Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:45:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Le rendez-vous manqué Charton-Le Page - Chiến dịch Biên giới 1950  (Đọc 43817 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« vào lúc: 30 Tháng Chín, 2007, 09:02:00 pm »

Cách đây đúng 57 năm, một sự kiện long trời đã xẩy ra ở vùng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong vòng 200 năm từ khi hầu tước Montcalm bại trận ở Quebec trước viên tướng Anh Wolf , chấm dứt sự có mặt của Pháp ở Canada; một đạo quân viễn chinh Pháp bị thất bại trong 1 trận đánh ở hải ngoại.
Nhân tiện ngày kỷ niệm này em tóm tắt lại các sự kiện nhìn từ phía Pháp của trận đánh này.
Các tài liệu ở đây đã được dùng trong quyển này mà em xem là quyển sách nghiên cứu công phu nhất hiện nay về trận đánh nhìn từ phía Pháp:


- Tháng 6 năm 1949:
Tướng Revers, sau chuyến đi nghiên cứu tình hình chiến sự ở Đông Dương, cho phát hành 1 bản báo cáo tối mật vào cuối tháng 6. Bản báo cáo, sau này sẽ được gọi là bản báo cáo Rờ-ve, được ấn hành 50 bản có số trong đó 38 bản được gửi thẳng đến các cơ quan chính phủ đang điều hành cuộc chiến tranh ở Đông Dương ngay vào tháng 7. Trong bản báo cáo, tướng Rờ-ve đã nêu ra vấn đề quân đội Pháp ở Đông Dương phải tập trung lại vì hiện nay nó đang phải chiếm đóng một vùng quá rộng so với thực lực của nó.

-15/6/1949, Sài Gòn:
Để tìm hiểu kết luận của bản báo cáo Rờ-ve, Thanh tra tối cao của Đông Dương Pignon, người trục tiếp nhận mệnh lệnh từ Paris tổ chức 1 cuộc họp không chính thức với tướng Blaizot, tổng tư lệnh quân viễn chinh ở Đông Dương; tướng Alessandri, phó tư lệnh; Digo, tổng thanh tra quốc gia Pháp ở Bắc Kỳ; Bonfils, trợ lý chính trị của Pignon; Dujardin, trợ lý ngoại giao; tướng Valluy, người thay mặt tướng Rờ-ve (lúc đó đã sang Pháp) và tướng Koch của bộ quốc phòng.
Qua Valluy, tướng Rờ-ve cho biết quan điểm của mình về tình hình chung và đề xuất việc gom nhỏ hệ thống phòng thủ phía bắc từ Cao Bằng về phía Thất Khê, nhưng chưa nói rõ ranh giới mới ("chúng ta phải bỏ tất cả các vùng bên ngoài Thất Khê và có thể cả Thất Khê nữa" lời tướng Valluy). Tất cả mọi người trong cuộc họp đều thấy được sự khó khăn của việc giữ chốt Thất Khê. Chốt này hoàn toàn cô độc cách Lạng Sơn về phía bắc đến 67km, con đường 69km từ Thất Khê đi Cao Bằn cũng nguy hiểm không kém 37km đường về phía nam từ Thất Khê đi Nà Cham. Tướng Koch còn phát triển suy luận này đến tận việc rút lui tất cả các đồn bốt phía bắc Lạng Sơn, để tập trung vào việc bảo vệ thành phố. Thành phố này, vì được bao bọc bởi một vùng trống trải lớn gọi là "bình nguyên Galieni", rất dễ cho việc triển khai các phương tiện hoả lực như không quân và pháo binh mà phía Việt Minh vẫn còn rất sợ.
Để bù đắp việc rút lui này, tướng Rờ-ve đề nghị việc chiếm đóng hoàn toàn vùng Thái Nguyên. Ở trong vùng ranh giới giữa Đồng Bằng và Trung Du, nó vẫn thuộc vùng đồng bằng, hơn nữa ở đây cũng là hậu cứ của nhiều đại đơn vị Việt Minh đến năm 1949.
Trong cuộc hội nghị này, chỉ có tướng Alessandri có ý định chống lại việc rút lui. Theo ông ta, nếu quân Việt Minh chiếm được Cao Bằng thì khi đó số hàng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh không chỉ là bằng lưng người nữa mà sẽ là bằng xe tải chạy thẳng từ vùng biến giới theo đường số 3 xuống vùng đồng bằng hoặc đi lên vùng Tây Bắc. Lúc đó quân đội Pháp chắc chắn sẽ phải đối mặt với những vũ khí nặng hơn, hiện đại hơn.

-Tháng 7/1949, ở Sài Gòn
Tướng Blaizot hội đàm với các chỉ huy dưới quyền:
- Tướng Alessandri, chỉ huy lục quân
- Tướng Bodet, chỉ huy không quân
- Đô đốc Ortolli, chỉ huy hải quân
Những người dưới quyền đều chống lại việc bỏ vùng biên giới. Tướng Blaizot quyết định "khi có mệnh lệnh ở trên, mọi người đều phải thi hành". Tức là, mọi người phải thi hành kế hoạch Rờ-ve và không được cãi lại nó.

-Tháng 8 năm 1949:
Chương trình Rờ-ve được bắt đầu. Vùng phía bắc đường số 3bis đi từ Bắc Cạn đến Cao Bằng, do quân Pháp chiếm từ hồi chiến dịch Lea năm 1947, được sơ tán. Ngày 9-8, trung đoàn 3 lê dương, rút lui khỏi Bắc Cạn, hỗ trợ bởi các đơn vị bộ binh và kị binh thiết giáp Bắc Phi đi lên từ phía Cao Bằng. Các đồn bốt lê dương dọc đường như Nà Phác, Ngân Sơn, Bản Cao, Bel-air và Võ Chang cũng dần dần thu về.
Sau đó đến lượt các đồn bốt trên đường số 4, dọc biên giới phía bắc Cao Bằng: Trà Linh, Quang Uyên, Nguyên Bình, Nước Hải, Tà Lung... tất cả khoảng 30 đồn bốt.

Tháng 9 năm 1949
Ở Paris, vụ "xì căng đan các vị tướng" nổ ra khi báo chí biết rằng bản báo cáo tối mật Rờ-ve đã bị tiết lộ ra ngoài. Theo tin tức của phòng nhì, phía Việt Minh chắc chắn đã có trong tay bản báo cáo này từ hồi tháng 7.

Ở Sài Gòn, ngày 3/9, tướng Carpentier, đã từng là phó của tướng Juin trong chiến dịch Italia năm 1943, được điều sang Đông Dương thay tướng Blaizot. Carpentier, 1 chuyên gia về Bắc Phi, chưa bao giờ phục vụ ở Đông Dương.

Cũng ngày 3/9, trên đường số 4, 1 trận phục kích lớn đã xẩy ra ở Lũng Phài do trung đoàn 174 của Việt Minh tổ chức. Theo giấy tờ thu được trên xác 1 cán bộ Việt Minh vào tháng 2 năm 1950, trung đoàn 174 lúc này hay còn gọi là trung đoàn "Cao Bắc Lạng" có hơn 5000 tay súng chia ra trong 3 tiểu đoàn bộ binh (249, 251, 255) và các đại đội độc lập: 150 công binh, 151 giao liên, 152 vận tải và 153 trinh sát do một cựu sỹ quan quân đội Nhật Hoàng chỉ huy.
Ngày 3/9, đoàn xe đi Cao Bằng bao gồm 95 xe thuộc đoàn vận tải 516, 25 xe hộ tống và khoảng một chục xe dân sự rời Thất Khê để rơi vào ổ phục kích. Ngày hôm sau, các đơn vị cứu trợ đến nơi đã tìm thấy khoảng 100 xác chết và 55 xe bị cháy.

Ngày 2 tháng 10 năm 1949
Một đoàn xe mới đi tiếp tế Cao Bằng được chuẩn bị. Rút kinh nghiệm từ sự kiện trước, bộ chỉ huy huy động 1 lực lượng rất hùng mạnh để bảo đảm an toàn cho đoàn xe: tương đương với 4 tiểu đoàn bộ binh, 8 xe thiết giáp thuộc trung đoàn kỵ binh Ma-rốc và trung đoàn kỵ binh thợ săn số 1, trên không luôn luôn có những chiếc Kingcobra được máy bay trinh sát Morane hướng dẫn sẵn sàng yểm trợ.
Nhưng sự không thể tưởng tượng vẫn xẩy ra. Trung đoàn 174 tấn công một lần nữa, lần này ở phía nam Thất Khê, gần ải Lũng Vại. Kết quả phía pháp có 20 chết, 44 mất tích, 37 bị thương. Cả 1 trung đội kỵ binh spahi bắc phi bị tiêu diệt. Ngoài ra phía Pháp còn mất 74 khẩu súng tự động trong đó có 13 khẩu đại/trung liên, 1 khẩu Bofors 40, 6 xe GMC, 1 Jeep và scoot-car. Phía Việt Minh để lại 127 xác chết đếm được.
Sau trận này, bộ chỉ huy quyết định từ nay Cao Bằng sẽ chỉ được quyết định bằng đường không.

tháng 12 năm 1949, Paris
Ủy ban quốc phòng do Tổng thống Vincent Auriol cùng với thủ tướng Georges Bidault tổ chức, với sự có mặt của Carpentier, được bắt đầu. Mọi người đồng ý với việc từ bỏ kế hoạch Rờ-ve nhưng lại không nêu ra được 1 giải pháp mới nào để thay thế.

Ở Sài Gòn, thanh tra tối cao Pignon từ Paris về cũng không có mệnh lệnh nào rõ rệt. Từ đó tướng Carpentier dịch ra là lệnh của trên là "không bỏ Cao Bằng nữa"

Phía Việt Minh, đại đoàn 308 vừa được tổ chức lại. Lúc đó phía Pháp vẫn gọi nó là "lữ đoàn 308" (Brigade) vì nó mới chỉ có 2 trung đoàn 102 và 36. 2 trung đoàn này đã được tình báo Pháp theo dõi từ lâu. Trung đoàn 36 thành lập vào 10/1/1946 từ các đơn vị động viên ở Bắc Ninh và Bắc Giang cho nên được gọi là trung đoàn "Bắc Bắc". Trung đoàn 102 xuất hiện ở Hà Nội vào tháng 1 năm 1947 trong những trận đánh sau ngày 19/12/1946 được gọi là "trung đoàn Thủ Đô". Trung đoàn 88, xuất hiện ngày 1/7/1949, từ người nhập ngũ ở Hà Nam, Hà Tây, Cao Bằng, Hoà Bình cũng đã được sát nhập vào với 2 trung đoàn kia. Lực lượng của đại đoàn 308 lúc này đúng là đã tương đương với 1 sư đoàn (division). Nó được hỗ trợ bởi nhiều vũ khí nặng từ đại liên cho đến súng cối, nhiều khi có cả pháo bộ binh và sơn pháo.


thang 1 năm 1950
Hồ Chí Minh có mặt ở Bắc Kinh, chắc là để đàm phán về viện trợ. Trong 6 tháng nữa, quân Tung Quốc sẽ can thiệp trực tiếp vào Triều Tiên.
Theo tin phòng nhì qua tin điện đài bắt được, Lã Quí Ba được gửi sang Việt Nam để nghiên cứu những cần thiết của Việt Minh.

Ở Cao Bằng, sân bay được mở rộng nhầm để đón tiếp những chiếc máy bay vận tải loại lớn kiểu Junker 52, càng ngày càng trở nên cần thiết sau khi đường bộ bị phong toả.

Ngày 4 tháng 2 năm 1950, Paris
Tình hình chiến tranh lạnh ở châu Âu trở nên căng thẳng, chính phủ Pháp quyết định ngừng gửi quân tiếp viện sang Đông Dương trong vòng 6 tháng tới.

Ngày 24/2/1950, Sài Gòn
Tướng Các-păng-chiê viết thử gửi chính phủ, mô tả 1 tình hình càng ngày càng xấu đi ở Đông Dương. "Cuộc chiến sẽ trở thành quyết định trong những tháng tới trên 2 mặt : bảo vệ vùng biên giới và bình định vùng đồng bằng".

Ngày 20/3/1950, Sài Gòn
Trong buổi họp hội đồng phòng thủ Đông Dương, tướng Alessandri vẫn muốn theo đuổi chiến lược tập trung tất cả lực lượng nhằm ưu tiên bình định vùng đồng bằng sông Hồng, rồi sau đó mới chuyển sang vùng miền núi và tả ngạn sông Hồng.
Theo ông ta, việc bỏ đường số 4 là không tưởng. Về phía thanh tra tối cao, ông ta không muốn di chuyển các đơn vị đang đồn trú ở Nam Kỳ để bảo vệ Sài Gòn.

Ngày 22 tháng 3, Pa-ri
Một cuộc hội thảo mới của ủy ban các tổng tư lệnh quân đội Pháp về vấn đề Đông Dương kết luận : " Điều cần thiết số 1 là phải thay đổi đường lối quân sự ở Đông Dương hiện nay. Chúng ta phải tập trung lại lực lượng xung quanh vùng châu thổ sông Hồng. Ủy ban đề nghị việc gọi quân đội Quốc Gia của Bảo Đại đến giữ các vùng mà chúng ta sẽ rút đi." Cuối cùng lời kết của bản công văn: "chúng ta phải làm tất cả để tránh 1 thảm hoạ nếu Trung Quốc tiếp tục viện trợ cho Việt Minh, như chắc chắn hiện nay họ đã làm"

Qúy 1 năm 1950
Đoàn chuyên gia Trung Quốc đã đến bên cạnh tướng Giáp để chỉnh đốn lại quân đội. Cả đoàn bao gồm khoảng 60 người do Vi Quốc Thanh, được mệnh danh là "tiểu Gia Cát", đứng đầu.
Ngày 30/1/1950, Liên Xô công nhận nước VNDCCH, trong tháng 2, HCM sang thăm Liên Xô.

Tướng Giáp bắt đầu chuẩn bị kế hoạch cho chiến dịch sắp tới : mở con đường từ Trung Quốc về phía trung/thượng du phía tây vùng đồng bằng. Để làm được điều này, mục tiêu là phải giải phóng được Cao Bằng và đuổi quân Pháp khỏi đường số 4. Tướng Giap có đi xem xét tại chỗ những cứ điểm phải chiếm là Đông Khê, Thất Khê và Cao Bằng.
Logged
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2007, 09:04:15 pm »

Ngày 25 tháng 5 năm 1950, 5 giờ 45 sáng, Đông Khê bị tấn công
Cứ điểm do 2 đại đội của trung đoàn 8 bộ binh nhẹ Ma-rốc (8RTM) trấn giữ. Cuộc tấn công được giao cho trung đoàn 174 của Việt Minh thực hiện. Trung đoàn được yểm trợ lần đầu tiên bởi súng cối 82 của CS (chứ không phải cối 81 của phe tư bản). Ngoài ra còn có một số sơn pháo 75mm, ước lượng cuả phòng nhì là 4 khẩu: 2 khẩu trên 1 ngọn đồi cách Đông Khê 1km về phía tây, 2 khẩu còn lại trong một vùng trũng hình yên ngựa 800m về phía đông-đông bắc của pháo đài.
Theo tình báo Pháp lúc đó thì có thể những khẩu sơn pháo này của Trung Quốc vì theo báo cáo của 1 điệp viên ở doanh trại pháo binh ở Long Châu cách biên giới Việt-Trung khoảng 40km, thì một số pháo 75 đã được di chuyển khỏi đây vào ngày 20/5 và trở lại vào ngày 31/5. Nhưng theo những tin tức gần đây, có lẽ những khẩu 75mm trên thật ra là những khẩu sơn pháo của Nhật và Pháp do các cựu lính Pháp và Nhật điều hành.
Ngay vào đầu trận đánh, đại úy Casanova, chỉ huy cứ điểm, bị trúng đạn pháo và chết làm cho tinh thần lính bắc phi suy sụp nhanh chóng. Theo tin tức trên bộ đàm và những gì trung úy Fourrier kể lại sau này, các sự kiện xẩy ra như sau:
Những khẩu pháo trong pháo đài nhanh chóng bị vô hiệu hoá, do trời xấu, không quân không thể yểm trợ được.
Ngày 26, vào buổi sáng, 2 chiếc tiêm kích thuộc phi đội I/5 "Vendee" bắt buộc phải bay thấp và chậm trên cứ điểm bị trúng đạn phải trở về Lạng Sơn trước khi tham gia trận đánh.
Chiều hôm đó, tầng mây cao hơn, một nhóm khác của phi đội, cùng với phi đội II/5 "Ile de France" phải đối phó với những làn súng máy dầy đặc của Việt Minh, kết quả là 9 máy bay trúng đạn phải hạ cánh khẩn cấp xuống Lạng Sơn.
Đại úy Brun, người chỉ huy mới của cứ điểm, trước sự thúc ép của hạ cấp, phải bỏ cứ điểm vào 2giờ 15 đêm 26-27 để đi về phía đoàn cứu viện đến từ Thất Khê. Theo lời của trung úy Jaubert chỉ huy lô cốt "Pagodon" thì tình hình chưa đến mức nguy ngập đến nỗi phải rút lui.
Hầu như tất cả những người trong đoàn quân rút lui về Thất Khê đều bị chết, mất tích hoặc bị bắt. Trên con số 419 quân nhân, trong đó có 8 sỹ quan ở Đông Khê, có 14 bị chết và 185 mất tích. Đại úy Brun bị bắt và xuất xuật hiện lại ở trại tù binh số 1 vào năm 1951.

Ngày 27/5/1950
Cứ điểm Đông Khê được lấy lại vào buổi chiều sau 2 giờ chiến đấu và 1 cuộc nhẩy dù táo bạo của tiểu đoàn 3 biệt kích dù thuộc địa (3BCCP) do thiếu tá Decorse chỉ huy và được 25 chiếc Kingcobra của phi đoàn 25 yểm trợ. Tổn thất của lính dù cũng rất nhẹ : 1 chết, 1 mất tích, 2 bị thương và 8 tai nạn dù. Từ đó xẩy ra việc chủ quan của cấp chỉ huy ở Đông Dương. Theo lời của 1 sỹ quan cao cấp lúc đó "Anh thấy không, chúng ta chỉ cần 400 lính dù là có thể đuổi được hàng ngàn bọn Việt Minh".
Thực ra có một số sỹ quan cũng hiểu được vấn đề. Sau trận đánh viên chỉ huy cứ điểm Lạng Sơn gặp đại úy Ốt-xa-ret-xơ, sỹ quan phòng nhì trực thuộc tiểu đoàn 3 biệt kích dù thuộc địa, có nói "Đây là 1 thành công lớn!", Aussaresses trả lời "đây là một kỳ diệu lớn thì đúng hơn!".
Thật ra phía Việt Minh trong trận này đã có sai lầm nghiêm trọng. Theo trung tá Đặng Văn Việt, vì các phương tiện liên lạc thô sơ phía Việt Minh, mệnh lệnh đã không được vận chuyển đúng lúc. Vài tuần trước, một viên cán bộ thuộc bộ tham mưu đã đưa mệnh lệnh trên cho trung đoàn để chuẩn bị tấn công Đông Khê, trung đoàn đã sẵn sàng phát triển đội hình xung quanh cứ điểm nhưng vẫn chưa có lệnh trên cho tấn công. Qua điện đàm, trung đoàn không thể liên lạc được với Giáp, vì thế viên cán bộ trên đã chủ động phát triển trận tấn công. Đặng Văn Việt làm theo bài bản 1 trận công đồn : pháo kích, xung phong, diệt chốt, thu dọn chiến trường rồi rút lui. Nhưng khi tiểu đoàn dù nhảy xuống, trong cứ điểm chỉ còn lại 2 đại đội của tiểu đoàn đang kết thúc việc vận chuyển chiến lợi phẩm, phần lớn của trung đoàn đã ở quá xa để có thể trở lại kịp thời.
Viên cán bộ đã bị cách chức, chuyển xuống làm chiến sỹ, Đặng Văn Việt cũng bị gọi về ATK khiển trách.
Ngày 31/5, tiểu đoàn dù rút về Hà Nội, tiểu đoàn 8 Ta-bo (bộ binh bắc phi) được đưa vào Đông Khê thay thế.

Trung đoàn trưởng trung đoàn 174 Đặng Văn Việt - Người Pháp gọi ông là "Đệ tứ quốc lộ đại vương"
Ngày 5/6/1950, Sài Gòn
Sau điều tra của bộ chỉ huy quân đội viễn chinh, do tướng Marchand, phó của Alessandri điều hành. Ông ta sau này có viết trong 1 bài báo: "Ngày 25 tháng 5, các đơn vị phòng thủ Đông Khê, trước sự tấn công của 4 tiểu đoàn địch được ủng hộ bở vài khẩu pháo, đã bỏ chạy khỏi cứ điểm không chiến đầu và không tổn thất, vì suy sụp tinh thần."

Mùa mưa 1950 ở Hà Nội
Không quân lần đầu tiên thử những loại vũ khí mới: rốc-két và Na-pam. Đặc biệt bom Na-pam được đánh giá rất cao bởi các phi công.

Tháng 6/1950
Tin tình báo cho biết phía Việt Minh đã ký kết 1 thoả thuận hợp tác với Trung Quốc. Một mặt, viện trợ của Trung Quốc sẽ tăng nhanh, mặt khác Trung Quốc sẽ mở các trại huấn luyện bộ binh cho Việt Minh trên đất Trung Quốc.

Ngày 14-15 tháng 6 1950
Vào 4 giờ sáng, chiến tranh Triều Tiên bắt đầu.

18 Tháng 8 năm 1950, Sài Gòn
lệnh tối mật của tướng Các-păng-chiê cho tướng Alessandri ở Hà Nội:
"Từ những gì đang xẩy ra ở Triều Tiên, để cảnh giác trước 1 cuộc tấn công của quân Trung Quốc xuống Bắc Kỳ... các căn cứ Cao Bằng và cụm Lạng Sơn-Đồng Đăng sẽ được quyết thủ không lui... Các cứ điểm Thất khê, Nà Chảm, Lộc Bình, Đinh Lập, Tiến Yên phải được phòng thủ vững nhưng có thể bỏ nếu bị uy hiếp tràn ngập. Những đồn bốt khác có thể bỏ nếu bị tấn công để tập trung lại quân lực càng nhiều càng tốt..."

Ngày 2/9, Sài Gòn
mệnh lệnh trên thay đổi, theo yêu cầu của thanh tra tối cao Pignon : Cao Bằng sẽ không được tử thủ nữa và sẽ phải rút lui, cứ điểm Đông Khê cũng vậy.
Tướng Carpentier để cho viên chỉ huy Bắc Kỳ quyết định về đường rút lui. Lúc đó Alessandri đang ở Pháp vì thế việc chọn do phó của ông ta là Marchand thực hiện. ông ta chọn con đường số phận : đường số 4. Sau này Charton có nói : "Nếu người ta cho tôi rút về theo đường số 3, và đoàn đi cứu lên gặp chúng tôi ở Chợ Mới cách Thái Nguyên 40km thì có lẽ mọi việc đã yên ổn"

Ngày 6/9/1950, Đông Khê
2 đại đội lê dương thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 le dương từ Thất Khê lên thay thế đơn vị Ta-bo.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười, 2007, 07:53:50 pm gửi bởi dongadoan » Logged
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #2 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2007, 10:44:51 pm »

Ngày 13/9, Lạng sơn
Tướng Marchand, đến Lạng Sơn gặp viên chỉ huy căn cứ, đại tá Constans và viên chỉ huy Cao Bằng, trung tá Charton. Theo viên tướng, các căn cứ phải chuẩn bị chương trình bỏ Cao Bằng nhanh chóng, một khi có lệnh trên. Trong cuộc nói chuyện, Đông Khê không được nhắc tới.

Ngày 15/9, Thất Khê
Thiếu tá Bedo, chỉ huy tiểu khu Thất khê, gửi 1 bức điện cho Constans: "nhiều dấu hiệu cho thấy địch có vẻ sắp tấn công Thất Khê, yêu cầu chuẩn bị 1 tiểu đoàn dự bị phản kích". Theo tài liệu thông tin của phòng nhì, quân chủ lực Việt Minh đã hành quân về phía bắc từ nhiều tuần nay từ vùng hậu phương truyền thống trong hình chữ nhật Thái Nguyên-Tuyên Quang-Chiêm Hoà-Bắc Cạn. Đầu tháng 9, nó đã bắt đầu hành quân vào phía nam, giữa đường số 4 và biên giới Việt-Trung.
Ở Thất Khê lúc bấy giờ chỉ có 2 đại lê dương thuộc trung đoàn 3, 1 trung đội kỵ binh thợ săn bao gồm 2 xe bọc thép nhẹ cùng với 1 trung đội pháo 105. Tất cả khoảng 400 người.

Tuần thứ 2 của tháng 9
Các đơn vị VM đã được lệnh tấn công Đông Khê bắt đầu tập trung trong các núi đá vôi xung quanh thị trấn.
- Phía bắc và phía đông : trung đoàn 174 và 2 tiểu đoàn độc lập, tiểu đoàn 426 "Liên Khu" và tiểu đoàn 11 "Phủ Thông", cùng với 6 khẩu pháo 70 và 75, 4 khẩu SKZ 57 của trung đoàn pháo binh 95.
- Phía nam, từ 16/9, trung đoàn 209 của đại tá Lê Trọng Tấn sẽ phải có mặt với những khẩu pháo của trung đoàn pháo binh 178. Nhưng đến sáng ngày 16, những đơn vị này vẫn chưa đến nơi.

Khác với trận tấn công Đông Khê lần thứ nhất, lần này Giáp đã huy động cả đại đoàn 308 ở đằng sau, sẵn sàng chiến đấu giữa đường số 4 và vùng biên giới. Chẳng hạn trung đoàn 36, ngày 16 đã có mặt ở điểm Nà Kéo, cách đường số 4 600m-800m, sẵn sàng phục kích các đơn vị Pháp đi lên từ phía Thất Khê.

Ngày 16/9, Sài Gòn
Mệnh lệnh đặc biệt tối mật số 46 của tướng Carpentier gửi cho tướng chỉ huy ở Hà Nội :
"Tôi quyết định rút tất cả các đồn bốt ở Cao Bằng và Đông Khê. Thành phố Cao Bằng sẽ được rút lui hoàn toàn một khi chiến dịch tấn công lên Thái Nguyên bắt đầu vào 1 ngày gần ngày 1/10 nhất có thể được... Ngày của cuộc rút lui khỏi Cao Bằng sẽ do tư lệnh vùng Bắc Bộ quyết định theo tình hình chung và chậm nhất là vào ngày 15/10..."
Về tiến trình rút lui : " Các đơn vị ở Cao Bằng sẽ được củng cố bằng 2 tiểu đoàn Ta-bo đến bằng đường không. Cũng bằng đường không, thường dân trẻ em, người già và phụ nữ sẽ được đưa về Lạng Sơn. Những người đàn ông sẽ rút bằng đường bộ với quân đội. Đường rút lui sẽ là đường số 4, cùng với các đơn vị đồn trú ở Đông Khê... Chỉ có các đồ đạc quý giá và nhẹ mới được vận chuyển bằng máy bay. Những vật liệu và quân dụng khác sẽ được phá huỷ tại chỗ..."

Sáng ngày 16/9 năm 1950, Đông Khê, 6 giờ 30
Một trận pháo kích lớn đổ xuống những trận địa Pháp ở đây. Bốt phía đông cách pháo đài 200m rơi đầu tiên, vào 10 giờ 30.

Ngày 16/9, Cao Bằng
Trung tá Charton, chưa nhận được lệnh của cấp trên, vẫn giựa vào những thông tin của tướng Marchand cho ông ta cách đây 3 ngày. Ông ta chưa biết những do dự của bộ chỉ huy cấp cao, nhưng từ sáng đến giờ, ông ta biết rõ một thứ : " Tiến pháo nổ vang liên tục ở phía nam! chắc là ở Đông Khê ( cách 32km đường chim bay, 46km theo đường số 4), lần này có vẻ rất nghiêm trọng..."


Ngày 16/9/1950, Lạng Sơn
Bộ chỉ huy của đại tá Constans, chỉ huy trung đoàn 3 lê dương và các đơn vị đồn trú ở vùng biên giới đông bắc, người nhận của mệnh lệnh số 46, trước tình hình mới bất ngờ, phản ứng ngay.
Ông ta lúc này có trong tay 1 liên đoàn bộ binh bắc phi do trung tá Le Page chỉ huy:
- Tiểu đoàn 1 Ta-bo do đại úy Feaugas chỉ huy bao gồm 856 lính, 15 sỹ quan và 54 hạ sỹ quan.
- Tiểu đoàn 11 Ta-bo của thiếu tá Delcros, 860 lính, 14 sỹ quan, 50 hạ sỹ quan.
- Tiểu đoàn giã chiến của trung đoàn 8 bộ binh nhẹ Ma-rốc của thiếu tá Arnaud, 706 lính, 17 sỹ quan, 119 hạ sỹ quan.
- Tiểu đoàn 3 Ta-bo của thiếu tá de Chergé, 850 lính, 16 sỹ quan, 50 hạ sỹ quan. tiểu đoàn sắp được chở đến Cao Bằng bằng máy bay trong vòng 48 giờ nữa để chuyển cho Charton.
Tiểu đoàn 1 Ta-bo của đại úy Feaugas, lúc đó đang ở Đồng Đăng, đã nhanh chóng đi về phía Nà Chàm trước khi đườn bị các đơn vị bộ đội địa phương VM làm tắc hoàn toàn.

Chiều 16/9, Đông Khê
quân Việt Minh tập trung tấn công vào phía bắc và đông của pháo đài. Trung đoàn 209 đi lạc đường chỉ đến nơi vào buổi chiều. Nhưng vào 21 giờ một phần khu đồn phía nam cũng bị xâm nhập.

Đêm 16-17/9, Đông Khê
Trận pháo kích tiếp tục suốt đêm. Điểm cao "Montmartre" bị bọn Việt chiếm được. Điểm cao này cao 50m, nằm ở cạnh phía bắc của pháo đài. Vào 4 giờ sáng quân Việt Minh cho đặt ở đây những khẩu 75 để bắn trực tiếp vào các vị trí phòng thủ còn lại trong pháo đài.

Ngày 17/9, Binh đoàn Le Page
Trừ tiểu đoàn 1 Ta-bo, binh đoàn Le Page bị chặn lại ở vùng núi vôi Thà Lại, cách Đồng Đăng 5km. Đơn vị đi đầu, tiểu đoàn 3 ta-bo bị rơi vào 1 ổ phục kích. Kết quả 5 chết, 16 bị thương.

Ngày 17/9, Thất Khê
Đợt đầu của tiểu đoàn dù lê dương số 1 do thiếu tá Segretain chỉ huy được thả xuống phía đông pháo đài.

Ngày 17/9, Đông Khê
Tình hình trở nên rất khó khăn, trong pháo đài, hệ thống phòng thủ lê dương bị cắt ra làm đôi. Vào cuối buổi sáng, 1 chiếc Morane vẫn quan sát cờ tam tài bay trên pháo đài.
Trung sỹ nhất Rajault, phi công thuộc phi đội 3/6 "Roussillon" đồn trú ở Gia Lâm trên chiếc P63 Kingcobra 599, trong một đợt rải đạn yểm trợ cho pháo đài đã bị bắn rơi ở phía nam Đông Khê.
Cuối ngày hôm đó, trước sự chống cự của những người lính lê dương, cuộc tấn công dừng lại một thời gian. Vào 18 giờ 30, tướng Hoàng Văn Thái, chỉ huy trực tiếp trận đánh hạ lệnh tổng tấn công.

Đêm 17-18 tháng 9, binh đoàn Le Page
Le Page qua được Thà Lại, chạy thẳng 12km đến Nà Chảm.
Ở Đông Khê, trận đánh xẩy ra suốt ban đêm.

Ngày 18/9, Đông Khê
Trung tâm của hệ thống phòng ngự của pháp ở Đông Khê đã thất thủ. Đại úy Jeaugeon cùng khoảng 20 lính lê dương trốn thoát được về Thất Khê ngày 24/9. Đại úy Allioux, chỉ huy cứ điểm, bị bắt cùng với số còn lại.

Ngày 18/9, Cao Bằng
theo lệnh của Charton, 1 đại đội lính hỗ trợ người bản xứ cùng 1 trung đội lê dương theo đường số 4 về phía Đông Khê. Ngày 18, sau khi được tin Đông Khê thất thủ, toán lính này được gọi về. Vào tối ngày 18, Charton vẫn mù tịt về các quyết định của cấp trên về việc của ông ta.

Ngày 18/9, Sài Gòn
tướng Carpentier cùng tướng Marchand nghiên cứu tình hình cùng với tướng không quân Hartemann vào buổi trưa. Đông Khê thất thủ vừa làm biến mất khỏi đội hình 250 lính lê dương tinh nhuệ.
Carpentier có vẻ luống cuống, và ông ta quyết định đẩy ngày rút lui khỏi Cao Bằng sớm hơn, vào ngày 29/9. "Như vậy có nghĩa là phải bắt đầu cuộc hành quân lên Thái Nguyên 3 ngày sớm hơn, ngày 26 với toàn bộ phương tiện, và nếu có thể là với 7 tiểu đoàn"
Tướng Carpentier đã quá tin tưởng mũi nhử này. Toàn bộ quân chủ lực VM đã theo chương trình của họ lên vùng đường số 4, dù họ có muốn, thì trong vài ngày cũng không thể trở Thái Nguyên được.

Logged
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2007, 11:55:28 pm »

Một vài sơ đồ về CZ Biên Giới của Cục Quân huấn:
1. Quyết tâm:


2. Diễn biến chiến đấu ở Cốc Xá:



Do hơi khó scan nên các bác chịu khó xem hình nhăn nheo, lủng củng một tí. Cheesy
Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
vo quoc tuan
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2007, 12:09:06 am »

Thêm một số hình ảnh khác:
- Bộ chỉ huy chiến dịch:

 Từ trái qua: Bùi Quang Tạo, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm.

- Toàn cảnh Đông Khê:


- So sánh lực lượng:


- So sánh kết quả một số trận đánh chủ chốt:
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười, 2007, 07:38:09 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2007, 01:23:24 pm »

Số Tây "bị thương" ở Cốc Xá và 477 có phải là bọn được ta trao trả ở Thất Khê không nhỉ.

Bảng này chắc chưa tính mấy trận ở Khau Luông, Trọc Ngà gần Đông Khê trước khi binh đoàn Le Page rút về Cốc Xá.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2007, 10:04:10 pm »

À, nhân tiện chiangshan hỏi, post một bức ảnh về trao trả tù binh tai Thất Khê:

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
banzua
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2008, 06:01:25 am »

Ngày 18/9, Lạng Sơn
Ngay sau cuộc họp, tướng Các-păng-chi-ê lấy ngay máy bay đi Lạng Sơn mà ông ta đến vào xế chiều để bàn bạc với đại tá Constans. Ông ta ra lệnh rõ ràng là chiến dịch rút lui khỏi Cao Bằng phải được giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả với các binh đoàn trưởng Charton và Le Page.
Thời gian khi Charton nhận lệnh cho tới khi chiến dịch bắt đầu phải càng ngắn càng tốt. Phương châm của tướng Các-păng-chiê cho chiến dịch này là "bí mật, bất ngờ, không nặng nề".
Theo Các-păng-chiê, điều tiện nhất là Cao Bằng phải được sơ tán vào ban đêm. "Charton sẽ đi đến gặp Le Page, sau khi binh đoàn này đã chiếm lại Đông Khê" ông ta có nói. Chiến dịch chiếm lại Đông Khê có thể bắt đầu vào ngày 29/9 "nhưng nó có thể chịu được một chút co giãn" theo lời ông ta. Như thế có nghĩa là đại tá Constans nhờ cái "co giãn" đó có thể có thể tuỳ nghi chỉ định theo thời tiết và tình hình chuyên chở đường không đến Cao Bằng của các tiểu đoàn ta-bo.
Như vậy cũng có nghĩa là Charton không thể tự quyết định ngày giờ bỏ Cao Bằng, nếu không có lệnh của Constans.

Ngày 18/9, binh đoàn Le Page
Trong cả ngày 18, những chiếc xe của đoàn vận tải 516 thay nhau chở binh đoàn Le Page đến đồn "41 Đông" cách Lạng Sơn 46-47km, tức là đã qua Nà Sầm 15km. Le Page bỏ lại 2 khẩu pháo ở đồn Nà Sầm, vì từ đồn 41 chở đi, đường số 4 trở nên khó khăn cho xe cộ.
Tất nhiên, mặc dầu không có lệnh nhưng Le Page cũng đã đoán được mục đích cuối cùng của cuộc hành quân là đi đón Charton sắp bỏ Cao Bằng. Tối ngày 18, các đơn vị cuối cùng của Le Page đến chỗ tập trung. Vào 22 giờ, binh đoàn Le Page bắt đầu rời đồn 41 bằng chân.
Cũng ngày hôm đấy, những chuyến máy bay vận tải thả xuống Thất Khê phần còn lại của tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1BEP)

Ngày 19/9, binh đoàn Le Page
Binh đoàn đến Thất Khê an toàn vào buổi sáng sau 1 cuộc hành quân 20km trong đêm.

Ngày 19/9, Cao Bằng
Các-păng-chi-ê hạ cánh xuống Cao Bằng. Ông ta cho Charton biết việc tiểu đoàn 3 ta-bo đang được chở đến Cao Bằng sau trận phục kích ở Thà Lài. Đơn vị này là tiểu đoàn tiếp viện duy nhất cho Charton trong 2 tiểu đoàn mà Các-păng-chiê đã dự định trong mệnh lệnh 46.
Mặc dầu Các-păng-chi-ê không nói với Charton những gì ông ta đã nói với Constans, nhưng tất nhiên Charton cũng đoàn được ý định sắp bỏ Cao Bằng của cấp trên. Nhưng chính sự không nói đó, dẫn đến việc Charton vẫn không biết được rằng cuộc phương châm nhanh gọn của cuộc rút lui. Chính vì thế mà sau khi Các-păng-chi-ê đã đi về, Charton có gửi 1 bức điện cho ông ta yêu cầu việc không vận chuyển vợ con lính bản xứ đi Lạng Sơn nữa để giữ tinh thần cho họ.

Ngày 20/9, Hà Nội
Các-păng-chi-ê, chuẩn bị về Sài Gòn, có gặp Alessandri, vừa từ Paris về. Theo Alessandri, 1 quân nhân có rất nhiều kinh nghiệm về Đông Dương và chống lại việc bỏ Cao Bằng, cuộc nói chuyện đã trở thành 1 cuộc tranh cãi quyết liệt. Nhưng cuối cùng, ông ta cũng phải tuân lệnh cấp trên.

Ngày 19/9 đến ngày 1/10, ở Thất Khê
binh đoàn Le Page đồn trú ở đây trong vòng 10 ngày. Không một cuộc hành quân nào được quyết định về phía Đông Khê. Chỉ có vài cuộc tuần tra xung quanh Thất Khê được tiến hành nhưng không có kết quả nào cả, ngoài 1 cuộc càn quét vào Po Ma. Ở đây toán đi càn đã phục kích được 1 nhóm Việt Minh trang bị vũ khí nặng, giấy tờ tìm thấy trên xác 1 sỹ quan pháo binh VM cho thấy phần lớn quân chủ lực VM cũng đang ở trong vùng : hàng chục tiểu đoàn trong đó có một số pháo binh, khoảng 12 tiểu đoàn vừa mới được huấn luyện ở Trung Quốc trở về.
Vào 17 giờ ngày 23/9, những tin tức này được gửi về Lạng Sơn, Hà Nội và Sài Gòn, nhưng không một viên chỉ huy Pháp nào đã chú ý đến thông tin này.

Những tuần cuối cùng của tháng 9, phía việt Minh:
Tình hình bắt đầu cho thấy rõ ràng rằng việc tiêu diệt Thất Khê là mục tiêu sau đó của tướng Giáp. Trong thời gian 12 ngày khi binh đoàn Le Page đi qua Thất Khê, tướng Giáp đã liên tục củng cố vị trí của mình chỉ cách thị trấn có vài giờ đường. Phần lớn của lực lượng chủ lực việt Minh bao gồm đại đoàn 308, trung đoàn 209 và trung đoàn pháo binh 95 tập trung trong vùng núi giữa biên giới TQ và đường số 4 kéo dài từ dẫy Nà Kéo cho đến dẫy Nà Mộc Ngần xung quanh Bôg Bạch và Pô-ma, trên một hành lang khoảng 12-13km.
Những đơn vị này, mà phía chúng ta có thể gọi là "lực lượng tổng trù bị" (Reserve Generale), được ủng hộ bởi những đơn vị địa phương của Liên khu Việt Bắc bao gồm các tiểu đoàn 428, 888, 426. Trong các tài liệu của tướng Gras và Erwann Bergot, có nói đến 1 tiểu đoàn 246, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc đó phía Việt Minh không có tiểu đoàn 246 nào ngoài tiểu đoàn địa phương 426 trên, tiểu đoàn này đã cùng với trung đoàn 174 của Đặng Văn Việt tấn công Đông Khê. Chỉ đến năm 1951 mới có 1 trung đoàn 246 được thành lập.
Những cuộc không sát xuống Đông Khê đều cho thấy lá cờ của Việt Minh đang bay trên đỉnh pháo đài, nhưng hầu như không thấy có dấu hiệu quân sự nào xung quanh đó. Các đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ thị trấn đều đã ẩn tránh trong vùng rừng núi lân cận. Việc trực tiếp phòng thủ cũng không còn là dẽ dàng trong một nơi đã từng là Đông Khê, nhưng hiện nay đã trở thành một nơi giống pháo đài Douaumont [pháo đài Pháp bị phá hủy bởi pháo binh Đức trong trận Verdun] sau các cuộc ném bom và pháo kích.
Trung đoàn 174, sau khi đã giải quyết Đông Khê, vẫn cùng với tiểu đoàn 426 và 4 khẩu 75mm, được lệnh cấp tốc hành quân xuống phía nam Thất Khê, vượt qua thị trấn bằng phía tây. Mục tiêu của nó là để cắt đường số 4 giưa Thất Khê và Nà Sầm, sẵn sàng tiêu diệt các đồn bốt vẫn còn đóng rải rác trên con đường này đến Lạng Sơn. Lúc này phòng 2 của chúng ta đã hoàn toàn mất tin tức về trung đoàn 174. Nhưng cùng một lúc nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Minh đang chuẩn bị 1 trận đánh lớn, các làng mạc xung quanh Thất Khê đều vắng tanh, dấu hiệu cho thấy họ đã được điều động đi làm dân công cho Việt Minh.
Trong một tài liệu tối mật được gọi là "Cantal", do 1 điệp viên của phòng nhì ở Trung Quốc gửi qua sứ quán Pháp ở Đài Loan, có đề:
"Ngày 13/9, 300 lính pháo binh cùng với 1 số lượng súng không xác định được đã đến từ Vân Nam qua ngã Hà Giang trên đường số 2.
- Ngày 14/9: lính Việt Minh thao tập bắn trên 6 khẩu cao xạ ở Trừng Sỹ gần biên giới.
- Ngày 20/9 : 70 tấn gạo được tích trữ ở biên giới trong đó có 30 tấn đến trực tiếp từ TQ. Khoảng 300 lính TQ vượt biên giới với 6 khẩu cối 60.
- Ngày 22/9 : 1500 lính Việt Minh đến đóng ở 1 vị trí cách Long Châu 17km về phía bắc. 1500 lính VM khác đóng cách Đồng Đăng 5 km về phía bắc.
- Ngày 29/9 : một trạm điện đài của TQ liên lạc liên tục với các trạm của Việt Minh gần Cao Bằng, Bắc Cạn và Tà Lùng. Các ngày 4, 7, 10, 11 tháng 9, những đoàn xe tải khoảng 20 xe chở hàng về phía Việt Nam qua Trùng Khánh phủ. Ở các bệnh viện Long Châu và Fa Tong, có hàng trăm thương binh Việt Minh được chữa trị"
Ngoài ra, trong những ngày trước, cũng theo nguồn tin trên, tổng cộng khoảng 10.000 lính Việt Minh đã vượt lại biên giới. con số này tương đương với số lính của đại đoàn 308 vừa mới được huấn luyện trên đất TQ.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2008, 06:48:52 pm »

Lão banzua bỏ bê cái topic này lâu quá.


Trận tiến công địch ở điểm cao Trọc Ngà
Của dBB29/eBB88/fBB308
Ngày 2-10-1950


I. Tình hình chung

1. Địa hình


Núi Trọc Ngà nằm trong dãy điểm cao phía nam Đông Khê thuộc huyện Thạch An, Cao Bừng, độ cao 400m, độ dốc từ 45-60o, trên đỉnh và sườn phía tây là đồi trọc, chân núi và ba sườn phía bắc, đông, nam có cây cối rậm rạp. Núi Trọc Ngà thuộc địa hình núi cao rừng rậm, có vị trí chiến thuật quan trọng khống chế đường số 4, xung quanh có nhiều rừng cây tiện cho ta giấu quân và cơ động lực lượng.


2. Tình hình địch

Sau khi mất Đông Khê, để cứu nguy cho binh đoàn Sác-tông ở Cao Bằng bị cô lập, sau 10 ngày cân nhắc địch bất ngờ đưa binh đoàn Lơ-pa-giơ lên chiếm giữ dãy điểm cao ưu thế về địa hình ở phía đông đường số 4, nam Đông Khê nhằm đón và hợp quân với binh đoàn Sác-tông rút từ Cao Bằng về Thất Khê, Na Sầm nhằm bảo toàn lực lượng. Binh đoàn Lơ-pa-giơ gồm 4 d rải quân từ Khâu Luông xuống Trọc Ngà.

Tại Trọc Ngà địch bố trí 1 c lính Ma-rốc thuộc d Ma-rốc số 1. Quân số gần 120 tên, có 1 đại liên, 3 trung liên.

Hoả lực chi viện: trận địa pháo 4 khẩu ở Nà Pá và KQ chi viện khi cần thiết.

Công sự trận địa: địch mới chiếm điểm cao, đang triển khai đào công sự.

Kết luận: điểm mạnh của địch là lính Ma-rốc đã qua chiến đấu, được trang bị tốt, có KQ và PB chi viện. Điểm yếu là công sự sơ sài, tác chiến trong thế bị động, tinh thần hoang mang sa sút.


3. Tình hình ta

Sau khi ta tiêu diệt Đông Khê, fBB308 bố trí lực lượng ở đông đường số 4 (cận nam Đông Khê) sẵn sàng đánh lực lượng ứng cứu của địch từ phía sau lên. Sau hơn 10 ngày phục kích, hết gạo ăn, ta phải tổ chức cho bộ đội đi lấy gạo cách vị trí đóng quân 30km. Đúng lúc đó binh đoàn Lơ-pa-giơ bất ngờ xuất quân chiếm giữ dãy điểm cao phía đông đường số 4 ở cửa ngõ nam Đông Khê. Các đơn vị thuộc fBB308 được lệnh gấp rút tổ chức bao vây tiến công tiêu diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ.

dBB29 gồm 3 cBB (217, 219, 221) và 1 c trợ chiến 223 do d trưởng Hùng Sinh và ctv Phạm Chí Nhân chỉ huy. Quân số biên chế hơn 400 người nhưng chỉ có mặt ở trận địa hơn 200 người (1/2 quân số đi lấy gạo chưa về kịp).

dBB29 là đơn vị có nhiều thành tích, đã qua nhiều trận đánh, vừa cùng e và f trải qua một giai đoạn huấn luyện quân sự, học tập chính trị khá cơ bản và được bổ sung thay thế vũ khí tương đối đồng nhất, bộ đội có quyết tâm cao.

Đơn vị bạn liên quan: phía bắc eBB36 đang chuẩn bị đánh địch ở Khâu Luông, điểm cao 663.


II. Tổ chức chuẩn bị chiến đấu

1. Nhiệm vụ


08.00 ngày 2-10-1950, dBB29 được giao nhiệm vụ:  được 2 pháo 75mm chi viện, tổ chức tiến công gấp đại đội Ma-rốc ở Trọc Ngà, chiếm lĩnh trận địa khống chế đường số 4, chia cắt binh đoàn Lơ-pa-giơ với địch ở phía sau, sẵn sàng phát triển lên phía bắc phối hợp với đơn vị bạn đánh bộ phận còn lại của d Ma-rốc số 1.


2. Tổ chức chuẩn bị chiến đấu

08.00-09.00 ngày 2-10, triệu tập hội nghị chỉ huy các đơn vị, quán triệt nhiệm vụ phổ biến kế hoạch tác chiến của d, tổ chức trinh sát nắm địch, chuẩn bị đường tiến quân.

09.00-11.00, tổ chức biên chế lại lực lượng, dồn quân của các đơn vị cho đủ biên chế từng b, giao cho cán bộ c phụ trách, phổ biến nhiệm vụ, bổ sung vũ khí. Đồng thời tổ chức đón số quân lấy gạo về, biên chế lập đội dự bị, tiếp tục đưa vào vị trí chiến đấu.

11.20, dBB29 đã làm xong các công tác chuẩn bị.


3. Cách đánh

Triển khai lực lượng tiến công địch trên 2 hướng, bí mật tiếp cận, triển khai đội hình hàng ngang, khi có lệnh đồng loạt nổ súng xung phong.


4. Sử dụng lực lượng

Thê đội 1: cBB219 tiến công trên hướng chủ yếu (hướng đông), cBB221 tiến công trên hướng thứ yếu (đông nam).

Thê đội 2: cBB217 bố trí phía sau thê đội 1 khoảng 100m, sẵn sàng tiến công khi thê đội 1 gặp khó khăn.

C trợ chiến 223 bố trí phía đông đồi Nà Mục, chi viện hoả lực cho BB khi có lệnh.

Bộ phận dự bị: hình thành do lực lượng đi lấy gạo về, tập kết phía đông Nà Mục sẵn sàng tiếp ứng.


III. Diễn biến, kết quả, ý nghĩa

1. Diễn biến


11.30 ngày 2-10-1950, dBB29 bắt đầu hành quân vào vị trí chiếm lĩnh trận địa. Đội hình hành quân hàng dọc theo đường từ bản Xiển đến Trọc Ngà, mỗi đơn vị cách nhau 100-150m. Bộ đội ngụy trang bằng lá cây rừng, bám sát bờ cây ven đường bí mật tiếp cận địch. Trời nắng, máy bay địch luôn có 4-5 chiếc quần đảo ném bom các trục đường mòn từ Bố Trạch, bản Xiển, Bố Luông và các điểm cao hai bên đường 4.

Do ngụy trang kín đáo, ta không bị địch phát hiện.

13.00, d đã tới đông chân núi Trọc Ngà. 13.10, sau khi nắm lại tình hình, d trưởng lệnh cho các đơn vị theo phương án đã định, triển khai đội hình hàng ngang bí mật tiếp cận địch.

13.20, các đơn vị vào xong vị trí xuất phát xung phong cách địch 30-100m, địch đang đào công sự vẫn không phát hiện.

Theo kế hoạch, 13.40 PB bắn chế áp chi viện BB xung phong. Nhưng do thời gian gấp, pháo không kịp vào chiếm lĩnh trận địa. Thấy thời cơ có lợi, d trưởng quyết định không chờ pháo, đề nghị e cho nổ súng. Được e đồng ý, d trưởng phát lệnh xung phong.

13.45, tiếng kèn tiến quân vang lên. Từ tuyến xuất phát xung phong, cBB219 và 221 cùng bật dậy dũng mãnh đánh thẳng vào đội hình địch trên đỉnh đồi. Trước sức tiến công áp đảo của ta, địch đang đào công sự không kịp trở tay, bỏ chạy tán loạn. Chỉ trong vòng 5 phút, dBB29 đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt tại chỗ hơn 50 tên, bắt sống 5 tên trong đó có tên c trưởng.

Bọn địch sống sót chạy xuống sườn núi phía tây ẩn náu, tản mát vào những cánh rừng rậm rạp ven đường 4. dBB29 tổ chức 2 mũi truy đuổi địch diệt thêm một số rồi kết thúc trận đánh.

17.00, sau khi tổ chức chốt giữ trận địa, dBB29 thu quân về vị trí tập kết chờ lệnh.


2. Kết quả

Địch: bị diệt hơn 50 tên, bị thương hơn 30 tên, bị bắt 5 tên; bị ta thu hơn 30 súng các loại.

Ta: hy sinh 3 đ/c, bị thương 5 đ/c.


3. Ý nghĩa

Trận Trọc Ngà là đòn phủ đầu rất kịp thời của fBB308 vào binh đoàn Lơ-pa-giơ. Trận đánh đã làm tan rã 1 c thuộc d Ma-rốc số 1 của địch, chia cắt binh đoàn Lơ-pa-giơ với hậu phương phía sau của chúng. Trận đánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho eBB36 tiến công đánh chiếm Khâu Luông, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn Lơ-pa-giơ trong mấy ngày sau đó của chiến dịch.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2008, 03:28:32 pm »

CHiến lợi phẩm thu được tại Lạng Sơn:
3000 viên đạn 105 ly
1000 viên đạn 155 ly.
Chiến lợi phẩm chiến dịch Biên Giới: Thu được 4 khẩu 105 lý. Vậy pháo 155 ly bị phá hủy? Chắc chắn Pháp nó có lôi 155 ly lên chứ các bác nhỉ
Logged
Trang: 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM