Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:03:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: KGB Hồ sơ bí mật  (Đọc 79972 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:34:45 am »


BẰNG CHỨNG GIẬT MÌNH

Có một tác phẩm đang thai nghén được giữ bí mật cực kỳ nghiêm ngặt vì tác giả là một bậc thầy điệp báo nữa, Pavel Soudoplatov. Ông được các chuyên gia phương Tây biết đến sau khi làm chứng cho một vụ phản bội của KGB, Nikolai Khokhlov. Là trưởng ban chấp chính các nhiệm vụ đặc biệt của NKVD, Soudoplatov đã chỉ đạo ban tác chiến du kích chống phát xít trong thời kỳ chiến tranh, tổ chức nghi binh, đánh bom, ám sát trong lòng địch. Sau chiến tranh, ông là trưởng phòng đặc nhiệm số 1, chịu trách nhiệm bắt cóc và thi hành án đối với dân Xôviết phản động lưu vong ở Châu Âu. Vì từng là cộng tác viên của Lonid Etingon, ông có vai trò trong vụ ám sát Trotski ở Mêhicô năm 1940. Sau khi Stalin chết năm 1953, chính ông và Etingon đã bị bắt vì là người của Beria và vì là những nhân vật lịch sử, họ biến mất một cách bí mật. Với dư luận phương Tây cũng như người dân Nga, cái tên Soudoplatov hoàn toàn xa lạ1.

Được trả tự do năm 1968 sau khi Khrouchchev bị lật đổ, nhưng vẫn chưa được phục quyền cho mãi đến năm 1992, sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ Soudoplatov quyết định kể lại chuyện của mình. Suốt năm 1993, ông tiếp hai người Mỹ tại nhà riêng, Jenold và Leona Schechter để viết lại “câu chuyện của bảy mươi năm mưu mô và chết chóc”. Bao tiếng xì xầm quanh tập hồi ký sắp được xuất bản. Ngay từ bây giờ đã có những truyện tình báo đang say sưa về một bữa tiệc mới. Không ai dự báo được những bí mật nào về trật tự nguyên tử sẽ được tiết lộ. Mới có một chương được đăng trên tạp chí Time ngày 25 tháng 4 năm 1994 đã làm độc giả Mỹ, độc giả châu Âu, thậm chí độc giả toàn thế giới hoàn toàn choáng váng.

Việc Soudoplatov nói về hoạt động của ông từ 1944 đến 1946, lãnh đạo một ủy ban tình báo nguyên tử - phòng S hay nhóm Soudoplatov - gây ngạc nhiên thực sự. Nhưng việc ông khẳng định rằng những thiên tài lừng danh của dự án Manhattan đã hợp tác với cơ quan mật vụ Xôviết đã xoá bỏ tất cả những ý kiến trước đây. Sự kiện này giống như một quả bom đối với giới khoa học Mỹ.

Theo như hồi ký của Soudoplatov, Robert Oppenheimer, Enrico Fermi và Leo Szilard chuyển tin tức về nguyên tử cho các liên lạc viên Xôviết nhưng khác với Fuchs, họ chỉ vô tình và gián tiếp làm việc đó khi gặp các nhân viên tình báo Liên Xô trong phòng thí nghiệm đặc biệt và đã vô tình để cho các tình báo viên có thể sử dụng tài liệu để cóp-py lại. Còn riêng George Gamow thì cộng tác trực tiếp. Do áp lực đe dọa trả thù bố mẹ ông đang sống ở Ukraina, George Gamow đã trao đổi với các nhân viên người Liên Xô những thông tin mà bạn bè của ông ở Los Alamos cung cấp. Ngài Niels Bohr cũng dính dáng. Sau chiến tranh, ông tiếp một đoàn đại biểu Liên Xô tại nhà riêng ở Đan Mạch, nhân cơ hội này giải quyết vấn đề đã làm tắc lại vụ thử phản ứng nguyên tử Xôviết đầu tiên. Vậy là các nhân vật vĩ đại được các sách lịch sử tâng bốc, được các nhà khoa học và công chúng tôn sùng một cách thái quá không chỉ là những người thực tâm có cảm tình với lý tưởng Xôviết và là những người theo chủ nghĩa hòa bình mà họ thực sự đã là những kẻ phản bội rất biết việc.

Cuốn Nhiệm vụ đặc biệt của Soudoplatov đã khơi lên một cơn bão phản đối. Các bài viết đăng trên báo, những cuộc tranh luận trên truyền hình, ban chuyên gia khoa học ra sức bác lại những viện dẫn của quái nhân bất ngờ kia. Người ta tuyên bố, Soudoplatov bị gạt ra ngoài lề vấn đề vì ông là kẻ sát nhân và tung tin đồn nhảm trong công việc mà thôi, nhưng luận đề này không đi đúng hướng vì vô hình chung nó lại giả định rằng người ta tin vào những chuyện ám sát và tin vịt kia của ông. Số khác thì lại kết luận rằng những cáo buộc của ông chống lại các nhà khoa học lẫy lừng rất lờ mờ, các chi tiết không đáng tin. Leo Szilard không làm việc ở Los Alamos (ngược lại với sự khẳng định của Soudoplatov). Pontecorvo không thể làm được bản báo cáo về lò phản ứng của Fermi năm 1942, vì không có mặt ở Met. Lab vào thời điểm đó. Oppenheimer không đưa Fuchs tới Los Alamos, các viện dẫn khác cũng vậy, không đáng tin cậy2.
_________________________________
1. Nilolai Khokhlov đã ra làm chứng trước ban thượng viện Mỹ và tiểu ban điều tra hành chính của Đạo luật an ninh nội vụ và các luật an ninh nội vụ khác, ngày 21 tháng 5 năm 1954 và các ngày 1 và 16 tháng 10 năm 1957. Ông đã trả lời một loạt các cuộc phỏng vấn của tờ US News and World Report vào tháng 2 và tháng 7 năm 1955, rồi tháng 3 và tháng 6 năm 1956. Người ta có thể tìm thấy những đánh giá đầy đủ về Soudoplatov trong Nhân danh lương tâm, Frederick Muller Ltd. Luân Đôn. 1960.
2. Các ví dụ không chính xác của Soudopla đã được trích trong bài “Điệp viên nguyên tử hay sự dối trá?” của Richard Rhodes đăng trên tờ Thời báo New York, ngày 3 tháng 5. Guennadi Gorelik viết rằng George Gamow là con trai duy nhất, bố mẹ đã mất từ trước kỷ nguyên nguyên tử, do đó khó có chuyện ông ta là đối tượng bị Liên Xô đe dọa: dù phản bội đi nữa. Ông ta cũng bị loại khỏi dự án Manhattan vì nguồn gốc Xôviết. Xem Novoie Roussskoie Slovo (New York). 30-31 tháng 7, tr. 14. Xem Thời báo New York, 19 tháng 4. A5: 24 tháng 4. E4: Bưu điện Washington, ngày 1 tháng 5. Bookworld: ngày 4 tháng 5. A24; Thời báo phố Wall, 11 tháng A14; Tạp chí khoa học nguyên tử, số tháng 7, tháng 8. tr. 30-36.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 12:38:17 am »


Vợ chồng nhà Schechter và nhà Xôviết học Robert Conquest đáp lại các chỉ trích bằng cách đăng thư trên tờ Thời báo New York ngày 6 tháng 5. Phần lời tựa Conquest viết cho cuốn sách của Soudoplatov được coi là luận cứ thuyết phục nhất: trong các đơn vị tình báo của Stalin, cấp độ cao nhất của bí mật là “chỉ cần thông tin truyền tai”. Luận cứ này tuy đưa ra đường mở cho Soudoplatov nhưng chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Vợ chồng Schechter thì giải thích rằng cuốn sách của họ thuật lại “chuyện truyền khẩu”, còn tài liệu làm bằng sẽ được ra mắt ở Matxcơva.

Thế là nhà xuất bản Roger Donald, de Little, Brown and Co., tái xuất thành phụ lục đề hưởng ứng. Năm 1982, Soudoplatov đã gửi yêu cầu phục hồi danh dự tới Youri Andropov, khi ấy là người đứng đầu KGB. Soudoplatov đã viết về những công trạng của mình như sau: “... phòng S đã có những đóng góp đáng kể đối với các nhà khoa học khi cung cấp cho họ những tài liệu mới nhất về nghiên cứu bom nguyên tử, những nguyên mẫu mà chúng ta có được bên cạnh các nguồn thông tin không kém phần quý giá của các nhà vật lý như R. Oppenheimer, E. Fermi, K. Fuchs...”. Donald cho rằng Soudoplatov ít có khả năng bịa ra việc gửi yêu cầu tới Andropov vì hoàn toàn có thể kiểm chứng được tính xác thực của sự việc1.

Priscilla Johnson Mcmillan không đồng tình với luận điểm trên: từ “nguồn” mà Soudoplatov dùng không nhất thiết là ám chỉ các nhân viên đã được xác nhận, nó trái với từ “bè bạn”. Cô còn cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra việc Soudoplatov đã phóng đại cống hiến của mình với Andropov. Nhưng lý lẽ bác bỏ của cô lại không được hoan nghênh vì vấp phải tên tuổi của Fuchs. Danh sách có tên Fuchs lại có cả tên của Oppenheimer và Fermi, tức là đã xác định họ là điệp viên2.

Tuy nhiên, giới phê bình Mỹ mạt sát thậm tệ cuốn sách của Soudoplatov. Họ đưa ra những lỗi rất lớn trong phần nói đến tình báo nguyên tử và kết luận rằng cuốn sách là một trò lừa bịp. Họ còn bóng gió rằng làm vậy chỉ để bán giấy và để kiếm tiền nuôi miệng; cần phải có những xử phạt thích đáng vì đã sỉ nhục các tác giả và các nhà xuất bản Mỹ. Họ bảo vệ danh tiếng của Oppenheimer và những người khác, không thể không kể đến hồi ký của Joe Mccarthy và nhũng cuộc tấn công vô cớ chống lại cánh tả trong những năm 50.

Tại Nga, phản ứng của giới phê bình rất khác nhau. KGB - SRE đương nhiên phải đáp trả việc xuất bản của tờ Time, khiển trách Soudoplatov, xử trí ông như là một “nhân chứng không có đủ giá trị”. Với tư cách của một cựu nhân viên thời Stalin, từng ám sát Trotski, đã có mười lăm năm trong tù chịu đủ cực hình và bị cô lập hoàn toàn, ông có một cuộc đời huyền thoại. Xuất bản cuốn sách này mà không có sự trợ giúp, cũng không có cả bảo lãnh của các cơ quan chính thống, ông đã đặt mình vào phía đối đầu với tập thể điệp viên. Lời bình đầu tiên của SRE là: vài ngày trước khi cuốn sách xuất hiện, trao đổi với các đồng nghiệp của mình, ông không nói một lời nào về vụ xì căng đan mà ông đã âm ỉ chuẩn bị. Có nghĩa là ông không tuân theo kỷ luật.

Dù không mấy ai trong báo giới phương Tây để ý nhưng đã xuất hiện những lời xúc phạm nặng nề hơn, lộ liễu hơn. Serguei Leskov, người phát ngôn của SRE đã viết: Soudoplatov làm ảnh hưởng đến việc về hưu của một viên trung tá của KGB, “và điều này không thể coi như việc khai thông những nguyên tắc đạo đức bất thành văn của công tác tình báo. Những nguyên tắc này áp đặt lên người đứng đầu một điều cấm kỵ khắc nghiệt, có hiệu lực suốt nhiều thập kỷ, là không được phép tiết lộ tên tuổi những nhân viên không muốn bị lộ diện”. Sodoplatov đã phạm phải điều cấm kỵ này.

Kết luận lại: Soudoplatov đã vi phạm những nguyên tắc an toàn chứ không phải là ông bịa chuyện. Phải nói vậy vì phần ghi chú này không có lợi cho ông khi Soudoplatov bị KGB khiển trách. Bản kiểm điểm do SRE soạn có rất nhiều thiếu sót, ví dụ như Soudoplatov không hề nói đến Kvasnikov hay mật danh Enonnoz của phòng nghiên cứu Los Alamos. Mà điều này đã được ông nêu rất rõ ràng trong cuốn sách của mình. Ý đồ làm mất thanh danh ai đó đã quá rõ ràng3.

Vladimir Tchikov, tác giả của cuốn sách này rất lấy làm thú vị được trình bày những phê phán thật nghiêm túc đối với Soudoplatov, ông đề cập ngay từ lời dẫn và đi vào phân tích sâu hơn ở chương 4 và chương 5: các tài liệu của KGB không xác nhận những luận điểm của Soudoplatov. Bản báo cáo của Kheifetz năm 1944 đã bác bỏ thẳng thừng những chi tiết trong cuốn sách kia. Các điệp viên trong cuộc cũng không đồng tình. Các mật danh ông đưa ra đều không chuẩn xác. Câu chuyện về phái bộ Xôviết bên cạnh Niels Bohr khác hoàn toàn với văn bản tường thuật của một người trực tiếp tham gia. Với tất cả những căn cứ trên và nhiều cơ sở khác, Tchikov tán đồng một quyết định khai trừ: “Dựa trên những tài liệu SRE có được, cuốn Nhiệm vụ đặc biệt của Pavel và Anatoli Soudoptatov là sự cóp nhặt tạp nham những sự việc có thật, nửa thực nửa hư cấu”.
____________________________________
1. Roger Donald, “Bất đồng quan điểm về một cuốn hồi ký của KGB”, Bưu điện Washington, 19 tháng 5 năm 1994.
2. Priscilla Johnson Mcmillan, “Ký ức của người đánh xe độc mã”. Tạp chí khoa học nguyên tử tháng 7-8 năm 1994, tr. 31.
3. Serguei Leskov, “Robert Oppenheimer có thể là nhân viên của Liên Xô...”, tr. 7. Leskov đã mô-đi-phê câu chuyện trong “một bằng chứng đáng tin cậy”, đăng trên Tạp chí khoa học nguyên tử số tháng 7, tr. 33-36.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:33:51 pm »


CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ GIÁN ĐIỆP HẠT NHÂN CỦA STALIN?

Chúng ta biết rằng chương trình bom A của Liên Xô là kế hoạch của NKVD, các nhân viên tình báo của Liên Xô dần dần xâm nhập vào Los Alamos cũng như các cơ sở hạt nhân khác ở Mỹ và Canada. Tuy chưa đủ nhưng cũng có nghĩa là chúng ta có thể biết thêm rất nhiều về vụ Enormoz.

Có năm nguồn thông tin chính về các hoạt động tình báo của Liên Xô:

1. Vụ Gouzenko xảy ra ở Canada.
2. Hồ sơ vụ Fuchs.
3. Hồ sơ vụ Rosenberg.
4. Các luận chứng của Soudoplatov trái với Oppenheimer và những người khác.
5. Hồ sơ Mlad - Persée.

1. Vụ Gouzenko

Hồ sơ Gouzenko là “Báo cáo của ủy ban Hoàng gia” năm 1946, kết quả của một cuộc điều tra chính thức, là một tư liệu rất phong phú. Bảy trăm trang tài liệu này là bằng chứng liên quan đến ít nhất mười hai người, bao gồm các nhà khoa học, chính trị gia và các viên chức nhà nước đồng thời là nhân viên của GRU, Cục tình báo quân sự của Liên Xô. Nhân vật nổi bật nhất trong số họ là nhà khoa học người Anh Allan Nunn May. Là hội viên của Phòng nghiên cứu Montreal, ông thường xuyên đến nhà máy sản xuất nước nặng ở Chalk River và được ưu tiên tiếp cận với các dữ liệu của Dự án năng lượng nguyên tử. Có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, ông trao cho Matxcơva tất cả những gì biết được về nghiên cứu hạt nhân của Hoa Kỳ và Canada, trong đó có cả dự án Manhattan, rồi trao cho Pavel Angelov, nhân viên Cục tình báo quân sự Liên Xô, mẫu uranium 233 và uranium được làm giàu. Sau khi bị bắt, ông có viết tờ khai nhưng từ chối không nêu tên bạn bè cũng như những người có liên lạc với ông.

May và mười người nữa bị bắt giam. Mạng lưới tan rã. Về nước, những nhân viên của Cục tình báo quân sự Liên Xô ở Canada bị thất sủng. Lần giở sách vở và báo chí về vụ việc này, các điều tra viên tìm thấy nhiều thông tin mới mẻ và rất thú vị, hơn nữa các thông tin ấy phủ nhận nhiều luồng nghiên cứu trước đây và không chỉ ra được các điệp viên trong Chính phủ Hoa Kỳ và Anh quốc. Suốt từ năm 1945, không có lài liệu chính thống nào ghi chép về vụ Gouzenko, mà nhân viên mật mã đã rời lãnh sự Liên Xô tại Ottawa, mang theo chín trăm tấm phim tư liệu1.


2. Hồ sơ Fuchs

Không khá gì hơn, dù vụ án đã đưa ra xử tại tòa Đại hình, mặc cho các nhà nghiên cứu đã săm soi từng chi tiết, hồ sơ vụ Fuchs cũng chỉ đưa ra rất ít tình tiết. Tầm quan trọng của những bí mật tiết lộ cho đối phương đã khiến điệp viên được coi là lừng lẫy nhất lịch sử thế giới phải ra tòa. Nhưng tòa án Anh đã cho phép ông được khai nhận ngắn gọn, bỏ qua thời gian làm việc ở Los Alamos, người hỏi cung là Wiliam Skardon. Sau đó, ông khai rất tóm tắt với Micheal Perrin những dữ kiện khoa học nhưng không một từ nào nhắc đến một tên người, một địa chỉ, một nghiệp vụ điệp báo. Bản khai của Harry Gold, liên lạc viên của ông, có bổ sung một vài chỗ hổng. Nhưng nhìn chung, người ta chỉ có được hình ảnh một con người cô đơn, hướng ngã2.

Vậy thì đa số những người từng quen biết và làm việc với Fuchs không có mấy kỷ niệm về ông. Điều này có vẻ kỳ lạ. Người ta đành trông chờ vào khoảng thời gian hai năm ông sống ẩn dật, làm bạn với các nhà khoa học và gia đình của họ, mong rằng những tài liệu thám thính, thư tín và các giai thoại sẽ mở ra những tình tiết mới song vô ích. Có thể việc ông bị bắt khiến các nhà khoa học thấy bối rối vì lo ngại bị tố cáo trở lại, nhưng Soudoplatov buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: họ sợ phải giở lại những trang kỷ niệm về Fuchs và sợ gây ra sự nghi ngờ về những nhân vật khác trong đó có chính họ?
__________________________________
1. Ba tác phẩm quan trọng viết về vấn dề này: Igor Gouzenko, The Tron Curtain. E.P. Dutton. New York, 1948; H. Montgomery Hyde, The Tom Bom Spies, Ballantine. New York. 1980; Peter Wright. Spycatcher, nhà xuất bản của Pháp: Robert Laffont, Paris. 1987. Mới đây có thể kể đến Mikhail Milstein, “Gouzenko rút lui”, Tuyệt mật. số 3, 1995, tr. 24-25.
2. Các bản khai được xuất bán trong phụ trương của Robert Chadwell Williams, Klaus Fuchs: Tom Spy, trích đoạn tr. 179-220.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:37:01 pm »


3. Vụ án Rosenberg

Diễn ra ngay sau phiên xử Fuchs, phiên tòa xử Julius và Ethel Rosenberg là cách mà người Mỹ, vốn quen với việc các điệp viên phải thú tội, có thêm lý do để bảo vệ sự trong sạch của mình. Khác với Fuchs, vợ chồng Rosenberg không thừa nhận tội trạng. Khi lên ghế điện rồi họ vẫn một mực rằng mình vô tội. Vì thế, vụ việc của họ đã làm chuyển biến các cuộc đối đầu về hệ tư tưởng và chính trị của chiến tranh lạnh; hàng thập kỷ sau, câu chuyện về họ vẫn là chủ đề của các cuộc tranh luận.

Cánh tả năm 1953 cho rằng việc Chính phủ kết tội vợ chồng Rosenberg là việc làm hết sức phi lý. Còn cánh hữu kết luận rằng đôi vợ chồng này là cộng sản, họ đã dối trá đến tận hơi thở cuối cùng. Ba mươi năm sau, năm 1983, vấn đề được lật lại trong cuốn Hồ sơ vụ Rosenber: công cuộc kiếm tìm sự thật. Ronald Radosh và Joyce Milton, các tác giả của cuốn sách chưa bao giờ tin rằng vợ chồng Rosenberg vô tội, đã tìm được những bằng chứng để đi đến kết luận phạm tội. Song những người con của đôi vợ chồng này sẽ tiếp tục đấu tranh để khôi phục danh dự cho cha mẹ họ.

Có thể kể đến lời giới thiệu của Micheal Meerpol trong cuốn Những bức thư của Rosenberg xuất bản năm 1994. Người con trai có hiếu, mang tên họ của bố mẹ nuôi, đã lấy luận cứ từ cuộc phỏng vấn của Yatskov trên tờ Bưu điện Washington (1992) để bảo vệ cha mẹ mình. Yatskov đã nói đến Mlad và những điệp viên chưa bị lộ, Meerpol đưa ra giả thiết là Robert Lamphere, có trách nhiệm trong vụ Fuchs và Rosenberg, đã nghĩ ra những bằng chứng chống lại vợ chồng Rosenberg để che lấp sự vô dụng của FBI chứ cơ quan này còn khuya mới có khả năng chạm được tới Mlad. Nhưng Yatskov không hài lòng vì có ý kiến phản kháng thông tin của ông về Mlad nên đã nhắc đến nhân viên của mình là Harry Gold, người giữ liên lạc với Fuchs và là người có thể nhận diện được kẻ đã tố cáo vợ chồng Rosenberg là David Greenglass. Cuộc phỏng vấn của Yatskov không thuyết phục được Meerpol. Cùng với Walter và Miriam Schneir, tác giả của Cửa mở cho điều tra, anh khẳng định rằng: Gold còn lâu mới là nhân viên của Liên Xô, mà chỉ là một con rối trong tay Chính phủ Mỹ. Anh mô tả: “Do lỗi tư liệu, không thể khẳng định rằng những hồi ức của Yatskov hay của các cựu nhân viên Cục tình báo là đầy đủ và xác thực”. Khẳng định như vậy là có cơ sở nhưng chưa đủ. Meerpol muốn có những thông tin thật chuẩn xác, hãy xem lại Yatskov hay ném ông ta vào thùng rác1.

Nhiều năm sau, những thông tin về vợ chồng Resenberg từ nước Nga cứ bị xáo trộn nhằm tung hỏa mù. Trong khi chính phủ chính thức phủ nhận quan hệ với họ thì cựu Tổng bí thư Khrouchtchev lại tuyên bố là họ đã có những cống hiến lớn lao cho Liên Xô, sau chiến tranh rất sợ bị người Mỹ tấn công bằng vũ khí hạt nhân:

“Họ không phải là nhân viên, cũng không là điệp báo viên của Liên Xô. Họ là những người có chung lý trưởng với chúng ta. Họ hành động theo niềm tin của chính mình”.

“Tôi từng được chứng kiến Stalin rất nhiệt tình khi nhắc đến vợ chồng Rosenberg. Tự chính tói không thể khẳng định là họ có công lao như thế nào đối với chúng ta nhưng nghe nói đây là Stalin và Molotov, khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã nói rằng vợ chồng Rosenberg góp phần quyết định vào công việc chế tạo bom nguyên tử của chúng ta”
2.

Bình luận về lời phát biểu trên, Meerpol cho rằng Khrouchchev đã nhầm hoàn toàn khi khẳng định rằng vợ chồng Rosenberg không phải là cộng sản. Meerpol giả định rằng có thể Khrouchtchev đã nghe sếp của mình nói đến Cohen chứ không phải Rosenberg. Mà cả hai đôi vợ chồng đó đều là cộng sản đặc sệt3. Cùng thời điểm đó, tờ Thời báo New York ra xã luận phân tích: mặc dù những câu chyện của Khrouchtchev chỉ là: “những tin tức nghe phong thanh từ một nhân chứng đã qua đời… nhưng ông có những thuận lợi để có thể tiếp cận được với những nguồn tin như vậy và thời điểm đó, không có lý do gì phải bịa chuyện, những tuyên bố của Khrouchtchev khiến cho việc kết luận xem vợ chồng Rosenberg có phải là nạn nhân vô tội của cơn cuồng phong chiến tranh lạnh hay không trở nên khó khăn hơn”4.
_________________________________
1. Micheal Meerpol. “Lời giới thiệu” trong những bức thư của Rosenberg: trọn bộ thư tín của các tù nhân Julius là Ethel Rosenberg. Garland, New York, 1994, phần XVII-XLI.
2. “Khrushchez vén màn bí mật”, Time, số ra ngày 1 tháng 10 năm 1990. tr. 68-78. Lại thêm Ký ức của Khrushchez: sự bất thành của chính sách trong sạch chính trị: NXB Little Brown, Boston. 1993, tr. 193-194.
3. Michael Meerpol, phần XXX.
4. “Niềm kinh hoàng và báo động giả”, Thời báo New York, tháng 10 năm 1990.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:39:08 pm »


4. Các luận chứng của Soudoplatov

Mới đây nhất, Soudoplatov đã thừa nhận rằng vợ chồng Rosenberg là các điệp viên nguyên tử, nhưng lại hạ thấp giá trị của họ khi nói rằng họ chỉ là các nhân viên hạng hai, không quan trọng, nhất là đem so sánh họ với Oppenheimer. Về phần mình, SRE không đồng ý kiến với Soudoplatov, vẫn cho rằng Cục tình báo chưa bao giờ có liên lạc với vợ chồng Rosenberg, tức là họ vẫn kiên trì chính sách phủ nhận hoàn toàn đã được áp dụng suốt bốn mươi năm nay.

Cục tình báo Hoa Kỳ đã quyết định sắp xếp lại hồ sơ.

Tháng 7 năm 1995, trong một buổi lễ tại đại bản doanh của CIA ở Langley, CIA đã để lộ bốn mươi chín bức điện từ Lãnh sự Xôviết ở New York gửi cho Trung tâm của KGB ở Matxcơva trong các năm 1944 - 1945. Những bức mật mã này đã bị Cơ quan tình báo mật mã Hoa Kỳ, tiền thân của Cơ quan an ninh Quốc gia bắt được, và trong chương trình dự án có tên là Venora, những nhân viên phân tích ưu tú nhất, trong đó có Meredith Gardner, giải mã và dịch sang tiếng Anh. Cơ quan an ninh Quốc gia còn hứa, trong tương lai sẽ “mỏ” thêm hai nghìn bức điện đã bị cơ quan này chặn lại. (Vai trò của CIA trong sự kiện này chỉ là thứ yếu). Bốn mươi tập tài liệu này chỉ xuất hiện khi năm 1953, Chính phủ Mỹ chắc chắn rằng Julius Rosenberg (bí danh là Liberal) và vợ là hai trong số hai trăm nhân viên Xôviết trong mạng lưới tình báo hạt nhân. Vì lo ngại Liên Xô có thể biết rằng các chuyên gia của mình đã tiết lộ mã số nên Chính phủ Hoa Kỳ không đề cập tới vấn đề này trong hồ sơ vụ Rosenberg, do vậy, tang vật kết tội ở tòa chỉ có phần nào. Từ nay, nhờ có các tài liệu trong tay, chúng ta có thể kết luận rằng căn hộ của vợ chồng Rosenberg ở New York là cơ sở bí mật để chuyển tin tức, hội họp và sao chụp tài liệu. Giống như vợ chồng Cohen, vợ chồng Rosenberg cũng huấn luyện được cả một kíp điệp viên Xôviết cực kỳ hiệu quả. Nhưng chúng ta phải có thêm rất nhiều tài liệu mới có thể biết là hai đội đó có hiệp đồng tác chiến với nhau không. Dù thế nào đi nữa thì cũng đã kết luận được vấn đề: vợ chồng Rosenberg là các điệp viên tình báo hạt nhân của Xôviết.

Một kết luận nữa về việc bắt được các cuộc điện đài của Cơ quan an ninh quốc gia cũng khá thú vị, lại một lần nữa, sự vi phạm của konspiratsia cho phép chúng ta nhận dạng sự việc. Ngày 21 tháng 9 năm 1944, Lãnh sự Liên Xô đã điện cho Matxcơva báo rằng Libéral đã hỏi được một căn hộ bí mật qua vợ của người em rể là Ruth Greenglass. Cô ấy hai mươi mốt tuổi, công dân Mỹ chính gốc, là thành viên của Hội thanh niên cộng sản từ năm 1942, sống trên phố Stanton. Theo vợ chồng Libéral, Ruth Greenglass là một cô gái thông minh và chín chắn. Hai tháng sau, ngày 27 tháng 11, theo báo cáo của Kvasnikov: “liên quan đến vợ Của Libéral: Lấy họ của chồng, tên là Ethel, hai mươi chín tuổi. Lập gia đình đã năm năm...” Hiển nhiên, dùng tên thật - Ruth Greenglass và Ethel - sẽ dễ hơn khi nhận diện Libéral, hay ta vẫn gọi là Julius Rosenberg.

Một vi phạm nguyên tắc nghiêm trọng như vậy không thể không khiến ta phải nghi ngờ. Liệu chúng ta có thể tin được các tài liệu của cơ quan an ninh quốc gia? Tôi đã hỏi Robert Lamphere rằng tên thật của các nhân vật của chúng ta có được viết chính xác không, vì Lamphere có tư cách của một liên lạc viên của FBI, đã từng làm việc cùng Meredith Gardner khi bắt sóng và nhận được câu trả lời: “Họ tin rằng đã đặt được một hệ thống khép kín. Song lại có sự bất tuân, mà tình thế thì đã khẩn cấp hoặc là họ đã đi sai một bước, hay vì bất kỳ một lý do nào khác, và họ bị lộ”. Đúng ra thì tất cả những dữ kiện khác như tuổi tác, địa chỉ... sẽ được thông tin một khi đã bị nhận diện. (cuộc nói chuyện điện thoại ngày 1 tháng 9 năm 1995).

Một khi tội trạng của vợ chồng Rosenberg đã được cấu thành, các nhà bình luận đã có thể trả lời được các vấn đề khác. Do thiếu bằng chứng về vụ Venona nên hồ sơ kết tội họ không được tập hợp đầy đủ? Chúng ta đều biết là bằng chứng quan trọng được đưa ra trước tòa là lời khai của David Greenglass, em trai của Ethel, là thợ cơ khí ở Los Alamos. David Greenglass khẳng định là đã trao cho Julius Rosenberg bức ký họa mẫu thấu kính hội tụ mới và các bản vẽ bom nén. Gold, bị Yatskov giục giã, đã nhận tin từ chính Greenglass. KGB - SRE đã phủ nhận tất cả mọi quan hệ với vợ chồng Rosenberg nhưng Yatskov đã nhiều lần xác nhận việc mình liên lạc với Gold, nên dù rằng không có vụ Venona, thì cũng đủ để kết luận tội trạng của Greenglass. Hơn nữa, Tchikov cũng khẳng định điều đó trong một tác phẩm mới đây của ông.

Nhưng rồi chúng ta lại tự hỏi liệu vợ chồng Rosenberg có thực đáng phải chịu hình phạt tử hình cho tội danh đó. Sự kém hiểu biết của Greenglass trong lĩnh vực bom nén, thể hiện rõ trong phiên tòa, đã chứng tỏ anh ta không đủ khả năng để có thể cung cấp những thông tin tầm cỡ như Fuchs đã làm. Lại thêm những lưu ý của Philip Monison, một nhà vật lý người Mỹ làm việc trong dự án bom A ở Los Alamos:

“Thật nực cười khi xem kết cấu của mẫu vật đặc thù, không có đủ chi tiết để có thể làm theo, thậm chí khi gặp trục trặc còn không thể hiểu được kết cấu đó. Nhưng quý vị còn đòi hỏi gì hơn ở một người chỉ được đào tạo ở cấp sơ đẳng, mới học hết cấp hai, và khi đó không được tiếp xúc với gì khác ngoài những cấu kiện máy móc cơ bản, anh ta có thể nhìn thấy những kết cấu đó khi anh ta chỉ làm việc ở cửa hàng hay chỉ là người dập khuôn các thấu kính?1”.

Vậy là vẫn giẫm chân tại chỗ: vợ chồng Rosenberg có thực sự tiết lộ bí mật, hình phạt họ phải chịu có tương xứng với tội trạng của họ?

Bằng những hiểu biết của chúng ta về các điệp viên nguyên tử của Stalin, đại thể ta có thể kết luận rằng Klaus Fuchs đã xâm nhập vào Los Alamos, đánh cắp những bí mật tối quan trọng trao cho tình báo Xôviết. Bị nghi ngờ, bì bắt và bị hỏi cung, ông đã nhận tội. Sau bốn mươi năm, qua nhân vật trung gian là Feklisov, các cơ quan tình báo Liên Xô đã thừa nhận là có cộng tác với ông. Phải ra tòa, David Greenglass và vợ chồng Rosenberg đã bị định tội, dù sự việc gây ra nhiều dư luận khác nhau nhưng sau hơn bốn mươi năm, các tài liệu của cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã khẳng định tội danh của họ. Thứ nhất, Cục tình báo không xử lý các tài liệu Venona, nhưng mấy tháng sau, Vladimir Barkovski, người viết sử KGB, đã thừa nhận việc tiếp tay cho vợ chồng Rosenberg. Tuy nhiên, ông ta nhất quyết phủ nhận là mình có dính líu đến hoạt động tình báo hạt nhân, không thừa nhận các hoạt động tình báo quân sự. Soudoplatov đã khẳng định sự phản bội của Oppenheimer, Fermi, Szilard, Gamow và Bohr nhưng các nhà khoa học nguyên tử Mỹ lại phủ nhận hoàn toàn, FBI cũng bác bỏ, điều đó đưa đến một cuộc tranh cãi rộng lớn hơn. Các điệp viên người Canada đã cung cấp cho Liên Xô những nguyên liệu rất giá trị nhưng chưa bao giờ họ đặt chân đến Los Alamos, họ bị bắt giam.

Tất cả lại đưa chúng ta đến với Mlad-persée.
____________________________________
1. Morrison cho rằng một bức vẽ các vật kính của Greenglass lẽ ra đã có ích hơn. CF. Alvin H. Goldstein, Cái chết bất ổn của vợ chồng nhà Rosenberg, tr. 64. Những ví dụ về “các lỗi ngớ ngẩn” của Greenglass ở phiên tòa được Ronald Radosh và Joyce Milton viết trong Hồ sơ vụ Rosenberg: đâu là sự thật, Holt, New York, 1983, tr. 437.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:39:47 pm »


5. Hồ sơ Mlad-persée

Anatoli Yaskov và Vladimir Tchikov là những nguồn cung cấp tin chủ yếu về Persée, người đầu tiên dựa vào những ký ức của bản thân khi còn đang công tác, người thứ hai lại căn cứ vào Hồ sơ số 13676 của KGB, vào những cuộc phỏng vấn, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử và những kết quả nghiên cứu của riêng mình: Sự tồn tại của nhân vật Persée đã được khẳng định bởi Cơ quan mật vụ Nga (SRE, tiền thân của KGB) trong bản cáo trạng tháng tư năm 1994 của Soudoplatov và bởi Morris Cohen thông qua cuộc thẩm trấn tháng 10 năm 1994.

Vào thời điểm mà chúng tôi viết sách (1995), có thể Persée vẫn đang sống tại Mỹ cùng con cái mình, tuy nhiên, có khá nhiều lý do để lý lịch của nhân vật này được giấu kín. Tuy vậy, từ những nguồn tin ở cấp cao hơn, chúng tôi có thể dựng lên được chân dung của ông ta như sau:

1. Nhân vật này đã từng có thời gian làm việc tại Phòng thí nghiệm luyện kim nổi tiếng mang tên “Mét. Lab” thuộc Trường Đại học Chicago trước khi tới Los Alamos hồi mùa xuân năm 1943. Điều đó cho thấy ông ta có thể là thành viên của nhóm Enrico Fermi - nhóm đầu tiên trên thế giới tiến hành thử hạt nhân.

2. Trước đây, Persée từng biết Morris Cohen, cả hai đều đã có thời gian phục vụ Chính phủ Cộng hoà Tây Ban Nha. Không dám chắc là Persée có từng góp mặt trong lữ đoàn Abraham Lincoln hay không, hay đã từng sang Tây Ban Nha chưa: Tchikov, dựa vào các mối dây liên hệ với Cohen hồi cuối những năm 80 thì khẳng định là không; Moris Cohen thì căn vào trí nhớ của mình hồi năm 1994, khẳng định là có.

3. Có lẽ biệt danh của nhân vật này không phải là Persée, mà là Mlad, tên gốc tiếng Nga, dịch ra có nghĩa là “trẻ” hay “chàng trai trẻ”. Trước Leotine Cohen, ông ta đã có quan hệ qua lại và chuyên giao tài liệu với Star, tên gốc Nga, dịch ra là “già”. Mlad và Star đều được Soudoplatov đề cập tới, song nếu theo thông tin của tạp chí Kov thì cả hai nhân vật này đều không xác định được. Căn cứ trên những biệt danh gốc này, chúng ta có thể tưởng tượng ra rằng Persée từng là một nhà vậl lý học trẻ tuổi làm việc tại Mét.Lab trong thời gian 1942 - 1943 và thường xuyên có quan hệ với một người trung tuổi. Tên Peesée được nghĩ ra trong một thời điểm nào đó để che giấu đi biệt danh thật, nhưng cũng có thể là do vợ chồng Cohen đã từng sử dụng tại đó.

4. Persée - Mlad làm việc tại Losalamos từ 1943 - 1946, ông ta đã cung cấp những tin tức về bom cho Leontine Cohen giai đoạn từ tháng 8 năm 1943 đến tháng 8 năm 1945. Cũng như Fuchs, ông ta đã báo trước cho người Liên Xô về vụ thử bom tại Trinety, và ông ta cũng có mặt tại vụ thử đó.

5. Từ Los Alamos, ông ta trở về Trường Đại học Chicago năm 1946 và tham gia phong trào chống hạt nhân năm 1948. Ở giai đoạn này, Persée đã thôi làm việc cho người Nga, song lại giới thiệu một cặp vợ chồng làm việc tại Hanged Engineer Wortes, tiểu bang Washington để thay thế mình. Cặp vợ chồng này được tuyển chọn. Biệt danh của họ là Anta & ADen, có thể là Anda & ALen (Ailen). Người trực tiếp liên lạc với họ là Star.

6. Persée - Mlad là một người Mỹ gốc, thấp lùn nhưng vạm vỡ. Cuốn sách mô tả ông ta đội một chiếc mũ rơm, đi đôi sandan trắng và mặc một chiếc áo sơ mi thể thao trắng, nhưng chỉ sợ là những lời mô tả này có vẻ văn chương quá. Gia đình ông ta sống ở New York, và nếu như vào năm1943, Persee trên dưới hai mươi tuổi thì hôm nay đã ở vào tuổi tám mươi.

7. Từ một số nguồn tin đáng tin cậy không muốn nêu tên, song có quan hệ mật thiết với tác giả và bản thân tôi, đã đem lại 2 yếu tố bổ sung: Thứ nhất, Persée - Mlad thường lui tới Ámtorg, cơ quan thường vụ Liên Xô tại New York hồi mùa xuân năm 1942 và yêu cầu được lập quan hệ với một nhân viên nào đó thuộc Lãnh sự quán Liên Xô. Cũng giống như Fuchs trước đó và nhiều điệp viên Liên Xô sau này, dạng như John Walker và Aldris Ames, ông ta đã tiếp cận dần dần, và Ghen lúc này đang làm việc tại Ámtorg, chính là người tuyển chọn ông ta sau đó. Thứ hai, khi cùng Rudolf Abel tới Chicago năm 1949, Leontine Cohen đã yêu cầu Mlad cung cấp các mẩu Triti và Lithi, thành phần chính sản xuất ra bom khinh khí (bom H). Chúng tôi không biết kết quả của yêu cầu này tới đâu.

Tất cả những hiểu biết của chúng tôi liên quan tới điệp viên mang tên Persée - Mlad đều bắt nguồn từ những chứng cứ liệt kê ở trên cũng như những thông tin được tiết lộ từ các tài liệu của vụ Venona hồi tháng 7 năm 1995. Các tài liệu của Venona đã phản ánh khá rõ nét những thông tin này, và thể hiện ở hai mặt: Thứ nhất, chúng xác định rất nhiều bí danh và các vụ việc liên quan vốn cùng được phản ánh trong tác phẩm của Tchikov: Aleksei (Yatskov), Anton (Kvasnikov), Tyr (New York) v.v… Dù cho Tchikov không bao giờ biết được những tài liệu Venona công bố, thì tính xác thực trong ấn phẩm của tác giả này cũng hết sức thuyết phục. Thứ hai, 49 tài liệu “không phân loại” được tập hợp nhằm tìm ra chứng cứ phạm tội của vợ chồng Rosenberg cũng đề cập rất rõ tới Persée, không dưới bí danh thật là Mlad. Nhân vật này cũng thấp thoáng trong khoảng nửa tá điện có liên quan tới vụ Enormoz. Nghiêm trọng hơn, những tài liệu bổ sung do NSA thực hiện cũng thể hiện rõ ràng lý lịch của nhân vật này. Tóm lại, có thể kết luận là các cơ quan đặc biệt của Mỹ có khả năng đã nhận dạng Mlad - Persée.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:40:41 pm »


Đề cập tới tập hồ sơ của Venona có liên quan tới Mlad, có thể xem một cuốn vở dày tám trang được dính ở cuối. Mặc dù có phần rời rạc và vẫn còn ở tình trạng mã hoá, song ta có thể thấy rõ chân dung một nhà vật lý người Mỹ làm việc tại Los Alamos và có quan hệ với Kvasnikov ở New York. Chìa khoá để mở lý lịch của nhân vật này được tìm thấy trong phần từ điển chú giải đi kèm các tập hồ sơ. Hiển nhiên là những tài liệu này đã được soạn thảo trước khi chúng bị phát hiện vào năm 1995. Dấu “tuyệt mật” đã bị xoá, một vài mã số cũng bị bôi đen, cũng như những chứng cứ nhận dạng đều hết sức mù mờ. Tuy nhiên, khi một điệp viên Xôviết không thể bị nhận dạng, thì bảng từ chú giải lại tố cáo điều này. Những dữ liệu đặc biệt cho phép chúng ta phân tích để tìm ra câu trả lời.

Hãy chú ý các dữ liệu sau (Được tập hợp từ nhiều bảng chú giải khác nhau):

Viktor: Trung tướng P.M.Fitine

Liberal: Bí danh cũ Antenne: Julius Rosenberg

Gus hoặc Goóe: Harry Gold

Kalibr (Calibre): David Greenglass

Kvant: hoặc Quantum, không xác định, xuất hiện tại các số New York 972, 979...

Fogel hay Vogel: không xác định, có xuất hiện.

Ramsay: cùng tình hình (hai dòng bị xoá)

Mlad hoặc Jeune: một dòng bị bôi đen.

Cùng một dữ liệu ở bảng từ chú giải liên quan tới Mlad xuất hiện ở bốn tài liệu đầu tiên. Trong hai tài liệu cuối, hai dòng đánh máy kín chữ đã bị bôi đen cho thấy bí danh. Bằng phép loại trừ, có thể thấy rằng người đã xoá hai dòng này chính là người nắm rõ lý lịch của ông ta. Chúng ta có thể nhận ra rằng Mlad không bị nhận dạng giống như Rosenberg hay Gold. Ông ta cũng không có “vỏ bọc không xác định” giống như Kvan hay Fogel. Rốt cuộc, ông ta cũng không ở dạng: “có thể” hay “tùy tình hình” giống trường hợp Ramsay. Điều khác biệt duy nhất là ông ta có một lý lịch rõ ràng song được giữ kín. Những dòng bôi đen khá dài có thể ghi tên, họ hoặc hơn thế là một chức danh kiểu “nhà vật lý”.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra sau khi nghiên cứu các bảng từ chú giải của Hồ sơ Venona có liên quan đến Mlad không phải để biết xem lý lịch của ông ta rõ ràng thế nào, mà để hỏi tại sao nó vẫn là điều bí mật cho đến tận ngày hôm nay. Phải chăng ông ta vẫn còn sống? Hay phải chăng ông ta đang giữ một trọng trách cao mà nếu như lý lịch thật bị tiết lộ sẽ ảnh hưởng tới các nhân vật quan trọng, hoặc giả những bí mật lịch sử sẽ bị phơi bày? Hoặc là ông ta đã chết và thực sự cũng chẳng phải nhân tố quan trọng, nhưng nếu để lộ sự thật sẽ gây nguy hại cho những người thân còn sống trong gia đình ông ta?

Câu hỏi thứ hai là tại sao ông ta lại không bị truy tố như vợ chồng Rosenberg. Ông ta đã ra nước ngoài? Lý lịch của Mlad chỉ bị phát giác vào năm 1975, theo như ngày ghi trong các bảng từ chú giải, thời điểm ra đời chính sách săn đuổi các điệp viên hoạt động trong lĩnh vực nguyên tử hay sau khi ông ta đã chết? Phải chăng ông ta đã có công với đất nước này, vì thế mà được hưởng ân huệ là sự lãng quên nhẹ nhàng. Hay ông ta là điệp viên hai mang?

Tuy vậy, cũng thật khó thuyết phục khi dám quả quyết là có thể đoán được một dòng chữ bị bôi đen. Nhưng kết luận sẽ đập vào mắt bất cứ ai đã đọc các bản tài liệu “không phân loại”: Mlad đã được nhận dạng. Tôi đã gọi điện đến NSA ngày 15 tháng 9 năm 1995 và tiếp chuyện một chuyên gia về Hồ sơ Venona, người này đã khẳng định giả thuyết của tôi rằng lý lịch của Mlad đã bị lộ, rằng nhân vật này có thật và còn là một nhân viên có vị trí quan trọng hơn cả vợ chồng Rosenberg, tuy nhiên, bản lý lịch được lưu trong một cuốn sổ ghi, theo đó nghiêm cấm các cơ quan chức năng truy tố Mlad trước pháp luật.

Điều này nói lên rằng NSA không hề biết Tchikov đã cung cấp tin cho chúng tôi rằng Mlad và Persée rốt cuộc chỉ là một người. Cũng như vậy, Chính quyền Hoa Kỳ cũng không hề biết rằng họ đang cố gắng nhận dạng một điệp viên mà thực chất các phương tiện thông tin của Mỹ và Nga vẫn ra rả dưới cái tên Persée.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:42:22 pm »


Trước khi tác phẩm này được hoàn tất, có tin đồn rằng FBI đã yêu cầu điều tra về trường hợp của Persée. Và, trước khi sự thật được tiết lộ từ các hồ sơ Venona, khả năng lớn là một vài người trong giới khoa học có thể đã xác định được một điệp viên đội lốt nhà vật lý học, đồng thời cũng biết một số cựu binh của kíp Oppenheimer ở Los Alamos. Ngày giờ các chuyến đi của Mlad tới Albuquerque, Chicago và New York được chỉ rõ trong tác phẩm này và được cung cấp bởi các nguồn tin đáng tin cậy. Năm 1995, tôi đã nghe được từ một nguồn tin ở Matxcơva rằng: Persée là một nhà vật lý học mà “một khi chết đi, cáo phó của ông ta sẽ được đăng tải trên báo chí khắp thế giới”. Nhưng cũng có quyền nghi ngờ rằng SRE cũng đang thu thập chứng cứ về Mlad tại thời điểm này.

Xung quanh câu hỏi về lý lịch, có thể thấy điều gì? Trước tiên, nó chứng tỏ những biện pháp an ninh do tướng Groves vẽ ra để bảo vệ dự án Manhatlan là hoàn toàn không thích đáng? Sau chiến tranh, Groves đã miêu tả khá tỉ mỉ các mục tiêu an ninh của mình:

Chúng bao gồm ba cánh: Thứ nhất, ngăn cản bằng mọi giá việc người Đức học hỏi công nghệ chiến tranh hoặc những thành tựu khoa học và kỹ thuật của chúng ta; Thứ hai, bằng tất cả khả năng của mình phải đảm bảo cho được một hiệu quả gây kinh ngạc hết thảy khi bom được sử dụng lần đầu tiên; Và cuối cùng, trong khả năng cho phép, không để cho người Nga biết được các phát minh và những nội dung cụ thể các kế hoạch và tiến trình kỹ thuật của chúng ta1.

Mục tiêu cuối cùng đã không đạt được. Groves giải thích là do lỗi của Fuchs. Dung nạp một nhà khoa học Anh quốc tiền sử đã có liên hệ với cộng sản Đức là một sai lầm, song chẳng còn cách nào để quay ngược được vấn đề: “Tôi đã gặp khó khăn khi phải quyết định làm thế nào để có thể tránh được sai lầm này mà không xúc phạm tới Anh Quốc, đồng minh chủ yếu của chúng ta, đồng thời bảo vệ những thiết bị an ninh của họ2.

Giờ đây, dường như là Persée - Mlad, một người Mỹ gốc đã trút gánh nặng cho nước Mỹ. Tướng Groves, theo như mô tả của các nhà bình luận thì không phải là một nhân vật cuồng tín, mặc dù ông ta luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi về một sự xâm nhập của cộng sản - một ý tưởng vốn bị nhiều người chế giễu. Hoặc giả, theo như một giả thuyết khác, tất cả các ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh trong lĩnh vực khoa học đều đã bị cấm từ trước.

Thứ hai, theo phát hiện của Tchikov, Persée - Mlad và Cohen đều bỏ qua Greenglass, và do vậy, vợ chồng Rosenberg nghiễm nhiên trở thành những điệp viên nguyên tử hàng đầu ở Mỹ. Nếu Persée - Mlad tới Mét.Lab, vị thế của ông ta sẽ cao hơn nhiều so với Greenglass. Còn về phần vợ chồng Cohen - những người phụ trách tuyển chọn và liên lạc - thì dễ dàng đẩy vợ chồng Rosenberg ra vị trí của kẻ nghiệp dư. Tuy vậy, chúng ta cần đợi những phát hiện mới từ Hồ sơ Venona trước khi có thể hoàn chỉnh “bức ghép hình”.

Cuối cùng, cặp Mlad - Fuchs, nhân tố giúp cho hai nhà khoa học nguyên tử làm việc tại Los Alamos cung cấp cho những cộng sự người Xôviết các kết quả nghiên cứu cuối cùng, đồng thời cũng tạo điều kiện để kiểm tra chéo độ xác thực của tin tức, chính là những nhân vật then chốt gây nên vụ Enormoz. Nếu như nguồn tin từ Tchikov là chính xác thì Persée - Mlad còn ở vị trí quan trọng hơn hẳn so với Fuchs, bởi vì tới Los Alamos trước Fuchs, Mlad cũng nhanh chóng rời khỏi nơi này nhưng không quên tuyển hai nhà khoa học để tiếp tục công việc của mình. Những tài liệu mà người Xôviết nhận được từ Pontercovo, Greenglass, Nunn và những điệp viên khác chỉ xếp hạng hai so với những gì mà Mlad thu được. Tóm lại, tất cả câu chuyện của giai đoạn này đã dần dần hé lộ.

Đến đây, độc giả có thể sẽ tự hỏi tại sao mọi người đều thừa nhận vai trò và sự ưu tiên cho Mlad. Cuộc chiến chinh phục đỉnh Olympe cho chúng ta câu trả lời. KGB trong cuộc vật lộn để tiếp tục tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ, có lẽ đã tuyên bố rằng không những họ đã đánh cắp được bí mật bom nguyên tử, mà một trong những điệp viên của họ còn sống ở Mỹ trong một thời gian dài mà đối phương không hề hay biết. Trong khi đó người tuyển dụng, người chuyển tin và cả cấp chỉ huy của điệp viên này cả ba đều được tận hưởng những ngày thanh bình ở Matxcơva. Yatskov thì hạnh phúc khi biết được những tin mật sẽ giúp ông ta đánh bóng lại uy tín vốn bị lu mờ đi sau vụ Rosenberg. Tchikov trong vai bình phong nhà nghiên cứu ở vụ báo chí thì vui mừng khi được tiếp cận các nguồn tin mật. Còn sở mật vụ thì bằng lòng với việc “xin cỏ” dưới chân các nhà vật lý học, và như vậy, lịch sử đã vén màn khi mà Liên Xô sụp đổ. KGB đang cố gắng tổ chức lại, thì quả là đã muộn để cứu vãn sự việc. Vả lại cũng chẳng còn cần thiết khi lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh và Mlad thì đã có một vỏ bọc mới: Persée.
________________________________
1. Leslie R.Groves, Giờ thì đã lộ: Câu chuyện về dự án Manhattan. Harper & Brothers, New York. 1962, tr 141.
2. Leslie R.Groves, Sdd, tr.143.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2008, 11:46:00 pm »


Một lý do nữa để khui vụ Persée ra còn bởi vì chính vụ này đã tạo những thuận lợi cho phía Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong khi khăng khăng chối bỏ những mất mát (do vợ chồng Rosenberg gây ra), Sở mật vụ cố đưa ra những thành quả đạt được (từ Cohen). Vụ Persée đã đưa vụ Rosenberg vào bóng tối, gỡ bí cho cả FBI, CIA và MI5. Ngoài ra, việc tiết lộ sự tồn tại của Persée và những điệp viên không ngụy trang hoạt động ở Mỹ đã góp phần tạo nên những phiền phức cho kẻ thù số một của Liên Xô thời điểm này: Hoa Kỳ. Có nghĩa là gây ra những ngờ vực trong giới khoa học Mỹ, khuyến khích việc săn lùng các điệp viên trong số các tay kỳ cựu nổi tiếng nhất, đem tới sự lo lắng về hệ thống bảo đảm an ninh của Mỹ và cản trở việc triển khai các chương trình hạt nhân của họ; khiến cho các cơ quan mật của Mỹ phải tiến hành các hoạt động thẩm tra, nghi vấn, phân tích để tìm manh mối.

Tác phẩm này được xây dựng từ ý tưởng rằng sự tiết lộ về câu chuyện của một điệp viên dạng Persée - Mlad sẽ không tạo nên hậu quả xấu. Cho dù một cựu điệp viên có bị nhận dạng hay không thì điều quan trọng trước hết là vẫn phải cố gắng nắm được những thông tin về nhân thân và hoạt động của ông ta, và thứ hai là phải hiểu rõ được động cơ, tinh thần nào đã dẫn đến việc họ phản bội, hết lòng trung thành với đối phương. Mlad, vợ chồng nhà Cohen, Fuchs và những nhân vật “cấp tiến” khác ở giai đoạn đó đều có chung một điểm: hết lòng tận tụy với lý tưởng cộng sản. Lấy trường hợp của Allan Nunn May làm ví dụ. Ông ta đã lý giải cho hành động của mình là xuất phát từ mong muốn “Làm sao để sự phát triển năng lượng nguyên tử không chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ”. Cũng giống như Fuchs và Mlad, ông ta luôn tâm niệm rằng giao những bí mật nguyên tử cho Stalin là “sự đóng góp của bản thân để ủng hộ tính nhân đạo1.

Lý tưởng chói lọi mà những nhà “cấp tiến” phát ngôn kỳ thực vô cùng giản đơn, tầm thường và rỗng tuếch. Nó đồng nhất với một sức mạnh ngoại bang, song lại không hề có một điểm gì chung với chính sách mà sức mạnh ấy đưa ra. Hơn nữa, đất nước nơi mà các điệp viên sống ở đó mạnh hơn lý tưởng, và luôn chống lại lý tưởng đó. Fuchs đã đánh giá tình trạng tinh thần đó là “một dạng tâm thần phân liệt có kiểm soát”; “sự mù quáng phân liệt” chính là một định nghĩa xác thực.

Câu chuyện của Mlad, Lui, Leslie và tất cả những điệp viên khác hiển nhiên dẫn chúng ta tới những trăn trở về mặt đạo đức. Đây là ý kiến không hợp thời của một cựu thành viên KGB, Mikhail Lioubinov.

Tôi cho rằng câu hỏi: Ai là người có công nhất với Tổ quốc - các điệp viên hay các nhà khoa học? Từ lâu đã phải đặt khác đi rằng: Quốc gia nào và ai có quyền cung cấp cho quốc gia ấy một loại vũ khí khủng khiếp như vậy”. Theo như học thuyết từ xưa tới nay, nếu như chúng tôi không có bom hạt nhân để đối chọi với người Mỹ thì Liên bang Xôviết đã bị tàn phá từ lâu. Quan điểm này cũng giống như một nhận định rằng: đã chẳng có ai chiếm ưu thế. Nhưng ngược lại, nếu không có bom hạt nhân thì Stalin không thể giơ bàn tay thép ra với phương Tây, có thể ông ta cũng sẽ phải chấp nhận kế hoạch Marshall, và hiển nhiên là không thể thủ tiêu được mầm mống đa đảng ở Đông Âu cũng như không thể kiên trì chủ nghĩa bành trướng được. Có lẽ chúng ta cũng không thể chiếm ưu thế ở chiến tranh Triều Tiên hay giành thắng lợi trong cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và nhiều điều khác nữa2.

Eric Sevareid, bình luận viên đài CBS thường nói rằng “lịch sử không buộc chúng ta phải lựa chọn”. Chúng ta không thể biết rằng điều gì sẽ xảy ra nếu như chương trình bom A của Liên Xô không có sự giúp đỡ từ các điệp viên. Nhiều tác giả, trong đó có các nhà khoa học đều quả quyết rằng chỉ mất vài năm các điệp viên nguyên tử của Stalin đã giải quyết xong yêu cầu khó khăn mà Koutchatov và bộ sậu gần như bó tay, nhanh tới mức mà hầu như không cảm nhận được sự hợp tác từ phía họ. Tuy vậy, tất cả mới chỉ là phỏng đoán. Liệu chúng ta có dám chắc là các nhà khoa học Liên Xô có thể sở hữu trong tay hàng ngàn tài liệu đánh cắp được, sở hữu các phương tiện từ dự án Manhattan. Liệu có dám chắc là họ sản xuất bom thành công hay không? Rằng nếu không có Mlad, Fuchs, Pontecorvo, May, Maclean, Cairn-cross, họ có thể từ bỏ được lề lối làm việc cũ kỹ, tránh được những sai lầm trong khoa học để thành công trong việc cho nổ hệ thống nguyên tử trước năm 1953, thời điểm Stalin qua đời? Và nếu như có thể thực hiện được sớm hơn nữa thì là lúc nào? Liệu nhà lãnh đạo mới có tiếp tục phung phí các nguồn lực trong dự án bất khả thi nữa hay không, nhất là khi họ đang chủ trương thi hành những chính sách đi ngược lại ý chí của Stalin? Nếu như không có sự hợp tác của các điệp viên nguyên tử của Stalin, thì có lẽ Liên Xô vẫn chỉ là một quốc gia không bom hạt nhân, không bom khinh khí, để rồi mặc kệ người Mỹ, chỉ chú trọng vào việc mở rộng hợp tác quốc tế và tập trung phát triển kinh tế.

Nhưng đó là những điều không xảy ra trong thực tế và chúng ta vẫn đang đối diện với vấn đề hạt nhân. Những việc mà người Nga đã làm, thực chất là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì trên thực tế, các nhà khoa học Đức là những người đầu tiên thành công trong công nghệ phân rã hạt nhân, trong khi đó mối lo phát xít đang hiển hiện khi Đức Quốc xã chiếm quyền. Do đó, không thể tránh khỏi người Anh, người Mỹ và Liên Xô phải nhanh chóng triển khai các chương trình nghiên cứu nhằm trang bị cho mình vũ khí nguyên tử. Và bởi vì người Anh và người Mỹ đã vượt lên trước người Nga trong lĩnh vực này, do vậy hiển nhiên là các nhà lãnh đạo Liên Xô phải tìm con đường đi tắt. Và bởi vì bản chất của chế độ Stalin là như vậy, cho nên cũng không thể tránh khỏi việc họ sử dụng mạng lưới điệp viên làm nhân tố chủ yếu cho kế hoạch hạt nhân của mình. Và cũng vì thế mà hiển nhiên NKVD nhằm vào những người có cảm tình với chế độ cộng sản, những nhà cấp tiến... để tuyển chọn điệp viên của mình. Một chuỗi những điều hiển nhiên ấy đã tạo nên lịch sử.

Những điệp viên của Los Alamos hay ở những nơi khác đều có sự chọn lựa: Bảo vệ các bí mật an ninh quốc gia hoặc giao nó cho phía đối phương. Và khi đã biết được sự lựa chọn của họ thì chúng ta cần phải nhìn nhận họ dưới khía cạnh đạo đức. Những vợ chồng nhà Cohen hay Mlad phải chăng là những nhà hoạt động vì lý tưởng cao cả hay chỉ đơn thuần là những kẻ xuẩn ngốc đáng thương hại? Họ là “ân nhân” của lòng nhân đạo hay là những kẻ phản bội đáng nguyền rủa? Và tất cả những kẻ tòng phạm, những nhân viên, người trung chuyển tài liệu của họ (không kể trường hợp đặc tình hai mang như trường hợp của Shar với Harry Houghton) chẳng phải là những kẻ móc túi ăn cắp vặt tài liệu một cách bẩn thỉu trước khi đánh bài chuồn hay sao? Liệu còn gì xứng đáng với họ hơn là sự nguyền rủa của chúng ta?

Stalin đã ăn cắp bom nguyên tử của người Mỹ như thế nào? Từ Vladimir Tchikov, câu hỏi này được nêu lên khi đề cập đến vấn đề nguyên tử. Mỗi một sự kiện khác nhau lại làm nảy sinh các câu hỏi khác nhau. Chẳng hạn như việc sử dụng bom A chống lại Nhật Bản; các vụ thử chất phóng xạ lên cơ thể con người ở Mỹ cũng như ở Liên bang Xôviết; cuộc chạy đua vũ trang không ngừng nghỉ giữa hai cường quốc; các thảm họa hạt nhân đã xảy ra hoặc sắp xảy đến trong tương lai; sự tàn phá của các loại rác hạt nhân. Vấn đề nguyên tử, vốn không thể tránh khỏi từ bản chất, sẽ ngày càng trở thành một phần không thể tách rời của lịch sử thế giới. Những vấn đề này sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Cũng như trường hợp vợ chồng nhà Cohen và Mlad, những người mà tôi từng gọi là bọn phản bội đáng nguyền rủa và lũ ngốc đáng thương, cũng như những đồng sự của họ, tất thảy đều không tránh khỏi số phận và đều tìm được vị trí của mình trong cái trật tự ấy.

   
Gay Kern
   Grand Terrace, Califomia
   3/12/1995

___________________________________
1. Dẫn theo lời thú nhận đăng trên “The Repost of the Royal Commission Ottawa”. 27/6/1946, Tr 455-456. Alan Moorehead, The Traitors, Sđd: Tr 40-43.
2. Mikhail Lioubinov, “Tình báo hay khoa học?”, Top Secrel, số 9/1994, tr. 27.



Het!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM