Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:09:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai giết anh em Ngô Đình Diệm?  (Đọc 238119 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #170 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2008, 06:48:38 pm »

ĐÁNH NHAU BẰNG MỒM

  Trung uý Bảo có thể yên tâm và vững tin vào đại đội thuỷ quân lục chiến của Thinh.

  Nhưng vẫn còn một đại đội nữa. Lữ đoàn liên binh cho hai xe thiết giáp tiến về ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đình Phùng, Trung uý Bảo đi sau cùng với 2 sĩ quan lính thuỷ quân lục chiến… Trung uý Bảo dùng hai thuỷ quân lục chiến này nhằm làm nản lòng đại đội của Châu. Lúc ấy đại úy Châu đứng ở gốc cây ngay trước cư xá Air Việt Nam.

  Đại úy Châu cầm khẩu súng lục trên tay còn tay kia thì cầm trái lựu đạn. Lính của Đại úy Châu đều chĩa thẳng mũi súng về phía Trung úy Bảo. Tuy vậy, Trung uý Bảo rất bình tĩnh và phía đằng sau Bảo là hai thiết giáp và lính của Lữ đoàn. Trung uý Bảo lên tiếng : "Tất cả anh em binh sĩ đều phải quay mũi súng ra ngoài không thì sẽ bị tiêu diệt ngay". Nhân chứng hỏi Đại uý Châu: “Ai bảo các anh về đây? Các anh về đây để làm gì?”. Trung uý Bảo nghĩ trong bụng, Châu cũng sẽ trả lời như Thinh nhưng không Đại uý Châu nói lớn tiếng : "Chúng tôi về đây để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Chúng tôi không thể chịu được áp bức ".

  Trung uý Bảo nói gay gắt : “Anh lại đây". Đại uý Châu cũng gay gắt không kém: “Anh lại đây”. Châu vẫn cần lăm lăm trái lựu đạn. Trung uý Bảo cầm chiếc loa. Bảo nói: “Anh muốn chết bỏ mạng à". Châu lại nói : “Anh muốn tự tử sao đây". Hai bên vẫn lời qua tiếng lại . Đang lúc đó thì có phi cơ xẹt qua quạt từng loạt đạn, Trung uý Bảo tiếp tục tấn công bằng lời: “Anh coi... Đại đội của Thinh nó hàng rồi. Chung quanh đây là quân của lữ đoàn… Anh nhìn coi... chỉ cần khẩu đại liên trên lầu kia làm một loạt chéo cánh sẻ cũng cho các anh đi đời". Trung uý Bảo lại nhấn mạnh: "Tốt hơn hết các anh nên hàng đi cho yên chuyện". . . Một sĩ quan khác lên tiếng : “Hàng thế nào được. Tụi tôi về đây lật đổ chế ñoä độc tài gia đình trị".  Trung uý Bảo đáp: “Muốn gia đình trị hay cái gì cũng được. Bây giờ không nói chuyện đó, muốn sống thì hàng đi!”.

  Lúc ấy Đại uý Châu bắt đầu dịu giọng: "Hàng thì tôi không hàng nhưng tôi sẽ tập trung lính lại. Được không?”. Trung uý Bảo vui vẻ trả lời : "Thế cũng được bây giờ anh cho lính của anh tập trung tất cả vào hhu hàng không... ". Châu lại hỏi:" Còn các anh thì sao?”. Cho thiết giáp và lính của anh lui về vị trí cũ tức là phía đường Hồng thập tự.

  Thế là hai đại đội thuỷ quân lục chiến đều án binh bất động. Phía lữ đoàn giải giới chờ khi hữu sự sẽ ra tay. Bộ chỉ huy của lữ đoàn phòng vệ hoạt động không ngừng.
 
  Cho đến lúc ấy thành Cộng hoà đã ăn hàng trăm trái 105 ly. Bộ chỉ huy Liên đoàn phòng vệ không thể nào liên lạc được với Bộ Tổng Tham mưu. thượng sĩ Nguyễn thuật lại: “Ông Duệ phải gọi qua phòng quân cảnh của Bộ Tổng Tham mưu nhờ liên lạc vì ông có người bạn thân ở trong phòng này nên mới nắm được "đầu dây” liên lạc. Thiếu tá Duệ mới hỏi tình hình liên lạc trên ấy ra sao.

  Phía đầu dây trả lời rõ rệt. “Không thấy có gì quan trọng cả. Các ông tướng đang họp. Hiện giờ Bộ Tổng Tham mưu không có lực lượng nào khác hơn mấy chú tân binh ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung”. Thượng sĩ Nguyễn báo cáo lại và đề nghị : “Làm tới đi Thiếu tá. Hốt về đây cho xong chuyện... ". Các sĩ quan Tham mưu bàn định : “Nếu được lệnh thì chỉ cần một chi đội thiết giáp một đại đội ta sẽ tiến dọc theo đường Công Lý. Thủ thì nguy, công mới thành”. Ông Duệ gật đầu cho là phải. Phía đầu dây bên kia, Đại uý tuỳ viên Lê Công Hoàn đáp : “Tổng thống không trả lời. Tổng thống ra lệnh chỉ được phép nổ súng khi nào bị tấn công... ". Ông Duệ và một số sĩ quan Tham mưu đành lắc đầu thở dài, ông lại tiếp tục cuộc điện đàm: "Toa thưa lại với ông Tổng thống cứ cho phép tụi moa đem lực lượng lên đó hốt cho hết, như thế là xong''. Bên đầu dây bên kia, Đại uý Hoàn trả lời : "Tổng thống nhất định không chịu".., Thượng sĩ Nguyễn lắc đầu quay sang bảo ông Duệ : "Thiếu tá thử nói lại lần nữa xem sao... Thiếu tá nói với Đại uý Hoàn trình bày rõ với Tổng thống là bọn mình chỉ lên Bộ Tổng Tham mưu mời các tướng lãnh về dinh họp thôi". Lúc ấy quãng 5 giờ chiều.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #171 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2008, 05:58:13 pm »

DƯỚI HẦM

  Vào giờ ấy tại dinh Gia Long, mấy sĩ quan tuỳ viên vẫn ngồi kế bên Tổng thống Diệm. Trong dinh vẫn còn 3 đường dây liên lạc. Tổng thống Diệm ở dưới hầm . . . Ông Nhu lại cho người mang radio xuống cho Tổng thống nghe để "Cụ rõ thục hư" (lời ông Nhu). Nhưng radio mang xuống hầm lại không nghe được vì không có dây ăng ten từ phía trên xuống. Rồi nhạc quân hành vang vang. Các tướng lãnh lần lượt xướng danh. Những giọng phát ngôn viên nhấn mạnh từng điệp khúc "Lật đổ chế độ độc tài gia đình trị"... Tổng thống Diệm im lặng nghe. Rồi ông Nhu từ trên lầu bước xuống. Hai anh em ông Diệm đều im lặng.
 
  Sĩ quan tuỳ viên vặn cho nhỏ hơn. Nhạc quân hành mỗi lúc một dồn dập. Bốn sĩ quan tuỳ viên có mặt ở dinh đều là những người quanh năm suốt tháng trong dinh và đã trải qua nhiều biến cố như vụ ám sát hụt ở Hội chợ kinh tế Ban Mê Thuột, vụ đảo chính 11-11-1960, vụ ném bom ngày 27-2-1962... Do đó không lấy gì làm xao xuyến cho lắm. Trái lại mỗi lần như vậy họ cảm thấy sống gần Tổng thống Diệm hơn. Nhạc quân hành vẫn vang lên dồn dập. Ông Nhu thì trầm ngâm, giọng nhát gừng : "Mỹ nó bảo làm vậy thì làm vậy... "
 
  Nói xong ông Nhu lại trở lên lầu. Trong khoảng thời gian đó, Đại sứ Cabot Lodge gọi điện thoại nói chuyện riêng với Tổng thống Diệm. Đây là lần thứ hai kể từ lúc 2 giờ chiều. Bốn sĩ quan tuỳ viên vẫn đứng ngồi bên cạnh ông Diệm. Không ai rõ ông Lodge nói gì. . . Tổng thống Diệm trả lời bằng tiếng Pháp đại ý: "Tôi không chấp nhận ... Cảm ơn… Cảm ơn... chúng tôi sẽ thu xếp với nhau... Tôi không tin các tướng đòi hỏi như thê. Cảm ơn, tôi không nhận điều kiện nào hết. . . tôi là Tổng thống nước Việt Nam Cộng hoà !!". Trước khi buông máy, Tổng thống Diệm nói rất chậm, nhấn mạnh từng tiếng một : “Je vous remercie sincèrement...Je ne quitte jamas mon People. . . “.

  Tổng thống Diệm buông máy nhìn một lượt 4 sĩ quan tuỳ viên rồi mỉm cười. Ông lại châm thuốc hút. Ông nhìn Đại uý Hoàn khẽ gật đầu đắc ý về một việc gì rồi lại mỉm cười. Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa hiệu Marconi.

  Trước đó bộ chỉ huy lữ đoàn tại thành Cộng hoà, Thiếu tá Duệ nhận được lệnh từ dinh Gia Long phải chiếm cho kỳ được Đài phát thanh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #172 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2008, 07:38:58 pm »

ĐẢO CHÁNH GIẢ

  Từng loạt đại bác nổ rồi im. Ông họ Trần (cựu Bộ trưởng) mở cửa sổ nhìn ra đường . . . Một vài chiếc taxi lướt qua. Con đường Hồng Thập Tự vẫn yên ắng, không có một bóng dáng quân nhân nào. Vợ ông nói : “Đảo chánh giả mình ạ. Cứ mặc người ta, anh đừng có xớ rớ". Cách đó hơn một tuần ông Trần có vào dinh Gia Long thăm riêng Tổng thống Diệm, lấy cớ đến chúc mừng Tổng thống nhân ngày 23-10. Ông Trần có gặp tướng Đôn ở hành lang dinh. Ông hỏi tướng Đôn: "Tình hình quân sự dạo này có khá không ông tướng? ". Ông Đôn ghé tai nói nhỏ : "Thưa ông bi quan lắm... Việt cộng mở mặt trận khắp nơi. Người Mỹ như muốn bỏ chúng ta". Ông Trần khẽ nhún vai mỉm cười . Hôm ấy ông gặp cả tướng Đính, vẫn vẻ vồ vập niềm nở, tướng Đính nắm chặt hai tay ông.
 
  - Tình hình vùng 3 thế nào?.  Ông Trần hỏi. Ông Đính khoa tay : "Khả quan lắm. Còn Ba Đính ở đây thì Việt cộng không làm ăn được gì hết. Đàn anh cứ tin lời Ba Đính đi!”.

  Ông Trần trở vào phòng nghe radio. Bỗng nhiên chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, ông Smith một viên chức CIA của toà Đại sứ Mỹ gọi đến và nói :"Tình hình rất nguy hiểm tuy nhiên ông Đại sứ Lodge sẽ tìm cách để tránh đổ máu. Ông Đại sứ muốn tôi "tổ chức" một cuộc tiếp xúc riêng giữa ông Đại sứ với ông ngay chiều nay". Viên chức Mỹ cho biết sẽ tới gặp ngay ông Trần.

  Súng vẫn nổ lẻ tẻ. Tiếng xe thiết giáp chuyển dịch rất gần. Ông Trần gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đình Thuần 2, 3 lần, người nhà nói là ông đi vắng. Lúc sau Smith đến thăm ông. Câu đầu tiên của ông Trần gặp Smit: "Thế nào, có đảo chính thật hay không?”. Viên chức này đáp: “Làm thế nào hơn được, cho đến giờ này ông vẫn chưa được biết?”. Ông Trần rút thuốc hút đáp: "Tôi làm sao có thể biết được. Ông Minh và ông Đôn làm vụ này ông có tin là thành công không ?”. Viên chức Mỹ nói với giọng cả quyết: "Tôi không tin họ đủ yếu tố thành công. Bây giờ chỉ là vấn đề thu xếp cho ông Ngô Đình Diệm qua Nhật và ông Nhu đi Châu Âu".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #173 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2008, 05:43:18 pm »

PHÁ ĐỔ VÀ LIÊN TỤC

  Sau đó, viên chức Mỹ đi thẳng vào vấn đề : “Đây là vấn đề nội bộ của Việt Nam Cộng hòa tôi nghĩ rằng cuộc đảo chính sẽ mang lại phép lạ giúp cho nước ông chiến thắng Cộng sản và giải quyết một lần cho xong về vụ khủng hoảng Phật giáo kéo dài đã quá lâu". Ông Trần hỏi:

  "Khi cuộc đảo chính thành công sẽ có một  Chính phủ quân nhân ra đời, các tướng lãnh sẽ trực tiếp lãnh đạo Chính phủ ". Viên chức Mỹ im lặng một lúc lâu rồi gật gù đáp : "Đó mới là vấn đề số 1. Theo tôi các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể hoàn thành được vai trò quân sự của họ. Người Mỹ như tôi đều chủ trương Việt Nam Cộng hòa phải có một Chính phủ dân sự mở rộng tiếp nhận nhiều khuynh hướng nhất là khuynh hướng Phật giáo". Ông Trần mỉm cười:

  “Ông Đại sứ Lodge muốn gặp riêng tôi để làm gì ? Tôi không còn ham thích chính trị”. Smith nói : "Mỹ quốc muốn thấy Việt Nam Cộng hòa ổn định, có một nền dân chủ để chiến thắng Cộng sản, có một xã hội ấm no và tự do. Cuộc đảo chính của tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa là một cơ hội tốt nhưng Chính phủ phải do phía dân sự lãnh đạo và phải do người miền Nam”. Ông Trần không nói gì. Cuộc đối thoại cắt đứt vì có chuông điện thoại. Ông Trần cầm máy nghe. Một Bộ trưởng phía đầu dây bên kia nói với ông: "Thành Cộng hoà và dinh Gia Long bị vây cả rồi. Lúc này ông Quách Tòng Đức (Đổng lý Văn phòng phủ Tổng thống) cũng vào dinh. Nhưng không gặp Tổng thống, ông ấy có gặp Võ Văn Hải và thấy không cần thiết có mặt ở dinh nên về. . . ông ấy có điện thoại cho tôi. . . Tình hình nguy rồi, anh tính sao”. Ông Trần lắc đầu : “Biết làm thế nào".

  Quay sang phía viên chức Mỹ. Ông hỏi: “Người Mỹ thật tình muốn có một Chính phủ dân sự mở rộng ? ". Viên chức Mỹ đáp: "Tôi đảm bảo với ông như vậy. Một Chính phủ có sự tham gia của đảng phái Phật giáo. Bộ Quốc phòng sẽ trao cho quân nhân rồi mở đầu cho giai đoạn mới: Phát triển các cơ sở dân sự dân chủ và cách mạng xã hội". Viên chức Mỹ ra vẻ tâm sự tha thiết: “Cuộc cách mạng sẽ thành công nhưng Phật giáo vẫn là một vấn đề. Tôi nghĩ rằng tướng lãnh của nước ông sẽ không đủ uy tín nắm vững khốí quần chúng. Nếu không có Chính phủ dân sự mở rộng thì tình hình sẽ bị lật ngược và vô cùng rối loạn. Tôi nghĩ rằng phải có một nhân vật miền Nam đứng ra lãnh đạo Chính phủ và Chính phủ này sẽ đảm bảo tính liên tục của guồng máy hành pháp ": ông Trần nhắc lại "Dân chủ và cách mạng xã hội ư? Có thật không?" rồi ông nhếch mép cười hỏi tiếp: “Người Mỹ không tin vào khả năng lãnh đạo của hai ông Đôn, Minh?. Viên chức Mỹ mỉm cười không đáp, bất thần ông ta lại hỏi ông Trần: “Chắc chắn là ông biết rõ khả năng lãnh đao của phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ?”. Ông Trần chưa kịp đáp thì viên chức Mỹ đã hỏi : "Ông có thể giúp Phó Tổng thống Thơ hoàn thành được vai trò ấy chứ? ".

  Có một tiếng nổ lớn, ông Trần nhìn ra ngoài cửa sổ. Phía bên kia đường, lính đứng lố nhố ở sau gốc cây. Một chiếc thiết giáp đậu ngay trước cửa nhà ông. Rồi tiếng đại bác nổ chát chúa. Người nhà ông Trần, một sĩ quan trong đại đội cận vệ từ dinh Gia Long gọi điện thoại về cho biết: “Tình hình rất yên. Chỉ có thành Cộng hoà bị pháo kích. Tổng thống đang ngồi hút thuốc lá bàn chuyện với mấy sĩ quan tuỳ viên".

  Viên chức Mỹ lại tiếp tục cuộc mạn đàm (có chủ ý). Ông ta nói : Hai ông ấy (ông Diệm và ông Nhu) đã đi qúa sâu vào con đường trung lập. Tôi sẽ cho ông coi hồ sơ để xem ông Nhu đã móc nối với Nguyễn Hữu Thọ và Phạm Văn Đồng như thế nào”. Ông Trần lắc đầu khẳng định: "Tôi không bao giờ tin như vậy... Tổng thống Diệm là một người chống Cộng". Viên chức Mỹ lại hỏi:" Nếu nói rằng Tổng thống Diệm chống Cộng sao lại có những cán bộ Cộng sản ở ngay bên cạnh Tổng thống? “ Ông Trần hỏi :”Đó là những ai xin ông cho biết? ". Smith trả lời: "Tôi không cần nói chắc ông cũng hiểu?”. Ông Trần thở dài, ông hoàn toàn không thể hiểu người Mỹ đang tính toán những gì. Nhưng chắc chắn Tổng thống Diệm đã làm phật lòng người Mỹ không ít. Vào cuối năm 1961, Tổng thống Diệm đã lấy làm khó chịu khi có một giới chức Mỹ thuộc cơ quan USOM đã đề nghị với chính quyền Việt Nam Cộng hòa nên thu hồi bệnh viện Grall còn trong tay người Pháp. Rồi lại một giới chức Mỹ khác đề nghị cải tổ giáo dục Việt Nam Cộng hòa theo chiều hướng của Mỹ. Tổng thống Diệm đã khước từ những đề nghị như thế. Và ông Diệm còn khước từ một "đề nghị" nữa từ phía Mỹ: yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho Mỹ sử dụng căn cứ Cam Ranh. Đề nghị này, không chính thức nhưng Đại sứ Nolting cũng đã "ướm lời dò ý" trong cuộc đi viếng vùng Tràm chim với Tổng thống Diệm cùng một số Bộ trưởng như giáo sư Trương Công Cừu... Tháng 3-1963, Đại tướng Harkins lại một lần nữa ngỏ lời qua ngả tướng Khánh, nhưng Tổng thống Diệm trước sau đều khước từ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #174 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2008, 10:54:44 am »

  Viên chức Mỹ và ông Trần lại tiếp tục nói chuyện. Phe đảo chính tiếp tục tiến hành công cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Nhu vẫn trông đợi Sư đoàn 7BB của Đại tá Bùi Đình Đạm và Quân đoàn IV của tướng Cao. Sáng ngày 1-11, tướng Cao đang đi thị sát cuộc hành quân tại vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Khi nghe tin Sài Gòn có biến ông vội vã về Cần Thơ. Nhưng tại bộ Tư lệnh quân đoàn, phe đảo chính đã ra tay từ trước. Có thể nói cuộc đảo chính đã diễn ra ngay tại Bộ Tư lệnh. Tướng Cao ngồi tại Bộ Tư lệnh lúc ấy cũng chỉ làm vì. Vì quyền binh thực sự của quân đoàn đã nằm trong tay Trung tá Hạnh (Nguyên Tham mưu trưởng của tướng Minh lớn trong chiến dịch rừng Sác) Tham mưu trưởng quân đoàn cùng với Thiếu tá Tuấn trưởng phòng II quân đoàn đã được phe đảo chính móc nối từ trước. Khi tướng Cao về thì sự đã rồi. Ông bị cô lập ngay từ phút đầu tuy nhiên sĩ quan kể trên vẫn để ông thong dong nhưng không xảy ra việc gì cả. Từ Sài Gòn, Đại uý Bằng có cấp báo cho tướng Cao nhưng ông Cao lảng đi . . . Rồi án binh bất động. Lúc ấy chỉ còn Sư đoàn 9 Bộ binh của Đại tá Bùi Dinh nhưng sư đoàn này đang hành quân tại Kiến Hoà, một số quân còn lại tại bộ Tư lệnh sư đoàn từ Sađéc kéo về tiếp cứu Sài Gòn nhưng về đến Bắc Mỹ Thuận thì bị trung đoàn 109 (sư đoàn 7) của Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh cầm chân.
 
  Về sư đoàn 7, có thể nói là sư đoàn được ông Nhu chú trọng bậc nhất. Đại tá Đạm đã bị thay, theo dự định ngày 2-11 sẽ bàn giao chức vụ cho Đại tá Lâm Văn Phát. Lấy cớ trận Ấp Bắc bị thua nhiều người đã dèm pha và ngỏ ý với Tổng thống Diệm nên thay thế Đại tá Đạm. Tướng Đôn cũng nhiều lần đề nghị với Tổng thống Diệm như vậy. Một vài nhân viên tình báo Mỹ cũng cố ý dèm pha để Tổng thống thay ông Đạm vì họ tin rằng ông Đạm là người sống chết với chế độ nếu loại được ông Đạm thì sư đoàn 7 không có gì đáng lo ngại.
 
  Cũng như trước đó, sư đoàn 7 thuộc quyền quân đoàn IV của tướng Cao, một số giới chức Mỹ tìm mọi cách đề nghị với Tổng thống Diệm chấp thuận cho tướng Đôn tách sư đoàn 7 ra khỏi quân đoàn IV và đặt sư đoàn này dưới quyền của tướng Đính thuộc quân đoàn III, đó là một xếp đặt mưu tính khá công phu (ngày 30-10 sư đoàn 7 và khu chiến thuật Tiền Giang giã từ quân đoàn IV). Khi cử Đại tá Phát thay thế Đại tá Đạm, ông Nhu không nghi ngờ gì cả vì Đại tá Phát cũng là chỗ “người trong nhà”.

  Sáng ngày 1-11 Đại tá Lâm Văn Phát chưa nhậm chức mới vì theo dự định ngày 2, ông Phát mới có mặt ở Mỹ Tho.

  Sự thực thì Đại tá Có cố tìm cách trì hoãn ngày nhận nhiệm vụ Tư lệnh sư đoàn của Đại tá Phát để dễ dàng nhảy xuống nắm sư đoàn này. Đáng lý Đại tá Phát xuống Mỹ Tho từ ngày 31 sau khi ông từ Huế về, ông ra Huế để chúc mừng sinh nhật ông Cậu nhưng Đại tá Có cho biết, trước khi xuống Mỹ Tho Đại tá Phát phải vào trình diện tướng Đính nếu không thì kẹt lắm! Mặt khác tướng Đính cố kéo dài thời gian không cho ông Phát trình diện trước ngày 1.
 
  Đại tá Có đặt chân xuống phi trường Tân Hiệp lúc 12 giờ 30. Trung tá Tư đã túc trực tại đây và đưa ông về thẳng sư đoàn. Trước đó bộ chỉ huy nhẹ cùng với bộ phận an ninh của Đại tá Có gồm 3 xe có quân cảnh tháp tùng đã xuống Mỹ Tho bố trí sẵn. Đại tá Có mang theo thư tay của tướng Đôn gửi cho Đại tá Đạm, ông Có cho mời ông Đạm vô Bộ Tư lệnh... ông Đạm bị bắt giữ ngay từ lúc đó. Cuộc đảo chính tại sư đoàn thế là xong. . . Đại tá Có gọi gấp Thiếu tá Lộ, Trung đoàn trưởng trung đoàn 12 (ở Gò Công) về Mỹ Tho trình diện. Thiếu tá Vũ Lộ đều không hay biết gì cả. Khi về Bộ Tư lệnh trình diện ông mới vỡ lẽ Đại tá Nguyễn Hữu Có thay thế Đại tá Đạm chứ không phải Đại tá Phát. Đại tá Có chỉ thị cho Thiếu tá Lộ điều quân về Mỹ Tho nhưng các tiểu đoàn của trung đoàn 10 đã biệt phái qua Kiến Hoà nên quân số trung đoàn chỉ còn hơn một đại đội, mặt khác trung đoàn II của Thiếu tá Lộ cũng nhận được lệnh án ngữ từ cầu Bến Lức trở lên (mãi tối ngày 2-11, trung đoàn này mới kéo quân vào Sài Gòn để giữ an ninh cho thủ đô).

  Như vậy sư đoàn 7 đã nằm gọn trong tay Đại tá Có. Riêng ông Tỉnh trưởng Mỹ Tho, Thiếu tá Đinh Khắc Bình bị cô lập ngay lúc đó (vì ông Bình đã từ chối khi ông Có tìm cách móc nối vào cuối tháng 10).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #175 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2008, 11:21:30 am »

  Tại dinh Gia Long ngay từ lúc 2 giờ ngày 1-11 đã tìm cách liên lạc với sư đoàn 7, Sài Gòn ra lệnh gọi thẳng cho Thiếu tá Thanh, Lộ, Lến nhưng đều vô hiệu, đường dây đã đứt rồi. Dinh Gia long vẫn còn hy vọng nơi Thiếu tá Nguyễn Ấm, Tham mưu trưởng sư đoàn 7 mà trước đây khi ở miền Trung vào nhận chức, ông Ngô Đình Cẩn đã dặn kín với viên Bí thư Đảng bộ Cần lao tại Lữ đoàn liên binh phủ Tổng thống : "Nếu Sài Gòn có biến gọi Đạm không được thì phải bằng mọi cách liên lạc với Ấm...”. Nhưng ông Ấm hoàn toàn bất lực vì sư đoàn đã nằm gọn trong tay Đại tá Có.

  Những người trong cuộc từ hai phía đều cho rằng, nếu Đại tá Có không lẹ tay nắm quyền chỉ huy sư đoàn 7 thì chỉ nội chiều ngày 1, sư đoàn 7 đã có mặt tại Sài Gòn với 2 đường tiến quân. Một là từ Mỹ Tho- Sài Gòn, một từ Gò Công - Chợ Lớn băng qua cầu Nhị Thiên Đường. Với sự có mặt của hai trung đoàn 11 và 12, phe đảo chính khó lòng thành công. Đại tá Có đã đóng một vai trò quyết định về mặt trận phía Tây. Chính mặt này Tổng thống Diệm cũng như ông bà Nhu luôn luôn quan tâm và cho rằng sư đoàn 7 BB là một sức phản công hữu hiệu nhất khi Sài Gòn có đảo chính. Phe đảo chính đã quan tâm như vậy cho nên ông Có được lệnh phải tốc chiến tốc thắng. Khi cô lập được Đại tá Đạm, ông Có ra lệnh cho tất cả các phà phải tập trung sang phía bắc Mỹ Tho để các đơn vị sư đoàn 9 và trung đoàn 12 không còn phương tiện nào để băng qua sông. Hải quân ở Mỹ tho cũng được lệnh rút tất cả các tầu về tập trung tại đây. Ngoài ra Đại tá Có còn nắm được thêm trung đoàn 2 thiết giáp do Thiếu tá Tòng Bá chỉ huy. Khoảng 3 giờ dinh Gia Long gọi trung đoàn này về tiếp cứu thì trung đoàn đã nằm gọn trong tay phe đảo chính.

  Cả buổi chiều tại dinh Gia Long, ông Nhu vẫn tin ở thế thắng của mình nhưng có điều, không biết ông Nhu mưu lược như thế nào song mỗi lần gặp biến (như vụ 11-11-1960) khi phải lựa chọn một quyết định cuối cùng, Tổng thống Diệm quay sang hỏi ông Nhu: "Chú tính như thế nào?”. Ông Nhu đáp “Anh làm Tổng thống thì anh quyết định chứ tôi có làm Tổng thống đâu?”.

  Chiều ngày 1-11-1963 tuy ông Nhu đóng vai trò chủ động song ông vẫn không có một quyết định nào dứt khoát... ông Nhu lại được tin trung đoàn 11 BB từ Long An sẽ về tiếp cứu. Cho đến lúc này, ông Nhu vẫn chưa biết Đại tá Có đã nắm được sư đoàn. Trong khi đó, Tổng thống Diệm lại cho ghi âm lời hiệu triệu đại cương trong đó nói rằng, đồng bào hãy bình tĩnh, quân đội tránh đổ máu, luôn luôn phải đề phòng Cộng sản. Các đơn vị quân đội và địa phương quân đâu ở đó để lo công việc chống Cộng, tuyệt đối phải dồn mọi nỗ lực đề phòng Cộng sản xâm nhập và tất cả phải bình tĩnh đợi lệnh của thượng cấp.

  Một chiếc xe Jeep phóng như lao trên đường Thống nhất, quặt vào thành Cộng hoà. Viên sĩ quan đến gặp Thiếu tá Duệ trao cuộn băng ghi âm bản hiệu triệu của Tổng thống Diệm. Viên sĩ quan này nói : "Cụ ra lệnh bằng cách nào phải chiếm lại đài phát thanh và Thiếu tá phát thanh ngay bản hiệu triệu của Tổng thống". Thành Cộng hoà lại gọi lên dinh cho biết đã nhận được cuộn băng và thi hành lệnh ngay. Trước đó Trung uý Xuân đã đem quân lên chiếm Đài cùng với một chi đội thiết giáp cho biết : "Gần đến nơi, tụi tôi thấy Trung tá Thiệu chỉ huy trưởng thiết giáp. Bọn này mừng quá, tưởng là Trung tá Thiệu đem quân đến tiếp ứng".

  Trung tá Thiệu vẫn được coi là "người trong nhà" của chế độ nên còn ai dám nghi ngờ (ông Thiệu vốn là bí thư Đảng Cần Lao tại binh chủng thiết giáp thuộc quân khu ủy). “Trung tá Thiệu giơ tay vẫy chúng tôi lại... Ai dè mắc mưu, mãi sau mới biết mình "hố" to. Nếu không có cái vẫy của ông ta chúng tôi đã lấy được Đài".

  Vì nghe theo Trung tá Nguyễn Văn Thiệu nên cả hai chi đội cùng sáp vô đoàn của phe đảo chính. Sau đó, chi đội này được đưa lên xa lộ. Không biết nghĩ sao, đêm mùng 1, hai chiếc thiết giáp tự động xé lẻ tiến về Sài Gòn với ý định tiếp cứu dinh Gia Long.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #176 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2008, 05:40:00 pm »

  Bộ chỉ huy lữ đoàn liên tiếp ra lệnh hối thúc Trung uý Xuân phải chiếm cho kỳ được Đài Phát thanh. Ông Xuân vẫn không dám tiến hơn, xin tiếp ứng. Trung sĩ Lung thuật lại : "Mục tiêu chính yếu của chúng tôi lúc ấy là chiếm đài. Anh em thuỷ quân lục chiến kể như là bạn rồi ". Thiếu tá Duệ cho gọi Trung uý Bảo vào nhận lệnh và trao cho ông Bảo cuộn băng “Dầu anh có phải hy sinh thì cũng phải đi ngay bây giờ". Xuân nó lo việc chiếm Đài xong việc đầu tiên là anh cho phát thanh ngay. Tôi cho trung sĩ Trí theo anh”.

  Trung uý Bảo đáp :"Từ đây lên Đài gay quá xin Trung tá cho tôi vài thiết giáp để mở đường". Thiếu tá Duệ đáp: “Anh vào sở thú hỏi Đại uý Lễ, thiết giáp ở trên đấy cả, còn chần chừ gì ?”. Chiếc xe Jeep của Trung uý Bảo lại rồ ga qua sân đường Thống Nhất rồi vào sở thú. Lúc ấy trong thành Cộng hoà, quân số không tới 100 người lính.
 
  Để tránh pháo kích, bộ chỉ huy cho một đại đội đến đóng ở dinh Đại tướng Tỵ. Lễ nói: "Ở đây là an toàn nhất vì chắc chắn phe đảo chính sẽ không dám pháo kích vào tư dinh của Đại tướng". Một đại đội khác lúc ấy đóng ở sở thú, chung quanh trường Trưng Vương, Võ Trường Toản và Nha trong tiểu học.
 
  Sau khi chỉ thị cho Trung uý Bảo đưa cuộn băng hiệu triệu lên Đài Phát thanh, Thiếu tá Duệ liên lạc thẳng với Bộ Tư lệnh sư đoàn 7.

  Cuộc điện đàm giữa thành Cộng hoà và sư đoàn 7 chỉ vắn tắt có mấy lời :

  - Thành Cộng hoà: Anh Ấm đấy à - Duệ đây. Anh cho quân về gấp.

  - Sư đoàn 7: Vâng Ấm đây... tôi không biết là thế nào nữa anh ạ. Lúc này khó lắm.

  Điện thoại cúp ngang. Cũng vào khoảng thời gian này Trung tướng Đôn điện thoại cho Đại tá Có gởi quân tăng cường cho phe đảo chính. Ông Có cấp tốc gởi trung đoàn 12 và trung đoàn 2 BB về Sài Gòn nhưng vẫn còn nghi Thiếu tá Lến trung đoàn trưởng. Trên đường tiến quân về Sài Gòn - Thiếu tá Lến phải ngồi chung xe với Thiếu tá Bá và ông Bá mới là chiến đoàn trưởng. 

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #177 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2008, 05:41:10 pm »

ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN

  Khi Trung uý Bảo đến sở thú gặp Đại uý Lễ và xin cho thiết giáp đi theo lên đài, ông Lễ cho biết: "ở đây bọn này làm gì có thiết giáp. Vỏn vẹn có 80 mạng thiết giáp ở đâu ra?”. Trung uý Bảo gọi về bộ chỉ huy xin chỉ thị mới nhưng Thiếu tá Duệ dằn giọng: "Dù không có thiết giáp cũng phải liều mạng mà đi. Phải sống chết với cuộn băng đó". Cũng giờ phút này trên dinh Gia Long chia ra làm 3 bộ phận. Bộ chỉ huy quân sự đứng đầu là Thiếu tá Lạc, Thiếu tá Hưởng. Bộ phận đầu não vẫn là ông Nhu bên cạnh là ông Cao Xuân Vỹ. Bộ phận bên cạnh Tổng thống Diệm có vẻ bình thường. Theo Đại uý Hoàn : “Bọn tôi vẫn vui như Tết. . . quây quần quanh Tổng thống có tôi, 3 sĩ quan tuỳ viên khác và ông già Ân". Lúc đầu thì có y sĩ Đinh Xuân Minh, Trung tá Kỳ Quan Liêm, ông Võ Văn Hải đến thăm ông Diệm rồi ra về, ông Quách Tòng Đức cũng thế. Tổng thống Diệm hút thuốc lá liên miên. Theo Đại uý Hoàn lúc đầu Tổng thống Diệm dao động sau bình tĩnh ngay. Ông Nhu thì trầm ngâm, mặt đen xạm, trán nhăn nheo. Ông gọi điện thoại cho Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu: “Toa liên lạc ngay lại với các ông Bộ trưởng, dặn các ông Bộ trưởng là phải ẩn một nơi đừng lên Bộ Tổng Tham mưu tụi nó đánh 1ừa đó ".
 
  Về việc chiếm Đài Phát thanh thì Trung uý Bảo, Trung sĩ Trí liều mạng vọt xe qua ngã Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn từ xa Trung uý Bảo đã thấy nòng một khẩu dại bác đang chúc xuống ở thế bắn ngang. . . khẩu đại bác này đặt trong vòng  thành Nha An ninh quân đội. Bảo biết ý nên ra lệnh cho tài xế rồ hết ga vọt bạt mạng . Một tiếng nổ véo, chiếc xe Jeep của Bảo bị bắn nổ lốp sau. Chiếc xe chao đi chao lại như con hổ bị thương. Nhờ tài xế vững tay lái nên xe không bị lật, Bảo và Trí nhảy xuống xe và chạy thục mạng về phía Đài Viễn thông. Hai người leo qua tường nhảy bắn vào cây chuối, ông Bảo té nhào nằm ngất xỉu trong ít phút. Hai người lại hè nhau chạy thục mạng về phía Đài rồi lẩn vào phía cửa sau. Cửa vẫn đóng kín mít. Hai người lại chạy ngược ra cửa trước. Một sự im lặng ghê rợn chết chóc. Một vài người lính của lữ đoàn giơ tay vẫy ông Bảo chạy về phía đó. Trung uý Xuân đang đứng trước cửa tiệm phở 44, phố xá vắng teo.

  Một vài cánh cửa sổ hé mở, dân chúng ngấp nghé quan sát. Hai thiết giáp của lữ đoàn đậu phía trước đài khoảng cách khá xa.
 
  Trung uý Bảo chưa hiểu rõ tình hình. Ông Xuân nói : "Tụi nó đang ở trên đó" . Bảo hỏi : "Sao không đánh vô, còn chờ gì?" . Xuân ngập ngừng lắc đầu. Cánh quân của Trung uý Xuân trước đó đã lấy được Đài một cách ngon lành nhưng lại chỉ chiếm được tầng dưới.
 
  Sau này, Đại tá Phạm Ngọc Thảo thuật lại: Lúc ấy ông chỉ có vào khoảng trên một tiểu đội. Khi thiết giáp và lực lượng của lữ đoàn kéo đến lính của ông Thảo rút hết lên lầu. “Thấy các toa đến, tụi này hoảng quá đi. Lúc ấy chỉ cần một trung đội cứ xông vô đại, tụi toa đành khoanh tay chịu chết" .
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #178 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2008, 04:31:47 pm »

TRÊN LẦU, DƯỚI NHÀ

  Lúc ra đi, Trung uý Xuân cũng như ông Bảo, ông Trí đều được dặn dò:

  - "Thay đổi được tình hình hay không là do chỗ chiếm được hay không chiếm được Đài Phát thanh ".

  Từ dinh Gia Long ông Nhu bóp đầu nhăn trán vì Đài Phát thanh vẫn chưa chiếm được. ông bảo một sĩ quan tuỳ viên:

  “Phải tìm mọi cách chiếm cho bằng được. . . Nếu không các địa phương sẽ mất hết tinh thần. Cứ để đài Phát thanh nói mãi như thế thì các đơn vị rồi đây sẽ theo bọn nó hết".
 
  Trung uý Xuân gọi về thành Cộng hoà cho biết: "Bọn nó rút hết lên lầu rồi. Tầng dưới bỏ không". Một sĩ quan đề nghị dùng hoả lực tấn công trước, bắn cho sập lầu hai. Trung uý Bảo không đồng ý : "Mục đích của mình là chiếm Đài để cho phát thanh ngay lời hiệu triệu của Tổng thống. Bắn sập, hư hết máy móc thì còn làm được cái gì".
 
  Mọi người cứ dùng dằng mãi, ông Nhu thì trông ngóng. Giữa lúc ấy tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phan Đình Phùng có hai ba xe Jeep của Trung tâm Vạn Kiếp (Vũng Tầu) thuộc quyền Trung tá Vĩnh Lộc. Trung uý Bảo thấy khả nghi, tiến lại hỏi : "Trung uý Thơm phải không? Đi đâu mà coi bộ quân lương mang theo đầy đủ vậy?". (Thơm là sĩ quan phòng IV của Trung tá Vĩnh Lộc). Ông Thơm nói :

  "Bọn này đi công tác...".  Sau này Trung uý Bảo mới biết, toán quân của Thơm cũng có phận sự về chiếm Đài Phát thanh. Lúc ấy tại Bộ chỉ huy thành Cộng hoà, Thiếu tá Duệ nhận được lệnh tại dinh Gia Long : "Phải hết sức bình tĩnh tránh đổ máu với thuỷ quân lục chiến.. Phải chờ lệnh Tổng thống...đang thu xếp, điều cần là phải lấy lại được Đài Phát thanh". Bộ chỉ huy thành Cộng hoà gọi về dinh Gia Long : "Xin Tổng thống qua dinh Độc Lập... Tránh pháo kích ... Nếu Tổng thống cho lệnh xin bỏ ngỏ thành Cộng hoà và rút hết về dinh Độc Lập".
 
  Đại uý Lê Cung Hoàn tại dinh Gia Long cho Thiếu tá Duệ biết : "Kể từ 5 giờ chiều trong dinh không còn một nhân vật dân sự nào. Theo lời Tổng thống mấy nhân vật dân sự đều rút hết sau khi vấn an Tổng thống".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #179 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2008, 07:04:43 pm »

TRONG CƠN ĐAU

  Đại uý Hoàn hỏi Đại uý Thọ: "Ông chú của cậu (Đại tá Đỗ Mậu) đã theo đảo chính rồi mà ...cậu tính thế nào? Thọ còn ngơ ngẩn chưa biết nói sao thì Đại uý Hoàn lên tiếng: "Việc đó đã xảy ra như thế, thôi bây giờ mày về nhà đi. Nếu đảo chính thành công thì không nói làm gì. Nếu thất bại mày yên trí có tao ở trong này đảm bảo cho mày". Đại uý Đỗ Thọ suy nghĩ một lát rồi mới nói: "Tôi chả đi đâu hết sống chết cũng ở bên cạnh Tổng thống. Chú tôi, ông ấy phản Tổng thống thì mặc ông ấy, tôi đâu có dính dấp gì. Mỗi người mỗi phận". Thọ nói tiếp với Hoàn : "Chị ruột tôi theo Cộng sản tôi còn chả bị Tổng thống nghi ngờ huống chi ông Đỗ Mậu... Tôi không làm chính trị, cũng chẳng đảng phái chi hết. Tôi theo Tổng thống là tôi theo trung thành đền phút chót". Đỗ Thọ mồ côi mẹ, chỉ có hai người anh em trai mà anh ta phải nuôi dưỡng. Chị ruột Đỗ Thọ là một người có nhan sắc thì đã theo Cộng sản.
 
  Lúc đầu, khi nổ súng, người trong dinh đã có ý nghi ngờ Đỗ Thọ nhưng sau đó thì không ai quan tâm. Thọ tâm sự với Hoàn: "Nếu tôi theo phe đảo chính thì tôi ở nhà chứ mang thân vào đây làm gì?”.

  Cùng vào khoảng giờ này (5 giờ ngày 1-11) Bộ chỉ huy tiểu đoàn 34 biệt động quân đang tập trung ở bến Tầu Sài Gòn đợi lên đường đi Dục Mỹ, bất ngờ nhận được lệnh của dinh Gia Long phải cấp tốc đem quân về bảo vệ Tổng thống. Nhằm vào ngày lễ, đơn vị lại ở trong tình trạng chờ ngày lên đường nên các sĩ quan không có mặt tại Bộ chỉ huy ngoài Chuẩn uý Anh. Nhận được lệnh chuẩn uý Anh hoàn toàn bối rối vì không biết phải làm như thế nào? Tiểu đoàn trưởng là Đại uý Sơn Thương lại không có mặt tại đơn vị. Rồi muốn tiến quân thì xe đâu mà chuyển. Dinh Gia Long lại ra lệnh : “Phải tìm mọi cách, hãy trưng dụng tất cả xe cộ của thông tin vận binh hiện đang có mặt tại bến tàu. Nếu không thì trưng dụng taxi, xe tải... ". Chuẩn uý Anh vác súng đến thông tin vận, mặt khác cho tiểu đoàn tập họp.

  Do một tình cờ hiếm hoi, ông Anh là một Chuẩn uý lại trở thành đơn vị trưởng "tạm thời" của Tiểu đoàn. Chuẩn uý Anh cảm thấy vô cùng hào hứng vì bỗng nhiên Anh lại có cơ hội ngàn vàng để thi thố tài năng. Sau khi đã trưng dụng được xe và tập hợp xong Tiểu đoàn, chuẩn uý Anh gọi lên dinh Gia Long xin cho thiết giáp xuống mở đường.
 
  Khoảng 6 giờ, lính biệt động quân của tiểu đoàn 34 đã lố nhố quanh vùng Catinat, Lê Lợi cho đến lúc ấy Đại uý tiểu đoàn trưởng và các sĩ quan đã có mặt đầy đủ tại đơn vị và tiến hành cuộc hành quân tiếp ứng dinh Gia Long. Sơn Thương nguyên là một sĩ quan nhảy dù và rất quen với chiến trận, cho nên, cuộc tiến quân đối với ông ta coi như cuộc đi chơi dạo. Viên Hạ sĩ cận vệ của đại đội trưởng, tay cầm súng, chạy lao lên hàng đầu.

  Cánh quân đang lặng lẽ nép hai bên hè phố tiến về phía đường Lê Thánh Tôn. Viên hạ sĩ nói với Trung uý đại đội trưởng: "Lần này cứu được Tổng thống thế nào thày trò mình cũng có cái mề đay đeo chơi". Cánh quân được lệnh dừng lại. Hai người ngồi dưới gốc cây chuyện trò như không có gì quan trọng.

  Hạ sĩ Bồng tâm sự: Làm lính trong Dinh cực lắm anh ơi. Người anh tôi cũng ở trong đó. . chỉ muốn xin ra đơn vị chiến đấu mà không được.
 
  Mỗi tháng cho tôi thêm mấy ngàn tôi cũng xin chịu... Ai dại gì chôn chân trong bốn bức tường. Lại không được ân huệ gì. Tôi thí dụ trường hợp anh chàng Thượng sĩ Vệ người bạn của anh tôi": "Cái luật gia đình của bà Nhu gì mà kỳ cục quá. Thượng sĩ Vệ trong lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống lại là nạn nhân của luật gia đình. Nhân dịp biệt phái ra Huế anh chàng Vệ tằng tịu với một cô gái sông Hương... Nói đúng hơn anh ta bị người đẹp cho vào mê hồn trận. Sau đó, gia đình nàng bắt lập hôn thú nếu không sẽ làm lớn chuyện. Lính trong dinh rất sợ những vụ đó sẽ đến tai Tổng thống cho nên anh chàng Thượng sĩ Vệ phải nhắm mắt. Rồi ít lâu bị đổ bể, anh ta bị truy tố ra toà án quân sự Huế về tội song hôn. Toà phạt 3 tháng tù và bị giam ở quân lao Mang Cá Nhỏ. Mãn tù trở về lực lượng phòng vệ, lữ đoàn cho giải ngũ lập tức. Hiện giờ Vệ đang bị thất nghiệp, giải ngũ lại mang án thì làm sao kiếm được công việc!".  Hạ sĩ Bồng đang chuyện trò thì có lệnh di chuyển, một toán biệt động quân tiến lên... rẽ vào đường Lê Thánh Tông để tiếp ứng dinh Gia Long. Bỗng một loạt đại liên nổ vang. Bốn biệt động quân ngã quỵ.
 
  Thấy lính trong dinh nổ bất tử làm thiệt 4 mạng, Đại uý Sơn Thương nhào lên vẫy tay. Phía biệt động quân hô lớn "Quân mình đó đừng có nổ súng, biệt động quân về cứu Tổng thống". Lúc ấy lính trong dinh mới vỡ lẽ.
 
  Tiểu đoàn của Sơn Thương được chỉ định về bố trí tại vùng bưu điện. Cả đêm 1-11 tiểu đoàn này bất động vì không có lệnh đánh ai cả. Phía quân đảo chính cũng không tấn công. Phía dinh Gia Long cũng chỉ cho biết "cứ nằm đó đợi lệnh". Phe đảo chính được mật báo có tiểu đoàn 34 biệt động quân đang án ngữ vùng bưu điện nên tờ mờ sáng ngày 2-11, tướng Đôn viết một thư tay gởi cho Đại uý Sơn Thương. Đại ý chiêu hồi Sơn Thương đứng về phe đảo chính. Dĩ nhiên lúc ấy tiểu đoàn biệt động quân theo ngay vì mọi sự đã xong. Sau này, các tướng tá tham gia đảo chính đều được tưởng thưởng mỗi người một cấp. Sơn Thương thì không. Trong thư gởi cho Đại uý Sơn Thương tướng Đôn có hứa tưởng thưởng cho biệt động quân nếu tiểu đoàn này theo đảo chính do đó Sơn Thương khiếu nại. Đại uý Sơn Thương được thoả mãn ngay để gọi là công lao đảo chính được chia đều. Riêng có Chuẩn uý Anh thì lao đao... Sau phải lãnh mấy chục ngày trọng cấm vì tội dùng khí giới để áp đảo và trưng dụng xe của thông vận binh.

  8 giờ tối, Thiếu tá Duệ ở thành Cộng hoà nhận được cú điện thoại của Tổng thống Diệm. Đại ý Tổng thống ngỏ lời cảm ơn sự trung thành của các quân nhân thuộc lữ đoàn. Tổng thống Diệm nói : "Vào giờ phút quyết liệt này Tổng thống mới rõ ai là người tốt, ai là người xấu. Tổng thống hêí lòng cảm ơn các con đã bảo vệ Tồng thống”. Sau đó thành Cộng hoà nhận được tin Tổng thống Diệm và ông Nhu đã ra đi.

  Bây giờ thì như rắn mất đầu, biết nghe lệnh ai? Trước đây sĩ quan cao cấp trong lữ đoàn đã hỏi Tổng thống Diệm nếu khi có biến, gặp đến lúc không có Tổng thống và ông Nhu thì hỏi lệnh ai, họ được chính Tổng thống Diệm căn dặn: “Khi có biến nếu không có Tổng thống hay ông Nhu thì xin lệnh của tướng Đính hay tướng Khiêm ".
 
  Khoảng 9 giờ thành Cộng hoà bị pháo kích như mưa. Con số bị thương đã lên đến 30 người tức là gần nửa quân số chiến đấu. Thượng sĩ Nguyễn cho biết : "Thiếu tá Duệ cho họp các sĩ quan tại bộ chỉ huy và hỏi ý kiến nên giữ thành hay bỏ thành?”. Một số thì yêu cầu rút lên dinh Gia Long. Nguyễn thì cho rằng : "Cứ ở mãi trong thành sẽ chết hết vì pháo kích ".

  Một sĩ quan phòng II lên tiếng : 'Nếu ở lại cố thủ chiến đấu thì cũng được, nhưng cho đến giờ phút này có đạo quân nào của phe đảo chính tấn công mình đâu ? Vậy thì đánh với ai, chi bằng “chém vè" để tránh pháo kích. Hơn nữa Tổng thống đã đi rồi còn giữ thành làm chi". Mấy hạ sĩ quan khác lại cho rắng: "Tuy Tổng thống đã ra đi nhung vẫn chưa có lệnh cho bọn mình rút lui, xin Thiếu tá cứ để chúng tôi cố thủ".
 
  Vào khoảng 11 giờ, thành Cộng hoà đã hứng chịu khoảng 400 trái 105 ly.

  Con số bị thương tăng lên 40 người. Bộ chỉ huy quyết định: "Bỏ ngỏ thành Cộng hoà tìm cách di tản thương binh, còn ai muốn đi đâu thì đi. Nếu tìm cách lên được dinh Gia Long là tốt nhất”. Lúc ấy mọi người đã kiệt sức vì chưa ăn gì và không có cả nước để uống.

  Bộ chỉ huy gọi lên dinh Gia Long yêu cầu Thiếu tá Lạc gởi mấy chiếc thiết giáp xuống để mở đường rút lui. Nhưng dinh Gia Long cho biết: “Không thể xuống được, các lối đều bị thiết giáp của phe đảo chính chặn hết rồi". ..

  Khoảng 12 giờ, thành Cộng hòa bỏ ngỏ. Từng tốp, nối đuôi nhau chạy thoát thân dưới làn đạn ... trọng pháo. Duy chỉ có bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cùng mấy y tá, một số thương binh ở lại. Cũng có một số quân nhân và hạ sĩ quan gan dạ nhất định không chịu ra đi. Tổng kết từ 1 giờ 30 đến 9, 10 giờ tối có khoảng 45 quân nhân bị thương và 6 người chết vì trọng pháo.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM