Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:44:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giới thiệu sách mới  (Đọc 59660 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« vào lúc: 26 Tháng Chín, 2007, 09:44:49 am »

Ra mắt cuốn sách mới về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn


Cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy) của Giáo sư người Mỹ Larry Berman, viết về cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn sẽ được Nhà xuất bản Thông tấn, đơn vị giữ bản quyền dịch sách ra tiếng Việt sẽ cho ra mắt độc giả Việt Nam trong tuần này.


Phạm Xuân Ẩn, người được đánh giá là “một trong những điệp viên tài giỏi nhất của thế kỷ 20”.




Trong buổi gặp gỡ với báo giới chiều ngày 11-9 tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, tác giả cuốn sách cho biết Điệp viên hoàn hảo sẽ được phát hành nhân ngày giỗ đầu của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (20-9).

Larry Berman là giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Califonia Davis. Tại Mỹ, cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” bằng tiếng Anh dày hơn 300 trang do Nhà xuất bản Harpers Collins ấn hành mới chính thức ra mắt độc giả vào tháng 4 vừa qua. Đây là cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin có giá trị lịch sử cao viết về nhà tình báo xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Phạm Xuân Ẩn.

Larry chia sẻ: “Trước khi viết cuốn sách này, tôi đã viết bốn cuốn sách khác về Việt Nam, nhưng tất cả đều là Việt Nam qua cái nhìn của người Mỹ. Khi bắt tay viết “Điệp viên hoàn hảo” cũng là lúc tôi bắt đầu nhìn đất nước các bạn qua con mắt của một người Việt Nam”. Ông là học giả đầu tiên của Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn.



Tác giả Larry Berman và cuốn sách.

Cuốn “Điệp viên hoàn hảo” bằng tiếng Anh có 10 phần tập trung vào những sự kiện lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo, nhà báo Phạm Xuân Ẩn. Đó là những sự kiện về trận Ấp Bắc, cuộc tấn công của Mỹ vào Việt Nam năm 1965, cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, giải phóng miền Nam 1975 và hai chương viết về Phạm Xuân Ẩn sau giải phóng từ (1975-1985).

Larry Berman lần đầu tiên gặp Phạm Xuân Ẩn vào tháng 7-2001. Nhưng mãi đến năm 2003, nhà tình báo mới đồng ý để Larry viết về cuộc đời mình. Ông Phạm Xuân Ẩn đưa ra lý do với Larry là “Tôi hy vọng lớp trẻ ở Mỹ có thể hiểu thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam qua cuốn sách anh sẽ viết về cuộc đời hoạt động của tôi”. Ông Ẩn cũng đưa ra điều kiện “nội dung sách chỉ được nói về những phần hoạt động đã được tôi cho phép và tôi sẽ đề nghị một số thành viên trong mạng lưới trước đây của tôi hợp tác với anh trong quá trình thu thập thông tin”.

Giáo sư Larry Berman cho biết, ông đã phải bắt đầu năm năm để hoàn thành cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”. Để khai thác được nhiều thông tin về cuộc đời của ông Phạm Xuân Ẩn, giáo sư phải sang Việt Nam tất cả 20 lần để phỏng vấn, thu thập tài liệu. Mỗi lần ở Việt nam, ông dành hai tuần để “hầu chuyện” Phạm Xuân Ẩn. Larry nhớ lại: “Mỗi ngày, tôi gặp ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng bắt đầu từ 8 giờ sáng và ở đó đến khi nào ông Ẩn mệt thì về”. Khi ấy, cả người kể chuyện và người ghi chép đều biết rằng thời gian cho họ chẳng được nhiều. Bệnh tật hành hạ ông Ẩn và ông ấy rất yếu.

Trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn là tình báo viên thuộc mạng lưới tình báo H63 ở Củ Chi. Giáo sư Larry rất cẩn trọng trong việc thẩm định những tư liệu có được vì thế mà ông dành thời gian tiếp xúc với tất cả thành viên mạng lưới tình báo này hiện còn sống, những nhân vật được ông Ẩn nhắc đến trong cuốn sách. Đó là ông Tư Cang, thủ trưởng của Phạm Xuân Ẩn, người điều hành mạng lưới tình báo H63 và cô Thảo, thành viên của mạng lưới. Ông đã về Long An gặp cô Nguyễn Thị Ba, từng là liên lạc viên của Phạm Xuân Ẩn trong suốt thời gian hoạt động tình báo. Đại tướng Mai Chí Thọ cũng có buổi gặp với giáo sư Larry nói về cuộc đời hoạt động của Phạm Xuân Ẩn.


Tác giả Larry Berman và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Để hoàn thành cuốn sách, mỗi chi tiết mà tác giả đưa ra đều có kiểm chứng bằng cách ông tìm trong kho tư liệu ở Việt Nam, cũng như ở Mỹ. Tác giả Larry Berman đi tìm gặp và phỏng vấn 50 người, họ là những người bạn hoặc những người quen biết của ông Ẩn tại Mỹ.

Trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”, giáo sư Larry Berman viết những dòng đầy kính trọng và đúng mức đối với nhà tình báo xuất sắc này của Việt Nam. Ông cho biết: “Chính cái tên Phạm Xuân Ẩn đã là một ẩn số khiến tôi không ngừng muốn giải mã. Cuộc đời ông có rất nhiều lần phải đứng giữa “ngã ba”, phải chọn lựa nhưng thì các quyết định của ông đã đúng. Phạm Xuân Ẩn thật sự hòan hảo khi ông vừa là nhà báo của tạp chí Times vừa là nhà tình báo. Tôi nhận thấy ở ông ấy cốt cách nhân văn của con người trong khi thực hiện cả hai vai trò ấy. Chính điều này tạo cảm hứng đặc biệt cho tôi hoàn thiện cuốn sách".

Đến Việt Nam lần này, tác giả cuốn sách “Điệp viên hòan hảo” cũng đã có cuộc nói chuyện với sinh viện trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hôm nay, 12-9, Nhà xuất bản Thông tấn, đơn vị giữ bản quyền dịch sách ra tiếng Việt có cuộc gặp gỡ với tác giả Larry Berman.

Theo Nhà xuất bản Thông tấn, cuốn sách này do tác giả Nguyễn Đại Phượng (Trưởng ban Quốc tế Báo Tiền Phong) dịch sang tiếng Việt, sẽ được ra mắt độc gỉa Việt Nam trong tuần này nhân ngày giỗ đầu của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn (20.9). Bạn đọc Việt Nam sẽ được biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp với những hoạt động bí ấn, đầy tính nhân văn của nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn qua ngòi bút của giáo sư Mỹ Larry Berman.

Larry Berman cũng cho biết, sắp tới, cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn sẽ được dựng thành phim trên màn ảnh Holywood.

TRÀ MY
(Theo Báo Nhân Dân)
Nguồn: http://thegioisach.dantri.com.vn/news/index.php?newsid=144
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2007, 09:54:28 am »

Bí Mật Các Chiến Dịch Không Kích Của Mỹ Vào Bắc Việt Nam


Bí Mật Các Chiến Dịch Không Kích Của Mỹ Vào Bắc Việt Nam:
Bị thua đau trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã vạch kế hoạch tiến công miền Bắc để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Đêm 4 rạng 5/8/1964 Mỹ dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ" vu cáo ta tiến công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế. Trưa 5/8/1964 Mỹ mở cuộc tiến công "mũi tên xuyên" sử dụng 64 lần/ chiếc mày bay hiện đại từ hai tàu sân bay ném bom một số địa điểm trên miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân vào miền Bắc lần thứ nhất. Ngay trận đầu, quân và dân ta đã bắn rơi 8 chiếc máy bay, bắt sống giặc lái, làm nức lòng nhân dân cả nước, chứng minh lực lượng vũ trang ta có đủ khả năng đánh thắng không quan và hải quân Mỹ.

Trong cả hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc Mỹ đã sử dụng tất cả các loại máy bay hiện đại nhất gồm B. 52, F-111, máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay không người lái... Thủ đoạn đánh phá ác liệt và tàn bạo nhất; tập kích nhiều đợt với số lượng lớn máy bay, đánh ngày, đánh đêm, bay thành nhiều tầng, nhiều hướng, đánh phá các trận địa, sân bay, cơ sở kinh tế, cầu cống, đường giao thông, công trình văn hoá lịch sử, các khu dân cư, các thành phố lớn... hòng "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá". Chúng đã ném hơn 2 triệu tấn bom đạn, thả hơn 2 vạn quả thủy lôi phong tỏa cảng biển, làm rất nhiều người chết, hơn 120.000 người bị thương, tàn phá nặng nề các cơ sở kinh tế và hạ tầng cơ sở ở miền Bắc.

Trong khói bom bão đạn, quân và dân miền Bắc vẫn bình tĩnh hiên ngang vừa sản xuất vừa chiến đấu. Từ bộ đội phòng không, không quân đến dân quân du kích và các cụ già đều tham gia bắn máy bay, đơn vị nào cũng đánh thắng ngay từ trận đầu, khắp nơi giăng lưới lửa tầm thấp, tầm cao bắn tan xác tất cả các chủng loại máy bay Mỹ. Bộ đội hải quân, không quân và các đơn vị pháo ven biển đã trừng trị tàu chiến Mỹ những trận đích đáng. Chúng ta đã bắn rơi hàng nghìn máy bay. Chúng ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Trong cuộc đọ sức với không quân và hải quân Mỹ, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam đã vượt lên trên mọi vũ khí hiện đại và tính toán của kẻ thù, ghi dấu son trong trang sử vàng truyền thống của dân tộc, đồng thời để lại bài học quý báu cho các thế hệ sau này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục Lục:
Lời giới thiệu
Hàng không mẫu hạm Oriskany
Sự kiện vịnh Bắc Bộ
Khởi động
Trận đánh mở màn
Hoả hoạn trên tàu Oriskany
Tuyên truyền
Dich Wyman
Bắc Việt sẵn sàng
Chiến thuật mới của Mig 17
Giải cứu
LSO
Nỗi sợ hãi
Cannon cho EF-4
Hạ cánh và tiếp dầu
Phản chiến
Tù binh
Vợ của phi công mỹ mất tích
Linebacker
Dick Wyman
Một số tư liệu tham khảo thêm.

Mời bạn đón đọc.


Nguồn: http://thegioisach.dantri.com.vn/product/product_detail.php?product_id=25269
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2007, 10:20:57 am gửi bởi Tunguska » Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2007, 07:51:21 pm »

http://thegioisach.dantri.com.vn/product/product_detail.php?product_id=24695

OSS Và Hồ Chí Minh - Đồng Minh Bất Ngờ Trong Cuộc Chiến Chống Phát Xít Nhật

"Một số người sẽ bị sốc khi biết rằng nước Mỹ và Hồ Chí Minh, thần báo ứng đối với phần lớn cuộc chiến tranh Việt Nam của chúng ta, đã có thời từng là đồng minh.
Thực vậy, trong năm cuối của Chiến tranh Thế giới lần thứ II, các điệp viên Mỹ tại Đông Dương đã sát cánh bên Hồ Chí Minh và các nhóm chống thực dân khác - do hoàn cảnh thúc ép phải cùng chiến đấu chống quân phiệt Nhật.
Dixee R.Bartholomew-Feis đã cho thấy mối quan hệ này đã xuất hiện và có hiệu lực ra sao và có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam ......"

"Những nhân viên của Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) mới được thành lập của tướng William Donovan đã cộng tác chặt chẽ với các nhóm cộng sản cả ở Châu Âu và Châu Á chống lại những kẻ thù phe Trục. Tại Việt Nam, điều đó có nghĩa là các nhân viên OSS hoạt động cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh - những người có mục đích tối thượng là giải phóng cả khu vực khỏi ách thống trị của tất cả các thế lực đế quốc chứ không chỉ riêng quân phiệt Nhật.
Về phần mình, Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để cổ vũ trong OSS quan điểm chống Pháp - những kẻ lúc đó đang mưu toan giành lại thuộc địa của chúng"

"Một cuốn sách không thể thiếu để hiểu được trọn vẹn cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ." (Dale Andradé, tác giả cuốn "Cuộc chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ")
"Một cuốn sách hấp dẫn và sâu sắc về bước đi đầu tiên của Mỹ vào vũng lầy Việt Nam. Xứng đáng được giới thiệu với các chuyên gia cũng như độc giả." (William J.Duiker, tác giả cuốn "Hồ Chí Minh: Một đời người").
"Cuốn sách đã khắc hoạ sống động một nhóm nhỏ người Mỹ đã đi qua lịch sử Việt Nam tại thời điểm quan trọng nhất của nước này trong thế kỷ XX. " (David G.Marr, tác giả cuốn "Việt Nam 1945: Tìm kiếm quyền lực").
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 06:59:32 pm »

Nguồn: Hội chợ  "Sách quốc tế Việt Nam 2007"


ND - Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch; Cục Xuất bản phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm - Hội chợ "Sách quốc tế Việt Nam 2007" từ ngày 25-10 đến  29-10, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - số 2 Hoa Lư (Vân Hồ, Hà Nội).


Ðây là hoạt động văn hóa lớn chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, In và Phát hành sách và là Ngày hội tôn vinh văn hóa đọc với sự tham gia của hơn 100 đơn vị trong nước và quốc tế gồm: hơn 50 nhà xuất bản, 30 đơn vị phát hành sách và in, một số tổ chức quốc tế. Khu vực triển lãm trưng bày "Thành tựu ngành Xuất bản - In và Phát hành sách Việt Nam".

Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật được giới thiệu  tại triển lãm là minh chứng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của ngành Xuất bản - In và Phát hành sách Việt Nam trong 55 năm qua. Nhiều tư liệu, hiện vật quý lần đầu được trưng bày tại triển lãm như: Một số sách cổ, quý hiếm được lưu giữ tại Thư viện quốc gia, những bản khắc để làm tranh Ðông Hồ có niên đại hơn 100 năm, chiếc máy in ty-pô qua các cuộc kháng chiến cho đến chiếc máy in với công nghệ hiện đại ngày nay.

Tại đây, nghệ nhân tranh Ðông Hồ Nguyễn Ðăng Chế cùng các thế hệ con cháu sẽ giới thiệu những nét độc đáo và giá trị mỹ thuật, công nghệ in tranh Ðông Hồ và in những bức tranh dân gian đặc sắc, có "thầy đồ" ngồi viết thư pháp trên chõng tre, tặng chữ cho khách tham quan.

Khu vực Hội chợ  có hơn 100 đơn vị tham gia với gần 150 gian hàng sẽ giới thiệu và bán các xuất bản phẩm, văn hóa phẩm phong phú, đa dạng của các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục... Ðặc biệt các gian hàng sẽ bán giảm giá ít nhất 10% trong thời gian diễn ra triển lãm.

Trong thời gian diễn ra Triển lãm Hội chợ, các hoạt động: hội thảo, giao lưu giữa tác giả và bạn đọc, chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên.

Lễ trao giảo thưởng Sách Việt Nam lần thứ ba được truyền hình trực tiếp trên VTV 1 Ðài Truyền hình Việt Nam.

Một hoạt động có ý nghĩa là tặng sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tặng sách trị giá 20 triệu đồng; Nhà Xuất bản Ðại học Sư phạm tặng 540 cuốn sách trị giá mười triệu đồng; Nhà Xuất bản Trẻ tặng sách trị giá năm triệu đồng; Nhà Xuất bản Tài chính tặng sách trị giá 6,6 triệu đồng; Công ty Phát hành sách Hà Nội tặng sách trị giá năm triệu đồng; Nhà Xuất bản Tư pháp tặng sách trị giá 1,6 triệu đồng; Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin, Nhà Xuất bản Y học cũng tham gia chương trình tặng sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Nhằm phục vụ các em thiếu nhi, Nhà Xuất bản Kim Ðồng tổ chức chương trình giao lưu với Nhà Toán học Nhật Bản Mikio Matsui, tác giả bộ sách "Thám hiểm môn Toán cùng Mapi"; Giao lưu "Thỏ Pert vui cùng chúng em" và tổ chức gian hàng đọc sách miễn phí tại Hội chợ.

Các đơn vị đang khẩn trương hoàn thành phần việc của mình tại Triển lãm - Hội chợ "Sách Quốc tế Việt Nam 2007" hình thành một bức tranh toàn cảnh với sự hiện diện tương đối đầy đủ các đơn vị của ngành xuất bản, in và phát hành trong cả nước và sôi động hơn bởi sự có mặt của các tổ chức quốc tế. Trong 55 năm qua, ngành xuất bản, in và phát hành đã phát triển, trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho nhân dân các xuất bản phẩm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thông qua Triển lãm - Hội chợ sách các đơn vị trong ngành xuất bản có cơ hội để giới thiệu các xuất bản phẩm và quảng bá thương hiệu; tăng cường quan hệ  hợp tác, trao đổi các xuất bản phẩm, bản quyền, và ký kết các hợp đồng kinh tế...; công chúng được tiếp xúc với đầy đủ các thể loại xuất bản phẩm đa dạng, phong phú. Triển lãm hội chợ sách là một trong những  hoạt động quan trọng và cần thiết của ngành xuất bản nhằm tôn vinh đội ngũ những người lao động làm ra sản phẩm trí tuệ, văn hóa tinh thần cho xã hội; là cầu nối giữa nhà xuất bản với bạn đọc, diễn đàn của những người làm công tác xuất bản, phát hành sách và những người yêu sách; góp phần đẩy mạnh  phong trào văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

HẠNH THU
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Cám_hn
Thành viên
*
Bài viết: 230


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2007, 12:12:24 am »

OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật

 

Có lẽ ít người biết được rằng Hồ Chủ tịch và lực lượng Việt Minh đã từng có mối quan hệ với nước Mỹ, cụ thể là Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của CIA - nhằm củng cố thêm sức mạnh cho Việt Nam trong thời kỳ giành chính quyền những ngày đầu.

Cuốn sách OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật của giáo sư Dixee R. Bartholomew-Feis do NXB Trường đại học Kansas (Mỹ) xuất bản năm 2006, được NXB Thế Giới và Công ty văn hóa và truyền thông Võ Thị dịch và xuất bản tại VN tháng 8-2007. Đây là một tư liệu mới của Mỹ lần đầu tiên được giới thiệu tại VN - một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuốn sách hiện đã được đăng đầy đủ tại Thư viện sách của Vuontaodan.net. Để xem sách click vào đây.
http://vuontaodan.net/thuviensach/noidung.aspx?id=00428%20&matg=00144
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Hai, 2007, 12:14:44 am gửi bởi Cám_hn » Logged
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2007, 07:54:30 pm »

Bóc vỏ trái đất

Sự thật khốc liệt về trận càn Cédar Falls của Mỹ năm 1967

Tác giả: Mã Thiện Đồng

Mùa khô năm 1966- 1967 quân Mỹ mở một trận càn có quy mô lớn nhất từ trước tới nay vào khu vực Tam giác sắt lấy tên là cuộc càn Xêđaphôn. Theo tin của địch, lúc đó chúng nhằm tiêu diệt vùng căn cứ cách mạng, những mầm mống kháng chiến, những cơ quan lãnh đạo Bộ chỉ huy, các đơn vị quân sự của ta để không còn nơi xuất phát các trận đánh thốc óc vào bọn chỉ huy quân đội ngụy và chính giới Mỹ ở ngay tại Sài Gòn.

Trọng tâm cuộc càn Xêđaphôn là Nam Bến Cát (Bình Dương) Củ Chi, Bến Súc với quyết tâm kiên quyết và triệt để thực hiện chiến thuật mà người Mỹ đã đặt ra:"Ba gọng kìm"- "Bóc vỏ trái đất"- "Tát nước bắt cá"- thực hiện chiến lược "tìm diệt", dùng không quân, bộ binh, xe tăng, xe ủi đât hạng nặng, san bằng tất cả mọi địa hình, đạt bằng được mục đích giữ vành đai an toàn cho thành phố Sài Gòn.

Bóc vỏ trái đất là ký ức của những người trong cuộc, những nhân chứng còn sống đến ngày hôm nay sau trận càn Xêđaphôn (Cédar Falls) hủy diệt, năm 1967. Hình ảnh cuộc chiến đấu không cân sức mười mấy ngày đêm trong lòng địa đạo của những người chiến sĩ cộng sản, được Mã Thiện Đồng tái hiện trong Bóc vỏ trái đất khiến người đọc mường tượng ra khung cảnh đầy máu lửa, bom đạn và nước mắt.

Trên chiến trường ấy, người gây chiến tranh xâm lược và người kháng chiến bảo vệ đất nước đều đổ máu. Có cuộc chiến tranh nào mà không phải trả giá, nhưng dù lâu hay chóng thì cuộc kháng chiến giành độc lập hòa bình cho dân tộc, tất sẽ thắng lợi. Người đọc có thể thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và thấy được phần nào nguyên nhân vì sao chúng ta, dân tộc Việt Nam ta đã chiến thắng quân xâm lược, qua lời kể của những nhân chứng lịch sử trong trận càn Xêđaphôn.

Đọc Bóc vỏ trái đất, chúng ta yêu quý hơn, trân trọng hơn cuộc sống thanh bình hôm nay. Bởi, để có được Tổ quốc hòa bình, thống nhất, đã có bao nhiêu con người phải ngã xuống.
Mời các bạn đón đọc. Sách do nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 7 năm 2007.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười Hai, 2007, 08:29:41 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2008, 09:59:06 am »


Theo hướng Việt Nam


Nguồn:  TTXVN (Đài Tiếng nói nước Nga 30/1)

Ngày 30/1 là tròn 58 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là hơn 4 năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới II, cuộc chiến mà Liên bang Xôviết đã giành thắng lợi quyết định trước bọn phát xít Đức và quân phiệt Nhật. Tại Việt Nam lúc đó là những ngày tháng căng thẳng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời đó, tất cả những tư liệu liên quan đến sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao của 2 nước đều thuộc dạng bảo mật, chỉ trong những năm gần đây mới dần giải mật những hồ sơ này. Những thông tin thú vị về việc hai nước đã tiến theo con đường nào để tới được sự kiện đặt quan hệ ngoại giao chính thức mới được làm rõ gần đây ở Mátxcơva qua cuốn sách nhan đề “Theo hướng Việt Nam ”. Tác giả cuốn sách này, ông Igor Onhitov, một trong những chuyên gia Nga đầu tiên về Việt Nam, đã có thời gian dài làm việc ở các cương vị trọng trách của Bộ Ngoại giao Liên Xô và Ban đối ngoại của Trung ương ĐCS Liên Xô. Biên tập viên Đài Tiếng nói nước Nga, ông Alexei Lensov giới thiệu với các bạn thính giả những tư liệu đã công bố trong cuốn sách mới.
Những tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã bị gián đoạn không lâu trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới II, khi hầu hết các học viên Việt Nam tại các trường học của hệ thống do Quốc tế Cộng sản điều phối đã rời Liên Xô năm 1938. Khoảng những năm 1942-1943, Ban lãnh đạo Liên Xô đã cử một chiến sĩ Cộng sản Quốc tế đi Việt Nam, đó là ông Vương Thúc Tình, một trong những người đã tham gia cuộc chiến đấu chống phát xít để phòng thủ Mátxcơva, nhưng ông Vương Thúc Tình đã hy sinh trên đất Trung Quốc. Khi cuộc Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ và thắng lợi tại Việt Nam, Ban lãnh đạo Xô Viết thậm chí đã không biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chiến sĩ Cộng sản Quốc tế Nguyễn Ái Quốc từng công tác tại Mátxcơva.

Cũng như ban lãnh đạo các cường quốc vừa giành thắng lợi trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, Ban lãnh đạo Liên Xô lúc ấy đã không đáp lại bức điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào tháng 9/1945, yêu cầu giúp đỡ nước cộng hòa non trẻ vừa ra đời. Nguyên nhân của việc này là bởi các đồng minh cũ trong phe liên minh chống phát xít lúc ấy đã sa vào cuộc chiến tranh lạnh với nhau và điều họ bận tâm trước hết là những vấn đề qui mô toàn cầu.

Dù vậy, sau ngày 21/10/1945, khi thông qua Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Stalin một điện văn nữa, phân tích về bối cảnh Việt Nam, thì tại tất cả các hội nghị và đại hội Quốc tế, các đại diện của Liên Xô bắt đầu lên tiếng phát biểu ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vào thời gian đó Mátxcơva đã cố gắng thu xếp các kênh để nhận thông tin chân thực về những gì đang diễn ra ở Việt Nam và Đông Dương nói chung.

Ngày 26/10/1946, phái đoàn Liên Xô do Đại tá Dobrovin dẫn đầu đã đến Sài Gòn, nhiệm vụ chính thức của phái đoàn này là đưa về nước những tù binh Liên Xô và những người xuất thân từ Liên bang Xô Viết lúc ấy đang có mặt ở Đông Dương. Nhưng một trong những thành viên của phái đoàn Liên Xô đã tham dự cuộc họp bí mật tại Chợ Lớn của các đảng viên miền Nam Việt Nam và Campuchia thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương. Phát biểu tại cuộc họp này, đại diện Liên Xô thông báo, nhiệm vụ thực sự của phái đoàn là nghiên cứu tình hình và tâm lý các tầng lớp dân cư Đông Dương để chuẩn bị trong thời gian tới mở tại Việt Nam một cơ quan đại diện Ngoại giao của Liên bang Xô Viết.

Trong năm 1947 đã bắt đầu diễn ra các cuộc tiếp xúc kín giữa các đại diện Liên Xô và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo dạng những cuộc trao đổi làm việc không thường kỳ. Mùa thu năm 1947, tại Thuỵ Sĩ đã có cuộc gặp của đại diện Liên Xô với phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thạch. Phía Việt Nam nêu lên yêu cầu giúp đỡ tài chính cũng như trao thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Stalin, đề nghị Liên Xô ủng hộ để đưa Liên hợp quốc tham gia việc giải quyết cuộc xung đột Pháp-Việt. Cuộc trao đổi ý kiến giữa hai nước có tính chất ổn định hơn sau khi Liên Xô mở cơ quan đại diện chính thức tại Thái Lan năm 1948. Chẳng bao lâu sau khi khai trương Sứ Quán Liên Xô ở Băng Cốc, người phụ trách cơ quan thông tin Việt Nam tại Thái Lan từ năm 1947 là ông Nguyễn Đức Quý và một cán bộ thuộc cơ quan này tên là Lại Vĩnh Lợi đã đến thăm phái đoàn ngoại giao Liên Xô.

Cuối tháng 8/1947, với sự giúp đỡ của đại diện Liên Xô tại Thái Lan, Lại Vĩnh Lợi đã được cử đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc để khai trương tại đó văn phòng thông tin Việt Nam. Trên đường đi, ông này dừng chân ở Mátxcơva và một cách không chính thức, Lại Vĩnh Lợi đã nhân danh các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam, tiến hành đàm đạo với các cán bộ Ngoại giao Trung cấp của Liên Xô về việc dành hỗ trợ quân sự và tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó ít lâu, Ban lãnh đạo Việt Nam đã kỷ luật ông Lại Vĩnh Lợi về việc này và thông tin cho Mátxcơva rằng những hành động thiếu thận trọng của cá nhân Lại Vĩnh Lợi đã làm tăng thêm ở Việt Nam xu thế tả-khuynh rất xa lạ với thực tế công việc trong tình hình đất nước.

Năm 1948-1949, các tiếp xúc Xô-Việt đã có những sự ăn nhịp rõ rệt. Vẫn như trước đây, Mátxcơva cố tìm cách để hiểu lực lượng nào đang lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương, xu thế Cộng sản của Ban lãnh đạo Việt Nam có định hướng Cộng sản sâu sắc đến chừng nào. Còn nguyện vọng của Việt Nam là làm sao để nhận được sự giúp đỡ về quân sự và vật chất của Liên Xô.

Vốn không có toàn quyền quyết định, vị đại diện Liên Xô tại Thái Lan đã nhiều lần ám chỉ, chỉ khi nào có chuyến đi đến Mátxcơva của một trong những thành viên cao cấp của Chính phủ Việt Nam, hoặc lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, thì lúc đó có thể bắt đầu tiến hành những cuộc thương lượng nghiêm túc.
Cuối năm 1949, quá trình kháng chiến chống Thực dân Pháp đã có chuyển biến quan trọng, với lợi thế nghiêng về phía quân dân Việt Nam . Trong chương trình nghị sự quốc tế nổi lên vấn đề công nhận nước cộng hòa non trẻ, sự thừa nhận quốc tế rất cần thiết để củng cố uy tín của Chính quyền Cách mạng Việt Nam . Để thúc đẩy phong trào quốc tế, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và hiển nhiên, vẫn như trước, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần sự viện trợ về quân sự và vật chất. Nhiệm vụ rất phức tạp và đầy trách nhiệm, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy việc này. Để thực hiện, người đã lên đường đến Bắc Kinh, tại đó đã có cuộc hội đàm nghiêm túc với Ban lãnh đạo CHDN Trung Hoa, có sự tham gia của đại diện Liên Xô. Sau đó, cùng với phái đoàn do Chủ tịch Mao Trạch Đông dẫn đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Liên Xô để dự lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Stalin.

Ngày 16/1, mang bí danh là “đồng chí Đinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Mátxcơva. Tại Mátxcơva, trong quá trình hội đàm với Ban lãnh đạo, Liên Xô và Trung Quốc đã thông qua quyết định tích cực giúp đỡ Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 18/1, Trung Quốc công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 30/1, Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam, tiếp sau là CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Anbani v.v…

Tại Mátxcơva đã diễn ra cuộc hội kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Stalin. Tại cuộc gặp này không hề có ghi biên bản, ngày tháng của cuộc gặp cũng không lưu lại ở đâu. Thậm chí sau đó, trong những hồi ức của các nhân vật hiện diện ở cuộc gặp này cũng không một dòng, một chữ nào nhắc về sự kiện hiếm có đó. Một người tham gia cuộc gặp này là ông Nikita Khrushov, sau này trở thành Tổng bí thư ĐCS Liên Xô, sau khi Stalin qua đời đã viết trong hồi ký của mình rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đề nghị viện trợ vật chất, trước hết là vũ khí và đạn dược. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy từ trong cặp ra một cuốn hoạ báo Liên Xô và đề nghị Stalin ký tên làm kỷ niệm. Stalin đã tự tay ký vào đó, nhưng chẳng bao lâu sau cuốn hoạ báo biến mất khỏi dinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở Mátxcơva đến cuối tháng 2/1950. Người trở về tổ quốc đã như là vị lãnh đạo của một đất nước được các quốc gia XHCN công nhận. Liên Xô đã cung cấp cho lực lượng yêu nước Việt Nam kháng chiến những vũ khí và trang bị quân sự dành cho Trung đoàn pháo binh và các đoàn xe tải. Thông qua địa bàn Trung Quốc, cả những vũ khí, khí tài khác từ Liên Xô được gửi đến Việt Nam, trong đó có cả dàn đại bác, phóng lựu Cachiusa nổi tiếng, chính là thứ vũ khí sấm sét nhất mà Hồng quân Liên Xô đã dùng để chống quân đội Phát xít năm xưa, những khẩu đại pháo này đã đảm bảo cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Một thời gian ngắn sau khi rời Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ về thuốc Ký ninh, bởi nhiều người dân và bộ đội Việt Nam đang phải chống chọi với bệnh sốt rét. Stalin đã đích thân ra lệnh gửi ngay 5 côngtenơ thuốc phòng chống sốt rét sang Việt Nam .

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, ông Nguyễn Lương Bằng đến Mátxcơva vào mùa xuân năm 1952. Còn Đại sứ đầu tiên của Liên Xô trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 4/11/1954./.

« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2008, 01:36:24 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
caytrevietnam
Thành viên
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2008, 09:31:35 pm »

RỪNG KHÔNG CÂY
(THÊM MỘT CUỐN SÁCH VỀ ĐỀ TÀI NGƯỜI LÍNH )

(Nhân đọc tập truyện ngắn "Rừng không cây" của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2007). Có rất nhiều người nói rằng; hiện nay văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính không còn giữ được vai trò chủ đạo trong đời sống văn học nước nhà. Điều đó hoàn toàn đúng, vì chả có ai mong muốn đất nước có chiến tranh, rồi những người lại lính rùng rùng ra trận, rồi bom rơi, rồi máu đổ, rồi chết chóc tang thương... Chẳng có người lính nào lại muốn có chiến tranh để mình được nổi bật, được là nhân vật trung tâm trong các tác phẩm văn học. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã trở mình đổi mới, đã lớn mạnh và vươn xa...
.THẾ HÙNG

Chúng ta đã chủ động gác lại quá khứ để tiến tới tương lai. Tương lai là hội nhập và mở cửa, là tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, là ổn định chính trị để phát triển kinh tế... Đất nước hoà bình, ổn định và phồn vinh, các nhà văn có nhiều chuyện đáng để bàn ngoài chuyện chiến tranh, chuyện người lính...có thể nói đó là một tính hiệu đáng mừng cho nền văn học nước nhà.

Để tài chiến tranh cách mạng và người lính không còn giữ vai trò chủ đạo nhưng không có nghĩa là nó đã ngưng chảy, đã tịt nguồn cảm hứng trong các nhà văn, mà phải khẳng định rằng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là một trong những đề tài lớn của mọi thời đại, mọi thể chế chính trị, mọi bước thăng trầm của đất nước. Bởi lịch sử của dân tộc ta được viết lên bằng máu và nước mắt qua các cuộc chiến tranh để bảo vệ sự toàn vẹn lảnh thổ của dân tộc. Dù không bao giờ mong muốn nhưng xem lại sử nước nhà kể từ ngày vua các Hùng dựng nước đến nay thì hoà bình của nước ta chỉ là những khoảng lặng giữa các cuộc chiến tranh. Nay đất nước đã hoà bình, thống nhất được ba mươi lăm năm, mong rằng hoà bình, thống nhất này sẽ là vĩnh viễn, chiến tranh mãi chỉ là quá khứ, chỉ còn lại trong lich sử mà thôi. Chiến tranh đã lùi xa nên viết về chiến tranh cách mạng và người lính cũng cần có những tìm tòi, sáng tạo để viết khác đi những gì đã viết trong chiến tranh. Cuộc vật vã tự đổi mới mình trong mỗi một nhà văn khoác áo lính, đã từng là lính, đã viết nhiều về lính là một cuộc vật vã  của sự sống còn, vật vã của sự đổi mới hay là ngừng viết.

 Đại tá Đỗ Viết Nghiệm là một trong những nhà văn như  thế. Là một người lính đã đi qua cuộc chiến tranh, đã từng nhìn chiến tranh qua đầu ruồi nòng súng và tất nhiên anh đã viết nhiều tác phẩm trực diện về chiến tranh có tiếng vang. Nhưng cũng như nhiều nhà văn đã từng qua chiến trận, anh đã phải làm những cuộc đổi mới mình và đến nay dẫu chưa trọn vẹn nhưng so với những gì anh đã viết trước đây thì tập truyện ngắn Rừng không cây là một bước ngoặt lớn trong quá trình đổi mới của nhà văn Đổ Viết Nghiệm. Đổi mới không có nghĩa là uốn éo về hình thức, câu chữ, mà là đổi mới về tư duy, về cách nhìn, điểm nhìn và vị thế tiếp cận vấn đề để phản ánh. Đọc qua mười hai truyện ngắn trong tập Rừng không cây có một điều dễ nhận thấy rằng đề tài người lính- chiến tranh vẫn là đề tài mà anh “thuộc” nhất. Anh đã có những trang viết  thật như cuộc đời thật- vẫn biết rằng cái tài của nhà văn là bịa như thật. Mười hai truyện ngắn là những mảnh đời, những câu chuyện của những người lính đã, đang và sẽ là những người lính. Đọc hai truyện ngắn được sắp in đầu tập truyện ta dễ dàng nhận ra chủ ý của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm khi viết hai truyện ngắn này. Lối về và Khi chiến tranh đã xa. Truyện Lối về kể về cuộc đời của Hậu- một chiến sĩ giải phóng bị địch bắt, nhưng trớ trêu thay, người bắt anh, thẩm vấn anh lại là một người trước đây ở gần nhà anh. Bi kịch từ đó và cuộc đời anh đã được định đoạt bằng chính cái mưu mô của người...hàng xóm đó. Để đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng với cái sự mù mờ không rang giới trong chính một con người đã dẫn Hậu đi từ bi kịch này đến bi kịch khác. Cuối cùng  Hậu đã phải tìm đến cái chết, cái chết đó là một lối về của Hậu. Truyện kết đóng bằng câu: “ Xin hãy hiểu cho sự ra đi của tôi, trở về với đất là một tự nguyện.” Còn nếu theo quan niệm chết là đi sang một thế giới khác thì đây là một cái kết mở. Các chết sẽ đưa Hậu về sống những ngày xưa thân ái dưới mái nhà xưa bên cây sấu già nhà hàng xóm và những chiều bình yên phố cổ, cái chết sẽ cởi bỏ cho Hậu những oan ức, hiểu lầm, mặc cảm do cuộc chiến tranh đem lại. Còn nhân vật Thu nhà thơ trong truyện Khi chiến tranh đã xa thì lại có cuộc sống sau chiến tranh khác hẳn với Hậu trong truyện Lối về. Thu nhà thơ cũng bị bắt làm tù binh, nhưng là tù binh của quân giải phóng. Mở đầu truyện tác giả đã cho người đọc tiếp cận một nhân vật Thu thành đạt trong cuộc sống vật chất lẫn tình thần: “Gã vào viện đi bằng xe hơi đời mới con trai đưa” Nó đối lập hẳn với Hậu là phải tự tử để tìm lối giải thoát. Có hai sự đối lập đó là vì hai người là tù binh của hai phía khác nhau, đó là mấu chốt, là vẫn đề đạt ra, là sự nghĩ ngợi sau khi đọc hai truyện này. Đọc xong cả hai truyện này, câu chuyện thì đã hết nhưng nó còn để lại trong ta cái dư vị đăng đắng, ngậm ngùi của những thân phận người.

Vì chiến tranh  đã lùi xa nên các truyện trong tập Rừng không cây thường được kể theo lối đồng hiện, đan xen giữa quá khứ, hiện tại, lấy hiện tại để soi quá khứ và ngược lại. Ngày xưa rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, ngày xưa trong chiến tranh anh là anh hùng, anh đánh đông dẹp bắc, anh được rừng chở che để chiến thắng, nhưng khi hoà bình rồi, anh không thể giữ được rừng, anh đau đớn nhìn rừng cây cứ ngày thưa dần, thưa dần, lùi xa, lùi xa khi cái ác cứ hoành hoành. Cuối cùng người lính anh hùng trong thời chiến đó, người lính đã sống sót sau bao bom đạn đó đã phải ra đi trong tức tưởi vì không thể bảo vệ được  những cánh rừng, không thể thoả hiệp với bọn lâm tặc...

Đọc mười hai truyện ngắn trong tập Rừng không cây thấy len lỏi một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các truyện ngắn, đó là sợi chỉ đỏ của sự hoà hợp dân tộc, của sự hội nhập, sự gác lại quá khứ. Nói đến chiến tranh cũng là mong muốn không có chiến tranh, nói đến cái ác cũng là mong muốn không còn cái ác, nói đến tiêu cực cũng là mong muốn không còn tiêu cực.

 Trong tập còn có một truyện ngắn viết về người lính hôm nay. Đây có thể nói là một trong những truyện ngắn hay nhất của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm và là một trong những truyện ngắn hay vết về đề tài người lính hôm nay. Bởi phải thú thật rằng viết về người lính hôm nay là rất khó, là một thách thức không nhỏ đối với các nhà văn trong và ngoài quân đội. Chúng ta đã quá quen gắn người lính với chiến tranh, với bom đạn, với những tình huống éo le trong chiến tranh...Bây giờ cái phông đó không còn nữa, người lính không còn là đối tượng được xã hội quan tâm số một nữa vậy thì viết như thế nào, thể hiện như thế nào để người đọc có thể chấp nhận được, để truyện có thể đứng được. Viết như thế nào để nó có hình có nét thì rõ ràng là một thách thức. Trong truyện ngắn Phúc hoạ do người, Đỗ Viết Nghiệm đã khéo chọn cho nhân vật chính một cái nghề, đó là nghề bác sỹ, cái nghề mà có thể nói là rất dễ tìm được một việc làm ở thành phố sau khi ra trường. Nhưng Đỗ Viết Nghiệm đã đưa được anh bác sỹ quân y vào tít tận rừng xanh núi đỏ Tây Nguyên xa xôi. Đưa mà không hề giả, không hề hô khẩu hiệu đó là một tình huống, một phép thử đòi hỏi người viết phải có tay nghề cao mới xửa lý được. Đỗ Viết Nghiệm đã làm được điều đó. Và ở môi trường mới đó, người bác sỹ quân y đã rất tự nhiên, đã làm những việc tưởng như nó vốn thế và đã bộ lộ hết mình, bộc lộ hết được phẩm chất của một người lính. Qua truyện ngắn này chúng ta có thể thấy rằng viết về người lính hôm nay khó nhưng không có nghĩ là không thể viết được những tác phẩm hay, điều quan trọng là biết tìm tòi, biết tìm được đất cho nhân vật của mình diễn  qua đó sẽ bộc lộc được hết các chiều kích của nhân vật. Điều quan trọng hơn nữa là có một tấm lòng và sự chia sẻ, cảm thông đối với những người lính. Chỉ có sự chân thành mới đến được với những tấm lòng chân thành, chính vì vậy viết về người lính sẽ không là, không bao giờ là đề tài của những nhà văn quen cươi ngựa xen hoa, hiểu một cách hời hợt về người lính và cuộc sống của người chiến sỹ. Nó chỉ là đề tài của những nhà văn tự mình thấy đang nặng nợ với những người lính, những nhà văn đã, đang, sẽ hiểu và chia sẻ chân thành với người lính.

Tất cả mười hai truyện ngắn trong tập truyện Rừng không cây của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm không phải đều là những truyện ngắn xuất sắc, là một hiện tượng văn học trong năm, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là việc đổi mới tư duy của chính nhà văn đối với đề tài người lính,  chiến tranh cách mạng. Và trong quá trình tìm tòi đổi mới đó ít nhiều anh đã gặt hái được những thành công nhất định

http://www.vannghequandoi.com.vn/Home/Newsdetail.aspx?news=16&catid=19&id=619
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2008, 04:58:28 pm »

Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu Thân 1968

Biên soạn: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2008

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với đế quốc Mỹ- một cường quốc hàng đầu trong thế kỷ XX. Với âm mưu chia cắt nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Mỹ đã tung vào cuộc chiến tranh này số quân thiện chiến, cả ba quân chủng hùng hậu của lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ là lục quân, không quân, hải quân, cùng với quân đội một số nước đồng minh và quân đội Sài Gòn, hợp thành đạo quân hơn một triệu hai mươi vạn tên; chưa kể gần 30 vạn quân Mỹ có mặt ở một loạt căn cứ ngoài khơi Nam Việt Nam - hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng tác chiến trên bộ, trên không, trên sông, trên biển của quân Mỹ.

Đương đầu với đối thủ có tiềm lực và sức mạnh quân sự, kinh tế, trình độ khoa học, công nghệ lớn hơn gấp nhiều lần, bộ não chỉ đạo cách mạng Việt Nam nhận thực được rằng: Muốn giành thắng lợi phải có quyết tâm gang thép, phải biết đánh và biết thắng bằng trí thông minh, lòng quả cảm, óc sáng tạo của con người Việt Nam; bằng khối đại đoàn kết toàn dân; bằng sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo phương hướng đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên trì mục tiêu kháng chiến, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm lung lay ý chí xâm lược của đối phương, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện và thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm lần thứ 40 sự kiện lịch sử trọng đại này (1968 - 2008), Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tuyển chọn trong số bài đã công bố và mời một số tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội viết thêm một số bài để in thành cuốn sách với tiêu đề: Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu Thân 1968.

Cuốn sách nhằm khẳng định và  làm sáng tỏ thêm ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử này; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu Thân 1968, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Mời các bạn tìm đọc!




Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
caytrevietnam
Thành viên
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2008, 08:11:01 pm »

chiều này tôi có lượn qua hiệu sách ở Đinh Lễ - Hà Nội, thấy 1 cuốn về HOàng Sa, Trường Sa mới cứng luôn. Sách do NXB Trẻ phát hành trung tuần tháng 2/2008 có tiêu đề là:
"HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM"

Thấy đây là nguồn tư liệu đáng xem nên thông báo để bà con, anh em tìm mua (giá bìa 25.000đ nhưng mua giảm giá là 15000). Sách này trong phần giới thiệu của NXB có đoạn khá "cứng rắn" như sau: "....đấu tranh với hành vi lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế, chà đạp lên sự thật lịch sử, gây công phẫn đối với đại bộ phận nhân dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài. Cuộc đấu tranh dai dẳng này vẫn chưa hứa hẹn hồi kết cục..."

Ở phần cuối sách là 1 số phụ lục, trong phụ lục số 3 có các câu trả lời báo chí của thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng, câu cuối cùng được đặt ra liên quan đến các cuộc biểu tình, xuống đường của thanh niên trong những ngày của tháng 12/2007

Duới đây là 1 số nét chính của cuốn sách , bà con có thể xem và đặt mua qua mạng cũng được (Nhanh nhanh kẻo lỡ nó nhạy cảm quá lại bị cấm và thu hồi bây giờ  Grin)

http://www.nxbtre.com.vn/book.php?id=3099


Nội dung cuốn sách là tập hợp một số bài nghiên cứu, bài báo và những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuốn sách cũng đề cập tới bối cảnh của cuộc tranh chấp hiện nay đối với hai quần đảo này nói riêng và Biển Đông nói chung, cũng như những ý kiến về một giải pháp cho cuộc tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Kèm theo đó là những tư liệu liên quan, chẳng hạn toàn văn bản Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông mà các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết năm 2002.


MỤC LỤC

Lời giới thiệu của Tủ sách Kiến thức

Lời Nhà xuất bản

PHẦN I: CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA –
CƠ SỞ LỊCH SỬ VÀ PHÁP LÝ QUỐC TẾ

Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

Hoàng Sa, Trường Sa đích thực là của Việt Nam
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Việc thực thi chủ quyền tại Trường Sa
và Hoàng Sa dưới triều Nguyễn
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

Sự thành lập và hoạt động của đội Hoàng Sa
từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

PHẦN II: BỐI CẢNH VÀ GIẢI PHÁP
CHO TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG

Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ
giữa Việt Nam và các nước láng giềng
Lê Minh Nghĩa

Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc
Tiến sĩ Luật Từ Đặng Minh Thu,
Đại học Sorbonne.

Cần đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế
Tiến sĩ Vũ Quang Việt

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa
và Trường Sa (biên niên)

Phụ lục 2: Tuyên bố về ứng xử của các bên
ở biển Nam Trung Hoa

Phụ lục 3: Biên giới lãnh thổ là thiêng liêng
Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Vũ Dũng
trả lời phỏng vấn báo chí


Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM