Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:57:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký Sự Chiến Tranh - Tập 1  (Đọc 41193 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2008, 10:57:38 am »

*
*    *

Đơn vị giữ Cột Cờ vừa nhận thêm mấy thanh niên Huế vừa bổ sung, Việt gặp lại anh chàng tóc quăn ngày đầu tiên. Vẫn bộ đồ Tết có vẻ diện, chiếc áo sơ-mi màu mỡ gà với chiếc quần tẹc-gan đen, vẫn cái miệng cười hề hề dễ dãi để lộ một chiếc răng khểnh rất có duyên. Mái tóc quăn tự nhiên của cậu hớt ngắn, hoe hoe màu râu ngô trên cái trán vồ, cái mũi hơi cong xuống làm cho khuôn mặt trắng trẻo của cậu có vẻ lanh. Hôm nay cậu mang một khẩu AR.15 còn mới tinh, quanh bụng cậu còn khoanh thêm hai chiếc thắt lưng Mỹ, mắc dầy những băng đạn cực nhanh đựng trong nhưng chiếc túi ka-ki nhỏ, ngoài choàng thêm một chiếc bờ-lu-dông bằng da nâu, phẹc-mơ-tuya để buông không gài. Cậu tự giới thiệu là Oánh, học sinh đệ nhất trường Nguyễn Tri Phương, còn mấy cậu kia là Liêm, để râu mép, học sinh bán công; Huy thợ sửa xe đạp, đen, vẻ mặt lầm lì và Kỳ tóc cắt ca-rê, mặt còn thơ ngây kiểu trẻ con, học sinh trường Bồ-Đề... Vừa ngồi xuống sân cỏ, Oánh đã nói liền giọng phấn khởi :

- Anh Việt ơi! Tụi này vừa vô đội công tác Thành- Nội là kéo nhau đi đánh tụi chiêu hồi tơi bời. Nghe nói tụi hắn bỏ trốn hết rồi, tụi này tưởng bở kéo tới ty chiêu hồi định tịch thu giấy má, súng đạn của chúng. Không ngờ tụi hắn còn mấy thằng ở trong nhà ném lựu đạn ra rầm rầm, thằng Liêm tính chết. Bọn em nổi sốp (1), nện lựu đạn trả lại, mấy anh sinh viên quạt AK tơi bời khói lửa. Xong bọn này "a-lát-xô" (2) vô. Mấy thằng chiêu hồi chạy trốn như vịt. Có thằng Sĩ trước làm chi bên mình đó sau về chiêu hồi, tới trường nói xấu “Việt cộng” rào rào. Hắn bị tụi em cho ăn lựu đạn, nằm chết ngay đơ ngoài sân. Thằng Bảo mở được kho súng của bọn chiêu hồi, lấy xài đã đời. Anh coi thằng mô thằng nấy cực nhanh, các-bin mới toanh, toàn đồ u-ét (3) cả, ngon không?
Việt vỗ vai Oánh :
- Thanh niên Huế có khác, mới cầm súng đánh trận đầu đã thu được chiến lợi phẩm.

Thấy cả ba cậu đều mang súng, riêng Kỳ chỉ mang một, hai quả lựu đạn chày lủng lẳng trên thắt lưng vòng quanh cái bụng nhỏ xíu, Việt hỏi :
- Sao không trang bị súng cho Kỳ với?
Liêm ngắt lời :
- Thằng Kỳ tới sau, súng đã phát hết. Bọn em chia lựu đạn u-ét cho hắn, hắn chê không thèm lấy. Hắn nói lựu đạn chày của mình mạnh hơn.
Nhật cười rộ lên về cái thơ ngây của Kỳ. Việt động viên Kỳ :
- Lựu đạn chày cũng giết được Mỹ chớ Kỳ nhỉ. Gắng chiến đấu tốt rồi các anh sẽ trang bị súng cho. Súng địch bữa nay không thiếu gì.
Liêm đứng dậy, đưa bàn chân mang giày da đen đạp vào chiếc xe giá khẩu đại liên. Thấy bánh xe nằm y không nhúc nhích, Liêm hỏi :
- Ai vác bánh xe này, hả anh?
Việt chỉ Nhật. Huy im lặng nãy giờ thốt lên:
- Trời. Anh coi ốm rứa mà mạnh quá đa. Tôi cứ tưởng phải có xe kéo, hoặc ít ra cũng hai người khiêng mới nổi đấy.
Nhật cười :
- Lúc mới vào bộ đội, tôi cũng tưởng như anh. Nhưng vào rồi luyện tập mãi, nó cũng quen đi.

Liêm tiếp lời Nhật :
- Ờ. Thì cũng phải có thì giờ rèn luyện cái đã chớ. Tụi này ăn rồi đi học, chiều về đi đá banh, chủ nhật tà tà vô quán cà-phê, thấy các anh tụi này ngán quá. Nhưng độ lâu mau mới quen được hả anh Việt?
- Lâu mau gì rồi nhất định cũng quen cả thôi - Việt đáp - Miễn là mình có quyết tâm thì cái gì người khác làm được là mình làm được.
Oánh vỗ đánh bốp vào khẩu cực nhanh, giọng sôi nổi :
- Ồ, chi chớ quyết tâm thì tụi này dám bảo đảm với anh. Tụi này đấu tranh ba bốn năm rồi đó anh, đứa mô cũng học sinh ứng chiến, sống ly khai có, nằm lao Thừa-Phủ có, đâu có ngán Mỹ-Thiệu-Kỳ.
Chợt nhớ đến anh chàng mặc áo len xù hôm trước, Việt hỏi Oánh :
- Bảo đâu, Oánh?
- Ồ, anh Việt còn nhớ thằng Bảo à? Thằng đó bữa nay hách lắm... Dũng sĩ diệt Mỹ rồi đó anh.
Bằng một giọng say sưa, có pha vẻ thán phục, Oánh kể lại chuyện Bảo cho Việt nghe.

Buổi sáng ngày thứ ba, đội công tác thanh niên Thành-Nội vác loa đi kêu gọi thanh niên tham gia. Bảo đến trụ sở ghi tên ngay. Hỏi ai muốn vô bộ đội, Bảo là người đầu tiên xung phong vô bộ đội. Về đơn vị vừa học vũ khí được một hôm, Bảo đã xin cầm súng ra trận, đến đóng ở Ty tiểu học. Tổ của Bảo ra bố trí ở góc đường Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Công Tráng chờ địch, hai xe tăng và bộ binh địch từ Mang-Cá bò ra, Bảo bắn AK, kềm cho đồng chí B.40 bò lên bắn xe tăng. Mới trận đầu Bảo đã rất gan, chờ địch đến thực gần mới bắn, và học ngay cách các đồng chí bộ đội, chỉ bắn từng loạt ba phát một. Bị tiểu liên và trung liên tạt vào mặt, bọn địch tháo chạy trở lại vào Mang-Cá, không kịp vác theo xác chết. Bảo rượt theo truy kích địch, tổ trưởng gọi mãi mới chịu quay về. Mấy hôm sau, Bảo theo tổ ra chốt ở ty chiêu hồi, chờ địch. Bữa trưa chỉ có cơm vắt và muối rang, Bảo không ăn được, lấy mứt gừng ra ngồi nhai. Đang ăn đứng dậy cảnh giới, thì thấy 15 tên vừa Mỹ vừa Pắc Chung Hi từ phía trường Bồ-Đề ngất ngưởng đi tới. Chờ chúng tới gần, Bảo nổ súng, diệt ngay 5 tên tại chỗ. Đồng chí cùng tổ nổ súng tiếp. Bọn địch còn lại hoảng hốt vừa chạy vừa kêu rống như một bầy bò, lủi trốn vào những căn nhà ở hai bên đường... Đêm nào Bảo cũng xung phong đi trinh sát. Bảo lủi đường hẻm giỏi như một con chuột cống, chộp được địch luôn mà địch thì không tài nào phát hiện được tổ của Bảo. Hôm Bảo vào sục ty chiêu hồi, nhờ biết chỗ, Bảo đã khui ra cả một kho vũ khí đủ các loại, đem trang bị cho thanh niên và tự vệ.

Nghe Oánh kể chuyện, Việt chợt thấy yêu mến Bảo lạ. Với cái bộ dáng cao bồi như thế, mới nhìn lần đầu Việt chẳng những không có mấy thiện cảm, trái lại còn để ý cảnh giác nữa là khác, không ngờ Bảo đã đến với Cách mạng một cách giản dị và chân thật như vậy. Anh hỏi :
- Bảo học ở trường nào?
Huy trả lời :
- Bảo không đi học. Hắn làm nghề thợ thổi chai, nấu thủy tinh ở đường Ông Ích Khiêm. Nhà hắn có sáu đứa em, thằng em kế hắn cũng đi bán kẹo đậu phụng. Bây giờ hắn đã là dũng sĩ diệt Mỹ rồi - Oánh chép miệng nhắc lại câu ấy, giọng thoáng một chút mơ ước.

Oánh nói tiếp :
- Các anh bộ đội gọi đùa nó là "dũng sĩ choàng ra (4) dù đen". Bởi vì đêm nào đi trinh sát, Bảo cũng khoác thêm ngoài một tấm vải dù đen rộng thùng thình như kiểu hiệp khách.
Việt cười hỏi tiếp :
- Bây giờ Bảo ở đâu?
- Đơn vị Bảo vẫn còn đánh địch ở vùng trường Bồ-Đề dưới đó. À hôm trước hắn hẹn lên Cột Cờ với anh, nhưng không lên được. Hắn nói thôi, đánh ở dưới đó thì cũng là để bảo vệ Cột Cờ. Hắn mong có dịp về gặp lại anh.

-----------------------------------------------------
(1) Nổi giận.
(2) Phiên âm tiếng Pháp: xung phong.
(3) US. (nhãn hiệu Mỹ).
(4) Từ tiếng Pháp drap : tấm vải trải, đây ý nói vải dù.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2008, 11:00:21 am »

*
*    *

Trời vẫn lất phất mưa phùn. Khoảng giữa buổi sáng tổ tiền tiêu phát hiện nhiều ca-nô địch từ phía khách sạn Hương-Giang nhấp nhô chạy lên. Mọi người nhanh chóng tiến ra công sự, chiếm lĩnh trận địa. Mấy cậu thanh niên Huế nhập vào các tổ bộ binh bố trí dài dọc theo bờ thành hai bên Cột Cờ. Anh Vậy thay anh Vĩnh điều khiển trận đánh. Tổ của Oánh và Kỳ ở ngay dưới chân đài Cột Cờ, ngay trên công sự của ban chỉ huy. Việt và Nhật đã dời vị trí công sự qua góc phải của sân Cột Cờ hướng ra bờ sông ngay phía trên chỗ Oánh đứng. Việt thấy Oánh vỗ vai anh Vậy, chỉ tay xuống đường. Một người đàn ông mặc quần tây sẫm, áo sơ-mi xanh lơ bỏ ngoài, đội mũ pa- na-ma từ phía cửa Thượng-Tứ đi tới chắp hai tay sau lưng, vừa đi vừa nhìn lên Cột Cờ. Sau hắn vài chục bước, có ba người đàn ông khác, mặc quần đùi quẩy thùng đi gánh nước, mắt lấm lét ngó lên. Ba người gánh nước rẽ xuống bến Phu Văn Lâu xong thì người mặc áo xanh cũng tà tà đi ra phía bờ sông. Việt nghe tiếng Oánh nói với anh Vậy :
- Cả vùng này không có đồng bào ở, ngày thường cũng không có ai đi lên Phu Văn Lâu gánh nước, huống là bữa nay. Mấy thắng đó là xê-i-ai chính hiệu.

Việt thấy ở đây đồng bào thường dùng chữ CIA để chỉ chung tất cả các loại chó săn của địch. Anh nói vọng xuống anh Vậy :
- Anh Vậy à, đúng là những tên do thám rồi. Nhưng cứ dò xem chúng làm gì.
Anh Vậy gật gật đầu. Ba người đàn ông vừa khuất xuống dưới bến thì một loạt pháo bay đến nổ ầm ầm trên trận địa; vài quả rơi trên mặt sân cỏ Cột Cờ còn tất cả dồn dập trút xuống mặt thành. Qua làn bụi khói mờ mịt, Việt nhìn thấy anh Vậy rút súng nhắm vào thằng do thám mặc áo xanh đang vừa đi vừa chạy qua sân Phu Văn Lâu ra ngoài bờ sông. Viên đạn nổ lẫn trong tiếng pháo không nghe tiếng.

Anh Vậy đút súng ngắn vào bao, lấy cây AK lên ngắm và bóp cò. Tên do thám ngã vật ra trên mặt đất, hai chân nó giãy lên đành đạch. Giữa lúc ấy, bọn lính cộng hòa từ bên Phu Văn Lâu tràn đến vườn cây. Lần này chúng khá đông, dễ chừng đến một C tăng cường, vừa nổ súng vừa chạy ùa tới. ĐK của địch từ bờ Nam sông Hương nã tới tấp vào trận địa ta, nhưng phần nhiều đều bay vọt qua nổ dưới chân thành hoặc vấp nổ vào mặt tường thành kiên cố, mảnh trượt bay bổng lên không. Anh Vậy vẫy tay ra hiệu khoan bắn, chờ bọn địch đến thực gần. Chúng dàn hàng ngang băng qua đường Thống-Nhất. Chờ chúng qua hẳn bên này đường, anh ra hiệu nổ súng vào đội hình chúng. Cây đại liên của Việt quét dọc theo mặt đường làm thành một hàng rào lửa chặn không cho chúng quay lại phía bờ sông. Bọn lính cộng hòa ngã nhào từng loạt như chuối bị quật gốc. Chúng chạy tán loạn, chúi đầu vào những gốc phượng và những bức tường chung quanh nhà khán đài Phu Văn Lâu. Những loạt ĐK của địch bây giờ hình như đã điều chỉnh lại, nổ gần hơn, đất bụi bay mù mịt ở tầng thấp của mặt thành. Có mấy thằng cộng hòa liều mạng, vác trung liên đến dưới gốc cây bắn tốc lên mặt thành. Oánh nhảy ra khỏi công sự, đứng thẳng dậy ép sát người vào mặt thành, chĩa súng bắn vào hỏa điểm địch. Nghe “rẹc rẹc” một loạt đã thấy cu cậu thay băng đạn. Việt mỉm cười "anh chàng này lại chơi toàn nguyên băng". Anh quét một tràng đại liên vào gốc cây, cây phượng già bị gãy ngang đổ vật xuống đường, hỏa điểm địch tắt ngấm. Ba tên cộng hòa vừa chạy ra khỏi gốc cây gặp đường đạn cực nhanh của Oánh lia đến, ngã vật xuống sân cỏ. Oánh khoái chí cười ha hả nhìn lên Cột Cờ la lớn : "Hiệp đồng ngon quá, hả anh Việt". Một loạt đạn địch bay tới găm vào mặt thành trước mặt Oánh, bụi trắng bay mù. Oánh tỉnh bơ như không, xoay xoay nòng súng bám mục tiêu ở dưới. Khẩu cực nhanh của Oánh bây giờ hình như đã chủ động hơn, nhả đạn nghe "tạch tạch tạch" từng loạt ngắn và chắc.

Giữa lúc ấy, một quả ĐK nổ ầm ngay cạnh chỗ Oánh và Kỳ đứng, đất tung lên phủ cả đầu cả vai của Kỳ và Oánh. Kỳ sợ quá nhảy xuống công sự núp. Nhưng chỉ một thoáng sau cu cậu thò đầu ra miệng hầm, ngấp nghé một lát rồi chui lên. Trận đánh vẫn kéo dài, đạn địch vẫn cheo chéo bay lên mặt thành. Kỳ đến bên Oánh, rút nắp lựu đạn, ném một quả về phía trước. Quả lựu đạn chày vụt đi một quãng, ngùng ngoằn trong không rồi rơi tòm xuống hồ, nổ đánh ầm, nước bay tung tóe. Kỳ và Oánh cười ầm lên. Lúc đó địch đã ùn lại dưới chân chiếc thềm cao của ngôi nhà khán đài Phu Văn Lâu. Anh Vậy cho điều hai khẩu cối 60 ly đến bắn ứng dụng vào đội hình địch. Một loạt súng cối rơi xuống xung quanh  cái nhà gạch vuông, phá sạt từng mảng thành. Bọn địch nhốn nháo chạy ra phía bờ sông. Việt thấy Kỳ đến bên đồng chí xạ thủ, chỉ về phía cái bia xi-măng lớn cạnh ngôi nhà và hai người nói gì với nhau. Sau đó đồng chí xạ thủ số hai trao quả đạn cối cho Kỳ, Kỳ quay về phía mục tiêu đưa trái đạn lên như ngắm nghía, rồi thả vào nòng khẩu cối của đồng chí xạ thủ số một. Quả đạn phụt ra nổ ầm, chiếc bia vỡ mặt một mảng lớn, bốn thằng cộng hòa bị thương la lên như bò rống cố lê về chân khán đài, mấy thằng khác bỏ chạy. Kỳ vỗ tay reo lên, quay lại xin thả quả khác nhưng đồng chí số hai khoát khoát tay. Bọn lính ngụy tản thưa ra, rút chạy ra ngoài sông, vứt lại hơn chục xác chết nằm rải rác trên trận địa. Những chiếc mũ sắt văng nghiêng ngửa lông lốc trên mặt đường.

Tiếng súng vừa dứt, Việt và mấy anh em còn đang đứng đếm xác chết của địch trên trận địa, bỗng nghe tiếng động cơ rít lên chát tai. Anh và Nhật vừa nhảy xuống công sự thì từ cao đỉnh nhọn của ngôi nhà thờ bên kia sông, hai cái bóng to đen sì như hai con chim cắt đã sầm sầm lao vào trận địa anh. Như đã nắm chắc mục tiêu từ trước, vừa hiện ra ở bên kia sông, chúng đã bổ nhào ngay xuống trên sân Cột Cờ.
- Ầm... ầm...
- Ầm... ầm...
Hai loạt bom chát chúa làm giật nẩy không khí, cái sân cỏ dưới chân Cột Cờ rung bật lên như muốn hất Việt ra khỏi công sự. Có tiếng gọi ơi ới bên phía công sự của Hải và Chi. Khói bom đen ngòm và nóng hừng hực phả vào mặt Việt làm mắt anh cay sè. Anh cố mở to mắt nhìn chăm chăm qua lỗ máy ngắm của khẩu đại liên để nắm mục tiêu. Hai chiếc Scai-rây-đơ đã bay vòng ra xa, phía bên kia cầu Bạch-Hổ. Sau lưng anh, dưới công sự, Nhật vừa nâng băng đạn vừa kéo mấy cành ổi ngụy trang lại miệng hầm. Tiếng Nhật nói như thét lên :
- Bắn đón chúng, yểm hộ cho bên Hải. Sánh bị thương rồi.

Việt nghiến răng miết cò. Thằng giặc đi đầu, giật mình như bị ong đốt, rướn người bay vọt lên. Nhưng từ dưới cánh nó, hai khối sắt đã nghiêng nghiêng lao đến, tròn dần trên đầu anh như hai quả bóng rồi nổ ầm ầm ngay sau lưng anh, hơi bom tạt đến xô Nhật và anh dụi tới trước. Đất hất tung vào mặt, vào cổ Việt nóng bỏng như cát rang. Mảnh thành chung quanh sân cỏ bị đánh vỡ, đập vào vách chân Cột Cờ ầm ầm và mảnh bom rít xoèn xoẹt bên mang tai Việt, bay đến chém vào thân Cột Cờ nghe choang choảng như tiếng sắt chém vào nhau. Việt không quay lại, vẫn mím môi miết cò, mặt anh châm bẩm, giận dữ. Thằng giặc thứ hai hơi giạt đường bay ra một tí, ném chếch hai trái bom xuống dưới sân cỏ Cột Cờ. Việt quay nhìn sang bên Hải. Chi đang cõng Sảnh trên vai băng qua khói bom chạy về phía cửa bậc thang, Hải từ một hố bom lóp ngóp đứng lên, cả hai khẩu 20 ly đã bị vùi đâu mất. Hai thằng AD6 từ phía ngọn sông Hương đang vòng trở lại. Việt nghe bàn tay Nhật siết mạnh trên vai anh :
- Chờ nó bổ nhào đã, đừng bắn lúc nó đang bay vòng.

Từ đôi mắt rất sâu của Nhật, hai tia sáng dữ dội bật ra. Khuôn mặt đen và lạnh của Nhật cứ lừ lừ quay theo đường bay của thằng giặc trời, như một chiếc ra-đa. Việt lầm lì quay dần họng đại liên bám lấy thằng địch. Mắt anh như đứng lại, đuôi mắt kéo dài ra, nhọn và sắc như hai lưỡi dao thép, tròng đen kéo lên cao lấp mất một nửa dưới mí trên. Cái bóng đen trùi trũi của nó đã nằm gọn trong lỗ kính tròn giữa máy ngắm. Nó vừa chúi đầu xuống thì nhanh như điện, Việt kéo cò súng.
Nhật cười thét lên :
- Chết cha mày rồi! Con ơi!
Chiếc AD6 đi đầu vọt lên cao, mang theo một làn khói đen trên đầu. Không kịp bỏ bom, nó ngoặt ra phía biển, làn khói trên đầu nó to và đen dần kéo một vết dài trên không, biến thành một khối lửa chấp chới đâm sầm xuống mảng cánh đồng xanh biếc phía xa. Thằng giặc trời bay sau hoảng hốt quăng vội một chùm bom xuống sông Hương rồi bay vụt qua Cột Cờ cút mất.

Chỉ một phút sau, thằng L.16 lại vè vè mò đến. Nó rà dai như đỉa đói, lấc láo nghiêng bên này nghiêng bên kia nhìn xuống Cột Cờ như muốn tìm xem cái tổ phòng không của quân Giải phóng ở đây đã bị trận bom hồi nãy xóa sạch hẳn chưa. Chi ra lệnh cho tổ phòng không đề phòng pháo. Việt và Nhật đưa súng xuống công sự, rút về hầm ngồi thì quả nhiên một loạt pháo đã ầm ầm rơi xuống trận địa. Pháo bầy từ hạm tàu nó dồn dập đến nỗi ngồi trong công sự, Việt không còn phân biệt được tiếng nổ của tiếng quả đạn, chỉ nghe một thứ tiếng nổ rền liên miên vô tận như tiếng sấm làm buốt cả màng nhĩ, và cái sân cỏ Cột Cờ như sôi lên sùng sục dưới làn khói đen dày đặc, khét lẹt. Trên đầu anh, chiếc công sự dã chiến lát bằng mấy tấm phản nhún bần bật như một chiếc giường lò-xo, thỉnh thoảng lại chao nghiêng đi như một chiếc thuyền. Nhật đưa tay đẩy chiếc trụ chống trần vừa bị sức ép xô lệch đi, vừa cười hắc hắc trong khói pháo, hàm răng Nhật trắng bóng lên giữa khuôn mặt đen sì vì khói bom :
- Ngó như đi noốc (1) ấy mày ạ.

Việt thoáng nghĩ: "Dễ chừng tụi nó muốn bắn cho gãy Cột Cờ đây chắc?" Anh toan kéo Nhật bỏ hầm chạy qua chỗ tăng-sê thì một tiếng nổ đinh tai đã vỡ ra trên đầu anh, và một cái gì rất nặng như một khối đất lớn đập vào lưng anh làm cho anh té sấp xuống. Hai cánh tay anh choãi ra đỡ cho thân mình khỏi bị đè bẹp xuống đất. Anh trườn ra phía miệng hầm, vịn vào bậc thềm đất đứng lên, người vẫn cúi để tránh mảnh pháo. Căn hầm đã bị sập hoàn toàn, Nhật đang bị vùi trong đống đất và gỗ ấy. Việt nhanh nhẹn vớ lấy chiếc xẻng ngắn xúc bớt lớp đất dày ở trần, lần theo mép gỗ hất tung mảnh trần hầm lên. Nhật nằm sấp dưới đất, chiếc xà ngang trên trần hầm chặn lên gáy anh. Việt kéo Nhật lên, thấy người Nhật nặng trĩu như muốn trì lại. Việt vòng tay trái qua vai Nhật, tay kia luồn vào sau khuỷu chân bạn, bế Nhật đứng lên. Anh bối rối ghé miệng vào tai Nhật gọi lớn :
- Nhật ơi! Nhật ơi!

Việt sướng tưởng muốn điên lên khi anh thấy Nhật mở mắt nhìn anh, mặt Nhật tươi tỉnh và trong sáng lạ lùng đến nỗi anh thấy rõ cả khuôn mặt vui mừng của mình in trong mắt bạn, thấy cả bóng ngọn cờ xanh đỏ và chấm vàng ngôi sao lay động trên cao. Nhật đăm đăm nhìn khuôn mặt của Việt như thế rất lâu, rồi anh ngước mắt nhìn lên, se sẽ nói :
- Mày cố lên, chiến đấu tốt nhét
Nói xong Nhật cười, nụ cười thoải mái nở đầy cả khuôn mặt như mọi ngày mỗi lần anh ăn Việt một ván bài ù và ngồi nghe Việt đọc "Lời thú tội", hai má phính ra tròn trĩnh như một đứa trẻ con. Bỗng nhiên, cái nhìn của Nhật như đứng lại. Nét mặt của Nhật hình như dại hẳn đi.
Việt lắc lắc Nhật, gọi :
- Nhật, Nhật à!
Anh bỗng thét lên, giọng lạc đi :
- Các đồng chí hãy trả thù cho Nhật.

------------------------------------------------------
(1) Thuyền
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2008, 11:02:38 am »

Trận pháo đã dứt từ bao giờ, trận địa trở lên im lặng... Từ đằng kia, đồng chí y tá và Chi, Hải vội vã chạy đến.
Đôi mắt Nhật khép lại, nụ cười hình như vẫn lửng lơ trên môi anh. Việt áp rất chặt khuôn mặt còn rất trẻ của bạn vào ngực mình, mắt Việt lại thấy cay cay giống như khi anh đứng trên trận địa khói bom tạt vào mặt.

Tối hôm ấy, đến phiên Việt gác đêm. Trời tối đặc và im lặng đến độ, vì nghe quen tiếng bom và pháo dữ dội ban ngày, bây giờ người anh như nhẹ hẫng đi. Từ phía vòm cửa hình cung xuống thang gác, một đốm lửa thuốc lập lòe hiện ra, một cái bóng dong dỏng cao tiến về phía anh. Anh cất tiếng hỏi :
- Oánh đó hả?
- Hì hì... Đánh chác túi bụi cả ngày, tối còn ngồi gác, mệt lắm hả anh Việt?
Oánh đã đến bên Việt. Việt kéo Oánh ngồi xuống cạnh mình, ngửi thấy mùi thuốc súng khen khét trên chiếc bờ-lu-dông của Oánh. Anh không đáp câu hỏi của Oánh, hỏi :
- Thế nào, tay còn nhức không?

Trong trận đánh hồi sáng, Oánh bị một mảnh pháo cắt vào bàn tay trái, vết thương khá sâu. Cô Theo băng tay cho Oánh xong, vỗ nhẹ vào vai Oánh một cái, cười bảo :
- Chịu khó ăn muỗng (1) vài bữa nghe, ông lính Liên minh.
Việt bật cười vì cái tên "lính Liên minh" ngộ nghĩnh mà Theo vẫn thường dùng để gọi các cậu học sinh vừa bổ sung vào bộ đội.
Oánh giơ bàn tay băng trắng lốp ra trước mặt, năm ngón tay nắm lại và xòe ra như để tập cho khỏi ngượng nghịu, nói :
- Đau thì chẳng thấm chi. Chỉ tức một cái là ngày mai lỡ có địch đến, anh Vậy lại không cho ra trận.
Oánh lại bật lửa đốt thuốc, nói chuyện lai rai với Việt. Oánh là học sinh phật tử. Hồi chống Thiệu-Kỳ năm 1966, Oánh vào đoàn học sinh ứng chiến, có lên học vũ khí ở Văn-Thánh bảy ngày, tham gia đủ các vụ đốt phòng thông tin và tòa lãnh sự Mỹ. Sau Thiệu-Kỳ đàn áp phong trào Huế, Oánh bị lùng bắt, phải trốn lên Kông-tum, bỏ thi mất một khóa. Năm rồi Oánh về học lại Nguyễn Tri Phương. Học hành uể oải chán nản vì sợ bị bắt lính. Từ khi Thiệu-Kỳ ra sắc lệnh tổng động viên, bọn quân cảnh không kể gì đến tuổi tác cứ thấy con trai to xác là bắt bừa chở qua quân vụ thị trấn, tống luôn vô trại nhập ngũ. Ban đêm Oánh không dám ở nhà, phải vào hồ Tịnh- Tâm thắp đèn ngồi học. Nghe bọn quân cảnh đổ xe gíp ngoài cầu, Oánh và tụi bạn tắt đèn, trèo lên cây sấu ngồi trốn, có khi trèo không kịp phải nằm nép trong bãi cỏ bên mép hồ, muỗi đốt sưng cả mình...

Sáng mồng hai Tết, nghe quân Giải phóng vào thành phố, Oánh sợ, đắp mền ngủ kỹ. Một lát sau, anh Thiết đến nhà gọi Oánh dậy. Thiết trước đây là một trong những người cầm đầu phong trào sinh viên tranh đấu. Bị bắt một lần với chị Mai, anh trốn thoát khỏi nhà giam, lên núi luôn. Gặp lại anh Thiết, Oánh mừng hết sức. Rồi có cả anh Bắc, tiểu đoàn trưởng sinh viên quyết tử phụ trách lớp học vũ khí của Oánh ở Văn-Thánh hồi 1966, đi biệt đâu gần hai năm bây giờ cũng trở về. Cả chị Mai nữa, cũng đến nhà động viên Oánh. Oánh nghĩ: "Bao nhiêu người họ học cao hơn mình, suy nghĩ chín chắn hơn mình, người ta cũng đi theo Giải phóng hết, thì mình sợ chi". Thế là Oánh ra tham gia, xung phong vào bộ đội.

Oánh vừa nói chuyện vừa hút thuốc liên tiếp, và khi hút xong một điếu, Oánh lại búng cái tàn cho nó bay ngùng ngoằn trong không. Xong câu chuyện, Oánh xoay sang hỏi Việt :
- Anh có biết anh Thiết không? Anh ấy đấu tranh dữ lắm, sinh viên ở đây gọi anh là cái lục lạc lửa. Hồi đi học, anh ấy nghèo lắm, đi đâu cũng qua mượn xe đạp của em. Anh thường nói với em : "Con người ta có hai bàn tay, phải giữ nó cho sạch. Chi thì chi, chớ đừng để cho tụi hắn bắt đi lính. Hễ bàn tay đã nhúng vào máu đồng bào rồi thì khó mà lau cho sạch". Bây giờ nghĩ lại em thấy lời dặn của anh Thiết thực là thấm thía. Tưởng tượng nếu em là mấy thằng lính nguy bị bắt hôm trước đó... Ôi cha... chắc em muốn độn thổ vì nhục.

Việt ngồi yên lặng nghe Oánh nói chuyện, thấy dần dần hiểu thêm con người và đất đai ở thành phố này. Anh thấy Huế có những cái lạ riêng của nó. Tình cảm của con người ở đây không biểu lộ một cách vồ vập sôi nổi ngay từ phút đầu, nó cứ từ tốn chung thủy mà đi sâu vào lòng người, màu sắc của nó không rực rỡ như hoa thược dược hay hoa hồng mà đằm đằm và bền bỉ như thể hoa mai. Nhưng một thành phố đẹp và trầm lặng như vậy mà đã biết vùng dậy làm cách mạng tháng Tám và rồi năm nào cũng nổ ra bão táp đấu tranh. Những cô gái kín đáo, e lệ như cô Theo, nghe nói chưa khi nào chịu ngồi ăn chung với một người đàn ông lạ, mà trong những ngày này đã vượt qua bom đạn làm em nuôi cho bộ đội. Những cậu thanh niên trốn lính như Oánh, như Bảo, khi cách mạng đến đã không chút ngần ngại xung phong vào bộ đội và đã trở thành những tay súng dũng cảm một cách không ngờ... Rõ ràng là nằm dưới móng vuốt của địch, tình cảm của Huế đã hướng sẵn về cách mạng. Trước đây, khi mới đặt chân lên đường nhựa, nhìn thấy chiếc cột cờ mọc cao vút trên những thành quách cổ kính hiện ra trước mắt, Việt đã thấy Huế đáng yêu. Anh yêu Huế, trước hết vì đấy là trận địa của anh. Nhưng so với bây giờ tình yêu ấy có khác, vì lúc đó nó còn vướng phải cái ý nghĩ “dân mệ” mà trước đây có khi anh nghe ai đấy nói về người Huế. Bây giờ thì thành phố này đã duỗi ra những cánh tay ấm áp ôm lấy tâm hồn anh, cũng như nó đã ôm lấy thân thể của Nhật và bao nhiêu đồng chí thân yêu khác của anh vào trong lòng đất của nó. Thấy đêm đã khuya, Việt giục Oánh về ngủ để lấy lại sức. Oánh đứng lên và trước khi quay đi còn đưa bàn tay mang băng trắng của mình lên nói với Việt :
- Anh Việt à, giá như bây giờ gặp anh Thiết ở đây em sẽ đưa bàn tay ni bắt tay anh ấy một cái.

Còn lại một mình, Việt mở đài bán dẫn mang theo ra nghe : Đài Tiếng nói Việt Nam đang loan đi một bản tin của các hãng thông tấn các nước nói về cuộc chiến đấu của thành phố Huế. Giọng nói rất đanh và đầy thúc giục quen thuộc của cô phát thanh viên vang lên bên tai Việt : "... trung úy Mỹ Rốt-đinh nói, chúng tôi mất một đại đội ngay khi mới vào thành phố, với khoảng 200 lính chết và bị thương... Một thượng sĩ ở một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ nói : "chúng tôi có nhận được quân đến thay thế, nhưng đến bao nhiêu thì mất bấy nhiêu. Tôi sợ, tất cả những người quanh tôi cũng sợ, tinh thần căng thẳng suốt 2 4 giờ... Đến nay Việt cộng vẫn còn giữ vững những cứ điểm dọc theo toàn bộ bức thành phía Bắc của thành phố bất chấp những cố gắng nhằm đánh bật họ. Cờ Việt cộng vẫn bay phấp phới trên Cột Cờ chính của thành phố, trong khu cung điện...
... Hiện có một cái tên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đó là thành phố Huế, kinh đô cũ của nước Việt Nam xưa. Ngày nay Huế đang đi vào lịch sử các thành phố anh hùng : Huế sẽ như một vầng dương trong lịch sử của mình với những dấu vết anh hùng và bất tử của những chiến công hiện nay..."

Bản tin đã làm Việt bồi hồi cảm động. Anh chợt có cái cảm giác là lạ rằng cái Cột Cờ mà anh đang đứng gác dưới chân nó, vụt cao lên, cao hơn cả đỉnh núi cao nhất trên trái đất, đến nỗi tất cả mọi người trên thế giới đều đang nhìn thấy nó. Toàn bộ kiến trúc cổ kính của kỳ đài Huế bỗng hiện ra trước mắt Việt biến dần thành hình ảnh của một con tàu vĩ đại, cái thân Cột Cờ với những dây cáp tỏa ra chung quanh, sừng sững cắm trên cái tháp hai tầng đồ sộ; thân con tàu là dãy thành cao, dài hàng cây số mang những tháp canh là những cửa ô... Và bây giờ con tàu ấy đang mang lá cờ Mặt trận trên đỉnh nó, hùng dũng vượt sóng trên một mặt biển mênh mông nào đó giữa lòng thế giới. Trên chiếc tàu ấy anh và những đồng chí của anh, là những người thủy thủ nhỏ đang chiến đấu để bảo vệ ngọn cờ quang vinh của nó.

Từ trên dòng sông im lặng trong bóng tối phía trước mặt, Việt nghe tiếng ca-nô xình xịch từ xa, đến gần dần rồi tắt ngay trước bến Phu Văn Lâu. Những vệt sáng đèn pin chiếu loang loáng qua vườn cây, vội vã như sợ hãi rồi tắt ngấm. "Bọn mày lại mò ra nhặt xác đấy chứ gì. Được". Việt nói một mình và lên đạn khẩu tiểu liên của anh, tiến sát ra mé thành, ghim súng chờ. Hẳn là chúng nó đang lần mò đi trong bóng tối Một chiếc mũ sắt nào đó bị đá phải, lăn dài trên mặt đường, bật ra tiếng kêu khô và vang, tiếp theo một ánh đèn chớp lên rồi tắt ngay. Nhanh như chớp, Việt chĩa mũi súng về phía ánh đèn, bóp cò. Một tiếng rú bỗng vang lên trong đêm tối, nghẹn lại thành tiếng “ặc ặc” và cuối cùng là tiếng “choảng” của một chiếc mũ sắt khác vừa rơi xuống mặt đường. Khẩu súng trong tay Việt ngừng lại một chút như nghe ngóng, rồi tiếp tục quét xuống mặt đường từng loạt giòn giã.

------------------------------------------------------
(1) Thìa
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2008, 11:05:46 am »

III

Từ ngày đầu đến nay, vì phải giữ nhiệm vụ chính trong việc phòng không, Việt chưa có thì giờ đến thăm mẹ Năm. Hôm nay, sau một ngày chiến đấu quá ác liệt anh Chi bố trí Hải thay thế cho Việt được nghỉ. Buổi tối Việt xuống thăm mẹ. Mẹ Năm đang lúi húi ngồi lặt rau bên bếp lửa. Cạnh mẹ, những cây xà- lách mới nhổ và những trái su-le xanh bóng chất thành một đống nhỏ trên nền nhà. Thấy Việt vào, mẹ ngẩng lên, nét mặt mẹ mừng rỡ :
- Con đến chơi đó à?
Mẹ đẩy thúng rau sang một bên, đứng dậy đến bên Việt giọng mẹ dịu dàng :
- Các con đánh giặc gan quá, đồng bào ở đây phục lắm. Mệt lắm không con? Trán nóng đây rồi nè.
Bàn tay mát rượi của mẹ đặt lên trán Việt. Việt cảm động nói thật to để mẹ yên lòng :
- Làm việc nhiều, người nó nóng thế, chứ con vẫn khỏe mẹ ạ.
- Con ở đây ngồi chơi, để mẹ pha sữa uống cho mát.

Việt đưa mắt nhìn quanh nhà. Căn nhà lợp tôn, tường vôi; bày biện sơ sài, nhưng gọn ghẽ, phía ngoài đặt một bộ ván ngựa và một chiếc bàn bốn ghế đẩu. Một bức màn hoa chắn giữa nhà, phía sau bức màn kê một chiếc giường gỗ khá rộng, trên trải chiếc chiếu hoa mới có hình chữ thọ tròn, đỏ ở giữa. Cạnh đầu giường, một chiếc bàn sách nhỏ tựa sát vào tường, hẳn là bàn của cô Theo. Gian trong được ngăn với bếp bằng một bức vách làm bằng những chiếc thùng sắt tây ghép lại, trên những tấm sắt ấy còn mang những hình con sò của dầu hỏa và những tấm nhãn hiệu khác màu sắc lòe loẹt. Ở gian ngoài, một chiếc bàn thờ hình như mới được dựng lên, làm bằng tấm ván mộc đóng tựa vào vách, mép ngoài được giữ bởi hai sợi dây treo xiên lên mái nhà. Trên bàn thờ, hai ngọn nến trắng cháy bập bùng, một chiếc lọ cắm mấy đóa hoa vạn thọ còn tươi, nén hương cháy gần tàn tỏa mùi hương đầm ấm. Không thấy ảnh người chết, chỉ có tượng Phật lồng trong khung kính, một bát cơm lùm lùm, một đĩa thức ăn và một đôi đũa.
Mẹ Năm pha xong sữa gọi Việt :
- Vô trong ni ngồi chơi con, khách thương chi mà ngồi ngoài nớ.

Việt vào ngồi trên cái ghế đẩu nhỏ trước bàn học Theo. Thấy mẹ ở nhà có một mình, Việt hỏi :
- O Theo đi đâu rồi mẹ?
- Con Theo hắn đi "tham gia" rồi, con nợ. Hồi chiều con Châu tới đây nói ủy ban... ủy ban chi thành lập bữa hôm đó con tề.
- Dạ, ủy ban nhân dân cách mạng.
- Phải, ủy ban cách mạng Thành-Nội thành lập, có cả con Mai tham gia nữa. Con ở trên núi có biết con Mai không?
Việt nhớ lại chị phụ nữ anh gặp hôm vượt qua sông A, để vào thành phố. Hình như chị vừa sốt dậy, da xanh mét. Chị không biết bơi, phải níu vào một bọc ni-lông thật lớn, vừa đạp nước vừa đẩy cái bọc đi, vất vả mãi mà cái bọc cứ chòng chành muốn cuốn băng theo dòng nước. Việt lội ngang qua, dìu hộ chị theo mình, hỏi : “Chị mang gì mà nặng thế?” Chị áp mặt vào bao ni-lông, cười thực hiền : "Cờ khởi nghĩa đó. Tôi sợ ướt".

Việt đáp lời mẹ Năm :
- Dạ, có phải chị Mai trước làm thợ may ở Huế?
- Đúng con Mai đó. Hồi trước con Theo nhà ni cứ xuống may áo dài dưới hắn luôn. Con đó giỏi lắm, hắn làm cách mạng ba bốn năm trời mà ngoài cứ lặng như tờ mãi tới hôm hắn bị bắt, bà con trong xóm mới biết. Nghe thằng địch đánh, địch tra tấn hắn đủ cách, đóng đinh vô cả mười đầu ngón tay hắn rồi đầy hắn lên mô trên núi đỏ núi xanh. Tưởng hắn chết đi mô rồi, không ngờ năm ni hắn về khởi nghĩa.
Mẹ Năm ngừng lại, với tay lên đầu giường lấy chiếc hộp sắt tây nhỏ vừa têm trầu vừa nói tiếp :
- Bà con ở đây khen con Mai lắm. Hắn con gái yếu đuối rứa mà ra đảm đương việc dân việc nước vững vàng không thua chi đàn ông. Bữa trước con Châu gặp hắn từ trong Nội đi ra, cõng một bao gạo cả trăm lon trên lưng. Bom đạn nước nớ mà chị em hắn cứ đi ngờ ngờ cả ngày ngoài đường, hết chỗ ni chỗ tê, lo cứu thương, lo phát gạo, đào hầm cho đồng bào, lo trăm công ngàn việc. Mấy ngày ni Mỹ hắn thả bom cùng cả Thành-Nội, người chết, bị thương không biết mấy mà kể. Con Mai bàn với con Châu lập một cái trạm cứu thương mô ở dưới Thái-Trạch để lo cứu chữa cho đồng bào. Con Châu học bác sĩ sang năm ra trường. Hắn lên đây rủ con Theo đi. Con Theo hắn thương con Mai lắm. Khi chiều hắn nhớ thằng Nhật, còn ngồi khóc thút thít. Nghe con Châu nói chuyện, hắn vùng dậy nói : "Mạ ở nhà nấu ăn cho bộ đội, con phải đi làm việc với chị Mai cái đã, con gửi lời chào anh Việt với mấy anh". Rồi hai chị em hắn kéo nhau đi mất, không kịp ăn uống chi cả.

Chiếc bàn học của Theo được trải bằng một tấm khăn xanh rộng, trên đó những chồng sách vở xếp đặt ngăn nắp, trên bàn đặt một cái chai Pê-ni-xi-lin cắm những bông hoa tím nhỏ xíu và một chiếc ảnh của một người đàn ông mặc đồ bà ba , mặt rắn rỏi như công nhân, đứng trước một căn nhà gạch bị sụp đổ. Một chiếc áo dài trắng muốt mắc trên tường cạnh bàn học. Phía tường bên kia, dựng một tấm bảng đen nhỏ, trên đó vẽ hình mấy hạt đậu và mấy phương trình hóa học viết bằng phấn màu. Việt nghĩ đấy là một bài học Theo vừa bỏ dở, trước hôm khởi nghĩa.

Căn nhà của mẹ Năm có cái gì vừa thanh bạch vừa quen thuộc và thân thiết với những gia đình ở vùng Giải phóng mà anh đã sống trong những ngày bám đất đánh địch vừa qua. Và ở đâu cũng vậy, Việt đều gặp những nét quen thuộc ấy từ lâu nay đã ăn sâu vào tâm hồn Việt thành như một thứ trực giác rất nhạy bén, anh dựa vào đó làm mẫu, cứ theo cái mẫu đó mà phán đoán người khác ít khi sai lầm. Ngay cả ở trong một thành phố đầy rẫy đủ các loại địch này, chỉ tiếp xúc với ai một vài lần là Việt thấy mình đã nghĩ đúng về họ. Ai tốt ai xấu, ai thật ai giả, cứ hiện ra như in trên nét mặt họ.
Nén hương trên bàn thờ đã cháy hết. Mẹ Năm đứng dậy thắp một nén khác vừa vái vái vừa nói, giọng mẹ rơm rớm nước mắt :
- Con xa nhà tới đây, vì nghĩa quên mình, thôi cứ yên lòng ở lại với mẹ với em, với bà con cô bác, mô cũng là quê cha đất tổ. Mai mốt hòa bình thống nhất, mẹ sẽ đưa con về lại nơi chôn rau cắt rốn.
Lúc mới vào, Việt cứ ngỡ là mẹ Năm đang cúng cơm Tết cho một người nào đó trong gia đình mẹ. Bây giờ thì anh chợt hiểu người chết là ai. Nhìn mẹ lụm cụm cắm nén hương lên bát gạo trên bàn thờ Nhật, Việt thấy lòng mình quặn lại vì xúc động. Anh quay mặt vào trong tối, lấy ngón tay cái quệt nhanh vào khóe mắt.

Chiều hôm qua khi xe đến để đưa thương binh và tử sĩ đi, mẹ Năm nhất định giữ lại không cho. Theo vừa khóc vừa chạy đi pha sữa cho Sánh uống. Mẹ Năm ngồi vuốt tóc Sánh, nói : "Đưa đi mô? Bị thương thì ở lại đây, mẹ săn sóc cho. Ở đây y tá có, sinh viên y khoa cũng có, các con đừng lo. Còn anh Nhật thì mẹ thay mặt bà con ở đây xin lo liệu việc chôn cất". Anh Vĩnh phải hết lời giải thích với mẹ rằng các anh có trách nhiệm thi hành chính sách của quân đội đối với thương binh tử sĩ, mẹ mới chịu để anh em đưa Sánh lên xe về trạm phẫu. Nhưng đến khi anh em khiêng thi hài của Nhật lên thì các mẹ nhất định níu lại. Mẹ Năm nói : "Các con có bổn phận thì đồng bào ở đây cũng có bổn phận chớ. Anh ấy đánh giặc bảo vệ Cột Cờ chết ở đây thì chôn ở đây. Đất là đất của nhân dân chớ đất chi của cha ông thằng Thiệu-Kỳ mà sợ".
Nhật đã được chôn cất trong vườn rau của mẹ Năm, mảnh đất trồng xà-lách đã làm ra những bát canh ngọt ngào nuôi Nhật và các đồng chí trong cuộc chiến đấu dưới chân Cột Cờ Huế. Nơi Nhật yên nghỉ như vậy thực là đẹp, nó vừa nằm ngay trên trận địa nóng bỏng, vừa nằm trong cõi ấm áp vô cùng giữa lòng nhân dân. Bây giờ hẳn Nhật đang ngủ một giấc ngon lành. Nghĩ như thế, Việt bỗng thấy yên lòng về người bạn thân yêu đã chết. Nỗi đau đớn chợt nhẹ đi trong anh, và thay thế vào đó Việt thấy lòng mình lâng lâng tự hào về sự cống hiến của Nhật trong sự nghiệp giải phóng thành phố này. Việt muốn nói với mẹ Năm một cái gì để tỏ lòng biết ơn của anh đối với mẹ, nhưng anh sợ nói thế nó thành ra khách sáo nên anh lại thôi. Anh cầm tấm ảnh trên bàn Theo đưa đến gần đèn, nghiêng nghiêng nhìn. Người đàn ông có đôi mắt to đen và chiếc sống mũi cao trông hao hao giống Theo, dưới tấm ảnh đề năm 1952. Việt ngẩng lên nhìn mẹ Năm :
- Đây có phải là ảnh của...

Mẹ Năm đáp giọng hơi ngập ngọng vì nước trầu :
- Cha con Theo đó.
Mẹ ngừng lại, cúi xuống lấy chiếc ống nhổ ở chân giường nhổ quệt trầu, kéo cái khăn vắt trên vai lau miệng, nhắc lại :
- Cha con Theo chụp hồi kháng chiến đó.
Nghe mẹ Năm nói thế không hiểu sao lòng Việt thấy vui thêm. Anh ngồi vào phản :
- Chắc là bác trai đi tập kết ngoài Bắc phải không mẹ?
Mẹ Năm lắc đầu :
- Không. Ổng hy sinh rồi. Bị Tây nó bắn ở Chí- Long năm năm ba.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2008, 11:08:14 am »

Mẹ Năm đứng đậy đi thẳng ra ngoài khép cửa lại, kéo chiếc màn ở giữa nhà ra che kín cả gian trong. Dáng điệu của mẹ có vẻ bí mật như thể sợ ai ở ngoài trông thấy việc mẹ sắp làm. Xong mẹ quay vào mở chiếc rương nhỏ kê sát tường phía trên đầu giường. Mẹ lấy từ đáy rương ra một chiếc ống tre cũ đưa cho Việt :
- Đây là vật kỷ niệm của ông nhà tui.

Chiếc ống tre nhẹ, dài khoảng hai gang tay màu vàng óng, một đầu có mắt, đầu kia nút lại bằng một cái nút chai. Việt mở nút, dựng ngược ống, thổ nhè nhẹ vào bàn tay. Một tờ giấy cuộn tròn thò ra ngoài. Anh trải tấm giấy lên bàn. Đó là một lá cờ đỏ sao vàng làm bằng giấy hồng điều, ngoài biên giấy mủn ra rách lam nham, cái nền đỏ đã phai đi từng đám lỗ chỗ, nhưng ngôi sao vàng năm cánh ở giữa vẫn sắc, nhát kéo tưởng như còn mới. Và trong lòng lá cờ cuộn lại ấy là một tấm ảnh Bác Hồ cắt từ một tờ báo nào đó giấy đã cũ và ngả sang màu vàng, khuôn mặt rất gầy làm đôi mắt Bác như sâu hơn và vầng trán như rộng thêm ra. Việt thấy lòng xúc động đến bối rối không hiểu vì nhìn thấy lại khuôn mặt hao gầy khắc khổ của Bác năm xưa, hay là vì tấm lòng thủy chung của mẹ Năm, mà có lẽ là cả hai. Mẹ Năm ngồi buông chân xuống đất, chân kia co lên giường, bàn tay gầy guộc của mẹ chống cằm, miếng bã trầu đã khô lười ra bên khóe miệng. Mẹ nhìn vào khoảng không, đôi mắt lờ đờ. Mấy sợi tóc hoa râm từ đường ngôi rẽ xuống, rung rinh lên vầng trán nhiều nếp nhăn của mẹ.

Giọng mẹ xa xăm, Việt tưởng như mẹ Năm đang ngồi nói một mình với chính mẹ :
- Cờ đó ông làm hồi cướp chính quyền, năm Ất Dậu. Lúc ông đi kháng chiến, tui ở nhà sinh con Theo được ba tháng thì ông hy sinh. Ông biên thư về căn dặn tôi đủ điều dặn đi dặn lại phải đặt tên em Theo như vậy. Ông nói Theo là theo cụ Hồ ấy.
Mẹ kể lại cho Việt nghe những năm dài sống u uất dưới chân Cột Cờ này. Hồi thằng Diệm tố cộng,  tuần nào tụi nó cũng bắt mẹ đi "học tập", bắt chính miệng mẹ phải nói xấu kháng chiến. Thằng quận trưởng cứ lâu lâu gọi mẹ tới, mặt lầm lầm : "Răng, mụ bữa ni còn theo Cụ Hồ nữa không?". Mấy thằng "cần lao" trong xóm cứ đem chuyện chồng mẹ đi kháng chiến để đòi đuổi mẹ đi khỏi Cột Cờ, tìm cách chiếm mất vườn xà-lách của mẹ. Theo lớn lên, bọn thiếu úy, trung úy giữ Cột Cờ ngày nào cũng vào chọc ghẹo, nói năng càn rỡ. Chúng không đánh đập gì mẹ, nhưng mẹ thấy đau đớn day dứt hơn cả đòn vọt tra tấn, vì những cái ấy ngày nào cũng xảy ra, kéo dài năm này qua năm khác, giày đạp lên một cái gì rất đỗi thiêng liêng mà mẹ tôn thờ trong lòng. Có lần bọn ngụy quyền đem ra "trình diện" ngoài Nhà hát lớn những người mà chúng gọi là “Việt cộng nằm vùng” bị chúng bắt được. Theo bộp chộp đi xem về mách lại với mẹ. Mẹ giận, cốc con gái một cái nên thân mắng : "Lớn sầm sầm cái đầu rồi còn ngu. Cha mi ngoài nớ chứ ai đó mà đi coi". Mẹ nói chuyện với Việt có lúc mẹ rơm rớm nước mắt : "Mẹ mang tiếng ở thành phố mà có sướng chi cho cam. Không hiểu răng mà cứ thấy o ép tức tối đêm ngủ đầu óc cứ bứt rứt". Mẹ kể tiếp cho Việt nghe những ngày mẹ và Theo cùng bà con đi đấu tranh chống Diệm, Khánh, Hương, Mỹ-Thiệu- Kỳ. Theo thì đi hội họp, biểu tình liên miên, mẹ cũng ở luôn ngoài trụ sở nấu cơm cho sinh viên ăn, nhà bỏ trống hàng chục ngày trời. Lâu lâu mẹ phải về một bữa đốt lại bếp lửa cho ấm nhà, vun lại luống rau bị gà bươi, rồi mẹ lại đi với bà con cho đến lúc dứt đợt đấu tranh. Mỗi lần một thằng đầu sỏ trong nguy quyền Sài-Gòn bị hất cổ xuống, lòng mẹ lại thấy vui lên một chút, nhưng chỉ một đôi lúc thôi. Từ ngoài phố về nhà, ngang qua Cột Cờ, thấy lá cờ ba sọc vàng ngoạch cứ hí ha hí hửng, phe phe phẩy phẩy, mẹ đứng lại nhổ một bãi quết trầu xuống cỏ rồi lầm bầm một mình : "thằng mô thì cũng là cái thằng ba que... một ma chớ nỏ mấy mồ" và lòng mẹ lại tối sầm xuống như đi ngoài nắng vào. Đời mẹ lại tiếp tục cái nhịp cũ với những buổi chạy vạy buồn thúi ruột, dài tưởng như không hết, lòng mẹ day dứt nhớ đến những lời căn dặn của người chồng đã hy sinh, lo nghĩ làm sao nuôi nấng đứa con gái cho nên người đàng hoàng. Cái lo nhất của mẹ là lo cô Theo lấy phải thằng chồng đi lính nguy. Gả cho con nhà ăn học tử tế thì rồi nó cũng trở thành lính, biết tính sao bây giờ... Nhưng rồi buổi tối mở đài ra nghe, nghe miền Bắc bắn rơi thêm mấy chiếc tàu bay Mỹ, nghe miền Nam chiến thắng dồn dập, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao trên đỉnh Cột Cờ này hồi mùa thu năm xưa lại hiện về gần gũi trong tâm trí mẹ, lòng mẹ như tháng năm tháng sáu trời trở gió hướng nồm, mát mẻ, bồi hồi... Mẹ lại cuốc đất trồng rau, tần tảo nuôi con, với cái linh cảm ngày càng rõ ràng rằng một cái gì đó rất to lớn sắp xảy đến ngay dưới chân Cột Cờ này, to lớn đến nỗi nó sẽ làm thay đổi hết cả vận mệnh của mọi người ở đây, cả vận mệnh của gia đình mẹ.

Mẹ không ngờ cái ngày ấy nó lại đến sớm và đột ngột như vậy. Sáng mồng một Tết, tụi cảnh sát dã chiến còn đi từng nhà bắt bà con ra đứng chào cờ ba que. Sáng mồng hai cờ Mặt trận đã bay phơi phới trên đỉnh Cột Cờ... Mẹ nói buổi sáng ấy cả trời đất phố xá mờ mờ ảo ảo trong sương, mẹ mở mắt sờ sờ nhìn lá cờ lên mà cứ tưởng chuyện trong chiêm bao... Bỗng nhiên trong tiếng súng lặng dần, một mớ tiếng khác bắt đầu dấy lên, trong đó mẹ nghe có tiếng phèng la từng hồi như kêu như giục, tiếng mõ săng đánh lốc cốc... lốc cốc như rượt bắt, tiếng trống đại ầm ầm tưng tức như có cái chi trong ngực muốn nổ tung ra, và tiếng leng keng của đủ loại thùng sắt tây đông đảo, háo hức như tiếng cả ngàn người vừa chạy vừa hò. Cả mớ tiếng ầm ả ấy bắt đầu nổi lên ở vùng cửa An-Hòa, cửa Chánh-Tây, râm ran hết cả vùng Xã-Tắc, Tây-Lộc, cầu Đất và càng ngày càng to; càng rộng dọc theo mặt thành lan xuống Cột Cờ. Niềm hăm hở say mê của hồi còn trẻ theo chồng đi cướp chính quyền hơn hai mươi năm sống lại tràn trề trong tâm hồn mẹ . Mẹ chạy vào nhà xách chiếc thùng dầu hỏa ra đập liên hồi, cánh tay mẹ cứ hoa lên theo mớ tiếng thúc giục vọng lại mỗi lúc một gần. Rồi o Theo cũng xách chiếc thùng dầu xà-lách ra đánh phụ họa với mẹ, tiếp theo đó là tiếng mâm đồng, tiếng dùi gỗ đập vào ống tre... Bà con xóm Cột cờ bắt đầu nổi dậy...

Mẹ Năm nói với Việt hết chuyện này đến chuyện khác. Nét mặt mẹ như hồng hào trở lại, cái chân chim sau đuôi mắt mẹ nhấp nháy theo câu chuyện của mẹ.
Một lát mẹ bước xuống giường, đến sát bên Việt, giọng mẹ thì thào như sợ có ai nghe :
- Nè con... đến khi mô mình mới treo cờ ni như hồi truất phế Bảo Đại đó hả con?
Mẹ vừa nói vừa chỉ lá cờ sao trải trên mặt bàn. Việt hiểu nỗi băn khoăn của mẹ. Càng căm ghét lá cờ ba que thì lòng mẹ càng hướng về lá cờ của Cách mạng tháng Tám. Ngọn cờ ấy chính tay mẹ đã cầm phất lên cùng với một lần lớn dậy rất đỗi thiêng liêng của tâm hồn mẹ lúc trẻ, đã đỏ thắm thêm bằng máu của bác Năm, nên hai mươi năm dài xa vắng, tất cả niềm tin tưởng và mong đợi của mẹ đều hướng vọng về ngọn cờ ấy. Việt dịu dàng nói :
- Cái đó còn tùy ở ý muốn của nhân dân. Bây giờ trước mắt hai miền đang dốc sức đánh Mỹ cái đã. Nhưng chắc chắn thế nào rồi nước mình cũng thống nhất mẹ ạ.

Mẹ Năm gật gật đầu, im lặng. Một lát, mẹ nói :
- Nói thiệt với con, mấy chục năm trời ni tau chỉ có một chút tơ tưởng trong lòng. Lâu nay tau tần tiện cố dành dụm chút ít tiền để mai mốt làm lộ phí. Hòa bình rồi tau dắt con Theo ra thăm Hà-Nội một chuyến. Hai mẹ con tau đứng bên lề đường với đồng bào, đón Cụ Hồ đi qua, để được thấy Cụ tận mắt một lần.
Mẹ Năm vừa nói vừa vuốt tấm ảnh Bác Hồ để trên mặt bàn, miệng mẹ cười cười, mắt mẹ lấp lánh ánh đèn. Giọng mẹ có cái gì quá đỗi chân thành làm cho Việt bỗng thấy mắt mình rưng rưng. Anh chợt hiểu vì sao giữa một thành phố mà đồn thù dày đặc như bát úp, quân Giải phóng đã có thể tiến vào, trùng trùng điệp điệp, giành lấy chiến thắng nhanh gọn như trở bàn tay. Đúng là vì trận địa Huế không chỉ được chuẩn bị khi mở chiến dịch. Trận địa ấy đã được chuẩn bị một cách thầm lặng từ hơn hai mươi năm nay, ngay ở lòng địch. Trận địa ấy chính là tấm lòng nhân dân Huế. Trong đau khổ uất hận. Huế vẫn trung trinh hướng về Cách mạng tháng Tám, vẫn một lòng theo Bác. Rồi đây chiến dịch này sẽ chấm dứt, nhưng trận địa ấy vẫn còn, nó sẽ được tiếp tục chuẩn bị và bảo vệ để chờ chiến dịch khác tiếp theo. Và bóng cờ Giải phóng đã được treo trên trận địa ấy sẽ tươi thắm mãi giữa lòng nhân dân Huế cho đến ngày toàn thắng. Nỗi vui sướng tràn ngập trong lòng, Việt đứng dậy đặt hai tay lên vai mẹ Năm, anh nói như nói với mẹ mình :
- Mẹ khỏi phải đi xa làm gì. Hòa bình rồi, Bác Hồ sẽ vô thăm miền Nam. Bác sẽ vô thăm mẹ con ta mẹ ạ!

1969




HẾT TẬP 1
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM