Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:45:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 1  (Đọc 125122 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #150 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:36:00 am »

Vào mùa nước, bộ binh giặc không thể ở tất cả trên thuyền, mà phải đóng trên các cao điểm nên rất dễ bị quân thuỷ của Âu Lạc vây hãm. Bộ binh địch chỉ có thể tiến công thành vào mùa khô.

Nhờ khai thác triệt để những điểm yếu của giặc nên quân dân Âu Lạc đã chủ động tiến công chúng trên vùng đồi Tiên Du, làm cho Triệu Đà khốn đốn.

Lực lượng quân sự của nước Âu Lạc bấy giờ khá hùng mạnh. Theo Việt sử lược, quân đội thường trực của An Dương Vương có đến một vạn lính “dạy được một vạn quân lính”, lại “làm được nỏ liệu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên” 1..

Thứ vũ khí thần diệu này được Lĩnh Nam chích quái ghi lại như sau: Sau khi giúp vua xây thành xong, Rùa vàng từ biệt ra về. Trước khi chia tay, nhà vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của Thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa vàng đã tháo chiếc vuốt đưa cho nhà vua và nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo nghĩ gì nứa”. “Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy” 2.

Cao Lỗ là ai mà được An Dương Vương giao cho trọng trách chế tạo ra loại vũ khí đặc biệt này? Theo thần tích làng Đại Than, huyện Gia Lương, ông quê ở làng Đại Than, châu Vũ Ninh (huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), là con ông Cao Thông và bà Đỗ Thị. ông bà sinh con muộn, nhưng bù vào đã được một cậu con trai, đặt tên là Cao Lỗ. Lớn lên Cao Lỗ là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, văn võ song toàn nổi tiếng khắp vùng. Khi An Dương Vương dựng nước Âu Lạc gặp muôn vàn gian khó, nên đã ra sức cầu mong người hiền tài. Biết được tin đó, Cao Lỗ đã từ biệt cha mẹ, làng quê thận yêu, quyết mang tài năng ra giúp nước.

Được Cao Lỗ, An Dương Vương mừng lắm. Vua đã cùng Cao Lỗ lặn lội ngày đêm đi khắp đất nước tìm chỗ định đô và đã chọn Cổ Loa.  Nhà vua tin tưởng giao cho Cao Lỗ toàn bộ công việc chỉ huy quân đội và xây đắp thành luỹ. Ròng rã suốt ba năm trời, ông đã cùng nhân dân và quân sĩ đào hào, gánh đất xây thành. Thành xây xong, ông lại được vua giao cho chế nỏ thần 3.

Công dụng của loại vũ khí này và tác giả của nó đều đã được sử cũ xác nhận. Theo Việt sử lược: “Lúc bấy giờ An Dương Vương có người thần tên là Cao Lỗ, làm được nỏ liễu,  mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên...” 4.
 
Thư tịch cổ Trung Quốc đã phóng đại hơn về khả năng của loại vũ khí do Cao Lỗ chế tạo “Mỗi phát giết được ba trăm người” (Giao Châu ngoại vực ký), “bắn một phát giết  chết quân (Nam Việt) hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn người”’ (Nam Việt chí), “mỗi phát tên đồng xuyên qua hơn chục người” (Việt kiệu thư).

Hàng vạn mũi tên đồng phát hiện ở Cầu Vực là cốt lõi của lịch sử và chất liệu thật của huyền thoại nỏ thần.  Bên cạnh thành cao hào sâu, vũ khí lợi hại, An Dương Vương còn có những tướng tài và lòng dân yêu nước vô song.
 
Ngoài Cao Lỗ, An Dương Vương còn có Nồi Hầu. Theo thần tích làng Chiêm Trạch (Cổ Loa), Nồi Hầu có tên là Nồi, con trai của một người thợ làm nồi đất ở làng Canh (nay là Tam Canh, Vểnh Phúc) tên là Đào Hoẵng. Năm Nồi 25 tuổi, An Dương Vương mở khoa thi võ kén tướng tài. Dân làng đã cử Nồi đi thi. ông đã giành giải nhất cuộc thi nên được An Dương Vương bổ làm quan của nước Âu Lạc với tước hầu.

Sau khi lấy vợ, ông sinh được hai con trai đặt tên là Đống và Vực. Lớn lên cả Đống và Vực đều được làm quan võ trong triều. Khi cuộc chiến tranh chống Triệu xảy ra, ngoài quân đội chính quy do An Dương Vương ban cấp, Nồi Hầu còn về quê vợ huy động được rất đông dân làng tham gia đánh giặc, tổ chức thành các đội dân binh 5.
 
Sự tích Nồi Hầu đã loé rạng, hay cũng có thể nói, là sự khởi nguồn cho một truyền thống đánh giặc của dân tộc ta cho tới ngày hôm nay, đó là truyền thống chiến tranh nhân dân. . . 

1. Việt sử lược NXB Văn-Sử-Địa Năm 1960 trang 15
2. Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, Tr.60.
3. Thần tích làng Đại Than, Gia Lương, Bắc Ninh, Tư liệu Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bắc Ninh
4. Việt sử lược Nxb. Văn-sử-Địa, Hà Nội, 1960, tr. 15.
5. Theo Thần tích làng Chiêm Trạch, Cổ Loa, Tư liệu Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:38:32 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #151 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:42:56 am »



Các nguồn sử liệu, truyền thuyết đã cho biết chiến trường của cuộc kháng chiến chống Triệu không chỉ diễn ra ở quanh thành Cổ Loa, mà còn diễn ra ở vùng núi Tiên Du và núi Trâu. Điều đó có nghĩa là, quân và dân Âu Lạc đã không đợi kẻ thù đến mới đánh, không ỷ vào thành cao hào sâu, mà chủ động tiến công địch tại nơi chúng đóng quân.
 
Dù sử sách không ghi chép, ta vẫn có thể hình dung được những khó khăn của quân xâm lược khi chúng đóng quân trên các điểm cao bốn bề mênh mông nước, lại bị quân thuỷ ta vây chặt bên dưới. Quân Triệu chắc chắn đã phải gặp vô vàn khốn đốn trong việc tiếp tế lương thực cũng như nước sinh hoạt. Người phương Bắc tuy vốn có truyền thống đào giếng giỏi, nhưng trên những ngọn đồi đất faterit khô cằn của vùng đồi Tiên Du, hẳn không dễ có thể đào được giếng. Thuỷ quân giặc cũng khó có thể ứng cứu, một khi đánh thuỷ không phải là sở trường.

“Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn cầm cự với nhà vua (An Dương Vương), không dám đối chiến” 1.

Chính vì những lẽ đó, quân Triệu Đà sau nhiều lần liều chết tấn công vẫn không thể chinh phục được nước Âu Lạc.  Không thể thắng bằng quân sự, Triệu Đà liền quay sang thực hiện cuộc chiến tranh với những mưu mô quỷ quyệt. Y “xin hoà” . An Dương Vương cả mừng. Sau cuộc hoà đàm, cục diện lãnh thổ được phân định như sau “phía bắc sông Tiểu Giang (sông Đống) thuộc Triệu Đà cai trị, phía nam thì vua cai trị”. Như vậy, một phần phía bắc lãnh thổ Nhà nước Âu Lạc đã bị rơi vào tay nhà Triệu.

Tuy nhiên, tham vọng thôn tính Âu Lạc không chỉ dừng lại tại đó “Không bao lâu Đà cầu hôn”. Thấy rõ những toan tính thâm hiểm của Triệu Đà trong cuộc hôn nhân này, tướng quân Cao Lỗ đã ra sức can ngăn, Nồi Hầu cùng hai con trai cũng khuyên can: “Lòng người khó dò biết, không nên nhẹ dạ cả tin” (thần tích đình Chiêm Trạch). Nhưng An Dương Vương vẫn bỏ ngoài tai mọi lời can gián của các đại thần. “Vua vô tình gả con gái là Mỹ Châu cho con trai Đà là Trọng Thuỷ” 2, thậm chí còn cho phép Trọng Thuỷ sang ở rể tại kinh thành Cổ Loa, theo phong tục ở rể của người Việt.

Buồn bã, Nồi Hầu cùng hai con trai đã “treo ấn từ quan” lui về ở ẩn tại Chiêm Trạch. Tuy vậy, vì Chiêm Trạch không xa Cổ Loa, nên cha con ông vẫn không rời mắt theo dõi kẻ thù.  Bên An Dương Vương nay chỉ còn có Cao Lỗ. Theo truyền thuyết, ông đã cho người theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hành động của Trọng Thuỷ. Thuỷ không được phép đi lại tự do trong thành, không được tới các pháo đài, không được đến nơi chế nỏ, đúc tên. Do sự cảnh giác của Cao Lỗ, Trọng Thuỷ không thể khai thác được bất kỳ tin tức quân sự nào của Âu Lạc. Nếu không nhổ được cái trở ngại - Cao Lỗ, thì mưu đồ cha con Triệu Đà sẽ thất bại.
 
Để loại trừ Cao Lỗ, Đà tìm cách gây chia rẽ, ly gián nội bộ “lấy của cải đút lót quan lại trong triều đình Âu Lạc”. Nghe lời xiểm nịnh của bầy tôi và hẳn là có cả lời nỉ non của con gái yêu, nên An Dương Vương đã phế truất người công thần bậc nhất của quốc gia, vị tư lệnh tối cao của quân dân Âu Lạc, công trình sơ kiệt xuất, nhà phát minh vũ khí thiên tài - Cao Lỗ, đuổi ông ra khỏi thành.

Trước khi rời bỏ kinh thành về đại bản doanh đạo quân thuỷ của mình ở bến Đại Than, ông đã nhắn lại nhà vua : “Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần thì mất thiên hạ”.

Sách Việt điện u linh ghi lại cuộc gặp gỡ trong mộng giữa ông và Cao Biền cho thấy phần nào thực chất mối bất hoà giữa ông với quan lại trong triều phải chăng đó là mâu thuẫn giữa người của hai bộ Lạc vùng cao và vùng thấp trong triều đình hợp nhất hai thành phần Âu và Lạc, đã bị kẻ địch lợi dụng khoét sâu. Sách chép, khi Biền hỏi mãi ông mới tiết lộ “An Dương là tinh con “Gà vàng, Lạc hầu là tinh con “Vượn trắng” (đó là hai con vật biểu tượng của cán bộ Lạc vùng cao), còn tôi là tinh con Rồng đá (rồng là vật biểu tượng của các bộ Lạc vùng thấp và sông nước). Gà với Vượn thì hợp nhau mà không hợp với Rồng, nên sinh ra thế” 3.

Sau khi loại bỏ được Cao Lỗ, Trọng Thuỷ đã được tự do đi lại trong thành. Mọi đường đi lối lại, ngõ ngách, công sự phòng vệ, doanh trại quân cơ... Thuỷ đều thông thuộc. Bên cạnh việc chia rẽ nội bộ, diệt người tài, nhiệm vụ quan trọng khác của Thuỷ là làm sao lấy cắp được bí mật của nỏ thần.  Không phải ai khác, mà chính Mỵ Châu quá thơ dại và mù quáng trước tình yêu đã dạy cho Thuỷ cách chế nỏ, sử dụng loại vũ khí này và còn bị Thuỷ “đánh tráo lẫy nỏ thần” thay vào chiếc lẫy giả.


1. Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr. 60.
2. Vũ Quỳnh - Kiều Phú : Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr 60.
3. Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh. Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr.46.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #152 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:45:46 am »



Sau khi đã nắm được hầu như toàn bộ bí mật, loại bỏ được các tướng giỏi của Nhà nước Âu Lạc, Trọng Thuỷ vờ xin phép về thăm cha. Lời đề nghị đó dễ dàng được chấp thuận.  Trở về nước, Trọng Thuỷ đã gấp rút trang bị, huấn luyện kỹ thuật cung nỏ cho quân Nam Việt.

Năm 179 Tí.CN, Triệu Đà mang đại quân ào ạt tiến đánh Âu Lạc. Kể lại cuộc tấn công này của Triệu Đà, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đà đem quân đến đánh vua, vua không biết là lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười nói mà rằng: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao”. Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thần thì lẫy đã gãy rồi. Vua thua chạy, để Mỹ Châu ngồi trên ngựa, cùng chạy về phương nam” 1.
 
 Những sự kiện trên cũng được sử sách Trung Quốc ghi chép. Giao Châu ngoại vực ký chép: “Nam Việt Vương (Triệu Đà) biết là không thể đánh nổi, phải lui quân đóng ở Vũ Nghi (Vũ Ninh)... Việt Vương sai thái tử là Thuỷ hàng phục An Dương Vương, xưng thần để thờ. An Dương Vương không biết Thông tức Cao Thông - Cao Lỗ) là người thần, đối đãi vô đạo. Thông bèn bỏ đi và nói với vua rằng: giữ được nỏ này thì làm vua thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ.  Thông bỏ đi, An Dương Vương có con gái là Mỹ Châu, thấy Thuỷ là người đoan chính giao thông với nhau. Thuỷ hỏi Châu xem cái nỏ của cha. Thuỷ thấy nỏ bèn trộm cưa gẫy nỏ, rồi trốn về báo với Việt Vương. Việt Vương tiến binh đánh.  An Dương Vương đem nỏ ra bắn. Nỏ gẫy nên bị thua. An Dương Vương xuống thuyền chạy ra biển. . .” .

Sách Việt kiệu thư cũng ghi chép sự kiện này cơ bản giống như vậy, nhưng có một vài chi tiết khác “Vua Man - An Dương Vương, có con gái là Lan Châu xinh đẹp, lại giỏi nghề làm nỏ. Triệu Đà sai con sang ở rể, không đầy ba năm, học được phép chế nỏ và phá nỏ. Bèn khiến đi đánh, bắt được vua Man đem về”.

Dù cho có khác nhau về chi tiết, song những nội dung chính của cuộc chiến và kết cục bi thảm của nước Âu Lạc đều được các bộ sử lớn của hai nước chép tương đối giống nhau.

Do đặc điểm phải cô đúc cán sự kiện của chính sử, chúng ta không có được nhiều hơn các chi tiết về cuộc chiến tranh giữ nước của quân và dân Âu Lạc. Nhưng may mắn, một số chi tiết đã được bổ sung bằng nhiều thần tích, thần phả đang được hương khói thờ phụng tại các đền miếu ở các làng quê quanh vùng.

Thần tích làng Chiêm Trạch cho biết: Sau khi chiếm được Cổ Loa, Triệu Đà đã sai người về Chiêm Trạch mang danh lợi ra dụ dỗ cha con Nồi Hầu. Nồi Hầu lớn tiếng chửi mắng quân giặc. Triệu Đà vô cùng tức giận đã mang quân vây kín làng Chiêm Trạch. Ba cha con Nồi Hầu cùng dân làng chống cự quyết liệt với quân Triệu. Nhưng thấy thế không thể nào địch nổi quân giặc đông gấp bội, vợ chồng ông cùng hai con trai là ông Đống, ông Vực đã phá vòng vây chạy về Tam Canh. Quân Triệu đuổi theo, tràn vào làng, hai vợ chồng ông phải giả làm người bán nồi, gánh nồi trốn khỏi Hương Canh trở lại Chiêm Trạch. Khi vợ chồng ông chạy về tới Chiêm Trạch thì cổng làng đã đóng. Nghe tiếng gọi cổng, dân làng không dám mở ngay vì sợ kế gian của giặc, trong lúc đó thì quân giặc đuổi theo đã ập tới. Không chịu để giặc bắt, hai vợ chồng ông đã rút dao tự vẫn. Hai hôm sau, ông Đống, ông Vực từ Hương Canh về tìm cha mẹ, thấy cha mẹ đã chết liền tự vẫn theo 2.

Cuộc kháng chiến chống Triệu cuối cùng đã bị thất bại. Nguyên nhân căn bản là do những sai lầm của An Dương Vương. Trước đây chính ông đã đoàn kết được người Âu và người Lạc tiến hành cuộc kháng chiến bền bỉ chống lại chiến tranh xâm lược nhà Tần - một đế chế hùng mạnh, dẫn tới sự ra đời của nhà nước Âu Lạc, đã từng được sử thần Ngô Thì Sĩ ca ngợi:

“. . . Việc dựng nước đóng đô xây thành, đặt chỗ hiểm, trị kẻ địch, chống kẻ khinh nhờn giặc, lo phòng hoạn nạn, khiến cho hơn 40 năm không phải lo việc canh phòng giặc, trong nước vô sự, có thể nói là bậc có mưu lược dựng nước và giữ nước đấy”.

Cũng chính ông đã lãnh đạo nhân dân Âu Lạc xây dựng một kinh thành vững mạnh, chủ động tiến công đánh tan những đạo quân xâm lược hùng hậu của Triệu Đà trên vùng đồi Tiên Sơn - Vũ Ninh.
 
Nhưng, do không nhận thức được âm mưu đen tối của kẻ thù, ông từng bước mắc mưu dịch, đặc biệt là việc để cho kẻ thù phá vỡ khối đoàn kết nội bộ, khoét sâu mâu thuẫn Âu - Việt, loại bỏ người hiền tài và đánh cắp các bí mật quân sự.
 
Nếu như trước đây, những thắng lợi mà ông giành được, đều gắn với cuộc chiến của nhân dân, thì nay ông lại ỷ vào thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại, tách mình ra khỏi nhân dân, tiến hành một cuộc chiến tranh đơn độc, lấy phòng thủ là cơ sở cho cuộc chiến đấu.


2. Thần tích đình làng Chiêm Trạch, Cổ Loa, tư liệu Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội.
1. Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, T.1, tr.66.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #153 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:48:09 am »

Vì thế, nên cuộc kháng chiến chống Triệu Đà do ông lãnh đạo đã thất bại. Đất nước ta đã bị rơi vào thảm họa của hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Những việc làm của ông đã bị các sử gia thời phong kiến phê phán: “Nhưng xét về hình tích thắng bại khi lẫy nỏ còn thì quân xâm lược phương Bắc phải tan; lẫy nỏ gãy thì hết đường, chạy về phía Nam. Ngoài cái móng rùa (ý chỉ vũ khí, thần linh) thì việc người đều không dự đến... (trong khi) nước địch ở bên cạnh, đáng ra phải có quy mô luyện binh tuyển tướng, phải có kế hoạch dẹp loạn mưu sự sinh tồn, sao lại dám yên lặng vui chơi, dẫn cừu thù vào nơi cung khuyết, đặt mưu kế giữ biên giới vào cuộc nhàn? Chỉ vì nó có móng rùa. Vì trận thắng nhỏ mà lòng kiêu căng lớn lên, để đến nỗi lứa đôi thành thù địch, nước non Âu Lạc như đẩy bàn cờ ra là hết”.

Nói về nguyên nhân cụ thể dẫn tới sự bại vong, các sử gia thời phong kiến cũng chỉ rõ: “An Dương Vương chỉ cậy sức mạnh của nỏ thần, không sang sửa chính sự có đạo đức, biên giới không đề phòng, quân giặc vào sát cõi mà chưa từng sai một quan tướng, một đạo quân. Đợi đến lúc giặc vào tới quốc đô, vẫn còn muốn giải quyết cơ mưu trong chốc lát, khác nào lửa cháy đến mái nhà vẫn ngồi yên. Mê muội đến thế? Giả sử có thiên tướng thần binh cũng chẳng thể nào đuổi giúp được giặc, huống chi một chiếc móng rùa? 1.

Cuộc chiến tranh chống Triệu Đà thất bại, không chỉ là sự thất bại của Nhà nước Âu Lạc mà còn bắt đầu một chương đen tối cho lịch sử dân tộc ta hơn 1.000 năm sau, như Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án đã bình luận: “Nước ta nội thuộc Trung Hoa từ Hán đến Đường, suy nguyên thủ hoạ chính là Triệu Đà”.

Những lời phân tích và phê phán từ mấy trăm năm trước cũng đã là đầy đủ đối với kết cục bi thảm của Nhà nước Âu Lạc và trách nhiệm của An Dương Vương trước lịch sử.
 
Tuy thất bại, nhưng thành Cổ Loa và cuộc kháng chiến chống Triệu đã để lại cho dân tộc ta một bài học lịch sử sâu sắc. Không có thành cao, hào sâu nào, không có một thứ vũ khí lợi hại nào, mạnh hơn sức mạnh đoàn kết to lớn của nhân dân. Sức mạnh đó có đủ khả năng đánh bại bất kỳ một đạo quân xâm lược nào, cho dù chúng to lớn và hung hãn đến đâu.
 
V. NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA
HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIỮ NƯỚC ĐẦU TIÊN
CHỐNG TẦN VÀ TRIỆU

Ngay trong buổi đầu của thời kỳ dựng nước, cha ông ta đã phải trải qua hai thử thách quân sự to lớn và khắc nghiệt  chống lại hai cuộc xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc: Tần và Triệu.
 
Hai cuộc kháng chiến xảy ra ở hai thời điểm khác nhau, kẻ thù khác nhau, hoàn cảnh lịch sử của nước ta trong mỗi thời điểm cũng khác nhau, nên kết cục của các cuộc kháng chiến cũng như những bài học lịch sử cũng khác nhau.

- Về địch: trong cuộc kháng chiến chống Tần, kẻ thù của nhân dân ta là một đạo quân đông đảo của một nước Trung Hoa vừa được thống nhất sau nhiều thế kỷ sát phạt nhau.  Những đội quân vừa ra khỏi cuộc chiến lâu dài hẳn phải là những đạo quân dạn dày kinh nghiệm chiến trường. Kẻ thù huy động một lực lượng lớn chưa từng có để tiến hành cuộc viễn chinh này. Cuộc chiến tranh mà kẻ địch tiến hành kéo dài tới hơn 10 năm.

Trong cuộc kháng chiến chống Triệu, kẻ địch có tiềm lực nhỏ bé hơn nhiều. Năm 206 Tr.CN nhà Tần bị sụp đổ, Triệu Đà - viên quan cai quản quận Nam Hải, lập tức đánh chiếm hai quận Quế Lâm và Tượng thành lập nước Nam Việt. Nước Nam Việt là nhà nước cát cứ của tập đoàn quan lại, tướng tá cũ của nhà Tần, xây dựng trên đất đai chiếm đoạt được của người Việt.

Theo thống kê của chính quyền Tây Hán sau này thì số dân của bốn quận Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô, tức là đất đai của nước Nam Việt cũ chỉ có 71.805 hộ với 390.000 khẩu. Trong khi đó dân số của hai quận Giao Chỉ - Cửu Chân, đất Âu Lạc cũ là 912.250 khẩu.

Như vậy là, khi Triệu Đà phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, dân số của Nam Việt chưa bằng nửa dân số Âu Lạc.

Số lượng quân Triệu tuy không lớn bằng quân Tần, nhưng lợi thế đặc biệt của kẻ thù mới này là, lực lượng quân đội chủ yếu là người Việt. Không những chỉ có lính mà cả một tập đoàn từ Vua đến quan lại, tướng sĩ người Hán nắm giữ chính quyền Nam Việt đều chung sống nhiều năm với người Việt, lấy vợ Việt, theo phong tục Việt, quen với điều kiện khí hậu phương nam.


1. Đại Việt sử ký tiền biên, phần ngoại ký, quyển 1, Nxb. khoa học xã hội, 1997, tr.51.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:51:47 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #154 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:53:37 am »



Về mặt địa lý, Nam Việt lại là láng giềng gần gũi với Âu Lạc .

- Về phía ta: khi quân Tần xâm lược, lãnh thổ nước ta lúc đó chưa được thống nhất. Phía bắc là những bộ Lạc của người Tây Âu, phía nam là nước Văn Lang không lớn của các vua Hùng. Lực lượng của ta lúc đó là sự liên minh của hai tộc người Âu và Lạc do yêu cầu của cuộc chiến tranh, chứ chưa phải là một nhà nước thống nhất.

Còn khi Triệu Đà xâm lược nước ta thì Âu Lạc đã là một quốc gia thống nhất, có dân số đông hơn hẳn Nam Việt.
 
- Về đạc điểm của chiến trường: cuộc chiến tranh chống Tần diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng núi và trung du phía bắc nước ta. Diễn biến của cuộc chiến cho thấy, không có một chiến trường cụ thể cho hai bên giao chiến.

Cuộc kháng chiến chống Triệu diễn ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nước ngập, sông giăng chằng chịt. Chiến trường là vùng tam giác: Cổ Loa - Vũ Ninh - Tiên Du. Trong đó thành Cổ Loa là một cứ điểm quân sự lớn.

- Về vũ khí trong cuộc chiến tranh: cho đến nay vẫn chưa có tư liệu về những loại hình vũ khí của các bên tham chiến. Chắc chắn vũ khí của địch sử dụng trong cu chiến tranh này có nhiều loại hình phong phú hơn vũ khí của quân và dân Âu Lạc. Bởi người Việt chỉ có các đạo quân nhỏ, lẩn tránh trong rừng, ban đêm mới từ trong rừng sâu ra tập kích vào các trại lính Tần. Như vậy, về phía ta chỉ có thể sử dụng những loại vũ khí gọn nhẹ.

Trong cuộc kháng chiến chống Triệu, vũ khí của quân dân Âu Lạc đã phong phú hơn nhiều, đặc biệt hơn hẳn kẻ thù ở loại nỏ bắn liên hoàn. Theo sử cũ, thì loại vũ khí lợi hại này đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, ngăn chặn có hiệu quả các trận tiến công của kẻ thù vào Cổ Loa.

- Về chọn lựa cách đánh địch: trong cuộc kháng chiến chống Tần, đứng trước thế giặc mạnh “người Việt vào rừng, ở với cầm thú không ai chịu cho quân Tần bắt”. Quân giặc đã tiến vào một vùng đồng không nhà trống, không có cơ dân “đóng binh ở đất vô dụng”. Khi màn đêm buông xuống, các đội quân nhỏ mới từ trong rừng sâu tiến ra, tập kích vào doanh trại giặc “ban đêm ra đánh quân Tần”. Cuộc chiến như vậy kéo dài suốt 10 năm, khi quân giặc lâm vào cảnh “tiến không được, thoái cũng không xong”, người Việt mới tổ chức phản công “hại phá quân Tần và giết được Đồ Thư”.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Triệu, ban đầu quân dân Âu Lạc chủ động tấn công giặc trên vùng núi Vũ Ninh - Tiên Du, khiến cho quân giặc khốn đốn. Nhưng cục diện chủ yếu của cuộc chiến vẫn là quân Âu Lạc phòng thủ trong mộ ttoà thành kiên cố với các vũ khí lợi hại.
 
Tuy quân Triệu Đà không thể hạ thành bằng các cuộc tấn công, nhưng lại sử dụng rất thành công cuộc chiến tranh gián điệp - xin được cầu hôn cho con trai mình là Trọng Thuỷ lấy con gái Thục Vương là Mỵ Châu. Với tư cách là con rể, Thuỷ chẳng những đã biết hết việc bố phòng trong toà thành mà còn có trong tay toàn bộ bí mật của loại vũ khí “thần diệu” nên quân Triệu đã dễ dàng hạ thành Cổ Loa, khiến cho vua phải tự vẫn, đất nước rơi vào tay giặc.

Từ phân tích tình hình địch ta, cục diện và kết quả của hai cuộc chiến tranh, theo cách phân tích của thời đương đại, có thể thấy rất rõ nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tần dưới sự lãnh đạo của Thục Phán và sự thất bại cũng của chính con người đó trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Triệu.

Trong cuộc kháng chiến chống Tần, đứng trước một kẻ thù lớn với số quân đông gấp bội, quân và dân ta đã vận dụng cách đánh vô cùng thông minh và sáng tạo với những đặc điểm chính : tận dụng triệt để địa hình (vào rừng tránh giặc), thực hiện phương châm rời làng, triệt lương giặc (làm cho địch đóng quân ở đất vô dụng). Trong cách đánh, không có một chiến trường cụ thể, khiến quân địch - một đạo quân mạnh có sở trường đánh lớn, không thể tập trung quân đánh tiêu diệt. Quân giặc không biết lực lượng ta ở đâu, nhưng bất kỳ chỗ nào cũng thấy có mặt. Quân ta chỉ sử dụng những đạo quân nhỏ, đêm đêm ra tập kích vào trại giặc, làm cho quân giặc mệt mỏi và lo sợ.

Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Tần đã được tiến hành một cách kiên trì, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng cho cuộc phản công khi thời cơ đến.  Những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tần đã đại biểu cho sự đoàn kết thống nhất giữa các cộng đồng người trước hiểm hoạ chung nên đã tập hợp được sức mạnh to lớn của nhân dân đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #155 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:55:12 am »



Đại phá quân Tần là một chiến công vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến giữ nước của dân tộc ta chiến thắng này có ý nghĩa to lớn, không chỉ tiêu biểu cho ý chí quật cường của nhân dân ta ngay trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, mà còn chứng minh cho chân lý : một nước nhỏ vì quyền sống của mình, khi trên dưới đồng lòng, thông minh và mưu trí, hoàn toàn có thể chiến thắng đại quân xâm lược của nước phong kiến hùng mạnh.
 
Chiến công diệt Tần đã trở thành những viên gạch đầu tiên xây nên truyền thống chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích - lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh của dân tộc ta, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Triệu, khi kẻ địch tấn công, đất nước ta có phần thuận lợi hơn rất nhiều so với cuộc kháng chiến chống Tần. Quân giặc không đông so với quân Tần, tuy có thể có nhiều âm mưu nham hiểm hơn. Nước Âu Lạc bấy giờ đã là một quốc gia mạnh, đông dân, có công trình quân sự Cổ Loa kiên cố, có vũ khí lợi hại, nhưng đã bị thất bại trước cuộc xâm lược của kẻ thù.

Nguyên nhân dẫn đến thất bại cũng đã thấy rất rõ. Thục Phán đã tiến hành cuộc kháng chiến khác hẳn với cuộc chiến tranh chống quân Tần do ông lãnh đạo trước đây. Thay vì tiến hành một cuộc chiến tranh du kích, phát động toàn dân tham gia đánh giặc, ông đã tự giam mình phòng thủ trong một toà thành quân sự kiên cố, dựa vào vũ khí “tối tân” để chống lại kẻ thù.

Trong khi đó, nội bộ lại không đoàn kết, mối bất hoà giữa những người đã cùng nhau sát cánh chống giặc năm xưa đã xảy ra.  Cuộc sống đế vương đã làm ông ngày càng xa rời quần chúng nhân dân lao động, xa rời những người bạn trung thành, nên đã từng bước rơi vào cạm bẫy của kẻ thù. Cuối cùng, ông đã chuốc lấy thất bại thảm hại, phải nhảy xuống biển tự vẫn.

Bài học lịch sử có thể rút ra từ hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của thời kỳ đầu dựng nước là: một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh tan được những đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất nếu như dân tộc đó biết cùng nhau đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến.

Trong cuộc chiến đấu tự vệ cần phải biết vận dụng phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, phát động toàn dân đánh giặc, biết tận dụng những điều kiện tự nhiên để biến cái yếu của giặc thành cái mạnh cho mình, phải biết nắm vững thời cơ tấn công địch, giành thắng lợi cuối cùng.

Không có một thành cao hào sâu nào, không có một thứ vũ khí nào mạnh hơn sức mạnh của toàn dân đánh giặc, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân.

CHƯƠNG V

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG QUÂN SỰ
TRONG BUỔI ĐẦU DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

Lịch sử quân sự Việt Nam thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương là một thời gian lịch sử rất dài, thời kỳ xuất hiện và phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Hồng, hình thành cương vực lãnh thổ, nhà nước, bản sắc dân tộc, ý thức cố kết và bảo vệ cộng đồng. . .
Cùng với sự phát triển của sản xuất sự hình thành các thiết chế chính trị, xã hội..., các tổ chức quân sự đầu tiên đã xuất hiện. Các loại vũ khí, trang bị quân sự phát triển ngày càng phong phú.
 
Thành Cổ Loa - một công trình quân sự vững chắc và đồ sộ được xây dựng. Chiến tranh xuất hiện. Lịch sử dân tộc ghi những chiến thắng quân sự đầu tiên trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tần và Triệu Đà.
 
Các giá trị và truyền thống quân sự với những bản sắc riêng, hình thành và từng bước phát triển trên cơ sở những giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.

I. CÔNG CUỘC DỰNG NƯỚC VÀ SỰ HÌNH THÀNH
NHỮNG GIÁ TRỊ - TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ

Tiếp nối quá trình và những thành quả lao động, đấu tranh của các lớp cơ dân từ hàng ngàn, hàng vạn năm về trước, thế hệ người Việt Nam thời Hùng Vương - An Dương Vương đã lao động và đấu tranh bền bỉ, dũng cảm, sáng tạo, tạo dựng nên cơ đồ của đất nước với sự hình thành ngày càng rõ nét cương vực lãnh thổ, cộng đồng cơ dân, bản sắc văn hoá...
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #156 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:56:40 am »



Bản đồ phân bố các di tích văn hóa Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu thời gian vừa qua cho thấy, vào thời các Vua Hùng dựng nước, bờ cõi nước ta đã trải dài và khá rộng.
 
Từ Hà Giang và các vùng phụ cận ở phía bắc (trong đó nhiều vùng đã nằm ngoài biên giới Tổ quốc hiện nay) vào đến dãy Hoành Sơn ở phía nam; từ vùng rừng núi phía tây, qua miền trung du và đồng bằng các châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam... ra đến biển Đông.
Trung tâm của đất nước dần chuyển và ngày càng mở rộng về vùng đồng bằng trù phú với những cánh đồng lúa nước; nhưng vẫn tựa lưng vững chắc vào vùng rừng núi, nơi có thế thiên hiểm và chứa đựng những nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng, như các thảm thực vật bạt ngàn, các loài động vật quý hiếm (voi, tê giác, chim công, chim sả...), các mỏ (đồng, sắt, chì, thiếc...) trong lòng đất... Đồng thời, hướng ra biển Đông, ít nhất là khoảng một nửa số dân (truyền thuyết trăm trứng) đã xuống biển, tìm đến các vùng duyên hải, các vũng, vịnh giàu nguồn hải sản cá, tôm, ngọc trai, đồi mồi...) làm nơi cơ trú, mở mang sự nghiệp dựng nước.

Một thiên nhiên đa dạng gồm ba vùng sinh thái: rừng núi, đồng bằng và biển khơi, dựa vào nhau và bổ sung cho thau được các lớp cư dân không ngừng khai phá, chinh phục và cải tạo với ý thức ngày càng rõ nét về địa bàn cơ trú của cộng đồng, về cương vực lãnh thổ và cùng với nó là ý thức về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền đói với vùng đất và vùng nước đã sản sinh, nuôi dưỡng và trong lao động, khai phá, đã cố kết mỗi thành viên của cộng đồng.

Sinh cơ và lập nghiệp trên đất và nước đó là những con người, những cộng đồng người cùng chung hoặc gần gũi nhau về nguồn gốc, từng gắn bó hoặc liên kết với nhau trong lao động và sinh hoạt. Về chủng tộc, dù là người Inđônêdiêng hay người Nam Á, có lẽ do khi còn sống họ thường ở bên nhau nên khi chết họ cũng được chôn ở gần nhau như những ngôi mộ đã phát hiện được ở Đọi Sơn (Hà Nam), ở Thiệu Dương, Núi Nấp (Thanh Hoá)...

Đó là những con người không cao lớn về tầm vóc, nhưng rất khoẻ mạnh, lanh lợi có thể nhận biết qua cảnh chèo thuyền, bơi chải được hoạ khắc trên trống đồng).
 
Về số dân, ước đoán theo sách Tiền Hán thư, có thể đã lên tới trên dưới một triệu người. Đây là những yếu tố rất quan trọng về số lượng và tố chất con người trong buổi đầu dựng nước, giữ nước và hình thành dân tộc. Song điều quan trọng hơn là sự nảy sinh và phát triển ngày càng mạnh trong mỗi con người và cộng đồng người thời đó ý thức về dân tộc, về đất nước, về sự cần thiết phải xây dựng và gìn giữ cho mình một cơ đồ riêng, hình thành và không ngừng phát triển những bản sắc riêng trong bối cảnh nhiều cộng đồng người đang cùng tiến vào văn minh .

Bước phát triển mới, có ý nghĩa vô cùng lớn lao đã diễn ra khi tổ tiên ta định hướng phát triển cơ bản xuống vùng thấp, ra sức khai phá và chinh phục đồng bằng. Biết bao công sức và mồ hôi của các thế hệ người Việt cổ đã đổ xuống những vùng đầm lầy, đất bãi... bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, dựng nên những xóm làng ngày càng đông vui.

Nền nông nghiệp trồng lúa nước ra đời làm nền tảng cho sự phát triển xã hội về mọi mặt. Đây là một nền nông nghiệp dựa vào thuỷ lợi trước hết là công việc đắp đê ngăn lũ lụt hàng năm mỗi khi mùa mưa đến, mùa nước lên. “Lũ lụt thời lút cả làng”, nên cả làng phải hợp sức lại để đắp đê dọc theo hai bên triền sông ngăn không cho nước lũ vào đồng.
 
Những con đê đồ sộ được bồi đắp từ năm này qua năm khác không chỉ có tác dụng ngăn nước lũ mà đã trở thành một cảnh quan văn hóa rất Việt Nam. Khảo cổ học đã phát hiện vết tích một trong những con đê cổ xưa ở khu vực Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc.
 
Cùng với việc chống lũ, việc trồng lúa nước còn đòi hỏi người Việt thường xuyên chống hạn, phải đắp bờ giữ nước, đào ao trữ nước, đào mương dẫn nước. . . Những bờ mương, bờ ruộng, bờ vùng - bờ thửa, những ao, hồ liên tiếp do “vết chân ngựa Gióng” là những lưu ảnh về cách làm ruộng, trồng lúa của người xưa. Những công việc đòi hỏi công sức lao động của nhiều người cùng làm, tạo nên những công trình như một hệ thống nối liền với nhau, đòi hỏi và thúc đẩy sự hợp tác, liên kết và gắn kết giữa các gia đình, giữa gia đình với làng xóm và giữa các làng xóm với nhau, hình thành nên và ngày càng cố kết mối liên hệ liên làng, siêu làng...

Tiến xuống miền xuôi, dựng nghiệp ở đồng bằng, người Việt cổ vẫn không rời bỏ hoàn toàn nơi xuất phát là miền núi, nơi cung cấp những nguyên liệu quý hiếm (như đồng, sắt, chì, thiếc...) để chế tạo ra công cụ sản xuất, vũ khí và đồ thờ  cúng; nơi có những cánh rừng bạt ngàn chứa nhiều lâm sản, sinh tồn nhiều động vật quý hiếm . Ngà voi, sửng tê … của xứ Giao Chỉ là sự thèm khát của các ông hoàng, bà chúa phương Bắc; trong khi với người Việt những sản vật ấy chỉ là “vật tiến cống” để giữ mối bang giao, cũng có khi được gọt, mài làm đồ trang sức và “bùa hộ mệnh”.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #157 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:57:48 am »



Những chiếc “nanh thú” gọt từ ngà voi, được xâu thành chuỗi tìm thấy ở một ngôi mộ thời Đông Sơn tại Núi Nấp (Thanh Hoá) phản ánh điều đó.

Rừng núi còn là căn cứ, mỗi khi giặc ngoại xâm có thế mạnh tràn về các trung tâm tụ cơ ở đồng bằng, người Việt lại rút vào rừng, dựa vào địa thế hiểm trở để tích trữ và xây dựng lực lượng đánh địch, khôi phục đất nước. Lừng núi, vùng cao cũng là “lá chắn” tự nhiên, là phên dậu chở che cho các vùng trung tâm dưới hạ bạn.

Vào thời Hùng Vương - An Dương Vương, đất nước còn có một không gian nước bao la, bờ biển dài hàng nghìn cây số, nhiều đảo và quần đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ. Nguồn hải sản quý hiếm, đặc biệt là ngọc trai, đồi mồi được các thế lực phong kiến phương Bắc rất ham chuộng.
 
Mạng sông ngòi chằng chịt không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ cho vùng đồng bằng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp mà còn tạo ra hệ thống giao thông, đường thuỷ, thuận tiện cho giao lưu, trao đổi sản vật giữa các vùng của đất nước, với các nước khác và tiện cho việt cơ động lực lượng, vận chuyển lương thực, phát huy thế mạnh của thuỷ chiến khi đất nước có chiến tranh.
 
Những đặc điểm về địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái trên không gian sinh tồn của người Việt gồm vùng núi, vùng đồng bằng và các vùng nước nối liền và gắn kết với nhau là những yếu tố rất quan trọng cùng với lao động hình thành nên các ngành, nghề kinh tế khá đa dạng và nền văn hoá phong phú, giàu bản sắc của các tộc người, trong đó có những nét đặc sắc về quân sự như tài bơi lặn, giỏi dùng thuyền, thạo thuỷ chiến, quen đánh mai phục, đánh gần, phát huy sự linh lợi, khéo léo của con người và các loại vũ khí sở trường. . . .
Trải qua hàng nghìn năm lao động, đấu tranh bền bỉ và sáng tạo trên không gian sinh tồn đó, tổ tiên ta đã từng bước thoát ra khỏi tình trạng bán khai, tiến vào văn minh, xây dựng văn hiến, hình thành quốc gia, dân tộc.

Những giá trị văn hoá mà tổ tiên ta thời Hùng Vương - An Dương Vương tiếp thu từ các lớp cư dân xa xưa trước hết là nếp sống cộng đồng trong một xã hội mà tổ chức và các mối quan hệ còn thô phác, dựa trên nền tảng sở hữu chung của cộng đồng về không gian sống, về các phương tiện sản xuất cơ bản như đất ruộng, kênh rạch...

Dần dần, cùng với sự phát triển của sản xuất, các yếu tố cộng đồng của xã hội thời nguyên thuỷ mà một thời gian rất dài đã là nền tảng và động lực phát triển của xã hội được thay thế bằng hình thức sở hữu và cách thức sản xuất mới, lấy gia đình làm đơn vị kinh tế và xã hội cơ bản. Do quyền lợi của các cá thể được chú ý hơn, sản xuất được kích thích, phát triển hơn, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều.
 
Sự chênh lệch về của cải, sự khác biệt về giàu nghèo, hưởng thụ xuất hiện. Các già làng, trưởng bản, các tộc trưởng, những người thợ cả ở các lò thủ công. . . , do có ưu thế về phương tiện sản xuất, do có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng, dần dần đã vượt lên trở thành những người giàu có và có uy quyền.

Để mở rộng hơn nữa và để bảo vệ những của cải và quyền lực của mình, những người này đã từng bước làm thay đổi, biến bộ máy quản lý thô phác vì lợi ích cộng đồng của xã hội nguyên thuỷ thành bộ máy riêng phục vụ cho lợi ích và quyền uy của họ.
Hai bộ phận chính yếu của bộ máy đó là tổ chức quản lý xã hội và tổ chức lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, trước hết là do yêu cầu khách quan của việc xây dựng, tu bổ các công trình thuỷ lợi và chống ngoại xâm, tính cộng đồng trong xã hội người Việt thời Hùng Vương - An Dương Vương chưa phải đã tan rã hết. Nó vẫn còn lưu giữ, có sức cố kết, tạo nên nguồn sức mạnh tiềm tàng và tiếp tục phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước. . .

Với sự gia tăng dân số và mở rộng, phát triển sản xuất, nhiều điểm dân cư mới hình thành gồm nhiều cá thể, gia đình và dòng  họ khác nhau. Các điểm cơ trú và sản xuất hình thành từ trước, thu hút thêm nguồn nhân lực mới từ các vùng khác đến. Công xã thị tộc biến thành công xã láng giềng với nhiều dòng họ khác nhau.
 
Bên cạnh các tổ chức xã hội được hình thành và cố kết do cùng một dòng họ, một dòng máu, xuất hiện những tổ chức xã hội được phân chia theo lãnh thổ. Các Làng ra đời, gọi theo tên cổ là Chiếng, Chạp.
 
Dưới thời Hùng Vương, làng còn mang đậm nét tính thị tộc, có thể gọi đó là những làng - họ hay làng thị tộc. Các làng nằm trong một khu vực rộng lớn, có quan hệ kinh tế - xã hội và thường xuyên liên hệ với nhau hình thành các siêu làng hay còn gọi là vùng bộ Lạc, sử sách xưa gọi là các bộ nước Văn Lang (có 15 bộ). Bao trùm lên các vùng bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc, trong đó có một vùng trung tâm được gọi là nước, là quốc gia.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #158 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 01:01:17 am »


Cơ cấu xã hội khi đã thành quốc gia, thành nước nhà, hình thành một trật tự theo thang bậc: Nhà (gia đình hay gia tộc) - Làng (làng - họ) - siêu làng (bộ) - Nước. Cơ cấu này được hình thành từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, trở thành kết cấu xã hội cổ truyền của nước ta.

Sự phân bố các di tích theo kiểu chùm (gồm hạt nhân và các vệ tinh) và theo trật tự thang bậc của văn hoá Đông Sơn phản ánh điều đó.
Cùng với sự hình thành và cấu trúc mới về dân cơ là tổ chức bộ máy quản trị tương ứng. Người đứng đầu, có chức năng điều hành các làng chạ là “Pôtơrinh”.
 
Trong tổ chức làng, xã của người Việt sau này có nơi gọi chức vụ đó là”chánh tổng”, là “bồ đình”. “Bồ đình” có thể là biến âm của “bồ chính” hay “Pôtơrinh”.
 
Bên cạnh nhân vật chính yếu, có quyền uy nổi bật là bồ chính, Hội nghị các già làng có vai trò đáng kể, nhất là khi cần bàn các việc công ích hay bảo vệ làng chạ. Đứng đầu bộ máy quản lý cấp siêu làng (hay bộ) theo sử sách ghi lại là các “phụ đạo”, còn gọi là “Lạc tướng”.  Đây là những thủ lĩnh có tài võ nghệ thường kiêm chức chỉ huy lực lượng vũ trang. Bao trùm lên cả nước là bộ máy quản trị trung ương gồm các Lạc hầu, người đứng đầu các Lạc hầu được gọi là Thun hay Hùng.

Bộ máy nhà nước còn khá đơn sơ, mang nhiều dấu ấn của tổ chức bộ lạc, nhưng đã khác tổ chức bộ lạc về chất do có chức năng mới, thực chất là tước đoạt một phần giá trị lao động của người dân và trấn áp sự chống đối của họ. Để thực hiện chức năng đó, bộ máy nhà nước, người cầm đầu bộ máy đó cần phải có lực lượng làm nhiệm vụ trấn áp những thế lực chống đối, bảo vệ và mở rộng quyền lợi cũng như quyền lực của tầng lớp quý tộc, đó là lực lượng vũ trang.

Nhìn từ góc độ là lực lượng trấn áp bên trong, sử sách và truyền thuyết thời kỳ này rất hiếm khi ghi lại việc nhà vua đem quân đánh dẹp các cuộc chống đối của cư dân. Chúng ta mới thấy bóng dáng của một vụ “cưỡng chế” dân phải dời đi để vua Thục lấy đất xây thành 1.

Liên kết sự việc này với tình tiết ghi trong truyện Rùa vàng về hiện tượng thành xây xong lại bị đổ, sau nhà vua phải nhờ đến sự trợ giúp của “Rùa thần” việc xây thành mới thành công, chúng ta có thể phỏng đoán về sự phản kháng của dân làng, buộc nhà vua - chính quyền phải cưỡng chế, phải dùng đến sức mạnh có vũ trang.
 
Việc xây thành Cổ Loa với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm sự an toàn cho nhà vua, hoàng tộc và bộ máy phục vụ, bản thân nó đã nói lên sự phân hoá giai cấp khá sâu sắc, mâu thuẫn giữa các tầng lớp cơ dân ngày càng gia tăng trong xã hội Âu Lạc.

Việc xây thành Cổ Loa không chỉ nhằm chống giặc ngoài, mặc dù đây là yêu cầu nổi bật hàng đầu vì cuộc kháng chiến chống quân Tần vừa kết thúc, kẻ thù tạm thời phải bãi binh nhưng vẫn nuôi ý đồ xâm lược và lực lượng của chúng còn mạnh.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng tình hình nội bộ xã hội Âu Lạc lúc đó chưa phải là hoàn toàn thái bình, thịnh vượng 2. Để củng cố địa vị, tăng cường sức mạnh, quyền uy, tầng lớp thống trị cần phải xây thành cao, đào hào sâu, rèn đúc nhiều vũ khí 3, đồng thời phải tuyển mộ nhiều vệ sĩ, mở rộng đội ngũ thân binh thành lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, cần cắt cử các tướng lĩnh 4...

Hình ảnh sinh động chân thực về lực lượng vũ trang chuyên nghiệp thời Hùng Vương - An Dương Vương được khắc hoạ trên các di vật có cùng niên đại. Đó là hình ảnh đoàn thuyền chiến với các chiến binh tay cầm rìu và người chỉ huy mang dao găm được khắc hoạ trên chiếc thạp Đông Sơn tìm thấy ở Đào Thịnh (Yên Bái). Sinh động hơn là hình khắc đoàn thuyền chiến với đoàn quân đang hân hoan chiến thắng trở về. Mỗi chiến binh đều mang theo vũ khí như rìu chiến, cung tên, dao găm; có chiến binh tay xách thủ cấp kẻ thù; có chiến binh một tay nắm chỏm tóc tù binh, tay kia cầm rìu xéo hoặc dao găm đang vung lên như sắp hạ sát kẻ chiến bại. Ngồi trên các đôn có hình trống đồng là những người chỉ huy với kiếm lệnh chống sau lưng, tay gõ trống giục giã các chiến binh xung trận...


1. Di chỉ khảo cổ Đường Mây nằm dưới chân vòng thành ngoại Cổ Loa là chứng tích về một làng chạ ở khu vực này thời đó. Truyền thuyết trong dân gian ở xã Liên Hà (làng Quậy) huyện Đông Anh, Hà Nội cho thấy dân làng Quậy vốn là dân Cổ Loa bị dời đi để Vua lấy đất xây thành.
2. Tư Mã Thiên, sử gia thời Tây Hán đã viết về hiện tượng “Âu Lạc đánh lẫn nhau”...3. Kho mũi tên đồng hàng vạn chiếc ở Cổ Loa, kho rìu chiến, dao găm ở Hạ Bằng (Hà Tây)... 
4. Ví dụ như Hoàng Đồng, nguyên là tả tướng của Âu Lạc...
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #159 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 01:02:59 am »



Những hình ảnh đó được khắc hoạ trên một chiếc thạp đồng, sản phẩm tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn tìm thấy ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), trong một ngôi mộ, bên cạnh hài cốt Triệu Văn Đế, cháu đích tôn của Triệu Đà. Chiếc thạp này biết đâu không phải là chiến lợi phẩm mà Triệu Đà cướp được trong cuộc chiến tranh xâm lược Âu Lạc.

Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện công phu, được rèn luyện, ngày càng thiện chiến trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược và là lực lượng nòng cốt trong các cuộc chiến tranh đó. Lực lượng này thường được tập hợp ở xung quanh nhà vua, đồn trú ở kinh đô.

Cho đến nay, chúng ta chưa có những cứ liệu xác thực về lực lượng vũ trang chuyên nghiệp ở các vùng - bộ lạc, các bộ vào thời Hùng Vương - An Dương Vương. Song có thể nói một cách chắc chắn rằng, các tù trưởng, thủ lĩnh liên minh bộ Lạc, các Phụ đạo, Lạc tướng - những người đứng đầu các bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc đã nhận thức sự cần thiết và bắt đầu tổ chức ra lực lượng vũ trang để bảo vệ quyền lợi của riêng mình và của cả bộ Lạc. Khi đất nước có ngoại xâm, lực lượng này hẳn sẽ được bổ sung vào đội quân chung đặt dưới sự chỉ huy tối cao của nhà vua.

Xu hướng chuyên môn hoá lực lượng này ngày càng rõ nét. Ở các tổ chức cơ sở của xã hội là các làng chạ, ngay dưới thời phong kiến tự chủ sau này cũng không có lực lượng vũ trang được hưởng lộc công, giúp việc thực hiện các chức dịch (như giữ gìn trị an cho làng xã...).

Tục lệ phổ biến ở các làng xã là cắt đặt trai tráng khoẻ mạnh làm tuần phiên. Ban ngày họ đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương trên ruộng đồng, ban đêm tham gia vào đội tuần tra bảo vệ làng xóm, mùa màng.
 
Ngược thời gian về thời các vua Thục, vua Hùng, lực lượng giữ gìn an ninh ở xóm làng có lẽ cũng tương tự hoặc còn đơn giản hơn, tự nguyện hơn. Song điều có thể khẳng định là các trai làng được cắt cử vào việc tuần phòng đều là những người khoẻ mạnh, xốc vác, được rèn luyện thể lực và tập võ nghệ qua các sinh hoạt của cộng đồng. Khi có biến động, giặc giã, số đinh tráng ở các làng chạ sẽ được tập hợp thành lực lượng chiến đấu tại chỗ, một số được sung vào quân của các Lạc tướng, hoặc quân của nhà vua.
 
Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp của nhà vua, của các Lạc tướng hình thành “từ nhân dân”, khi có giặc thì toàn dân tự vũ trang cùng quân đội đánh giặc. Hình thức tổ chức lực lượng vũ trang rộng rãi, tính chất nhân dân của quân đội được thể hiện khá rõ nét ngay từ buổi đầu dựng nước..

Trên nền tảng kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, một số nhân tố và động lực đã cùng tác động và thúc đẩy tạo nên những nét đặc sắc về văn hoá và quân sự ngay trong quá trình hình thành quốc gia dân tộc. Đó là :

- Sự chuyển biến bên trong của xã hội Văn Lang - Âu Lạc tạo nên những thay đổi về chất trong cơ cấu kinh tế, xã hội, từ hình thức nguyên thuỷ sang hình thức văn minh.
 
- Cuộc đấu tranh để cải tạo và hoà đồng với thiên nhiên vô cùng gian khổ, quyết hệt và bền bỉ làm cho con người sớm nhận rõ ý nghĩa của sự hợp quần, sức mạnh của cộng đồng.  Có thể xem đây là sức mạnh nhân hoá do tác động của môi trường tự nhiên.

- Mối đe doạ bị xâm lấn ngày càng trở nên nguy hiểm và thường xuyên. Cuộc đấu tranh kiên cường chống lại hiểm hoạ xâm lược và thôn tính của các thế lực lớn mạnh hơn đòi hỏi con người phải liên kết, đồng lòng hợp sức với nhau tạo nên sức mạnh mới, rộng lớn và mạnh mẽ hơn, đủ sức đánh bại các cuộc tiến công xâm lược, thôn tính của kẻ thù, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.

Trên thế giới, nhiều vùng châu thổ của các con sông đã trở thành cái nôi của những nền văn minh rực rỡ của nhân loại thời cổ đại. Nhiều nền văn minh được mang tên các dòng sông như văn minh sông Nin (Ai Cập), văn minh Lưỡng Hà (Irắc), văn minh sông Hằng (Ấn Độ), văn minh sông Hoàng (Trung Quốc)...
 
Ở vùng đông nam của đại lục Á châu, cùng trong khoảng thời gian đó đã toả sáng một nền văn minh mà cái nôi của nó cũng ở châu thổ một con sông lớn: Văn minh sông Hồng. So với các nền văn minh nổi tiếng của nhân loại thời cổ đại, các di tồn vật chất văn hoá Đông Sơn được phát hiện ở vùng châu thổ sông Hồng không to lớn, đồ sộ, hùng vĩ về kích cỡ và dáng vẻ bên ngoài, nhưng sâu lắng, gợi lên những xúc cảm nhẹ nhàng, trang nhã, ý nhị, đầy chất thơ.  Đó là một nền văn hoá đầy sức sống với những nét nổi trội là sự bao dung và trí tuệ.

Sức sống mãnh liệt của văn hoá Việt Nam khởi nguồn từ văn hoá Đông Sơn, từ nền văn minh sông Hồng, biểu hiện phong phú, đa dạng trong quá trình lao động và đấu tranh của các lớp cơ dân, chủ nhân sáng tạo của nền văn hoá.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM