Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:08:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về số thành viên của đội tuyên truyền giải phóng quân  (Đọc 35325 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 08:46:40 am »

Em mới tìm lại được bài này, có thêm một số chi tiết về chiến sĩ Ngọc Trình và trận Chè Cáy:

Ngọc Trình là người dân tộc Tày, quê ở Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Anh vốn là một trong 34 chiến sĩ ở đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đầu tiên được thành lập trong khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944, đứng thứ 32 trong bản danh sách của đội.

Một phân đội Giải phóng quân đã từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn hoạt động từ sau ngày 9-3-1945 đến những năm 1946-1947-1948 và đầu 1949. Thực hiện chủ trương của Bộ Tổng chỉ huy là “Đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung”, một số cán bộ Giải phóng quân được cử về các huyện, nhất là các huyện dọc đường số 4, như Tràng Định, Thoát Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình.

Anh Ngọc Trình được cử về huyện Thoát Lãng, huyện lị là thị trấn Na Sầm, giữ chức trung đội trưởng thuộc đại đội độc lập địa phương huyện.

Anh người thấp bé, các chị em bán hàng rất hay trêu đùa, nên anh dễ làm quen thân với thanh thiếu niên trong làng. Tính tình hoạt bát, nhanh nhẹn, chịu khó nên anh được dân làng rất mến. Anh lại nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng, nên công tác dân vận rất khéo; nơi nào có khó khăn, nếu có mặt anh là công việc vận động đều được tiến hành thuận lợi và có hiệu quả.

Chính nhờ tác phong dễ hòa mình với nhân dân, nên anh đã vận động được thanh thiếu niên đưa trâu bò đến gần các đồn bốt địch, thả cho ăn cỏ. Từ đấy, mới gặp gỡ bắt nhân mối được với một số lính ngụy trong đồn Chè Cáy ở cách Na Sầm khoảng 3km về phía na, trên đường số 4 đoạn Đồng Đăng- Nam Sầm. Được giác ngộ, họ sẵn sàng làm nội ứng cho ta.

Nhân dịp ở đồn Chè Cáy, viên sĩ quan chỉ huy Vít-cô phải đổi về Lạng Sơn, quan mới về thay, tổ chức bữa tiệc tiến quan cũ, đón quan mới vào tối 12-9-1948. Thời cơ đến: đánh vào lúc địch liên hoan chè chén say sưa, hẳn thắng lợi là chắc chắn.

Đồn Chè Cháy ở trên một ngọn đồi xung quanh cây cỏ rậm rạp. Ngay tối hôm trước, ta đã bố trí ém phục ở lưng chừng đồi. Đây là một hành động rất cảm tử và táo bạo. Chỉ cần một nhân mối phản bội, hay một lính ngụy nào bất ngờ phát hiện ra là ta sẽ bị tiêu diệt.

Ngọc Trình rất tin vào các nhân mối của mình, anh trực tiếp chỉ huy bộ phận đó. Theo hẹn ước, đúng lúc tại phòng tiệc, hai quan Tây nâng cốc chúc tụng nhau theo nghi lễ tống cựu nghinh tân, người lính gác cổng là nhân mối của ta mở cổng cho trung đội Ngọc Trình ập vào. Những nhân mối khác gác lô cốt đóng chặt cửa lại, không  cho kẻ nào thoát ra.

Mọi việc diễn ra rất nhanh gọn. Cả hai tên đều bị bắn chết ngay tại chỗ. Số ngụy còn lại quy hàng. Ngọc Trình giải thích chính sách Việt Minh là đánh Pháp cứu nước, chứ không làm hại ai là người Việt Nam và ra lệnh giải thoát cho ngụy binh tại chỗ. Bộ đội thu vũ khí đạn dược, hạ lệnh phóng hỏa, đốt đồn bốt, nhanh chóng kéo quân về hậu cứ ở làng Pác Lạn, quê hương của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bà con dân bản tay bắt mặt mừng, đem tặng một con lợn để khao quân, mừng thắng lợi.

Sau chiến thắng Chè Cáy, Ngọc Trình được đề bạt lên làm đại đội trưởng đại đội độc lập huyện Thoát Lãng, thay đồng chí Đinh Giang lên tỉnh để xây dựng, tổ chức đơn vị mới.

Đầu năm 1949, cách mạng Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh, song do Quốc dân đảng dồn sức, cố bám giữ lấy miền Nam lục địa Trung Hoa, nên tình hình khu vực biên giới Trung - Việt rất khó khăn phức tạp.

Trước tình hình đó, tháng 3-1949, Trung Quốc cử đại diện sang ta, gặp Trung ương Đảng ta và đề nghị cho quân đội sang giúp xây dựng, củng cố Biên khu Điền Quế và Việt Quế (giáp Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Ninh) để phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, chuẩn bị hưởng ứng đón “đại quân Nam hạ”.

Với tinh thần quốc tế vố sản, coi giúp bạn cũng là tự giúp mình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chấp nhận đề nghị đó, để Bộ Tổng Tư lệnh đưa một bộ phận lực lượng sang phối hợp hoạt động trên đất Trung Quốc, mặc dù bên phía ta cũng đang gấp rút tiến hành chuẩn bị cho chiến dịch đường số 4.

Mũi từ Lạng Sơn có một lực lượng của Trung đoàn 28 do đồng chí Long Xuyên, Trung đoàn phó, chỉ huy, có hai đại đội địa phương của huyện Văn Uyên và huyện Thoát Lãng phối hợp. Đại đội Thoát Lãng do Ngọc Trình chỉ huy.

Đêm 12-5-1949, bộ đội Lạng Sơn vượt biên giới. Ngày 13-6, đánh đồn Hạ Đống (trên đất Long Châu, Trung Quốc). Một vùng đất đai rộng lớn, từ Thủy Khẩu, Bằng Tường xuống Ninh Minh (đối diện dọc biên giới ta từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn) được quân ta giải phóng. Bộ đội đơn vị E28 Lạng Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp bạn mở rộng khu căn cứ và làm công tác vận động nhân dân bạn xây dựng cơ sở chính trị, tặng cường thắt chặt tình hữu nghị Trung - Việt ở vùng biên giới hai nước.

Riêng Ngọc Trình, người cán bộ đại đội trưởng ưu tú của đại đội địa phương huyện Thoát Lãng, có tài nắm địch, bắt nhân mối, làm công tác vận động binh lính ngụy khôn khéo, từng hạ đồn Chè Cáy năm trước, đến lần triển khai đơn vị sang Trung Quốc chiến đấu, đã tung hoành dũng cảm dẫn đầu đơn vị đuổi đánh địch từ trên đường Mục Nam Quang (nay là Hữu Nghị Quan) đến Bằng Tường, chẳng may bị một viên đạn trung liên bắn trúng giữa ngực, đã anh dũng hi sinh trên đất bạn.

Đồng đội và nhân dân Trung Quốc ở Bằng Tường vô cùng thương tiếc, đã đem thi hài Ngọc Trình cùng thi hài một tiểu đội phó của ta (người Bản Cháu, xã Trùng Quán, huyện Thoát Lãng, Lạng Sơn) và thi hài một du kích quân của bạn (người Trung Quốc) đem đến mai táng ở quả đồi gần làng Khòn Luông, Ái Hẩu, thuộc Bằng Tường (Trung Quốc).

Lúc hi sinh, Ngọc Trình đã có vợ, người xã Hoàng Việt, huyện Thoát Lãng (Lạng Sơn) và đang có thai được 6-7 tháng. Sau khi sinh, vợ anh đặt tên con là Long Văn Đăm (theo họ của Ngọc Trình). Hiện nay ông Đăm đang sinh sống ở Thôn Mè, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

(Theo Tạp chí Thế giới mới của Bộ GD-ĐT, số 637, tác giả: đại tá Nông Văn Cận - nguyên chy phó tỉnh đội Lạng Sơn).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM