cao Tổ và Tần Thuỷ Hoàng. Ông dùng cả Pháp lẫn Nho để hoàn thành cuộc cải cách chính trị, củng cố chính thể quân chủ chuyên chế. Quyền hành tập trung cả ở triều đình, trong đó gồm một hệ thống quan lại là những kẻ sĩ có tài năng được tiến cử lên và do hoàng đế tuyển dụng, xếp đặt.


(1) Từ đầu năm 24 đến năm 25 ngôi vua thuộc về Lưu Huyền và Lưu Bồn Tử (một chú bé chăn bò được nghĩa quân Nông dân tôn lên làm vua). Xem Lịch sử thế giới trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.194-195.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 11:50:37 am »


Sau khi đánh dẹp được cuộc loạn bảy nước, nổ ra thời Hán Cảnh Đế (157-141 TCN) do Ngô Vương và Sở Vương khởi xướng, quyền lực trung ương được củng cố tới các miền xa. Trung Quốc thống nhất, chính trị ổn định, kinh tế có điều kiện phát triển.

Thời kỳ này Hán Vũ Đế có những cải cách kinh tế tiến bộ. Nhà nước độc quyền sản xuất và buôn bán sắt, muối và rượu; kiểm soát thương mại để ổn định giá cả hạn chế gian thương, trừng trị bọn cho vay nặng lãi. Nhà nước còn thi công những công trình lớn nhằm thu hút thợ thủ công. Công thương nghiệp phát triển, nhu cầu xa xỉ của giai cấp thống trị lớn, nên nhà Hán mong muốn mở rộng thị trường ra ngoài nước nhất là xuống phương Nam và sang phương Tây.

Trong lịch sử Trung Quốc, đây là giai đoạn bành trướng mạnh mẽ của đế chế Hán về mặt quân sự. Hán Vũ Đế là người kế tục đường lối bành trướng “bình thiên hạ” của Tần Thuỷ Hoàng, tức là phát triển về phía tây, phía thảo nguyên và phía bắc. Hán Vũ Đế muốn đẩy Hung Nô ra xa biên giới để chấm dứt cái hoạ Hung Nô truyền Kiếp, phá thế liên minh của các bộ lạc du mục do Hung Nô cầm đầu và kiểm soát được con đường thông thương qua phía tây để tăng thêm nguồn lợi về thương mại. Ngoài những lý do đó, còn để giữ thể diện, vì Vũ Đế không muốn chịu nhục nhã phải cống nộp cho Hung Nô cả sản vật và công chúa.

Muốn tiêu diệt hoạ Hung Nô và mở rộng bờ cõi thì quân đội phải mạnh. Hán Vũ Đế đã chú tâm xây dựng quân đội và vận dụng chính sách của Pháp gia, không tha thứ cho những viên tướng nhỡ bị thua trận; trái lại, vua Hán cũng thưởng công rất hậu cho những tướng nào thắng trận. Quân đội thời Hán rất mạnh và thiện chiến, trong đó có cả những đoàn kỵ mã lừng danh.

Phía bắc, nhà Hán tiến công Hung Nô, chiếm được một vùng rộng lớn, gần Lũng Tây, Lũng Đông, Hà Tây, mở đường thông tới Tây Vực (Trung Á). Năm 110 TCN, đế chế Hán cử 10 vạn quân chinh phục tộc Thương; năm 101 TCN, chinh phục nước Đại Uyển. Các nước Tây Vực khác lần lượt chịu thần phục và triều cống nhà Hán.

Năm 108 TCN, thuỷ, lục quân Hán tiến công sang phía đông bắc, chiếm Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay ), vừa để uy hiếp Hung Nô, vừa để chiếm nguồn lợi thương mại trong quan hệ với Nhật Bản. Để mở đường tiến đến nước Thân Độc (Ấn Độ), nhà Hán chinh phục miền tây nam Di (vùng tây nam Trung Quốc) vào năm 111 TCN đồng thời cũng để mở thông đường đi chinh phục Nam Việt.
 
Năm 109 TCN nhà Hán chinh phục Điền quốc (Vân Nam ngày nay). Như vậy: nhà Hán đã bắt đầu tiến xuống phía nam, bành trướng đế chế về miền nhiệt đới, mở cửa để tiến xuống vùng Đông Nam Á và tiếp xúc với thế giới Ấn Độ Dương (nói theo khái niệm địa lý hiện đại).
 
Cuộc xâm lược bành trướng của đế chế Hán xuống phía nam Trường Giang, một công cuộc kế tục tiên Tần và sẽ còn tiếp tục dọc dài lịch sử gần hai chục thế kỷ tạo thành một trong những sự kiện lớn của lịch sử Đông Á: dài lâu về thời gian và đầy biến động phức tạp về di động dân cư hỗn chủng, làm biến mất hay biến đổi sâu xa nhiều nền văn hoá và văn minh cổ xưa, giao tiếp và giao lưu văn hoá, tiêu diệt nhiều quốc gia cổ đại như nước Điền ở Vân Nam (vùng Côn Minh), Dạ Lang ở Quý châu (trên trục giao thông Tứ Xuyên - Quảng Đông), Mân Việt ở Phúc Kiến , v.v..
 
Quân Hán chinh phục nước Điền vào năm 109 TCN. Vua Điền còn nhận vương hiệu của nhà Hán đến đời Chiêu Đế (87-76 TCN), rồi bị bãi bỏ sau một âm mưu chống đối. Từ năm 86 đến 82 TCN, nhà Hán chinh phục các bộ lạc “Côn Minh”, bành trướng tới giáp lãnh thổ Miến Điện (1).

Trước đây, Mân Việt bị nhà Tần chinh phục, sau đã tạm thời giành lại nước sau cuộc loạn cuối Tần, rồi lại bị Nam Việt thần phục, tuy nhiên vẫn luôn chống lại Nam Việt. Đến năm 110 TCN thì Mân Việt hoàn toàn bị nhà Hán chinh phục.

Về phần Nam Việt, sau khi Triệu Đà mất (137 TCN), cháu là Triệu Hồ lên thay. Năm 135 TCN, chư hầu của Nam Việt là Mân Việt nổi lên chống lại và đánh các biên ấp của Nam Việt. Triệu Hồ cầu cứu nhà Hán. Lợi dụng cơ hội này, nhà Hán phát binh đánh Mân Việt.

Để đánh các tiểu quốc pha nam, đế chế Hán dùng thủ đoạn chính trị thâm độc là kích động những cuộc bất hoà và xung đột giữa các triều đình và thủ lĩnh đất Việt rồi lợi dụng cơ hội đó mà can thiệp bằng quân sự. Quân Hán chưa đến nơi, em Mân Việt Vương  Sính là Dư Thiệu đã giết anh, đầu hàng nhà Hán.


(1) Nay là Myanma.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 11:54:24 am »


Vua Hán sai Nghiêm Trợ sang sứ phủ dụ Nam Việt, mua chuộc và đe doạ để buộc Nam Việt chịu “nội thuộc”. Triệu Hồ phải cho con là Anh Tề sang làm con tin ở triều đình Hán. Anh Tề lấy thêm vợ Hán (Cù Thị). Được hơn 10 năm, Triệu Hồ chết, Anh Tề lên thay (tức Triệu Minh Vương lập Cù Thị làm hoàng hậu và con Cù Thị là Hưng làm thái tử. Lữ Gia làm thái phó.
 
Đối với triều Hán, Anh Tề tuy vẫn tỏ lòng thần phục, song vẫn muốn duy trì chính quyền Nam Việt. Năm 113 TCN, Anh Tề chết, Triệu Hưng lên thay (tức Triệu Ai Vương), tôn mẹ làm thái hậu. Triều đình Nam Việt ngày một Hán hoá.  Nhà Hán sai tình nhân cũ của Cù Thái hậu là an quốc Thiếu Quý sang dụ Cù Thị và Triệu Hưng thần phục; lúc đó cũng có cả bọn biện sĩ và dũng sĩ đi theo để giúp sức, dụ dỗ và doạ dẫm.

Tập đoàn thống trị của Nam Việt chia làm hai phe. Phe thân Hán, đại biểu là Cù Thị và Triệu Hưng, sẵn sàng đầu hàng nhà Hán. Phe thứ hai đại biểu là Lữ Gia, cố sức duy trì chính quyền Nam Việt, muốn xây dựng một quốc gia riêng biệt.

Lữ Gia là lão thần của Nam Việt, là thông gia hai chiều với vua Nam Việt, thế lực rất lớn. Lữ Gia thấy nếu Nam Việt quy phục Hán thì chẳng những mất quyền tự chủ mà thế lực của mình cũng bị mất do đó càng kiên quyết chống lại nhà Hán. Nhà Hán sai Hàn Thiên Thu đem theo 200 dũng sĩ sang Nam Việt để giết Lữ Gia. Lữ Gia cùng em dấv binh giết Cù Thị, Triệu Hưng và sứ giả nhà Hán, lập con trưởng Minh Vương (con người vợ Việt) là thuật dương hầu Kiến Đức làm vua, phá tan được quân Hán (112 TCN).

Nhà Hán liền cất quân đánh Nam Việt. Đạo quân này có hơn 10 vạn người (1), trong đó có cả quân lâu thuyền, có các tội nhân và một số người Việt đầu hàng làm quan tướng cho Hán, dưới quyền thống lĩnh của phục ba tướng quân Lộ Bác Đức, chia thành nhiều đường tiến vào Nam Việt. Trong số các tướng chỉ huy có ba tướng người Việt đầu hàng quân Hán. 

Mùa đông năm 111 TCN, quân Hán vào đất Nam Việt, tiến đánh quân tiên phong của Nam Việt, bắt được vài vạn người và chiếm được nhiều thuyền chở lúa. Quân Hán thừa thắng tiến đánh Phiên Nhung (Quảng châu). Đô thành thất thủ, Lữ Gia, Kiến Đức cùng vài trăm người định dùng thuyền vượt biển. Nhưng do nội bộ Nam Việt phân hoá, chia rẽ, hiệu uý tư mã của Nam Việt là Tô Hoẵng bắt Kiến Đức, quan lang người Việt là Đô Kê bắt sống Lữ Gia, đem nộp cho Lộ Bác Đức. Bọn quan lại Nam Việt lần lượt đầu hàng nhà Hán (2)  .
 
Chớp thời Cơ đó trên đất Âu Lạc cũ, Tây Vu Vương (3) đã lãnh đạo dân chúng nổi dậy khởi nghĩa, chống lại bọn sứ giả nhà Triệu.

Khởi nghĩa Tây Vu Vương là cuộc nổi dậy chống Bắc thuộc đầu tiên của nhân dân ta mà sử cũ còn ghi lại. Đó là cuộc khởi nghĩa của một bộ phận người Âu Lạc, dưới sự  lãnh đạo của một thủ  lĩnh thuộc dòng quý tộc Âu Lạc cũ, nhằm khôi phục quyền độc lập cho đất nước Âu Lạc.

Nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại. Tây Vu Vương bị viên tả tướng nhà Triệu là Hoàng Đồng chém chết. Bọn quan lại nhà Triệu, sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa đã đầu hàng Lộ Bác Đức, dâng đất đai Âu Lạc cho nhà Hán. Từ đây lãnh thổ và cư dân Âu Lạc bị nhà Hán cai trị (111 TCN).
 
Vậy là, đế chế Hán đã thống trị trên một lãnh địa rộng lớn, phía bắc tới Mãn châu, Triều Tiên, phía nam tới nước ta và Miến Điện, phía tây và tây bắc tới Tây Tạng và vùng Trung Á (theo cái nhìn địa lý ngày nay).


(1) Tư Mã Thiên: Sử ký, Binh chuẩn thu chép là hơn 20 vạn.
(2) Ở vùng Sài Sơn (núi Thầy - Quốc Oai - Hà Tây) và vài nơi khác có lập đền và thờ Lữ Gia với tâm thức Lữ Gia là người kháng Hán.
(3) Tây Vu Vương, tức thủ lĩnh Tây Vu, có lẽ thuộc dòng dõi An Dương Vương, cai trị vùng đất Cổ Loa, phía bắc châu thổ Bắc Bộ thời thuộc Triệu. Cổ Loa là đất thuộc bộ Tây Vu; thời thuộc Hán, đổi thành huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Theo Hậu Hán thư, dân số huyện Tây Vu gần bằng số hộ cả quận Cửu Chân. Sau đó, khi Mã Viện đã đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chia huyện Tây Vu thành ba huyện: Tây Vu, Phong Khê và Vọng Hải thuộc quận Giao Chỉ.   
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 09:45:24 pm »


Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, khi nghe tin quân Hán đến, Thương Ngô Vương Triệu Quang, cùng họ với vua Nam Việt, cai trị phần đông và bắc Quảng Tây đã cùng huyện lệnh Yết Dương là Định đầu hàng quân Hán. Quan giám sát Quế Lâm (phần tây và nam Quảng Tây giáp địa giới Âu Lạc) của Nam Việt là Cư Ông (người gốc Việt) đã dụ bọn sứ giả nhà Triệu ở Âu Lạc đầu hàng, thần phục nhà Hán. Sử chép:

“Giám Quế Lâm của Việt là Cư Ông dụ bảo hơn 40 vạn dân Âu Lạc hàng (Hán), được phong làm tương thành hầu” (1). Sách Giao châu ngoại vực ký chép rằng: “Lộ tướng quân (tức Lộ Bác Đức) đến Hợp Phố (nay thuộc tỉnh Quảng Tây), hai sứ giả của Việt Vương đem 100 con trâu bò, 1.000 hũ rượu cùng sổ hộ khẩu của dân hai quận ấy đến nộp cho Lộ tướng quân. Bèn cho hai sứ giả ấy làm thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân, các Lạc tướng cai quản dân như cũ” (2).
 
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cũng chép tương tự: “Bấy giờ, nước Việt ta sai ba quan sứ đem 300 con trâu. 1.000 chung rượu và sổ hộ của ba quận Giao Chỉ Cửu Chân và Nhật Nam đến xin hồng; Lộ Bác Đức nhân đó cho ba người ấy làm thái thú ở ba quận để trị dân như cũ” (3).

3. Chính sách cai trị của nhà Tây Hán trên đất Âu Lạc (từ năm 1 11 TCN đến năm 23 )

Chinh phục được Nam Việt và Âu Lạc, đế chế Hán đã chiếm được một vùng rộng lớn trong đó có những miền châu thổ phì nhiêu, đông dân (lưu vực sông châu, sông Hồng), những trung tâm kinh tế, chính trị (Phiên Ngang, Cổ Loa), những vùng cáng thị quan trọng, giao thông thương mại thuận lợi (Quảng châu, Vân Đồn), những miền có lâm sản, hải sản quý như ngà voi, sừng tê, ngọc trai, đồi mồi, chim trả...

Nhà Hán chia đất nước Nam Việt thành chín quận:

Đam Nhĩ, Chu Nhai (Hải Nam), Nam Hải (Quảng Đông), Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (Quảng Tây), Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Thanh - Nghệ Tĩnh) và Nhật Nam (từ Đèo Ngang đến Quảng Nam). Chính sử nước ta chép rằng: “Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán. Nhà Hán cho Thạnh Đái làm thái thú chín quận (chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận châu Nhai và Đam Nhĩ đều ở giữa biển, còn bảy quận thuộc Giao châu, Đái làm châu thái thú. Thời Tây Hán, trị sở của thái thú đặt tại Long Uyên, tức Long Biên.  Thời (đầu) Đông Hán đặt tại Mê Linh (tức Yên Lãng)” (4).

Theo Tiền Hán thư, số hộ khẩu bảy quận trên như sau:

Tên quận             Sốhộ                               Số nhân khẩu
Nam Hải             19.613                                   94.253
Uất Lâm              12.415                                   71.162
Thương Ngô         24.379                                   146.160
Giao Chỉ              92.379                                   746.237
Hợp Phố              15.398                                   78.980
Cửu Chân            35.743                                   166. 013
Nhật Nam            15.400                                   69.485
Tổng cộng           215.387                                 1.372.290

Chỉ tính riêng ba quận (ở nước ta bấy giờ) là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, số hộ là 143.643 với 981.735 người (5). 

Năm 106 TCN, nhà Hán đặt châu Giao Chỉ, thống suất bảy quận ở lục địa, trụ sở đặt tại đất Mê Linh, quận Giao Chỉ - quận lớn nhất và quan trọng nhất.
 
Đứng đầu là chức thứ sử, phụ trách thanh tra công việc của các quận. Mỗi quận có một viên thái thú và một viên đô uý (coi việc dân sự và quân sự). Dưới quận là huyện. Nhưng ở huyện, “phần nhiều” còn do các Lạc tướng “trị dân như cũ” . Phương thức bóc lột cơ bản vẫn là phương thức cống nạp.  Thứ sử có quyền xem xét kiểm tra việc cai trị ở các quận theo sáu điều sau:

1. Những cường Tông hào hữu có ruộng đất, nhà cửa quá phép đã định, lấy mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít.
 
2. Quan vào bậc 2.000 thạch lúa (tức lương bổng hằng năm) là quan thái thú (quận thú), không vâng theo chiếu chết bỏ công theo tư nhận chiếu thư mà thủ lợi hà hiếp trăm họ vơ vét gian tham.

3. Quan vào bậc 2.000 thạch không để ý xét các nghi án, hung dữ giết người, giận thì mặc sức giết, vui thì tha hồ thưởng, phiền nhiễu hà khắc, bóc lột dân đen, trăm họ đều ghét, phao đặt những điềm gở như núi lở, đá tan. . .

4. Quan vào bậc 2.000 thạch mà tuyển bổ không công bằng, a dua người mình yêu, che lấp người hiền, yêu dùng kẻ dở.

5. Con em các quan vào bậc 2.000 thạch mà cậy thế cậy thần, xin xỏ công việc.

6. Quan vào bậc 2.000 thạch mà làm trái lẽ công, bè đảng với kẻ dưới, a phụ hào cường, thông hành hồi lộ, tổn phạm chính lệnh (6).


(1). Tư Mã Thiên: Sử ký, q. 113; Tiền Hán thư, q.9 T.13a.
(2). Giao châu ngoại vực ký.
(3). Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. T.1 tr.153, 155.
(4). Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. T.1 tr.153, 155.
(5) Theo Tiền Hán thư, q.28, hạ, Địa lý chí, T.9b-10a.
(6) Dẫn theo Hán quan điển chức nghi, Tiền Hán thư, q.19, thượng, biểu 13a.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2008, 09:52:17 pm »

Dưới chức thứ sử là chức thái thú, ăn lương 2.000 thạch, cầm đầu một quận; bên cạnh thái thú có viên đô uý cũng hưởng lương 2.000 thạch, coi việc quân sự, đàn áp nhân dân thuộc quốc.
 
Buổi đầu, hai viên sứ giả nhà Triệu đầu hàng đã được nhà Hán cho làm thái thú hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Thái thú là kẻ trực tiếp đại diện cho chính quyền phong kiến trung ương để thống trị dân chúng Âu Lạc. Hằng năm, thái thú nộp thuế cống thu được trong quận để đưa lên triều đình trung ương. Số đồ cống đó, thái thú bắt các Lạc tướng đốc thúc dân nộp lên. Lạc tướng dưới quyền kiểm soát của thái thú và vẫn “trị dân như cũ’, nghĩa là vẫn được hưởng quyền thế tập như xưa, chủ trì công việc trong “địa phương” của mình.

Song “bộ lạc” đã đổi thành huyện, lạc tướng cũng được mang danh là huyện lệnh, với “ấn đồng dây tua xanh” .

Như vậy, thời kỳ đầu nhà Hán vẫn kế tục chính sách cai trị cũ của nhà Triệu trên đất Âu Lạc, đó là chế độ “dung dưỡng để thống trị”. Theo Sử ký và Tiền Hán thư, chính sách của nhà Tây Hán đối với các quận mới chinh phục được là “lấy tục cũ của nó mà cai trị” (1).
 
Tuy nhà Hán đã áp đặt được một bộ máy đô hộ ở cấp châu, cấp quận song chính giới thống trị Hán tộc cũng phải thú nhận rằng chúng chỉ có thể “dùng tục cũ mà cai trị”; chúng không nắm được các huyện vì ở huyện vẫn theo chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt.

Điều đó có nghĩa là đẳng cấp quý tộc Việt cổ vẫn giữ được thế mạnh là quyền uy của Tông tộc mà cai trị dân Việt.  Phương thức bóc lột cơ bản vẫn là phương thức cống nạp.  Đồ cống phần nhiều là của báu, vật lạ, như sừng tê, ngà voi, đồi mồi, ngọc cơ... Tiền Hán thư chép, năm Nguyên Khang thứ tư (62 TCN), đời Hán Tuyên Đế “Quận Cửu Chân dâng thú lạ” (2).

Năm thứ nhất niên hiệu Nguyên Thuỷ, “mùa xuân, tháng giêng Việt Thường thị qua nhiều lần dịch tiến đem dâng một con trĩ trắng, hai con trĩ đen”. Sách Hán nghi thức của Linh Phù nói rằng: “Cửu Chân, Giao Chỉ, Nhật Nam, dùng hai sừng tê dài chín tấc và một mai đồi mồi; Uất Lâm dùng một ngà voi dài ba thước trở lên và 20 bộ lông chim trĩ để thay cho vàng” (3).
 
Ngoài các thứ trên, cây tre của Âu Lạc cũng là vật quý lạ đối với Trung Quốc. Sách Lã thị Xuân thu (thời Tần, q.14) chép: “Các thứ tốt có gừng của Dương Phác, quế của Chiêu Dao, tre khuẩn của Lạc Việt”. Tre khuẩn còn có tên là xạ đồng. Sách Bác vật chí của Lưu Uyên Lâm chép: “Xạ đồng (tre) do Ngô đều sản xuất ở Giao Chỉ và Cửu Chân”.
 
Tiền Hán thư cũng chép rằng “ở huyện Tây Quyển, quận Nhật Nam (Quảng Bình) có thứ tre có thể làm gậy được” (4). 
Ngoài phương thức bóc lột bằng cống nạp, bọn quan lại nhà Hán còn bóc lột nhân dân Âu Lạc bằng việt mua bán thổ sản và Nô tì. Tiền Hán thư chép rằng một viên hầu tước nhà Hán là ích Xương “năm thứ tư hiệu Ngũ Phượng (54 TCN can tội khi làm thái thú Cửu Chân, trộm sai người mua sừng tê và Nô tì, tang vật có trăm vạn (tiền đồng) trở lên...” (5).

Sau khi xâm lược được Nam Việt, trong đó có Âu Lạc, việc buôn bán ở khu vực phía nam của người Hán rất phát triển; bọn quan lại và thương nhân nhà Hán làm giàu rất chóng. Buôn bán thổ sản của người bản xứ là một phương thức thu nhập quan trọng của bọn thống trị Hán tộc đối với nhân dân ở những vùng chúng đã chinh phục.

Dưới ách thống trị của nhà Hán, nhân dân Âu Lạc luôn nổi dậy chống lại, tình trạng mất an mình là thường xuyên đối với bọn quan lại nhà Hán. Vua Hán phải luôn năm phái quan lại và quân đội từ Hoa Nam xuống để đàn áp: “Cách một năm lại phải điều động hàng vạn người, phí tổn đều trông vào quan đại nông” (6). vì thế, “quân sĩ miền Kinh Sở (Hồ Quảng) mệt mỏi vì Âu Lạc” (7).
 
Đó cũng là kết quả tất yếu của chính sách xâm lược và thống trị của nhà Hán trên đất Âu Lạc và biểu hiện tinh thần quật cường của dân Âu - Lạc Việt.


(1). Tư Mã Thiên: Sử ký, q.30, t.14a; Tiền Hán thư, Thức hoá chí, q.24, hạ, t.14a. Nguyên văn tiếng Hán: “dĩ kỳ cố tre trị”.
(2). Tiền Hán thư, q.8, t.13b.
(3). Dẫn theo Hậu Hán thư, q.3, t.7a và 8a.(4). Tiền Hán Thư, q.28 hạ, t.10b.(5). Tiền Hán thư, q.17, t.13b.
(6). Tư Mã Thiển: Sử ký, q.30; Tiền Hán thư, q.24, hạ.
(7). Theo Viên Khoan: Diêm thiệt luận, q. 14. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM