Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:27:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tả quân Lê Văn Duyệt - Công hay tội?  (Đọc 25292 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đinh Phạm Kiều
Thành viên
*
Bài viết: 32


Dù rằng đời ta thích hoa hồng...


« vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 12:14:57 am »

Bạn đọc viết:    CÔNG HAY TỘI - LỊCH SỬ SẼ PHÁN XÉT
(Nhân đọc bài phóng sự: “Lăng mộ, đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Long Hưng. Chuyện xưa - chuyện nay & trách nhiệm của chúng ta!...” của tác giả Duy Sơn).
Đọc xong bài phóng sự trên, tôi rất cảm thán! Những gì tác giả Duy Sơn viết đều là tâm huyết của lớp hậu sinh, nặng lòng với tấm gương cống hiến, hy sinh và đạo cao, đức dày của các bậc tiền hiền như Tả Quân Lê Văn Duyệt. Từ chổ suy nghĩ về nơi sinh và chốn ở của Tả quân, tôi lục tìm trong số sách cũ mà tôi đã được học từ năm 1965! Đó là cuốn “Quốc sử lớp Tư” (lớp hai bây giờ) bản in theo tinh thần Chương trình tiểu học sửa đổi bởi Nghị định số 1.005-GD/NĐ ngày 16/7/1959…mà tôi vẫn còn giữ. Mặc dù trải bao năm tháng, nó vẫn còn khá tốt để có thể đọc được tất cả các bài học lịch sử, biết được gương sáng của các bậc tiền nhân. Tôi xin được chép nguyên trang bài học sử về Tả quân Lê Văn Duyệt (trang 82 – 83) cho bạn đọc rộng đường suy luận:
Trí dũng hơn người
Tả quân Lê Văn Duyệt (Định Tường)
1).Lê Văn Duyệt quê quán tỉnh Định Tường. Thân phụ trước ở làng Hoà Khánh, sau dời sang làng Long Hưng. Thuở trẻ, thân hình thấp bé, nhưng thông minh, khoẻ mạnh, võ nghệ tinh thông. Ông thường nói: “Sanh ở thời loạn mà không làm nên đại tướng lưu danh trong sử sách thì không phải là tài trai!”
2).Lớn lên, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn, lập nhiều võ công oanh liệt: đốt tan chiến thuyền của quân địch (Tây Sơn) ở cửa Thị Nại, đánh chiếm thành Phú Xuân và thu phục Bắc Hà.
 Ông lại có công nhiều lần dẹp giặc Miên ở miền Nam và loạn Mán ở Quảng Ngãi.
3).Ông được phong Tả quân Quận công và cử làm Tổng trấn Gia Định. Ông giúp vua Miên đánh đuổi người Xiêm.
Oai danh ông lừng lẫy, người Xiêm và người Miên rất kính trọng ông.
4).Ông tánh ngay thẳng, can vua Gia Long không nên lập vua Minh mạng. Vì lẽ ấy, khi ông mất vua Minh Mạng kiếm cớ buộc tội và sai san bằng mộ ông. Mãi đến triều Tự Đức ông mới được giải oan.
Hiện nay, lăng và đền thờ ông còn tại Gia Định, quanh năm dân chúng lễ bái rất đông.
5).Tả quân Lê Văn Duyệt thật là một vị tướng trí dũng và cương trực.
Tôi chép nguyên trang, cả những câu xuống dòng, đánh số…Thế thì, việc Tả quân Lê văn Duyệt quê quán chính gốc là ở đâu? Sau khi ông mất được an táng nơi nào? Cũng vẫn là một dấu hỏi! Chưa ai xác định được ông có phải là dân chính gốc Định Tường (xưa) và Tiền Giang (nay) hay không?
Nhưng cứ theo sử viết, thì ông theo phò chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) để đánh nhau với quân Tây Sơn! Mà quân Tây Sơn là một đạo quân của triều đình đương thời, do anh hùng “áo vải - cờ đào” Nguyễn Huệ dày công gây dựng. Cũng có thể sau khi Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1789 – 1792) mất, con là Cảnh Thịnh Hoàng đế Quang Toản (1793 – 1802) kém đức, cậu là Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, các quan kèn cựa địa vị không trung với nước, làm mất lòng dân đi nữa, thì Tây Sơn vẫn là triều đại chính thống. Các danh tướng Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân vốn vẫn được các soạn giả cải lương viết thành tuồng tích, ca ngợi như những vị anh hùng…vậy mà, Trần Quang Diệu vì âm mưu phế lập Quang Toản mà bị giết! Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh cho voi dày! Đến nỗi, công chúa Ngọc Hân (chính cung Hoàng Hậu triều Tây Sơn) - sau khi nhà Tây Sơn lục đục nội bộ rồi bị mất – đã phải đổi tính danh sống lẫn vào với dân chúng ở Quảng Nam. Bị phát hiện và bị bắt, hai con là Hoàng tử Nguyễn Văn Đức và Công chúa Nguyễn Thị Ngọc bị thắt cổ chết. Hoàng hậu Ngọc Hân phải uống thuốc độc quyên sinh năm Kỷ Mùi (1799), năm đó bà vừa tròn…29 tuổi! Mùa đông năm 1802, Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo tế miếu, trả thù Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và hèn hạ. Quang Toản và những người thân bị hành hình…ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây, mọi dấu ấn Tây Sơn - một triều đại từng chiến thắng quân Xiêm trận Rạch Gầm – Xoài Mút; dẹp tan quân Mãn Thanh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 - đều bị Nguyễn Ánh xoá sạch! Như vậy, Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn là công hay tội với đất nước (lúc bấy giờ)? Đành rằng, thân làm tướng “ai vì chúa nấy” nhưng trong sự sụp đổ của nhà Tây Sơn, ngoài việc triều đại thoái hoá, suy đồi hèn yếu ra, còn có sự góp công đắc lực của các danh tướng của Nguyễn Ánh như: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê văn Duyệt…v..v..
Lại nghe, nhà hát kịch TP.HCM quyết định đưa vở Tả quân Lê Văn Duyệt lên sàn tập, quy tụ hơn 100 diễn viên, với kinh phí 1 tỷ đồng. Chọn nghệ sĩ Quyền Linh (người Long Hưng, vốn được cho là cùng quê với đức Tả quân) đóng vai Lê văn Duyệt liệu có nên không? Như ai ai từng đọc sử Việt cũng biết: Lê Văn Duyệt thân hình thấp bé (!) nhưng giỏi võ nghệ, thì với một Quyền Linh cao to, râu ria có hợp với vai tả quân? Vì mọi người đều biết Tả quân Lê Văn Duyệt vốn là…quan thị!
   Nói cho cùng, việc minh oan, hay buộc tội cho một người hãy cứ để cho lịch sử phán xét. Tả quân Lê Văn Duyệt có công hay tội rồi đây lịch sử cũng sẽ minh chứng. Riêng tôi, kẻ hậu sinh nhân thấy việc Tả quân được báo chí nhắc nhở, và đạo diễn Doãn Hoàng Giang phán một câu : “Nhân dân không thờ sai ai bao giờ!” cũng chỉ có bài viết này và vài nhận xét về vai diễn của NS.QL mà thôi Việc xét công tội là của nhân dân và các nhà sử học tiền bối, kẻ hậu sinh nào dám lạm bàn.Nếu có chổ nào không hợp lý, mong các bậc cao minh đánh cho hai chữ “đại xá”!Xin chân thành cảm ơn./.

Đinh Phạm Kiều
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Một, 2008, 08:42:54 am gửi bởi dongadoan » Logged
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2008, 08:12:09 am »

caytrevietnam nầy, bài của anh về Lời hiệu triệu của Nguyễn Huệ. Đinh Phạm Kiều thì bàn về Lê Văn Duyệt và hơn thế nữa, vậy có trái chìa không? Ta có thể nhân đây trao đổi về "quan điểm lịch sử" đối với một số vấn đề lịch sử chăng? Cái nầy thầy chú còn cải nhau chán nhưng ta cũng có thể trò chuyện với nhau, nhưng chẳng biết ở đau.
Logged
caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2008, 10:52:32 pm »

Vấn đề về cụ Lê Văn Duyệt, ông là người có tài. Việc đề cao người này không có nghĩa là hạ thấp uy thế của người kia, dù người đó là đối thủ.

Theo nhà cháu thì Lê Văn Duyệt được nhân dân tôn thờ,sùng kính không phải vì ông có công diệt Tây phục Nguyễn mà chính là mấy lần làm tổng trấn Gia Định,cai quản cả miền Nam rộng lớn ông đã có công tạo dựng sự yên ổn cho đời sống nhân dân. Cai trị khoan dung nhưng nghiêm khắc công bằng, tiêu biểu là vịệc chém đầu cha vợ Minh Mạng chẳng hạn; bọn cướp bóc sợ ông 1 vành, đâu có dám hoành hành, các nước lân bang nghe danh ông mà khiếp vía, họ gọi ông là "cọp gấm Gia Định", người Tây đến đều được đối đãi tử tế, ... Nói chung là hầu hết đều ấn tượng về 1 con người nhỏ bé, nhưng có đôi mắt sáng, ánh nhìn khiến nhiều kẻ nể sợ.

Các bác có thể đọc các câu chuyện về ông trong chính sử nhà Nguyễn, hoặc các bài viết, tác phẩm về ông như cuốn sách: Lê Văn Duyệt-Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng ông

Về vấn đề sân khấu hóa, 1 phần do sự tắc trách, kém hiểu biết của đạo diễn hoặc do thiếu diễn viên có thể đảm trách vai diễn nên nhiều khi nếu so với lịch sử thì vở diễn đó sai bét, ai đời bà Dương Vân Nga trên sân khấu nhìn già khọm trong khi sử chép việc khoác áo bào lên người Lê Hoàn bà còn trẻ ko à  Grin. Hay hình tượng cụ Lý Thường Kiệt oai phong lãm liệt, râu dài...kekekeke trong khi lịch sử chép rành rành cụ vốn là hoạn quan. Do đó vở về Lê Văn Duyệt mà bác nói ấy, nó cũng theo cái lối mòn như nhà cháu nói ở trên, còn thực ra cụ Duyệt không phải là hoạn quan nhưng do bẩm sinh, nói hơi tục 1 tý (cụ tha lỗi) Grin, ấy là sinh ra không có giái hoặc giái teo nên cũng coi như là hoạn quan và được Nguyễn Ánh trọng dụng
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2008, 09:24:31 am »

Tôi chép nguyên trang, cả những câu xuống dòng, đánh số…Thế thì, việc Tả quân Lê văn Duyệt quê quán chính gốc là ở đâu? Sau khi ông mất được an táng nơi nào? Cũng vẫn là một dấu hỏi! Chưa ai xác định được ông có phải là dân chính gốc Định Tường (xưa) và Tiền Giang (nay) hay không?

Theo ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN (Chính biên, Sơ tập - Quyển 22, Truyện các quan) do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn thì :

"Lê Văn Duyệt tổ tiên là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cha là Toại dời đến ở tỉnh Định Tường, sinh được 4 con trai, Duyệt là con trưởng sinh ra vẫn không dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực. Năm 14, 15 tuổi thường tự than thở rằng sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử không phải là trượng phu vậy. Năm Canh Tý (1780) Thế Tổ lên ngôi chúa ở Gia Định, Duyệt năm ấy 17 tuổi, tuyển dụng làm Thái giám...

...Trước mả Duyệt ở Gia Định, tự năm Minh Mạng 16 (1835) thành Phiên An đã phá rồi, hoặc khi trời tối đêm tĩnh có tiếng ma khóc, hoặc có tiếng rộn rịp như người ngựa đi, dân ở đấy không dám đến gần, người đi đường cũng đi quanh xa chỗ ấy, để tránh, đến bây giờ bèn sai quan địa phương cất cái bia đá chỗ mả Duyệt đi, cho con cháu tự sửa đắp mả ấy, cái tiếng kêu khóc tảo tạp ban đêm bèn mất hẳn....". 
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười Một, 2008, 09:35:56 am gửi bởi hoi_ls » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2008, 09:24:13 pm »


Đưa một bài viết trên vannghesongcuulong.org để các bạn tham khảo thêm:

Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế
     

Có nhiều danh tướng phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhưng có bốn vị đại tướng được xem là đệ nhất công thần của Triều Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Đó là: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Tả quân Lê Văn Duyệt. Số phận lịch sử cuộc đời của bốn vị đệ nhất công thần của Triều Gia Long khác nhau: Nguyễn Văn Thành bị Vua Gia Long ép uống thuốc độc tự tử vào năm 1817. Nguyễn Huỳnh Đức sau khi mất (1819) được đưa vào thờ trong miếu Trung Hưng công thần tại kinh đô. Võ Tánh thì tự thiêu cố thủ thành Bình Định mất vào năm 1801cũng được đưa vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần của Triều Nguyễn. Riêng Tả quân Lê Văn Duyệt có một số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít. Những người có cảm tình với Nhà Tây Sơn thì xem Lê Văn Duyệt như một tên tội đồ, một người thân Pháp và Thiên chúa giáo. Các sử gia Triều Nguyễn từng thời kỳ củng bất nhất và có phần khắt khe trong đánh giá về Lê Văn Duyệt. Có thời thì xem ông như một tội phạm của triều đình. Cũng có thời Lê Văn Duyệt được xem là một tướng lừng danh có nhiều công lao to lớn đối với Triều Nguyễn và đất nước. Về sau này, có thời mà tư tưởng dân tộc cực đoan và quá khích thì người ta xoá sạch công lao của Lê Văn Duyệt ! Vậy đâu là sự thật của lịch sử ? Lê Văn Duyệt sinh năm 1763, nguyên quán ở làng Bồ Đề huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Từ đời nội tổ của ông đã di cư vào Nam sinh sống tại Định Tường. Lê Văn Duyệt đã có công phò tá Nguyễn Phúc Ánh được phong làm Cai cơ. Ông đã lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân lạp (Campuchia). Lần thứ hai, vào năm 1820, ông lại được cử làm tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832). Lê Văn Duyệt mất khi còn đang tại chức, thọ 69 tuổi.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta. Thì chính Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Gia Định thành và cả miền Nam bắt đầu từ Bình Thuận trải dài đến mũi Cà Mau thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục, nạn trộm cướp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng ra sức cải tạo, xây dựng đồng ruộng phì nhiêu, xây dựng làng, xã. Ông chăm lo đến đời sống của dân chúng và binh sĩ; đồng thời, trừng trị rất nặng bọn tham quan ô lại, và quân trộm cướp. Đối với một số người lầm lỡ vào con đường trộm cướp, tội phạm, ông tỏ ra là người bao dung, vỗ về, cảm hoá họ trở về con đường làm ăn chân chính. Chính vì vậy, trong thời kỳ Lê Văn Duyệt thay mặt triều đình quản lý thành Gia Định và cả miền Nam, đời sống nhân dân ở đây được an cư thịnh vượng.

Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.

Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước, lo phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta. Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt đã viết về ông như sau: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”. Và, Crawfurd đã tả đời sống của Gia Định như sau: “Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…”

Năm 1825, trong lúc Minh Mạng và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển. Thì, Lê Văn Duyệt đã áp dụng chính sách mềm dẽo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo. Ông vẫn để người ta sống yên bình và truyền đạo. Lê Văn Duyệt chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để ổn định chính trị và xã hội.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng: Lê Văn Duyệt có mưu đồ tách Nam kỳ khỏi sự quản lý của triều đình, Lê Văn Duyệt không phục vua Minh Mạng và vua Minh Mạng cũng không thích Lê Văn Duyệt,… Điều này đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử. Nhưng có một sự thật lịch sử được công nhận: Lê Văn Duyệt là một người luôn luôn trung thành với Gia Long. Sách Đại Nam liệt truyện đã nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “Duyệt là huân cựu đại thần được dự nhận lời vua Gia Long dặn lại việc triều chính, triều đình dựa làm trọng”. Còn đối với vua Minh Mạng thì như thế nào?. Nam kỳ là vùng đất khai sáng của triều Nguyễn, có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, có tiềm năng về kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước. Lịch sử đã đánh giá: Minh Mạng là một ông vua thông minh, quả cảm, hết lòng lo việc nước. Nhưng, cũng là một ông vua chuyên chế, nghiêm khắc. Một người có uy quyền mà ít độ lượng,... Nếu Minh Mạng không tin tưởng vào sự trung thành của Lê Văn Duyệt thì chắc chắn nhà vua sẽ không bao giờ cử ông vào trấn giữ thành Gia Định và cả Nam kỳ. Năm 1823, Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Các địa phương đều được chia thành cấp tỉnh. Nhưng với Gia Định, vua vẫn để Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn. Sách Đại Nam liệt truyện nêu rõ: Vua Minh Mạng có sự biệt đãi đối với Lê Văn Duyệt: “Duyệt lai kinh chúc hổ, Vua đãi hậu hơn, lúc thoái chầu, vua đưa mắt tiễn,…”. Năm 1827, Minh Mạng đã từng nói với các cận thần: “người ta nói Lê Văn Duyệt xuất tích cương lệ, nay trẫm xem ra thì Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được, những tính bình nhật cương lệ, đều rửa sạch hết, không ngờ tuổi già lại hay tu tỉnh như thế”. Và nhà vua cho Duyệt tiếp tục trấn nhậm Gia Định với lời dụ: “Gia Định là trọng trấn phương Nam, Duyệt không nên vắng mặt lâu. Người này vẫn được người Xiêm sợ. Nay lại giữ một mặt ấy có thể hùng dũng như hổ báo ở núi...”. Sách Đại Nam liệt truyện còn ghi rõ: Minh mạng nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “nắm giữ biên cương tây Nam không ai bằng Duyệt. Uy lực đối với Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng không ai bằng Duyệt. Duyệt ngồi đó trẩm yên lòng…”. Điều này cho thấy Minh Mạng rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Lê Văn Duyệt. Và, như thế chứng tỏ suốt đời mình, Lê Văn Duyệt vẫn một lòng với triều đình, một lòng với lợi ích của đất nước và dân tộc.

Bi kịch và nỗi hàm oan của Lê Văn Duyệt chỉ xảy ra sau khi ông qua đời! Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng mới bãi chức Tổng trấn thành Gia Định, đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh như ở các tỉnh trong cả nước.

Khi còn sống, Lê Văn Duyệt là một con người đầy uy quyền, ai cũng kính phục. Tính khí của ông cương trực, nóng nảy và rất ghét bọn tham quan ô lại, xu nịnh. Chính vì vậy, có nhiều người không thích ông. Bạch Xuân Nguyên vốn là một người tham lam tàn ác, khi được bổ nhiệm làm Bố chánh Gia Định (Phiên An) đã truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, bắt người nhà và tôi tớ của Lê Văn Duyệt giam giữ, tra khảo để tìm chứng cứ kết tội Lê Văn Duyệt.Trong những người bị bắt có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Khôi tên thật là Bế Văn Khôi (không rõ năm sinh) vốn là một thổ hào ở Cao Bằng, từng nổi loạn, đổi họ là Nguyễn Hựu Khôi, theo nhóm phản loạn ở Nghệ An. Khi Lê Văn Duyệt lãnh chức kinh lược sứ Nghệ An đem quân đi dẹp loạn đã cảm hoá và thu nhận Nguyễn Hựu Khôi làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Khôi. Sau này, khi trấn nhậm Gia Định, Lê Văn Duyệt đưa Lê Văn Khôi đi theo và cho làm đến chức Phó vệ úy. Lê Văn Khôi là một con người có sức khoẻ tay không đánh được cọp dữ.

Bị bắt giam, Lê Văn Khôi tức giận, bèn cấu kết cùng mấy người thân tín nổi lên làm binh biến. Đêm ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi cùng những người lính của mình phá ngục, rồi vào Dinh Bố chánh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu cũng bị Lê Văn Khôi giết chết. Lợi dụng uy tín của Lê Văn Duyệt, vận động nhân dân và binh lính, liên kết với một số chức sắc Thiên chúa giáo là người ngoại quốc, Lê Văn Khôi bèn tự xưng mình là Bình Nam đại nguyên soái, tự phong Tướng cho những người cùng cánh, bổ nhiệm quan chức như một triều đình riêng. Chỉ trong vòng 6 tháng, Lê Văn Khôi đã đánh chiếm được 6 tỉnh ở Nam kỳ. Triều đình liền cử Tống Phước Lương làm Thảo nghịch Tả tướng quân phối hợp cùng với các tướng: Phan Văn Thúy, Trương Minh Giản và Trần Văn Năng tập trung thủy bộ binh tượng tiến đánh Lê Văn Khôi. Lê Văn khôi biết không thể chống nổi, nên chạy vào thành Phiên An cố thủ và sai người cầu cứu quân Xiêm La. Quân triều đình một mặt thì đánh đuổi quân Xiêm La, một mặt thì vây đánh thành Phiên An. Đến tháng chạp năm Qúy Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi bị bệnh chết. Những người theo Lê Văn Khôi tôn con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu lên làm thủ lãnh, tiếp tục chống cự với triều đình. Mãi đến tháng 7 năm 1835, quân triều đình mới hạ được thành Phiên An, đánh tan được những người theo Lê Văn Khôi. Quân triều đình bắt sống hơn 1.831 người và xử tử toàn bộ. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu và Linh mục Marchand (còn gọi là Cố Du) bị giải về kinh thành Huế để xử lăng trì. Vì vụ án của Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt bị liên đới trách nhiệm. Một số quan đại thần trong triều đã quy trách nhiệm cho Lê Văn Duyệt là người nuôi mầm mống phản loạn. Minh Mạng là ông vua chuyên chế, thể hiện uy quyền và răn đe các nhóm chống đối khác đã xoá sạch mọi chức tước của Lê Văn Duyệt và lệnh cho Tổng đốc Gia Định đến phần mộ của Lê Văn Duyệt san bằng, đặt xích sắt xiềng mộ và khắc đá dựng bia. Ở trên bia viết: “chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho xoá bỏ xiềng và đắp lại mộ của Lê Văn Duyệt. Mãi đến 13 năm sau, nỗi oan của Lê Văn Duyệt mới được cởi bỏ. Năm 1848, theo nguyện vọng của nhân dân và các vị quan trung trực tại triều đình, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin minh oan cho Lê Văn Duyệt. Tự Đức ban chiếu rửa sạch tội lỗi và truy phục nguyên tước, hàm cho Lê Văn Duyệt là : Vọng các Công thần Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân quận công.

Có thể nói qua hơn 175 năm (1833 – 2008), qua từng thời kỳ, nhiều sử sách đánh giá khác nhau về cuộc đời danh tướng Lê Văn Duyệt. Nhưng, đối với nhân Gia Định và cả miền Nam, Lê Văn Duyệt vẫn là một người có nhiều công đức đối với nhân dân và đất nước. Hình ảnh, cuộc đời, chiến công của Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Nhân dân coi ông như một vị thần. Qua bao đời nay hình tượng Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Từ năm 1848 đến nay trải qua gần 160 năm, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Lăng Ông Lê Văn Duyệt toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500 mét vuông ở Bình Hoà – Gia Định, nay là 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1 - Quận Bình Thạnh – TP.Hồ Chí Minh. Lăng Ông đã trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam. Lê Văn Duyệt sống mãi trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định và miền Nam nước Việt.

Năm 2000, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Xưa và Nay đã mở Hội thảo về Lê Văn Duyệt. Qua cuộc Hội thảo, các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước đều có chung một nhận định: “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó”.

Lê Ngọc Trác
Logged
Đinh Phạm Kiều
Thành viên
*
Bài viết: 32


Dù rằng đời ta thích hoa hồng...


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 03:42:52 pm »

Bạn đọc viết:    CÔNG HAY TỘI - LỊCH SỬ SẼ PHÁN XÉT
(Nhân đọc bài phóng sự: “Lăng mộ, đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Long Hưng. Chuyện xưa - chuyện nay & trách nhiệm của chúng ta!...” của tác giả Duy Sơn đăng trên báo Ấp Bắc).

Đọc xong bài phóng sự trên, tôi rất cảm thán! Những gì tác giả Duy Sơn viết đều là tâm huyết của lớp hậu sinh, nặng lòng với tấm gương cống hiến, hy sinh và đạo cao, đức dày của các bậc tiền hiền như Tả Quân Lê Văn Duyệt. Từ chổ suy nghĩ về nơi sinh và chốn ở của Tả quân, tôi lục tìm trong số sách cũ mà tôi đã được học từ năm 1965! Đó là cuốn “Quốc sử lớp Tư” (lớp hai bây giờ) bản in theo tinh thần Chương trình tiểu học sửa đổi bởi Nghị định số 1.005-GD/NĐ ngày 16/7/1959…mà tôi vẫn còn giữ. Mặc dù trải bao năm tháng, nó vẫn còn khá tốt để có thể đọc được tất cả các bài học lịch sử, biết được gương sáng của các bậc tiền nhân. Tôi xin được chép nguyên trang bài học sử về Tả quân Lê Văn Duyệt (trang 82 – 83) cho bạn đọc rộng đường suy luận”

Trí dũng hơn người
Tả quân Lê Văn Duyệt (Định Tường)
1).Lê Văn Duyệt quê quán tỉnh Định Tường. Thân phụ trước ở làng Hoà Khánh, sau dời sang làng Long Hưng. Thuở trẻ, thân hình thấp bé, nhưng thông minh, khoẻ mạnh, võ nghệ tinh thông. Ông thường nói: “Sanh ở thời loạn mà không làm nên đại tướng lưu danh trong sử sách thì không phải là tài trai!”
2).Lớn lên, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn, lập nhiều võ công oanh liệt: đốt tan chiến thuyền của quân địch (Tây Sơn) ở cửa Thị Nại, đánh chiếm thành Phú Xuân và thu phục Bắc Hà.
 Ông lại có công nhiều lần dẹp giặc Miên ở miền Nam và loạn Mán ở Quảng Ngãi.
3).Ông được phong Tả quân Quận công và cử làm Tổng trấn Gia Định. Ông giúp vua Miên đánh đuổi người Xiêm.
Oai danh ông lừng lẫy, người Xiêm và người Miên rất kính trọng ông.
4).Ông tánh ngay thẳng, can vua Gia Long không nên lập vua Minh mạng. Vì lẽ ấy, khi ông mất vua Minh Mạng kiếm cớ buộc tội và sai san bằng mộ ông. Mãi đến triều Tự Đức ông mới được giải oan.
Hiện nay, lăng và đền thờ ông còn tại Gia Định, quanh năm dân chúng lễ bái rất đông.
5).Tả quân Lê Văn Duyệt thật là một vị tướng trí dũng và cương trực.

Tôi chép nguyên trang, cả những câu xuống dòng, đánh số…Thế thì, việc Tả quân Lê văn Duyệt quê quán chính gốc là ở đâu? Sau khi ông mất được an táng nơi nào? Cũng vẫn là một dấu hỏi! Chưa ai xác định được ông có phải là dân chính gốc Định Tường (xưa) và Tiền Giang (nay) hay không?
Nhưng cứ theo sử viết, thì ông theo phò chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) để đánh nhau với quân Tây Sơn! Mà quân Tây Sơn là một đạo quân của triều đình đương thời, do anh hùng “áo vải - cờ đào” Nguyễn Huệ dày công gây dựng. Cũng có thể sau khi Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1789 – 1792) mất, con là Cảnh Thịnh Hoàng đế Quang Toản (1793 – 1802) kém đức, cậu là Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, các quan kèn cựa địa vị không trung với nước, làm mất lòng dân đi nữa, thì Tây Sơn vẫn là triều đại chính thống. Các danh tướng Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân vốn vẫn được các soạn giả cải lương viết thành tuồng tích, ca ngợi như những vị anh hùng…vậy mà, Trần Quang Diệu vì âm mưu phế lập Quang Toản mà bị giết! Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh cho voi dày! Đến nỗi, công chúa Ngọc Hân (chính cung Hoàng Hậu triều Tây Sơn) - sau khi nhà Tây Sơn lục đục nội bộ rồi bị mất – đã phải đổi tính danh sống lẫn vào với dân chúng ở Quảng Nam. Bị phát hiện và bị bắt, hai con là Hoàng tử Nguyễn Văn Đức và Công chúa Nguyễn Thị Ngọc bị thắt cổ chết. Hoàng hậu Ngọc Hân phải uống thuốc độc quyên sinh năm Kỷ Mùi (1799), năm đó bà vừa tròn…29 tuổi! Mùa đông năm 1802, Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo tế miếu, trả thù Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và hèn hạ. Quang Toản và những người thân bị hành hình…ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây, mọi dấu ấn Tây Sơn - một triều đại từng chiến thắng quân Xiêm trận Rạch Gầm – Xoài Mút; dẹp tan quân Mãn Thanh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 - đều bị Nguyễn Ánh xoá sạch! Như vậy, Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn là công hay tội với đất nước (lúc bấy giờ)? Đành rằng, thân làm tướng “ai vì chúa nấy” nhưng trong sự sụp đổ của nhà Tây Sơn, ngoài việc triều đại thoái hoá, suy đồi hèn yếu ra, còn có sự góp công đắc lực của các danh tướng của Nguyễn Ánh như: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê văn Duyệt…v..v..

Lại nghe, nhà hát kịch TP.HCM quyết định đưa vở Tả quân Lê Văn Duyệt lên sàn tập, quy tụ hơn 100 diễn viên, với kinh phí 1 tỷ đồng. Chọn nghệ sĩ Quyền Linh (người Long Hưng, vốn được cho là cùng quê với đức Tả quân) đóng vai Lê văn Duyệt liệu có nên không? Như ai ai từng đọc sử Việt cũng biết: Lê Văn Duyệt thân hình thấp bé (!), thì với một Quyền Linh cao to, râu ria có hợp với vai tả quân? Vì mọi người đều biết Tả quân Lê Văn Duyệt vốn là…quan thị!
   
Nói cho cùng, việc minh oan, hay buộc tội cho một người hãy cứ để cho lịch sử phán xét. Tả quân Lê Văn Duyệt có công hay tội rồi đây lịch sử cũng sẽ minh chứng. Riêng tôi, kẻ hậu sinh nhân thấy việc Tả quân được báo chí nhắc nhở, và đạo diễn Doãn Hoàng Giang phán một câu : “Nhân dân không thờ sai ai bao giờ!” cũng chỉ có bài viết này và vài nhận xét về vai diễn của NS.QL mà thôi Việc xét công tội là của nhân dân và các nhà sử học tiền bối, kẻ hậu sinh nào dám lạm bàn.Nếu có chổ nào không hợp lý, mong các bậc cao minh đánh cho hai chữ “đại xá”! Xin chân thành cảm ơn./.

Phạm Kiều
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 04:06:45 pm »

Ủa, Bài này của bác Kiều nhớ queng queng?  Grin
-----------------------
Logged
Đinh Phạm Kiều
Thành viên
*
Bài viết: 32


Dù rằng đời ta thích hoa hồng...


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2008, 10:13:52 am »

Ủa, Bài này của bác Kiều nhớ queng queng?  Grin
-----------------------
Ừa! hôm trước tớ "lỡ" đăng trong "cây tre Việt nam" bị các bác cự nự đó! Grin Grin Grin
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2008, 10:17:56 am »

Ủa chứ không phải ngay trong topic này ah, bác?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 02:26:58 pm »

Bi kịch của tả quân Lê Văn Duyệt triều Nguyễn


Ngày 4/2/2008, bức tượng toàn thân Tả thần chưởng cơ Lê Văn Duyệt đã chính thức được an vị tại lăng Lê Văn Duyệt, thường gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu, số 1, đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Việc đặt tượng ông đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc tranh cãi ồn ào hàng trăm năm quanh hai chữ công hay tội đối với bậc khai quốc công thần triều Nguyễn này.



Tả quân Lê Văn Duyệt tại Lăng Ông Bà Chiểu


Công thần triều Nguyễn

Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Dòng họ ông vốn quê gốc ở tỉnh Quảng Ngãi, đến đời ông nội là Lê Văn Hiếu mới di cư vào Nam Bộ. Sau khi sinh Lê Văn Duyệt, ông Lê Văn Toại, cha ông mới dời nhà về vùng Rạch Gầm, nay thuộc làng Long Hưng, tỉnh Tiền Giang.

Bức tượng Lê Văn Duyệt vừa khánh thành được đúc bằng đồng, cao 2,7m, nặng 2,8 tấn, do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện. Tượng mô tả ông theo đúng chân dung được vẽ trên tờ giấy bạc của miền Nam  trước 1975. Trong đó, Đức Tả quân là người có khuôn mặt sáng, nhân từ, cái nhìn thấu thị. Thanh gươm đặt ngang trước bụng giới thiệu ông là một võ tướng, sự nghiệp gắn với những võ công hiển hách. Thế nhưng, ông lại là một người gầy gò, mày râu nhẵn nhụi. Điều này phù hợp với thực tế: bẩm sinh Lê Văn Duyệt là người ái nam ái nữ.

Thuở nhỏ, Lê Văn Duyệt ít học hành chữ nghĩa, chỉ mê mải chọi chim, bắt cá và rất ham thích hát bội, đá gà. Tuy nhiên, ông là người có chí lớn thích học võ và rất giỏi võ. Năm 15 tuổi, Lê Văn Duyệt từng tuyên bố: "Sinh ở thời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là bậc trượng phu".

Trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, trong một đêm mưa to gió lớn năm 1781, thuyền của Nguyễn Ánh đã bị đắm gần vàm Trà Lọt, được Lê Văn Duyệt phát hiện bơi ra cứu thoát và đưa cả đám quan chúa về nhà tá túc. Năm đó, Lê Văn Duyệt 17 tuổi. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Ánh nhận ông làm thái giám, sau phong lên chức Cai cơ coi sóc nội binh.

Ít học nhưng Lê Văn Duyệt lại là một bậc kỳ tài quân sự. Ông đã theo phò Nguyễn Ánh Nam chinh Bắc chiến, lập nhiều công lao hãn mã trong việc đánh đuổi nhà Tây Sơn. Từ năm 1789, ông được Nguyễn Ánh đặt vào hàng tín tướng, cho dự bàn những việc cơ mật đại sự.

Tháng 1/1801, Lê Văn Duyệt lập công to khi cùng nhiều dũng tướng khác của nhà Nguyễn hạ thành Qui Nhơn, thu tóm thành Diên Khánh và phủ Bình Khương. Đến tháng 5/1801, khi Nguyễn Ánh dẫn đại thủy quân ra vào cửa Tư Dung, ông lại cầm quân đại phá quân Tây Sơn, bắt sống phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách, sau đó đuổi vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn chạy dài ra Bắc.

Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Gia Long hoàng đế (1802), ông được phong Khâm sai Chưởng tả quân dinh Bình Tây tướng quân, thường gọi là Tả quân. Vâng lệnh Gia Long, ông đã cùng với Thống chế Lê Chất dẫn quân bình định và thu phục được đất Bắc Hà chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Năm 1813, ông được Gia Long giao làm Tổng trấn Gia Định, quyền lực bao trùm lên cả đất Bình Thuận phía Bắc và xứ Hà Tiên ở phía Nam. Để củng cố sức mạnh nơi phên giậu, ông đã cho đắp thành Phiên An bằng đá ong với thành cao, hào sâu làm nơi trấn thủ, đến năm 1830 thì hoàn tất. Nhân dân kính trọng, gọi ông là "Ông lớn Thượng". Các nước lân bang cũng nể sợ, gán cho ông danh xưng "Cọp gấm Đồng Nai".

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hoặc đại khánh vua nhà Nguyễn, vua nước Cao Miên phải đích thân sang thành Phiên An chúc tụng. Riêng dịp Tết, vua Cao Miên phải có mặt từ trước đêm 30 để đúng sáng mùng 1 Tết cùng Lê Văn Duyệt lên vọng cung hành lễ, bái tạ và chúc thọ vua nhà Nguyễn! Ở cương vị Tổng trấn Gia Định, cai quản một vùng đất rộng 30.000km2 phía Nam đất nước (Từ Bình Thuận đến Hà Tiên), Lê Văn Duyệt đã hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân.

Tại Gia Định, ông cho lập hai cơ sở từ thiện là Anh Hài và Giáo Dưỡng. Nơi thứ nhất là chốn dạy võ nghệ và nghề cung kiếm cho trẻ em. Nơi thứ hai, ông thu gom trẻ em mồ côi, quả phụ không nơi nương tựa về nuôi nấng, dạy chữ và dạy nghề thủ công, giúp họ mưu sinh. Thành Gia Định sau những tháng năm giặc giã đã nhanh chóng trở thành một đô thị sầm uất.

Năm 1822, một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu đã đến Gia Định và xin yết kiến Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Trong hồi ký của mình, Crawfurd đã không giấu nổi sự thán phục: "Tôi bất ngờ thấy rằng nó (thành Gia Định) không thua gì kinh đô nước Xiêm (...). Tôi có cảm giác rằng đây là một vương quốc lý tưởng".

Mô tả đời sống của nhân dân trong thành, vị khách Ăng-lê đã không tiếc lời ca tụng: "Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn xin rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu qui phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, Tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng".

Phan Thanh Giản, một vị quan thanh liêm khác cũng hết lời ca ngợi đức độ và tấm lòng vì dân của Lê Văn Duyệt: "Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng trấn như đại quan. Tôi ở Kinh thành, ở Bắc thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác (...). Tôi thật mừng".

Quyền lực thị phi

Là một người có tấm lòng cởi mở, khoan hòa, Lê Văn Duyệt đã sớm nhìn ra lòng dạ hẹp hòi và đầu óc thiển cận, cố chấp của Nguyễn Phúc  Đảm (Vua Minh Mạng sau này), người được Gia Long ưu ái tuyên chọn, từ đầu đã tỏ ra không phục.

Năm 1815, Lê Văn Duyệt cùng các trọng thần được triệu về kinh nghị bàn việc lập Đông cung Thái Tử kế vị Gia Long. Với lý do ngôi báu phải được truyền chính dòng con trai trưởng, ông là một trong số những trọng thần quyết liệt ủng hộ con trai của Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (đã mất), phản đối việc truyền ngôi cho Hoàng tử Đảm.

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi. Là khai quốc công thần, Tả quân Lê Văn Duyệt từng được Gia Long cho hưởng nhiều đặc ân, trong đó có hai đặc ân "nhập triều bất bái" và "tiền trảm hậu tấu". Vì vậy sau này, ông dứt khoát không chịu lạy vua Minh Mạng. Nổi tiếng công tư nghiêm minh, quốc pháp bất vị thân, Lê Văn Duyệt còn cả gan giết cả Huỳnh Công Lý, cha đẻ một quí phi được Minh Mạng sủng ái vì ông này phạm tội tham nhũng.

Tuy hận nhưng không thể đường đột biếm chức hay hặc tội vị trọng thần của tiền triều, Minh Mạng thường tìm cớ quở trách, từng bước một cắt bớt quyền lực của Tả quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn Gia Định thành. Mặt khác, cách đánh giá của Minh Mạng đối với vai trò và vị trí phòng thủ của thành Gia Định, trong vị trí một đô thị trung tâm của cả khu vực Đông Nam Á cũng tỏ ra hạn hẹp và sai lầm.

Năm 1830, thấy Lê Văn Duyệt cho sửa sang gia cố thành Qui, khiến thành này trở nên "kiên cố và tráng lệ", Minh Mạng đã tỏ ra lo lắng, cho rằng Lê Văn Duyệt có âm mưu cát cứ. Ông chỉ dụ: "Đắp thành Phiên An, tiếm bằng kinh thành (Huế), hào thì đào sâu hơn. Nếu bảo thành cao hào sâu đề phòng giặc Xiêm, thì đường bể phải phòng ở Hà Tiên, đường bộ phải phòng ở Chân Lạp... Thế là rõ ràng phòng triều đình chứ không phải phòng ngoại họa!".

 Năm 1831, phủ Gia Định bị Minh Mạng chia nhỏ thành 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thường gọi là "Nam kỳ lục tỉnh", cắt thêm người giữ các chức Tổng đốc cai trị từng tỉnh, không ngoài mục đích thu hẹp quyền lực của Lê Văn Duyệt.

Đến năm 1835, khi Lê văn Duyệt mất đã 3 năm, Minh Mạng đã cho san phẳng thành Qui, dỡ đá ong, gạch nung của thành cũ xây lại thành mới có qui mô nhỏ hơn, mang tên thành Phụng. Thành Gia Định bị hạ thấp qui mô một cách vô lý và không cần thiết.

Năm 1807, Lê Văn Duyệt nhận lệnh vua đi dẹp loạn Mọi Vách Đá. Thay vì thẳng tay đàn áp quân khởi nghĩa, ông lại ra lệnh chém đầu Chưởng cơ Lê Quốc Huy, tên đại thần tham nhũng, tàn ác, nguyên nhân chính gây ra bất mãn với triều đình và hình thành nên cuộc khởi nghĩa. Hành động thượng tôn luật pháp này của ông đã khiến loạn Mọi Vách Đá tan rã chỉ một năm sau đó.

Đến năm 1819, khi được đi kinh lược hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, ông lại thẳng tay trừng trị thêm nhiều tham quan ô lại khác, vỗ yên mầm bạo loạn ở hai vùng đất nổi tiếng kiêu binh qua mọi vương triều. Những kẻ tham gia bạo loạn ra hàng, ông đều tha tội chết và thu dung, lập thành ba đội lính hồi lương là An Thuận, Thanh Thuận và Bắc Thuận. Trong số này có Lê Văn Khôi, người gốc Cao Bằng, dấy loạn chống triều đình, bị truy nã nên phải trốn vào Thanh Hóa. Thấy Khôi là người có chí lớn và tài thao lược, Lê Văn Duyệt đã tha tội chết, lại nhận làm con nuôi, cho mang họ Lê và đưa theo về Gia Định hầu hạ dưới trướng.

Khi triều đình Minh Mạng cử Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nghiêm vào Nam nhậm chức Tổng đốc và Bố chính một tỉnh mới chia tách, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã dứt khoát từ chối, không chịu tiếp nhận vì lý do hai đại thần nói trên là hai kẻ tham quan ô lại, bức hại nhân dân. Trên ngôi báu, Minh Mạng thường nhắc lại những chuyện này để qui kết Lê Văn Duyệt có mưu đồ "kháng mệnh triều đình, tóm thâu quyền lực, nuôi mầm phản loạn, âm mưu cát cứ", liệt vào hàng cần đề phòng và nghiêm trị.

Ngay sau khi Lê Văn Duyệt mất vào đêm 30/7/1832, Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nghiêm đã được Minh Mạng đưa ngay vào Gia Định tiếp quản quyền lực. Bạch Xuân Nghiêm đón ý vua, tìm cách hặc tội những người thân tín của vị Tổng trấn mới qua đời. Biết khó lòng tránh được tai họa, Lê Văn Khôi đã tập hợp những kẻ từng mang tội với triều đình nhưng được Lê Văn Duyệt tha bổng và dung nạp dấy binh làm loạn. Ngày 18/5 năm Quí Tỵ (1833), Khôi cầm đầu 28 kẻ nổi loạn tràn vào dinh Bố chính giết chết Bạch Xuân Nghiêm. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế đưa quân đến ứng cứu cũng bị quân khởi loạn giết chết.

Cuộc bạo loạn bị đàn áp đẫm máu nhưng chưa có hồi kết thì tháng 12/1833, Khôi mắc bệnh mà chết. Nhưng mãi đến năm 1835, quân thảo phạt mới chiếm được thành Phiên An. Con trai Lê Văn Khôi mới 6 tuổi cùng 5 người khác (có hai người Pháp) bị giải về kinh khép tội chủ mưu mà xử lăng trì. 1831 loạn quân bị giết sạch đem chôn chung một chỗ, gọi là "Mã Ngụy".

Lê Văn Duyệt, dù chết đã từ lâu vẫn không tránh được liên lụy, vẫn bị Minh Mạng trả thù. Vua ra chỉ dụ: "Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả không bõ gia hình. Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên viết cho những chữ "Quyền yểm Lê Văn Duyệt pháp xử", để chính tội danh cho kẻ đã chết mà tỏ phép nước về đời sau, làm gương cho kẻ quyền gian muôn đời".

Từ cách đây non 2 thế kỷ, Phan Thanh Giản đã từng phát biểu khi nói về Lê Văn Duyệt: "Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thì thật đáng trách". Lê Văn Duyệt cùng với Phan Thanh Giản, người vì trung với triều Gia Long chống nhà Tây Sơn, người vì bất lực đành để đất nhiều tỉnh rơi vào tay giặc Pháp, đã có những lúc hàm oan bị lịch sử xem như những tội đồ, gây ra những cuộc tranh cãi học thuật hàng thập kỷ.

Nhưng lòng dân công tâm, đền thờ ông và đền thờ Phan Thanh Giản vẫn được dựng nhiều nơi. Lịch sử phức tạp có thể mang những định kiến chủ quan và sai lầm, nhưng lòng dân thì luôn sáng suốt và giản dị: ai thương dân, đó là người yêu nước. Những con người như thế vẫn luôn được nhân dân xem như những bậc anh hùng.

Nguyễn Hồng Lam
(ANTG cuối tháng, 24/03/2008)
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM