Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:12:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến khu Đ  (Đọc 100805 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:20:56 pm »

Tác giả: Hồ Sĩ Thành
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh



Lời nhà xuất bản


Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng bạt ngàn nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận thành phố Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hoà (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi trú dấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước.


Ngoài việc giữ vị trí chiến lược nối nhiều chiến trường ở Nam bộ và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, Chiến khu Đ còn là ưu thế của một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của địch ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ.


Trên một phương diện khác, với tầm vóc của mình, Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.


Qua biết bao gian khổ, thăng trầm, Chiến khu Đ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.


Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ gần một phần ba thế kỷ, nhưng những bài học quý giá về lòng yêu nuước, tinh thần xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, còn nguyên giá trị, đặc biệt là vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.


Về Chiến khu Đ, đã có những công trình nghiên cứu lịch sử, sách báo đăng tải. Lần này Thượng tá Hồ Sĩ Thanh (nhà thơ Lam Giang), cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự Quân khu 7, tiếp tục sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn dưới dạng hỏi đáp, một cách hàm súc và mang tính phổ cập, đưa đến bạn đọc những tư liệu và hình ảnh về Chiến khu Đ trong kháng chiến và hiện nay. Đây là tập thứ tư trong bộ sách “Việt Nam kỳ tích” của tác giả, sau 3 tập đã ấn hành: Địa đạo Củ Chi, Biệt động Sài Gòn, Đặc khu Rừng Sác, chắc chắn sẽ đem lại những điều bổ ích cho bạn đọc.


Nhà xuất bản Trẻ
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười Một, 2020, 05:12:50 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:22:48 pm »

Chiến khu Đ rất nổi tiếng, không những trong nước mà cả thế giới. Xin cho biết xuất xứ tên “Chiến khu Đ”?


Trong các thời kỳ kháng chiến, các căn cứ, khu chiến đấu lần lượt ra đời nhằm bảo tồn lực lượng và tiến công tiêu diệt kẻ thù. Nhiều căn cứ mang chính tên địa danh sở tại, hoặc tên các anh hùng, danh nhân, tên các đồng chí lãnh đạo kiệt xuất, nhưng cũng có nhiều khu căn cứ mang tên ký hiệu bằng các ký tự A, B, C, D… (còn gọi là mật danh) để nguỵ trang, che mắt địch. Chiến khu Đ cũng là một vùng căn cứu mang ký tự như vậy.


Ngày 20-3-1946 (năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống Pháp), Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An (thuộc tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Dương), tiến hành cải tổ lại cơ quan khu bộ, thảo luận những biện pháp xây dựng địa bàn đứng chân, qui định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ chiến đấu nhằm ngăn chặn, tiêu diệt giặc và bảo vệ an toàn căn cứ.


Sau hội nghị, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống. Các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực mang một mật danh A, B, C, D. Theo đồng chí Võ Bá Nhạc nguyên chánh văn phòng Khu bộ Khu 7 thì: A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội, Đ là tổng hành dinh Khu 7 đóng ở Ngãi Hoang. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển.


Khu bộ lập một trung đội “bộ đội danh dự gương mẫu” làm nhiệm vụ nghi thức và lưu động tác chiến bảo vệ cơ quan trung khu. Từ đây căn cứ Tổng hành dinh Khu 7 thường được gọi là Chiến khu Đ.

Về phía địch, thực hiện kế hoạch bình định, thực dân Pháp ra sức lôi kéo các phe nhóm tôn giáo phản động, lập các đảng phái và mặt trận quốc gia giả hiệu, các “khu quốc gia”, “khu an ninh” nhằm tạo thêm cơ sở xã hội cho chúng và chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta. Tướng NyÔ tổ chức bố trí lại chiến trường, chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Vùng Chiến khu Đ thuộc tiểu khu 3 gồm: Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức.


Tên Chiến khu Đ sinh ra như trên; tuy nhiên có nhiều người cho rằng chữ Đ ở đây mang ý nghĩa là “đỏ”, hàm ý là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng, một “địa chỉ đỏ” của cả nước. Hoặc chữ Đ là viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên, tập hợp lực lượng. Hoặc chữ Đ là viết tắt chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông… Ngoài ra do Chiến khu Đ là vùng rừng hoang nước độc rất gian khổ, bệnh tật, nên nhiều người còn gọi đùa là “chiến khu đói”, “chiến khu đau”…


Cũng cần nói thêm hai từ “chiến khu” ở đây, ta hiểu là có nhiều căn cứ hợp lại, trong đó có căn cứ lãnh đạo chỉ huy, nhưng cũng có nhiều căn cứ của các đơn vị chiến đấu hoặc chuyên môn phục vụ của các ngành quân, dân, chính, Đảng…
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:25:10 pm »

Chiến khu Đ đã hình thành như thế nào?


Như ta đã biết một chiến khu bao giờ cũng có điểm xuất phát, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Nhưng giai đoạn ra đời hình thành có những hoàn cảnh rất đặc thù.

Đối với Chiến khu Đ, giai đoạn ra đời kéo dài trong một bối cảnh đặc biệt của vùng đất là hậu phương của cuộc kháng chiến, nhưng lại là cửa ngõ của trung tâm bộ máy chiến tranh của bọn xâm lược và tay sai.

Ngay từ tháng 10-1945, trong những tháng mở đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân phá vòng vây của ta xung quanh Sài Gòn, muốn nống ra đánh chiếm các đô thị và vùng kinh tế, các đường giao thông… hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến.

Biên Hoà, Thủ Dầu Một là cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn trở thành một trong những hướng đánh chiếm đầu tiên của địch.

Do tương quan lực lượng không cân sức, các đơn vị kháng chiến dần dân rút ra vòng ngoài để bảo toàn, củng cố lực lượng. Tân Uyên (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một) với ưu thế địa hình quân sự, trở thành hướng rút quân thuận lợi cho nhiều đơn vị võ trang từ các nơi.

Đêm 22-10, một bộ phận gồm 40 người, trang bị 30 khẩu súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy, kéo về Tân Tịch, Đất Cuốc, dựa vào rừng làm căn cứ để xây dựng lực lượng chống Pháp. Nhiều lực lượng ở các nơi khác cũng lần lượt rút về Tân Uyên.

Đầu tháng 11, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng cử vào phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ. Trong khi đi khảo sát địa hình, nhận rõ vị trí địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên, đã chọn khu Lạc An lập căn cứ địa cho an toàn khu.

Ngày 10-2-1945, tại Đức Hoà (Chợ Lớn) hội nghị quân sự toàn Nam Bộ được triệu tập, quyết định chia Nam Bộ thành các chiến khu 7, 8, 9. Chiến khu 7, tổ chức hành chính quân sự được thành lập chính thức gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính trị uỷ viên khu.

Chấp hành nghị quyết của hội nghị Đức Hoà, ngày 17-12-1945, cơ quan khu bộ Khu 7 về đứng chân và xây dựng hệ thống phòng thủ Tân Uyên. Lạc An tên một xã trong vùng căn cứ thuộc Tân Uyên-nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hoà được chính thức xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của Chiến khu 7.

Như vậy, sau hai tháng kể từ khi thực dân Pháp đánh lên Biên Hoà, Thủ Dầu Một, cùng với quá trình phân hóa tan rã của các sư đoàn Cộng hoà vệ binh (thành lập sau Cách mạng tháng Tám) và sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng trong toàn khu, nhiều đơn vị vũ trang và cơ quan đầu não kháng chiến Khu 7 đã lần lượt rút về căn cứ Tân Uyên củng cố xây dựng lực lượng.

Đầu năm 1946, giặc Pháp đánh lan ra. Căn cứ Tân Uyên trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của chúng.
Trong năm 1946, cùng với cuộc kháng chiến của quân và dân cả nước, Chiến khu 7 phát triển nhiều mặt. Các lực lượng vũ trang ở đây đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt và đẩy lùi quân địch.

Chiến khu Đ đã hình thành trong điều kiện áp lực nặng nề của quân Pháp và đứng trước những thử thách mới của một cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:25:58 pm »

Xin cho biết vị trí của Chiến khu Đ qua các thời kỳ kháng chiến?


Nhìn tổng quan vùng miền Đông Nam Bộ, Chiến khu Đ có một hình thể tương đối đặc biệt. Nó tiếp cận được với trung tâm đầu não của kẻ thù từ một vòng cung không lớn, nhưng có một chiều sâu không bị gián đoạn và nằm trên triền đất thoải dần từ cao nguyên miền Trung chạy về phía nam, nối lền rừng núi bạt ngàn của nam Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ xuống giáp với các đô thị lớn như Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Sài Gòn.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở từng giai đoạn lịch sử, Chiến khu Đ có phạm vi rộng hẹp khác nhau.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Chiến khu Đ được hình thành từ 5 xã: Tân Hoà, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà). Từ năm 1948 trở đi, Chiến khu Đ được mở rộng ra, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để không ngừng mở mang lên phía bắc tới Phước Hoà về phía đông tới sông Bé; rồi vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Mặc dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hoà lên Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên.

Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do qui mô cuộc chiến tranh ở mức cao hơn, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), trung tâm chiến khu chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, sau khi giải phóng Phước Long, các khu căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vị phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ Chiến khu Đ nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước), phía bắc vương xa giáp biên giới Việt Nam-Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng), phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, diễn biến vùng căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ luôn gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng chiến khu như máu thịt. Đối với nhân dân cả nước ngày nay Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tuợng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:27:31 pm »

Chiến khu Đ có những đặc trưng về địa lý và thiên nhiên?


Có thể nói Chiến khu Đ là “dấu nối” giữa rừng núi với đồng bằng, vì nó nằm trên bán bình nguyên. Địa hình cao dần từ tây nam lên đông bắc với độ cao trung bình 40m. Ở mạn bắc thuộc huyện Phước Long và Đồng Phù có các bậc thềm với độ dốc thoải dần theo hai hướng; Sông Bé về phía tây và Đồng Nai về phía nam. Được cấu tạo bởi đất phù sa cổ sinh thuộc hệ thống sông Đồng Nai, chất đất ở đây theo sự biến thien của độ cao mà chuyển dần từ màu xám sang màu nâu đỏ và đỏ bazan ở vùng cao. Núi đứng từng ngọn hoặc từng cụm nhỏ trên nền đá hoa cương, là những sơn địa cuối cùng của xương sống Trường Sơn ở phía nam. Hàng trăm đồi núi, cao nhất là ngọn Bà Rá 723m, tạo thành một dải rừng núi hùng vĩ trùng điệp, lợi hại về mặt quân sự.

Rừng Chiến khu Đ là rừng nguyên sinh, cây hỗn hợp và mọc nhiều tầng dày đặc. Trong đó, “rừng cấm” Cát Tiên là phần sót lại sau chếin tranh. Trong từng có nhiều loại “danh mộc” như cẩm lai, gõ, sao sến, trắc, căm xe, huệ mộc, huỳnh đường, ván hương; những rừng tre lồ ô bạt ngàn dọc triền bắc sông Bé và nhiều cây thuốc quý như bạch truật, cam thảo, đẳng sâm, mã tiền…

Các loại động vật nhiệt đới có đủ mặt trong rừng Chiến khu Đ như cọp, gấu, beo, trâu rừng, bò rừng, tê giác, hươu, nai, mễn, khỉ, chồn, heo… và hàng trăm loại chim muông. Dưới sông Đồng Nai (đoạn chảy qua Chiến khu Đ) có cá sấu…

Chiến khu Đ có hàng chục đồn điền cao su. Đây là một bộ phận rừng không nhỏ chiếm diện tích của hàng vạn ha rừng tự nhiên đầu thế kỷ XX cho đến nay như các sở cao su Đa Kia, Thuận Lợi, Phú Riềng và nhiều sở nhỏ như Phước Hoà, Bác Vật, Cô Mười…

Khí hậu thời tiết ở Chiến khu Đ chịu ảnh hưởng của vùng nhiệt đới đông Nam Bộ, nói chung ôn hoà theo hai mùa mưa nắng. Nhưng trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đây là vùng rừng núi hoang vu “Mã Đà sơn cước”, “lâm sơn chướng khí”; càng lên phía bắc và đông bắc càng khắc nghiệt, nhất là vùng Bà Rá như cái “nôi” của sốt rét, đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng cán bộ, chiến sĩ ta. Ở vùng cao hơn như Phước Long, ngày nóng, đêm lạnh buốt. sương mù bao ơhủ dày đặc. Mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10) với lượng mưa rất cao. Có tháng mưa dầm dã suốt ngày đêm, các sông suối nước chảy cuồn cuộn đục ngàu. Sông Bé trở nên hung dữ nước tung bờm ngựa như muốn cuốn đi tất cả.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:28:21 pm »

Địa hình Chiến khu Đ phức tạp như vậy, xin cho biết hệ thống giao thông ở đây?


Quả là đi vào Chiến khu Đ như vào “mê hồn trận” của thiên nhiên. Tuy nhiên, trong vùng chiến khu này, giao thông vẫn thuận lợi do có cả đường bộ và đường thuỷ (sông suối).

Về đường thuỷ, sông Đồng Nai chảy qua chiến khu, chia làm hai đoạn. Đoạn thượng nguồn từ rừng Cát Tiên đến Vĩnh An dài khoảng 80km, lòng sông rộng trung bình từ 90-120m với độ sâu hàng chục mét. Bờ sông dựng đứng, có nhiều thác ghềnh và đá ngầm hiểm trở. Đoạn từ Vĩnh An xuôi về thị trấn Tân Uyên cũng dài khoảng 80km, chảy qua bậc thềm thác Trị An, lòng sông rộng dễ giao thông hơn. Một chỉ lưu quan trọng của sông Đồng Nai là sông Bé; bắt nguồn từ ngã ba Hiếu Liêm chạy ngoằn ngoèo lên phía bắc đến suối Brơlinh, dài khoảng 60km, rộng trung bình 30, sâu hàng chục mét. Ngoài ra trên địa bàn Chiến khu Đ còn có hàng trăm sông suối và nhiều thác khác nổi tiếng như Trị An, thác Mơ, thác Trời, Cần Đơn, Tóc Đồng… có tiềm lực thuỷ điện rất cao.

Tuy nhiên hệ thống giao thông đường bộ là chủ yếu đối với Chiến khu Đ. Xung quanh chiến khu có các trục lộ bao bọc như quốc lộ 20 và quốc lộ 13. Có 3 tuyến đường chính nối Chiến khu Đ với các tỉnh. Đó là đường 10 dài khoảng 80km nối đường 14A ở đông bắc thị trấn Bù Đốp xuyên dọc chiều dài bắc nam của chiến khu (phía tây) về thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Con đường này nối liền các thị trấn, các đồn điền cao su quan trọng: Phước Bình, Đa Kia, Thuận Lợi, Phú Riềng và các khu dân cư: Đồng Xoài, An Ninh, Phước Vĩnh. Đường 13 (đoạn từ Nha Bích đến Đồng Xoài) và đường 14B từ thị trấn Đồng Xoài chạy theo hướng đông-đông bắc là tuyến đường xuyên suốt từ cực tây sang cực đông của chiến khu, dài 85km.

Trong lòng Chiến khu Đ còn có các đường: tỉnh lộ 8 dài 32km nối thị trấn Tân Uyên với Hiếu Liêm chạy men theo bờ bắc sông Đồng Nai; đường 322 dài hơn 50km nối thị trấn Đồng Xoài với Cây gáo xuyên qua sân bay Rang Rang, Mã Đà, suối Bà Hào; đường 323 dài hơn 70km nối liền Cây Gáo với Vĩnh An và Tà Lài; đường liên xã nối thị trấn Bù Đăng với các xã Đồng Nai, Thống Nhất và vùng bắc Cát Tiên; đường (không số) nối lộ 16 tại Bình Cơ đi Sình, Bà Đã, Hiếu Liêm tới lộ 8 tại Lạc An.

Trong kháng chiến, ta lợi dụng sông suối, đường sá để đánh giặc, nhưng chính hệ thống giao thông đường bộ cũng gây cho ra những khó khăn. Có lúc địch đã lợi dụng những con đường này đẩy ta vào thế vô cùng khó khăn, do chúng có sức cơ động bằng cơ giới rất mạng; đặc biệt là trong thời kỳ đánh Mỹ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:29:05 pm »

Địa hình Chiến khu Đ có những lợi thế gì để xây dựng căn cứ địa cách mạng?


Mặc dù đã triệt để khai thác những nhược điểm của Chiến khu Đ để bao vây tiêu diệt lực lượng ta, nhưng Chiến khu Đ vẫn tồn tại và biến thành “Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp” và cả giặc Mỹ sau đó.

Những mặt thuận lợi, ưu điểm của Chiến khu Đ là ta đã lợi dụng được điều kiện tự nhiên của vùng đất này để xây dựng căn cứ chiến đấu trường kỳ cho đến toàn thắng.

Đất rừng ở đây gần sông suối dễ trồng tỉa cây lương thực, hoa màu ngắn ngày, lại có nguyên liệu cao lanh cho ngành gồm và nhiều ngành công nghệ khác. Rừng vừa “che bộ đội” và cung cấp cây thuốc chữa bệnh và nguồn thịt động vật, các loại cây, trái, củ, lá… nuôi sống con người, nhất là trong các thời kỳ ác liệt, do địch đánh phá, phong toả kinh tế.

Đồi núi, đất đai được phủ xanh bằng rừng cây tầng tầng lớp lớp, những tuếyn hào phòng thủ thiên nhiên do sông suối tạo nên và đường xá giao thông lớn nhỏ trong rừng tạo cho Chiến khu Đ một thế lợi hại về quân sự.

Đất rừng Chiến khu Đ có độ cao và rắn chắc thuận lợi cho việc cấu trúc công sự chiến hào và địa đạo để bám trụ chiến đấu lâu dài, nhất là những đợt địch gia tăng hoạt động bao vây đánh phá các khu căn cứ.

Hơn thế, phần lớn Chiến khu Đ nằm trong hệ thống rừng núi, địa hình hiểm trở là địa bàn lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ làm nơi trú đóng lực lượng, dự trữ kho tàng và phát triển mọi mặt của vùng căn cứ. Lưng dựa vào Trường Sơn và rừng núi miền nam Đông Dương, gắn với một phần đoạn cuối đường Hồ Chí Minh; phía trước lấn sát vùng đồng bằng dân cư và các đô thị lớn, Chiến khu Đ còn là vung án ngự chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là cầu nối “trung chuyển” quan trọng từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam Bộ.

Trong 30 năm ròng rã chống quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Chiến khu Đ đã khai thác triệt để tiềm năng của vùng chiến khu đặc biệt này để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đóng góp của Chiến khu Đ vào thắng lơi hai cuộc chiến tranh giải phóng đã qua, thể hiện rõ năng lực khắc phụ rất cao những mặt khó khăn, phát huy những ưu điểm thuận lợi của những yếu tố điều kiện tự nhiên, của quân và dân Chiến khu Đ, tạo nên một chiến khu nổi tiếng ngang tầm với lịch sử của nó.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:30:20 pm »

Xin cho biết về con người và yếu tố đặc trưng văn hóa-xã hội ở Chiến khu Đ?


Qua các hiện vật khảo cổ khai quật được tại các di chỉ Vương Dũ, dốc Chùa, gò Đá, suối Linh, Hiếu Liêm, lòng hồ Trị An… các nhà khảo cổ đã xác định: Cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm (thời đại đồng thau phát triển) trên địa bàn Chiến khu Đ đã có con người cư trú. Cùng với nghề trồng lúa nước của một nền nông nghiệp phát triển, cư dân ở đây đã biết những nghề thủ công như khai thác đá, đồ gốm, dệt vải, đúc đồng…

Cư dân bản địa sống trên vùng Chiến khu Đ là các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Stiêng và Chơro thuộc ngữ hệ Môn Khơme chiếm đa số. Những dân tộc ít người hơn có: Mơnông, Mạ, Tàmưng, Khơme.

Từ xã xưa, xã hội chưa phân hóa giai cấp, hình thái kinh tế của đồng bào ở đây phổ biến là du canh du cư, phong tục tập quán còn rất lạc hậu.

Từ khoảng giữa thế kỷ XVII về sau, đồng bào người Kinh từ miền Bắc, miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp, đã đến định cư ở vùng chiến khu. Trước thế kỷ XIX, các đợt di cư ấy hầu hết là những nông dân cùng cực mong muốn thoát khỏi tai họa, đói khổ, tang tóc do cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn gây ra. Từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, thành phần chủ yếu trong các đợt di dân là các thế hệ nông dân bị bần cùng hóa, phải rời bỏ quê hương đi làm cho chủ Tây ở các đồn điền cao su.

Từ sau cách mạng Tháng 8-1945, trên vùng Chiến khu Đ đã khá đông đảo dân cư, chủ yếu vẫn là người Kinh sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào trong Chiến khu Đ thấp hơn đồng bào thành thị và đồng bằng rất nhiều; có 95% mù chữ, hàng năm chỉ đủ gạo ăn 6 thán, còn lại phải ăn rau, củ, trái rừng. Những người nông dân tha hương dám chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt, trui luyện thành những con người kiên gan, với sức chịu đựng phi phàm. Họ chính là nơi gieo trồng những mầm cây cách mạng cho chiến khu.

Nhìn bao quát ta thấy vùng đất này có một nền văn minh lâu đời, trước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai đã là nơi cư sống của hàng vạn người-một cộng đồng dân chúng chúng được kết cấu từ 3 thành phần cơ bản: đồng bào dân tộc ít người, nông dân và công nhân cao su.

Ngoài truyền thống chung của dân tộc, nhân dân ở vùng Chiến khu Đ còn có những truyền thống mang tính đặc thù của miền đất pha màu sơn cước: sẵn sàng xả thân cho lẽ phải, niềm tin; đề cao tình thần thượng võ, thích tự do, phóng khoáng, cư xử nghĩ hiệp và giàu lòng tương ái đùm bọc lẫn nhau; ham mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên không ngừng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:31:24 pm »

Chiến khu Đ bao hàm ý nghĩa của một vùng đất bất khuất. Vậy những phong trào đấu tranh ở đây đã ra đời như thế nào?


Như ta đã biết chiến khu là một điểm son của xứ sở Bến Nghé-Đồng Nai, tự thân đã có khi phách kiên cường. Vì thế ở đây cũng là nơi hội tự những trào lưu yêu nước.

Tính từ nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng làm cuộc “thập tự chinh” xâm lược Việt Nam, trên vùng đất Chiến khu Đ đã hình thành một phong trào chống xâm lăng sâu rộng và liên tục đến nửa đầu thế kỷ XX.

Ngay sau khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hoà, nhân dân Tây Nguyên cùng lực lượng bán võ trang đã tập kích vào tỉnh lỵ, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đó là trận đầu đánh Pháp của vùng đất mà về sau gọi là Chiến khu Đ.

Trong gần nửa thế kỷ sau, phong trào tiếp tục phát triển làm nên những sự kiên sôi động như: cuộc nổi dậy của hàng vạn nông dân Tân Uyên và dọc sông Thị Tính (một nhánh sông Sài Gòn) năm 1870, đốt phá nhiều công sở đồn bót và diệt nhiều binh lính địch; nhân dân và lực lượng nghĩa quân đồng loạt nổi dậy giết nhiều lính canh, đốt cháy trụ sở địch, chiếm đồn Kiểm Lâm…

Ở vùng đông bắc, đồng bào dân tộc đấu tranh quyết liệt chống lại bọn tư bản Pháp chiếm đất, đuổi dân, phá rừng lập các đồn điền cao su, bắt dân làm đường… suốt từ năm 1912 đến năm 1935. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Mơtranlơn lãnh đạo 170 nghĩa quân tiến công tiêu diệt đồn Fus dưới chân núi Namly. Ở vùng đông bắc và tây bắc, cuộc đấu tranh diễn ra liên tục trong 15 năm (1914-1929).

Gần 80 năm cai trị, thực dân Pháp không khuất phục nổi đồng bào các dân tộc ít người và không làm chủ được vùng rừng núi rộng lớn của Chiến khu Đ.

Năm 1929, chi bộ Đảng cộng sản ra đời tại Phú Riềng. Ngày 3-2-1930, đúng ngày khai sinh Đảng cộng sản Việt Nam, 5.000 công nhân Phú Riềng đã tiến hành cuộc đấu tranh qui mô chưa từng có. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện, Xích vệ đội ra đời. Đây là phát pháo hiệu mở đầu của phong trào công nhân trên vùng Chiến khu Đ và Nam Kỳ nói chung, dưới sự lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản. Sự kiện “Phú Riềng đỏ” có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ phong trào công nhân cả nước và trở thành truyền thống của công nhân cao su Việt Nam.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2007, 07:32:35 pm »

Lực lượng vũ trang Chiến khu Đ xuất hiện từ bao giờ?


Từ khi Đảng lãnh đạo, cùng với phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân trong vùng, lực lượng vũ trang ra đời như một sự tất yếu để làm nòng cốt cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Năm 1937, Tỉnh uỷ Biên Hoà được thành lập. Để chuẩn bị cho lực lượng khởi nghĩa sắp tới, thán 7-1940, tỉnh đã bí mật xây dựng lực lượng võ trang tại Châu Thành và Tân Uyên, do đồng chí Huỳnh Liễn chỉ huy. Đơn vị vũ trang gồm có 35 người được trang bị vài khẩu súng trường và giáo mác, gậy tầm vông, hoạt động chủ yếu trong vùng rừng Tân Uyên. Quận Tân Uyên được chọn làm nòng cốt cho phong trào trong toàn tỉnh. Các chi bộ ở Mỹ Lộc, Mỹ Quới, Tân Tịch, Tân Hoà đều tổ chức các nhóm quần chúng trung kiên rèn dao gắm, sắm ná, gậy tầm vông vạt nhọn…

Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ làm rung chuyển các vùng nông thôn sát các đô thị Nam Bộ. Cuộc khởi nghĩa bị lộ nên thất bại và bị giặc Pháp đàn áp đẫm máu. Tại Tân Uyên, các chi bộ Đảng bị vỡ. Đồng chí Huỳnh Liễn hy sinh. Các đồng chí Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.

Trước sự truy lùng gắt gao của địch, đồng chí Chín Quỳ tập hợp bộ phận vũ trang còn lại (khoảng 1 tiểu đội) rút vào ẩn náu trong rừng núi thuộc các xã Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Tại đây đơn vị đã tổ chức nhiều trận đánh cướp của nhà giàu chia tài sản, tiền bạc cho người nghèo, đồng thời tích cực tuyên truyền phát triển lực lượng.

Sau năm 1943, phong trào cách mạng ở Tân Uyên dần dần hồi phục. Rải rác ở các xã, nhân dân bí mật chuẩn bị vũ khí.

Tháng 7-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa. Xứ uỷ Nam Kỳ chủ trương xây dựng một số căn cứ làm nơi cất giấu vũ khí, huấn luyện cán bộ và các đơn vị võ trang, in ấn sách báo, truyền đơn… Từ 23-8-2945, nhân dân các xã vùng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Tiểu đội vũ trang Chín Quỳ và lực lượng thanh niên Tiền phong làm nòng cốt đổ về thị trấn giành thắng lợi ở quận lỵ Tân Uyên.

Sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hoà và tiểu đội vũ trang quận Tân Uyên tuy chưa mạnh mẽ và phát triển, nhưng đã góp phần vào thắng lợi cách mạng Tháng 8 ở những vùng quan trọng là những cái nôi cách mạng hình thành căn cứ địa Chiến khu Đ.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM