Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:11:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký Sự Chiến Tranh - Tập 2  (Đọc 55565 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:51:12 pm »

*
*    *

Bốn giờ sáng. Tiểu đoàn 47 báo cáo địch đang ném bom và dội pháo xuống Hoàng Hà. Đứng ở sở chỉ huy Thủy Khê chúng tôi cũng thấy rất rõ. Tiếng nổ dội về không lúc nào ngớt. Ở một góc phía nam, bóng tối cứ bị xé toạc ra, liền vào, lại bị xé ra. Đôi lúc thấy chớp lửa nổi cuồn cuộn như trong một lò thép hồng đang sôi. Mất Hoàng Hà, địch đoán ngay được ý định của ta. Có thể chúng sẽ đổ quân xuống để đẩy lực lượng ta ra khỏi bờ sông. Các chiến sĩ của tiểu đoàn mang tên người Cộng sản lỗi lạc Lê Hồng Phong đã thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Năm giờ sáng. Tôi gọi điện thoại báo cáo tình hình với anh Trần Đồng, bí thư đảng ủy khu vực.

- Làm sao mà nó bắn pháo dữ thế ông Lân? - Anh Đồng hỏi.

Qua máy điện thoại tôi cũng biết anh đang lo lắm.

- Động rồi anh ạ, có thể sáng nay chúng nó sẽ phản kích.

- Anh và anh Đưởm bàn bạc với nhau, làm sao đánh thắng địch, giữ được trận địa mà đỡ thương vong cho bộ đội và dân quân. Nhớ liên lạc chặt chẽ với anh Thư (1) và các đồng chí ở Gio Cam. Xin gửi lời thăm hỏi và chúc mừng của toàn ban thường vụ đảng uỷ đến các đồng chí đang chiến đấu bên đó.

- Xin cảm ơn anh, nhờ anh chuyển lời cảm ơn của tôi và anh Đưởm đến anh Tốn, anh Du, o Em và các anh các chị ở nhà.

- Các anh ấy đang ngồi ở đây cả chứ đâu. Cả o Em nữa.

O Em là cán bộ cũ của Quảng Trị, tham gia hoạt động từ những năm 1935 - 1936. Chồng và con đều hy sinh, o lên chiến khu Ba Lòng lo sản xuất, nuôi các đồng chí hoạt động trong những năm chống Pháp. Đến nay đã ngoài sáu mươi tuổi, o vẫn ở lại Vĩnh Linh đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu. Trước hôm chúng tôi lên đường, anh Đồng, anh Du gọi tôi và anh Đưởm sang ăn cơm. O Em nấu bát anh chua bằng mấy con cá quả và làm món rau ghém trộn khế ăn với mắm cái. O xới cơm, gắp thức ăn cho chúng tôi, trìu mến như người chị cả săn sóc mấy đứa em.

Nói xong, tôi vừa đặt máy xuống, quay lại nhìn thấy đồng chí Trần Đăng Khoa đã ngồi sau lưng tôi từ lúc nào.

- Báo cáo anh Lân tôi đi - Khoa nhổm dậy.

- Hượm một lát đã.

Khoa là chính trị viên một đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn Sáu. Theo lệnh của Mặt trận, hôm nay anh sẽ cùng với đại đội vượt qua phòng tuyến dày đặc của địch, thọc vào vùng Đại Độ ở gần Đông Hà, cắm một cái chốt vào giữa tim địch, làm chỗ dựa cho cuộc nổi dậy của nhân dân. Anh từng làm chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ. Đã có lần thay mặt các chiến sĩ trên đảo ra Hà Nội báo cáo thành tích với Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ.

- Chuẩn bị được đến đâu rồi? - Tôi hỏi.

- Ổn rồi anh ạ - Khoa nói, anh em có hơi lo.

Nhìn vào mắt Khoa, tôi biết anh nói thật. Mà lo cũng là phải thôi. Con người ta, dầu vô tư đến đâu đi nữa cũng không thể bình thản trước khi bước vào trận chiến đấu một mất một còn. Tôi nói với Khoa :

- Nếu trước đây ba hôm mà đại đội 10 vào đấy thì có thể tổn thất lớn. Nhưng hôm nay tình thế đã khác rồi. Ta chiếm Làng Vây rồi, tiểu đoàn 47 cũng vừa chiếm Hoàng Hà xong. Địch đang hoang mang, tan rã, quần chúng đang nổi dậy. Nếu các đồng chí biết nắm thời cơ, có thể lập công lớn.

Nét mặt Khoa tươi hẳn lên. Anh lại nhổm lên định đi, nhưng tôi kéo anh ngồi xuống. Còn chuyện khác, tôi muốn nói với Khoa nhưng lòng tôi đang phân vân, một chuyện riêng của anh. Đang khi nước sôi lửa bỏng, lại giở chuyện. riêng ra nói, liệu có nên không? Nhưng... không nói ư? Lỡ có điều gì không may xảy đến với Khoa thì sao? Tôi sẽ ân hận suốt đời nếu anh ngã xuống mà vẫn chưa biết mình có hạnh phúc.

Khoa yêu một cô gái ở Quảng Bình tên là Mỹ Lệ. Chiến tranh xảy đến, Khoa ra đảo, Mỹ Lệ đi thanh niên xung phong chiến đấu ở miền tây. Đường đất xa xôi, cộng với một vài chuyện hiểu lầm nho nhỏ làm hai người cách biệt. Tuy vậy, qua một vài lần tâm sự, tôi biết Khoa vẫn yêu Mỹ Lệ tha thiết. Hồi cuối tháng Chạp năm 1967, đi từ Bộ Tư lệnh Quân khu Bốn về, chúng tôi bị bom từ trường và bom bi nổ chậm của địch chặn lại ở đèo Đá Đẽo trên đường 15. Ba anh em : tôi, Đạt, và On ghé vào nghỉ nhờ một đơn vị Thanh niên xung phong. Lân la hỏi thăm, tôi biết trong đội thanh niên xung phong trấn giữ đèo Đá Đẽo có một cô gái, tên là Mỹ Lệ. Trong lúc On sửa xe, tôi và Đạt chống gậy đi khắp các lán tìm cô gái ấy. May mắn làm sao, cô Mỹ Lệ ấy lại chính là Mỹ Lệ của Khoa.

- Khoa này...

Anh ngước lên nhìn tôi, chờ đợi, vẻ lo lắng lại hiện ra trong mắt...

- Mình vừa gặp cô Mỹ Lệ của cậu.

Khoa mở to mắt nhìn tôi trừng trừng, miệng há hốc, chắc anh chưa tin điều tôi nói là thực.

- Đúng thế đấy - tôi nhấn mạnh, ở đèo Đá Đẽo, mình và Đạt cùng gặp, mình đã nói chuyện với cô ấy.

Khoa chồm về phía tôi :

- Thật chứ anh, Mỹ Lệ thật à?

- Thật, mình nói ngay để cậu biết, cô ấy vẫn rất yêu cậu rất yêu.

Khoa ngồi yên, chưa thật hết vẻ ngơ ngác, nhưng trong mắt anh một niềm vui mới mẻ đang hiện lên.

- Cô ấy thế nào anh?

- Khỏe mạnh và vẫn xinh như cậu tả với mình.

Tôi mở túi đưa cho Khoa lá thư của Mỹ Lệ. Anh quay ra cửa ngồi đọc rất lâu, chắc phải đọc đi đọc lại đến mấy lần. Có lúc tôi thấy anh chàng đọc mà cầm lá thư lật lên lật xuống như muốn tìm trong đó một cái gì khác nữa. Bỗng anh quay lại ôm chặt lấy vai tôi lắc lắc :

- Anh Lân, cảm ơn anh lắm... Tôi đi nhé!

Tôi tiễn Khoa ra cửa và nói thêm :

- Mình đã trộm phép "họ nhà trai" đến thưa chuyện với thủ trưởng đằng nhà gái rồi. Nếu cậu đồng ý thì sau chiến dịch này ta tổ chức đi.

Khoa cười, hai mắt chớp chớp. Suốt mấy tháng chiến dịch, mỗi lần nhớ tới Khoa và Mỹ Lệ tôi vừa vui vừa lo. Câu văn “trong bão tố chiến tranh, một tình yêu non trẻ đang chắp cánh trên miệng con cá sấu”, trong tiểu thuyết “Chỉ vì yêu” của Wanđa Vaxilepska (2) đọc từ hồi chống Pháp thỉnh thoảng lại hiện lên trong đầu tôi. (Nhưng mọi việc đều tốt đẹp Tháng Ba 1968, Khoa trở về, cũng vừa lúc Mỹ Lệ được cử ra Hà Nội đi học. Họ tổ chức lễ cưới trong một căn hầm. Và hiện nay hai anh chị đã có ba cháu : một trai hai gái).

------------------------------------------------------
(1) Anh Thư lúc đó là ủy viên tỉnh ủy Quảng Trị, phụ trách Gio Linh và Cam Lộ.
(2) Nữ văn sĩ Liên Xô, gốc Ba Lan.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 07:52:35 am »

*
*    *

Tám giờ sáng. Sau bốn tiếng đồng hồ ném bom và bắn pháo, địch bắt đầu mở cuộc phản kích chiếm lại Hoàng Hà. Từ Cửa Việt hai đại đội thuộc tiểu đoàn Một lính thủy đánh bộ Mỹ kéo lên, có bốn xe tăng và sáu xe bọc thép dẫn đầu. Hai đại đội bộ binh ngụy từ điểm cao 31, từ Quán Ngang kéo ra. Máy bay lên thẳng đổ xuống Mai Xá và nhà thờ Phú Câu hai đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ khác. Lực lượng địch có khoảng 1000 tên, 24 xe bọc thép, 12 tàu chiến.

Vốn quen thuộc chiến trường khu đông, có kinh nghiệm đánh bộ binh Mỹ, tiểu đoàn Lê Hồng Phong vào trận với một tư thế hết sức bình tĩnh. Xe tăng và bộ binh vào đến sát làng, vẫn chưa có một mũi nào nổ súng. Truyền thống của tiểu đoàn này là đánh gần. Tổ đồng chí Lộc bố trí hướng tây nam, đối mặt với một trung đội lính thủy đánh bộ Mỹ. Cho đến trận ấy Lộc đã ba lần đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Thấy một tốp lính Mỹ lò dò đến cách công sự 30 mét, hai chiến sĩ mới là Tâm và Hòa nhổm lên định bắn. Lộc ra hiệu chưa được bắn. Anh lấy thanh lương khô bẻ đôi đưa cho hai người : "Ăn đi, đợi mình bắn các cậu mới được bắn". Chúng vào cách 15 mét. Tâm và Hòa nhìn Lộc : anh vẫn bình tĩnh nhai lương khô. Khi tốp địch đầu tiên cách công sự năm mét, Lộc lừ mắt ra hiệu cho hai đồng chí, anh lấy gói đất bột đã trữ sẵn ném sang bên cạnh, làm bụi tung mù lên để đánh lừa địch. Ba loạt đạn quét thẳng vào tốp địch. Chúng đổ rạp xuống, tên đi đầu ngã sấp, chót bàn tay của nó chạm vào bờ công sự của Lộc.

Ngay từ loạt súng đầu tiên ta đã tiêu diệt hơn 50 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn cháy bốn xe tăng và hai máy bay. Địch lùi lại, tổ chức lực lượng, mở đợt pháo kích thứ hai. Từ tám giờ sáng đến 12 giờ trưa địch xung phong năm lần, cả năm lần bị tiểu đoàn 47 đánh bật ra. B41 và DKZ được bộ binh che đỡ phía sau, bám chặt trận địa bờ sông đánh tàu địch. Một đoàn vận tải LST sáu chiếc từ Cửa Việt lên, ta bắn cháy hai chiếc. Chúng quay lại, giội bom và pháo vào trận địa ta, sau đó tàu vận tải lại kéo lên. Chúng phải liều mạng vì không thể bỏ mặc hàng vạn quân lính đang khốn đốn trên mặt trận đường Chín. B41 và DKZ lại bắn cháy thêm ba chiếc nữa. Ngày hôm ấy không một chiếc tàu vận tải nào của địch đến được cảng Đông Hà.

Hai giờ chiều, địch đưa thêm lực lượng tiếp viện từ các tàu chiến đậu ngoài khơi, mở đợt phản kích thứ sáu vào Hoàng Hà. Một trận hỗn chiến giữa ta và địch, hai bên quần lộn với nhau từng khóm tre, từng ngôi nhà. Có khi cùng một ngôi nhà, ta ở gian trong địch ở gian ngoài, ta ngoài sân, địch trong nhà.

Sáu giờ chiều địch mới rút chạy về căn cứ. Trên chiến trường này chưa bao giờ thấy địch đánh muộn đến như vậy. Chúng bỏ lại trên trận địa hàng trăm xác chết Mỹ và Ngụy.

Ta giữ được Hoàng Hà nhưng tổn thất khá nặng. Hơn 50 đồng chí hy sinh và bị thương. Vì dân công tải thương chưa vào kịp, tiểu đoàn phải tổ chức lực lượng đưa thương binh và liệt sĩ ra. Năm đồng chí bị thương nhẹ xin ở lại chiến đấu, tám đồng chí bị thương vừa có thể tự đi được, chỉ cần một người khỏe đi bên cạnh để dìu. Mỗi thương binh nặng và liệt sĩ phải ba người khiêng. Như vậy là số quân của tiểu đoàn hụt mất một phần tư.
*
*    *

Ngày hôm sau, 21 tháng Giêng, cuộc chiến đấu trên bờ sông Cửa Việt còn quyết liệt hơn. Địch phải đánh bật ta để giữ con đường tiếp tế huyết mạch. Chúng dốc thêm vào đây hai tiểu đoàn thuộc sư A-mê-ri-cơn mới từ các tỉnh phía trong ra, một tiểu đoàn của sư Một và hai chi đội xe tăng thuộc Thiết đoàn Bảy quân ngụy. Năm giờ ba mươi phút địch bắt đầu phản kích. Pháo bắn, máy bay trút bom, xe tăng và bộ binh tiến lên... Chín giờ sáng, hai đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chọc thẳng vào tiểu đoàn bộ. Hai chiến sĩ bắn trung liên hy sinh, tiểu đoàn trưởng Trần Thà nhảy lên thay thế. Anh ôm súng quét vào làn sóng quân Mỹ đang tràn tới làm chúng đổ gục xuống.

Một chiếc xe tăng M41 tiến vào, khẩu B41 bắn một phát trúng đầu xe, nó khựng lại, bốc cháy. Chiếc xe tăng thứ hai từ xa bắn một quả pháo vào hỏa điểm ta, đồng chí xạ thủ hy sinh. Trung liên hết đạn. Trần Thà giấu súng vào hầm, dùng súng ngắn bắn chết bốn tên Mỹ. Hai phóng viên báo Quân đội nhân dân Hồ Thừa và Ngọc Nhu cũng cầm súng đánh địch. Mười một giờ trưa. Địch bị đẩy lùi ra khỏi làng. Đồng chí Thà nghe tiếng Hồ Thừa gọi phía sau :

- Anh Thà ơi, lúc anh ôm súng bắn tư thế của anh sao mà đẹp thế. Tôi đã chụp được hai kiểu ảnh, đẹp quá!

Nhưng chỉ mấy phút sau, một quả pháo địch nổ bên cạnh. Hồ Thừa bị thương nặng. Anh trao máy ảnh, tài liệu lại cho Ngọc Nhu và nói với Trần Thà :

- Chúc anh và tiểu đoàn chiến thắng.

Ba tiếng đồng hồ sau Ngọc Nhu cũng hy sinh.

Xác lính Mỹ và lính nguy đã xếp đống trên trận địa nhưng địch vẫn không chịu bỏ cuộc. Chúng lao vào tới tấp. Cuộc hỗn chiến kéo dài cho đến lúc mặt trời lặn. Địch phải rút, ta vẫn giữ được Hoàng. Hà. Ngày hôm ấy DKZ và B41 chỉ bắn có sáu viên đạn, diệt bốn tàu địch. Con đường tiếp tế của chúng vẫn bị nút chặt.

Khi hoàng hôn xuống, quang cảnh chiến trường, theo lời đồng chí Xuân Đức, một xạ thủ trung liên kể lại, trông thật khủng khiếp. Không còn nhà, không còn cây, mọi vật đều bị nghiền nát ra, từ gạch ngói, cây lá đến xác xúc vật. Lửa cháy tàu vẫn còn bốc ngùn ngụt trên mặt sông. Tiểu đoàn 47 bị thương vong gấp đôi ngày hôm trước. Số quân có thể chiến đấu được chỉ còn một phần ba. Tiểu đoàn phó Thế bị thương, liên lạc Nga hy sinh. Ở các đại đội, cán bộ chỉ còn lại một hai người. Đạn dược còn lại rất ít : trọng liên 12,7mm 10 viên, tiểu liên mỗi khẩu 20 viên, súng trường mỗi khẩu 10 viên, B40 còn 4 quả, B41 hết nhẵn, DKZ còn hai quả. Cả tiểu đoàn còn lại hai khẩu trung liên dùng được.

Bảy giờ tối, tiểu đoàn trưởng Thà bàn với chính trị viên Thanh Điệu, quyết định triệu tập một cuộc họp. Về sau kiểm điểm lại thấy là một thứ họp vô nguyên tắc, bởi vì tính chất của nó không rõ ràng. Không phải họp chỉ huy, cũng không phải họp đảng ủy. Tất cả cán bộ của tiểu đoàn còn lại và phái viên cấp trên xuống, thậm chí cán bộ đơn vị bạn cũng được mời họp. Mở đầu cuộc họp, đồng chí Thà nói :

- Tôi đề nghị chúng ta kiểm điểm trận đánh hôm nay và bàn cách bố trí lại lực lượng để tiếp tục chiến đấu ngày mai.

Đồng chí C. nêu lên một ý kiến khác :

- Tôi thấy ta cần bàn kỹ, xem có nên tiếp tục ở lại hay tạm rút ra để bổ sung lực lượng rồi lại vào đánh.

Thế là mọi người quên bẵng đề nghị của Trần Thà, quay sang bàn ý kiến của C. Có đồng chí tỏ thái độ muốn rút lui một cách rõ ràng, có đồng chí nói lấp lửng, lại có đồng chí ngồi im. Tựu trung phía quyết tâm ở lại chỉ còn có một mình tiểu đoàn trưởng. Đồng chí C. nói :

- Nếu đánh thêm một ngày nữa, phiên hiệu vẻ vang của tiểu đoàn Lê Hồng Phong sẽ bị xóa sạch.

Đến lúc này ngay cả Trần Thà cũng bắt đầu dao động. Anh đã làm một việc hết sức không đúng là lấy biểu quyết.

- Ai đồng ý ở lại tiếp tục chiến đấu?

Thà kể lại : "Tôi giơ tay nhưng khi thấy tất cả mọi người ngồi không động đậy, cánh tay tôi tự nhiên nặng trình trịch".

- Ai đồng ý tạm rút ra để củng cố?

Ba cánh tay giơ thẳng lên, một số thập thò, nửa co nửa duỗi...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 07:54:58 am »

*
*    *

- Không phải rút lui, một đám tang thì đúng hơn. - Trần Thà nói.

Bộ đội đói ăn, đói ngủ, mệt mỏi uất ức, buồn bã vì phải rút lui khiêng thương binh, liệt sĩ đi lặng lẽ dưới ánh đèn dù.

Nhiều đồng chí quần áo rách tả tơi, đầu không mũ, chân không giày, bước thất thểu trên đường cát. Cán bộ, kể cả những đồng chí đầu têu trong việc rút lui cũng hết sức khổ, họ cúi gằm mặt xuống, lê chân đi một cách nặng nề. Trần Thà khóc thút thít.

Anh nói :
- Tôi nghĩ đến lời hứa với Tư lệnh và Chính ủy, tôi nghĩ đến các đồng chí của tôi ở Cồn Cỏ, tôi nghĩ đến các đồng chí chở đò ở bến Tùng Luật, tôi nghĩ đến vợ tôi, con tôi càng nghĩ càng thấy đau khổ, nhục nhã. Lội qua một con suối ở Lâm Xuân, nhìn thấy bóng mình chập chờn trong đáy nước, tôi uất quá không chịu nổi. Tôi quay ngoắt lại và đụng phải người đi sau tôi là đồng chí K. Tôi nghiến răng chộp ngực anh, day day mấy cái và hỏi : "Mày là phái viên của Bộ chỉ huy sao mày lại giơ tay đồng ý rút lui". K không tìm cách giẫy ra khỏi tay tôi, cũng không nói gì cả. Khi anh ngước lên tôi thấy mặt anh cũng đẫm nước mắt. Đến Nhĩ Hạ, cách bờ sông chừng 800 mét, tôi không bước nổi nữa. Tôi quay lại nói với đồng chí K : "Tôi ở lại một mình, tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và chết ở Hoàng Hà". K nói : "Tôi cũng ở lại". Tôi giật nảy lên như bị gí điện và ngước nhìn K trừng trừng. Lúc này sao mà anh đáng yêu thế. Có thêm một người nữa tự nhiên thấy mình khỏe hẳn ra, sáng suốt ra anh ạ. Thà đi nhanh lên phía trước tìm đồng chí Điệu. Điệu nói : “Tôi cũng ở lại”. Thà hét lên sung sướng: "Thế thì chạy đi gọi anh em".

Mười hai giờ, tiểu đoàn tập hợp trong một cái hẻm giữa hai cồn cát. Số quân còn lại vừa đúng 100 tay súng.

Trần Thà đứng lên nói :
- Thưa các đồng chí, vừa rồi chúng ta đã làm một việc nhục nhã, định bỏ trận địa để rút chạy. Dù nói là rút ra để củng cố thì thực chất cũng là chạy mà thôi. Tôi là tiểu đoàn trưởng, đáng lẽ tôi phải đứng vững nhưng tôi sợ chết, tôi dao động, tôi xin nhận tội trước các đồng chí. Thay mặt thường vụ đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn, tôi kêu gọi các đồng chí ở lại, dầu phải hy sinh đến người cuối cùng chúng ta cũng nhất quyết không rời trận địa.

Anh dừng lại, nhìn khối người im lặng phía trước và nói :
- Lúc này chiến đấu là tự nguyện, ai đồng ý ở lại xin giơ tay.

Một trăm cánh tay cùng đồng loạt giơ cao. Liếc về phía hai đồng chí C và G, Thà thấy hai cánh tay các đồng chí ấy cũng giơ lên rất thẳng. Xúc động quá, anh ngồi thụp xuống và ôm mặt khóc.

Hai giờ 30 phút ngày 22, tiểu đoàn 47 lại tiến vào trận địa bên bờ sông Cửa Việt. Thường vụ đảng ủy và ban chỉ huy hội ý. Lại một ý kiến ngược chiều mới nảy ra : chỉ giữ trận địa chứ không đánh tàu. Trần Thà nói :
- Không thảo luận nữa, tôi chỉ huy ở đây, tôi quyết định, phải đánh tàu địch. Tiểu đoàn Lê Hồng Phong chúng ta cảm tử trên bờ sông này.

*
*    *

Trong lúc ở Hoàng Hà đang có việc bàn cãi về chuyện ở lại hay tạm rút ra thì tại sở chỉ huy Thuỷ Khê, Bộ chỉ huy đã quyết định cử đồng chí Phùng Bỉnh, tham mưu trưởng xuống truyền đạt mệnh lệnh quyết bám trụ và dẫn theo 100 tay súng vào bổ sung cho tiểu đoàn 47. Buổi sáng ngày 22 địch không vào. Hai giờ chiều, sau gần nửa giờ bắn pháo và ném bom chúng cho hai tàu vận tải LST từ Cửa Việt đi lên Đông Hà.
Còn hai quả đạn DKZ, tiểu đoàn ra lệnh bắn nốt. Một chiếc LST bốc cháy và chìm ngay tại chỗ, chiếc thứ hai chạy trở lại.

Ba giờ chiều, hai đại đội nguy thọc vào Lâm Xuân đông. Vấp phải một tổ chức chiến đấu của ta chúng bỏ chạy toán loạn về Hoàng Hà. Tiểu đoàn bộ và một tổ vệ binh xông ra đánh giáp lá cà diệt 50 tên. Ta hy sinh mất ba đồng chí.

Ngày 24, Bộ chỉ huy điều ba đại đội DKZ của dân quân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thành, Vĩnh Thái, Vĩnh Chấp, tự vệ nông trường Quyết Thắng vào đánh tàu. Lúc này nhân dân hai bờ sông đã nổi dậy đồng loạt. Đồng bào cùng với bộ đội, du kích chặt tre, đan hàng nghìn sọt đựng đá, dựng một hàng rào dày 50 mét, chắn ngang sông để cản tàu giặc.

Tiểu đoàn 47 bám trụ ở khu vực Hoàng Hà không phải 10 ngày mà hai tháng liền. Nói về sự nguy hiểm của cái chốt chặn này, ngày 6-3-1968, một phóng viên hãng thông tấn UPI viết :

“Chỉ riêng khúc sông Cửa Việt đến Đông Hà dài 13 km cũng đủ khủng khiếp cho tàu và xuồng chiến đấu của Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn và với tốc độ một dặm/giờ (2 km).

Ở đoạn sông này, một tàu tuần tra nằm lật nghiêng, gẫy làm đôi. Đó là bằng chứng của đường đạn chính xác của quân Cộng sản. Mìn trôi trên dòng sông, những hàng rào ngăn sông bằng tre cài nhiều mìn và hai bên bờ sông ngày ngày đạn đại bác, rốc két, súng cối, súng cỡ nhỏ bắn liên tiếp vào các đoàn tàu. Một tàu tuần tra bị bắn chìm và sáu tàu khác bị bắn hỏng. Mới đây, một tàu vạn năng (1) chạy lết về Đông Hà, trên tàu có 12 thủy thủ thì 10 chết và bị thương. Đại úy hải quân Ray-ét phụ trách bến Đông Hà nói rằng thực tế tàu nào qua lại trên sông này cũng đều bị trúng đạn ít nhất một lần".

Còn chuẩn úy Mớc-phai, thuyền trưởng một tàu vạn năng nói : “Khi chạy ngược, chạy xuôi hay đang đậu ở bến, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng bị bắn. Chúng tôi chẳng khác gì đi trong một cái nòng đại bác lớn mà địch đang đợi ở đầu kia. Không còn biết xoay xở thế nào được vì máy bay, đại bác đã ném bom, bắn phá nhưng quân cộng sản vẫn ở đấy, lực lượng ngày càng tăng và các cuộc tấn công của họ ngày càng táo bạo”.

------------------------------------------------------
(1) Tàu nhỏ vừa chở hàng vừa chiến đấu được.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 07:56:37 am »

*
*    *

Giữa tháng hai năm 1968, Bộ chỉ huy chúng tôi nhận được công văn của Ban chỉ huy tiểu đoàn 47, đề nghị cử đồng chí D. làm tiểu đoàn phó. Cân nhắc, so sánh công trạng và thiếu sót chúng tôi thấy anh vẫn xứng đáng. Sau khi bàn bạc trong thường vụ đảng ủy và Bộ chỉ huy, tôi bảo đồng chí Cao Thung, trưởng ban cán bộ thảo công văn gửi lên cấp trên. Nhưng khi quyết định của cấp trên về đến nơi thì anh D. đã hy sinh. Anh buộc súng tiểu liên báng gập vào bó chiếu, mặc áo the đen, quần rộng, đội khăn xếp, che ô, đóng giả một người dân tản cư đi vào cảng Đông Hà nắm tình hình hoạt động của tàu địch. Nhưng tên Mỹ ngồi trên một chiếc máy bay lên thẳng rất quỷ quyệt đã phát hiện ra anh. Chúng bắn xả cả một loạt súng máy vào anh D. ngã xuống bên bờ sông.

Khi chiến dịch kết thúc, tôi trở lại Vĩnh Linh, anh M. người cuối cùng bước vào hầm tôi trước lúc tôi lên đường ra trận, bây giờ lại là người đầu tiên vào hầm tôi khi tôi trở về. Tôi với anh :

- D. hy sinh rồi.

- Tôi biết rồi anh ạ - M. nói giọng buồn bã.

Đột nhiên tôi thấy miệng anh méo xệch đi, hai giọt nước mắt trào ra. Anh khóc.

- Tôi hối hận quá anh ạ.

- Mình cũng thế.

- Nhưng anh đã xử sự đúng - M. nhìn tôi vẻ đau khổ.

- Nói chung là đúng nhưng cũng có lúc chưa thật đúng.

- Lúc nào anh?

Tôi nói chuyện với đồng chí Thà và lúc ấy đồng chí D. đi qua trước mặt tôi, ngập ngừng như muốn gặp tôi, nhưng rồi anh lặng lẽ, đầu hơi cúi xuống đi thẳng. Tại sao tôi không gọi anh lại nói chuyện với anh? Tôi biết anh D . buồn, hối hận. Anh làm thế là phải. Và tôi không gặp anh có thể cũng là phải. Nhưng nay anh đã hy sinh, cái dáng cúi đầu của anh lúc ấy vẫn ám ảnh tôi, làm tôi áy náy trong lòng.



36
MẮT CỦA PHÁO

Trong lúc bộ binh và các đơn vị pháo khiêng vác chặn tàu địch trên sông thì pháo cơ giới tầm xa suốt ngày đêm bắn phá các căn cứ và kho hậu cần của địch ở Đông Hà, Cửa Việt.

Pháo nằm trên đất Vĩnh Linh, pháo thủ không hề nhìn thấy mục tiêu. Nhưng có điều rất lạ, pháo ta đã bắn là trúng. Ta bắn không nhiều, chỉ mỗi trận vài chục viên, có khi năm sáu viên nhưng tạo ra những đám cháy lớn, thiêu hủy hàng trăm tấn vũ khí, nhiên liệu, lương thực và phương tiện chiến tranh của Mỹ. Như trận bắn vào Cửa Việt ngày 10 tháng Ba 1968, chỉ bằng ba viên đạn, ta gây nên một đám cháy lớn và nổ dây chuyền, đốt cháy năm khu kho lớn, 30 xe vận tải, 4 nhà bạt, diệt 140 tên Mỹ. Ngày 21 tháng Giêng 1968, một đoàn xe Mỹ 40 chiếc vừa chạy đến cầu Thiện Xuân trên đường Chín. Đột nhiên pháo bắn trúng cầu, các thanh gỗ bật tung. Chiếc xe đi đầu dừng lại, lập tức pháo chuyển làn, bắn dồn dập vào đoàn xe. Mất có 40 viên đạn, ta diệt 38 chiếc xe chở đầy súng đạn, chỉ hai chiếc chạy thoát. Nhận xét về sự chính xác tuyệt vời của pháo ta, đồng bào Quảng Trị nói một cách nôm na : "Pháo miềng có mắt!". Đúng như vậy. Pháo ở rất xa, nhưng “con mắt” của pháo thì lại ở rất gần mục tiêu bám sát từng động tác của giặc.
Mời các bạn nghe anh Phan Đình Thanh, tổ trưởng trinh sát thọc sâu của trung đoàn Bến Hải, một trong những “mắt thần” của pháo kể chuyện :

"Đêm 18 tháng giêng, chúng tôi vượt sông Bến Hải. Theo đội hình đã sắp sẵn từ trước, cả tổ tiến vọt về phía Thủy Khê, để từ đó đi sâu vào vùng địch... Hai đồng chí Lai và Long đi đầu, tôi và hai đồng chí thông tin đi giữa, hai chiến sĩ trinh sát còn lại đi sau cùng. Tám khẩu súng đã lên đạn, sẵn sàng chiến đấu. Bên ngoài là Cồn Tiên, Dốc Miếu, bên trong có Dốc Sỏi, Cầu Bến Ngự, điểm cao 31, Quán Ngang, Miếu Bái Sơn..., chúng tôi phải luồn lách giữa đám căn cứ địch dày đặc ấy mà đi. Vùng này cũng là địa bàn của thám báo, biệt kích, của các máy điện tử dò tiếng động và bom, mìn cạm bẫy. Mỗi gò đất, gốc cây, con suối đều đã được đặt trong mạng pháo binh của địch, có tọa độ chấm sẵn trên bản đồ. Chỉ một chiếc máy điện tử phát lên tín hiệu báo động hay một quả mìn chiếu sáng vụt nổ là hàng trăm quả pháo sẽ chụp xuống ngay lập tức. Không có bóng tối, đèn dù treo lơ lửng suốt đêm trên các đồn bốt, trên dọc đường, đèn pha ở Quán Ngang quét loang loáng ra xung quanh. Mười giờ đêm, có tín hiệu báo động từ phía trên truyền xuống : "Dừng lại, có địch phục kích!". Nửa giờ sau lại đi. Qua nơi địch vừa rút khỏi, tôi sờ thấy công sự hãy còn ấm, mùi thuốc lá Salem thơm phức. Đáng lẽ đêm đầu tiên chúng tôi phải đi được mười lăm cây số để khi trời sáng có thể ẩn vào vùng đồi rậm rạp phía tây. Nhưng khi mới qua khỏi đường 76, nhìn ra phía biển đã thấy trời hửng sáng. Xung quanh trống trải, trước nước, sau lưng, bên trái, bên phải đều có địch. Làm sao đây? chỉ còn một cách là rúc vào bãi cỏ gianh nằm đợi trời tối. Hết sức mạo hiểm nhưng không còn kế nào khác. Vùng này đất đỏ badan màu mỡ, cỏ gianh mọc tốt ngập đầu có thể ẩn được. Vào đến giữa bãi gianh tôi ra lệnh cho anh em tản ra và mỗi người tự xếp cho mình một cái ổ thật kín đáo. Chúng tôi chỉ dám ăn mỗi người một nửa vắt cơm, uống vừa đúng một hụm nước, còn nửa phải để dành.  Một ngày căng thẳng đến tột cùng. Trong những tháng năm chiến đấu của đời tôi đã có lúc cái chết kề bên cạnh, nhưng chưa lúc nào tôi cảm thấy căng thẳng, hồi hộp như ngày hôm ấy. Trời vừa rạng sáng, trên đường 76 xe địch, lính địch đã đi lại rắm rập, nghe rõ cả tiếng chúng nói chuyện, chòng ghẹo nhau. Máy bay trinh sát L19, OV10 lượn vè vè trên đầu, lúc nào cũng nơm nớp như chúng sắp phát hiện ra mình. Đáng sợ nhất là bọn máy bay lên thẳng. Cứ mỗi lần chúng bay qua, cỏ gianh cuộn sóng như gặp cơn gió lốc, ẩn không khéo là phơi mình ra ngay. Vào quãng chín giờ sáng, một đoàn xe Mỹ đang đi đột nhiên có hai chiếc tách ra và dừng lại, đỗ ngay trước mặt chúng tôi. Mấy tên Mỹ từ thùng xe nhảy xuống, chỉ trỏ một cái gì trên mặt đất, xì xồ nói chuyện với nhau. Có lẽ một đồng chí nào đã sơ ý để lại dấu dép trên đường. Lộ rồi chăng? Tôi đưa mắt về phía đồng chí Lương, báo vụ viên. Nếu địch sục vào chúng tôi sẽ đánh và gọi pháo bắn. Cũng may là mấy thằng Mỹ chỉ hoa chân múa tay một lúc rồi lên xe kéo nhau đi. Thật hú vía! Quá trưa, một chiếc L19 lượn vòng rất thấp, vừa bay vừa phát đi lời kêu gọi "Gửi anh em cán binh Bắc Việt!" của một tên phản bội nào đó. Lai nằm cạnh tôi bỗng ngồi phắt dậy, quắc mắt, chộp lấy súng. Tôi vội lừ mắt bảo anh ta phải ngồi im. Nổ súng bây giờ chẳng khác gì tự sát. Chỉ một ngày thôi, nhưng sao mà lâu thế!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 07:58:33 am »

Chiều 24 tháng giêng, chúng tôi áp sát thị trấn Đông Hà để trinh sát. Huyện đội Cam Lộ cho hai trung đội bộ đội địa phương do đồng chí chính trị viên và tham mưu trưởng chỉ huy đi theo bảo vệ chúng tới. Theo phương án đã bàn với huyện đội, đêm đầu tiên chỉ tôi và đồng chí Long đi. Tôi dặn anh em trong tổ : “Nếu chẳng may đêm nay tôi và đồng chí Long hy sinh thì đồng chí Lai sẽ thay tôi làm tổ trưởng, đồng chí Lương phụ trách vô tuyến điện. Các đồng chí tiếp tục ở lại làm tròn nhiệm vụ chứ không được rút về”.

Lai nói : "Các anh cứ yên tâm, còn một người chúng tôi cũng vẫn cứ ở lại".

Ba giờ chiều bắt đầu rời căn cứ. Năm giờ đến vùng đồi thấp cạnh làng Cam Vũ. Đồng chí tham mưu trưởng bảo chúng tôi dừng lại đợi trời tối hẳn. Ngồi trên sườn đồi, tôi nhìn con sông Hiếu lấp loáng trong ánh nắng chiều và những xóm làng đang tím lại trong màn sương mỏng, chợt thấy lòng mình dịu lại một nỗi nhớ thoáng qua, nhớ cha mẹ, quê hương, bạn bè, những kỷ niệm của một thời thơ trẻ. Có lúc tôi nghĩ tới Ngôi sao (1) của Kadakêvich. Giờ này “Trái đất” của tôi đang trên đường đi từ trường về nhà. Có thể cô ta cũng đang nghĩ đến “Ngôi sao” của cô ở phương nam xa xôi.

Mười một giờ chúng tôi vào đến cầu đường sắt, cách trung tâm Đông Hà chừng hai cây số. Phía trước, phía sau, bên trái, bên phải đều có địch. Hai trung đội bộ đội địa phương chốt hai đầu cầu để tôi và Long trèo lên lan can đứng nhìn. Thấy đường Chín, sân bay nhưng không thấy được mục tiêu số một và bến cảng. Tôi yêu cầu đồng chí chính trị viên và đồng chí tham mưu trưởng cho vào sâu thêm nữa. Tham mưu trưởng gật đầu. Anh chọn tám tay súng : một đại liên, một trung liên, một B40, một B41 và hai AK tự anh chỉ huy tổ hỏa lực hộ tống chúng tôi vào. Định vào thêm 800 mét nhưng chỉ được một nửa đã hết đường. Trước mặt là bãi tha ma, bên kia là hàng rào phòng thủ của địch. Vẫn chưa thấy được cảng. Tôi nói với đồng chí tham mưu trưởng :

- Anh cho phép tôi và Long xuống bờ sông, men theo mép nước tiếp cận bến cảng.

Tham mưu trưởng bậm môi suy nghĩ :

- Nếu gặp địch thì sao?

- Chúng tôi sẽ nổ súng, các anh bắn yểm hộ để chúng tôi rút theo lối bờ sông.

- Đồng ý - tham mưu trưởng gật đầu.

Anh nói thêm :

- Tôi nhắc lại : nếu lộ hai đồng chí phải rút ngay, nhiệm vụ cản địch là của chúng tôi.

Tôi và Long bò về phía bờ sông. Dán bụng xuống đất, chúng tôi nhích lên từng gang một. Sông Hiếu quãng này rất rộng, nước thủy triều đang lên, mặt sông mênh mông phản chiếu ánh điện lấp lánh như mặt gương. Cách cảng chừng 100 mét chúng tôi dừng lại, nấp sau khúc cây chuối không biết từ đâu trôi dạt về. Tha hồ nhìn. Từ mép nước nhìn lên thấy trên cầu có bốn tầng đèn. Tầng dưới cùng là hệ thống đèn pha rọi ánh sáng xuống mặt nước để đề phòng đặc công ta phá cầu. Trên mặt cầu sáu tên lính Mỹ chia làm hai tốp đi tuần tra ngược chiều nhau. Cứ năm phút chúng lại vung tay ném xuống mặt nước một loạt lựu đạn. Cảng Đông Hà ở phía dưới cầu, cách chỗ chúng tôi nằm chừng 150 mét. Trong cảng có ba chiếc tàu đang dỡ hàng, ô tô chạy đi chạy lại như mắc cửi. Điều thích thú nhất là thấy trên bến cảng có hai chiếc cần cẩu cố định. Đây sẽ là vật chuẩn để sửa đạn lúc bắn vào cảng. Ngoài bến cảng chính, chúng tôi còn phát hiện một bến cảng phụ ở cách đó chừng 200 mét, một số kho tạm ở rải rác xung quanh. Sướng quá, có lúc Long quên cả nguy hiểm nói to lên, tôi phải bấm anh một cái rõ đau.

Chúng tôi báo cáo về "nhà", xin đánh cảng Đông Hà vào ngày 28. "Nhà" đồng ý. Hơi rắc rối một chút là cảng gần chợ, nếu đạn lạc có thể gây thương vọng cho nhân dân : tôi đề nghị huyện cho phao tin là quân giải phóng sắp đánh chiếm Đông Hà. Tin đồn tung ra hôm trước, hôm sau cơ sở của ta trong thị xã báo ra cho biết : "Nhân dân xô nhau mua gạo, mua muối dự trữ, nhiều cửa hiệu đóng cửa, chợ vắng ngắt. Tuy vậy để cho chắc chắn, chúng tôi cũng điện về nhà xin đánh vào lúc hai giờ chiều. Quãng đó phiên chợ chiều chưa họp.

Một giờ sáng ngày 28, chúng tôi tạm biệt cơ quan huyện đội, vượt qua một số đồn bốt địch, bí mật bò vào điểm cao 35 ở cách Cảng Đông Hà chừng 1000 mét, chỗ này còn cây lúp xúp, ở sâu trong vùng địch cho nên chúng ít để ý. Việc đầu tiên phải làm là đào hầm, xây dựng công sự chiến đấu, ngụy trang chu đáo. Kế hoạch được vạch ra như sau : Tôi, Lai và Long A, báo vụ viên sẽ chỉ huy bắn. Long B, Tiềm, Mà, Lương chia thành hai tổ cảnh giới, đặt cách đài 100 mét. Nếu bị lộ, địch cho bộ binh ra thì ba chúng tôi cứ việc gọi pháo, hai tổ cảnh giới sẽ nổ súng cản địch.

Những giây phút dài ghê gớm lần lượt nối nhau đi qua... Mười ba giờ ba mươi phút, ba máy bay lên thẳng từ phía Cửa Việt bay ngược lên, rà sát hai bờ sông. Mười lăm phút sau, một đoàn tàu bảy chiếc lừng lững đi vào cảng. Tôi và Lai dựng phương hướng bàn (2), trải rộng bản đồ, Long mở máy vô tuyến điện. Hai tổ cảnh giới ghếch súng lên bờ công sự, sẵn sàng chiến đấu. Đúng hai giờ chiều, cần cẩu bắt đầu làm việc.

Tôi gọi pháo bắn. Loạt đầu, bốn phát rơi vào ven làng Điều Ngâu cách cảng hơn trăm mét. Tôi điều chỉnh sang trái và hô bắn gấp 28 phát. Toàn bộ loạt này đạn rơi trúng cảng và tàu đang dỡ hàng. Đám cháy lớn bùng lên, khói bốc cao hàng mấy trăm mét, trận ấy ta bắn chìm tại chỗ một tàu chở hàng 100 tấn, hai tàu chở xăng bốc cháy, chìm cách cảng 500 mét, một xe GMC bị phá huỷ, 26 tên Mỹ chết.

Ngày 31, cũng từ điểm cao 35 chúng tôi gọi pháo đánh vào cầu Đông Hà. Ngày 1 tháng Hai đánh liền ba mục tiêu : Cảng, sở chỉ huy tiền phương sư đoàn ba lính thủy đánh bộ Mỹ và sân bay. Liên tiếp trong một tuần lễ, ngày nào ở Đông Hà cũng có tàu, kho địch bị cháy và nổ.

-------------------------------------------------------
(1) Ngôi sao : tiểu thuyết của nhà văn Liên Xô Kazakevich.
(2) Dụng cụ quan sát và đo đạc của pháo binh.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:02:08 am »

Ngày mồng tám địch càn quét, chúng đổ quân chiếm mất điểm cao 35. Nhờ huyện đội giúp đỡ, chúng tôi chia làm hai tốp, vượt qua ngã tư Sòng, luồn vào xã Cam Giang ở sát bến cảng. Tôi và Long được bố trí ở trong nhà cụ H, một gia đình cơ sở cách mạng. Sáng sớm ngày mồng mười, tôi đóng bộ áo dài, quần rộng, đi dép nhựa trắng, đội mũ trắng, y như một anh xã trưởng ngụy ra đứng ở bờ sông. Lựu đạn và súng tiểu liên báng gập giấu trong người. Máy bay lên thẳng vũ trang bay ầm ầm trên trên đầu, trông thấy bọn Mỹ cởi trần, ngực đỏ như mào gà, mắt nhìn lấc láo. Tàu tuần tiễu địch đi qua trước mặt, súng đại liên chĩa ra hai bên. Hồi hộp một chút nhưng nhìn sướng quá. Mọi thứ bày ra trong ánh sáng ban ngày : tàu, kho, xe cộ... Nhìn rõ cả những hàng chữ đề trên các kiện hàng. Tôi báo cáo về nhà xin đánh vào lúc tám giờ tối.

Có cái khó là địch ở gần quá. Cách nhà cụ H. hơn trăm mét có một quán giải khát, lúc nào lính ngụy cũng túm tụm nhậu nhẹt ở đó. Khi tôi gọi pháo bắn có thể bị lộ. Giữa vòng vây dày đặc của địch thế này, lộ là cầm chắc hy sinh. Sực nhớ tới kinh nghiệm của anh Nguyễn Đình Quang, một tổ trưởng trinh sát cùng trung đoàn, tôi hỏi cụ H. :

- Bác ơi, mấy gia đình quanh đây thế nào, có cảm tình với cách mạng không?

Ông cụ nói:

- Nhà mô cũng có con đi lính ngụy nhưng coi bộ họ không thù ghét chi đằng miềng.

Tôi bàn với ông cụ :

- Lát nữa chúng con sẽ gọi pháo bắn vào cảng, bác làm sao nói với các gia đình xung quanh, đúng bảy giờ mười lăm thì mở đài Sài Gòn cho thật to.

- Được được, mấy chú giao tui chuyện đó, đừng lo.

Đúng giờ quy định, cả chiếc đài nhà cụ H. lẫn các gia đình xung quanh đều vặn to hết cỡ. Tiếng bình luận, tiếng hát cải lương thứ thì ông ổng, thứ nhả nhớt, nghe cứ loạn xị cả lên. Long ngồi trong buồng nhà cụ H. mở máy vô tuyến điện, tôi nấp sau cửa sổ đo đạc, tính toán. Cụ H. cùng mấy người cốt cán lảng vảng quanh ngõ để cảnh giới.

Đúng tám giờ tôi gọi bắn. Ngay từ loạt đầu, đạn lao trúng bến : Tàu bốc cháy. Kho đạn cháy, gây nổ dây chuyền, lửa sáng rực cả khoảng không. Một chiếc LCU cháy đùng đùng mang đầy lửa và khói chạy qua trước mặt tôi.

Sáng hôm sau, tôi bảo đứa cháu nội cụ H. chừng mười ba tuổi đạp xe lên phố nắm tình hình. Cậu ta đi một lúc về kể lại : một tàu LCU chìm tại cảng, hai chiếc vẫn đang cháy, khu kho bị phá tan tành. Đại đội Mỹ đóng ở cảng chết 56 tên, xác hãy còn để ở bãi cỏ đợi chở đi.

Tối ngày 12 chúng tôi rời xã Cam Giang. Vừa đến cuối làng lọt ngay vào ổ phục kích của giặc. Đang đi chợt thấy một quả đèn dù từ phía Quán Ngang vọt lên, mấy anh em vội tản ra, nằm nép vào bờ tre. Đèn dù tắt, vừa đứng dậy đi được vài bước thì lại một quả khác vụt sáng. Tiềm nhổm lên định quan sát đoạn đường phía trước. Một tràng súng máy hộc lên. Và ngay lập tức đạn cối, đạn phóng lựu tới tấp lao về phía chúng tôi. Tôi thấy Tiềm ngã vật xuống, đầu ngoẹo sang một bên, nằm yên không động đậy. Địch vẫn bắn xối xả, đạn súng máy quét sàn sạt qua rặng tre, chớp lửa nhằng nhịt khắp xung quanh. Cũng còn may chỗ chúng tôi bị phục kích là một chân ruộng, có thể dùng các con bờ làm nơi ẩn tránh. Nhìn đường đạn, tôi đoán lực lượng bọn phục kích chỉ chừng hai tiểu đội và chắc chắn là lính nguy. Bọn Mỹ thường bắn mạnh và bắn gần hơn. Đã thoát chết qua một số trận phục kích, tôi hiểu trong lúc này nếu bỏ chạy là nhất định bị tiêu diệt. Phải đánh trả đánh trả thật quyết liệt. Đối phương là những đứa nhút nhát, bảo mạng, chúng không dại gì xông xáo trong đêm tối. Tôi ra lệnh Long trinh sát, có du kích địa phương dẫn đường cùng với Long vô tuyến điện rút dần về phía sau. Phải bảo vệ máy, không có nó bây giờ là coi như bó tay. Tôi bảo Lai bám vào mép bờ ruộng, bò lên lấy xác Tiềm, tôi và Sang sẽ bắn ghìm địch xuống. Nếu Tiềm lọt vào tay địch, nhất định chúng sẽ phơi xác anh trên đường Chín để trả thù các trận đánh pháo của chúng tôi. Để xảy ra điều ấy chắc chắn nỗi đau đớn, dằn vặt sẽ đuổi theo tôi đến trọn đời. Từng tấc một, Lai bò nhích dần lên phía trước. Tôi và Sang cũng bò lên, vừa bò vừa bắn.

Tôi ném một quả lựu đạn về phía ổ súng máy đang nhả đạn, Sang ném tiếp một quả nữa. Lợi dụng lúc súng địch tạm ngừng, Lai vọt đến chỗ Tiềm. Anh mang xác Tiềm trên lưng, bò trở lại. Tôi và Sang tiếp tục bắn để yểm hộ. Đợi Lai và Tiềm ra khỏi vòng vây, tôi với Sang mới vừa bắn vừa rút. Bọn địch chỉ nằm bên kia đường bắn như đổ đạn chứ không dám đuổi theo.

Sáng hôm sau chúng tôi vĩnh biệt Tiềm. Buồn quá, không ai nói một lời nào, bảy anh em đứng lặng lẽ trước linh cữu, nhìn một lần cuối cùng gương mặt thân yêu người đồng chí. Tôi muốn có một bó hoa rừng đặt lên mộ cho Tiềm nhưng tìm mãi không ra. Tất cả núi đồi vùng này đều đã bị chất độc của Mỹ làm trụi lá, chết khô...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:04:43 am »

Phần thứ bảy
VĨNH LINH VỚI CỒN CỎ



37
ĐẢO

Ở Vĩnh Linh, mọi người gọi Cồn Cỏ bằng một cái tên khác : “đảo”. Chỉ ngắn, gọn, và thế là đủ. “Ra đảo”, “đảo kia kìa”, “ngoài đảo”. Tiếng ấy gợi lên một âm vang tha thiết, gắn bó máu thịt hơn là “đảo Cồn Cỏ”.

Truyền thuyết dân gian kể rằng ngày xưa có một người khổng lồ quẩy hai tảng đá lớn đi từ bắc vào nam. Đến Vĩnh Linh đứt quang, hai tảng đá rơi xuống. Tảng trong đất liền là ngọn Linh Sơn (bản đồ quân sự ghi là điểm cao 74) ở xã Vĩnh Thụy, tảng ngoài khơi là Cồn Cỏ. Vì sao có tên Cồn Cỏ? Một vài cụ già ở vùng biển Quảng Trị nói rằng ngày xưa hòn đảo vốn có tên là “Con Cọp”. Đứng từ phía Đông nhìn vào trông nó giống hình con cọp đang rình vồ mồi thật. Lâu ngày "Con cọp" biến dạng thành Cồn Cỏ. Ý kiến này có thể đúng. Trong một số tài liệu và bản đồ cũ của Pháp, họ cũng gọi đảo này là Lơ ti-gờ-rờ (Le tigre), có nghĩa là con cọp.

Nằm vắt ngang trên vĩ tuyến 17, cách Vĩnh Mốc 28 cây số cao hơn mặt biển 63,4 mét, rộng 2,4 cây số vuông, Cồn Cỏ giống như một Vĩnh Linh thu nhỏ lại. Có rừng cây, có đất có bãi cát, có núi đá, có đồi tranh thoai thoải... Sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ, một thời gian dài, trên đảo vẫn chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, biết địch có ý định chiếm Cồn Cỏ, ngày 8 tháng Tám, ta cho một đơn vị bộ đội đổ bộ lên đảo, trước địch hai ngày. Hôm sau ngụy quyền Ngô Đình Diệm đưa tàu chiến đến vây đảo định gây chuyện. Ta nổ súng cảnh cáo, chúng phải bỏ chạy.

Mùa xuân năm 1965, cùng với Vĩnh Linh, đảo nhỏ đi vào lịch sử trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Khắp nơi trên miền Bắc, nơi nào cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt nhất, nơi ấy được đặt tên là Cồn Cỏ. Có hàng chục những Cồn Cỏ ở Vĩnh Linh, ở Quảng Bình, ở Trường Sơn, ở Nghệ Tĩnh... Là đơn vị đầu tiên trên miền Bắc hai lần được phong danh hiệu anh hùng, nhưng nếu bạn có dịp nói chuyện với bất cứ một chiến sĩ Cồn Cỏ nào, bạn cũng sẽ được nghe câu sau đây: "Không, không phải chúng tôi, nhân dân Vĩnh Linh mới xứng đáng với vinh dự ấy. Có sự hy sinh của bà con, chúng tôi mới giữ được đảo". Phải chăng họ khiêm tốn? Không, đấy là sự thật, hoàn toàn đúng sự thật!

*
*    *

Ngày trời tạnh, đứng ở Cửa Tùng nhìn ra thấy Cồn Cỏ nổi rõ ở chân trời. Có 16 hải lý chứ xa xôi gì. Nhưng vượt 16 hải lý ấy lúc bình thường đã không phải hoàn toàn thuận lợi. Gặp kỳ gió bấc, gió “đông ngang” là chịu chết, không vào không ra được. Phải gió "nam lôi" (gió tây) ra được nhưng không vào được. Khi gió "nam dưới" thổi vào dễ nhưng ra rất khó. Về tiết đông xuân, có những ngày đảo bị phong kín sau những lớp sương mù dày đặc, thuyền đi không khéo bị lạc. Khi miền Nam chưa giải phóng, lạc có nghĩa là vào tận Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu..., là sa vào tay giặc như chơi. Vùng biển giữa đảo và đất liền lại còn có những dòng nước xoáy rất nguy hiểm (ngày 5-9- 1965, một thuyền chở hai tấn hàng và 13 người đi vào dòng nước xoáy này, bị cuốn mất tích).

Đảo sống nhờ đất liền. Cả nước lã lúc đầu cũng phải chở từ đất liền ra. Bước vào cuộc chiến đấu, thêm nhiều nhu cầu mới : bổ sung vũ khí, công sự làm từ trước nay không thích hợp, cần có vật liệu để xây dựng lại. Ngày nào địch cũng đánh cũng thương vong, phải chở thương binh về bệnh viện, chiến sĩ về nghĩa trang, đưa người ra thay thế.

Thoạt đầu Bộ Tổng Tư lệnh giao Hải quân lo việc tiếp tế cho đảo. Bộ Tư lệnh hải quân cử một đồng chí tham mưu phó vào nghiên cứu, quyết định đặt trạm ra-đa chỉ huy ở Mũi Si (Vĩnh Kim) và dùng tàu phóng lôi từ căn cứ sông Gianh chở hàng ra đảo. Có cái khó là tàu không cập bến được, cả bến trong đất liền lẫn bến ngoài đảo. Không biết người nào nảy ra sáng kiến dùng thuyền thúng chở theo trên tàu để làm phương tiện bốc dỡ. Phải ra tận Bình Lục (Hà Nam Ninh) mới mua được thuyền thúng. Rồi còn phải tốn một thời gian nữa cho thủy thủ tập chèo. Kế hoạch đồ sộ nhưng kết quả chỉ đi được có mỗi chuyến, chở được ít gạo, xi măng, khung gỗ làm hầm và nước ngọt. Bảy giờ tối tàu ra khỏi cửa Gianh, chín giờ đến Mũi Si, bốc hàng xong vừa đúng nửa đêm. Tàu phóng vút một cái, chỉ nửa giờ đến đảo. Tàu địch thấy tàu phóng lôi bỏ chạy hết. Nhưng bốc dỡ rất chậm, thuyền nan bé tẹo, bập bà bập bềnh trên sóng, chưa dỡ hết hàng trời đã sắp sáng, phải tạm dừng cho tàu quay về để kịp đi giấu. Việc tiếp tế cho đảo bằng tàu thế là không tiếp tục được.

Cuối tháng Năm 1965, tình hình trên đảo khá nguy ngập. Gạo ăn dè xẻn cũng chỉ đủ trong vòng một tuần lễ, đạn tính từng viên. Gay go nhất là nước ngọt. Cả đảo có một cái giếng hình chữ L. Không biết anh chiến sĩ tinh nghịch nào đã đặt câu ca:

"Cồn Cỏ có cái giếng lờ
Cán bộ, chiến sĩ ngồi chờ nước ra"

Nước giếng L không thật ngọt, chảy ri rỉ từng giọt, hứng suốt ngày chỉ vừa đủ nấu cơm. Đảo trưởng Trần Thà muốn mở cho miệng giếng rộng ra và xoá cái tên “lờ” không hay ho, mới cho nổ một quả bộc phá. Từ đó mạch nước tịt luôn. Trong trận đánh phá đầu tiên, một quả bom Mỹ rơi trúng bể chứa nước mưa. Thế là coi như đảo hết sạch nước ngọt, phải chặt chuối rừng vắt ra lấy nước uống. Có ngày trên đảo chỉ còn một bi-đông nước, một hộp sữa. Quản lý đưa bi-đông nước và hộp sữa cho ban chỉ huy bồi dưỡng để lấy sức chỉ huy chiến đấu. Ban chỉ huy chuyển ra trận địa cho pháo thủ, pháo thủ chuyển về bệnh xá cho thương binh. Thương binh lại nhường cho ban chỉ huy.

Địch biết điều đó. Một mặt chúng cho dội thật nhiều bom, phá nốt những gì còn lại trên đảo. Mặt khác dùng tàu chiến bao vây thật chặt, bịt, kín mọi lối vào ra giữa đảo và đất liền. Xảo quyệt hơn nữa, chúng thả lên đảo năm mươi đồng bào đánh cá bị chúng bắt, làm cho nguồn lương thực, nước uống trên đảo cạn nhanh hơn. Chúng hy vọng chỉ một thời gian ngắn, đội quân nhỏ bé trên đảo nếu không đầu hàng cũng chết gục vì đói khát và cắn xé nhau.

Những bức điện cầu cứu từ đảo đánh về mỗi lúc một dồn dập, như đốt cháy gan ruột các đồng chí lãnh đạo khu vực. Đảng ủy họp hết ngày này sang ngày khác. Có khi ngồi im lặng không ai nói với ai một câu. Giữ đảo, hay rút số quân ít ỏi kia về, để mặc đảo cho kẻ thù? Quyết giữ, nhưng giữ bằng cách nào? Biển khơi bao la và hàng rào tàu chiến, máy bay của địch? Chính là lúc này, lập trường, ý chí và sự sáng suốt của tổ chức đảng, của từng đồng chí được thử thách.

Đầu tháng Sáu năm 1965, đảng ủy Vĩnh Linh phát lời kêu gọi : "Tất cả vì đảo". Hàng nghìn lá đơn từ các xã ven biển như Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái... đã gửi lên khu vực xin được đi tiếp tế cho Cồn Cỏ. Giữa tháng Sáu, một đêm không trăng sao, đoàn thuyền 10 chiếc đầu tiên chở vũ khí lương thực cho đảo rời bến Vĩnh Mốc. Cả chuyến đi lẫn chuyến về đều trót lọt. Con đường đã mở nhưng... đó là con đường máu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:06:44 am »

*
*    *

Anh Vũ Nguyên Trình hồi năm 1965 là phó tư lệnh của Bộ chỉ huy quân sự khu vực Vĩnh Linh, chuyên trách việc tiếp tế cho Đảo Cồn Cỏ kể lại :

- Dạo ấy vào quãng tháng 11 - anh Trình nói, đúng tám giờ tối chúng tôi tiễn một đoàn thuyền năm chiếc ra đảo. Anh em đi, chúng tôi ngồi dán mắt vào màn hiện sóng của máy Ra-đa. Cách đất liền 15 cây số, tôi đếm vẫn đủ năm chiếc, không thấy tàu địch xuất hiện, đầu óc đã đỡ căng được đôi chút. Đột nhiên hai chiếc tàu biệt kích của địch từ phía bên kia đảo chồm tới. Thế là mất hút đoàn thuyền. Gọi không thấy thưa, hỏi đảo, đảo trả lời không biết. Gọi mãi cho đến sáng vẫn không nghe tiếng đáp lại. Tôi chạy về báo cáo với anh Đưởm, anh ấy gục đầu xuống bàn một lúc rồi ngẩng lên hai mắt đỏ hoe bảo tôi : “Cậu đem theo hai đồng chí thông tin, đi dọc bờ biển từ Cửa Tùng đến Lệ Thủy, vừa đi vừa gọi máy rà anh em họ đi lạc đâu đó”. Chúng tôi đi. Trời rét, gió đông bắc thổi hun hút, ba anh em men theo bờ cát đi mãi, cứ vài ba phút lại gọi : "Hồng Hà gọi Sông Lô, Hồng Hà gọi Sông Lô". Chỉ có tiếng sóng gió và tạp âm lạo xạo đáp lại. Đói quá chúng tôi bàn nhau vào một gia đình dân chài ở Vĩnh Thái kiếm chút gì ăn. Ông cụ chủ nhà nhét cho mỗi người đầy hai túi khoai lang phơi khô, chúng tôi vừa đi, vừa nhai. Hai đồng chí thông tin thay nhau gọi, gọi đến khản cả giọng nhưng "Sông Lô" vẫn biệt tăm. Buổi chiều trở về đến Vĩnh Thạch, chúng tôi gặp hai ông lão bà ba người đàn bà đang đứng trên bãi cát nhìn những mảnh thuyền vỡ nát từ ngoài khơi dạt vào...



38
HỒNG HÀ GỌI SÔNG LÔ

Tháng Tư năm 1967, tôi có dịp về Vĩnh Kim làm việc với các đồng chí ở đội thuyền tiếp tế đảo. Một đêm đầu mùa hạ, tiết trời dịu mát. Tôi, đồng chí Phủ, đội trưởng, đồng chí Diệp, chính trị viên và đồng chí Nhĩ, tham mưu phó của bộ chỉ huy quân sự chuyên trách tiếp tế đảo, đứng trên một doi đất. Trước mặt chúng tôi là biển, nghe tiếng sóng vỗ rì rào lên bờ cát. Mặt biển tối thẫm, chốc chốc vụt lóe những quầng lửa sáng rực - những khẩu pháo 203 mm của hải quân Mỹ đang bắn về phía Vĩnh Giang. Đồng chí Nhĩ quay ra phía sau, ngồi thụp xuống, bấm đèn pin soi đồng hồ.

- Mười lăm phút nữa, anh bảo tôi.

Mười lăm phút nữa đoàn thuyền sẽ rời đất liền ra đảo. Trong khoảng tối trước mặt chúng tôi có một chấm đỏ của điếu thuốc lá sâu kèn đang cháy, thỉnh thoảng rực hồng lên soi rõ một đôi mắt sâu, hai gò má nhô lên, nhăn nheo, bộ râu bạc lưa thưa, phơ phất trong gió biển thổi lồng lộng. Anh Nhĩ nói :

- Cụ Phác cố vấn của chúng tôi anh ạ.

Buổi chiều tôi đã gặp ông cụ trên bến. Không hiểu sao cụ lại mặc áo dài đen, bịt khăn, trông như một ông lão đi “việc làng” từ hai mươi năm về trước. Nhĩ lật mũ ra phía sau, bàn tay đưa lên vành tai nghe tiếng động lạ rồi nói tiếp:

- Trước kia là cụ Quy nhưng nay cụ hy sinh rồi.

- Hy sinh ở đâu? - Tôi hỏi.

- Ngoài biển, đụng tàu địch.

Đồng chí Phủ nói :
- Trước kia trong đội đông các cụ lắm anh ạ. Vĩnh Thái có cụ Trí, Vĩnh Giang có cụ Cử, cụ Quy, Vĩnh Thạch có cụ Mò. Cụ nào cũng đi biển hàng nửa thế kỷ rồi, tay lái rất vững, chỉ nhìn mây trên trời và sóng biển các cụ biết đi dễ hay khó. Chúng tôi giao các cụ làm “cố vấn khí tượng” và thuyền trưởng. Có các cụ anh em trẻ vững tay lắm.

Đồng chí Diệp nói :
- Các cụ hăng lắm anh ạ. Như cụ Mò ở Vĩnh Thạch, cả nhà ba cha con cùng đi đảo.

- Hiện nay? - Tôi hỏi

- Không - Diệp nói, dạo sáu lăm, sáu sáu kia. Tháng Chín năm sáu lăm hai người con của cụ là anh Tỉ và anh Triêm cùng đi một chuyến. Gặp tàu địch, anh Tỉ hy sinh. Thuyền anh Trêm bị bắn, chìm nhưng anh bơi vào bờ được. Cụ Mò rất đau khổ nhưng không nhỏ một giọt nước mắt, không khóc một tiếng. Hôm sau cụ nhờ đứa cháu viết hộ lá đơn gửi lên ủy ban xã xin đi tiếp tế đảo thay con.

Tiếng máy bay phản lực vút qua, một chùm đèn dù lơ lửng phía Cửa Tùng. Ngay khi bóng tối vừa bị đẩy đi, tôi thấy hiện ra trên khoang lái của con thuyền trước mặt một dáng người rất đẹp. Trạc, Nguyễn Trạc, một cán bộ chỉ huy của đảo. Anh đứng cao, cao hơn tất cả mọi người. Mặc một chiếc quần đùi ướt sũng, nửa người phía trên của anh phơi ra trong ánh sáng đèn dù. Đôi vai rộng, hai múi ngực căng phồng, đen bóng, hai cánh tay gân guốc. Anh khoác một khẩu B 40. Đầu nhọn của quả đạn nhô lên sau vai như một cái bắp chuối. Trước mặt anh, người chiến sĩ thông tin ngồi lút vào giữa hai bao hàng. Chiếc cần ăng- ten có hình ngôi sao nhô lên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:38:35 am »

Đúng tám giờ, đồng chí trắc thủ ra-đa báo cáo tàu địch đã quay về, đồng chí Phủ ra lệnh cho đoàn thuyền rời bến. Chiếc thuyền của Trạc đi cuối cùng. Anh huơ tay vẫy chào chúng tôi. Con thuyền đi xa, nhỏ dần, mờ dần... Đèn dù tắt mặt biển lại chìm nghỉm vào đêm tối. Tôi và Nhĩ vẫn ngồi trên doi đất nhìn ra phía trước. Sau lưng chúng tôi, trong căn hầm mờ đục ánh đèn, đồng chí trắc thủ ra-đa vẫn dán mắt vào màn hiện sóng, đồng chí chiến sĩ thông tin, ngồi trước máy vô tuyến điện, ống nghe vẫn úp bên tai. Họ đang dõi theo đoàn thuyền đi mỗi lúc một xa bờ.

- Liệu thế nào? - Tôi hỏi Nhĩ.

Anh lắc đầu, giọng rời rạc, vẻ lo lắng :
- Không biết được, sóng êm, gió thuận, nhưng...

Nhĩ ngừng lại. Tôi biết anh không muốn nhắc đến điều rủi ro đang chờ đợi, rình rập đoàn thuyền. Những làn sóng ra-đa của địch ở Cửa Việt, ở các tàu chiến chắc đang quét ngang, quét dọc, sục sạo mặt biển. Và một chiếc máy bay có thể bất thần nhào đến hay một chiếc tàu biệt kích nằm im trong bóng tối...

Hàng nghìn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37, lương thực, vật dụng... đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra, đủ cho các chiến sĩ ngoài đảo sống không đến nỗi thiếu thốn và chiến đấu liên tục hàng hai ba năm. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh hoặc bị địch bắt đem đi mất tích. Có một số đội sản xuất, gần như tất cả mọi người trong đội quấn khăn tang. Tôi biết đêm nay, cũng như chúng tôi, ngồi trên doi đất này, có những ông bố, bà mẹ, những người vợ, những đứa con cũng không ngủ. Lúc chập tối, họ đã bốc hàng từ địa đạo lên thuyền cho người thân chở ra đảo. Bây giờ họ ngồi trong hầm, hướng ra biển, lắng nghe, chờ đợi với tất cả nỗi lo lắng, hồi hộp...

*
*    *

- Có tàu! Tiếng anh chiến sĩ ra-đa hét lên.

Tôi nhìn nhanh ra biển. Một vùng bóng đêm phía trên chợt loãng ra, giần giật, có những vạch đỏ đan chéo nhau, phóng vun vút y như ai cầm một bó nhang đang cháy huơ lên. Tim tôi đau thắt lại. Trong nháy mắt, cái sở chỉ huy nhỏ bé của đội thuyền nhốn nháo, tất bật hẳn lên. “Hồng Hà gọi Sông Lô... Hồng Hà gọi Sông Lô” - Anh chiến sĩ thông tin vô tuyến điện hét đến lạc cả giọng. Nhưng chiếc máy điện thoại bị quay mạnh cứ rít lên... "A-lô Vĩnh Thái... Vĩnh Thái đâu..". "A-lô Vĩnh Quang... Vĩnh Quang nghe đây... “Oành oành... oành...”. Pháo ta ở trận địa Cổ Thạch bắt đầu bắn một viên đạn vạch đường đỏ lừ lao vút qua bóng tối dày đặc... Những quầng lửa chói lên trong vùng sáng mờ đục phía trước. Tiếng ốc nổi lên rền rĩ chạy dài theo bờ biển. Dân quân các xã đang nổi hiệu báo động sửa soạn lao thuyền ra ứng cứu. Tuy thô sơ nhưng trình độ tổ chức hợp đồng như vậy kể cũng đã chặt chẽ và có hiệu quả.

"Hồng Hà gọi Sông Lô"... "Hồng Hà gọi Sông Lô".. .- Anh chiến sĩ vô tuyến điện bỗng ngước lên, hướng về phía đồng chí Nhĩ :

- Báo cáo tàu địch chạy, đoàn thuyền đang quay về.

Nhĩ ngồi phịch xuồng, đưa tay áo quệt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.

*
*   *

Mười giờ rưỡi, chiếc thuyền đầu tiên về đến bến.

Đồng chí Diệp hỏi :

- Có việc gì không?

- Không. Giônxơn vồ hụt rồi.

- Không ai làm sao chứ?

- Báo cáo an toàn ạ.

- Phân tán ra, phân tán ra, nhanh lên các đồng chí.

Tôi nghe tiếng người nào đó hô trong bóng tối. Trạc bước vào hầm, đầu quấn băng, một vệt máu thấm ra đỏ lòm, tròn hoay như đồng xu ở thái dương bên trái.

- Hai thằng tàu biệt kích - Trạc nói. Nó nằm im không nổ máy, phát hiện ra nó thì đã quá gần. Nó bắn như mưa.

- Mình cũng bắn chứ? - Anh Nhĩ hỏi.

- Bắn.

- Kết quả thế nào?

- Không biết, thuyền cứ dập dà dập dình, tôi quất một phát, thấy đánh nhoáng một cái. Lúc ấy pháo trong bờ bắn ra, tàu nó chạy, tôi cũng hô anh em chạy luôn.

- Có làm sao không? tôi chỉ vết thương trên đầu Trạc, hỏi.

Anh cười :

- Dạ... Không việc gì, hình như một mảnh phóng lựu, nhỏ thôi, chỉ bằng hạt thóc.

Một chiến sĩ bưng cho Trạc bát nước, anh uống một hơi rồi ngẩng lên hỏi đồng chí Nhĩ :

- Mấy giờ rồi anh?

- Mười một giờ mười lăm.

- Lại đi à? - Tôi hỏi.

- Vâng - Trạc cười hóm hỉnh, thằng Mỹ nó tưởng mình quay lại không dám đi nữa, nó về nhảy đầm, mình lại ra. Thế mới thắng được nó thủ trưởng ạ.

Anh quay sang Nhĩ :

- Đề nghị anh báo cho đảo, bên pháo binh và các xã.

- Đồng ý.

Tôi định theo Trạc ra bến tiễn anh em nhưng anh ngăn lại :

- Các thủ trưởng ở đây cho, cứ coi như không có việc gì xảy ra hết. Đừng bịn rịn, ảnh hưởng đến tinh thần anh em ... Mà... các thủ trưởng cũng ngủ đi một lát, đừng lo, nhất định chúng tôi sẽ đến đảo an toàn.
Đoàn thuyền lại rời bến. Chúng tôi vẫn ngồi trên doi đất, mắt không rời khoảng biển trước mặt. Phía Cửa Việt có những chiếc máy bay lên thẳng của địch bay từ hạm đội vào rồi lại từ đất liền bay ra, đèn đỏ chớp chớp trong bóng đêm dày đặc.

Nhĩ bắt đầu kể chuyện, hình như anh muốn chúng tôi bớt căng thẳng. Tôi nhớ nhất là chuyện bắt khỉ. Giọng Quảng Trị lúc trầm, lúc bổng, anh vừa kể vừa làm điệu bộ trong bóng tối.

- Về mùa này đây - Nhĩ nói, tối đến khỉ hay mò ra rẫy bẻ trộm bắp. Tụi này mới mua pháo dây về xe lại thành một sợi dài. Nối hai sợi pháo dây vào một chiếc pháo đùng, hai người rình hai đầu dây. Khi khỉ đến thì châm lửa cho pháo dây cháy. Thấy lửa cháy loe lóe trong đêm tối, khỉ ta thích lắm, cả mấy chục con bâu lại, nhảy nhót xung quanh. Pháo dây cứ ngắn dần, ngắn dần, đàn khỉ cũng cụm lại. Lửa cháy đến pháo đùng, đột nhiên một tiếng nổ vang lên. Cả đàn khỉ quay lơ ra nằm chết giấc. Tụi này đã đóng sẵn một chiếc cũi, cứ việc xồ ra nhặt bỏ vào. Mấy phút sau chúng nó tỉnh lại hết.

Ba giờ sáng. Anh chiến sĩ ra-đa tắt máy, bước ra khỏi hầm :

- Mời các anh đi nghỉ, đoàn thuyền đến đảo rồi.

Tôi nằm ngửa ra bãi cỏ, ngước nhìn lên bầu trời. Bây giờ tôi mới biết trời đầy sao, rất đẹp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:41:03 am »

39
CẢ NHÀ RA ĐẢO

Cụ Trí cười, nụ cười thanh thản, hồn nhiên như đứa trẻ.

- Đèn treo (1) hắn thả... chà chà... cái kim trong bọc cũng chộ chú ạ. Ông chỉ huy bảo tui : “Bọ cứ bình tĩnh”. Tui trả lời : "Mấy chú lo bắn đi, tay lái xin mặc tui".

Tôi ngắm ông lão, không cần giới thiệu cũng biết là một con người của biển. Hình như nắng gió, chất muối mặn mà cái lớn lao của biển cả đã kết đọng trong con người ấy. Nắng lấp lánh trên bờ ngực đỏ au, đôi vai rộng, lực lưỡng như một cái vòm cửa; hai cánh tay cộm lên từng múi thịt và các đường gân to như sợi dây chão neo thuyền. Ngay cả dáng đi dập dềnh và giọng nói to, khàn khàn của ông lão cũng toát lên một cái gì rất biển. Anh Ngự, bí thư đảng ủy xã Vĩnh Thái bảo tôi :

- Bọ là đoàn viên thanh niên đó.

Cụ Trí lại cười, tiếng cười sang sảng, nghe rất khỏe khoắn. Ông lão vào hầm một lúc rồi trở ra đưa cho tôi xem chiếc huy hiệu đoàn - quà kỷ niệm của Đoàn Thanh niên lao động Cồn Cỏ tặng.

Cụ Trí góa vợ từ năm mới ngoài ba mươi tuổi. Ba bố con tần tảo nuôi nhau. Năm 1965, cả ba người cùng viết đơn xin đi tiếp tế Cồn Cỏ. Thương con gái, ông cụ gàn :

- Mi ở nhà, không ai cho con gái ra khơi mô.

- Răng không cho, ở Vĩnh Giang có o Huyên đi rồi, con kém chi o Huyên - cô gái nói.

Ba bố con nạp đơn cùng ngày nhưng không hiểu vì “cảm tình riêng” hay cần một tay thông tỏ lộng khơi, lèo lái giỏi mà cụ Trí được chọn đầu tiên. Ông lão đi thông ba chuyến, hai chuyến gặp địch nhưng vẫn trót lọt. Ra đến đảo trong lúc mọi người nghỉ ngơi thì cụ Trí suốt ngày làm việc, lúc đào hầm với công binh, lúc hái rau kiếm củi, bắt cua đá với anh nuôi. Anh em ở đảo rất quý ông lão, họ quây lấy, bắt ông lão kể chuyện, tranh nhau nhận làm con rể. Đoàn Thanh niên của Đảo còn kết nạp ông lão làm “đoàn viên danh dự”.

Cuối tháng Bảy năm 1965, cụ Trí về. Hai hôm sau đến lượt Trái, người con trai lên đường. ông lão tiễn chân con ra đầu động cát và dặn :

- Con đi bữa ni nhiều khó khăn đó, bọ chỉ nhắc con một chuyện : nếu có chết cũng phải chết cho vẻ vang.
Anh con trai vốn hiền lành, ít nói, giống tính mẹ nhiều hơn, chỉ ngẩng lên nhìn bố rồi lặng lẽ quay đi.

Trái đi chuyến thứ nhất trót lọt. Đến chuyến thứ hai, lúc quay về thì gặp địch. Một đêm mùa thu rất đẹp, trời trong, rất nhiều sao, biển lặng. Được gió đông nam, thuyền căng buồm lướt phăng phăng, chẳng mấy chốc đã về được quá nửa đường. Trái ngồi trước mũi thuyền, yên lặng, để mặc gió mặn của biển khơi kỳ tấm lưng trần cháy nắng. Chợt anh đưa bàn tay khum khum lên che vành tai : lẫn trong tiếng gió và tiếng sóng vỗ dào dạt, anh vừa nhận ra một thứ tiếng lạ. Người thuyền trưởng chỉ vừa kịp ra lệnh mắc thêm chèo thì đèn dù đã vọt lên. Trời biển vụt lóa đi trong khoảnh khắc rồi đột nhiên bừng lên, sáng trắng ra, soi rõ từng con cá chuồn như mũi tên lao nhanh giữa hai đợt sóng. Tàu chiến địch mỗi lúc một gần thêm. Con thuyền gan góc của Trái và đồng đội có thêm tay chèo dũng cảm vẫn thẳng hướng đất liền lao nhanh. Nhưng không kịp nữa rồi. Tàu địch bắt đầu bắn. Từ trong các ụ súng đen trùi trũi trên boong tàu, đạn đại liên, đạn đại bác cỡ nhỏ của địch phóng xối xả về phía thuyền. Một thủy thủ đang chèo, ngã xấp xuống, nằm yên.

Trên mặt và cánh tay thuyền trưởng Hạnh máu đầm đìa nhưng anh vẫn đứng thẳng, giữ chặt mái chèo. Một viên đạn trúng lòng thuyền, nước vọt lên. Trái vớ chiếc áo dưới chân nhét lại. Nhưng vừa bịt được dòng nước, đột nhiên anh thấy thuyền rùng mình, nước tràn vào như thác. Trong ổ súng còn lại viên đạn cuối cùng, Trái bình tĩnh nhắm ụ súng trên tàu địch, bóp cò. Anh khoác súng vào vai, ôm phao nhẩy xuống biển...

*
*    *

Tàu địch lùi xa dần, đèn dù tắt, biển lại chìm trong đêm mù mịt. Trái vẫn bơi, ngực vươn lên, tay nhịp nhàng rẽ sóng. Chợt anh nhận ra phía bên tay phải, người nào đó đang bơi một cách nặng nề, khó nhọc.

- Ai đó? - Trái hỏi.

- Sung... đây.

Tiếng trả lời hổn hển. Trái nhớ lúc còn chiến đấu, anh thoáng thấy mặt Sung đẫm máu. Đúng là Sung bị thương rồi. Trái bơi lại gần Sung :

- Cậu níu lấy mình, hai đứa ta bơi vào.

Thêm Sung, Trái bị dìm xuống, tay chân co ruỗi không còn thoải mái như trước. Biển trước mặt bao la. Nhìn sóng, Trái biết ít ra cũng chục cây số nữa mới đến bờ. Một lúc sau anh nghe tiếng Sung nói :

- Trái ạ, đằng nào mình cũng chết, cậu bỏ mình ra, cậu phải sống...

- Đừng nói bậy bậy.

Trái ngắt lời Sung và kéo bạn vào sát mình, tiếp tục bơi. Được một lúc Sung lại khẩn khoản :

- Buông mình ra, Trái ạ... chết cả hai đứa... uổng quá.

Trái muốn nói một câu để bạn yên tâm nhưng anh nghĩ mãi không ra. Anh siết chặt Sung vào mình thêm chút nữa. Trái nhớ lời bố dặn : “Có chết phải chết vẻ vang”. Anh nhổm đầu lên nhìn biển, biển vẫn còn rộng lắm, không biết đâu là bờ là bến. Chung quanh sóng vỗ ì ào. Anh cất tiếng hát, bài hát duy nhất mà anh thuộc. Giọng anh không hay nhưng cũng như bố anh, rất to khỏe. Mười mấy con người gần kiệt sức đang ngoi ngóp giữa biển đêm vụt thấy mình khoẻ thêm khi nghe Trái hát bài Giải phóng miền Nam.

Tiếng hát đầm đìa nước mặn, lúc vút lên cao, lúc chìm trong tiếng sóng như cánh buồm nâng họ lên, đẩy họ về phía trước.

Họ cố sức bơi, bơi trong tiếng sóng và tiếng hát, cho đến lúc đoàn thuyền từ đất liền ra đón nổi ốc làm hiệu gọi...

-----------------------------------------------------
(1) Đèn treo (đèn dù), kiểu phát âm rất cổ của các cụ già ở xã Vĩnh Thái.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM