Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:41:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ khí Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.  (Đọc 721381 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #90 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2007, 06:56:32 pm »

Trong lĩnh vực tự thiết kế chế tạo, không thể không tính đến hoạt động tự tạo vũ khí đánh giặc trên chiến trường miền Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống quân giới thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được sự chi viện lớn từ hậu phương miền Bắc, công nghệ vũ khí tự tạo (hồi chiến tranh ta gọi là vũ khí địa phương) ở miền Nam có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Vũ khí trang bị kỹ thuật tự tạo được sử dụng phổ biến không chỉ để trang bị cho lực lượng vũ trang địa phương (nhất là dân quân du kích), mà cả các lực lượng chủ lực (nhất là các lực lượng đặc công). Cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vũ khí tựt ạo trong kháng chiến chống Mỹ đa dạng và phong phú về kiểu loại, phương tiện, phương pháp chế tạo cũng như đối tượng và môi trường sử dụng. Tuy nhiên, khác với những vũ khí trang bị kỹ thuật sản xuất công nghiệp, trong cũng như ngoài nước, vũ khí tự tạo thường là những vũ khí không tiêu chuẩn hóa, phần lớn được chế tạo theo kiểu thủ công, trong nhiều trường hợp được chế tạo đơn chiếc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, vũ khí trang bị kỹ thuật tự tạo có sự phát triển vược bậc so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, trước đối tượng tác chiến mới được trang bị vừa nhiều, vừa hiện đại, tất yếu phải có những vũ khí mới đa dạng để chống lại các mục tiêu mới. Thí dụ, hố phóng lựu đạn cho nổ trên cao vừa để chống máy bay lên thẳng, vừa để tiêu diệt quân đổ bộ đường không. Đây là loai vũ khí chưa từng có thời chống Pháp.
Thứ hai, các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ do ta thu được trên chiến trường và từ các máy bay Mỹ bị bắn rơi là một nguồn cung cấp dồi dào các vật liệu linh kiện mà ta có thể khai thác tận dụng để chế tạo vũ khí đánh lại Mỹ.
Thứ ba, nhờ có hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nơi cung cấp từ các vật tư cơ bản, chủ yếu là thuốc nổ, tới các bộ phận thiết yếu (kíp nổ, dây cháy chậm); từ những giải pháp kỹ thuật, bản thiết kế tới nhân lực kỹ thuật và công nghệ được đào tạo cơ bản, có trình độ khoa học và kỹ thuật cao.
Về đại thể, vũ khí trang bị kỹ thuật tự tạo được hai làm hai loại chính:
-Không có chất nổ, hay vũ khí lạnh.
-Có chất nổ, hay vũ khí nóng.
Vũ khí lạnh thời đánh Mỹ có các vũ khí cổ truyền (và những dụng cụ được dùng làm vũ khí) như các loại bẫy đá, cung, nỏ và các loại chông. Về mặt động lực, vũ khí lạnh chủ yếu dùng năng lượng cơ bắp để tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp (qua một hệ thống năng lượng đơn giản) tới mục tiêu. Công nghệ chế tạo vũ khí lạnh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống cũng như kinh nghiệm sống hàng ngày. Vật liệu kết cấu thường rất đơn giản, dễ kiếm. Vũ khí lạnh có phạm vi sát thương không lớn, thường dùng để tự vệ và tạo vật cản.
Vũ khí tự tạo có chất nổ có mấy dạng chủ yếu là bẫy đạn (ống đạp đạn, dàn bắn đạn), lượng nổ (mìn, lựu đạn, thủ pháo, các lượng nổ phóng) và các phương tiện phóng (phóng đạn, phóng lượng nổ và vật sát thương). Ngoài ra, trong thời kỳ đầu, khi chưa bảo đảm được sự chi viện vũ khí từ miền Bắc các cơ sở quân giới địa phương còn tự chế được một số loại súng thô sơ (như tiểu liên) theo mẫu nước ngoài. Trong vũ khí nóng, năng lượng hóa học của thuốc nổ được dùng để sát thương hoặc phá hoại theo kiểu trực tiếp, để đưa đầu đạn hoặc các phương tiện sát thương tới mục tiêu. Công nghệ chế tạo loại vũ khí nóng đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật và tay nghề nhất định, vật liệu và các cấu kiện tiêu chuẩn công nghiệp ở mức độ nhất định. Với phạm vi tác dụng rất rộng, từ sát thương sinh lực cá nhân tới phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật trên quy mô lớn, vũ khí nóng tự tạo đã được sử dụng cả trong phòng thủ và tấn công, cả ở cấp chiến thuật tới cấp chiến dịch, chiến lược.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #91 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2007, 08:56:42 pm »

Nhìn chung, có thể rút ra một số nhận xét sau đây về công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật tự tạo. Trước hết, cần nhận thấy rằng, ngoài những bản thiết kế có tính quy chuẩn cao do hậu phương miền Bắc cung cấp, việc thiết kế vũ khí tự tạo thường dựa trên kinh nghiệm truyền thống, hoặc các thành phần cơ bản sẵn có để tạo thành một vũ khí hoàn chỉnh, theo nguyên tắc càng ít lệ thuộc vào các công cụ chuyên dùng và kỹ năng chuyên sâu càng tốt. Theo nguyên tắc này, thiết kế thường chỉ dựa vào một sơ đồ khối mang tính nguyên lý, đơn chiếc, không quy chuẩn, trong nhiều trường hợp chỉ được chế tạo một lần, dùng cho một mục đích cụ thể. Việc hình thành ý đồ thiết kế thường xuất phát từ tính năng kỹ chiến thuật cần đạt tới, từ mục đích sử dụng, từ ứng dụng khả dĩ của một loại vật liệu chiến tranh sẵn có. Thí dụ, chế tạo đạp lôi từ đạn súng trường, súng máy; cải tiến pháo thu được của địch để làm mìn, v.v…

Đạp lôi - vũ khí lợi hại của chiến tranh nhân dân.
Nguyên vật liệu sử dụng để chế tạo vũ khí tự tạo mang tính tận dụng từ hai nguồn chính là vật liệu tại chỗ và vật liệu từ trên cung cấp như kíp nổ, dây cháy chậm, thuốc nổ quân dụng, v.v… Vật liệu tại chỗ vừa là vật liệu dân dụng, vừa là vật liệu quân dụng thu được của địch. Do nguồn gốc vật liệu và cách thiết kế chế tạo như vậy, nên vũ khí tự tạo thường không đồng nhất về hình dạng, kích thước, cũng như đặc tính kỹ thuật. Với mỗi loại vật liệu, quy trình chế tạo vũ khí cũng không giống nhau, đòi hỏi những quy phạm khác nhau.
Công cụ chế tạo vũ khí tự tạo chủ yếu là những công cụ phổ thông, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, loại công cụ lao động của các cơ sở sản xuất nhỏ như gò, hàn, rèn, nguội. Công cụ chuyên dùng như nồi hai đáy nấu thuốc, khuôn máy ép thuốc nổ… chiếm tỉ trọng không lớn và hoàn toàn có thể chế tạo thủ công. Những công cụ như vậy rất dễ kiếm nhưng năng suất không cao.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #92 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2007, 08:00:14 pm »

Về nhân lực, ngoài nhân lực kỹ thuật của ngành quân giới tăng cường, phần lớn nhân lực trong chế tạo vũ khí tự tạo là nhân lực không chuyên và bán chuyên, nhưng có được những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật chế tạo vũ khí. Do đó, trình độ công nghệ của vũ khí tự tạo có nhiều cấp độ khác nhau.
Nhin chung, vũ khí tự tạo là sản phẩm sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân. Xét về mặt công nghệ, trình độ của loai vũ khí này thấp hơn nhiều so với vũ khí chính quy của địch cũng như của ta. Tuy nhiên, do tính thô sơ, dễ chế tạo, thích ứng với từng cách đánh sáng tạo trong từng trận cụ thể, nên vũ khí tự tạo trên chiến trường miền Nam cho phép thực hiện những đòn tiến công bất ngờ, hiệu quả vào những mục tiêu mang ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch và cả chiến lược. Ngoài ra, trong chiến tranh, không phải bao giờ và ở đâu các vũ khí sản xuất hàng loạt cũng đáp ứng được mọi nhu cầu tác chiến. Chính khoảng trống đó là đất dụng võ cho vũ khí tự tạo. Trong trường hợp này, chỉ bằng cách tự tạo mới có được thứ vũ khí đáp ứng nhu cầu chiến đấu cụ thể. Vì thế, không thể coi vũ khí tự tạo là một vũ khí loại hai, mà là sự bổ sung cần thiết và hợp lý cho những vũ khí sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, chính những cải biên, cải tiến và những sáng tạo lẻ tẻ ban đầu trong lĩnh vực vũ khí tự tạo là một trong những nguồn dẫn đến những thay đổi trong vũ khí sản xuất hàng loạt, có thể dẫn đến vũ khí hoàn toàn mới. Thí dụ, các “sensor” nhậy cảm sức gió phát ra từ cánh quạt của máy bay lên thẳng đã từng được lắp cho các quả mìn bẫy trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ có thể là ý tưởng “trí năng hóa” các vũ khí truyền thống trong phòng chống chiến tranh công nghệ cao.
Mặc dù được coi là thô sơ, song trong vũ khí tự tạo vẫn có những bộ phận, những chi tiết được xếp vào loại có trình độ công nghệ hiện đại, khai thác từ các sản phẩm sản xuất hàng loạt, quân dụng cũng như dân dụng. Đặc biệt, trong chiến tranh, một trong những nguồn đáng kể cung cấp những chi tiết công nghệ cao ấy chính là vũ khí trang bị của địch do ta đánh chiếm được. Vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu vũ khí đối phương là một hoạt động quan trọng, không chỉ nhằm đối phó mà còn khai thác để tạo ra vũ khí đánh lại địch. Chính năng lực nghiên cứu khai thác vũ khí địch (cũng như nghiên cứu khai thác nói chung) là yếu tố quan trọng góp phần đáng kể tạo ra trình độ công nghệ của vũ khí tự tạo.

Cưa bom địch lấy thuốc nổ.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #93 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2007, 06:52:05 pm »

Như vậy, trong 30 năm (năm 1945 đến năm 1975) dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước giàhn lại độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Trong ba thập kỷ đó, ta đã chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Chiến thắng thực dân Pháp, nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân ta từ những năm tháng bão táp sau Cách mạng tháng Tám bị bao vây cô lập bốn bề (năm 1945 đến năm 1950) đã tự lực tự cường, kết hợp với sự giúp đỡ của các nước anh em (năm 1950 đến năm 1954) đã giải quyết thành công vấn đề sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật lạc hậu, kém xa đối phương từ hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ văn minh công nghệ để chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sự viện trợ to lớn, hiệu quả và rất quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, chúng ta lại phải đương đầu với một cuộc “chiến tranh công nghiệp” quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, một cuộc thể nghiệm quân sự thế kỷ và đã chiến thắng bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong cuộc đụng đầu lịch sử lần này, trình độ công nghệ giữa ta và địch không còn cách xa như trong kháng chiến chống Pháp, được rút ngắn lại ở con số thập kỷ, thậm chí một số mặt có trình độ ngang nhau, nhưng lại diễn ra trên nhiều lĩnh vực mới, phức tạp, hoàn toàn xa lạ với văn minh công nghệ nước ta.
Nhưng hoà bình chưa được bao lâu, các lực lượng vũ trang nhân dân ta lại phải bước vào hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là chiến tranh giữ nước trên bộ đội Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia chống lại tai họa diệt chủng do Pol Pot-Ieng Sary gây ra và chiến tranh biên giới phía Bắc. Đặc điểm chung của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đó trong lĩnh vực vũ khí trang bị kỹ thuật là trong một thời gian ngắn, chúng ta đã nhanh chóng làm chủ và khai thác kỹ thuật hiện đại của Mỹ do ta thu được sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong số vũ khí trang bị kỹ thuật đó có hàng trăm máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo, hàng ngàn tấn bom, đạn có trình độ công nghệ khác nhau thuộc hệ 2. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã thực hiện khối lượng rất lớn công tác thu gom, phân loại, phục hồi, cải biên, cải tiến, thích nghi, hoà nhập công nghệ các hệ thống vũ khí trang bị hệ 1 và hệ 2 để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu chiến đấu. Ngoài ra, chúng ta còn tiếp nhận viện trợ từ phía Liên Xô những vũ khí trang bị kỹ thuật mới hiện đại cho các quân binh chủng lục quân, không quân, phòng không, hải quân, trong đó có cả những vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tạo cơ sở quan trọng cho chúng ta hình thành nền tảng vật chất-kỹ thuật của quân đội ta sau này.

Tàu HQ-501 (Mỹ sản xuất) chở BTR-50PK (Liên Xô sản xuất) của HQVN đổ bộ lên cảng Công-pông-chư-năng.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #94 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2007, 08:22:06 pm »

Bàn về đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước hết cần nhận thấy rằng do đặc điểm của cuộc đụng đầu lịch sử lần thứ hai này quyết liệt hơn, cường độc cao hơn, trên biển, trên đất liền, nên công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật của các lực lượng vũ trang nhân dân ta cũng có những đặc trưng mới. Những đặc trưng đó vừa mang đặc điểm của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thời kỳ đó, vừa mang tính quy luật chung. Ngoài ra, cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành chống nước ta là hình thái chiến tranh từ “thời đại công nghiệp” chuyển tiếp qua “thời đại thông tin”, thời đại chiến tranh công nghệ cao, nên việc nghiên cứu tổng kết những đặc trưng này vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa mang tính lý luận, thời sự cần thiết và quan trọng trong xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân ta nói chung, trong việc xây dựng một chiến lược công nghệ quân sự nói riêng. Ở đây, chỉ xin giới thiệu một vài ý kiến nhận xét có tính chất tổng kết bước đầu. Để có được những kết luận tổng quát hơn, sâu sắc hơn, cần tổ chức và hình thành các công trình nghiên cứu chuyên đề toàn diện về vấn đề này.

Đặc trưng thứ nhất: tính đan xen về công nghệ.

Theo các nhà lý luận quân sự nước ngoài, xét theo quan điểm tiến hóa công nghệ quân sự trong tiến trình lịch sử loài người, chiến tranh đã qua bốn thế hệ: thế hệ thứ nhất là chiến tranh bằng vũ khí lạnh, thế hệ thứ hai là chiến tranh bằng vũ khí nóng (hoả khí), thế hệ thứ ba là chiến tranh hạt nhân, thế hệ thứ tư là chiến tranh bằng vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao.

Ba thế hệ chiến tranh thể hiện sự tiến hóa về công nghệ quân sự nhằm tăng cường sức mạnh thể lực của con người nhờ sử dụng hiệu lực phản ứng chất nổ thông thường và nhiên liệu hạt nhân.
Trong những năm 50 của thế kỷ XX, công nghệ điện tử và máy tính ra đời, tiếp đến là công nghệ vi điện tử và vi xử lý những năm 60 đụng chạm đến một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ mà trong suốt hàng ngàn năm tiến hóa văn minh chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào đề cập đến. Đó là khả năng tư duy (hoặc trí năng) của con người. Công nghệ vi điện tử, vi xử lý góp phần rất quan trọng tăng cường khả năng tư duy, khắc phục các trở ngại của bộ não con người trong việc xử lý thông tin. Trở ngại đó thể hiện ở hai khía cạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quân sự.

Thứ nhất: cần xử lý thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn trong một thời gian ngắn hơn, được đo bằng giây, phần triệu giây và ngày nay là phần tỷ giây. Trở lại ngại này nằm ngoài khả năng tự nhiên của trí năng con người.

Thứ hai: cần phát hiện, thu thập những thông tin “vô hình” nằm ngoài khả năng các giác quan của con người. Trong khoa học, người ta gọi đó là “các sensor nhậy cảm”. Hệ thống sensor nhậy cảm của con người không thể nhận biết và xử lý được tín hiệu hồng ngoại cường độ thấp, tín hiệu siêu âm, hạ âm, tín hiệu rada, v.v…


Radar đối hải cơ động CHAP-4 của HQVN trong KCCM.

Công nghệ vi điện tử, vi xử lý giúp con người khắc phục được hai trở ngại đó và tạo ra một cuộc cách mạng tự động hóa vĩ đại trong công nghiệp. Ngay từ khi mới ra đời, công nghệ vi điện tử và vi xử lý được ứng dụng ngay trong công nghệ quân sự, mở đầu quá trình “trí năng hóa” hoặc “thông tin hóa” các khí tài quân sự. Đương nhiên, trong thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70, công nghệ vi điện tử và vi xử lý chưa thể tạo ra được các phương tiện chiến tranh “thay thế con người” như báo chí thời đó bình luận về cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #95 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2007, 09:41:00 pm »

Nhưng công nghệ vi điện tử và vi xử lý là một trong những yếu tố chủ yếu quyết định nội dung khái niệm “các phương tiện chiến tranh công nghệ cao”. Với quan niệm đó, cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là giai đoạn chuyển tiếp sang một loại hình chiến tranh mới-chiến tranh thế hệ thứ tư hoặc chiến tranh công nghệ cao. Quá trình điều khiển tên lửa chống rada Shrike và sử dụng các hệ thống chiến tranh điện tử của Mỹ cũng như quá trình điều khiển tên lửa phòng không SAM-2, v.v… thực chất là quá trình xử lý thông tin tín hiệu tốc độ nhanh, vượt quá khả năng trí tuệ của con người.

Đối phó thắng lợi chiến tranh xâm lược của Mỹ, các lực lượng vũ trang nhân dân ta tích luỹ được kinh nghiệm vô giá trong việc tổ chức và xây dựng lực lượng, trong đó có vấn đề vũ khí trang bị.

Đặc trưng đan xen công nghệ thể hiện ở chỗ vũ khí trang bị của các lực lượng vũ trang nhân dân gồm nhiều thế hệ (từ giáo mác, cung tên, mìn bẫy, đến pháo, xe tăng, tên lửa, máy bay, tàu chiến, v.v…), nhiều trình độ, trong đó có cả trình độ công nghệ cao (tên lửa phòng không điều khiển bằng rada, tên lửa điều khiển bằng hồng ngoại lắp trên máy bay, tên lửa chống tăng có điều khiển, ngư lôi tự dẫn, v.v…) có thể điều khiển bằng tay, bằng mắt, theo nguyên lý cơ khí, thuỷ lực, điện tử, hồng ngoại, v.v…


Tàu phóng lôi project 183 (Komar) của HQVN trong KCCM.

Đặc trưng đan xen công nghệ không chỉ thể hiện trên quy mô tổng thể vũ khí trang bị của các lực lượng vũ trang ta mà còn thể hiện rất rõ ngay cả trong mảng vũ khí tự tạo trên chiến trường miền Nam. Vũ khí tự tạo của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam vừa được chi viện về công nghệ từ hậu phương lớn miền Bắc, vừa khai thác công nghệ từ phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ do ta thu được sau từng trận đánh hoặc chiến dịch thắng lợi. Nhờ thế, trình độ công nghệ của vũ khí trang bị tự tạo của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương có nhiều cấp độ khác nhau-từ thô sơ đơn giản như quả đạp lôi, một khối nổ không vỏ, đến tinh vi, có trình độ công nghệ cao hơn như những quả mìn bẫy chứa thuốc nổ cực mạnh có ngòi nổ hẹn giờ điện tử, từ những dàn phóng lựu đạn bố trí dưới mặt đất đến những quả mìn định hướng vừa dùng để diệt sinh lực, vừa sát thương máy bay lên thẳng. Tính chất đan xen công nghệ muôn màu muôn vẻ đó trong vũ khí tự tạo cũng như trong vũ khí trang bị viện trợ được phát huy bằng đường lối chỉ đạo chiến tranh tài tình và sáng suốt của Đảng, với tài thao lược trong sử dụng sáng tạo vũ khí trang bị của các lực lượng vũ trang ta đã góp phần khắc phục các khoảng trống chiến lược, chiến dịch và chiến thuật trong tổ chức lực lượng và hoả lực, và tạo ra cuộc chiến tranh đặc biệt mà báo chí phương Tây gọi là “cuộc chiến tranh bằng ong vò vẽ” khiến cho cả lính Mỹ lẫn lính nguỵ đều lo sợ mỗi lần nghĩ đến cái chết đang chờ đợi họ trên mỗi bước bước chân hoặc trước mỗi phi vụ ở Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2007, 07:23:13 pm »

Tính chất đan xem công nghệ đó đã tạo ra hệ thống hoả lực sát thương đan xen (đan xen về tầm cao trong chiến đấu phòng không, đan xen về tình huống chiến thuật, đan xen về cách bố trí và tổ chức lực lượng). Nhờ khai thác tận dụng tính chất đan xen đó chúng ta đã tạo ra hệ thống hoả lực phù hợp với thế trận chiến tranh nhân dân của ta, tạo ra một loại hình chiến tranh du kích mới độc đáo, rất Việt Nam-không chỉ chiến tranh du kích trên đồng lầy Nam Bộ, mà cả chiến tranh du kích trên không, trên biển, đưa nghệ thuật chiến tranh du kích Việt Nam phát triển đến đỉnh cao mới. Tờ “Thời báo” (Mỹ) số ra ngày 28 tháng 11 năm 1966 đã phải thú nhận: “Du kích Việt Nam trở thành những chuyên viên vĩ đại nhất, tài tình nhất trong lịch sử loài người”. Còn X.Pi-rốt, một nhà báo quân sự Pháp trong bài viết đăng trên tạp chí “Các lực lượng vũ trang” (Pháp) số ra ngày 30 tháng 4 năm 1975-đúng vào ngày ta hoàn toàn giải phóng miền Nam-cũng nhận xét: “Ở Bắc Việt Nam, trong hệ thống phòng không đan xen giữa pháo 23mm, 30mm, 37mm, 57mm,85mm và 100mm là tên lửa SAM-2, về sau là SAM-3. Trong hệ thống đó, SAM-2 đóng vai trò xua đuổi máy bay Mỹ từ độ cao lớn xuống độ cao thấp, ngang tầm với hoả lực phòng không tầm thấp rất nguy hiểm. Chỉnh thể hoả lực đó giáng cho không quân Mỹ đòn thiệt hại với tỷ lệ 30 máy bay bị bắn rơi trong số 10.000 lượt chiếc trong năm 1966 và năm 1967”.


Lên phương án chiến đấu.

Bức tranh công nghệ vũ khí trang bị của các lực lượng vũ trang ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một bức tranh hoành tráng lớn phản ánh nền văn minh công nghệ của nhiều thế kỷ từ công nghệ-kỹ xảo trước thế kỷ XV, đến công nghệ-khoa học trình độ cao nửa cuối thế kỷ XX. Khi nói rằng chúng ta thắng Mỹ bằng sức mạnh truyền thống của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước kết hợp với sức mạnh của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thời đại mới cũng bao hàm trong đó nền văn minh công nghệ đầy tài hoa của dân tộc kết hợp với các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại của thời đại, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.

Gần đây, khi bàn về xu hướng phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, trong giới khoa học quân sự nước ngoài có ý kiến nhận định có thể chúng ta phải trở lại với chiến thuật chiến tranh du kích, vì thực chất của chiến tranh du kích là giấu kỹ mình, nhìn rõ người, tạo thế bất ngờ. Còn trong chiến tranh công nghệ cao, để đối phương trinh sát phát hiện ra mình gần như chắc chắn bị tiến công ngay tức khắc (Theo K.B.Smith. Trở lại với cuộc chiến tranh hầm hào. Tạp chí Tin quân sự Mỹ” số 8 năm 1990). Có ý kiến còn khẳng định, trong chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh du kích không những không mất hiệu lực mà còn có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn. Đó là phương thức chiến tranh du kích hiện đại cả trên không, trên biển, trên bộ. Vì thế, chiến tranh du kích của chiến tranh nhân dân Việt Nam dựa trên cơ sở đan xen công nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là bài học có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại và tương lai.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #97 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2007, 08:49:57 pm »

Đặc trưng thứ hai: làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại vượt xa khả năng chế tạo trong nước, công nghệ sử dụng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta đạt tới trình độ vược bậc trong chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại mới.

Theo quan niệm của khoa học và công nghệ hiện đại, vũ khí trang bị được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ cho ta có thể được coi là một dạng chuyển giao công nghệ đặc biệt. Đó là công nghệ-sản phẩm.

Khi bàn về vấn đề chuyển giao công nghệ, yếu tố con người thường được đặt vào vị trí trung tâm và được hiểu là đội ngũ nhân lực được tổ chức tốt, có được thông tin và kỹ năng đầy đủ để khai thác có hiệu quả công nghệ-sản phẩm nhập.

Khi bước vào cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ (năm 1964), chúng ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hoà bình ở miền Bắc nói chung, trong xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật nói riêng. Tuy tiềm lực đó chưa đủ để ta có thể tự sản xuất đủ được vũ khí trang bị cần thiết cho chiến tranh nhưng đã nâng cao một mức cơ bản trình độ dân trí, tạo tiền đề rất quan trọng cho chúng ta quản lý, khai thác nguồn vũ khí trang bị hiện đại nhập từ bên ngoài và tiến tới cải tiến, cải biên các phương tiện đó thích hợp với điều kiện và môi trường chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, tiềm lực đó còn góp phần quyết định trong việc nghiên cứu các ưu, nhược điểm trong vũ khí trang bị hiện đại của địch, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu nhằm giảm một phần đáng kể hiệu lực của các phương tiện đó.

Khai thác các phương tiện kỹ thuật nói chung, vũ khí trang bị nói riêng là một đề tài khoa học và công nghệ được đề cập đến với nhiều quan điểm khác nhau. Có loại ý kiến cho rằng khai thác cái của người khác là vấn đề khoa học và công nghệ “loại hai”, không giá trị bằng thiết kế chế tạo cái mới. Loại ý kiến này vừa thiếy tính khóa học, vừa phí kinh tế. Thực tế, ngay ở Liên Xô trước đây và các nước công nghiệp tiên tiến, vấn đề khai thác công nghệ được đánh giá rất cao. Ở các nước đó, nhiều nhà khoa học đã trưởng thành và lập công xuất sắc từ hoạt động này. Nhiều ý tưởng mới về khoa học và công nghệ nảy sinh từ quá trình khai thác công nghệ. Thêm nữa, để khai thác tốt, vừa cần có kiến thức khoa học đầy đủ, phải luôn luôn chủ động sáng tạo và vừa có kỹ năng nhất định. Máy bay MiG-21 của không quân ta rõ ràng tiên tiến hơn nhiều máy bay MiG-17 về công nghệ nhưng thời gian đầu MiG-21 nhiều lần xuất kích chưa bắn rơi máy bay Mỹ. Chỉ sau một thời gian cán bộ kỹ thuật và phi công ta thực sự làm chủ, khai thác tốt, MiG-21 mới thể hiện được ưu thế công nghệ cao hơn thế hệ trước đó. Trong khi đó, không quân ta đã biết khai thác một số ưu điểm kỹ-chiến thuật của máy bay MiG-17 như bán kính lượn vòng nhỏ, biến nó trở thành vũ khí bắn rơi nhiều máy bay nhất trong các trận không chiến với các máy bay siêu âm hiện đại của Mỹ.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Hai, 2007, 09:27:11 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #98 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2007, 09:33:12 pm »

Nhận xét về khía cạnh này, giáo sư Shingo Shibata, chuyên viên nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Trường đại học tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) cho rằng: “Không phải vũ khí mà con người là nhân tố quyết định kết quả chiến đấu. Như thế không có nghĩa xem nhẹ vũ khí. Người Việt Nam rất coi trọng vũ khí. Họ đã đưa vào sử dụng những vũ khí mới như máy bay chiến đấu phản lực, tên lửa, rada, súng phòng không… Đó là những vũ khí được viện trợ nhưng chúng ta phải nhớ rằng việc sử dụng những vũ khí đó do nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Khi đưa các thứ vũ khí này vào Việt Nam, trước hết người Việt Nam phải xây dựng hệ thống thuật ngữ chuyên môn kỹ thuật như điện tử, thuỷ khí động học, đạn đạo học, toán học cao cấp bằng ngôn ngữ Việt Nam. Sau đó, khắc phục những khó khăn khác, họ mới bắt đầu học những vấn đề cơ bản. Họ cương quyết duy trì đường lối tự lực cánh sinh. Họ đã độc lập sử dụng những vũ khí mới nhất. Kết quả cố gắng của họ thấy rõ trong việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay B-52 và F-111. Người Việt Nam vẫn cương quyết tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, trong đó yếu tố quan trọng nhất là giáo dục. Người Việt Nam đã đạt được thành tựu phi thường. Họ coi giáo dục lý thuyết cơ bản là bộ phận quan trọng của chương trình giáo dục. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam buộc họ phải sử dụng tên lửa, rada, v.v… và nghiên cứu toán học, điện tử học. Chương trình giáo dục ở các trường đại học được mở rộng, công tác giáo dục ở các trường sơ cấp, trung cấp được sửa đổi theo hướng hiện đại hơn. Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức lớn gồm 130.000 thành viên trong khi dân số miền Bắc chỉ có 17 triệu người. Như vậy rõ ràng tỷ lệ thành viên của Hội trong dân số là rất cao. Trình độ hiểu biết khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam cũng cao bằng ở Nhật Bản và các nước tư bản khác”.
(Shingo Shibata, Chiến tranh Việt Nam và cách mạng khoa học kỹ thuật. Bản dịch của Viện khoa học quân sự (nay là Cục quản lý khoa học và công nghệ-Bộ Quốc phòng).

Rõ ràng, việc Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất với số lượng rất lớn và mức độ tập trung cao đã tạo cho họ sức mạnh hơn về hoả lực không quân và pháo binh; sức cơ động cao bằng đường không, đường bộ và đường thuỷ, khả năng vận chuyển lớn trong bảo đảm vật chất-kỹ thuật, v.v… Những mặt mạnh đó tạo ra tính chất ác liệt của chiến tranh, tình huống chiến đấu phát triển khẩn trương, sự chuyển hóa mau lẹ trong so sánh lực lượng, trong chiến dịch và chiến đấu. Với ưu thế về trang bị, vũ khí như vậy, nếu đối phương được tư do hành động theo cách đánh sở trường của họ thì chắc chắn vũ khí trang bị hiện đại sẽ phát huy tác dụng lớn và có thể tạo ra hiệu quả cao.

Mỹ dội bom napalm xuống thôn xóm Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2007, 09:40:53 pm »

Trên cơ sở làm chủ khai thác tốt các vũ khí trang bị hiện đại có trong trang bị, nắm vững các chỗ mạnh và điểm yếu trong vũ khí trang bị của địch, chúng ta đã vận dụng kết hợp tất cả các loại vũ khí và trang bị từ thô sơ đến hiện đại, khéo dùng đúng lúc, đúng chỗ, tập trung đúng mức các phương tiện chiến đấu trong các tình huống chiến lược, chiến dịch và chiến thuật với phương châm dùng vũ khí hiện đại làm nòng cốt để phát huy tác dụng của các loại vũ khí khác.

Có trường hợp ta dùng vũ khí trang bị hiện đại là chính kết hợp với loại kém hiện đại và thô sơ. Trường hợp khác ta lại lấy loại kém hiện đại là chính kết hợp với loại hiện đại và thô sơ. Ví dụ, pháo phòng không các loại là phương tiện chiến đấu chủ yếu kết hợp với các phương tiện khác để đánh lực lượng không quân hiện đại ở tầm thấp và vừa. Khi đánh máy bay địch ở độ cao lớn, ta lại coi máy bay và tên lửa là phương tiện chiến đấu chủ yếu kết hợp với các phương tiện khác.


  Không quân VN trú quân trong nhà lá - một biểu hiện của kết hợp giữa thô sơ với hiện đại.
Ta dùng cả súng bộ binh, mìn bẫy bố trí trên ngọn cây để bắn rơi máy bay và máy bay lên thẳng hiện đại của địch; dùng vật chướng ngại, mìn chống tăng để đối phó với xe tăng hiện đại của địch, v.v… Các phương tiện chiến đấu có tính năng tác dụng khác nhau đặt trên mặt đất, trên không và trên biển, có uy lực cũng như uy lực vừa và nhỏ, có tầm hoạt động xa cũng như gần, có điều khiển cũng như không điều khiển, tự động và nửa tự động, chuyên chở bằng những phương tiện cơ giới, tự hành hoặc thô sơ, v.v… đều được sử dụng phù hợp với tính năng tác dụng của chúng, kết hợp chặt chẽ với nhau. Sức đột kích, sức cơ động và sức mạnh hoả lực cần thiết của lực lượng vũ trang ta được tạo nên bởi tất cả các loại vũ khí có trình độ kỹ thuật và tính năng, tác dụng khác nhau.

Có lẽ trong công nghệ sử dụng các phương tiện vật chất nói chung, vũ khí trang bị nói riêng, không có cụm từ nào diễn đạt giản dị hơn, hay hơn, chính xác hơn từ “khéo dùng” mà chúng ta thường gặp trong các bài viết và nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác thường viết và nói “khéo vận động quần chúng”, “khéo tổ chức”, “khéo kết hợp”, v.v… Khéo sử dụng các phương tiện vật chất đã trở thành một đặc trưng văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Các chiến sĩ trắc thủ rada của ta khéo sử dụng đến mức có thể phát hiện ra dấu vết của máy bay Mỹ, đặc biệt là máy bay B-52, trên màn hình có vô vàn tín hiệu nhiễu dày đặc để bám theo chúng và điều khiển hoả lực phòng không điêu luyện, mang đậm cốt cách văn hóa của người Việt Nam. Các nghệ sỹ của chúng ta thường kể lại câu chuyện cảm động về một nhạc sỹ Việt Nam trong buổi biểu diễn tốt nghiệp khóa học chỉ huy trước một dàn nhạc giao hưởng lớn ở nước ngoài. Trong buổi biểu diễn đó, một nhạc công đã được giáo sư nhạc viện trong ban giám khảo giao hẹn trước là phải chơi sai một vài nốt trong bản nhạc. Vị giáo sư nọ đã phải sửng sốt trước sự thính nhậy của nhạc sỹ trẻ Việt Nam khi anh dùng thước chỉ huy ra hiệu cho cả dàn nhạc ngừng biểu diễn đúng lúc phát ra các nốt nhạc “gây nhiễu”. Sự “khéo dùng” ở trong hai trường hợp chỉ là một, chỉ khác nhau ở chỗ nhạc sỹ trẻ Việt Nam trong buổi biểu diễn khả năng chỉ huy đã phát hiện ra “mục tiêu giả” (nốt nhạc sai) trong hàng ngàn “mục tiêu thật” (nốt nhạc đúng) bằng nhậy cảm đặc biệt của đôi tai.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM