Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:15:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đ  (Đọc 100808 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:36:22 pm »

Có phải khi địch ra tay, Chiến khu Đ một lần nữa trở thành nơi hội tụ lực lượng cách mạng?


Ở miền Nam, tháng 7-1956, thực hiện những âm mưu đen tối, chính quyền Diệm mở chiến dịch Trương Tấn Bửu nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước và kháng chiến trở về. Lúc này do ta tin tưởng vào Hiệp định Geneva, công khai hợp pháp trong dân nên bị địch khủng bố dã man mà không được chống lại do chưa có lệnh của trên. Hàng loạt cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước bị địch bắt và giết hại khắp nơi. Ở miền Đông Nam Bộ, số cán bộ, đảng viên được giao ở lại và những người yêu nước đã thoát ly gia đình thoát khỏi sự truy lùng của chiến dịch diệt cộng chạy bào chiến khu, dựa vào rừng núi để hoạt động. Ở Chiến khu Đ, nhiều đảng viên phải lánh vào các phum sóc của đồng bào dân tộc Stiêng, Châuro, Mạ… ở Lý Lịch, Bù Cháp, Boxompo tạo địa bàn hoạt động. Đồng chí Chín Quỳ, một cán bộ đảng viên được bố trí ở lại miền Nam, hiểu rành địa bàn rừng núi chiến khu, trước sự khủng bố trắng trợn của địch, đã quy tụ một số anh em kháng chiến cũ vào rừng chiến khu tổ chức sản xuất và tìm cách cướp súng địch, tái vũ trang, bí mật diệt ác ôn. Đồng chí Lê Thanh (sau này là Trung tướng Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng) và đồng chí Lâm quốc Đăng (sau này là đại tá Phó tư lệnh Phân khu 1) cũng vận động được một số thanh niên trốn lính vào rừng núi sản xuất, lánh né địch, manh nha xây dựng cơ sở cho lực lượng vũ trang cách mạng sau này.

Ngày 2-12-1956, đồng chí Bảy Tâm bí thư Đảng uỷ nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà) sau khi bắt được liên lạc với Tỉnh uỷ, đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước bị đích giam giữ, nổi dậy cướp súng, vượt ngục. Trong cuộc đào thoát dũng cảm này, 21 người đã hi sinh trước cửa trại giam. Khi đến rừng Tân Định (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu), Đảng uỷ quyết định phân tán đoàn, mỗi tỉnh sẽ lập một chi bộ 8 đồng chí ai về địa phương nấy, tiếp tục hoạt đông. Tỉnh uỷ Biên Hoà đã kịp thời cử nhiều cán bộ đón các đoàn dọc theo tả ngạn sông về Chiến khu Đ an toàn. Số cán bộ này được tăng cường cho các tổ chức Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng đang nhen nhóm trở lại ở Chiến khu Đ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chiến khu Đ là một trong những cái nôi của cách mạng miền Đông Nam Bộ; bước sang thời chống Mỹ, với địa hình lý tưởng rừng rậm điệp trùng và chỉ cách sào huyệt kẻ thù ở Sài Gòn 30km, Chiến khu Đ sẽ là nơi phát triển lực lượng cách mạng và là một bàn đạp tiến công ở các đô thị miền Đông, nhất là vị trí trung tâm đầu nào Sài Gòn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:37:00 pm »

Chiến khu Đ có ý nghĩa thế nào đối với việc tái xây dựng lực lượng vũ trang?


Trong hoàn cảnh hết sức bức xúc, tháng 12-1956, căn cứ vào “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo, Xứ uỷ Nam Bộ họp đánh giá tình hình cách mạng miền Nam, trong một chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ võ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mỹ-Diệm… Xứ uỷ quyết định: “… Tích cực xây dựng lực lượng võ trang tuyên truyền, lập các đơn vị vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ miền núi…”. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được Xứ uỷ cử về miền Đông để thực hiện nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang. Hai đồng chí Lê Thanh và Lâm Quốc Đăng phụ trách việc xây dựng căn cứ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Đến năm 1957, miền Đông Nam Bộ đã hình thành 2 vùng căn cứ lớn: căn cứ đông bắc gần Chiến khu Đ cũ được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, sau gọi là Chiến khu A. Vùng căn cứ tây bắc gồm căn cứ Dương Minh Châu và vùng rừng núi Tây Ninh, sau gọi là Khu B. Khu căn cứ Thị Tính, long Nguyên (Bến Cát) goi là khu C. Các căn cứ núi Mây Tàu, Hắc Dịch, Rừng Sác, Lạc An Ngà là khu E. Từ Chiến khu Đ (khu A), liên lạc đường bộ được nối thông với các căn cứ.

Để bảo đảm đời sống, lực lượng Bình Xuyên ly khai khoảng 200 quân đóng ở Mã Đà, Bàu Phụng (hợp tác với ta chống Diệm), ngay những ngày đầu được cán bộ, chiến sĩ ta hướng dẫn đã thực hiện nhiều biện pháp như săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản đổi lương thực… Trong năm 1956, lực lượng ta triển khai được 4 khu vực sản xuất ở vùng suối Linh và nhiều lần tổ chức tiến công một số mục tiêu của địch để giải quyết vấn đề tài chính, lương thực, vũ khí là những thứ rất bức thiết lúc này.

Mang danh nghĩa “bộ đội Bình Xuyên”, ngày 20-10-1956, lực lượng ta đánh sân bay Bến Củi, thu được 5 xe vận tải gạo, gần 2 triệu đồng (tiền nguỵ) và nhiều vũ khí…

Đầu năm 1957, Đảng uỷ trong lực lượng Bình Xuyên được thành lập. Đồng chí Phạm Văn Thhuận (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hoà) được cử làm bí thư Đảng uỷ, đồng chí Lâm Quốc Đăng phó bí thư Đảng uỷ phụ trách quân sự. Lực lượng Bình Xuyên biên chế thành 3 đại đội, được trang bị khá mạnh gồm 2 đại liên Mácxim, 8 trung liên, 70 tiểu liên, 10 súng trường, 1 khẩu moócchê và 2 khẩu ĐKZ.

Đảng uỷ đơn vị đã liên lạc với các cấp uỷ địa phương tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một để vận động lương thực nuôi lực lượng, đồng thời tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng để từng bước chuyển hóa lực lượng này thành lực lượng vũ trang cách mạng. Bên cạnh đó, Đảng uỷ đã bí mật tổ chức một lực lượng vũ trang thành phần gồm những đảng viên, cốt cán cách mạng làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang ở căn cứ Đông Bắc.

Cũng trong thời gian này, một số cán bộ, đảng viên ở Biên Hoà bị địch khủng bố đã về Chiến khu Đ phối hợp với lực lượng vũ trang của đồng chí Chín Quỳ hình thành đội vũ trang lấy phiên hiệu C250. Đây là một trong những đơn vị tiền thân quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ sau này. Đội vũ trang C250 do đồng chí ba Viên làm đội trưởng, đồng chí Năm Hoà làm đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát) Tỉnh uỷ viên Biên Hoà làm chính trị viên.

Đến giữa năm 1957, Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một phối hợp với Đảng uỷ lực lượng vũ trang Bình Xuyên của các đồng chí Chín Quỳ, Năm Thành, Sáu Chắc, ba Tiền vào Vĩnh Lợi (phía tây Chiến khu Đ) thu phục được đảng cướp “Rừng Xanh” do Tám Liễu và Út Bời chỉ huy. Nhiều người trong đảng cướp này sau đó trở thành các chiến sĩ cách mạng.

Sự chỉ đạo của Đảng uỷ và thắng lợi của lực lượng vũ trang tấn công địch ở đồn điền cao su trại Be… đánh dấu một bước phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn chiến khu, bước đầu phá vỡ âm mưu của địch nhằm bao vây, chia cắt Chiến khu Đ, góp phần giải quyết một phần khó khăn lương thực cho lực lượng tại đây.

Tháng 10-1957, Xứ uỷ cử đồng chí Lê Thành Công tập hợp những đồng chí cốt cán kết hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh thành lập đại đội vũ trang ở Bàu Rã, lấy phiên hiệu C60. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông; lấy thành phần nòng cốt để xây dựng phát triển nhiều đơn vị sau này như C50, C80…

Cùng với việc tái lập và phát triển lực lượng vũ trang, Chiến khu Đ bước đầu được khôi phục, là địa bàn xs lực lượng vũ trang của Xứ, nơi đứng chân của nhiều đơn vị vũ trang tập trung như: C50, C70, C80, C250…
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:37:27 pm »

Xin cho biết trận đánh mở đầu cho thời kỳ tái lập Chiến khu Đ?


Để đáp ứng yêu cầu mở rộng căn cứ làm chỗ dựa cho việc phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, tháng 8-1958, Xứ uỷ thành lập Ban quân sự và Đảng uỷ lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến uỷ viên quân sự Xứ uỷ được phân công kiêm nhiệm vụ Trưởng ban quân sự miền Đông. Đảng uỷ lực lượng vũ trang gồm các đồng chí: Mai Chí Thọ, Nguyễn Việt Hồng, Mai Trọng Nhân.

Trước tình hình các đơn vị vũ trang phát triển, nhưng vũ khí, lương thực lại thiếu gat gắt, Ban quân sự và Đảng uỷ lực lượng miền Đông, được Xứ uỷ đồng ý, đã quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm gây thối động tinh thần địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, đồng thời giải quyết vấn đề tài chính, lương thực cho lực lượng trong căn cứ.

Chi khu quân sự Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một) được chọn làm mục tiêu trânh đánh.

Chi khu quân sự nằm trong sở cao su Dầu Tiếng cách Sài Gòn khoảng 70km còn gọi là chi khu Trị Tâm. Dầu Tiếng là quận được địch công nhận đã được bình định. Lực lượng địch tại đây có 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 43, 1 đại đội và 1 trung đội bảo an cùng với các đơn vị cảnh sát, bảo an, dân về, tề điệp… khoảng trên 900 tên.

Tham gia trận đánh gồm C60, C80, C90 và các đơn vị vũ trang tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hoà do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm chỉ huy trưởng. Chiến khu Đ là nơi tập kết quân, huấn luyện và chuẩn bị hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến đấu.

Theo phương án kế hoạch đã định, 24 giờ ngày 10-8-1958, lực lượng ta chia làm 3 mũi tập kích vào các mục tiêu trong chi khu. Sau 30 phút nổ súng, các đơn vị chiếm toàn bộ căn cứ tiểu đoàn của địch và nhà tên chủ cao su. Đến 2 giờ 30 phút sáng 11-8, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, kể cả khu vực hành chính quận, diệt 300 tên, bắt 200 tên giáo dục, thả tại chỗ, thu 650 súng các loại, 12 tấn đạn, 5 xe, nhiều quân trang quân dụng, 1,5 triệu tiền nguỵ và 500 đô la.

Chiến thắng Dầu Tiếng gây tiếng vang lớn trên toàn miền Nam. Lần đầu tiên sau năm 1954, lực lượng vũ trang miền Đông tiêu diệt một căn cứ quân sự cấp quận của địch. Chiến thắng Dầu Tiếng đã khai thông liên lạc giữa căn cứ Đông và Tây, đồng thời tạo điều kiện cho Xứ uỷ về đứng chân ở vùng căn cứ miền Đông để chỉ đạo phong trào cách mạng.

Sau thắng lợi ở Dầu Tiếng, Ban quân sự và Đảng uỷ quân sự miền Đông thành lập một đơn vị vũ trang phát triển hoạt động về hướng đông căn cứ Chiến khu Đ với nhiệm vụ giữ đất, giữ dân, nhất là đồng bào dân tộc, tạo điều kiện đứng chân lâu dài cho cách mạng và cơ quan lãnh đạo miền Đông.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:37:52 pm »

Đặc công Chiến khu Đ là đơn vị đầu tiên trừng trị bọn cố vấn Mỹ?


Mỹ-Nguỵ đẩy mạnh cuộc chiến tranh đơn phương đánh phá quyết liệt phòng trào cách mạng miền Nam. Tình hình miền Nam rất đen tối, cơ hồ lực lượng kháng chiến cũ và những người yêu nước bị dìm vào biển máu. Chính sách “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” của gia đình họ Ngô, mặc sức cho chúng lộng hành bắn giết, đốt phá. Cao điểm của sự đàn áp dã man là Luật 10/59 do chúng đặt ra. Máy chém được lê đi khắp nơi giết hại cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước, gây nên bao cảnh tham khốc đau thương. Tình hình vô cùng bức xúc ngột ngạt. Không thể ngồi yên nhìn bọn giặc hoành hành. Cần phải đánh một đòn trừng trị tội ác Mỹ-Nguỵ, động viên tinh thần ý chí quật khởi của nhân dân, Ban quân sự Miền quyết định tấn công vào bọn cố vấn quân sự Mỹ MAAG đang đóng trụ sở tại nhà máy cưa BIF (Biên Hoà).

Một phân đội đặc công do đồng chí Năm Hoà chỉ huy đứng chân tại Chiến khu Đ được giao nhiệm vụ này. Công tác điều nghiên mục tiêu và huấn luyện tác chiến được tiến hành khẩn trương. Thị uỷ Biên Hoà phối hợp chặt chẽ với phân đội đặc công, bố trí cho phân đội trú cứ trong nhà má Nguyễn Thị Xuân ở Gò Me để trinh sát nắm địch.

Thực hiện phương án chiến đấu, phân đội đặc công hoá trang thành lính đi tuần, từ Chiến khu Đ vượt sông Đồng Nai, bí mật đột nhập thị xã Biên Hoà.

Đêm 7-7-1959, khi toán lính bảo vệ vừa đi từ nhà máy cưa về hướng suối Sơn Máu, các chiến sĩ đặc công nhanh chóng tiếp cận và bất ngờ nổ súng vào trụ sở đoàn cố vấn Mỹ trong lúc chúng đang tập trung xem chiếu bóng. Địch không kịp chống trả, 2 cố vẫn Mỹ bị diệt và 11 tên khác bị thương.

Đây là trận tiêu diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam. Trận đánh thắng lợi trong lúc địch tiến hành khủng bố ác liệt phong trào cách mạng, có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân; cũng là đòn cảnh cáo đối với bọn cố vấn Mỹ đang âm mưu can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:38:31 pm »

Trận Tua 2 đã tác động mạnh mẽ đến vùng Chiến khu Đ?


Trong cơn ngột ngạt do sứap bức nặng nề của Mỹ-Nguỵ, Nghị quyết 15 (1-1959) của Trung ương đến với miền Nam như một luồng gió mới “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” và “cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có thể chuyển thành một cuộc đấu tranh võ trang trường kỳ…”.

Tháng 11-1959, sau khi họp quán triể Nghị quyết 15 của Trung ương, Xứ uỷ họp bàn về công tác vũ trang và quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm thúc đẩy phong trào kết hợp với vũ trang trong toàn Miền. Căn cứ Tua 2 của địch ở Tây Ninh được chọn làm mục tiêu trận đánh. Đại đội 59 và 80 của Chiến khu Đ được điều động phối hợp thực hiện trận tấn công quan trọng này.

Đêm 25 rạng ngày 26-1-1960, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến kết hợp với nội tuyến, các đơn vị dũng mãnh tiến công căn cứ Tua 2. Trận đánh diễn ra thuận lợi. Ta nhanh chóng diệt địch, thu nhiều vũ khí và rút lui an tòn. Cánh quân rút về Chiến khu Đ mang theo 1.500 khẩu súng lấy được trong Tua 2.
Chiến thắng Tua 2 như sấm sét mở đầu phá tan đêm tối ở miền Nam, là sự kiện nổi bật có ý nghĩa về quân sự và chính trị trong toàn Miền, làm dấy lên phong trào đồng khởi long trời lở đất ở miền Nam, mở đầu một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh chống Mỹ-Nguỵ.

Sau trận Tua 2, phong trào quần chúng nổi dậy kết hợp vũ trang diệt ác phá kềm ở Chiến khu Đ phát triển mạnh. Trên cả hai hướng tây và tây nam, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo, Tân Uyên phối hợp với nhân dân truy lùng trừng trị bọn ác ôn, tiến công các trụ sở tề xã, ấp, làm tan rã bộ máy tay sai của địch ở cơ sở. Dy kích xã Tân Phước Khánh dùng mìn đánh giao thông địch, diệt nhiều xe Jeép, giết chết quận trưởng Tân Uyên. Cán bộ và nhân dân trong căn cứ tổ chức nhiều hình thức phong phú trấn áp và hạ uy thế địch như cảnh cáo chúng bằng thư, mở toà án nhân dân xét xử bọn có tội với đồng bào.

Hàng trăm thanh niên yêu nước phần lớn từ Sài Gòn và các vùng nông thôn miền Đông thoát ly gia đình vào căn cứ xin gia nhập lực lượng vũ trang. Xứ uỷ điều tra hơn 500 tân binh từ miền Trung và miền Tây Nam Bộ tăng cường cho miền Đông để chuẩn bị thành lập bộ đội chủ lực tập trung. Để đảm bảo lương thực nuôi quân, Đảng uỷ và Ban quân sự miền Đông quyết định dùng lực lượng C200 làm chủ công đánh vào quận lỵ Đức Phong (Bù Đăng-Sa Ray) nằm trên đường 14 từ Đồng Xoài đi Tây Nguyên. Ở đây có một kho gạo lớn của địch.

Từ Chiến khu Đ, C200 xuất phát vượt dốc Tam Cấp, băng rừng tiến về mục tiêu. 4 giờ 30 phút ngày 29-6-1960, đơn vị nổ súng tấn công. Bị bất ngờ, bọn địch trong quận lỵ chống trả yếu ớt rồi rút chạy. Thừa cơ, lực lượng tân binh tiến vào dinh điền chiếm kho gạo và khu thực phẩm. Sau khi đánh lui cánh quân địch tiếp viện cho Đức Phong, lực lượng ta rút về căn cứ an toàn, mang theo gần 18 tấn gạo cùng 20 khẩu súng các loại, trong đó có 2 khẩu trung liên.

Tiếp theo, lực lượng vũ trang miền Đông và bộ đội địa phương tỉnh Phước Long tổ chức tiến công giải tán các dinh điền dọc đường 14, diệt các chốt của địch cắm sâu trong căn cứ. Các tuyến đường trong căn cứ được nối thông.

Trên cơ sở phát triển lực lượng vũ trang và đánh thắng liên tiếp nhiều trận, tháng 7-1960, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông (còn gọi là T1) được chính thức thành lập và đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tại suối Linh (goi là căn cứ 820) thuộc Chiến khu Đ. Khu uỷ miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ làm bí thư, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến giữ chức chỉ huy trưởng, đồng chí Lâm Quốc Đăng làm chỉ huy phó. Đây là một “cột mốc” quan trọng của Chiến khu Đ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:39:03 pm »

Sau đồng khởi ở miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh được nối vào miền Đông và Chiến khu Đ ở trở thành “ttrạm trung chuyển”?


Đường Trường Sơn còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh là “huyết mạch” vô cùng quan trọng đối với miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định mở tuyến đường xuêyn Trường Sơn vào Nam vào tháng 5-1959, nên còn gọi là “Đường dây 559”.

Để nhanh chóng chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ, ngoài việc tổ chức mở đường từ phía Bắc vào, Trung ương Đảng đã lần lượt cử các đoàn cán bộ gồm các đồng chí miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, nay”xoi đường” trở về Nam để liên lạc với Xứ uỷ Nam Bộ. Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ xoi đường đầu tiên gồm 25 người, do đồng chí Phạm Lạc làm trưởng đoàn, đồng chí Phùng Đình Ấm (Thiếu tướng-nhà văn Phùng Đình Cung) làm phó đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Phước bí thư chi bộ. Tháng 7-1960, khi vào đến Đắc Lắc, đoàn chia làm 2 đoàn nhỏ tiếp tục cắt rừng dò đường về miền Đông.

Nhận được điện của Trung ương, Xứ uỷ và Khu miền Đông đã cử 2 đại đội vũ trang từ Chiến khu Đ cắt rừng theo hai hướng bắc và đông bắc để đón các đồng chí xoi đường từ miền Bắc vào, đồng chí thời nối thông hành lang từ Chiến khu Đ ra nam Tây Nguyên. Đoàn mở đường ở hướng bắc do đồng chí Lâm Quốc Đăng và Phạm Văn Thuận chỉ huy, từ Mã Đà lên Bãi Bằng, Phước Sang, vượt đường 14 lên Phú Riềng, qua các sở cao su… lên Đa Kia, Bù Đốp. Một cánh khác của đoàn này mở đường lên sóc Bombo qua Bù Gia Mập, Bù Gia Phúc đến Bù Đăng. Vừa hành quân, đơn vị vừa làm tuyên truyền giáo dục, xây dựng cơ sở  trong đồng bào dân tộc để tổ chức các trạm liên lạc vận chuyển sau này.

Ở hướng đông bắc, đoàn mở đường gồm có 18 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chỉ huy, Nguyễn Trọng Tâm uỷ viên. Trong đoàn có 1 tổ điện đài 2 người, 1 đồng chí cơ yếu (dịch mật mã điện) và 1 y sĩ. Đoàn xuất phát từ suối Nhung, đi cặp theo sông Đồng Nai thượng đến Bù Ta Go ra hướng Lâm Đồng. Đường đi vất vả gian nan, phải cắt rừng để bảo đảm bí mật, 2 tháng mới đến điểm hẹn, trong khi lương thực mang theo chỉ đủ 15 ngày ăn. Vì thế gạo để đành nấu cháo cho người bệnh, muối phải chia ra từng hạt cho mỗi người. Phải bẻ măng tre, kiếm rau rừng, đào củ… ăn thay cơm.

Cuối tháng 8-1960, đoàn tới được ngã ba vàm suối Đatơri nhưng không gặp đoàn xoi đường từ miền Bắc vào. Theo điện của Trung ương từ đài căn cứ chuyển đến, anh em biết đoàn xoi đường đã đến điểm hẹn, nhưng không gặp người đón, lại hết lương thực nên quay trở ra. Xứ uỷ chỉ đạo phải ở lại chờ đoàn vào. Và thật may mắn, lúc 16 giờ ngày 30-10, qua ám hiệu (được điện báo từ trước), hai đoàn cán bộ từ Trung ương và khu miền Đông đã gặp nhau tại vàm suối Đatơri (ngang với địa điểm Sania).

Trong lúc đó, vào tháng 12-1960, ở hướng bắc đội vũ trang tuyên truyền của Xứ uỷ đã bắt được liên lạc với đoàn xoi đường của Trung ương tại Km 5 đường 14B.

Con đường chiến lược Trung uơng-Nam Bộ từ Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ đã được khai thông. Chiến khu Đ trở thành “trạm trung chuyển” đón nhận cán bộ, bộ đội, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm… của hậu phương lớn miền Bắc gửi vào chiến trường Nam Bộ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:39:45 pm »

Có phải Chiến khu Đ là nơi thành lập Trung ương Cục-Trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam?

Sau đồng khởi, cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới, buộc địch phải bỏ chiến tranh đơn phương chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tháng 1-1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả hai mặt chính trị và quân sự… đấu tranh chính trị mãnh mẽ… tích cực tiêu diệt sinh lực địch… tạo điều kiện và nắm thời cơ thuận lợi để đánh đuổi chính quyền Mỹ-Diệm, giải phóng miền Nam”.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ cũ. Lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức long trọng tại Mã Đà. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Căn cứ Trung ương Cục đóng tại suối Nhung. Cùng với suối Linh, suối Nhung ngày tháng âm thầm chảy dưới đại ngàn, nay bỗng trở thành những địa danh lịch sử. Từ đây những chủ trương đường lối của Trung ương, Bộ Chính trị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được toả đi khắp nơi. Các chủ trương xây dựng phong trào, mệnh lệnh tác chiến cũng từ vị trí lịch sử này phát ra.

Thời gian đầu, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo phát triển cách mạng từ khu 5 trở vào, do đó Trung ương Cục chọn Chiến khu Đ mở rộng (khu A)-căn cứ nối liền nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục.

Tháng 3-1961, Trung ương Cục giao cho T1 (Khu miền Đông) nhiệm vụ xây dựng khu A (gồm Chiến khu Đ cũ mở rộng đến đông đường 13, mang phiên hiệu C150). Đảng uỷ khu A chỉ đạo:

-Xây dựng khu A trở thành một căn cứ địa hoàn chỉnh.

-Mở rộng diện tích sản xuất trong căn cứ, dự trữ vật chất để đón cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương vào miền Nam chiến đấu.

-Xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cơ động từ 1 đến 2 tiểu đoàn.

-Tổ chức đường dây liên lạc, nối liền Trường Sơn với các tỉnh…

Từ đây Chiến khu Đ ngày càng phát triển nối liền hậu phương lớn miền Bắc qua đường Trường Sơn, cùng với căn cứ các tỉnh phía đông tạo thành thế liên hoàn, là hậu phương chiến lược ở miền Đông Nam Bộ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:40:18 pm »

Tại Chiến khu Đ, tiểu đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ ra đời?


Thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với ý đồ giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng, trên địa bàn Chiến khu Đ (đã mở rộng ra phía đông và đông bắc), địch tăng cường lực lượng và đóng thêm đồn bót, mở rộng tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt căn cứ, tìm diệt lực lượng vũ trang ta.

Tháng 4-1961, địch thành lập khu chiến thuật 31 đặc trách đánh phá cách mạng ở miền Đông, trong đó có 2 tỉnh Phước Thành và Phước Long nằm trong Chiến khu Đ. Sư đoàn 5 nguỵ và các tiểu đoàn biệt động quân 35, 38 ở Biên Hoà làm lực lượng cơ động đánh phá và yểm trợ cho bọn bảo an, dân vệ đánh vào vùng chiến khu.

Trước những chuyển biến của chiến trường, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, tháng 2-1961, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông quyết định thành lập Tiểu đoàn 800 chủ lực tập trung ở Khu, quân số lấy từ các đơn vị vũ trang địa phương đóng ở vùng căn cứ đông bắc Chiến khu Đ, gồm 600 quân, biên chế thành 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo binh và 1 đại đội trinh sát. Đây là tiểu đoàn chủ lực tập trung đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. Tiểu đoàn do đồng chí Đặng Ngọc Sĩ làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Tâm chính trị viên.

Sau một thời gian huấn luyện, củng cố, dưới sự chỉ đạo của Khu, Tiểu đoàn 800 đã mở đợt hoạt động đầu tiên, mục tiêu là chi khu Hiêu Liêm đóng ở xã Lạc An, các đồn bót địch đóng trong vùng căn cứ và võ trang tuyên truyền hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm, làm chủ xã ấp.

Ngày 16-3, tiểu đoàn tổ chức 3 mũi tấn công chi khu Hiếu Liêm. Trong lúc đang triển khai đội hình thì địch phát hiện nổ súng. Ban chỉ huy tiểu đoàn lập tức cho tổ đặc côg dùng bộc phá đánh tung hàng rào, mở cửa cho đại đội 2 đột phá vào mục tiêu. Sau 30 phút chiến đấu, đơn vị diệt gọn chi khu Hiếu Liêm, thu 1 pháo 105 ly, 30 súng các loại, 3 máy thông tin VTĐ, phá hủy 1 kho đạn.

Thừa thắng, tiểu đoàn tiếp tục tấn công các bót Lạc An, uy hiếp các bót núi Bà Cẩm, Mã Đà, Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, phát động nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kềm. Toàn bộ tề xã nguỵ tan rã. Ta làm chủ một đoạn đường 16 và đường 8, giải phóng một mảng lớn ở phía tây nam chiến khu.

Ngày 15-4-1961, Quân khu tổ chức lễ mừng chiến thắng và chính thức ra mắt Tiểu đoàn 800 tại Suối Linh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:41:00 pm »

Trận đánh vào tỉnh lỵ Phước Thành là đòn phủ đầu “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Xin cho biết cụ thể về trận đánh này?

Có thể nói trong giai đoạn đầu đánh Mỹ, trận Phước Thành là trận đánh lịch sử của quân và dân Chiến khu Đ, gióng lên một đòn cảnh báo đối với quân Sài Gòn làm “bung xung” cho đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Tháng 6-1991, Tiểu đoàn 800 chuyển hướng hoạt động về hướng đường 20, quét sạch các dinh điền của địch ở Võ Đắc, Võ Su, hỗ trợ bộ đội địa phương Long Khánh, Bà Rịa đẩy mạnh hoạt động; đánh thông hành lang hoạt động; đánh thông hành lang từ Chiến khu Đ xuống Xuân Lộc qua đường 20 về Bà Rịa, Xuyên Mộc ra sát bờ biển phía Đông.

Trong lúc đó, tại tỉnh Phước Thành, địch tiếp tục ủi phá rừng, mở nhiều đường, chia cắt chiến khu thành từng mảnh. Chúng củng cố các khu dinh điền, khu trù mật, tạo thành lá chắn bảo vệ vòng ngoài thị xã Phước Bình. Địch tổ chức nhiều cuộc hành quân càn qui mô càn quét nhằm đánh bật lực lượng ta ra khỏi căn cứ. Ý đồ của Mỹ-Diệm là xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh, cùng với Châu Thành, Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Bình tạo nên một hệ thống phòng thủ liên hoàn, chia cắt vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ phía bắc và đông bắc Sài Gòn.

Trước tình hình đó, tháng 6-1961, Khu uỷ miền Đông quyết định giải thể tỉnh Thủ Biên và tổ chức lại 3 tỉnh: Biên Hoà, Thủ Dầu Một và Phước Thành. Phước Thành là một tỉnh rừng núi bao gồm trung tâm chiến khu phía đông bắc Sài Gòn. Tháng 9-1961, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh khu miền Đông quyết định tấn công tỉnh lỵ Phước Thành, nhằm phá tan ý đồ của địch chia cắt vùng căn cứ; mở rộng chiến khu, chuẩn bị đón các đoàn cán bộ của Trung ương tăng cường cho Nam Bộ. Chỉ huy trận đánh do các đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Nguyễn Việt Hồng, Đặng Ngọc Sĩ, Đặng Hữu Thuấn.

Mục tiêu trận đánh nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu và tỉnh lỵ, giải thoát tù chính trị. Lực lượng chính tham gia trận đánh gồm Tiểu đoàn 500 (mới thành lập), đại đội 26 trinh sát đặc công (Miền tăng cường) cùng lực lượng vũ trang địa phương.

20 giờ ngày 17-9-1961, 3 mũi tiến công của ta tiềm nhập mục tiêu. 23 giờ, quả bộc phá lệnh nổ vang tại dinh tỉnh trưởng. Các mũi xung phong đánh chiếm mục tiêu qui định. Trong 10 phút đầu, ta tiêu diệt gọn bọn địch trong dinh, giết chết tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, bắt tỉnh phó cùng một số nhân viên quan trọng trong toà hành chính. Sau đó, một cánh quân khác tiến công diệt đại đội bảo an và chi đội thiết giáp. Một cánh quân nữa đánh vào trại giam giải thoát các đồng chí, đồng bào yêu nước bị địch giam giữ. Trong 20 phút, lực lượng ta làm chủ hoàn toàn tiểu khu.

Trên các hướng nghi binh và chặn viện, bộ đội địa phương tỉnh Phước Thành và các huyện Tân Uyên, Phú Giáo đã đánh cắt đường giao thông của địch, đốt cháy cầu sắt của Tổng Bản trên đường 16, chặt cao su làm chướng ngại vật trên các trục đường…

Trận đánh kết thúc vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 18-9-1961. Ta tiêu diệt hoàn toàn bộ máy chỉ huy quân sự, hành chính của địch ở tỉnh lỵ Phước Thành; diệt 40 tên, làm bị thương 30 tên, bắt 11 tên, thu 322 súng các loại, phá huỷ 1 khẩu pháo 105 ly, 32 máy truyền tin, 12 xe cơ giới, giải thoát 272 tù binh.

Chiến thắng Phước Thành làm nức lòng quân, dân miền Nam và Chiến khu Đ; đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Quân khu và địa phương. Tướng Oétmolen-Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam trong hồi ký “Người lính tường trình” đã phải thú nhận: “Mùa thu nam 1961 đã chứng kiến một bước ngoặt rõ rệt trong cuộc tiến công của Việt cộng, lần đầu tiên họ tạm thời chiếm được tỉnh lỵ Phước Thành”. Tài liệu mật Lầu Năm Góc của Mỹ cũng xác nhận: “Trận tiến công lớn nhất đã có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn 55km”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2007, 07:41:34 pm »

Địch đã thực huiện quốc sách “ấp chiến lược” để “tát nước bắt cá” như thế nào?


Nhằm thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ-Nguỵ tăng cường đẩy mạnh quốc sách “ấp chiến lược” thay thế “ấp dân sinh”, “ấp đời mới”, “khu dinh điền”, “khu trù mật” bị thất bại. Thực tế các “khu trù mật” này đều là những trại tập trung trá hình để tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân chúng. Đây là một âm mưu rất thâm độc của địch nhằm giành lại địa bàn nông thôn, nắm dân; cô lập cách mạng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta.

Chiến khu A và các tỉnh ven chiến khu, vành đai Sài Gòn như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Phước Tuy, Phước Thành là những vùng trọng điểm địch đánh phá để tiến hành bình định.

Từ giữa năm 1962, địch mở nhiều cuộc càn quét vào các vùng căn cứ của ta, hỗ trợ cho các đoàn bình định tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược. Chiến khu Đ và vùng ven chiến khu là một trọng điểm của địch trong việc thực hiện quốc sách ấp chiến lược, quyết tâm đẩy lực lượng ta ra xa. Ở phía nam căn cứ, kết hợp với các cuộc càn, địch gom dân ở các xã Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Hoà, Tân Tịch vào các ấp chiến lược lớn, đồng thời xây dựng các ấp chiến lược Xóm Sình, Bà Đã, Ván Hương… để chia cắt vùng căn cứ của ta. Các xã Thái Hoà, Thạnh Hội, Bình Chánh… dân bị xúc vào các ấp chiến lược dọc sông Đồng Nai.

Phía tây căn cứ (huyện Phú Giáo), địch lập các ấp chiến lược liên hoàn Anh Linh, An Long, Phước Sang… để ngăn chặn ta bung ta. Riêng ở tỉnh lỵ Phước Vĩnh, địch lập một hệ thống ấp chiến lược dài hơn 10km, tập trung vào đây hơn 17 ngàn dân. Chúng thiết lập thêm sân bay Nước Vàng để tăng cường việc đánh phá căn cứ. Dọc các đường 8, 13, 14, 16, nhiều đồn bót mọc thêm để giữ cầu, giữ đường, bao vây căn cứ và cắt đứt giao thông của ta.

Ở phía bắc căn cứ, địch dồn đồng bào Kinh, Stiêng, Châuro vào các ấp chiến lược dọc đường 14, tách dân ra khỏi lực lượng ta.

Nhằm tăng cường thêm lực lượng cơ động để đánh phá cách mạng ở Phước Thành, địch điều trung đoàn 48 sư đoàn 10 về đây. Mỗi ấp chiến lược, chúng còn bố trí một đại đội bảo an, không kể lực lượng “thanh niên chiến đấu” thường xuyên canh giữ ấp.

Tuy nhiên không một âm mưu nào của địch thực hiện được suôn sẻ. Quốc sách ấp chiến lược bị chống trả quyết liệt tại Chiến khu Đ. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ miền Đông và các cấp uỷ Đảng địa phương, cuộc đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp liên tục diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, kết hợp phong trào 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh vận. Nổi bật nhất là các xã Tân Khánh, Bình Mỹ, Phước Hoà, Rầy Gạch, Ván Hương…

Tại xã Tân Khánh, chi bộ xã lãnh đạo trên 700 đồng bào kéo lên đồn giặc đấu tranh chống bắn phá bừa bãi, đòi tự do đi lại làm ăn, bồi thường thiệt hại, chống gom dân vào ấp chiến lược. Tại xã Tân Bình, nhân dân đấu tranh kiên quyết không cho địch cướp lúa… Tháng 3-1962, giặc đốt hàng trăm nhà dân, đồng bào vẫn bám đất, không ra khu tập trung đồn bót. Không những thế, bà con còn cung cấp tình hình cho bộ đội đánh địch.

7 giờ 30 sáng 14-3, đoàn xe 11 chiếc của đại đội 5 tiểu đoàn 31 bảo an khu Phước Thành lọt vào trận địa phục kích của bộ đội Khu và bộ đội địa phương Phước Thành, trên đường 16 (đoàn từ Mỹ Đức đến bót suối Cầu). Mìn nổ khiến chiếc xe đi đầu lật nhào. Các đơn vị xung phong nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, làm chủ trận địa, diệt và bắt 33 tên (trong đó có tên đại uý quận trưởng Phú Giáo), thu 42 súng.

Tháng 9-1962, Trung đoàn mới thành lập tại Mã Đà, mang mật danh C58, đã tổ chức chống càn, bẻ gãy cuộc hành quân qui mô của sư đoàn 5 ngụy vào căn cứ Bàu Buông, diệt 50 tên. Sau đó, đơn vị tấn công diệt đồn Bù Đăng, mở rộng căn cứ về phía Bắc (đường 14).
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM