Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:42:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký Sự Chiến Tranh - Tập 2  (Đọc 55664 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 03:56:01 pm »

NGUYỄN SINH - VŨ KỲ LÂN

KÝ SỰ MIỀN ĐẤT LỬA (Trích)



21 giờ 30 phút ngày 19 tháng Chín 1967, từ Hà Nội đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi một tin chiến thắng vang dội: ngày 19 tháng Chín Vĩnh Linh bắn rơi hai máy bay B. 52 của giặc Mỹ. Hôm sau, Vĩnh Linh nhận được thư khen của Bác Hồ.

Ngày 20 tháng 9 năm 1967.
Thân gửi đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ Vĩnh Linh!
Bác rất vui lòng được tin ngày 17 tháng chín năm 1967, Vĩnht Linh đã lập công xuất sắc, lần đầu bắn rơi hai máy bay B. 52 của giặc Mỹ.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Vĩnh  Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang.
Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Vĩnh Linh hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.


CHÀO THÂN ÁI VÀ QUYẾT THẮNG.
BÁC HỒ

Ngày nay chiến thắng đó đã có phần nào mờ đi trước trận Điện Biên Phủ trên không quá rực rỡ của thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên trong lịch sử quân đội ta, ngày 17 tháng 9 năm 1967 vẫn được coi là một ngày quan trọng. Lần đầu tiên các chiến sĩ tên lửa Việt Nam anh hùng bắn rụng con “đại bàng tinh” hung dữ của thời đại từng được kẻ thù tôn lên thành một thần tượng bất khả chiến thắng. Những kinh nghiệm của bộ đội tên lửa ở Vĩnh Linh chắc chắn đã đóng góp vào việc tiêu diệt hàng chục chiếc B 52 trên bầu trời Hà Nội. Để dựng lại chiến công ấy chúng tôi tìm đến anh Nguyễn Văn Hội, hiện công tác tại Viện Khoa học Quân sự, nguyên là trung đoàn trưởng trung đoàn 238, đơn vị tên lửa đầu tiên bắn rơi B52, được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi quen biết anh Hội từ hồi còn ở Vĩnh Linh. Cuối năm 1966 lần đầu tiên chúng tôi gặp anh tại văn phòng đảng ủy Vĩnh Linh. Cái mà anh để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong chúng tôi là tiếng cười. Anh Hội hay cười và tiếng cười rất vang, đột nhiên nổ tung ra, kéo thành một chuỗi dài khỏe khoắn, giòn giã, cái cười phản ánh đầy đủ một tâm hồn nồng nhiệt, yêu đời. Lần thứ hai chúng tôi gặp anh là tại đỉnh đèo P. trên Trường Sơn vào cuối năm 1969. Anh đang đứng giữa đường chỉ huy một đoàn xe tên lửa vượt đèo. Chúng tôi ở trong xe, anh đứng ngoài xe, bắt tay nhau qua cửa xe. Vẫn tiếng cười ba năm trước Lần này gặp lại anh Hội, gần mười năm đã trôi qua. Lạ thay, tiếng cười anh vẫn khỏe mạnh trẻ trung, không hề gợn một nét ưu phiền hay mệt mỏi nào.

- Kể cho chúng mình nghe lại trận bắn rơi B 52 đầu tiên đi! Anh Vũ Kỳ Lân nói.

- Đồng ý. Anh Hội nhận lời ngay nhưng nói thêm - Mình quên mất nhiều rồi, lắm sự kiện quá, nhớ không xuể.

- Thì nhớ gì kể nấy.

- Đồng ý, ngay bây giờ chứ?

Anh Hội nói thẳng một mạch. Là người miền Bắc nhưng Nam tiến từ hồi năm 1946, lấy vợ Nam bộ, giọng anh Hội đôi khi có pha chút hơi hướng miền Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:00:29 pm »

24
VƯỢT SÔNG LAM

Anh Trần Quý Hai, Tổng tham mưu phó nói :

- Quân ủy chỉ thị phải đưa tên lửa vào Vĩnh Linh để đánh B52...

Đến đó anh Hai ngừng lại, nhìn tôi có ý thăm dò, một lúc sau mới nói tiếp :

- Liệu có đi được không?

- Đi được anh ạ.

Tôi trả lời, mặc dầu biết nói như vậy là hơi liều. Tên lửa vào Vinh đã là chuyện “trật sách vở” rồi, nay lại vào tận Vĩnh Linh. Chặng đường từ Vinh vào Vĩnh Linh rộng hẹp, tốt xấu thế nào tôi hoàn toàn chưa biết. Nhưng chẳng lẽ nói không đi được. Cấp trên chắc chắn không chờ đợi để nghe một câu trả lời như thế. Hơn nữa, lương tâm và trách nhiệm của người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc không cho phép tôi. Nắm vũ khí trong tay, nơi nào có giặc phải tìm cách đưa vũ khí đến mà đánh chứ. Anh Hai lại ngước lên nhìn tôi, dường như anh muốn đọc trong mắt tôi những ý nghĩ thực ẩn giấu đằng sau câu trả lời ấy.

- Có yêu cầu gì không? - anh hỏi.

- Trước mắt chúng tôi thấy chưa cần gì.

Sự thực là như vậy, đã biết thế nào mà nêu ra yêu cầu.

- Bộ tổng tư lệnh và Quân ủy đặt rất nhiều hy vọng vào trung đoàn các đồng chí - anh Trần Quý Hai nói. Tên lửa vào Vĩnh Linh an toàn, triển khai chiến đấu được là anh hùng lắm rồi.

Tiễn tôi ra về, anh Hai còn dặn lại :
- Chỉ được đánh B52 thôi, nhớ đấy nhé!

Về đến Vinh, tôi và anh Quang, quyền chính ủy, ngồi bàn với nhau. Đi là đi, nhưng cũng thấy trước mắt rất nhiều khó khăn. Tôi đề nghị hãy để đồng chí Cảnh, trung đoàn phó cùng đồng chí trợ lý công binh đi một chuyến, xem đường sá thế nào đã. Có biết cụ thể mới bàn được.

Vừa thấy trung đoàn nói hé ra chuyện vào Vĩnh Linh các tiểu đoàn đã nhao nhao đòi đi. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.

Chiến trường luôn luôn có sức mạnh cuốn hút đối với người chiến sĩ tên lửa, còn gì sung sướng hơn khi quả đạn vút lên thiêu cháy máy bay giặc giữa trời, đồng bào và cả hai miền nam-bắc cùng trông thấy. Phần lớn anh em, kể cả các đồng chí trong ban chỉ huy tiểu đoàn đều rất trẻ, họ coi gian khổ, khó khăn có nghĩa lý gì đâu. Trung đoàn đề ra một tiêu chuẩn : muốn vượt sông Lam, phải bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ trên quê hương Bác Hồ. Tiểu đoàn nào bắn rơi trước đi trước.

Bốn giờ sáng ngày 4-2-1968 một tốp máy bay F 4C xuất hiện phía núi Thần Vũ, định vào đánh cầu Cấm, tiểu đoàn 84 bố trí tại làng Yên Dũng, ngoại ô thành phố Vinh chộp ngay được.

Tiểu đoàn trưởng Thành ra lệnh phóng hai quả. Tốp máy bay bị diệt gọn, một chiếc rơi ở Nghi Long, một chiếc rơi tại Cửa Lò. Ngay buổi sáng hôm ấy tôi ra lệnh cho 84 vượt sông Lam. Cuộc "trường chinh" gian khổ của bộ đội tên lửa bắt đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:03:20 pm »

25
THẤT BẠI ĐẦU TIÊN

Vài trang, trích trong nhật ký hành quân của tiểu đoàn trưởng Hoàng Công Thành.

5-2-1966. Năm giờ ba mươi phút rời làng Đỏ. Buổi ra đi thật cảm động. Các cụ xích vệ Xô viết Nghệ An râu tóc bạc phơ cầm tay anh chiến sĩ tên lửa, âu yếm như ông nội tiễn đàn cháu lên đường. Có cụ đã lòa, tay chống gậy, tay sờ sẫm quả đạn, nước mắt chảy ròng ròng. Các cụ cho hai con vịt bầu và đôi câu đối mừng chiến thắng. Ra trận đêm nay sao hãi hùng và vui thế! Tôi cảm thấy lòng náo nức lạ!

Bảy giờ, phà cặp bến. Đêm mùa hạ trong trẻo, trời đầy sao không có máy bay vào, xe pháo cứ đàng hoàng cưỡi phà vượt sông Lam. Ba giờ sáng, chuyến cuối cùng cặp bến Nghi Xuân. Đã tưởng trót lọt, không ngờ vì một tí sơ suất nhỏ mà xảy ra tai nạn. Chiếc xe xích kéo bệ do đồng chí Sức lái bị nghiêng trong khi đang leo cầu để lên bờ, cả xe và bệ nặng hơn 20 tấn lật nhào xuống sông. May mà đồng chí Sức chui ra và ngoi lên được. Lệnh trung đoàn : tiếp tục hành quân, chỉ để một số đồng chí ở lại kéo xe và bệ. Cũng đành phải thế thôi. Thập xin được ở lại. Tôi đồng ý. Với đồng chí ấy tôi có thể hoàn toàn yên tâm.

6-2-1966. Trú quân ở Nghi Xuân, đồng chí Hinh, tiểu đoàn phó đi trinh sát đường trở về. Nhìn vẻ mặt hốc hác và quần áo lấm lem của anh đủ biết đường sá thế nào. Tên lửa là "của hương của hoa" mà đi đường này thật đến khổ. Chỉ sợ vào đến nơi lại hỏng hết, không làm ăn gì được. Lệnh trung đoàn là đi thẳng đường Một, nhưng từ Nghi Xuân đến thị xã Hà Tĩnh nhiều cầu quá, lại toàn cầu yếu, cầu sập dở dang. Đành phải rẽ sang đường 15, đến ngã ba Đồng Lộc lại quay về đường Một. Họp ban chỉ huy quyết định : đài và bệ đi trước, đạn đi sau, cao xạ chia làm đôi, hai xê đi trước chốt các trọng điểm, một xê hành quân theo tên lửa.

Suốt ngày AD6 lượn trên đầu. Lo, không chợp mắt được.

7-2-1966. Đi từ Nga Lộc đến thị xã Hà Tĩnh. Thật hú vía. Chiếc xe xích kéo bệ cuối cùng vừa qua khỏi thì cầu Đông gẫy đánh rầm. Có lẽ vì xe chạy nhanh quá.

9-2-1966. Đến chặng đường gay go, gian khổ nhất rồi đây. Trước mặt là bốn cái cầu, bốn điểm chặn của máy bay địch : Họ, Rác, Dương, Khe Su. Tối nay, ba người trong ban chỉ huy sẽ chốt ở ba nơi : tôi ở Cầu Họ, anh Hinh cầu Rác, và anh Du cầu Khe Su. Hy vọng có thể đi từ Cẩm Xuyên đến Voi, bị kẹt lại ở quãng này thì nguy hiểm lắm. Mất sạch như chơi.

10-2-1966. Nguy hiểm quá, có lúc tưởng tim sắp vọt khỏi lồng ngực Vừa đến giữa cầu Họ thì đèn dù nổ bung trên đầu. Tôi ra lệnh cứ đi, không còn cách nào khác. Cao xạ bắn tốt quá, máy bay Mỹ xem ra cũng hốt : Hết quãng đường nguy hiểm mới thấy bom nổ phía sau.

Qua được Họ, được Rác, bộ phận đài và máy nổ đi trước cũng đã qua cầu Dương. Đến lượt bệ đi qua thì cầu gẫy. Vẫn còn may, chiếc xe kéo bệ đi đầu đã thoát. Định cho đài vượt nốt cầu Khe Su nhưng đến nơi thì dân quân đã cất hết ván. Bốn giờ sáng, trời phía đông đã hưng hửng, trước tắc, sau tắc, tiến, lùi đều không được. Làm thế nào đây? Đường hết sức trống trải, chỉ lơ thơ mấy hàng phi lao, nhìn hố bom san sát bên đường mà ngao ngán. Hội ý ban chỉ huy, quyết định cho đài và bệ tạt vào ven đường, ẩn dưới phi lao. Yêu cầu cao xạ cũng nằm im, chỉ khi nào có dấu hiệu rõ ràng là máy bay lao vào tên lửa mới được phép bắn.

Tôi không nằm được, chỉ đi ra đi vào, mắt lúc nào cũng ngong ngóng hết nhìn trời lại nhìn ra đường, bưng bát cơm lên lại đặt xuống. Các đồng chí xung quanh cũng im lặng, không nói chuyện, không cười. Ban chỉ huy trung đoàn chốc chốc lại gọi, nghe giọng nói của anh Hội tôi biết anh cũng đang hồi hộp lắm. Đúng là "ngàn cân treo sợi tóc". Suốt ngày lúc nào cũng có máy bay, chúng đánh cầu Họ, cầu Rác, cầu Khe Su nhưng... lạ thật, chúng nó mù hay sao ấy.

Những chiếc xe tên lửa to lù lù đậu trên đường như thế kia mà không thằng nào trông thấy.

Ngày hôm nay sao mà dài thế! Mặt trời lặn sang bên kia núi. Bấy giờ mới nghe tiếng anh Hội, cười, tiếng cười thật sảng khoái.

11-2-1966. Dừng ở Voi, cho lính nghỉ vài hôm, mệt mỏi và căng thẳng quá rồi. Mới dăm đêm hành quân mà trông anh nào anh nấy phờ ra như mới ốm dậy. Mấy cậu trẻ đói ngủ đến mức ngồi đâu ngủ gật đấy.
Chuẩn bị vào đường 22!

14-2-1966. Qua khỏi đường 22! Bốn giờ sáng sắp đến Quảng Châu, bỗng thấy xe ùn lại. Tôi từ phía sau chạy lên, thấy đồng chí Hinh, đồng chí Tuyên, trợ lý tuyên huấn trung đoàn và đồng chí Khánh, chính trị viên phó đang bàn.

- Rắc rối quá, máy nổ của xê Một bị rệ giữa ngầm, kéo mãi không được- Khánh nói.

Tôi hỏi :
- Quy luật hoạt động của địch ở đây thế nào?

Hinh trả lời :
- Cứ mờ sáng nó bay, thấy khả nghi là đánh.

- Cắt moóc ra, ngụy trang cẩn thận, tối mai kéo - Tôi nói.

- Không ổn - Khánh nói, nếu bỏ máy nổ lại thì trước hết các xe xích đi qua sẽ nghiến nát bánh lốp của nó. Thằng địch thấy một lùm cây lù lù giữa ngầm nó cũng sẽ không tha.

Chỗ chiếc máy rệ chỉ cách nơi chúng tôi đứng vài mét, tôi lội xuống ngầm xem.
Phải kiên quyết thôi, thà mất một chiếc máy còn hơn mất cả đoàn xe.

- Không được, tài sản nhân dân, một đống của - người nào đó nói trong bóng tối.

Tôi ra lệnh làm ngay, không bàn cãi.

Chỉ mười lăm, hai mươi phút sau nghe có tiếng máy bay, rồi một dãy đèn dù bật sáng trên quãng đường vừa đi qua.

Đồng chí Tuyên lúc đó ngồi bên cạnh, vỗ đánh bộp vào vai tôi : “Ông quyết đoán như vậy là sáng suốt”. Thêm một bài học.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:05:33 pm »

15-2-1966. Chuẩn bị vượt sông Gianh! Lái xe gọi là “Cửa tử” đây. Đêm qua ở Pháp Kệ, thấy đèn dù treo suốt đêm ở sông Gianh, Tỉnh đội, huyện đội và các đồng chí chở phà rất quyết tâm, trung đoàn 214 cũng hứa kéo toàn bộ pháo cao xạ về bảo vệ tên lửa vượt sông.

17-2-1966. Tắc đường. Bảy giờ đã có mặt ở bến phà B. Mười giờ phà cập bến. Sang được chuyến thứ nhất. Mười hai giờ, máy bay ném bom. Bên kia báo sang “bến hỏng, công binh và thanh niên xung phong đang chữa, chờ đó”. Mười hai giờ ba mươi phút, máy bay thả đèn dù, rải bom bi. Tin bờ nam báo sang “Lực lượng sửa chữa đường bị tổn thất nặng, hơn 20 người chết và bị thương, hãy lùi về, mai đi tiếp”.

18-2-1966. Vẫn tắc ở Gianh. Xe, máy, bệ rải ra trên dọc đường từ Tú Loan, Xuân Kiều đến Quảng Phúc. Lo phát ốm lên được. Đạn đã vào Đất Đỏ.

19-2-1966. Qua được sông Gianh. Ba lần hút chết. Tôi đã bảo Dũng cử một đồng chí đứng ở ngã ba để chỉ cho xe đi về lối đèo Ba Trại. Không biết cậu Tạo lớ ngớ thế nào lại để xe chỉ huy đi lạc sang đèo Lý Hỏa. Tôi chạy bộ đuổi theo. Đến ngầm Khe Nước nghe tiếng máy rú ầm ầm. Té ra cả xe lẫn máy lạc lối đang chết gí giữa ngầm. Phùng Hải, tay lái xe xích giỏi nhất tiểu đoàn mà cũng có vẻ cuống : "Bỏ mẹ rồi anh Thành ạ hình như nước thủy triều đang lên". Tôi vục nước đưa lên nếm thử, đúng là nước mặn, nó mà lên vào xe thì nguy. Tôi để Hải ở đấy một mình và băng chạy trở lại. Đến cống Mười gặp một đại đội thanh niên xung phong sửa đường. Tay xê trưởng nói : "Chúng tôi sẽ đến kéo, anh vào xóm kia mượn lấy vài chiếc xe xích, có một đoàn của 214 ở trong đó".

Khi tôi đến thì anh em thanh niên xung phong đang kéo xe. Hai sợi dây cáp dài buộc hai bên xe, mỗi bên 40 người kéo. Xe lên khỏi ngầm mới thấy xe 214 xình xịch đến.

Xe chạy trước, tám chục cô cậu thanh niên xung phong chạy sau, hò reo ầm ĩ. Tuổi trẻ là thế đấy, họ coi bom đạn và cái chết chẳng nghĩa lý gì.

Đến cống Mười thấy một đám đông đang xúm xít ở đó. Té ra lại xe ăngten đi lạc bị rệ. Sáng mất rồi, đành lấy bạt phủ kín rồi xúc cát đổ trùm lên, làm như thể là cống cát.

20-2-1966. Bảy giờ sáng. Thấy máy bay bâu đến dội bom xuống vùng Đất Đỏ. Nóng ruột quá, tôi chạy sang. Phải đợi đò ở sông Gianh mất gần hai tiếng đồng hồ, càng nóng ruột. Đến đầu xã Quảng Châu gặp một đồng chí ở đại đội cao xạ.

- Nó đánh trúng khu vực đạn thủ trưởng ạ!

- Có việc gì không?

- Mất sạch.

- Cả bảy quả?

- Vâng.

Té ra là thế này. Có một chiếc xe chở đạn cối không biết của đơn vị nào chạy lẻ trên đường 22. Sáu giờ sáng bị máy bay phát hiện, thấy ở Đất Đỏ có cây cối rậm rạp nó chạy vào để giấu. Máy bay địch đuổi theo bắn rốc két. Đạn cối nổ, phụt khói đen, máy bay kéo tới đánh tiếp. Nó đánh lan dần ra, tên lửa giấu ở đấy bị vạ lây. Một quả đạn trúng mảnh bom, khói vàng phụt lên. Thế là chúng ào đến như một đàn ruồi, đánh liên tiếp cho đến khi trời tối mịt.

Ngày 15-4-1966. Một thắng lợi tuy nhỏ nhưng gây niềm tin và phấn khởi. Tháo xe P. bị ngập nước mặn ở chân đèo Lý Hòa ra rửa. Lần đầu tiên làm việc này, trước kia do chuyên gia bạn. Hàng nghìn chi tiết phức tạp, chỉ nguyên tháo ra lắp vào đã khó. Mất đúng một tuần. Phát sóng thử rồi, rất ổn định. Trưa nay quân khu hạ lệnh vào chiếm lĩnh trận địa ở Phủ Định.

Ngày 17-4-1966. Triển khai xong. Chín giờ sáng địch ném bom cách trận địa 200 mét, mảnh bom trúng một xe chở dầu ma dút. Lái xe Lý Ngư (anh em gọi đùa là Cá Chép) lấy chăn trùm kín lỗ thủng, dập tắt lửa. Đài, bệ vẫn yên ổn.

15 giờ nhận được điện của Trung đoàn : “Rút ra khỏi trận địa ngay”. Sao lại thế này nhỉ?

18-4-1966. Lại được lệnh quân khu : “Trở lại trận địa Phủ Định, triển khai chiến đấu ngay”. Ô hay, thế này là thế nào? Trung đoàn bảo ra, quân khu bảo vào, biết nghe ai bây giờ? Điện hỏi trung đoàn. Anh Hội trả lời : "Quân khu đã ra lệnh cứ chấp hành".

20-5-1966. Vẫn chưa dứt khoát được với nhau về hướng bắn.

Tiểu đoàn muốn bắn về hướng Xuân Sơn, vì hướng ấy dễ bắt mục tiêu. Nhưng đồng chí Sự, tỉnh đội trưởng lại muốn bắn hướng Đồng Hới, để cho cả các huyện phía bắc phía nam đều thấy. Cứ ông chẳng bà chuộc thế này chỉ tổ mệt lính.

21- 5- 1966. Lúc 4 giờ, một tốp hai F. 4 xuất hiện ở hướng Xuân Sơn. Đã bắt được mục tiêu nhưng sắp phóng thì máy nổ hỏng.

22-5-1966. Chín giờ sáng, một tốp F105 xuất hiện ở hướng Tây Bắc. Đã bắt được nhưng lập tức chúng lại lảng ra. Chín giờ 15 một tốp ở hướng Đồng Hới. Bắt được mục tiêu cự ly xa quá. Giá tôi thông minh hơn một chút thì đã không đến nỗi. Tôi đâu có hiểu rằng địch chờn vờn như vậy là để đo cự ly giữa chúng tôi với nó. Chín giờ 30 phút, lại bắt được một tốp ở Xuân Sơn. Tôi ra lệnh phóng tên lửa, đồng chí Mẫn sĩ quan điều khiển không chấp hành với lý do là mục tiêu chưa ổn định. Ngay lúc ấy tôi thấy một ánh chớp lóe, một tiếng nổ xé tai, trời đất xung quanh vụt tối sầm lại. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là tên lửa Sơ-rai-cơ.

23-5-1966. Máy bay địch vẫn tiếp tục ném bom vào trận địa Phủ Định. Hôm qua 150 lần chiếc, hôm nay từ sáng đến giờ đã 120 lần chiếc. Chúng quyết diệt cho được tên lửa. Mai lại lếch thếch kéo quân ra bắc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:08:59 pm »

26
ĐẾN VĨNH LINH

Anh Hội kể tiếp :

81 và 83 lần rượt bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái trên quê hương Bác và nối nhau vượt sông Lam. 82 còn ở lại Nghệ An. Tháng Chín 1966, hai tiểu đoàn vào đến Quảng Bình, nghỉ lại ở nông trường Phú Quý một tuần để lấy sức vượt phà Long Đại. Bến phà này, anh em lái xe thường gọi đùa là “long đầu”. Đi qua đó không chết, không bị thương thì cũng lo nghĩ vì bị tiếng bom làm “long đầu” ra. Thoạt đầu định tập trung cả một sư đoàn pháo cao xạ tầm cao tầm thấp, bắn để xua máy bay ra ngoài cho tên lửa vượt sông. Sau bàn kỹ thấy làm thế chưa chắc đã an toàn. Lại quay về kiểu du kích, cứ bình thường, lặng lẽ mà đi. Mất một tuần, hai tiểu đoàn sang sông trót lọt. Hai ba lần bom bi nổ bên cạnh nhưng không xảy ra việc gì.

Lúc này mùa mưa đã bắt đầu, các con đường bị bom đào lên quật xuống, nát nhão ra, thụt đến bẹn. Qua ngã ba Dân chủ, phải ba xe xích đấu vào kéo một ca-bin mà có lúc vẫn bị rệ. Có một đêm bò được đúng năm cây số. Đến ngầm thác Cóc nước lũ về to quá, phải huy động hết xi, sáp trát kín gầm xe mới dám đi qua. Nước lọt vào, máy móc bị ẩm, chập mạch điện là coi như vứt hết.

Giữa tháng Mười hai tiểu đoàn vào đến Vĩnh Linh. Lúc này mới có chút thì giờ rảnh rỗi để nhìn nhau, trông vừa thương vừa buồn cười. Cán bộ, chiến sĩ, từ anh già đến anh trẻ đầu tóc cợp quá mang tai, râu mọc tua tủa, hai gò má nhô lên nhọn hoắt, quần áo rách, bẩn. Xe cộ, khí tài cũng tã quá, cái móp đầu, cái sứt đuôi, chẳng khác gì xe Trường Sơn! Dầu sao vào được đến đất Vĩnh Linh mà còn nguyên vẹn hai tiểu đoàn là thắng lợi lớn lắm rồi.

Một đêm cuối tháng chạp, tôi và anh Quang đi từ Đồng Hới vào Vĩnh Linh theo ngả đường số Một. Đợi phà ở Quán Hầu mất hai tiếng đồng hồ, lại lạc đường và bị bom tọa độ ở Dốc Sồi tìm được đến cơ quan bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh vừa đúng một giờ sáng. Có điều không ngờ được là anh Đưởm, anh Lân vẫn còn thức chờ chúng tôi. Gặp thau, cảm động quá! Anh Đưởm trách bằng một câu nói rất đáng yêu :

- Gớm, gì mà lâu thế, làm người ta mong mỏi cả mắt.

- Mong như mong người yêu phải không?

- Tôi chả biết mong người yêu thế nào, chứ mong các anh thì sốt ruột vô cùng.

- Thế anh không có người yêu à?

- Yêu đương gì, tôi đâu được như cánh trẻ bây giờ.

Mới gặp nhau lần đầu, song chúng tôi cảm thấy các anh rất cởi mở, tự nhiên, nói chuyện với nhau thoải mái như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Ngoài mặt trận thường như thế đấy, không có chỗ cho những thứ khách khí dè dặt đâu . Anh Quang hỏi :

- Mong thì bây giờ cho gì nào?

Anh Lân cười.

- Cần gì cho nấy.

Tôi chộp ngay lấy cơ hội :

- Xin các anh ít dân công đào hầm.

- Cần độ bao nhiêu?

Anh Quang và tôi nhìn nhau. Kể mà nói cho đúng mức thì phải hàng nghìn. Song chúng tôi biết Vĩnh Linh ít người, ngoài sản xuất và chiến đấu tại chỗ, họ còn phải phục vụ chiến đấu cho cả ba mặt : ngoài biển, trên trời và bên bờ nam, không thể đòi hỏi nhiều quá.

- Xin các anh 300 người, làm trong nửa tháng - tôi nói.

- Được kể thì cũng lớn đấy nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. - Anh Đưởm nói.

- Tôi đề nghị các anh chỉ cho một chỗ để xây dựng sở chỉ huy trung đoàn. Anh Lân tủm tỉm cười.

- Nếu các anh đồng ý chúng tôi “bán” lại cho chỗ này.

- Chỗ nào?

- Đây, anh Lân chỉ xuống đất, chỗ chúng ta đang ngồi nói chuyện đây này. Đủ tất cả hầm hào, nhà bếp, nhà ăn, phòng họp, bệnh xá và một khu hầm thông tin hiện đại bằng bê tông cốt thép.

- Thế các anh ở vào đâu?

- Chúng tôi đến sở chỉ huy mới, phải dịch lên phía trước cho gần Đảng ủy, ủy ban và trung tâm hơn.

- Giá cả thế nào? - tôi hỏi đùa.

- Một cái B.52.

Không nén nổi sự sung sướng bột phát, tôi đứng dậy chộp lấy tay anh Đưởm lúc lắc :

- Cám ơn các anh, cám ơn các anh lắm!

Anh Đưởm phẩy tay :

- Ơn với huệ gì, các anh đã vào đây thì chớ có khách khí, gặp khó khăn gì xin cứ nói với chúng tôi. Vừa qua, thường vụ đảng ủy khu vực có bàn việc giúp đỡ tên lửa, anh Trần Đồng đã làm việc trực tiếp với bí thư đảng ủy một số xã và nông trường Quyết Thắng về vấn đề này.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:10:23 pm »

Cuộc gặp gỡ đầu tiên làm tôi yên tâm và tin tưởng. Tên lửa nằm giữa lòng nhân dân Vĩnh Linh là được đặt trên một bệ phóng tuyệt vời. Từ bệ phóng ấy, nhất định những quả đạn sẽ bay lên nhằm trúng kẻ thù.

Nói đến bộ đội tên lửa ai cũng nghĩ là nhàn. Một bước lên xe mà lỵ. Vào một chiến trường như Vĩnh Linh, càng lắm xe càng khổ. Đến nơi, bộ đội nhảy từ trên xe xuống là cầm lấy xẻng đào hầm ngay. Một tiểu đoàn có 32 xe các loại thứ nào cũng to lớn, kềnh càng. Xe đạn dài 17 mét, cao bốn mét, ca bin chỉ huy dài 11 mét, rộng ba mét rưỡi, cao cũng bốn mét... Tất cả đều phải cho xuống hầm. Mà phải hầm ra hầm : có nắp dày để tránh pháo, tránh bom bi, rốckét, mảnh bom. Mỗi xe có một hầm chính rồi còn phải đào thêm ba hầm dự trữ ở ba chỗ khác nhau. Đấy là chưa kể đến chuyện đào hầm cho người. Phải tạm gác hầu hết công việc khác sang một bên. Điều lệnh cấm sĩ quan điều khiển và trắc thủ không được được lao động nặng, để giữ cho bàn tay dẻo như tay nhạc công chơi đàn vi-ô-lông mà. Bây giờ thì xin lỗi, hãy cứ xoay trần ra mà đào hầm đã. Hai trung đoàn cao xạ bảo vệ tên lửa chỉ để lại một bộ phận nhỏ trực chiến, còn nữa thì xin cứ là xếp pháo lại, đào hầm. Chưa có hầm là chưa ăn ngon ngủ yên được. Đêm, đang nằm, nghe bom nổ đánh càng một cái là lại phải lồm cồm bò dậy quay máy điện thoại hỏi tiểu đoàn.

Cho xe cộ xuống dưới mặt đất, tạm yên tâm về bom đạn nhưng lại nảy ra một cái lo khác : ẩm ướt. Khí tài điện tử ẩm chẳng mấy chốc mà vứt đi. Ở các nơi khác thì việc này chẳng khó khăn gì. Cứ cho máy chạy tự khắc nó sẽ sấy khô nó.

Nhưng bây giờ máy đã xuống hầm, mỗi bộ phận một nơi, cách nhau hàng cây số, làm sao mà sấy được? Thôi thì đành chịu khó một chút vậy. Đêm đến, lôi máy phát điện từ dưới hầm lên, kéo đến từng bộ phận, cho nổ máy, đấu điện vào mà sấy. Cứ quay đi quay lại như vậy, hầu như đêm nào lái xe, thợ máy nổ cũng phải hì hục từ đầu hôm đến gần sáng.

Máy phân tán, không chạy, sĩ quan điều khiển và trắc thủ không tập được. Anh em liền nghĩ ra cách "tập khan" cứ chúm tay vặn vặn trong không khí y như có núm vặn vậy. Tất nhiên là không tốt bằng tập thật, nhưng biết làm sao được ?

Lại nói đến chuyện ở, ăn. Đã có bài học xương máu của tiểu đoàn 81 ở Phủ Định rồi, vào Vĩnh Linh là bí mật phải đặt lên hàng đầu. Trung đoàn cấm không được cho xe cộ ra khỏi hầm, bộ đội ở lỳ trong rừng cao su. Hàng tuần quản lý phát gạo và thức ăn cho tiểu đội, tự nấu lấy ăn để đỡ phải đi lại. Mỗi ngày bếp chỉ được đỏ lửa hai lần : bốn giờ sáng và sáu giờ tối, buổi trưa ăn cơm nguội.

Kể ra cũng có những lúc tươi. Ấy là lúc xe cộ đi về trót lọt chở được thực phẩm từ Hà Nội hay từ Quân khu về. Nhưng nói chung là kham khổ, càng về sau càng khổ. Gạo không thiếu, chỉ thiếu thức ăn, nhất là rau. Có bao nhiêu rau tàu bay, môn thục, rau má trong vùng bộ đội tên lửa vặt trụi hết. Cứ đi công tác qua mạn Khe Lương, thấy bộ đội ngồi xổm nhổ rau má bên đường, không cần hỏi cũng biết là quân 238. Gặp khó khăn mới nghĩ ra được lắm điều hay. Có ai ngờ rau tàu bay cũng chế biến được dăm ba món : xào, luộc, canh, ghém, muối dưa nộm. Cả rau má cũng muối dưa. Hết rau má, rau tàu bay ở các bãi trống, anh em lần vào rừng sâu tìm chuối hoang. Lúc đầu chưa biết cách, ăn món canh này xong, nhựa bám đen kịt quanh mép trông cứ như quệt nhọ vào, cười đến chảy nước mắt.

Khẩu phần ăn của sĩ quan điều khiển và trắc thủ được quy định thành chế độ rất chặt chẽ. Phải đủ đạm, đủ vitamin. Phải có món gan là nguồn cung cấp vitamin A để giữ cho cặp mắt tinh tường. Vào đến Vĩnh Linh thì mọi thứ chế độ ấy đều phải xúp đi hết. Đào đâu ra gan bây giờ? Đôi lúc ngồi ăn với nhau anh em nói đùa : “Chế độ để quên ở bên kia sông Lam rồi, mời ông chịu khó xơi rau má vậy!”.

Tết năm ấy đến chúc mừng đảng ủy khu vực Vĩnh Linh, gặp chị Mề, chị An ở Hội Liên hiệp Phụ nữ, tôi nói đùa :

- Các chị bớt chút thì giờ đến thăm lính tên lửa chúng tôi một hôm, mấy tháng nay rồi có gặp người phụ nữ nào đâu.

Tưởng bông phèng cho vui, không ngờ mấy hôm sau các chị đến thật : Một đoàn hơn chục chị vừa già vừa trẻ, mỗi chị quẩy cho một gánh rau.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:12:26 pm »

27
ĐÁNH HỤT B52

"Hội ơi, tên lửa tên củi thế nào, làm ăn được chưa?". Anh Lê Ngọc Hiền, phó tư lệnh Mặt trận B5 hỏi tôi. Giọng nói và nét mặt anh Hiền ra vẻ đùa đùa, song tôi biết cấp trên có ý giục.

Tôi trả lời anh Hiền : "Sẵn sàng rồi đấy ạ!" Nói thật to, dõng dạc nhưng kỳ thực trong bụng lại đang nghĩ : “Giá như thư được ít lâu nữa thì hay”. Bộ đội ốm nhiều : sốt rét, ghẻ lở, phù thũng vì thiếu vitamin... Khí tài điện tử bị ẩm, giở chứng luôn. Cách đánh bàn đã "nát nước" ra mà vẫn thấy chưa rõ ràng lắm : chống nhiễu, chống tên lửa Sơ-rai- cơ đánh xa , đánh gần?...

Tình hình chiến trường không cho phép chúng tôi dềnh dàng hơn nữa. Mỹ ùn ùn ra bắc Quảng Trị, chủ lực ta đã ra quân, B52 ngày nào cũng dội bom bên kia sông Bến Hải, có hôm chúng đánh Hải Cụ, Giang Phao, ở sát bờ sông. Nhìn những chiếc B52 bay lừng lững giữa trời trong khi mình có vũ khí trong tay, tức không thể chịu nổi.

Bộ đội lại nghỉ hết mọi việc, xoay trần ra đào đất, chặt cây làm trận địa tên lửa. Vất vả nhất phải nói là việc này. Muốn có một trận địa tên lửa ở Vĩnh Linh phải đào đắp hàng nghìn mét khối đất, ngang với một công trình thủy lợi nhỏ. Ấy thế mà lại chỉ được đào về đêm, đào mò như kẻ trộm. Trên bầu trời Vĩnh Linh suốt ngày đêm đều có máy bay trinh sát địch. L19, OV10 lượn xuống sát mặt đất để dòm ngó, thấy có cái gì hơi khác một chút là chúng đánh liền. Việc ngụy trang, nghi binh phải được nâng lên thành một thứ nghệ thuật. Một trận địa thật đi kèm bốn trận địa giả, cả năm phải giống hệt nhau. Trận địa giả cũng hầm, hào, cũng "xe", “đạn”, "ra-đa". Tất cả đều bằng tôn. Cũng cho xe xích đến quần, làm ra vẻ như kéo khí tài vào trận địa thật... Có khi cao xạ tập trung vào trận địa giả, ở trận địa thật chỉ để một đại đội phục kích. Cẩn thận, khéo léo đến như vậy mà có lúc không che nổi mắt địch đấy. Ngày hôm trước, tiểu đoàn 83 vừa làm xong năm trận địa, hôm sau chúng đánh luôn cả năm. Lại đi tìm chỗ mới, lại đào, đắp... Cứ làm đến đâu ngụy trang ngay đến đấy. Xe đi trước, người đi sau cầm bàn trang xóa vết xe. Trận địa thường xa đường cái vài ba cây số. Kéo khí tài, đạn vào xong là phải xoa hết dấu đường trước khi trời sáng. Bứng cây sống ở nơi khác đến trồng kín quãng đường ấy, hàng ngày có người theo dõi, thấy cây nào héo là phải thay ngay. Làm sao cho xe chỉ huy giống hệt một lùm cây như các lùm cây xung quanh. Ăngten cao 12 mét giống một cái cây nhưng lại không được để cành lá che khuất. Quả đạn nằm trên bệ phóng cũng là một lùm cây nhưng phải làm sao trước khi phóng chừng một hai phút có thể rũ tuột hết cành lá. Một cành lá vướng trên cánh có thể làm tên lửa đi chệch mục tiêu hàng nghìn mét. Về mùa nắng mỗi ngày phải thay lá ngụy trang ba lần : bốn giờ sáng, chín giờ và hai giờ chiều. Hồi đầu, gay go nhất là vấn đề khói của máy phát điện. Máy đi-ê-den 75kw nhả khói như một chiếc đầu máy xe lửa. Giữa rừng núi Vĩnh Linh, khói bếp địch cũng còn đánh nữa là một đám khói lớn và dày đặc như vậy. Tiểu đoàn 83 thử làm những chiếc quạt lớn, khi máy nổ hàng chục người đứng quạt. Vẫn không ăn thua. Về sau nhờ cái bếp Hoàng Cầm mà nghĩ ra. Đào một đường hào dài độ nửa cây số, sâu nửa mét, lòng hào ngoằn ngoèo, có những hầm ngách đào rải rác hai bên, lấp kín mặt trên bằng một lớp đất mỏng. Cho ống xả của máy phun khói vào đường hào ấy, khói sẽ đọng trong hào và tan dần, nếu có bốc lên ở cuối đường hào thì cũng đã loãng đi và ở xa trận địa.

Không biết bao nhiêu công sức, trí tuệ bỏ vào những việc ấy.

*
*    *

Sáng 15 tháng Ba nhận được thông báo của Bộ Tổng tham mưu : "có B52 hoạt động trên vùng trời bắc Quảng Trị từ 11 đến 15 giờ". Tám giờ sáng bộ đội được lệnh vào trực. Trong hầm chỉ huy ở thôn Mỹ Lộc thuộc xã Vĩnh Chấp lúc ấy có tôi, anh Quang, quyền chính ủy, anh Cảnh, trung đoàn phó, anh Huy tham mưu trưởng. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Cận, chủ nhiệm phòng không của Mặt trận B5, anh Khánh ở Bộ tư lệnh phòng không và không quân và một đồng chí trung tá ở Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu. Ở gian hầm bên cạnh, các cán bộ tác chiến, trinh sát, thông tin, tiêu đồ đã sẵn sàng đâu vào đấy. Mười giờ, rất nhiều máy bay xuất hiện trên bầu trời Vĩnh Linh. RF100 bay ở độ cao 7 - 8 km, vẽ lên nền trời xanh những vệt khói trắng hình số tám. F105F mang tên lửa Sơ-rai-cơ sục sạo, F4C ném bom một vài nơi... Hồi hộp vô cùng. Cơ đồ sự nghiệp hai tiểu đoàn bày hết ra trận địa rồi. Anh Cảnh, anh Huy ngồi không yên, cứ đi ra đi vào, ngước nhìn lên bầu trời. Tôi ngồi trước máy chỉ huy cố động viên mình bình tĩnh nhưng đôi lúc vẫn thấy tim nhảy thon thót.

Mười hai giờ ba mươi phút, trinh sát báo cáo có B52 vào. Tôi ra lệnh cho hai tiểu đoàn 81 và 83 mở máy. Trong hầm lặng ngắt, chỉ còn nghe tiếng máy vô tuyến điện kêu o o và tiếng anh chiến sĩ tiêu đồ báo cự ly máy bay địch. Có một cái gì hết sức nghiêm trọng đè nặng lên tất cả mọi người. Thành bại chỉ trong khoảnh khắc. Tên lửa sẽ phóng lên thiêu cháy lũ quái vật đang gây đau thương, tang tóc cho đồng bào bên kia sông Bến Hải, hay một quả tên lửa Sơ-rai-cơ đột ngột từ trên trời cao giáng xuống? Qua máy điện thoại, tôi nghe rất rõ giọng nói của đồng chí Quảng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 83 : “báo cáo đã bắt được mục tiêu”. Chừng mười lăm giây sau, đồng chí Phạm Sơn của tiểu đoàn 81 cũng báo cáo bắt được. Mừng quá! Bắt được mục tiêu là chắc chắn có thể bắn được Đột nhiên đồng chí Sơn nói : “Báo cáo, không thấy mục tiêu nữa". Tôi động viên cả hai đồng chí : "Cố gắng, cố gắng, bảo anh em căng mắt ra mà tìm, nó vẫn đây đó thôi”. Một phút trôi qua... Vẫn chưa thấy báo đã bắt được mục tiêu... Đối với các chiến sĩ trên trận địa, đây là nhưng giây phút khắc nghiệt, nặng nề nhất trong cuộc đời của họ quên hết những chiếc F105F mang tên lửa Sơ-rai-cơ, họ đang dồn tất cả sinh lực sự thông minh, bén nhạy lên đôi mắt. Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, chúng tôi đã phân biệt được tín hiệu B52 với tín hiệu máy bay thường xuất hiện trên màn hiện sóng. Nó có nhỉnh hơn chút đỉnh, trông như một con nhộng. Nhưng “con nhộng” ấy đâu có nổi lên rõ ràng, đầy đủ như con nhộng thật đặt trên tờ giấy. Nó mờ nhạt, lúc rõ lúc không, trôi nổi chập chờn trong đám mây nhiễu loạn đang cuộn sóng chấp chới. Đôi mắt trắc thủ ướt giàn giụa, nhức nhối, căng ra, cố chộp cho được cái vệt sáng nhỏ nhoi ấy trên màn hiện sóng.

Tốp B52 thứ nhất đi qua. Tôi ra lệnh bắt tốp thứ hai. Tiếng Quảng bây giờ nghe bình tĩnh hơn : “báo cáo đã bắt được”. Chỉ độ ba giây sau, vẫn là tiếng anh nhưng nghe rất hốt hoảng : “Báo cáo... khí tài hỏng, mất mục tiêu”. Khổ thế đấy cuộc hành quân đường dài và khí hậu ẩm ướt đang phá hoại chúng tôi. Tiếng đồng chí Sơn báo cáo lần thứ hai như có ý giục : "Báo cáo, đã bắt được". Tôi quay nhìn anh Cận. Anh lắc đầu : “Khoan”. Tôi biết anh muốn đánh cả hai tiểu đoàn, muốn ăn chắc. Đã có lần anh bảo tôi : “Trận đầu không thắng hậu quả sẽ rất phức tạp, chớ có ăn non”. Sơn lại giục, tôi bảo “chờ đó” và quay nhìn anh Cận một lần nữa. Ngay lúc đó tốp thứ hai cũng đi qua. Tôi bảo đồng chí Sơn bắt tốp thứ ba. Lần này tôi định không hỏi ý kiến anh Cận nữa cứ bắt được mục tiêu là hạ lệnh phóng. Một phút... hai phút... năm phút đi qua. Vẫn không thấy tốp thứ ba. Không nén nổi bực bội tôi hét đồng chí Sơn : "Thôi, tắt máy đi!"


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:14:14 pm »

28
LẠI THẤT BẠI

Vẻ lo lắng, anh Huy ngước nhìn tôi :

- Kiểu này là nó đánh vào trận địa 83 đây?

- Kiểu gì nữa, nó đánh thật rồi - anh Cảnh chen vào một câu cáu kỉnh.

Tôi giằng lấy máy điện thoại liên lạc với đồng chí Quảng.

Tiếng đồng chí Thiết chính trị viên ở đầu đường dây bên kia :

- Nó đánh sát sạt vào trận địa rồi anh ạ.

- Cao xạ thế nào ạ?

- Vẫn đang đánh.

Tôi trao máy cho anh Huy và ngồi phịch xuống. Sau khi bắt hụt B52, chúng tôi biết thế nào địch cũng lùng sục tên lửa để đánh. Sóng điều khiển tên lửa là sóng cực mạnh đã tung nó lên trời thì không còn giữ được bí mật nữa. Chơi trò điện tử thì Mỹ thạo lắm, thoáng một cái là chúng biết ngay. Chiều hôm kia, nhìn thấy máy bay RB66, RF101, RF4C đan ngang đan dọc bầu trời và L19 nghiêng nghiêng, ngó ngó, anh Huy đã nói : “Chúng nó ngửi thấy mùi chúng mình rồi đấy”. Chập tối ban chỉ huy trung đoàn lệnh cho 81 và 83 chuyển sang trận địa dự bị, ngày hôm sau vẫn kiểu trinh sát như hôm trước. Trưa 17, địch bắt đầu đánh vào trận địa tiểu đoàn 83 ở Cổ Kiềng. Thoạt đầu hai chiếc F4C ném bom một đại đội pháo cao xạ 57 ly. Anh em nổ súng bắn rơi một chiếc. Địch không lùi, chúng cho nhiều tốp F4 bay thấp luồn vào ném bom bi và bắn rốc két. Có khả năng chúng đánh cao xạ trước khi đánh tên lửa. Anh Cảnh nói ngập ngừng :

- Hay là... cho 81 "phụt".

Ý anh trùng với điều tôi đang nghĩ. Có thể dùng 81 đánh để chi viện cho 83. Ngặt một nỗi là cấp trên ra lệnh chỉ được đánh B52. Tôi gọi điện cho tiểu đoàn 81 báo đồng chí Sơn chuẩn bị và đề nghị anh Quang cho họp thường vụ đảng ủy để quyết định. Thường vụ chỉ hai người, tôi và anh Quang, một người bảo nên, một người bảo không, chẳng quyết định được gì cả. Trong lúc ấy tiếng bom bi từ Cổ Kiềng vọng về nghe cứ như nó đang nổ trong gan ruột mình. Tiếng đồng chí Quảng gọi gấp lắm : Nó đánh đến nơi rồi, bom bi nổ cách đạn có vài mét! .

Tôi mở máy gọi về Bộ tư lệnh B5 định cầu cứu anh Đàm Quang Trung. Có lần tôi hỏi anh Trung : "Ngộ nhỡ nó đánh chúng tôi trước thì chúng tôi có được phép dùng tên lửa chọi lại không?". Anh ngập ngừng : “Khó đấy, thượng cấp đã có lệnh... nhưng... đôi khi cũng tùy người chỉ huy ở chiến trường”. Tôi hy vọng trong tình thế nguy cấp này, anh Trung sẽ đồng ý với tôi. Đồng chí sĩ quan trực ban trả lời là anh Trung đi vắng. Tôi xin gặp anh Cận. "Không được đâu Hội ạ - anh Cận nói dứt khoát - Phải nhìn lợi ích toàn thể và lâu dài".
11 giờ 30 phút, địch giở thêm một thủ đoạn mới : dùng pháo bờ nam và pháo tàu chiến bắn vào trận địa. Khi xây dựng trận địa ở Cổ Kiềng là chúng tôi đã tính đến khả năng ấy. Không ngờ pháo địch lại có thể bắn xa đến như vậy. Chưa gặp tình huống này bao giờ, các đại đội cao xạ, đâm ra luống cuống. Đúng 12 giờ địch bắn đến trận địa tên lửa. Một quả đạn trúng mảnh pháo, khói vàng bốc lên. Thế là lộ rồi... Anh Huy chụp mũ sắt lên đầu :

- Tôi xuống trận địa đây.

- Tôi cũng đi - Anh Cảnh nói.

- Chờ tôi với.

Tôi vừa nói vừa chạy theo. Ngồi ở chỉ huy sở bây giờ cũng chẳng để làm gì.

Các chiến sĩ tiểu đoàn 83 chiến đấu rất dũng cảm.

Giữa ban ngày, anh em lái xe đưa xe xích vào trận địa kéo khí tài đạn ra ngoài. Đồng chí Vũ Văn Hoạch đang móc một quả đạn vào xe thì pháo địch nổ bên cạnh. Đạn xì khói, Quảng hô : "Hoạch, chạy nhanh lên, đưa đạn, ra thật xa để khỏi lộ trận địa". Hoạch tăng ga cho xe lao đi. Ra khỏi trận địa 200 mét, đạn bốc lửa. Anh nhảy xuống tháo đạn để cứu xe. Chạy thêm được vài chục mét, một quả pháo nổ ngay trước mặt, Hoạch trúng đạn nằm ngất lịm trong buồng lái. Năm đồng chí Công, Vưu, Thể, Chính, Lang nhảy lên nóc ca bin để tháo gỡ ăng-ten. Một quả bom nổ, cả năm người bị hất xuống. Họ lại trèo lên, tháo bằng được.
Địch đánh suốt buổi chiều, suốt đêm và cả buổi sáng hôm sau. Tính ra chúng huy động cả thảy 120 lần chiếc máy bay, ném 500 quả bom và hàng vạn quả bom bi, rốc két, pháo bắn hơn 1000 quả đạn. Mười mấy quả đồi tranh trận địa bị đánh trơ trụi, đỏ lét. Tiểu đoàn 83 phải kéo ra Hà Nội để bổ sung người và trang bị lại. Trong tay chúng tôi lúc đó chỉ còn mỗi tiểu đoàn 81.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:21:05 pm »

29
CHIẾN THẮNG

Tháng Năm 1967, bầu trời, mặt đất Vĩnh Linh sôi sục trong tiếng bom đạn. Một thời kỳ mới, quyết liệt đang mở ra. Ta vây ép Cồn Tiên, đánh mạnh trên toàn bộ khu vực phía tây đường số Một. Mỹ đưa quân vào Khu phi quân sự nam. Anh Đàm Quang Trung gọi tôi về sở chỉ huy của anh ở gần ngã ba Dân Chủ.

- Thời cơ đến rồi đấy, ra quân đi - Anh Trung hất hàm bảo.

- Đánh cả F nữa chứ anh? - Tôi hỏi.

- Tuốt... nhưng B52 là chính.

Anh Trung còn động viên tôi :
- Đừng buồn Hội ạ, các cậu không đánh được B52 nhưng thằng B52 vẫn kiềng các cậu đấy. Hơn tháng nay ta nện mạnh thế mà nó có dám mò ra đâu. Bộ binh biết ơn tên lửa lắm.

Từ vị trí dự bị phía sau, tiểu đoàn 81 tiến lên xây dựng trận địa ở nông trường Quyết Thắng, đối diện với Cồn Tiên. Trong lịch sử bộ đội tên lửa Việt Nam, lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất bệ phóng được đặt gần phòng tuyến địch như vậy. Ngày ngày bằng mắt thường có thể thấy máy bay địch xuống rất thấp để thả dù tiếp tế cho bộ binh địch.

Cuộc chuẩn bị hết sức khẩn trương. Trong lúc phía trước đào công sự : ngụy trang, làm đường, làm trận địa giả thì bộ phận phía sau kéo khí tài dưới hầm lên, ghép lại để sấy, sửa chữa.

Sĩ quan điều khiển và trắc thủ lao vào luyện tập. Một buổi sáng, tôi đang đứng quan sát chiếc RB 66 lượn lờ phía biển thì thấy tiểu đoàn trưởng Phạm Sơn chống gậy đi vào.

- Cháy mẹ nó cuộn biến thế xe P. - Sơn nói, nét mặt buồn xuôi.

- Trời đất ơi! - Tôi giậm chân xuống đất, cảm thấy trong đầu tức tối như sắp vỡ tung ra.

Có bao nhiêu linh kiện mang theo đã dốc sạch trong mấy tháng mưa gió, ẩm ướt vừa qua rồi, bây giờ đào đâu ra cuộn biến thế.

Ra Hà Nội ư? Nhanh nhất là một tháng. Ai mà biết có bao nhiêu tai họa sẽ xảy đến trong vòng một tháng ấy : máy móc hư hỏng thêm, địch đánh... Sơn nói lầu bầu :

- Tôi tháo đưa sang ty bưu điện Vĩnh Linh nhờ các kỹ sư bên ấy quấn hộ.

- Họ bảo sao?

- Họ hứa sẽ cố gắng.

"Hứa cố gắng", nghĩa là chưa biết kết quả. Một tuần lễ trôi qua. Chỉ vì cái cuộn biến thế đáng giá mười đồng bạc ấy mà cả trung đoàn cứ lặng đi, người nọ cáu kỉnh với người kia. Cả ban chỉ huy trung đoàn kéo hết về 81 để đợi cuộn biến thế. Không có máy, anh em ở ty bưu điện phải tháo ra, đếm từng vòng dây, rồi tỉ mẩn cuốn bằng tay. Đo đi đo lại thấy tốt. Đem về lắp vào máy cho chạy thử, cũng tốt. Đến lúc ấy tôi mới thấy đầu mình nhẹ được đôi chút.

Đến tháng Năm, đúng cái đêm dữ dội nhất mùa hè năm 1967, tiểu đoàn 81 kéo đạn, khí tài vào trận địa. Hồi hộp vô cùng. Tôi muốn chợp mắt một chút để ngày mai tỉnh táo mà chỉ huy nhưng không sao ngủ được. Cán bộ, chiến sĩ rất cay cú, chỉ ao ước làm ăn một trận cho ra trò để trả thù và gỡ lại uy tín cho đơn vị.

Sáng 18 xuống trận địa, tôi ngoặc tay với Nguyễn Hồng Thịnh, một sĩ quan điều khiển trẻ, thông minh và có kinh nghiệm :

- Ăn chắc nhé.

- Ăn chắc. - Thịnh nói quả quyết.

Ngồi một lúc anh nói :
- Một tiểu đoàn tên lửa nằm lọt vào đây, kể cũng đơn độc quá thủ trưởng nhỉ?

- Có lo lắm không? - Tôi hỏi.

Thịnh cười :
- Tí chút thôi thủ trưởng ạ.

Dĩ nhiên đó là điều không hay trước khi bước vào trận đánh. Một cái run tay rất khẽ của trắc thủ có thể làm quả tên lửa đáng giá hàng triệu bạc thành vô dụng. Nhưng biết làm sao bây giờ. Những lời động viên lúc này chỉ là chuyện nói suông. Chiến thắng mới là câu nói hùng hồn nhất để làm họ yên tâm, tin tưởng.

*
*    *

Ngày Sáu tháng Bảy, ngày dữ dội nhưng cũng là ngày vui ở Vĩnh Linh. Lần đầu tiên ta đánh trận pháo bộ hiệp đồng lớn ở Gio An. Tên lửa vẫn kiên trì chờ B52. Nhưng anh Trung ra lệnh : khi cần có thể đánh các loại F để chi viện trực tiếp cho bộ binh. "Đèn xanh" đã bật rồi. Ngồi ở sở chỉ huy, chúng tôi nghe rất rõ các làn pháo ta bắn, nhìn lên góc trời phía nam thấy pháo cao xạ nổ dày đặc, các cụm khói trắng nổ tung như cánh ruộng bông buổi trưa, chốc chốc lại nhận được tin chiến thắng từ bộ Tư lệnh Mặt trận truyền xuống. Tôi cảm thấy náo nức lạ. Còn gì hạnh phúc hơn khi những quả đạn chúng tôi sắp phóng lên sẽ hòa chung vào bản nhạc chiến thắng đang gầm lên dữ dội xung quanh.

Một giờ chiều Phạm Sơn gọi :
- Báo cáo anh Hội có hai thằng Si-núc (1) chở pháo cho Cồn Tiên, ngon quá!

- Có đánh được không?

- Tốt lắm!

- Diệt cả hai chứ?

- Vâng, cả hai.

- Đồng ý.

Sơn ra lệnh mở máy. Anh báo cáo đã bắt được mục tiêu. Nhưng chỉ một phút sau lại nghe anh càu nhàu : "Nó xuống thấp quá, mất bố nó mục tiêu rồi".

7 giờ 17 phút tối hôm ấy, bộ binh yêu cầu tên lửa bắn. Tôi ra lệnh cho tiểu đoàn 81. Nửa giờ sau, hai quả đạn vút lên. Một chiếc F4C đang ném bom để cứu bọn tàn quân ở Gio An bốc cháy, hai tên giặc lái chết thiêu. Ba giờ sau tiểu đoàn trưởng Phạm Sơn ra lệnh phóng quả đạn thứ ba. Lại một F4C bốc cháy, rơi tại chỗ.

Đầu tháng tám, ban chỉ huy trung đoàn nhận được một chiếc máy thu thanh bán dẫn Na-xi-ô-nan do Bộ tư lệnh B5 gửi xuống. Công văn kèm theo nói rằng đây là tặng phẩm của một đồng bào bên bờ nam. Chính người đó trong đêm mồng sáu đã trông thấy tên lửa ta diệt máy bay địch. Chúng tôi nhiều lần tìm cách dò hỏi nhưng cho đến nay vẫn chưa biết người dân yêu nước nhiệt thành ấy là ai.

------------------------------------------------------
(1) Chinook : máy bay lên thẳng hạng nặng gọi là "Cần cẩu bay".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #69 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2009, 04:23:59 pm »

30
THẮNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC KHEN

Tôi bắt đầu kể từ nhà cụ Lực. Sở chỉ huy chúng tôi ở trong vườn ông cụ. Ngày ngày, những lúc rỗi rãi cụ vẫn vào chỗ tôi chơi, nói “trạng” với nhau dăm ba câu. Một hôm cụ bưng vào cho đĩa sắn rồi bảo :

- Mấy chú bộ đội "tên lả" mần ăn không ra chi?

Tôi ớ người ra, chẳng hiểu ông cụ định nói gì. Cụ Lực đưa tay chỉ lên trời :

- Đó đó cái thằng nớ.

Một chiếc L19 đang lượn trên đầu chúng tôi. Tôi hiểu ý ông cụ.

- Chúng con sẽ bắn nó. - Tôi bảo.

Ông cụ lắc đầu :

- Không bắn được, khó lắm, tui chộ mấy chú cao xạ bắn mãi rồi, có rớt mô.

- Bọ có thách không nào?

- Có, thách chú.

- Nếu chúng con bắn rơi bọ mất cái gì?

Ông cụ nhìn quanh nhìn quẩn rồi chi ngôi nhà.

- Tôi cho chú.

Những ai đã ở Vĩnh Linh hồi đó, hẳn không thể quên được cái cảm giác tức tối, khó chịu đối với những chiếc máy bay trinh sát L19 của Mỹ : Là máy bay cánh quạt bé xíu cấu tạo rất gọn nhẹ, nó có thể bay sát nóc nhà để nhìn từng cái hầm, từng lùm cây. Hai chiếc thay đổi nhau, L19 có thể canh suốt ngày trên bầu trời. Cụ Lực có lần nói : "Thằng phi công này nó bới cơm theo chú ạ, không về ăn trưa". Thính giác con người lúc nào cũng bị ám ảnh vì cái tiếng động cơ vè vè đáng ghét ấy. Phát hiện dấu hiệu khả nghi, L19 gọi pháo bắn hoặc phóng đạn khói xuống cho máy bay phản lực đến dội bom. Bắn L19 rất khó, vì nó nhỏ, luồn lách giỏi, đạn không mấy khi trúng.

Đã bị thương nó vẫn có thể vọt lên cao rồi tắt máy, bay là sang bờ nam hạ cánh nhẹ nhàng xuống một quãng đường nhựa hay một thửa ruộng nào đấy.

Trước đó ít lâu, anh Nguyễn Cận bảo tôi :

- Phải bắn một thằng L19 Hội ạ, cho đồng bào, bộ đội phấn khởi và tụi này nó chùn bớt.

Tôi về bàn với ban chỉ huy trung đoàn. Ai cũng tức sẵn trong bụng, nghe nói bắn L19 là vỗ tay ngay.
 
Phương án tác chiến đã có sẵn, chỉ còn đợi thời cơ.

Ngày mồng Tám tháng Bảy, từ mờ sáng địch đã cho hai L19 bay ra Vĩnh Linh. Anh Huy báo cho tiểu đoàn 81 theo dõi. 11 giờ trưa, hai chiếc này về, hai chiếc khác ra thay. Chúng bay thành cặp liền nhau, lúc song song, lúc hàng dọc. Tôi gọi điện cho đồng chí Phạm Sơn :

- Thế nào?

- Được đấy nếu trung đoàn ra lệnh.

- Bám chặt vào, đợi lúc nào trời sắp tối, hai chiếc cùng quay đầu về phía nam hãy phóng, cố gắng diệt gọn cả hai.

Hai giờ ba mươi phút, hai chiếc L19 xếp thành một hàng ngang bay thong thả về phía nam, tôi ra lệnh cho đồng chí Sơn mở máy. Ba phút sau quả đạn tên lửa vút lên, một chiếc L19 tan ra, mảnh rơi lả tả, chiếc thứ hai bốc cháy và đâm đầu xuống phía nam.

Đồng bào và bộ đội Vĩnh Linh hả hê vô cùng nhưng trung đoàn chúng tôi bị quân khu phê bình một trận ta trò. Trong bức điện phê bình đồng chí chính ủy Quân khu nói rất nghiêm khắc : Các đồng chí đã dùng dao rựa để chém một con giun...

Không hiểu ai mách mà cụ Lực cũng biết chuyện này.

Một hôm cụ bảo tôi :

- Chú Hội lấy nhà chớ?

Tôi lắc đầu. Cụ chỉ hai con ngan đang lội trong cái hố bom trước nhà :

- Mần thịt nấu cháo liên hoan hí.

- Thôi bọ ạ.

Ông cụ vỗ vai tôi cười khà khà :

- Tôi biết rồi. Cấp côi không khen mấy chú phải không? Việc chi mà lo, côi không khen thì tôi khen, mấy chú ưng chớ?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM