Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:16:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giới thiệu sách mới  (Đọc 59724 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2008, 08:56:14 am »

Đây là tập hồi ức của những binh sĩ và nhân viên Liên Xô tham gia Chiến tranh Việt Nam, do NXB Chính trị Quốc gia tổ chức dịch và phát hành 2008. Sách đã bán ở cả SG và HN.

Trong sách có nhiều chi tiết rất thú vị, trong đó có sự kiện sau:

Theo Đại tá Moiseev Anatoli Petrovich, sau chiến tranh Ai Cập, Istrael đã chuyển cho Mỹ bộ khí tài của S-75, từ đó Mỹ đã thiết kế thiết bị gây nhiễu hiệu quả và làm mù hoàn toàn SAM-2. Các chuyên gia Liên Xô đã quyết định tháo khối điều khiển của từng quả tên lửa và điều chỉnh bằng tay từng quả một tần số điều khiển. Điều này đã khiến trận đánh sau đó thành công. Cùng sự kiện này, theo lời trung tướng Vorobiev Mark Ivanovichcụ thể hơn như sau: Khi tên lửa S-75 không bắn được máy bay Mỹ và bị mù do nhiễu, phía Việt Nam phản ảnh lên Liên Xô về chất lượng tên lửa "xáu" , đã quá thời hạn sử dụng, thu gom từ Đức, Ba Lan, Tiệp và sơn lại để chuyển tới VN. Thậm chí chính cụ Phùng Thế Tài cũng có ý kiến trực tiếp như vậy (được ghi âm lại). Phía LX phản đối, đổ do bị nhiễu vô tuyến. Sau đó họ đã cho chỉnh lại khí tài như đã noí ở trên.

Tuy nhiên, ở hồi ức của Đại tá Platoev Tauno Fedorovich có nhắc đến việc một số mạch điều khiển tên lửa có sai lệch, có khi đến 2 lần so với thông số bình thường. Như vậy có lẽ việc "tên lửa xấu" là có thật phần nào.

Hồi ức của Đại tá Platoev Tauno Fedorovich cũng kể về việc ban đầu nhiều phi công Mỹ bị bắn rơi tại Quảng Bình đã bị dân địa phương xử đẹp, trước khi có lệnh phải giữ tù binh an toàn.
Một số đơn vị tên lửa Việt Nam cũng phải nhờ chuyên gia LX rất nhiều khi điều chỉnh các hỏng hóc trên từng chặng hành quân.

Các bác đọc và viết bình luận thêm nhé.
Logged

Chết vì ghét người!
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2008, 07:10:16 pm »

Chiến tranh Việt Nam - Được và mất
( Hay những bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam)

Tác giả: Nigel Cawthorne
Người dịch: Thanh Xuân
Nhà xuất bản : Đà Nẵng


Ngày 30-4-1975 đã vĩnh viễn đi vào ký ức nhân loại với sự thất bại lịch sử của đế quốc Mỹ tại Việt Nam và một thời kỳ sau chiến tranh đã mở ra toàn cầu. Tính đến nay, những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn, khắc phục với những nỗ lực đáng ghi nhận từ nhiều phía. Cuốn sách là sự tâm huyết, công phu nghiên cứu của nhà nghiên cứu sử học Nigel Cawthorne, tác giả đã dựng lại những nét chính của cuộc chiến tranh với  quy mô rất to lớn, không chỉ định lượng bằng số bom đạn, tính hủy diệt của các loại khí tài được sử dụng, hay những thống kê người chết, người bị thương và những di hại lâu dài như chất độc da cam, sự hủy diệt môi trường....

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các đơn vị bộ binh đã ở Việt Nam trong tám năm dài. Tính chung, sự can thiệp của người Mỹ ở Đông Nam Á đã kéo dài 15 năm. Trong suốt thời gian này, hơn 50.000 lính Mỹ bị chết và khoảng 300.000 bị thương, con số này không thấm gì so với mất mát bên phía người Việt. Quân nguỵ, đồng minh của Mỹ, có hơn 200.000 binh lính bị chết; miền Bắc mất hơn 900.000. Ước chứng hơn 1.000.000 dân thường bị chết và nhiều vùng ở Đông Nam Á bị tàn phá; ngày hôm nay, trẻ em Việt Nam còn bị những khuyết tật cơ thể khủng khiếp khi sinh ra do hậu quả trực tiếp của việc người Mỹ sử dụng các loại chất độc hoá học trong thời kỳ chiến tranh. Trong khi phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự huỷ hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng, và đã đẩy đất nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng. Rất nhiều người trong số 2.700.000 lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam đã phải gánh chịu những chấn thương tâm lý trong nhiều thập kỷ, và nước Mỹ buộc phải chấp nhận một điều rằng dù với tất cả sức mạnh và sự ưu việt về kỹ thuật của mình, họ vẫn không thể đánh bại một đối thủ tuy nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm. Bây giờ cũng còn quá sớm để nói rằng nước Mỹ đã ghi nhớ được bài học hay chưa nhưng dẫu sao cũng đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Đọc cuốn “Chiến tranh Việt Nam - Được và mất” của tác giả Nigel Cawthrone do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2007, chúng ta có thể tham khảo một cách tiếp cận lịch sử cuộc chiến tranh đã từng mang lại cho dân tộc chúng ta biết bao đau khổ nhưng cũng với biết bao tự hào, cuốn sách làm chúng ta thêm trân trọng lịch sử của dân tộc, thêm tự hào vì mình là người Việt Nam.


« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2008, 07:25:15 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2008, 07:25:29 pm »

Đây là tập hồi ức của những binh sĩ và nhân viên Liên Xô tham gia Chiến tranh Việt Nam, do NXB Chính trị Quốc gia tổ chức dịch và phát hành 2008. Sách đã bán ở cả SG và HN.

Trong sách có nhiều chi tiết rất thú vị, trong đó có sự kiện sau:

Theo Đại tá Moiseev Anatoli Petrovich, sau chiến tranh Ai Cập, Istrael đã chuyển cho Mỹ bộ khí tài của S-75, từ đó Mỹ đã thiết kế thiết bị gây nhiễu hiệu quả và làm mù hoàn toàn SAM-2. Các chuyên gia Liên Xô đã quyết định tháo khối điều khiển của từng quả tên lửa và điều chỉnh bằng tay từng quả một tần số điều khiển. Điều này đã khiến trận đánh sau đó thành công. Cùng sự kiện này, theo lời trung tướng Vorobiev Mark Ivanovichcụ thể hơn như sau: Khi tên lửa S-75 không bắn được máy bay Mỹ và bị mù do nhiễu, phía Việt Nam phản ảnh lên Liên Xô về chất lượng tên lửa "xáu" , đã quá thời hạn sử dụng, thu gom từ Đức, Ba Lan, Tiệp và sơn lại để chuyển tới VN. Thậm chí chính cụ Phùng Thế Tài cũng có ý kiến trực tiếp như vậy (được ghi âm lại). Phía LX phản đối, đổ do bị nhiễu vô tuyến. Sau đó họ đã cho chỉnh lại khí tài như đã noí ở trên.

Tuy nhiên, ở hồi ức của Đại tá Platoev Tauno Fedorovich có nhắc đến việc một số mạch điều khiển tên lửa có sai lệch, có khi đến 2 lần so với thông số bình thường. Như vậy có lẽ việc "tên lửa xấu" là có thật phần nào.

Hồi ức của Đại tá Platoev Tauno Fedorovich cũng kể về việc ban đầu nhiều phi công Mỹ bị bắn rơi tại Quảng Bình đã bị dân địa phương xử đẹp, trước khi có lệnh phải giữ tù binh an toàn.
Một số đơn vị tên lửa Việt Nam cũng phải nhờ chuyên gia LX rất nhiều khi điều chỉnh các hỏng hóc trên từng chặng hành quân.

Các bác đọc và viết bình luận thêm nhé.

Có bác nào biết chỗ mua quyển này ngoài HN không ạ. Sáng nay em vừa lượn qua Bờ Hồ mà không thấy.
Logged
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 01:52:30 pm »

Em không ở HN bác ợ. Có lẽ bác liên hệ em hoacuc xinh tươi chăng?
Logged

Chết vì ghét người!
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #14 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2008, 03:27:54 pm »

Chiến tranh Việt Nam là thế đó   

“Chiến tranh Việt Nam là thế đó” là một cuốn sách độc đáo về mặt nội dung. Lần đầu tiên, hồi ký của các chuyên gia quân sự và dân sự Liên Xô, những người đã từng trực tiếp tham gia giúp Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược, được tập hợp và công bố rộng rãi tại nước Nga. Các nhân chứng và sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh ở Việt Nam thật sự trở nên sống động qua tác phẩm. Những câu chuyện được kể chân thực, mộc mạc và hấp dẫn trong cuốn sách làm người đọc cảm động về tình cảm, tình đoàn kết của bè bạn quốc tế đối với nhân dân Việt Nam, đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

“Chúng tôi đã quen với những lần báo động và những trận bom,

Chúng tôi sẽ thấy buồn tẻ ở miền đất thân thương.

Chúng tôi không muốn đến Cuba và Aicập,

Chúng tôi chẳng thèm những đồng tiền có vạch mầu vàng”.


Đó là những vần thơ trong bài viết của đại tá Vôrônốp Bôrít Alêchxanđrôvích, một chuyên gia quân sự Liên Xô được cử sang tham gia chiến đấu ở Việt Nam trong những năm 1967-1969.

Có lẽ bạn đọc sẽ tự hỏi những đồng tiền có vạch màu vàng là gì, điều này bắt nguồn từ một thực tế, đó là khi từ Việt Nam trở về đất nước mình, những chuyên gia Liên Xô được đổi số tiền Việt Nam chưa tiêu hết thành các chứng phiếu có đường vạch màu tím có giá trị bằng đồng rúp, trong khi ở những nước không có chiến tranh thì các chuyên gia Liên Xô nhận được chứng phiếu có đường vạch màu vàng hoặc không có vạch, có giá trị cao gấp 5 lần so với đồng rúp. Với loại chứng phiếu có vạch tím, các chuyên gia Liên Xô chỉ mua được một số hàng hoá thông dụng, chứ không thể mua những mặt hàng khan hiếm và có chất lượng tốt nhất.

Đây là một trong những khó khăn, thiệt thòi mà các chuyên gia Liên Xô gặp phải, nhưng họ vẫn luôn tự hào với nhiệm vụ quan trọng và khó khăn mà họ đã hoàn thành vẻ vang ở Việt Nam, bởi đất nước Việt Nam nóng bỏng trong kháng chiến, con người Việt Nam anh dũng đã cho họ những năm tháng không thể nào quên.

Những trang viết rất thật, rất chân thành và cảm động của các chuyên gia Liên Xô ghi lại hết sức chi tiết những gì họ đã trải qua tại Việt Nam. Đó có thể là những kỷ niệm đẹp trong sinh hoạt, trong chiến đấu, là những thắng lợi mà họ đã góp phần, là những hy sinh, những sai sót, những khó khăn khi tới một đất nước khác biệt về mọi thứ: khí hậu, địa hình, chất lượng cuộc sống,... Người đọc sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô lặng lẽ, kín đáo vượt hàng vạn kilômét, hàng chục ngày đường ròng rã mang những thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại đến giúp đỡ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Dù phải đối mặt với những trận bom rốckét tàn phá khốc liệt, ở giữa sự sống và cái chết nhưng những chuyên gia quân sự Liên Xô đã nỗ lực hết mình huấn luyện, tham gia cuộc chiến. Và xen giữa những trận chiến khốc liệt ấy vẫn có những buổi biểu diễn văn nghệ, những hoạt động nhằm làm dịu đi không khí căng thẳng, nặng nề của chiến tranh...

Tình cảm gắn bó, thân thiết giữa các chuyên gia Liên Xô và chiến sĩ Việt Nam phần nào là sự thể hiện tình cảm, tình đoàn kết giữa hai dân tộc, là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao giúp cuộc chiến tranh đi đúng con đường mà lịch sử đã chọn, đó là Việt Nam chiến thắng.

Cuốn sách Chiến tranh Việt Nam là thế đó sẽ giúp các bạn tìm được câu trả lời cho nhiều vấn đề của lịch sử hiện đại và có thêm tư liệu đánh giá một cách khách quan các sự kiện của những năm tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước.

Tác phẩm đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia dịch, biên tập và phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Bạn đọc có thể tìm mua tại Nhà sách 24 Quang Trung - Hà Nội hoặc các chi nhánh của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tại các địa phương với giá bán 86.000 đồng.

LINH LAN


 
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tư, 2008, 03:30:24 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2008, 10:36:40 am »

"KÝ ỨC KHÔNG QUÊN" CỦA NHÀ BÁO MỸ VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Qua góc nhìn của một nhà báo Mỹ từng đến chiến trường miền Nam Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất, cuốn "Ký ức không quên" tiếp tục là lời tố cáo hùng hồn về tội ác chiến tranh. Sách do First News và NXB Trẻ phối hợp thực hiện...
 

Ký ức không quên (tựa gốc: The Military Half) của tác giả Jonathan Schell, một nhà báo phản chiến nổi tiếng của Mỹ vừa phát hành tại Việt Nam, đúng dịp chào mừng ngày 30/4.

 Với lợi thế của một nhà báo, Jonathan Schell từng tham gia vào những chuyến máy bay thực địa của quân đội Mỹ khảo sát tình hình chiến trường miền Nam. Từ các bản báo cáo quân sự mà Jonathan Schell có được, những cuộc trò chuyện với các viên chỉ huy và những gì mắt thấy, tai nghe, nhà báo Mỹ góp nhặt nguồn tư liệu xác thực và hãi hùng để bày trên trang viết.

Tác giả khẳng định, sự hủy diệt của quân đội Mỹ đối với miền Nam Việt Nam là nỗi ám ảnh lớn. Những cuộc ném bom như rải thảm, thậm chí bình thản bấm nút thả từng đợt bom có sức hủy diệt cao xuống mặt đất như thể chỉ có cây cỏ, súc vật chứ không phải con người... đã khiến không chỉ Jonathan mà các binh sĩ Mỹ mang cảm giác tội lỗi đè nặng. "Khi về Mỹ, tôi sẽ tự co mình lại và không hề hé răng. Mọi sự việc ở đây tàn bạo quá mức nên sẽ chẳng có ai tin tôi nếu tôi nói đâu...", Sproul, binh nhì từng tham gia chiến trường miền Nam nói về nỗi ám ảnh này.

Tác giả cuốn Ký ức không quên sinh năm 1943. Ông là một giáo sư và cây bút nổi tiếng với rất nhiều bài báo đăng trên The Nation, The New Yorker. Ông được trao giải Văn chương phi tiểu thuyết Lannan (Lannan Award for Literary Non-Fiction) và nhiều giải thưởng khác vì tinh thần đấu tranh cho hòa bình thế giới và chống chiến tranh hạt nhân

 

                                                                                                               
Nguồn: evan.com.vn
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Năm, 2008, 10:38:26 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 09:13:12 pm »

10 cô gái ngã ba Đồng Lộc - Truyện ký




Có lẽ cái tên Ngã Ba Đồng Lộc đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Nơi ấy ghi dấu tiểu đội các cô gái Thanh niên xung phong gan dạ, quả cảm, chiến dấu và hy sinh anh dũng, để lại bài ca đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vang vọng mãi.

“Từ hôm nay, đây sẽ là nơi yên nghỉ, nơi giữ gìn mười cuộc đời đã hy sinh ở tuổi hai mươi… mảnh đất này sẽ mãi là nơi viếng thăm của những người biết ơn Đồng Lộc, tự hào về Ngã Ba Đồng Lộc…”
Một “Đài hoa tím thiêng liêng kể chuyện mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi đảm bảo huyết mạch giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Tính chân thực lịch sử, tính thời đại và tính nhân bản thấm nhuần trong cuốn sách này. Hy vọng, thông qua đó, bạn đọc sẽ có thêm những kiến thức bổ ích và thiết thực về lịch sử một thời, những con người một thời oanh liệt và đáng trân trọng.



(Tiền Phong)

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2008, 10:18:39 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 09:25:20 pm »

Sống lại một ngã ba Đồng Lộc huyền thoại

 

Rồi tôi cũng phải rơi nước mắt. Ráng kìm giữ. Càng ráng thì những giọt nước mắt càng ứa ra. Đó là cảm xúc của tôi khi đọc xong phần thứ nhất của cuốn truyện ký “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” của Nghiêm Văn Tân, do NXB Phụ Nữ in năm 2005. Trong đó phần một “Đài hoa tím” được coi như tái bản.

Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc lâu nay đã thành đề tài cho bao nhiêu loại hình nghệ thuật. Và bây giờ, ở cuốn sách này, Nghiêm Văn Tân lại cho chúng ta được thêm lần sống lại cùng thời với những người con gái đã hy sinh anh dũng trên đất Hà Tĩnh năm nào. Trên đời này đúng là có những cái chẳng cần tiểu thuyết hóa nó cũng đã đẹp lắm rồi. Chính vì thế, Nghiêm Văn Tân đã chọn thể loại truyện ký để kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Tất cả còn trẻ măng. Người nhiều tuổi nhất mới hai mươi bốn tuổi. Người trẻ nhất vừa chớm tuổi mười tám. Cái tuổi mà bây giờ các cô gái tha hồ chưng diện, tha hồ thay xe, đổi mốt, thì mười cô gái anh hùng ngày ấy, suốt đêm suốt ngày bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã ba Đồng Lộc.

Không đầy ba trăm trang sách (nếu tính cả phần vĩ thanh) cứ hé lộ dần cuộc đời riêng của từng cô gái. Không chỉ là tính nết mà còn cả những vùng quê, người thân của mỗi người. Mười cô mười hoàn cảnh khác nhau. Có người cuộc sống thật éo le. Như Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, cho đến lúc hy sinh chắc không mấy người biết được chị đã lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Người chồng bệnh hoạn, chết mất xác trên sông Ngàn Phố. Cũng ít người biết thân phận Hồ Thị Cúc ngay từ ngày còn thơ bé đã chịu cảnh mất cha, mẹ đi lấy chồng khi Cúc mới ba tuổi. Tám tuổi đã bị một tai nạn khủng khiếp: nồi cám lợn đang sôi trút xuống lưng, để lại trên mình cô những vết sẹo bỏng lớn. Cúc mang thân phận như thế vào thanh niên xung phong, sống trầm lặng nhưng giàu tình cảm với hết thảy chị em trong tiểu đội. Cô đội viên Nguyễn Thị Nhỏ khi hy sinh mới mười chín tuổi, cũng có một số phận éo le. Cha bỏ mặc mẹ con cô đi theo người đàn bà khác. Mẹ lâm bệnh mất sớm. Cô sống trong sự đùm bọc chở che của người chị gái. Đến tuổi, cô tình nguyện đi thanh niên xung phong. Trong cô lúc nào cũng khát thèm hạnh phúc. Thèm khát đến mức tưởng tượng ra mình sẽ có một người yêu lái xe bánh xích. Trước lúc hy sinh, bạn bè tiểu đội đã giúp cô thấy một anh lái xe bánh xích bằng xương bằng thịt. Một chút thoáng qua, một bó hoa mua tím, một nụ cười, bàn tay vẫy khiến cô có được cảm giác hồi hộp của người yêu lần đầu. Ai biết được, sau đó ít phút cô đã bị bom Mỹ vùi lấp. Và cái hạnh phúc mà cô mong chờ kia không thể đến được, mãi mãi không đến được với cô.

Tác giả Nghiêm Văn Tân đã khắc họa được mối tình rất đẹp của đội viên Nguyễn Thị Xuân. Cô người xã Vĩnh Lộc, nên chị em thường gọi cô là Xuân Vĩnh Lộc. Trong tiểu đội, ai cũng nghĩ rằng Xuân “đào hoa”, quen nhiều bạn trai. Thư bạn trai cũng rất nhiều. Ngày ấy mà có quan hệ như thế, sẽ được những người xung quanh đánh giá là thiếu đứng đắn. Mà đã thiếu đứng đắn thì đừng mong phấn đấu, đừng mong tiến bộ. Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần là nơi để Xuân thổ lộ tất cả. Thì ra, không phải như thế, trong trái tim Xuân chỉ có một mình anh Vĩnh, và chỉ có Vĩnh mà thôi.
Ngã ba Đồng Lộc, túi bom, tử địa… Tất cả những cô gái ở tiểu đội Võ Thị Tần biết rất rõ điều ấy. Khi nhận nhiệm vụ ở đây, các cô đã chuẩn bị tinh thần rất vững. Nhưng họ còn rất trẻ. Dưới hai mươi một chút. Tình cảm gia đình còn đậm nét trong mỗi người. Họ chuẩn bị không chỉ cho mình, mà còn cho cả gia đình nữa. Dưới ngòi bút chân thực và giản dị, Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc chuẩn bị ấy giống như bộ đội tác chiến trên sa bàn vậy. Những cuộc về thăm gia đình của Xanh, Hà, Rạng… được mô tả thật kỹ càng, thật xúc động. Qua đó chúng ta thấy được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh không tiếc một cái gì, kể cả những đứa con của mình dứt ruột đẻ ra, những đứa em mà mình chăm chút ấp iu từ thuở nhỏ.

Những cô gái Đồng Lộc được phép về thăm nhà chỉ một hai ngày thôi. Các cô không giấu gia đình là sẽ bám trụ ở Ngã ba Đồng Lộc. Các cô cũng không giấu giếm sự ác liệt ở đây. Các cô quá hiểu những người thân trong gia đình mình. Họ hiểu: không phải vì bom đạn, chết chóc mà gia đình sẽ ngăn cản không cho các cô đi. Và đúng như thế, tất cả đều băn khoăn lo lắng, nhưng sau đó là cuộc tiễn đưa tuyệt vời với những lời dặn dò rất quen thuộc của những gia đình trung kiên lúc bấy giờ: cố gắng cho bằng chị, bằng em. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã tranh thủ những ngày về thăm quê để được tận hưởng những giây phút được mẹ vuốt ve chiều chuộng, được chị chăm sóc nâng niu. Họ biết đó có thể là những giây phút hạnh phúc cuối cùng của đời mình. Có lẽ gia đình họ cũng nhận ra đây là những giây phút cuối cùng được gần gũi con mình, em mình, nên bàn tay mẹ hình như ấm hơn. Bàn tay chị hình như cũng dịu dàng hơn. Có người mẹ nuôi một con gà, chỉ mong con về làm thịt cho con ăn một miếng ngon. Nhưng khi đứa con về lại tìm cách giấu con gà đi, không cho mẹ thịt.

  Nguyễn Đức Thiện
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2008, 06:59:36 pm »

Ký ức chiến tranh

(Hồi ức của những binh sĩ Xô Viết từng tham gia
 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại)



Thắng lợi vĩ đại bao giờ cũng bắt nguồn từ những chiến công nhỏ bé, những kỳ tích của một dân tộc bao giờ cũng bắt nguồn từ những việc làm giản đơn.

Cuốn sách “Ký ức chiến tranh” tập hợp những hồi ức của các binh sĩ từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Qua tập hồi ức chúng ta sẽ hiểu được hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, chúng ta sẽ hình dung ra được những thử thách khắc nghiệt của chiến trường, lòng dũng cảm của các binh sĩ. Mặc dù có sự khác biệt giữa nhiệm vụ của những người lính thông tin, lính bộ binh, lính pháo binh, lính xe tăng và lính không quân nhưng điểm chung giữa họ là lòng dũng cảm trong chiến đấu, sự hy sinh quên mình cho Tổ quốc.

Cuốn sách bao gồm những tư liệu về người thật, việc thật viết về con người, cuộc sống gian khổ trong chiến tranh “…chiến tranh là thế, tiếng nổ ở khắp nơi, anh không thể nghe hay thấy được mệnh lệnh, sự chỉ huy và thông tin lúc ấy rất kém…”

Những người lính trong chiến tranh họ buộc phải cầm súng khi ra chiến trường nhưng bản thân họ cũng rất căm ghét chiến tranh. Trong hồi ký của Nhikôlai Ipplitovich Obrynba đã viết: “Tôi ba lần căm thù những kẻ mà, vì gây ra chiến tranh, đã buộc tôi phải giết người”. Đọc hồi ký của anh chúng ta xúc động rơi nước mắt khi thấy có những người lính khi bị thương chỉ cần được sống để trở về nhà vì lúc ấy họ nghĩ đến gia đình, nơi họ đã để lại vợ, con để ra đi chiến đấu. Niềm hạnh phúc của những người lính thật đơn giản, chỉ là mong muốn được tắm táp sau trận đánh, được mặc quần áo sạch và quay lại căn hầm, nơi công việc và bạn bè đang chờ.

Với những hồi ức sống động của không khí chiến đấu, chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại từ 1941- 1945, chắc chắn cuốn sách sẽ là một tư liệu quý đối với mọi người.

Mời các bạn tìm đọc “Ký ức chiến tranh” do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2007.


« Sửa lần cuối: 02 Tháng Sáu, 2008, 07:03:22 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #19 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2008, 09:07:49 pm »

Một thời Quảng Trị

Một thời Quảng Trị - Một thời hào hùng bởi bao kỳ tích mà quân và dân ta đã lập nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với biết bao mảnh đất quả cảm, kiên cường của Tổ quốc, mảnh đất Quảng Trị huyền thoại là minh chứng hùng hồn của đỉnh cao khí phách và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh chói lọi.

Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là một cán bộ trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, nhưng Quảng Trị là chiến trường mà ông đã từng gắn bó nhiều nhất với đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Một thời Quảng Trị là cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc mà ông đã dồn cả tâm huyết của mình. Mong muốn lớn nhất của ông trong cuốn hồi ức là góp phần tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và quân đội thông qua mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đồng thời là để tri ân đồng đội, đồng bào đã sát cánh bên ông vượt qua mọi thử thách hiểm nguy để chiến đấu giành, giữ từng tấc đất thiêng, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh, tên tuổi của họ đã trở thành bất tử.

Những đêm hành quân trong mịt mùng khói lửa; những ngày ẩn sau vào lòng đất mẹ để che mắt quân thù; những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ giặc tới tưởng như trái tim cùng thời gian ngưng lại; những trận chiến đấu quả cảm thiêu cháy quân thù bằng ngọn lửa hờn căm; những niềm vui ngất trời khí lá cờ chiến thắng tung bay trên căn cứ địch … và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ đưa đồng đội về nơi an nghỉ…Tất cả đều được tái hiện lại một cách chân thực và chắt lọc, giản dị và sinh động trong Một thời Quảng Trị.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 2008. Xin trân trọng giới thiệu Một thời Quảng Trị cùng bạn đọc!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM