Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:11:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 1  (Đọc 125460 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #140 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 11:36:45 pm »



Do đó, xác định năm 218 Tr.CN là năm quân Tần phát động cuộc chiến xâm lược Bách Việt là hoàn toàn hợp lý 1.

Địa bàn của cuộc chiến cũng là vấn đề được tranh cãi.  Một câu hỏi được đặt ra là cuộc chiến tranh đó có xảy ra trên đất Việt Nam hay không?

Các nguồn sử liệu đã dẫn trên cho biết, năm 214 Tr.CN, nhà Tần chiếm được đất Lục Lương lập ra ba quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Vị trí của hai quận Nam Hải và Quế Lâm không có gì phải bàn cãi nữa. Quận Nam Hải được xác định là vùng đất Quảng Đông còn quận Quế Lâm là vùng Bắc và Đông tỉnh Quảng Tây Trung Quốc ngày nay. Còn quận Tượng ở đâu? Vị trí của quận Tượng là cốt lõi của vấn đề hên quan tới cuộc kháng chiến chống Tần của nhân dân Văn Lang và Âu Lạc.

Theo dòng lịch sử, bắt đầu phải kể đến những ghi chép  trong hai bộ sử lớn của nước ta là Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục. Cả hai sách này đều coi “quận Tượng là An Nam”. Theo thuyết này, thì quân Tần không những chỉ chiếm được phần đất của nước Âu Lạc mà còn tiến  sâu vào mãi quận Nhật Nam đời Hán (từ Hoành Sơn đến bờ biển Đại Lãnh) . Như vậy, có nghĩa là cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tần không phải chỉ của người Tây Âu và Lạc Việt mà còn của cả các dân tộc ở phía Nam (vùng Trung Bộ nước ta ngày nay).

Sử gia đầu tiên, từ thế kỷ XIX đã tỏ ý hoài nghi và phê phán thuyết này là nhà sử học Vũ Phạm Khải. Trong Thư bàn về Việt sử - trả lời Tô Trần và Phạm Hữu Nghi - hai sử quan triều đình Nguyễn, ông đã nêu rõ quan điểm của mình:

“Theo như lời chú ấy (sách Tạp lãm) thì Tượng quận thời Tần có hai phần đất ở vùng Lưỡng Quảng, còn một phần ở nước Nam ta. Vậy thì, lẽ nào lại gọi ta là nước? Vả lại, năm đó nước ta thuộc đời vua Thục An Dương Vương năm thứ 44 (214 Tr.CN). Đất nước ta có vua đứng đầu, nước chia 15 bộ. vậy lẽ nào nhà Tần lại đặt quận trên đất nước ta! Đó là điều ngờ thứ nhất” 2.

Sách Hoàn Vũ ký chép: “Sử Lộc đào sông từ Linh Lăng đến Quế Lâm”. Con sông mà Sử Lộc cho đào chỉ đến Quế Lâm. Vậy thì, quân sĩ của Đồ Thư làm sao có thể vượt Quế Lâm mà tiến về phía Nam được? đó là điều ngờ thứ hai” 3.
 
Sau khi phân tích thêm, ông đi đến kết luận “Tượng quận là vùng đất Việt, trong Bách Việt, không phải đất Việt thuộc nước Việt ta. Gọi quận của Tần chẳng qua cũng chỉ ghi chép khống tên gọi, chứ không thể có thực trên vùng đất Việt ta” 4.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng có một số học giả nước ngoài quan tâm tới việc xác định vị trí của quận Tượng.

Người nước ngoài đầu tiên trở lại vấn đề quận Tượng có lẽ là Lôrútxô (L.Aurousseau). Trong tiểu luận tựa đề Những cuộc xâm lược đầu tiên của người Trung Hoa vào Việt Nam, ông coi quận Tượng là Nhật Nam hay bao gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Như vậy, có nghĩa là, quân Tần đã tiến vào đất Nhật Nam, sau khi đánh bại cuộc không chiến chống Tần của người Tây Âu - Lạc Việt.

Trái ngược với quan điểm của Lôrútxô, có hai người khác là H.Mátxpêrô (H.Maspéro) học giả người Pháp và Guimei Saeki học giả Nhật Bản. Hai ông đã phân tích rất công phu các tài liệu thư tịch cổ Trung Hoa đi đến kết luận: quận Tượng là miền Tây tỉnh Quảng Tây. Dựa trên sự phân tích vị trí của quận Tượng, hai ông cho rằng, quân Tần chưa hề vào đất Việt ngày nay.


1. Xác định năm 218 Tr.CN là năm Tần phát động culộc chiến tranh xâm chiếm Bách Việt là dựa vào ý kiến của giáo sư Đào Duy Anh. Gần đây, Trương Lao Phương và Hoàng Diễu Chương, tác giả quyển Nam Việt quốc sử (Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995), có điểm lại các ý kiến khác nhau về niên đại quân Tần bắt đầu tiến đánh Lĩnh Nam như năm 222 Tr.CN (ý kiến của Cừu Trì Thạch), năm 221 Tr.CN (ý kiến của Quách Phỉ và của Aurousseau), năm 219 Tr.CN (ý kiến của Dư Thiên Xí) và năm 218 Tr.CN (ý kiến của Đào Duy Anh). Sau khi phân tích các ý kiến, các tác giả Nam Việt quốc sử cũng kết luận rằng ý kiến của Đào Duy Anh là hợp lý hơn cả.

2., 3., 4., Vũ Phạm Khải : Đông Dương thi văn tuyển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 260-261.   
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #141 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 11:51:56 pm »


Như vậy, cũng có nghĩa là, cuộc kháng chiến chống quân Tần của người Lạc Việt đã không xảy ra 1.

 Sau năm 1954, giới sử học Việt Nam đã bày tỏ sự không nhất trí với các quan điểm của các học giả nước ngoài đối với “cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tần vào Bách Việt”  Người đại diện cho giới sử học Việt Nam bấy giờ là nhà sử học, nhà văn hoá học nổi tiếng Đào Duy Anh. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam do ông biên soạn, ông đã dành một chương với nhan đề: Cuộc xâm lược của nhà Tần và cuộc kháng chiến của người Lạc Việt - Sự thành lập nước Âu Lạc. Trong cuốn sách của mình, ông cũng đồng tình với việc xác định vị trí  của quận Tượng không nằm trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng ông cho rằng, quân Tần đã tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, tấn công vào nước Văn Lang của các Vua Hùng. Ông cho rằng, truyền thuyết Lý Ông Trọng là một tài liệu quan trọng.
 
Về truyền thuyết Lý ông Trọng, sách Lĩnh Nam chích quái chép như sau: “Cuối đời Hùng Vương ở xã Thuỵ Hương (Chèm), huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ có họ Lý tên Thân. Khi đẻ ra rất to lớn, rồi cao đến hai trượng ba thước, tính tình hung dữ, hay giết người, tội ác đáng chết, Hùng Vương tiếc mà không nỡ giết.

Đời An Dương Vương, Tần Thuỷ Hoàng muốn cất binh đánh ta, An Dương Vương đem Lý Thân đến tiến nhà Tần. Thuỷ Hoàng mừng lắm, phong cho làm chức Tư lệ hiệu uý.  Khi Thuỷ Hoàng đã lấy được cả thiên hạ, sai Lý Tiến đem quân giữ đất Lâm Thao, uy danh vang dội đến Hung Nô, Hung Nô không dám xâm phạm cửa ải” 2.

Theo ông “Không lẽ bỗng không, trong khi không có sách vở nào nói đến nó mà nhân dân ta lại bằng không tưởng tượng ra mưu xâm lược của Tần Thuỷ Hoàng vào một thời phù hợp với cuộc xâm lược lịch sử của quân Tần vào đất Bách  Việt 3. Vì thế, “mặc dầu chuyện hiến Lý Ông Trọng là  hoang đường, (nhưng) cái nền tảng cho truyền thuyết ấy là mưu xâm lược của nhà Tần vào đất An Dương Vương có thể   là có “4.

 Sau khi mô tả diễn biến cuộc kháng chiến của người Lạc  Việt chống lại quân Tần - dựa theo Hoài Nam tử và Sử ký,  ông đi đến kết luận:

“Như thế là cái cuộc kháng chiến của tổ tiên chúng ta với quân nhà Tần, cuộc kháng chiến mà không  sử gia Trung Quốc nào nói đến, mà các sử gia Việt Nam chỉ  nhắc đến một cách lờ mờ và nói chung chung như là cuộc kháng chiến của tất cả người Bách Việt mà cuối cùng đã thất  bại vì kết thúc bằng sự cát cứ của Triệu Đà, cuộc kháng chiến mà H. Mátxpêrô (H.Maspero) cho là không có, mà Lôrútxô (L.Aurousseau) cho là thất bại, chúng tôi đã chứng minh rằng, nó đã xảy ra thực và kết thúc thắng lợi bằng sự thành lập nước Âu Lạc” 5.

Bước sang thập kỷ 70, trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu thời đại Hùng Vương và An Dương Vương do Viện Khảo cổ học chủ trì, các nhà sử học Việt Nam lại trở lại vấn đề quận Tượng. Trong bài báo với nhan đề trên, Nguyễn Duy Hinh cho rằng, toàn bộ sự rắc rối quanh vị trí  của quận Tượng đều xuất phát từ lời chú của Ban Cố trong  sách Hậu Hán thư.
 
Trong lời chú cho bộ sử nổi tiếng này, khi chép về các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Hợp Phố, ông không cho biết các quận này trước thời Hán thuộc đất nào.  Khi nói về quận Tượng ông chỉ ghi “Quận Nhật Nam là quận Tượng thời Tần xưa kia”... Do vậy, “Muốn giải quyết vấn đề quận Tượng phải bắt đầu từ lời chú của Ban Cố” và ông khẳng định “lời chú đó của Ban Cố là không chính xác”.  Sau khi đã sử dụng nhiều tư liệu, đặc biệt là cách gọi tên  các vùng đất mà các triều đại phong kiến Trung Quốc thường đặt cho các vùng chưa chiếm được, ông cho rằng “... quận Tượng - thực tế nó chỉ là một danh từ - vua tôi nhà Tần muốn chỉ đất nước ta thời ấy - một hình thức “giả bản” - chỉ có tên mà không có thật. Và, xác định “Quận Tượng do Tần triều lập này bao gồm hai bộ phận: một bộ phận nằm trên đất quân Tần đã chiếm được khu vực giữa Quý Châu và Quảng Tây và phần chủ yếu của nó bao gồm lãnh thổ nước ta mà quân Tần hết sức muốn chiếm mà không chiếm được và vẫn âm mưu sẽ chiếm” 6.

Ở một đoạn khác, ông Hinh khẳng định “... Thực tế, quân Tần giao chiến ở khu vực Quảng Tây ngày nay và thực tế quân Tần bị bại không chiếm được Bắc Bộ Việt Nam ngày nay” 7.

1. Theo Lịch sử Việt Nam, T.1. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.92-93.
2. Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr. 57.
3., 4., Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, quyển thượng, Hà Nội, 1956, tr.54.
5. Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, quyển thượng, Hà Nội, 1956, tr. 58.
6. Nguyễn Duy Hinh: Trở lại vấn đề quận Tượng, Tạp chí Khảo cổ học, số 11, tháng 12-1971, tr.70.
7. Sđd, tr.70.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:07:31 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #142 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 11:57:38 pm »



Như vậy, Nguyễn Duy Hinh cũng nằm trong số những học giả không thừa nhận có cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu-Lạc Việt trên đất nước ta.

Trái ngược với Nguyễn Duy Hinh và các học giả cùng quan điểm trước ông, cũng trong khuôn khổ nghiên cứu thời  kỳ Hùng Vương và An Dương Vương, hai tác giả Trần Quốc  Vượng và Đỗ Văn Ninh đã tổng kết ý kiến của những nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu thời kỳ An Dương  Vương, trong một bài báo cáo nhan đề Về An Dương Vương.
 
Bài báo đưa ra ba điều khẳng định:

- Khẳng định thời kỳ lịch sử An Dương Vương là có thật.
   
- Khẳng định thời kỳ lịch sử này là bước tiếp nối của thời  kỳ Hùng Vương.

Điều thứ ba có liên quan trực tiếp đến việc chúng ta đang bàn ở đây.

- Khẳng định có cuộc kháng chiến chống Tần và chống Triệu Đà.

Sau khi nhắc lại những sự kiện được ghi chép trong Hoài Nam tử và Sử ký, hai tác giả đã phân tích: “quân Tần bị khốn đốn ở miền Nam đất Quảng Tây, miền ấy hẳn là thượng lưu Tả Giang và Hữu Giang. Cư dân miền ấy thuộc giống Tây Âu. Miền ấy tương đương với nước Nam Cương của truyền thuyết mà quân trưởng chính là Thục Phán. Việc “cùng nhau đặt người tuấn kiệt” lãnh đạo kháng chiến.chứng tỏ có hội nghị của Nam Cương và Văn Lang, cả hai đều chưa bị Tần đặt làm quận huyện, bầu con người có tài năng độc đáo về cung nỏ lên lãnh đạo cuộc kháng chiến chung. Người đó là Thục Phán. Sau sáu bảy năm cuộc kháng chiến đã kết thúc thắng lợi” 1.

Năm 1973, một tập thể các tác giả đứng đầu là nhà sử học Văn Tân trong cuốn Thời đại Hùng Vương đã viết: “Theo nhận định của nhiều người gần đây, thì “người tuấn kiệt” được người Việt kháng chiến cử ra làm tướng không phải ai khác, mà chính là Thục Phán. Thục Phán đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tần, ông đã đưa người Việt từ chỗ chạy vào rừng núi đến chỗ giết hàng mấy chục vạn quân Tần và cuối cùng đánh bại quân Tần.

Kể từ năm Doanh Chính thống nhất Trung Quốc và xưng là Thuỷ Hoàng đế, đây là lần đầu tiên nhà Tần bị đại bại trong mưu đồ xâm lược. Uy tín của Thục Phán vì vậy lên đến cái đỉnh chót của nó. ông được người Âu Việt và người Lạc Việt thán phục vì tài chỉ huy cuộc kháng chiến và cuối cùng được mọi người tôn lên làm vua để thay Hùng Vương” 2.  Về vấn đề này trong cuốn Lịch sử Việt Nam , sau khi xác định “vị trí của quận Tượng, tác giả cho rằng, cuộc chiến chống quân Tần đã từng xảy ra trên đất Việt Nam ngày nay:

“Tiền Hán thư, phần Bản kỷ về Hán Chiêu Đế (87-74 Tr.CN) lại chép rõ ràng rằng: “Năm thứ năm hiệu Nguyên Phượng (76 Tr.CN) bãi bỏ quận Tượng, chia đất vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha”. Quận Uất Lâm là vùng Quảng Tây. Quận Tường Kha ở phía tây quận Uất Lâm và gồm một phần Quý Châu.
 
Sau khi bày tỏ sự tán đồng với khảo cứu của H.Mátxpêrô, tác giả cho rằng “Sự nhầm lẫn quận Tượng với quận Nhật Nam có thể do quận Tượng là một quận phía nam của đế chế Tần, mà quận Nhật Nam cũng là quận phía nam của đế chế Hán và trong năm huyện của quận Nhật Nam lại có huyện Tượng Lâm” 3.

Hơn nữa, sau khi nhà Tần thiết lập ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng cũng như sau khi Triệu Đà chiếm cứ ba quận ấy để cát cứ, nước Âu Lạc vẫn tồn tại với tư cách là một nước độc lập”. Do vậy, “Quận Tượng không thể bao gồm quận Giao Chỉ, Cửu Chân là lãnh thổ nước Âu Lạc, cũng không thể là quận Nhật Nam ở phía nam nước Âu Lạc được” 4.
 
Trên cơ sở xác định vị trí của quận Tượng, tác giả cho rằng, sau khi quân Tần chiếm được lưu vực sông Tây Giang đã không dừng lại ở đó. Trên đà thắng lợi, quân Tần có thể theo Tả Giang và sông Kỳ Cùng tiến vào vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc nước ta ngày nay. Như vậy, cuộc kháng chiến chống Tần của người Bách Việt đã thực sự xảy ra trên đất nước ta mà sử sách đã không ghi chép một cách cụ thể.  Và người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu và Lạc Việt chính là Thục Phán. “Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía bắc nước Văn Lang lúc bấy giờ gồm cả một phần Nam Quảng Tây mà trung tâm là vùng Cao Bằng. Sau khi một tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống hy sinh, Thục Phán cùng nhiều thủ lĩnh người Tây Âu và Lạc Việt khác đã tiếp tục tổ chức cuộc chiến đấu chống Tần” 5.


1. Trần Quốc Vượng - Đỗ Văn Ninh: Về An Dương Vương, Tạp chí Khảo cổ học, số 7-8, tháng 12-1970, tí. 92.
2., Văn Tân - Nguyễn Linh - Lê Văn Lan - Nguyễn Đổng Chi - Hoàng Hưng: Thời đại Hùng Vương, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987, tr.249.
3., Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn – Lương Ninh: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, T.l, tr.193-194.
4. Sđ d T1, tr 193, 194.
5. Sđd T 1, tr. 194.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #143 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:01:36 am »



Một trong những bằng chứng mà tác giả đưa ra để chứng minh quân Tần đã vào đất Việt cũng giống như giáo sư Đào Duy Anh là dựa vào thần tích đình Chèm (Hà Nội) ghi An Dương Vương đánh nhau với Tần Thuỷ Hoàng, muốn “cầu hoà” nên đem Lý Ông Trọng ra hiến để xin bãi binh.

Quan điểm của giáo sơ Đào Duy Anh và các tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của các tác giả biên soạn cuốn Biên niên sử cổ trung đại Việt Nam do Viện Sử học xuất bản. Sách viết: “Nhà Tần từ Trung Quốc sai viên hiệu uý Đồ Thư đem quân đánh sâu vào đất Lĩnh Nam. Sau khi chiếm được miền đất Lục Lương, đã đặt ra các quận Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Bắc và Đông Quảng Tây), Tượng (Tây Quảng Tây và Nam Quý Châu), song càng đi sâu vào đất Việt quân Tần bị các tộc người Âu Việt - Lạc Việt chống lại kịch liệt. Người Âu Lạc tạm rút vào rừng núi, tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người kiệt tuấn lên làm tướng và tiến hành các cuộc tập kích quân Tần vào ban đêm, kéo dài cuộc đấu tranh trong nhiều năm. Cuối cùng đã đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần giết được viên hiệu uý Đồ Thư” 1.

 “Thục Phán - thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi. Sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, đã thống nhất các tộc người Âu Việt và Lạc Việt lập nên nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, thay thế và phát triển nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đóng đô ở Cổ Loa” 2.
   
 Năm 1984, hai tác giả Hồng Nam và Hồng Lĩnh trong cuốn: Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiên Trung Quốc xâm lược cũng đã giành mục: Kháng chiến lâu dài chống xâm lược Tần: cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầu tiên của dân tộc ta để bàn về vấn đề này. Trong cuốn sách này, các tác giả đã khẳng định: “phía Nam ba quận này (Nam Hải - Quế Lâm - Tượng) là nước Văn Lang.  Đến đây thì quân Tần đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của người Việt - cư dân Văn Lang, Âu và Lạc - và đã bị đại bại. Nhà Tần không còn đặt thêm được một quận nào khác ở phía Nam nữa”. Sách còn nói rõ: Chiến trường chủ yếu là; miền núi rừng Việt Bắc và miền Trung du Đông Bắc, bao gồm cả vùng đất phía Nam hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây thuộc Trung Quốc ngày nay, khi ấy thuộc địa bàn của người Âu Lạc 3.

Bộ Lịch sử Việt Nam đã viết: “Nhà Tần sau khi thống nhất toàn Trung Quốc (221 Tr.CN) đã phát 50 vạn quân xâm lược phương Nam... Quân Tần chiếm được một số đất đai của các tộc ở phía nam sông Trường Giang, lập các quận Mân Trung (Phúc Kiến), Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc Quảng Tây), Tượng (tây Quảng Tây, nam Quý Châu) (năm 214 Tr.CN).  Song càng đi sâu vào đất Việt, quân Tần đã bị người Âu Việt, người Lạc Việt anh dũng chống lại. Người Âu Lạc cùng nhân dân các tộc khác tạm rút vào rừng núi. Họ tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người kiệt tuấn lên làm tướng và tiến hành các cuộc phục kích quân Tần vào ban đêm. Người Việt kiên trì chiến đấu lâu dài trong hàng chục năm ròng. Hàng chục vạn quân Tần bị tiêu diệt. Chủ tướng của giặc là Đồ Thư cũng bị giết chết” 4.
 
Cho tới nay, dẫu vẫn còn tồn tại những ý kiến khác nhau giữa các nhà sử học, song phần đông đều chấp nhận quan điểm sử học chính thống là: Vị trí của quận Tượng không nằm trên lãnh thổ đất nước ta ngày nay, nhưng quân Tần đã tiên hành cuộc xâm lược vào nước Văn Lang của các vua Hùng và đã bị người Âu Việt và Lạc Việt đánh bại, buộc phải  bãi binh. Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần thắng lợi chính là Thục Phán. Sau khi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Tần, ông đã được người Tây Âu và Lạc Việt tôn lên làm vua, lập nên nhà nước Âu Lạc.

Nhà Tần cho quân tiến xuống Lĩnh Nam, trước hết là đánh vào vùng Bách Việt, nơi cơ trú của cộng đồng các tộc Việt, có chung nguồn gốc, có nền văn hoá riêng rất độc đáo là văn hoá trông đồng. Phần lớn đất đai của người Tây Âu ở lưu vực sông Quế bị nhà Tần thôn tính, quân trưởng của họ là Dịch Hu Tống bị giết. Bộ phận còn lại của người Tây Âu đã liên minh với các tộc anh em khác ở lưu vực sông Tả Giang, Hữu Giang và sông Hồng để tiếp tục chiến đấu. Từ đó, lực lượng chống đối quyết liệt nhất với quân nhà Tần là khối cộng đồng người Việt, nổi bật là khối liên minh Tây Âu - Lạc Việt. 


1., 2. Viện Sử học: Biên niên sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987, tr. 15-16.
3. Hồng Nam - Hồng Lĩnh : Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr.50.
4. Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, i. 1, tr.73.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #144 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:03:05 am »



Sau khi đào xong Linh Cừ, khiến việc chuyển quân và tải thương dễ dàng hơn, quân Tần nhanh chóng đánh chiếm gần hết vùng Lục Lương, chia đặt quận, huyện , cắt cử quan, quân chiếm giữ và cai trị. Quận Tượng là miền đất xa nhất thuộc địa phận tây và nam Quảng Tây ngày nay phần lớn đã bị quân Tần chiếm đóng. Vùng lưu vực sông Hồng của người Lạc Việt, mặc dù chưa chiếm được, song với tư tưởng bành trướng ngông cuồng, với thủ đoạn và giọng lưỡi kẻ cả, nhà Tần vẫn coi vùng đất này (là miền Bắc Việt Nam) thuộc cương vực của đế quốc Tần.

Cùng với ý kiến cho rằng, sau năm 214 Tr.CN, quân Tần đã thừa thắng tiến sâu vào vùng cư trú của người Tây Âu - Lạc Việt ở lưu vực Tả Giang và có thể đã theo sông Bằng Giang và Kỳ Cùng thọc sâu hơn nữa vào đất Việt. Niên đại 210 Tr . CN của cuộc tiến công của quân Tần vào vùng đồng bằng sông Hồng do Nhâm Ngao và Triệu Đà chỉ huy có thểtin cậy được. Vào thời điểm này, nước Âu Lạc cũng như nước Nam Việt chưa được thành lập. Lúc đó Nhâm Ngao còn sống, y bị ốm và chết vào năm 209 hoặc 208 Tr.CN. Như vậy về danh nghĩa, cuộc tiến công đầu tiên của Triệu Đà vẫn được xem là cuộc xâm lăng của nhà Tần vào vùng đất cơ trú của người Lạc Việt.
Về diễn biến của cuộc kháng chiến, trước hết cần xem hướng tấn công của quân Tần vào Bách Việt đã được sử cũ ghi lại. Sách Hoài Nam tử cho biết, quân Tần tiến đánh Bách Việt theo năm ngả:

- Đạo quân thứ nhất đóng ở Đàm Thành Lĩnh. Đàm Thành Lĩnh nay là Việt Thành Lĩnh ở phía bắc Quảng Tây.

- Đạo quân thứ hai đóng ở ải Cửu Nghi. Ải này nằm phía đông bắc tỉnh Quảng Tây giáp với tỉnh Hồ Nam, nay thuộc huyện Ninh Viễn thuộc Hồ Nam.

- Đạo quân thứ ba đóng ở Phiên Nhung (nay là Quảng Châu), đi theo con đường từ Trường Sa vượt qua dải Ngũ Lĩnh vào Quảng Đông.

- Đạo quân thứ tư đóng ở Nam Dã (nay ở phía nam huyện Nam Khang tỉnh Giang Tây).

- Đạo quân thứ năm đóng ở sông Dư Can nay thuộc đất các huyện Dư Can, Lạc Bình (tỉnh Giang Tây).

Nghiên cứu cách bố trí lực lượng của quân Tần, chúng ta có thể nhận ra được hướng tiến công của chúng trải ra trên một khu vực tiền duyên rộng hàng ngàn kilômét, kéo dài suốt từ miền núi tới miền ven biển. Có thể nói, đây là một trong những cuộc điều quân lớn nhất trong lịch sử quân sự cho tới thời điểm này.

Qua việc bố trí các đạo quân có thể xác định nhiệm vụ của mỗi đạo.

Hai đạo quân thứ nhất và thứ hai tác chiến trên địa bàn các tỉnh miền núi.
 
Ba đạo quân còn lại tác chiến ở khu vực duyên hải kéo dài từ Giang Tây tới Quảng Đông.

Đạo quân thứ tư đóng ở Nam Dã (tỉnh Giang Tây) có thể có nhiệm vụ tiến đánh vùng đất của người Đông Việt ở phía nam tỉnh Triết Giang.
Đạo quân thứ năm đóng ở lưu vực sông Dư Can tiến đánh vùng đất của người Mân Việt. Hai cánh quân này có thể đã gặp thuận lợi nên không thấy sử cũ chép. Sau khi chiếm được vùng đất của các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, nhà Tần đã cho thành lập một quận mới có tên là Mân Trung.

Đạo quân thứ ba xuất phát từ Trường Sa vượt qua Ngũ Lĩnh đánh thẳng xuống Quảng Đông và hội quân ở Phiên Ngung (Quảng Châu). Đạo quân này có nhiệm vụ đánh vào vùng đất của người Nam Việt.

Rất có thể, nếu cánh quân thứ ba gặp sự kháng cự của người Nam Việt, thì ngoài số quân đồn trú để lại trong vùng đất mới chiếm được ở Triết Giang và Phúc Kiến, hai cánh quân thứ tư và thứ năm có thể đã tăng viện cho đạo quân thứ ba theo ngả đường từ Phúc Kiến sang.  Song, ta cũng không thấy sử cũ ghi chép gì về những khó khăn mà cánh quân này gặp phải. Chỉ biết, sau khi chiếm được đất của người Nam Việt, quân Tần đã lập ra quận Nam Hải.
 
Hai đạo quân thứ nhất và thứ hai được tập kết ở Cửu Nghi và Đàm Thành, trên địa phận tỉnh Hồ Nam và khu vực đông bắc của tỉnh Quảng Tây. Sở dĩ quân Tần chọn hướng đột kích vào phía đông bắc tỉnh Quảng Tây vì khu vực này rừng núi không hiểm trở như ở phía bắc và tây bắc. Vả lại, đạo quân ở Phiên Ngung có thể dễ dàng hợp binh tiếp cứu.

 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #145 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:04:13 am »


Việc bố trí lực lượng tiến công cho thấy quân Tần cũng đã lường trước được những khó khăn khi tiến vào vùng đất Tây Âu hiểm trở. Nhìn trên bản đồ có thể thấy, tỉnh Hồ Nam thực sự là một căn cứ quan trọng - nơi tập kết phần lớn đội quân xâm lược quy mô của nhà Tần.
Sở dĩ Hồ Nam được chọn làm điếm tập kết vì đây là một tỉnh lớn, có đồng bằng phì nhiêu, dân cư đông đúc nằm ở phía nam sông Dương Tử. Hồ Nam lại có biên giới với Quảng Đông ở phía đông nam và Quảng Tây ở phía nam. Chọn Hồ Nam làm xuất phát điểm cho cuộc viễn chinh, quân Tần đã có thuận lợi về mọi mặt. Ngoài yếu tố địa lý thuận lợi, nhà Tần còn có thể dễ dàng huy động sức người, sức của cho cuộc chiến tranh.

Kế hoạch tác chiến của quân Tần như vậy, có thể coi là khá hoàn hảo. Đứng trước một kẻ thù có sức mạnh to lớn và ý đồ quân sự xảo quyệt như thế, nếu không chọn một phương án tác chiến thích hợp chắc chắn sẽ bị chúng đè bẹp.  Thực tiễn xảy ra trên chiến trường đã hoàn toàn không giống với những tính toán của quân xâm lược, đặc biệt đối với hai cánh quân phía tây có nhiệm vụ tiến đánh đất đai của người Tây Âu hay Âu Việt vùng Quảng Tây và Lạc Việt ở phía nam.

Lưu An trong Hoài Nam tử, cho biết khó khăn đầu tiên mà hai đạo quân phía tây của quân Tần gặp phải là vấn đề vận chuyển lương thực cho hàng vạn quân lính. Núi rừng hiểm trở, đường sá không có, do vậy, không thể dùng xe tải lương được. Quân Tần buộc phải vận chuyển lương thảo bằng thuyền. Thuyền tải lương tất phải ngược dòng sông Tương.

Sông Tương là một con sông không rộng như Tây Giang, bắt nguồn từ núi Ngũ Lĩnh chảy vào hồ Động Đình. Nhưng ở đầu nguồn sông Tương lại không có đường thông sang sông Ly - con sông chảy vào nội địa tỉnh Quảng Tây. Vì thế nên Đồ Thư đã phải sai viên Ngự sử giám tên Lộc vốn là người Việt, rất am hiểu địa hình vùng đất Lĩnh Nam đào một con kênh nối sông Tương với sông Ly mà Lưu An gọi là “cừ”.
 
Kênh đào này còn có tên là Linh Cừ hay kênh Hưng An. Kênh Hưng An ngày nay vẫn còn chảy, hoà nước của hai con sông Tương - Ly.   Theo Lưu An thì quân Tần phải đào con kênh này trong ba  năm. Sở dĩ, công trình này phải kéo dài, vì vừa đào kênh, vừa phải đối phó với các cuộc tập kích của người Việt, khiến cho “Trong ba năm không cởi giáp, dãn nỏ”. Chỉ với tám chữ mà Lưu An ghi lại cũng đủ cho ta thấy những gian nan mà quân Tần phải đương đầu. Có thể nói, nước của con kênh này sẽ không bao giờ hết vị mặn của mồ hôi và máu của những người lính đã đổ ra phục vụ mưu đồ bành trướng của giai cấp phong kiến thống trị nhà Tần.

 Cuối cùng, với sức lao động to lớn của hàng vạn con  người, con kênh Hưng An cũng đã đào xong. Nước của hai dòng sông Tương và Ly đã hoà dòng. Thuyền của quân Tần từ sông Ly thọc sâu xuống lưu vực sông Tây Giang - địa bàn cơ trú của người Tây Âu. Vượt được Tây Giang, quân Tần đã vượt qua được một “hào nước” tự nhiên to lớn để tiến xuống phía nam.

Với lợi thế hơn hẳn về số lượng và với những đạo quân từng trải trận mạc, dày dạn kinh nghiệm qua các cuộc thư hùng, quân Tần dễ dàng giành được thắng lợi ban đầu. Quân Tần đã giết được một thủ lĩnh người Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng, nhiều thủ linh các bộ Lạc của người Tây Âu và có thể có cả người Lạc Việt, đã không hề run sợ, mà tiếp tục kháng chiến. Để tránh thế địch đang mạnh “người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu cho quân Tần bắt” (Hoài Nam tử). Nhưng “người Việt đều vào rừng không phải là một cuộc chạy trốn vì khiếp sợ. Lưu An đã giải thích lý do cuộc “vào rừng” của người Việt chính là để “cùng nhau đặt người tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quânTần”.

Trong đoạn mô tả này Lưu An ghi lại rất rõ hai nội dung. Một là, “cùng nhau đặt người tuấn kiệt lên làm tướng’.  Điều này có nghĩa là, người Việt vào rừng để tránh thế giặc mạnh và tổ chức lại lực lượng, bầu ra người tài giỏi lãnh đạo cuộc kháng chiến của mình. Tiếp đó, ông ghi lại cách đánh của người Việt “ban đêm ra đánh quân Tần”. Có thể hiểu là, ban ngày người Việt đã ẩn mình trong rừng sâu, quân Tần không thể phát hiện được. Những đạo quân xâm lược từ phương Bắc tới, có lẽ chưa bao giờ được thấy những khu rừng nhiệt đới đại ngàn với nhiều loại thú hung dữ, thì làm sao có thể liều lĩnh tiến sâu vào rừng, nơi người Việt đang trú ngụ.  Khi màn đêm phủ xuống, từ trong các khu rừng người Việt mới kéo ra tập kích vào các trại lính khiến cho quân địch ăn không ngon, ngủ không yên.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #146 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:06:12 am »


Đối với các đạo quân xâm lược từ xa đến, ngoài phần lương thực do hậu cần chuyên chở đến còn cần phải có một nguồn lương thực bổ sung không kém phần quan trọng là cướp bóc được của người dân địa phương. Do đường sá xa xôi,  lại hiểm trở, nên việc vận chuyển lương thảo vô cùng gian khó. Nguồn lương thực cướp bóc của dân địa phương lại hoàn toàn không được, vì người Việt đã chạy cả vào rừng. Vì thế nên quân Tần đã lâm vào cảnh “lương thực bị tuyệt và thiếu”.

Cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần vào đất Việt ngày càng bị sa lầy. Theo Sử ký thì dường như cả đất nước của nhà Tần đã bị cuộc chiến tác động. Tất cả các trai tráng đều phải ra trận để bổ sung quân số thiếu hụt. Vì vậy, nhà Tần đã phải huy động cả phụ nữ tham gia vào việc vận tải lương thảo. Tình cảnh cực khổ của chiến trường đã khiến nhiều người không chịu nổi buộc phải tự tử.

Đó là cảnh khủng khiếp mà Tư Mã Thiên đã ghi lại: “Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi, người ta tự thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau”.
 
Với cách đánh kiên trì và thông minh, người Việt đã đẩy quân Tần vào chỗ “đóng binh ở chỗ vô dụng, tiến không được, thoái không được”, “mắc hoạ với người Việt”.

Trong tình cảnh phía nam quẫn bách như vậy, cuộc xâm lược ở phía bắc cũng không may mắn gì. Các dân tộc ít người ở phía bắc cũng làm cho quân Tần “mắc hoạ với người Hồ”.  Giữa lúc nước Tần ngày một kiệt quệ vì hai cuộc chiến tranh,  thì Tần Thuỷ Hoàng chết. Thiên hạ “khắp nơi nổi dậy  chống”. Nhân cơ hội đó, người Việt đã tập hợp lực lượng, mở  những cuộc tiến công lớn vào đội quân xâm lược của nhà Tần.  Kết quả là, “đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư (quân  Tần) thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người” (Hoài  Nam tử). Tần Nhị Thế buộc phải tuyên bố bãi binh vào năm 208 Tr.CN, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn  10 năm của nhà Tần vào đất Bách Việt và có thể trong hơn  năm năm trên địa bàn của nước Văn Lang - Âu Lạc.

Mặc dù, Lưu An không cho chúng ta biết chi tiết về lực lượng người Việt tham gia trận “đại phá” đưa đến việc kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần, nhưng qua những dòng ngắn ngủi mà ông ghi lại, chúng ta đều hiểu, lực lượng kháng chiến của quân và dân, được chỉ huy và tổ chức chu đáo mới có thể làm thất bại một lực lượng quân đội đông tới hàng vạn người, cho dù đạo quân đó đang ở trong tình trạng hoang mang, kiệt quệ.

Lực lượng kháng chiến đó – theo truyền thuyết là một liên minh của các bộ Lạc người Việt dưới sự lãnh đạo của một “người kiệt tuấn” là Thục Phán. Chính sự lãnh đạo tài tình của ông, các bộ Lạc Âu Việt - Lạc Việt đã tôn ông lên làm vua, đứng ra thành lập một nhà nước mới - nhà nước Âu Lạc. Sự ra đời của nhà nước Âu Lạc là thành quả vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh chống xâm lược nhà Tần.
 
Nhà sử học Đào Duy Anh đã đánh giá: “Sự thành lập nước Âu Lạc là một sự kiện do tổ tiên chúng ta là người Lạc Việt đã xuất đầu lộ diện trên lịch sử chính là kết quả của cuộc kháng chiến bền bỉ của tổ tiên ta chống quân nhà Tần.  Nó có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử nước ta” 1.


1. Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, quyển thượng, Hà Nội, 1956.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:14:51 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #147 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:24:04 am »


III. THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG TẦN
VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA NHÀ NƯỚC ÂU LẠC

Về năm tháng ra đời của Nhà nước Âu Lạc, từ trước tới nay sử sách ghi chép không hoàn toàn giống nhau. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết nước Âu Lạc thành lập năm 257 Tr.CN. Lôrútxô (L.Aurousseau) lại chứng minh mãi cho đến năm 210 Tr.CN nước Âu Lạc mới xuất hiện. Nhưng phần đông các nhà sử học căn cứ vào những sự kiện được ghi chép về cuộc kháng chiến chống Tần trong sử sách Trung Quốc cho rằng, năm 208 Tr. CN, khi Tần Nhị Thế tuyên bố bãi binh, là năm Nhà nước Âu Lạc được thành lập. Sự ra đời của nhà nước Âu Lạc chính là hệ quả của cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi.

Trước cuộc kháng chiến chống Tần, liên minh bộ Lạc Tây Âu của Thục Phán đã có mối quan hệ chặt chẽ với nước Văn Lang của Hùng Vương.

Mối quan hệ đó dựa trên những nền tảng rất căn bản là chung một tộc người, chung một không gian văn hoá và liền kề về phương diện địa lý.

Có lẽ, cuộc đối đầu lịch sử trước giặc ngoại xâm có quân đông và hung bạo đã thúc đẩy mạnh hơn xu thế hợp nhất hai tộc người Tây Âu và Lạc Việt.

Quá trình hợp nhất giữa hai tộc người này sử sách ghi lại cũng khác nhau. Việt sử lược chép: “Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay” 1.

Nhưng, phần lớn các thần tích, thần phả và truyền thuyết dân gian đều cho rằng, Hùng Vương đã nhường ngôi cho Thục Phán. Truyền thuyết về Thục Phán còn khẳng định, bộ chúa Ai Lao miền núi của nước Văn Lang tên là Thục Phán, cũng là dòng dõi vua Hùng. . . Sự phản ánh của truyền thuyết phần nào phù hợp với thực tiễn lịch sử, như Lưu An đã cho biết người Việt “bầu người kiệt tuấn” lãnh đạo cuộc chiến.

Nhà sử học Đào Duy Anh phân tích tên nước Âu Lạc gồm hai thành tố Âu (Tây Âu, Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt). Như vậy sự thành lập nước Âu Lạc không phải là một sự thôn tính, tiêu diệt lẫn nhau giữa hai cộng đồng người cùng chung một tộc, lãnh thổ liền kề, mà chỉ là sự hợp nhất cơ dân, đất đai của hai tộc người anh em. Cũng chính vì thế, mà ngàn đời sau, con cháu của hai tộc người này đều coi Hùng Vương và An Dương Vương là tổ tiên của mình, là những người anh hùng có công lớn trong sự nghiệp dựng nước.

Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, khoảng gần 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 Tr.CN) nên toàn bộ kinh tế, xã hội, chính trị chỉ là sự tiếp tục phát triển trên những cơ sở thành tựu đã đạt được của Nhà nước Văn Lang.
 
Đó là một xã hội được xây dựng trên nền tảng của thời đại sắt sớm. Cư dân sống chủ yếu là trồng lúa, săn bắn, đánh cá. Nghề thủ công phát triển mạnh, đặc biệt là nghề đúc đồng. Quan hệ trao đổi buôn bán với nước ngoài và các khu vực trong nước khá phồn thịnh.Một bản sắc văn hoá tinh thần riêng cũng đã hình thành vững chắc với phong tục thuần hậu, thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các anh hùng khai sáng, anh hùng trận mạc. Tín ngưỡng nông nghiệp được xem là tín ngưỡng chủ đạo trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Mặt trời là Thần chủ, các hiện tượng tự nhiên như mây, mơa, sấm, chớp... cũng được tôn thờ. Việc thờ các biểu tượng của sự phồn thực cũng rất phổ biến.

Nghệ thuật tạo hình với đỉnh cao là trống đồng được coi là kết tinh tinh hoa về văn hoá vật chất và tinh thần của thời đại. Bao trùm mọi lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình là những nội dung tràn đầy tinh thần nhân bản, thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật như: tượng tròn, phù điêu, mỹ thuật ứng dụng. . .

Chế độ phụ quyền đã được xác lập, nhưng nhân dân vẫn có thói quen tôn trọng phụ nữ. Những sáng tạo văn hoá còn được gán cho các nữ thần. Phụ nữ được đánh giá cao trong sản xuất cũng như trong chiến đấu. Truyền thống này vẫn được tiếp tục trong các thế kỷ sau.

Trong xã hội đã có sự phân hoá giai cấp. Tầng lớp thống trị là các Lạc hầu và Lạc tướng. Lạc dân cày ruộng. Mâu thuẫn giai cấp đã xuất hiện nhưng không gay gắt lắm, tuy nhiên đã có những biểu hiện khác hẳn so với thời kỳ Văn Lang.  Mặc dầu, thời gian tồn tại của nước Âu Lạc vô cùng ngắn ngủi, nhưng đã có những bước phát triển mới trong xã hội của hai cộng đồng người âu và người Lạc, trong khung cảnh của một nhà nước mới.

Trước hết là cương vực nước Âu Lạc giờ đây rộng hơn nước Văn Lang, phía bắc vươn tới sông Tả Giang (tỉnh Quảng Tây) , phía nam giáp với nước Chăm pa.


1. Đào Duy Anh : Lịch sử Việt Nam, Sđd, tr. 58.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #148 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:26:33 am »


Nền kinh tế của Âu Lạc đã có bướt phát triển mạnh với sự ra đời của đồ sắt. Sắt với tính ưu việt của nó đã kéo theo hàng loạt thay đổi trong kinh tế. Các công cụ, dụng cụ bằng đồng dần dần thay thế đồ đá. Nhờ có sắt, nông nghiệp có thêm những công cụ sắc bén để phát triển thuận lợi.  Ý chí quốc thống ngày càng được đề cao. Thủ đô của đất nước được dời từ Phong Châu - miền đồi núi trung du chật hẹp, xuống Cổ Loa - giữa vùng đồng bằng bao la, mầu mỡ đang trong quá trình được khai phá.

Có lẽ do ra đời từ trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm lâu dài và gian khổ trước một kẻ thù đông và mạnh hơn gấp nhiều lần và nguy cơ của các cuộc xâm lược sẽ còn tiếp tục, nên Nhà nước Âu Lạc đã quan tâm đặc biệt đến việc phát triển lực lượng quân sự. Trong thời Âu Lạc, về phương diện quân sự đã có những tiến bộ vượt bậc.

Các thư tịch và truyền thuyết cho thấy, quân đội thường trực của nhà nước đã ra đời, gồm hai lực lượng chính là: quân bộ và quân thuỷ.
Đặc biệt là quân thuỷ. Có thể, quân thuỷ đã có những căn cứ riêng của mình, không chỉ ở kinh đô, mà còn có ở những vùng cửa ngõ đường thuỷ của đất nước, như căn cứ Đại Than của tướng quân Cao Lỗ, phòng thủ vùng Lục Đầu giang. . . Các đạo quân thuỷ thường xuyên được tập luyện. Truyền thuyết Cổ Loa cho biết, An Dương Vương thường xuyên cưỡi thuyền duyệt các đội quân thuỷ. Trên các trống đồng Đông Sơn ta cũng thấy khắc ghi các thuyền chiến, trên thuyền là các chiến binh tay cầm nhiều loại vũ khí. Sát cánh cùng với quân thường trực là lực lượng dân binh của các làng xã. Truyền thuyết Cổ Loa cho thấy sự có mặt của các đạo dân binh trong nhiều trận chiến chống quân Triệu của ông Đống, ông Vực.

Tuy bộ vũ khí cơ bản vẫn là bạch khí, nhưng số lượng vũ khí được chế tạo ngày một nhiều. Ngoài các loại vũ khí truyền thống như giáo, lao, cung, nỏ mũi nhọn, rìu xéo, dao phạng... đã xuất hiện những loại vũ khí mới.

Một số công xưởng chế tạo vũ khí đã được thành lập. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc tìm thấy ở Cầu Vực là một bằng chứng rõ rệt.

Một trong những cải tiến vũ khí quan trọng của thời kỳ này là việc sáng chế ra loại nỏ bắn một lần được nhiều phát tên với đầu tên bằng đồng, mà truyền thuyết gọi là “nỏ thần”.  Các đầu tên có ba cánh với một chuôi rất dài để cắm vào cán.  Căn cứ vào kích thước và trọng lượng của đầu tên có thể khẳng định đây không phải là loại đầu tên của cung nỏ bắn bằng tay. Để đưa được đầu tên đi xa chỉ có thể là loại cung nỏ lớn, đặt trên bệ cố định, do nhiều người trương dây, như truyền thuyết đã nói tới loại “nỏ máy”. Chính nhờ có vũ khí lợi hại này, quân và dân Âu Lạc đã đánh tan các đạo quân xâm lược của Triệu Đà trong giai đoạn đầu.

Sau cùng, thay đổi lớn nhất, chứng tỏ sự phát triển về  mọi mặt của Nhà nước Âu Lạc so với nước Văn Lang là sự ra đời của thành Cổ Loa - công trình quân sự lớn nhất đã phát huy vai trò tích cực trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược của quân và dân nước Âu Lạc.


IV. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG TRIỆU ĐÀ XÂM LƯỢC

Trong cuộc bành trướng xuống phía nam, quân Tần đã bị tổn thất nặng nề và bị thất bại trước tinh thần yêu nước của người dân Âu Lạc, nhưng chúng cũng đã chiếm được một vùng đất rộng lớn của người Việt.
 
Trên vùng đất mới vừa chiếm được, chúng lập ra bốn quận là Mân Trung vùng đất thuộc các tỉnh Triết Giang - phúc Kiến ngày nay), Nam Hải vùng đất thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay), Quế Lâm (vùng đất thuộc tỉnh Quảng Tây ngày nay) và Tượng Quận (vùng đất thuộc phía nam tỉnh Quảng Tây và nam tỉnh Quý Châu ngày nay).
 
Chính sách của nhà Tần đối với vùng đất mới chiếm được vô cùng thâm độc. Chính quyền các cấp từ quận đến huyện đều do các võ tướng nắm giữ. Sau khi đã thiết lập được bộ máy cai trị, nhà Tần đã áp dụng chính sách “di dân”, “khẩn thực” đày những người bị tù tội xuống canh giữ và khai khẩn đất đai. Những người này được cho ở lẫn với người Việt để từng bước đồng hoá họ.

Sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết “cả thiên hạ nổi lên chống”. Nhân dân các quận mới thành lập như Mân Trung, Mân Việt đều nổi dậy chống Tần.

Người đứng đầu quận Nam Hải là uý Nhâm Ngao nhân cơ hội này đã bàn với viên huyện lệnh huyện Long Xuyên là Triệu Đà âm mưu cát cứ,biến Nam Hải thành một vương quốc riêng. Trước khi chết, Nhâm Ngao đã cho gọi Triệu Đà về Phiên Ngung bấy giờ là trị sở của quận Nam Hải, viết giấy tờ trao ấn tín, tự ý bổ nhiệm Triệu Đà thay mình cai quản quận Nam Hải. Sau khi có trong tay quyền bính, Đà liền lập tức giữ chặt các cửa ải, đóng cửa tất cả các con đường giao thông từ bắc xuống nam, giết tất cả các quan lại trung thành với nhà Tần, biến quận Nam Hải trở thành một vùng cát cứ của họ Triệu.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #149 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2008, 12:28:47 am »


Năm 206 Tr.CN, nhà Tần bị diệt, Đà nắm ngay thời cơ này lập tức tấn công hai quận Quế Lâm và Tượng. Trong tình thế hết sức hoang mang, quan quân hai huyện đã vội vã đầu hàng. Triệu Đà liền hợp đất ba quận, lập thành nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương.
Đà còn có một danh xưng khác là “Man di đại trưởng lão phu’, lấy vợ Việt, sống theo phong tục của người Việt. Noi theo Đà, tập đoàn quan lại, tướng sĩ, văn nhân người Hán đều lấy vợ Việt, chung sống với người Việt nhằm thu phục nhân tâm, phục vụ cho mưu đồ cát cứ lâu dài của chúng.
 
Sau khi nhà Tần sụp đổ, nhà Hán lên thay. Buổi đầu nhà Hán chấp nhận chính quyền cát cứ của Triệu Đà, nên vào năm 196 Tr.CN đã phái sứ giả là Lục Giả xuống phong cho Triệu Đà là Nam Việt Vương cho phép đi lại, buôn bán với trung nguyên. Triệu Đà bề ngoài tỏ ra thần phục đã dâng biểu tạ tội với Hán Vũ đế, nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm củng cố lực lượng cho mưu đồ cát cứ.

Năm 183 Tr.CN, Triệu Đà tự xưng là Nam Việt Vũ đế thành lập nhà nước riêng, không thần phục nhà Hán. Bắt đầu từ đây mưu đồ bành trướng của Đà ngày một lộ rõ với các cuộc xâm lấn vùng lãnh thổ xung quanh và các nước láng giềng.

Năm 181 Tr.CN, Triệu Đà phát binh vượt núi Ngũ Lĩnh đánh phá mấy quận huyện ở Hồ Nam rồi rút về. Cuộc tây chinh của Đà vào Ngũ Lĩnh ít nhiều nhằm phô trương thanh thế, giữ yên biên giới phía Tây để thực hiện tham vọng chủ yếu của Đà là chinh phục vùng lãnh thổ ở phương nam của người Tây Âu - Lạc Việt mà hoàng đế trước kia của y từng thèm khát xâm chiếm bằng vũ lực. Dã tâm này đã được Nhâm Ngao thổ lộ cùng Triệu Đà: “Nhà Tần sẽ mất nước thôi, nên dùng mưu kế đánh Thục Phán có thể dựng nước được” 1.

Theo sử cũ, vào năm Tân Mão (210 Tr.CN) nhân khi Tần Thuỷ Hoàng mất, Nhâm Ngao và Triệu Đà phát binh xâm lược Âu Lạc. Quân xâm lược đóng quân trải ra một vùng đất khá rộng từ ven sông Cầu (Nguyệt Đức), vùng Tiên Sơn (huyện Tiên Sơn), núi Vũ Ninh (núi Trâu huyện Quế Võ). Như vậy hướng tấn công của quân địch chủ yếu theo đường  thuỷ đúng như dự đoán của Cao Lỗ.

Trên vùng đồng bằng Bắc Ninh, nổi lên một số ngọn đồi - dấu vết còn lại của các cuộc vận động kiến tạo đồng bằng.  Những ngọn đồi này tạo thành hai cụm lớn. Cụm thứ nhất quan trọng nhất là vùng đồi Tiên Du. Trong cụm này có một dải đồi chạy theo chiều tây bắc - đông nam dài tới 4 km, trong đó có các điểm cao: núi Chè cao 127m; núi Bát Vạn cao 98 m. Theo cách nhìn dân gian, chuỗi điểm cao này còn có tên gọi là bà Tồ Cô, bởi núi có hình người đàn bà khoả thân đang nằm ngủ say.

Theo truyền thuyết của người xứ Bắc, bà là vị thần khai sáng ra non sông xứ Bắc. Dải Tồ Cô chia ra thành nhiều nhánh. Nhánh phía nam của nó là đồi Phật Tích cao 83m, phía tây nam của đồi Phật Tích là đồi Lạn Kha cao 55m. Phía bắc và đông bắc là một loạt các cao điểm đơn lẻ khác như núi Bát Vạn, cạnh Bát Vạn là đồi Đông Sơn cao 67m, đồi Long Khám cao 73m, đồi Và cao 52m. Đối diện với đồi Và là đồi Ngũ Huyện. Phía tây bắc núi Chè có hai ngọn đồi nhỏ gần Cổ Loa hơn là núi Bất Lự cao 40m và núi Móng cao 52m. Sau cùng, đứng đơn lẻ ở phía bắc là đồi Lim cao 23m. Đó là vùng cao điểm ngay sát thành Cổ Loa, chỉ cách thành theo đường chim bay non 20 km.

Xa hơn vùng đồi cao Tiên Du là vùng đồi núi Vũ Ninh hay còn gọi là núi Trâu Sơn. Chuỗi cao điểm này chạy dài tới  5 km theo chiều tây bắc - đông nam với các điểm cao từ 80 đến 102 m. Khác với vùng đồi Tiên Du, đến đoạn cuối dải Trâu Sơn mới tách ra thành những điểm cao thấp hơn về hai hướng. Hướng tây nam có núi Yên cao 23m và hai ngọn đồi có tên Từ Phong cao khoảng 23m. phía đông nam là một dải đồi dài 2km có độ cao khoảng 40m.
 
Nằm giữa Trâu Sơn và văn Phong là khúc sông cũ hay là đầm Trát Gian. Dưới chân núi có làng Châu Cầu nay vẫn còn đền thờ Triệu Đà.

Đội quân xâm lược của Triệu Đà xuất phát từ Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay) đi vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng và đường hành lang Đông Triều - Chí Linh (con đường này về sau cũng được quân xâm lược Hán sử dụng). Vùng núi Trâu Sơn - Vũ Ninh là vị trí cửa ngõ có tầm quan trọng đặc biệt bảo vệ con đường viện binh và đường rút về. Còn vùng đồi Tiên Du là các điểm cao tiền duyên để tập trung lực lượng tấn công.

Những điểm cao này tuy rất lợi hại, song đối với thực tế của chiến trường vào thời điểm mà đồng bằng Bắc Bộ còn lầy lội hoang sơ và vũ khí chủ yếu là bạch khí thì vai trò, tác dụng của nó cũng chưa nhiều.


1. Theo Ngô Sĩ Liên : Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972,T1, tr.67.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM