Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:58:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: KGB Hồ sơ bí mật  (Đọc 79970 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:40:32 pm »


Cuối tháng tám, “Hành động cuối cùng” trở về Mỹ. Một cuộc đàm thoại với Houghton do MI5 thu được cho biết rằng y sẽ trở về để kịp cuộc hẹn đã định vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Hoặc, có thể y sẽ không quay về. Thậm chí phải đến tháng 11 y mới có mặt ở nhà. Mật thám Anh bắt đầu lo lắng, song giữa tháng 10 họ thấy y đã trở về, tới văn phòng ở phố Wardour. Cuộc bao vây lại tiếp tục. Ban ngày Lonsdale ở lì tại văn phòng, nhưng tối nào y cũng tới một địa điểm nào đó không rõ. Để biết đích xác địa điểm đó, một nhóm mật vụ được đặt tên là “những kẻ rình mò” đã theo dõi y sát sao, cứ một đoạn đường là một nhóm khác nhau phụ trách. Đến ngày thứ 15 một nhóm người đã phát hiện ra địa điểm đó là Ruisliip. Y đi bộ tới ngôi nhà số 45 hẻm Cranly Drive, đó chính là nhà của vợ chồng Kroger, và cũng là nơi y có mặt hàng đêm. Một trạm theo dõi đã được dựng lên tại một căn nhà ở mặt phố đối diện kể từ đó.

Scotland Yard và MI5 tạm bằng lòng với việc giám sát và chờ đợi với lòng hy vọng sẽ phát hiện được những mối liên lạc mới và các hoạt động bí mật khác. Trong hơn hai tháng triển khai, họ thường xuyên theo dõi ngôi nhà gỗ nhỏ màu trắng, ghi lại lịch trình của những kẻ đến và đi của những kẻ liên quan. Sang năm mới, họ quyết định tiếp tục kế hoạch trong vòng ba tháng nữa. Song chính gã đàn ông từng cung cấp những thông tin đầu tiên lại buộc họ phải tiến hành bắt người khẩn cấp.

Ngày 4 tháng 1, “Tay bắn tỉa” đã báo cho người của CIA biết rằng ngày hôm sau, tức là thứ tư, gã sẽ chính thức chuyển sang hoạt động cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Biết được sự phản bội của gã, tình báo Ba Lan đã gấp rút kiểm tra hồ sơ và đánh giá những tổn thất có thể có đối với các lực lượng bí mật một khi gã rời bỏ hàng ngũ. Mặt khác họ báo cho KGB biết, yêu cầu phía Liên Xô xem xét những đường dây điệp viên nào có khả năng bị lộ do “kẻ phản bội” đang nắm thông tin. Chẳng bao lâu, Trung tâm nhanh chóng xác định được mối liên lạc với Houghton và khẳng định điệp vụ Portland đang gặp nguy hiểm. Tình hình trước mắt đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp. Nhận được tin từ phía CIA về dự định thuyên chuyển của tình báo Trung ương Nga, MI5 quyết định bắt người. Biết rằng Harry và Bunty sẽ gặp Lonsdale vào chủ nhật tới tại Luân Đôn, MI5 dự tính sẽ bắt ba người này trước trên phố Watelloo, sau đó đến lượt hai điệp viên còn lại tại căn nhà gỗ.

Hành động cuối cùng đã chấm dứt”, cơ quan chuyên ngành đặc biệt thuộc MI5 đã tuyên bố như vậy khi bắt gọn cả 5 điệp viên.

Tay bắn tỉa” là một trong số các nhân viên Mỹ, một trong những “đặc công” hiệu quả nhất khi xâm nhập vào trong nội bộ khối Xôviết. Gã được tín nhiệm vì đã chỉ điểm được nửa tá điệp viên tầm cỡ, hơn cả Lonsdale và vợ chồng Kroger. Tên thật của gã là Michal Golenievski, giữ chức Phó giám đốc của Z-2, Cơ quan Tình báo Quân bội Ba Lan. Sau khi rời khỏi hàng ngũ trở về với CIA, gã đã không khỏi ngạc nhiên trước những thông tin mà cơ quan này cung cấp rằng gã là đứa con trai may mắn thoát chết của vị Sa Hoàng cuối cùng của Nga Nicolas Đệ Nhị, người đã bị hành quyết cùng với vợ và các con tại Ekaterinbourg năm 1919. Cũng để hợp lý hoá lý do trở về của Golenievski, CIA đã quả quyết rằng gã mắc chứng “tâm thần phân liệt”. Có thể gã đang nuôi ý đồ nhắm vào các tài khoản của Sa Hoàng tại các ngân hàng nước ngoài. Gã lấy tên là Aleksei Romanov, định cư tại New York, nơi đó hắn móc nối với một số ít nhân vật để tiếp tục lại công việc của mình.

Mạng lưới Porland đã bị phá vỡ, và người ta bắt đầu chuyển sang khám phá nơi hoạt động của các điệp viên. Căn nhà gỗ màu trắng ở Cranley Drive là nơi phát hiện ra vô số các máy móc sử dụng trong hoạt động điệp báo. Tất cả đều được công tố viên liệt kê trước toà:

- Đó là một căn nhà nhỏ ở ngoại ô với vẻ ngoài hoàn toàn vô hại. Đây là nơi vợ chồng bị cáo Kroger sống từ năm 1956, và hiển nhiên đó cũng là một trạm thu phát tin cực kỳ hiệu quả, có khả năng thu và phát trực tiếp thông tin với Matxcơva. Trong nhà còn có các máy phát và chụp ảnh cùng với các trang thiết bị cần thiết dùng cho việc chế và giải mật mã các phim vi điểm, đó là chưa kể đến các bìa lưới mật mã để mật mã hoá các thông tin và tài liệu Tôi tin rằng đó chính là trung tầm đầu não của một mạng lưới điệp báo, và cùng với một khoản tiền lớn tìm được ở đây có thể khẳng định đó cũng là ngân hàng cung cấp tài chính cho mạng lưới này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:41:01 pm »


Sự miêu tả căn nhà gỗ màu trắng trên các tờ báo thời đó tỉ mỉ và hấp dẫn đến mức rất nhiều người dân hiếu kì đã kéo tới hẻm Cranley Drive để được tận mắt nhìn thấy. “Pháo đài của các điệp viên” đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Hơn thế, người ta còn lấy nó làm cảm hứng để dựng nên một vở kịch hai hồi, tập trung chủ yếu vào mối quan hệ cá nhân giữa vợ chồng Kroger với những người hàng xóm, trong đó có một nhân vật tên thật ngoài đời là Search. Vở kịch còn gài vấn đề đạo đức học khi nhắc tới tình tiết Scotland Yard đã sử dụng căn nhà của người này làm trạm theo dõi. Tác giả Hugh Whitemore đặt tên cho vở kịch là “Mối quan hệ của những kẻ dối trá”. Vở kịch gặt hái thành công khi được trình diễn liên tục ở hai nhà hát và còn được kênh truyền hình BBC thu hình để phát trong tiết mục “Kịch truyền hình hàng tháng” (Năm 1983). Căn nhà sau đó được bán lại cho một sĩ quan người Anh. Ông ta sẵn sàng cho mọi người vào thăm nhà bếp và kể lại câu chuyện về vợ chồng Kroger cho những kẻ hiếu kì thời đó không ngừng kéo tới mỗi ngày.

Chúng ta đã hình dung được một số vật dụng quan trọng có trong căn nhà gỗ ở Ruislip, song đây mới là danh sách tương đối đầy đủ những gì mà Mooraker và kíp của y phát hiện được. Những thanh sắt chốt cửa, những vòng xích, dây xích nhỏ, vô số các loại vòng xích hiệu Yale, Chubb, một chiếc kính hiển vi, các ống thuỷ tinh, rất nhiều phim dạng mảnh loại 35 ly, một đường dây cáp dài năm mươi mét có gắn bóng điện, các bó tiền giấy mệnh giá từ năm bảng đến 200 bảng, hai hộ chiếu New-Zealand, hai hộ chiếu Canada, hai hộ chiếu Mỹ, một hộ chiếu Anh, 2.563 bảng tiền giấy, 6.000 USD, mệnh giá 20 USD, các loại giấy đặc dụng in phim vi điểm, một chiếc hộp bỏ túi có hai ngăn, một chiếc bật lửa hiệu Ronson chứa các điện cực dùng để truyền tin qua radio, một ăngten dài trên nóc tầng thượng, một máy quay hiệu Minox, một máy quay hiệu Praktina, các bìa lưới mật mã, chất axit crom, bột ôxit sắt và các sản phẩm hoá học khác cùng dụng cụ chụp ảnh, một máy ghi âm từ tính, một máy chữ và nhiều đồ dùng và dụng cụ nhà bếp khác...

Khi Scotland Yard kết thúc việc lục soát, MI5 tiếp quản căn nhà gỗ và tiếp tục tìm kiếm trong chín ngày liên tiếp. Ngày cuối cùng, họ phát hiện ra một máy thu có hệ thống số hoá được giấu trong một cái hố bên dưới lớp nền xi măng. Nhiều năm sau nữa, chủ nhân mới của ngôi nhà trong khi cuốc đất trồng vườn lại khám phá ra chiếc máy thu hiệu Astra đã được chôn ở đó từ lâu.

Căn hộ mà Gordon Lonsdale ở tại “Nhà trắng” cũng bị cày xới kỹ lưỡng. Ở đó người ta phát hiện ra các máy móc và dụng cụ dùng trong hoạt động bí mật, song không mấy quan trọng: cũng có các máy quay, các máy đọc phim vi điểm, những tập ngân phiếu, các cuộn dây điện và một chiếc bật lửa hiệu Ronson. Thứ được chú ý nhất là các con lăn hàng Tàu đã được cải tiến mà người ta tìm được 1.800 USD giấu trong đó. Các nhân viên cũng thu hồi hộ chiếu giả cùng với những giấy tờ ngụy trang nguồn gốc Canada của tội phạm.

Tại ngôi nhà mới của Harry Houghton ở Vịnh Weymouth lại tìm được những vật chứng hết sức nguy hiểm: lịch hoạt động của AUWE, các con số ghi nhớ lịch vận hành ở cảng Portland, một bao diêm có hai ngăn trong đó tìm được một tờ giấy ghi phương thức hẹn gặp bí mật, 500 bảng loại ngân phiếu, 650 tiền giấy giấu trong một hộp màu. Trong khi đó Bunty Gee lại thận trọng hơn. Người ta chỉ tìm thấy trong chiếc sắc tay ở nhà cô ta một danh sách gồm 12 chủ đề liên quan tới AUWE bằng tiếng Nga, ngoài ra còn có 4.747 bảng bằng ngân phiếu, một con số đáng kể so với mức lương 10 bảng một tuần của cô ta.

Trong quá trình xử án, đúng như sự chờ đợi của nhiều người, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh những nguy cơ đối với nền an ninh của nước Anh. Tuy nhiên các luật sư cũng chỉ ra rằng những tài liệu mà Houghton cung cấp cho Lonsdale không có khả năng gây ra những tổn thất lớn, rằng những bức ảnh về con tàu Dreadnought không rõ ràng, đặc biệt là trong đó không có ảnh về hệ thống phóng hạt nhân. Để bảo vệ mình, Houghton đã khai thác yếu tố này và khẳng định rằng anh ta đã tính toán chỉ chọn những tài liệu vô hại, chất lượng những tấm ảnh cũng rất kém, mục đích vẫn là để bảo vệ lợi ích của nước Anh. Những tài liệu mà anh ta đã bán cho đối phương chỉ có tầm quan trọng trong lý thuyết, còn thì chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế cả. Quan toà tỏ ra dửng dưng trước những lời biện bạch này, còn báo chí thì ra sức khai thác về nội dung những bí mật bị đánh cắp.

Cũng giống như vụ Fuchs một vài năm trước, Chính phủ vì quá lo sợ đã làm toáng lên và yêu cầu khẩn cấp những phương thức an ninh mới. Nhưng khi mà cơn sóng thần đã qua đi, thuỷ triều cũng rút xuống, thì bình tâm nghĩ lại, họ cũng chấp nhận lý lẽ mà Harry đưa ra. Nếu như chiếc túi mà Bunty Gee mang theo ngày hôm đó tới đường Wateloo được coi là tang chứng thì hai điệp viên người Anh có thể yên tâm rằng mọi chuyện chẳng đến nỗi tồi tệ lắm.

Người ta nhìn nhận rằng những tài liệu trong cái túi của Bunty là không có giá trị mấy. Trên thực tế, Harry Houghton không chụp ảnh các tập tài liệu, song những gì mà Lonsdale thu được và gửi cho trung tâm trong nhiều năm cũng không phải hoàn toàn là đồ bỏ. Lý lẽ mà Houghton đưa ra có vẻ như là những lời giễu cợt đối với Trung tâm, nhưng cũng chẳng làm cơ quan này phật lòng, bởi vì họ có mục đích riêng. Thực chất, kết luận chính xác nhất phải như thế này:

“Phạm vi thực sự của mạng lưới tình báo Xôviết có lẽ sẽ không bao giờ bị phát hiện ra, nếu như Cơ quan tình báo Anh quốc không lần được dấu vết của các điệp viên từ tháng 7 năm 1960; ngoài ra nó đã được vận hành đều đặn trong rất nhiều năm trời với sự trợ giúp đắc lực của vợ chồng Kroger với tư cách là trung tâm thông tin chính”.

Giờ đây khi mà hai vợ chồng Kroger đang phải đối mặt với toà án và đứng trước một bản án khó bề tránh khỏi thì rõ ràng việc giảm nhẹ vai trò thực chất của họ trong mạng lưới là một điều vô cùng hợp lý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:56:52 pm »


VII
NHÀ Ở MAXCƠVA


PHÁN QUYẾT

Vụ Portland không mấy thành công ở Scotland Yard, không MI5 cũng không có tòa Đại hình. Ba chính thể chóp bu có đủ lý do để bất bình. Thứ nhất là thất bại trong việc lấy lời khai của Gordon và vợ chồng Kroger, những nhân vật này không chịu thừa nhận việc làm gián điệp, thậm chí chỉ là những thú nhận về nhân khẩu xác thực, quốc tịch và người tuyển dụng họ cũng không. Thứ hai là không thể xác lập được rõ ràng an ninh ở Anh quốc đã được thỏa hiệp như thế nào. Cuối cùng là sự bất lực, không thể xác minh được chính xác là bí mật nào đã bị đánh cắp. Tóm lại, không thể giải thích được vì sao hai vợ chồng Kroger được FBI biết đến qua Cohen, lại biến mất khỏi New York năm 1950 và năm năm sau tái xuất ở Luân Đôn trong vai những người bán sách ngay trước cửa Tòa Thượng thẩm - chỉ cần băng qua phố là đến - và sáu năm trời chuyển các thông tin bí mật đi ngay trước mũi Cơ quan mật vụ. Nhà cầm quyền Anh thực sự không còn gì để mà tự hào về cơ quan này.

Trong vụ này, tổng hợp các dự đoán hé ra một vụ gián điệp khá phức tạp và cao thủ, nhưng trong hồ sơ ở Waterloo Road không có chứng cứ phạm tội. Bản danh sách tìm thấy ở nhà Bunty Gee chỉ liệt kê những giấy tờ cần lấy chứ không phải giấy tờ đã bị đánh cắp. Máy điện đàm tìm thấy ở nhà Kroger, có những giấy tờ nước ngoài không rõ nguồn gốc nhưng không có biểu hiện bất hợp pháp và không thể khai thác được các tin nhắn đã được gửi đi. Máy chụp trong túi Helen lưu những bức thư của vợ Lonsdale. Theo bản dịch tiếng Anh, những bức thư đó đại ý rằng anh ta là một người chồng tốt chứ không phải một tên đồ tể. Số tiền mặt tìm thấy ở nhà năm người này là bằng chứng rõ ràng về công việc của họ, nhưng chỉ là theo suy đoán chứ không làm sáng tỏ được trước tòa án.

Theo những vi ảnh thu được từ chiếc bật lửa tìm thấy trong căn nhà ở miền quê, MI5 nắm được giờ phát sóng các chương trình radio của Helen từ Matxcơva. Đó là khoảng thời gian từ 14 tháng tư năm 1960 đến 26 tháng một năm 1961. Vì việc giám sát dừng lại vào ngày 7 tháng một, ngày bị bắt, nên thời điểm phạm tội được xác định từ 14 tháng tư năm 1960 đến ngày 7 tháng một năm 1961. Tóm lại, tòa án xử các hoạt động của năm người liên quan đến vụ Portland chỉ trong tám tháng cuối, trong khi thực tế là bốn năm đối với Houghton và sáu năm đối với Lonsdale và nhà Kroger.

Các tấm hộ chiếu với nhiều tên khác nhau tìm thấy ở nhà Lonsdale và Kroger cho thấy họ sống dưới các bí danh. Thực chất thì họ là ai? Trong phiên sơ thẩm ở tòa Bow Street, ba người đã từ chối hợp tác và khai báo nhân thân thật sự. Cảnh sát Anh chỉ có trong tay ba kẻ lạ hoắc.

Cộng với ngữ điệu khá đặc biệt, cô vợ của Lonsdale gượng gạo giả thiết rằng anh ta gốc gác là người Matxcơva. Chỉ có thế, cô ta không bao giờ gọi tên chồng, chỉ nói “anh thân yêu”. Khi ký tên trong bức thư gửi cho vợ anh ta cũng chỉ ký một chữ “K”, (nghĩa là Konon). Anh ta tuyên bố sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, và người ta chỉ còn biết để anh ta ở yên chờ đợi trong nhà tù ở Brixton. FBI chỉ có thể xác định được nhân thân của anh ta vào cuối năm, khi anh ta chịu án.

Trong hai ngày, vợ chồng Kroger không chịu cho lấy dấu vân tay. “Tại sao chúng tôi lại phải đồng ý? - Helen cật vấn - Chúng tôi đâu phải là tội phạm”. Cuối cùng họ cũng bị khuất phục, thì dấu vân tay của họ giống hệt dấu vân tay của Leontine và Morris Cohen mà FBI đã có ở Scotland Yard năm 1957. Ngay cả khi không có các chứng cứ chống lại họ ở Mỹ, rõ ràng vợ chồng Kroger - Cohen là những người cộng sản Mỹ, viên chức của Liên Xô, chuyên gia dính líu vào các vụ gián điệp quốc tế. Nhận định này càng được khẳng định vì các visa được cấp trong các hộ chiếu giả chứng tỏ việc họ đi lại Châu Âu thường xuyên. Hơn nữa, do Heckenschytze Goleniewski đến từ “vùng lạnh” nên những cơ quan Anh quốc thu thập được quá ít bằng chứng so với yêu cầu.

Chứng cứ buộc tội các bị cáo không phải là đã xâm phạm Cơ quan mật vụ mà đúng hơn là “chúng đã cùng nhau mưu phản và đồng lõa với những kẻ lạ mặt khác” để ăn cắp. Thuận lợi trong phiên tòa hình sự là chứng cứ kia chỉ là những bằng chứng trạng huống chứ không thể kết vào mức án cao nhất. Như vậy, nếu các bị cáo bị kết án là có tội họ có thể phải chịu án tù mười bốn năm là mức án tối đa vì tội ăn trộm bản báo cáo. Có vẻ như Bộ Công cộng muốn họ được canh giữ thật lâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:57:39 pm »


Phiên tòa diễn ra ngày 13 tháng 3 năm 1961, tại phòng nhất ở Old Bailey, chính xác là Tòa hình sự trung ương. Chủ tọa phiên tòa là luật sư Parker, Chủ tịch thứ nhất Tòa án tối cao nước Anh. Vào thời kỳ này, không được quay hình tại các phiên tòa nhưng có buổi mở rộng cho một số người có vé vào cửa và cho rất đông báo giới. Ngài Regignald Manningham Butler, Tổng kiểm sát trưởng của Hoàng gia, đanh thép đọc bản luận tội. Trong phiên tòa, ông cho những tên gián điệp xem các bức ảnh lấy được từ ngôi nhà ở quê, đọc các bức thư gửi từ Nga của một người vợ bao dung. Các chuyên gia đưa ra các phân tích về các buổi phát thanh trên làn sóng ngắn, các tấm vi ảnh, ảnh và các mã số. Các nhân viên cảnh sát, những người theo dõi vợ chồng Kroger từ hồi còn ở gác thượng nhà Search (người hàng xóm ở đối diện), trong đó có cả một nhân viên tình báo đáng ngờ Smith và một “cô K” bí ẩn nào đó, tới phiên tòa để kể lại những thời điểm quan trọng trong quá trình theo dõi khi họ quan sát thấy những hình bóng lạ gặp gỡ và trao đổi với nhau các gói hàng. Suốt thời gian đó, các bị cáo ngồi trước vành móng ngựa: Lonsdale bình thản, vợ chồng Kroger điềm tĩnh, Harry và Bunty vững vàng.

Kết luận của Bộ Công cộng: mạng lưới gián điệp Portland đã âm mưu đánh cắp các bí mật về vũ khí dưới biển của l’Etablissement chuyển về nước Nga. Tóm lại, tinh thần chung của vụ việc là các nhân viên nội gián, Houghton và Gee, không tiếp cận được các tài liệu nguyên tử như vậy thì không thể cung cấp cho Lonsdale được. Tội trạng rất nghiêm trọng, nhưng có thể bào chữa được.

Tất cả các bị cáo đều biện hộ không có tội. Cô Gee lên nói đầu tiên. Trước tang chứng, cô tỏ ra hoàn toàn vô tội mà khai trước tòa rằng cô lấy các báo cáo về các cuộc thử nghiệm và các tài liệu khác ở AUWE theo lời của Houghton để ông ta nghiên cứu và chụp ảnh, và cô ta thấy chuyện đó là hoàn toàn hợp lý. Khi tòa hỏi ngược lại, cô ta thừa nhận việc Houghton trao tài liệu cho Lonsdale, rằng bây giờ thì cô ta hiểu là ông ta đã “nhầm to”, nhưng vẫn khẩn khoản, “lúc đó tôi không nghĩ việc đó lại gây ra tội”. Các báo sau đó thuật lại không hiểu đầu óc cô ta có bình thường không.

Tiếp theo đến lượt Harry Houghton đứng trước vành móng ngựa. Lời khai của cô Gee đã được ghi nhận: “Tôi đã đưa cô ấy vào thế khó xử”. Và ông ta kể lại câu chuyện đáng sợ vì sao ông ta bắt buộc phải trao các bí mật hải quân cho những người ám muội mà ông ta cho là người Ba Lan. Chúng khiến ông ta sợ hãi, cho đám găngxtơ đánh đập ông ta, nhưng ông ta chỉ cung cấp các tài liệu không có giá trị. Tháng sáu năm 1960, ông ta được tiếp xúc với Alexander Johnson, ông này đã giúp cho ông ta thoát khỏi bọn Ba Lan kia. Houghton thừa nhận đúng là ông ta đã vi phạm luật pháp nhưng mong tòa chiếu cố đến hoàn cảnh bấy giờ: ông ta bị hành hung, cô Gee bị đe dọa, ông ta không biết Johnson là ai và cũng chưa bao giờ gặp vợ chồng Kroger.

Gordon Lonsdale và vợ chồng Kroger được phép ngồi tại ngăn bị cáo, không phải tuyên thệ trước tòa. Lonsdale không hề có ý định chối tội mà ngược lại, còn đứng ra nhận trách nhiệm về “tội gián điệp”. Những giải thích về các vấn đề nghe rất hợp lý, sáng tạo: Là bạn của vợ chồng Kroger, anh ta cất giữ những đồ đạc có giá trị tại nhà họ vì mọi người có thể vào được phòng của anh ta trong nhà trắng. Những cọc sách lậu, những sơ đồ ám hiệu, v.v.. tất cả đều là của Lonsdale. Chính anh ta đã dùng phòng tắm nhà Kroger làm phòng tối, lắp điện đài trong bếp nhà họ. Anh ta làm hộ chiếu giả để phòng trường hợp việc cất giữ có trục trặc. Anh ta kết luận: “Điều tối thiểu mà tôi có thể làm được là xin nhận trách nhiệm về các hành động của mình”. Vậy là anh ta đã vào vai rất tốt.

Peter Kroger tiếp mạch khai báo của Lonsdale: “Điều tôi biết là những gì Lonsdale nói đều là sự thật”. Kroger nhắc lại rằng ông ta chỉ là người bán sách và phải làm việc vất vả với sự trợ giúp của vợ. Để chứng minh, bằng giọng nói chậm rãi và mạnh mẽ, ông mô tả chi tiết những công việc nghề nghiệp, không quên nhắc nhở rằng ông là hội viên của Hiệp hội sách Antiquarian. Ông không hề biết gì về những thứ bạn mình để trong nhà ông. “Cả tôi và vợ tôi đều không mang tội làm gián điệp, ông nhắc lại, cũng không làm gì vi phạm luật pháp cả”.

Helen trả lời cùng một kiểu cách. “Tôi chăm nom nhà cửa và giúp chồng làm ăn.Tôi không biết gì hết, cũng chưa bao giờ nghe nói đến những chuyện gián điệp như thế này”.

Dù ý chí của họ gây được cảm tình nơi dư luận, nhưng cả ba người đều không có cơ hội nào thuyết phục bồi thẩm đoàn. Thứ tư, ngày 22 tháng 3, sau một tiếng rưỡi luận thảo, bồi thẩm đoàn tuyên án năm người có tội. Tình báo viên Smith đưa thêm thông tin: nên biết rằng không hề thấy một báo cáo nào liên quan đến Lonsdale nhưng vợ chồng Kroger chắc chắn là Cohen. Về Lonsdale, Smith nói: “Không xác định được nhân thân của anh ta nhưng tôi chắc chắn không phải như anh ta khai báo. Theo tôi, anh ta là người Nga, nhân viên mật vụ Nga”.

Hôm nay Lonsdale mặc một chiếc áo vải len rủ. Nghe vậy anh mỉm cười.

Sau đó, vụng về trong chiếc áo choàng cao quý, Chủ tọa phiên tòa công bố bản án. Hai mươi lăm năm đối với Lonsdale, đầu não mạng lưới gián điệp; Hai mươi năm đối với vợ chồng Kroger vì họ là cấp dưới, lại nhiều tuổi hơn; Mười lăm năm đối với Houghton với ghi nhận là “tên tội phạm nguy hiểm” nhưng là người già nhất, không thể để ông ta chết trong tù; Mười lăm năm đối với Gee dù cô này cứ nhất mực với ngài nghị sĩ Parker rằng mình vô tội. Vụ xử án gián điệp đình đám khép lại sau tám ngày xét xử.

Vợ chồng nhà Kroger đón nhận hình phạt nặng nề với vẻ bình tâm. Houghton và Gee có vẻ sốc. Lonsdale mỉm cười tin tưởng. Đó là thái độ bất chấp hay anh ta biết có điều gì sẽ xảy ra?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:58:23 pm »


Ra khỏi nhà tù như thế nào?

Có lẽ Lonsdale biết rằng, là công dân Xôviết bấy lâu, Trung tâm sẽ không để anh ngồi hết hai mươi lăm năm sau song sắt. Tất nhiên KGB không thể cướp tù hay giúp anh trốn tù, nhưng có thể có phương án theo con đường ngoại giao. Có lẽ Lonsdale nhớ đến Gaik Ovakimian, “viên công sứ” của NKVD ở New York bị FBI bắt giữ nhưng được trả lại cho Matxcơva bằng việc đổi lấy năm người Mỹ bị giam ở Matxcơva hồi chiến tranh. Cũng có thể làm như vậy đối với trường hợp của anh: người Mỹ và Anh vẫn hay gây ra những chuyện phiền toái trên đất Nga.

Tuy thế cần phải biết kiên nhẫn. Năm 1957, khi Rudolf Abel, ở New York, bị buộc tội gián diệp và một số tội danh khác nữa, luật sư của anh ta là James B. Donovan không chịu chấp nhận án tử hình với biện luận là để Abel sống sẽ có lợi hơn trong tương lai đối với Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra ư, anh ta hỏi thầm, nếu một người Mỹ ở bên kia bức màn sắt cũng gặp tình huống tương tự? Abel đã thừa nhận quốc tịch Liên Xô, có thể là dùng tiền để mua chuộc. Bồi thẩm đoàn đã ỉm đi bộ hồ sơ bốn mươi nhăm năm làm gián điệp mà thực tế phải là năm mươi tư năm. Abel thụ án năm năm trong nhà tù Atlanta trong khi luật sư của anh ta tìm cách thỏa hiệp. Thực ra Abel được đổi bằng Gary Powers, phi công máy bay do thám U2 bị bắn hạ gần Sverdlovsk hai năm trước đó, một nghìn hai trăm dặm trong lãnh thổ Liên Xô.

Một khi đòi lại được Abel, Trung tâm có thể đổi người trong trường hợp của Lonsdale. Vấn đề là phải tìm được đối tượng tương hợp để tiến hành với phía Anh. Người Mỹ cần Gary Powers vì cần biết những người nào trong ê kíp tình báo đã bị bắt giữ do máy bay bị bắn rơi. (Đã có tin xác nhận là số lượng này khá lớn). Vì vậy phải tìm được một gián điệp át chủ, như Abel, để đổi lấy Gary Powers. Chỉ có điều Liên Xô không nắm trong tay tù nhân Anh nào tương đương Lonsdale, cho đến năm 1962, mà Matxcơva chỉ có bắt giữ thương gia Greville Wynne, nhân vật đầu mối liên lạc của MI6 với Oleg Penkovski, viên đại tá của GRU đã chuyển cho phương Tây các thông tin bí mật về lắp đặt tên lửa Xôviết. Winne bị kết án tám năm trong khi Penkovski bị xử bắn. Người Anh thừa nhận Wynne không phải là viên tình báo già dặn tương xứng với Lonsdale nhưng thiện cảm và cả mong muốn làm thay đổi lịch sử là những cân nhắc có tính quyết định tương đối. Và họ đã trao đổi Lonsdale lấy Wynne vào tháng tư năm 1964.

Kể từ đó, thấy mình có trách nhiệm đối với vợ chồng Kroger, Lonsdale tìm cách nói cho họ ở Loubianka. Anh nhắc nhở các sếp lớn rằng vợ chồng họ quan trọng đến nhường nào, họ đang nắm giữ những bí mật gì, họ đã hoàn thành những nhiệm vụ như thế nào. Có điều, hoàn cảnh của đôi vợ chồng này khá phức tạp. Họ không phải công dân Xôviết cũng không phải người Anh. Họ là người Mỹ, bị FBI truy tìm. Tuy nhiên, có thể lấy vỏ bọc công dân Ba Lan mà không bị dẫn độ. Từ đây, ai có thể thương thuyết với nhà cầm quyền Anh để thả vợ chồng Kroger về cho Nga?

Lonsdale không ngồi yên chờ đợi mà bắt tay vào hành động. Năm 1965, ông xuất bản cuốn hồi ký bằng tiếng Anh lấy nhan đề Một gián điệp: hai mươi năm trong cơ quan mật vụ Xôviết, trong đó phân tích những lời khai của mình ở tòa và khẳng định lại sự vô tội của vợ chồng Kroger trong vụ Portland. Nếu là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nhà cầm quyền Anh đối với hai vợ chồng thì ý định của Lonsdale đã thất bại.

Bởi trong ý thức của người Anh, vợ chồng Kroger được liệt vào danh sách những gián điệp đầu sỏ. Còn lại, trong cuốn sách của mình, Lonsdale chỉ trích nặng nề xã hội Anh. Anh cũng nhắc đến phòng thí nghiệm Porton và dọa sẽ cho cả thế giới biết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 10:59:29 pm »


Tháng tư cùng năm 1965, một thầy giáo trẻ người Anh dạy tiếng Nga ở Trường cao đẳng Holbom tại Luân Đôn tên là Gerald Brooke đã bị bắt và bị kết án năm năm vì tội phân phát truyền đơn cho một tổ chức chống Liên Xô khi dẫn một đoàn khách du lịch nước ngoài thăm quan Maxcơva. Dư luận Anh xao động nhưng có thể làm gì đây? Anh ta phạm tội và vào tù là đương nhiên.

Trong thời gian này, vợ chồng Kroger đang chịu án. Helen ở nhà tù nữ Stile ở Cheshire. Peter ở nhà tù Strangeway ở Manchester. Điều kiện sống đối với cả hai người tương đối khắc nghiệt. Bị coi là những người phải được canh giữ đặc biệt, hai người bị giám sát hai mươi tư trên hai mươi tư giờ. Họ phát ốm và bất bình kháng nghị yêu cầu cải thiện cuộc sống. Peter bị lên đinh nhọt có lẽ do lạnh và do nơi ở không được đảm bảo vệ sinh. Ông được đưa về chữa trị ở nhà tù Wormwood Scrubs của Luân Đôn rồi chuyển sang Parkhurst trên đảo Wight. Tại đây, ít ra thì ông còn có thể trồng được một vườn rau. Ông viết đơn kiến nghị cho vợ gửi lên Margaret Thatcher, khi đó là thành viên Nghị viện. Ông có nhận được một hồi âm xã giao nhưng không có bất kỳ cải thiện nào.

Vợ chồng Kroger viết nhật ký, trao đổi thư từ, tự chăm lo cho mình trong mức độ có thể. Từ mùa xuân năm 1964, Peter bắt đầu nhận được thư của “Arnie Perfiliev” từ Ba Lan - Lonsdale cũng đã lấy vỏ bọc Ba Lan. Các bức thư do Lonsdale viết, tất nhiên, nhưng ban kiểm duyệt không giữ lại. Kiên trì khẳng định mối quan hệ của họ như anh đã bày tỏ trong phiên tòa, Lonsdale cam đoan với Peter rằng anh sẽ giúp họ thoát khỏi tình trạng hiện nay. Anh gửi lời chào của vợ mình tới Peter, lời chào của “em Arnie”, xuất hiện khi Lonsdale bị vào tù. Peter là người đỡ đầu.

Ba năm sau, Helen bắt đầu nhận được thư của người “chị họ” Maria sống ở Wawelska, Varsovie. Thực ra là Youri Permogorov, nhân viên phòng đối ngoại của Trung tâm đã viết các bức thư này. Thư là những nhân vật và sự kiện tưởng tượng và phải dịch lại như thể truyện ngụ ngôn của Ésope.

Tới đầu năm 1969, Helen nhận được một bức điện tẻ ngắt của bà chị họ không có thật viết: “Năm nay, chúng ta uống rượu vang với cậu Nicolas, rượu làm từ loại nho cậu trồng trên đất Lublin”. Vợ chồng Kroger hiểu ý nghĩa của bức điện đó. Ngày nào họ cũng đọc đi đọc lại câu ấy, tưởng tượng đến ngày có tin vui và biết rằng Trung tâm đang xúc tiến việc giải thoát họ.

Tháng bảy, báo chí Anh đưa tin rụng rời. Gerald Brooke bị kết tội âm mưu trốn tù cùng với một tù nhân khác và giờ đây hình phạt sẽ tăng thêm bảy đến mười lăm năm. Dư luận Anh như sôi lên. Các chương trình truyền hình đưa tin về Brooke đến mọi ngóc ngách, sự đợi chờ dằng dặc của cô vợ Brooke trở thành niềm đau đai dẳng đối với cả dân tộc. Các chính trị gia không mong cứu được anh ta ra khỏi tù. Đến lúc này, người ta nhớ tới vợ chồng Kroger.

Trong quá trình đàm phán, ngoài Brooke, phía Liên Xô còn đồng ý trả lại hai thanh niên Anh bị kết tội buôn bán ma túy trên đất Nga. Để đảm bảo thỏa hiệp, bốn công dân quốc tịch Anh, đến lúc đó bị dồn nén về sinh lý, được vào Liên Xô kết hôn với công dân Xôviết. Các chính trị gia của Luân Đôn bấn lên nhưng không có phương án nào khác. “Đó là cái giá phải trả cho chính sách nhân đạo của chúng ta”, họ rên lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2008, 11:00:21 pm »


Vậy là ngày chủ nhật, 25 tháng mười năm 1969, độc giả của tờ Times được đọc trên trang nhất bản tin sau:

VỢ CHỒNG NHÀ KROGER HẠ CÁNH AN TOÀN.

Varsovie, 24 tháng mười. Hôm nay, hai gián điệp Xôviết là Peter và Helen Kroger đã được trả tự do, họ liên hoan ăn mừng và đùa vui về những năm đã qua trong nhà tù nước Anh.

“Thật tuyệt vời được gặp lại xã hội loài người”, bà Kroger nói khi nhìn quanh toa hạng nhất trên chiếc “Trident” của hãng British European Airways sáng nay sẽ chở họ từ Luân Đôn về Varsovie.

Bước tiếp theo của bản giao kèo ký kết với Liên Xô, vợ chồng Kroger nhân vật chính trong mạng lưới tình báo ở Portland đã được thả sau tám năm thực hiện bản án hai mươi năm tù, thông qua việc đổi Gerald Brooke, một giáo viên bị tù ở Nga vì tội tuyên truyền chống Liên Xô.

Khi chiếc “Trident” cật cánh từ sân bay Luân Đôn hướng đến Ba Lan, vợ chồng Kroger vui vẻ chuyện trò với phi hành đoàn.

“Hôm đó là ngày 24 tháng bảy, chúng tôi được biết mình sắp được tự do”. Kroger kể (lúc đó ông sáu mươi ba tuổi) “nhưng trước khi được thả, chúng tôi được phép đột xuất gặp nhau”. Bà Kroger, năm mươi nhăm tuổi, nói thêm: “Lần nào gặp nhau, ông ấy không bao giờ nói được lời yêu tôi...”

Ông chồng nhìn vợ mỉm cười và trìu mến nói: “Hay lắm, bây giờ tôi yêu mình...”.


Khi đến sân bay Varsovie, người ta đề nghị các nhà báo không được chụp ảnh. Họ được cảnh sát hộ tống ra về bằng minibus.

Trước khi ra khỏi máy bay, Peter Kroger hướng về các nhà báo sẽ quay lại Luân Đôn vẫy tay nói: “Nhờ các anh chuyển lời chào của tôi tới tất cả các bạn ở Parkhurst”.

Ông đã có bữa cơm thân mật chào tạm biệt các bạn tù. Không ai nghĩ rằng vợ chồng họ sẽ đi Matxcơva.

Ngay sáng hôm sau, họ lên máy bay bay đến sân bay Cheremetievo của Matxcơva. Tại đây họ gặp lại Alexandre Korechkov, lớn hơn mười sáu tuổi, một người khá gần gũi, còn có một người không quen, cao lớn và lịch thiệp là Youri Permogorov. Có một người vồn vã giới thiệu bằng tiếng Anh là em họ của Helen đã bị mất tích lừ lâu. Mọi người rất vui, ô tô đã đợi sẵn. Họ đến một ngôi nhà kín đáo, nghi lễ đón tiếp dành cho những người anh hùng. Peter và Helen bước vào, bạn bè vui mừng chào đón: Mark, Ben, Johnny và Anton. Vì nguyên tắc, Fisher, Molody (Lonsdale), Yatskov và Kvasnikov không muốn xuất hiện ở sân bay do ngại các nhà báo phương Tây săn đuổi. Kế hoạch được thực hiện nghiêm khắc từ đầu đến cuối.

Một năm sau, vào tháng năm, hai người cuối cùng trong mạng lưới Portland, Harry Houghton và Elizabeth Gee, được trả tự do. Họ cưới nhau vào năm sau đó. Năm 1972, Houghton xuất bản cuốn tự bạch nhan đề Portland – Tự truyện của một tình báo viên. Theo đó, câu chuyện của ông bắt đầu ở Ba Lan, khi ông “theo đuổi một cô nhân tình ở bên kia bức màn sắt”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 11:16:19 pm »


“CÔNG NHẬN”

Công trạng của vợ Chồng Kroger cuối cùng cũng được công nhận. Dưới đây là bản trích lục hồ sơ 13676:

Quyết định

Do đã hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt của Ủy ban an ninh Quốc gia trong điều kiện hết sức khó khăn ở các nước tư bản, vì lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trong công việc, trao tặng Huân chương cờ đỏ cho những người có tên sau đây:

Cohen, Morris

Cohen, Leontine


Ký tên: Podgorny, Chỉ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô

M. Gueorgadze, thư ký điện Kremlin

17 tháng 11 năm 1969

Ngay sau quyết định này, các thủ tục để nhập quốc tịch Liên Xô cho vợ chồng Kroger Cohen bắt đầu được tiến hành. Một lần nữa Mikhail Souslov phản đối nhưng Youri Andropov, Giám đốc mới của KGB cho qua phản ứng này. Vậy là vợ chồng Kroger thực sự đã ở nhà mình ở Matxcơva.

Họ bắt đầu đi du lịch khắp đất nước. Sau đó, họ ôn lại và chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết với các thực tập viên trẻ tuổi của KGB. Nhưng cuối cùng họ về hưu và sống ẩn dật dưới tên khác, không phải Kroger cũng không là Briggs hay bất kỳ bí danh nào trước đây. Peter không có ý định học tiếng Nga đủ để giao tiếp với người Matxcơva gốc, những người góp phần không nhỏ trong việc tách ông khỏi cuộc sống bên ngoài. Còn Helen, mặc dù đã nói được kha khá tiếng Nga vẫn ở nhà để chăm sóc cho chồng.

Trong những năm 80, sức khỏe của hai người bắt đầu suy giảm, nhất là Peter. Tóc đã bạc, ủ ê và im lặng, ông ngồi đó, hai đầu gối đau mỏi trùm chăn, muốn đi đâu thì có hai chiếc gậy chống bên cạnh. Trong nhà có một chị tạp vụ quét dọn nhà cửa, đi chợ và làm các việc nhà cửa khác.

Họ sống ở phố Arbat trong khu nhà rất đẹp dành cho các nhà du hành vũ trụ, các nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng. Vì trước họ chưa có ai có hoàn cảnh tương tự, hai vợ chồng ít kết bạn. Khách thăm nhà họ chủ yếu là người của KGB, và hàng xóm không khó gì nhận biết điều này. Mỗi khi có khách, nhà như có hội. Helen pha trà, đon đả, nói bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh. Vậy là hai vợ chồng thấy mình ở nhà của mình ở Matxcơva, họ biết rằng mình không phải là người nước ngoài xa lạ ở đây. Các nhân viên mật vụ rất coi trọng hai vợ chồng.

Căn hộ của họ có ba phòng lớn - sảnh trước với các kệ sách tiếng Anh, phòng khách cũng được xếp đầy sách tiếng Anh từ sàn đến tận trần nhà, rồi phòng làm việc của Peter. Là chưa kể nhà bếp, phòng ngủ và phòng tắm. Tuy ngôi nhà không bày biện nhiều đồ Liên Xô song vẫn khá giản dị. Tường và ri-đô treo ảnh của hai vợ chồng trong suốt năm mươi năm cưới nhau, ảnh Youri Andropov, Gordon Lonsdale và ở vị trí danh dự là ảnh của Rudolf Abel.

Như đã dẫn trong phần giới thiệu cuốn sách, tôi bắt đầu tìm hiểu về vợ chồng Kroger, mở đầu bằng việc nghiên cứu hồ sơ số 13676. Lúc đầu, khi được hỏi, cả Anatoli Yatskov, Vladimir Barkovski, Youri Sokolov và những quân nhân khác của KGB đều ngạc nhiên: “Liệu chúng ta có thể viết về những thông tin mật như vậy được không? Không được đâu”. Nhưng khi tôi trình bày là mình đã được phép của Vladimir Krioutchkov, Giám đốc KGB, mọi việc trở nên thuận lợi hơn nhiều. Vì biết là tôi đã được bật đèn xanh, từ chỗ e dè ban đầu, họ đã hứng thú trả lời các câu hỏi, và bằng kinh nghiệm, họ đã giúp tôi bắt vào được những vấn đề chưa được ai nói đến trong vụ Enormoz.

Tuy nhiên, vợ chồng Kroger giữ ý một cách đáng ngạc nhiên. Họ trầm tĩnh và bình thản, cứ như thể một cuốn sách viết về những chiến công của họ chỉ là một giai đoạn mới trong cuộc đời sóng gió kỳ lạ của họ. Dù vậy, mỗi lần đến thăm họ tôi lại thấy chút hài hước mới, sự vui vẻ tăng thêm. Vào thời điểm đó, Peter đang nghiên cứu một tác phẩm lịch sử, thay vì đôi kính, ông tỉ mỉ với cuốn sách dày cộp bằng một chiếc kính lúp. Cuốn sách ấy cũng như bao cuốn khác nằm trên giá có thể không bao giờ được xuất bản. Theo nghĩa nào đó, ông đang chờ đợi giờ khắc của mình. Từ nay, với sự giúp sức của tôi, ít nhất là ông có thể nói với thế giới về những gì hai vợ chồng ông đã hoàn thành vì chính nghĩa của những người Xôviết, và những nguyên do khiến họ làm như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 11:17:34 pm »


Khi trả lời các câu hỏi của tôi, hai người lần lượt nhớ lại New York, Paris, Luân Đôn. Peter ghim lên tường tấm bản đồ New York lớn, không hiểu ông lấy ở đâu ra. Bằng chiếc que chỉ dài, ông đánh dấu những lộ trình mà Helen và ông vẫn đi ở Manhattan.

Ông không che giấu được niềm nhớ thương Châu Mỹ sâu sắc và lúc nào cũng đau đáu nỗi buồn vì bố mẹ ông đã mất. Helen vẫn vơ vẩn thấy đôi bờ Hudson với những xúc cảm không dễ kiềm chế.

Nhờ vào bước mở đầu của tôi, các nhà báo khác bắt đầu công khai những chiến công của vợ chồng Kroger. Trong những năm sau đó, họ được phỏng vấn nhiều lần, chủ yếu trên kênh truyền hình. Lần đầu tiên là cuộc gặp gỡ bằng tiếng Anh, ghi âm ngày 25 tháng 10 năm 1989. Sau một buổi phỏng vấn liên miên, do những vấn đề kỹ thuật chồng chéo, băng vidéo không xem được nữa nhưng băng ghi âm vẫn còn nguyên, chỉ bị vấp hai ba chỗ. Băng ghi âm đó ngày nay rất có giá trị, là chuyện kể rõ ràng nhất của vợ chồng Kroger về sự nghiệp chung của họ.

Trong cuộc phỏng vấn này, hai vợ chồng Kroger nói chuyện liên miên hết chuyện này chuyện khác, như vốn dĩ những người sống có nhiều kinh nghiệm vẫn hay như vậy. Khi đó, họ không rõ mình đang nói đến đâu, thậm chí cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng sau khi sắp xếp lại, kịch bản được hoàn chỉnh rất chặt chẽ. Những chỗ thiếu đã được bổ sung, chỉnh lược và sắp xếp các phần của câu chuyện theo trình tự thời gian. Đây là tư liệu xác thực nhất, và đặc biệt sống động về cuộc đời của hai siêu điệp viên.

Tôi xin dành chương cuối cùng này để nói một cách cụ thể hơn về câu chuyện mà chúng ta đã biết. Đây là câu chuyện về vợ chồng Kroger, do chính họ kể lại:


Phần mở đầu. 1931-1936

Helen. Tôi là một người cách mạng. Ngay từ khi còn trẻ tôi đã là người cách mạng. Mười lăm tuổi tôi được kết nạp vào Đảng xã hội. Nhưng tôi đã từ giã Đảng đó vì ở đó là những người luống tuổi chỉ muốn lợi dụng tôi. Khi đó tôi rất xinh đẹp. Tôi tự nhủ: “Đảng viên xã hội gì những kẻ đó chứ?” Và tôi ra đi. Sau đó tôi được kết nạp vào Đảng cộng sản. Đảng muốn gửi tôi đến trường trung học. Ồ, đó là cả một câu chuyện dài. Đảng đã tiến cử tôi thật cẩn thận...

Peter. Tôi lấy bằng tú tài ở Mississipi, nơi suốt bốn năm trời tôi đi đi về về. Mùa hè năm đó, tôi trở lại New York làm việc. Tôi là nhân viên phục vụ ở bãi tắm, hay như các bạn gọi là trại hè. Ở đó ta gặp những người công nhân, những người thuộc tầng lớp bình dân như giáo viên, trí thức. Vào thời điểm đó, tất cả mọi người đều nói đến chính trị. Nạn thất nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến hai mươi triệu người. Các chủ trang trại đổ sữa đi. Họ không chịu bán hai trăm một galon sữa hay bán năm trăm một livơ dưa hấu. Thế là họ đổ cả xuống sông. Họ tự tay mang đồ ra sông để đổ, chủ các nhà máy bị phá sản hoàn toàn trắng tay. Đó là... thời kỳ đó đúng là như thế.

Helen. Phải nhắc đến khủng hoảng năm 1929.

Peter. Đúng thế, do đó, từ đó... Chúng ta đang nói đến vấn đề đó. Với riêng tôi, họ đọc báo xã hội ở Mỹ và nhìn chung họ theo chủ nghĩa xã hội. Chỉ có điều họ không đào sâu vấn đề như tôi hay Helen.

Và tôi được kết nạp vào Hội thanh niên cộng sản của Trường Đại học Illinois vì tôi dự định học ở Illinois mà. Tôi muốn học hệ cao cấp nhưng thực sự tôi đâu có làm được đến nơi đến chốn. Vì sao ấy à? Tôi tham gia các hoạt động quân sự của Hội thanh niên cộng sản, ở trong ban tổ chức của hội. Khi đó người ta không nói “bí thư” mà là “người tổ chức”. Có cả một tổ chức bí mật của Đảng bao gồm giáo giới. Có một sinh viên là thành viên của tổ chức. Sau một vài tháng, người ta đề nghị tôi gia nhập tổ chức.

Khi đó, chúng tôi định xây dựng một nhà... một quán cà phê. Ở Illinois có một quán nhưng đã đóng cửa vì bị phá sản. Ăn ở đó là người lao động da đen. Ngày xưa chúng tôi nói là “người da den” chứ không nói “người Mỹ gốc Phi” như bây giờ.

Helen. Không, bây giờ người ta gọi họ là “da đen”. “Nègre” là một từ dành riêng để chỉ người da đen.

Peter. Phải rồi. Và chúng tôi tiếp xúc thân thiện với họ. Anh biết đấy, tình bằng hữu rất quen thuộc trong các trường đại học của Mỹ. Sinh viên thân nhau sống cùng trong một tòa nhà mang những cái tên thể hiện tình cảm ấy của họ.

Vậy là quán cà phê bị phá sản. Chúng tôi đến, sửa mới lại tất cả, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên giúp chúng tôi nhiều. Sau đó, dọn rửa và chuẩn bị kinh doanh. Tuyệt nhiên không phải vì tiền. Không có gì khác ngoài các bữa ăn, và chỉ cần ăn để sống, không cần gì khác. Tôi đã sống như thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 11:19:37 pm »


Helen. Sống bên lề sự trầm uất.

Peter. Sao cơ?

Helen. Sống bên lề sự trầm uất.

Peter. Phải... chúng tôi, những người cộng sản trẻ tuổi đã bắt được với tình đồng chí. Chúng tôi chiến đấu cho đến mùa hè. Các lãnh tụ không chính thức công nhận chúng tôi, ý là chủ tịch của Liên minh đại học. Trường Đại học Illinois có chi nhánh ở Champaign, Urbana và Chicagô.

Một lần, chúng tôi làm việc suốt đêm với máy dập, máy dán để in truyền đơn. Thế đấy, suốt cả đêm... Cuối cùng, chúng tôi cũng thành công với hàng trăm truyền đơn. Từ sáu giờ sáng, tôi đi ghim, đi dán truyền đơn. Còn bảo vệ của trường theo sau để bóc. Tôi cứ dán, rồi truyền đơn lại bị bóc.

Cho tới một ngày tôi nhận được giấy gọi của chủ tịch trường. Có một cậu bạn cùng họ với tôi nhưng tên là Milt. Cả hai chúng tôi, anh có tưởng tượng được không, cả hai đều bị coi là ong trong tay áo. Chúng tôi đến nơi. Và kìa, trong văn phòng ông chủ tịch có mặt ban lãnh đạo của trường. Bầu đoàn là đại diện của những phòng ban quan trọng nhất Illinois. Ông chủ tịch nói thẳng với chúng tôi... Có cả người đứng đầu hội bằng hữu là sinh viên. Họ đều xuất thân từ những gia đình giàu có. Ông chủ lịch bảo: “nếu các anh không dừng hoạt động, chúng tôi sẽ đuổi học”.

Nhưng chúng tôi không dừng lại. Mà tiếp tục cho đến khi ra đi vào tháng sáu. Các trường đại học bắt đầu đóng cửa vào khoảng cuối tháng sáu.

Helen. Để nghỉ hè.

Peter. Chúng tôi trở về nhà. Tôi tiếp tục làm việc trong mùa hè. Vậy tôi đồng thời là thành viên của Đảng và của Komsomol, Liên hiệp thanh niên cộng sản.

Ở New York, tôi đến với Đảng. Helen cũng là người của Đảng. Cả hai chúng tôi được kết nạp vào năm 1935. Nếu anh tính từ 1935 đến 1989, anh sẽ thấy thâm niên của chúng tôi trong phong trào.


Tây Ban Nha, 1937

Peter. Năm 1937, diễn ra cuộc mít tinh ở Madison Square Garden được sự ủng hộ của Cộng hòa Tây Ban Nha. Trước cuộc mít tinh, tôi và một vài người bạn vào một quán cà phê. Ở đây, một người bạn đã giới thiệu tôi với Helen. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp cô ấy. Tôi còn nhớ cô ấy mặc một bộ quần áo đồng màu, đội một cái mũ trông khá ngộ nghĩnh...

Hai tháng sau, tôi ở Tây Ban Nha. Có lẽ phải kể cho anh nghe chuyện này. Chúng tôi đi từ Pháp vượt qua dãy Pyrénés. Đảng Cộng sản Pháp đã chuẩn bị tất cả chuyến đi. Một cô bé mười hai tuổi chịu trách nhiệm dẫn đường suốt chặng đường sắt từ Paris đến chân dãy Pyrénés. Chúng tôi dừng chân ở một trang trại. Nhiệm vụ của cô bé rút lại là hướng dẫn bằng mắt những gì cần làm và nơi nào cần đi. Cứ như vậy mọi việc được sắp xếp đâu vào đấy. Đêm xuống, chúng tôi đi ngang qua núi, cho đến khi gặp các đồng chí trốn trong rừng cây. Chúng tôi mang loại giày vải đế cói đan của Tây Ban Nha để qua núi. Chúng tôi leo núi suốt một đêm. Cứ trèo lên, trèo lên mãi. Chỉ thấy mịt mùng xung quanh. Có đám người trông giữ những đàn gia súc và cả quân lính nên phải hết sức thận trọng. Không thấy một tia sáng nào, rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến được một cao nguyên, một cao nguyên như một chiếc bàn, từ đây chúng tôi bất ngờ nhìn thấy ánh mặt trời rọi trên Địa Trung Hải. Choáng người... Chúng tôi ngắm nhìn rồi tất cả cất lời hát Quốc tế ca, như một sự bùng nổ. Không ai ra lệnh, không gì cả. Rất tự nhiên, tự mỗi người cất tiếng hát Quốc tế ca.

Helen. Bình tĩnh nhé mình, Bobsy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM