Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:46:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Tập 1  (Đọc 125150 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #120 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 12:40:26 am »



Cổ Loa là xã duy nhất của nước ta có địa giới hành chính hình vuông mỗi cạnh 10 km, tổng diện tích rộng 100 km2, phía Tây Bắc là thị trấn Đông Anh, cạnh đó là các thôn Cổ Dương, Lương Nỗ, Uy Nỗ. Phía Tây giáp các thôn Tiên Dương, Uy Nỗ Thượng. Phía Tây Nam giáp các thôn Tầm Xá, Đông Hội, Xuân Canh. Phía Đông Nam giáp thôn Lý Nhân, Lộc Hà. phía Đông và Đông Bắc giáp các thôn Dục Tú, Gia Lộc, Dục Nội, Lỗ Giao, Lỗ Khê.
 
Cổ Loa được ôm trọn trong lòng của một vùng quần cư đông đúc nổi lên giữa một vùng chằng chịt sông giăng: phía Bắc có sông Cà Lồ, phía Nam có sông Đống, còn sông Hoàng Giang len lỏi quanh chân thành. Trong các dòng sông đó, sông Hoàng là con sông quan trọng nhất. Hoàng Giang - như người đời quen gọi, một từ kép Hán - Việt, còn có tên là sông Thiếp, bắt nguồn từ huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên chảy qua năm huyện: Yên Lãng (Phúc Yên), Đông Ngàn, Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng (Bắc Ninh) vì thế, nó còn được gọi là sông Ngũ Huyện. Khi đến Cổ Loa, sông Ngũ Huyện chuyển vào sông Cầu cũ.

Theo các nhà cổ địa lý, dòng Hoàng Giang - Ngũ Huyện hôm nay, đã bị thu nhỏ lại rất nhiều bởi, xưa nó vốn là một chi lưu của sông Hồng. Khi sông Đống và sông Hồng chuyển dòng xuống phía Nam thì nhiều khúc uốn cong của nó đã bị bỏ rơi, chỉ còn để lại các dấu vết của mình trên những đầm phá quanh vùng.

Về mặt địa hình, Cổ Loa nằm trong vùng “đất cao Tây Bắc” của châu thổ sông Hồng. Ở đây có những gờ hay con trạch cao 13 đến 15m, nằm cạnh những dải đất thấp 5 m thường tụ nước, tạo thành những đầm hồ. Cũng có khi, đó là những khúc sông cũ hình móng ngựa, bị “bỏ rơi” trong quá trình con sông đổi dòng trên bề mặt đồng bằng 1.

Về mặt địa chất, khu vực Cổ Loa nằm trên tầng cuội sỏi của lòng sông Hồng, có chiều dày hàng chục mét. Kết quả những lỗ khoan thăm dò địa chất trong vùng cho biết, đây là một vùng địa hình đá gốc có bề mặt nhấp nhô kiểu đồi gò sót, nhưng nhờ có sự bồi đắp tích cực của hệ thống sông Hồng đã làm cho địa hình trở nên bằng phẳng hơn. Ngoài các đồi gò và Thôm sót cổ, Cổ Loa còn là vùng đất bồi cao của sông Hồng. Nhờ quá trình đắp đê, xây thành nên quá trình bồi tụ phù sa theo lũ đã bị ngăn lại.

1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cổ Loa: Cổ Loa - truyền thống và cách mạng, Nxb. Hà Nội, 1988, tr. 10.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #121 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 12:42:58 am »



Về mặt địa lý - lịch sử, nhờ vị trí địa lý thuận lợi của vùng giáp ranh, xen giữa gò cao là những hồ lớn, đầm lầy, với những bãi bồi ven sông... từ xa xưa, Cổ Loa đã là miền đất hấp dẫn con người. Cách đây hơn một vạn năm, con người thời văn hoá Sơn Vi đã để lại nhiều dấu vết của mình ở vùng Đầm Cả. Ngay từ buổi đầu dựng nước, tổ tiên ta đã tụ cư, lập nên những xóm làng đông đúc ở Đồng Vông, Xuân Kiều, Đình Tràng, Đường Mây. . . , một quần thể di tích, có vai trò như một trung tâm có sức quy tụ và ảnh hưởng mạnh mẽ.
Đến thời Hùng Vương, theo thư tịch thì, Cổ Loa là đất thuộc bộ Lạc (hay bộ) Tây Vu. Sau khi An Dương lên trị vì nước Âu Lạc, Cổ Loa trở thành thủ đô của nhà nước Âu Lạc.  Vai trò đó đã bị mất vào khoảng năm 180 trước Công nguyên, sau khi Thục Phán thất bại trước cuộc xâm lược của Triệu Đà.

Thời thuộc Triệu, Cổ Loa là đất thuộc bộ Tây Vu. Thời thuộc Hán, Cổ Loa thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Theo Hậu Hán thư, dân số của huyện Tây Vu gần bằng số hộ của cả quận Cửu Chân.
 
Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện chia huyện Tây Vu thành ba huyện: Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải. Cổ Loa nằm trong huyện Phong Khê. Đời Tam quốc, huyện Phong Khê đặt thành quận Vũ Bình. Đến thời Tề, đổi thành huyện Bình Đạo, quận Giao Chỉ. Cổ Loa là vùng đất phía Đông của huyện này. Thời Tuỳ - Đường, Cổ Loa vẫn là đất của huyện Bình Đạo, châu Giao.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền - ông tổ trung hưng vĩ đại nhất của dân tộc ta, đã xưng vương và quyết định đóng đô ở Cổ Loa.

Sang thời Lý , khi Lý Công Uẩn chọn Thăng Long là thủ đô của nhà nước độc lập, Cổ Loa từ đây trở thành một phế tích kinh kỳ. Dưới thời Lý - Trần, Cổ Loa thuộc đất huyện Đông Ngàn, phủ Thiên Đức.

Năm 1469, phủ Thiên Đức đổi thành trấn (hay xứ) Kinh Bắc. Dưới triều Lê - Nguyễn, Cổ Loa vẫn thuộc huyện Đông Ngàn, nhưng thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đến năm 1831 khi tỉnh Bắc Ninh được thành lập, Cổ Loa vẫn ở trong phủ, huyện cũ, chỉ có tên tỉnh là thay đổi - Kinh Bắc thành Bắc Ninh.

Năm 1905, khi tỉnh Phúc Yên được thành lập, Cổ Loa bị cắt từ Bắc Ninh qua Phúc Yên, trở thành một tổng của huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.

Trước năm 1945, tổng (xã) Cổ Loa gồm năm thôn: Cầu Cả, Cổ Loa, Mạch Tràng, Sán Giả và Thư Cưu, thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.

Sau năm 1945, Nhà nước ta đã hợp nhất đất của ba tổng cũ: tổng Cổ Loa, tổng Uy Nỗ, tổng Xuân Canh lập thành một xã mới có tên là Quyết Tâm. Năm 1960, xã Quyết Tâm nhập vào đất Hà Nội, đến năm 1965 được đổi tên trở lại thành xã Cổ Loa, một trong 23 xã của huyện Đông Anh, thuộc ngoại thành Hà Nội.

Về mặt địa lý - dân cư, trước Cách mạng Tháng Tám, xã Cổ Loa gồm ba làng:
 
- Làng Đông, khu vực xóm Chợ ngày nay;

- Làng Đoài là đất của các xóm Gà, xóm Thượng, xóm Lan Trì;
 
- Làng Chùa gồm chủ yếu là xóm Chùa, xóm Vang và xóm Nhồi.

- Sách Cổ Loa - truyền thông và cách mạng do Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cổ Loa biên soạn cho biết, về mặt địa lý dân cư, Cổ Loa có năm đặc điểm:

- Làng xã Cổ Loa từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII là một công xã nông thôn đã có sự phân hoá xã hội sâu sắc, phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đẳng cấp.

- Ruộng đất đã tư hữu hoá, song ruộng công dưới quyền thao túng của hào lý còn nhiều.
- Cổ Loa có chợ, nhưng cơ bản là chợ làng, không có luồng thương mại lớn.

- Chân dung cơ bản của người dân Cổ Loa là người tiểu nông tư hữu.

- Thiết chế quyền lực nông thôn Cổ Loa nằm trong thiết chế chung của nhà nước Việt Nam thời quân chủ.

Dù đã có nhiều đổi thay, qua bao thăng trầm của lịch sử, song người dân Cổ Loa hôm nay vẫn tự hào nhận mình chính là con cháu của những người đã xây dựng nên kinh đô của nhà nước âu Lạc xưa kia.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #122 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 12:50:24 am »


2. Lịch sử xây dựng
 
Công trình phòng thủ vĩ đại, đồng thời cũng là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc được xây dựng trên vùng đất Cổ Loa không chỉ tồn tại trong niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa, trong truyền thuyết, mà còn được ghi lại trong rất nhiều bộ sử của cả hai nước Việt Nam và Trung Hoa 1.
 
Đầu tiên phải kể đến bộ sử lớn của nhà Hán - Hậu Hán thư - trong mục Giao Chỉ quận chép, Cổ Loa “Đấy là nước cũ của An Dương Vương”. Sau đó, sách Quảng Châu ký cho biết, An Dương Vương “đóng đô ở huyện Phong Khê”. Phong Khê chính là tên cũ của Cổ Loa, tên nôm chính là xóm Gà, được coi là xóm cổ nhất của Cổ Loa.

Sách Nam Việt chí (do Cựu Đường thư - đia lý chí dẫn) viết “Thục cho con làm An Dương Vương, cai trị Giao Chỉ.  Đất nước đó nay ở phía Đông huyện Bình Đạo. Thành đó có chín vòng, chu vi chín dặm, sĩ thứ đông đúc”.

Thư tịch Trung Hoa ở thế kỷ thứ VI có sách Thuỷ kinh chú xác nhận “Nay ở huyện Bình Đạo hiện còn thấy chỗ cũ cung thành của An dương Vương”.

Còn Tuỳ thư khi kể về cuộc khởi nghĩa của Lý Phật Tử đã chép, Lý Phật Tử “đóng đô ở thành cũ của vua Việt”.  Mãi cho đến thế kỷ XIV mới thấy Cổ Loa được nhắc lại trong sách An Nam chí lược của Lê Trắc. Sách này chép “Thành Việt vương tục gọi là thành Khả Lũ. Có ao cổ. Người trong nước mỗi năm tìm được ngọc châu, dùng nước ao ấy để rửa ngọc thì sắc ngọc tươi đẹp”.

Cũng vào thời kỳ này, bộ sử hiện được coi là cổ nhất của nước ta hiện biết là Đại Việt sử lược chép “Phán đắp thành ở Việt Thường, tự xưng là An Dương Vương”.

Bước sang thế kỷ XV, sử sách cả hai nước ghi chép về Cổ Loa xem ra có phần nhiều hơn, chi tiết hơn.

Trong số thơ tịch Trung Hoa thời kỳ này đáng chú ý là An Nam chí nguyên và Việt kiệu thư. Theo hai sách này “Việt vương thành ở huyện Đông Ngàn, còn gọi là Loa Thành”.  Sách còn giải thích thêm “Vì An Dương Vương đóng đô trên đất người Việt, nên người đời sau gọi thành ấy là Việt vương thành” và sở dĩ “Có tên là Loa Thành, vì thành ấy quanh co hình con ốc” .
 
Ở Việt Nam các bộ sách như : Đại Việt sử ký toàn thư, Dư địa chí, Lĩnh Nam chích quái... đều ghi chép khá tỉ mỉ.
 
Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vị tổ phụ ngày trước cầu hôn lấy Mỹ Nương là con gái vua Hùng, Hùng Vương không gả cho, bèn mang oán. Phán muốn hoàn thành chí người trước, cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải tên nước là Âu Lạc, rồi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thương…”2.

Sách Đại Việt sử ký toàn thơ ghi rõ cả năm tháng “Giáp Thìn năm thứ nhất [257 Tr.CN]. (Noãn Vương nhà Chu năm thứ 58), Vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc... Bấy giờ đắp thành ở Việt Thường, rộng hơn nghìn trượng, như hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì là thành rất cao” 3.

Bộ sách địa lý do Nguyễn Trái biên soạn cũng cho biết thêm “Hùng Vương gọi nước là Văn Lang đóng đô ở Phong Châu. Thục gọi nước là âu Lạc đóng đô ở Phong Khê” 4.



1. Dẫn theo Trần Quốc Vượng: Cổ Loa, những kết quả nghiên - cứu vừa qua và những triển vọng tới, Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4 năm 1969.
2. Vũ Quỳnh-Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá Hà Nội, 1960, tr.57.
3. Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thơ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, T. 1, tr. 64.
4. Nguyễn Trái: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.215.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:10:03 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #123 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 12:53:02 am »

Các bộ sách lớn được biên soạn dưới triều Nguyễn như: Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thông chí...  đều có nói tới toà thành do An Dương Vương xây dựng, nhưng căn bản dựa trên tài liệu của Đại Việt sử ký toàn thơ và Lĩnh Nam chích quái.

Tổng hợp tài liệu thơ tịch cổ của cả hai nước, chúng ta có thể có được một số thông tin về lịch sử xây dựng của Loa Thành: Năm 257 Tr.CN, An Dương Vương đã phế bỏ nước Văn Lang của các vua Hùng, lập nên nhà nước Âu Lạc, dời đô từ miền trung du (Phú Thọ ngày nay) xuống miền đồng bằng, chọn Cổ Loa làm quốc đô. Sau khi định đô, ông đã cho xây dựng một toà thành có quy mô lớn, chu vi hơn nghìn trượng, thành có nhiều vòng hình như con ốc nên gọi là Loa Thành. Thành được đắp trong vòng khoảng ba năm, khởi từ năm 257 đến tháng 3 năm Bính Ngọ thứ ba (255 Tr.CN) thì hoàn tất.

Mặc dầu đã được ghi trong hầu hết các bộ sử lớn của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, song không phải quanh sự ra đời của nhà nước Âu Lạc và người đứng đầu của nó là An Dương Vương không còn những vấn đề cần có lời đáp.
 
Những tư liệu Trung Hoa cổ nhất như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký đều chép An Dương Vương là “con vua Thục”. Nhưng đáng tiếc lại không hề cho biết, nước Thục nằm ở đâu? An Dương Vương có xuất xứ như thế nào.  Trong khi đó, thư tịch cổ Việt Nam ghi chép về nước Âu Lạc và An Dương Vương lại khá phong phú. Cả bốn tập sách cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay là Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi chép tuy nội dung có khác nhau đôi chút nhưng đều có chung một nội dung: nước Âu Lạc bắc giáp Ba Thục, đông giáp hồ Động Đình... và An Dương Vương là người Ba Thục, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là con của vua Thục thời Chiến Quốc.
 
Người Việt Nam đầu tiên tỏ ý nghi ngờ những gì đã ghi trong sử cũ có lẽ là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1795-1872). Trong sách Phương Đình địa dư chí ông đã cho toàn bộ ghi chép của sử cũ về An Dương Vương như vậy là sai lầm.  Những nghi vấn của ông dường như đã nhận được sự đồng tình của các sử gia nhà Nguyễn khi soạn thảo bộ Việt sử thông giám cương mục: “Nước Thục, từ năm thứ năm đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 Tr.CN) đã bị Tần diệt rồi, làm gì còn có vua nữa? Huống chi, đất Củng, đất Tác và đất Nhiễm Mang, cách nhau hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy, mà sang đánh nước Văn Lang. 
Dưới thời Pháp thuộc những hồ nghi của Việt sử thông giám cương mục đã nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt thành của các học giả cả hai nước Việt - Pháp.

Trần Trọng Kim cho rằng “An Dương Vương Thục Phán không phải là Thục Phán bên Tàu".

Ngô Tất Tố khẳng định: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”.

Học giả Pháp - nhà Hán học uyên bác H.Maxpêrô (H.Maspéro) cũng bày tỏ sự hoài nghi về sự có thật của An Dương Vương.
Nhưng đến thập kỷ 50 xuất hiện nhiều nhà sử học bảo vệ cho sự thật của nhà nước Âu Lạc và An Dương Vương dựa trên cơ sở tài liệu và cách giải thích mới.

Thúc Ngọc Trần Văn Giáp dựa vào ngọc phả An Dương Vương đưa ra giả thuyết, nước Thục bị quân Tần diệt, con cháu vua Thục dã chạy từ Ba Thục xuống Quý Châu, Vân Nam vào nước Nam Cương rồi trở thành thủ lĩnh bộ Lạc người Tây Âu ở đây 1.

Học giả Đào Duy Anh đồng ý với ý kiến của Trần Văn Giáp, nhưng lại chứng minh con đường Nam tiến của hậu duệ nhà Thục là xuống vùng Điền Trì, Vân Nam rồi xuôi theo sông Hồng vào đất Lạc Việt, chiếm vùng đất Tây Vu - vùng Tây Bắc Bắc Bộ ngày nay. Khi quân Tần xâm chiếm Lạc Việt, ông đã lãnh đạo người Tây Âu và Lạc Việt chống lại quân Tần. Sau đó ông chiếm nước Văn Lang lập nên nước Âu  Lạc 2.


1. Trần Văn Giáp: Một vài ý kiến về An Dương Vương ngọc giản và vấn đề Thục An Dương Vương, Tập san Văn-sử-địa số 28, tháng 5-1957.
2. Đào Duy Anh: Góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương, Tạp chí Khảo học, số 3, tháng 12-1969.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:09:44 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #124 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 01:02:42 am »

 Hai tác giả Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn dự đoán, An Dương Vương là tù trưởng của bộ Lạc Hướng di cư từ đất Thục xuống phía Nam tự xưng là Thục Vương. Bộ Lạc này đi xuống Quảng Tây rồi vào Bắc Bộ cộng cư với người Tây Âu vốn đã sinh sống lâu đời ở đây. Sau khi lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lược của nhà Tần, ông đã được nhân dân tôn sùng lập ra một nhà nước có tên là Âu Lạc. Cư dân Âu - Lạc gồm hai thành phần Tây Âu và Lạc Việt 1.
 
Năm 1963, Lã Văn Lô công bố truyền thuyết Cẩu chúa cheng vùa (Chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở vùng Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Theo truyền thuyết, Thục Phán là con của Thục Chế, vua nước Nam Cương vùng Cao Bằng có thủ đô là vùng Hoà An. Khi Thục Chế qua đời, con còn nhỏ nên chín chúa ở chín mường kéo về giành ngôi vua. Thục Phán bấy giờ tuy còn ít tuổi nhưng rất thông minh, nhanh  nhẹn đề nghị các chúa cùng mình tranh tài nếu ai thắng sẽ được làm vua. Nhờ có mưu lược nên cuộc thi nào Phán cũng thắng. Cuối cùng các chúa phải thần phục nước Nam Cương. Khi thấy nước Văn Lang suy yếu, Phán đã mang quân đánh chiếm và lập nên Nhà nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa xưng  tự danh hiệu là An Dương Vương 2.

Cuối thập kỷ 60 lại xuất hiện thêm hai giả thuyết mới.
 
Nguyễn Linh sau khi nghiên cứu Hùng Vương ngọc phả và các thần tích, thần phả ở nhiều đền miếu đã đưa ra giả thuyết: Thục Phán không phải là người Ba Thục ở Tứ Xuyên  mà là vua nước Tây Thục của người Ai Lao di ở vùng Vân Nam. Cuối đời Hùng Vương bộ Lạc này đã thôn tính nước Văn Lang lập nên nước Âu Lạc 3.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ nghiên cứu thời đại Hùng Vương và An Dương Vương, Nguyễn Duy Hinh đã đưa ra một loạt các lời đáp cho các vấn đề còn tồn nghi.  Sau khi công bố kết quả nghiên cứu công phu nguồn sử liệu Trung Quốc, Nguyễn Duy Hinh cho rằng “nước Âu Lạc là một nước đã tồn tại thực tế trong lịch sử, được sử sách biết đến vào thời gian nhà Tần ở Trung Quốc. Nước ấy có ba tên gọi chính khác nhau: Tây Âu, Tây Âu Lạc, Âu Lạc; ba tên gọi khác nhau đó là do tài liệu của những người khác nhau, gây ra lầm lẫn, thực ra địa bàn chủ yếu của Âu Lạc... nằm ở lưu vực sông Hồng ngày nay 4.


Về nguồn gốc của An Dương Vương, ông giải thích “Chính An Dương Vương là người Lạc Việt cho nên việc An Dương Vương chiếm nước Văn Lang dựng nước Âu Lạc là việc nội bộ người Lạc Việt vì thế cho nên chúng ta thấy xã hội Văn Lang và Âu Lạc không có thay đổi gì do văn hoá cả một một ngoại tộc đến thống trị gây ra” 5.

Cuộc thảo luận để tìm ra lời đáp chân xác cho các câu hỏi quanh nước Âu Lạc và An Dương Vương đang còn tiếp tục.   Song, cũng như những vấn đề quanh thành Cổ Loa, các nhà  sử học Việt Nam hôm nay cũng đã có mẫu số chung. Lạc Việt và Tây Âu là hai nhóm phía Nam của tộc Bách Việt cộng cư trong khu vực sông Hồng và sông Tây Giang. Hai tộc người này luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Thục Phán có thể là thủ lĩnh liên minh bộ Lạc Tây Âu gồm chín “mường” cư trú trên địa bàn rừng núi phía Bắc nước ta, có thể rộng ra đến Nam tỉnh Quảng Tây ngày nay.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt không tránh khỏi mâu thuẫn và đã xây ra xung đột. Trong lúc cuộc xung đột đang diễn ra thì họ đã gặp phải nguy cơ to lớn đó là cuộc xâm lược của đế chế Tần. Trước nguy cơ đó, người Âu và người Lạc đã biết gắn bó với nhau “chọn người tuấn kiệt” lãnh đạo chống kẻ thù chung. Trong cuộc lựa chọn lịch sử này, thủ lĩnh của bộ Lạc Tây Âu là Thục Phán đã giành thắng lợi, lên ngôi vua lập nên Nhà nước Âu Lạc, xây kinh đô Cổ Loa và tự xưng là An Dương Vương.


1.  Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1960.
2. Lã Văn Lô: Quanh vấn đề nguồn gốc của An Dương Vương - Thục Phán hay là truyền thuyết “Cẩu chúa cheng vùa” của đồng bào Tày, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 50-51, tháng 6-1963.
3. Nguyễn Linh: Bàn về nước Thục của Thục Phán, Tạp chí rghiên cứu Lịch sử số 124, tháng 7-1969.
4. Nguyễn Duy Hinh: Bàn về nước Âu Lạc của An Dương vương Tạp chí Nghiên cứu Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12-1969, tr.149.
5. Nguyễn Duy Hinh: Bàn về nước Âu Lạc của An Dương Vương - Tạp chí Nghiên cứu Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12-1969,  Tr 154.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:09:29 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #125 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 01:04:59 am »



- Cấu trúc

Truyền thuyết cũng như thơ tịch cổ Việt Nam như Đại việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái đã mô tả “Thành cổ (Cổ Loa) rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành...” 1. Thư tịch cổ Trung Hoa, như đã giới thiệu trên cũng chép, “thành Cổ Loa có chín vòng”, “hình con ốc”. Hiện tại cấu trúc của thành Cổ Loa chỉ còn ba vòng: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại theo cách gọi của người Cổ Loa.

 Dưới đây, là cấu trúc cơ bản của thành Cổ Loa hiện còn:

Tường thành

Thành Ngoại là một vòng thành khép kín được đắp nối những gò đồi thiên nhiên lại, nên không có hình dáng rõ ràng. Độ dài của vòng thành khoảng 8000m. Tường thành được đắp có mặt cắt hình thang với chiều cao trung bình từ 3 đến 4m, chỗ cao nhất là gò Cột Cờ - mặt phía Đông Nam thành, cao tới 8m. Bề mặt của tường thành rộng khoảng 12-15m, chân thành rộng 12-20m. Đoạn tường thành còn được bảo quản tốt nhất là đoạn phía cửa Tây, đoạn bị phá nhiều nhất là đoạn thành phía Bắc, trong địa phận hai xã Dục Tú, Dục Nội.
Thành Trung cũng là một vòng tròn khép kín nằm bên trong thành Ngoại. Cũng giống như thành Ngoại, tường thành được đắp theo kiểu nối các đồi gò tự nhiên, đầm ao mà thành. Chu vi thành Trung dài 6500m. Tường thành cao 6-12m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân thành rộng 20- 22m. Do cách đắp phải lựa theo địa hình nên vòng thành Ngoại và thành Trung gần sát nhau ở đoạn phía Nam. Tại đây có mở một cửa ra vào gọi là Trấn Nam Môn. Ngay bên trong cửa là chợ Sa và cũng là lối dẫn ta vào thăm thành hôm nay.

Tường thành Trung còn nguyên vẹn nhất trong cả ba vòng thành. Cũng chính nhờ nó còn khá nguyên vẹn nên ta có thể thấy rõ hình dáng của tường thành: mặt phía ngoài dốc đứng, rất khó có thể trèo lên được. Ngược lại, mặt phía trong lại thoai thoải có thể lên xuống rất dễ dàng. Với cấu trúc như vậy, kẻ thù bên ngoài rất khó leo vào, nhưng quân  đội trong thành lại rất dễ dàng vận động lên mặt thành để đánh địch. Ngay dưới chân thành ở phía trong, còn có dấu vết  của một con đường rộng 2 đến 3m. Kết có thể, đây là đường  vận động của quân đội giữ thành đến những nơi cần tăng viện khi bị quân địch tấn công.

Khác hẳn với hai vòng thành bên ngoài, thành Nội có hình chữ nhật khá vuông vức, chu vi khoảng 1650m. Tường thành cao 5m, mặt thành rộng 10m, chân thành rộng 20m. Chung quanh tường thành có 12 ụ đất nhô ra gọi là “hoả hồi”. Hoả hồi được đắp khá cân xứng. Hai cạnh dài, mỗi cạnh có bốn chiếc, hai cạnh ngắn mỗi cạnh có hai chiếc. Hoả hồi cao hơn tường thành khoảng 1 đến 2m, nhô ra từ 10 đến 12m. Trên khu vực thành Nội hiện nay dân cư ở đông đúc, nhiều công trình xây dựng đã phá huỷ nhiều đoạn thành, thậm chí có cả nhà dân xây ngay trên mặt thành. Theo lời người dân Cổ Loa, thì thành Nội, chính là nơi ở của nhà vua và hoàng tộc.

Cửa thành: Số lượng cửa mở ra ở các vòng tường thành khác nhau.

Thành Nội chỉ mở một cửa quay về hướng Nam, trông ra đình Cổ Loa.

Thành Trung mở bốn cửa: Cửa Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc và cửa Tây Nam. Mỗi cửa có một miếu xây trên mặt tường thành - thờ quan coi cổng thành. Riêng cửa Nam nơi hai vòng thành gặp nhau và có lẽ cũng là cửa chính được xây hai miếu ở hai bên.

Thành Ngoại tuy rất dài và rộng cũng chỉ mở ba cửa: cửa Nam, cửa Bắc và cửa Tây Nam. Tuy một số cửa thành Trung và thành Ngoại mở cùng một hướng, nhưng do chu vi khác nhau nên các cửa thành không nằm trên trục thông nhau.  Ngoài tám cửa thành trên, còn có cửa ra bằng đường thuỷ, nên có người gọi là “cửa nước”. Cửa thứ nhất mở ra hướng Đông, nơi nối các dòng chảy trong thành qua cống Cửa Song ra sông Hoàng. Cửa thứ hai dưới chân gò Cột Cờ. Cửa này cắt ngang tường thành Ngoại đưa nước sông Hoàng hoà vào hào thành Ngoại và thành Trung. Đây hẳn là lối ra vào của thuyền bè. Theo nhân dân cho biết, xưa ở đây cũng có xây miếu thờ thần giữ cửa, nhưng miếu đã bị phá.
 
Hệ thông đường sá và cấu trúc trong thành. Do nhà cửa, làng xóm của cư dân ở trong thành dày đặc, cùng với những công trình của thời hiện tại đã làm xoá đi hầu hết dấu vết nên cho đến nay, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu hệ thống đường sá và cấu trúc nhà cửa, cung điện, dinh thất, công sở. . . bên trong toà thành.

Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Tổng hợp: Hiện mới biết rằng lối cửa Bắc và cửa Tây Nam của thành Ngoại với hai cửa Bắc và cửa Tây Nam của thành Trung đều đi theo đường chéo. . . Hai bên đường nối các cửa Bắc còn một số ụ đất, chắc chắn là ụ phòng vệ. Rất may, hệ thống đường thuỷ còn nhận ra được một cách rõ rệt.


1. Vũ Quỳnh- Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr. 59.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #126 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 01:06:45 am »



Về việc bố trí cung thất trong thành cho đến nay cũng chưa thể xác định được một cách rõ ràng. Theo nhân dân ở Cổ Loa, thì khu vực đền An Dương Vương hiện nay chính là nơi cung vua, khu vực thành Nội là nơi ở của Hoàng gia. Đình Cổ Loa, còn có tên là đình Ngự triều di quy là nơi vua thiết triều . . .

Rải rác trong thành còn có một số địa danh khác có liên quan tới chức năng quân sự của thành như: dọc Đống Bắn - tương truyền là nơi luyện cung nỏ của quân đội, Ngự Xạ Đài - nơi An Dương Vương ngồi xem quân lính tập bắn cung nỏ, Vườn Thuyền - là nơi thuyền bè neo đậu chuẩn bị luyện tập thuỷ chiến, gò Cột Cờ là nơi treo lá cờ đại của Nhà nước Âu Lạc...

Hệ thống hào ngoài thành. Dưới chân các luỹ thành đều có hào nước để ngăn cản quân địch, nhưng riêng đối với thành Cổ Loa, hào còn là đường giao thông thuỷ quan trọng nối liền các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra khỏi thành khi có nguy biến.

Hào thành Nội nay đã bị đắp ngăn chia thành các dải ao và ruộng trũng của các hộ dân quanh thành. Hào thành Trung và thành Ngoại nay là những thửa ruộng chiêm, có chiều rộng trung bình từ 20 đến 30m. Đoạn hào ở cửa thành phía Tây còn giữ được khá nguyên vẹn. Vào mùa mưa lũ, các thửa ruộng ngập trắng nước, có thể nhận thấy rõ hơn hình ảnh của hệ thống hào.

Ngoài hệ thống hào nước được đào trong quá trình đắp thành, ở phía Nam và Tây Nam thành Ngoại, những người xây thành đã lợi dụng sông Hoàng làm hào thiên nhiên cho vòng thành Ngoại. Nước từ sông Hoàng cũng được dẫn vào hệ thống hào, đầm trong nội thành với hai cửa thành là cửa Cột Cờ và cửa Đông. Phía cửa Đông, nước sông Hoàng qua hào đổ thẳng vào Đầm Cả. Hai cửa này cũng là nơi hào thành Ngoại và thành Trung gặp nhau. Nước từ thành Trung qua cống Song, đổ vào năm con Lạch chảy vào trong thành, nối với hào thành Nội ở khu vực Vườn Thuyền, trại xóm Vang.

Với hệ thống đường nước mô tả trên, hệ thống hào của thành Cổ Loa như những chi lưu của sông Hoàng. Vào mùa nước, khi mực nước sông Hoàng dâng cao, các lòng hào đều đầy ắp nước. Với chiều rộng từ 20 đến 30 m thuyền bè từ  sông Hoàng có thể vào, ra thành một cách dễ dàng.
 
Truyền thuyết Cổ Loa kể rằng, An Dương Vương thường ngự thuyền rồng đi lại khắp trong thành, duyệt thuỷ quân ở Đầm Cả, ra sông Hoàng xem quân lính tập thuỷ chiến trên sông.
 
Luỹ đất ngoại thành. Rải rác trên các cánh đồng quanh thành Cổ Loa có khát nhiều luỹ đất và gò đống. Truyền thuyết Cổ Loa kể sự tích các gò đất ấy rất thơ mộng: khi An Dương Vương xây thành, Ngọc Hoàng đã cử những nàng tiên xuống gánh đất giúp Vua, nhưng họ phải trở về trước lúc trời sáng. Mải mê làm, mãi đến khi trời sáng mới biết,các nàng tiên đã vội vã vứt bỏ lại quang gánh. Những gò đất quanh thành chính là những gánh đất họ đã làm vương vãi khắp nơi. Những cuộc điều tra của sinh viên Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp trong hai năm 1996-1997 cho ta biết những gò, luỹ mà các “nàng tiên” đã để rơi vãi ấy là một bộ phận không thể thiếu được trong cấu trúc phòng vệ của thành Cổ Loa. Hệ thống gò luỹ ấy được bố trí ở các vị trí sau:

- Phía Bắc thành Ngoại và hai bên đường từ cửa Bắc thành Ngoại vào cửa Tây Bắc thành Trung có các gò như: Đống Chuông, Đống Dân...

- Phía Đông và phía Nam thành Ngoại từ cửa Đông chạy xuống cửa Nam cho đến thôn Mạch Tràng có những ụ đất men theo dòng chảy, như những ụ tác chiến đánh địch trên thuyền.

- Phía Bắc thành Ngoại trên cánh đồng xã Dục Nội ta còn nhận ra khá rõ những gò đất tự nhiên đã được đắp nối lại với nhau thành một hình vòng cung như một luỹ đất tiền vệ cho đoạn phía Bắc thành.
 
- Phía Tây Bắc thành Ngoại có một luỹ đất dài chừng 1 km chạy thẳng góc với tường thành qua các cánh đồng Mả Cư, Đồng Đô, Bãi Đồn. . . Luỹ đất này được đắp khá kiên cố. Cũng ở góc này của thành, ta còn thấy những ụ đất ở khu vực xóm Sắn, xóm Đài Bi...

- Phía Đông có một con luỹ chạy từ cửa Đông men theo sông Hoàng. Con luỹ này đảm nhiệm cả hai chức năng - vừa là con đê ngăn nước sông Hoàng vào mùa mơa lũ gây ngập lụt trong thành, vừa là một luỹ phòng vệ vô cùng lợi hại.
 
Rất nhiều tên gọi của các gò đống này còn mang hình ảnh của các hoạt động quân sự không thể phủ nhận như: gò Đống Bắn, dọc Đống Giáo, (phía Tây Nam, giữa tường thành Trung và tường thành Ngoại), gò Pháo Đài phía Nam thành) . . .


Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #127 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 01:08:36 am »


Nghiên cứu hệ thống gò luỹ bên ngoài thành ta thấy, những kiến trúc sơ xây dựng thành Cổ Loa có lẽ đã coi mặt Bắc là một mặt xung yếu, nên đã tăng cường thêm nhiều luỹ phòng vệ ở mặt này. Ngày nay, khi nhìn lại ý tưởng của người xưa, ta thấy nhận định đó hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, phía Bắc thành là những đồng ruộng bằng phẳng, không hề có chướng ngại vật thiên nhiên như mặt phía Đông - có con sông Hoàng làm ngoại hào. Khi kẻ địch tấn công thành ở hướng này, chúng có thể triển khai lực lượng đông đảo một cách dễ dàng. Mặt khác, như sử sách Trung Hoa cho biết, người Việt thạo thuỷ chiến, nên đánh trên bộ dường như không phải là sở trường của quân đội ta thời đó. Có lẽ, chính vì lý do đó mà hệ thống luỹ tiền vệ ở mặt Bắc đã được xây dựng khá công phu.

Với hệ thống cấu trúc như đã mô tả, Cổ Loa quả là một công trình quân sự vĩ đại, không chỉ về mặt quy mô mà còn thể hiện tri thức quân sự hết sức độc đáo của cha ông ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố trong điều kiện chưa có hoả khí bắn xa. Nếu như kẻ địch tấn công từ bên ngoài vào, trước tiên chúng sẽ gặp phải đòn đánh phủ đầu từ những luỹ tiền vệ bên ngoài. Qua luỹ tiền vệ này, để tiến vào tới tường thành còn phải vượt qua một khoảng trống lớn. Với tầm bắn của cung nỏ cứng, quân đứng trên tường thành Ngoại có thể ngăn chặn được bước tiến của kẻ thù. Một khi vượt qua được khoảng trống đó, trước mặt kẻ tấn công là hệ thống ngoại hào rộng từ 20 đến 30m. Không thể dễ dàng vượt qua được hào nước này, một khi quân trên mặt tường thành bắn xuống, thuỷ quân với những thuyền nhỏ phục sẵn sẽ lao ra sẵn sàng phối hợp tác chiến. Nếu vượt qua được ngoại hào thì trước mặt chúng là tường thành Ngoại kiên cố, cao từ 8-10m. Vượt qua được thành Ngoại để vào được nơi vua và hoàng tộc ở, kẻ địch còn phải vượt qua hai lớp hào và thành nữa. Đó là chưa kể đến những trận địa được bố trí ở giữa hai lớp thành.

Không chỉ là một căn cứ bộ binh hiểm yếu, Cổ Loa còn là một căn cứ thuỷ quân lợi hại. Sông Hoàng - ngoại hào thiên nhiên của Cổ Loa, đầu trên nối với sông Hồng, đoạn dưới nối với sông Cầu, qua cửa Lục Đầu ở phả Lại có thể đi thẳng ra biển. Nước của hai con sông lớn nhất trên châu thổ đã qua sông Hoàng, đổ vào hệ thống hào rồi chảy ra Đầm Cả mênh mông ở góc Đông Bắc thành. Diện tích mặt đầm có thể chứa hàng trăm thuyền bè. Tại đây có địa danh Vườn Thuyền, dường như đã ghi lại một thời sóng đầm xao động mái chèo của các đoàn thuyền chiến.

Với một hệ thống đường thuỷ được thiết kế tài tình như vậy, thuyền chiến có thể đi lại khắp nơi trong thành và khỉ cần, những đạo quân trong thành có thể dễ dàng ra khỏi thành bằng đường thuỷ. Quân thuỷ từ nơi khác cũng có thể dễ dàng tiếp cứu cho thành nếu thành bị vây hãm.

Do thành được thiết kế, xây dựng kiên cố và độc đáo như vậy cho nên quân của Triệu Đà không có cách nào có thể tấn công được vào thành Cổ Loa, buộc chúng phải sử dụng thủ đoạn “chiến tranh gián điệp” mới có thể làm cho Cổ Loa thất thủ.

Đánh giá công trình quân sự Cổ Loa, trong tác phẩm Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, hai tác giả Hồng Nam và Hồng Lĩnh đã viết: “Thành Cổ Loa thể hiện nghệ thuật tài giỏi của quân và dân Âu Lạc.

Cổ Loa là kinh đô, là một quân trấn, một hệ thống phòng thủ vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, thể hiện trí thông minh và lòng dũng cảm của tổ tiên ta ngày ấy. Đồng thời Cổ Loa cũng đánh dấu một trình độ phân hoá xã hội và giai cấp cao hơn trước, một chất lượng cao hơn của Nhà nước Việt Nam cổ đại” 1.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đoạn đường thành còn thấy hôm nay, đều là hình ảnh trọn vẹn của thành Cổ Loa thời An Dương Vương. Theo An Nam chí nguyên, sau khi nhà Hán đã đặt được ách thống trị trên đất nước ta, Mã Viện đã cho xây dựng cả hai toà thành, cả hai đều được xây trên vết cũ Hai thành đó là Kiên Thành ở huyện Phong Khê và Vọng Hải Thành ở huyện Vọng Hải. Hai huyện này đều do Mã Viện tách từ huyện Tây Vu ra. Kiên Thành mà An Nam chí nguyên nói chính là thành Cổ Loa. Sau Mã Viện, đến thế kỷ X, khi Ngô Quyền giành lại nền độc lập cho đất nước, ông lại chọn Cổ Loa làm quốc đô cho nhà nước và cũng đã cho sửa lại thành, xây dựng cung thất, định lại quan chế...

Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, nhiều đoạn thành đã được cắt được khảo sát, trong đó một đoạn tường thành ở trại xóm Mít, gần gò Cột Cờ. Kết quả cho thấy, đoạn tường thành ở chỗ này có cấu trúc như sau:

Tường thành được đắp trên nền đất laterít, phần đất đắp cao 5m. Từ trên xuống dưới có thể chia làm ba lớp:


1. Hồng Nam và Hồng Lĩnh: Những trang sử vẻ đang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, rí. 60.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #128 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 01:13:14 am »

- Lớp 1 (trên cùng): Thành phần đất có sét vàng, sét trắng lẫn với đất laterít. Lẫn trong đất có mảnh ngói ống, đầu ngói . . . .

- Lớp 2: Đất sét có màu xám trắng mịn, lẫn với gạch trang trí hoa văn ô trám lồng, văn thừng. . .
 
- Lớp 3: Đất sét vàng lẫn với đất laterít.

Như vậy, cấu trúc tường thành ở khu vực này không giống với tường thành được cắt ở những nơi khác. Ở đây  không có lớp ngói ống, ngói bản xen giữa tường thành, không có đá tảng kè dưới chân thành. Kết quả phân tích các lớp đất, bào tử phấn hoa và di vật tìm thấy trong các lớp đất, cho phép đoán định rằng: Đầu ngói và ngói ống tìm thấy ở đây đều là di vật của thời Đông Hán.

Vì thế, nên lớp 1 và lớp 2 thuộc thời Đông Hán, lớp thứ 3- lớp dưới cùng cao 0,8 – 1 m có thể là lớp thành được đắp thời An Dương Vương 1.

Điều đó khớp với nhiều thơ tịch đã ghi, do nhận thấy tầm quan trọng và tính chất kiên cố của thành Cổ Loa, nên các thời đại sau vẫn tiếp tục sử dụng nó. Trong quá trình sử dụng đã không ngừng bồi đắp, tôn tạo các tường thành.  Thành Cổ Loa đã thực sự vượt lên trên tầm thời đại của nó.  Quanh thành Cổ Loa hiện vẫn còn một số vấn đề đã được đặt ra rất cần được giải quyết, trong đó có một câu hỏi lớn là :

Đây có phải là toà thành do An Dương Vương xây không?  Người đầu tiên đặt ra câu hỏi này, có lẽ là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Trong một bài thơ chữ Hán của tập Phương Đình mạn hứng ông bày tỏ sự nghi ngờ:

Làm sao đất quận Giao
Lại có thành vua Thục?

 Sau Phương Đình là Ngô Tất Tố. Trong bài: Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục, đăng trên báo Tao Đàn, ông cho rằng, chuyện An Dương Vương là chuyện hoang đường. Theo ông, thành Cổ Loa là do Mã Viện hoặc Ngô Quyền xây 2.
[Vào thập niên 50, học giả Đào Duy Anh đã trở lại Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc. Theo ông, Cổ Loa không có nghĩa là Loa Thành, mà có lẽ chỉ là cách phiên âm kẻ Loa của người Hán. Tên Loa Thành chỉ mới được người Trung Quốc đặt ra từ thời Tống. Toà thành hiện tại là di tích của Kiến Thành do Mã Viện xây dựng cùng với dấu tích cũ của An Dương Vương 3.

  Vào cuối thập kỷ 60, khi nghiên cứu thời đại Hùng vương và An Dương Vương, Phạm Văn Kỉnh cho rằng: Về căn bản, hai vòng thành ngoài của thành Cổ Loa có niên đại trước lúc nhà Hán thống trị nước ta, có những phần được đắp thêm và sửa chữa của thời Hán hoặc những thời đại tiếp sau, chủ yếu là khu vực phía Nam. Còn vòng thành thứ ba có hình chữ nhật, khá cân xứng, có nhiều hồi, theo chúng tôi là được xây dựng sau thời An Dương Vương.

Trong số những người coi toàn bộ di tích tường thành Cổ Loa không phải là của An Dương Vương một cách kiên quyết nhất có lẽ là Đỗ Văn Ninh. ông đã bảo vệ quan điểm của mình với một loạt luận chứng sau:

- Quan hệ giữa ba vòng thành. Vòng thành trong “Kiểu dáng này hoàn toàn mang tính chất Trung Quốc thời Hán”.  Với hai vòng ngoài trông có vẻ sớm hơn “Thế nhưng, những di vật (chủ yếu là ngói) chứa trong tường thành lại chứng minh rằng cả ba vòng thành có cùng niên đại”.

- Niên đại của cả vòng thành trong. Vòng thành trong Cổ Loa không thể có niên đại sớm hơn thời Hán (nói chính xác là sớm hơn Đông Hán).

- Về di vật được dùng để định niên đại cho thành. Di vật tìm thấy chủ yếu trong tường thành là ngói, ngoài ra trong thành còn tìm thấy một số khuôn giếng. “Đó là những hiện vật có tính chất Hán điển hình” chưa hề thấy trong bất kỳ một di chỉ nào “mang đặc trưng văn hoá Việt Nam”.
 
- Về phương pháp đắp thành. Đã tìm thấy có hai lớp đắp thành qua một lát cắt ở xóm Mít, gần gò Cột Cờ. “Gạch ngói hai lớp D và C (lớp trên-TG) là di vật thời Đông Hán”.


1.  Đỗ Văn Ninh: Thành cổ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, tí 47-48.    
2.Ngô Tất Tố. Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục, Tao Đàn, ngày 1-4-1939.
2. Đào Duy Anh: Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc, Hà Nội, 1957.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:08:45 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #129 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2008, 09:35:56 am »


- Tư liệu về các ngôi mộ gạch. Khai quật ngôi mộ gạch ở khu gò Bãi Mả, đầu thôn Mạch Tràng, đã phát hiện thấy ngói Cổ Loa được chèn vào gạch mộ. Những viên gạch mộ có niên đại “Vĩnh nguyên thập nhất niên trị” (năm 99 sau CN), ‘(vĩnh nguyên thập thất niên trung trị” (năm 105 sau CN), “Vĩnh sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên” (năm 111 sau CN). Như vậy, “Ngôi mộ Mạch Tràng thuộc cùng thời với chúng (ngói Cổ Loa)”.

 Từ các dữ liệu trên, tác giả đã đưa ra năm kết luận:

 - “Thành Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc là toà thành cổ nhất xuất hiện trong lịch sử xây dựng thành luỹ ở Việt Nam”.

 - “Vòng thành trong cùng với tất cả những lớp chứa gạch, ngói ống, ngói bản ở các vòng thành khác đều là sản phẩm của thời Đông Hán”.

- “Phần phía Nam khu vực Cổ Loa là một trọng trấn thời thuộc Hán. Quan cai trị, binh sĩ và cư dân chủ yếu là người Trung Quốc. Mọi kiến trúc đều làm theo phong cách Hán và đã bị tàn phá nặng nề”.

- Lợi dụng địa hình tự nhiên làm cho thành Cổ Loa hiểm trở nhưng tốn không nhiều công sức.

- Nhà ngói, giếng khuôn không phải là đặc điểm kiến trúc thời Âu Lạc, “nhà sàn, cột gỗ, lợp tranh” mới là đặc điểm kiến trúc dân tộc 1.

Khác với Đỗ Văn Ninh, giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, thành Cổ Loa được đắp từ thời An Dương Vương, nó tiếp tục được sửa sang, cải tạo, đắp thêm suốt thời kỳ thuộc Triệu, thuộc Tây Hán.
 
“An Dương Vương sống vào thời Tần và đầu thời Tây Hán, các vị “vương” của Tây Vu tiếp sau sống vào giữa thời Tây Hán của lịch sử Trung Quốc. Vậy nếu, ở thành Cổ Loa có yếu tố văn hoá Tây Hán xen kẽ vào yếu tố văn hoá Việt thì cũng chẳng có gì là lạ. Dù thế nào đi nữa, khởi thuỷ nó là thành của vua Việt” 2.

     
Tuy hiện đang còn có những ý kiến khác nhau như vậy, song không một ai phủ nhận thành Cổ Loa đã được xây dựng đầu tiên vào thời An Dương Vương và là thủ đô của nhà nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa đã được các thời đại sau tiếp tục sử dụng, tu bổ, bồi đắp và cả xây dựng thêm, nhưng không ra khỏi vị trí toà thành của An Dương Vương.

Muốn phân biệt được rạch ròi, đâu là phần thành do An Dương Vương xây, đâu là phần bồi đắp của các thời đại sau cần phải có những công trình khai quật lớn của khảo cổ học và các ngành khoa học khác.

II. NHỮNG PHÁT HIỆN VÀ THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU CỔ LOA TRÊN PHƯƠNG DIỆN QUÂN SỰ

Trên đây là một số phát hiện mới được quan sát trên mặt đất. Những phát hiện trong lòng đất Cổ Loa càng nhấn mạnh thêm vai trò quân sự của thành.

Phát hiện đầu tiên được coi là có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quân sự của thành Cổ Loa là kho mũi tên đồng Cầu Vực.

Ngày 17-7-1959, trong khi lấy đất làm con đường nối Xưởng phim Việt Nam đang xây dựng với quốc lộ số 2, anh chị em công nhân đã phát hiện được một số lượng lớn mũi tên đồng ở địa điểm Cầu Vực. Nơi phát hiện cách đường 600m, cách cửa thành 300m, cách tường thành phía Đông khoảng 200m. Đống mũi tên nằm trong một hố hình vuông có kích ‘ thước lm x lm, sâu 1m2. Theo báo cáo của Vụ Bảo tồn bảo tàng: “Những mũi tên đồng và các hiện vật thu nhặt được cân nặng 93kg, mỗi kilôgam có chừng 97 mũi tên.

Tính số mũi tên thu nhặt được có đến gần một vạn chiếc gồm đủ các hạng lớn, nhỏ, dài, ngắn. Các mũi tên có thể chia ra làm bảy loại: loại dài nhất là 0,11m, loại ngắn nhất là 0,06m. Các mũi tên đều nhọn, sắc, đầu có ba ngạnh, mỗi ngạnh lại lõm xuống hình lòng máng. Ngoài những mũi tên còn nguyên vẹn được sắp xếp hẳn hoi, còn có một số mảnh tên ước độ một tấc khối, trong đống những mảnh tên vụn, có một cái mũi cũng bằng đồng có thể đoán được là mũi giáo và một số mảnh đồng khác nữa” 3.

Đáng chú ý là “Tới một phần tư số mũi tên đã được sửa chữa thành khí: ba phần tư là mũi tên mới ra khuôn nên chưa được sửa chữa, còn sù sì và có chỗ thiếu chưa nhẵn nhụi thành khí” 4.


1. Đỗ Văn Ninh: Thành cổ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 47-48.
2. Trần Quốc Vượng: Cổ Loa, những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới, Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12-1966.
3., 4. Vụ Bảo tồn bảo tàng: Báo cáo cụ thể về mũi tên đồng tìm thấy ở miền Cổ Loa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8, tháng 10-1959. 
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:08:24 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM