Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:55:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đ  (Đọc 100809 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2007, 07:08:40 pm »

Sông Đồng Nai là con sông chính gắn liền với lịch sử Chiến khu Đ. Có phải đây cũng là dòng sông của thơ ca và truyền thuyết?

“Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông”

(Bế Kiến Quốc)

Dòng sông Đồng Nai với thiên nhiên, lịch sử tuyệt vời, là niềm tự hào của những người dân Đồng Nai và căn cứ Chiến khu Đ.

Vì sao lại có tên Đồng Nai? Đồng Nai thoát thai từ hai tiếng Nông Nại, tức Chu Nại-nghĩa là đất Nai, là cánh đồng có nhiều nai vàng, đó là loài vật mảnh mai cao ráo luôn ngẩng cao đầu lao về phía trước, với cặp sừng tua tủa như gươm giáo và đôi  mắt dịu hiền êm ái như nhung, đôi khi rực rỡ như đuốc, như sao. Có lẽ vẻ đẹp của nai vàng bên sông khiến cho những tên khác của dòng sông này tuy gợi cảm như Lộc Giả, Phước Long, Hoà Quí, Sa Hà… nhưng qua sàng lọc tháng năm, duy nhất hai tiếng Đồng Nai còn lại.

Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền
Phái đẹp lấy sông để khích lệ “hướng đạo” giới mày râu:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng
Bạn bề nhờ sông để dẫn dụ, mời mọc, rủ rê:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về


Dân gian truyền tụng về những đặc sản nổi tiếng phương Nam:

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ca ngợi một vùng quê lý tưởng, có câu:
Đồng Nai nước ngọt, gió hiền
Biên Hùng muôn thuở đây miền yên vui
Kẻ thù kháo với nhau nỗi kinh hoàng truyền kiếp về một dòng sông:
Đồng Nai đi dễ khó về
Lính đi bỏ mạng, quan về mất lon
Mô tả về biến cố do quân xâm lược gây ra, nhà thơ yếu nước Nguyễn Đình Chiểu viết:
Bến Nghé, của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

v.v…

Viết về truyền thuyết, sông Đồng Nai có một câu chuyện tình thật lãng mạn, bi thương:

Ngày xửa ngày xửa, vào giữa thế kỷ VI, nước Chiêm Thành ở cuối sông Đồng Nai còn vương quốc Phù Nam đóng đô trên thác Trị An. Là một dũng sĩ Chiêm Thành với khao khát đi tìm miền đất lạ để thoả chí giang hồ, Satrida ngược sông Đồng Nai rồi gác mái chèo lãng du ngắm cảnh vật u nhàn, non xanh nước biếc, chim hót, hoa cười trên dòng suối hùng vĩ. Đang say sưa ngắm cảnh vật chàng bị nghi vấn, bắt giải vào cung vua. Sau khi xét thấy chàng trai không có ý đồ do thám, xâm lược, lại trí dũng hơn người, giỏi nghề cung kiếm và được công chúa Liễu Du quyến luyến, nhà vua Phù Nam giao cho chàng việc bảo giá hoàng gia, Mặc dù được yêu chiều rất mực và bản thân chàng cũng quyến luyến Liễu Du, nhưng trong sâu kín tâm hồn, Satrida không nguôi nỗi nhớ Chiêm Thành, một lòng khao khát trở về quê hương. Biết được điều đó, vua Phù Nam lăn đá lấp sông, tạo thành thác Trị An ngày nay để cản đường về của chàng dũng sĩ Chiêm Thành. Đường trở về bị lấp nhưng nỗi nhó nhà nung nấu trong Satrida. Và khi phát hiện ra lối về sau linh kiều Tsien-nơi thờ thần mà tập tục thượng nguôn cấm không ai được bước qua vì điều đó dẫn đến vong quốc-Satrida nhân lúc vắng vẻ liều mạng chạy qua. Chàng liền bị bắt về, trói đứng giữa thác Trị An. Rồi một loạt mũi tên bắn ra khiến chàng rớt xuống vực sâu, bị nước cuốn trôi… Công chúa Liễu Du ngày đêm khóc thương người yêu vô tội, đêm lẻn xuống bậc pháp trường giữa sông tìm xác Satrida, cũng chính cha nàng ra lệnh xử bắn nàng tại đây để vừa lòng quốc dân “vì con gái cưng của nhà vua, niềm kiêu hãnh của thượng nguồn khóc than kẻ phản nghịch”. Thế là từ đó Trị An vang lên tiếng khóc oan ức của nàng công chúa Liễu Du. Cũng theo truyền thuyết, trên bậc tam cấp của thác Trị An có một hòn đá mang dáng người đàn bà, đó là nàng công chúa Liễu Du hóa đá vọng phu. Và bậc thang cuối cùng của sông Đồng Nai có tên là Trị An như một triết lý sâu sắc: muốn an ninh phải nội trị. Có người cho rằng hai tiếng Trị An được đọc trại từ linh kiều “Tsien” mà thành.

Sông Đồng Nai cảnh quan xinh đẹp tới tận thượng nguồn. Ít ai ngờ dòng sông gắn liền với lịch sử Chiến khu Đ lại có một cái tên sinh ra từ truyền thuyết và trở thành một tượng đài của lòng quyết tâm, lao động và sáng tạo làm nên Nhà máy thuỷ điện Trị An, một công trình thuỷ điện lớn nhất ở phía nam Tổ quốc.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:27:57 pm »

Nhà máy thuỷ điện Trị An ở thượng nguồn sông Đồng Nai Chiến khu Đ là tượng đài chiến thắng của cách mạng sau chiến tranh. Xin cho biết sơ qua về công trình xuyên thế kỷ này?


Ở các tỉnh thành phía nam, nhất là những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh thiếu điện nghiêm trọng vào những năm 80-81. Trong lúc đó Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim cạn nước, thiết bị hư hỏng; Nhà máy nhiệt điệt Thủ Đức không có đô la nhập dầu, thay thế thiết bị; dấn số tăng nhanh, nhiều xí nghiệp ngành nghề, vùng chuyên canh… ra đời sau giải phóng. Đó là lý do dẫn đến việc cắt điện mỗi tuần 4 đến 5 ngày, có khi 6 ngày.

Giáo sư tiến sĩ Trần Kim Thạch đã dự báo tình trạng này từ cuối năm 1975 và thấy cần phải xây dựng ngay nhà máy thuỷ điện Trị An. Ý kiến này được các đồng chí trong Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành uỷ ra Trung ương đấu tranh cho thuỷ điện Trị An được đưa vào kế hoạch công trình trọng điểm của Nhà nước. Nhưng kẹt vốn phải tập trung đầu tư cho thủy điện Sông Đà.
Nếu như đồng chí Võ Văn Kiệt là người khởi xướng, thì sau khi ông ra Trung ương, Thiếu tướng Trần Văn Danh (nguyên là chỉ huy tình báo B2, sau khi rời chức Tư lệnh thành phố sang làm Phó Chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ Điện lực) là người trường kỳ huy động sức dấnuốt 7-8 năm ròng. Lúc ấy, Liên Xô còn đầy khó khăn nhưng cũng đứng ra giúp ta xây dựng công trình thuỷ điện quan trọng này.

Từ đầu năm 1982, phong trào ủng hộ thuỷ điện Trị An dấy lên vô cùng rầm rộ trong mọi ngành mọi giới ở thành phố. Từ đó phong trào lan ra các tỉnh phía Nam. Kết quả đã huy động được 100 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng số tiền đầu tư của nhà nước cho Trị An, trong đó thành phố Hồ Chí Minh đóng góp hơn phân nửa. Bà con Việt kiều ủng hộ 100 ngàn đô la.

Nhà máy khởi công đổ khối bê tông đầu tiên ngày 23-9-1985. Hàng ngàn thanh niên thành phố lên công trường Trị An. 19 ngàn dân Đồng Nai ở Chiến khu Đ di dân khỏi lòng hồ, chịu biết bao thiệt thòi, hi sinh cho đại sự. Hàng triệu lượt người dân Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7… kéo lên làm trắng lòng hồ… Hồ Trị An dài 30km, rộng 10km, nơi sâu nhất 24m. Diện tích mặt hồ ở cốt 62 là 32.300ha với 78 đồi núi biến thành đảo nổi. Đáy hồ có 30.000 ha rừng. Đây là 1 trong 3 hạng mục chính của công trình thuỷ điện Trị An.

Các đơn vị thi công công trình gồm Liên hiệp các xí nghiệp Thuỷ lợi 4 thuộc Bộ Thuỷ lợi, Tổng công ty xây dựng, Xí nghiệp khai thác vât liệu, Công ty xây dựng và cung ứng vật tư vận tải, nhà máy sửa chữa xe máy Bình Triệu, Trường công nhân cơ giới… đã tạo nên hệ thống đập Trị An: Đập tràn có 8 khoang tràn, mỗi khoang rộng 15m, xả lũ với lưu lượng 19.000m3/giây với tổng khối lượng đào móng 1,5 triệu m3 đất đá và đổ 150.000m3 bê tông cốt thép. Đập chính ngăn sông dài 960m, cao 40m, khối lượng đào đắp 1,6 triệu m3… Toàn bộ công trình với khối lượng đào đắp 45 triệu m3 đất đá, đổ gần 40 vạn m3 bê tông, khoan phụt 63 ngàn m3 xi măng xử lý lòng hồ, lắp ráp 13 ngàn tấn thiết bị sắt thép; sử dụng hàng vạn tấn sắt thép, hàng chục vạn tấn cát sỏi, xây dựng hàng chục vạn m2 kho tàng, và cả một hệ thống cầu đường, bến cảng, điện nước, khai thác vật liệu…

10 giờ ngày 12-1-1987, hàng vạn người trên công trường chứng kiến giờ phút ngăn sông Đồng Nai. Hơn 300 ô tô, xe máng trút xuống dòng sông hàng ngàn mét khối đá hộc, bê tông. Dòng chảy vạn kiếp của sông Đồng Nai qua thác Trị An vĩnh viễn bị chặn lại.

Sau những tháng ngày lao động cật lực của cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô, ngày 31-1-1987, tổ máy số 1 khởi động và đến ngày 27-4, chính thức hoà vào lưới điện quốc gia, sau 100 ngày đêm gian khổ sửa chữa đường ống số 1 bị sự cố nứt rạn. Ngày 5-9-1989, tổ máy số 4 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy Thuỷ điện Trị An vận hành đưa dòng điện vào cuộc hành trình của đất nước.

Sau 5 năm xây dựng, nhà máy Thuỷ điện Trị An một công trình thế kỷ ở Chiến khu Đ đã đi vào hoạt động với công suất 400Kw, điện lượng 1.760 Kwh là biểu tượng rực rỡ của ý chí Việt Nam, là bài ca bất hủ của tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:28:39 pm »

Chiến khu Đ có rừng cấm Nam Cát Tiên. Xin cho biết khu rừng bảo tồn thiên nhiên độc đáo này?


Sau ngày giải phóng, khu rừng cấm Nam Cát Tiên đã được Nhà nước quyết định bảo tồn thành rừng quốc gia. Đây là một trong hai khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở nước ta: Cát Tiên và Cúc Phương.

Nằm trọn trên thượng nguồn các con suối đổ ra sông Đồng Nai, với diện tích 38.000 ha, Nam Cát Tiên vừa là vùng đồi thấp, vừa có địa hình bậc thềm sông lại liên tiếp có những vùng nước sình lầy. Trong rừng có 200 loài thực vật, hàng chục loài cây thuốc, 62 loài thú, 121 loài chim, hàng chục loài bò sát, hàng triệu cây tre, lồ ô…

Ở đây có loài gỗ quí thân cao 40-50m, gốc to 10 người ôm không xuể như bằng lăng, gõ đỏ, vên vên, căm xe, ván hương. Trong rừng có những đàn chim độc đáo nhất nước với đủ loài chim ăn cá, những bàu nước với hàng trăm con cá sấu vùng vẫy; những loài chim hiếm có như công, trĩ, sếu và từng đàn mễn, voi, hổ, báo, trâu rừng, bò rừng, lợn rừng, bò tót, gấu, hươu, nai,… Vẻ đẹp của Nam Cát Tiên được trang điểm bởi Thác Trờì ào ào trút nước trắng xoá một dải giữa núi rừng nguyên thuỷ âm u. Xen trong tiếng thác triền miên là tiếng voi rống, vượn hú, mễn tác, cọp gầm…

Đi vào Nam Cát Tiên là đi vào cõi thuỷ mạc của muôn loài sơn lâm với cảnh đẹp ru hồn, cho ra những phút thư giãn vô cùng sảng khoái. Cùng tồn tại với Cát Tiên là những hồ Đa Dung, Đa Nhim, Liên Khương, Định Quán, Tà Lài, Trị An. Nơi đây thấp thoáng bóng ngườì cổ xưa, những di chỉ tiền sử, những tầng hóa thạch, những mỏ khoáng sản vùi sâu dưới lớp đất đá mênh mông.

Phải chăng thiên nhiên đã hào phóng ưu đãi cho xứ Đồng Nai một cảnh sắc khó so bì để trung hoà lại sự khắc nghiệt gian khổ của Chiến khu Đ?

Rừng quốc gia Nam Cát Tiên đang được bảo tồn nghiêm ngặt để giữ gìn những báu vật thiên nhiên ban tặng, đã trở thành tài sản vô giá của người nhà.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:29:02 pm »

Có phải nghề gốm sứ là một công nghệ độc đáo của vùng Bình Dương-Biên Hoà?


Những địa phương vùng Chiến khu Đ từ trước đến nay là nơi tập trung rất nhiều làng nghề mỹ nghệ thủ công, như gốm sứ, chạm khắc, sơn mài, đục đẽo đá, đan lát, mây tre, may, dệt… Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả và trở thành một tiềm năng trong nền kinh tế là gốm sư Biên Hoà, Bình Dương.

Nhưng nghiên cứu về nguồn gốc của gốm sứ cho rằng cái nôi nổi tiếng và có truyền thống khá lâu đời là ở vùng Tân Phước Khánh (Tân Uyên) có mối liên hệ trực tiếp với nghề gốm sứ Đồng Nai. Thủ Dầu Một-Biên Hoà-Sài Gòn, trong lịch sử đã hình thành một “tam giác gốm” của khu vực Nam Bộ. Mặt khác sự hiện diện của người Hoa ở 3 tỉnh liền nhau này có một vai trò quan trọng trong hoạt động nghề gốm, bởi trong số cư dần đầu tiên ngược sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đến định cư, khẩn đất làm ăn lập nghiệp, bản thân có nghề truyền thống là các ngành nghề thủ công, đặc biệt là ngành gốm sứ nổi tiếng khắp thế giới thế kỷ 16, 17, 18… nên đã có những tàu buôn của Anh, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… đến Việt Nam buôn bán, vì gốm sứ Lái Thiêu, Biên Hoà có một nét rất riêng hết sức độc đáo mang cốt cách Việt Nam.
Hơn nữa các lò gốm lâu đời ở Thủ Dầu Một kiểu dáng các lò nung cũng gần giống của Biên Hoà, mang bản sắc Nam Bộ và chứa đựng các yếu tố văn hóa của cộng đồng.

Hiện nay sản phẩm gốm của Bình Dương, Biên Hoà rất đặc sắc đa dạng từ kiểu dáng đến hoa văn, do những bàn tay khéo léo của đội ngũ nghệ nhân tạo thành rất bắt mắt, đặc biệt đối với khách du lịch nước ngoài. Bình Dương và Biên Hoà đã cung câp cho nhiều địa phương ở Nam Bộ sản phẩm xây dựng, công nghiệp, dân dụng… Một số lượng gạch ngói lớn cho các công trình xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh, các loại sản phẩm cho đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các đồ dùng để chứa nước ngọt cho vùng thiếu nước với các loại lu, vại sành có độ nung cao, chất lượng tốt. Các sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp còn là loại hàng xuất khẩu có giá trị cung cấp cho thị trường nhiều nước trên thế giới.

Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, công nghệ phát triển và hiện đại, gốm sứ Bình Dương, Đồng Nai vẫn giữ được bản sắc riêng của mình bằng nghề thủ công khéo léo, thu hút một lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người, trở thành một nét đặc sắc trong ngành nghề hấp dẫn khách du lịch bốn phương.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:29:50 pm »

Thượng tướng Trần Văn Trà gắn bó với miền Đông và Chiến khu Đ với cương vị lãnh đạo quân sự cao nhất. Xin cho biết về vị tướng lỗi lạc này?


Trần Văn Trà là một vị tướng rất đặc biệt về tài năng quân sự. Ông “khắc tinh” với quân địch ở vùng Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nỗi ám ảnh của chúng khi phải đối đầu với ông trên chiến trường. Cuộc đời gian khổ và vinh quang của ông gắn liền với những vùng đất và những trận đánh vang lừng suốt chiều dài lịch sử của mảnh đát “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Thượng tướng Trần Văn Trà (tức Nguyễn Chấn) sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân lao động ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng năm 1936 khi còn học ở trường kỹ nghệ huế. Tháng 8-1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm đó, ông bị địch bắt tại Sài Gòn và sau 5 tháng giam giữ, được trả tự do, nhưng bị quản thúc vô thời hạn ở quê. Tháng 3-1941, ông trốn lên Đà Lạt rồi về Nha Trang, sau đó trở lại Sài Gòn bắt liên lạc với cách mạng. Tháng 11-1944, ông bị địch bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn Sài Gòn.

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công. Ông là uỷ viên Kỳ bộ Việt Nam và lần lượt giữ các chức vụ: Uỷ viên chính trị liên quận Hóc Môn-Bà Điểm; Khu trưởng Khu 8; Xứ uỷ viên-Phó tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh và Chính uỷ Khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Khu uỷ viên-Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ…

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với những cương vị khác nhau, ông đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Đông Nam Bộ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ kháng chiến mở các chiến dịch để phối hợp với chiến trường toàn quốc, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh lớn…

Sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (7-1954), ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiêm giám đốc Học viện Chính trị và Toà án Quân sự Trung ương. Năm 1959 ông được đề bạt cấp Trung tướng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng mở rộng, năm 1963, ông được Trung ương cử về Nam đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, là Uỷ viên Trung ương Cục và Phó bí thư Quân uỷ Miền. Với tài thao lược quân sự, ông đã góp phần chỉ đạo chỉ huy làm nên những trận thắng vang dội như Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long, chiến dịch Bình Giã, Mậu Thân, Nguyễn Huệ…

Năm 1973, Hiệp định Paris vê Việt Nam được ký kết, Trung tướng Trần Văn Trà được cử làm trưởng đoàn đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, kiểm soát thi hành hiệp địn do 4 bên tham chiến. Năm 1974, ông được đề bạt quân hàm thượng tướng.

Bước vào mùa Xuân 1975, quân ta thắng lớn trên các mặt trận, dồn quân địch về phía nam trong thế chống đỡ tuyệt vọng. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn-Gia Định và cả miền Nam. Với cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch, ông đã góp phần lãnh đạo cuộc tiến công nổi dậy ở B2, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc rực rỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà được cử làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định, sau đó giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7. năm 1978, được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, uỷ viên thường vụ Quân uỷ Trung ương.

Ông đã từng được bầu vào Uỷ ban Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội. Năm 1982, Thượng tướng nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, ông vẫn được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 1992 và kiêm Chủ tịch hội cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh. Trong một lần đi công tác ở nước ngoài, Thượng tướng Trần Văn Trà đột ngột từ trần ngày 20-4-1996, để lại biết bao niềm tiếc thương cho đồng chí và đồng bào.

Cũng như nhiều chiến sĩ anh hùng, các nhà lãnh đạo kiệt xuất, các danh nhân… cái tên Trần Văn Trà đã đi vào bất tử.

Cuộc đời chiến đấu hào hùng của ông đã để lại cho các thế hệ sau một tấm gương soi:

“Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về, một dải giang san
Trăng xưa, hạc cũ, dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng”
-Trần Văn Trà
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:30:55 pm »

Huỳnh Văn Nghệ là một trong những vịchỉ huy võ trang đầu tiên của Chiến khu Đ, đồng thời ông là một nhà thơ; xin cho biết sơ lược về thân thế sự nghiệp và bài thơ “Nhớ Bác” nổi tiếng của ông?


Theo nhiều tài liệu thì Huỳnh Văn Nghệ là Kho bộ phó Khu 7 dưới trướng Trung tướng Nguyễn Bình và có lúc là Khu bộ trưởng lại có thiên bẩm thơ phú, nên ông trở nên nổi tiếng không những ở miền Đông Nam Bộ mà cả nước.

Huỳnh Văn Nghệ sinh năm 1914 ở Tân Tịch, Tân Uyên, Biên Hoà (Tân Uyên nay thuộc tỉnh Bình Dương). Khi còn nhỏ ông học ở Sài Gòn rồi ra làm công chức hoả xa. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), ông sáng tác nhiều bài thơi yêu nước. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, ông chạy sang Thái Lan, liên lạc với phong trào yêu nước ở hải ngoại. Sau đó ông trở về tham gia cách mạng tháng Tám ở quê nhà. Và khi quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, ông ra chiến khu cùng với các đồng chí thành lập lực lượng vũ trang, chỉ huy Chi đội 10 Vệ quốc đoàn Biên Hoà… làm Khu bộ phó rồi Khu bộ trưởng Khu 7, tỉnh đôi trưởng Thủ Biên (Thủ Dầu Một-Biên Hoà), trực tiếp chỉ huy nhiều trận vận động chiến giành thắng lợi.

Năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc và được phong quân hàm thượng tá giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu. Năm 1965, ông được điều động về Nam làm Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục kiêm Phó ban kinh tài. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam.

Do bệnh đau, ông đã qua đời ngày 5-3-1977, thọ 63 tuổi.

Theo Thiếu tướng Bộ Chính trị, hồi ở Chiến khu Đ, ông Huỳnh Văn Nghệ có một vài đặc điểm là chữ ký như bộ chân con dế đá và đôi môi thâm sì vì hút thuốc lá quá nhiều.

Sức hút của Huỳnh Văn Nghệ toả rộng còn ở phẩm chất và phong cách mang đậm nét truyền thống anh hùng dân tộc trong lịch sử: hiếu thảo và khảng khái. Ông có nhiều bài thơ tặng mẹ rất xúc động. Trong cuộc họp cục bộ 2 bên ở miễu Bà Cô để bàn việc thực hiện ngừng bắn theo tạm ước 6-3-1946 Đà Lạt, phía Pháp khư khư đòi yêu sách “Nam Kỳ quốc”. Biết ông là người Nam Bộ, nhưng chúng vẫn hỏi ông là người Nam Kỳ hay Bắc Kỳ. Ông đáp ngay “người Bắc”. Tên cáo già Phòng nhì hẳn chưa biết ông ra Bắc vào Nam nên mới có hai câu thơ:

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Bảy Viên là một lãnh tụ Bình Xuyên, khi được đề bạt Khu bộ phó (một lượt với Huỳnh Văn Nghệ) đã không chịu về nhận chức. Huỳnh Văn Nghệ đích thân xuống tận sào huyệt thuyết phục mới gỡ được Bảy Viễn ra khỏi gọng kềm sắt của Phòng nhì Pháp.

“Võ tướng-Thi nhân”, người đương thời gọi Huỳnh Văn Nghệ như thế. Ông làm thơ rất ít. Đối với ông nói và làm chưa đủ mà đôi lúc phải cầu viện đến thơ mới bày tỏ hết nỗi niềm yêu thương và thù hận tận đáy lòng. Như giáo sư Hoàng Như Mai viết: “Huỳnh Văn Nghệ làm thơ không phải vì danh giá, lợi lộc, ghi tên tuổi cho hậu thế gì hết… Đọc thơ ông ta càng thấm thía câu thơi của Bác Hồ “Nay ở trong thơ nên có thép”.

Có lẽ trong “sự nghiệp” thơ văn của Huỳnh Văn Nghệ, bài thơ “Nhó Bác” được đánh giá cao nhất. Sau đây là toàn văn bài thơ:

Nhớ Bác
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước rông tiên nặng nhớ thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại… Ôi đất Bắc!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Chiến khu Đ 1946-1958
Huỳnh Văn Nghệ
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:31:37 pm »

Có một Thiếu tướng-nhà văn trưởng thành từ Chiến khu Đ?


Không ai xa lạ. Đó chính là nhà văn Bùi Cát Vũ-Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 7 vào những năm của thập niên 80, thế kỷ 20. Vừa giữ rất nhiều chức vụ chỉ huy lại vừa duy trì văn nghiệp trong suốt cuộc đời binh nghiệp như ông quả là hiếm. Nhưng người ta biết đến ông nhiều nhất có lẽ là vị Tư lệnh pháo binh miền Đông Nam Bộ, mà tên tuổi ông gắn liền với những chiến công vang dội như La Ngà, Tecnit, sân bay Biên Hoà, Hớn Quản, Phước Long…

Thiếu tướng-nhà văn Bùi Cát Vũ sinh năm 1924 ở xã Hưng Mỹ huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha mất khi ông 11 tuổi, ông phải làm thuê phụ mẹ nuôi 3 em nhỏ. Trong thời gian lên Sài Gòn làm thợ hồ và bán báo, ông học được cách lấy tin, viết phóng sự và truyện ngắn từ các bậc huynh trưởng Văn Nguyên, Thanh Mại và học làm cách mạng từ các bậc thầy tâm huyết An Ninh, Văn Hùm, Văn Tạo, Thu Thâu, Bạch Mai… Trên con đường dấn thân, ông bị địch bắt giam. Nhờ sự bênh vực của luật sư nên ông được tại ngoại hầu toà.

Trở về con sông Cổ Chiên quê hương, Bùi Cát Vũ bắt liên lạc với Quang Đông vào thời điểm khởi nghĩa (tháng 8-1945), Quang Đông là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chánh tỉnh, Bùi Cát Vũ làm giám đốc Cộng hoà vệ binh. Nghiệp quân sự của ông bắt đầu từ đó.

Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, Bùi Cát Vũ trở lại Sài Gòn rồi lên Biên Hoà bắt liên lạc với Chiến khu Đ do Khu trưởng Nguyễn Bình và Khu phó Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy. Ông kết bạn với nhà quân sự-nhà thơ “mang gươm đi mở bờ cõi”. Khi được giao làm giám đốc Binh công xưởng, ông nghiên cứu chế tạo thành công mìn lõm.

Khu phó-nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ mô tả chiến công mìn lõm của Bùi Cát Vũ: Mặt nước bàu Cá Trê óng ánh như có trăng dưới rừng lá rộng… Các trái mìn lõm như những con mắt theo dõi bước đi của quân giặc. Và từ sau hốc đá trên sườn cao, chỉ huy phó vừa bấm công tắc mìn vừa ra lệnh: “Chi đội, nổ!”. Loáng một cái, đoàn xe thiết giáp từ Nha Trang vào tiếp sức cho địch ở Chiến khu Đ nổ tung trong biển lửa dậy trời. Trong số giặc bị tiêu diệt, có những sĩ quan cấp cao tử trận.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Phó tư lệnh pháo binh Bùi Cát Vũ theo đơn vị tập kết ra miền Bắc và được cử đi học đào tạo Phó tiến sĩ pháo binh. Ông trở về Nam và được bổ nhiệm chức Tư lệnh pháo binh Miền. Gần 20 năm lăn lộn trên chiến trường trọng điểm cửa ngõ sào huyệt địch ở Sài Gòn, Biên Hoà với đối tượng kẻ thù là mới xâm lược Mỹ, ông đã góp nhiều công sức xây dựng lực lượng pháo binh Miền không ngừng lớn mạnh và lập được nhiều chiến công xuất sắc, nhất là trong các chiến dịch lớn như Đồng Xoài, Bình Giã, Mậu Thân, xuân-hè 1972, mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hạ màn, Tư lệnh phó Quân đoàn 4 chỉ huy đồng đội tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, chấm dứt cuộc diệt chủng đẫm máu của bọn đồ tể man rợ Polpot-Iengsary.

Chính ở thời điểm giải phóng và làm nhiệm vụ quốc tế giúp đất nước Campuchia hồi sinh trên đống tro tàn, văn nghiệp của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ được dịp thăng hoa. Ông viết thành công các tác phẩm: Đường vào Phnôm Pênh, Vòng hoa sứ trắng, kịch bản phim “Thành phố có người” (đã dựng thành phim) và đặc biệt là phim “Cơn lốc đen” khắc hoạ tội ác tày trời của tập đoàn phản động diệt chủng Campuchia. Truyện “Vòng hoa sứ trắng” được giải thưởng văn học. Ngoài ra ông còn viết truyện thiếu nhi, trong đó có tác phẩm Cát bụi Sài Gòn được giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn.

Từ năm 1980-1981, ông lên giữ chức Phó tư lệnh Quân khu 7, nhưng vẫn cần cù cày xới trên những trang văn đầy hơi thở của cuộc sống. Ông viết văn hay nhưng nói chuyện thì rất “buồn ngủ”, đó là một cá tính nổi bật của vị tướng nhà văn. Sau này ông bị đau nặng và đã qua đời vào tháng 3-2002 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:32:16 pm »

Chiến khu Đ đã trở thành di tích lịch sử, một “địa chỉ đỏ” của cả nước. Ta đã có kế hoạch bảo tồn, khôi phục và tôn tạo như thế nào?

Trải qua hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Đ tuy có nhiều thay đổi, nhưng đã đi vào lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại chiến khu, và cả với những người chưa một lần đặt chân tới. Chiến khu Đ với những nội dung lịch sử và những bài học lớn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Để tái tạo một Chiến khu Đ lịch sử, bảo tồn một căn cứ kháng chiến tầm cỡ làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa nghệ thuật… ngày 26-7-1996, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử và Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chiến khu Đ. Ban chỉ đạo gồm các đồng chí Nguyễn Trùng Phương-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Nam Ngữ-Giám đốc Sở Văn hóa thông tin-thể thao, Trần Đình Thành-Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn ra quyết định thành lập Ban tư vấn chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử để giúp Ban chỉ đạo xác định địa điểm, xây dựng phương án và triển khai thực hiện sưu tầm tài liệu, hiện vật để phục vụ cho việc phục hồi, tái tạo khu di tích quan trọng này.

Trung tướng Phan Trung Kiên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), đồng chí Lê Hoàng Quân, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Ngô Bá Cần, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Biên Hoà… cũng đã đi khảo sát thực địa và góp ý chỉ đạo xây dựng công trình di tích lịch sử Chiến khu Đ.

Di tích căn cứ Chiến khu Đ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử vào năm 1999. Theo quy hoạc trùng tu, khôi phục thì khi di tích kết hợp với du lịch sinh thái Chiến khu Đ, cách Sài Gòn khoảng 69km, diện tích tổng thể 60.000 ha; phạm vi bảo tồn 800 ha, bao gồm các cụm căn cứ: “Khu miền Đông thu nhỏ” 540 ha, khu bảo vệ thú hoang dã 746 ha, khu rừng gỗ quý 1.250 ha, khu du lịch dã ngoại, khu du lịch hồ Bà Hào (độc lập với hồ Trị An) 300 ha, có nhiều đảo và bán đảo, làng du lịch các dân tộc miền Đông Nam Bộ, nhà du lịch dưới tán cây và ven hồ.

Khu di tích gồm 2 cụm chính: Khu uỷ miền Đông với các hạng mục: nhà các đồng chí lãnh đạo, văn phòng Khu uỷ, cơ yếu, vệ binh, giao thông hào, địa đạo… Khu tượng đài chiến thắng Chiến khu Đ ở ngã ba Bà Hào kết hợp với rừng tái sinh, hồ Bà Hào, khu Văn hoá truyền thống, khu sinh thái, nhà nghỉ mát, ao sen… khu vực tổng thể vươn tới cả khu di tích sân bay Rang Rang, kuh bảo tồn rừng quốc gia Nam Cát Tiên, khu du lịch thuỷ điện Trị An, di tích Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông.

Sau một thời gian triển khai, đến cuối năm 2002, du di tích đã hoàn thành một số công trình như trùng tu di tích địa đạo Suối Linh, các cơ sở sinh hoạt và chiến đấu trong căn cứ Khu uỷ, tượng đài chiến thắng Chiến khu Đ…

Việc khôi phục tái tạo di tích căn cứ Chiến khu Đ, kết hợp với du lịch sinh thái rộng lớn, được đầu tư rất lớn của tỉnh Đồng Nai va chia thành nhiều giai đoạn sẽ đem lại những lợi ích thiết thực về lịch sử, văn hóa và kinh tế vùng Chiến khu Đ, góp phần tôn vinh truyền thống vẻ vang của một vùng đất sáng ngời chiến công, đã từng là “Việt Bắc” của miền Đông Nam Bộ anh hùng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2007, 06:33:00 pm »

Tài liệu tham khảo


1. Lịch sử Chiến khu Đ-Nxb Đồng Nai 1997.
 
2. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb Quân đội nhân dân 1993.

3. Ký ức miền Đông, Nxb Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh 2000.

4. Những trận đánh LLVT Quân khu 7 (tập 1, 2, 3), Nxb Quân đội nhân dân 2001, 2002.

5. Đặc khu Rừng Sác, Hồ Sĩ Thành, Nxb Trẻ 2002..

6. Từ điển Thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ 2001.

7. Đồng Nai niềm tin và hy vọng, Nxb Đồng Nai 2000.

8. Đá nổi xôn xao, Hoài Tố Hạnh, Nxb Đồng Nai 1995.

9. Đồng Nai truyền thống hào hùng, Nxb Đồng Nai 2001.

10. Xây dựng hệ thống tư liệu địa chí Bình Dương, kỷ yếu 2002.

11. Bình Dương đất lành chim đậu, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 1999.

12. Báo cựu chiến binh TP.Hồ Chí Minh.

13. Báo Quân khu 7.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM