Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:46:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nắng đồng bằng  (Đọc 80110 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 06:55:58 pm »

Linh có vẻ không quan tâm lắm tới lời bình phẩm ấy, nhưng trong lòng anh cứ xao động một chút tự hào, hãnh diện. Chắc chị Út cũng đẹp lắm? Anh Út không trả lời, hí húi moi thùng đại liên chôn ở góc hầm, lấy ảnh vợ con cho Linh xem. Lúc ấy, dáng hình người phụ nữ Thủ đô có khuôn mặt thanh thoát, thông minh và đứa bé gái với đôi lông mày cũng xếch lên bướng bỉnh càng làm hai người thấy gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Một khoảng dài im ắng sau đó, mỗi người đều đắm chìm trong những kỷ niệm thầm kín riêng tư...
Hương ơi! Giờ này em ở đâu? Em đang làm gì? Chúng ta xa nhau lâu quá rồi phải không? Đáng lẽ anh không nên buộc em phải đợi chờ. Đêm nay anh đang nằm đây, ở một vùng ven đô và nhớ đến em...

Anh Út rút điếu thuốc lá Mỹ đầu lọc đã quăn queo trong túi áo đưa cho Linh:

- Vài bữa nữa cậu đã từ giã cái nơi buồn tẻ này rồi đấy nhỉ! Lẹ thiệt! Nè! Ra viện, đối với người này là điều mong muốn, nhưng đối với người kia có khi lại hết sức nặng nề. Hơn chục năm làm cái nghề vá víu cưa xẻ, mình đoán chắc: ngày tháo băng, ngày lên khỏi hầm tối, buổi sưởi nắng ban đầu sẽ quan trọng ra dáng!
Như bất ngờ bị điểm nhẹ vào huyệt, Linh thoảng bối rối. Anh ấy lại sắp gây sự đây! Miệng lưỡi thầy thuốc gì mà sắc thế? Trong câu chuyện, hai người lúc nào cũng to tiếng tranh luận, có khi còn nổi nóng nữa. Và bao giờ Linh cũng là người nóng gáy trước và hụt hơi trước. Có lẽ chính vì vậy mà họ càng thân nhau. Họ nắm bắt ý nghĩ của nhau rất nhạy và không ngần ngại giải tỏa, phanh phủi mọi luồng tư tưởng phức tạp của mình. Cách nói nửa trịch thượng, nửa dí dỏm của anh Út khiến Linh luôn luôn bị bất ngờ. Họ hiểu nhau. Nghe nhau.

- Mình rất khoái câu nói của cậu tối qua, Linh ạ! Kẻ nào bảo người lính là những con vật thụ động, chỉ biết đặt cây súng vào tay là lao lên chém giết một cách vô tri giác? Đớ là một sự xúc phạm ghê gớm đến lương tâm của người cầm súng. Coi chừng nó lại phụ họa không công cho những cái loa tâm lý chiến ở Sài Gòn. Chúng nó cho rằng binh sĩ Cộng sản khi ra trận được chích một thứ thuốc kích thích cực mạnh... Nhưng cậu hãy nói thật chắc mình nghe khi súng đã lên đạn, khi thằng địch đã cà thụt cà ló ngay trước mũi cậu, lúc đó cậu đã suy nghĩ những gì?

- Nhưng tại sao anh lại nói ra những điều này vời tôi? Anh biết tôi đang nghĩ gì nào?

- Nghĩ gì thây kệ cậu. Mà đừng có động một chút là gân cổ lên như thế! Thử trả lời chút coi!

- Nhường anh!

- Thế thì mình sẽ im lặng.

- Anh hay dài dòng quá!

- Vì, anh bạn trẻ hay suy nghĩ ạ! Vì vết thương của cậu đã kéo da non, vì tuổi chiến trường của mình gấp đôi tuổi cậu, vì mình đã chứng kiến thằng Mỹ vào và thằng Mỹ rút, và cũng vì đã có lúc mình quăng tất cả, tính xuống ở lại thành phố để rồi bây giờ vẫn ngồi ở đây...

- Anh Út! Tôi là thương binh thứ bao nhiêu của anh rồi!

- Đổ đồng một trên một ngày. Một năm bao nhiêu ngày? Chục năm rồi. Cứ thế nhân lên.

- Người thứ ba ngàn. Nhưng chắc không phải người cuối cùng.

- Hả? Cậu nói cái gì?

- Anh Út! Tôi cũng muốn hỏi thật anh một điều này! Đã có lúc nào anh nghi ngờ ở thắng lợi cuối cùng không? Liệu cuộc chiến này sẽ kéo dài đến bao giờ?...

- Khoan! Cậu lại đi xa rồi! Nè, nếu anh chàng nào trước khi ra viện cũng sanh tật nhìn ngó trước sau như cậu thì bắt buộc mình phải hối tiếc: giá lúc mổ, tăng kha khá liều lượng gây mê lên cho hắn nhỉ...

- Anh là một bác sĩ độc ác quá đấy, anh Út ạ! Tôi muốn anh trả lời thẳng câu hỏi của tôi kia mà?

- Khoan! Tin hay không chứ gì? Được rồi! Lại đây - Anh gọi to Bảy Hoàng đang lấp ló ở bìa trảng khều tay
gọi Linh - Lại đây! Làm gì mà như đi ăn trộm thế?

Bảy Hoàng len lét, khập khiễng đi ra.

- Cậu tin chớ?

Tưởng bị quở trách tội vi phạm quy định, nghe hỏi vậy, Bảy Hoàng tươi hẳn lên, trả lời rõ to:

- Tin!

- Cái gì? Tin cái gì?

- Tin... Tối nay có thịt "cò" nhậu là cái chắc!

- Vào! Đi vào lán nằm! Ai cho anh ra đây? Muốn bị tháo khớp hả? - Anh Út đột ngột gắt lên.

- Dạ, đâu có! - Hoàng tiu nghỉu quay cái lưng như tấm phản lại, lùi lùi đi vào.

- Đứng lại đã! - Anh Út mò mẫm rút điếu thuốc lá đầu lọc thứ hai đưa cho Bảy Hoàng - Cậu có tin tình hình cứ lai rai hoài thế này không?

Bảy Hoàng trợn mắt, nhìn anh Út:

- Lai rai là thế nào? Đánh tới số đi chứ lại!

- Tại sao?

- Tại... Tại... - Hoàng nhăn hết trán lại - Chả tại sao cả. Cứ có lệnh là đánh chết bỏ! Sáng về làm bậy xị
rượu, quăng mình lên võng đánh một giấc. Tối có lệnh đánh nữa. Đánh tới số. Chẳng "dòng do Tam quốc" gì hết trọi!

Nghe Hoàng nói hùng hổ, anh Út có vẻ khoái lắm. Anh bỗng hạ giọng ngọt hin:

- Thế bây giờ Bảy Hoàng vào lán nằm đi nhá! Tối có cò, tôi nấu cháo cho mà ăn, nghen!

Cái anh chàng to lớn, mồm mép thía lia ấy chợt trở nên bé bỏng hiền lành trước ông bác sĩ cao lêu đêu. Anh ngoan ngoãn đi vào.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 07:07:46 pm »

Út “Cò ngẳng" chờ Hoàng vào khuất mới quay sang Linh:

- Đến mình trả lời nhé! Mình tin. Nhìn vào mắt những thương binh như cậu ấy là mình tin.

- Tôi lại đang nghĩ điều này: ở đây người ta coi anh như một thứ thần tượng của rừng xanh. Người ta ngán anh như ngán B.52.

- Bậy bạ nào! Cậu chỉ hay lãng mạn! - Anh đằm giọng lại, trong con mắt không còn vẻ hóm hỉnh, ranh ma nữa - Linh này, đã có bao giờ cậu lắng nghe thật kỹ tiếng B.52 chưa? Chưa à? Có điều là phải dám nghe.
Đừng vội bịt tai lại. Phải có cách nghe nữa. Cách nghe của một thằng bác sĩ như mình là phải nhìn thấu suốt vào con mắt của thương bệnh bình. Như thằng cha Bảy Hoàng đó...

- Mắt tôi sao, anh nói tôi nghe thử?

Anh Út hắng giọng nghiêm nghị như định nói một điều gì tâm đắc lắm. Chợt anh reo lên:

- A! Đây nè! Cậu có trông thấy cái cô bé mảnh khảnh kia không? Một cô bé giao liên của tỉnh ủy.
Linh nhìn theo hướng tay anh chỉ. Cô gái ấy đội nón tai bèo mâu nâu nhạt, dáng dong dỏng, khẩu cạc-bin đeo trẹo một bên vai, đang thoăn thoắt vượt qua bến bầy hấy, nước tung tóe vọt qua cả đầu, rơi xuống như những hạt trân châu.

- Mới bỏ ấp vào "cứ" được mấy bữa, một chiều bỗng con nhỏ biến mất. Trăm phần trăm chiêu hồi rồi! Cả trạm giao liên cuống cuồng chuyển "cứ", phòng sớm bị đánh điểm. Nửa đêm, con nhỏ bất chợt trở về, ướt như chuột lột, người run lập cập. Hỏi đi đâu? Cậu biết nó trả lời sao không? "Con nhớ má quá! Con tính ghé thăm nhà một đêm, sớm mai lại có mặt đi chuyến. Nhưng... ngồi ngoài bụi chuối một lúc lại lộn về. Vào nhà sợ má giữ, không cho đi nữa...". Tội nghiệp thế đó. Vậy mà cách đây ít bữa, đi thư gặp kích, gặp mìn, một mình con bé đã loay hoay tháo nắp hơn chục trái clây-mo, nhét kíp nổ chậm M.18 vào, rồi để nguyên như cũ. Sáng ra, bọn lính kéo ra lượm trái, hí hửng vì qua một đêm yên tĩnh, chẳng có một bóng "Việt Cộng" nào lọt qua phòng tuyến cả. Trên đường về cậu ạ mìn cứ thay nhau nổ trên lưng chúng như bị sét đánh. Trái nổ tới tận sân đồn. Bọn chúng cứ ngớ ra, không hiểu gì hết. Hai trung đội mất xác giữa ban ngày, ngay trong vòng gai!!!

Cô gái ngẩng đầu lên, nhìn thấy hai người, đưa tay vẫy vẫy:

- Mạnh giỏi, chú Út? Đêm nay chú có khách bà con lên thăm, chú biết chưa?

- Cảm ơn cháu! Đi cẩn thận nghen! - Anh Út cũng đưa tay vẫy lại miệng cười hiền hậu. Bóng cô gái khuất
nhanh sau một rặng điều. Anh quay lại:

- Con người như vậy đó! Nhưng có ai dám chắc rằng ngày mai ngày mốt... cô ta lại không dao động?

- Anh muốn ám chỉ tôi?

- Tùy cậu hiểu.

- Anh lớn tuổi, anh cứ nói huỵch toẹt ra!

- Rốt cuộc, điều mình muốn nói là: với cái xương gãy nơi bả vai, cậu có thể giã từ công việc đánh đá kiểu đặc công nặng nhọc quá sức này! Một cơ quan tham mưu hay tuyên huấn gì đó chắc không chê cậu đâu. Cậu có năng lực...

- Anh khuyên tôi? - Linh như bị nắng soi vào gáy.

- Mình có thể chứng thực cho cậu.

- Với danh nghĩa bác sĩ trạm xá trưởng?

- Cậu hơi tò mò đấy.

- Anh trêu tôi?

Út "Cò ngẳng" nghiêm trang lắc đầu, Linh đã bắt đầu đỏ mặt:

- À! Hóa ra từ nấy tới giờ anh nói rồng nói phượng, cuối cùng cũng chỉ để... Anh Út ạ? Tôi về đơn vị tiếp tục cầm súng hay lui lại phía sau là do trên. Không phải quyền của tôi, càng không phải quyền của anh - Linh cao giọng và thấy căm ghét Út "Cò ngẳng" thực sự.

Anh Út quay đi, cười rất hóm:

- Này, chả ai lại đi quát tháo với người vừa nối liến được cho mình cái xương vai bao giờ? Nhất là người ấy lại là đồng hương.

- Nhưng tôi có cần đâu sự chú ý đặc biệt kiểu đồng hương đồng khói đó!

Linh nói mà nghĩ tới những ngày u uất bên bờ sông Bé với mấy vạt sắn bẻ ngọn.

Út "Cò ngẳng" đứng thẳng lên, quai hàm bạnh ra:

- Nói gọn gọn lại! Tóm lại, ý cậu thế nào?

Linh cũng đứng lên, vai nghênh nghênh như chú gà trống sắp nhảy vào cuộc chọi:

- Thế anh thế nào? Anh sáng suốt chỉ bảo tôi đi!

- Cậu nhỏ tuổi, tớ nhường cậu nói trước.

Linh bước lên sát Út “Cò ngẳng":

- Anh đừng xúc phạm tôi. Tôi vào đây không phải chỉ vì một vết xước mà lùi lại phía sau bảo mạng!

- "Ngoong" - Út "Cò ngẳng" vỗ hai tay vào nhau, mặt lộ vẻ cực kỳ khoái trá - Mình tìm thấy rồi đó!

- Anh tìm thấy cái gì?

- Thấy cái này: Nhìn cậu bây giờ, mình chợt nảy ra ý nghĩ: "Hay là gả con gái cho nó nhỉ?". Năm nay con bé vào đại học rồi. Mười bảy, mười tám chứ ít ỏi gì nữa? Giống mẹ như tạc!

- Anh lắm chuyện quá!

- Đồ trẻ nít! Hạ bớt mắt xuống đi. Mình có phải cái hầm tấn bao cát mà cậu định tọng thủ pháo vào đâu. Linh ạ! Mình hoàn toàn không có ý trêu chọc cậu. Mà cậu cũng ghê gớm lắm, có phải là người dễ để người ta trêu chọc đâu. Lúc nãy ở dưới mình, nhìn thấy dáng ngồi và cặp mắt tư lự của cậu, mình thoáng có ý nghĩ phải đặt cho cậu một tình huống: tiến hay lùi. Để cậu cân nhắc. Nếu cậu lùi, mình sẽ mất một thằng bạn. Còn bây giơ, mình đã tìm thấy rồi!

- Lần sau anh đừng đánh đòn cân não tôi nữa nhé! - Linh bập bập điếu đầu lọc, giấu vẻ xúc động.

- Và cậu cũng đừng nổi nóng kiểu trèo me, trèo sấu Hà Nội nữa, nghen! Tôi có thể lại trong tích tắc làm
cái xương của cậu rời nhau ra được đấy!

- Anh Út ạ! Tồi sẽ thực sự coi anh là một tay tán láo nếu hôm rồi không chính mắt nhìn thấy anh xoay trần ra chỉ huy đánh cân, xông xáo hếu lĩnh như một người lính có sỏi trong đầu. Có lẽ anh chọn nghề sai: đúng ra anh phải giữ một chân chủ nhiệm chính trị cấp trung đoàn hay lữ đoàn gì đó mới thích hợp!

- Mình không thích ăn của ngọt đâu, chú Hai ạ!

Bỗng chốc cả hai thấy hết chuyện nói với nhau, đều quay đi có vẻ bận rộn với công việc riêng của mình.
Anh Út, vẫn cái hắng giọng nghiêm trang, hất bao rau co lên vai, nhắc nhở:

- Thôi! Sưởi nắng vừa thôi, khéo lại say. Tới giờ chích thuốc, vào đi!

- Anh còn đi đâu nữa? Sắp tời giờ nó pháo rồi!

- Tối nay con nhỏ cháu ở dưới xã nhắn qua giao liên sẽ ghé chơi đây. Đi kiếm ít cá lóc nấu bậy bát cháo
đãi nó. Khi nào gọi, dậy nghen!

Anh chít khăn lên đầu, cặp chân dài bước lêu đêu xuống mé suối.

Lúc ấy khoảng mười giờ đêm. Đã hết chập pháo cực nhanh thứ nhất. Bàn trà Bảy Hoàng cũng dẹp rồi. Chỉ
còn lắt lay ánh đèn dầu của cô y tá trực ở góc lán phía xa.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 07:10:43 pm »

Linh nằm dưới hầm, duỗi dài trên võng. Từ chiếc ra-di-ô ba pin đang ngân nga một giọng con gái ngâm thơ. Giữa rừng khuya, tiếng thơ, tiếng nhạc nghe nổi gai cả người... Tiếng thơ buổi mười giờ! Thế là lại một chủ nhật nửa trôi qua. Không biết mấy trăm chủ nhật đến với mình trong chiến trường rồi nhỉ? Xem nào: một tháng bốn chủ nhật. Mười hai tháng, bốn mươi tám tuần. Mình đã vào đây một năm, hai năm... Ồ! Mà thôi! Đã lâu lắm không còn khái niệm gì về thời gian. Đánh giặc đâu có nghỉ ngày chủ nhật. Chỉ nhận ra nó khi nào bất chợt gặp trên đài một buổi ngâm thơ, một chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả hay một tối sân khấu truyền thanh...

Ngoài ấy biết xuân về vì có mưa dầm. Trong này, hai mùa mưa, khô dằng dặc, chả biết Tết đến lúc nào. Mỗi mùa mưa tới lại đánh dấu thêm một tuổi quân. Điểm lại coi: Tết sáu bảy, ăn thịt voi ở Trường Sơn; Tết sáu tám hăm hở bước vào tổng tiến công. Tết bảy mươi, bảy mốt vượt sông, ém hầm, ăn gạo rang đội B.52 suốt ba ngày. Đêm giao thừa vừa rồi, ở trần, bôi nhọ, bò vào đồn địch, mũi cứ ngợp lên mùi bánh tét, mùi mứt thèo lèo, mùi khói nhang, mùi pháo từ những mái nhà trong ấp tỏa ra... Tết? Ngay cả tết cũng chỉ nằm trong khái niệm. Không có nó cũng chả sao. Nói vậy chứ nhiều khi nhớ cồn cào một chiếc bánh chưng vuông vức, khi kéo dây lạt lên, những sợi thịt màu trắng, màu nâu dính lên theo...

Đã hết tiếng thơ rồi! Linh quờ tay định tắt đài. Bỗng những ngón tay anh dừng lại. Từ trong ấy, một giọng nói phát ra:

"… Đây là buổi phát thanh Phụ nữ. Mời các bạn và các đồng chí nghe phát biểu của chị Thu Hương, cán bộ giảng dạy của trường Đại học tổng hợp Văn. Theo đề nghị của...".

Ngón tay Linh tê cứng, run run trên cái núm công tắc nhỏ xíu. Trong một thoáng, anh như ù tai không nghe thấy gì cả. Anh muốn tắc thở.

"… Công việc nhà trường thật là nhiều và quá sức đối với tôi. Nhất là trong hoàn cảnh sơ tán..."

Kìa! Sao thế này? Linh ngồi nhỏm dậy, ngón tay anh đã vô tình vặn ngược công-tắc. Anh hấp tấp vặn trở lại, vặn to hết cỡ và áp vào sát tai.

“… Chúng tôi đã có một cháu nhỏ. Anh ấy công tác ở xa. Làm thế nào đảm bảo tất chương trình giảng dạy đây? Được sự…”

Một lần nữa tai anh ù lên. Cùng lúc, một chập pháo nện thình thình trên mặt đất, phá đứt mọi âm thanh. Linh xoay ngược xoay xuôi chiếc đài, tìm làn sóng nhưng vô hiệu. Anh cáu tiết tắt mạnh đài, đặt mình nằm xuống. Chắc gì đã phải? Trên đời thiếu gì người trùng họ trùng tên. Chuyện tầm phào! Ngủ đi! Nhưng biết đâu... Linh lại nhỏm dậy bật công-tắc. Buổi phát thanh Phụ nữ vừa dứt. Đài đang thông báo bản tin cuối cùng. Chính lúc hết hy vọng nghe được nữa, Linh lại tin đó đúng là giọng cô ấy: giọng Thu Hương...

Thu Hương! Cái tên gọi thân yêu đó còn vang mãi bên tai anh những âm điệu ngọt ngào. Cô ấy đã trở thành cản bộ giảng dạy rồi cơ à? Nhanh thật! Vậy mà trong tâm tưởng, mình vẫn nghĩ cô ấy vẫn còn là cô học sinh bé bỏng năm xưa. Ôi! Giá mà Thu Hương biết được rằng: ở một nơi cách xa Hà Nội, người yêu của mình, với một vết thương vừa tháo băng, đã nghe gần trọn tiếng nói ấy... Mới lúc nãy, hậu phương còn là một cái gì quá xa xôi, bây giờ, chỉ cần qua vài tiếng nói của em, anh thấy nó lại rõ ràng, cụ thể như có thể nắm bắt được...

Linh bâng khuâng nằm xuống. Lưng chưa đặt võng, anh lại thả chân ngồi dậy. Khoan! Còn cái gì nữa? Nghe mang in áng câu được câu chăng... "... Trường sơ tán... cháu nhỏ... anh ấy công tác ở xa...". Cháu nào thế? Anh ấy nào thế? Linh cứng người. Anh lại như chiếc bóng im phăng phắc trong hầm tối. Một lát sau, tự nhiên Linh cười vẩn vơ. Thế là Thu Hương đã lấy chồng! Tốt thôi. Cháu nhỏ? Tốt thôi... Anh ấy anh à tôi! Tốt thôi... Tốt thôi...!.

Trường đại học Tổng hợp, khu nội trú, những năm xa xưa... Phòng Linh ngay dưới phòng Hương. Hai cái bàn cố ý kê gần cửa sổ, hai ngọn đèn cùng bật cùng tắt những tối học bài hắt hai cái bóng xuống sân cỏ, kề sát nhau. Cái sân ấy chạy dài tới một khu hồ nhỏ. Xa nữa, rặng phi lao vi vút suốt năm tháng học trò... Có một bận họ giận nhau tới nửa tháng chỉ vì Lình tinh nghịch treo ngọn đèn vào giữa phòng: bóng anh không vượt được ra ngoài cửa sổ. Suốt buổi tối cái bóng kia bồn chồn đứng lên ngồi xuống không tài nào học nổi. Sáng hôm sau, cả buổi lên giảng đường Hương không thèm ngoái lại nhìn Linh lấy một lần. Và tối hôm đó cô gái cũng dời ngọn đèn vào giữa phòng.

“Mai này trở về anh có què cụt chân tay, em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời".

Thật oái ăm khi mình cứ ấp ủ mãi câu nói này. Sau này, khi có dịp ngẫm lại, Linh thấy tâm trạng mình lúc đó thật lạ lùng. Không buồn, không có những day dứt dằn vặt đau đớn trước sự mất mát, đổ vỡ như anh vẫn thường tưởng tượng trước đây. Còn thấy nhẹ nhõm là đằng khác. Những ngày tới đây càng đỡ bận lòng. Chuyện ấy phỏng có ích gì trong lúc này, khi đầu óc luôn luôn căng thẳng đối phó, giành giật từng cái sống, cái chết... Song đôi lúc anh lại cảm thấy trống trải, bâng khuâng. Một thứ buồn dìu dịu. Vậy là mình cũng đã nếm trải đủ mùi vị cuộc đời: tán bàng giữa sân trường, ánh đèn sân khấu, tình yêu, những ngày hành quân chiến đấu gian khổ, đói khát... Nay thêm cả hương vị là lạ của sự thất tình. Phải chăng đó cũng là một sự mất mát? Mất tuổi trẻ, mất tình yêu... Tuổi trẻ của Linh đã dành cho mảnh đất này, đã gắn bó với mảnh đất này. Hôm nay, ngày mai, anh có thể mất đi một vài chi tiết trên thân thể, thậm chí có thể mất mạng nữa. Đã lao vào cuộc là phải có gan chịu mất mát. Nhưng nếu có kẻ nào, ngay bây giờ, bắt anh phải đánh đồi cuộc sống này... Đừng hòng Linh nắm chặt bàn tay trong bóng tối. Và anh ngủ thiếp đi.
Chừng nửa đêm, có một vật gì động nhẹ vào dây võng làm Linh choàng dậy. Anh lanh lẹ đẩy võng áp sát vách hầm, tay nắm nhanh khẩu súng xỉa ra cửa. Thám báo mò vào chăng? Không. Khuôn sáng cửa hầm vẫn vuông vức. Anh từ từ thả võng về chỗ cũ, ngả lưng nằm xuống, nhưng lòng vẫn chưa thật yên tâm. Ngọn đèn vẫn cháy lay lắt ở góc lầm. Xung quanh thật im ắng. Pháo nổ cầm canh bên kia sông, xa lắm, nghe như tiếng chày giã gạo đêm. Vậy mà... Linh tính của người trinh sát đang bật tín hiệu... Thôi chết Đây rồi! Cái đài lúc nãy ngủ quên chưa tắt, điện vẫn đang sôi rè rè cờ mà. Ai tắt nó? Linh chột dạ. Bỗng anh nhủn người nhìn lên, một đôi mắt đang long lanh nhìn anh. Linh chớp mắt, cái nhìn vẫn chăm chắm. Anh định bật người ngồi dậy nhưng một bàn tay mềm mại ấn anh nằm xuống và một giọng nói thật êm cất lên:

- Anh ngủ quên tắt đài...
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2009, 07:12:43 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2009, 07:18:18 pm »

Linh mở to mắt: một cô gái hiện ra trước mắt anh, trên bục để bồng, hai tay thu thu trên gối trong dáng ngồi e lệ. Khuôn mặt quen lắm. Linh không tin. Anh ngồi hẳn dậy. Cặp mắt thăm thẳm vẫn còn đó? Bốn mắt nhìn nhau im lặng. Nhịp thở cô gái nhanh dần lên. Có tiếng con dúi nghiến ken két ở gốc tầm vông đâu đây...

- Thúy tới bao giờ thế? - Phải một lúc lâu Linh mới hỏi được.

- Tôi... Tôi đi công tác ghé qua... Anh đỡ chưa, anh Tám?

- Cảm ơn Thúy. Đi công tác khuya khoắt thế này... Thúy có mệt không?

- Chú Út kêu anh dậy ăn cháo!

- Thúy là cháu của anh Út sao?

- Dạ... Linh vặn to ngọn đèn chai. Thúy hơi cúi mặt xuống như tránh ánh sáng. Mấy ngón tay vuốt nhẹ lọn tóc xuống má.

- Ở dưới ấy vẫn căng thẳng lắm phải không. Thúy?

- Anh Tám có ngủ được không?

- Ăn ngủ tốt, Thúy à! Sắp ra viện được rồi!

- Chú Út nói anh còn cần kiểm tra lại. Dòm anh còn yếu lắm!

- Thúy à...!

- Dạ...

Linh rùng mình. Tiếng "dạ" nghe lắng người. Thúy vẫn ngồi đó, đang nhìn, đang nói với mình. Nhớ đêm văn nghệ hôm nào, hơi thở Thúy nóng ran và tiếng thở dài sau lưng... Linh nong nóng mặt.

Giọng Thúy bỗng vui hẳn lên:

- Mấy anh ở xã gửi đồ cho anh đây nè! Chút xíu thôi... - Cô cởi nút chiếc khăn rằn lấy ra nửa cây "Cotab",
hai hộp sữa, bịch đường, gói cà phê... - Chúng nó khám xét ngặt quá, bà con không mang ra được nhiều. Anh xài đỡ.

Linh quay đi không nhìn vào gói đồ. Một ánh sao từ miệng hầm chiếu thẳng vào mắt anh.

- Cái này nữa! - Thúy đặt vào võng anh chiếc đài “National" xinh xắn, cái bao da màu hồng quân còn thơm nồng - Để anh nghe cho đỡ buồn.

- Thúy...!

- Dạ...

Cả hai bỗng im bặt, có vẻ ngượng với chính tiếng nói của mình.

- Anh Tám...!

- Gì Thúy!

- Lên ăn cháo đi kẻo chú Út rầy.

- Tôi không đói. Thúy lên ăn với chú... à, với anh Út đi!

- Thôi, kệ cho chú ăn một mình. Thúy cũng không đói.

Thúy không xưng "tôi" từ lúc nào nhỉ? Bất giác Linh nhận xét thầm.

- Bao giờ Thúy đi?

- Sắp sáng rồi! - Thúy quay đi rinh chộp một chú chôm chôm đang ngoáy tít cặp râu ở kẽ hầm.

- Thúy đi ngay sáng mai à?

Cô gái bạo dạn ngước nhìn anh:

- Anh muốn Thúy đi ngay sao?

- Không! Tôi nghĩ Thúy rất bận.

Cô gái chăm chú nhìn con chôm chôm đang ngọ nguậy trong lòng bàn tay, rồi bỗng nói thật nhanh:

- Thúy sẽ... sẽ ở lại đây ngày mai, có thể... hết đêm mai. Sáng mốt mới có giao liên về xã...

Giọng Thúy tắc lại như người hụt hơi. Mái đầu cúi thấp xuống, tốc che nửa mặt.

Nhìn những ngón tay xanh xao của Thúy run run bẻ xoắn vào nhau, Linh bỗng thấy ngợp như người bị choáng. Những ngón tay... Sao giống những ngón tay bẻ xoắn của Hương... Em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời... Giấc ngủ nửa chừng đã lọc di những tạp chất nhưng còn để lại trọn vẹn cái dư vị cay đắng trong suy nghĩ của anh. Thúy vẫn ngồi im lặng, hơi thở dồn dập... Anh ngoảnh mặt đi, dằn lòng ngả người xuống võng và chẳng rõ tại sao, giây phút ấy anh lại buông một câu hơi lạc lõng:

- Chà? Mùa khô này, các anh các chị dưới xã lại vất vả lắm, Năm Thúy nhỉ! Còn... còn đại đội... - Linh hơi khựng lại Năm Thúy vẫn ngồi yên, bờ vai hơi rung rung. Linh loay hoay móc gói thuốc rê, nhưng tìm không ra bật lửa: Anh không đám nhìn thẳng vào Thúy:

- Đại đội của tôi... hiện nay ra sao hả Thúy?

Thúy khẽ ngẩng mặt lên, hất mái tóc ra phía sau, nói bình thản:

- Lúc nào mà chả vất vả! Đại đội anh vẫn còn đủ, vẫn ngoan cường chiến đấu. Chi bộ xã vẫn bám đất, bám dân. Anh còn hỏi gì nữa không? Để tôi đi.

Linh nín lặng. Thuý đặt chân lên bực hầm.

- Thúy!...

Từ trên cửa hầm, cô gái xoay người lại. Giọng Thúy rung lên:

- Nói thiệt với anh, tôi không có đi công tác gì đâu. Tôi đi suốt hai đêm tới đây để... Tôi lo cho anh... Tôi... tôi... thương anh...

Thúy vùng biến mất nơi khung cửa hình vuông. Linh ắng lại một chút rồi cũng lao theo:

- Thúy! Thúy ơi!...

Chỉ thấy ở mé trảng giọng con tắc kè đáp lại khàn khàn. Trong âm thanh xa vắng ấy, Linh cố tìm một
tiếng "dạ" ngọt ngào. Nhưng rừng ắng lặng, không cả một tiếng gió chạy xào xạc trên ngọn cây.
Một giọng nói đột ngột vang lên bên tai anh:

- Cậu chẳng được cái tích sự gì cả? Thế là nguội mất nồi cháo. Thôi xuống đi. Con nhó đó không dễ gì quay lại đâu.

- Anh Út!

- Nè, riêng trường hợp cậu, không những phải biết nhìn thẳng vào mắt kẻ thù mà còn phải biết nhìn thẳng vào mắt đàn bà. Chú ngốc ạ!

Linh dứt khoát như đã suy nghĩ từ lâu:

- Ngày mai tôi sẽ về dưới ấy, đồng chí bác sĩ ạ!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 06:02:15 am »

Chương 7

Mãi đến khuya Linh mới tới được bờ sông. Em bé giao liên có cái tên nghe thật giòn: Rổn, vóc người thon nhỏ, trong đêm cứ tưởng nhầm là con gái. Rổn đang nằm áp sát xuống cỏ ướt. Linh cũng ngồi xuống bên, Rốn quay lại gắt:

- Thấp xuống! Chết bây giờ!

Không cãi nửa lời, Linh ngoan ngoãn nằm dài ra. Sông Sài Gòn, khúc hạ lưu, về đêm nhìn mờ mịt như biển. Sóng vỗ không ồn. Sóng trợn mềm mại từng con lớn ngoài kia và sóng cũng từng con lớn mềm mại trườn vào bờ. Sóng lừng thế này liệu có quá giang được không? Chiếc ghe giao liên nhỏ nhoi làm sao đương nổi? Phía cuối sông, tiếng tàu Mỹ tuần tra văng vẳng lúc gần lúc xa. Từ chiếc da-cô-ta bay chếch theo sông, một luồng sáng trắng xác chụp xuống, quét qua quét lại làm những lượn sóng trở màu tím sẫm rờn rợn như lttng quái vật và những mắt pháo sáng cũng nhợt nhạt đi. Sóng cỡ này, ra giữa dòng đụng bo-bo thì hết đường sống! Linh nhin sang chú bé. Rổn vẫn nằm tì cằm trên tay, mày nhíu lại trông thật người lớn.
Linh hỏi rụt rè:

- Liệu qua được không?

Rổn không trả Lời, cặp chân mày càng nhíu lại như muốn nói: "Tốt nhất nên im lặng. Mọi việc đâu sẽ có đó, anh bạn ạ!”.

Linh đẩy người, tính lùi lại sau, chui xuống hố pháo bụm tay bập hơi thuốc cho đỡ thèm nhưng anh dằn lòng được. Cũng không nên để cho cậu bé gắt gỏng nhiều quá. Đêm nào cũng mò mẫm trên những con đường đầy chết chóc, mấy em già đi trước tuổi bao nhiêu. Sự nghiêm nghị tới khắt khe, tới trịch thượng từ miệng chú bé bật ra mới nghe cứ tức anh ách. Rồi cũng quen dần.

Rổn vẫn nằm duỗi dài. Nếu không nhìn thấy vầng trán nhỏ đầy lo toan và vẻ mặt bận rộn của em, có lẽ Linh sẽ cho rằng cu cậu đang nghe cá đớp bóng trong nước. Linh muốn nằm xích lại và ôm lấy đôi vai nhỏ nhắn ấy quá chừng.

Có tiếng nước bị khua động nhẹ. Linh rút cây “Côn" ra khỏi bao, gằm đầu xuống, lia mặt ra mặt nước. Biết đâu bọn biệt kích chả đón đường giao liên. Rổn tróc lưỡi hai cái âm thanh ấy lăn tròn trên mặt sóng. Từ dưới sông, sau khóm lá đùng đình, có ba tiếng cú bép trả lời, chậm rãi, đĩnh đạc hơn. Tổng cú bép bằng năm. Đúng ám hiệu. Ta rồi! Một người to ngang lội từ dưới sình lên. Rổn nhào tới, miệng líu tíu:

- Sao chậm quá vậy, chú Một?

- Đụng ổ kích phải vòng ngả rạch Miếu. Đông không? - Người ấy nói bằng cái giọng đờm cưng cứng của
một người ngậm miệng quá lâu.

- Dạ, có người một à! Đưa đồng chí cán bộ đặc công xuống xã.

“Đồng chí cán bộ... xuống xã...". Chà! Cái giọng nói nghe xôm trò chưa? Linh mủm mỉm pha một chút ghen tị. Thì ra đối với chú bé giao liên, tất cả khách đi trên đường, dù là đại đội tiểu đoàn, dù là tỉnh đội hay tỉnh ủy đi nữa, cũng đều ngây ngô khó bảo cả. Muốn tốt đẹp phải nhất nhất nghe lời chú, không được vặn vẹo cãi lại. Có ai hiểu đoạn đường này, thằng địch này bằng chú đâu. Dù sau đó anh có là ông tướng, ông tá hét lác giữa ba quân mặc lòng. Có lẽ chú chỉ trở lại cái tuổi tung tẩy khi gặp một người đồng nghiệp như cái ông thứ Một này đây.

Tiếng nói chú bé thanh thanh hệt con gái:

- Ủa! Mà khách chú đâu?

- Ông nhỏ nói khẽ chứ! Bộ đây là chiến khu hả? - Một người khác to lớn, không nhìn rõ mặt, cũng từ dưới
sông đi lên, nói nặng trịch.

Linh giật mình. Giọng ai sang sang ấm ấm nghe quen quá đi thôi?

Rổn nghênh đầu về phía người đó, hỏi chú Một:

- Ai vậy hè? Coi bộ phách lối dữ quá ta!

- Tác chiến tỉnh đội đó! Kệ họ.

Rổn "xì" một cái ở đầu lưỡi rồi vẫn không giảm giọng hỏi han.

- Thôi! Kiếm chỗ nghỉ lại đi. Mai bám. Đêm nay không xiết đâu. Cầm đôi pin "Con ó" mà xài mày, Rổn!

Bất ngờ Rổn chửi một câu khá tục và vung chân đá mạnh một cục đất xuống sông, nom có dáng dấp một ông chủ lò heo dang nổi giận. Em chạng chân, chống súng xuống đất, ngửa mặt lên nhìn Linh, dặn dò như chính ủy:

- Nghe tôi sanh hoạt chút coi. Vấn đề then chốt bây giờ là đường tắc, nên nghỉ lại. Đây là "cứ" Bù Chao...

- Bù Chao là gì?

- Đang sanh hoạt không hỏi ngang hông! - Chú bé hạ giọng đầy vẻ quyền uy - Bù Chao là gì hả? Là "cứ" của mấy anh, mấy chú trốn lính, đồng chí ở đâu ở đó, không được đi lại chôn rộn làm lộ bí mật...

- Người anh em cứ yên trí! - Linh cười, định vỗ vai chú hé nhưng thấy cặp mắt non nớt cứ cố ý quắc lên không được thành ra nom nhấp nháy, bèn rụt tay về.

Cái giọng khi ấy cất lên hạch sách:

- Thôi, đi đi chớ! Làm ăn gì kỳ vậy? Mất mạng bây giờ!

Quái! Vẫn cái giọng ấy. Nghe ở đâu rồi... Sao không nhớ ra nhỉ? Linh tò mò quay lại. Chịu, không nhìn ra. Cái nón lính sùm sụp che cả mặt. Chiếc đa-cô-ta bay tới. Bụng nó như có một cái chụp đèn khổng lồ. Mọi người ngồi bất động. Linh rướn mắt sang. Anh bỗng sửng sốt: Kiêu! Thằng Kiêu? Đúng thằng Kiêu rồi! Mặt nó vẫn mỡ màng và ccon mắt nhìn chằm lên chằm lên chiếc máy bay đầy vẻ lo ngại. Nó đi đâu? Trợ lý tác chiến xuống quận nắm tình hình à? Một cảm giác nhức nhối lan nhanh trong đầu Linh. Anh gây gây người như phải tiếp xúc với một mùi vị tởm lợm. Hóa ra nó vẫn sống trên đời này. Thế mà đã từ lâu mình vẫn coi như không hề có nó. Khó chịu quá! Linh nhăn nhíu mặt mày như người bị buốt óc. Vừa lúc đó ánh mắt Kiêu hạ xuống và nhìn sang anh. Linh vội quay đi. Anh không biết mình phải làm gì cả, anh quay đi như một phản xạ, thế thôi.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 06:03:14 am »

Chiếc đa-cô-ta lảng sang bờ bên kia. Hai bộ phận vội rời nhau đi về hai ngả ngược chiều: người xuống sâu, kẻ về hậu cứ. Khi đi qua Kiêu, tự nhiên Linh lại chụp mũ che mặt. Anh muốn tránh nó. Anh rất sợ Kiêu nhận ra anh lúc này. Anh sẽ xử trí ra sao? Anh gần như chỉ vừa nhớ lại câu chuyện cũ. Cũng không hiểu tại sao nữa? Mãi đến lúc nghe Rổn giục "Bám sát lên, ông", anh mới thấy tiếc. Đáng lẽ lúc ấy anh phải tiến lại nắm ngực áo nó dựng dậy, quát vào mặt: "Đồ giòi bọ thối tha! Cút! Thấy mặt tao thì phải tránh xa, nếu không tao sẽ đập mày như đập một con chó. Hiểu chưa? Cút!". Vậy mà mình lại kéo mũ xuống. Chán quá! Đến lúc này cơn giận mới dồn về đầy đủ trong đầu anh...

Linh theo Rổn lội vào một cửa vàm phủ đặc bèo lục bình. Những cánh bèo to bằng miếng bát quấn vào ngực Rốn, quấn vào đùi Linh. Những cây bình bát, cây chà là giao cành vào nhau bít bùng. Vậy mà Rổn vẫn thoăn thoắt luồn lách như đi bắt dế trong vườn nhà mình. Bất thần một vạt đất hiện ra. Có ngọn đèn dầu cháy dưới đất, cạnh cửa căn hầm nổi mum múp như cái thùng úp sấp. Xung quanh ngọn đèn có mấy người đang lúi húi đan rổ, đan rá. Những bó lạt, bó mây quẳng ngổn ngang. Thoáng trên nét mặt họ một sự cam chịu pha chút phiền muộn. Bên cạnh, một cái nồi đang sôi sùng sục trên bếp rờ-sô. Từ cái vung cập kênh, tỏa ra mùi cháo cá ngầy ngậy thơm phức, Linh ứa nước miếng. Chỉ có xuống sông mới thấy được cái hương vị quý giá này.

Một người mặt chiếc quần lính, ở trần, bắp thịt nhẽo nhợt, ngẩng lên hỏi:

- Lại tắc đường mày, Rổn?

- Dạ! Có một khách. Mấy chú cho nghỉ nhờ!

Nghe nói, họ hơi rướn mày nhìn Linh rồi lại cúi xuống, vẻ dửng dưng:

- Đó! Dẹp chỗ mà nằm. Mắc võng chỗ bụi găng kia kìa! Có một người của xã cũng đang nằm đó.
Linh nhìn thấy một chiếc võng trùm kín mít ở đầu hầm. Anh lần ra đó, hạ bồng xuống. Ai mà di nằm sớm vậy? Chắc lại bệnh rồi!

Người có bắp thịt nhẽo nhợt vẫn không ngừng tay vót nan, hỏi Rổn:

- Tắc đâu đó?

- Rạch Miếu! - Rổn ngáp to.

- Chỗ ấy chúng ưa kích lắm. Tội nghiệp thằng nhỏ, đêm nào cũng lặn lội... Chẳng biết tình thế này sẽ đi tới đâu... Rổn, mắc võng xuống hầm ngủ cho ngon!

Qua thái độ họ, Linh đoán chắc Rổn cũng thường vào đây và được họ quý mến.

Một người khác còn trẻ, nhưng mấy cái răng cửa đi đâu hết, hỏi phập phù:

- Bữa con Sáu Tuyết bắn chết anh nó, mày có đó không. Rổn?

- Dạ không! Sao mấy chú? Ở đâu? - Giọng Rổn dã dấp dính.

- Lộ 13, khúc Bến Xoài. Tao mới nghe thôi.. Con nhỏ dẫn du kích lên công trường1 (Tổ làm mìn, quân khí) quận lĩnh trái về chống càn. Cũng tối hôm dó, thằng anh là cán sự chính trị của quận, xuống xã dự họp. Hai anh em tới lộ thì đụng nhau. Em bên này lộ. anh bên kia lộ. Con em tưởng thằng anh là lính. Thằng anh lại cũng tưởng con em là lính. Ở đoạn lộ kẹp giữa hai tua này, nhanh một giây là sống, chậm một giây là chết. Con em có súng dài, thằng anh có súng cụt. Bởi vậy vừa thấy thằng anh ló đầu lên, con em liền xỉa súng kéo cả băng. Thằng anh bật ngửa chết queo. Con em sợ dính cối, bỏ xác thằng anh nằm giữa đường, kéo du kích lội sình vê, bụng chắc mẩm đã hạ gọn được một thằng lính... Tội nghiệp! Con nhỏ sớm hôm sau ra bưng nắm tin mới hay. Bây giờ nó như đứa phát rồ. Ông bà già nó có độc hai anh em... Gian nan quá trời mày, Rổn! Đi đứng cho tỉnh, đừng coi thường. Nếu mày có bề gì, bà già mày hết sống nổi...
Không có tiếng trả lời. Từ cái võng nhỏ mắc gần nồi cháo, chú bé đã buông tiếng ngáy ngon lành.

Linh hầu như không để ý tới câu chuyện kể. Ở cái vùng cài răng lược này, những chuyện như vậy thiếu gì. Anh khẽ vén tấm mùng bọc nhìn ra những người trốn lính. Trốn đi lính cho nó và trốn cả đi lính cho mình. Họ tồn tại ở giữa, kề cận quê hương chờ ngày yên hàn. Hầu hết họ là những người dân lương thiện trong ấp chiến lược trốn quân dịch hay đào ngũ từ các mặt trận về. Nhưng cũng có một số không ít đã từng là cán bộ, là đảng viên, đã từng có một thời oanh liệt. Cuộc chiến dài dằng dặc, lại ở vùng sâu, như ếch ngồi đáy giếng, trông đâu cũng thấy địch, đâm ra ngao ngán, hết tin ở thắng lợi. Họ không thể quay vào ấp tự thú. Nhưng bảo hoạt động nữa, họ thở dài lắc đầu. Chỉ còn cách rủ nhau đi kiếm một cụm rừng, một rẻo sông, một bờ lau mà chui vào ẩn náu, đan rổ rá, bắt cá đăng tôm đem đổi cho bà con kiếm lít gạo, dúm thuốc sống qua ngày. Nếu tình hình thảng yên, đêm đêm họ cũng mò ra cuốc lén dăm luống đất, trồng bậy ít lúa, ít đậu phộng đỡ đần chút đỉnh cho vợ con trong ấp gặp cảnh khó khăn. Cách sinh sống của họ thật khôn ngoan, mà mãnh. Không một cái "cứ" nào được bảo đảm, giữ gìn kỹ càng như những "cứ Bù Chao" này. (Phải chăng vì thế mà chú bé Rổn vốn khó tính mà thấy họ ăn ở cũng nể?). Chẳng may bị lộ, lính ập vào, họ cũng đánh trả dữ dội vì thằng địch cũng giết họ như giết một "tên Việt Cộng" chính gốc. Người Bù Chao không tin địch thắng mà cũng chẳng tin ta sẽ thua. Họ cứ sống dai dẳng và cũng chẳng mất mát dần đi trong bom đạn. Nếu ta thua một trận? Họ dửng dưng. Nhưng nếu ta thắng? Họ vui mừng thực sự. Đôi lúc, khí thế cách mạng lên mạnh, họ cũng hăng hái tham gia những việc vòng ngoài: cáng thương, tải đạn, dẫn đường, dẫn mũi... Khi phong trào xuống, họ lại lặng lẽ về giang san của mình. Ngày qua tháng lại, có khi một vài người bên họ xách súng sang "cứ" cách mạng làm người cầm súng. Và ngược lại, có khi một vài người bên cách mạnh chuồn sang bên đó làm người cầm cuốc. Phức tạp vô cùng. Mà họ có ít đâu? "Cứ" của họ nhiều hơn "cứ" cách mạng. Nó nằm rải rác khắp sông rạch, bưng biền, ôm lấy quê hương, ấp xóm...
Nhìn những người đang cố bám víu lấy sự sống bấp bênh, Linh không rõ mình có ấn tượng gì. Khinh cũng không. Ghét cũng không. Thương cũng không. Họ quá sức chịu đựng rồi. Chỉ có điều chắc mình không bao giờ làm nổi cái công việc đan lát, bắt đăng để cầu an này được. Dù chết...
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 06:04:50 am »

Linh muốn qua nhanh cả đêm nay, ngày mai, để từ giã chốn này. Bưng bức thể nào ấy! Nằm đây thêm vài ngày không khéo mình lại thấy dễ chịu rồi cũng oải ra như họ mất thôi. Một vạt đất khá yên lành trong bão tố. Hồi nãy lại vừa đụng mặt thằng Kiêu. Chà! Toàn là những chuyện chả ra sao cả!

Linh vùi đầu vào võng, nhắm mắt cố ngủ để quên cái mùi cháo cá cứ quẩn quanh ở đầu mũi. Chiều ăn qua quít vượt đường, kể ra bây giờ cũng có thể húp hết ba phần nồi. Chắc nóng và béo lắm. Giá cháo chín (mà chín quá đi chứ!), họ mời mình một bát nhỉ? Cũng được đi! Nhưng đừng có tỏ ý gạ gẫm nhé! Dễ bị khinh lắm. Mà để những người này khinh thì hết cách rồi. Gạo đối với họ là vàng. Mỗi người có tới bốn, năm hòm đại liên đầy nhóc gạo, ém riêng biệt dưới đáy sông nhưng đừng tưởng hỏi mượn hỏi vay được. Nếu đã có gan cho vay gạo thì ắt hẳn đã có gan làm cách mạng. Tốt nhất là bấm bụng chịu.

Bỗng có tiếng bo bo rú lên ngay cửa vàm. Đèn tắt phụt. Trong im lặng nghe rõ tiếng sóng tràn lên bờ. Chiếc bo bo rền rĩ xoay vòng một lúc rồi lảng đi. Tiếng động cơ nhỏ dần như đang chìm sâu xuống đáy sông. Tiếng hộp quẹt bật tách xòe. Ngọn đèn lại nhay nháy lên như đom đóm. Linh vẫn nằm nguyên. Thằng tàu Mỹ chắc lại giở trò tắt máy nằm im như bờ đất, thấy động dạng gì mới chồm lên làm náo loạn cả khúc sông. Kể cũng ma muội nhưng ăn nhằm gì.

Vừa lúc ấy, từ cửa vàm, một người lội ào ào vào. Leo được lên nền đất, ông ta lẩy bẩy đứng không vững nữa, toàn thân rũ ra, từ đầu tới chân ướt sũng. Mấy cánh lục bình còn dính nơi cổ, mái tóc xõa xuống che hết một bên mắt thất thần, cặp chân xương xẩu cứ muốn ghếch ra.
Người có bộ ngực nhẽo nhợt cau mày:

- Cái gì vậy?

- Tàu... Cái tàu... Chết! - Ông ta nuốt nước miếng đánh “ực" - Chút nộp mạng cho cá rồi!

- Sao nộp mạng?

- Nó... Nó kè sát bên hông - Ông ta vẫn hổn hển nói bằng cái giọng khản đặc.

- Ghe còn không?

- Trôi rồi!

- Mất luôn?

- Ừa!

- Phì!... Ông thiệt là đồ... Đi bắt ba con cá không được còn để mất ghe. Ông lo sắm cái khác, hổng ai cho
mượn đâu - Người có bắp thịt nhẽo nhợt nói rồi phun mẩu thuốc ướt nhoét xuống nước, vẻ khinh miệt - Động chút là như người sắp chết. Mệt!

Ông ta nín thinh không trả lời, còm róm ngồi xuống đưa hai bàn tay run rẩy hơ lên nắp nồi cháo. Từ trong bếp, ánh lửa hóng nhạt tỏa ra soi mờ mờ khuôn mặt đã già, khắc khổ, còn đôi giọt nước đọng trên thái dương. Linh ngờ ngợ nhìn gương mặt khổ sở ấy. Với điếu thuốc cuốn trên góc miệng, ông ta ghé sát xuống bếp thâm lửa. Linh ngồi bật lên. Anh đã nhận ra đó là chú Tư, người bí thư chi bộ của một xã trọng điểm. Trời đất! Khó có thể hình dung một con người thay đổi nhanh đến như vậy. Anh muốn ra ngồi cạnh chú hỏi han nhiều điều về xã, về đơn vị... Song, nghĩ thế nào, anh lại nằm xuống, phẩy mùng che kín người. Cũng chả nên cho chú nhìn thấy mình lúc này, khó nói chuyện. Mà thực ra còn có chuyện gì để nói nữa. Hồi còn ở viện đã có lần Linh nghe nói xã chú bị đánh điểm tan nát, du kích lớp chết, lớp nhảy vào ấp, địch bung ra cùng gò cùng rạch... Tình thế này, vắng mặt một ngày đã có biết bao thay đổi, chả lường được. Tự nhiên anh thấy thương thương ông già gần trọn đời theo cách mạng, đến đây phải chao đao. Thím Tư một lần tiếp tế cho chồng bị chúng đưa đi đày biệt tích, không hiểu bây giờ ở đâu... Cùng lúc đó, một cảm giác tự hào về mình cũng nhen lên trong anh như sức tỏa ấm của lòng tự trọng được bảo toàn nguyên vẹn. Dù sao mình vẫn còn đứng trong đội ngũ. Gay go vậy cũng chưa đến nỗi nào, còn có thể cắn răng được.
Người có bắp thịt nhẽo nhợt leo lên võng rồi còn nói xuống:

- Tôi nói nó cũng khó. Ông Tư là người quen cũ, ông bàn lại với thằng cha Sáu Hóa coi. Phải ém quân nơi khác, lúm xúm ở đây là chết chùm. Ảnh kéo xuống, ảnh đánh, rồi ảnh đi. Hậu họa đổ về mình. Sức nào chịu thấu. Mà thằng cha Sáu dẫn lính nằm hoài chưa đánh được thì lo rút về. Cái nghề này đâu có liều mạng được, mấy ông!

Linh đã ngủ được nửa đầu, bỗng tỉnh lại như sáo. Người ấy nói cái gì Hóa Hóa? Anh Sáu đang ở đây sao? Nằm hoài mà đánh chưa được mà. Đúng rồi! Cái võng bên cạnh... “Người của xã xuống công tác...". Cậu nào vậy? Thử xem. Gớm, cứ nằm im như thóc ấy thôi! Linh mừng hú, leo xuống mở tung mép vong người bên cạnh. Từ trong võng, một luồng hơi nóng ấm, thơm thơm tỏa ra: mùi dầu huê lạc. Du kích vùng ven có khác, đỏm dáng như công tử cả. Nào dậy! Linh nghĩ vậy và luồn tay nắm vào vài người đó định lay. Bỗng anh rụt tay về: vai sao mềm thế! Anh cẩn thận rờ rờ lên trên. Và lần này anh rụt cả cổ lại: tay anh đụng phải một lọn tóc dài. Con gái! Anh hắng giọng. Tấm võng vẫn không động đậy. Linh rút cây đèn pin ngoéo qua những kẽ ngón tay úp che. Một khuôn mặt đầy đặn, quen thuộc hiện ra. Anh mở bàn tay. Ánh sáng xanh nhạt chan hòa lên mặt và cổ Hai Thanh. Cô gái ngúc ngoắc đầu rồi mở mắt, đưa tay che ánh sáng.

- Thanh! Hai Thanh! Tôi nè! Tám Linh nè! Dậy hỏi chút coi!

Thanh nhiu nhíu mắt một lúc rồi mới nhận ra anh. Cô nhỏm dậy mừng rỡ.

- Anh Tám mới về, anh Tám?

- Mới! Anh Sáu đâu?

- Đang nằm ngoài lộ. Năm đêm rồi! - Thanh rót nước trong can súc miệng rồi vén lại tóc.

- Đánh đoàn xe à?.

- Không. Khử thẳng Xầm!

- Xầm nào?

- Xầm quận trưởng.

Hai người ngồi thụp xuống đất. Thanh đưa tay kéo lưng áo do nằm võng bị cuốn lên.

- Sao Thanh nằm đây?

- Anh Sáu không cho ra ngoải. Phải ở nhà lo cơm nước. Anh Tám đói chưa? Ăn cháo nghen! Em nấu cháo cho mấy anh sáng về ăn đó!

- Không. Chỗ phục xa không, Thanh?

- Nửa tiếng.

Linh nắm cánh tay to lớn của cô gái, sôi nổi:

- Đi! Đi ra đó đi! Thanh chỉ đường tôi ra nhé!

- Không được. Anh Sáu rầy chết!

- Khỏi! Tôi lo cho.

Thanh ngẫm nghĩ một lát rồi đứng dậy, cô gái đứng cao gần bằng Linh:

- Ừa! Phải rồi! Anh Sáu cưng anh lắm. Em cũng đi. Nằm hoài sinh bệnh. Cuốn võng nha?

- Rồi hẵng. Cho ăn cháo đi. Đói rồi! - Đứng trước cô gái to lớn, tác phong giọng nói cứng rắn như đàn ông, không hiểu sao Linh muốn vòi vĩnh một tí. Gặp người nhà mà!

Những người "dân Bù Chao" đã đi ngủ. Thanh xuýt xoa múc một tô cháo thật đầy cho Linh. Anh nhìn những vụn thịt cá đang nhả khói rồi lại lắc đầu:

- Nóng! Ăn lâu lắm! - Linh thắt dây súng vào bụng - Chờ chút nhé! - Anh đi lại võng Rổn, khẽ vỗ vào má chú bé. Rổn ú ớ tỉnh dậy, và như một người lính từng trải, chú nhảy phắt xuống đất, tay đặt hờ lên cây AR. 15 giá dưới bụng võng, mắt nhìn Linh nghiêm nghị:

- Gì vậy? Có gì mới không?

- Không có gì đâu. Ông cứ ngủ, mình đi đây. Về tới nhà rồi, không cần dẫn nữa. Chào người anh em nhé!

- Đi đâu? - Rổn hỏi, ý không bằng lòng.

- Đi choảng nhau!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 06:58:00 pm »

Chú bé nghe vậy, mở to mắt đứng im một giây rồi toàn thân chú bỗng dịu lại, mát mẻ. Rổn bẽn lẽn tới gần Linh thỏ thẻ thật ngoan:

- Đi choảng nhau thiệt hả anh! - Chú mân mó vào mấy tạc đạn trên hông Linh - Em cũng muốn đi choảng nhau hoài như mấy anh lắm, nhưng chú trưởng trạm không cho. Nói còn nhỏ... Vậy, anh đi mạnh giỏi! Bữa nào có dịp lên quận ghé em chơi. Em tát hố bom bắt lươn cho anh nhậu nghẹn!

Linh đưa tay kéo Rổn vào lòng, cọ cọ hàm râu lên cặp má mịn màng của chú, rồi theo Thanh ra cửa vàm. Bên ngọn đèn chai, Rổn vẫn đứng nhìn theo. Cái bóng Rổn nhỏ xíu, nom thật dễ thương.

Vượt qua hai con rạch sâu đầy đỉa, một vạt mắc cỡ tây cứa bấy đùi, và con lộ trắng có chăng kẽm gai, hai người tới mép trảng. Tầm nhìn thoáng đãng, không vấp phải một cụm cây nhỏ. Gió thổi mạnh và hơi lạnh.

Lộ 13 trước mặt kia rồi. Thanh nằm xuống tìm điểm chuẩn. Cô chỉ một điểm mông lung ở giữa hai vệt đen mờ mờ, cao hẳn lên so với mặt trảng, có những tia sáng yếu ớt, nói tổ anh Sáu đang ở đó, nằm giữa ấp và chợ. Sáu Hóa cùng với ba chiến sĩ và xã đội trưởng Mười Đảnh ăn dầm nằm dề tại đó đã năm đêm rồi mà chưa diệt được thằng Xầm. Thằng thiếu tá ác ôn khét tiếng này nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an 306, nhờ công trạng hủy được ít cụm rừng, chặt được mấy cái đầu "Việt Cộng" nên mới ngoài ba mươi tuổi đã lên tới quận trưởng quận Châu Thành, quận trọng yếu nhất trong tiểu khu. Nó không chịu lấy vợ, thân thể cao lớn, đen bóng như người Chàm và xăm cùng mình. Từ ngày giữ chức quận trưởng, một mặt nó ráo riết quân sự hóa bộ máy nông thôn, đưa nhưng sĩ quan tàn ác nhất do chính tay nó chọn lựa xuống làm xã trương, ấp trưởng; một mặt nó tự thân cùng với bọn chỉ huy chi khu nống quân ra càn quét, đốt phá liên miên những xó xỉnh nào ta còn có thể trụ được. Một tay nó gây khá nhiều khó dễ cho phong trào du kích chiến tranh ở chín xã vùng sông. Một số cơ sở chịu hết xiết, teo đi. Lác đác lại có người ra chiêu hồi đầu hàng.

Nó tuyên bố. "Quyết không để cho một thằng "Việt Cộng" nào lọt được vào ấp, lấy được một hạt gạo, một viên thuốc. Triệt để phong tỏa kinh tế cho đối phương cứ ôm nhau mà chết đói trong rừng...".

Có đêm cán bộ binh vận của tỉnh, của quận xuống đào hầm gần lộ, phát loa cảnh cáo, kêu gọi nó. Thằng Xầm đứng trên chòi cu, loa lại:

- Con mẹ mấy thằng "Việt Cộng"! Suốt ngày nằm co trong hang trong hốc, đói bụng, tối mới dám mò đi kiếm ăn mà còn lớn họng nói bậy nói bạ cái gì? Có ngon cứ ngồi đó, tao ra cho mà nắn gân...".

Nó dẫn quân ra thật và đằng mình phải tróc hầm chạy.

Chính nó cũng ngày ngày mặc thường phục ra bưng, ra gò cùng với bọn thám kích rình rập cán bộ nằm vùng. Mấy anh trên quận ủy, quận đội thấy cứ để cho nó tiếp tục hoành hành thì bất lợi, dân mất tin, phong trào xuống, những thằng khác noi gương làm tàng; nên chỉ thị gấp cho đơn vị Sáu Hóa kết hợp cùng với xã phải diệt được nó bằng bất cứ giá nào. Nghe nói nó với Sáu Hóa ngày trước có sống cùng trong quân đội Hòa Hảo. Người ở chợ bảo: bây giờ nó chẳng ngán một ai, trừ Sáu Hóa nó còn nể nể một chút. Nó có cho bắn tin: nếu Sáu Hóa còn sống, xin mời ra quán ba tàu nhậu thiệt tình một bữa rồi đấu tay đôi.

Mới cách đây nửa tháng, ba cán bộ điều nghiên của đại đội chui rào rủi ro bị nổ trái, chết vắt người lên hàng rào gai. Thằng Xầm sai lính chặt đầu cắm ở cổng chợ, thân phơi giữa lộ. Ai đi qua cũng bắt dừng lại xem. Xác mấy chiến sĩ đặc công còn bôi lọ đen thui, nó nói là chính tay nổ bắn cháy đen...

Sáu Hóa đã có lần đội nón phớt, đóng giả người buôn gỗ, nhét súng vào nách, đi chiếc hon-đa 90e mới dỡ hòm, chở cậu liên lạc hóa trang con gái săn nó cả buổi ở chợ. Thằng Xầm khôn ngoan: đi đứng bất tử, không thành quy luật; lúc mặc thế này, lúc mặc thế khác; hôm nay đi đường này, ngày mai xéo lối kia... Nên viên đạn của Sáu Hóa đi không chuẩn. Nó vẫn sống nhăn mà mình thì mất không chiếc xe máy hơn trăm ngàn...

… Hai người đã trườn tới sát lộ. Đang nhìn ngó, chợt có ba tiếng cú bép vang lên, gần lắm. Hai Thanh lúng túng nhìn trước nhìn sau. Lại ba tiếng nữa. Không biết làm sao, cô gái cũng cong lưỡi tróc lại đúng ba cái. Linh lạnh người. Ám hiệu tầm bậy, coi chừng ta đụng ta đổ lửa bây giờ. Ta đụng nó còn có cơ thắng, chứ ta đụng ta là chết cả hai. Anh còn đang chưa biết xử trí thế nào thì bất thần có một cánh tay cứng ngắc chẹn ngang lấy cổ và một ngón tay ấn sâu dưới cằm. Linh há mồm ra ngáp ngáp, không kêu được một tiếng. Anh có thể dễ dàng gỡ miếng khóa này nhưng vẫn nằm im. Đau tới giàn giụa nước mắt nhưng cái miệng bị ấn xuống cỏ vẫn cười... Thế võ của đồng đội quen thuộc quá! Á! Đau! Nhè nhẹ thôi. Thằng nào thế?... Trong chớp mắt, tóc anh bị kéo ngược trở lại và... trong nền trời bàng bạc, khuôn mặt Sáu Hóa đập vào mắt anh với vẻ mặt gườm gườm, gò má nhô cao, cúi đầu to ra và cái miệng rộng trĩu sang một bên. Linh cũng gườm gườm nhìn lại, không thèm nói nửa lời... Mãi sau cái miệng mím chặt của Sáu Hóa mới hé dần, hé dần rồi ngoác ra cười, bàn tay buông khỏi tóc Linh:

- Mày hả Tám! Thằng chết bầm! Mày làm sao lại có được ở đây, hả Tám?

Linh vừa nắn lại hàm vừa chỉ sang Hai Thanh lúc ấy cũng vừa được thả ra. Sáu Hóa thoắt lúng túng. Anh ngây mặt ra một chút rồi bấm Linh chuồn ra sau.

- Thế là... mày thiệt đó, hả Tám? Sao kỳ vậy? - Sáu Hóa lùa cả bàn tay xoa đầu Linh, làm tóc anh rối tung.
Linh phì cười, ghì chặt cổ bạn xuống cỏ khiến anh chàng thở khò khè:

- Đau, đau chú em...

- Hỏi hoài! Cứng hàm người ta rồi đây này! Muốn tháo hả?

Sáu Hóa gỡ được tay Linh ra, xoay người lại, đưa tay nắn nắn bả vai bạn:

- Khỏe rồi hả? Sau đừng dại nghe cưng! Thôi về đi! Theo giao liên về đi!

- Về đâu?

- Về nhà. Chả có ai trông coi đơn vị cả. Về, tôi sẽ hỏi tội ông. Rồi, vậy đó!

- Đánh xong về luôn!

Tới lúc đó Linh mới biết Sáu Hóa chỉ mặc độc chiếc quần cụt đầu chụp cái nón toen hoẻn, còn toàn thân trét lọ nham nhở. Lúc này anh muốn nằm chèo queo xuống, gác chân lên bụng Sáu Hóa tán gẫu quá.

- Không được! Ông còn yếu. Bảo không là không. Về đi!

- Không về!

- Ngon không? Rồi, vậy đó! Ngồi kín vô mà xem!

- Anh nói sơ sơ kiểu đánh coi!

Hai người mọp tới mép lộ và bằng cái giọng nghịch ngợm như học trò sắp chơi khăm nhau, Sáu Hóa kháo kháo vào tai Linh:

- Cơ sở bên trong báo sớm nay nó dám qua đây lắm. Nó từ nhà con nhân tình người Tàu ở ấp đi về chợ. Đoạn này gần thị trấn, chưa ai động tới nên nó coi thường hết ráo, chỉ thèm đi hon-đa, có hai thằng kèm trước, kèm sau. Bắn, giật trái đều không được. Nghe tiếng nổ, chúng nó túa ra, mình khó thoát. Chỉ còn cách căng dây, mày Tám. Rồi, vậy đó!

- Ông uống rượu đấy à?

Sáu Hóa bỗng ngậm miệng lại rồi nói lúng túng:

- Làm bậy một xị cho ấm bụng. Dây đây nè. - Anh ta đánh trống lảng.

Linh đưa tay sờ sợi kẽm gai giá lạnh nằm vắt qua mặt lộ.

- Nếu nó tới, chỉ việc nâng dây ngang cổ. Rồi, vậy đó!

- Ông làm cái gì sột soạt vậy? - Linh hỏi đột ngột.

- Khẽ chứ cha! Tao quấn điếu thuốc. Anh em biết nó phê bình! Ông có hút không? Thôi, hút chung nghen? - Sáu Hóa rủ rê.

- Mấy giờ anh Sáu?

Sáu Hóa cúi sát mắt vào thiếc đồng hồ có luy-mi-nơ nhấp nháy:

- Mười sáu phút nữa! Ngồi đây. Mình sang kiểm tra đầu kia.

- Khỏi! Tôi sang đó. Ông một đầu, tôi một đầu. Thằng đi giữa phải không?

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 07:03:34 pm »

Không đợi Sáu Hóa tỏ thái độ, Linh ngả người, lăn luôn qua mặt lộ. Con đường nhựa trơn nhẵn, mát lưng làm anh thoáng nhớ tới hồi nhỏ ở nhà, những trưa hè cũng cởi trần nằm lăn xuống sàn đá hoa thế này... Có hai bóng người cũng đang nằm bẹp ở đó. Linh cúi sát mặt, tóc chạm tóc. Anh nhận ra hàm răng của mười Đảnh và thằng Lang. Họ siết vội tay nhau rồi căng mắt nhìn về cuối ấp, trong lòng chưa hết xúc động vì cuộc sát cánh bất ngờ trước một trận đánh. Ở chỗ họ phóng tầm mắt, có những ngọn đèn dầu nhạt nhòa tựa ánh đèn người đi săn thú đêm, lẩn khuất trong các lùm cây bóng tối.

Linh ngó đồng hồ: thanh sáng kim phút hơi chéo qua phải. Bốn giờ năm phút rồi. Con lộ 13 vẫn duỗi dài êm ả. Xa xa, một vài tiếng súng cầm canh vang lên lẻ loi. Kiểu này, tới bốn giờ rưỡi nếu nó không đi cũng phải quay về. Muộn hơn, sáng hửng lên, ló đuôi rút không kịp. Linh áp tai xuống mặt đường: không một tiếng rền nhỏ, chỉ có cái giá lạnh phả lên thái dương. Một tốp lính tuần tra tới gần, gột giày bước êm. Mọi người tuột xuống. Chúng đi qua, còn nhìn thấy những cái bóng chật chội in trên màu trời xám chì, súng xỉa xuống đường.
Thanh sáng đồng hồ nhích chút nữa. Có lẽ bà con đã dậy. Có ánh lửa nấu cơm, có tiếng chó sủa, tiếng thắng xe bò lịch kịch và cả tiếng mở cửa sắt ken két của mấy quán tiệm trong chợ. Thiên hạ sắp sửa một ngày làm ăn rồi. Linh quyết định lăn sang hội ý với Sáu Hóa. Vừa tới giữa lộ bỗng anh ngoắt mình lăn nhanh trở lại. Ở phía ấp, có ngọn đèn chói sáng thình lình bật lên. Còn đang ngỡ ngàng thì ánh đèn thứ hai... rồi thứ ba xuất hiện. Độ sáng lóa của nó làm quáng cả mắt, làm nhòa cả cảnh vật. Linh rướn người lên. Đúng nó rồi! Ánh đèn Hon-đa. Ba thiếc Hon-đa. Tiếng máy nổ xa nghe vo vo như con bọ dừa đang rung cánh cạnh màng tai. Tiếng rung cánh lớn dần trong khi những luồng sáng thu gọn lại, gom nhỏ hơn. Linh thấy bắp chân mình đang nháy nháy. Các thớ thịt căng lên mà răng cứ va vào nhau cách cách. Quỷ quái thật: trận nào cũng thế, cứ sắp có chuyện là lại không sao kìm nổi cái tật này. Súng cứ phải nổ lên cái đã, rồi đâu mới hoàn đấy. Anh cắn sâu vào cạnh ngón tay. Bắp chân có đỡ giật giật hơn. Ánh sáng đang quét loang loáng trên mặt lộ bỗng dưng tắt lịm. Cánh con bọ dừa cũng không thấy rung nữa. Lộ 13 lại duỗi dài êm ả. Linh nhếch mép. Chắc nó cảnh giác đối phương, nếu có. Được! Muốn thử kiểu gì thì thử, miễn là đừng lộn vòng trở lại. Không ai động đậy. Sốt ruột bò ra đường là hỏng cả...

Ba luồng sáng lại lần lượt quắc lên, vuốt dài, lia sang hai bên. Tiếng con bọ dừa chuyến thành tiếng bọ hung quạt cánh. Nó đã tới gần rồi. Họ phủ cành lá lên đầu. Linh siết chặt đầu dây kẽm vào lòng bàn tay. Nheo mắt lại, nhìn hất lên, Linh đã thấy ba bóng người mờ mờ trên xe. Chúng không ngồi mà rạp trên yên. Mỗi đứa cách nhau tới hai chục mét. Cùng một lúc, cả luồng sáng lẫn tiếng bọ hung đều biến mất, nhường lại cho tiếng nổ rền như đạn liên thanh và lưỡi sáng đã liếm vượt qua đầu họ. Nó ở ngay trên đầu dây rồi. Vành bánh xe chiếc thứ nhất đang xoay loang loáng, bánh nghiến ràn rát... Tập trung thằng ở giữa. Bỏ thằng này. Re... e... ét!... Chiếc xe lao qua như tia chớp. Luồng sáng khác ập đến rồi vuột đi. Chiếc thứ hai đây! Chính nó đây rồi! Vừa kịp trông thấy chiếc ghi-đông bắt ánh đèn như đôi cánh én lướt trên không trung. Linh đứng bật dậy. Sợi kẽm trên tay anh kéo thẳng căng... Hự! Trong một thoáng cánh tay anh tê đi, những ngón muốn rời ra. Thằng trên xe hộc lên một tiếng, rồi tung lên, lộn ngược trở lại. Cùng với chiếc xe máy mất đà đổ nghiêng, va ầm ầm xuống mặt dường, nghe rõ tiếng sọ người vơ khô khốc. Linh cũng bị chúi theo, sạt đầu gối xuống đất. Chiếc thứ ba tới cách chừng mươi bước, thấy lạ, phanh kít lại...

Sáu Hóa quát khẽ:

- Cảnh giới thằng đầu, thằng cuối!

Linh chồm dậy phóng ra đường. Chiếc xe đổ vẫn còn nổ máy. Khi tới, anh đã thấy Sáu Hóa buông vội cái xác chết, đứng vụt dậy, giọng lạc đi như người vừa bị mất cắp.

- Không phải thằng này! Con mẹ! Thằng đằng sau! Bắt!

Sáu Hóa, Linh và một người nữa chạy bổ tới chiếc xe vẫn còn đứng im. đầu ngúc ngoắc... Không kịp rồi! Chiếc hon-đa rùng mạnh một cái, cua một đường cháy bánh sát mép lộ, chút xíu nữa đâm xuống ruộng, rồi vút đi. Một loạt AK phóng theo, hai loạt súng ngắn phóng theo. Lửa nhằng nhằng hai bên sườn xe. Chiếc hon-đa vẫn chạy như phát rồ. Sáu Hóa quơ cây cạc-bin tự động của Thanh, cặp ngang nách, siết hai loạt. Lửa chụm dần, chụm dần rồi bám dính vào sau xe. Chiếc Hon-đa lảo đảo rồi lật ngang. Nghe tiếng nước ruộng bắn tung lên. Ba người nhảy lại: chỉ thấy.chiếc xe không, ngập nửa trong nước: bánh vẫn còn quay. Xa xa trên mặt lộ, một bóng người đang cầm đầu chạy như điên, chân có vẻ bị thọt. Linh giơ súng: quá muộn rồi! Nó đã mất hút. Đầu đằng này, chiếc xe thứ nhất cũng biệt dạng, tiếng động cơ hoảng loạn nhỏ dần... Đến lúc ấy, dưới chân Linh, Sáu Hóa nằm lăn ra, đập đập đầu xuống đường giãy đành dịch. Anh rên hừ hừ như bị sốt rét nặng. Linh và mọi người đứng trơ phỗng ra. Tiếc đứt ruột đứt gan!

Cối 81 ly từ các đồn, các tua bắt đầu động ầm ầm xuống hai bên đường. Xen kẽ với từng chùm lứa từ mặt đất tỏa lên, đạn thăng kéo dây nhau bay chằng chịt. Mọi người lăn vào sau các vật che đỡ vừa tìm được. Chỉ còn mình Sáu Hóa vẫn nằm giữa đường, bất động như chết rồi. Hai Thanh chạy tới, ngồi xuống bên cạnh, giọng vỗ về:

- Anh Sáu! Đừng buồn nữa. Cho rút đi! Anh Sáu...

Sáu Hóa văn nằm như ngủ. Chần chờ ở đây bỏ con bây giờ! Linh cáu sườn cũng chạy tới. Nhưng anh vừa đụng tay vào nách, định xốc bổng cả cái cơ thể nhỏ bé ấy dậy thì như có sức bật từ trong lòng đất, Sáu Hóa dựng phắt người lên. Dưới ánh pháo sáng, nhìn mặt anh tỉnh khô. Anh nòi thản nhiên:

- Rút cái gì, hề? Trụ lại tìm cách đánh nữa chớ! Không diệt được thằng mắc dịch ấy không thèm về đâu. Rồi, vậy đó! Linh, Thanh, hai người về trước đi. Lẹ lên!

Linh quắc mắt nhìn Sáu Hóa:

- Anh là thằng tồi, hiểu chưa?

Sáu Hóa trố mắt nhìn Linh rồi nhìn qua Thanh. Cô gái cũng nhìn lại anh đội trưởng đầy vẻ trấn áp. Một trái côi nổ gần. Miểng quật xuống mặt đường chan chát. Bộ mặt thiếu ngủ của Sáu Hóa sáng xanh lên. Trên khuôn mặt ấy bỗng giãn nở một miệng cười dễ dãi:

- Rồi! Theo tôi! Tất cả!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #39 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2009, 07:07:24 pm »

Và cứ giữa đường, anh khom lưng dẫn mọi người chạy ngược lại chợ. Tới một khúc quẹo, anh ngồi thụp xuống chỉ hai đống báng (Cây sắn) khô cao hơn đầu người, dựng chụm ngọn ở mé gò. Đằng sau là giàn khổ qua (Mướp đắng) đang trổ lá.

Anh phân công cộc lốc:

- Ém vào đó? Nếu tình huống dở, cả hai đống đều đánh chí cốt. Sáu người chia hai tổ. Hai Thanh ở tổ Mười Đảnh. Linh ở với mình, bàn tính chuyện tối nay luôn. Rồi, vậy đó! Bí mật hết ga. Hết xí quách mới nổ súng. Bà con thấy, giữ lại. Nhưng đang nắng, chắc chưa ai dỡ ra trồng đâu. Mần đi!

Mọi người tán về vị trí dược phân công. Cối vẫn nổ tứ tung nhưng đã chuyển làn dần về phía sông.

Trong khi Lang, xạ thủ B.40, người dân tộc Thổ Cao Bằng, gượng nhẹ gỡ từng thân báng lỏng khỏng, tạo một lỗ hổng chui lọt người thì Sáu Hóa và Linh bò đi xem xét địa hình.

Với cảm giác nhạy bén của người lính, Linh bỗng thấy lạnh gáy. Địa thế ém quân quá chông chênh. Hai đống báng khô, chẳng hầm chẳng hố, lọt giữa hang ổ kẻ thù. Lộ một chút thôi là coi như mạng đổi mạng. Chúng nó sẽ tứ bề bủa vây với những phương tiện hỏa lực, cơ giới cực mạnh. Giỏi lắm, sáu người diệt được nó sáu mươi rồi cũng chịu chết. Ban ngày ban mặt, rút đường nào! Chỉ cần hai trái chống tăng M.72 là hai đống báng sẽ cháy bùng như đuốc. Táo bạo đấy. Nhưng suôn sẻ được thì thật tuyệt vời. Sát ngay nách nó, đỡ được bao công tiềm nhập, dò xét (thật khó mà giữ kín được). Linh liếc sang Sáu Hóa: mặt anh ta bình thản như đang ngồi uống trà ở hậu cứ. Linh chợt thấy an tâm. Anh chàng ít khi quyết định nhầm lẫn. Anh chả nổi tiếng đánh giặc do năng khiếu tham mưu thần tình và sự táo bạo tới lạ lùng đấy ư? Cái lần anh quyết định trèo lên ngọn cây phục chiếc cá rô ở giữa căn cứ lõm (ra khỏi “cứ” là gặp địch), ai cũng lè lưỡi can gián khác nào trầm mình xuống sông đọ tay đôi với cá sấu. Nhưng anh vẫn chạy được về. Còn chiếc cá rô thì rơi tại trận. Đã nghiệm ra rằng: ở cái nơi lừa lọc nhau từng miếng, thuộc cách đánh của nhau từ cái mẹo nhỏ nhất này, ai có ngón hiểm hơn, bất ngờ hơn, sẽ dứt điểm, ấy vậy mà...

Một bóng đen lòm khòm đi tới.

- Ai? - Sáu Hóa hỏi.

- Đảnh đây!

- Đi đâu thế?

Anh xã đội trưởng lừng khừng:

- Đi giẫm bậy mấy dấu chân. Nghi binh.

- Thằng. Kỹ trời thần! - Sáu Hóa gật gù vẻ khoái trí.

- Bọc gì vậy? - Linh nắn nắn cái gói trên tay Đảnh.

- Mỗi tổ một chút, ăn cầm chừng đỡ khát! - Mười Đảnh dốc vào tay Linh chừng chục trái dưa leo mập mạp rồi lại lừng khừng đi về đống báng của mình.

Cái anh chàng xem ra lù khù này, đánh giặc kỹ càng như bà già đi chợ. Linh nhét dưa vào túi, nghĩ thầm. Trận đánh năm ăn năm thua này có những ông thổ thần như vậy cũng đỡ ngại phần nào. Nếu Sáu Hóa quyết định hấp tấp anh ta đã phản đối rồi. Linh lại tìm thấy được cái háo hức bồn chồn trước một trận đánh có chuẩn bị đầy dủ. Anh men theo giàn khổ qua, đi kiểm tra tổ của Đảnh. Tổ này đã vào gọn. Nhìn bên ngoài thấy đống báng vẫn im lìm chụm ngọn. Trông tinh mới thấy bụng nó hơi phình ra. Tốt rồi! Chủ nhân của nó bận bịu đồng áng làm sao mà để ý được một chút phình ra đó. Mà dù có thấy cũng chả nghi ngờ gì. Anh quay về đống của mình. Đống này cũng hơi phình ra. Vậy là trong ruột hai đống báng khô bên con lộ chiến lược san sát đồn tua, có chứa cả một bán đội súng to, súng nhỏ đủ cả. Linh hồi hộp luồn vào, rồi thò tay ra ngoài rấp lại lỗ hổng. Một hơi ấm sực lên. Tối im. Có tiếng nhai dưa gau gáu. Linh ghé sát lại: cái miệng không nhỏ lắm của Sáu Hóa đang chuyển động...

Từ dải rừng chồi xa tít bên kia lộ, đám mây màu chì chuyển dần thành màu sáng bạc, màu sáng trắng... màu hồng nhạt... màu hồng tươi rồi dỏ tía. Mặt trời, thật to hiện ra rực rỡ. Cứ tưởng cả rừng chồi bốc cháy. Con đường nhựa cũng màu hồng, những luống cày cũng màu hồng, đống báng bên kia cũng màu hồng. Tất cả đều hồng lên, tươi tỉnh. Hóa ra bình minh trên lộ chẳng khác gì bình minh trên sông...
Linh thấy lạnh lưng hở sườn. Trời sáng rõ mới lộ hết cái thế mỏng manh. Đào hầm độn thổ ngay cửa đồn cũng có, song thú thật anh chưa êm cái kiểu này bao giờ. Nghề đặc công như vạc ăn đêm, có bóng tối che chở. Nhưng ngồi cả đống chồm hỗm giữa ánh sáng mặt trời, giữa đồn bốt địch thế này thì quá sức tưởng tượng. Anh bàng hoàng nhìn mặt trời dần dần lên cao...

Từ phía ấp, một chiếc xe bò lọc cọc lăn bánh trên lộ. Đằng sau có tốp người gồng gánh đi chợ. Họ đi với dáng tất bật, đôi mắt phiền muộn nhưng Linh cảm thấy sáng nay những người dân này có vẻ gian giảo thế nào ấy. Hình như những cặp mắt kia cử lấm lét về phía hai đống báng. Người đi sau gọi người đi trước chờ, cũng khiến Linh chột dạ. Ngay cả chú bò kéo kia nữa, mắt cũng nhìn ngang ngửa đầy vẻ xảo trá. Cái mũi chun lại như đánh hơi. Và những kẽ hở cứ rộng ra thênh thang. Khỉ thật!

Anh bỗng đảo nhanh mắt: Đi ngược lại chiếc xe bò, một hàng dọc linh mười lăm thằng, bước uể oải, ba lô dè nặng trên vai, làm những cái nón sắt rụt lại, súng tiểu liên cực nhanh Mỹ có khẩu vác, khẩu đeo. Ở nắp những chiếc ba lô, Linh trông rõ những mảng bí đỏ, bí xanh hở ra. Và cả cánh trắng một con vịt đang đập đập. Bọn này chắc nằm kích cả đêm ở chợ, sớm nay về dồn. Chúng không quên cuỗm theo ít đồ về ăn nhậu. Vậy là cả mình lẫn nó đều thức trắng đêm. Với những bộ đồ chật cứng, chúng đi lêu rêu trên mặt lộ cao. Bóng chúng che khuất cả vầng mặt trời mới mọc, nhác trông giống bức tranh vẽ một tù khổ sai đang đi trong hoàng hôn - đám tù khổ sai có những viền sáng bạc quanh người. Đừng rẽ xuống đây! Đừng rẽ xuống đây! Phiền lắm! Linh nhìn vào mắt Sáu Hóa. Đôi mắt ấy lờ đờ nửa nhắm nửa mở, vẻ muốn ngủ. Linh bấm anh, chỉ trung đội bảo an. Sáu Hóa gật đầu, mắt vẫn không mở to hơn. Anh lại nhìn ra bọn lính: chúng đang từng thằng một rẽ xuống đường bò dẫn vào đồn. Linh thở ra... Có lẽ nếu gặp lại anh Út "Cò ngẳng", mình phải bổ sung vào cái triết lý của anh ấy: "Người lính không thể chỉ biết tìm niềm tin trong ánh mắt hoảng loạn của kẻ thù mà cùng một lúc phải biết tìm cả trong ánh mắt đồng đội nữa, bác sĩ ạ!". Ví như những lúc như thế này đây, nếu mình bắt gặp một tia hoảng kinh trong mắt Sáu Hóa thì sao? Biết đâu cả hai đều cụp xuống run rẩy. Đức tin của anh ấy lạ quá! Cứ như không.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM