Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:56:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đ  (Đọc 100810 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2007, 08:10:28 pm »

Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy cao nhất lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ từ năm 1945-1951. Xin cho biết sự chỉ đạo trực tiếp của ông ở vùng Chiến khu Đ?


Trung tướng Nguyễn Bình là một nhân vật nổi tiếng ở Nam Bộ. Ông sinh năm 1908, quê ở Hưng Yên, tham gia sinh hoạt xã hội từ khi còn rất trẻ và bị giặc Pháp cầm tù ở Côn Đảo (1930-1935). Sau khi ra tù, ông sang Quảng Châu-Trung Quốc học trường Hoàng Phố. Khi về nước ông tham gia cách mạng ở vùng Hưng Yên-Kiến An-Hải Phòng; năm 1945, là một trong số cán bộ lãnh đạo Chiến khu Đông Triều.

Sau cách mạng Tháng 8, ở Nam Bộ tình hình các lực lượng võ trang hết sức phức tạp. Ngoài 4 sư đoàn mang tên Đệ nhất sư đoàn, Đệ nhị sư đoàn, Đệ tam sư đoàn, Cộng hoà vệ binh (trong đó có những sư đoàn do các tên phản động cầm đầu) còn có các nhóm Bình Xuyên, Hoà Hảo, Cao Đài và lực lượng giang hồ hảo hớn. Các sư đoàn và các nhóm võ trang này cát cứ từng địa bàn với những mục đích khác nhau, trong đó có vùng Biên Hoà, Bà Rịa…

Trước tình hình đó, tháng 10-1945, Hồ Chủ tịch và Trung ương đã phái đồng chí Nguyễn Bình lúc đó là Tư lệnh Bộ chỉ huy liên tỉnh miền Duyên Hải-Đông Bắc Bắc Bộ, vào Nam Bộ với sứ mạng thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ dưới tôn chỉ mục đích chông thực dân Pháp.

Với khả năng tổ chức quân sự và uy tín cá nhân, ông đã lặn lội khắp chiến trường để thực hiện mệnh lệnh của Trung ương và Hồ Chủ tịch, thu phục được cả những phần tử ngang tàng bằng cốt cách anh hùng, hào hiệp, nghĩa cả của mình.

Đầu tháng 11-1945, trong khi đị thị sát tình hình chiến trường miền Đông, đồng chí Nguyễn Bình đã đến nghiên cứu thực địa Tân Uyên và thảo luận với Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà chọn khu vực Lạc An để lập căn cứ cho toàn khu.

Ngày 20-11, đồng chí Nguyễn Bình triệu tập hội nghị quân sự tại An Phú Xã (Thủ Dầu Một). Từ nhiều tỉnh của miền Đông Nam Bộ, 49 đại biểu đủ các thành phần quân dân chính đảng đã về dự. Hội nghị thảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế, và đặc biệt nhấn mạnh công tác quân sự nhằm thống nhất tổ chức, chỉ huy, hoặc định chương trình và phân chia địa bàn hoạt động cho các đơn vị vũ trang. Hội nghị An Phú Xã đã củng cố một bước về mặt tổ chức các đơn vị vũ trang trong kháng chiến trên chiến trường miền Đông.

Tháng 3-1946, khu Xứ uỷ Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ làm 3 khu: 7, 8 và 9, đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định giữ chức Trưởng khu Khu 7, phụ trách chiến trường trọng điểm gian khổ. Trong quá trình hoạt động, Khu trưởng Nguyễn Bình đã đóng góp nhiều công sức cho Chiến khu Đ. Ngày 25-8-2948, ông được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng.

Tiếc thay, con người mưu dũng và tài năng quân sự lỗi lạc đã sớm ra đi. Ngày 29-9-1951, trong chuyến công tác ra Bắc, ông bị bọn thổ phỉ phục kích và hi sinh tại một vùng rừng núi của tỉnh Strungcheng-Campuchia.

Với những công lao đặc sắc trong quãng đời hoạt động, nhất là ở chiến trường Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chếin chống Pháp đầy gian lao, ác liệt, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng và Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000. Cũng trong năm này, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ tổng tư lệnh quân đội Hoàng Gia Campuchia và đồng bào tại địa phương nơi ông hi sinh, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đã được đưa về Việt Nam và làm lễ truy điệu, an táng trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2007, 08:11:23 pm »

Hội nghị Cù Lao Vịt có ý nghĩa như thế nào với việc xây dựng căn cứ và lực lượng vũ trang ở Chiến khu Đ?


Trong chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” Ban chấp hành Trung ương Đảng đã vạch cho Nam Bộ hướng cơ bản về việc chuẩn bị tinh thần và thực lực cho cuộc kháng chiến toàn diện và lâu dài. Trong đó vấn đề xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang đóng vai trò then chốt hàng đầu.

Để thực hiện chủ trương của trên, cuối tháng 4-1946, hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hoà được triệu tập tại Cù Lao Vịt do đồng chí Nguyễn Đức Thuận chủ trì. Sau khi phân tích tình âm mưu và hoạt động của thực dân Pháp sau Hiệp ước sơ bộ (6-3), kiểm điểm tình hình lực lượng kháng chiến, đồng chí Nguyễn Đức Thuận nêu rõ những nhiệm vụ của tỉnh và chỉ định đồng chí Trần Minh Trí làm Bí thư Tỉnh uỷ. Hội nghị đã thảo luận quyết nghị một số công tác quan trọng, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang và cử đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm uỷ viên quân sự tỉnh Biên Hoà…

Sau hội nghị Cù Lao Vịt, tháng 5-1946, tại Xóm Đèn (thuộc Tân Hoà), hội nghị quân sự tỉnh Biên Hoà đã nhất trí thông qua hai vấn đề chính:

-Nhập Vệ quốc đoàn huyện Châu Thành với Vệ quốc đoàn Biên Hoà (bộ đội Huỳnh Văn Nghệ) thành lực lượng vũ trang thống nhất của tỉnh, lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hoà.

-Xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hoà.

Hội nghị ở Cù Lao Vịt và sau đó là Xóm Đèn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khôi phục và khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà; tập hợp các lực lượng vũ trang nhỏ lẻ thành một lực lượng thống nhất. Hội nghị đã tạo tiền đề căn bản cho việc phát động cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp và xây dựng căn cứ địa của tỉnh, chuẩn bị thực lực để đảm bảo tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2007, 08:12:02 pm »

Tân Uyên là mục tiêu tiến công đầu tiên của giặc Pháp?


Tân Uyên là trọng điểm của Chiến khu Đ kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, do đó đã trở thành đối tượng nguy hiểm của địch.

Đầu năm 1946, quân Pháp được tăng viện lên 3 vạn. Chúng đánh lan ra vừa để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị vũ trang, vừa để đóng đồn bót chiếm đất giành dân. Căn cứ Tân Uyên trở thành mục tiêu tiến công trước tiên của giặc Pháp.

Để thực hiện âm mưu đánh vào vùng căn cứ đầu não kháng chiến, từ giữa tháng 1-1946, địch bắt đầu tổ chức các cuộc trinh sát và hành quan thăm dò lên Tân Uyên. Hàng ngày máy bay Pháp bay lượn trên chiến khu.

Sáng 20-1, các trạm gác dọc sông Đồng Nai báo về sở chỉ huy có một đoàn tàu địch theo sông Đồng Nai tiến về Tân Uyên. Các trung đội phục kích dọc bờ sông được lệnh sẵn sàng nổ súng. Quân ta chọn khúc sông gần Lò Ren cách thị trấn Tân Uyên 2km bố trí trận địa phục kích tiêu diệt địch. Một bè cây được địch đẩy ra néo chặn không cho tàu địch chạy sát bờ sông phía cù lao.

Hơn 6 giờ sáng, đoàn tàu giặc gồm 1 tàu chiến và 2 xuồng kéo tới, gặp bè cây buộc phải chạy sát bờ phải. Lập tức quân ta tung lựu đan tới tấp vào mục tiêu. Chiếc tàu chiến bị trúng lựu đạn hỏng máy không chạy được. Địch trên 2 xuồng nhỏ hoảng sợ bắn loạn xạ lên bờ và đón bọn Pháp nhảy trên tàu xuống xuồng, vội vã quay lui.

Ngày 22-1, địch lại tổ chức tân công thăm dò lần thứ hai. 9 giờ sáng, 2 tàu chiến từ Biên Hoà chém sóng lên Tân Uyên và lọt vào trận địa phục kích của quân ta bên bờ sông Cù Lao. Tên lái tàu bị bắn chết khiến chiếc tàu đâm vào bờ, 30 tên giặc trên tàu bị diệt. Chiếc tàu còn lại vãi đạn lên hai bờ sông, liều lĩnh tiến về Tân Uyên, bị các chiến sĩ đuổi theo bắn chặn. Núng thế, tàu địch buộc phải quay lui, khi cách thị trấn Tân Uyên còn 1km.

Thắng lợi hai trận đánh đầu tiên bảo vệ được căn cứ Tân Uyên gây phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cổ vũ vùng chiến khu chuẩn bị bước vào cuộc chến đấu mới.

Sau hai lần đánh thăm dò, ngày 24-1, quân Pháp tổ chức cuộc tiến công qui mô vào căn cứ Tân Uyên với lực lượng khá lớn gồm 4.000 tên có kết hợp máy bay, tàu chiến và xe cơ giới; chia thành 5 cánh. Do có sự chuẩn bị tốt, các đơn vị vũ trang đã chặn đánh địch quyết liệt trên các hướng. Tại Tân Long, địch bị tiêu diệt 120 tên, 6 xe cam nhông bị đốt cháy. Ở hướng Tân Phong, địch bị bắn chìm 2 xuồng. Ở hướng Tân Ba-thị trấn Tân Uyên, địch bị chặn đánh khắp các ngả, đội hình rối loạn, cố thoát khỏi vòng vây của ta. Bọn viện binh bị tiêu diệt 40 tên, ta thu 18 súng.

Buổi chiều cùng ngày, Pháp dùng cả thuỷ lục không quân ồ ạt đánh vào Tân Uyên. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, nhưng do bất lợi, quân ta rút ra vòng ngoài về căn cứ. Quân Pháp chiếm được thị trấn Tân Uyên. Mặc dù vậy, chúng không đạt được mục tiêu là diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang chiến khu, mà bị tổn thất nặng: 220 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 6 xe cam nhông và 2 xuồng bị phá huỷ.
Chiêm được thị trấn, quân Pháp lập chi khu Tân Uyên ở hữ ngạn và chi khu Cây Đào ở tả ngạn sông Đồng Nai, kiểm soát được từ Vĩnh Cửu sang Tân Uyên.

Trước tình hình đó, các phân đội vũ trang Khu 7 và Vệ quốc đoàn Biên Hoà rút sâu vào rừng 5 xã. Cơ quan khu bộ rời Mỹ Lộc vào đóng ở Giáp Lạc, Bưng Kè, Lạc An. Từ đây vấn đề củng cố lực lượng, xây dựng bố trí phòng thủ để ngặn chặn tiêu diệt địch, bảo vệ că cứ trở nên hết sức cần thiết.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2007, 08:14:58 pm »

Sau khi đánh chiếm được một địa bàn quan trọng của Chiến khu Đ, Pháp đã hành động ra sao? Ta đối phó lại chúng như thế nào?


Ngày 6-3-1946, thực hiện chủ trương “hoà để tiến”, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ. Theo Hiệp ước, quân đội của hai phe ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ đợi thực hiện các điều khoản được ký kết. Tuy ký, nhưng thực dân Pháp cố tình không thực hiện Hiệp ước. Tướng NyÔ lên thay Vanluy làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Nam ra lệnh tăng cường hành quân bình định…

Ngày 15-3, chưa đầy 10 ngày sau lễ ký kết, quân Pháp tổ chức cuộc càn lớn vào vùng rừng căn cứ 5 xã: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Hơn 5.000 quân có tàu chiến và máy bay yểm trợ hình thành nhiều mũi tiến công ào ạt vào chiến khu; thực hiện đốt sạch, phá sạch, giết sạch những nơi chúng đến. Các đơn vị vũ trang đã anh dũng chiến đấu nhưng không ngăn được bước chân quân giặc. Vùng chiến khu bị tàn phá nặng nề.

Thái độ lật lọng của thực dân Pháp bị dư luận lên án mạnh mẽ. Chúng thấy bất lợi nên cho tướng NyÔ ngỏ ý muốn tiếp xúc với Bộ chỉ huy Khu 7.

Biết rõ “tim đen” của giặc, nhưng cần tranh thủ thời cơ hoà hoãn để củng cố và phát triển lực lượng, đồng thời đánh một đòn chính trị, vạch mặt kẻ thù, ta đồng ý thương thuyết.

Ngày 10-4, tại miếu Bà Cô (Vĩnh Cửu-Biên Hoà)-một cửa ngõ quan trọng vào chiến khu bên bờ sông Đồng Nai, đại diện quân Pháp và Bộ chỉ huy Khu 7 tiến hành cuộc đàm phán. Phía Pháp do Pâylơ làm trưởng đoàn. Phái đoàn Khu 7 có các đồng chí Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Lê Đình Chi…

Do bất đồng quan điểm (phía Pháp trịnh thượng và đưa ra những yêu cầu vô lý ngang ngược), ngày 16-4, cuộc đàm phán chấm dứt trong tình trạng bế tắc.

Không khuất phục được ta trong đàm phán, Pháp tổ chức tiến công qui mô lần thứ ba vào Chiến khu Đ. Chúng huy động quân từ Buôn Mê Thuột và các vùng xung quanh về hợp với lực lượng tại chỗ thành một đội quân đông tới 8.000 tên, do tướng Lơ Cléc chỉ huy. Cuộc hành quân lớn này của địch nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ để giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị chúng đang tiến hành ở Nam Bộ.

Đoán được mưu đồ của quân Pháp, chiến khu đã tích cực triển khai đánh địch, sơ tán các cơ sở hậu cần vào các khu rừng hẻo lánh, bố trí các lực lượng bảo vệ các khu vực xung yếu như Lạc An, Giáp Lạc, Xóm Sình, Mỹ Lộc…

3 giờ sáng ngày 19-4, quân Pháp chia làm nhiều mũi ồ ạt tiến công vào vùng chiến khu. Các đơn vị vũ trang linh hoạt cơ động đánh tiêu hao địch ở khắp nơi, diệt hàng trăm tên, bắn bị thương 1 máy bay. Ở suối Voi, ta dùng cả trọng liên 12 ly 7 tập kích quân Pháp đang nghỉ ngơi ăn uống, diệt 80 tên, phá huỷ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Quân Pháp không tìm diệt được cơ quan đầu não và các đơn vị bộ đội tập trung của Khu 7, trong khi quân số ngày càng tiêu hao. Tuy vậy, lực lượng của chúng còn rất đông và hầu như đã làm chủ được toàn bộ vùng căn cứ đứng chân của ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Khu 7 và Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà quyết định phá vòng vây vượt ra ngoài. 9 giờ đêm 22-4, toàn cơ quan khu bộ, các đơn vị bộ đội, các cơ quan kháng chiến, cơ sở hậu cần ở chiến khu gần 2.000 người bí mật rời khỏi xóm Sình và các địa điểm ẩn náu trong khu căn cứ, rút ra ngoài vòng vây của địch an toàn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2007, 08:37:57 pm »

Xin cho biết tình hình ở Chiến khu Đ trong vòng vây phong toả của địch?


Trong chiến tranh, có khi lực lượng ta phải lùi, nhưng “lùi để tiến”, đó là phương thức bảo toàn lực lượng phòng ngự để tiến công.

Do Chiến khu Đ bị địch tiến công bao vây thường xuyên, tháng 5-1946, cơ quan khu bộ Khu 7 rút về Vườn Thơm (Bình Chánh) sau đó về Đức Hoà (Long An) lập căn cứ mới gọi là Quân khu Đông Thành. Một số đơn vị hậu cần được phân công ở lại Chiến khu Đ, do Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà trực tiếp quản lý.

Mặc khác, chấp hành nghị quyết hội nghị Xóm Đèn (5-1946), các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh, huyện chuyển sâu vào Chiến khu Đ, tiếp tục xây dựng phát triển căn cứ, tạo nơi đứng chân vững chắc.

Trong hoàn cảnh rất khó khăn, Chiến khu Đ vẫn được tăng cường lực lượng. Vệ quốc đoàn Biên Hoà biên chế thành 5 phân đội. Công tác xây dựng lán trại, kho tàng được triển khai. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn thành lập ban sanh sản-địa hình, do đồng chí Chín Quỳ phụ trách làm nhiệm vụ sản xuất lương thực và đảm trách các khu vực theo từng phương án chiến đấu. Các đội trinh sát, tình báo, liên lạc được thành lập làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, liên lạc giữa Chiến khu Đ với Quân khu Đông Thành và các khu vực bên ngoài. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định tư tưởng trụ lại chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, nhưng vấn đề lương thực thực phẩm rất khó khăn. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn tổ chức ra 9 “quận quân sự” trong tỉnh, vừa làm nhiệm vụ dìu dắt dân quân du kích xã vừa làm nhiệm vụ thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ đóng góp tiếp tế cho bộ đội.

Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, tháng 6-1946, Bộ chỉ huy Khu 7 thống nhất các lực lượng vũ trang toàn khu, tổ chức bộ đội trên địa bàn từng tỉnh thành các chi đội.

Theo chủ trương trên, Vệ quốc đoàn Biên Hoà (gồm bộ đội Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội Châu Thanh) và Vệ quốc đoàn Long Thành được thống nhất lại, tổ chức thành chi đội, lấy phiên hiệu là Chi đội 10. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng. Lực lượng của chi đội có 1.100 người trang bị 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối; hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc quân Tân Uyên.


Sự thành lập Chi đội 10 đã đánh dấu một bước phát triển mới của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà nói riêng và Chiến khu Đ nói chung. Các đại đội Vệ quốc đoàn Chi đội 10 phân tán thành từng đơn vị nhỏ xuống đứng chân và hoạt động tại các xóm ấp, do dân tiếp tế nuôi dưỡng. Về tổ chức, tỉnh chuyển các “quận quân sự” thành các “Ban công tác liên thôn”; dưới ban công tác liên thôn là “Ban công tác xã”. Các cơ quan quân sự địa phương này giúp cho uỷ ban hành chính quận xã thực hiện nhiệm vụ quân sự trên địa bàn của mình do chi đội thống nhất chỉ huy.


Đến lúc này, trong chiến khu xuất hiện 3 hình thức tổ chức vũ trang: bội đội địa phương, du kích tập trung và du kích xã. Đây là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Chiến khu Đ.


Như vậy, trong vòng vây ráo riết của quân thù, Chiến khu Đ vẫn hoạt động và phát triển nhiều mặt, tự khẳng định khả năng phòng vệ của mình để vươn lên lập những kỳ tích chiến công trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2007, 08:39:26 pm »

Việc ký kết tạm ước 14-9-1946 ở Fontainnableaur (Pháp) có tác động đến Chiến khu Đ như thế nào?


Việc Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Việt Nam ký tạm ước với chính phủ Pháp là nhằm hoà để tiến, chứ không hề có sự thỏa hiệp với thực dân Pháp.

Được tin tạm ước ký kết, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ họp hội nghị chủ trương triệt để lợi dụng hình thức công khai để tuyên truyền mạnh mẽ cho kháng chiến và Chính phủ, tích cực củng cố và phát triển các đoàn thể cứu quốc và các tổ chức chính quyền, đẩy mạnh hoạt động quân sự kết hợp với binh vận làm hoang mang tinh thần nguỵ binh.

Lúc này, hoạt động của địch ở vùng chiến khu giảm thiểu. Địch chỉ còn giữ lại ở Tân Uyên chi khu và các bót Tân Uyên, Cổng Xanh, Phước Hoà. Bên tả ngạn sông Đồng Nai chỉ còn chi khu Cây Đào và bót Rạch Đông. Phạm vi kiểm soát của địch ở Chiến khu Đ hẹp lại. Từ Đất Cuốc, Lạc An, ta mở đường liên lạc vận tải dễ dàng lên đường 13 ở phía bắc và qua sông Đồng Nai về Long Thành, Bà Rịa phía Nam.

Các cơ quan kháng chiến của tỉnh, huyệntừ trong rừng sâu chuyển ra phía ngoài, đóng dọc Đất Cuốc, Tân Lợi, Mỹ Lộc, Tân Tịch, xây dựng lán trại khang trang.

Sở chỉ huy Chi đội 10 từ Bình Chánh chuyển về Tân Tịch. Các phân đội về bám ấp xóm hoạt động gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Bộ phận quân nhu do đồng chí Cao Văn Bổ phụ trách xây dựng mạng lưới bảo đảm hậu cần xung quanh căn cứ, tổ chức đường dây vận chuyển thuốc men, hóa chất từ nội thành về căn cứ.

Cơ sở quân giới do đồng chí Nguyễn Cao phụ trách được bổ sung thêm 2 đồng chí Bùi Cát Vũ, Đặng Sĩ Hùng và nhiều công nhân kỹ thuật giỏi, quân số lên tới hàng trăm người. Ngoài việc nhồi đạn (rờ sạc), sửa súng, làm lựu đạn, xưởng còn sáng chế được lựu đạn cầu, lựu đạn phóng, địa lôi bằng đầu đạn, bom lép của địch. Các công binh xưởng cũng chuyển dần phía ngoài, đời sống của cán bộ, công nhân được cải thiện một bước quan trọng.

Quân y viện do bác sĩ Võ Cương phụ trách được bổ sung dụng cụ y tế và một số y sĩ, y tá từ trong thành ra chiến khu. Quân y viện mở các lớp đào tạo y tá, cứu thương cung cấp cho các đơn vị; khắc phục mọi thiếu thốn tực hữa các bệnh sốt rét, ho, kiết lỵ, ghẻ lở… cho bộ đội và nhân dân trong chiến khu. Nhiều chiến sĩ bị thương, khu cưa cắt không có thuốc tê vẫn cố chịu đau và hát vang bài ca cách mạng.

Trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang đã trụ lại Tân Uyên với quyết tâm xây dựng căn cứ cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ trên vùng đất Chiến khu Đ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2007, 08:40:05 pm »

Xin cho biết chính sách bình định của địch và những thất bại của chúng?


Nhằm thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắn nhanh”, đầu năm 1947, Bộ chỉ huy quân đội Pháp tập trung lực lượng bình định Nam Bộ.

Thực hiện kế hoạch thâm độc này, thực dân Pháp ra sức lôi kéo các phe nhóm tôn giáo phản động, lập các đảng phái và mặt trận quốc gia giả hiệu, các “khu quốc gia”, “khu an ninh” nhằm tạo thêm cơ sở xã hội cho chúng và chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta; củng cố các cơ sở kinh tế như cao su miền Đông, lúa gạo miền Tây và các đường giao thông chiến lược.

Về quân sự, NyÔ chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu ở vùng Chiến khu Đ gồm: Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một-Thủ Đức để tiến hành bình định, phát triển nguỵ binh, đặc biệt trong các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo. Biện pháp hoạt động quân sự của chúng là dùng lực lượng lớn hành quân sâu vào các vùng căn cứ kháng chiến, nhằm đánh cơ quan đầu não của ta, tìm diệt lực lượng vũ trang, triệt phá cơ sở hậu phương, đánh phá các vùng du kích, từng bước mở rộng vùng kiểm soát và vùng địch chiếm.

Chiến khu Đ trở thành mục tiêu càn quét chủ yếu của lữ đoàn Lê dương thứ 13 của Pháp.

Nhằm đối phó hữu hiệu những âm mưu của địch, Tư lệnh bộ Khu 7 mở hội nghị quân sự chấn chỉnh lại lực lượng vũ trang, tổ chức đánh các tuyến giao thông, chống càn quét và đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn khu.

Thực hiện kế hoạch bình định Chiến khu Đ, ngày 18-1-1947, quân Pháp ồ ạt càn vào Tân Tịch; một bộ phận nhảy dù xuống Mỹ Lộc nhằm đánh úp cơ quan kháng chiến tỉnh và Chi đội 10. Do có sự chuẩn bị, các phân đội bảo vệ căn cứ đã chặn đánh quyết liệt, diệt một tiểu đội địch, thu nhiều đạn dược, thuốc men và 100 chiếc dù. Tiếp theo, tháng 3-1947, Chi đội 10 đã tập kích diệt gọn 1 trung đội địch đóng giữ đồn Đất Cuốc, giải toả vùng trung tâm chiến khu. Từ đó, tình hình sinh hoạt trong chiến khu tương đối ổn định. Bọn giặc chủ yếu cố thủ trong các đồn bót lớn, các cuộc càn vào căn cứ giảm hẳn.

Ngày 19-5, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Chi đội 10 chiến đấu lập công, đánh đoàn xe lửa địch ở Bảo Chánh, thu nhiều súng. Tiếp theo, đơn vị lại đánh đoàn xe lửa ở Trảng Táo, thu 22 súng và 10 tấn gạo. Đồng chí Lê Duẩn phụ trách Nam Bộ đã đến Chi đội 10 biểu dương tinh thần vượt khó, dũng cảm chiến đấu của bộ đội Biên Hoà.

Trong những chiến công của Chi đội 10 trong thời gian này là trận phục kích đánh hai đoàn xe lửa của địch ở Bàu Cá ngày 14-7. Trong trận này, Chi đội đã tập trung lực lượng lớn gồm 400 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí mạnh, đã diệt 200 tên (có 1 đại uý Pháp), thu 60 súng và 3 máy thông tin vô tuyến.

Những trận thắng của Chi đội 10 và các lực lượng bảo vệ căn cứ đã góp phần bẻ gãy âm mưu bình định của giặc Pháp đối với Chiến khu Đ, mở ra tiền đề tươi sáng giành thắng lợi của quân và dân vùng chiến khu, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2007, 08:41:40 pm »

Trận La Ngà đánh dấu một điểm son lịch sử của Chiến khu Đ. Xin cho biết cụ thể về trận đánh này?


Sau khi từ Chiến khu Đ tiến công lên Đồng Xoài và tổ chức trận đánh giao thông địch trên đường 14, phá huỷ 14 xe thiết giáp, 9 xe chở lính, diệt 60 tên địch, trên đường trở về căn cứ, Đảng uỷ và ban chỉ huy Chi đội 10 họp rút kinh nghiệm và đánh giá khả năng đơn vị có thể đánh lớn ở một địa bàn xa căn cứ, từ đó quyết định tổ chức một trận đánh giao thông lớn trên đường 20 (Dầu Giây đi Đà Lạt).

Tại Chiến khu Đ, đơn vị đắp sa bàn cát, lên phương án tác chiến trận đánh quan trọng. Đến cuối tháng 2-1948, công tác điều nghiên nắm địch, chuẩn bị hậu cần cho trận đánh được hoàn tất. Đảng uỷ và Ban chỉ huy Chi đội 10 thông qua quyết tâm chiến đấu, chủ yếu hai vấn đề then chốt:

-Tập trung lực lượng toàn Chi đội, có tăng cường Liên quân 17 tổ chức phục kích đoàn xe của địch từ Sài Gòn lên Đà Lạt (đoạn qua cầu La Ngà-Định Quán).

-Để lại một bộ phận đủ sức bảo vệ căn cứ, đề phòng địch phản ứng mạnh sau trận đánh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động vũ trang ở thị xã và sân bay Biên Hoà, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó.

Đêm 25 rạng ngày 26-2-1948, các trạm gác phía mặt sông Đồng Nai vẫn hoạt động bình thường để đánh lạc hướng phán đoán của địch. Trong lúc đó, toàn bộ lực lượng Chi đội 10 và Liên quân 17 bí mật rời khởi căn cứ theo hướng đông vượt sông Bé, băng rừng hơn 80 km về phía La Ngà. Trận đánh diễn ra đúng với dự kiến.

Ngày 1-3, một đoàn xe Pháp 70 chiếc (có xe thiết giáp hộ tống) vận chuyển hàng và sĩ quan cao cấp đi họp từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Đúng theo kế hoạch tác chiến, lực lượng du kích Long Khánh đã làm vật cản và đánh nhỏ làm hạn chế tốc độ đoàn xe. 15 giờ 15 phút, tốp xe đi đầu bị địa lôi nổ bốc cháy nằm chắn giữa đường. Bộ phận chặn đầu dùng hoả lực bắn mạnh vào đội hình rồi đồng loạt xung phong, diệt gọn toán địch và bắt nhiều tên. Phối hợp với bộ phận chặn đầu, bộ phận đánh chính diện dùng trung liên, tiểu liên, lựu đạn diệt nhiều tên và ném các chai xăng đốt cháy xe tải, nhanh chóng làm chủ trận địa, phá huỷ 16 xe.

Bộ phận khoá đuôi chờ tốp xe cuối cùng lọt vào trận địa mới nổ súng. Địch tháo chạy tranh nhau lên xe rút về phía đồn La Ngà. Ta diệt 31 tên.

Tại một đoạn đường khác, Liên quân 17 và công nhân quân giới đồng loạt xung phong tiến công áp đảo địch, diệt 26 xe và 56 tên.

Trận đánh kết thúc lúc 6 giờ. Các đơn vị nhanh chóng thu dọn chiến trường, rút về căn cứ, dẫn theo 200 tù binh. Riêng số lính Pháp bị thương không đi được, ta giải thích chính sách khoan hồng của chính phủ và thả tại chỗ.

Kết quả trận đánh: trên quãng đường dài hơn 9km, 59 xe bị phá huỷ; 150 tên bị diệt, trong đó có 25 sĩ quan. Đại tá De Sérigué chỉ huy bán lữ đoàn Lê dương số 13 và Đại tá Patơruýt Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp tại nam Đông Dương bị chết.

Chiến thắng La Ngà gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm chấn động dư luận nước Pháp.

Cay cú trước thất bại chưa hề có, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn điên cuồng mở cuộc phản kích phục thù.
Đoán được ý đồ của địch, bộ đội ta cấp tốc hành quân trở về chiến khu, mặt khác để một bộ phận kết hợp với lực lượng du kích hoạt động sát vào các vùng thị trấn, thị xã không cho địch tập trung lực lượng phản công.

Trong lúc ta đã về đến căn cứ chuẩn bị chiến đấu thì địch loay hoay mãi tới 5-3 mới triển khai được lực lượng trên các hướng, kể cả quân nhảy dù và tàu chiến từ sông Đồng Nai lên sông Bé. Quân giặc rất hùng hổ, nhưng không thấy lực lượng ta, quân Pháp điên cuồng bắn phs, thiêu đốt nhà cửa đồng bào trong các buôn, sóc Lý Lịch, Bù Cháp.

Cùng ngày, 5 máy bay vận tải thả quân xuống Đất Cuốc; 1.000 bộ binh và 50 xe cơ giới hình thành 2 gọng kìm vây kín khu vực cơ quan tỉnh ở Tân Hoà, Mỹ Lộc. Nhưng ta đã kịp thời sơ tán, chỉ để lại một phân đội cùng dân quân du kích đánh quấy rối quân địch, làm thương vong trên 60 tên.

Thua mưu trí, tổn thất lực lượng, giặc Pháp càng lồng lộn trả thù, đốt nhà của đồng bào các xã trong vùng chiến khu; giết chết 20 người dân, hơn 100 con trâu bò, thiêu cháy 500 giạ lúa. Tuy nhiên, tội ác của chúng đã bị trừng trị đích đáng trên 100 tên Lê dương bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương.

Chiến thắng La Ngà đánh dấu một bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang Biên Hoà, rút ra được nhiều bài học về tổ chức, chỉ huy, tác chiến; đặc biệt là tổ chức hành quân với cự ly xa gần 100km, xuất phát từ căn cứ để tiến công địch và trở về bảo vệ căn cứ an toàn.

Với chiến công xuất sắc trong trận đánh giao thông La Ngà, các đơn vị tham gia đều được Chính phủ tặng thưởng huân chương.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2007, 08:42:17 pm »

Sau trận đánh La Ngà có sự cải tổ và phát triển mới về lực lượng vũ trang?


Về qui luật chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang càng đánh càng phát triển lớn mạnh về thực lực và nghệ thuật chiến đấu.

Trong trường hợp này, Chiến khu Đ có cũng những bước chuyển quan trọng cho phù hợp với tính chất giai đoạn cuộc kháng chiến phát triển, tương xứng với tầm vóc của một chiến khu rộng lớn, có vị trí trung tâm và sát gần đầu não trung ương địch.

Đầu năm 1948, Tư lệnh Bộ được củng cố một buớc. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ từ chi đội trưởng Chi đội 10 được đề bạt lên Khu bộ phó, và sau đó lên Khu bộ trưởng. Và để tiện việc nắm tình hình chỉ đạo chung, cơ quan khu bộ Khu 7 từ chiến khu Đồng Tháp Mười trở về Chiến khu Đ. Văn phòng Tư lệnh đóng tại Nhà Nai. Lực lượng bảo vệ các cơ quan Khu va an toàn căn cứ có đại đội A thuộc Chi đội 10, tiểu đoàn lưu động khu vực và lực lượng dân quân du kích các xã căn cứ. Ngoài phương tiện giao liên chạy chân và chạy ngựa, từ Sở chỉ huy Tư lệnh đến một số cơ quan, đơn vị được trang bị máy thông tin vô tuyến điện (gọi tắt là VTĐ).

Tại Nhà Nai, ngày 27-3-1948, Tư lệnh khu bộ Khu 7 hội nghị quyết định thống nhất tổ chức bộ đội trong khu thành 10 trung đoàn và 1 tiểu đoàn lưu động (goi là bộ đội lưu động khu).

Chi đội 10 được xây dựng thành trung đoàn 310 do đồng chí Nguyễn Văn Lung làm trung đoàn trưởng. Biến chế của trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn và 1 đại đội trợ chiến, trang bị 800 súng trường, 40 tiểu liên, 16 trung liên, 6 đại liên, 3 súng cối, 1 súng chống tăng. Đảng bộ trung đoàn có tới 155 đảng viên. Đại đội A được xây dựng thành tiểu đoàn mang tên vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, do đồng chí Nguyễn Văn Lắm làm tiểu đoàn trưởng.

Ngoài Trung đoàn 310, trên địa bàn Chiến khu Đ còn có đơn vị bộ đội lưu động của khu do Hoàng Thọ làm chỉ huy trưởng. Đơn vị của Hoàng Thọ có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 310 bảo vệ cơ quan Khu 7, bảo vệ Chiến khu Đ và lưu động tác chếin trong và ngoài chiến khu.

Chi đội 1 Thủ Dầu Một xây dựng thành Trung đoàn 301 do đồng chí Nguyễn Văn Thi làm trung đoàn trưởng, hoạt động ở vùng phía tây Chiến khu Đ.

Sau hơn một năm kháng chiến, lực lượng vũ trang Biên Hoà và Khu 7 không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, đã tạo điều kiện bảo vệ an toàn các căn cứ ở Chiến khu Đ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2007, 06:53:06 pm »

Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất đã có những quyết định quan trọng gì về Khu 7 và Chiến khu Đ?


Tháng 7-1948, đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất họp tại bờ kênh Năm Ngàn giữa chiến khu Đồng Tháp Mười. Đồng chí Lê Duẩn được uỷ nhiệm thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì hội nghị. Đại hội đề ra chủ trương nhằm chống chiến lược của giặc, bảo vệ hậu phương của ta.

Quán triệt nghị quyết của đại hội, Khu uỷ và Bộ chỉ huy Khu 7 đề ra các nhiệm vụ bức thiết:

- Đánh mạnh vào hậu phương địch, gây cơ sở địch hậu, thu hẹp vùng kiểm soát của chúng.

- Phá hoại trọng tâm kinh tế của địch (chủ yếu là cao su) làm cắt đứt đường giao thông quan trọng của ta.

- Mở rộng khu giải phóng, kiến thiết căn cứ địa bảo vệ lực lượng dự trữ, bảo vệ mùa màng của ta.

- Tích cực phòng gián điệp, tiến hành địch vận và nguỵ vận.


Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ, cuộc chiến đấu của quân và dân ta phát triển đều khắp trên cả 3 vùng: tạm chiếm, du kích và vùng tự do.

Các trung đoàn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh trên các tuyến đường giao thông của địch, như phục kích các đoàn xe, phá cầu, đào đường. Các tuyến đường bị ta phá hư hại nhiều như Thủ Dầu Một-Dầu Tiếng, Dầu Tiếng-Minh Thạnh, Thủ Dầu Một-Lộc Ninh.

Tính đến cuối năm 1948 sang năm 1949, chủ động đánh địch để bảo vệ căn cứ, lực lượng vũ trang Chiến khu Đ đã chiến đấu hàng chục trận, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng của địch.

Tác dụng của những đợt hoạt động với nhiều chiến thuật đã làm cho địch phải bị động đối phó liên miên trên các chiến trường, không tập trung được lực lượng lớn tấn công vào các vùng căn cứ của ta. Âm mưu khai thác, vơ vét, chuyên chở vật chất từ vùng chiến khu của địch gặp nhiều khó khăn trở ngại.

Các huyện, xã tích cực xây dựng căn cứ du kích, căn cứ lõm như Bình Đa, Long Thành, Chứa Chan (Biên Hoà), Bình Chánh, Bình Thuận, An Hoà, An Điền, Long Nguyên… (Thủ Dầu Một), Long mỹ, Xuyên Mộc (Bà Rịa)… hình thành một hệ thống căn cứ ken dày xung quanh Chiến khu Đ, tạo nên thế xen kẽ và liên hoàn khắp các chiến trường, chống lại chủ trương chia cắt để dễ đánh phá, tảo thanh của địch.

Với những cố gắng cao nhất trong giai đoạn này, Chiến khu Đ đã thự chiện được những chủ trương quan trọng của Xú Đảng bộ Nam Bộ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM