Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:04:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký Sự Chiến Tranh - Tập 1  (Đọc 41191 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 11:08:37 am »

Năm chiếc xe của giặc còn nguyên vẹn, bắt đầu chuyển bánh, đem theo khẩu 105 và võ khí chiếm được về con đường Phục-Hòa mà công binh và dân công sửa suốt đêm ấy. Đèn pha chiếu sáng rực. Còi bóp vang vang. Xe nghiêng ngả. Mọi người hỏi :
- Đông Khê thế nào các anh?
- Đông Khê đây này! Reo lên. Đông Khê đây này.

Xe chạy, tiếng reo hò, tiếng xe vẳng lại.
- Đông Khê đây này! Hoan hô dân công. Đông Khê đây này !
Trên đống gạch ngói của Đông Khê, xác giặc ngổn ngang. Bóng dân lẫn bóng lính. Súng lẫn với đòn khiêng. Tiếng súng vẫn còn lác đác trên đồn. Một tiếng gọi :
- Chị Dậu ơi! Tôi bị thương rồi.
Dậu đến bên anh . Anh nói :
- Nhưng tôi bị nhẹ thôi. Các chị ra khiêng anh Minh hộ.
- Anh đi được chứ?
- Được.
Dậu cởi sẵn thắt lưng, đi thoăn thoắt lại chỗ anh kia giơ tay chỉ.

Bên suối, một đội viên hí hoáy rửa một đôi giầy đinh máu loang mặt nước. Đêm trước, khi đánh lên đồn to, anh thấy một đôi giầy đinh quẳng đấy. Anh nói với trung đội trưởng :
- Báo cáo anh cho phép tôi đi tạm đôi giầy này để xung phong. Giây thép gai đau chân khó xung phong lắm. Xung phong xong, tôi lại xin rửa sạch sẽ đem lại trình anh.



IV

Lừa lại trở về với đơn vị pháo binh.. Mặt mọi người bừng vui. Mới có mấy hôm mà tưởng như xa cách chúng nó đã lâu lắm. Hai con đã mất chủ : con “khung” và con "ống xiết". Chủ con “khung” chết trong trận đối pháo ở Đông-Khê. Chủ con “ống xiết” là Nho, đã hy sinh vì nó. Nho dẫn nó đi lấy gạo. Gặp máy bay oanh tạc, Nho chỉ vừa kịp dắt nó vào một cái hốc đá con trú ẩn, thì quả bom rơi xuống. Hốc chỉ đủ chỗ cho lừa. Nho đành nằm gí người ngoài hốc. Một mảnh bom cắt hẳn hai chân Nho.

Con “ống xiết” chưa quen với chủ mới. Nó giở chứng, rất hay phá phách.
Đàn lừa không được béo, lông không được óng ánh như hồi mới lên đường. Phần đông những vết thương cũ lại lở loét. Băng trắng quàng ngang bụng. Nhưng ba thồ lênh khênh vẫn lặc lè trên lưng chúng.

Pháo binh lại hành quân. Chị Thiếp đau chân. Một hôm trời tối, chị vào rừng lấy củi cho bộ đôi, bị nứa nhọn đâm gần suốt bàn chân Nhưng chị không chịu nghỉ, vẫn tập tễnh đi theo bộ đội. Đồng chí Thào hơi buồn. Hôm bốn người dân công trong toán hy sinh ở Đông Khê, đồng chí Thào đã rửa ráy họ sạch sẽ, và khóc rưng rức khi đem táng họ ở gần vị trị pháo binh. Đồng chí Thào chỉ vui khi gặp Hàm. Mỗi khi anh em dân công ốm đau, Hàm hay đến hỏi thăm. Đồng chí Thào thích Hàm ở chỗ không bao giờ Hàm đùn việc nặng cho dân công như một hai đội viên khác, không nặng tiếng với dân công bao giờ. Hôm đơn vị được chia chiến lợi phẩm. Hàm biếu đồng chí Thào miếng phó mát, phần của anh. Nể quá, đồng chí Thào phải ăn, nhưng rồi nôn tháo cả ra. Hai người cùng ngượng. Hàm lại cố đi tìm cho đồng chí Thào một cái vỏ đồ hộp. Đồng chí Thào cảm động lắm.

Dân công nhiều hơn ngày chưa đánh Đông-Khê. Bộ đội cũng nhiều hơn. Tinh mơ, các chị đã rầm rập trên đường. Đêm khuya vẫn có những hàng dài đuốc đi về. Một cảnh lượng lạ mắt. Thỉnh khoảng lại gặp một hai tù binh. Chúng nó vẫn còn sang. Thằng nào cũng đeo đồng hồ tay. Chúng lấm lét, nhìn những gánh chiến lợi phẩm gánh về. Có thằng chìa tay xin đồ hộp, hoặc xin thuốc lá. Một hôm bọn Hàm đang rửa mặt ở suối, thì có một tốp tù binh đến. Anh địch vận nói :
- Cái thằng lùn, già già là viên quan ba A-li-úc, chỉ huy Đông Khê đấy.

Hàm quay lại. A-li-úc xin anh cho uống nước. Anh múc cho nó một ca nước suối. Nó nói : Méc-xì, rồi nốc hết, rồi lại xin. Nó uống xong, ra hiệu bảo Hàm đưa nước cho những thằng khác. Hàm giận lắm, nhưng anh không biết nói gì cho nó đúng. Anh đi, chúng nó lội xuống suối, vục nước bằng hai bàn tay uống ừng ực...

*
*    *

Chưa có lệnh đánh Thất-khê. Chỉ những hành quân là hành quân. Bố-Bạch rồi bản Xiền, rồi bản Tồn, rồi Pò-Mã, rồi bản Nùng, rồi lại bản Nùng - Pò- Mã rồi lại Pò- Mã - bản Xiền... bộ đội bàn tán :
- Thế này đã là vận động chiến chưa?
- Chưa, đây vẫn là hành quân.

Đồng lúa đã bắt đầu chín. Xuống dốc. Con đường chữ chi lầy lội. Con lừa "ống xiết" không chịu chủ mới, phá phách. Trông nó hung dữ, đồng thời cũng tội nghiệp. Răng nó nhe trắng nhởn, lưỡi đỏ nghẹn ngập với hàm thiếc, mũi thở phì phì, lông đen ướt như tắm, vài giọt máu chảy trên bụng, hai chân sau nhợt nhạt bùn, đá vung hừ hự. Ba thồ kêu rắc rắc, tiếng kim khí lanh canh. Anh chủ mới của nó, tay rít chặt dây cương, cái mũ nan rơi xuống bùn, cành lá ngụy trang rào rào như gió thổi. Con lừa lôi anh đi sành sạch. Lúa đổ nát một khoảng rộng. Bỗng con vật ngã xuống chân đạp điên cuồng.
- Hỏng hết lúa của dân rồi!

Quãng đường này - cũng như nhiều quãng đường khác - lúa hai bên đã giạt cả, thành đường đi khá nhẵn, lúa lẫn với bùn, với đất. Con lừa đã tự nó đứng lên, thở hồng hộc, mắt dại đờ, mồm nhai mấy nhánh lúa. Một chị phụ nữ rất xinh, cầm liềm nhỏ cắt một vài lượm lúa, bỏ vào một cái sọt nhỏ. Cái hình ảnh đáng lẽ rất tự nhiên trong mùa gặt hái, trái lại ở đây, là một cảnh bất thường.
- Kéo nó vào không hỏng hết lúa của người ta.
Tiếng anh chính trị viên.
Tiếng chị phụ nữ :
- Lừa đấy. Có phải các anh đâu.
- Chị tốt quá.
- Chẳng tốt đâu.
- Chị không đi dân công à?
- Em mới đi về đấy, các anh ạ..

Bộ đội cười quên mệt. Đàn lừa lại cúi đầu đi. Chỗ chị phụ nữ, chỉ còn một chấm nhỏ chàm. Một chút êm mát của cuộc đời bình thường hòa bình, làm nhẹ đầu óc căng thẳng của những người không nhà, không cửa, liên miên chiến đấu. Anh chính trị viên, tới chỗ nghỉ, nói :
- Dân mình tốt quá. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có lỗi đối với dân đâu. Hại bao nhiêu lúa của đồng bào!
- Thưa anh có phải chỉ riêng mình đâu.
- Mình cứ biết việc mình, nhiệm vụ mình. Một hột gạo của dân, mình cũng phải trọng. Hôm nọ, Bác đi thăm mặt trận. Qua một thửa ruộng bị dẫm nát, Bác đã phê bình bộ đội vô ý thức, không biết tôn trọng của dân. Trận Đông Khê, Bác phê bình bộ đội phí phạm. Đấy, các đồng chí đã thấy chưa?
- Thấy rồi ạ.
- Thì ra Bác để ý từng ly từng tí một.
- Thật là cha bảo con từng sợi tơ kẽ tóc. Bọn mình ẩu thật.

- Thưa anh, hình như Bác đi nhiều nơi lắm.
- Tôi không biết rõ, nhưng được tin rằng Bác có đến Đông-Khê; mấy hôm trước thì Bác đi thăm anh em thương binh...
- Chắc là Phong nhà mình được gặp Bác.
- Có lẽ lúc Bác đến thì anh em còn ngủ, Bác vén màn từng giường, rồi ra ngồi một chỗ chờ anh em dậy. Anh em biết tin chạy cả ra. Nghe nói trông thấy anh em, Bác nghẹn ngào mãi mới nói được.
- Anh có gặp Bác bao giờ không?
- Không.
- Phong nhà mình thế là bở. Chắc là vết thương chóng lành lắm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 04:29:01 pm »

*
*    *

Ngày giờ trôi qua. Bộ đội và dân công liên miên hành quân. Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn chưa có lệnh đánh. Anh đại đội trưởng đi công tác về, gặp anh chính trị viên ở dọc đường nói :
- Nản quá. Tây-Bắc nó làm hăng hơn bọn mình. Pa-Kha, theo mình, mạnh chẳng kém gì Đông Khê.
- Thế mà nó lại hơn bọn mình Hoàng-xu-phì. Xi- Ma-Cai, vừa mới có tin giải phóng xong. Mình vừa vui mà lại vừa ức. Bọn mình cứ rì rì ra thế này. Từ sau Đông Khê, hơn tuần lễ rồi mà chưa được đánh. Có khi mình thành chiến trường phụ không biết chừng. Hì hì.

Một đại đội trưởng bộ binh dẫn bộ đội mình cũng vừa tới đấy, mắt láu lỉnh,miệng chế giễu. Người lùn tè đeo một chiếc kiếm dài. Anh bắt tay hai người bạn :
- Rét quá, chúng mày ạ. Đợi đến bao giờ?
Anh chính trị viên :
- Giải quyết xong V2, đánh luôn V3 là đúng hơn cả. Bây giờ nó tăng cường Thất-khê, mà lại rút được kinh nghiệm Đông Khê. Khó chơi lắm nhé. Gay lắm, chứ đừng tưởng. Mồm anh dài ra và trán răn lại. Tăng cường thì đánh cũng cứ được, miễn là cho đánh ngay. Tớ cho đánh công kiên vẫn gọn, đỡ mệt. Cứ rập rà rập rình thế này, tốn cơm gạo Chính phủ lắm. Nhưng bộ chỉ huy lại chủ trương là đợi cơ. Mười lần đợi nó ra, chín lần không gặp, mà một lần gặp cũng cứ đợi. Thế mới lôi thôi chứ. Một điểm hoài nghi trong giọng nói của anh chính trị viên.

Anh đại đội pháo binh góp :
- Đánh Thất-Khê gay chứ không dễ đâu. Bây giờ nó quét sâu vào nội địa mình, hàng sáu, bảy cây, cái lán nhỏ nó cũng sục. Những chỗ mình dự định đặt pháo bây giờ là nó đóng hết. Hôm mới rồi, tớ đi trinh sát chiến đấu suýt tý nữa thì nó tôm được. Hì hì.
- Nóng ruột lắm. Sinh ra cái trò vận động mệt lính Cụ Hồ lắm. Anh đại đội bộ binh vừa nói vừa cười. Một anh bạn phái viên tham mưu đi qua. Anh hỏi :
- Có tin gì mới không cậu? Ở chỗ ông T... về đấy phải không?
- Vẫn thế thôi. Anh phái viên vừa ngồi xuống một phiến đá, lấy khăn mặt lau mồ hôi :
- À cho các cậu biết cái tin này, trong một tuần lễ, khu Ba hạ bẩy đồn ở Hưng-Yên và Thái-Bình, phá nhà máy sợi Nam-Định.
- Gì nữa?
- Có cái tin này thú hơn. Ở Sầm-Sơn, mình đánh đắm một thông báo hạm, tên là Gioăng-vin, mang sáu đại bác 105 ly. Hai trăm rưởi thủy thủ chết hết, trong ấy có cả một thằng quan năm.
- Bọn mình trên này tép quá. Mới được một quan ba.
Anh đại đội bộ binh vỗ tay vào kiếm nhảy nhót.

- Còn một chi tiết này đáng chú ý : Chiếc thông báo hạm này, Pháp định đem giúp Mỹ ở Triều-Tiên.
- Tuyệt quá. Đánh một cú, nhẹ cả cho mình, nhẹ cả cho nước bạn. Thế thì chúng ta bây giờ làm gì?
Anh chính trị viên mắt xa thẳm :
- Triều-Tiên được tin này, chắc là phấn khởi lắm. Nghĩ đến Triều-tiên, lắm lúc mình đau quá. Mỹ nó tàn sát ghê lắm, như thằng Pháp ở đây. Triều-Tiên cũng nhiều Bình-Trị-Thiên lắm. Đánh đắm được chiếc tàu kia, mình hả lắm...

Anh đại đội bộ binh :
- Cho nên trùng trình mãi thế này, mình sốt ruột lắm.
Anh đại đội trưởng bộ binh trật mũ, hai tay cào tóc mặt nhăn nhó, rồi lại bỏ mũ lên đầu :
- Hành quân vậy.

*
*    *

Rồi tin giặc định chiếm lại Đông Khê. Bộ đội chờ giặc ở Đông Khê mãi không thấy nó tới. Rồi tin giặc sẽ nhảy dù. Bộ đội chờ mãi không thấy nó nhảy dù. Rồi tin giặc đem chín mươi xe lên Bản-Ne. Pháo binh được lệnh xuống Pò-Mã. Bộ binh ở Pò-Mã về. Một anh thở dài :
- Quân báo thế thì chết!

Rồi giặc đánh vào Pò-Mã, giết một số dân công, bắt một số bộ đội, cướp một số đạn đại bác, phá nhiều gạo của vận tải gánh về. Một đơn vị ra đánh, chúng chết mươi tên, rút. Lại những cuộc bàn tán trong cán bộ :
- Mình đang chủ động, thế mà lúng túng, bây giờ lại hóa bị động rồi.
- Mình có sợ đi đâu, nhưng cứ xách đi mà không thấy giặc, mình mới ngại.
- Cũng mất hứng nhiều.
- Bã cả người ra.
- Điệu này thì kéo đến bao giờ? Bộ đội ốm hết.
- Rồi còn dân công. Trông thấy lúa chín mình còn xót ruột nữa là bà con...

Chợt có lệnh bộ đội đi lấy gạo!
- Thế giặc đến thì làm thế nào?
- Lệnh đi là đi, không thắc mắc.
Người đội viên lại lặng lẽ đi lấy gạo. Số ở nhà bắt đầu làm lán. Rừng vang lên những tiếng nô đùa. Những gạc, những cành, những lá ráy chất đống bên vệ núi. Họ đang lúi húi chôn cột thì trời đổ mưa to. Anh chị em dân công chạy lộn xộn lấy nón, lấy lá che cho nồi cơm đang sôi. Nhưng chỉ trong nháy mắt bếp tắt rụi. Nước mưa đổ đầy nồi cơm. Họ ướt luốt tuốt, rét co ro, đứng nép dưới cây, hoặc ngồi xổm che nón, tần ngần nhìn nồi cơm hỏng. Bộ đội ướt đến tận thịt. Một người hét to :
- Cứ làm lán, không tối nay ngủ vào đâu?
- Giời ác quá đi mất thôi!
Chú liên lạc của đại đội chạy hộc tốc, ngã lăn chiêng xuống dốc trơn. Một người nói :
- Thôi, lại hành quân rồi!
- Vừa mới bắc máng cho lừa xong!
- Biết ngay cái lệ nhà Vệ là thế mà!

Nửa giờ sau, dưới trời mưa mù mịt, những bóng người nho nhỏ, và những bóng lừa lêu đêu, với những bóng gậy, bóng súng, bóng nón, bóng lá lòa xòa, lại đùn đùn ra khỏi rừng, Nhấp nhô, gập ghềnh, cái đi cái chạy.
- Mình đã hết vía cái đèo Bố-Bạch này rồi.
Hàm lè nhè nói :
- Thôi, cứ nhớ điều yêu cầu thứ hai của chiến dịch là hết.

Gió quật mưa tới tấp vào mặt mũi anh. Trên đèo nước chảy ầm ầm xuống như đổ. Hàm tháo ba thồ, để cho lừa nghỉ dưới chân đèo vì chúng không vượt được đèo đá còn anh và các bạn bắt đầu chuyển những bộ phận đại bác sang bên kia chân đèo : dài ba cây số. Dốc trơn cao ngất. Dốc đá tai mèo, đá sắc như dao lổm chổm như chông. Những hòn đá chắn lối đi, dựng đứng, cao hơn người xếp thành ba bốn bực phải vượt qua. Mắt các anh không mở được vì mưa. Hàm phải  làm gấp ba công việc : mang được một bộ phận sang chân kia đèo, rồi lại trở lại chỗ cũ để khiêng nốt những bộ phận còn sót. Cuối cùng, anh lộn lại một lần nữa để đánh lừa sang. Nhiều anh em ỳ ạch khiêng, léo nhéo gọi Hàm đỡ cho một quãng.

Tối, mới tới bản Nhẫn. Gạo chưa về. Ba lô ướt sũng, các chiến sĩ đành mặc bộ áo ướt ban nãy. Mưa đã ngớt.
Bóng đồng chí Thào gầy và cao đi lại. Thào đến ngồi bên Hàm, thở hơi khói ngang ngang của cái tẩu cục mịch làm lấy. Lâu lâu Thào không nói. Mọi người thì thào :
- Thôi, "biến" rồi, chắc là đến xin về rồi.
Mấy hôm nay, đã có vài dân công sốt ruột vì mùa màng, xin nghỉ. Hàm sờ áo đồng chí Thào nói :
- Áo đồng chí ướt hết rồi.
- Đồng chí Hàm cũng ướt đấy.
- Nhưng đồng chí run, mà tôi không run.
Đồng chí Thào im lặng, hít cái tẩu không ra khói. Một lúc, nói :
- Các đồng chí hết gạo phải không? Hôm nọ, chúng tôi hết gạo, đồng chí Hàm cho vay. Bây giờ các đồng chí hết gạo. Chúng tôi còn ít gạo bữa nay để thổi cơm. Nhưng toàn thể chúng tôi không thổi cơm, mà nấu cháo để các đồng chí cùng ăn.
Bộ đội chạy cả lại hoan hô đồng chí Thào. Đồng chí cao lênh khênh ngậm tẩu, cười bằng những nét răn trên mặt, mắt buồn nhìn mọi người, rồi lại nhìn Hàm.

Một lúc sau, chị Thiếp tập tễnh khiêng với một chị khác, một nồi cháo lớn đến. Chị Thiếp cười :
- Cháo đây các anh ạ.
Bộ đội và dân công cùng ăn. Các chị phụ nữ không chịu ăn chung. Các chị đốt đuốc soi cho anh em. Đôi mắt nhỏ của Thiếp nhắm lại. Một đội viên yêu cầu chị nói chuyện, Thiếp ngoẹo đầu, nói :
- Em không biết đâu...
Đêm lại có lệnh đi Cốc-Bố.
Hai hôm sau, pháo binh đã lại trở về Bố-Bạch...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 04:42:08 pm »

V

A ha khoái quá anh em.
Mong chờ nó mãi nó lên đây rồi.
Mày lên mày chết Tây ơi.
Phen này dù chạy lên trời đố yên !
(1)

Giặc ở Thất-Khê ra.
Lệnh của bộ chỉ huy chiến dịch :
- Không cho địch chạy về Thất-Khê. Đánh bật địch khỏi Khâu-Luông. Tiêu diệt địch ngay trên đường số bốn.

Lơ pa-giơ (Le Page) tiến lên Đông-Khê. Nó huy động một lực lượng lớn : tiểu đoàn Ta-bo 11, tiểu đoàn nhảy dù, tiểu đoàn lính Ma-rốc, tiểu đoàn dõng và phu. Bép (2) chưa hề thua trận nào. Mặt trận nào nguy nan nhất thì Bép xuống. Lại có Ta-bo thiện chiến : Mỗi khi xung phong, qua rừng lên núi, chúng ngậm dao găm, giắt dao găm, dùng súng ngắn, víu đá tai mèo, vượt lên băng băng như đàn vượn. Chúng đã đánh ở Phi; chúng đã đánh ở Ý; chúng đã vượt sông Ranh (Rhin); một tiểu đoàn chúng đã tiêu diệt một trung đoàn của Hít-le. Trên chiến trường Đông-dương, chưa hề có một Ta-bo bị bắt và một khẩu súng của Ta-bo bị mất.

Hai giờ chiều mồng một tháng Mười, giặc chiếm các mỏm Khâu-Luông và Nà-Pá. Trung đoàn... vẫn đợi giặc ở đấy. Vừa có lệnh rút đi thì giặc tới. Khâu- Luông gồm bốn mỏm mà mỏm bốn là cao nhất. Dưới chân là rừng rậm, nhưng cách mỏm chừng hai trăm thước thì toàn cỏ gianh, dốc cao sáu mươi độ.

Suốt đêm, trên một nhà sàn ven núi Bố-Bạch, nơi ban chỉ huy tiểu đoàn... (thuộc trung đoàn trên) đóng, liên lạc đi về tới tấp. Tiểu đoàn trưởng ra mặt trận. Anh chính trị viên, một thư sinh nho nhã, ngồi trước bàn bên một ngọn đèn, hoặc vắng mặt trong giây lát. Chuông điện thoại réo luôn. Mấy chú điện thoại ngập tai và mồm vào ống.máy. Các hang Bố- Bạch lấp lánh ánh đèn. Bố-Bạch, đêm nay tấp nập. Thung lũng sương mù cuồn cuộn đuốc.

Trên bàn, bên cái đồng hồ tay năm kim, đĩa ngô, phần của ban chỉ huy, đến sáng vẫn còn nguyên vẹn. Cả ngày hôm qua, tiểu đoàn nhịn. Sáng hôm nay ăn cháo, và chiều nay mỗi người được chia một dúm ngô.
- Gạo đã về chưa? Chốc chốc anh chính trị viên lại hỏi.
- A-lô, đã bắt được liên lạc với đại đội trợ chiến chưa?
- A lô trung đoàn. Gạo của chúng tôi vẫn chưa về.
- A-lô, anh có nghe rõ tôi không? Không có tiếng gì đâu. Giặc ở Khâu-Luông cho đến lúc này vẫn chưa biết gì cả. à, có lẽ là tiếng gà gáy dưới sàn nó âm vào máy đấy! Vâng, ta đã bố trí ở Keo-Ái, không cho nó rút về Thất-Khê...

Trong một hang nhỏ, trung đội trưởng Xá hỏi tiểu đội phó Trần Quang Vinh :
- Tiểu đội anh có mấy người?
- Tám.
- Tình hình anh em thế nào?
- Tin tưởng, vì anh em quen đường lắm. Anh em chỉ ân hận tại sao đang đóng ở đấy lại rút đi, lỡ nó đến chiếm, rồi bây giờ lại phải lấy lại.
- Ấy mình có rút thì nó mới đến. Rử mà lại. Có ai kêu đói không?
- Ai cũng ghi quyết tâm, không có ai kêu. Ngày mai thì còn đánh được. Sợ nhịn thì yếu sức, chứ nhịn thì không thành vấn đề.

Xá vỗ vai Vinh :
- Cố nhé, trung đoàn ta chưa đánh núi bao giờ. Mà xung phong lên cái dốc ngược ấy thì khó đấy.
- Được. Có quái gì
Nói thế, nhưng Vinh cũng thấy việc anh sắp làm là khó. Một cái mỏm cao, dốc gần dựng đứng, lên đấy khó, lại không có lấy một thân cây, một mô đất để ẩn nấp. Đứng ở trên mỏm, nó trông thấy rõ mồn một. Lại còn máy bay bắn chặn xung phong nữa chứ. Vinh về đến chỗ tiểu đội mình đóng. Một tổ sinh tử bất ly, bốn người, trong tiểu đội anh, cũng sắp họp xong. Lực, tổ trưởng, cũng tức là anh cả, đọc lại lời quyết tâm chiến đấu của người cuối cùng trong tổ, anh ghi trong sổ anh :
- Xung phong nhanh nhẹn tiêu diệt được hai Tây và cướp súng địch.

Anh nói tiếp :
- Bây giờ đến lúc tôi và ba chú thực hiện lời quyết tâm của chúng ta. Một lần nữa, tôi nhắc lại : bốn anh em chúng ta ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, thân nhau hơn ruột thịt. Lúc sống thế nào, lúc chết chúng ta cũng thế.
Sáng, em út, mặt bụ bẫm, nói :
- Em xin hứa tuyệt đối vâng lời anh cả, quyết không rời các anh nửa bước.
Vinh trước là anh cả tổ này, từ ngày lên tiểu đội phó, anh nhường cho Lực. Nhưng anh vẫn chú ý theo dõi tổ.

Tờ mờ sáng. Tiểu đoàn lên đường ra Khâu-Luông. Sát chân giặc, trong khu rừng Khuôi-Xâm quân ta len lỏi tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Trên ngọn đồi số bốn giặc đi đi lại lại, thỉnh thoảng dồn lại một chỗ. Sáu giờ rưỡi chiều. Đại bác khai hỏa. Moóc-chi-ê, M.G. 12,7 lẫn lộn ríu rít, tằng tặc. Dưới luồng đạn rú trên đầu, đại đội xung kích vượt rừng, leo dần lên ngọn đồi. Sườn dốc, phải đu mình bằng những sợi dây leo quấn chằng chịt. Súng liên thanh của địch quạt xuống. Cành cây gẫy răng rắc, đạn xé lá rừng. Bộ đội đào công sự. Tiếng cuốc xẻng chạm nhau. Lệnh của trung đoàn trưởng :
- Bám chặt trận địa. Đúng sáu giờ sáng ngày mai xung phong.
Trời còn mù sương, Lực vỗ vào người Sáng vừa mới ngủ thiếp đi :
- Dậy, chú Tư, sắp rồi.
Sáng ngồi nhỏm dậy co ro. Anh Hai đang hí hoáy với lựu đạn, móc túi đưa cho Sáng mẩu thuốc lá hút dở.
- Phần chú. Chúng tôi hút rồi.
Anh Ba đã nai nịt gọn, rẽ cành lá bước xuống, đưa cho Lực một gói con :
- Còn ít cơm, anh ăn.
- Đưa chú Hai.
- Thôi, cho chú Sáng.

Đại bác nổ. Tiếng thét xung phong nổi lên. Ba tiểu đội lao lên sườn đồi. Đỉnh đồi khói mù, thấp thoáng mấy thằng giặc. Cỏ gianh trơn tuột. Súng địch nổ tới tấp. Đại liên của giặc ở mỏm bên bắn sang. Tổ của Lực lóp ngóp. Lực thủ thỉ : Đừng chú nào lùi nhé. Trung đội trưởng Xá, một tay nắm đốc kiếm, một tay vung kiếm sáng loáng, thét :
- Tiến!
Vinh bò bên Lực nói :
- Tổ ta tiến lên thôi. Và Vinh đã lên trước Lực.
Trên đồi, trước mặt Lực, hai thằng Ta-bo râu xồm. Lực nhằm :
- Tôi và chú Tư bắn cái thằng đang chỉ chỉ trỏ trỏ kia, còn chú Hai, chú Ba thì xơi cái thằng trật khăn nhớ. Trông rõ chứ. Đéo mẹ nó, nào ta làm. Một, hai...
Hai thằng giặc ngã xuống. Cả tổ reo. Lực nhích lên.
- Cứ thế nhớ. Làm vài chuyến thế là tổ ta lập công to.

Một tiểu đội trưởng xông lên đỉnh đồi. Vừa giơ súng bắn một tên giặc, thì một tên ở sau lưng anh bắn.
- Nó bắn đấy.
Đông, một đội viên loắt choắt, vừa kêu lên thì anh tiểu đội trưởng đã gục xuống. Đông nhảy lên, ôm chầm lấy thằng Ta-bo vừa bắn. Một thằng Bép, áo dù loang lổ ở hố bên giơ súng. Anh đội viên thứ hai nhảy lên. Vì mệt và đói, không còn sức nữa, anh lao cả người vào nó, ôm lấy cổ nó, bóp bằng hai bàn tay không sao xiết chặt. Mấy bóng đội viên chạy lên lảo đảo gục ngã xuống đồi. Tiểu đội của Vinh, tổ của Lực vẫn băng băng tiến. Lựu đạn lăng lên. Lực quay lại.
- Giặc nó rú ằng ặc trong hầm. Lên nào, các chú.

Lực chúi xuống, một luồng đạn đồi bên vèo vèo qua đầu. Lực quay lại. Sáng thở hồng hộc. Lực chìa tay kéo Sáng lên. Sáng rung tiếng :
- Anh Hai chết rồi!
Cả tiểu đội đã bị tiêu diệt, trừ tổ của Lực.
Vinh thét :
- Tiến !
Trung đội trưởng Xá vung kiếm :
- Các đồng chí tiến. Còn một người cũng lên!

Lực nhảy lên miệng hầm. Trung đội trưởng Xá vừa lúc ấy ngã gục, lăn xuống sườn đồi. Lực đứng ghếch chân hẳn lên miệng hầm, tay ghì cò súng. Mắt hăm hở nhìn về phía đồi bên. Ba thằng Bép nhô lên. Súng nổ. Ba thằng rụng xuống. Sau đồi, tiếng giầy đinh lẫn tiếng : cục cục, chít chít, cục cục, chít chít. Ba thằng Ta- bô hùng hục chạy sang, tiếng kêu man rợ. Sáng nhổm lên, ném liền hai quả lựu đạn. Một thằng Ta-bo đổ. Chúng ào ào sang. Trông trước trông sau, chỉ còn hai anh em. Lực bắn một loạt súng, quay xuống, cùng Sáng mang khẩu trung liên cướp được trên đồi, nặng quá đối với họ. Súng giặc ríu rít quanh người.

Trong rừng, bên một cái hố mới đào, trung đội trưởng Xá nằm, các cán bộ tiểu đội tập hợp trước mặt. Anh bị thương ở mông. Đạn còn mắc ở đấy. Ban chỉ huy đại đội hạ lệnh anh phải về hậu phần. Xá trao lại cho anh em kế hoạch lập công của đơn vị và nhắc lại nhiệm vụ :
- Tiếc rằng tôi bị thương sớm quá, thành thử kế hoạch lập công của chúng ta chưa thực hiện đến đâu. Mong các đồng chí tiếp tục đánh bật giặc ra khỏi Khâu-Luông để giữ lấy lời hứa danh dự của đơn vị ta. Yêu cầu các đồng chí hứa với tôi như thế.

Các cán bộ nói :
- Chúng tôi nhất quyết thay đồng chí, quyết đánh bật địch ra khỏi Khâu-Luông, quyết trả thù cho vết thương của đồng chí.
Tiếp viện tới. Lệnh xung phong đợt hai. Xá dùng dằng. Vinh nói :
- Đồng chí cứ yên tâm. Đã có chúng tôi thay đồng chí.
Đại bác, súng cối, đại liên lại nổ. Vinh chỉ huy trung đội xung phong.
- Các đồng chí quyết giữ vững lời hứa với anh Xá nhớ.

Xung kích xông lên trong khói. Lực và Sáng dẫn đầu.
- Trung đội ta... !
Vinh chưa nói hết câu, thì một quả moóc-chi-ê nổ cạnh anh. Một tiểu đội phó chạy lại. Vinh thở dài. Đôi mắt xếch của anh nhìn lên đồi rồi lại nhìn người bạn.
- Tôi bị nặng, không tiếp tục được nữa. Đồng chí giúp tôi chỉ huy trung đội, giữ lời hứa với anh Xá...
Vinh lê xuống suối. Đạn xén mất hẳn một mảng lưng.
- Tức quá đi mất!
Anh thỉnh thoảng lại nói vậy. Băng bó xong, anh hậm hực quay lên. Anh chính trị viên đại đội nói :
- Đồng chỉ hãy về nghỉ.
- Báo cáo ban chỉ huy, tôi nóng ruột lắm. Về cũng chẳng làm gì. Tôi đã hứa với đồng chí Xá chỉ huy trung đội. Tôi chưa lên được đồi.
- Thế là được. Đồng chí phải về.

Anh em bị thương nằm la liệt bờ suối. Vinh nói :
- Tôi có ý kiến. Chúng ta không chiến đấu được nữa, chúng ta không nên làm bận anh em. Tôi đề nghị là anh em nào có thể đi được thì chúng ta về lấy.
- Đúng đấy!

Vinh dẫn hơn hai chục thương binh đi bộ, vượt đèo đá về Bố-Bạch. Trước một trăm thước nghỉ, sau vài ba bước, anh đã phải nghỉ. Xâm xẩm tối, mới lê về tới trạm giải phẫu. Một tiểu đoàn đi lấy gạo vừa về quăng vội gạo trước hang, vác võ khí lên vai, và như tổ ong vỡ, chạy ra mặt trận...

------------------------------------------------------
(1) Ca dao của trung đoàn Khâu Luông.
(2) Tiểu đoàn nhảy dù.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 04:46:22 pm »

Chung quanh mỏm đồi số bốn, xác xung kích, chỗ một, chỗ vài ba người, máu chảy trên những đám cỏ gianh. Nắng trưa gay gắt. Trên mỏm, xung kích vật nhau với Ta-bo, với Bép. Những báng súng đập nhau chan chát. Lực giằng một khẩu súng trong tay một thằng Đức cao lớn, trên miệng hầm. Cả hai ngã lộn xuống hầm, ôm nhau, đấm nhau, cắn nhau. Lực gỡ ra được, ngồi trên ngực nó nghiến răng bóp cò, thằng giặc nhầy nhụa mồ hôi. Sáng hết đạn, súng không lưỡi lê lao cả nòng súng vào bụng một thằng Ta-bo. Nó giằng được súng. Sáng nhặt một khẩu súng giặc vứt đó giáng mạnh vào thằng giặc. Nó kêu rống lên, chạy xuống. Sáng ôm lấy nó. Một thằng Ta-bo khác phang vào người Sáng một báng súng. Sáng ngã trên công sự. Nó dận giầy đinh lên mặt Sáng. Giặc đã nhảy khỏi mỏm đồi. Xung kích loang loáng đuổi. Sáng lóp ngóp bò dậy, toàn thân bê bết đất và máu, mặt thâm tím không nhận ra được. Lực đi qua. Nước mắt Sáng giàn giụa :
- Sao trận này, ta không chuẩn bị mác xung kích? Có thì em còn giết được nhiều, anh Cả ạ.
- Chú xuống băng bó đi.
- Chả cần.

Hai anh em ngồi trên miệng hầm. Dưới chân con đường số bốn chạy, không một bóng người. Bốn cổ ngỗng nhô ra khỏi mây, bắn xả vào các chiến sĩ trú ét xăng và bom lửa. Cỏ gianh chung quanh đồi cháy ngùn ngụt. Lực và Sáng bùi ngùi; xác hai người bạn trong tổ cháy xèo xèo. Mấy phút sau giặc phản kích, đánh bật ta ra khỏi mỏm đồi bốn. Chiều, tiếp viện tới công kích cả bốn mỏm đồi. Mười hai giờ đêm, ta hoàn toàn chiếm Khâu-Luông. Cỏ đồi nhơm nhớp máu, đất mới lùng nhùng. Giặc chôn vội xác chúng nó trong hầm. Mùi đồ hộp, mùi máu, mùi thịt người, mùi thuốc đạn hòa lẫn lộn, tanh tanh. Trăng cuối tháng chênh chếch mờ chiếu một vệt cỏ nát chạy dài xuống chân đồi. Những vỏ hộp, những mảnh giấy thiếc, lóng lánh : lối rút lui của Ta-bo và Bép.

Năm thằng giặc giơ tay hàng.
Lực đứng trên đồi, tóc bơ phờ, áo rách, gió lạnh thổi phần phật, nói với Sáng :
- Núi Nhẫm, mỏ Thổ bây giờ thì tép, chú Tư nhỉ? Chú có đói không? Sáng nói :
- Giá còn anh Hai, anh Ba thì vui...

Sáng được lệnh giải hàng binh về chỉ huy sở trung đoàn. Lực chỉ ước được nằm một cái. Nhưng xung kích lại được lệnh truy kích giặc cấp tốc. Họ vừa đi vừa ngủ, chân như không dẵm tới đất, xuống đồi. Sáng sớm tới Nà-Pá. Trên công sự, ngổn ngang những dù và hai khẩu đại bác lỏng chỏng. Xung kích reo mừng, xục đi các ngả, vui vẻ dẫn về những con lừa cao lớn. Một anh tìm được xác một con trâu giặc đâm chết nhưng chưa kịp làm thịt.

Lực nói :
- Thế này thì nó chết đói rồi. Thế này thì nó chết. Anh em bố trí ở Nà-Pá, đợi lệnh!
Bỗng một tin đột ngột do bộ chỉ huy chiến dịch loan báo cho toàn quân : Mười giờ ngày mồng Ba, Sác- tông (Charton) rút khỏi Cao-Bằng chưa rõ đi đường nào, nhưng rất có thể về phía Thất-Khê.

Đại tướng Tổng tư lệnh điện cho các chiến sĩ :
Suốt mấy hôm nay, các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng.
Binh đoàn Lơ Pa-giơ hiện đã kiệt sức, thiếu đạn, thiếu lương, nhiều bộ phận gặp quân ta chạy tán loạn. Chúng chỉ còn một hy vọng là ra sức liên lạc được với binh đoàn Sác-tông từ Cao-Bằng xuống để cứu vãn nguy cơ của chúng.
Hỡi các chiến sĩ !
Thời gian lúc này rất quý giá. Hành động sớm được một phút nào là tiết kiệm được xương máu, lập được chiến công, giành được thắng lợi.
Hành động kịp thời, giải quyết chiến đấu cho nhanh chóng, mãnh liệt, dồn dập vì địch đã yếu, tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ để kịp thời chuyển lực lượng tiêu diệt binh đoàn Sác-tông, làm cho cuộc giải phóng Cao-Bằng ghi sâu vào sử sách những chiến công lớn của binh đoàn, của Quân đội quốc gia Việt-Nam.
Quyết tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ !


Tin giải phóng Cao-Bằng, lời của Đại tướng. Chiến sĩ nhảy nhót.
- Bắt sống thằng quan năm Lơ Pa-giơ. Và nếu nó chết, phải đem xác nó về!
- Bắt sống bọn Ta-bo để nó gánh gạo cho bộ đội.
Khẩu hiệu của bộ chỉ huy chiến dịch tung ra. Các chiến sĩ hào hứng bắt tay nhau.
- Hay, hay! Chả nhẽ bộ đội gánh gạo mãi!
- Cho Ta-bo gánh hàng tạ. Các cậu chả to nhớn mà!
- Bắt cả thằng trùm Ta-bo gánh gạo cho vui!

Rồi lệnh của bộ chỉ huy :
- Tất cả nhân viên các cơ quan đi gánh gạo, tải lương để các chiến sĩ truy kích.
Rồi tin giặc đang lên Thái-Nguyên, tuyên bố hống hách : đã chiếm được thủ đô quân sự của Việt-Minh! Tin Thái-Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng chờ giặc. Tin giặc tiến lên Giang-Tiên. Cán bộ, bộ đội lại càng sốt ruột :
- Đồng bào Thái lại hỏi bộ đội đi đâu thôi!
- Đánh mạnh trên này thì nó rút Thái.

Họ băng mình vào một cuộc đuổi giặc liên miên. Nhưng núi cao, rừng rậm, tìm Tây như thể tìm chim. Vệ quốc quân sốt ruột. Báo cáo gửi về hỗn độn, mâu thuẫn. Luôn luôn bám sát địch. Vẫn bám sát địch. Quân báo gửi mật điện về. Đại tá... sốt, ăn vội một nắm cơm, tiêm vội một ống thuốc, lật đật rời Khuôi- Xâm. Máy bay giặc rạch nát trời, bay loạn. Nắng thu gay gắt. Những cành ngụy trang lào rào. Từ ngã ba Nà-Ngần, đội thông tin liên lạc chạy về, lòng thòng dây điện thoại. Tiểu đoàn... vừa đánh Khâu-Luông hấp tấp điều chỉnh đội ngũ, bầu lại tổ dân vận, tổ văn nghệ, sáp nhập đại đội này vào đại đội khác. Đại tá ôn tồn : Đừng sáp nhập lung tung các đại đội. Gây nó lại. Giữ truyền thống cho nó. Những anh cấp dưỡng, gồng gánh lủng củng, lơ thơ vài người đeo lựu đạn, chạy như cờ lông công, tốp gánh cơm đi, tốp gánh cơm về, vừa thở vừa nói :
- Bộ đội truy kích giặc, bọn mình truy kích bộ đội, mệt gấp đôi, các cậu ạ.
Lừa của giặc đánh về. Phấp phới vài gánh dù. Vài thằng tù binh, mũ, áo, quần vải dù, cồm cộm máu...

*
*    *
Cái cảnh Bố-Bạch trong những ngày đêm cuộc vận động chiến mới lạ lùng thay! Lúa đã đỏ ối. Dân công đã vãn. Vài cáng thương binh. Trong những hang đá quây chầu vào cái thung lũng trước đây âm u, cái ngay chân núi, cái lưng chừng núi, cái gần đỉnh núi, bộ phận hậu cần và các đơn vị tham chiến tấp nập làm việc. Đây là nơi tản cư cuối cùng của dân chúng lánh giặc khủng bố.

Nơi ban chính trị trung đoàn... đóng là một cái hang cao. Tua tủa những sào cùng cọc, trông như xóm thuyền chài. Những phản kê để làm cầu. Những phản kê để làm sân phơi thóc. Tầng trên, tầng dưới, những sàn xếp vuông vuông, quây cót như rạp tuồng, nóc là những phiến đá to vươn ra khỏi núi. Trong cùng hang, tối om, màn chàm quây tùm hụp : nơi ở của nhà chủ. Họ nhường những chỗ thoải mái nhất cho cơ quan. Bếp đen ngòm, ngay chỗ ở. Đêm ông ké, bà ké đi gặt, tinh mơ về. Họ gánh nước, phơi thóc, thổi cơm. Tiếng trẻ khóc. Ông ké vào đưa võng cho cháu, hát buồn buồn. Máy bay rầm rầm rung hang một chiếc, bốn chiếc. Con chó chạy hết hang này sang hang khác. Gà nhảy loạn xị. Tiếng gà con chiêm chiếp trong một kẽ đá. Bà ké đứng nhìn một con lợn nằm trong khe sâu. Tiếng đàn réo rắt. Người sửa soạn ra đi tiền phần. Người ở tiền phần về đem tin tức. Anh trưởng ban cán bộ ngồi đọc danh sách những đồng chí bị thương vong. Dưới núi, người ta lễ mễ gánh lên khi súng, khi bộ đồ mổ, khi máy ra-đi-ô. Anh phó ban chính trị, ngồi xếp bằng tròn trên giường, ẵm đứa cháu ông chủ, hỏi một thằng quan hai Bép, râu Lý Thiết Quài. Ông ké nhìn cháu, rồi nhìn thằng giặc dữ. Trên sàn cao, một cán bộ thò chân xuống xem, tay cầm một quyển sách Mác-xít đang đọc. Bà ké đun nước mời cán bộ. Suốt đêm, tổ ly tô làm việc bên ngọn đèn dầu le lói. Lô lăn lạch cạch, lục cục. Tiếng đọc bài cho nhau viết. Tiếng nói chuyện rầm rì : Cốc-Xá, 477, Lao-K ay... Tiếng cười giòn giã, rồi lại tiếng ly-tô, trong khi gió thu ở ngoài hang thổi ào ào, lá bay lách tách, sương tỏa trắng xóa, bụi lất phất lùa vào. Tờ mờ sáng, mặt các chú ly- tô bóng nhẫy. Các chú đứng mỗi người một mỏm đá, soát lại những chữ viết hỏng, ẩn hiện trong đám khói mù của cấp dưỡng đưa lên. Đấy cũng là lúc ông ké, bà ké gánh cái gánh lúa nhỏ trở về.

Trong hang phẫu thuật của trung đoàn, các chị dân công tình nguyện ở lại để săn sóc thương binh. Đêm đêm, các chị thức đến một, hai giờ. Mờ sáng các chị đã có nước sôi đưa anh em uống suốt lượt, nước nóng tự tay các chị rửa mặt cho anh em. Nghỉ tay đun nước, các chị lại hấp lại bông băng. Những ống tre của anh em đi đái, các chị luôn luôn xách đi đổ. Quần áo chăn màn đẫm máu mủ của anh em mới đến, các chị giặt giũ ngay. Sau bữa cơm của anh em, các chị lúi húi ăn ở một xó hang. Những buổi trưa thường thấy các chị cặm cụi vá quần áo rách cho các chiến sĩ.

Thỉnh thoảng những tiếng anh ạ trìu mến cất lên se sẽ bên đầu giường.
- Anh uống nước anh ạ.
- Anh ăn cơm anh ạ.
- Anh thay quần áo anh ạ.
- Khăn mặt đây anh ạ.
Ngoài hang, chốc chốc lại những tốp tù binh dẫn về. Anh bộ đội áp tải lút đầu trong lúa...

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 04:49:34 pm »

*
*   *

Ngoài tiền phần, bộ đội truy kích giặc. Lệnh của bộ chỉ huy :
- Giặc đã tan rã. Ta phải tự động truy kích. Có bao nhiêu truy kích bấy nhiêu. Không đợi mệnh lệnh. Ra đường cái mà đuổi. Phải chạy thật nhanh mà đuổi. Ta mệt nhưng địch mệt hơn.
Lơ Pa-giơ chạy qua Nà-Pá sang bên kia đường số bốn, về phía Tây-Nam Đông-Khê. Một bộ phận nhỏ chiếm giữ hai quả đồi cao nhất trong vùng : 760 và 765. Đại bộ phận kéo vào dãy núi đá Cốc-Xá cách đó hai cây.

Thư Hồ Chủ Tịch gửi xuống.
Hiện nay, tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để tranh lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có phần thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập công nhiều nhất. Nào, chiến sĩ nào hứa với Bác quyết giật cho được giải thưởng anh hùng Cao - Lạng và đơn vị kiểu mẫu? Bác chờ các chú trả lời ngay.

Các chiến sĩ chạy qua đường số bốn :
- Nhớ là Bác theo dõi từng giờ đấy.
- Chạy nhanh lên. Cố mà lấy thưởng của Bác.
- Mình sưng chân quá!
- Lấy tạm dép của mình vậy.
- Chạy thế này thì làm thế nào mà cấp dưỡng bắt được liên lạc?
- Chúng mình đã quyết tâm nhịn đói ba ngày cũng chịu được cơ mà.
- Bắt được Ta-bo thì giải quyết mọi vấn đề.

Quân Lơ Pa-giơ chưa kịp làm công sự. Ngày Bốn, ta chiếm 760. Giặc ném bom lửa cháy khoảng giữa hai đồi. Ngày Năm, ta chiếm 765. Côc-Xá là một dãy núi đá có rất nhiều hang nhỏ. Sườn phía đường số bốn, có con suối chảy thẳng vào, dốc lên thoai thoải. Sườn bên kia là một con chạch, chạy xuống một khoảng ruộng nhỏ, rồi chạy sang một dãy đồi thấp. Ngày Sáu, Lơ Pa-giơ đánh điện yêu cầu máy bay bắn phá chặn đường tiến của ta. Binh đoàn Sác-tông về tới đỉnh Quý-Chân (tức 477). Đờ la Bôm (De la Beaume) ở Thất-Khê tiến lên chiếm các đồi 515, 608 để đón Sác-tông, Lơ Pa-giơ.

Lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch :
- Nội nhật hôm nay, phải tiêu diệt Lơ Pa-giơ. Để cho nó liên lạc được với Sác-tông thì cuộc chiến đấu sẽ gay go nhiều. Bộ chỉ huy của giặc cũng ra lệnh cho hai binh đoàn phải liên lạc với nhau, ở Quý-Chân, nội nhật hôm nay...
Năm giờ chiều, hai tiểu đoàn xung phong đánh vào Tây và Tây-Nam Cốc-Xá. Trong hang, núp sau các tảng đá giặc bắn liên thanh, ném lựu đạn, chống cự. Chiến sĩ trên đồi trước mặt hang, lao xuống :
- Cứ vào bừa đi.
- Chúng nó không có tinh thần chống cự đâu.
- Đánh mạnh là ăn!
- Không cho nó gặp Sác-tông.

Trời tối. Các chiến sĩ xục vào các hang đá :
- Các anh ơi! Cho chúng em về với Tổ quốc!
Mấy người phu trong bóng tối chạy ra. Họ đem theo hai máy ra-đi-ô-phô-ni.
- Thưa các anh, đây là của thằng quan năm. Nó vừa gọi quan năm Cao-Bằng không được, gắt om lên. Chúng em thừa cơ lấy đem ra.
- Tốt lắm. Tốt lắm. Nó đâu?
- Nó còn ở trong hang kia.

Bộ đội ào ào xông vào. Một xung kích đang tiến, bỗng đụng phải một thằng Bép. Nó rên rỉ :
- Sếp ti ti nhước! Sếp, ti ti nhước!
Anh cúi xuống, chìa bi đông cho nó uống. Lại một thằng thứ hai bị thương xin nước. Anh lại cho. Trung đội trưởng chạy lại, không nỡ mắng. Chỉ giục :
- Mau lên đồng chí. Nó chạy hết rồi. Đuổi mà bắt sống chúng nó chứ.

Anh leo lên hang, ném lựu đạn xuống. Giặc ồ ra khỏi hang. Các hang khác cũng ồ ra. Đêm bỗng đổ mưa. Giặc rút cả lên núi. Các chiến sĩ tiến lên theo. Đêm tối như mực. Bộ đội dò từng hòn đá tai mèo trơn tuột lần từng cái rễ cây. Tiếng trượt chân. Tiếng lá soạt. Tiếng ới. Tiếng rơi huỵch xuống khe. Anh em mở to mắt đã đói ngủ mấy hôm để nhận bóng giặc mà bắn. Bấm nhau truyền mệnh lệnh. Tiếng chân lạo sạo trên đá. Một quả lựu đạn nổ, lửa xanh nhằng. Bộ đội nhìn thấy địch nhảy sang vật nó xuống. Một tiếng Ta-bo. Lưỡi lê đâm theo. Lưỡi lê đâm vào chỗ trống. Tiếng súng rú lên. Địch hú lên. Vòng vây Tây và Tây-Nam xiết chặt. Địch dàn hàng ngang đối phó. Sau lưng chúng, phía Bắc là một vách núi đá dựng đứng. Mệnh lệnh hỏa tốc :
- Đánh thốc sau lưng Lơ Pa-giơ.

Trời đã gần sáng. Tình hình cấp bách. Bắc ống nhòm, đã thấy quân Sác-tông đen ngòm đỉnh Quý- Chân. Hai tiểu đội xung phong đánh sau lưng địch. Muốn lên phải leo dây rừng chằng dọc theo vách đá. Dưới chân là vực thẳm. Họ tuột xuống, lại leo lên. Tay họ run run, máu chảy ròng ròng. Bàn chân không giày đau nhức móc vào các khe, các hốc. Báng súng va vào vách, chực đẩy họ xuống vực. Một anh yếu quá rơi xuống vực sâu, không một tiếng kêu. Một giờ sau, họ trèo lên được mỏm núi. Địch ở ngay trước mặt. Họ đặt súng máy. Một hiệu tay, lựu đạn nổ, trung liên nhả đạn vào lưng địch.
- Việt minh!

Giặc kêu lên những tiếng thất thanh. Hàng ngũ rối loạn. Một thác người lăn xuống chân núi. Ta-bo, Bép chen nhau, xô nhau. Hết lớp này đến lớp khác, ào ào đổ xuống. Chưa bao giờ bộ đội thấy giặc tan rã như vậy. Nhiều anh không kịp né sang bên, bị xô ngã, máu me đẫm mình mẩy, lựu đạn ta nổ ầm ầm. Súng máy bắn không ngớt. Giặc vẫn lao xuống. Hơn một tiếng đồng hồ, chúng lao xuống. Có thằng chết cắm đầu xuống đất. Có những đống ba bốn chục xác chết : một bọn đã lấy vải bạt, quần áo buộc vào làm dây leo xuống. Dây đứt. Chúng rơi xuống vực sâu. Hơn ba trăm xác giặc ngổn ngang trên núi, dưới núi. 
Hàng trăm tay giơ hàng.

Ba giờ sáng, trong tác chiến thất của ông chỉ huy trưởng chiến dịch, lệnh : Tiêu diệt nốt toán quân Lơ Pa-giơ, chuyển sang tiêu diệt quân Sắc-tông đã đọc đến đoạn cuối cùng : Đêm nay trời mưa, các đồng chí ướt mệt, nhưng lửa của người chiến sĩ vệ quốc, của người chiến sĩ cách mạng hun nấu tinh thần xung phong của các đồng chí. Quân địch đói rét hơn ta, bị thương và chết rất nhiều. Chúng lại chỉ có tinh thần một lũ bại binh xâm lược. Cho nên ta lại phải cố lên nữa; tiêu diệt cho thật nhiều địch. Mưa mù lại càng có lợi cho ta. Các đồng chí tiến lên!

*
*    *

Được lệnh của trung đoàn... suốt đêm mồng Sáu, tiểu đoàn... xuất phát từ bản Ca, theo dọc suối đi Quý-Chân. Tiểu đoàn để lại một đại đội ở bản Ca. Anh chính trị viên đại đội hỏi An, một đội viên trong tổ súng máy, không nhấc nổi cái nòng súng :
- Cậu có đói không?
Anh binh nhì không trả lời. Cán bộ cười và nói :
- Chịu khó một tí, đói, chúng ta cùng đói.
Anh đội viên cười, loạng choạng đứng lên, cái nòng trên vai.

Đại đội phó Long một thanh niên chừng hai mươi tuổi vỗ vai một trung đội trưởng.
- Này, trung đoàn cho biết là Lơ Pa-giơ hôm lên Khâu-Luông có đánh điện cho Sác-tông : Anh cứ về, anh sẽ không nghe thấy tiếng súng. Ghê không?
- Đề nghị với ban chỉ huy gửi cho nó một quyển Sửa đổi lối làm việc để nó đọc cái mục “bệnh chủ quan”.
Một đội viên, nghe lỏm được câu chuyện, lẩm bẩm :
- Rồi mày khóc với súng của ông!

Đại đội lên đường. Họ đã mệt và đói lả. Họ vừa chạy vừa nhai vội mấy quả ổi xanh, hay nhằn những hạt thóc bứt ở dọc đường. Qua những nương bí, nương sắn, họ thèm quá. Nhưng họ vẫn lộc xộc chạy, lên dốc, xuống dốc, len lỏi, chui luồn qua bao nhiêu bụi rậm, chân đã nhừ nát, vì đá tai mèo đâm ngược lên gan bàn chân. Hai phần ba vừa đi vừa chống gậy. Mặt mày họ bị xây xát vì ngã, vì cỏ, vì đá, vì dây rợ. Được nghỉ là họ ngồi rũ xuống. Họ đã thức hai đêm liền. Bữa ăn cuối cùng của họ, cách đây một hôm, là bữa sắn nướng vội. Thấy bộ đội kiệt sức quá, anh chính trị viên đã bằng lòng để anh em đào mỗi người ba củ sắn của một cái nương dân chúng. ăn xong, họ chỉ còn biết gài trên hàng rào mẩu giấy viết vội cho chủ nương :
- Chúng tôi thuộc đại đội... tiểu đoàn..., trung đoàn đã lấy của ông bà mấy chục gốc sắn xin ông bà cứ theo địa chỉ trên mà tìm chúng tôi, để chúng tôi trả tiền.
- Giấy bay mất thì làm thế nào?
- Thì càng phải đánh thắng!

Trời tối đen. Họ sờ lưng nhau, lội hết khoảng suối này đến khoảng suối khác. Trời tang tảng sáng, họ đến chân một quả đồi. Hai chị Thổ mang em nhỏ, báo tin giặc đã về đêm qua. Cuốc xẻng lọc cọc suốt đêm. Họ xoa tay vui sướng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2008, 04:53:58 pm »

Đây là dãy Quý-Chân. Chiều mồng Sáu binh đoàn Sác-tông gồm lê dương, ngụy binh, ngót hai nghìn quân, tới đây. Quý-Chân là một dãy núi dài bảy cây số, cao từ ba đến năm trăm thước, cỏ gianh rậm rạp. Có tất cả chín ngọn. Sác-tông ra lệnh cho bộ đội hắn sống chết phải giữ lấy cao điểm này làm căn cứ đánh tỏa ra, tiến về Thất-Khê.

Bị chặn đánh ở đồi 590, hắn đã mất viên quan tư Ti-nô và hàng trăm quân sĩ. Hắn đánh điện cho Lơ Pa-giơ và Lơ Pa-giơ im lặng. Tiếng súng suốt đêm ở Cốc-Xá làm cho hắn lo ngại. Núi âm vang. Bốn bề là tiếng súng. Rồi lẻ tẻ những tên Ta-bo sống sót ở Cốc- Xá chạy sang ngơ ngác mất hồn xin ăn. Quân hắn hoang mang. Phu và dõng đào ngũ lung tung.

Tờ mờ sáng, đại đội xung phong đánh lên đồi. Giặc bị đánh bất ngờ, chạy cả sang đồi cháy trước mặt. Ta thừa thế đánh sang đồi cháy. Chúng chạy dài về Quý-Chân. Sác-tông quát bọn trở về :
- Chiếm lại bằng được hai quả đồi!
Đồi cháy, giặc đã đào được hơn ba trăm hố cá nhân. Súng bỏ lại trên đồi nhiều. Các chiến sĩ chọn những khấu tốt để dùng ngay. Giặc để lại một số đồ hộp. Anh chính trị viên xoa tay :
- Đánh được giặc là giải quyết vấn đề ăn, các cậu đã thấy chưa?
Một đội viên nói :
- Nhưng vẫn nhớ cơm. Giá có cơm ăn với thịt bò hộp thì có cái điều nó vẫn hay hơn.

An loạng choạng vác nòng súng để bố trí bắn sang Quý-Chân, mồ hôi toát ra. Anh chính trị viên hỏi đùa :
- Mới có ba bữa mà đã đói thế à?
- Mới có ba bữa thôi ư? Mặt An ngơ ngác. Anh chính trị viên ái ngại, đưa cho An miếng bít-qui, phần của anh mà anh chưa ăn. An chần chừ mãi mới nhận :
- Thế mà tôi ghi quyết tâm nhịn đói bốn ngày!
Long bỏ chiếc ống nhòm xuống, nói :
- Đại đội chuẩn bị. Có lẽ địch phản kích!

Giặc đen ngòm dưới chân đồi. Moóc-chi-ê và trung liên giặc bắn dồn dập lên đồi. Một anh mang đạn vừa lên, mệt quá, anh ngồi rũ xuống. Tiếng thét :
- Moóc-chi-ê đấy! Anh không buồn tránh. Tiếng nổ. Nửa người anh băng ra. Máu chảy xuống hầm. Bộ đội nằm giạt cả xuống, chúi đầu trong hầm mà bắn ra. Giặc đã tiến sát. Lựu đạn ném lên. Đồi mịt mù đất và khói. Tiểu đội phó Hiển cắp trung liên nhảy ra, đạn vèo vèo chung quanh anh. Đứng sau một gốc cây Hiển thúc mũi súng xuống đồi bắn. Một thằng giặc văng súng lộn mấy vòng xuống chân đồi, Hiển vừa cười vừa nói :
- Luồng đạn địch còn cao. Các đồng chí cứ bình tĩnh mà lên. Mẹ cha nó, bắn thế kia như đổ đạn lên giời thì đi đến đâu.

Hiển lại bắn. Tiếng anh oang oang :
- Đứng lên bắn thế này dễ, chúng mày ạ.
Tiếng reo hò :
- Phải đấy, đứng cả lên! Họ ngóc đầu lên. Một vài người, rồi tất cả mọi người nhảy cả ra. Năm trung liên bắn thành một lưới lửa bao vây sườn đồi. Long đứng bên một đội viên, vỗ yêu vào lưng anh, tay chỉ trỏ.
- Nhắm mấy thằng kia mà bắn. Thế nào cũng ăn. Và quay lại, cầm tay một anh mang đạn đang nằm dán xuống đất lôi lên :
- Đưa tôi đỡ, mau lên. Lên mà xem. Chúng nó đang chạy như vịt kia kìa.

Từ bảy giờ đến mười một giờ sáng, đại đội chịu năm lần phản kích của giặc. Đại đội chỉ còn một trung đội. Mặt mọi người phờ phạc, không ai nói chuyện với ai. Cấp dưỡng gánh cơm lên, mọi người nhổm dậy. Họ vứt mũ, vứt khăn, bứt cỏ gianh ném vào các anh cấp dưỡng. Họ tung lên trời những vỏ đồ hộp. Họ quăng thuốc lá vào các anh tới tấp. Một cấp dưỡng thấy bạn đồng ngũ chết nhiều, mắt đỏ hoe.

- Mãi mới được gặp, thì các anh ấy lại không được ăn! Và anh khóc nhếch nhác. Ba chị dân công cũng nhô lên. Các chiến sĩ để nắm cơm xuống đất, vỗ tay hoan hô :
- Lâu lắm mới được gặp các chị.
- Chào các anh ạ.
Các chị ngồi bên các chiến sĩ. Một chị nói :
- Chúng em đã vận động địa phương mua gà nấu cháo chờ các anh đấy.
Moóc-chi-ê của giặc bắn sang, nổ sau đồi. Các chiến sĩ vơ lấy súng. Một anh nói :
- Các chị xuống đi. Nó lại sang...

Đợt phản kích hết sức dữ dội. Suốt nửa giờ, các  chiến sĩ chống đỡ. Dần dần, khẩu đội 60 và 82 hết đạn. Chỉ còn một khẩu trung liên của An. An còn có một mình. An vừa lao băng. An vừa mang đạn. An vừa lắp đạn. An vừa bắn. Giặc xông lên ào ạt. An vừa di chuyển súng, vừa làm mọi công việc. Tay anh không một phút nghỉ ngơi. Anh trung đội phó chạy lại. An nói không ra hơi. Tổ tôi chết hết rồi. Chỉ còn một mình tôi. Báo cáo trung đội phó, mang hộ tôi cái nòng dự bị. Tôi không sao mang nổi. Nói rồi, An chạy đi mang đạn. An chạy lên hốt hoảng, mếu máo, mắt dại đờ. Đạn hết! An chạy lại khẩu súng, đạn giặc rít bên tai. Quân tiếp viện mà đại đội đề nghị với tiểu đoàn chưa tới. Địch tập trung hỏa lực rất mạnh bắn lên. Chúng chia ba mặt kẹp lấy đồi.

Long nói trong điện thoại :
- Đề nghị với ban chỉ huy tiểu đoàn cho rút!
- Không rút đi đâu cả. Còn một người cũng chiến đấu. Không còn súng máy thì giết giặc bằng lựu đạn, súng trường.
Lệnh cấp tốc cho đi thu hết lựu đạn súng của liên lạc văn phòng, cấp dưỡng. Long nhắc lại lời nói của ban chỉ huy tiểu đoàn. Lựu đạn và các súng đạn tập trung được cũng vừa tới. Mắt nghịch ngợm. Long vỗ hai tay vào đùi đánh nhịp bát :
Lựu đạn súng trường giết Tây
Nào anh em ơi!
Anh em ơi!
Gậy tầy lựu đạn...


Bỗng tiếng hát đồng thanh tiếp nhanh :
Gậy tầy lựu đạn.
Lựu đạn súng trường
Gậy tầy lựu đạn súng trường giết Tây.
Này anh em ơi... (1)


Họ chia nhau lựu đạn, và hát vang lừng. Vừa bắn súng, vừa ném lựu đạn, họ vừa hát. Vừa lúc ấy, một trung đội của tiểu đoàn bạn được điều sang để cùng chiếm giữ đồi..
- Các anh em đánh đi. Có chúng tôi sang phối hợp đây!
- Hoan hô!
- Còn nhiều lựu đạn đây.
- Anh cho tôi mượn khẩu súng, mau, để tôi bắn thằng lê dương kia, nó nhâng nhâng nháo nháo cái gì.

Hai đơn vị trao cho nhau lựu đạn, súng trường. Thi nhau ném, thi nhau bắn. Trung liên của trung đội bạn nổ rền. Tiếng hát vang lừng, hòa với tiếng reo mừng Tây ngã. Họ vỗ tay, họ vỗ súng đánh nhịp loạn...
Sác tông bỏ vội Quý-Chân, rút vội vàng về bản Ca, bằng con đường suối độc đạo phía Đông dãy đồi. Hàng ngũ rối loạn. Không đơn vị nào vào đơn vị nào. Chúng lao đầu chạy. Ngụy binh, phu quăng cả đồ đạc chạy trốn. Chúng chạy như trong một cơn mê loạn, không còn liên lạc gì với nhau nữa. Có bộ phận chỉ mang toàn đạn. Có đơn vị chỉ mang toàn súng không. Chúng quăng đạn đi. Chúng vứt súng đi. Ta-bo nằm lăn ra đường, không chạy. Tới bản Ca, đại đội phục kịch ở đó nổ súng. Hoảng hốt trên nét mặt binh đoàn tên quan năm Cao-Bằng. Một anh phu xéo cả lên người lê dương chạy. Một viên quan một giữ anh lại, mặt sượng sùng :
- Tôi biết anh muốn quay về với Tổ quốc anh. Thôi được. Tôi cũng chẳng giữ anh làm gì.

Những tiếng hô : Các bạn ra hàng đi, các bạn sẽ được đối đãi theo danh dự nhà binh, ở trong rừng, trên núi đưa ra. Hàng ngũ của Sác-tông tan dần. Trước một vài tên ra hàng. Sau từng đại đội. Rồi từng tiểu đoàn. Hai giờ chiều, bộ đội bắt được Sác- tông. Hắn chỉ còn lại có bộ tham mưu của hắn và hai bàn tay ngượng ngập giơ lên. Tên phản quốc hai Tu tỉnh trưởng Cao-Bằng, giơ tay sau lưng đám anh em phu. Nhưng anh em xua đẩy hắn ra chỗ bọn sĩ quan tham mưu. Sác-tông lắc đầu nói nhỏ với một bọn sĩ quan của hắn.
- Không hiểu làm sao chỗ nào cũng có chúng nó? Phụ nữ cũng ra trận?

Và hắn xoay ra chửi Lơ Pa-giơ, chửi Pi-nhông (Pignon), chửi Pa-ri (Paris), chửi Công-tăng (Constant), chửi Các-păng-chi-ê (Carpentier), chửi phu lười biếng đã không vận tải vũ khí cho hắn, lại làm mất cái cần vô tuyến điện, khiến cho hắn mất phương tiện liên lạc và chỉ huy.

-----------------------------------------------------
(1) Bài hát Hò dân cày của Văn Chung.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2008, 11:05:22 am »

Bản Ca hoang vắng với những nhà sàn bỏ không, đêm hôm nay, rực rỡ đuốc và rầm rập người.
Bắt đầu từ đấy rừng léo nhéo những tiếng réo cười :
- Đây rồi. Bắt được rồi!
Bép, Ta-bo, và lê dương vác súng ra hàng. Đứa nào cũng há miệng, giơ tay ra hiệu xin ăn. Câu đầu tiên của chúng khi đến với ta là :
- Xin các ông cho chúng tôi ăn. Chúng tôi đã đói từ bốn hôm nay rồi!
Nắm cơm trên tay, bộ đội giơ cao đi lùng giặc. Họ làm loa giấy gọi.
- Các bạn Pháp ơi! Các bạn lại đây mà ăn cơm.
Lơ Pa-giơ, trốn trong rừng Pác-Bó, cho một viên quan hai ra đón ông đại đội trưởng Việt-minh. Và khi ông ấy tay không vào trại giặc, tên trùm Ta-bo đứng dậy, nộp ông khẩu súng, khóc và hôn ông :
- Bây giờ tôi và quân đội tôi đây xin thuộc quyền ông sử dụng. Đây là một cái tai họa, cái tai họa đầu tiên trong đời tôi, và tôi lấy làm cực lắm!

*
*    *

Buổi chiều mồng Tám, hai anh thương binh của hai đơn vị, gặp nhau giữa đường, rủ rỉ về Bố-Bạch. Cảnh vật yên tĩnh. Họ xuống suối tắm. Anh bị băng. đầu kỳ cho anh bị băng tay. Chợt anh hỏi   :
- Cậu đã biết tin Bác khao chưa?
- Chưa.
Tắm xong, anh giở tờ thông tin của trung đoàn anh. Hai người ngồi trên phiến đá. Lá rụng quanh mình. Anh đọc :

Các chiến sĩ yêu mến!
Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp trong mấy ngày. Đó là mấy cuộc thử thách lớn.
Các chú không quản mệt nhọc, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch, các chú đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ của địch. Các chú đã hoàn thành cuộc thử thách bảy phần mười một cách dũng cảm.
Bác và tổng tu lệnh khao các chú một bữa thịt bò đó.
Bác hôn tất cả các chú.


- Bác cũng nhé với bọn mình nhỉ. Y như bọn mình viết thư cho nhau.
- Cụ xưng là Bác, nhưng không biết bọn mình gọi là Bác có tiện không?
- Thiếu nhi gọi là Bác Hồ còn được nữa là bọn mình.
- Thấy nói Bác đi bộ lên, cũng ăn hang, ở hốc như bọn mình; hôm nghe tin bọn mình đói, Bác bắt đem hết ngựa đi tải gạo cho bọn mình.
- Bác biết cho mình thế là đủ.
- Bây giờ ăn bò của Bác mới rồi ngon đây.
Hai anh lại rủ rỉ đi. Đến chân đèo, trông xuống cánh đồng Bố-Bạch. Nắng chói lóa. Họ dừng lại. Một anh cười chỉ đồng lúa :
- Lúa đã đỏ hoe rồi.

*
*    *

Lệnh truy kích Đờ la Bôm. Hắn chạy về Na-Sầm, để B. C. C. P. tiểu đoàn cứng nhất trong các tiểu đoàn nhảy dù, mới xuống ứng cứu cho Thất-Khê, chặn hậu. Cầu bản Trại đã bị công binh phá để ngăn địch rút lui.
- Tiểu đoàn... chạy gấp để chặn đường giặc. (1)
- Nhanh lên. Chở mảng nhanh lên!
- Các đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay sang. Chỉ súng đạn và ba lô lên mảng sang thôi.
- Nhanh lên. Đờ la Bôm rời khỏi Thất-Khê rồi.

Từng đoàn người vội vã qua sông. Không có chèo, họ lấy gậy. Không có gậy, họ lấy tay. Ba cái mảng con vùn vụt ngang dọc trên làn nước trắng xanh. Bộ đội, trần trùng trục, lao mình xuống dòng nước.
- Tành, tành, tành, tành. Uỳnh!
- Mau lên, con khỉ!
- Nhảy xuống đi, còn trù trừ gì?
- Thưa ông, trung đội một chưa đi.
- Trung đội hai đi trước cũng được. Anh trung đội trưởng, bên mình ống nhòm, đôi dép cao su đen, quần nâu bạc xắn quá đầu gối, cũng vừa sang sông.
- Tiểu đội tám mốt sang hết chưa?
- Thưa ông chưa hết.
- Chưa hết cũng đi. Một khẩu cũng được. Theo tôi mau.

Bộ đội băng mình theo anh trên con đường dốc trơn. Mấy dân công khiêng súng, hòm đạn nặng chình chịch.
- Oạch.
- Úi chà trơn.
- Nhanh lên moóc tám mốt.
Lên tới đỉnh đồi, đã nhìn thấy con đường số bốn, chỗ trắng chỗ đỏ, uốn theo con sông Kỳ-Cùng đục ngầu. Đằng xa mấy tên địch còn sống sót, vừa chạy vừa la.
- Chà, lại sông. Vừa mới qua sông, giờ lại sông.
Toán sau của địch đã gần chạy tới bờ sông.
- Thế này thì nó chạy mất hết.
- Nhanh lên, xuống mảng nhanh lên.
- Tôi xuống trước.
- Không để tôi xuống trước.
Hai chiếc mảng con tròng trành. Vừa được vài chuyến, hai chiếc khu trục tới.
- Tặc, tặc, tặc. Từng tràng đui xiết xả xuống. Đại liên bắn lên.
- Dàn ra.
- Tiếp tục qua sông nhanh lên. Lên đồi bố trí ngay.

Họ cứ qua sông. Cố gắng lắm mới sang được hai trung đội. Họ tiến trong mưa đạn của máy bay. Họ chiếm được mấy quả đồi trên đường rút của địch. Khu trục thay nhau quần. Anh bắn đại liên gục. Anh khác tiếp tục bắn.
- A, đa-cô-ta bốn chiếc. Họ nằm ép xuống sườn đồi.
- Uỳnh, oàng, oàng.
- Không sợ, cứ bình tĩnh.
Súng cối, đại liên, trung liên của ta vẫn nổ dồn về phía địch. Trời xẩm tối.
- Chà thế là mày chết.
Trời tối đen như mực. Mưa bắt đầu trút xuống. Nước sông lên to. Họ tiếp tục qua sông. Trên sườn dốc, giữa khu rừng rậm, cơ quan chỉ huy đóng.
- A-lô, a-lô. Địch chết nhiều lắm. Đã sang hết chưa? Bên này đã ra lệnh cho 16 tích cực bắn sát, cản địch rồi. A-lô! Nhớ động viên bộ đội là kỳ này chúng ta được giữ điểm của chiến dịch đấy nhé. Quyết tâm diệt hết toán địch này đấy. Đói mỏi chịu khó nhé.

Trời vẫn cứ mưa. ướt. Đói. Mỏi. Buồn ngủ. Ngứa ngáy. Sườn đồi dốc, ngồi trơn tuột xuống.
- Vào đây Cương. Ngồi sát vào đây cho đỡ lạnh.
- Ngồi sát hẳn vào.
- Có điếu thuốc lào xin điếu, cậu. Lạnh quá. Hút cho ấm ngực một tí.
Thỉnh thoảng tiếng súng nổ từng tràng, diệt mấy tên địch định lợi dụng đêm tối chuồn.
Gần sáng. Vòm trời trắng, mấy thằng lê dương ướt như chuột lột; hốc hác, chạy ra hàng. Rồi hơn một tiểu đội lê dương co ro dưới cành cây, giơ tay thẳng, theo mấy anh cấp dưỡng. Bên kia suối, những lá cờ trắng cố nâng cao.
- Đề các mê vu. (Hạ khí giới.)

Lê dương. Nhảy dù. Nguy binh. Quan. Lính. Chiến trường nhộn nhịp. Chỗ này mấy tù binh. Chỗ kia đống súng đạn. Những cái xác béo nịch nằm ngang, nằm dọc trên sườn đồi. Dọc đường nhựa. Khe suối. Hai chiếc khu trục bay tới, lượn mấy vòng, rồi bay đi.
- A-lô. Chuẩn bị mảng để cho tù binh qua sông nhé .
- A-lô. Cho dân công sang gánh chiến lợi phẩm.
- A-lô. Nhớ nhặt mấy vỏ hộp to để đựng thức ăn nhé, tiếng anh cấp dưỡng.
Đường về bản trơn như mỡ. Trời tối. Mưa ào ào. Tù binh ngã. Tên quan ba Mo-rô, ngừng lại ven đường, tay chống chiếc gậy tre, run run :
- Tôi đói, và rét, và mỏi lắm rồi!
Vài đội viên lấy bạt của mình đưa cho mấy tên tù binh ốm yếu. Tới bản. Gian nhà lối om. Bà ké đang ngồi thu mình, giơ đôi bàn tay cóng lên bếp lửa. Bà mới ở đồng về.
- Đây là tù binh Pháp chúng con vừa bắt được.

Họ chưa kịp rửa chân. Các bà già, trẻ em, phụ nữ đã xúm quanh, dòm ngó. Họ kể cho bà con nghe trận vượt sông Kỳ-Cùng, trong lúc máy bay địch bắn dữ dội. Bà con phồng mồm, trợn mắt, theo điệu nói của người kể chuyện. Mấy chị dân công cũng ghé vào xem, líu lo tiếng Thổ, cười khanh khách, chỉ cái mũi chúng dài, dài. Các chú Tây im thin thít, buồn rầu, đầu gục xuống nghĩ ngợi, thỉnh thoảng lấy tay nắn đôi chân, hoặc xin bát nước chè. Chợt một tiếng kêu lên :
- Có phải thằng hai Nạng đây kia không?
Mọi người nhìn về phía một tên ngụy binh ngồi khoanh tay trong một xó, đầu gục xuống. Bà con chạy lại lôi nó ra. Nó lùi lại.
- Đích nó rồi.
- Đánh bỏ mẹ thằng Việt gian đi.
Họ ngửa mặt nó lên. Một ông ké lấy trong bếp ra một thanh củi, xông lại, mắt căm hờn.
- Mày chết với ông. Mày dẫn Tây vào để nó chặt đầu con ông. Cả những thằng giặc kia nữa, để chúng nó làm gì?
Ông ké vung thanh củi, tàn bay lấp loáng. Bọn tù binh giạt cả ra một bên. Một đội viên giữ cụ lại. Ông ké xô anh, quát :
- Để tôi phang cho nó một cái. À, anh là anh Triều phải không? Anh là cháu nó, anh định bênh nó phải không?

Các bà ké, các phụ nữ, cả bà ké chủ nhà cũng loay hoay đi tìm một cái que, một cái gậy. Một bà ké tay cầm con dao quắm, khóc nhếch nhác :
- Mày đốt nhà tao, mày bắt cháu tao. Cháu tao đâu?
Mọi người :
Các anh để cho chúng tôi giết nó. Ừ những thằng giặc Pháp kia, chúng nó không máu mủ gì với mình, chúng nó ác đã đành, còn mày, sao mày chó má thế được. Băm vằm nó ra. Chính phủ hỏi tội. Chúng tôi xin chịu.

Một trung đội trưởng đứng ra giữa mọi người. Anh nói:
- Xin bà con để cho tôi nói. Tôi cũng là em họ nó. Trong số anh em chúng tôi, có nhiều người có họ với nó. Không phải là chúng tôi bênh nó đâu. Chúng tôi cũng muốn giết nó. Nhưng tội trạng của nó, phải để Chính phủ xử.
- Phải giết ngay nó đi. Nó đã đi dự hội nghị Sài-Gòn. Nó với thằng hai Tu, phải đem chôn sống chúng nó đi!
- Nó đã giết hại bao nhiêu đồng bào?

Họ xô cả lại phía tên việt gian. Anh trung đội trưởng nói :
- Tội ác của nó còn nhiều nữa. Thế nào những thằng bán nước cũng phải đền tội.
- Nó phải đền tội ngay bây giờ! Anh để chúng tôi đánh chết nó đi.
- Chúng ta phải đợi lệnh Cụ Hồ chứ?
Họ lùi cả lại. Ông ké ngồi xuống, dúi thanh củi vào bếp. Các bà ké gục đầu khóc. Ông ké nói :
- Chỉ sợ Cụ Hồ tha thôi!
- Tùy người Cụ Hồ tha. Những đứa bán nước hại dân thì Cụ Hồ không tha. Chúng ta cứ đợi lệnh Cụ Hồ. Bà con cứ bình tĩnh.

------------------------------------------------------
(1) Thuật theo báo Tiến mạnh của tiểu đoàn...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2008, 11:08:37 am »

VI

Giặc chạy Thất-Khê. Giặc bị chặn đánh. Giặc về Na-sầm. B.C.C. P. quỳ xuống hàng. Bộ đội vào Đồng-Đăng. Công-tăng bỏ Lạng-Sơn, chạy lấy người, bỏ hàng kho võ khí, hàng kho quân trang, bỏ cả xe cộ, bỏ cả giấy má, bỏ cả việt gian, bỏ cả âm mưu nặn xứ Nùng tự trị, bỏ cả chó béc-giê. Giặc rút về Cao-Lộc. Giặc bỏ Lộc-Bình. Giặc chạy về Đình-Lập. Giặc rút về Móng-Cái. Hải-Phòng xôn xao. Hà-Nội nhớn nhác. Dân chúng nội thành tích trữ gạo. Dân chúng chạy ra vùng tự do. Các-păng-chi-ê bị cách chức. Pơ-lê-ven (Pléven) báo cáo cuộc thất bại thảm thương trước Quốc hội Pháp. Pa-ri truy điệu đoàn quân viễn chinh tử trận. Ô-ri-ôn (Auriol) xin lỗi chúa Ma-rốc về nông nỗi đã để mất hai tiểu đoàn Ta-bo và hứa báo thù! Và giặc rút Thái-Nguyên!

Máy bay muối mặt cố làm mờ bầu trời quang đãng của quân dân Cao-Lạng. Cố ngăn cản những ngày hội chiến thắng của ta mở tại khắp nơi trong miền mới giải phỏng. Cố tàn phá những thành phố, những đô thị đã được trở về Tổ quốc. Cố giết hại dân ta, ngay giữa lúc chúng ta trao trả tù binh cho chúng nó.
Những chị dân công, gầy gò, nhỏ bé, khiêng những tên Ta-bo, Bép, lê dương to xác, qua những đèo, những suối về Thất-Khê, ngước mắt hiền lành nhìn đoàn máy bay lượn trên đầu. Rồi những tiếng bom nổ, tiếng liên thanh bắn rất lâu. Các chị ngơ ngác. Các chị lại khiêng cáng đi. Bọn tù binh có tên nhắm mắt lại, có tên nhìn đâu đâu, có tên nhìn các chị muốn ngỏ ý xin lỗi. Tiếng oanh tạc lại gần hơn nữa. Bọn tù binh không chịu nổi sự tàn nhẫn của chính người nó, nhao nhao lên :
- Treo cổ những thằng phi công chó đểu ấy lên!
- Treo cổ chúng nó lên!
- Nó không những là kẻ thù của các anh, các chị, mà nó chính là kẻ thù của chúng tôi. Chính cái thằng A-li-úc nó ton hót với cấp chỉ huy của các anh, các chị, đề nghị để chúng tôi ở lại, còn cho nó được về với gia đình nó. Bẽ mặt cho nó, là cấp chỉ huy của các anh, các chị lại không nghe nó?
- Treo cổ thằng A-li-úc lên!
- Treo cổ tất cả những thằng A-li-úc lên!
- Về Hà Nội, chúng tôi sẽ đập ba-toong vào mặt chúng nó.

Một đêm tới Thất-Khê, chúng thấy dân chúng tới thăm, tặng kẹo, bánh, thuốc lá. Chúng dự buổi lửa trại liên hoan với dân chúng. Phụ lão, bộ đội, trẻ con, đàn bà, Hoa kiều, người Kinh, người miền núi, trà trộn với tù binh, tất cả các giống người. Giữa những âm thanh của ca nhạc, do một đoàn nhạc sĩ biểu diễn, tiếng hát của các em thiếu nhi, và các chị phụ nữ bật nổi lên, giọng trong vắt, hát không đúng điệu lắm. Đã ba năm nay, bà con đã phải hát thầm những bài ca cách mạng. Một lính Đức đứng lên hát một điệu Đức. Rồi Hung, rồi Áo, rồi Thụy-Sĩ, rồi Ba-Lan, rồi Ý, rồi Tây-Ban-Nha, rồi Ta-bo, rồi Pháp, nối nhau hát những bài ca không biên giới.

Tù binh về, thao thức suốt đêm. Sáng sớm, một chị cứu thương nói được tiếng Pháp đến bặng bó một lần cuối cùng cho một tù binh. Chị hỏi :
- Anh có ngủ được không?
Hắn lắc đầu :
- Cảm động quá. Tôi không sao ngủ được.
Một tên cụt tay, ngồi bên, hỏi chị   :
- Sao các chị tốt thế? sao các chị lại khiêng chúng tôi?
Chị đang tươi cười, mặt chị nghiêm hẳn lại :
- Sự thật là chúng tôi thâm thù các anh. Nhưng các anh là bại binh rồi thì chúng tôi đối đãi thế.
Nói xong, chị lại cúi xuống băng bó cho tên tù binh kia.
Tên tù binh cụt tay cúi đầu. Một lúc lâu hắn nói :
- Chị nói đúng lắm. Chúng tôi cũng nghĩ nhiều. Tôi tiếc rằng tôi cụt, nếu không, tôi sẽ xin ở lại chiến đấu bên các chị. Tôi không ngờ. Tôi thật không ngờ. Tôi tiếc những việc tôi đã làm. Nhưng đã muộn rồi!

Chị đã biến vào đám đông. Ngoài sân bay, máy bay đã hạ cánh. Trong này, tù binh còn tíu tít hỏi chuyện các chị, các anh dân công. Chúng viết thư cho những người đã khiêng chúng mà lúc ấy vắng mặt. Chúng thuật trên giấy những tội ác của đoàn quân viễn chinh Pháp. Chúng chia nhau quà bánh, thuốc lá. Chúng chia tay nhận mỗi người một món tiền của Chính phủ ta gửi cho. Máy bay sắp cất cánh, một lính Pháp mải nói chuyện với một anh dân công, tất tả chạy đi nhận cái phần của hắn.
- Để tôi mua bàn chải và thuốc đánh răng. Đợi bọn chỉ huy ở Hà Nội phát các thứ này, thì đến bao giờ?
- Chào nhé. Chào nhé. Chào nhé. Qua mỗi người, hắn lại chào. Đến người cuối cùng thì tiếng hắn rung lên.
Máy bay đã rời khỏi đất. Những khăn mù soa vẫy tới tấp về phía dân chúng. Đã xa và cao rồi, mù soa còn vẫy. Một ông ké, vai đeo ba lô, vừa đi vừa nói :
- Ngày mai, thằng Tây Hà Nội lại lên ném bom... Đéo mẹ chúng nó!
- Thế tù binh ta đâu? Đấy là lời một anh dân công đang hí hoáy thu dọn cái cáng tre.
Dân chúng Thất-Khê gọi nhau đào hầm léo nhéo.

*
*    *

Chiến thắng lên như nước vỡ bờ...
Tin giải phóng các đất đai mới, các thị trấn mới truyền đi.
Các ủy ban chiếm lĩnh đô thị lên đường vội vã. Các ủy ban thu dọn chiến trường đi gấp. Trạm tiếp nhận tù binh không ngớt hỏi cung những tên mới đến. Các ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, bấy lâu rúc rừng, rúc núi, lục tục kéo ra, lủng củng giấy tờ máy chữ, ba lô. Bộ đội vẫn mải mê truy kích giặc, tiếp sức cho những bộ đội du kích địa phương tỉa đánh. Những bộ phận được nghỉ ngơi nhóm những hội nghị kiểm thảo sơ kết trận đánh của mình, từng tổ, từng tiểu đội, từng trung đội, từng đại đội. Huấn luyện những anh em trong hàng ngũ Pháp, tình nguyện ở lại với bộ đội. Bộ đội tổ chức những buổi ca nhạc, những tối kịch cho dân chúng. Các chiến sĩ gánh những gánh lúa nặng trĩu, óng ánh vàng, rào rào như gió thu, về cho bà con. Một hôm bộ đội tíu tít như gà tìm chuồng.

- Làm cái gì mà ồn lên thế?
- Không ạ. Đấy, cậu thích cái bút máy của mình thì mình cho cậu, cậu nhường cho mình đi.
- Kiếu thôi. Bút máy thì rồi tớ cũng mua được.
- Tớ lạy cậu.
- Tôi cũng lạy anh.
- Đã bảo mà. Đánh thắng là thế nào cũng được gặp mà.
- Vừa mới ăn bò khao xong.
- Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ!
- Chiến thắng tuyệt thật!
- Cũng là nhờ nhịn đói khỏe!
- Tề chỉnh một chút nào, cậu!
- Bác không cần hình thức đâu.
- Thắng thì cũng phải thế nào chứ lị.
- Để cho tôi đi. Từ ngày tôi vào bộ đội, tôi chưa đề nghị xin xỏ cái gì bao giờ.

Đội viên, cán bộ sửa soạn như ngày Tết. Nhưng Bác giản dị như một ngày thường. Ô tô sình sịch.
- Đấy! Đấy!
Các chú nhìn ra đường. Không phải Bác. Bác đi bộ tới giữa lúc các chú không ngờ. Vòng người đang rộng bỗng, hẹp lại, hẹp lại. Tiếng hoan hô chạy vòng trên đầu. Mũ ca lô tung lên. Đầu súng nhấp nhô. Kiễng chân, xô cả vào người trước. Lại những tiếng hoan hô. Bác không đứng trên diễn đài. Bác đi thẳng xuống bãi cỏ. Bác không đội mũ. Mặt Bác xạm phong trần. Đầu hoa râm đã bạc nhiều. Bác mặc áo hở ngực. Quần Bác nhầu. Chân Bác đi dép cao su trắng, đứt quai sau.
- Ồ! Bác không đeo kính.
- Bác cũng quàng khăn mặt như ta thôi.
- Tưởng Cụ Chủ tịch thì ghệt phải cao ngập đầu gối!
Bác đi đi lại lại, Bác hỏi các chú có mệt không, có khỏe không. Bác bảo các chú ngồi xuống kẻo mỏi. Bác hỏi các chú có ỉa bậy không.
- Thưa Bác không.
Bác nhìn về phía có tiếng trả lời. Bác hỏi :
- Có thật là không không?
- Thưa Bác có đấy ạ.
Bác khuyên các chú không nên tiếp tục việc phản vệ sinh ấy. Dân người ta kêu. Mà việc ấy không xứng với bộ đội.
- Có đúng không ?
- Thưa Bác đúng ạ.

Bác nói chuyện vui. Bộ đội cười.
Khi Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú, các chú thốt nhiên im lặng. Bác nhắc ngay đến thương binh. Bác khuyên phải thu dọn chiến trường ngay, chôn cất tử thi, kẻo sinh bệnh tật. Bác chạm vào chân chú này. Bác đứng trước mặt chú kia. Các chú sinh bạo nhao nhao xin nói. Bác hỏi một chú ngồi đằng sau, trong bóng tối. Bác hỏi vì sao ta chiến thắng to. Chú nói vì cố gắng. Chú nói vì kỹ thuật tiến bộ.
- Thưa Bác, cháu có ý kiến, vì nhân dân ạ.
Bác quay lại xem chú nào. Bác khen nói đúng. Chú rú lên vì các bạn chung quanh cù nách. Bác nói về nhân dân. Lời Bác rung lên khi Bác nói đến những nỗi khổ của nhân dân, đến những hy sinh lớn lao, những đóng góp vô lượng của nhân dân, đưa lên cho Chính phủ từng hột cơm, hạt gạo để Chính phủ đánh giặc, Bác nói thêm rằng ta thắng lớn vì chỉ huy sáng suốt và kiên quyết. Bác khuyên các chú phải kính dân, yêu dân, tin dân. Bác khuyên các chú phải triệt để chấp hành mệnh lệnh. Bác phê bình kỷ luật chiến lợi phẩm không nghiêm của một vài cá nhân và đơn vị.
- Phải biết tiếc chiến lợi phẩm. Nó là xương máu của chiến sĩ. Đừng có như cái chú nào Bác gặp hôm qua làm gà mà đốt bốn ngọn nến. Thế là phí. Các chú nên nhớ rằng nước ta nghèo, dân ta khổ, chúng ta không được phí.

Các chú bấm nhau :
- Chết chưa. Chết chưa. Trúng tủ nhớ.
Bác nói về cán bộ :
- Cán bộ phải thương yêu đội viên. Nhất là Chính trị viên, phải là người chị, người anh, người bạn, người mẹ của đội viên, phải hàng ngày trông nom đội viên, từ cái ăn, cái ở, khi tập luyện, khi mệt mỏi, ốm đau. Mà phải gương mẫu. Đừng có như cái chú Chính trị viên nào mồm thì nói phải giúp dân, bắt đội viên quét tước, mà mình thì đi nằm.
Các chú nhảy lên, vỗ tay.
- Bác mà làm Chính trị viên đại đội mình nhỉ.
Bác quay về phía cán bộ :
- Có đúng không?
Cán bộ cười, nhìn nhau, bấm nhau. Mặt Bác hiền từ :
- Chú nào có cái tật ấy thì vứt nó đi. Cán bộ phải coi đội viên như tay chân. Đội viên phải coi cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì đánh đâu thắng đấy.

Bác nói đã nhiều. Bác không uống nước. Bác hôm nay không ho. Bộ đội còn muốn nghe. Vòng người khép chặt lại. Bác đem vài mòn quà tặng cho cá nhân nào xuất sắc nhất. Bộ đội yêu cầu Bác cho xem trước. Bàn tay Bác gày gò chìa cho mọi người xem ngôi sao xinh xinh, đỏ thẫm, lóng lánh như ngọc, lóng lánh như mắt các chú trố to nhìn lên. Bác ngồi xuống cỏ, trước các chú. Các chú lần lượt ra trước mặt Bác hứa cố gắng giết giặc, nghe lời Bác dạy. Một đội viên biếu Bác cái hộp mề đay của giặc mà anh chiếm được khi xung phong đầu tiên vào nhà chỉ huy của A-li-úc.
Một chú đứng sau nói :
- Thưa Bác, Bác cho chúng cháu biết hộp gì đấy ạ?
- Các chú lại bắt Bác báo cáo nữa!
Bộ đội cười ầm ĩ, khoái trá, Bác giơ từng chiếc mề đay cho mọi người xem.
- Thưa Bác chúng cháu chưa trông rõ ạ.
Bác giơ cao hơn. Các chú cười sung sướng, ôm nhau nghiêng ngả.
- Thôi. Đừng bắt bác giơ mãi, Bác mỏi tay!

Thốt nhiên im lặng. Bác chạy ra hôn người chiến sĩ cụt tay đã làm cho giặc bạt hồn, một thanh niên gầy gò đang đứng trước Bác hứa quyết tâm chiến đấu. Đầu bạc của Bác sát đầu xanh của người chiến sĩ tay áo sơ mi lòng thòng quờ quạng bên sườn Bác. Người chiến sĩ trở về chỗ cũ. Tiếng vỗ tay của bộ đội núi sau vang vọng lại. Bác đứng lên từ tạ ra về, và nói:
- Bây giờ thì Bác bận, không thể ở lâu với các chú được. Vậy Bác chúc các chú khỏe và cố gắng. Cố gắng luôn luôn để khi Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh, đánh là được.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2008, 11:11:56 am »

*
*    *

Bộ đội lại vận động đi...
Cao-Bằng ngập lụt. Dân công đang quét dọn. Nậm-Nàng, nơi Sác-tông đốt đoàn xe của nó, các anh tài xế đang hí hoáy chữa, lắp bộ phận máy nọ vào bộ phận máy kia, và đã cho chạy được sáu chiếc. Đông Khê tàn phá không một bóng cây. Một vài tù binh Đức Ý chạy đi chạy lại. Bông Lau, quãng đường hiểm trở, chật ních những xác xe đổ trong trận phục kích ác liệt năm xưa. Thất-Khê xinh đẹp giữa một thung lũng lúa chín vàng. Đồn Khâu-Trích, Chấp-Giao trên đỉnh núi, đàn quạ đông tụ tán. Miếu Quan-Đế đã được gỡ ra khỏi hàng rào dây thép gai trói chặt. Đêm đêm xe chạy, gọi nhau ấm ớ, người xuống người lên. Mấy anh sốp phơ hàng binh Âu líu tíu. Con đường số bốn thênh thênh, lỗ chỗ vết giầy đinh của bộ đội, những giấy gói đồ hộp, mẩu thuốc lá bết xuống đất. Hai bên đường, toàn bụi cỏ um tùm. Ruộng đã bỏ đấy ba năm. Dân chúng trở về. Em nhỏ chạy lon ton.

- Thích quá! Lại gặp mày. Tiếng kêu của anh đại đội trưởng bộ binh, người lùn tè, đeo chiếc kiếm dài, khi gặp anh đại đội trưởng pháo binh, đeo chiếc kính trắng.
Bộ đội nghỉ. Anh cán bộ bộ binh chỉ lên núi, chỉ lên đồi, chỉ xuống đường, chỉ lên trời, cười tít mắt :
- Rộng quá. Của chúng ta hết. Có thể từ đây đi thẳng Bắc-Kinh, Mạc-tư-khoa. Tao có cảm tưởng rằng gió này thổi tới tận Mạc-tư-khoa, và gió từ Mạc-tư-khoa thổi tới tận đây. Gió dân chủ sướng quá.
Họ nhìn lên trời, lên núi, lên đồi. Bộ đội cũng nhìn theo. Lừa lại bắt đầu đi, ba thồ lênh khênh, tiếng kim khí lanh canh, tiếng guốc sắt rít rít. Hàm vỗ mông lừa giục :
- Nhanh, nhanh.
Lời Hàm vẫn lè nhè, nhưng bước đi gọn.

... Bình Gia, cái phố nhỏ bên suối. Đoàn ngựa của nhà buôn đi thủng thẳng. Bắc-Sơn, thung lũng đỏ như son. Với tấm lòng son của những anh hùng khởi nghĩa mười năm xưa. Các em đi học chạy tung tăng. Vũ-Lễ, một khu rừng cháy, cây là những thỏi than vĩ đại Con suối chảy róc rách bên một phố vắng người. Đá to dưới suối cùng đàn trâu trên bờ một màu. Các nhà trong phố đã xếp dọn gọn ghẽ. Phố này, toàn là những người đàn bà Cao-Lộc, Lộc-Bình di cư tới, làm máng, làm nương, sống hiu hắt, sáu năm nay. Họ đi ăn tiệc, liên hoan với bà con địa phương để ngày mai về đất cũ. Một bà cụ tám mươi tuổi nói :
- Khi chạy giặc, dắt cả trâu lẫn trẻ. Trâu cũng chết nhiều mà trẻ cũng chết nhiều. Bây giờ cũng hãy còn có trâu, có trẻ, nhưng ít thôi.

Máy bay giặc khủng bố các thị trấn, các đường giao thông. Nhưng giặc vẫn rút Hòa-Bình. Hành lang Đông Tây bị chọc thủng. Tiếng máy bay như tiếng kêu tuyệt vọng của bầy giặc điên.
Cửa khải hoàn rồi lại cửa khải hoàn. Biểu ngữ rồi lại biểu ngữ :
- Hoan hô các chiến sĩ dân công.
- Dành gạo cho bộ đội.
- Pây vận tải se khả sắc. (Đi dân công để giết giặc).

Một cái biểu ngữ đồ sộ trên đỉnh đèo Trám. Trước người ta đề: Hoan nghênh Đông Khê giải phóng. Sau lại được tin giải phóng Cao-Bằng, họ viết thêm Cao-Bằng bên Đông Khê. Rồi nhiều nơi khác được thu hồi. Người kẻ đành dán lên hai tiếng hoan nghênhgiải phóng một tờ giấy khác viết chi chít: Thất-Khê, Na-Sầm, Đồng-Đăng, Lạng-Sơn, v.v... Mỗi thứ chữ một kiểu, một thứ mực, tùy theo hôm nhận được tin.
Nhiều biểu ngữ tương tự. Có cái đã ghi thêm Lào-Cai. Có cái đã ghi thêm Hòa-Bình. Có cái, tác giả dành hẳn một khoảng trắng dài ở dưới để điền thêm.
Giặc đang cố tăng viện. Súng và tàu bay của Tờ- ru-man (Tru man) tải sang thêm. Gian khổ còn nhiều.
- Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh, đánh là được.
Bộ đội đã nghe rõ Bác Hồ.
Trên khoảng trắng dài kia của biểu ngữ, tác giả sẽ còn điền thêm nhiều tên đồn, huyện, tỉnh, thành phố, đường xá, hải cảng sắp thu hồi. Và nhất định, tác giả còn phải dán lên nhiều lần giấy nữa, để một ngày nào đó không xa lắm, nhưng còn mang theo nhiều đau thương, tang tóc anh chỉ cần viết gọn hai tiếng Việt Nam.

12-9-50

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2008, 04:10:29 pm »

VÕ TRẦN  NHÃ

KÝ SỰ MẶT TRẬN


Cuộc họp chi ủy vừa xong, đại đội phó Lê Thành Ta liền điện về cấp trên : "Bất cứ loại máy bay nào của giặc Mỹ và bất cứ số lượng bao nhiêu, đại đội Ba chúng tôi cũng xin hoàn thành nhiệm vụ đánh trụ...". Lời nói của Ta chưa dứt thì một loạt bom phủ xuống phía sau lưng, cắt đứt đường dây về tiểu đoàn. Ta buông vội ống nghe, vọt nhanh về lô-cốt số một, điều khiển tổ đại liên bắn máy bay.

Như một cơ thể thống nhất, ba đồng chí : Reo, Hoa, Chem nã từng chùm liên thanh lên trời, đẩy máy bay địch tản giạt ra. Vắng máy bay là Chem lại run lên. Nhưng khi máy bay đến, khẩu đại liên rung lên, Chem thấy mình lại tỉnh táo. Hôm qua, trung đội Bốn đã báo cáo để Chem ở nhà, vì Chem vừa lên cơn sốt bốn mươi mốt độ. Song Chem cương quyết xin đi chiến đấu với đầy đủ lý do : "Tôi còn khỏe, đánh giặc được! Sốt rét nó có cơn thôi. Hết run, mạnh như thường. Hơn nữa tổ đại liên ba người, thiếu một làm sao bắn giặc?". Cuối cùng đơn vị cho Chem đi.

Thỉnh thoảng Lê Thành Ta thấy đôi môi non choẹt mà tái nhợt của Chem gượng cười khi có ai ngó Chem bằng cặp mắt dò hỏi sức khỏe.
Ta bèn nói trổng, kiểu như vừa lấy vừa yêu :
- Đã biểu ở nhà không nghe. Bây giờ xanh môi rồi đó. Ai coi coi.
- Báo cáo đại đội phó, vì máy bay Mỹ chưa chịu nhào xuống đó thôi.
Nghe thế, tiểu đội phó Hoa, kiêm tổ trưởng, vốn hay pha trò châm biếm, liền uốn vành môi :
- À vì mấy thằng phi công Mỹ nó cũng lên cữ sốt...
- “Bốn mươi mốt đô...ộ” - Xạ thủ Reo chêm thêm.
Rồi cả tổ cùng cười. Đại đội phó Ta cũng cười.

Máy bay địch bắt đầu oanh tạc dần vào đồn. Có mấy loạt bom và hỏa tiễn nổ gần bờ thành. Trong lúc Ta đang chỉ thị và hô các tổ chiến đấu phát hỏa mạnh vào những chiếc Xcai-rai-đơ bổ nhào trên đầu thì chợt thấy đại đội trưởng Ngọc đến. Đơn vị Ngọc đã làm xong nhiệm vụ thế đội Một từ khi hôm. Nhưng Ngọc nhất quyết rằng chưa diệt được ổ đề kháng cuối cùng, chưa ra. Rồi đồng chí cùng một tổ của đại đội mình lại phối hợp với đơn vị bạn, tiếp tục đánh. Mặt mày Ngọc đã sạm đen khói thuốc đạn. Trông thấy đại đội phó Ta, Ngọc vui vẻ reo lên :
- Chúng tôi cùng đánh với đơn vị ông nhé!
- Ủa! Sao anh chưa ra nghỉ?
- Hả?
- Đại đội ra hết rồi mà?
- Không nghe! - Ngọc hét to rồi đưa hai ngón tay chỉ vào hai lỗ tai lắc đầu - Bọn thằng "Dên-sên" nó làm mình ù tai rồi - Và anh nhe răng ra cười hề hề : - Bừa nay mình chơi với thằng "Dên-sên" suốt ngày nhé !
Ta cười và gật đầu lia lịa để cho Ngọc thấy rõ quyết tâm của đơn vị mình. Thế là lô-cốt số một bây giờ có thêm một đại đội trưởng. Nhưng mỗi lần đại đội phó Ta muốn hội ý bàn bạc với đại đội trưởng, chỉ viết giấy thôi!

Càng trưa, nắng càng trở lên gay gắt. Anh em vừa mệt vừa đói vừa khát. Di Thiện Tích, chính trị viên đại đội Ba liền trở về lô cốt số hai bàn bạc với đồng chí Thông. Thông là tham mưu trưởng của tiểu đoàn bạn, bị thương khi đêm còn ở lại. Lẽ ra Thông đã ra từ đầu kia. Nhưng Thông và Tích là đôi bạn thân cùng cấp, cùng đơn vị cũ, cùng quê. Thấy Tích tự quyết định cho đơn vị ở lại. Thông bảo Tích :
- Tao ở lại với mày.
Tích cười :
- Thế thì còn gì bằng. Nhưng... vết thương?
- Không hề gì! Tham mưu trưởng đâu có cần phải bắn súng trường.
Vậy là Thông ở lại. Thông bị gãy một cánh tay. Nhưng anh coi việc đó là bình thường. Cái quan trọng lúc này, theo anh, là những người còn lại trên trận tuyến có dám chịu đựng với đủ thứ máy bay phản lực tối tân của giặc Mỹ suốt ngày không? Và người cán bộ tham mưu phải làm gì để giúp anh em chiến thắng trong trận ác chiến này? Vì thế, Thông luôn suy nghĩ góp ý cho chính trị viên Tích, cho đại đội phó Ta, cho đại đội trưởng Ngọc về mọi tình huống diễn biến chiến đấu.

Trong một công sự sát cạnh chân tường lô-cốt số hai, Tích đang bàn với Thông :
- Anh Thông à. Mình nghiên cứu cách cho anh em ăn uống đi.
- Phải. Giờ này ăn được rồi. Kiểm tra tình hình cơm nước của anh em xem sao.
- Hầu hết cơm vắt thiu và nát bét. Coi như ăn không được. Nước, mỗi người nhiều lắm một phần ba bình-toong. Các thương binh không có gì cả. Một số anh em còn lại ít cơm khô.
- Được rồi, lãnh đạo anh em chia sẻ và thật tiết kiệm. Mỗi người chỉ ăn một vài nhúm cho lấy có thôi. Dạy anh em cách nhai. Nhai nhai lâu sẽ cảm giác thấy no. Uống từng ngụm thật nhỏ. Kế hoạch ăn phải kết hợp với kế hoạch chiến đấu từng tổ có người ăn, có người bắn.
Hai người đang bàn thì một bầy mấy mươi chiếc trực thăng bay đến. Anh em hô nhau : "Hạ trực thăng các bạn ơi!". Thế là mặc cho máy bay phản lực trút bom, hỏa tiễn xuống trận địa, các cỡ súng từ các công sự cứ nhắm bầy trực thăng mà nã lên ran trời. Bầy trực thăng không dám xáp lại. Nó bay tản ra và hạ cánh mãi đâu ở phía bắc, xa tít.

Trước tình hình đó, Thông góp ý với ban chỉ huy đại đội ba nên tổ chức hẳn một lực lượng sẵn sàng đánh bật quân tiếp viện trực thăng vừa đổ bộ, nếu nó kéo đến giải vây. Tất cả những người chỉ huy đều nhất trí phương án tác chiến mới và chuẩn bị ngay.

Trong các công sự, anh em tự bàn với nhau nhường cơm nhường nước cho chiến thương nhiều hơn.
Trung đội trưởng Phạm Văn Bông véo từng nhúm cơm khô bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, vừa nói líu cả lưỡi. Anh em cười. Cái cố tật của Bông là hay nói ngược. Càng vui, càng nghiêm chỉnh, càng gấp Bông càng hay nói ngược nhưng anh em đều hiểu. Những tràng tiếng nói kiểu ấy của Bông giờ lại trở thành nguồn vui trên trận địa đang ác liệt. Mọi người tuy hốc hác lem luốc, nhưng không một ai tỏ ra uể oải. Tất cả sinh khí của người chiến binh đều dồn lên đôi mắt, đôi tay, đôi chân, lời nói. Cậu bé liên lạc Trương Minh Xia trước khi bốc nhúm cơm khô bỏ vào miệng, đã nạp đạn lên nòng sẵn năm cây súng để một hàng dài trước công sự. Bất cứ chiếc máy bay nào bay ngang, cậu ta cũng chộp súng và "pằng! pằng!" ít nhất ba phát trở lên. Một loạt hỏa tiễn nổ trên miệng hầm. Mặt, mũi cậu bé đầy cát, nhưng búng cơm khô đang nhai trong miệng cậu ta nhất định không nhả, chỉ lừa lừa vài hột sạn phun ra, rồi nuốt. Cậu ta nói với mọi người : "Cơm đâu cơm bỏ!". Tợp một ngụm nước, đưa tay áo quệt miệng, cậu ta lại nói : " Có sạn cát ăn lâu đói!".

Trung đội phó Ngang thấy Xia chạy qua lô-cốt số năm liền gọi : "Ê! Nhỏ! Vào đây tao gởi cái này nè!". Khi Xia nhảy vào công sự, Ngang liền với chiếc túi và bảo :
- Xòe tay ra!
- Gì vậy?
- Cứ xòe tay ra... Thôi. Há miệng. Há miệng cũng được.
- Hông! Để cho anh chớ. . . ớ!
Thế rồi Ngang cứ lật đổ Xia ra, bắt cậu bé há miệng, bỏ nắm cơm của mình bớt ăn cho chú bé. Để chú bé yên tâm mà nhai ngon lành những hột cơm khô ấy, Ngang nói thêm :
- Tao ăn nhiều lắm rồi.
- Ứ! Người nào cũng từng ấy làm gì có nhiều.
- Ậy! Người lớn nó ít đói bụng hơn con nít.
Xia cười, thoát ra ngoài, chạy đi sang các lô-cốt khác để truyền lệnh của đại đội.
Chạy đến hầm thương binh, cậu bé đưa bình-toong nước của mình cho các đồng chí chiến thương.

*
*    *

Giặc Mỹ điên cuồng ném bom cháy vào ngay nội đồn. Lửa cháy tràn lan. Ở vị trí lô-cốt số năm, trung. đội phó hai Nguyễn Văn Cừ nhìn thấy lửa sắp cháy tới xác đồng chí Hênh, người tiểu đội trưởng mũi nhọn trong trung đội Cừ. Hênh đã hy sinh khi hôm, lúc tiến đánh sang khu vực quận. Hênh nằm sát tầm lỗ châu mai hầm ngầm. Vì chưa giải quyết xong hầm ngầm, anh em chưa đem đồng chí Hênh ra được. Lòng Cừ lúc bấy giờ sôi lên như ngọn lửa đang bừng cháy kia. Không thể để xác đồng đội bị lửa thiêu. Anh quyết định phải tổ chức đem đồng chí mình ra trước khi lửa cháy tới. Cừ la thét om sòm : Gọi cây trung liên lô-cốt số bảy, gọi cây đại liên của Đệp ở lô- cốt số tám; đề nghị đại đội phó Ta cho tập trung toàn bộ hỏa lực bắn vào các công sự hầm ngầm. Đích thân Cừ chất sẵn năm băng trung liên Mỹ, lắp đầy đạn để bắn vào các lỗ châu mai. Rồi Cừ nhảy sang công sự của trung đội phó Nguyễn Văn Ngang. Sẵn tay đang cầm trái thủ pháo, anh giơ quả thủ pháp lên gí vào sát mặt Ngang mà nạt.
- Mày không thấy thằng Hênh sắp chết cháy à? Tại sao không nhanh chóng tổ chức cho ra lấy xác nó hả. Hả Ngang? Mày không có mắt à?

Ngang biết rằng Cừ đang nóng - một thứ tính nóng như Trương Phi trên sân khấu - Có cãi lại cũng vô ích! Ngang là trung đội phó một, Cừ là trung đội phó hai. Trung đội trưởng đã bị thương nơi trận địa khi hôm. Mọi việc trên chiến trường, cán bộ còn lại phải thu xếp để mà giải quyết. Vốn bản tính ôn hòa, Ngang chỉ bình tĩnh nói :
- Anh về bển cho trung liên bắn đi. Bớt nóng một chút để bắn cho chính xác.
Một người nóng nảy hét la om sòm, một người nhỏ nhẻ ôn tồn, tất nhiên là không bao giờ có thể có chuyện gì xảy ra. Đã nhiều phen lắm rồi, hễ gặp giặc là Cừ lại nổi nóng như thế. Hình như trước kẻ thù, tự nhiên trong người Cừ toát ra một chất kích thích nóng của anh lên rất nhanh. Lúc về kiểm thảo, Cừ lại gục đầu tự phê bình, mà phê bình rất chí tình thành khẩn! Ngang không còn lạ gì cái tật khó sửa ấy của Cừ.
Trung liên Cừ vừa nổ, lập tức Ngang điều động Riêng và Banh tiến lên chỗ xác Hênh. Mặc lửa hừng nóng, mặc đạn réo sém trên đầu, Riêng và Banh, hai chiến sĩ trẻ tuổi trong tiểu đội của Hênh không chút ngần ngại, cứ như hai con cá sấu bò sấn lên một cách tin tưởng, tỉnh táo. Banh mười chín tuổi, nhỏ hơn Riêng ba tuổi, có nước da trắng kiểu học trò con gái. Ngày thường, lúc vui miệng Hênh thường bảo: "Da thịt của thằng Banh thơm lắm". Banh và Riêng mới vào bộ đội chưa tròn năm. Nhưng cả hai đã tỏ ra dạn dầy với súng đạn. Banh thỏ thẻ nói với Riêng :
- Tôi có bề gì anh bỏ mặc tôi. Kéo cho được xác tiểu đội trưởng của mình về nhé.
- Tao cũng vậy - Riêng khẽ đáp lại, đôi mắt có cặp chân mày "tướng con" của Riêng vẫn luôn châm bẩm nhìn thẳng về phía trước.

Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hênh là một con người lý tưởng của hai chiến sĩ trẻ này. Gần một năm trời sống chung, chiến đấu chung, Hênh đã cảm hóa được họ và dìu dắt họ quen dần trong trận mạc, rèn luyện cho họ có một tác phong tỉnh táo, ngoan cường. Khi biết tiểu đội trưởng đã hy sinh, Riêng và Banh không cầm được nước mắt. Chính hai người đã đề nghị với Ngang rất nhiều lần cho ra đưa tiểu đội trưởng của mình về. Chưa phải lúc, Ngang chưa chấp thuận. Giờ đây lửa bom na-pan giặc sắp thiêu đốt xác Hênh, một người anh, một người đồng chí, một người bạn "chung ny-lông, chung võng" với họ. Họ không. thể nào để mặc cho người tiểu đội trưởng mà họ yêu thương quý trọng nằm đó. Vượt qua những đoạn đường nắng trưa hâm nóng phỏng da (cái đó chẳng có nghĩa lý gì đối với họ), họ đã sắp tới bên Hênh. Đạn vẫn rào rào trên đầu. Đạn cày trước mặt. Lửa lè lưỡi chực nuốt họ. Bom giặc Mỹ cứ tung họ lên từng chập, từng hồi. Mặc kệ! Họ lao tới và cõng cho được xác tiểu đội trưởng về tới chiến tuyến của ta. Ngang phân công hai chiến sĩ trẻ tiếp tục mang Hênh về hậu tuyến. Chấp hành mệnh lệnh, Riêng và Banh lại tiếp tục vượt bom đạn đưa Hênh về căn cứ an toàn rồi lại trở lại hỏa tuyến, cùng đồng đội chiến đấu giữ vững trận địa.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM