Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:19:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng hát Việt Nam - 1930-1963 - Tập I  (Đọc 11493 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuoithantien
Thành viên
*
Bài viết: 14



« vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 09:34:35 pm »

Nhà xuất bản: Văn hoá
Năm xuất bản: 1975
Số hoá: tuoithantien


LỜI NÓI ĐẦU

Ba mươi năm qua là một thời kỳ hết sức vẻ vang trong lịch sử của dân tộc ta, là chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm gian khổ, kiên cường nhất nhưng cũng thắng lợi oanh liệt nhất của nhân dân ta.


Ba mươi năm qua cũng là ba mươi năm nhân dân ta đấu tranh quyết liệt, không mệt mỏi nhằm xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội, ba mươi năm lao động anh dũng, sáng tạo để xây dựng một cuộc đời mới hằng mơ ước.


Được sống và trưởng thành trong những năm tháng đầy ý nghĩa đó, được Đảng và Bác Hồ chăm sóc giáo dục và hướng cho con đường đi vẻ vang của người nghệ sĩ chân chính, được nhân dân ta cổ vũ khích lệ, được cuộc sống cách mạng đầy những tấm gương đẹp tuyệt vời gợi cho những cảm xúc mãnh liệt, những người soạn nhạc Việt Nam đã lao động nghệ thuật say mê bền bỉ, sáng tạo nên hàng vạn tác phẩm lớn nhỏ, góp phần tích cực vào việc phục vụ mọi nhiệm vụ cách mạng và vào việc xây dựng nền nghệ thuật âm nhạc mới, dân tộc hiện đại xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Tư tưởng và tình cảm chủ đạo xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm âm nhạc của chúng ta trong ba mươi năm qua là tư tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, là tình yêu thiết tha với Tổ qốc và chủ nghĩa xã hội, là lòng căm thù tột độ bọn đế quốc xâm lược và tay sai của chúng, là lòng kính yêu và tin tưởng vô hạn đối với Đảng và Bác Hồ vĩ đại, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động và chiến đấu dựng nước và giữ nước của quân và dân ta trên khắp mọi miền đất nước.


Trong toàn bộ các tác phẩm âm nhạc đã sáng tác, gồm tất cả các thể loại từ ca khúc quyết chiến đến nhạc kịch, từ độc tấu đến nhạc giao hưởng và âm nhạc trong điện ảnh, sân khấu, thể loại ca khúc chiếm một vị trí hết sức quan trọng.


Do hiểu rất rõ tác dụng to lớn và tinh thần quần chúng rộng rãi của thể loại âm nhạc này (trong đó các tác giả đã ghi lại được từ những suy nghĩ sâu xa có tính chất triết học hình thành dần trong một thời gian dài, đến những cảm xúc nóng bỏng trào lên mạnh mẽ trước một hình ảnh rực rỡ, một lời kêu gọi thiêng liêng, một hành động mẫu mực trong cuộc sống), các nhạc sĩ Việt Nam đã rất coi trọng sáng tác bài hát và đã có nhiều thành công rất đáng mừng, đáng quý trong lĩnh vực này.


Trong những ca khúc đó, có đủ các hình thức, phong cách: bài hát nghi lễ, bài hát ngợi ca, bài hát trữ tình, hành khúc chiến đấu, tình ca, hát ru, hò lao động, hát múa tập thể, bài hát hài hước đả kích quân thù, v.v…


Tính dân tộc (cả về nội dung và hình thức) của các ca khúc đó ngày càng đậm đà. Đội ngũ tác giả cũng ngày càng đông đảo. (Hồi năm 1945, số lượng những người soạn nhạc Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay; ngày nay đã có mấy trăm tác giả âm nhạc trên cả hai miền Nam Bắc). Phong cách riêng của từng tác giả cũng ngày càng rõ nét.


Bằng thể loại ca khúc, các nhạc sĩ Việt Nam đã bám sát phục vụ mọi nhiệm vụ cách mạng lớn của toàn Đảng toàn dân ta qua từng giai đoạn, đã phản ánh được khá nhiều nét tiêu biểu trong cuộc sống chiến đấu và lao động xây dựng hết sức phong phú của nhân dân ta, và đã thể hiện được khá nhiều nét điển hình của tính cách, tâm hồn cao đẹp của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh vinh quang ngày nay.


Nhiều đồng chí làm công tác âm nhạc đã nói rằng nếu sưu tầm được đầy đủ và đem sắp xếp theo đúng trình tự thời gian tất cả những bài hát sáng tác mấy chục năm qua, ta có thẻ có được một tập lớn gần như một “biên niên sử cách mạng bằng bài hát”.


Để kỷ niệm những ngày lễ lớn năm nay và để chào mừng thắng lợi cực kỳ oanh liệt của cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong mùa xuân vừa qua, Nhà xuất bản Văn Hoá đã tuyển chọn hơn 200 bài hát trong số hàng vạn bài hát đã được sáng tác trong ba mươi năm qua của hơn 100 tác giả, gồm những bài hát được phổ biến rộng rãi trước đây hoặc hiện nay và được nhân dân ta yêu thích, biên soạn thành 2 tập “TIẾNG HÁT VIỆT NAM”.


Tập I gồm những ca khúc sáng tác từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh cho đến thời kỳ nhân dân ta ra sức phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc và quân dân miền Nam đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ nguỵ (tức là từ 1930 đến 1963).


Tập II gồm những bài được viết trong những năm nhân dân ta vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa anh dũng đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, hoàn toàn giải phóng miền Nam (từ 1964 đến 1975).


Trong những ngày hội lớn của đất nước năm 1975 lịch sử này - năm đại thắng vô cùng vẻ vang của dân tộc ta, những người soạn nhạc Việt Nam xin kính dâng lên Đảng quang vinh, lên Bác Hồ vĩ đại và lên Tổ quốc mẹ hiền 2 tập bài hát này cùng tất cả mọi thành tựu hoạt động nghệ thuật khác với tất cả lòng kính yêu nồng nàn nhất và lòng biết ơn sâu xa nhất.


Chúng tôi, những người nhạc sĩ sáng tác Việt Nam, xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Văn Hoá và xin trân trọng giới thiệu 2 tập bài hát này với các bạn yêu âm nhạc khắp nơi.


PHẠM ĐÌNH SÁU
Uỷ viên Ban thường vụ
Hội Nhạc sĩ Việt Nam

----------------------------------------------

Xin cám ơn bác leduyyenlan đã gửi tặng quansuvn cuốn sách này.
Logged

Ai muốn mạnh khoẻ thì phải tập thể thao!
tuoithantien
Thành viên
*
Bài viết: 14



« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 09:37:45 pm »

CÙNG NHAU ĐI HỒNG BINH
(1930)

Nhạc và lời: ĐINH NHU


Lời 1:
Cùng nhau đi Hồng binh.
Đồng tâm ta đều bước.
Đừng cho quân thù thoát.
Ta quyết chí hy sinh.

Lời 2:
(Đời) ta không cần lo.
Nhà ta không cần tiếc.
Làm sao cho toàn thắng.
Ta mới sống yên vui.

Điệp khúc:
Nào anh em nghèo đâu.
Liều thân cho đời sống.
Mong thế giới đại đồng, tiến lên quân Hồng!
Đời… Hồng!


Nghe nhạc tại đây
Logged

Ai muốn mạnh khoẻ thì phải tập thể thao!
tuoithantien
Thành viên
*
Bài viết: 14



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 09:40:17 pm »

CỜ VIỆT MINH
(1941)

Nhạc và lời: VƯƠNG GIA KHƯƠNG


Lòng yêu nước quyết chiến đấu cho nòi giống ta.
Dậy lên mãu, hỡi ai dân tộc Việt Nam!
Thù nước mất, ta quyết trả xong bằng máu xương.
Thề cùng nhau quốc dân đồng tâm thống nhất.
Giết cho hết, đánh cho tan, đuổi cho xa đế quốc tàn ác đi.
Cầm tay nhau cùng xông lên, cùng giương cao lá cờ đỏ chói lấp lánh sao vàng.
Cờ Việt Minh phấp phới bay cao.
Cờ Việt Minh giải phóng quốc dân, xông pha trừ quân phát xít.
Việt Minh lớp lớp nhân dân, Việt Minh trí thức công nông.
Thẳng tiến phá tan đế quốc xâm lăng sài lang Nhật, Pháp.
Ngọn cờ Việt Minh ta nêu cao lên.
Logged

Ai muốn mạnh khoẻ thì phải tập thể thao!
tuoithantien
Thành viên
*
Bài viết: 14



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2008, 07:57:12 pm »

TIẾNG GỌI THANH NIÊN
(1941)

Nhạc: LƯU HỮU PHƯỚC

Lời 1:
Này anh em ới! Tiến lên đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng nhau ta đi sá gì thân sống.
Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên.
Thù kia chưa trả xong thì ta luôn cố bền.
Lầm than bao năm ta đau khổ biết mấy.
Vàng đá gấm vóc, loài muông thú cướp lấy.
Loài nó hút lấy máu đào chúng ta.
Làm ta gian nan, cửa nhà tan rã.
Bầu màu, nhắc tới đó, càng thêm nóng sôi.
Ta quyết thề phá tan quân dã man rồi.
Vung gươm lên, ta quyết đi tới cùng!
Vung gươm lên, ta thề đem hết lòng.
Tiến lên đồng tiến, sá chi đời sống.
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

Lời 2:
(Này sinh viên) ơi! Đứng lên đáp lời sông núi.
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối.
Kìa non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên.
Nào anh em Bắc Nam cùng nhau ta kết đoàn.
Hồn thanh xuân như gương trong sáng.
Đừng tiếc máu nóng, tài xin ráng.
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta.
Dù muôn chông gai, vững lòng chi sá.
Đường mới, kíp phóng mắt, nhìn xa bốn phương.
Tung cánh hồn thiếu niên, ai đó can trường.
Sinh viên ơi! Mau tiến lên dưới cờ.
Anh em ơi! Quật cường nay đến giờ.
Tiến lên cùng tiến, gió tung nguồn sống.
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng.

Lời 3:
(Này thanh niên) ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng.
Đòng lòng cung đi đi đi sá gì thân sống.
Nhìn non sông nát tan, thù nung tâm chí cao.
Nhìn muôn dân khóc than, hờn sôi trong máu đào.
Liều thân xông pha, ta tranh đấu.
Cờ nghĩa phấp phới, vàng pha máu.
Cùng tiến, quét hết những loài dã man.
Hầu đem quê hương thoát vòng u ám.
Thề quyết lấy máu nóng mà rửa oán chung.
Muôn thuở vì núi sông nêu tiếng anh hùng.
Anh em ơi! Mau tiến lên dưới cờ.
Sinh viên ơi! Quật cường nay đến giờ.
Tiến lên cùng tiến. Gió tung nguồn sống.
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa.


Chú thích:
- Lời 1: do Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước soạn tháng 4 năm 1941 trước năm 1945 chỉ hát bí mật.
- Lời 2: Là “Tiếng gọi sinh viên” do Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tất soạn cuối năm 1941, xuất bản năm 1943, rồi bị cấm.
- Lời 3: Do Hoàng Mai Lưu soạn tháng 4 năm 1945, xuất bản trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng 8-1945.
Logged

Ai muốn mạnh khoẻ thì phải tập thể thao!
donghai
Thành viên
*
Bài viết: 169


Vì nước quên thân - Vì dân quên mình


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 06:11:37 pm »



Bài hát Khỏe vì nước
Nhạc sĩ Hùng Lân
  Khoẻ vì nước
Tác giả: Hùng Lân

Lời bài hát:
Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia.
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.

Khỏe vì nước chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm.

Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ !
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng.
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới soi chung.
Dân sinh yếu nhược lôi ta đến đường vong quốc.
Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc.
Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần.
Cho dân trí quật cường và hưng phấn.
Nghìn đời không mờ ánh Duy Tân.

Nghe nhạc

http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Khoe-vi-nuoc-Nhieu-ca-si.IWZC8I0D.html

Đôi điều về nhạc sĩ Hùng Lân


Nhạc sĩ Hùng Lân tên thực là Hoàng Văn Cường, nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường (sau lại đổi là Hoàng Văn Hương) sinh ngày 23/6/1922 tại Hà Nội, quê gốc ở làng Hương Điền, tỉnh Sa Đéc. Ông nội nhạc sĩ là cụ Nguyễn Minh Châu từ Sa Đéc ra Hà Nội làm việc. Dường như nhạc sĩ Hùng Lân muốn gửi gắm nguồn gốc miền Nam của mình trong bài hát khá nổi tiếng khác của ông: “Việt Nam - minh châu trời Đông”  (giải nhất sáng tác toàn quốc năm 1944).

Từ năm 8 tuổi, Hùng Lân bắt đầu học nhạc và được tuyển vào ban hợp xướng Nhà thờ lớn Hà Nội. Từ 1934 đến 1945, Hùng Lân tiếp tục học nhạc tại chủng viện Hoàng Nguyên, rồi sau đó là đại chủng viện Saint Sulpice. Liên tiếp trong hai năm 1945 - 46, thân mẫu rồi đến thân phụ của Hùng Lân qua đời. Ông phải rời bỏ học để có điều kiện lo lắng cho gia đình vì các em còn nhỏ. Bút hiệu “Hùng Lân” được ghép từ hai tên của người em thứ năm và thứ tám của ông.

Hùng Lân dạy học ở trường Kẻ Giảng (cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số). Trong nhà thờ vùng đó, có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt. Đó chính là người bạn thân của Hùng Lân trong suốt hai năm 1945-46 và là nơi ông khai sinh ra nhiều bài hát nổi tiếng. Có lẽ hoàn cảnh lúc này của Hùng Lân có nhiều điểm giống với thầy giáo-nhạc sĩ Franz Xaver Gruber (1787-1863, người Áo), đồng tác giả với cha xứ Joseph Mohr của bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới: Stille Nacht, Heilige Nacht (Silent Night, Holy Night), nên ông đã là người đầu tiên viết lời Việt cho bài ca Giáng sinh đó, dưới tên gọi: “Đêm thánh vô cùng”.

Năm 1948, Hùng Lân dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An (Hà nội). Năm 1949, sách dạy âm nhạc khai tâm “Cây đàn sống” được ấn hành. “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ” (tức các lớp phổ thông cấp II ngày nay) cũng được nhà xuất bản này cho ra đời trong năm 1952, 1953. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau khi vào miền Nam, quê hương gốc của ông, năm 1956, Hùng Lân là một trong những người tham gia sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn (hiện nay là Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh). Ở đó, năm 1957, ông được bổ nhiệm dạy về Nhạc pháp (tức Ký xướng âm).
Sau ngày đất nước thống nhất, Hùng Lân dạy nhạc tại tư gia. Với tâm huyết của một nhà giáo, với lòng nhiệt thành và say mê âm nhạc của một nhạc sĩ, ông vẫn âm thầm cống hiến cho nền giáo dục âm nhạc của đất nước. Báo Thanh Niên, số cuối năm1989, đã ghi nhận như sau trong mục ”Guinness Việt Nam": “Một trong những người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý là nhạc sĩ Hùng Lân (Tp.HCM) để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh niên vào năm 1979”.

Nhạc sĩ Hùng Lân qua đời vào ngày 17/9/1986 trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn hữu và nhiều thế hệ học trò. Đã có khá nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng đã một thời học thầy Hùng Lân. Trong số đó có các ca sĩ Hồng Vân, Quý Dương, Nhà giáo Ưu tú - nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thúy Hoan, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Nhung (nguyên trưởng khoa Guitare-Accordéon-Orgue của Nhạc viện Tp.HCM)… Nhân dịp nghe giáo sư - nhạc sĩ Hoàng Đạm giới thiệu về bản fugue 3 bè viết cho piano của ông có tên “Khát vọng”, chúng tôi được nghe ông tâm sự: “Chủ đề của bài fugue này được lấy từ một giai điệu trong bài “Nguyện xin” mà tôi còn nhớ được trong những ngày theo học Ns. Hùng Lân, người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi về môn Ký xướng âm tại Hội Khuyến nhạc Hà Nội.  Đó là một trong những giai điệu đẹp nhất mà tôi còn giữ được cho đến nay”.

Bài hát "Khoẻ vì nước"

Đối với một ca khúc, lời ca giữ vai trò quan trọng. Một lời ca mang ý nghĩa sâu xa, có chất thơ, thường lưu lại trong lòng người nghe không kém gì một giai điệu hay. Như đã nói ở trên, bài hát này được gợi hứng từ lời dạy của Bác Hồ. Trong thư Bác Hồ gửi bộ trưởng Bộ Thanh niên thời đó để kêu gọi toàn dân tập thể dục có câu:
“Dân cường thì nước thịnh. Tự tôi ngày nào cũng tập…”
Hùng Lân đã viết thành lời ca được dệt nhạc rất hợp trong đoạn 2 của "Khoẻ vì Nước" :
“Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc
Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc”.

Lòng yêu nước cộng với thi hứng của người nghệ sĩ đã khiến Hùng Lân viết nên lời vừa mang tính thi ca thể hiện trong cách gieo vần, âm tiết, vừa mang tính hiện thực trong cách dùng từ rõ ràng, đơn giản nhưng súc tích, khác với lối văn hoa mỹ, sáo rỗng thường gặp trong lối hành văn của giới trí thức lúc bấy giờ.

“Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia/ Đoàn thanh niên ta góp tài ba/ Tạo nguồn dân sinh mới/ Hùng mạnh trong nam giới/ Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam//
Khỏe vì nước chí khí cương kiên/ Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên/ Trong khó nguy - can trường/ Sinh thác ta - coi thường/ Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm//"...

Xét về ngôn ngữ âm nhạc, về điệu thức, toàn bài bài "Khoẻ vì nước" được viết hoàn toàn trong điệu thức ngũ cung với chủ âm La, dạng I gọi là điệu Bắc, hơi Nhạc (Lễ):


    Hùng Lân không dùng một bậc nào khác ngoài các bậc chính của điệu thức trên đây, nhưng ông khéo vận dụng ở những quãng 8 khác nhau. Các quãng 7 gián tiếp, những bước đi quãng 2 tiếp theo, cùng chiều chuyển động với một quãng 4, hay quãng 5 (lên hay xuống), như trong ví dụ dưới đây, là những nét đặc thù của âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong "Khoẻ vì Nước".Mặc dù bài hát là môt hành khúc nhưng ông đã giữ nguyên được bản sắc dân tộc cho giai điệu, kết hợp một cách khéo léo với đặc tính về tiết tấu của âm nhạc Tây phương.

Một sáng tạo khác nữa của Hùng Lân trong ngôn ngữ âm nhạc là dùng những quãng 6 trưởng đi lên thay cho những quãng 4 đúng, quãng 5 đúng vốn thường được các nhạc sĩ phuơng Tây dùng để diễn tả sự hùng tráng, vinh quang trong giai điệu mở đầu cho các bản hành khúc. Quãng nhạc đầu tiên dệt lời “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia” là một quãng 6 trưởng vừa trong sáng vừa nên thơ.



    Trong cả ca khúc, những quãng 6 này thường được gặp nhiều nhất, làm cho bài hành khúc mang thêm tính lãng mạn. Chúng tôi càng cảm thấy thú vị khi thấy bài hát được viết ở điệu thức La với 3 dấu thăng , bởi đây chính là giọng phù hợp với âm vực phổ biến của người châu Á.

Về cấu trúc hình thức, “Khoẻ vì Nước” mang dáng dấp của thể ba đoạn: A -B - A. Trong đó, đoạn A gồm 2 câu từ “Khỏe vì nước…..” đến “anh dũng muôn năm” được phát triển theo thủ pháp lặp lại giai điệu chủ đề (motiv) có biến đổi (varied repetition) ở nửa sau của câu nhạc. Đoạn B có chủ đề gồm 5 nốt Do thăng cùng một quãng 8, được lặp lại với những trường độ bằng nhau (nốt móc đơn) tạo nên tính marcato tạo thành một lời khẳng định. Giai điệu chủ đề được phát triển tiếp tục bằng thủ pháp mô tiến (sequence), lặp lại nét nhạc ở quãng 2 thấp hơn. Tác giả dùng quãng 2 êm ái, nhẹ nhàng để mô tiến chứ không dùng quãng 3 vui tươi, hay quãng 4 có màu sắc hùng mạnh.

Như vậy, xét cả về ca từ lẫn âm nhạc, bài hát "Khoẻ vì Nước" của Hùng Lân đứng vững trong hơn nửa thế kỷ qua là một điều tự nhiên. Chúng ta có thể lấy bài hát làm mẫu mực cho việc sáng tác ca khúc, nhất là những ca khúc yêu nước mang tính xây dựng, tích cực, cổ động và giáo dục quần chúng. 

                                                                                       
                                                                           giaidieuxanh
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Bảy, 2009, 09:52:58 pm gửi bởi daibangden » Logged

Đông Hải

             

                Tổ quốc ta, dân tộc của chúng ta.
                Tuổi ấu thơ  hùng anh cho chí tuổi già.
dubravka
Thành viên

Bài viết: 0


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:20:42 am »

Bài Hát Kết Đoàn.

1. Tư liệu này lấy từ báo QĐND cuối tuần, ngày 23/05/2008.

Xuất xứ bài hát "Kết đoàn"

“Kết đoàn” là bài hát mà sinh thời Bác Hồ thường cho cả tập thể cùng hát trước khi Bác chia tay một cuộc họp mặt. Còn có một bức ảnh Bác cầm que nhạc trưởng chỉ huy (battre la mesure) cho dàn nhạc hòa tấu bài “Kết đoàn”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và cho đến tận sau hòa bình hàng chục năm, sinh hoạt tập thể nào của bộ đội, các đoàn thể quần chúng, dưới khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, đều hát vang bài “Kết đoàn”. Bài hát được Bác dùng như một lời nhắc nhở đoàn kết và được dùng rộng rãi như vậy, nhưng rất ít người biết tác giả là ai.

Xuất xứ
Lần đầu tiên tôi được đọc văn bản bài hát “Kết đoàn” là ở tập ca khúc in li-tô vào năm 1956, do các thầy đi học Trung cấp Sư phạm Khu học xá Việt Nam ở Quế Lâm, Trung Quốc mang về nước. Chỉ có nhạc và lời tiếng Việt, không ghi tác giả. Năm 1967, tôi tình cờ mua ở hiệu sách cũ Hà Nội được một tập nhạc Trung Quốc “Cách mạng quần chúng ca khúc tuyển”, “Đệ nhất tập”, “Thượng Hải nhân dân quảng bá điện đài âm nhạc tổ biên”, “Thượng Hải văn hóa xuất bản xã-1965”. Dịch là: “Tuyển tập ca khúc quần chúng cách mạng-tập I”, “Tổ âm nhạc đài phát thanh nhân dân Thượng Hải biên tập”, “Nhà xuất bản Văn hóa Thượng Hải-1965”.
Trong tập bài hát trên, trang 226 có bài “Đoàn kết tựu thị lực lượng”, “Mục Hồng từ, Lư Túc khúc, Chú: Thử ca tác vu 1943 niên”, viết bằng nhạc số là hình thức kí âm bằng chữ số đặc thù của nhạc Trung Quốc. Ví dụ: nốt Đô ghi là số 1. Rê=2. Mi=3. Pha=4. Sol=5. La=6. Si=7.
Dịch là: “Đoàn kết chính là sức mạnh”-“lời Mục Hồng-nhạc Lư Túc-Ghi chú: Bài ca này sáng tác vào năm 1943”.

Lời âm Hán Việt như sau:
“Đoàn kết tựu thị lực lượng-Đoàn kết tựu thị lực lượng. Giá lực lượng thị thiết. Giá lực lượng thị cương. Tỷ thiết hoàn ngạnh, tỷ cương hoàn cường. Triều trước Pháp-tây-tư đế khai hỏa, nhượng nhất thiết bất dân chủ đích chế độ tử vong. Hướng trước thái dương, hướng trước tự do, hướng trước tân Trung Quốc phát xuất vạn trượng quang mang”.
Hát theo âm Trung Quốc như sau:
“Thoán chía chiu sư li leng-Thoán chía chiu sư li leng. Trưa li leng sư thỉa, trưa li leng sư cang; pỉ thỉa hái ing, pỉ cang hái txiéng. Tsáo trưa Phả-xi-xư ti khai hủa. Giang y txia pu mín trủ ti trư tu xử oang. Xeng trưa thai yáng, xeng trưa chư yếu xeng trưa xin Trung Cúa pha tsu oang trang quang máng”.
Ba câu sau dịch nguyên văn là:
“Nhằm vào bọn Phát xít mà bắn, làm cho tất cả các chế độ phản dân chủ phải diệt vong. Hướng về mặt trời, hướng về tự do, hướng về nước Trung Quốc mới đang bừng lên ánh hào quang ngút trời”.
Bản dịch tiếng Việt hồi đó rất hay, phổ quát, nước nào cũng dùng được, không còn màu sắc Trung Quốc nữa:
“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh-Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang. Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”.
Bản dịch rất sáng tạo, phù hợp với nội dung cách mạng kháng chiến kiến quốc thời chống Pháp, và ta cứ tưởng là bài hát Việt Nam.

Ai dịch và từ bao giờ?
Chưa rõ. Ai biết và ai là dịch giả, xin lên tiếng để khỏi khuyết danh dịch giả. Điều chắc chắn là, bài hát này truyền vào Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp, tất nhiên là phải sau năm 1943 khi nó ra đời, và trước năm 1949 khi Cách mạng Trung Quốc thành công. Bởi vì trong kháng chiến chống Pháp, ta tiếp thu nhiều kinh nghiệm chiến thuật của bạn thì việc Việt hóa một bài hát của bạn có lợi cho kháng chiến và tư tưởng đoàn kết cũng không có gì lạ. Cũng giống như Tố Hữu đã dịch và được phổ biến bài thơ “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp (Liên Xô), hay bài “Tự do và ái tình” của Pê-tô-phi nước bạn cùng vào thời ấy.

Tóm lại: Bài “Kết đoàn” là bài hát Trung Quốc “Đoàn kết chính là sức mạnh”, lời của Mục Hồng, nhạc của Lư Túc, sáng tác năm 1943; khi truyền sang Việt Nam đã chuyển từ nhạc số sang nhạc khuông, và đã Việt hóa phần lời. Chắt lọc tinh hoa văn hóa quốc tế rồi sáng tạo, dùng lợi cho nước mình một cách kịp thời là cần thiết và đáng trân trọng.

Vũ Quốc Huệ


2. Sau đây là bài “Kết đoàn”, bản tiếng Việt do anh Thành Đức Hạnh trình bày.
Link:
http://www.mediafire.com/download.php?o1m4olotmlm
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM