Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:56:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai giết anh em Ngô Đình Diệm?  (Đọc 238098 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2008, 06:01:17 pm »

KHÔNG THỂ LÀM TAY SAI MỘT CÁCH TRƠ TRẼN

  Mâu thuẫn Việt-Mỹ càng trầm trọng khi chiến cuộc mỗi lúc càng gia tăng. Trước hết Việt-Mỹ đã xung khắc ngay từ buổi đầu của cuộc hôn nhân. Nói đúng hơn, miền Nam Việt nam trở thành một phận gái hẩm hiu do cảnh ngộ của lịch sử mà phải ép duyên gán nợ cho một anh chồng trọc phú. Xin trở lại vụ đài phát thanh để dễ dàng sáng tỏ tính chất xung khắc qua cuộc hôn nhân miễn cưỡng này. Tổng thống Diệm khao khát có được một đài phát thanh tối tân và hiệu năng của nó có thể tương đương với đài Hà Nội, trước hết vì đòi hỏi phải có một chiến lược chính trị trường kỳ tại Bắc Việt với hiệu năng lớn mạnh của đài Sài Gòn thì chính quyền miền Nam mới để dành một chương trình đặc biệt hướng về toàn thể miền Bắc và xa hơn nữa là Lào và Bắc Thái Lan là nơi có hàng ngàn Việt kiều cư ngụ. Đài Sài Gòn không đủ khả năng hoạt động trong một khu vực rộng lớn như vậy. Chính quyền miền Nam đành bó tay vì Hoa Kỳ từ chối lời yêu cầu tối tân hoá đài Sài Gòn. Trong khi đó thì Hoa Kỳ sẵn sàng viện trợ cho Nam Việt Nam một đài tiếp vận địa phương (mà ngân khoản tổn phí có thể gấp đôi ngân khoản tối tân hoá đài Sài Gòn).

  Tại sao có vụ mâu thuẫn kỳ cục như vậy ? Điều giản dị là Hoa Kỳ muốn độc quyền truyền thanh "tiếng nói chống cộng" của họ qua bức màn sắt Hoa Kỳ không muốn miền Nam được quyền "chia sẻ"... Cho đến lúc bấy giờ đài Sài Gòn vẫn không có gì khả quan hơn xưa. Điều mà trước năm 1963 Tổng thống Diệm ao ước có một chương trình phát thanh đặc biệt hướng về miền Bắc (với một hiệu năng tối đa) thì đã có (1964-1970) nhưng chương trình ấy lại nằm trong hệ thống đài VOF(Voice of Freedom) tuy đài đặt ngay tại Sài Gòn và do nhân viên người Việt đảm trách nhưng thực chất của nó là của Hoa Kỳ qua miệng người Việt.

  Tóm lại Hoa Kỳ quan niệm Đài Phát thanh Sài Gòn chỉ có một nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong lãnh thổ miền Nam còn miền Bắc đã có Hoa Kỳ lo liệu (trước hết là Đài VOA sau là Đài VOF). Trí thức Ngô Đình Nhu thúc thủ trong một thực tại viện trợ như vậy thì chỉ còn con đường là cam phận làm tay sai một cách thiếu thông minh và trơ trẽn. Ông Nhu lựa chọn một thế đứng mới tức là lựa chọn một con đường giải thoát khỏi ông chủ keo kiệt. Tiếc thay con đường đó lại đem đến sự giải thoát vĩnh viễn cho ba anh em ông Nhu. Nói ra những mâu thuẫn Việt Nam Cộng hòa và Mỹ thì nhiều lắm. Mâu thuẫn về quan điểm lập trường...mâu thuẫn về chiến thuật, chiến lược.v.v. Khi ông Nhu trở lại thân thiện với Pháp, thì chỉ là một chiến thuật tạo thế chân vạc và cũng là điều kiện dọa Hoa Kỳ "nếu anh bắt bí tôi quá tôi bỏ anh…"

  "Tôi sẽ không cô đơn. De Gaulle đã sẵn sàng" . Một khi De Gaulle thân thiện với miền Nam thì lẽ dĩ nhiên Sihanúc sẽ không theo đuổi chính sách thù nghịch với miền Nam nữa và đó cũng là con đường đưa đến thoả hiệp với miền Bắc. Trước sau cái gút của vấn đề chỉ là Pháp. CIA không khi nào để cho miền Nam một mặt sống vì viện trợ Mỹ, một mặt lại đưa tay nắm bàn tay De Gaulle (vẫn bị coi như kẻ thù của Mỹ) CIA không e ngại những toan tính của ông Nhu trong việc tìm một thế thoả hiệp với Cộng sản Bắc Việt nhưng CIA coi việc miền Nam thân thiện với Pháp là một biến cố nguy hiểm và phải đập vỡ từ trong trứng nước.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2008, 06:00:31 pm »

CÁI THẾ CỦA KẺ KHÓ ĂN ĐONG

  Riêng những công tác tình báo tại miền Bắc (phần đầu đã nói sơ qua) thì Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đã bất đồng sâu xa. Chính quyền miền Nam muốn chú trọng về tình báo chiến lược, Hoa Kỳ ngược lại chỉ chấp thuận những hoạt động có tính cách tình báo chiến thuật. Phương tiện hoạt động của Sở nghiên cứu lúc đầu đều tuỳ thuộc vào khả năng viện trợ của Mỹ. Mà Mỹ viện trợ cho từng điệp vụ và những vụ này phải là những công tác phối hợp tay đôi (Việt và Mỹ). Năm 1957, chính quyền miền Nam rất muốn thực hiện một kế hoạch tình báo chiến lược tại miền Bắc, trước hết nhằm vào các vùng thượng du (Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Lai Châu, Hoà Bình) sau là hai miền Bùi Chu, Phát Diệm. Nếu kế hoạch này được thực hiện với phương tiện dồi dào thì sẽ tiến đến sự thành lập một Mặt trận giải phóng miền Bắc làm động cơ phát động du kích chiến đấu chống cộng từ mỗi cục bộ địa phương nhằm đến toàn bộ miền Bắc.

  Muốn được như thế đòi hỏi một ngân khoản quá lớn lao và một sự đài thọ liên tục và dồi dào. Cuối cùng kế hoạch ấy chỉ còn là mộng ảo và Hoa Kỳ chỉ thoả thuận tài trợ cho những điệp vụ phối hợp có tính trắc nghiệm khả năng tình báo (cả miền Bắc lẫn miền Nam) . Những điệp vụ phối hợp đó chỉ nhằm thả người ra miền Bắc với nhiệm vụ thâu lượm tin tức, gây rối phá hoại như phá hoại đường xe lửa, ném lựu đạn, đặt chất nổ, nghĩa là hoàn toàn có tính cách chiến thuật giai đoạn. Chống Cộng mà lại chống ngay trong vùng Cộng sản (Bắc Việt) thì như thế quả thật là ngây ngô lố bịch vì không khác gì kẻ cho ăn đong giữa khi đói kém, khốn nỗi miền Nam lại vào thế của kẻ khó ăn đong mà Hoa Kỳ thì nắm hầu bao rất chặt.
 
  Đại cương sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam là như vậy.



CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM - SIHANÚC VÀ MỸ.

  Trong khi Hoa Kỳ tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của Pháp tại miền Nam thì ngược lại họ vẫn củng cố Sihanúc mặc dầu ai cũng biết Sihanúc chỉ là con cờ của Pháp phải duy trì bằng bất cứ giá nào tại Đông Dương.

  Năm l956 ông Ngô Đình Nhu qua Campuchia cùng với chủ trương ve vãn Sihanúc. Lúc ấy Hoa Kỳ chưa phải là thế lực đáng kể tại bán đảo Đông Dương. Và Hoa Kỳ tán trợ đường lối ve vãn Sihanúc của ông Nhu. Theo bác sĩ Trần Kim Tuyến thì ông Nhu được Sihanúc đón tiếp một cách trọng thể. Tuy không có nghi lễ chính thức nhưng ông Sihanúc đã dành cho ông Nhu một ngoại lệ, nghĩa là tiếp ông như một quốc trưởng. Sau đó Sihanúc chính thức được mời qua thăm Việt Nam Cộng hòa và dịp này Sihanúc được đón tiếp hết sức trọng thể. Cuộc hội đàm Sihanúc-Ngô Đình Nhu được coi là rất tốt đẹp. Nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm vốn là người không khéo léo trong sự giao tế qua hình thức nghi lễ nên theo bác sĩ Tuyến, trong cuộc gặp gỡ Sihanúc, Tổng thống Diệm vẫn giữ vẻ mặt trang nghiêm đạo mạo. . .Do đó mà thiếu sự thân mật cởi mở cần phải có đối với một người khôn khéo và có tài "diễn xuất" như Sihanúc.

  Kết quả là khi trở về nước Sihanúc lại tiếp tục chính sách ve vãn Cộng sản và bất thân thiện với miền Nam. Cũng từ đó Việt Nam Cộng hoà và Campuchia giữ miếng nhau. Theo bác sĩ Tuyến, ông Nhu chủ trương "phải triệt hạ cho bằng được Sihanúc". Khi ông Nhu chủ trương như vậy thì Hoa Kỳ tiếp tục ve vãn Sihanúc. Một xa lộ thênh thang nối liền Campuchia với Sihanúcvilie được Mỹ thực hiện để làm quà dâng cho ông vua xứ chùa tháp. Rồi một bệnh viện lớn cũng được Hoa Kỳ xây cất tại Campuchia . Nhưng Sihanúc vẫn tiếp tục chính sách riêng của ông ta và tiếp tục công kích Mỹ. Xa lộ Nam Vang biệt thự Sihanúc do Mỹ viện trợ khánh thành chưa được bao lâu thì Trung-cộng lại nhảy vào viện trợ cho Campuchia và dựng lên cả một hệ thống cột điện chạy dài trên xa lộ của Mỹ. Bệnh viện tại Nonpênh do Mỹ xây cất thì lại do Nga-xô viện trợ máy móc cùng các đồ trang bị thuốc men với một số bác sĩ Nga. Dù ve vãn, Mỹ vẫn bị Sihanúc đá bay khỏi Campuchia.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2008, 01:48:46 pm »

  Tuy vậy, Mỹ vẫn cố gắng tìm mọi cơ hội ve vãn Campuchia và đồng thời ngăn chặn không cho miền Nam phá Sihanúc. Hậu quả là Mỹ vẫn "tay trắng" tại Campuchia. Nhưng Mỹ muốn tách biệt miền Nam với Campuchia. Chúng tôi kể lại đây một câu chuyện mưu sát Sihanúc do miền Nam chủ động, nhưng Mỹ lại chịu tai bay vạ gió và nồng độ chống Mỹ của Sihanúc càng tăng. Đây cũng là một thí dụ cho biết rằng đối với Mỹ thì đừng có do dự khúm núm và phải đặt Mỹ vào trước những việc đã rồi và phải trói chặt chân họ vào những biến cố. Và ta phải làm chủ biến cố. Chính sách chủ nhân ông độc quyền của Mỹ, dân nhược tiểu phải biết điều đó. Tháng 8 năm 1963, bà Ngô Đình Nhu nói trong phiên họp Phụ nữ Liên đới rằng "Phải trói chân, trói tay mấy thằng phiêu lưu đó (ám chỉ Mỹ) mà hành hạ". Câu nói đó tuy có đại ngôn nhưng nghĩ lại cũng đáng cho ta suy nghĩ. Trở lại câu chuyện ám sát Sihanúc năm 1961 thì đó cũng chỉ là " trước ám sát Sihanúc " "sau hành hạ Mỹ cho vui". Số là, sau khi ông Ngô Trọng Hiếu rời khỏi chức vụ đại diện Nam Việt Nam tại Campuchia thì toà đại diện Nam Việt Nam vẫn duy trì cơ sở như cũ. NamViệt Nam-Campuchia tuy rất căng thẳng nhưng chưa đến nỗi đoạn giao. Mặc dù vậy cơ quan tình báo Phủ Tổng thống vẫn nhận được chỉ thị phải "hạ" Sihanúc bằng bất cứ cách nào. âm mưu này muốn đạt được kết quả thì trước hết phải canh chừng Mỹ. Xử lý chức vụ đại diện lúc ấy là ông Phạm Trọng Nhơn một điệp viên của Nam Việt Nam hoạt động tại Nonpênh có biết được một kỹ sư Mỹ (có trách nhiệm thiết lập xa lộ Nonpênh vườn Sihanúc) là chỗ quen thân của họ Sihanúc. Bà mẹ Sihanúc lại nổi tiếng là người thích nhận hối lộ và quà biếu. Điệp viên này được mật lệnh của Phủ Tổng thống là phải bám sát viên kỹ sư người Mỹ và tìm cánh "khai thác" ông ta nếu có thể được. Điệp viên kể trên báo cáo cho cơ quan tình báo Phủ Tổng thống biết là viên kỹ sư Mỹ sắp lên đường về Mỹ qua ngả Hong Kong. Ngày lên đường về Mỹ viên kỹ sư người Mỹ có đến chào cáo biệt Quốc trưởng Sihanúc và Hoàng Thái hậu. Đó cũng là ngày Sài Gòn bật đèn xanh cho phép các điệp viên hành nghề. Réseau tại Nonpênh có chuyển về Sài Gòn một tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ này cùng bút tích của ông ta. Lập tức cơ quan tình báo Phủ Tổng thống in lại một số danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ (rập đúng y khuôn) và trao phó cho một chuyên viên nghiên cứu kiểu chữ của ông ta và sẽ giả mạo kiểu chữ này cho công tác điệp vụ. Kế hoạch được trình bày lên ông Nhu và ông hoàn toàn tán thành. Sau đó hai chiếc vali tuyệt đẹp được dùng vào việc giết Quốc trưởng Sihanúc. Chiếc va li thứ nhứt thì bình thường trong đựng một số kỷ vật quý giá xuất xứ tại Hong Kong. Chiếc vai thứ hai chính nó sẽ quyết định số mạng của Sihanúc, trong đó ngoài một số kỷ vật còn có một cái hộp ngà hảo hạng xuất xứ từ Đài Loan, một loại chất nổ ghê gớm cực mạnh (dành cho các điệp viên) được cho vào hộp cùng với một bộ phận cơ bẩm tinh vi khác và bộ phận này được nối với nắp va li khi mở vali thì tự động chất nổ sẽ bộc phát ngay. Sau khi hoá trang và làm dấu cẩn thận. . . hai chiếc vali này được đưa lên xe mang biển số ngoại giao của ông đại diện Phạm Trọng Nhơn. Chính ông Phạm Trọng Nhơn có nhiệm vụ chuyên chở hai chiếc va li này lên Nonpênh nhưng ông cũng không biết được "nội dung" ra sao và ông Nhơn cũng chỉ "cảm thấy" có chuyện gì khác lạ sắp xảy ra.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2008, 04:23:53 pm »

SIHANÚC THOÁT CHẾT
VÀ KẾ HOẠCH CỦA ÔNG NHU BẤT THÀNH.

  Nhờ xe mang biển số ngoại giao đoàn của ông Phạm Trọng Nhơn nên hai chiếc vai "nguy hiểm" đã vượt qua biên giới và đến toà Đại diện hoàn toàn tốt đẹp. Tại Sài Gòn, cơ quan tình báo Phủ Tổng thống theo dõi từng giây phút với bao nhiêu lo âu hồi hộp. Nếu như bị tình báo Campuchia khám phá thì bang giao Campuchia -Nam Việt lần này sẽ đứt đoạn luôn không còn gì hàn gắn được nữa. Ông Ngô Đình Nhu cùng mấy cộng sự viên thân cận đã tính toán thế này: nếu giết được Sihanúc thì việc đầu tiên phải đưa Sơn Ngọc Thành về Campuchia để làm chủ tình hình.
 
  Ngoài mấy điệp viên chủ chốt thì Toà đại diện Nam Việt Nam không một ai hay biết gì về âm mưu này, kể cả ông đại diện Phạm Trọng Nhơn cũng chỉ được "rỉ tai” sơ qua là sẽ có một vụ nổ lớn.
 
  Theo kế hoạch đã dự định, điệp viên Nguyễn Nhơn cải trang thành một nhân viên của nhà thầu Mỹ nơi mà viên kỹ sư Mỹ này phục vụ. Khoảng 9 giờ sáng, điệp viên Nhơn dùng xe hơi vào Hoàng cung xin yết kiến viên Giám đốc Nghi lễ Hoàng cung để trao tặng phẩm của viên kỹ sư Mỹ. Nhơn nói là viên kỹ sư Mỹ khi ghé qua Hong Kong đã mua hai vali tặng phẩm này để gửi tặng Quốc trưởng Sihanúc và ông Giám đốc Nghi lễ.

  Giám đốc Nghi lễ Hoàng cung Campuchia cũng là chỗ bạn thân của viên kỹ sư Mỹ nên không do dự gì cả và ông vui vẻ nhận hai va li quý giá. Chiếc va li thứ nhất tặng viên Giám đốc Nghi lễ cùng với danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ và trên danh thiếp không quên viết mấy dòng thăm hỏi.

  Sau vụ ám sát hụt này, báo chí Campuchia đã có dịp tường thuật khá đầy đủ. Riêng về phía tình báo Phủ Tổng thống lúc bấy giờ được báo cáo nội vụ như sau: Khi viên Giám đốc Nghi lễ mở chiếc va li phần tặng của ông ta thì chiếc vali này chứa đựng toàn tặng phẩm đắt tiền. Sau đó, ông ta đem chiếc va li vào phòng khách riêng của Sihanúc. Chiếc vali này niêm phong kỹ càng đề chữ "Kính tặng Hoàng Thái hậu và Quốc trưởng Khmer”, cùng với phong thư đựng tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ với những lời lẽ rất đẹp "kính thăm" và chào cáo biệt Hoàng Thái hậu và Quốc trưởng Sihanúc. Phòng khách lúc ấy lại có mặt cả hai mẹ con Sihanúc. Nhưng lại nhằm đúng vào giờ Thái tử Sihanúc và Hoàng Thái Hậu phải ra đại sảnh để tiếp đón phái đoàn sinh viên Trung Quốc cùng đi với một số sinh viên Campuchia.

  Thái tử Sihanúc vừa cất lời khuyên nhủ sinh viên thì một tiếng nổ kinh hoàng làm rung động cả hoàng cung. Số là, khi Sihanúc và Hoàng Thái hậu ra đại sảnh tiếp sinh viên thì có nhẽ, viên Giám đốc mở vali lấy tặng phẩm để dâng Thái tử nên chiếc vali phát nổ, viên Giám đốc Nghi lễ chết tan thây. Cả thủ đô Nonpênh náo động. Buổi phát thanh vào lúc 12 giờ trưa đài VOA cũng như Matxcơva đều loan tin và cho biết vắn tắt Thái tử Sihanúc thoát hiểm, nhưng dân Campuchia lại không tin và cho rằng Sihanúc đã chết tan thây.

  12 giờ trưa nghe tin đài VOA, cơ quan tình báo Phủ Tổng thống đã lấy làm mừng và sửa soạn thực hiện giai đoạn II, nghĩa là cấp thời đưa Sơn Ngọc Thành về nhưng chỉ ít phút sau, một tài liệu gởi về Sài Gòn cho biết, âm mưu bất thành. Cho đến lúc ấy, toà Đại sứ Mỹ vẫn chưa được biết tình báo Nam Việt Nam chủ động vụ này. Nhưng chỉ một ngày sau thì báo chí Campuchia đều chĩa mũi dùi vào Mỹ và quả quyết Mỹ âm mưu sát hại Thái tử Sihanúc. Bang giao Mỹ Campuchia lại thêm một lần nữa trở nên căng thẳng. Có một điều lạ là Campuchia không nghi ngờ Sài Gòn. Hoa Kỳ lãnh đủ cơn tai bay vạ gió này. Dư luận báo chí Campuchia lại có dịp được ồn ào và mạt sát Mỹ thậm tệ, nhất là mấy nhật báo La Dépêche Cambodge, Bang Khoeum Monous. Sau đó ít lâu một người Nam Việt bị bắt vì Campuchia tình nghi ông ta là nhân viên tình báo CIA có liên quan đến vụ mưu sát Sihanúc. Thực ra Phạm Quang Tòng (tên đương sự) hết sức oan uổng ông ta chỉ làm nghề viết báo. Đương sự bị kết án tử hình. Mãi gần đến sau cuộc đảo chính của Lonnon ông ta mới được trả tự do.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 07:20:17 pm »

  Cuộc mưu sát Sihanúc bất thành nên kế hoạch đưa Sơn Ngọc Thành về Nonpênh đành xếp lại Nam Việt Nam bắt đầu nghiên cứu một kế hoạch mới mà Sơn Ngọc Thành sẽ giữ vai trò chủ chốt.

  Trước vấn đề nan giải này, ông Nhu hỏi bác sĩ Tuyến xem có cắt xén ngân sách và ngoại viện được không. Điều này không thể được vì sẽ lộ ngay và khi toà Đại sứ Mỹ biết được thì họ sẽ không bao giờ chấp thuận dùng khoản tiền ngoại viện để viện trợ cho họ Sơn. Do đó chỉ còn cách trích trong quỹ đen của Phủ Tổng thống. Nếu dồi dào phương tiện thì Sơn Ngọc Thành có đủ khả năng phát triển tổ chức của ông ta đến mức độ lớn mạnh. Nhưng rút cuộc ông ta đành thúc thủ trong một hoàn cảnh hết sức thiếu thốn. Mỗi tháng Phủ Tổng thống chỉ có thể viện trợ cho Sơn Ngọc Thành vài ba trăm ngàn bạc mặt.

  Tuy có điều số tiền này được trao tận tay họ Sơn và ông ta có thể chi tiêu như thế nào tuỳ ý. Điều đó theo bác sĩ Tuyến đã làm cho Sơn Ngọc Thành rất cảm động vì tuy nhận tiền của Nam Việt Nam nhưng ông ta vẫn không bị xúc phạm vì lòng tự ái quốc gia của một lãnh tụ.

  Nơi ăn chốn ở và sự di chuyển của Sơn Ngọc Thành hoàn toàn bí mật. Cơ quan CIA của Mỹ cũng biết nhưng không có một phản ứng nào, vì lẽ tiền của Nam Việt Nam tài trợ cho Sơn Ngọc Thành không thuộc ngân sách ngoại viện. Đầu năm 1960, lực lượng họ Sơn quy tụ khoảng hơn 400 cây súng phân tán trong hai vùng mật khu Châu Đốc và Bình Long. Sĩ quan Nam Việt Nam trực tiếp đảm nhận huấn luyện và làm cố vấn cho lực lượng võ trang này. Tuy họ có tinh thần chiến đấu hoàn toàn gan dạ nhưng lại hoàn toàn thiếu về mọi phương diện nhất là vũ khí, quân trang, quân dụng. Trong khi đó Hoa Kỳ thì vũ khí đổ đi không hết, nhưng tuyệt nhiên Hoa Kỳ không viện trợ cho lực lượng của Sơn Ngọc Thành lấy một cây súng Garant. Chính quyền Ngô Đình Diệm cũng chỉ còn cách vơ vét một số khí giới thuộc loại phế thải của Pháp, như MAT 49, MAS 36 để giúp họ Sơn. Nếu nói rằng Mỹ viện trợ vũ khí cho Nam Việt Nam và Nam Việt Nam có toàn quyền sử dụng vũ khí ấy thì không đúng. Cố vấn Mỹ kiểm soát một cách khắt khe nên Phủ Tổng thống không thể dùng một khẩu Garant M1 của Mỹ để tặng họ Sơn. Bởi nhất nhất đều không qua được con mắt dòm ngó của tình  báo Mỹ. Về phía Tây, Sơn Ngọc Thành được Thái Lan yểm trợ nhưng bản doanh vẫn là Sài Gòn.

  Trên đây cũng tạm đủ nói lên sự mâu thuẫn và bất đồng giữa Việt - Mỹ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2008, 07:30:09 pm »

CHỦ TRƯƠNG CỦA HOA KỲ THEO NGÔ ĐÌNH NHU
LÀ MỘT SỰ LƯỜNG GẠT XẤU XA

  Kể từ năm 1959, theo bác sĩ  Trần Kim Tuyến thì ông Ngô Đình Nhu chủ trương quyết hạ cho bằng được Sihanúc, vì nếu không chính Sihanúc sẽ là một mũi dùi đâm cực mạnh ngang hông Việt Nam Cộng hoà. Biên giới Việt - Campuchia nếu còn Sihanúc thì đây sẽ trở thành vùng chiến thuật bất khả xâm phạm của Cộng sản. Đối với Sihanúc, ông Nhu chỉ có hai giải pháp: một là lật nhào ông ta, hai là trở lại ve vãn thân thiện với ông ta. Giải pháp ve vãn thân thiện đã bất thành cho nên miền Nam chỉ còn một cách là đương đầu quyết liệt với Campuchia.

  Con đường này lại đi ngược với chủ trương của Mỹ. Kể từ năm 1960 khi chiến cuộc gia tăng và nhất là trận đánh Kiến Phong (tháng 10-1960) giữa lực lượng chính quy của Cộng sản với tiểu đoàn 1 nhảy dù, người Mỹ mới bắt đầu nhận ra sự thật: Campuchia đã trở thành căn cứ đại an toàn của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng Cộng sản đã xuất phát từ bên kia lãnh thổ Campuchia tiến qua đánh Kiến Phong. Tuy biết sự thật như vậy nhưng Mỹ vẫn giữ chủ trương ve vãn o bế Sihanúc. Không phải tất cả các chiến lược gia Mỹ không hiểu rõ tầm mức quan trọng của lãnh thổ Campuchia đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng lúc ấy Washington vẫn còn chủ trương giới hạn cuộc chiến trong cục bộ miền Nam. Đầu năm 1963, với trận Ấp Bắc tuy không có gì đáng gọi là một trận thua lớn (sự thiệt hại của Việt Nam Cộng hoà được coi là cân bằng) nhưng Hoa Kỳ lại lợi dụng trận đánh này và ồn ào gây áp lực mạnh với Tổng thống Kennedy buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải thay đổi chiến thuật. Cũng từ năm 1963 Hilsman nhận định rằng, phải thay đổi thái độ với Sihanúc nghĩa là chấm dứt giai đoạn o bế ve vãn. Trong khi đó thì ông Ngô Đình Nhu lại làm ngược lại, nghĩa là bắt tay với Pháp tìm ở De Gaulle một điểm tựa, ông Nhu cũng đồng thời cũng muốn hâm nóng lại mối bang giao Việt-Campuchia đã nguội lạnh từ lâu. Hoa Kỳ coi chủ trương này như một mối đe doạ cho thế đứng của họ tại bán đảo Đông Dương. Bởi vì Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh cuộc chiến, muốn mở rộng địa bàn hoạt động, thì toan tính của ông Nhu lấy Pháp làm thế tựa, tìm ở Campuchia một thái độ trung lập tích cực (nghĩa là trung lập giữa Việt Nam Cộng hoà và Bắc Việt) thì chủ trương ấy tự nói lên tính cách đe doạ nguy hiểm đối với toan tính của Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do khiến người Mỹ nóng lòng muốn thanh toán ngay Ngô Đình Diệm. Ngày 19-7-1963 Nghị sĩ Wayne L. Morse thuộc ủy ban Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố. "Việt Nam không đáng nhận được sự hy sinh của một trẻ em Hoa Kỳ" . Ông còn nói rằng, không đồng ý cho một đồng Dollars nào nữa để ủng hộ một chế độ độc tài tàn bạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm; Tại sao như thế ?
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #106 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2008, 07:35:54 pm »

ĐƯỢC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NGƯỜI CAMPUCHIA NĂM 1959
COI ĐÓ NHƯ MỘT THẮNG LỢI

  Trong vụ tranh đấu Phật giáo 1963, Campuchia được ghi nhận là nước công kích chính quyền Ngô Đình Diệm mãnh liệt nhất. Ngay từ tháng 7-1963, khi cuộc tranh đấu của Phật giáo trở nên mãnh liệt thì Sihanúc đã tìm mọi cách vận động khối người Việt gốc Campuchia tham gia cuộc tranh đấu này với chủ ý lật đổ cho kỳ được chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng Sihanúc đã không thành công như ý muốn. Bởi cộng đồng người Việt gốc Campuchia tại miền Tây vốn có cảm tình đặc biệt với cựu Thủ tướng Sơn Ngọc Thành và dĩ nhiên trong hoàn cảnh lúc ấy Sơn Ngọc Thành phải giữ thế trung lập giữa chính quyền Nam Việt Nam và Phật giáo. Nói đến cộng đồng người Việt gốc Campuchia thì không thể nào bỏ qua thế lực của các sư sãi Campuchia. Các vị sư sãi này luôn luôn là các vị thủ lãnh có uy quyền đối với đồng bào họ và đa số lại có cảm tình đặc biệt với Sơn Ngọc Thành. Khi phái đoàn Phật giáo đến yết kiến Tổng thống Diệm vào ngày 15-5 (sau vụ nổ Đài phát thanh Huế ) Hoà thượng Lâm Em đã phát biểu: “Được gặp Tổng thống như thế này tôi thấy tốt đẹp lắm ". Từ đó, tuy có tiếng trong Ủỷ ban Liên phái nhưng Hoà thượng Lâm Em, cũng như cư sĩ Sơn Thái Nguyên vẫn giữ thái độ ôn hoà đối với chính quyền Ngô Đình Diệm nếu không muốn nói là họ vẫn giữ thái độ thân thiện với chính quyền. Nhờ vậy trong suốt cuộc đấu tranh chống Phật giáo năm 1963 người Việt gốc Campuchia tại miền Tây vẫn thụ động. Những tỉnh có nhiều người Việt gốc Campuchia (chiếm đa số) như ở Trà Vinh, Sóc Trăng đều không có một phản ứng đáng ghi nhận. Trong bốn vùng chiến thuật thì vùng bốn nhất là miền Tây kể từ tháng 5 đến ngày 1-11-1963 được coi là yên tĩnh về Phật giáo. Mặc dù Sihanúc có sự hỗ trợ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam song ông vẫn không sao khích động được cộng đồng người Việt gốc Campuchia để họ đứng lên chống lại Chính phủ Ngô Đình Diệm. Được như vậy là nhờ ảnh hưởng của Sơn Ngọc Thành và uy quyền lớn lao của Hoà thượng Lâm Em, vị thủ lĩnh của các sư sãi Campuchia tại miền Nam. Điều đáng kể là chính quyền Ngô Đình Diệm nắm vững cộng đồng người Việt gốc Campuchia chính là nhờ trục Lâm Em, Sơn Thái Nguyên, Sơn Ngọc Thành. Năm 1950 đã có đề nghị yêu cầu Tổng thống Diệm đặt người Việt gốc Campuchia thành thiểu số (như đồng bào Thượng) các thủ lãnh của họ phản đối. Hoà thượng Lâm Em cũng như sư sãi Campuchia cho rằng như thế là "hạ nhục" người Campuchia. Đề nghị này được huỷ bỏ, các thủ lãnh Campuchia coi đó như một chiến thắng và một ân huệ mà Tổng thống Diệm dành cho họ.

  Với chính sách ve vãn Campuchia và nắm vững cộng đồng Campuchia tại miền Tây, Diệm đã dành cho họ nhiều ưu tiên và đó cũng là cách nhằm nâng cao uy tín của Sơn Ngọc Thành và vuốt ve lòng tự ái dân tộc của cộng đồng người Campuchia vốn có nhiều mặc cảm với người Việt. Khi người Campuchia được nhập quốc tịch Việt họ coi như một thành công đáng kể, tức là được đối xử ngang hàng như người Việt. Có điều rất khó hiểu là vào năm 1954 người Campuchia lại muốn trở thành dân tộc thiểu số tại miền Nam. Theo sự tiên liệu thì đây cũng chỉ là một chiến thuật nằm trong sách lược của ngoại bang muốn biến ngườiViệt gốc Campuchia thành dân thiểu số, rồi từ nhãn hiệu thiểu số sẽ dễ dàng bước qua một giai đoạn khác tức là giai đoạn phát động phong trào tự trị của người Campuchia tại miền Tây.

  1963 Sihanúc được dịp trả thù. Kể từ năm 1959 Thái tử Sihanúc tìm mọi cách phát triển uy tín và cơ sở mật tại hạ tầng cộng đồng người Việt gốc Campuchia nhưng như trên đã viết uy tín của Thái tử Sihanúc vẫn mờ nhạt trước một Sơn Ngọc Thành và Lâm Em. Vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963 là một thất bại lớn của Sihanúc tại miền Tây vì Sihanúc không đạt được âm mưu khuấy động tại miền Tây với danh nghĩa tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật giáo.

  Trong khi đó tại Nonpênh, Sihanúc dùng mọi nỗ lực để yểm trợ tinh thần cho cuộc tranh đấu của phật giáo miền Nam. Báo chí từ phe Campuchia hữu đến phe tả đều nhất loạt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Điển hình là nhật báo Neak cheat Niyum (tờ báo của Chính phủ) kể từ tháng 5 - 1959 cho đến 2 - 1963 nhật báo này mở cả một chiến dịch tấn công chính quyền Ngô Đình Diệm về vụ gọi là "kỳ thị và tàn sát Phật giáo". Ngôi chùa Onnalum, một ngôi chùa lớn mới được xây cất tại Nonpênh đã trở thành trung tâm tranh đấu của Phật Giáo tại Campuchia. Trong buổi lễ khánh thành ngôi chùa này vào đầu tháng 6-63, Thái tử Sihanúc đã tuyên bố những lời nảy lửa lên án Chính phủ Ngô Đình Diệm: “Chính phủ Diệm sau khi tàn sát nhiều sư sãi và Phật tử Campuchia tại miền Nam nay lại ngược đãi và tàn sát cả đồng bào họ theo Phật giáo". Ngày 9-6-63 Chính phủ Campuchia tổ chức một cuộc mít tinh tại chùa Onnalum để gọi là biểu dương tinh thần đoàn kết với Phật tử miền Nam để phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm về sự đàn áp Phật giáo. Hội Việt kiều Phật giáo do ông Trần Văn Được làm Chủ tịch cũng được Chính phủ Campuchia dành mọi sự dễ dãi trong công cuộc vận động Việt kiều chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 16-6-1963 Chính phủ Campuchia lại cho phép hội này được tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ trước toà Đại diện Việt Nam Cộng hoà tại Nonpênh để lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và đế quốc đàn áp Phật giáo Việt Nam. Trước đó 3 ngày tức là ngày 13-6 Campuchia bày tỏ lòng căm phẫn của Chính phủ và nhân dân Campuchia trước các vụ đàn áp đối với người Campuchia tại miền Nam và cũng bày tỏ niềm âu lo trước các biện pháp đàn áp Phật giáo và Phật tử của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Trong văn thư kể trên Chính phủ Campuchia đòi hỏi Chính phủ Việt Nam Cộng hoà phải tôn trọng các nguyên tắc của bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

  Tổng trưởng Ngoại giao Campuchia đã chính thức mời viên Đại lý toà Đại diện Việt Nam Cộng hoà đến Bộ Ngoại giao và trao cho ông này một văn thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa. Trong văn thư ngày 16-6 Sihanúc tuyên bố hỗ trợ Chính phủ Tích Lan của bà Sikimawo Bandanaike về việc vận động với U-thant, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để đưa vụ Phật giáo Việt Nam ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2008, 08:56:42 am »

KHI SIHANÚC TRANH ĐẤU CHO PHẬT GIÁO
VIỆT NAM CỘNG HÒA

  Đối với Sihanúc thì vụ Phật giáo năm 1963 là một cơ hội ngàn vàng để ông có dịp tố cáo Việt Nam Cộng hoà về một điều giả tạo, nhưng Sihanúc vẫn cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp giết hại người Campuchia và các sư sãi Campuchia tại miền Nam.
 
  Sihanúc gắn liền lời tố cáo này với chiêu bài "ủng hộ triệt để cuộc tranh đấu của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam" Sihanúc không ngừng phát động cả một chiến dịch báo chí tấn công và bôi đen chính quyền Ngô Đình Diệm, trong khi đó cộng đồng người Việt gốc Campuchia lại tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt. Nhờ vậy mà Vùng bốn chiến thuật không gặp một khó khăn nào trong vụ tranh đấu, ngoại trừ một vài địa phương như Bến Tre và Mỹ Tho nhưng lại rất không đáng kể. Căn cứ theo tài liệu thì trong suốt thời gian tranh đấu của Phật giáo, Vùng bốn chiến thuật chỉ phải đối phó với áp lực quân sự mạnh mẽ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

  "Miền Tây coi như không có vụ tranh đấu của Phật giáo nếu không theo dõi báo chí và đài VOA và BBC". Khi nhận được ý kiến của Tổng thống Diệm cũng như Bộ trưởng Bùi Văn Lương, ông đại biểu Nguyễn Văn Vàng cũng đã trình bày rõ ràng như vậy và Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Vùng 4 cũng xác nhận như vậy trong tập hồi ký của ông mới xuất bản gần đây.

  Tại Nonpênh ngày 2-11-1963 tức là trong ngày đảo chính và trước cái chết của hai anh em Ngô Đình Diệm Thái tử Sihanúc đã biểu lộ niềm hân hoan chưa từng có. Đêm 2-11 Sihanúc mở tiệc liên hoan trong Hoàng cung. Tờ La dépêche du Cambodge số ra ngày 3 cho rằng, cái chết của Nhu, Diệm đã đem lại cho nhân dân Campuchia một niềm vui mừng vô hạn. Thái tử Sihanúc chính thức tuyên bố. "Ngô Đình Diệm, kẻ thù của nhân dân Campuchia và Phật giáo đã đền tội... đó là ngày hội lớn của lịch sử Đông Dương". Liên tiếp trong 3 ngày liền, Thái tử Sihanúc mở tiệc liên hoan làm như chính ông ta ra tay hạ được kẻ thù không đội trời chung. Sự thực thì anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm chính là kẻ thù không đội trời chung của Sihanúc.

  Sihanúc biết rõ chính quyền Ngô Đình Diệm đã tài trợ và dung dưỡng tổ chức Khmer tự do của Sơn Ngọc Thành, chỉ một điều này đã đủ khiến Sihanúc căm thù chính quyền Ngô Đình Diệm, bởi vì Sơn Ngọc Thành đối với Sihanúc là kẻ thù không đội trời chung. Sihanúc đã dùng đủ cách để hạ sát Sơn Ngọc Thành kể cả âm mưu dùng bàn tay phòng Nhì Pháp và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Nhưng Sihanúc không thể làm gì được họ Sơn bởi chính cái uy tín lớn lao của họ Sơn trong cộng đồng người Campuchia ở miền Nam đã tạo nên bức tường thành bảo vệ Sơn và tổ chức Khmer đỏ tự do.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #108 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2008, 09:03:39 am »

MỐI THÙ BIÊN GIỚI

  Trong chuyến công du tại Việt Nam năm 1957 Thái tử Sihanúc đã đặt vấn đề biên giới Việt-Campuchia với ông Nhu. Kết quả là Sihanúc và ông Nhu đã thoả thuận như thế này "Hai Chính phủ Nam Việt - Campuchia sẽ không đặt vấn đề biên giới như một tiên quyết cho việc thiết lập bang giao Việt - Campuchia. Tuy nhiên hai nước vẫn mặc nhiên công nhận thoả hiệp Dupré-Norodom 1873". Theo thoả hiệp Dupe-Norodom ký kết giữa Thống đốc Nam kỳ (Đô đốc Dupe) và Campuchia ông Hoàng Norodom thì biên giới ViệtCampuchia được phân định bằng 124 cột trụ kéo dài từ ngã ba biên giới cho đến phía bắc kênh Vĩnh Tế qua sông Tonly tree. Soc Stroc tum, Ban Chrung, Paplan.

  Kết quả cuộc hội đàm giữa Sihanúc và Ngô Đình Nhu là Campuchia sẽ không công nhận chính quyền miền Bắc nhưng vì tôn trọng tinh thần Hiệp ước Genève 1945, Campuchia chỉ thiết lập bang giao với Việt Nam trên hàng Đại diện ngoại giao (với cấp bậc Đặc sứ).

  Ít lâu sau Sihanúc làm ngược lại lời cam kết khi ông ta tính chuyện kết thân với chính quyền Bắc Việt và Trung Cộng.

  Sihanúc lại đưa ra hai mục tiêu để gây hấn với chính quyền Ngô Đình Diệm. Trước hết là vấn đề biên giới, Sihanúc lại phủ nhận thoả hiệp Dupré.

  Sihanúc thường lên tiếng tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đã vi phạm và lấn chiếm lãnh thổ Campuchia, sau nữa Sihanúc lại phủ nhận các nghị định mà các Toàn quyền Đông Dương của Pháp trước đây đã ký ấn định gianh giới các tỉnh Tây Ninh và Prey Veng, Thủ Dầu Một và Kompong Chàm, Châu Đốc...Những năm 1959, 1960, 1961 tại các vùng biên giới Việt - Miên, lính Miên được lệnh nhổ trụ cột cắm sâu vào lãnh thổ Việt Nam cả 6, 7 cây số. Quân đội Việt Nam Cộng hòa lại phải mở cuộc hành quân nhổ cột trụ đem chôn vào vị trí cũ. Cứ mỗi lần như thế Sihanúc lại hô hoán là quân đội Việt Nam Cộng hòa vi phạm biên giới. Vấn đề thứ hai là người Miên tại miền Nam, Sihanúc chống lại việc Việt tịch hoá người Campuchia.

  Trên đây chúng tôi trình bày sơ qua về mối cừu hận của Sihanúc đối với chế độ Ngô Đình Diệm và đó cũng là lý do khiến cho Sihanúc vô cùng hân hoan trước cái chết của anh em Tổng thống Diệm. Sihanúc hận thù chính quyền Ngô Đình Diệm vì chính quyền này đã dung dưỡng và hỗ trợ Sơn Ngọc Thành. Một điều khác nữa là đã có một lần chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu lật đổ chế độ Sihanúc vào tháng giêng năm 1959.

  Giai đoạn đầu Tổng thống Diệm vẫn giữ vững chủ trương giao hảo tốt đẹp với Sihanúc (1957-1959). Vào cuối năm 1956 Việt – Campuchia đồng ý thiết lập bang giao trên cấp bậc Đặc sứ. Tổng thống Diệm hỏi ý kiến Phó Tổng thống Thơ về việc này và yêu cầu ông chọn một nhân vật giữ chức vụ Đặc sứ Việt Nam đầu tiên tại Campuchia. Tổng thống Diệm đưa ra 3 tiêu chuẩn để ông Thơ dễ dàng lựa chọn 1- Viên Đặc sứ ăn nói phải hoạt bát lanh lẹn và giỏi về Pháp ngữ, 2- Am tường nội tình Campuchia, 3- Có mưu mẹo tháo vát và quen biết nhiều các giới Campuchia Pháp.

  Phó Tổng thống Thơ đề bạt người bạn tâm giao của ông - Ngô Trọng Hiếu, lúc ấy đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân khố. Cũng nên ghi thêm là trong suốt 9 năm cầm quyền Tổng thống Diệm rất tin cẩn ôngThơ. Một khi ông Thơ đề bạt ai thì người đó có rất nhiều hy vọng được bổ nhậm. Mặc dầu bổ nhậm một Đặc sứ đáng lý ông Tổng thống phải hỏi ý kiến của ông Bộ trưởng Ngoại giao, nhưng Tổng thống Diệm vẫn có thành kiến là Phó Tổng thống Thơ am tường về miền Nam và nội tình Campuchia. Khi Tổng thống Diệm nói: “Người Cụ Phó giới thiệu”. Câu nói đó có nghĩa là người đó đáng tin cẩn của chế độ. Người duy nhất mà ông Thơ đề bạt giữ chức vụ Đặc sứ tại Campuchia là ông Hiếu (hai người này được coi như đôi bạn cố tri, khi ông Thơ lãnh Tỉnh trưởng Long Xuyên thì ông Hiếu giữ chức Trưởng ty Ngân khố ) Phó Tổng thống Thơ có trình bầy với Tổng thống Diệm là ông Ngô Trọng Hiếu hội đủ những tiêu chuẩn mà Tổng thống Diệm đưa ra. Ông Thơ cũng nhấn mạnh là Ngô Trọng Hiếu nói tiếng Campuchia rất thông thạo từng sống nhiều năm tại Campuchia và là một viên chức của ngành Ngân khố Pháp tại Campuchia. Tổng thống Diệm đồng ý, nhưng sau đó hỏi lại ý kiến ông Nhu thì ông Nhu cho rằng “Tuỳ Tổng thống, cắt cử ai cũng được, ăn thua là chính sách của mình, tôi thấy Ngô Trọng Hiếu cũng được”. Ông Nhu thắc mắc: "Hiếu còn hơn là dân Tây mà ?" . Tổng thống Diệm nói một hơi dài như thể biện minh cho ông Hiếu: "Hắn hồi Việt tịch rồi". Ông Nhu đáp nhát gừng: "Như vậy cũng đuợc rồi ".

  Trước khi chính thức bổ nhậm, Ngô Trọng Hiếu phải trải qua một cuộc thi "vấn đáp" mà giám khảo là Tổng thống Diệm. Sau khi hỏi kỹ về tình hình Campuchia Tổng thống Diệm chất vấn Ngô Trọng Hiếu: "Tình hình như vậy thì đối với Campuchia bây giờ ông sẽ tính sao”. Vốn là người nói năng lưu loát ông Hiếu đáp ngay: "Trình cụ, đối với Miên thì tôi có hai điều căn bản, một là dùng tình cảm, hai là mua chuộc hối lộ họ ". Tổng thống Diệm hỏi: “Dùng tình cảm như  thế nào”. Ông Hiếu đáp: “Người Miên có nhiều mặc cảm với nguời Việt lắm vậy ta phải dùng mọi cách để thân thiện với họ, đề cao họ để cho họ thấy rằng ta coi họ như bạn bè". Tổng thống Diệm lại căn vặn:"Lúc nãy ông nói hối lộ vậy hối lộ như thế nào?”. Ông Hiếu đáp: "Thưa cụ xin hãy tuỳ cơ ứng biến,bà mẹ Sihanúc ham được quà biếu lắm".

  Tổng thống Diệm hỏi: "Ông có quen ai ở bên đó không?”. Ngô Trọng Hiếu đáp: “Dạ thưa, quen nhiều, tôi có quen ông hoàng Monireth”. Tổng thống Diệm hỏi tiếp: "ông ta là người như thế nào”. Ông Hiếu đáp: "Theo thứ tự trong hoàng tộc vua Miên thì Hoàng thân Monireth mới là nguười nối ngôi vua Cao Miên chứ không phải Sihanúc". Tổng thống Diệm lại hỏi: "Ông ta với Sihanúc như thế nào ", ông Hiếu đáp: "Hoàng thân Monireth là cậu ruột của Sihanúc. Thời Pháp Monireth là Trung uý trong Quân đội Lê dương của Pháp, ông ta rất đuợc mẹ Sihanúc tin cẩn ". Tổng thống Diệm hỏi: "Bà ta như thế nào ", ông Hiếu đáp: “Thưa, bà ta nổi tiếng là người tham lam hay nhận hối lộ".  Tổng thống Diệm lại hỏi: "Ông còn quen ai khác nũa không ? ", ông Hiếu đáp: "Thưa, còn một vài người bạn thân như  Salusary Yan Sambaur”. Tổng thống Diệm gật đầu: "Thôi được ông về lo thu xếp rồi sang bên đó giúp tôi". Tổng thống Diệm thắc mắc: "Ông sang bên đó ai có thể thay ông làm Tổng Giám Đốc Ngân Khố? " ông Hiếu đáp: “Nhân viên cao cấp của ngành ngân khố hiện nay hầu hết còn giữ Pháp tịch vậy xin trình Tổng thống cho Trần Văn Minh tạm thời thay quyền Tổng giám đốc Ngân khố”. Tổng thống Diệm nói vắn tắt: "Thôi được, ông sang bên đó cố gắng làm sao cho tốt đẹp ".

  Trước khi ra về ông Hiếu được Tổng thống Diệm chỉ thị thêm: “Mình phải tạo được thế liên minh với Miên, Lào thì hai nước ấy cùng một khối với mình thì mình sẽ đủ sức chống Cộng sản. "
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #109 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2008, 11:41:15 am »

NGÔ ĐÌNH NHU VÀ VỤ ĐẢO CHÍNH HỤT CỦA DAP CHOUN

  Khi toà Đại diện Việt Nam Cộng hòa được thiết lập chính thức mở đầu cho quan hệ bang giao tốt đẹp giữa Việt - Campuchia thì Pháp cũng như chính quyền Hà Nội bắt đầu lo ngại. Toà Đại diện Việt Nam Cộng hòa đã thành công qua giai đoạn "thân thiện và mua chuộc", theo đúng chỉ thị của Tổng thống Diệm "Tốn phí thế nào cũng được miễn sao mua chuộc được Miên", rồi lần về Sài Gòn, Ngô Trọng Hiếu mua sắm đủ thứ của ngon vật lạ để đưa sang Nonpênh “hối lộ” Hoàng hậu Kossmack. Bà ta cũng như Hoàng thân Monireth đều có cảm tình tốt đẹp với người Việt.

  Từng giỏ soài, cam, ổi xá lị của ông Hiếu dâng tặng Hoàng hậu Kossamack đã có tác dụng ngay. Sihanúc qua ảnh hưởng của người mẹ đã có một thái độ tốt đẹp và cởi mở đối với chính quyền Sài Gòn. Toà Đại diện Việt Nam Cộng hòa sử dụng phương thuật “phóng tài hoá thu nhân tâm" nên không những hối lộ quà cáp với Hoàng hậu Kossamack mà còn mua chuộc các giới chức cao cấp Campuchia cũng như Hoàng thân Moniret bằng cách biếu quà, tổ chức tiệc tùng săn bắn...Nhờ vậy, Ngô Trọng Hiếu móc nối được tướng Dap Choun mệnh danh là phó vương Campuchia, một mình ông ta thống lãnh cả vùng Xiêm Riệp miền Tây Campuchia.

  Giữa năm 1958, Sihanúc thay đổi chính sách ngoại giao....việc đầu tiên là Sihanúc chấp thuận cho Trung cộng đặt tại Nonpênh một đại diện thương mại. Đồng thời Sihanúc cũng tìm cách mở rộng bang giao với khối Cộng và bắt tay với chính quyền Hà Nội. Cuối năm 1958, Sihanúc thiên hẳn về khối Cộng.

  Sự thực Sihanúc chủ tâm gây hấn về vấn đề biên giới Việt - Campuchia, về việc Việt tịch hóa người Campuchia cũng như đòi lại mấy tỉnh miền Tây chẳng qua chỉ là một chiến thuật gây rối và tạo áp lực trước hết để chính quyền Ngô Đình Diệm không tạo được cơ hội gây rối nội bộ Miên, sau nữa là nhắm đến việc sửa soạn đón tiếp "ông bạn” Bắc Việt. Sihanúc đã từng tuyên bố “cộng sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng hoà đều nguy hiểm như nhau” nhưng Bắc Việt là mối nguy hiểm còn ở đằng xa - Việt Nam Cộng hoà mới là mối nguy hiểm trực tiếp với Campuchia.

  Rõ rệt nhất là Việt Nam Cộng hòa tài trợ và dung túng tổ chức Khmer tự do của Sơn Ngọc Thành, họ Sơn là một ám ảnh lớn đối với Sihanúc, đó cũng là mối thù của Sihanúc đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng không có mối thù nào lớn cho bằng vụ Dap Choun đã gây nên mối cừu hận giữa Sihanúc và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó cũng là lý do cho ta thấy tại sao liên tiếp trong 3 ngày đảo chính 1-11-1963 Sihanúc đã tổ chức liên hoan như đại hội hoa đăng để ăn mừng Diệm, Nhu bị thảm sát.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM