Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:58:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai giết anh em Ngô Đình Diệm?  (Đọc 238382 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #110 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2008, 11:43:53 am »

TƯỚNG DAP CHOUN VÀ 100 KILO VÀNG
CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

  Vụ Dap Choun diễn tiến như thế nào ? Ông Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu trở về Sài Gòn trong chiều hướng mới của Sihanúc đối với Cộng sản Bắc Việt và Campuchia với chiều hướng này sẽ là mối đe doạ lớn cho Việt Nam Cộng hoà. Ông Ngô Đình Nhu chỉ thị nếu không kéo được Sihanúc về phe mình và nếu Sihanúc trung lập thân cộng thì chỉ còn cách mưu đồ hạ bệ ông ta. Ông Ngô Trọng Hiếu đề nghị nên làm một "cú” đảo chính Sihanúc. Về đề nghị này, Tổng thống Diệm hỏi: “Ai có thể làm được ? ". Ngô Trọng Hiếu đáp: "Trình cụ Tướng Dap Choun có thể làm được " . Tổng thống Diệm lại hỏi ông Hiếu: "Vai trò của Dap Choun hiện nay ra sao ? ".

  Ông Hiếu trình bày: "Tướng Dap Choun nắm hết quyền bính tại miền Tây Campuchia, lực lượng phòng vệ tại Hoàng cung Nonpênh đều là tay chân của Dap Choun " Tổng thống Diệm đồng ý:” Ông cứ làm đi, liên lạc với Dap Choun xem sao”.

  Trở lại Campuchia, ông Ngô Trọng Hiếu bắt liên lạc ngay với tướng Dap Choun. Trong một chuyến đi săn tại khu rừng phía Bắc Xiêm Riệt, ông Hiếu đi với Dap Choun và tìm lời ngỏ ý… Tướng Dap Choun đang có chuyện bất mãn với Sihanúc và cho rằng Sihanúc chưa đủ trưởng thành để lãnh đạo. Dap Choun thuộc phe quân phiệt cực hữu Campuchia và ông ta chống lại chủ trương trung lập thân Cộng của Sihanúc. Dap Choun lại có cô vợ bé người Việt mà ông ta đang sủng ái, chính người vợ bé này đã giúp Toà Đại diện Việt Nam Cộng hòa trong nhiệm vụ giao liên để thuyết phục Dap Choun.

  Sau nhiều lần gặp gỡ và thảo luận, Tướng Dap Choun đã đồng ý với Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu về kế hoạch đánh chiếm Campuchia và lật đổ Sihanúc.

  Tướng Dap Choun ngỏ ý, ông cần một số dollars hoặc vàng để làm phương tiện dưỡng quân trong vòng hai tháng. Điều kiện này không có gì quá khó khăn và ông Ngô Trọng Hiếu trở về Sài Gòn trình với Tổng thống Diệm và ông Nhu . Tổng thống Diệm nói đơn giản:

  “Nếu thấy làm được thì cứ làm, tổn phí cũng phải ráng chịu cho nó xong việc".

  Ông Nhu cho mời bác sĩ Tuyến vào phòng để thảo luận cho kỹ lưỡng cân nhắc lợi hại trước khi bắt tay hành động. Kế hoạch này tuyệt đối bí mật không một nhân vật cao cấp nào được biết rõ ngoại trừ Phó Tổng thống Thơ, ông Nhu, ông Tuyến và ông Hiếu. Vấn đề khó khăn nhất là tìm đâu ra 100 kilo vàng để tài trợ cho Dap Choun ? Điều này Tổng thống Diệm trao cho Phó Tổng thống Thơ giải quyết vì ông Thơ còn là Bộ trưởng Kinh tế, nếu rút 100 kilo vàng trong số trừ kim ngân khố sẽ không ai để ý, nghi ngờ và sau đó sẽ tìm cách giải quyết. Phó Tổng thống Thơ đã góp công đắc lực trong vụ này.

  Một trăm kilo vàng được đóng vào thùng, niêm phong cẩn mật và tự tay ông Hiếu lái xe đưa lên Nonpênh, rồi từ đây ông Hiếu dùng xe hơi chở lên tận Xiêm Riệt trao tận tay cho tướng Dap Choun. Trong khi đó thì Phủ Tổng thống cũng gửi lên Xiêm Riệt hai chuyên viên. Hai chuyên viên này đáp máy bay AIR Việt Nam lên thẳng Xiêm Riệt qua lộ trình Sài Gòn - Nonpênh. Hai chuyên viên này không biết mặt ông Hiếu và cũng không rõ Chính phủ Việt Nam toan tính gì.

  Hai chuyên viên vô tuyến ăn ở ngay trong dinh Thống đốc tỉnh Xiêm Riệt. Tại đây, đặt một điện đài liên lạc thẳng với Sài Gòn và Toà đại diện Việt Nam. Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu vẫn tiếp tục liên lạc bí mật với tướng Dap Choun và người em của tướng Dap Choun cũng là dân biểu Quốc hội Tưởng Dap Choun khi nhận được 100 ki lo vàng đã đánh một văn điện cảm ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm và cho biết ông đã nhận được quà biếu. Từ đầu tháng 1-1959 hàng ngày cứ lúc 7 giờ sáng, 12 giờ trưa và 9 giờ đêm, điện đài vô tuyến từ dinh Dap Choun vẫn gửi tin tức đều đặn về cơ quan tình báo Phủ Tổng thống. Phía Dap Choun cũng đã sửa soạn kế hoạch tiến đánh Nonpênh. Lần gặp gỡ cuối cùng giữa Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu nhằm ngày 10-1-1959. Dap Choun cho ông rõ là công việc mưu đồ đang tốt đẹp và hai bên ấn định ngày H sẽ ra tay.

  Tại Sài Gòn, ông Nhu cũng như bác sĩ Tuyến chỉ còn thảo luận về việc đem Sơn Ngọc Thành trở lại Nonpênh. Một khi cuộc đảo chính bùng nổ thì lực lượng Quân khu V và Quân khu II sẽ động binh tiến về biên giới giúp Dap Choun nắm khu vực miền Đông và Đông bắc Campuchia. Sơn Ngọc Thành lại qua liên lạc với chính quyền Thái Lan để hỗ trợ ông ta về phía Tây. Cũng vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan nên ngày H phải trở lại và đó cũng là nguyên nhân làm cho âm mưu bị bại lộ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #111 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2008, 05:39:38 pm »

HAI ĐIỆP VIÊN
VIỆT NAM CỘNG HÒA BỊ XỬ TỬ

  Nếu ngày H theo đúng kế hoạch và thời hạn ấn định thì Sihanúc không kịp trở tay. Như trên đã viết sở dĩ phải lùi lại thêm 10 ngày nữa chỉ vì còn chờ đợi cho Sơn Ngọc Thành đi tiếp xúc với nhà cầm quyền Thái Lan. Trong thời gian này. Có lẽ tướng Dap Choun sơ hở và quá chủ quan cho nên âm mưu đảo chính lọt đến tai toà Đại sứ Pháp. Dĩ nhiên là Pháp phải cấp báo cho Sihanúc.

  12 giờ đêm ngày 21, Đại sứ Pháp cùng Đại sứ Nga vào Hoàng cung gặp Sihanúc và tiết lộ âm mưu đảo chính của Dap Choun. Hai giờ sau, Sihanúc cho lệnh động binh trao cho tướng Lon Non thống lãnh lực lượng Dù mở cuộc tấn công chớp nhoáng thành phố Xiêm Riệt, 6 giờ sáng tướng Dap Choun còn đang ngủ, quân của tướng Lon Non đã tràn ngập thành phố Xiêm Riệp. Dap Choun không kịp trở tay, ông ta cải trang và đã trốn thoát.

  Quân của Lon Non chiếm dinh Thống đốc Xiêm Riệt và bắt được đầy đủ tang vật gồm 100 ki lo vàng, hai chuyên viên Việt Nam và đài vô tuyến cùng một số vũ khí. Khi quân của tướng Lon Non tiến về Xiêm Riệt, toà Đại sứ Việt Nam biết rõ nhưng đành bó tay vì không còn một phương cách nào cấp báo cho Dap Choun.

  Tại Sài gòn theo thông lệ 7 giờ mỗi sáng đều nhận được tín hiệu từ dinh Dap Choun nhưng suốt buổi sáng hôm đó bặt tin. Cơ quan tình báo Phủ Tổng thống đã linh cảm thấy nguy cơ...âm mưu lật đổ Sihanúc chắc là bất thành.

  Ngày hôm sau, Thái tử Sihanúc mời tất cả ngoại giao đoàn lên Xiêm Riệt xem chiến lợi phẩm trong đó có Ngô Trọng Hiếu. Ông Hiếu ở thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi theo phái đoàn Ngoại giao cùng với toàn thể nội các Campuchia. Ngôi sao Lon Non bắt đầu rực sáng. Đó là thành tích huy hoàng của ông đối với Thái tử Sihanúc. Từ thành tích này, tướng Lon Non trở nên một cận thần có thế lực nhất sau Sihanúc.

  Tại dinh Thống đốc Xiêm Riệt, Sihanúc vênh vang đắc thắng nhưng không ngớt lời thoá mạ “kẻ thù dân tộc Khmer" mà Sihanúc không nêu đích danh Việt Nam Cộng hoà nhưng ám chỉ bằng những danh từ "tay sai đế quốc...". Sihanúc trình bày tất cả bằng chứng 100 ki lo vàng và hai điệp viên Việt Nam Cộng hòa cùng Điện đài. Sihanúc quay về phía Ngô Trọng Hiếu và hỏi: "Thưa ngài Đại diện. Ngài nghĩ thế nào về nhũng bằng chúng rõ rệt này". Ông Hiếu cố làm vẻ thản nhiên đáp: “Thưa Thái tử Quốc trưởng chúng tôi đến đây để nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả ".

Ngoại giao đoàn im phăng phắc...Thái tử Sihanúc không biết nói sao nhưng bằng chứng thật rõ rệt, 100 ki lo vàng còn giữ nguyên dấu hiệu của ngân khố Việt Nam Cộng hòa. Hai chuyên viên vô tuyến là người Việt, lại mang theo giấy thông hành Việt Nam Cộng hòa.

  Tuy vậy Sihanúc vẫn không lên án đích danh Việt Nam Cộng hoà mặc dù ông ta đã biết rõ tường tận từ bằng chứng cụ thể đến âm mưu kế hoạch. Khi Ngô Trọng Hiếu và Ngoại giao đoàn được mời đến quan sát hai chuyên viên vô tuyến người Việt (bị trói chặt tay) ông Hiếu đưa tay tát yêu trên má họ và mỉm cười không nói một lời nào. Hai chuyên viên này cũng không biết ông là Đặc sứ của Việt Nam. Ít lâu sau họ bị kết án tử hình và hành quyết ngay.

  Riêng tướng Dap Choun trốn thoát vào rừng, nhưng ông ta vốn nghiện thuốc phiện và ôm cả thuốc nằm gục dưới một gốc cây. Lực lượng Dù của tướng Lon Non bắt gặp và hạ sát Dap Choun tại chỗ.

  Tại Sài Gòn, Tổng thống Diệm cũng như ông Nhu đều phập phồng lo âu cho sứ mạng của Đặc sứ Hiếu, vì biết đâu Sihanúc có thể làm càn. Nhưng trái lại Sihanúc chỉ yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa triệu hồi Ngô Trọng Hiếu.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Ba, 2008, 04:06:25 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #112 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2008, 04:09:30 pm »

  Linh mục Francois từ Nonpênh qua vào cuối tháng 7-1963. Trước khi đặt chân lên thủ đô miền Nam, Linh mục có cảm tưởng Sài Gòn đang là một hoả ngục thiêu đốt hàng ngàn sư sãi và Phật tử. Sở dĩ có cảm tưởng như vậy vì thông qua báo chí phương Tây và nhất là những lời đồn đại và dư luận báo chí tại Nonpênh. Linh mục tuy vẫn tin tưởng nơi cá nhân Tổng thống Diệm, nhưng Linh mục cảm thấy ghê tởm những trại tù lộ thiên "giam hàng ngàn Phật tử bỏ đói, phơi nắng và bị tra tấn rất dã man họ". Trong cuộc gặp gỡ Linh mục Francois và Thủ tướng (hoàng thân Norodom Kantol) chính Thủ tướng Kantol đã nói như vậy. Nhưng sự thật có như vậy không ? Linh mục Francois lưu ngụ tại Sài Gòn hai tuần lễ và tìm mọi cách để điều tra xem chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp Phật giáo đến mức độ nào ?

  Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Kantol ông ta có nói với Linh mục:

  -Thái tử Quốc trưởng và Chính phủ Campuchia rất lo ngại cho số phận của hàng trăm ngàn Phật tử Campuchia thuộc giáo phái Theravada nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không ngừng đàn áp Phật tử thì các nước Phật giáo Á Châu sẽ có một thái độ quyết liệt và có thể tiến đến một hành động, chúng tôi sợ rằng lúc ấy sẽ bất lợi cho tín đồ Thiên Chúa giáo Á châu.

  Linh mục đáp : "Chúng tôi rất hổ thẹn có một tín hữu dùng quyền bính Tổng thống mà đàn áp ngược đãi đồng bào Phật tử của ông ta như vậy. Nếu cử như lời Thủ tướng nói thì sự đàn áp này có thật. Chắc chắn Giáo hội Thiên Chúa giáo tại miền Nam sẽ có thái độ."

   Thủ tướng Kantol nói: “Cuộc biểu tình ngày 17 vừa qua (17-7) của hàng trăm ngàn Phật tử tại Sài Gòn chính quyền Thiên Chúa giáo thẳng tay đàn áp. Hiện nay có hàng ngàn sư sãi đang bị giam giữ, một số bị thủ tiêu".

  Linh mục Francois lắc đầu: “ Tôi không biết phải thưa chuyện với Thủ tướng như thế nào. Nhưng nếu Thủ tướng nói là chính quyền Thiên Chúa giáo thì hoàn toàn là không đúng. Tôi nghĩ chỉ có chính quyền Miền Nam do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Giáo hội Thiên Chúa giáo không liên hệ gì đến công việc của chính quyền”

  Có lẽ Thủ tướng Kantol cũng biết mình lỡ lời nên mỉm cười, nói: “Xin lỗi cha đó chỉ là cách nói của tôi theo dư luận báo chí. Tuy nhiên Giáo hội Thiên Chúa giáo cũng có trách nhiệm, nhất là vụ “bắn giết” phật tử lại xảy ra ngay nơi mà nguời anh của ông Diệm làm Tổng giám mục và điều khiển chính quyền."

  Linh mục Francois: "Tôi có đến thăm giáo khu Huế một vài lần, tôi có thể cả quyết với Thủ tướng là Tổng giám mục Ngô Đình Thục không có một quyền hạn đối với chính quyền do nguời em ông lãnh đạo. Dù nếu có thì Giáo hội cũng không cho phép Tổng giám mục Ngô Đình Thục được làm như vậy"

  Thủ tướng Kantol có vẻ không tin lời cha Francois. Ông ta dẫn chứng qua một vài bài báo của Mỹ và khẳng định rằng "Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang chia sẻ một phần lớn quyền hành của ông em và theo chỗ tôi được biết thì Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang chỉ huy chiến dịch đàn áp Phật giáo”

  Thủ tướng Kantol dịp này cũng tiết lộ là ông mới gặp một Đại diện cao cấp của Chính phủ Hà Nội. Đại diện này đã trao tất cả tài liệu (?) về chiến dịch đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và đặc biệt về tài liệu “bắn giết giam cầm" hàng ngàn Phật tử tại miền Trung do Đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục chỉ huy. Linh mục Francois hỏi thẳng Kantol: "Ngài Thủ tướng, có thể tin vào tài liệu của chính quyền Cộng sản miền Bắc?” Kantol đáp: "Thưa cha ít nhất thì tài liệu đó cũng giúp Chính phủ Campuchia tìm hiểu được sư thật ".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #113 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2008, 05:42:43 pm »

  Bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, Cha Francois vẫn còn bí ám ảnh...về những vụ thủ tiêu giam cầm đàn áp. Có đúng như vậy không ? Cha Francois vẫn tin tuyệt đối nơi cá nhân thánh thiện của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng cha cũng bắt đầu nghi ngờ... Cha Francois bỗng nhớ lại những trang sử đẫm máu của cuộc bách đạo Thiên Chúa giáo dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức. Có lẽ vào giữa năm 63 lại tái diễn một cuộc bách đạo như vậy mà nạn nhân lại là sư sãi và Phật tử ?

  Những ngày đầu ở Sài Gòn Linh mục Francois thấy thành phố không có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên ở đâu đâu cũng âm ỉ như một lò than hồng. Việc đầu tiên là cha đến xin yết kiến Đức Khâm sứ Toà Thánh. Đức Khâm sứ cũng đang sửa soạn về La Mã. Dịp này Đức Khâm sứ sẽ tường trình với Toà thánh La Mã về cuộc tranh đấu của Phật giáo cùng thái độ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Gặp Cha Francois, Đức Khâm sứ tỏ vẻ thất vọng và nói: "Tình hình rất nguy ngập, nếu Tổng thống Diệm không cải tiến thì chắc hẳn chế ñoä của ông ta sẽ sụp đổ”.

  Cha Francois hỏi: "Thưa Đức Khâm sứ ngài có thể dùng uy tín để thuyết phục Tổng thống Diệm không? Con thấy dư luận các nước Á châu không nhũng bất lợi cho chính quyền ông Diệm mà bất lợi cho cả Giáo hội Việt Nam ".

  Đức Khâm sứ phác một cử chỉ lạnh lùng đáp:"Làm thế nào được ? Dù là Tổng thống của một nước dân chủ nhưng con người ông Diệm vẫn là vị Hoàng đế của nước Việt Nam thời xa xưa ".

  Cha Francois hỏi: “Lúc này Đức Khâm sử có hay gặp Đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục không ? Con tin rằng đức cha Ngô Đình Thục sẽ tuân theo lời khuyến cáo của đức cha ! "

  Đức Khâm sứ đáp: “Đã lâu tôi không gặp Ngài. Theo Linh mục Cao Văn Luận cho tôi biết thì ngài cũng có một phần trách nhiệm về "vụ biến cố này ! "

  Cha Francois hỏi: "Vậy thì lời tố cáo của phía Phật Giáo cũng không phải là sai ? ".

  Đức Khâm sứ đáp: “Không sai, nhưng không hoàn toàn đúng . Tôi nói là đức cha Ngô Đình Thục phải chịu một phần trách nhiệm. Đây chỉ là trách nhiệm tinh thần đối với lương tâm Công giáo ".

  Cha Francois hỏi: "Thưa Đức Khâm sứ có thực là chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo như báo chí ngoại quốc tường thuật không? "

  Đức Khâm sứ im lặng một lát rồi khẳng định: “Đây chỉ là lối phiên dịch thổi phồng quá đáng. Cha đã từng sống ở Việt Nam chắc Cha hiểu rõ họ hơn tôi. Trí tưởng tượng của họ ghê gớm lắm, tôi tin rằng chắc cũng có những vụ bắt bớ giam cầm đánh đập Phật tử, nhưng làm gì đến độ ghê gớm như sự tường thuật của báo chí ".

  Đức Khâm sứ kể: "Mới đây có một giáo dân đến thăm tôi. Ông là một nhân vật cao cấp trong Chính phủ, ông ta quả quyết có bàn tay của người Mỹ, dàn cảnh trong vụ biểu tình của Phật tử ngày 17-7 vừa qua, ông ta nói có một bác sĩ bên Phật giáo đã chế tạo cả mấy chục ngàn lọ thuốc mê (chloroforme) trao cho các nhà sư trẻ và Phật tử để khi biểu tình mà xô xát với cảnh sát thì đưa thuốc lên mũi ngửi lúc ấy thuốc mê sẽ làm họ lảo đảo rồi ngã qụy rồi lúc ấy phóng viên ngoại quốc sẽ quay phim chụp hình. Nhân vật này cũng cho biết sau cuộc biểu tình ngày 17-7 cảnh sát đã tịch thu được cả hàng chục chai thuốc mê như vậy. Ông ta cũng tiết lộ với tôi là truyền đơn của phía tranh đấu được quay ronéo bằng những loại giấy mà chỉ có cơ quan USAID(1) mới có. Đó là thứ giấy tốt đặc biệt".

  Cha Francois lại hỏi: "Thưa Đức Khâm sứ ngài có nghĩ rằng đã có bàn tay Cộng sản trong phong trào tranh đấu Phật giáo hay không? "

  Đức Khâm sứ ngần ngại rồi đáp: 'Đây là một vấn đề quá tế nhị, cho đến bây giờ chưa có một dữ kiện nào khiến chúng ta có thể nghi ngờ như vậy ".

  Cha Franeois nói: "Tại sao Tổng thống Diệm lại có thể hành động thiếu khôn ngoan khi ông ta lệnh cấm treo cờ Phật giáo?”
  Đức Khâm sứ đáp: "Có nhiều nguyên nhân sâu xa lắm, lệnh cấm treo cờ của ông Diệm đâu có phải chỉ dành riêng cho Phật giáo mà quy định cho cả Giáo hội Công giáo nữa. Cha phải hiểu rằng ông Diệm là một nhà quốc gia cực đoan. Ông ấy coi Tổ quốc trên Giáo hội, chứ không phải Giáo hội trên Tổ quốc ".

  Cha Francois nói: "Con vẫn tin Tổng thống Diệm là một người hoàn toàn thánh thiện". ĐứcKhâm sử gật đầu đáp:”Đúng, ông ấy là một giáo dân có một đời sống rất thánh thiện. Nhưng ông ấy không phải là một giáo dân thức thời".

  Cha Francois hỏi: "Con nghe nói một số linh mục và giáo dân đang tham gia phong trào tranh đấu Phật giáo ".

  Đức Khâm sứ đáp: “Đúng , tôi có nghe nói như vậy, một số linh mục có đến hỏi ý kiến của tôi như thế nào khi họ có thái độ thân thiện và hỗ trợ Phật giáo thì tôi trả lời các ngài hãy cứ làm theo lương tâm các ngài".
-----------------------------
(1) Tình báo Mỹ
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #114 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2008, 05:40:45 pm »

CON SỐ 80%
SỰ THỰC HAY LÀ HUYỀN THOẠI

  Cha Francois trong cuộc gặp gỡ Đức Khâm sứ cũng không được thoả mãn lắm. Đức Khâm sứ tỏ ra thiếu thiện cảm với chính quyền Ngô Đình Diệm và ngài bị ảnh hưởng sâu xa bởi những dư luận dồn đại về đời sống của bà Nhu cũng như quyền bính của ông Nhu và đức cha Ngô Đình Thục. Khi Cha Francois sắp cáo từ ra về thì một giáo sư đại học và một Linh mục trẻ cũng vừa đến xin thăm Đức Khâm sứ. Ngài bảo Cha Francois: “Cha có thể ngồi lại đây. . . nếu Cha muốn biết rõ tình hình Việt Nam như thế nào thì hai ông khách này có thể giúp Cha nhiều tài liệu xác thực".

  Lúc đầu hai vị khách còn dè dặt nhưng sau hai ông bắt đầu nổ máy, công kích chính quyền hết sức mãnh liệt. Cha hỏi: "Tôi vẫn nghĩ rằng chính quyền này có thực thi dân chủ và thực hiện nhiều công việc lớn lao cho Chính phủ".

  Vị Linh mục trẻ: "Thưa cha chúng tôi chưa thấy dân chủ ở đâu cả, Quốc hội là Quốc hội bù nhìn, toàn thứ nghị gật do được chỉ định. Quyền hành đều nằm gọn trong tay Tổng thống hay đúng ra là ở trong tay ông bà Nhu ".

  Vị giáo sư đại học: “Thưa Đức Khâm sứ và Cha, tình hình đến lúc nghiêm trọng lắm rồi. Thiết tưởng Giáo hội không thể đứng ngoài vòng Giáo hội phải lên tiếng ". Đức Khâm sứ mỉm cười: “Ông bảo Giáo hội phải lên tiếng như thế nào ? Giáo hội không đứng ngoài vòng thì Giáo hội phải làm sao bây giờ?”.

  Nếu không có vụ tranh chấp năm 1963 và nói một cách chung thì Phật giáo chưa có một xích mích nào đáng kể đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. (Ngoại trừ những xích mích có tính cách địa phương xảy ra tại Bình Định, vào những năm 1960-1961). Trước năm 1963 Phật giáo Việt Nam chỉ là một tập thể bao gồm những cục bộ riêng rẽ . Mà những cục bộ này cũng không được tổ chức chu đáo. Tuy vậy Phật giáo Nam Việt cũng bị ảnh hưởng sâu xa bởi sắc thái địa phương, bối cảnh dịa dư và nhân sự. Do đó, Phật giáo đã thể hiện rõ rệt qua ba "sắc thái sinh hoạt" : Phật giáo miền Nam, Phật giáo miền Trung và Phật giáo di cư. Phật giáo miền Nam gồm hội Phật học Nam Việt (Cư sĩ Mai Thọ Truyền và chùa Xá Lợi), Giáo hội tăng gia Việt Nam (Thượng tọa Thích Thiện Hoa chùa Ấn Quang), Phật giáo nguyên thuỷ (nhóm Tiểu thừa chùa Kỳ Viên) và một số hội đoàn lẻ tẻ khác. Phật giáo Campuchia di cư ước độ 200.000 người nhưng không tạo thành một cộng đồng. Phật tử di cư với tư cách cá nhân và bằng phương tiện cá nhân, trong số 200.000 người có khoảng 50.000 người sống rải rác ở các trại định cư. Khoảng 50.000 người sinh sống ở các thị xã. Còn lại 100.000 tín đồ quy tụ tại Sài Gòn. Phật giáo di cư tại Đô thành có thể chia thành hai nhóm, nhóm thuộc chùa Phổ Quang và Nghĩa trang Bắc Việt (Thượng tọa Thích Trí Dũng). Nhóm đa số thuộc chùa Từ Quang (Thượng tọa Thích Tâm Châu).

  Riêng Phật giáo miền Trung được coi là một cộng đồng có tổ chức và sinh hoạt từ cấp khuôn hội cho đến trung ương (từ chùa Từ Đàm). Theo thống kê trước năm 1963 Phật giáo (miền Trung )có vào khoảng 400.000 người với một tổ chức thanh niên và hướng đạo Phật tử đáng kể. Sau 1963 cũng theo thống kê thì số Phật giáo miền Trung lên tới 800.000 người.

  Tổng Hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Trên thực tế, Phật giáo miền Trung mới là chủ lực của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Hoà thượng Thích Tịnh Khiết là một bậc cao tăng nổi tiếng về đức độ của con người xuất thế tu đạo. Nhưng tước vị Hội chủ chỉ là một danh nghĩa tiêu biểu cho tinh thần thống nhất cao. Quyền hành của Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn do các Vị Thượng tọa Trí Quang và Thiện Minh, xa hơn nữa là các thượng tọa Trí Thủ và Đôn Hậu cùng một số thượng tọa, Đại đức thuộc khuynh hướng dấn thân tích cực.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #115 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2008, 05:31:13 pm »

  Phật giáo miền Nam trước, sau năm 1963 luôn giữ thái độ xuất thế không thân chính quyền Ngô Đình Diệm mà cũng không chống và cũng không hề biểu lộ một thái độ nào có màu sắc chính trị và thời thế.

  Cư sĩ Chánh trí Mai Thọ Truyền không có một quan hệ nào đối với chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng giữa ông và Phó Tổng thống Thơ lại có nhiều mối tương thân giao hữu.

  Ngược lại, Tổng hội Phật giáo miền Trung lại được coi như thân thiện và có những tương giao tốt đẹp với chính quyền Ngô Đình Diệm qua ông Ngô Đình Cẩn, chính ông Cẩn vẫn tự hào và lớn tiếng kể công với các anh là ông đã nắm được Phật giáo miền Trung.

  Ông Cẩn thường coi thành tích này như một điều để "bắt bí" mấy ông anh. Bất cứ một hội nghị Phật giáo nào tại ngoại quốc, các Thượng tọa miền Trung phải được ưu tiên. Do đó cũng làm cho giới chức tại Sài Gòn gặp nhiều cảnh "tréo cẳng ngỗng". Theo Lương Khải Minh, vào khoảng năm 1960...Tổng thống Diệm đã chấp thuận một danh sách gồm mấy Thượng tọa và Cư sĩ đi tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới. Các vị này đã được thông báo để sửa soạn làm giấy thông hành, bỗng nhiên ông Cẩn cho người đem vào Sài Gòn một danh sách mới và đòi cho bằng được phải để cho mấy vị Thượng tọa miền Trung tham dự và nắm chức trưởng phái đoàn.

  Ông Cẩn lấy cớ rằng : "Tổng hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và trụ sở đặt tại Huế thì Huế mới là trung ương Tổng hội”. Do đó, một Thượng tọa ở Huế phải làm trưởng phái đoàn.

  Sự việc này quả khó giải quyết cho nên lại phải trình bày lên ông Diệm. Ông Tổng thống đáp: “Ai đi cũng vậy. Tôi nghe nói mấy ông Thượng tọa này tốt lắm. Chắc là ông cậu ngoại nớ đã biết họ rõ". Có lẽ bắt nguồn từ những việc này nên Phật giáo Sài Gòn vẫn rì rầm là chính quyền không hiểu sao đã ưu đãi các thầy ở Huế. Nhiều kẻ đa nghi lại rỉ tai nhau : "Thày ấy...là người thân của ông Cẩn mà ".

  Đại uý Bằng, sĩ quan hầu cận của Tổng thống Diệm cũng xác nhận rằng : “Không hiểu một lý do gì mà ông Cẩn lại quá ư ưu đãi và trọng vọng mấy vị Thượng tọa ở chùa Từ Đàm” . Đại uý Bằng nhớ lại : “Cũng vào khoảng năm 1960 khi tháp tùng Tổng thống Diệm về Phú Cam, ông Cẩn đã gọi Bằng lại dặn dò rất kỹ : Mi về Sài Gòn gặp ngay anh Tuyến hỏi xem tuần trước các thầy có mang thơ giới thiệu của tao đến gặp anh ấy không? Mi bảo anh Tuyến lo ngay cái vụ hồ sơ đi xuất ngoại của thầy Trí Quang. " - Một lát sau ông Cẩn nhắc lại lần nữa và bảo Bằng tin ra Huế ngay để ông biết rõ vụ giấy tờ xuất ngoại của mấy thầy đã đi đến đâu.

  Khi về Sài Gòn, Đại uý Bằng đến tìm bác sĩ Tuyến và nói như vậy. Bác sĩ Tuyến cho biết là hồ sơ đã đưa qua phòng ông Hải rồi : "Có thư của ông Cậu ai mà dám chậm trễ".

  Ông Ngô Đình Cẩn tỏ ra rất tự hào về những tương quan thân hữu của ông và Tổng hội Phật giáo tại miền Trung. Do đó, khi nhận được bức công điện cấm treo cờ tôn giáo, ông Cẩn tỏ ra tức giận không ít.

  Bức công điện mang số 9195 đề ngày 6-6-1963 cho đến chiều ngày 6, bức công điện mới đến toà đại biểu và tỉnh đường Thừa-Thiên. Văn Phòng Cố vấn chỉ đạo của ông Cẩn vẫn không hay biết một chút nào. Mãi đến sáng ngày 7, người vú già của Đại uý Minh đi chợ về, thuật lại : "Ngoài chợ đang xôn xao về việc gì đó. Đồng bào nói rằng Chính phủ cấm không cho Phật giáo treo cờ". Lúc đó Văn phòng Cố vấn chỉ đạo mới rõ và tìm gặp ông Cẩn để trình bày tự sự ông mới hay.

 Ông Nguyễn Văn Đẳng, Tỉnh trưởng Thừa-Thiên vào trình bức công điện kể trên. Với sự hiện diện của Đại uý Minh, ông Cẩn băn khoăn...

  “Sao lại có chuyện lạ như thế”

  Đại uý Minh cũng ngần ngại :

  - Đồng bào các nơi đã treo cờ hết cả rồi. Bây giờ làm thế nào được.

  Ông Đẳng lo ngại:

  Thưa nếu thì hành bức công điện này, con thấy lôi thôi lắm.

  Ông Cẩn bảo Đại uý Minh hỏi Toà đại biểu xem thế nào và yêu cầu xác thực xem bức công điện có phải đúng như thế không? Cầm bức công điện trên tay ông Cẩn vẫn chưa tin là thực. Ông Cẩn nhắc đi nhắc lại "Quyết định cái gì mà lạ lùng vậy”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #116 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2008, 02:04:59 pm »

  Trong thời gian này, ông Ngô Đình Cẩn đang bị thất sủng. Tổng thống Diệm không còn tín nhiệm vào ông em nữa. Trên thực tế, kể từ ngày Đức cha Ngô Đình Thục trở về Huế thì uy tín của ông Cẩn bắt đầu xuống dốc dần. . .Tổng thống Diệm đã quyết định bãi bỏ Văn phòng cố vấn chỉ đạo từ đầu năm 1963 (cho đến tháng 10-1963 ông Diệm mới dứt khoát bãi bỏ Văn phòng Cố vấn chỉ đạo có nghĩa là ông Cẩn bị loại khỏi chính trường miền Trung).

  Bức công điện trên đây ông Cẩn chỉ được biết khi ông Đẳng mang vào. Ông Cẩn bảo Tỉnh trưởng Thừa Thiên:
 
  “Đồng bào người ta treo cờ rồi thì cứ để nguyên như vậy đừng có ra lệnh hạ gì cả ". Ông Cẩn lại bảo ông Hồ Đắc Thương, đại biểu Chính phủ Trung Nguyên Trung Phần, đánh điện vào Trung ương xin hoãn thi hành bức công điện "kỳ quái" này.

  Một số viên chức có mặt tại nhà ông Cẩn lúc ấy đều đồng ý phải hoãn thi hành lệnh trên và cứ để đồng bào Phật tử treo cờ như mọi năm . Đại uý Minh bàn luận với một số viên chức: "Tại sao không ra lệnh từ trước, mãi đến bây giờ mới ra lệnh. Vụ này kẹt cho tụi mình lắm. Các anh tính sao ? "

  Ông Cẩn thắc mắc hỏi ông Đẳng và Hoàng Trọng Bá : "Các thày dưới Từ Đàm đã biết chưa ? ". Thực ra, các thày cũng như một số đông phật tử biết tin từ tối hôm trước.

  Tất nhiên là phải có một viên chức nào ở toà tỉnh đã tiết lộ bức công điện trước khi thông báo cho ông Cấn.

  Sau một hồi thảo luận, cân nhắc ông Cẩn bảo Tỉnh trưởng Thừa Thiên “Chú cho mấy xe thông tin nó đi. thông báo gấp cho đồng bào hay là không có gì thay đổi. Đồng bào cứ treo cờ như mọi năm."

  Ông Cẩn đồng thời căn đặn Đại uý Minh cũng như Hồ Đắc Thương, Hoàng Trọng Bá phải thận trọng hết sức và làm thế nào để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Mặt khác Văn phòng ông Cẩn cũng chỉ thị cho giới chức cảnh sát thành phố Huế không được hạ cờ của đồng bào.

  Nói về ông Ngô Đình Cẩn và Phật giáo, Thượng tọa Mật Nguyệt (thuộc phái Ấn Quang)cho rằng, trong chín năm chế độ Ngô Đình Diệm, không hiểu trong lòng như thế nào nhưng ngoài mặt, ông Cẩn tỏ ra rất thân thiết và tin cậy các thày trong Tổng hội Phật giáo miền Nam tại Huế). Qua bức công điện cấm treo cờ, thái độ của ông Cẩn ngay từ phút đầu là sửng sốt, tức giận. Ông Cẩn than thở với mấy thuộc viên thân cận : “Làm như rứa tao còn mặt mũi nào nói chuyện với người ta" (tức các thầy tại chùa Từ Đàm).

  Buổi trưa ngày 7, ông Cẩn trầm ngâm một cách khó hiểu, ông uống một hơi hết ly rượu lễ và cho gọi ông Minh vào để tìm hiểu tình hình và được biết Huế cho đến giờ phút này vẫn không hề xao động.

  Cả một thành phố như rừng cờ. Số lượng cờ phật giáo như càng tăng thêm . Vào buổi chiều ông Cẩn nhận được báo cáo cho biết khoảng 8g30 sáng (khi Nguyễn Văn Đẳng vào trình bức công điện)thì lại có mấy cảnh sát viên trong thành nội kéo nhau đi hạ cờ tại mấy nhà đồng bào và đã có sự giằng co xô xát. Sau đó được thu xếp êm ngay. Huế nơi nơi như bừng sống như đang vươn cao trong hương hoa ngào ngạt. Không khí như ngày hội hoa đăng và như tất cả dành riêng cho ngày Phật giáng thế.

  Ông Nguyễn Hữu Cang, một trong những nhân chứng trong vụ Phật giáo Huế năm 1963 đã kể với chúng tôi : "Sáng ngày 7 trong giờ đồng bào và các khuôn hội đã xôn xao lắm. Nhất là chúng tôi lại được tin cho biết chính Đức Cha Ngô Đình Thục đã về tận Sài Gòn thúc đẩy ông Ngô Đình Nhu ra lệnh "triệt hạ" Phật giáo. Do đó lại càng khiến mọi giới Phật tử xôn động bất mãn" Nguyễn Hữu Cang cho biết thêm: "Trưa ngày 7, khi được tin chính quyền cho cảnh sát đi hạ cờ và xé cờ Phật tại mấy khuôn hội thì dư luận lại càng thêm sôi nổi phẫn uất. Nhất là giới bạn hàng chợ ĐôngBa. Có thể nói giới bạn hàng này mới là thànhphần đi tiên phong trong vụ tranh đấu kể từ ngày 7 chứ không phải chỉ riềng ngày 8".

  Nguyễn Hữu Cang cũng công nhận rằng : Anh có nghe thấy xe thông tin đi loan báo là đồng bào cứ treo cờ như thường lệ. Tuy nhiên lúc bấy giờ bao nhiêu dồn nén trong quần chúng được khởi dậy và chỉ chờ đợi giây phút nổ tung.

  Các hội đoàn và quân đội đều nhận được mật lệnh sửa soạn để tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo, đối tượng cho sự đấu tranh như vậy quả là hấp dẫn và dễ dàng lôi được mọi giới Phật tử.

  Khoảng 6 giờ chiều, một số công chức tòng sự tại Toà đại biểu không đến Toà hành chính Thừa Thiên và ở đây cũng có một số công chức thuộc tỉnh đường tụ tập bàn tán xôn xao về bức công điện cấm treo cờ, đồng thời cũng có vào khoảng một ngàn đồng bào với một số Thượng tọa, Đại đức kéo đến Toà hành chính để tỏ thái độ trong đó có Thượng tọa Đôn Hậu, Trí Quang.

  Không khí lúc ấy đã nhuốm màu tranh đấu. Nguyễn Hữu Cang cũng có mặt trong ngày đó. Ngày nay tuy đã quên nhiều chi tiết nhưng ông vẫn giữ nguyên giây phút ngọn lửa hồng cháy rực. Ông nói : “Khi nghe tin cờ Phật giáo bị xé tôi có cảm tưởng như chính tổ tiên mình bị chính quyền chà đạp. Lúc ấy dù có phải chết cho đạo pháp tôi cũng bằng lòng".

  Cang cho biết trong một không khí sôi động như vậy Thượng tọa Trí Quang xuất hiện cùng với mấy Thượng tọa khác như Thượng tọa Trí Thủ, Thượng tọa Thiện Minh. Về phía chính quyền thì có ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng, ông Phó Tỉnh trưởng Hành chính, ông Phong Trưởng ty cảnh sát thành phố Huế...Lát sau, Thiếu tá Đặng Sỹ Phó Tỉnh trưởng Hội An lái xe đến. Ông này mới đi hành quân về chiều ngày 6. Khi được cấp báo đồng bào Phật tử đang biểu tình ở tỉnh đường, Thiếu tá Sỹ vội vã lái xe đến.

  Lúc ấy Thượng tọa Trí Quang với một vẻ xúc động mạnh, lên tiếng gay gắt phản đối bức công điện cấm treo cờ tôn giáo. Ông Đẳng cho các Thượng tọa biết là chính quyền đã hoãn thi hành bức công điện này và xin các Thượng tọa cứ an tâm. Mọi sự đều như mọi năm không có gì thay đổi.

  Tuy vậy, Thượng tọa Trí Quang vẫn giữ vẻ tức giận và lên tiếng phản đối chính quyền Thừa Thiên tại sao sáng ngày 7 đã cho cảnh sát hạ cờ Phật giáo và tại một vài nơi Cảnh sát đã xé cờ.

  Ông Đẳng quay sang hỏi ông Phong Trưởng ty Cảnh sát xem sự thể hư thực như thế nào. Ông Phong lên tiếng : “Tôi quả quyết không có chuyện đó”. Ông Phong lại nhấn mạnh thêm : "Tôi quả quyết với các thày là không có chuyện xé cờ". Thiếu tá Sỹ lên tiếng : “Nếu có chuyện xảy ra như vậy xin thày cho biết rõ nơi nào cảnh sát đã xé cờ, tôi sẽ cho điều tra và trừng trị ngay”.

  Ông Phong lại nói một lần nữa quả quyết là không có chuyện như vậy. Ông Phong xin Thượng tọa Trí Quang nêu lên một vài chứng cớ. Thượng tọa Trí Quang đáp : “Tôi nghe đồng bào Phật tử nói như vậy ".

   Ông Phong lại thỉnh cầu : "Xin Thày cho biết rõ nơi xảy ra chuyện xé cờ thuộc về khuôn hội nào, khu phố nào để chúng tôi mở cuộc điều tra ngay".

  Thượng tọa Trí Quang lắc đầu không tiết lộ và nói đại ý : “Tôi không thể cho các ông biết rõ được. Tôi cho các ông biết rõ để rồi cảnh sát đến làm phiền đồng bào Phật tử rồi tính sao đây ? ".

  Cuối cùng Thượng tọa Trí Quang tỏ vẻ lo ngại : "Hiện nay chúng tôi rất hoang mang không hiểu chính quyền đàn áp chúng tôi đến khi nào? ".

  Ông Nguyễn Văn Đẳng vẫn "xuống nước" thỉnh cầu các thượng tọa yên tâm trở về chùa và ngày mai mọi sự sẽ tiến hành tốt đẹp như mọi năm. Thượng tọa Trí Quang vẫn lo ngại : “Mai này đồng bào Phật tử sẽ tổ chúc rước kiệu, chúng tôi đã sửa  soạn đâu đấy cả rồi chúng tôi rất hoang mang”.

  Hai bên chính quyền và các Thượng tọa cứ vòng vo bàn cãi, cuối cùng chính quyền Thừa Thiên phải nhượng bộ bằng cách gọi điện thoại ngay cho ông Trừ Trưởng ty Thông tin cho ba xe có máy phóng thanh đến toà tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đẳng đề nghị các Thượng tọa cho các cán bộ Phật tử của mình đi theo xe và chính các cán bộ này sẽ chia nhau đi khắp các khu phố để loan báo cho đồng bào rõ ngày 8-5 sẽ không có gì thay đổi, đồng bào cứ đi hành lễ như chương trình của Giáo hội đã ấn định. Kết quả các thượng tọa cũng bằng lòng như vậy. Khoảng 9 giờ đêm đám đông mới giải tán và mọi chuyện tưởng chừng đã được giải quyết tạm thời êm đẹp. Ba xe thông tin chia nhau đi vào các khu phố để làm phận sự như chính quyền và các thượng tọa đã thoả thuận.
 
  Theo Nguyễn Hữu Cang đêm mùng 7 là một đêm không ngủ. Cang cũng như một số Phật tử khác thừa hành lệnh trên đi kẻ biểu ngữ và quay ronêo những bản văn đòi chính quyền thực thi quyền bình đẳng tôn giáo.

  Giới an ninh quân đội Khu XI Chiến thuật đã "cảm thấy" những hiện tượng đáng lo ngại. Có lẽ vì vậy đêm mùng 7 , Đại tá Đỗ Cao Trí ra lệnh cấm trại.

  Không một ai ngờ được rằng chỉ một ngày sau Huế nổ tung mở đầu cho một biến chuyển lịch sử.

  Sau cuộc thoả thuận với các Thượng tọa tại toà Hành chính Thừa Thiên ông Cẩn không còn gì băn khoăn, ông dặn dò mấy người thân cận: “Các Thày đòi hỏi như thế cũng là phải. Ngày lễ của người ta . Nếu có gì quá đáng thì bọn bay tìm ông Nghiêm, không có gì thì cho gọi Lê Trọng Quát hoặc tìm Hà Thúc Luyện ". Ngay đêm đó, ông Cẩn đã nhận được báo cáo là mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Ông Cẩn tin tưởng sẽ không còn chuyện gì xảy ra nữa vì ông vẫn tin cẩn là được các thày chùa Từ Đàm trọng nể và tin ông. Hơn nữa, những người ruột của ông Cẩn lại là những Phật tử có nhiều tương quan mật thiết với các thày như Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, có họ hàng gần với Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, ông Lê Trọng Quát lại là một Phật tử quy y nơi Thượng tọa Đôn Hậu, ông Hà Thúc Luyện vốn từ xưa đóng vai trò giao liên giữa ông Cẩn và mấy thày. Đó là sự tự hào và tin tưởng chủ quan của ông Cẩn. Trong khi đó bức công điện cấm treo cờ trở nên một đối tượng khích động quần chúng. Nguồn tin cảnh sát xé cờ lại là những yếu tố ngoại quan đập mạnh vào lòng hiếu động của quần chúng.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #117 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2008, 01:13:31 pm »

CHƯƠNG VIII


PHẬT GIÁO VÀ TỔNG THỐNG DIỆM


NGÀY LỊCH SỬ  7-5-1963 (ÂM LỊCH)

  Không một người Việt Nam nào có thể ngờ rằng, ngày ấy và bức công điện ấy đã cắm cột mốc khởi điểm cho một thảm kịch bi thương.

  Trần Khôi hồi tưởng lại những ngày khi ông ra Huế thanh tra trước ngày 8-5 khoảng mấy ngày. Bây giờ nghĩ lại ông Khôi chợt bàng hoàng về một sự trùng hợp ngẫu nhiên và tự hỏi. Người Mỹ muốn gì ở Việt Nam ?

  Vốn quen biết với Đại tá Mỹ Coner trong thời gian thuộc quyền Bộ Nội vụ trước khi ra Huế, Khôi tình cờ gặp ông Coner, ông Coner khoe:
 
  “- Do sự thuyết phục của tôi Tổng thống Diệm mới chịu thi hành dân chủ tại xã ấp.

  Kể từ đó xã ấp đều do dân chúng trực tiếp bầu theo lối phổ thông đầu phiếu.

  Biết rõ bản tính Coner nên ông Khôi nghĩ bụng "Thằng cha thuộc loại nói róc tay tổ " Coner còn nói thêm:

  Chính phủ Việt Nam Cộng hoà còn phải thi hành nhiều cải tổ quan trọng nữa mới thắng được Cộng sản chính quyền này thiếu dân chủ. Rồi Coner lại nhấn mạnh : "Tôi có có cảm tưởng Chính phủ Việt Nam Cộng hoà là Chính phủ của những nguời Công giáo.

  Anh ra Huế thì biết. Tôi sẽ giới thiệu anh với Johnson, đàn em của tôi đang giúp Hoàng Trọng Bá huấn luyện lực lượng Nhân dân võ trang".

  Coner nói với Khôi như một giãi bày tâm sự :

  "- Dư luận Mỹ đang bất lợi cho Việt Nam, muốn chống Cộng sản thì phải huy động lực lượng Phật giáo không phải chỉ một chính quyền Công giáo. Phật giáo sẽ tẩy chay Chính phủ.

  Ông ra Huế thì biết đó chỉ là một vương quốc của Tổng giám mục Ngô Đình Thục"

  Ông Khôi lấy làm lạ lùng về thái độ của Coner, một người Mỹ có kinh nghiệm 30 năm ở miền Nam Việt Nam không hiểu suy luận từ một sự kiện nào lại nhất định cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền của người Công giáo. Ông Khôi biết bụng vậy thôi và khi ra Huế đúng vào dịp Huế đang tưng bừng đón Phật đản đồng thời đang sôi động về bức công điện cấm treo cờ ông mới hiểu điều Coner ám chỉ.

  Theo lời Trần Khôi, quan sát ngay tại chỗ về vụ nổ ở Đài Phát thanh Huế sẽ không dủ cho ta những lập luận có thể tin được, là CIA hoặc Cộng sản đã nhúng tay vào biến cố ngày 8-5. Nhưng về phía Mỹ, qua những cuộc đối thoại trao đổi thì talại dễ dàng cảm thấy bằng trực giác là Mỹ có thể đã nhúng tay và qua nhiều ngẫu nhiên trùng hợp thì quả là người Mỹ đã "ra tay hành động".

  Buổi tối 7-5, ông Khôi được mời dùng cơm tại nhà một viên chức Mỹ. Trong bữa cơm đó ông gặp Johnson, ông Phó Lãnh sự Mỹ, một bác sĩ người Đức tại trường Đại học Y khoa Huế và một người Việt Nam tự giới thiệu là giáo sư trường Đại học văn Khoa Huế. Khôi ngồi cạnh ông Johnson, ông ghi nhận Johnson là một tay người Mỹ, không khen hay chê Chính quyền. Nhưng luận điệu của ông Phó Lãnh sự Mỹ cũng tương tự như Coner. Đề cập đến Phật giáo ông Phó Lãnh sự Mỹ nói đại ý :

  Phật giáo là một lực lượng rất lớn lao. Nhưng Phật giáo không tham gia vào công cuộc chống Cộng nếu Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không mở rộng cho Phật giáo tham dự.

  Nghe nói như vậy, ông Khôi phản đối :

  Quan niệm của ông Phó Lãnh sự có phần không đúng. ông Tỉnh trưởng ở đây, ông tướng Tư lệnh vùng đềtt là Phật giáo. Phó Tổng thông cũng là phật giáo. Tướng Tổng Tham muu trưởng cũng là phật giáo .

  Ông Phó Lãnh sự Mỹ mỉm cười không đáp. Một lát sau, viên chức Mỹ Warren Smith lên tiếng công kích nặng nề việc làm của Nha Công tác miền Thượng. Viên chức Smith cho rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang thực hiện kế hoạch Việt Nam hoá và Công giáo hoá tất cả đồng bào Thượng và nhất là Nha này đã xâm phạm chủ quyền vương quốc Lào và quyền "tự quyết" của các sắc tộc Thượng.

  Bữa cơm hôm ấy, các viên chức Mỹ, Smith và nhất là ông Phó Lãnh sự đã công kích chính quyền Ngô Đình Diệm khá mạnh mẽ về vấn đề Phật giáo. Đề cập đến vụ biểu tình tại toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên chiều mùng 7, ông Phó Lãnh sự cho rằng : “Nếu chính quyền Ngô Dình Diệm không chịu "liên hiệp”(?) với Phật giáo tham chánh thì Phật giáo sẽ đứng lên tranh đấu”
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #118 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2008, 05:31:52 pm »

  Cũng từ ngày 7-5, có một số người Mỹ ở Đà Nẵng cấp tốc ra Huế. Đó là Đại uý Scot. Tất nhiên là không ai để ý đến ông ta.

  Nhưng Đại uý Scot ra Huế để thực hiện một công việc quan trọng do Trung ương tình báo Mỹ trao phó cho ông ta.

  (Năm 1965, Đại uý Scot trở thành sĩ quan cố vấn của Tiểu đoàn 1/3 Sư đoàn 1 BB. Trong cuộc hành quân tại vùng Nam Đồng, Scot trong lúc đau buồn bất mãn đã tiết lộ công vìệc mà ông ta đã thực hiện ngày 8-5-1963)

  Tại Sài Gòn, không có một chuyện đáng tiếc nào xảy ra trong hai ngày 7 và 8. Sáng ngày 8, Lương Khải Minh được mấy người bạn cho biết, bên phía chùa Xá Lợi đang có chuyện bất mãn với Chính quyền về vụ cấm treo cờ. Lúc ấy ông ta mới hay và rất ngạc nhiên.

  Lương Khải Minh thầm nghĩ : "Trong tình thế này cấm đoán làm chi dù cho là hợp lý. Vụ cờ Vatican rồi vụ cờ Phật giáo, chế độ càng ngày càng tạo thêm mâu thuẫn".

  Và Cộng sản cũng chỉ mong có thế. Sáng sớm, Thượng tọa Trí Dũng và một vị Thượng tọa khác có lại thăm bác sĩ Tuyến tại nhà riêng và yêu cầu ông can thiệp, làm thế nào để Chính quyền đình chỉ thi hành bức công điện cấm treo cờ. Bác sĩ Tuyến gọi điện hỏi ông Đoàn Thêm (Đổng lý Văn phòng Bộ phủ tổng thống) ông Đoàn Thêm xác nhận là có bức công điện đó và do nơi ông Đổng lý phó tổng thống Quách Tòng Đức gởi đi (ông Quách Tòng Đức thi hành khẩu lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm).

  Sự việc đã xảy ra như vậy, biết làm thế nào ?

  Tại Sài Gòn, Lương Khải Minh tự động giải quyết theo đường lối tình cảm cá nhân. Quận 3 là nơi tập trung rất nhiều chùa chiền và những chùa lớn như Xá Lợi, Kỳ Viên...Từ tư thất, bác sĩ Tuyến gọi Trung tá Phó đô trưởng Nội An và ông Cảnh sát trưởng quận 3 (bấy giờ là cò Kính ) và yêu cầu hết sức thận trọng "Nơi nào đã treo cờ rồi cứ để nguyên đừng cho cảnh sát hạ xuống. Nơi nào đồng bào Phật tử chưa treo thì tìm lời khéo léo nói với họ xin thông cảm".

  Nhờ sự sốt sắng và không quan tâm của cảnh sát thuộc 7 quận đô thành nên vụ cờ Phật giáo đã không gây ra những chuyện đáng tiếc tại Sài Gòn. Lễ Phật đản cử hành như mọi năm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #119 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2008, 05:40:41 pm »

BÀI THUYẾT PHÁP NẢY LỬA

  Ngày 8-5, từ sáng sớm tinh mơ, Huế đã trở mình thức dậy giữa một rừng cờ. Đồng bào Phật tử trong khắp thành phố nhất tề quần áo bảnh bao sửa soạn kéo nhau về chùa Từ Đàm để dự đại lễ. Nguyễn Hữu Cang trong một tâm trạng nao nức.

  Nguyễn Hữu Cang đã được bạn rỉ tai từ tối hôm trước là sáng nay có thể chính quyền sẽ đàn áp Phật giáo và ngăn chặn không cho rước kiệu Phật. Song cũng vì nguồn tin như vậy nên số Phật tử đi dự lễ càng đông càng hăng say.

  Từ 8 giờ sáng trên các ngả đường thành phố Huế tấp nập những người, từ Đập Đá, từ An Cựu, đến Gia Hội , Diệu Đế. . . .hàng ngàn Phật tử rước kiệu Phật tiến về lễ đài thiết lập tại chùa Từ Đàm.

  Khoảng 9 giờ, Đại uý Minh vào gặp ông Cẩn và tin cho ông Cẩn hay, mọi chuyện rước xách đã diễn ra rất tốt đẹp.

  Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm cũng như ông đại biểu Hồ Đắc Thương, ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đều khăn đóng áo dài đến chùa Từ Đàm dự lễ vừa với tư cách chính quyền vừa tư cách Phật tử.

  Trước đó, một đoàn ước chừng 500 người từ Gia Hội rước Phật qua Từ Đàm, khi đi ngang Toà Đại biểu thì dừng lại, năm bảy chiếc biểu ngữ được giơ lên. Không khí bắt đầu sôi nổi.

  Trong số biểu ngữ đó có những khẩu hiệu như là đòi chính quyền thực thi quyền bình đẳng tôn giáo và lên án kỳ thị tôn giáo.

  Đoàn người dừng lại một lúc lâu, có nhiều tiếng la ó và đả đảo. Sau đó đoàn người lại thẳng bước tiến về lễ đài. Theo Nguyễn Hữu Cang thì hôm ấy, thanh niên và hướng đạo Phật tử đã nhận được lệnh là luôn luôn đề cao cảnh giác và chính quyền có thể đàn áp bất cứ lúc nào.

  Trong buổi lễ Thượng tọa Trí Quang đăng đàn thuyết giảng. Bao nhiêu ngàn Phật tử im lặng như tờ. Phật tử vừa thích thú vừa hồi hộp, ngạc nhiên. Thượng tọa Trí Quang nói hay quá, hấp dẫn và nồng nàn. Thượng tọa lên tiếng công kích chính quyền rất nặng nề và tố cáo sự kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo. Tóm lại, bài thuyết giảng đó vừa công kích chính quyền vừa có tính cách kêu gọi Phật giáo tranh đấu cho Phật pháp và “đòi quyền bình đẳng tôn giáo".

  Tội nghiệp cho ba "ông lớn"của chính quyền được một phen "rụng tim". Ba "ông lớn" thất sắc đưa mắt nhìn nhau và lắc đầu chịu trận. Thiếu tướng Nghiêm cho rằng thầy Trí Quang công kích chính quyền nặng quá, đang dự leã chả lẽ ông lại bỏ ngang ra về. Bài thuyết giảng của Thượng tọa Trí Quang được cơ quan an ninh thu băng.

  Khi tan lễ, Thiếu tướng Nghiêm cũng như ông Đẳng và ông Chương cùng lần lượt kéo nhau đến tư dinh ông Cẩn và mỗi người lần lượt trình bày về nội dung bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang. Ông Cẩn thắc mắc nói với mọi người : “Tại sao thầy Trí Quang lại cư xử với mình như vậy?”. Có thể nói ông Cẩn rất ngạc nhiên về bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang. Lúc đầu nghe nói ông vẫn không tin “Làm gì có chuyện đó”. Mãi sau khi nghe hết cuộn băng, ông Cẩn chỉ lắc đầu, than dài.

  Về phía đồng bào Phật tử tinh thần bỗng lên cao và càng thêm hăng say nhờ bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang.

  Theo Nguyễn Hữu Cang, sau khi nghe Thượng tọa Trí Quang thuyết pháp như vậy, Cang cũng như bạn bè nhất là giới Phật tử lao động và học sinh, sinh viên bỗng nhiên cảm thấy phẫn uất và cần phải làm một cái gì đó. Cơn giông tố bắt đầu nổi lên.

  Buổi chiều ngày 8 lặng lẽ trôi qua. Theo chương trình đã dự định thì 8g30 tối sẽ đốt pháo bông và rước xe hoa tại chùa Từ Đàm. Vào khoảng 6 giờ chiều đồng bào đã lũ lượt kéo nhau về Từ Đàm. Những năm trước lễ Phật đản tại Huế bao giờ cũng tấp nập đông vui như vậy.

  Vào khoảng 7giờ 30, đồng bào tập trung tại chùa Từ Đàm chen chân không nổi. Bỗng nhiên ban tổ chức cho biết, chương trình được thay đổi và không có đốt pháo bông như dự định.

  Đồng bào được mời về tập trung tại Đài phát thanh phía cầu Tràng Tiền. Ban tổ chức cho biết đồng bào hãy tập trung quanh vùng Morin, để đón đoàn xe hoa từ Đà Nẵng ra tham dự. Đồng bào Phật tử lại chen nhau đổ xô về địa điểm đã định. Ai nấy đều nao nức, mong chờ đoàn xe hoa từ Đà Nẵng tiến ra.

  Tại Đài phát thanh, ông Quản đốc Ngô Ganh đang cho sửa soạn để phát chương trình lễ Phật đản vào lúc 8g15. Chương trình đã được thu thanh từ trước và được kiểm duyệt theo thể lệ chung. Lình tính cho ông biết sắp xảy ra chuyện chẳng lành. Đồng bào tập trung quanh Đài phát thanh đông quá sức tưởng tượng. Nhân viên của đài vẫn yên trí làm việc vì cho rằng, đồng bào đến để nghe phát thanh chương trình đặc biệt về lễ Phật Đản, giản dị chỉ có thế thôi.

  Nhưng sau đó, có mấy ông Thượng tọa, Đại đức và một số thanh niên Phật tử vào thẳng văn phòng ông Quản đốc, yêu cầu được thay đổi chương trình phát thanh. Thay vì cho phát thanh chương trình đã được thu thanh và kiểm duyệt, ban tổ chức yêu cầu ông Quản đốc cho truyền thanh trực tiếp buổi lễ ban sáng kể cả bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang mà ban tổ chức đã thu thanh.

  Quản đốc Ngô Ganh từ chối với lý do ông chỉ được phép cho truyền thanh những cuộn băng nào đã được kiểm duyệt, còn vấn đề trực tiếp truyền thanh buổi lễ thì ông không thể thoả mãn. Ban tổ chức cương quyết đòi hỏi phải được truyền thanh theo chương trình trong cuốn băng của Ban tổ chức. Bên ngoài Phật tử và đồng bào tập trung mỗi lúc một đông và tựa như từng lớp sóng người trong vùng biển động.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM