Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:06:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai giết anh em Ngô Đình Diệm?  (Đọc 238341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2008, 07:46:10 pm »

HẬU QUẢ

  Vụ cấm treo cờ Phật giáo chỉ là nguyên nhân gần tạo nên cuộc biến động 1963. Giả thử không có vụ Phật giáo thì cũng có một vụ khác. Tuy nhiên vụ Phật giáo lại trầm trọng quá và hậu quả của nó thực ghê gớm và kéo dài mãi mãi đến sau này.Về vụ Phật giáo nếu xét theo khía cạnh chính trị thì chính quyền Ngô Đình Diệm đã mắc phải một lỗi lầm lớn. Nếu cắt nghĩa theo sự an bài của định mệnh (nếu cho là có định mệnh thì vụ Phật giáo quả là một "định mệnh" đối với Tổng thống và chế độ Ngô Đình Diệm.

  Ngay khi được hình thành chế độ Ngô Đình Diệm đã có sẵn cái mầm của sự tan rã. . .chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung vào ngày 1-11-1963 nhưng nó đã có khởi điểm của sự cáo chung ấy từ nhiều năm trước.

CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ

  Nhiều người ngộ nhận rằng, Thiên Chúa giáo luôn luôn đứng đằng sau lưng “Ngô Tổng thống " và một lòng hỗ trợ chính quyền Ngô Đình Diệm. Điều này không đúng. Nếu có thì chỉ có những cá nhân theo Thiên Chúa giáo hết lòng với chế độ Ngô Đình Diệm.

  Vụ "Chủng viện" năm 1958-1959 là một thí dụ.Vụ Chủng viện được coi như hành động của chánh quyền Ngô Đình Diệm nhằm hạn chế tự do của hệ thống giáo dục Công giáo. Tổng thống Diệm đã từng sống trong tu viện và hiểu rõ hệ thống giáo dục trong tu viện quan trọng như thế nào đối với Giáo hội Thiên Chúa giáo.

  Tại quốc gia phương Tây, hệ thống tư thục cũng như các Chủng viện đều được hưởng một quy chế tự do trên tinh thần tôn trọng tôn giáo, song vẫn được phép phát triển theo từng sắc thái và khuynh hướng riêng.

  Thế nhưng Tổng thống Diệm tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng ông lại làm trái tinh thần ấy và với quy chế tư thục, ông Tổng thống đã "thế tục hoá" hệ thống giáo dục Chủng viện và hạ thấp giá trị của các Chủng viện bằng cách xếp Chủng viện ngang hàng với trường tư. Hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo Việt Nam coi đây là một sự cưỡng chế tự do trong ngành giáo dục của Thiên Chúa giáo.
 
  Các Linh mục thuộc nhiều địa phận đồng loạt đứng lên phản đối. Sự thực, nếu không bị kẹt vì đức cha Ngô Đình Thục và nhất là Đức Khâm sứ toà thánh lúc bấy giờ hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo không dễ gì để chính quyền Ngô Đình Diệm quyết định một cách cứng rắn như vậy. Đức Khâm sứ toà thánh trực tiếp can thiệp nhưng trước sau Tổng thống Diệm vẫn không thay đổi lập trường.

  Mọi sự dàn xếp bên trong cũng không đi đến đâu. Một số Linh mục xin vào yết kiến và trình bày nguyện vọng, Tổng thống nghe rồi nói ngắn ngủi: "Giáo hội ở trong quốc gia chứ không phải quốc gia ở trong Giáo hội".

  Linh mục Joseph: “Xin Tổng thống cứu xét lại Các Chủng viện không thể nào đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của một Giám đốc Nha tư thục".

  Tổng thống Diệm nhìn ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục rồi mắng vu vơ: “Anh không hiểu gì luật lệ cả Anh phải chỉ vẽ cho người ta. Anh cứ ngậm miệng hoài".

  Bộ trưởng Bộ Giáo dục tự nhiên bị lôi vào vòng chiến và bị mắng oan trước mấy vị Linh mục. Đó cũng là cách mà Tổng thống Diệm thường hay xử dụng để biểu lộ thái độ tức giận. Nói đúng ra thì ông đã mắng xéo các vị Linh mục đang hiện diện trước mặt.

  Trước khi vào yết kiến Tổng thống Diệm thì Linh mục nào cũng mạnh miệng. Một Linh mục hăng hái nhất nói : "Tôi sẽ nói thẳng cho Tổng thống rõ - Tôi sẽ nói hết không nể nang gì cả". Tuy nhiên, khi gặp Tổng thống Diệm, các Linh mục mỗi người chỉ nói vài ba câu rồi im lặng, nghe Tổng thống Diệm thuyết giảng.

  Kết quả, Tổng thống Diệm không nhượng bộ. Giáo hội Thiên Chúa giáo đành chịu vậy nhưng trong lòng vẫn hậm hực. Vụ Chủng viện đến tai Toà thánh Vatican. Tuy Toà thánh không có một phản ứng nào (vì đường lối ngoại giao đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm) nhưng có lẽ do vụ chủng viện vào năm 1960, khi mà đức cha Ngô Đình Thục qua La Mã xin triều kiến Đức Giáo Hoàng, đức cha đã phải chờ đợi cả nửa tháng mới được vào triều kiến. Kể từ vụ Chủng viện, mối bang giao giữa Toà thánh Vatican và chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên lạnh nhạt, bên ngoài không mấy ai rõ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2007, 01:26:55 pm »

Trong khi đó Tổng thống Ngô Đình Diệm lại cho rằng Toà thánh Vatican không ủng hộ chính quyền của ông một cách cụ thể.

  Kể từ năm 1956 khi đã thành lập nền Đệ Nhất Cộng hoà, Tổng thống Diệm ngỏ ý muốn thiết lập bang giao với Vatican trên cấp bậc Đại sứ (Nonce). Tin đưa đi đưa lại và dàn xếp cả mấy năm vẫn không đạt được kết quả mong muốn.

  Ông Ngô Đình Nhu đã hiểu rõ được thế lực của Vatican trên thực tế. Ngoài Anh, Pháp Mỹ thì Vatican cũng là một "Voix" (1) trong thế lực quốc tế.Nếu được Vatican ủng hộ công khai thì chế độ miền Nam vừa có bề thế vừa tạo được một số yếu tố quan trọng để áp đảo miền Bắc trên mặt trận ngoại giao.

  Cuộc dàn xếp đã âm thầm diễn ra trong 7, 8 năm. Bác sĩ Tuyến cũng như Đại sứ Nguyễn Dương Đôn (tại Ý) Đức Khâm sứ Brini, Ngoại trưởng Việt nam Cộng hoà, ông Ngô Đình Nhu đều là những người đóng vai trò tích cực trong cuộc thảo luận để thiết lập bang giao với Vatican qua một đường hướng mới. Ta có thể mô tả cuộc dàn xếp đó theo một hình thức đối thoại như sau:

  - Tổng thống Diệm: Việt Nam Cộng hòa đã thu hồi độc lập. Miền Nam là một lãnh thổ có chủ quyền, là một quốc gia muốn nối liên lạc với Vatican trên cấp bậc Đại sứ.

  -Toà thánh Vatican: Vatican biết rõ như vậy.Trên phương diện tinh thần, Vatican ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và cư xử với Chính phủ như một quốc gia độc lập. Nhưng trên thực tế Việt Nam còn bị chia cắt Miền Bắc do cộng sản nắm chính quyền, trên thực tế họ vẫn là đại diện có thẩm quyền của một nửa lãnh thổ Việt Nam và ở đó, Giáo hội vẫn có trách nhiệm với giáo dân. Hàng Giáo phẩm Miền Bắc vẫn thuộc quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng.

Và Toà thánh Vatican còn dè dặt chưa thể dứt khoát, nhiều người thường lầm tưởng Khâm sứ Toà thánh tại Việt Nam tương đương với một Đại sứ và như vậy Toà thánh đã công nhận và thiết lập quan hệ bang giao với miền Nam Việt Nam. Sự thực vị Khâm sứ chỉ là vị đại diện có tính cách tôn giáo (Délégué Apostohque). Khâm sứ Toà thánh tuy đi xe mang số dành cho ngoại giao đoàn và được hưởng quy chế ngoại giao thì đó chỉ là trường hợp đặc cách.

  Cấp bậc của vị Khâm sứ chỉ được xếp ngang hàng với một Tổng lãnh sự. Từ khi tuyên cáo thành lập chế độ Cộng hoà, Tổng thống Diệm rất mong mỏi được Vatican "chiếu cố" nâng hàng Khâm sứ lên hàng Đại sứ.

-----------------------------------------------
(1) Tiếng nói quan trọng.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2008, 06:41:32 pm »

  Vatican vẫn hờ hững. ông Ngô Đình Nhu đưa ra một điều kiện trong trường hợp Vatican chấp nhận đặt Đại sứ tại Sài Gòn. Điều kiện ông Nhu muốn Toà thánh chấp nhận lại quá tế nhị, nhưng thực tại miền Nam phải nêu như vậy: Tổng thống là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Mà Thiên Chúa giáo chỉ có gần 2 triệu người trong tổng số 14 triệu dân miền Nam Việt Nam. Nếu Toà thánh đặt Sứ thần tại Sài Gòn thì vị Sứ thần đó có nên từ chối chức vị Niên trưởng ngoại giao đoàn không ".
 
  Toà thánh vẫn im lặng. Nhưng ông Nhu và Bộ tham mưu của ông lại băn khoăn: Trường hợp Vatican chấp thuận đặt Đại sứ tại Sài Gòn, lợi thì có lợi nhưng lại gặp một số tiểu tiết rất tế nhị theo truyền thông ngoại giao.

  Vị Đại sứ Toà thánh đương nhiên trở thành Niên trưởng Ngoại giao đoàn (một chức vị danh dự nếu không có Đại sứ nào ở miền Nam Việt Nam lâu năm nhất so với các Đại sứ khác). Như vậy sẽ không thuận lợi đối với tâm lý quần chúng nhất là quần chúng chiếm 85% không Thiên Chúa giáo (Cao Đài, Hoà Hảo, Ba hai, Phật giáo, Khổng giáo . . .) Vì rằng, nếu là Niên trưởng Ngoại giao đoàn thì vị Đại sứ Toà thánh phải xuất hiện hàng đầu trong các cuộc lễ nghi chính thức và chính ông sẽ đại diện đoàn Ngoại giao chúc mừng Tổng thống theo truyền thống Ngoại giao quốc tế, hoặc can thiệp đến quyền lợi của Ngoại giao đoàn. Đây quả là một vấn đề nan giải.
 
  Cuối cùng theo ý ông Nhu thì cứ tạm thời duy trì như cũ, nghĩa là giữ nguyên cấp bậc Khâm sứ Mặt khác, Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Ý sẽ linh động giao thiệp hẳn với Vatican theo mức quan hệ bình thường.

  Như trên đã viết, Tổng thống Diệm là một nhà quốc gia cực đoan. Trong đời sống cá nhân của ông thì tôn giáo là thiêng liêng nhất nhưng trong đời sống quốc gia nhiều khi địa vị tôn giáo đã trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên nhiều chuyện vặt vãnh rất không đáng nói lại trở nên những yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý, quần chúng có mặc cảm rằng Tổng thống Diệm đã "Công giáo hoá " quốc gia Việt Nam Cộng hoà. Chẳng hạn sau mỗi bài diễn văn hay thông điệp Tổng thống Diệm bao giờ cũng kết luận: “Xin ơn trên phù hộ cho chúng ta " Sự thực đó là thành ý của ông và ông muốn chứng tỏ ông chống lại chủ nghĩa vô thần và tin nơi Thượng đế. Nhưng đồng bào không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo lại cảm thấy khó chịu mặc dầu chữ phù hộ là một chữ quen dùng trong các lời khấn vái và văn sử cúng tế ông bà.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2008, 03:41:08 pm »

  Trên thực tế thì ông Diệm luôn luôn tỏ ra khó tính đối với Thiên Chúa giáo và nhất là những cha cố “cầu cạnh". Với mặc cảm thượng tôn uy quyền quốc gia, Tổng thống Diệm qua nhiều trường hợp đã tỏ ra quá coi thường trong cách xử sự với hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo.

  Theo giới thân cận, vào khoảng tháng 3-196l một vị Linh mục thừa phái từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn và xin gặp Tổng thống Diệm. Sĩ quan tuỳ viên vào trình:

  "Thưa, có cha P xin vào hầu Tổng thống". Tổng thống Diệm hỏi: "Còn có những ai ngoài đó". Sĩ quan tuỳ viên kể thêm một số nhân vật quan trọng ngồi chờ ngoài phòng khách để được vào tiếp kiến. Khi nhắc đến Thiếu tá Nguyễn Văn Minh,Tỉnh trưởng An Giang, ông Tổng thống nói "Gọi nó vô ". Ông Tổng thống tiếp 3 người khoảng chừng 2 giờ sau đó mới bảo sĩ quan tuỳ viên: 'Mời ông cha vô". Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi không đầy nửa giờ. Sau đó, thấy ông Tổng thống giận dữ mặt hầm hầm.

  Sau này Linh mục P tiết lộ: Linh mục đã trình bày thẳng thắn với Tổng thống về một số Linh mục miền Nam Việt Nam có những lạm dụng quá đáng về việc khai thác rừng lấy gỗ bán và làm cho thường dân rất bất mãn, nhất là đồng bào Thượng.

  Một tuần sau, bất thần Tổng thống Diệm đi kinh lý Cao nguyên. Sau đó có những chỉ thị rất nghiêm ngặt về việc khai thác rừng.

  Lần ấy ông nổi giận mắng Đại tá Lê Quang Trọng Tư lệnh sư đoàn 23 “Mi làm Tư lệnh trông coi lãnh thổ mà mi không biết chi hết”.  Ông Tổng thống ra lệnh: “Bất kỳ ai phá rừng chặt cây mi bắt bỏ tù cho ta ". Ông nhắc đi nhắc lại trong cơn tức giận “Bắt bỏ tù, bất kỳ ai “.

  Từ đó Tổng thống lại càng có mặc cảm đối với một số cha hay có tính "lo toan chạy chọt".

  Tuy vậy tại các địa phương cũng như các cấp chỉ huy vì hèn cũng có, vì nhu nhược cũng có, vì quá sợ thượng cấp cũng có cho nên đã xúm nhau bợ đỡ các vị Linh mục tất nhiên là một thiểu số.Họ ngán “các cha cố" vì cho rằng. các cha cố có ảnh hưởng rất nhiều tới Tổng thống và nói gì Tổng thống nghe nấy. Do vậy, cứ áo dài đen vào cửa công nào thì công việc đều sẽ qua trôi chảy.Trong sự lạm dụng về những vụ lặt vặt như xin giấy tờ, xin môn bài cho đạo hữu, xin hợp thức hoá đất đai v.v. . Những "áp phe" (1) vặt vãnh đó đã gây nên nhiều chuyện ngộ nhận.

  Song thực tế giới thân cận nhất tại dinhTổng thống đều xác nhận rằng Tổng thống Diệm (khác với ông Nhu và ông Cẩn) ông đều luôn hết lòng, cung kính hàng giáo phẩm. Nhưng ngoài Đức cha Ngô Đình Thục thì chẳng một ai có thể lay chuyển được ông Tổng thống...Nhiều Linh mục được ông hỏi ý kiến nhưng hỏi để mà hỏi thế thôi.
---------------------------------------------
(1) vụ buôn bán làm ăn.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2008, 05:35:13 pm »

  Linh mục Hồ Văn Vui được coi là một tu sĩ có nhiều uy tín trong giới Thiên Chúa giáo tại miền Nam. Dạo năm 1958, Linh mục Vui đã nhiều lần công khai phê phán chế độ và trong một bài thuyết giảng tại nhà thờ Đức Bà, Linh mục Hồ Văn Vui đã lên tiếng phê bình Chính phủ một cách vô tư thẳng thắn. Khi nghe được tin Linh mục công kích Chính phủ, Tổng thống Diệm tỏ vẻ tức giận:
  Nhà thờ là nơi tôn nghiêm tại sao lại đưa chính trị vào vô đó mà công kích Chính phủ.

  Ông Nhu cũng tỏ vẻ tức giận nói với bác sĩ Trần Kim Tuyến: Tại sao Đức cha Simone Hoà Hiền lại để cho Cha Vui nói lôi thôi như vậy, việc nhà thờ tại sao lại đem chuyện nhà nước xía vô. Giận Linh mục Vui thì ít, nhưng không bằng lòng đức cha Hoà Hiền thì nhiều.

  Lời nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng. Tổng thống Diệm lại bị mấy ông Dân biểu và Bộ trưởng "xàm tấu” rằng: "Cha Vui công kích Tổng thống thế này, kết án Chính phủ thế kia”.  Do đó càng tạo nên hố sâu ngăn cách cho nên thay vì tìm gặp Linh mục để tỏ rõ sự tình, ông Ngô Đình Diệm với uy quyền của một Quốc trưởng không gặp linh mục và cũng không công khai bày tỏ thái độ nào với địa phận Sài Gòn. Mặt khác ông lại bảo ông Chủ tịch Quốc hội và vài ông Dân biểu (là những giáo dân thuộc địa phận Sài Gòn) tìm cách khác để đức cha Simone Hoà Hiền thuyên chuyển Linh mục Vui đi một nơi khác.

  Qua vụ cha Của và cha Vui, giáo dân miền Nam tuy ngoài mặt vẫn vui vẻ với chính quyền nhưng thâm tâm đa số có mặc cảm rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã xử ức họ và coi thường giới công giáo Việt Nam.

  Riêng vụ cha Của thì lỗi cũng không phải do nơi cha mà quy hoàn toàn trách nhiệm cho Tổng thống Diệm cũng là oan. Số là sau khi quân đội Viễn chinh Pháp rút lui một vài sĩ quan người Pháp đã bán rẻ cho cha Của mấy chiếc xe thuộc loại phế thải. Sau Nha Công an Nam Việt do Trung tá Trần Bá Thành là Giám đốc đã làm nổ tung vụ này. Sự việc xảy ra mấy hôm sau mới đến tai Tổng thống Diệm. Nhưng ông lại không can gián và cứ để mặc đấy cho toà xử để làm gương, nếu xét thấy có tội...Vụ này Trung tá Thành muốn chứng tỏ tinh thần vô tư và cứng rắn của Công an và ông đặt Tổng thống Diệm trước một việc đã rồi.

  Việc xét xử cha Của tuy tình ngay nhưng lý gian, đã gây nên mâu thuẫn trầm trọng giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và giáo dân thuộc Địa phận Sài Gòn.

  Lúc ấy dư luận xầm xì rằng, nếu cha Của thuộc đia phận Vĩnh Long của đức cha Ngô Đình Thục thì cho dù, có phạm pháp thực cũng không sao. Dư luận lại xầm xì rằng: Cha Của là con tốt thí vì sự bất hoà giữa đức cha Simone Hoà Hiền và gia đình Tổng thống Diệm.

  Từ đó sự liên lạc giữa Địa phận Sài Gòn và gia đình Tổng thống Diệm càng trở nên lạnh nhạt xa cách. Cuối cùng đức cha Simone Hoà Hiền lên trọng nhậm Địa phận Đà Lạt cũng là một cách tế nhị của Giáo hội Thiên Chúa giáo muốn tìm lại không khí tốt đẹp giữa chính quyền Ngô ĐìnhDiệm với địa phận Sài Gòn qua một con người trung dung hiền dịu là đức cha Nguyễn Văn Bình.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2008, 06:26:52 pm »

CHÙM MÂU THUẪN VÀ NGỘ NHẬN

  Năm 1961, 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ngồi trên một nồi "Súp de" sôi bỏng đầy mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa chính quyền với các “khối quần chúng", mâu thuẫn giữa chính quyền với quần chúng trong hệ thống ấp chiến lược của chính quyền, mâu thuẫn ngấm ngầm giữa chính quyền và các tôn giáo trong đó có cả Thiên Chúa giáo. Mâu thuẫn và nứt rạn phân hoá ngay trong giới thân cận của Tổng thống Diệm, mâu thuẫn giữa ông Nhu với ông Cẩn, mâu thuẫn giữa ông Cẩn với đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Rồi còn bao nhiêu những "mâu thuẫn" ở ngay trong hàng ngũ thượng tầng của chế độ. Cái chùm mâu thuẫn này không phải là mâu thuẫn về chính kiến mà lại mâu thuẫn do những cá tính dị biệt cùng thành kiến và ngộ nhận. Người có quyền thế nếu có thành kiến với ông A và ông A là Phật giáo, rồi ông A bị thất sủng thì y như rằng thành kiến cá nhân trở thành kỳ thị tôn giáo. Rồi ông Bộ trưởng người Nam có thành kiến và ngộ nhận về ông C do đó ông C bị thất sủng, ông C là người Bắc thì y như rằng thành kiến và ngộ nhận trở thành kỳ thị Nam-Bắc... Chúng tôi nêu ra hai trường hợp sau đây để có thể thẩm định ông Diệm có kỳ thị tôn giáo không ? Đó là trường hợp ông Võ Văn Hải, Chánh Văn phòng đặc biệt của Tổng thống và ông Nguyễn Đình Thuần. Ông Hải là người thân cận của Tổng thống Diệm và như ruột thịt của ôngDiệm khi ông Diệm chưa chấp chánh. Có thể nói, hai người đó một già, một trẻ keo sơn với nhau như định mệnh đã an bài, và không thể rời bỏ nhau được. Nếu đòi hỏi điều kiện khoa bảng thì ông Hải là một nhà khoa bảng. Ông Hải lại là người cần cù biết việc, có đủ lòng tin cẩn của Diệm. Nhưng trong suốt 9 năm ông Hải phải đóng vai trò của một người bị "ông Diệm sáng cằn nhằn, chiều la lối ". Song ông Hải trước sau vẫn chỉ là một Chánh Văn phòng bù đầu suốt tháng năm và ông đã không hề được chế độ đặt ông ở một vị trí khác (người nào ở trong trường hợp ông Hải mà chẳng mơ ước có thể thi thố được tài năng). Ông Hải lại kỵ ông Nhu.

  Phải công nhận rằng, ông Hải tuy thân thiết với Diệm nhưng ông giữ được sự khí khái và lại xa cách ông Nhu. Đó cũng là lý do ông Hải là một Phật tử thuần thành, sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo...nhưng không phải vì lý do tôn giáo khác biệt mà ông Hải không được làm việc trong bộ này hay bộ khác...ông Diệm coi ông quá thân thiết và chức vụ Chánh Văn phòng chính là phần trái tim ông Diệm trao cho ông ấp ủ khiến ông Hải phục vụ hết mình, nhưng bổng lộc của chế độ thì lại do những ai "nhanh chân lẹ miệng thụ hưởng".

  Trong chế độ có rất nhiều người ở vào trường hợp ông Hải...nhưng lại được ông Diệm tin yêu, tín nhiệm như ruột thịt. Vấn đề tôn giáo ông không quan tâm vì nếu quan tâm thì hẳn nhiên ông Hải không được tin dùng. . .Tuy có điều, ai được ông Diệm coi như tâm huyết thì nhiều khi lại có cảm tưởng bị thất sủng, bỏ rơi. Đồng thời có một số người khác "may tay" lại lên như diều gặp gió. Đó là trường hợp ông Nguyễn Đình Thuần. Ai cũng biết, ông Thuần là "đàn em" của ông Trần Trung Dung, và đã làm báo cho ông Dung từ ngày còn ở Hà Nội. Ông Dung được coi như một bạn bè thân thiết của Ngô Đình Nhu. Ông thuộc gia đình công giáo đại gốc.

  Khi ông Dung là Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng thì cất nhắc đàn em là Nguyễn Đình Thuần lên Đổng lý Văn phòng. Ông Dung tuy là thân cận của ông Nhu và cũng là hàng con cháu trong gia đình nhưng đến năm 1960 thì ông Dung rời bỏ Bộ Quốc phòng (18-10-1960) và ông Thuần được cử thay thế. Dạo ấy có dư luận cho rằng ông Dung bị ông Thuần "đá" và tranh chức Bộ trưởng. Sự thực  không đúng như vậy.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2008, 04:57:14 pm »

  Tuy tin cẩn ông Dung nhưng ông Diệm lại không "chịu" cách thức làm việc của ông. Ông Diệm vẫn thường cằn nhằn "Ông ta làm Bộ trưởng Quốc phòng mà không hiểu công việc gì cả. Khi hỏi đến chỉ nói những vấn đề đâu đâu”. Ông Dung tuy xuất thân từ một Tri huyện nhưng có lẽ cái "chất Tri huyện" chưa thấm sâu vào mạch máu ông cho nên ông không có cái cần cù mẫn cán của một người ngồi viết công văn, đọc báo cáo và ghi nhớ hồ sơ, cho nên khi ông Diệm hỏi đến các công việc gì ở Bộ Quốc phòng thì ông Dung chỉ tường trình một cách tổng quát.

  Tổng thống Diệm không chịu như vậy, cho nên ông phải gọi thẳng ông Đổng lý. Ông Đổng lý Thuần vốn là người thông minh, sắp đặt công việc có hệ thống tuy bị ghi nhận là quá lanh chân, lẹ miệng. Có lẽ nhờ vậy, mỗi khi ông Diệm hỏi đến công việc ông đã trả lời rất vừa ý ông Diệm. Hồ sơ này thế này, hồ sơ này thế kia...Mà thực ra trên phương diện tổng quát, ông Thuần lại thiếu khả năng của một Bộ trưởng Quốc phòng vào thời chiến. Thế nhưng ưu điểm của ông là "Tổng thống gọi thì thưa ngay, hỏi hồ sơ nào thì có liền ".
 
  Do đó, thay vì tìm sự công tác trên bình diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng ở nơi ông Trần Trung Dung, thì ông Diệm lại chỉ sai phái và hỏi han ông Đổng lý. Khi ông Dung vào làm việc với Tổng thống thì chỉ muốn mau chóng trình bày một cách tổng quát rồi tuỳ nghi thi hành, ông Thuần thì trái lại sẵn sàng có thể ngồi đến bao giờ cũng được để nghe lời " dạy". Vốn là người cô đơn khắc kỷ và ưa được dài lời chuyện trò lan man qua công việc Tổng thống Diệm đã tìm được một người vừa ý như ông Thuần luôn luôn biết lắng nghe và làm rất vừa ý. Ngày này qua tháng khác và luôn chứng tỏ tài mẫn cán, ông Thuần trở thành người Tổng thống Diệm coi là giới “biết việc". Khi luật sư Nguyễn Hữu Châu rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Phủ Tổng thống, ông Diệm chưa biết tìm ai thay. Ông Nhu biết ý ông anh nên để tuỳ ý ông anh "để ông muốn tìm ai thì tìm”, ông Nhu cũng không đoán nổi ông anh sẽ chọn ai. Có điều là cho đến phút chót khi Tổng thống Diệm quyết định chọn ông Thuần làm Bộ trưởng Phủ Tổng thống, thì chính ông Nhu vẫn tưởng ông Thuần sẽ được ông Diệm bổ nhậm là Đặc sứ tại Tunisie. Ngay ông Thuần cũng không hay biết. Khi Lương Khải Minh gọi điện thoại báo cho ông Thuần hay: “Moa có lời mừng cho toa". Ông Thuần ngạc nhiên: “Thưa anh có chuyện gì vậy ?" "Toa được cử làm Bộ trưởng Phủ Tổng thống”. Cho đến lúc ấy ông Thuần mới biết là mình đã được ông Diệm tín nhiệm ở chức vụ quan trọng như vậy.

  Ông Thuần trở thành Bộ trưởng Phủ Tổng thống sau này kiêm nhiệm Bộ trưởng phụ tá quốc phòng (thay thế ông Trần Trung Dung) rồi lại được tạm giữ chức Bộ trưởng phối hợp An ninh (Chính phủ cải tổ ngày 28-5-1961). Giới thân cận phủ Tổng thống cho rằng: ông Thuần là người biết "chiều ý" Tổng thống đến tuyệt mức.

  Cái sự lên như diều gặp gió của ông Thuần cũng như sự "dẫm chân một chỗ" của bao nhiêu người khác đã tạo nên mầm bất mãn tuy không ai nói ra, và cái mầm bất mãn "trong nhà" đã không bùng nổ vì còn một Tổng thống Diệm. Vì thế những mâu thuẫn không tạo nên sức ép và những tia điện.
 
  Trong cuộc tiếp xúc và tâm tình với các "nhân chứng " thân cận Tổng thống Diệm, chúng tôi thấy rằng phần lớn những cộng sự viên thân tín của ông đều là Phật giáo. Điển hình là ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, bác sĩ Bùi Kiện Tín, ông Võ Văn Hải, Đại tá Đỗ Mậu cũng như Trung tá Cao Văn Viên. Các Tư lệnh lữ đoàn Liên biệt phòng vệ phủ Tổng thống như Đại tá Hoàng Văn Lạc, Trung tá Lê Ngọc Triển đều là Phật giáo ngoại trừ Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, vị Tư lệnh cuối cùng của Lữ đoàn này là tín đồ Thiên Chúa giáo. Vì ông Tổng thống mặc cảm với Thiên Chúa giáo nên nhiều viên chức Công giáo ở trung ương đã không được Tổng thống Diệm cất nhắc nên chức vụ quan trọng. . .Tư lệnh các binh chủng như lữ đoàn nhảy dù, Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến trước sau từ Đại tá Đỗ Cao Trí, Nguyễn Chánh Thi đến Cao Văn Viên và Trung tá Lê Nguyên Khanh đều là Phật giáo . . .Vậy thì Tổng thống Diệm có kỳ thị Phật giáo hay không, sử gia sau này sẽ phán đoán công minh. Điều rõ rệt là Tổng thống Diệm quá nhiều mặc cảm và thành kiến sâu nặng đối với một số chánh khách thuộc Đảng Đại Việt gồm quan lại đã từng tham chánh dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Tâm. ..
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Giêng, 2008, 06:43:35 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2008, 04:40:41 pm »

CHƯƠNG V

TỪ CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CÁI CHẾTCỦA ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN
 
  Cái chết của một Tổng thống như ông Ngô Đình Diệm, tất nhiên không phải là một sự vô lý đơn giản như người ta thường nghĩ. Nó đã được sửa soạn tinh vi, vì làm thế nào để giết một ông Tổng thống đã cầm quyền 9 năm không phải là chuyện "tuỳ hứng" .

NGƯỜI EM ÚT

  Quanh cái chết của Tổng thống Diệm đầy rẫy những sự vô lý nông nổi bi thảm. Sau khi ông chết đi, lại còn bao nhiêu sự vô lý khác. Chữ vô lý ở đây xin được hiểu theo sự suy đoán trong bản chất và tinh thần Việt Nam vốn trọng tình cảm, sự trung hậu và lễ nghĩa.
 
  Một trong những sự vô lý đó là cái chết của ông Ngô Đình Cẩn người em thứ 5 của Tổng thống Diệm. Cái chết này đã được công khai hợp pháp hoá vì ông Cẩn được ra toà xét xử. Nếu bị viên công tố gay gắt buộc tội thì cũng chả có cái gì vô lý. Khi đảo chính bùng nổ thì Tướng Đỗ Cao Trí đang là Tư lệnh Vùng I chiến thuật. Ông tướng này là người có thẩm quyền duy nhất tiếpthu toàn vẹn những gì có ở bên trong căn nhà tổ ấm của gia đình họ Ngô. Ông Cẩn tưởng đã thoát thân...dù tấm thân chỉ còn hai bàn tay trắng. Trong cuốn Việt Nam Crisis, hai tác giả Stephen Pan và Daniel Lyons đã viết như sau:
 
  “Ông Cẩn lúc đầu ty nạn tại nhà dòng Chúa Cúu Thế. Nhưng những người từng được ông giúp đỡ sợ rằng: Nếu chứa chấp ông, sẽ có thể bị các nhà lãnh đạo đảo chính nghiêm trị nên ông Cẩn phải qua toà Lãnh sự Mỹ tại Huế xin trú ẩn. Toà Lãnh sự này phải xin chỉ thị của toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Đại sứ Hennry Cabot Lodge trả lời rằng Lãnh sự Mỹ không được phép cho ông ta ty nạn nhưng lại, đồng thời ra lệnh đưa ngay ông Cẩn vào toà Đại sứ Mỹ. Nhưng khi ông Cẩn đến Sài Gòn toà Đại sứ Mỹ liền trao ông Cẩn cho Hội đồng quân nhân cách mạng xét xử. Theo nguồn tin có thẩm quyền mà hai tác giả được biết, toà Đại sứ Mỹ đã hội ý với Hội đồng quân nhân cách mạng và buộc Hội đồng phải cam kết 3 điều kỉện thì toà Đại sứ mới dẫn độ: 1) Phải được xét xử minh bạch và công khai. 2) Không được đối xử tàn nhẫn. 3) Không bị bắn hoặc giết".

  Stephen Pan và Daniel Lyons viết: "Trong tình cảnh lúc bấy giờ, nếu tin tưởng vào cuộc xét xử minh bạch, công khai thì thật là ngây thơ. Mặc dù trong thời gian đó, ông Cẩn đang bị yếu nặng với hai căn bệnh áp huyết cao và tiểu đường. Với cách đối xử rất tồi tệ lại thiêú thuốc men, chăm sóc trong tù thì ông Cẩn chắc chắn sẽ không sống thêm được bao lâu.
  Nhưng dù quá yếu đến nỗi không đứng nổi, ông ta vẫn bị cột vào cái trụ đứng và bị bắn ".

  Stephen Pan và Daniel Lyons thắc mắc: Người ta còn nhớ hồi tháng 8-63 một nhà sư (...) đã lánh nạn trong toà đại sứ Mỹ và được Đại sứ Cabot Loadge bảo vệ an toàn trong 9 tuần lễ, nghĩa là cho đến ngày hai anh em ông Diệm bị giết. Hãy để cho lịch sử phán xét nhũng sự việc mâu thuẫn như trên".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2008, 06:47:38 pm »

  Nếu ông Cẩn bị đem ra xử bắn trước cuộc chỉnh lý của tướng Khánh, thì cũng có thể giải thích được. Nhưng ông Cẩn lại bị xử tử khi tướng Khánh lên cầm quyền và Cabot Lodge vẫn còn tiếp tục là Đại sứ ông Lodge thường được coi như quan thầy quyền uy của tướng Khánh. Mấy ngày sau cuộc chỉnh lý, người ta cho rằng rất có thể ông Cẩn được tha và cho xuất ngoại . Vì dù sao tướng Khánh cũng là một trong mấy người con tinh thần của ông Diệm và tướng Khánh đã trung thành với ông Diệm cho đến phút cuối cùng dinh Gia Long bị mất vào tay quân đảo chính . Chiều ngày 11 tướng Khánh từ Pleiku còn gọi điện cho tướng Cao ở Cần Thơ, hối thúc ông Cao đem quân về cứu Tổng thống Diệm. Tướng Khánh cho biết không thể đem quân về được vì Quân đoàn 2 quá xa...Tướng Cao tin cho tướng Khánh rõ là tướng Minh, Khiêm và các Đại tá Đỗ Mậu, Nguyễn đức Thắng hứa là bảo đảm tính mạng Tổng thống Diệm và ông Nhu. Tướng Khánh trả lời: "Không tin được tụi nó đâu chúng nó nói vậy mà làm khác".  Tướng Khánh vẫn giữ lòng trung thành cho đến phút chót. Thế nhưng...quyền lợi cá nhân và địa vị đã thay đổi lòng người.
 

Hội đồng quân nhân cách mạng họp báo sau đảo chánh.

  Khi ông Cẩn bị đưa ra toà, người ta vẫn tin rằng có thể ông sẽ bị xử qua loa. Khi bị kết án tử hình người ta vẫn tin ông Cẩn sẽ được Quốc trưởng Dương Văn Minh chấp thuận đơn ân xá.

  Cuối cùng vào một buổi chiều ánh nắng còn chan hoà, tử tội Ngô Đình Cẩn được khiêng ra pháp trường trong vòng thành khám Chí Hoà. Tay bị trói chặt vào cây cột giữa pháp trường và bị bắn gục trước sự chứng kiến của những người trước kia ra vào dinh ông Cẩn thường khúm núm như gia nhân. Đại sứ Lodge là người đã buộc "Hội đồng Quân nhân cách mạng" phải cam kết không được xử bắn ông Cẩn, khi ông Cẩn nhận từng loạt đạn, Lodge vẫn còn là vị Đại sứ Mỹ đầy uy quyền tại miền Nam Việt Nam. Rồi có các giả thuyết được nêu ra:

  1- Ông Khánh làm như thế để chiều lòng những áp lực khác đang đè nặng lên ông.

  2- Ông Khánh chủ trương thanh toán ông Ngô Đình Cẩn vì áp lực của "những người" từng ra luồn vào cúi dưới trướng "Cố vấn chỉ đạo " . . .

  3- Ông Khánh chủ trương thanh toán ông Cẩn chỉ vì vụ "tài sản" của ông Cẩn mà ông Khánh đã được chia phần kể từ khi ông ra nhậm chức Tư lệnh Vùng chiến thuật I thay thế tướng Trí.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2008, 10:19:25 am »

SÉT ĐÁNH NGANG ĐẦU

  Sáng ngày 2-11 -1963 tại tư thất ông Cẩn chuông điện thoại reo vang. Âm vang của hồi chuông thật rền rĩ réo rắt trong buổi sáng tinh sương. Điện thoại gọi từ Đà Nẵng. Đại uý Minh nhấc máy lên. Từ phía đầu dây bên kia, vẫn giọng tướng Trí ngập ngừng, cắt quãng, rời rạc. Lời tướng Trí được ghi nhớ như sau: “Anh thông báo ngay cho Cậu biết, Sài Gòn vừa báo tin cho tôi hay là Tổng thống và ông Cố vấn chánh trị đã tự tử chết rồi. Tôi không hiểu ra sao nữa. . . ". Đại uý Minh chân tay bủn rủn, có cảm tưởng như đang nghe điện thoại trong cơn mê của giấc ngủ say. Ông hỏi đi hỏi lại tướng Trí hai ba lần. Tướng Trí xác nhận: “Sài Gòn vừa báo cho tôi hay nhu vậy". .Lúc ấy Đại uý Minh mới tin đây là sự thực - một sự thực phũ phàng ngoài trí tưởng tượng của ông. Nhưng tưởng tượng quả là vô lý ? Khi báo cho ông Cẩn hay hung tin này, ông Cẩn vẫn không tin và nói: "Làm gì có chuyện động trời như vậy". Nhưng Tổng thống Diệm và ông Nhu đã chết. . . dù ông Cẩn có không tin là thực thì sự thực vẫn tàn nhẫn xảy ra như thế.
 
  Ngay lúc đó, Đại uý Minh cho người đi báo hung tin cho cha Thuận. Sáng ngày 2- 11 màn tang đã bao phủ căn nhà tổ ấm của gia đình Tổng thống Diệm ở miền Phú Cam nơi hai anh em ông Diệm đã sinh ra và lớn lên. Lúc đó chung quanh ông Cẩn vẫn còn đầy đủ các cộng sự viên thân tín, trong đó có ông Đào Quang Hiển Giám đốc nha Công an Trung nguyên Trung phần.
 
  Rồi chiều mùng 2, buổi chiều nặng nề như những phiến đá đè nặng trên phận người mong manh. Khoảng 1 giờ 30, Đại uý Minh được lệnh của ông Cẩn gọi điện thoại cho tướng Trí và mời tướng Trí ra Huế để báo cáo cho ông Cẩn rõ nội vụ. Huế cho đến lúc ấy vẫn tương đối yên tĩnh.

  Khoảng 3 giờ, bỗng nhiên đoàn thiết giáp của thiếu tá Tuấn đến bao vây vùng Phú Cam và căn nhà ông Cẩn (Thiếu tá Tuấn sau thăng Trung tá và bị chết thảm trong biến cố Tết Mậu Thân tại trường Thiết giáp Gò Vấp Sài Gòn). Tình hình Huế bắt đầu ngột ngạt, dao động và như cây nước giữa biển nặng đang bắt đầu vỡ ra và dâng cao. Trong giờ phút cuối cùng này, một nhân chứng thuật lại: ông Cẩn đã mất tinh thần vì xúc động trước cái tin hai ông anh bị giết chết. Chung quanh ông vẫn còn đầy đủ cộng sự viên như Minh, Trọng, Độ . . .
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM